Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

TRĂNG LẺ truyện ngắn của TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT - CHƯ YANG SIN SỐ 280

Nhà văn TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT
                                                 


 Đêm trăng sáng như vũ hội, những giọt vàng sóng sánh dát trên những chiếc lá ướt đẫm sương đêm. Gió mùa thu thì thầm trong những đóa hoa ngọc lan thơm ngát. Ngọc chếnh choáng trong sự rạo rực. Trong lúc này cô khát khao nụ hôn cuồng nhiệt của chồng, cô mong muốn được hiến dâng mình trong vòng tay ân ái của Hải như con suối hòa vào biển cả để tan đi vóc dáng đôi bờ. Cô dịu dàng mở cửa phòng ngủ của chồng và thì thầm bên tai anh, “Em yêu anh”. Hải nhẹ nhàng như bao lần:
- Em về phòng ngủ với con đi. Ngày mai, anh phải đi làm sớm.
Giọng cô nghèn nghẹn:
- Anh à, chúng ta là vợ chồng. Em có điều gì làm anh không vừa ý?
- Không, em tinh khiết như đóa ngọc lan, anh rất trân trọng em. Nếu làm vợ người khác thì hạnh phúc của em đã trọn vẹn. Nhưng làm vợ anh…
Đôi mắt anh mở to, day dứt, đau khổ trong bóng đêm, giọng anh chất chứa những dằn vặt khiến cô không nỡ làm anh buồn. Ngọc yêu chồng bằng sự chân thành nên luôn mong muốn cô là mùa xuân ấm áp trong anh.  Mỗi khi thấy đôi mắt anh nhìn cô đầy đau khổ, cô lại xót xa. Ngọc để  nỗi buồn lặn vào trong và cố nở nụ cười thật tươi để làm yên lòng chồng.
- Anh mệt thì nghỉ đi, em về phòng ngủ với con. Chúc anh ngủ ngon! 
Ngọc buồn, nỗi buồn dường như đang quyện vào ánh trăng soi tỏ sự trống trải và cô đơn trong lòng cô. Cô nhìn trăng và thầm thì như đang nói với một người bạn tâm giao.
 - Trăng kia tuy đẹp nhưng cũng lẻ loi khuyết tròn. Vợ chồng ta giống như mặt trăng và mặt trời tuy cùng chung bầu trời nhưng hai trái tim lại không thể chạm đến bến bờ của những giây phút hoan ca. Bao đêm mình ta lẻ bóng trong u tịch.
 Cô nên duyên chồng vợ với Hải được 5 năm nhưng cô ở trong vòng tay của Hải chỉ một lần duy nhất trong đêm tân hôn. Sau đó, Ngọc mang thai, Hải vui mừng khôn xiết hết lòng chăm sóc vợ và đếm từng ngày chào đón con ra đời. Cô sinh con trai trong niềm hạnh phúc và mãn nguyện của anh. Ngọc nghĩ rằng: Hạnh phúc của cô từ đây sẽ viên mãn khi bên cạnh hai vợ chồng có tiếng bi bô của con trẻ. Nhưng từ khi cô sinh con, anh chưa một lần chạm vào thân thể cô,  Hải luôn tìm cách lảng tránh mỗi khi cô muốn được tan chảy bên anh. Hải luôn đem đến cho Ngọc một sự khát khao tình yêu đến cháy bỏng, cô khát khao một cái ôm ghì siết của anh để đưa cô phiêu diêu vào cõi thiên đường của Eva và Ađam.
 Khi đi ngủ cô không đóng của phòng, cô sợ rằng chính cái cửa kia là một vật cản để anh không đến với cô. Ngọc âm thầm mong ngóng bước chân của Hải, sự chờ đợi đó đốt cháy cõi lòng cô. Đáp lại sự chờ đợi đó ở phòng bên Hải buông tiếng thở dài trĩu nặng như muốn kéo Ngọc vào những ẩn ức sâu kín của mình.  Để vỗ về cho giấc ngủ của mình, cô lấy chiếc áo đẫm mồ hôi của anh để gối đầu như chính anh đang nằm cạnh cô. Nhiều đêm Ngọc khóc, những giọt nước mắt bỏng rát lăn dài trên đôi má mịn như nhung rồi rơi xuống gối có cặp chim bồ câu đang quấn quýt bên nhau. Tâm sự của Ngọc được gói kín mỗi khi ánh dương xuất hiện, chỉ hé mở khi màn đêm buông xuống.    
Cô yêu anh, một người đàn ông lịch lãm, sống biết hi sinh vì người khác. Anh có thể làm tất cả vì cô nhưng không hiểu vì sao anh không thể trao cô hương vị tình ái nồng nàn trên bờ môi để cô tận hưởng cảm xúc ngọt ngào, say đắm được tấu lên bởi giai điệu của hai tâm hồn sâu lắng. Lạ thật, mặc dù như thế nhưng tình yêu của cô dành cho anh ngày càng dày lên chứ không vơi đi một chút nào. Cô bằng lòng với cuộc sống thiếu mùi vị ái ân nhưng đầy ắp sự quan tâm chu đáo của chồng. Cô nghĩ rằng trong trái tim anh đang có một nút thắt chỉ bằng tình yêu chân thành và thời gian, cô sẽ gỡ được nút thắt kia để cây tình yêu nở hoa và kết trái ngọt.
Một ngày, nắng bắt đầu làm mật trên những ngọn cây trước nhà, cô chuẩn bị tư trang để đến cơ quan. Hải đưa một người bạn về và giới thiệu:
- Đây là Hùng, một người bạn rất thân với anh từ thời sinh viên, anh ấy đang làm việc ở nước ngoài, nay về nước làm một số dự án và lưu lại nhà mình mấy ngày.  
Anh ta nhìn Hải nở nụ cười mãn nguyện, ánh mắt lấp lánh hạnh phúc và quay lại nhìn cô đăm đăm. Ánh mắt anh ta nhìn Ngọc như một luồng khí làm cô lạnh toát hết cả người. Cô vội vàng nói với khách:
- Dạ, mời anh vào nhà.
Sau khi rót nước mời, Ngọc vội vã chào khách để đến cơ quan cho kịp giờ. Cô vừa đi vừa nghĩ về người khách lạ kia, đang mông lung suy nghĩ bỗng xe lắc lư mạnh. Nhìn xuống, lốp trước không còn một tí hơi, cô dắt bộ về để đổi xe cho chồng. Không thấy chồng và anh bạn kia ở phòng khách, cô nhẹ hàng đẩy cửa phòng Hải. Đập vào mắt Ngọc là cảnh tượng: Chồng cô và anh bạn kia đang môi kề môi, ghì siết hôn nhau say đắm. Say đến mức không biết có sự xuất hiện của cô. Cô như bị sét đánh, cứng đờ hóa đá. Chùm chìa khóa trên tay rớt xuống làm hai người giật mình hoảng hốt.
Chồng cô lắp bắp:
- Anh xi…xin lỗi...
Cô hoảng loạn, thảng thốt trong sự vô thức:
 - Hai người...
Trái tim Ngọc tê đắng, cô muốn nói thật nhiều nhưng không thốt nên lời, muốn khóc thật nhiều nhưng nước mắt không thể chảy để vơi đi phần nào nỗi đau đang quẫy đạp. Cô như con thuyền chòng chành trước bão tố. Giấc mơ chờ đợi một ngày nào đó ung dung bước vào trái tim anh bị tan biến. Ngọc đã hiểu vì sao sự xót xa và ân hận luôn hiện hữu trong đôi mắt Hải, anh không thể yêu cô nhưng cột cô trong mối quan hệ vợ chồng vì anh thực hiện nghĩa vụ với gia đình, sinh con để nối dõi. Tiếng thở dài vang lên trong những đêm sâu hun hút, anh day dứt đã làm cô đau khổ. Giá như anh ngoại tình với một người phụ nữ thì cô còn hy vọng anh quay về bên cô. Nhưng anh lại là người đồng tính thì cô phải làm sao cho vẹn đôi đường. 
Chiều xuống chậm như kéo lưới, ráng chiều đỏ ối một vùng trời, không gian đang được nhuộm một màu phơn phớt hồng. Hải và Ngọc từ tòa án bước ra, cô đã quyết định trước hai lối rẽ.  Mặc dù cô rất yêu anh, hình ảnh của anh sẽ mãi neo đậu trong tim cô, cô vẫn muốn luôn bên cạnh anh để mỗi ngày chăm sóc cho anh từng miếng ăn giấc ngủ. Nhưng cô lại không muốn phải chứng kiến đôi mắt anh lúc nào cũng vương vấn cả chiều hoàng hôn bởi sự bế tắc không mạng lại hạnh phúc cho Ngọc. Hơn nữa, nếu con trai mình chứng kiến những cảnh tượng như cô đã nhìn thấy thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính cách. Tình yêu cô dành cho anh không nhất thiết phải đóng khung một mối quan hệ mới gọi là yêu. Không có anh bên cạnh, cô sẽ như con thuyền trước sóng gió trùng khơi nhưng cô phải vững tay lái vì trên con thuyền ấy phải chở một thiên thần đến bến bờ của tương lai rạng rỡ. Ngọc tin mình sẽ làm được điều đó chỉ vì cô luôn yêu anh.


GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 280 - tác giả ĐOÀN VIẾT DOÃN





HẠNH NGỘ
Ghi chép


Năm 1965 tôi đi B. Hai năm sau, Hoàng Trung ở đại đội 309 từ miền Bắc bổ sung vào, cùng ở tiểu đoàn 401 đặc công Đắk Lắk. Cuối năm 1972 Hoàng Trung đi học lớp cán bộ tiểu đoàn tại Trường quân chính B3 (Mặt trận Tây Nguyên). Giải phóng Buôn Ma Thuột, cuối tháng 3 năm 1975, đơn vị tôi từ Lạc Thiện (Lắc) hành quân về Thị xã, tình cờ chúng tôi gặp nhau, Hoàng Trung là tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn tinh nhuệ của Quân đoàn và đang trong đội hình hành quân thần tốc tiến về mặt trận Sài Gòn…
Vào buổi sáng, bất ngờ chúng tôi gặp nhau ở Buôn Ma Thuột. Tay bắt mặt mừng, tôi đưa Trung về nhà mình. Thấy người nhà tôi tất bật lo cơm khách, Hoàng Trung bảo:
- Gặp được nhau là quý, tôi còn ít giờ nữa phải đi rồi, đừng bày vẽ!
- Biết Trung còn bận việc quân, tôi không để lỡ đâu, cứ bình tâm vui với nhau chút đã – tôi cắt ngang.
Hoàng Trung ôn tồn :
- Đơn giản, gọn nhẹ là được rồi !
Tôi chen luôn :
- Nhớ hồi chiến tranh ác liệt, Nguyễn Văn Thiệu từng ra rả trên đài Sài Gòn tuyên bố: “Không cho một tên Việt Cộng nào ăn bát phở ở thành phố Việt Nam Cộng Hòa”. Thế mà bây giờ…
Ngồi bên mâm rượu nhâm nhi với nhau, Hoàng Trung và tôi lại nhớ về những trận đánh, về những kỷ niệm vui buồn đời lính. Bao tên làng, tên đất, con suối, ngọn đồi… ăm ắp kỷ niệm một thời gian khổ trên chiến trường Đắk Lắk. Câu chuyện có khi rộ lên xốn xang sôi nổi, có lúc lại trầm xuống.
Trung vanh vách kể:
Đêm 10 tháng 5 năm 1970, Tiểu đoàn tập kích điểm chốt đồi Cư M’gar (Quảng Nhiêu). Đồi dốc, có chỗ anh em mình công kênh, đạp lên vai nhau mà  lần mò lên chốt. Lợi dụng thời cơ tên lính vào đổi gác, tổ Nông Văn Cao thọc sâu mau lẹ theo vào trung tâm lia thủ pháo, xạc AK , nã B41 phát lệnh trận đánh. Điểm chốt biến thành đồi lửa bởi hỏa lực của quân ta. Sau 30 phút, ta tung hoành trận địa, diệt sinh lực địch. Siêu, Thái, Niu đã hy sinh anh dũng. Tôi bị thương, gắng sức lần ra đến rừng, lúc trời đã bừng nắng thì may gặp anh và mấy đồng chí nữa cáng về đơn vị.
Nguyễn Xuân Uẩn, đại đội trưởng 307 bị thương, bước cà nhắc tập tễnh ra bìa rừng. Rạng sáng gặp một bác già Quảng Nhiêu đi lấy củi, Uẩn phân vân lo lắng. Ai dè bác ta tới cõng, đưa ra đến suối thì gặp anh em mình. Sau giải phóng, Uẩn có về Quảng Nhiêu hỏi thăm ân nhân, nhưng không tìm ra. Uẩn rất ân hận là lúc bác ấy cõng mình không kịp hỏi tên, địa chỉ, cho nên bây giờ như mò kim đáy biển. Có vài lần Uẩn về hỏi thăm, nhưng vẫn không ra tăm tích.
Lục Doanh Pó, quê Cao Bằng, trắng trẻo đẹp trai, vui tính, hay nói cười liến thoắng. Đơn vị mệnh danh cho Pó là xạ thủ B41 bắn liên thanh. Khi xuất kích, Pó đeo 6 quả đạn sau lưng, một quả lắp vào đầu súng. Có trận anh em còn đeo chi viện cho Pó ít quả nữa. Vào trận, gặp mục tiêu, Pó bắn liên tục mà chính xác. Về kĩ thuật, theo lí thuyết, người bắn B41 chỉ chịu đựng được tới 2 – 3 phát đạn một lúc là ê ẩm, điếc đặc. Vậy mà giáp trận, xạ thủ Pó đã nã gấp 2 – 3 lần so với lí thuyết, có bao nhiêu đạn cũng bắn tới.
Hoàng Văn Coóng dáng người dong dỏng. Trận tập kích vào sân bay L19 Buôn Ma Thuột, Coóng có nhiệm vụ dùng hỏa lực B41 bắn lô cốt “chuồng cu” của địch, mở cửa đột phá đầu cầu. Trận chiến lửa đạn đùng đùng, pháo sáng rực trời. Coóng bị thương vào bụng, một tay bịt vết thương, dồn sức tựa súng vào rào kẽm gai để bắn nốt phát đạn cuối cùng.
Hà Đình Tính, trung đội phó Đại đội 310, quê ở xứ nhãn lồng Hưng Yên, mặt hơi rỗ hoa vừng mà duyên. Tính hy sinh trong đêm tập kích bọn địch nống ra Đạt Lý. Đánh hết thủ pháo, súng AK bắn hết đạn, Tính quần nhau với địch giáp lá cà, dùng lê đâm chết nhiều tên. Hôm sau lính ngụy sống sót, trầm trồ về người Cộng quân ấy.
Tôi hào hứng tiếp: 
Đầu mùa trồng tỉa năm 1969, đơn vị sản xuất làm rẫy ở vùng buôn Ea M’Droh (H5). Lúc 10 giờ sáng hôm ấy, bọn biệt kích Trung đoàn 45 lùng sục vào khu vực Tiểu đoàn đóng quân. Một mũi thọc vô hướng Đại đội 308. Ta bám công sự đánh bật nhiều đợt phản kích của địch. Hai bên quần nhau quyết liệt. Máy bay L19, OV10, phản lực quần rít ào ào, phụt  hỏa mù đỏ, giội bom, phóng rốc-két, pháo tầm xa nã dồn dập. Bom đạn ran trời, khói lửa mù đất, được anh em ở cộng sự bên tiếp đạn, Bùi Văn Dòm xả hết 8 băng AK. Trận chiến kéo dài hết ngày. Ta an toàn, đơn vị chuyển quân đi nơi khác.
Cháu Nguyễn  Xuân Mới hồi ấy khoảng 13 – 14 tuổi, ốm nhom. Gia đình cháu ở Quảng Cư (H9), đơn vị đưa về nuôi dưỡng. Sáng hôm đó Mới ra trông chim coi rẫy cho Tiểu đoàn bộ. Sau trận đó chẳng biết Mới chạy đâu. Mấy ngày sau anh em mình bám tìm cháu mà không phát hiện dấu vết gì. Ai cũng lo cháu chết ở đâu, hay địch bắt rồi. Qua hai tuần lễ, bộ phận đồng chí Uẩn và anh em C.307 đi chuẩn bị chiến trường ở thị xã về, đến nơi đơn vị đóng quân cũ, anh em phát hiện có bóng người, cảnh giác, lợi dụng địa hình lên tiếng gọi. Nhận ra tiếng, Mới ào tới. Các chú mừng giàn  giụa nước mắt. Tìm được Mới đưa về đơn vị ai cũng vui mừng. Tiểu đoàn bộ dành phần ưu tiên để Mới ăn cơm không phải độn khoai sắn, bồi dưỡng cho mau lại sức. Mới không chịu, nói: “Các chú ăn khoai sắn, cháu ăn riêng cơm như thế sao được!”. Anh em hỏi những ngày đó Mới đi đâu, ăn gì mà sống nổi? Mới kể rằng: “Khi nghe đạn nổ rát, cháu tháo dép thọc vào hai bàn tay, cứ thế chui qua cà xơ, mắc cỡ, bươn đến con suối mà đơn vị hằng ngày lấy nước ăn. Cháu có bám về đơn vị tìm các chú ngay hôm sau, không ngờ địch còn ở đó, bắn theo. Cháu mau lẹ nằm xuống bò đi rông tuốt. Ban ngày cháu lẩn vào bụi, tối tìm đến gốc cây to ven suối ngủ, tránh đạn và thú dữ. Hồi nhỏ cha mẹ cháu có nói con khỉ, con vượn ăn trái gì thì người ta cũng ăn được, nên cháu bắt chước nó, hái lượm trái cây ăn. Có lần cháu tìm về rẫy của đơn vị bới rãi khoai lang ăn sống… Nhờ thế cháu mới sống nổi”.
Một lần, tôi cùng anh em đơn vị đi gùi bắp ở buôn Mùi về tới dốc buôn Ea M’Droh lúc gần trưa. Lê Văn Mạnh trinh sát đi trước phát hiện địch gài mìn clây-mo. Tôi nghĩ bọn này phục đã lâu nên căng thẳng, mỏi mệt, lơ là không quan sát  thấy lính ta. Chúng tôi khẩn trương sắp xếp đội hình, tổ chức lực lượng đánh địch, mở đường mà đi. Mạnh mau lẹ luồn đến, bí mật cắt dây điện, tháo kíp nổ, mang mìn về. Nguyễn Hữu Viêng quân khí tiểu đoàn, xung phong dẫn một tổ, phối hợp với đồng đội đột kích phía sau nã đạn xối xả tấn công kẻ thù. Bị ta nện bất ngờ, chúng tá hỏa bươn mất. Anh em vô sự. Lính mình hồi ấy “ngon” quá, hăng lắm, chẳng ngán hiểm nguy.
Trung bùi ngùi thổ lộ:
- Biết bao đồng đội một thời, ai còn giờ ra sao? Người mất chưa quy tập hài cốt, phần mộ… Có người ngã xuống trong trận sân bay L19, khu kho Mai Hắc Đế, Trung đoàn bộ 45, khu Cơ giới pháo binh, trung tâm thị xã… không đưa anh em ra được!
Thời gian qua mau không thể nào điểm hết, chúng tôi đồng cảm buồn thương, nhớ những người đã mất, nhớ về đồng đội. Vui mừng hàn huyên tâm sự là điều hạnh phúc của người lính còn lại sau chiến tranh, nay được sống trong cảnh đất nước thanh bình.
 Trung hỏi tôi:
- Hiện nay anh em mình ở Buôn Ma Thuột còn những ai ?
- Rất tiếc thời gian lưu chân của Trung ít quá, nếu không tôi sẽ đưa đến thăm các “vị” nhà ở gần đây thôi, còn lác đác à! Trung thấy đấy, ở đâu ta cũng gặp anh em mình một thời chiến đấu, đủ thứ quân binh chủng, về với cuộc sống đời thường, làm đủ các ngành nghề: Nuôi heo, buôn bán vặt, hớt tóc, chạy xe ôm… Rời chiến trường ra ta xốc tới thị trường đa dạng và phong phú. Tuy họ không mang sắc phục quân nhân nhưng vẫn giữ chất người lính một thời, chẳng quên nhau đâu!
Lính ta cũng nhiều vẻ: Có người giải quyết tạm ổn kinh tế gia đình, có người còn bươn chải khó khăn vất vả do bệnh tình, thương tật, tuổi cao sức yếu… Tóm lại là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” kể chi hết…
Thời gian không còn để thỏa lòng tâm sự. Hoàng Trung đành tạm biệt để lên đường đi công tác theo kế hoạch đã định. Tôi xiết tay bạn mà nửa mừng nửa tủi. Cánh cửa đóng, động cơ nổ giòn xe đưa Trung bon bon trên đường về phía cầu 14 hòa nhập với dòng xe nườm nượp vào lúc 2 giờ chiều, giữa Buôn Ma Thuột gió lành nắng đẹp, bầu trời xanh trong vời vợi…


Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

CHỢ BẮP QUÊ TÔI


CHỢ BẮP QUÊ TÔI

Bút ký


Ai có dịp theo Quốc lộ 26 từ phía đông lên thành phố Buôn Ma Thuột hoặc ngược lại, chắc chắn sẽ không quên dừng chân ở chợ Bắp 47, một địa danh cách thành phố Buôn Ma Thuột 47 km về phía đông để thưởng thức bắp luộc, đặc sản làm nên thương hiệu một cái chợ nổi tiếng trong cả vùng.
Cái tên “Chợ Bắp 47” có từ bao giờ, cũng không ai nhớ cả; những du khách lưu thông trên Quốc lộ 26 có dịp đi qua thường dừng lại bên gốc cây đa cổ thụ mọc bên đường nghỉ ngơi, thưởng thức vài quả bắp luộc được đun trong những chiếc nồi lớn lúc nào cũng bốc hơi nghi ngút. Người bán hàng nhẹ nhàng mở nắp, gắp ra rổ dăm quả bắp nước còn chảy tong tong, rơi xuống mặt đất tạo nên những đám khói nho nhỏ; người thưởng thức cứ vừa lột vỏ vừa xuýt xoa vì nóng. Quả bắp được lột hết vỏ để lộ ra những hạt trắng ngần, đều đặn chen nhau như được một bàn tay tài hoa gắn vào từ đầu đến cuối không còn một chỗ trống. Đưa lên miệng gặm, ta thấy những hạt bắp mềm và dẻo như tự nó chạy vào trong lưỡi; vị ngọt bùi, mùi thơm của quả bắp tươi vừa chín đến lan dần trên mặt lưỡi, tỏa hương lên mũi làm người thưởng thức lâng lâng, ăn mãi không chán. Bắp luộc nơi đây cách ăn ngon nhất là cầm nguyên cả quả để gặm dăm bảy hạt một lần, còn dùng tay bóc từng hạt ra ăn sẽ giảm ngon. Ăn bắp xong, du khách thưởng thức thêm ly nước bắp luộc vừa thơm, vừa ngọt, một vị ngọt đặc trưng của bắp nếp ở vùng Ea Kly mới bẻ về luộc ngay, làm con người sảng khoái, quên đi cả một chặng đường dài vừa phải vượt qua và sẵn sàng đi tiếp chặng đường mới. Bắp ở chợ Bắp 47 là vậy!
Những năm đầu sau giải phóng 1975, cách “Chợ Bắp 47” bây giờ gần 5 km cũng có một cây đa to mọc ở phía đông Quốc lộ 21A – sau này đổi tên thành Quốc lộ 26, người dân bản địa buổi sáng thường tập trung trao đổi hàng hóa, lâu dần thành chợ và không biết từ khi nào cái tên “Chợ 52” được xướng lên để khách thập phương qua lại biết tại km 52 (theo quốc lộ 21A cách thành phố Buôn Ma Thuột 52 km về phía đông) có một cái chợ. Lâu dần do đất đai trong vùng màu mỡ, người dân tứ phương đến sinh cơ lập nghiệp và đặc biệt sự có mặt của Sư đoàn 333 về đóng quân trên địa bàn làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế đã góp phần biến vùng đất hoang vu thành những cánh đồng trù phú; chợ 52 dần dần trở thành trung tâm giao lưu của cả vùng. Năm 1985, huyện Ea Kar được thành lập, chợ 52 trở thành thị trấn của huyện mới, tốc độ đô thị hóa thật là nhanh. Theo thời gian chợ 52 với những lều quán tạm bợ, hình ảnh các chị, các mẹ mặc m’yêng còng lưng gùi những chiếc gùi hoa quả chất cao hơn cả đầu người - sản phẩm của gia đình ra chợ đứng bán bên đường không còn nữa; dần đần thay bằng những ngôi nhà kiên cố, cửa hiệu sang trọng… và chủ của nó đa phần là người các dân tộc từ nơi khác đến.
Khoảng đầu năm 1986, gốc cây đa to mọc phía tây Quốc lộ 26 gần km 47 bỗng nhiên được nhiều người qua lại dừng chân vì xuất hiện vài bà mẹ người dân tộc bản địa ngực địu con, lưng gùi hoa quả vườn nhà như sầu riêng, mãng cầu, chuối… đứng núp bóng mát cây đa bán cho du khách đi qua. Người này bán được, người kia bắt chước làm theo, thế là cái chợ manh mún bắt đầu hình thành như một sự tất yếu để kế thừa chợ 52 trước đây. Có lẽ nhờ bóng cây đa to, du khách thích dừng chân nghỉ ngơi và đặc biệt được mua đặc sản của vùng đất Tây Nguyên do chính những người dân bản địa hiền từ, chất phác, thật thà đứng bán cuốn hút nhiều người. Lúc đầu chợ chỉ bán rau quả đựng trong gùi, người mua phải mua cả gùi mới bán; sau này theo thời gian, người ta biết bán rau quả theo chục, theo mớ, theo bó… Chợ họp cả ngày từ mờ sáng cho đến lúc người bán bán hết hàng hoặc khi ông mặt trời đi ngủ, người bán mới thu dọn đồ về. Theo vòng quay của năm tháng, Chợ 47 ngày một đông thêm và vài năm lại đây đã có gần 40 quán mọc lên, kéo dài từ gốc đa đến ngã ba đường vào Công ty cà phê 719. Các quán ở đây được dựng tạm bợ bằng bốn cây gỗ nhỏ đứng bốn góc, phủ tấm bạt lên trên, núp dưới bóng hàng cây trứng cá, cây muồng… xanh tốt tạo được không gian vừa thoáng mát lại thơ mộng. Trong quán, ngoài kê bàn ghế bình thường còn có thêm những chiếc võng mắc quanh để du khách ngả lưng thư giãn và thưởng thức bắp luộc.
Trong các quán bán bắp luộc ở chợ Bắp 47, chỉ riêng quán nằm vị trí ngay bên gốc cây có đa diện tích lớn nhất, bao gồm gần hết diện tích bóng mát của cây đa lúc trưa đến; cô chủ quán ngoài 30 tuổi, có khuôn mặt trái xoan, nước da màu mật ong rừng để lâu ngày, đôi mắt sắc và nụ cười rất tươi khoe những chiếc răng trắng, đều như hạt bắp nếp niềm nở đón khách. Tranh thủ khi ăn bắp, tôi hỏi cô chủ quán:
- Em tên gì?
- Anh cứ gọi em là Cô bán bắp cho dễ nhớ.
- Nhà em có gần đây không?
- Dạ, ở trong buôn phía bên kia đường đấy.
- Em bán ở đây lâu chưa?
- Quán này ngày trước của mẹ em, sau mẹ già giao lại cho em. Mẹ em là người đầu tiên bán bắp luộc ở đây đấy.
Vui chuyện, cô cho biết thêm: Trước đây chỉ có mình mẹ cô bán bắp luộc, nhiều người thích ăn, mỗi ngày bán hết hai nồi to thì nghỉ không bán nữa, sáng mai mới luộc và bán tiếp. Mọi người thích ăn bắp ở đây là vì bắp được trồng trên đất đỏ ba zan ở phía đông của cao nguyên Đắk Lắk, ảnh hưởng khí hậu miền biển Khánh Hòa. Trước đây người Pháp lấy suối Ea Knốp làm ranh giới phân định hai tỉnh Đắk Lắk – Khánh Hòa mà suối Ea Knốp chỉ cách km 47, xã Ea Kly theo đường chim bay khoảng 10 km; sau năm 1975 địa giới tỉnh mới được phân định lại, nhưng khí hậu thì vẫn thế. Người ta thấy nhà em bán bắp luộc đông khách nên bắt chước ra làm chòi luộc bắp bán. Quán nọ giáp quán kia, nay đã thành hai dãy quán chạy dọc hai bên quốc lộ, vui lắm. Cô chủ quán nói với vẻ hãnh diện.
Chợ Bắp 47 hình thành và phát triển như vậy đấy, nhưng tôi vẫn băn khoăn một điều: Tây Nguyên có hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa đương nhiên có nhiều bắp tươi để luộc bán cho du khách, nhưng còn mùa khô cả 6 tháng trời nắng chang chang như vậy lấy đâu ra bắp tươi mà luộc, bán cho du khách? Trong một lần đến làm việc với Công ty Cà phê 719 đóng trên địa bàn xã Ea Kly, gần Chợ Bắp 47; tôi trao đổi với ông Nguyễn Huy Bá – Phó giám đốc Công ty nỗi băn khoăn của mình về quả bắp tươi mà mùa khô vẫn có để bán ở đây. Ông cho biết: Vùng này có nhiều hồ nước, mùa khô người ta gieo bắp ở vùng đất thấp gần với hồ nước và bơm nước tưới thường xuyên; bắp có nước phát triển tốt lắm. Tôi buột miệng thốt lên: À ra thế! Theo ước tính, để có bắp tươi phục vụ cho gần 40 quán bán quanh năm phải có hơn một trăm hộ chuyên canh bắp cung cấp và như thế đã có trên một trăm hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu vì có thu nhập ổn định, góp phần quan trọng làm vùng đất nơi đây thêm trù phú.
Chợ Bắp 47 giờ đây đã được rất nhiều người biết đến với đặc sản bắp luộc được bày bán quanh năm  phục vụ du khách không phải vùng nào cũng có. Người chưa biết muốn một lần thưởng thức cho biết, người thử một lần rồi lần sau có dịp đi qua nhất định sẽ dừng lại ăn cho đỡ nhớ và mua luôn vài vài chục mang về tặng anh em bạn bè, đặc sản của một vùng đất đỏ ba zan ở phía đông cao nguyên Đắk Lắk. Nói như thế, Chợ Bắp 47 không chỉ có bắp luộc mà còn có nhiều nông sản do chính tay những người dân bản địa trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch để trong những chiếc gùi xinh xinh chào mời du khách. Phía tây nam gốc đa thuộc khu vực Chợ Bắp 47 còn có một khoảnh đất không lớn lắm, chạy dài theo Quốc lộ 26 là khu vực dành riêng cho các chị, các mẹ bán rau quả. Những người bán hàng hoa quả ở đây đa số đều là những người phụ nữ cao tuổi, vui tính, niềm nở với khách hàng nhưng rất ít khi chào mời và không bao giờ níu kéo khách. Khách cứ xem thoải mái, mua cũng được mà không mua cũng không sao, trên môi những người bán hàng bao giờ cũng nở một nụ cười thân thiện. Người bán hàng tạo cảm giác cho người mua họ không quan tâm lắm đến việc bán được nhiều hàng hay ít hàng, mà hình như họ bán chỉ là cái cớ để được giao lưu với những người qua lại. Có lẽ chính thái độ này của những người bán hàng đã làm đẹp thêm lên hình ảnh về một vùng đất, cuốn hút được nhiều du khách dừng chân nơi đây và hình thành nên một cái chợ đặc biệt… CHỢ BẮP 47.



Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 280 - tác giả NGUYỄN THỊ THU HỒNG





