Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

VÌ SỰ BÌNH YÊN CHO MỘT VÙNG ĐẤT bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯYANGSIN SỐ: 312 - THÁNG 8 NĂM 2018




Đại tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an huyện M'Drak 

Trên đường từ thành phố Buôn Ma Thuột về Công an huyện M’Drắk, Thượng tá Dương Tấn Bình - Phó trưởng phòng PX 15 nói với tôi: “Công tác ở một huyện có địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, dân di cư tự do vào nhiều, nhưng cán bộ, chiến sỹ ở đây làm tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội liên tục trong nhiều năm liền. Trưởng công an huyện là cán bộ có năng lực, trưởng thành tại chỗ, chắc chắn các nhà văn sẽ có nhiều đề tài để khai thác”. Mới nghe giới thiệu thôi, tôi đã thấy ấn tượng rồi, bao nhiêu kỷ niệm một thời với huyện M’Drắk ùa về...
Tháng 11 năm 1977 tôi được phân công về huyện M’Drắk dạy học, khi đến cây cầu 70, hai bên Quốc lộ 21A (nay đổi tên thành Quốc lộ 26), xác xe cháy chất đống chạy dài lên tận chân đèo 519. Phía sau những khung sắt hoen rỉ ấy là rừng già xanh xen cỏ tranh bạt ngàn, trải dài như vô tận. Thời ấy khoảng 17 giờ, không một chiếc xe tải, xe khách nào dám lưu thông qua đây vì sợ bọn phản động Fulro phục kích; có hôm mới hơn 16 giờ chúng đã kéo ra chặn đường, xả súng vào xe khách, giết người, cướp của ngay đầu cầu 70 - nay là ranh giới của hai huyện Ea Kar và M’Drắk. Còn hôm nay, nhà cửa san sát, nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên nhìn như một dãy phố kéo dài theo quốc lộ 26 lên tận đỉnh đèo 519. Cánh đồng mía xanh thẫm nối nhau trải dài thay thế cho cánh rừng già khi xưa nơi đây. Khung cảnh thay đổi như ngầm giới thiệu với người qua đường về một vùng đất thanh bình, trù phú.
Xe dừng trước cửa khu nhà làm việc cao tầng, sỹ quan trực ra tận xe chào đoàn và một người tầm thước, khuôn mặt nhìn phúc hậu, trên vai mang quân hàm đại tá, tươi cười bước ra đón đoàn, bắt tay từng người thật chặt. Khi bắt tay nhà thơ Hữu Chỉnh, vị đại tá xuýt xoa: “Bác có mệt không? Đường sá xa xôi, tuổi cao như thế mà vẫn về với các cháu, quý hoá quá”! Nhà thơ Hữu Chỉnh hóm hỉnh trả lời: “Tớ hai năm nữa mới tròn tám mươi, nhờ trời vẫn còn khoẻ cả sức đi và lực viết”. Mọi người cùng cười. Thượng tá Dương Tấn Bình giới thiệu với đoàn: Đại tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng công an huyện M’Drắk!
Trong căn phòng làm việc của Đại tá Trưởng công an huyện có hai chiếc bàn kê hình chữ T, sáu chiếc ghế tựa để hai bên vừa đủ cho sáu vị khách. Đại tá nhờ anh em lấy thêm chiếc ghế nhựa đặt cuối bàn, ngồi tiếp khách chứ không ngồi chiếc ghế của Trưởng công an huyện kê phía trong; chỉ một cử chỉ nhỏ đó thôi cũng để lại ấn tượng đậm nét trong lòng những người lần đầu đến tiếp xúc, làm việc; tạo tâm thế gần gũi, thân quen như người nhà lâu ngày gặp lại. Đại tá Nguyễn Quang Trung vui vẻ nói: “Đi đường xa mời bác, các cô, chú uống nước nghỉ ngơi một chút rồi ta lên hội trường làm việc”.

