Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

CHUYỆN THẦY Y DHĂNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỐ: 526 NGÀY 29 THÁNG 11 NĂM 2018







Trong một lần về thăm buôn Krông Pa dưới chân dãy núi Krông Á xanh ngắt, cao chọc trời, giống như một bức tường thiên nhiên phân định ranh giới của của hai tỉnh Đắk Lắk - Khánh Hòa, tôi có dịp ngồi uống rượu cần bên bếp lửa nhà ông giáo già Y Đhăng.
Ngôi nhà sàn dài gần trăm mét, trong đó một phần ba làm phòng khách, nơi sưởi ấm, tiếp khách và uống rươu; phần còn lại từng gian một được ngăn ra làm phòng ngủ cho các gia đình thuộc dòng họ bên vợ chung sống. Ông Y Đhăng có khuôn mặt cương nghị, tuổi ngoài bảy mươi, cao, gầy; đặc biệt đôi mắt có gì đó như ẩn chứa một nét u buồn. Ông cời đống than đỏ rực đặt mấy miếng thịt khô, lật qua lật lại… mùi thơm tỏ ra ngào ngạt.
- Thịt nai à thầy? - Tôi hỏi
- Thịt heo của buôn chia phần đấy.
Ông nói giọng buồn buồn. Ma(1) Hen cán bộ Phòng giáo dục Huyện đi cùng tôi cười xòa nói với ông Y Đhăng.
-Đây là anh Vân Trang – nhà báo về huyện ta công tác, tiện đường đi tôi dẫn ghé thăm anh.
      Ma Hen quay sang tôi:
- Anh biết không, thầy Y Đhăng thời thanh niên không chỉ là một thầy giáo dạy giỏi mà còn là tay võ sĩ cừ khôi của cả vùng này đó.      
- Thật  thế sao?
Như đoán đuợc suy nghĩ của tôi về người thầy giáo gầy gò ngồi trước mặt đã từng nổi tiếng một thời, ama Hen nói:
- Trước đây, vào khoảng năm 1977-1978 trở về trước, cả vùng phía đông huyện này chỉ có rừng là rừng, đi mỏi chân mới thấy một buôn nằm lọt thỏm giữa rừng. Thú rừng nhiều vô kể, ngoài hổ, báo, voi, gấu, bò rừng, min… thường kéo về theo một chu kỳ nhất định của vòng quay kiếm ăn; còn heo, nai, khỉ, dọc… thì cứ đàn này đi, đàn khác kéo về quấy phá thường xuyên. Cuối năm 1978 thầy Y Đhăng về phụ trách lao động trường nội trú huyện, thường dùng tài lẻ của mình kiếm thức ăn cho cả trường. Thời ấy, kinh tế còn khó khăn, thực phẩm khan hiếm, vận động được các em học sinh rời buôn làng, xa ama amí(2) đến trường học là cả một vấn đề. Nhưng thầy Y Đhăng đã làm được và làm tốt là nhờ một phần vào tài giỏi võ nữa đấy. Chuyện thầy đi đón học sinh chiều chủ nhật, tay không đánh gục gấu ở dốc Cổng Trời hay tiếng thét của thầy làm chúa sơn lâm phải cụp đuôi bỏ chạy ở đèo 519 đã trở thành truyền thuyết của vùng này…
*
**
Vào chiều chủ nhật đầu tháng, thầy Y Dhăng thường đạp xe đạp đến dốc Cổng trời đón các em học sinh từ vùng căn cứ cách mạng ra học. Gọi dốc Cổng Trời, vì nó rất cao so với khu vực xung quang, một bên rừng già, một bên suối sâu, cách xa khu dân cư, thú dữ lại nhiều. Mỗi tháng các em được về nghỉ chiều thứ bảy tuần đầu của tháng, qua chiều chủ nhật phải trở lại trường. Ami ama đưa các em đến đỉnh dốc quay về, còn từ đỉnh dốc xuôi về trường hơn chục cây số ra gần đường quốc lộ là đồi cỏ gianh ít nguy hiểm và được các thầy cô thay nhau đến đón. Hôm đó khoảng bốn giờ chiều, thầy Y Dhăng đến chân dốc dựng xe đạp bên đường rồi leo lên dốc đón học sinh.