LUÔN HẾT MÌNH VÌ CÔNG VIỆC

Ghi chép


Năm 1990, sau khi xuất ngũ trở về quê (xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), chàng thanh niên Phạm Duy Hùng khi đó mới hai mươi tư tuổi đã quyết định xin phép bố mẹ vào thôn Ba, xã Cư Ni, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk làm kinh tế. Sau hơn ba năm định cư, Phạm Duy Hùng được nhân dân thôn Ba tín nhiệm bầu làm thôn trưởng. Trên cương vị mới, anh luôn nhiệt tình với công việc, sống có trách nhiệm, được nhân dân trong thôn tin yêu, quý mến. Tháng 4 năm 1996, một vinh dự lớn đến chàng trai trẻ Phạm Duy Hùng, anh trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Qua hơn 3 năm làm thôn trưởng bằng tinh thần, trách nhiệm của mình, cùng với sự cố gắng, nỗ lực học hỏi anh em, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp… người thôn trưởng thôn Ba luôn được Đảng ủy và UBND xã Cư Ni đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đưa thôn Ba trở thành một trong những thôn điển hình của xã. Để đạt được kết quả ấy, người thôn trưởng luôn nhắc nhở, động viên người dân trong trong thôn: “Vắng anh em xa có láng riềng gần”, chú trọng xây dựng khối đoàn kết “tình làng, nghĩa xóm” trong cộng đồng; nhờ thế tình hình an ninh trật tự trong tôn được đảm bảo. Người xưa dạy “an cư để lạc nghiệp”, vận động được người dân an cư nên tình hình kinh tế, xã hội ngày một ổn định và phát triển, đời sống nhân dân trong thôn từng bước ổn định và nâng cao. Từ những kết quả làm được cho thôn Ba, năm 1997, Phạm Duy Hùng được Đảng ủy xã Cư Ni tin tưởng giao trọng trách làm Xã đội trưởng.
Từ một thôn trưởng của thôn chỉ chịu trách nhiệm những công việc của thôn, nay được cấp ủy Đảng tin tưởng giao trách nhiệm làm Xã đội trưởng là một công việc mới mẻ, lạ lẫm; vinh dự nhưng trách nhiệm cũng thật nặng nề đối với người đảng viên trẻ Phạm Duy Hùng. Nhận trọng trách mới, Phạm Duy Hùng đã bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn của mình trước các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy xã; được sự động viên, cổ vũ, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và với trách nhiệm của một đảng viên, Xã đội trưởng mới đã hăng hái bắt tay vào công việc.
Dù gặp không ít những khó khăn, trở ngại như: chưa qua đào tạo bất kỳ lớp chuyên môn, nghiệp vụ nào, dẫn đến những khó khăn, hạn chế nhất định trong công việc, nhất là việc xử lý, giải quyết các công văn, giấy tờ… nhưng bằng tấm lòng tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, và sự nỗ lực vươn lên không ngừng của bản thân, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công tác quân sự của xã đã luôn hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch cấp trên giao và nghị quyết của Đảng ủy xã đề ra. Với thành tích xuất sắc đó, anh được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.
Năm 1999, Đảng ủy xã Cư Ni điều động Phạm Duy Hùng làm Trưởng công an xã, đây là một công việc đòi hỏi sự quyết đoán, cứng rắn nhưng cũng cần có sự nhạy bén, tâm lý, nhất là đối với xã có diện tích gần 6 ngàn ha, có tới 23 thôn, buôn và tập trung nhiều dân tộc, vùng miền khác nhau về sinh sống. Ngay sau khi nhận bàn giao, anh đã trao đổi thẳng thắn với các đồng nghiệp: “Người công an xã cần có sự am hiểu về tín ngưỡng, văn hóa và cả thói quen sinh hoạt đời thường của dân và các đối tượng để từ đó có những biện pháp vận động, tuyên truyền, giáo dục, hạn chế mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật”.
Vào thời điểm này, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và xã Cư Ni nói riêng khá phức tạp. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang lôi kéo, kêu gọi đồng bào dân tộc tại chỗ biểu tình, gây bạo loạn… Đứng trước tình hình này, anh đã kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn đồng bào biểu tình, vượt biên trái phép. Anh cùng với các đồng chí lãnh đạo địa phương trực tiếp xuống từng nhà dân trong buôn để tuyên truyền, vận động đồng bào không tin, không nghe lời kẻ xấu, bỏ buôn, bỏ làng vượt biên trái phép, chống lại Đảng, chống lại Nhà nước. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, trên địa bàn xã đã không xảy ra biểu tình, bạo loạn hay vượt biên trái phép.
Năm năm đảm dương trọng trách Trưởng công an xã, anh Phạm Duy Hùng đã cùng với tập thể công an xã có những đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cũng như đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương; vì vậy lực lượng công an xã và cá nhân anh Phạm Duy Hùng đã được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng nhiều Bằng khen.
Năm 2004, anh được Hội đồng Nhân dân xã tin tưởng, tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND xã và kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác của địa phương như: Chủ tịch Hội Khuyến học xã, Chủ tịch Công đoàn xã... Trên cương vị mới anh Phạm Duy Hùng tích cực tham mưu, đề xuất những sáng kiến hay, những cách làm tốt đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội được phân công phụ trách lên Đảng ủy - UBND xã; vì vậy lĩnh vực này của địa phương đã gặt hái được nhiều thành tích, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà nghị quyết Đảng ủy xã đã đề ra.
Tháng 10 năm 2009 tới nay, anh Phạm Duy Hùng được bầu  làm Phó bí thư - Chủ tịch UBND xã. Trên cương vị lãnh đạo chủ chốt của xã anh luôn xác định bản thân phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để lãnh đạo địa phương hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Chủ động điều hành, triển khai các hoạt động, các nhiệm vụ, các chương trình mục tiêu Quốc gia và các dự án, kế hoạch của cấp trên đối với địa phương nhanh chóng, kịp thời, đúng tiến độ; bảo đảm các chế độ chính sách đến tận tay người dân, nhất là các chế độ chính sách dành cho người nghèo, người đồng bào dân tộc tại chỗ; đề xuất các chủ trương quy hoạch xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng hợp lý, đảm bảo phát triển kinh tế của địa phương song song với việc đảm bảo vệ sinh môi trường; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo mô hình "một cửa", chấn chỉnh thái độ làm việc, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức và kịp thời xử lý những trường hợp cán bộ công chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, đội ngũ cán bộ công chức của xã luôn được nhân dân hài lòng, quý mến về tinh thần làm việc, thái độ phục vụ và trong cách ứng xử, giao tiếp với người dân.
Với phương pháp quản lý, điều hành công việc một cách khoa học, nghiêm túc và phong cách làm việc tâm huyết, năng động, sáng tạo, trong 6 năm giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã, anh Phạm Duy Hùng đã góp phần công sức không nhỏ đưa xã Cư Ni trở thành một trong những địa phương tiêu biểu về kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh quốc phòng của huyện Ea Kar. Trong việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới do Đảng và Nhà nước ta triển khai phát động, hơn 4 năm qua (kể từ năm 2011 đến nay), nhân dân trên địa bàn xã đã tích cực hưởng ứng bằng nhiều hình thức như hiến đất đai, tài sản, tiền của và ngày công để làm đường liên xã, liên thôn, liên xóm, xây dựng hội trường thôn... với trị giá hàng tỷ đồng. Đến nay, xã đã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới. Năm 2013, xã đã được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh. Cũng từ năm 2010 đến nay, tập thể UBND xã và cá nhân anh Phạm Duy Hùng đã được UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Ea Kar tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen vì những thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Nhận xét về anh Phạm Duy Hùng, ông Phạm Ngọc Dẫn - Bí thư Đảng ủy xã Cư Ni cho biết: "Đồng chí Hùng là con người của công việc, luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng chí là người dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Vừa qua, tại đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí tiếp tục được bầu làm Phó bí thư Đảng ủy. Chúng tôi rất tự hào về đồng chí. Nhân dân rất tin tưởng ở đồng chí".





Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 280 - tác giả TRIỆU MIỆN






NGƯỜI CHỈ HUY DŨNG CẢM, KIÊN CƯỜNG
CỦA BỘ ĐỘI NAM TIẾN



Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi muốn kể về một người cán bộ quân đội rất tài giỏi và kiên cường đã làm cho quân Pháp thời kỳ đầu năm 1946 phải “thất điên bát đảo”, còn bà con dân tộc vùng Buôn Hồ thì rất đỗi tự hào – Đó là Hùng Việt.
Trong lịch sử của tỉnh Đắk Lắk, cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống thực dân Pháp cuối năm 1945 và năm 1946 đã để lại một dấu ấn lịch sử huy hoàng, trong đó có cuộc chiến đấu giam chân địch ở Buôn Ma Thuột 6 tháng. Trong 6 tháng đó, nhân dân trong tỉnh đã làm được nhiều việc lớn có ý nghĩa như bầu được đại biểu của các dân tộc trong tỉnh vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa các dân tộc Tây Nguyên lên ngang tầm với các dân tộc khác trong cả nước. Tiếp đó là chiến công trên mặt trận Buôn Hồ - Bắc Buôn Ma Thuột gắn liền với nhiều sự tích anh hùng của những cán bộ quân đội như Minh Sơn, Hùng Việt…
Hùng Việt tên thật là Đinh Huy Phan, người làng Đồng Lư, phủ Nam Trực, tỉnh Nam Định, sinh năm 1908, là con một của ông Phan Đức Long – một gia đình Nho giáo. Hùng Việt trước khi vào Nam chiến đấu đã có vợ và 5 người con.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hùng Việt được về Thủ đô làm bảo vệ cho Hồ Chủ tịch. Khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, Hùng Việt tình nguyện vào Nam giết giặc. Tháng 11 năm 1945, Hùng Việt vào đến Ninh Hòa, sau đó được điều lên Buôn Ma Thuột chỉ huy phòng tuyến A ở CADA. Sau khi phòng tuyến CADA bị vỡ, Hùng Việt cùng đơn vị chuyển sang giữ phòng tuyến Buôn Hồ - Bắc Buôn Ma Thuột. Hùng Việt được cử làm Phó chỉ huy một đơn vị Nam Tiến.
Tuy Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 đã ký, nhưng thực dân Pháp cố ý lấn át về mặt quân sự, chúng tập trung một số quân lớn ở Buôn ma Thuột, Buôn Hồ, buôn Ayun đánh chiếm đường 14 để tiến quân lên Gia Lai. Chúng dồn về hướng này 2, 3 ngàn quân gồm cả lính Pháp và lính nguỵ có xe tăng, máy bay yểm trợ.
Tại khu vực phòng tuyến, ngoài lực lượng tự vệ do Minh Sơn chỉ huy, bộ đội Nam Tiến có một tiểu đoàn do Hùng Việt chỉ huy, nhưng hoả lực rất kém, chỉ có súng trường và lựu đạn, lại thêm bộ đội không hợp với thuỷ thổ, một số đau ốm không ra chiến tuyến được.
Để đánh thông đường 14, địch sử dụng máy bay ném bom mấy ngày liền vào khu vực phòng tuyến buôn Drơng, đồng thời chúng tổ chức bộ phận nhỏ từ hướng buôn Dăh đi thẳng vào hướng phòng tuyến của ta nhằm làm cho ta tập trung lực lượng về hướng này. Cũng thời gian này, chúng tổ chức một lực lượng lớn bọc về phía sau ta từ km 82 để đánh tập hậu. Hùng Việt và Minh Sơn đã đoán được âm mưu của địch, hai ông cho tập trung hết lực lượng, kể cả ốm yếu, dậy được là đi đánh giặc. Hùng Việt lấy tinh thần xung phong thành lập một “tổ cảm tử” chặn đường tiến của địch từ hướng buôn Dăh sang, đồng thời cho một bộ phận chặn đường rút lui của chúng.
Quả nhiên, quân địch ồ ạt từ buôn Dăh kéo ra đường 14, vừa vào đúng tuyến phục kích, quân ta đồng loạt nổ súng, chiến đấu quyết liệt; quân địch bị đánh bất ngờ, tử vong và bị thương một số, trong đó có một viên quan Ba chỉ huy, còn lại chúng băng rừng tháo chạy một mạch, không dám dừng lại một buôn nào. Gọng kìm từ km82 mất liên lạc với cánh quân buôn Dăh, bị cô lập, chúng bí mật hè nhau xuyên rừng về lại vị trí cũ.
Trận phục kích buôn Dăh đã phá tan hai gọng kìm của địch, phải hơn một tháng rưỡi sau chúng mới tổ chức lực lượng trở lại đánh chiếm.
Trận phá gọng kìm buôn Dăh đã để lại kinh nghiệm tác chiến và nhận rõ thực chất tinh thần của địch, qua đó cũng cho thấy tài cầm quân của Hùng Việt. Chẳng những có tài về quân sự mà ông còn là người khéo tổ chức quần chúng, để đồng bào đã giữ bí mật, sẵn sàng giúp sức với bộ đội trong tạo thế bất ngờ để đánh thắng địch.
Là Phó chỉ huy Mặt trận Bắc Buôn Ma Thuột nên ông rất coi trọng việc giác ngộ đồng bào dân tộc trong vùng chống giặc. Đồng bào địa phương thường gọi ông là “Khoa Prong” (người chỉ huy lớn), hết sức mến phục ông, phục tùng ông và coi ông như một người anh hùng. Chỉ Trong một thời gian ngắn ông đã tập hợp và thuyết phục được toàn dân địa phương trong vùng đi theo cách mạng, cùng tham gia đánh địch. Trình độ giác ngộ của nhân dân ngày một cao, sự ủng hộ của nhân dân địa phương ngày càng mạnh. Có thể nói, sở dĩ ở Mặt trận Bắc Buôn Ma Thuột bộ đội ta đã thu được nhiều thắng lợi, cũng là nhờ một phần lớn ở công tác chính trị, dân vận của Hùng Việt.
Hùng Việt có một lối đánh rất đặc biệt, hiểu địch cả về quân sự và tinh thần nên có thể tạo ra những trận chiến đấu có hiệu quả, như trong trận buôn Ayun một địa bàn nằm giữa tuyến ta và địch.
Lúc đó vào khoảng tháng 3 năm 1946, Hùng Việt cho bộ đội đến buôn Ayun đào hào lập phòng tuyến hướng địch vào. Theo hướng dẫn của ông, bộ đội đào rất nhiều hố tác chiến cá nhân vừa để nấp tránh máy bay, vừa để chiến đấu. Đào xong, ông bí mật cho bộ đội về. Ngày hôm sau tình báo địch đến xem và hết sức ngạc nhiên, nhưng sau đó thấy không có việc gì xảy ra nên địch không chú ý đến nữa.
Cách nửa tháng sau, tức là gần cuối tháng 3 năm 1946, địch tập trung quân chuẩn bị tấn công mạnh vào phòng tuyến, ông Hùng Việt biết chắc địch thế nào cũng theo đường buôn Ayun, ông lập tức cho một tiểu đội bố trí theo kế hoạch của ông, đưa quân phục kích cách nơi đã đào hầm khoảng 30m. Trước đó, ông đã cho anh em đem chông cắm hết xuống các hố cá nhân đã đào và cắm xung quanh, lấy lá khô phủ lên nguỵ trang kín đáo.
Đúng như dự đoán, sáng hôm sau quân địch ồ ạt đến buôn Ayun. Khi địch đến gần khu vực đào hố cá nhân ta đào, tổ tác chiến bí mật phục kích phía sau lưng địch lập tức dùng lựu đạn ném vào đội hình địch. Thấy lựu đạn nổ lung tung, bọn địch gần đó liền chạy và nhảy xuống. Nào ngờ bị chông xuyên qua mình, qua chân, qua ngực chết một cách thê thảm….
Trận này địch thiệt hại nặng mà ta không bị thương vong. Vũ khí thô sơ và mưu kế của ông Hùng Việt đã thắng lợi.      
Ông Hùng Việt còn có nhiều lối đánh khác làm cho địch khiếp vía, đó là cách dùng địa lôi, lúc thì treo trên cây, khi nổ mảnh văng xa gây sát thương lớn, lúc thì đánh lật xe làm thương vong nhiều tên… Địch rất sợ lối đánh này của Hùng Việt, sợ đến nỗi trong một trận phục kích địch, khi ta lui, một anh bộ đội để rơi cái bầu nước ở giữa đường, bọn địch khi thấy đã lấy súng liên thanh bắn chiếc bầu đến vỡ ra từng mảnh mới thôi và phải tổ chức đi đường khác.
Hùng Việt, cái tên mỗi khi địch nhắc đến, là như một “vị thần chết”, vì thế chúng đã treo giá lấy đầu Hùng Việt rất cao.
Sau 6 tháng ròng rã kiên cường chiến đấu giành nhiều thắng lợi vang dội đến các tỉnh miền Trung, cuối năm 1946, theo chủ trương bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài, cấp trên quyết định rút hết các lực lượng về miền đồng bằng.
70 năm đã qua, ôn lại một thời kỳ lịch sử hào hùng của quân và dân Đắk Lắk, xin được nhắc đến ông Hùng Việt, người đã góp nhiều chiến công và những kinh nghiệm chiến đấu cho lực lượng vũ trang Đắk Lắk, cho quân đội trong kháng chiến chống Pháp và được phát triển trong cuộc chiến đấu chống Mỹ trên chiến trường Đắk Lắk và trong toàn chiến trường miền Nam.



Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 279 - tác giả PHẠM TUẤN VŨ





NGUYỄN DU - NHÀ THƠ CỦA TÌNH NGƯỜI,
TÌNH ĐỜI VĨ ĐẠI



Nguyễn Du, nhà thơ xuất sắc của nhân loại, Danh nhân văn hóa thế giới, người có đóng góp to lớn cho lịch sử văn học Việt Nam. Ông vĩ đại trên nhiều phương diện nhưng trước hết, có lẽ bởi giá trị nhân đạo, là tình người, tình đời đẹp lấp lánh trong những vần thơ mà ông để lại cho đời.
Sinh ra trong gia đình trâm anh thế phiệt nhưng sớm sa sút, sống trong thời đại có nhiều biến động, đất nước chìm trong bóng can qua, sơn hà mấy phen đổi chủ, xã hội bất ổn, nhân dân lầm than, nhiều giá trị đảo lộn; bản thân gặp nhiều bất hạnh, sớm mồ côi mẹ, phải sống cảnh ở đậu ăn nhờ, hơn nửa đời trôi dạt, tấm thân gởi nơi gió bụi quê người (Tha hương thân thế thác phù vân - Quê người thân thế gởi mây trôi), bản thân hay bệnh tật, gặp nhiều chuyện đau buồn, chất chứa trong lòng nhiều u ẩn không thể nói ra (Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ - Ta có tấc lòng không thể nói)…, có lẽ hơn ai hết, Nguyễn Du là người thấm thía sâu sắc nhất những nỗi đau của nhân sinh thế cuộc, trăm năm kiếp người…
Dù xuất thân quý tộc nhưng Nguyễn Du lại sống gần gũi với nhân dân lao động. Đây là may mắn đối với sự nghiệp văn chương của ông. Chính từ những ngày sống giữa nhân dân, nhà thơ nghe được tiếng nói của đời cần lao (Thôn ca sơ học tang ma ngữ - Tiếng hát thôn quê giúp ta biết được tiếng nói của kẻ trồng dâu, trồng gai), hiểu rõ hơn tâm tư của những kiếp người bé nhỏ trong xã hội. Cũng chính dân gian đã cung cấp cho ông nhiều vốn liếng quý báu, nuôi dưỡng tâm hồn thơ ca, khơi dậy mạch nguồn cảm hứng sáng tạo, nâng đôi cánh nghệ thuật thiên tài Nguyễn Du “bay bổng tuyệt vời”.
Bằng tâm hồn nhạy cảm và trái tim giàu lòng trắc ẩn, Tố Như thấu hiểu nỗi đau của người dân nghèo khổ, những thân phận con ong cái kiến trong xã hội xưa. Trong thời phong kiến, họ phải chịu nhiều bất hạnh, trong xã hội chiến tranh loạn lạc, họ càng phải gánh lấy biết bao bi kịch, khổ đau. Đó là những người lính đi mãi nơi chiến địa không biết ngày về (bài Đại tác cửu thú tư quy 1), những người vợ ở nhà mòn mỏi chờ đợi (Thu dạ 2), những người tị nạn nón mê, áo rách đi lầm lũi trên đường (Ngẫu hứng 5)… được thể hiện bằng những vần thơ cảm động.
Vượt ra ngoài biên giới, chủ nghĩa nhân đạo trong thơ Nguyễn Du hướng đến những nỗi khổ đau kiếp người mang tầm phổ quát cả nhân loại. Đó là nỗi đau bởi nghèo đói, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, chết chóc,… mà con người phải chịu đựng. Trong mười mấy tháng trời ròng rã đi sứ phương Bắc, tận mắt chứng kiến nhiều mảng hiện thực đen tối của xã hội Trung Hoa bấy giờ, bằng cái nhìn tỉnh táo và trái tim giàu lòng thương cảm, Tố Như đã ghi lại những cảnh sống bế tắc, lầm than, cùng cực của người dân nước này. Đó là cảnh bốn mẹ con đói rách ăn xin bên đường (Sở kiến hành), cảnh ông cháu người mù hát mướn miệng sùi bọt mép, tay rã rời (Khẩu phún bạch mạt, thủ toan súc) mà chỉ được năm sáu đồng (Thái Bình mại ca giả), cảnh khắp nơi tan tác vì nạn bắt lính (Trở binh hành),… được thể hiện một cách xót xa trong tập Bắc hành tạp lục.
Không chỉ đối với thế giới thực hữu, chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du còn hướng đến thế giới của siêu nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà trong thơ Tố Như, nhiều mồ mả, đền đài, hồn ma xuất hiện. Ông dành cho cả những hồn ma bất hạnh sự cảm thương kì lạ: Thương thay thập loại chúng sinh/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người/ Hương khói đã không nơi nương tựa/ Hồn mồ côi lần lữa đêm đen (Văn chiêu hồn).
Tự nhận mình là người mang nỗi oan phong vận kì lạ (Phong vận kì oan ngã tự cư - Ta tự mang cái oan phong vận lạ lùng), Nguyễn Du dành tình cảm đặc biệt cho những người phụ nữ khổ đau trong xã hội xưa, nhất là những “đấng tài hoa” hồng nhan bạc mệnh, những ca nhi, kĩ nữ Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng (Truyện Kiều). Với tấm lòng “đồng cảm liên tài”, Tố Như viết về Thúy Kiều, nàng Tiểu Thanh, người đánh đàn ở đất Long thành, người ca giả đất La thành, người hát cũ của em trai mình, người đàn bà hóa đá vọng phu bằng những vần thơ như chứa chan nước mắt và “có máu trào ra ở đầu ngọn bút” (Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ nhân). Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu (Văn chiêu hồn), có lẽ, ít có ai như Tố Như viết về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa nghẹn ngào, cảm động như thế.
Là người ý thức về tài năng (Tráng niên ngã diệc vi tài giả - Thời trai trẻ ta cũng là kẻ có tài), Nguyễn Du là người biết tài và thương tài. Đối với các nhân vật lịch sử Trung Hoa, ông bộc lộ thái độ yêu ghét rõ ràng. Nhà thơ phê phán bọn gian thần, bạo chúa, những kẻ tiểu nhân nhưng đồng thời bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm phục đối với “những đấng tài hoa” (Bình sinh bội phục vị thường li - Một đời kính phục chưa từng rời). Họ là những hiền nhân bôn ba thuyết giáo khắp nơi (Khổng, Mạnh), thi nhân tài danh nhưng lận đận (Đỗ Phủ, Lý Bạch), trung thần bị hãm hại, dèm pha (Khuất Nguyên, Hàn Tín, Nhạc Phi), danh tướng bỏ tuổi xuân nơi chiến trường (Ban Siêu, Mã Viện), hiệp khách vì nghĩa lớn một đi không trở lại (Kinh Kha, Nhiếp Chính, Điền Quang),… được thể hiện một cách sinh động, đẹp đẽ trong thơ chữ Hán Nguyễn Du.
Trong thơ Tố Như, còn có những tình cảm riêng tư, thầm kín hơn. Đó là một tấc lòng quê đau đáu của con người mấy chục năm phiêu dạt khắp nơi (Hải giác thiên nhai tam thập niên - Chân trời góc bể ba chục năm) chỉ biết gởi nơi vầng trăng sáng (Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ - Một tấc lòng quê dưới ánh trăng), là tình cảm gia đình khắc khoải trong hoàn cảnh li tán (Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán - Chốn Hồng Lĩnh không nhà, anh em tan tác), là những nỗi lòng sâu thẳm không biết giãi bày cùng ai. Thế nhưng, vượt lên trên những “niềm tây sá gì” ấy, thơ Nguyễn Du còn hướng đến cuộc đời rộng lớn với những nỗi đau muôn thuở của kiếp người. Đó là điều đáng quý biết bao. “Nguyễn Du là người, như Khuất Nguyên, mang những vấn đề của ngàn năm, của triệu người nên cái đau khổ của ông là một đau khổ lớn, có tính cách đại diện cho nhân loại” (Xuân Diệu). Thơ Nguyễn Du vì thế mang đậm giá trị nhân văn, kết tinh truyền thống chủ nghĩa nhân đạo xuyên suốt trong lịch sử văn học Việt Nam thời trung đại.
Kỉ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (1765-2015), tưởng nhớ về ông, ta càng tự hào về nhà thơ vĩ đại của dân tộc. Cùng đọc lại những tác phẩm mà Nguyễn Du đã đau đời viết nên để hiểu hơn về con người tự nhận mình trước lúc chết vẫn chưa hết nỗi lo buồn ngàn năm (Thiên tuế trường ưu vị tử tiền), khóc cùng ông như cách đây hơn hai trăm năm con người có “mắt nhìn thấy sáu cõi, tai nghe tới nghìn đời” (Mộng Liên Đường) từng day dứt: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như).






Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SÔ 279 - tác giả PHAN VŨ



MỘT GIỌT HƯƠNG NHIỀU LAN TỎA
(Mấy cảm nhận về tập thơ Một giọt hương
của Phan Hồng, NXB Hội Nhà văn - 2015)