Hội trường trên tầng hai, các cán bộ chủ chốt của Công an huyện đã tập trung đông đủ đợi đoàn. Nhìn các sỹ quan đứng dậy chào chúng tôi, đa số còn rất trẻ, nhiều người tuổi đời chưa đến bốn mươi mà sao có nét quen quen như đã gặp ở đâu rồi, làm tôi có một chút bối rối, xúc động...
Ngày ấy cách đây tròn 35 năm tôi rời huyện M’Drắk đi học rồi chuyển công tác qua huyện khác; khi đi qua đây, chính tại nơi tôi đang ngồi chỉ là một ngôi nhà xây cấp bốn lợp ngói; còn phía sau có thêm mấy căn nhà gỗ lợp tôn, lợp ngói tạm bợ. Anh Y Pic - Trưởng công an huyện, anh Nguyễn Văn Hương - Phó công an huyện là những người cán bộ đầu tiên về nhận nhiệm vụ khi thành lập Công an huyện M’Drắk ngày 30 tháng 8 năm 1977. Sau này tăng cường từ ngoài bắc vào có thêm Trung uý Nguyễn Văn Huy và Thiếu uý Trần Xuân Tuyến... mấy anh em chơi thân với nhau lắm. Khi ấy bọn Fulro còn hoạt động mạnh, chúng liều lĩnh tấn công vào trường nội trú M’Drắk, đốt nhà dân, giết cán bộ... gây nhiều tổn thất. Nhưng với lòng dũng cảm, mưu trí, công an bóc gỡ dần các cơ sở ngầm, phát động quần chúng vận động những người lạc lối về đầu thú để nhận sự khoan hồng của chính quyền, cuộc sống nhân dân đi dần vào ổn định, từng bước xoá đói, giảm nghèo...
Đại tá Nguyễn Quang Trung “bật mí” hai bí quyết cơ bản để Công an huyện M’Drắk nhiều năm liên tục giữ vững danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”. Một là phát huy tính dân chủ trong cơ quan đơn vị, tạo sự đồng thuận cao độ và từ đó cán bộ chiến sỹ tự giác chấp hành nhiệm vụ, khuyến kích được các tài năng phát triển. Cũng từ dân chủ ta tìm ra nguồn cán bộ đủ tài, đức, uy tín với đồng đội để đề bạt cất nhắc đảm nhiệm các chức vụ trong cơ quan. Hai là đối với địa bàn phải có cơ sở mạnh, giúp ta nắm bắt, giải quyết ngay được những vần đề vừa mới nảy sinh mâu thuẫn từ cơ sở.
Nghe qua “bí quyết” thấy đơn giản quá, hình như cơ quan, đơn vị nào cũng đang thực hiện; nhưng để thật sự phát huy được dân chủ trong đội ngũ đảng viên, cán bộ chiến sỹ trong đơn vị không mấy dễ dàng. Người thủ trưởng đơn vị phải thực sự là thủ lĩnh, công tâm, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác thì trong mọi công việc mới phát huy được hết tài năng của anh em, gắn kết anh em thành một tập thể đoàn kết. Để thực sự là thủ lĩnh, đối với bản thân người chỉ huy phải luôn luôn rèn luyện, tu dưỡng: cần, kiệm, liêm, chính; thực sự là tấm gương sáng để đồng đội noi theo. Đối với đồng chí, đồng đội phải xem nhau như anh em trong một nhà, uốn nắn những cái sai, cái chưa được để làm cho đúng, cho tốt. Đối với công việc phải vui vẻ nhận khi được phân công, cố gắng hoàn thành tốt. Người chỉ huy thực hiện được như vậy anh em mới kính phục, tôn trọng và đó quả là một “bí quyết” hay, nhờ vậy hôm nay Công an huyện M’Drak mới có một tập thể mà đa số cán bộ còn trẻ, trưởng thành tại chỗ để đĩnh đạc đảm nhiệm những chức vụ trọng yếu trong cơ quan.
Để thực hiện “bí quyết” thứ hai Đại tá Nguyễn Quang Trung còn cho chúng tôi biết thêm, anh đã chỉ đạo thành lập các tổ ba người tại các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện nhà để kết hợp với chính quyền giải quyết ngay các mâu thuẫn mới nảy sinh từ chuyện sinh hoạt hàng ngày, chuyện vợ chồng, làng xóm... đến các mâu thuẫn lớn hơn như: đất cát, chế độ, chính sách, tín ngưỡng, tôn giáo... Chính nhờ vậy không còn hiện tượng khiếu kiện đông người, vượt cấp; nhân dân trên địa bàn yên tâm lao động, sản xuất, kinh doanh... Thêm một “bí quyết” của người lãnh đạo, lấy dân làm gốc, mọi việc được giải quyết ngay từ khi nó mới nảy sinh như ngọn lửa mới loé lên ta đã dập ngay, không để bùng phát, loang ra thành đám cháy lớn. Quả thật đây là một ý tưởng hay, thể hiện được bản lĩnh, sự nhạy bén đối với một công việc mà xã hội đánh giá là gai góc, nặng nề, và hết sức phức tạp, khó khăn.
Tôi làm nghề dạy học, rồi chuyển qua làm báo, viết văn và quản lý văn nghệ; trong thời gian 5 năm ở huyện M’Drắk tuy thời gian không nhiều với một đời người rồi phải đi xa lâu ngày, nay vì công việc trở lại đây nhìn ai cũng có nét quen quen. Cuối buổi làm việc, khi anh em đứng dậy ra về, Đại tá Nguyễn Quang Trung lại làm tôi bất ngờ khi giới thiệu: “Đại uý, thạc sỹ, Phó trưởng Công an huyện trẻ nhất trong số anh em lãnh đạo cơ quan là Bạch Văn Cường - con trai của Trưởng Công an huyện mới nghỉ hưu năm 2016”. Tôi bật kêu lên ngạc nhiên: “Con Đại tá Bạch Văn Trọng?” “Dạ, đúng rồi chú”. Thảo nào tôi thấy quen quá mà không nhận ra.