Thầy Y Dhăng mới leo lên lưng chừng dốc đã nghe tiếng học sinh la hét hoảng loạn trên đỉnh dốc. Chạy lên một chút thấy các em hốt hoảng lao xuống dốc, nhiều em ngã lăn lông lốc như hòn đá. Phía sau các em, một con gấu cao hơn mét, đen thui, chỉ có một vệt trắng hình chữ V trên cổ nhãy chồm chồm phía sau. Thầy vội thét lên, lao đến trước mặt gấu đứng thủ thế. Thấy người lớn đến, con gấu đứng bật dậy bằng hai chân sau, hai chân trước khua khua trong không khí, lừ lừ tiến lại. Chờ con gấu lại đúng tầm, thầy Y Dhăng vung tay ném hòn đá to như cái chén ăn cơm trúng ngay mõm con gấu. Con gấu hãi quá đứng khựng lại, rồi đổ mình xuống đi bằng bốn chân. Thầy Y Dhăng lại vung tay choảng cho nó một hoàn đá nữa trúng vào đầu; chắc bị đau, con gấu sợ chạy biến vào rưng.
Chuyện của thầy trị thú dữ bảo vệ học trò nhiều như lá rừng, kể hoài không hết; nhưng rồi một tai nạn khủng khiếp giáng xuống thầy vào đúng thời điểm bất ngờ nhất, đau đớn nhất trước sự chứng kiến của thầy cô và học sinh toàn trường...
Giọng ama Hen chợt chùng xuống, anh vít cần uống một hơi dài, rồi chuyển cần cho ông Y Dhăng:
- Để tôi kể tai nạn của thầy Y Dhăng cho anh nghe.
Thầy Y Dhăng không nói gì, đôi mắt buồn buồn nhìn chăm chăm vào đống lửa. Tiếng ama Hen rì rầm, rì rầm . . .

*
*     *
  
Hôm ấy mấy thầy trò trường Dân tộc nội trú huyện tổ chức lao động phát cánh đồng sậy rộng chừng một héc ta sát ngay chân núi Krông Á. Đám sậy mọc khá tốt, cao lút đầu người. Ở giữa đám sậy có con suối chảy qua, quanh năm nước màu riêu cua, váng vàng nổi lên từng đám lững lờ trôi theo dòng nước. Chính đây là nơi lí tưởng cho bầy heo rừng ẩn nấp trước khi về phá hoại hoa màu. Học sinh tham gia lao động khá đông vì không chỉ để có đất tăng gia, sản xuất, mà còn giúp dân bảo vệ hoa màu và đuổi lũ heo vào rừng sâu. Hơn hai chục thầy cô và gần bốn trăm em học sinh tuổi mười ba đến  mười bảy, dàn hàng ngang từ cuối đám sậy phát ngược suối lên phía chân núi cao. Từ sáng đến gần trưa phát được khoảng một nửa.
Thầy Y Dhăng bận họp nên gần trưa mới vào thăm các em lao động. Đến bên đám lau sậy học sinh đang phát, con xám đi theo thầy Y Dhăng bỗng đứng bằng hai chân sau, hai chân trước khua khua trong không khí như con gấu đuổi ong mật rồi lao thẳng xuống mặt sình, nhãy chồm chồm qua đám lau sậy vừa bị chặt đổ. Thầy Y Đhăng vội kêu lên:
-         Thầy cô và các em lên triền đồi ngay, có heo rừng đấy.
Thầy cô giáo và học trò vội vã dừng phát, kéo nhau lại chỗ thầy Y Dhăng đang đứng. Bỗng tiếng con chó xám cất tiếng sủa ông ổng từng tiếng một như đếm, sau gào lên dữ dội hơn.
Mấy em học sinh lớn nhanh chân đạp lau sậy lên trước, còn cô bé H’Trang Bya học sinh lớp bảy từ chân đồi đối diện lội sình băng qua bên này với các bạn, mới vượt qua được một nửa đám sình phát dở đã nghe tiếng chó sủa cuống quýt vừa chạy vài bước, ngã dúi xuống sình. Thầy Y Dhăng vội cầm cây xà gạc(3) nhảy ngay xuống sình chạy lại phía H’Trang để giúp.