Khoảng 30 năm trước, cái tên Phan Hồng đã xuất hiện, cùng thời với Phạm Tư Hương, Nguyễn Phi Trinh, Trần Văn Hội… để làm nên một “vùng thơ Buôn Hồ” (có thể tạm gọi như thế); và những ai thích sưu tập thơ của các tác giả địa phương bấy giờ đã có thể có trong sổ tay những câu thơ khá mượt mà của Phan Hồng: Biển dào lên từng đợt sóng trắng ngần/ xao xuyến quá lòng ta ngày trở lại/ Dẫu biết biển tự bao đời vỗ mãi/ vẫn tin rằng sóng hát để riêng ta...
Sau đó, dẫu đảm đương nhiều chức vụ, từ Hiệu trưởng trường THPT, Chủ tịch  UBND huyện, Chánh Văn  phòng UBND nhân dân tỉnh, rồi Giám đốc Sở GD & ĐT, rất bận bịu, nhưng thỉnh thoảng ta vẫn thấy Phan Hồng dan díu với Nàng Thơ, thể hiện qua các thi phẩm in trên tập san của ngành Giáo & Đào tạo, báo Dak Lak và cả trên tờ báo văn học danh tiếng của Hội Nhà văn Việt Nam: vanvn.net. Hầu hết những bài thơ in trên trang vanvn.net anh viết ngắn gọn, chỉ 4 câu, nhưng có tứ thơ khá độc đáo, cho ta nhiều ngẫm ngợi, đồng thời qua đó ta cũng có thể rút ra được những triết lý sống cho mình. Ví dụ bài “Bên thành cổ Rom”: “Đền đài đổ trước thời gian/ uy quyền bạo chúa hoang tàn rêu phong/ dập dìu tài tử giai nhân/ niềm đau xưa có vơi dần thành Rom”…
Thế nhưng mãi đến nay anh mới cho ra mắt tập thơ đầu tay Một giọt hương. Điều này cho thấy sự chắt lọc và thận trọng của anh đối với thơ. Cũng nhờ vậy, mặc dù anh rất khiêm tốn đặt tên tập thơ là Một giọt hương, nhưng ta có thể cảm nhận được “cả một trời hương” với tràn ngập những giọt tình khi đọc tập thơ của anh. Thực sự, Một giọt hương đã cho ta nhiều cảm xúc, nhiều thông điệp để chúng ta tin hơn, yêu hơn cuộc đời và cả những ngẫm ngợi thấm thía về thế thái nhân tình. 
Ta nhớ những năm đầu của thập niên 80, đất nước còn trong thời kỳ bao cấp, cuộc sống của mọi người dân (dĩ nhiên trong đó có tác giả) còn hết sức khó khăn gian khổ, thế mà buối chiều của tháng 2 năm 1981 đến thăm Nông trường cà phê Đoàn Kết anh đã tự thanh lọc hồn mình để cho ra đời những câu thơ đầy lạc quan: Chiều nay đi giữa nông trường/ cà phê trải ngút ngàn hoa trắng/ ngào ngạt hương thơm trong gió chiều và nắng/mình ngỡ ai mang quê kiểng lại gần”. Có yêu cuộc đời, yêu mảnh đất nơi mình đang sinh sống, Phan Hồng mới có thể ấp ủ cảm xúc để cho ra đời những câu thơ đầy lãng mạn và ý vị về mảnh đất Buôn Hồ - nơi anh đã gắn bó và trưởng thành: Ở đây mùa đi rất khẽ/ bazan khao khát nồng nàn…/ Ở đây mắt người sơn nữ/ lung linh mặt nước hồ đầy/ để hồn ai bơi đắm đuối/ rượu cần chưa uống đã say…  
Là người trưởng thành từ ngành Giáo dục & Đào tạo, hiểu sâu sắc và mang ơn sâu, nghĩa nặng với ngành, nên Phan Hồng có nhiều bài thơ viết về ngành thấm đẫm cảm xúc. Trong bài “Ký ức tuổi học trò” anh viết: “Có chút gì như thể xốn xang/ giữa sân trường chiều nay im ắng quá”… Hoặc trong bài “Thương nhớ thời đã xa”: “Bàn tay gieo hạt ươm mầm/ bàn tay phấn trắng chuyên cần chăm lo/ chín năm chèo lái con đò/ đưa đàn em bước sang bờ tương lai”. Có yêu mái trường, yêu học trò của mình, có hòa đồng tình cảm với các em, anh mới có được những phút giây lắng lòng mình lại để bật ra những câu thơ như thế.
Bên cạnh mảng thơ về tình đời, tình nghề nghiệp, tình quê hương, đất nước… trong Một giọt hương còn có mảng thơ viết tình yêu rất thiết tha đằm thắm. Trong mảng thơ này, tôi rất có cảm tình với bài thơ ngắn “Người đàn bà đẹp uống rượu”: “Mang tên loài chim quý/ tên em đẹp vô chừng/ nâng ly không có rượu/ mà má em đỏ bừng”. Hai câu đầu chỉ là kể, cũng chỉ kể lấp lửng để ta phải tò mò: Phải chăng tên em là Oanh? phải chăng tên em là Yến?... Em có mặt phải chăng chỉ để “trang điểm” cho cuộc vui? hay để “trang điểm” cho ai đó? bởi em không uống rượu, em “nâng ly không có rượu” mà. Nhưng em là người đàn bà đẹp, “má em đỏ hồng” khiến anh phải chú ý. Nhưng “má em hồng” còn phải chăng do em đang có một chút thẹn thùng với ai đó trong cuộc rượu? Mà trong cuộc sống như ta đã thấy “thẹn thùng má đỏ hây hây”, có khi cũng là tín hiệu của tình yêu không lời… Không được tham dự cuộc rượu đó, nhưng đọc bài thơ, tôi cứ tưởng tượng cuộc rượu ấy thú vị biết bao! 