Buổi chiều, tôi đến thăm Đại tá Bạch Văn Trọng, anh ở nhà một mình. Lâu ngày gặp lại có bao nhiêu chuyện để nhớ về những người đồng đội một thời ở với nhau, người còn người mất, người nghỉ hưu về quê hay đã chuyển qua tỉnh khác... Tôi hỏi: “Quang Trung, Trưởng công an huyện con cái nhà ai mà em nhìn quen quen?” “Chú mày còn nhớ ông lái xe bệnh viện sau đó lái xe cho đội chiếu bóng ở cái xóm cũ nhà chú mày không?” À ra thế, thảo nào tôi thấy có nét quen như gặp ở đâu. Quang Trung bố lái xe, mẹ không có việc làm, nhà nghèo đông anh em, học xong phải đi làm kiếm sống và phụ với gia đình, sau trúng tuyển vào học Trường Trung cấp Công an, rồi phấn đấu, học thêm... Đại tá Bạch Văn Trọng cho biết: “Trung là người thông minh, xử lý tình huống táo bạo, với công việc luôn luôn nhận phần khó khăn nguy hiểm, nhường thuận lợi cho đồng đội. Một người thẳng tính, sống có tình nên anh em trong cơ quan kính trọng lắm”. Tôi hỏi thêm: “Anh có an tâm khi bàn giao trách nhiệm cho Quang Trung đảm nhận không?” “Khi làm công tác nhân sự Trung nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của anh em. Chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện, mình chủ động xin nghỉ hưu trước tuổi để tổ chức giới thiệu Trung thay và cơ cấu vào Thường vụ Huyện uỷ.” Câu trả lời của Đại tá Bạch Văn Trọng về người đồng đội thay mình đảm nhiệm chức vụ Trưởng công an huyện M’Drắk thật tế nhị và ngầm khẳng định niềm tin tưởng tuyệt đối vào thế hệ kế kiếp, gánh trọng trách khi được tổ chức phân công.
Sáng hôm sau, tôi gặp đồng chí Phạm Văn Khoa - Phó ban Tổ chức Huyện uỷ M’Drắk, đồng chí vui vẻ cho biết: “Khi em làm Kế toán trưởng Công ty Lương thực có nhận Quang Trung vào làm hợp đồng bốc vác cho Công ty, tuy là học trò vừa mới rời ghế nhà trường, sức khoẻ có hạn nhưng chịu khó lắm. Sau này đi học rồi về công tác tại Công an huyện, phấn đấu lên Đội phó, Đội trưởng, Phó rồi Trưởng công an huyện. Về chuyên môn thì bên em không đánh giá, nhưng về quan hệ, đối nhân xử thế, được anh em trong cơ quan cũng như ngoài cơ quan đánh giá là người có bản lĩnh, hoà đồng trong cuộc sống đời thường, nhưng với công việc hết sức nghiêm túc, xử lý công việc có lý có tình”.
Có lẽ tuổi thơ của người Đại tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng công an huyện M’Drắk vất vả, nhưng được tình thương yêu của bạn bè bố mẹ giúp đỡ, cưu mang; khi trưởng thành được về công tác tại chính vùng đất mà mình đã lớn lên, nên tất cả tâm trí, hoài bão của cả đời chỉ mong cho mảnh đất nơi đây được bình yên, để mọi người an tâm làm việc tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và chính ước mơ ấy đã thôi thúc anh hành động một cách quyết liệt trong công việc mà mình từng đảm nhận để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Mừng cho M’Drắk hôm nay đã “thay da đổi thịt”, phố huyện có nhiều nhà cao tầng. Người dân các xã vùng sâu, vùng xa như: Cư San, Cư Prao, Ea Trang M’Doal... đã có điện lưới quốc gia, trường học, trạm xá... phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Nhiều gia đình mua được ô tô, máy cày, xe máy và những trang thiết bị đắt tiền khác, cuộc sống vật chất ngày một được cải thiện và nâng cao, biến vùng đất khô cằn, cỏ tranh bạt ngàn ngày xưa thành làng quê trù phú, rộn rã tiếng cười.
Tuy nhiên M’Drắk hôm nay vẫn còn có hộ nghèo, đường giao thông nhiều vùng chưa thuận lợi do nhiều xã ở cách xa trung tâm huyện, trong vùng núi cao, suối sâu, đi lại khó khăn, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt... nhưng con người ở đây sống với nhau có tình làng, nghĩa xóm dù nơi sinh ở khắp 63 tỉnh thành cả nước. Có được điều đó vì liên tục nhiều năm liền tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội nơi đây được đảm bảo. Thành tích ấy là công lao của tập thể đảng bộ, chính quyền các cấp, nhưng vai trò người Công an là nòng cốt, quyết định. Và trong chiến công chung ấy, không thể thiếu vai trò người “đứng mũi chịu sào”, Đại tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk. Xin được lấy lời nhận xét của đồng chí Vũ Hữu Nhân - Quyền bí thư Huyện uỷ M’Drắk thay cho lời kết của bài viết này: “Đại tá Nguyễn Quang Trung, Uỷ viên thường vụ Huyện uỷ, Trưởng Công an huyện M’Drắk là người cán bộ có năng lực, hoà đồng với mọi người, tận tuỵ với công việc, có uy tín với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân. Luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ MOTIF “CHIỀU CHIỀU” TRONG CA DAO - lời bình của CAO VĨ NHÁNH - CHƯ YANG SIN SỐ 311 tháng 7 năm 2018