R…ầm r…ầm, đám sậy như có đàn trâu rừng đuổi nhau làm cây gãy, tiếng lội nước vang lên. Tiếng sủa của con xám im bặt, nhưng đám sậy rung lên bần bật như có trận gió lướt qua xuôi theo dòng suối về phía đám sình mới phát. Con xám lao vút ra, nhảy thoăn thoắt trên đám sậy vừa phát, phía sau cách độ chục mét, một con heo rừng to đùng, dài bằng sải tay người lớn có hai chiếc răng nanh màu vàng như hai quả chuối bên mép, nhảy chồm chồm đuổi theo phía sau. Có lẽ vì sình lầy, nước ngập đến nửa bụng nên heo chạy không nhanh. Trong khi ấy, H’Trang cũng đang cố chạy, nhưng hình như quýnh quá, cứ bước vài bước lại trượt chân xuống sình, ngã úp mặt xuống đám sậy mới phát.
Con heo nhìn thấy người liền bỏ con chó quay ngoắt sang phía H’Trang lao đến như con trâu điên lồng trong bùn. Thầy Y Đhăng thét lên:
-         Huầy, huầy, huầy!
Trên bờ, thầy cô và học trò thi nhau hò hét, có mấy em còn nhanh tay vớ luôn nắp xoong nồi nấu nước gõ liên hồi mong con heo sợ bỏ đi. Mặc người hò hét, mặc tiếng gõ ầm ĩ của nắp xoong, con heo vẫn nhằm H’Trang lao đến. Cũng vừa lúc thầy Y Đhăng băng đến, nắm lấy tay H’Trang kéo mạnh về phía mình rồi đẩy ra phía sau. Con heo rừng lao xộc đến, đôi mắt trắng dã long lên. Một thầy giáo đứng bên mép sình thấy thế cũng vội vã lao xuống, đạp lên đám lau lách vừa phát, băng qua đám sình, lại kéo H’Trang lên bờ.
Con heo nhắm thẳng thầy Y Dhăng lao đến, cái mõm dài ngoằng, cái đầu to như cái chậu lớn đen bóng, riêng cái lưng heo lông mọc dựng ngược lên dài gần gang tay trông rất dữ tợn. Chờ con heo lao gần đến nơi, thầy Y Dhăng vung cây xà gạc trên tay chặt một nhát thật mạnh vào trúng vai trước con heo làm rách một miếng lớn lòi cả một khúc xương vai, rồi nhảy qua bên tránh cái mồm há to đầy răng nhọn của con heo xộc đến. Con heo hụt mồi, quay ngoắt lại làm nước bùn bắn tung tóe rồi nhằm thầy Y Dhăng lao lại. Con chó xám nhảy chồm chồm qua đám sậy mới phát nhắm đít con heo lao tới, cắn vào chiếc đuôi heo đang cong lên, giật mạnh. Con heo quay đầu định cắn con xám nhưng con xám đã nhanh nhẹn nhảy tránh qua bên rồi bỏ chạy ra xa. Không đuổi theo chó, con heo quay lại nhằm thầy Y Dhăng lao tới, thầy vung xà gạc chặt một nhát thật mạnh vào đầu con heo, nhưng do đám sậy dưới chân không chịu được sức nặng bất ngờ tụt xuống làm lỡ đà nên lưỡi dao chỉ phạt được một mảng da bên mõm lại trúng ngay chiếc răng nanh con heo làm xà gạc văng lên trời, tuột khỏi tay bay đi mất. Thầy ngã chúi xuối, hai tay chống xuống mặt sình; khi đứng lên được, bùn ngập đến ngang bụng vừa lúc con heo ập đến…