Có thể nói anh Phan Hồng là một người giàu cảm xúc. Đây chính là cơ sở, là nền tảng để thơ cất cánh. Nhà thơ Tố Hữu, ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng nước ta, từng nói “Thơ là tiếng nói của trái tim”. Trái tim không rung động trước cuộc đời, không yêu thương, không căm giận trước các sự vật hiện tượng của cuộc sống, tức là không cảm xúc thì không thể làm được thơ. Vì vậy điểm mạnh đầu tiên trong Một giọt hương đấy là cảm xúc của người viết. Điểm mạnh thứ hai là sự chân thực của tấm lòng tác giả. Sự chân thực đó tạo cho người đọc niềm tin. Niềm tin đó càng được nhân lên khi người đọc nhận ra sự trải nghiệm của tác giả trong đời sống. 
Về những hạn chế của tập thơ, theo tôi có thể nêu ba “vấn đề”. Thứ nhất: Ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ trong Một giọt hương chân thực, mộc mạc. Điều này vừa là ưu điểm, đồng thời là nhược điểm. Nếu lối viết mộc mạc quá “rậm” dễ gây cho người đọc cảm giác xưa cũ. Người đọc có trình độ cao hiện nay đòi hỏi người viết phải sáng tạo trong bút pháp, cách nói, cách dùng từ cần mới, lạ, mờ ảo, có như vậy mới đưa đến cho người đọc nhiều cảm xúc, nhiều gợi mở thú vị. Thứ hai: Về kỹ thuật. Trong tập Một giọt hương có nhiều bài tác giả viết theo thể thơ lục bát nhưng bị “thất vận”. Ngay cả mấy câu ở bìa cuối tập thơ tác giả chọn đăng như một lời bạt thì hai câu “Để mai dẫu có xa rồi/ Cũng xin đọng giữa đời nhau chút tình” là một cặp lục bát phạm lỗi kỹ thuật, chữ cuối của câu 6, không vần với chữ thứ 6 của câu 8 (trong khi luật thơ bắt buộc phải vần). Điều thứ 3: Một số bài tác giả tham đưa vào nhiều ý, nhưng ý không được tắm gội trong cảm xúc, nên mất chất thơ. Ví dụ trong bài “Chia sẻ tháng ba”, tác giả viết: “Từ mười tỉnh duyên hải miền Trung – Tây Nguyên/ và các thầy đầu ngành / về đây sẻ chia việc bồi dưỡng nhân tài/ bằng tâm huyết của người thầy”…. Những câu như thế không có chất thơ. Đây là những điều đáng tiếc, nếu được biên tập kỹ hơn trước khi in.
Dù vậy Một giọt hương vẫn là một tập thơ có nhiều ưu điểm, rất đáng ghi nhận những cố gắng của tác giả, xứng đáng để “góp mặt với đời” như lời đề từ đầu tập thơ.

























Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SÔ 279 - tác giả TÔN NỮ NGỌC HOA


Nhà thơ TÔN NỮ NGỌC HOA


Sinh năm 1955
Quê quán: Kim Long, Huế
Là giáo viên đã nghỉ hưu hiện sống tại Buôn Ma Thuột
Đã xuất bản tập thơ Bài hát của trái tim





Đi hết hoàng hôn

Sao người không chậm lại                                          
Ta cùng  đi hết hoàng hôn?
Sao người giục tôi đi nhanh
Ngày đang hết
Tháng rồi hết
Năm đuổi năm
Ai cầm được tuổi mình đứng lại!

Khoảnh khắc này
Tôi đang khác tôi
Quên nhan sắc cuối thu
Cười môi thiếu nữ
Ý nghĩ người miên man vần điệu
Dắt thanh xuân về
Đánh thức câu thơ
Sao đành lay động cơn mơ

Nào
Thì  đi
Người nhanh
Tôi chậm
Đua với thời gian
Cuộc đua đích thực

Kìa
Đèn phố lên
Đích đầu tiên hé lộ
Một phía người
Tôi về phía mình tôi.
      

Biển mặn

Cởi bỏ ngại ngần
Quăng ném rụt rè
Tôi ngã vào biển chiều tím biếc

Gió như không gió
Biển là mẹ
Hiền hoà
Vỗ về
Xua phiền muộn

Sóng như không sóng
Biển là người tình
Mơn man
Mơn man
Dịu đủ để đắm say
Êm đủ để mơ màng

Và cát níu chân
Mây gọi trên đầu
Tôi tham lam
Thèm bềnh bồng
Thèm mất hút
Thả sức vẫy vùng tung đạp
Chỉ được một tôi bất lực vụng về

Bỗng dưng tôi đem lòng ganh tị với người đàn ông lạ xa kia
Đang bình thản soãi tay
Bình thản thả mình trên sóng
Không cố công
Không vướng bận
Yên lặng chuyện trò với bầu trời cao rộng
Hạnh phúc như vừa hoàn thành một sứ mạng thiêng liêng

Tôi muốn hét vang
Hỏi người đàn ông lạ xa đã rũ sóng tìm bờ
Rằng
Biển mặn
Uống bao nhiêu cho vừa khoảnh khắc tự do?


Vờ

Ừ thì
Mình cứ vờ yêu
Vờ quay quắt nhớ vờ kêu tên thầm
Sóng đôi tay cứ vờ cầm
Tiễn chân vờ đứng tần ngần trông theo
Tiếng cười vờ nắng xuân reo
Vờ say hương để liêu xiêu đường về
Vờ hôn đánh thức đam mê
Vờ tiếc nuối. Vờ tái tê. Cứ vờ…

Cứ như đã tự bao giờ
Cứ như gặp lại người xưa một thời
Tháng năm chớp mắt vèo trôi
Vừa thơ trẻ đã ngậm ngùi gầy hao
Vui chưa nếm trọn ngọt ngào
Đã buồn. Buồn đến nôn nao cõi lòng
Được ư! Một đoá phù dung
Mất – rành rành trước muôn trùng sóng xô
Sum vầy thoắt đã bơ vơ
Tình như ngọn gió mơ hồ chớm thu

Trao nhau một chút giả vờ
Thêm quen bớt lạ xui thơ tìm người
Gốc khô may lại nảy chồi
Trống tênh may lại bồi hồi đầy vơi
Ư thì
Mình chỉ vờ thôi
Nữa mai đơn lẻ nên đôi Tônlại vờ