Liên quan đến buổi chiều, ca dao có nhiều cấu trúc phổ biến như: Chiều chiều, chiều hôm, chiều nay... “Chiều” là khoảng thời gian gần tối, trước khi bóng hoàng hôn đổ xuống, mang trạng thái tĩnh, hay gợi buồn.
Đây là thời gian rảnh rỗi nhất trong ngày, là thời điểm của gặp gỡ, đoàn tụ, trở về (con chim dáo dác bay về tổ, thuỷ triều cũng vội vã về với biển, con người cũng trở về với mái ấm, chỗ dựa của lòng mình là tình yêu và tình cảm gia đình). Ấy vậy mà vào thời điểm ấy, các chàng trai, cô gái cô đơn xa cách người thương, còn người phụ nữ lấy chồng xa quê thì bơ vơ nơi đất khách quê người. Vì vậy khi câu hát của họ vang lên là cả một khoảng trời nhớ thương nhức buốt, là những khoảng trống vô hình, là những lời tâm sự thiết tha chân tình.
Đây là lời của cô con gái nhớ mẹ:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Chiều chiều! Nốt nhạc đã dạo đầu cho một môtíp gợi buồn. Đằng sau nốt nhạc ấy hiện lên chân dung một cô gái với một nỗi buồn khắc khoải. Nỗi buồn của một cô gái mới về nhà chồng còn lạ lẫm chưa quen, trong lòng cồn cào bao nỗi nhớ về gia đình, cha mẹ và những kỷ niệm đẹp. Thế là chiều nào cũng vậy, cô lén ra ngõ sau nhà, nơi ít người lại qua, ít ai để ý, ở đó cô có thể tránh mọi con mắt dò xét để thả hồn qua những nỗi nhớ, để “trông về quê mẹ”. Mà có xa xôi gì cho cam. Có khi chỉ cách có một quãng đồng mà hoá ngàn dặm tít mù, bởi một lẽ thời phong kiến người con gái có chồng là đóng khung cuộc đời mình ở nhà chồng. Bài ca dao mở ra là “chiều chiều” khép lại là “chín chiều” như đóng chặt tất cả những con đường mà cô có thể về với mẹ. Thật xót xa cho thân phận những người phụ nữ thời phong kiến.
Ở một lời ca khác nỗi nhớ đã trở thành nỗi đau tột cùng khi người con gái chạm vào màn sương của sự mất mát:
Chiều chiều xách giỏ hái rau
Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần
Hình ảnh người mẹ đã tan vào khói sương của hoài niệm. Chỉ còn lại trong trái tim người con gái xa quê một nỗi đau không bao giờ lành lặn. Nỗi đau ấy lại tiếp tục cộng hưởng ở những thế hệ bạn đọc mai sau.
Còn dưới đây là nỗi nhớ của những người yêu nhau:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai
Chiều chiều đã trở thành điểm hẹn của nỗi nhớ, điệp khúc của sự chờ đợi. “Người quân tử”- địa chỉ của nỗi nhớ ấy vừa gần gũi vừa xa xôi, vừa thực vừa mộng, vừa là một chàng trai cụ thể vừa là một chàng trai trong tâm tưởng, tưởng tượng.
Nhớ câu ân tình:
Chiều chiều mang giỏ hái dâu
Hái dâu không hái hái câu ân tình
Nỗi nhớ và tình yêu của một cô thôn nữ hái dâu nào đó sao mà thiết tha đằm thắm đến vậy. Có thật chăng khi yêu đầu óc con người ta mụ mị đi, hay thẫn thờ và hay xao lãng công việc? Lời ca như thủ thỉ thù thì, mộc mạc, chân chất diễn tả cái tình thật thà sâu nặng của cô gái hái dâu.
Chiều chiều là thời điểm diễn xướng chủ yếu của ca dao dân ca trữ tình. Câu hò câu hát vang lên trên dòng kinh, cây đa, bến nước, sân đình… nhiều nhất vào thời điểm ấy. Đây cũng là thời điểm phần tự do về cuộc sống bên trong con người bộc lộ rõ nhất.
Các chàng trai mạnh dạn bày tỏ tâm tư tình cảm của mình:
Chiều chiều ra đứng bờ ao
Nước kia không khát, khát khao duyên nàng
Hoặc:
Chiều chiều ra đứng bờ biền
Nhện giăng tơ đóng cảm phiền thương em.
Rồi các chàng tán tỉnh trêu ghẹo:
Chiều chiều vãn cảnh vườn đào
Hỏi thăm hoa lý rơi vào tay ai?
Hay:
Chiều chiều vịt lội bàu sen
Để anh lên xuống làm quen ít ngày
Dường như bao giờ các chàng cũng mạnh dạn hơn, chủ động hơn trong việc tỏ tình. Nhưng đôi lúc sự táo bạo của “phe tóc dài” cũng đâu thua kém gì “phái mày râu”.
Chiều chiều ra đứng cổng làng
Nghe trống bãi tràng em chạy đón anh
Và:
Chiều chiều vịt lội sang sông
Trời gầm đá nẻ thiếp không bỏ chàng
Qua đó chúng ta thấy tình cảm của các nàng sôi nổi, quyết liệt và cũng thật đằm thắm dịu dàng đầy nữ tính.
Đa số những câu có môtíp “chiều chiều” người ta sáng tác ra để gửi gắm nỗi nhớ, niềm thương, nghiêng hẳn về mặt tình cảm. Song bên cạnh đó cũng có một số câu nghiêng về phần lý trí nhiều hơn, những câu ấy mang đậm chất triết lý:
Chiều chiều bóng bổ qua cầu
Con ong say vì mật, con bướm sầu vì hoa
Hay:
Chiều chiều âu lại lo âu
Kén ươm thành nhiễu, đá lâu thành vàng.
Mỗi sự vật, hiện tượng đều tuân theo một quy luật vận động nhất định. Và thời gian chính là chiếc chìa khoá vàng giúp người ta nhận ra giá trị đích thực của con người, của cuộc đời.
Vốn dĩ buổi chiều đã tạo cho người ta cảm giác buồn. Thế mà ở đây âm “iêu” trong tiếng “chiều” được lặp lại làm cho nỗi buồn như nhân đôi. Rồi việc sử dụng thanh bằng cũng tạo ra một âm điệu buồn cho lời ca. “Chiều chiều” chẳng gọi tên một buổi chiều cụ thể nào mà nó là một khái niệm mơ hồ chung chung cho tất cả những buổi chiều có cùng một tâm trạng một cảm xúc. Nó gợi lên trong ta một cái gì ngưng đọng, như lặp lại và không có sự thay đổi. Có phải chính cái âm hưởng dìu dịu nhè nhẹ, buồn buồn của nó mà tác giả dân gian đã dùng để phổ nhạc cho những bài hát ru:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Tay bưng cái rổ tay dìu con thơ
Môtíp bài hát ru phổ biến nhất là “chiều chiều lại nhớ chiều chiều”. Chữ “chiều” được láy lại nhiều lần, tạo ra một âm điệu đặc biệt dễ ru ngủ lòng người.
Trong hát ru như có một thế giới đặc biệt. Đó là thế giới dành cho trẻ, của trẻ. Đó là thế giới của thực vật, nhiều nhất là động vật. Ở đó cái mà con người làm, loài vật cũng làm:
Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt con gà đưa tranh
Chèo bẻo nấu cơm nấu canh
Chìa vôi đi chợ mua hành về nêm.
Nhưng hát ru đâu phải chỉ để hát ru, qua lời hát người ta muốn giãi bày tâm sự thầm kín trong lòng. Hát để trẻ ngủ còn mình thức, một mình mình đối diện với chính mình:
Chiều chiều bìm bịp giao canh
Trống chùa đã đánh sao anh chưa về?
Cũng như không gian, thời gian là một phạm trù có ý nghĩa đặc biệt đối với nhận thức và tình cảm con người. Trong ca dao chúng ta bắt gặp rất nhiều môtíp về thời gian, nhất là thời gian “chiều chiều”. Đó là một môtíp chứa đựng rất nhiều thú vị nhưng cũng còn nhiều ẩn số chờ đợi chúng ta tiếp tục khám phá và tìm hiểu.