Trên bờ, nhiều tiếng thét hãi hùng vang lên, có em đã bật khóc quay lại ôm chặt lấy nhau không dám nhìn xuống sình; mấy thầy giáo vội vã vác xà gạc lao xuống tiếp sức, nhưng từ trên mép sình xuống đến chỗ con heo phải trên năm chục mét, làm sao kịp. Con heo mắt trợn ngược, chân trước còn lại đạp lên ngực, giơ chiếc mõm dài, hai bên chìa ra hai chiếc răng nanh to như quả chuối định cắm vào mặt thầy Y Dhăng. Thầy Y Dhăng lấy hết sức lực dồn vào đôi tay rắn chắc của mình bóp chặt hàm dưới đẩy mõm con heo lên. Con heo rừng muốn ghì chết kẻ thù của nó; còn con người vì sự sinh tồn cũng cố móc tay vào yết hầu đẩy mõm nó lên. Không biết thầy Y Dhăng cầm cự được thêm bao lâu, khi cánh tay tê dại dần, cái chết đã lơ lửng trên đầu. Đúng lúc đó con xám xuất hiện, nó cắn vào cán dao xà gạc kéo lại sát bên chủ, ngay dưới mõm con heo. Làm xong cái việc phi thường đó, nó lấy hết sức lao vào chiếc chân trước bị chém, nhằm miếng xương bả vai của con heo lòi xương ra,  gặm một miếng rõ to, giật mạnh. Con heo đau đớn hộc lên một tiếng, quay ngang táp vào chân sau con xám. Một tiếng rắc khô khan vang lên, con heo đã cắn đúng chân sau con xám, lắc mạnh. Con xám kêu lên một tiếng thảm thiết, văng ra xa. Thầy Y Dhăng cố hết sức cầm cây xà gạc con xám vừa kéo đến thọc thẳng lưỡi dao vào mồm con heo vừa há ra định cắn vào mặt thầy. Cây xà gạc xuyên vào mồm con heo, thọc xuống cổ họng cũng vừa lúc ấy mấy thầy giáo chạy xuống đến nơi tiếp ứng...
*
**
Thầy Y Đhăng được đưa vào bệnh viện điều trị gần ba tháng mới lành vết thương. Khi kéo xác con heo rừng lên bờ, mọi người phát hiện ra chân sau của nó bị mới dính bẫy, mất một bàn chân; có lẽ vì thế nó mới trở nên hung dữ khủng khiếp đến vậy. Còn con xám cũng được mấy em học trò đưa về chăm sóc, đắp thuốc chữa trị, tuy thoát chết, nhưng cụt mất một chân.


Chú thích:
1.     Ama: ba – tiếng Êđê;
2.     Ama, ami: ba, má - tiếng Êđê;
3.     Xà gạc: dao phát rẫy của người Êđê.


Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

GẶP NẠN truyện ngắn của Hồng Chiến - Tạp chí Văn hóa văn nghệ Bạc Liêu số: 107 ngày 15 tháng 11 năm 2018




Con suối cạn mỗi lúc một rộng hơn, hai bên bờ suối dấu heo ủi ngày một nhiều. Giữa dòng suối, thỉnh thoảng có một vũng cạn làm điểm xuất phát cho một cồn cát cát trắng trãi dài ra một đoạn xa. Trên cát, dấu chân heo, nai đi lại dày đặc như ngầm giới thiệu đã đến vùng của các loài thú ăn cỏ ngự trị. Đối với rừng già theo một quy luật Yang(1) định sẵn: vùng nào nhiều thú ăn cỏ, chắc chắn sẽ có nhiều thú dữ ăn thịt. Nhiều thú ăn thịt sẽ là mối nguy hiểm đối với con người nếu không may đi lạc vào vùng ấy.
Vết cắn của con ba ba có lẽ đã đỡ đau, Vân thong thả bước, nhiều lúc hứng chí còn thục mũi giày vào cát, đá nhẹ cho mấy hòn sỏi đen bay một đoạn xa. Y Nhớ vẫn cắm cúi bước phía trước, không nhìn lại phía sau, hỏi:
-Vân khỏi đau rồi sao mà có hứng nghịch rồi?
-H’Uyên giỏi quá, có mấy cái lá và sợi dây thôi, tay mình không còn đau nữa.
Vân trả lời rồi ngoái lại nhìn phía sau, H’Uyên hai má ửng hồng, mấy sợi tóc xoăn tít rủ xuống trán; đôi mắt nâu đen trên khuôn mặt trái xoan nhìn như chứa cả bầu trời trong ấy vẫn thong thả bước. Hình như cô bạn gái này chưa bao giờ biết vội vàng là gì thì phải. Con của già làng có khác, lúc nào cũng điềm tĩnh và chân tình với mọi người xung quanh. Thấy Vân quay lại nhìn mình, H’Uyên nhắc:
-Nhìn phía trước mà đi không té bây giờ.
-Yên tâm đi, chân mình có mắt đấy.