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

NHỮNG BIỂU TƯỢNG TRONG TRUYỆN NGẮN “THUỐC” CỦA LỖ TẤN - lời bình của PHẠM MINH TRỊ - CHƯ YANG SIN SỐ 311 tháng 7 năm 2018





Mở đầu thiên truyện ngắn nổi tiếng này là không gian – thời gian nghệ thuật rất đặc biệt: “Một đêm thu gần về sáng, trăng lặn rồi, nhưng mặt trời chưa mọc”. Một đêm, lại là một đêm thu. Tại sao tác giả không lấy không gian - thời gian đêm hè, đêm xuân, đêm đông? Hẳn đây là một sự ngẫu nhiên, một cảm hứng vô tình của ngọn bút. Ở một người nào đó có thể xảy ra, vì một khi dâng trào cảm xúc nó cứ mãnh liệt dẫn dụ người viết, nhiều khi chẳng kịp nghĩ suy gì. Nhưng với một nhà văn như Lỗ Tấn thì không thể có sự ngẫu nhiên kia xẩy ra. Vậy dứt khoát đây hẳn là một chủ đích nghệ thuật? Rõ ràng, “đêm thu” là một ẩn dụ, một biểu tượng đầy ẩn ý mà người đọc cần đọc chậm lại mà nghĩ, mà liên tưởng. Phải chăng “đêm thu” chính là hoàn cảnh xã hội của Trung Hoa ngày ấy (nửa sau thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20). Lúc này, xã hội Trung Hoa, vua quan nhà Thanh đứng trước một tình hình mới: Giáp mặt với những thế lực đế quốc phương Tây. Tất cả chính sách của Trung Hoa đều lộ ra sự lạc hậu. Vua liên tục nhượng bộ trước những yêu sách rất phi lý của kẻ thù và thực sự Trung Hoa đã trở thành một đất nước nửa thuộc địa, càng ngày càng lệ thuộc vào phương Tây. Lỗ Tấn dùng ẩn dụ “đêm thu” để nói rằng chế độ xã hội đương thời của Trung Hoa đang tàn tạ, suy sụp, dân chúng đang chìm đắm trong mê muội, lạc hậu, còn người cách mạng hoàn toàn xa lạ với nhân dân. Điều này biểu hiện rất rõ ở nhân vật vợ chồng lão Hoa. Cả hai vợ chồng đều tin tưởng tuyệt đối vào việc đi mua một chiếc bánh bao tẩm máu người vừa bị chém ở pháp trường về cho đứa con trai độc nhất mười đời đang bị bệnh lao. Lão Hoa đinh ninh đó là toa thuốc “thần” để cứu con trai lão: “…lão còn để hết tinh thần vào cái gói bánh như nâng niu đứa con của gia đình mười đời độc đinh, không chú ý gì đến nữa. Lão sẽ mang cái gói này về nhà, đem sinh mạng lại cho con lão, và lão sung sướng biết bao!”. Còn quần chúng nhân dân lúc này đối với người cách mạng thì sao? Ta hãy nghe lời nói của họ thì rõ: “Cái thằng nhãi con ấy không muốn sống nữa, thế thôi. Lần này, tớ chẳng nước mẹ gì. Đến cái áo nó cởi ra, cũng lão Nghĩa, cái lão đề lao, mắt đỏ như mắt cá chép ấy, lấy mất. May nhất có thể nói là ông Hoa nhà này, thứ đến là cụ Ba. Cụ ta được thưởng hai mươi lạng bạc trắng xoá, một mình bỏ túi tất, chẳng mất cho ai một đồng kẽm!”. Họ mê muội đến vậy, họ khốn khổ đến thế, nghĩa tình ruột thịt đối với họ không bằng “hai mươi đồng bạc trắng xoá”. Nhận thức, tư tưởng của họ lúc này quả là “trắng xoá”! Họ coi người cách mạng là “thằng nhãi con”, khi nhắc đến sự việc người cách mạng Hạ Du bị chém ngoài pháp trường, họ dửng dưng, thờ ơ, lạnh nhạt như chẳng liên quan gì đến họ, họ chỉ luyến tiếc không được “may mắn” để lấy một cái gì có lợi trước mắt cho họ mà thôi. Điều này cũng có nghĩa: Người cách mạng lúc đó chưa hiểu gì về quần chúng, chưa có mối dây liên hệ mật thiết với quần chúng, còn quá xa lạ với họ, ngược lại quần chúng chưa có khái niệm gì về người cách mạng, nguy hại hơn lại hiểu sai hoàn toàn về người cách mạng (cho người cách mạng là giặc). Lỗ Tấn cảnh tỉnh mọi đối tượng, phải hiểu thấu về nhau, đặc biệt hiểu rõ bản chất của  xã hội mới mong cùng đứng dậy “gào thét-hò reo”.
   Mở đầu thiên truyện là “mùa thu” kết thúc là “mùa xuân”: “…Những cây dương liễu mới đâm ra được những mầm non bằng nửa hạt gạo”. Buổi sáng mùa xuân này tuy “trời lạnh lắm” nhưng “mầm non” đã nhú, báo hiệu một tương lai huy hoàng sắp đến, một xã hội mới sắp sửa thay thế xã hội phong kiến Trung Quốc lúc bấy giờ đang rữa mục. Chế độ xã hội tốt đẹp ấy là hiện thực, hiển hiện ngay trước mắt, nó đã hiện hình rõ ràng, cụ thể: “bằng nửa hạt gạo”. Một hình ảnh so sánh kết hợp với ẩn dụ, vừa rất thực, vừa gần gũi, vừa gợi cảm, độc đáo. Hình ảnh “nửa hạt gạo” sáng bừng lên trong mắt mọi người, đặc biệt đối với hai bà mẹ khốn khổ đang mang nỗi đau mất con. Cùng gặp nhau trong buổi sáng mùa xuân, cùng một bãi tha ma, nhưng được chôn ở hai phía khác nhau bởi hai cái chết khác nhau. Song có lẽ trong họ đã có cái gì đó xung động ở cõi lòng sâu thẳm. Hình ảnh “nửa hạt gạo” là tương lai ấm no của họ, là cuộc sống hạnh phúc của họ, nó mới chỉ là hứa hẹn nhưng đã manh nha, đã hiện hình, đã xuất hiện thực sự trong thực tại mà họ đang sống, đang cảm thấy một cách  rõ rệt như hạt gạo hằng ngày nuôi sống họ. Và điều đó dứt khoát không thể là mơ tưởng, hão huyền như vợ chồng lão Hoa trước đây đã từng mơ tưởng về sự thần diệu của chiếc bánh bao tẩm bằng máu của người cách mạng bị chết chém, mong cứu lấy sinh mệnh của con trai độc nhất mười đời nhà mình.
 Trong truyện ngắn “Thuốc” câu chuyện chủ yếu diễn ra trong một không gian nhỏ hẹp, quẩn quanh, ẩm thấp, rùng  rợn, ma quái, thiếu sinh khí và ánh sáng: Một quán trà của gia đình  lão Hoa, một pháp trường, một bãi tha ma. Cái không gian nghệ thuật ấy là biểu tượng của chính xã hội đương thời thu nhỏ. Một xã hội quẩn quanh, u tối, ngu muội và bế tắc. Con người sống trong không gian ấy cũng trì trệ, dốt nát, họ không phân biệt được tốt xấu, phải trái, mù quáng đến mức đần độn đáng thương (tố cáo người thân để lĩnh thưởng, tin ăn bánh bao tẩm máu người chết chém khỏi bệnh, sẵn sàng để bọn đao phủ lợi dụng, thực hiện cái dã tâm bẩn thỉu, hèn hạ, mất tính người là bán máu người chết chém). Sống trong một không gian như thế, tất yếu con người phải như thế, đó là quy luật không thể khác được. Muốn thay đổi phải đổi thay cả hoàn cảnh thực tế khách quan. Nên lúc này rất cần “thuốc” để trị bệnh. Bệnh nan y của cả một dân tộc giống nòi.
   Cái nhan đề của truyện ngắn này không thể ngắn hơn được nữa. Chỉ là một từ đơn: Thuốc. Thế thôi, mới đọc đã có cảm giác mạnh mẽ, dứt khoát, bùng nổ ở trong một từ gọn đanh, chắc như đá tảng. Mức độ cấp thiết đã được tác giả bày tỏ. Lúc này cả dân tộc Trung Hoa như đang ngồi trong chảo lửa, chìm trong ngu muội, lạc hậu, căn bệnh “đớn hèn” đã ăn sâu vào tuỷ xương cần phải có ngay phương thuốc hữu hiệu để trị, cứu nguy cho dân tộc. Tính chất rất cấp bách, không thể chần chừ được nữa. Nhưng phương thuốc phải hiệu nghiệm. Chứ chữa bệnh nan y mà dùng mê tín để chữa thì nguy càng nguy và hậu quả tất yếu phải diệt vong. Toa thuốc “bánh bao tẩm máu người chết chém” mà lão Hoa dốc hết tiền của ra mua để chữa bệnh cho con trai nào có ích gì. Cuối cùng Thuyên cũng chết. Lỗ Tấn không chỉ phê phán, lên án gay gắt bệnh mê tín đến ngu muội của quần chúng mà quan trọng hơn, cấp bách hơn, thiết thực hơn, cần có một phương thuốc mà phương thuốc này phải giác ngộ được quần chúng, làm cho quần chúng thấy rõ sự lạc hậu, thối nát, đớn hèn mục ruỗng của triều đại phong kiến đang thống trị họ, đang đè nặng, mê hoặc cả thể xác lẫn tinh thần của họ. Không những thế còn thấy được dã tâm bẩn thỉu của ngoại bang đang de doạ đến giống nòi dân tộc. Và cái “toa thuốc” ấy họ “uống” vào, họ phải bừng tỉnh, sáng suốt mà “hò reo”, kẻ thù phải “bàng hoàng”. “Thuốc” ở đây đâu phải cho một người, một thế hệ mà là “thuốc” cho giống nòi dân tộc, cho tương lai.
Còn biểu tượng “vòng hoa trên mộ Hạ Du”? Tác giả viết: “Một vòng hoa, hoa trắng hoa hồng xen lẫn nhau, nằm khoanh tròn trên nấm mộ khum khum”, “Hoa không nhiều lắm, xếp thành vòng tròn tròn, không lấy gì làm đẹp, nhưng cũng chỉnh tề.” Một kẻ bị coi là phản nghịch tử tù chết chém mà sao lại có vòng hoa trên mộ? Hai bà mẹ sửng sốt, ngạc nhiên đến giật mình, thảng thốt. Họ không thể tin nổi nhưng đó là sự thật. Trước mắt họ, có một vòng hoa đã được đặt trang nghiêm nơi mộ con mình vừa bị chết chém. Thế là máu con mình đổ xuống không vô nghĩa như khi bị tẩm vào chiếc bánh bao mà lão Hoa đã mua cho bé Thuyên uống. Máu của người cách mạng đổ xuống đã thực sự lay động con tim, nhận thức của nhiều người. Dòng máu đổ xuống đã có ích cho đời và cho người. Một niềm tin đã khởi dậy, một niềm lạc quan đã ùa vào trái tim, tâm hồn của quần chúng nhân dân. Người chiến sĩ cách mạng mất đi hoàn toàn không uổng phí, vẫn luôn hiển hiện trong sự tiếc thương, kính phục, ngưỡng mộ của mọi người. Đây chính là vị thuốc quý, là chiếc chìa khoá mở toang cái cánh cửa mê muội, ấu trĩ, thờ ơ, lạnh nhạt bấy lâu nay đang quây kín, siết quanh họ. “Vòng hoa trên mộ” của Hạ Du là biểu tượng thể hiện mơ ước, niềm tin của mọi người về ngày mai tươi sáng. Ngày mai tươi sáng ấy đã “nhú lên bằng nửa hạt gạo” đầy hứa hẹn từ phút giây mà hai bà mẹ trải lòng cảm mến, thương quý nhau trong một “buổi sáng mùa xuân vẫn còn lạnh lắm”.
“Thuốc” là một truyện ngắn mang tính ẩn dụ cao. Mức độ ẩn dụ đậm đặc, càng đọc càng phát hiện ra nhiều điều sâu kín ẩn giấu trong từng con chữ, hình ảnh của thiên truyện ngắn độc đáo này.