Nghe Vân nói thế, Y Nhớ góp chuyện:
-Vân thì giỏi rồi, sau chuyến đi rừng này chắc chắn thành người đặc biệt vì có tới sáu con mắt luôn.
-Sao Y Nhớ bảo Vân có sáu mắt; như thế là nói xấu nhau đó nha.
-Ơ hay, Vân vừa nói chân có mắt, vì thế hai chân chắc chắn bốn mắt, thêm hai mắt dưới trán không phải sáu thì là mấy?
H’Uyên góp lời làm Vân vướng vào thế kẹt nên quay nhìn H’Uyên trách:
-Hai người vào hùa bắt nạt Vân hả?
-Vân, cẩn thận, nhìn đường đi chứ!
H’Uyên kêu lên, nhưng đã muộn, Vân đi lùi bước hụt xuống hố ngã ụych một cái, nằm sóng soài ra cát. Y Nhớ nghe tiếng kêu quay đầu nhìn đã thấy Vân té, vội chạy lại đỡ bạn, hỏi:
-Có sao không?
-À, mình thử nằm xem cát dưới suối có êm hơn đống lá ta ngủ tối hôm qua trong rừng không.
-May dưới cát không có đá hay cành cây chứ không thì...
H’Uyên nói như trách. Y Nhớ có vẻ không vui, bảo:
-Đi rừng không được đùa nghịch, vì đùa nghịch một chút có thể phải ân hận cả đời người. Trong rừng có ngàn vạn điều bất ngờ mà không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra như Vân vừa bước xuống hố vì đi lùi. Đi phải quan sát đường, tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
-Y Nhớ hôm nay nói như người già ấy nhỉ.
Vân tỏ vẻ ngạc nhiên nói lại rồi lồm cồm đứng dậy. H’Uyên đứng nhìn, vẻ mặt có gì đó hình như không vui, nói:
-Đó là những bài học của các thế hệ cha ông đi trước truyền lại cho con cháu sau này đấy. Lúc nào làm việc phải tập trung làm việc, lúc nghỉ mới vui đùa được.  Người đi rừng luôn luôn phải chú ý nhìn phía trước và hai bên để tránh chướng ngại vật và đề phòng thú dữ. Nhiệm vụ của người đi trước rất quan trọng vì họ quyết định phương hướng và điểm đến cho cả đoàn, nhưng cũng nguy hiểm nhất; còn người đi sau phải chú ý nhìn người đi trước đề phòng bất trắc, kịp thời giúp đỡ lẫn nhau.
-Sao hôm nay H’Uyên cũng trở thành cô giáo luôn vậy?
Vân có vẻ ngạc nhiên, kêu lên nhưng không dám quay nhìn lại phía sau nữa, ngoan ngoãn bước tiếp. Y Nhớ vẫn bước thoăn thoắt phía trước, góp lời:
-Không phải dạy mà bảo nhau cùng biết, kinh nghiệm của người đi rừng lâu năm Vân phải nhớ lấy.
-Hi Hi… Vân nhớ rồi. Mà sao khu rừng này nhiều dấu chân heo, nai rừng lại vắng tiếng chim thế nhỉ. Chẳng lẽ lũ chim cũng biết ta đến đây nên trốn hết rồi.
Y Nhớ trở tay, đưa cây lao từ bên vai phải qua vai trái, mắt chăm chú quan sát phía trước, không trả lời. Hôm nay không nghe thấy tiếng chim hót trong rừng già cũng là một điều gì đó không bình thường, đáng để lưu tâm - Y Nhớ chỉ thầm nghĩ không dám nói, sợ làm các bạn cùng đi lo.
Những cây đại thụ mọc hai bên bờ suối cạn khu vực này có nhiều dây leo chằng chịt. Những sợi dây to như bắp đùi người lớn bám vào thân cây, vắt từ cây nọ qua cây kia trông như những con trăn lớn đu mình tìm mồi. H’Uyên đi sau cùng cũng không nói gì thêm, một tay cầm cây xà gạc(2) gộp vào với cây đinh ba vác chéo lên vai, lưỡi ngữa lên trời, thỉnh thoảng có vệt nắng chạm vào làm bắn ra ánh sánh xanh, quét vào cây như ánh đèn pin. Người già cho rằng vác cây xà gạc trên vai khi vào rừng không sợ thú dữ tấn công trộm từ phía sau, vì chúng thấy lưỡi dao như chiếc sừng nhô lên trên vai. Còn khi cần, chiếc xà gạc sẽ nhanh chóng trở thành vũ khí chống lại kẻ thù. Lúc này chẳng biết H’Uyên nghĩ gì, nhưng đôi mắt luôn quan sát mọi phía như đang lo lắng điều gì. Riêng Vân vẫn vô tư bước đi.