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

TIẾNG ĐÀN ĐỨT RUỘT LÒNG ĐAU - lời bình của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ 311 tháng 7 năm 2018


Sổ tay Thơ:


NGHE HÁT HUÊ TÌNH



Đêm cuối năm ngồi nghe hát huê tình
Tiếng đàn đáy chập chùng quá khứ
Đào nương ơi!
Giọng em ca sao vừa quen vừa lạ
Trăm năm rồi tiếng hát vẫn liêu trai
Có chút gì trong nỗi nhớ tàn phai
Tiếng sênh phách gõ vào tim nhoi nhói
À ơi...
"Giang san một gánh giữa đồng"
Thuyền quyên còn nhớ
Ai cuồng si
Ai nhịp phách
Ngàn năm
Không đổi
Đêm nay đại ngàn gió thổi
Tiếng đàn như ảo ảnh
Sương phai
Như tay ai
Buông xuống cung đàn
Tơ rung
Ơi người thi nhân
Mười năm nung chí
Nhớ những ngày buồn vui
Lệ chưa rơi
Mà thơ cạn hứng
Ơi đào nương hỡi
Ca gì những điều u uất
Sầu hận mà chi
Kẻ sĩ có bao giờ vui sướng
Cánh chim ngàn dặm nỗi sầu
Rượu nồng muốn hát chẳng nên câu
Nhịp phách
Đêm tàn
Nhỏ lệ
Khóc ai đào nương hỡi... đến bạc đầu
Thế gian ơi hề! Thế gian!
Lung linh như nước
Cung đàn thâm sâu
Tiếng đàn đứt ruột lòng đau
Người ngồi hoá tượng
Chân cầu nước trôi...
                                                 TRẦN CHI

LỜI BÌNH:


Chưa đọc nhiều thơ Trần Chi, thi thoảng trong các tuyển thơ của Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk lại được gặp một số bài do anh tự chọn để in cùng với nhiều tác giả khác, vì vậy tôi không thể nhận định gì nhiều về tác giả. Có điều, khi đọc Nghe hát huê tình, cảm giác thơ anh phảng phất một điệu hồn hoài cảm, tha thiết với quá khứ xa xưa, đậm chất phiêu lãng nên mượn đôi dòng riêng cảm nghĩ về thi phẩm trên, xem đó như một tấm lòng tri âm vậy.
Hát huê tình mà tác giả muốn nói ở bài thơ này chính là hát ả đào hay còn gọi là hát ca trù, thịnh hành ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ (khác với hát đối đáp ở Nam bộ trong dân gian người ta cũng quen gọi là hát huê tình - L.T.V nhấn mạnh). Hát ca trù ở nước ta hình thành và phát triển từ thế kỷ 15, đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 18, 19. Đây là loại hình ca hát có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn chương và âm nhạc, trong đó thể loại hát nói là phổ biến hơn cả. Ở nhan đề bài thơ, Trần Chi không dùng các từ ả đào, ca trù mà lại dùng chữ "huê tình" để gợi tả một cuộc tri ngộ giữa tài tử với giai nhân qua một mối lương duyên ngoài khuôn phép. Nhờ đó, Nghe hát huê tình mang vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của những khúc diễm tình muôn thuở chứa chan.
Thời gian nghệ thuật được tác giả giới thiệu trong phần đầu bài thơ là một "đêm cuối năm" thanh bình và yên ả. Không khí của buổi hoà nhạc đặc biệt này vẫn mang nét trang trọng cổ xưa. Có đào nương cất tiếng ca cùng bộ phách gõ nhịp, người đánh đàn đáy là anh kép phụ hoạ theo tiếng hát liêu trai, người thưởng ngoạn là nhân vật trữ tình tác giả với biết bao nỗi niềm hoài cảm. Nghe hát huê tình trong thời điểm hiện tại, nhưng khi tiếng hát của đào nương cất lên, tâm hồn thi nhân như trôi về quá khứ. Những xúc động bồi hồi cứ mở ra mênh mang lắm nỗi niềm riêng:
Đêm cuối năm ngồi nghe hát huê tình
Tiếng đàn đáy chập chùng quá khứ
Đào nương ơi!
Giọng em ca sao vừa quen vừa lạ
Trăm năm rồi tiếng hát vẫn liêu trai
Khi tiếng đàn đáy ngân lên, quá khứ cha ông ngày xưa đã chập chùng hiện về trước mặt. Một thán từ "ơi!" cất tiếng gọi đào nương, một lời khen như tiếng trống chầu điểm vào nơi đắc ý của tác giả khi cảm được tiếng hát liêu trai của người ca nữ. Cả không gian lắng đọng trong bước đi nhẹ nhàng của thời gian hướng về phía mùa xuân như một khúc xuân tình diệu vợi. Ở năm dòng thơ đầu, câu chữ cứ tự nhiên vỡ trào cảm xúc, không một chút dụng công, kỹ thuật nào được phô diễn ở đây, vậy mà người đọc vẫn lắng lòng nghe tiếp nỗi niềm tâm sự của thi nhân thiết tha trong buổi nghe hát huê tình:
Có chút gì trong nỗi nhớ tàn phai
Tiếng sênh phách gõ vào tim nhoi nhói
Trong "nỗi nhớ tàn phai" ấy, nhà thơ nghe đào nương ca mà nhịp sênh phách cứ như gõ vào chính trái tim mình nhoi nhói. Nỗi đau của quá khứ quay về nhập cuộc trong lòng tác giả bằng một sự cảm thông tha thiết với tiền nhân. Một thi nhân Nguyễn Công Trứ quyết liệt, ngang tàng mà tài năng và phong tình tột đỉnh nhân gian: "À ơi.../"Giang san một gánh giữa đồng"/Thuyền quyên còn nhớ". Một Nguyễn Du mười năm nung chí lắm nỗi hợp tan giữa bể loạn của thời cuộc điêu linh: "Ơi người thi nhân/ Mười năm nung chí" hay đó cũng chính là tâm tình của tác giả giữa "đại ngàn đêm nay gió thổi"? Hoá ra bao nhiêu kẻ sĩ trên đời này nào ai có được niềm vui, tất cả đều sầu tư lắm nỗi,  nên lắng nhịp phách đàn mà cùng đào nương cất lên những niềm u uất khôn nguôi:
Ơi đào nương hỡi
Ca gì những điều u uất
Sầu hận mà chi
Kẻ sĩ có bao giờ vui sướng
Cánh chim ngàn dặm nỗi sầu
Tất cả chung hoà giọt lệ cảm khái bùi ngùi. Những giọt lệ đồng cảm tri âm ấy cũng đã được nhà thơ Trần Chi hình thức hoá bằng những dòng thơ ngắn - hai chữ, chơi vơi rơi như một nỗi niềm:
Nhịp phách
Đêm tàn
Nhỏ lệ
Hoá ra kẻ sĩ xưa nay đều thế cả, chất chứa bao buồn đau u uất giữa thời cuộc bể dâu. Quả chỉ có tiếng đàn, nhịp phách của khúc huê tình cất lên mới thoả chí phiêu bồng. Đến khổ thơ kết bài, vẫn kiểu câu thơ vắt dòng tự do nhưng tự thân đã nhuần nhị ngân lên bằng âm điệu lục bát. Tôi nghĩ, có lẽ chính nỗi lòng thẳm sâu của tác giả khi đã hoà điệu hồn mình với quá khứ cha ông, ngồi "hoá tượng" nhìn chân cầu nước xuôi cuốn bao phồn hoa, danh lợi nên tình thơ đã nhập vào điệu tình của thể lục bát ngân nga, dù cố bứt mà chưa hẳn đã rời xa quá vãng. Đọc khổ thơ này, tôi cứ mường tượng một Trần Chi lặng lẽ "lòng đau" trước thế gian "lung linh bóng nước". Sự giật mình thảng thốt của thi nhân khi nhận ra bao phù hoa của thế gian mới xa xót làm sao:
Thế gian ơi hề! Thế gian!
Lung linh như nước
Cung đàn thâm sâu
Tiếng đàn đứt ruột lòng đau
Người ngồi hoá tượng
Chân cầu nước trôi...
"Thế là hết nước trôi qua cầu", người ngồi hoá tượng trước trùng trùng dâu bể cõi phù sinh khi đào nương cất tiếng ca vang khiến ta chạnh lòng nhớ đến một chàng Tư Mã Tương Như nhỏ lệ "đượm tràng áo xanh" nơi "bến Tầm Dương canh khuya đưa khách". Bạch Cư Dị thương người kỹ nữ lạc loài nơi đất khách, Trần Chi bâng khuâng mối đồng cảm sầu bi cùng với đào nương trong Nghe hát huê tình, nhờ đó lời thơ phảng phất tấc lòng đồng ngộ tri âm của tài tử gặp giai nhân trong văn chương cổ điển. Sâu lắng hơn, điệu hồn ấy đã hoá vào tâm sự của những văn nhân, thi sĩ tài hoa muôn đời của đất nước. Vì thế, tôi đọc Nghe hát huê tình mà như nghe tiếng lòng diệu vợi của cha ông, thẳm sâu điệu thức ca trù mang mang nỗi sầu vạn cổ.
LÊ THÀNH VĂN