Rầm, một chiếc dây leo to như đầu người từ trên cao bất ngờ rơi xuống trúng ngay người làm cây lao vác trên vai bắn ra xa, Y Nhớ ngã quay ra đất. Sợi dây rừng kỳ lạ rùng rùng chuyển động quấn vào người Y Nhớ. Y Nhớ Thét lên:
-Trăn, túm lấy đuôi nó kéo ra hộ mình.
Nghe Y Nhớ hét, Vân ngã bịch xuống đất mặc dù không bị con trăn đụng vào người, tay chống xuống cát run run như người lên cơn sốt, mắt nhìn con trăn chằm chằm. Con trăn từ từ, từng vòng một, quấn quanh Y Nhớ giống người ta dùng dây cột lại từ chân lên đầu. Con trăn đen thui có những đường màu vàng kẻ lên da, tạo ra  các hình nhiều cạnh không đều nhau, trông rất ghê rợn.
Khi trăn rơi xuống không những đè ngã Y Nhớ xuống lòng suối mà còn quay đầu cắn luôn vào chân. Theo phản xạ, Y Nhớ dùng hai tay nắm cổ trăn kéo ra. Con trăn cong mình lại, cuộn Y Nhớ vào giữa. H’Uyên đi sau thấy vậy, vội xuôi tay cho chiếc gùi đeo trên lưng rơi xuống xuống đất, rồi lao lại túm lấy đuôi con trăn đang uốn lượn như sóng, giật mạnh.
“Vút”, đuôi trăn cong lên, giật mạnh sang ngang, H Uyên ngã lăn ra đất, lại lồm cồm đứng dậy lao đến túm đuôi trăn lần nữa, chân đứng như kéo co. Nhưng hình như sức lực của H’Uyên không ăn nhằm gì, con trăn vẫn tiếp tục quấn thêm từng vòng quanh người Y Nhớ. Y Nhớ kêu lên:
-Nắm đuôi nó kéo mạnh ra.
 Con trăn khỏe quá, chỉ thoáng một cái chỉ còn thấy cái đầu của Y Nhớ thò ra bên ngoài, còn toàn thân bị con trăn cuốn tròn lại, kín đến mức không nhìn thấy quần áo đâu nữa. Nhìn Y Nhớ sắp bị trăn nuốt, H’Uyên bị trăn dùng đuôi quật ngã; bản năng sinh tồn trong người Vân trỗi dậy, quên luôn cả sợ hãi, đứng bật dậy lao lại ôm lấy đuôi trăn giúp H’Uyên giật mạnh, mong giúp bạn thoát ra. Con trăn uốn đuôi quật như sóng lượn, hết qua bên phải rồi bên trái làm Vân và H’Uyên ngã xuống, bị kéo lê trên mặt đất. Trong lúc tuyệt vọng, Vân há mồm to hết cỡ, cắn một cái thật mạnh vào đuôi con trăn hy vọng làm nó bị đau mà bỏ Y Nhớ ra. Da trăn mềm mềm, nhưng như bọc giáp, răng không thể nào xuyên qua lớp vảy cứng được.
Cái chết đến rất gần, rất gần… đôi mắt đen, thông minh thường ngày của Y Nhớ đã dại đi. Con trăn vẫn gồng mình từng cơn siết chặt người Y Nhớ, cái đuôi uốn lượn làm Vân và H’Uyên bị kéo lê trên mặt đất nhưng không ai buông tay ra. Thương bạn, Vân lại cố gắng cắn một cái thật mạnh nữa vào đuôi con trăn, hai hàm răng đau buốt, nhưng hình như con trăn không hề hấn gì. Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu, Vân vội kêu lên:
-H’Uyên, buông tay ra, lấy hộp quẹt lại đây.
H’Uyên nghe lời, buông tay, chạy lại bên chiếc gùi nằm nghiêng trên cát, lấy hộp quẹt đưa đến. Vân đứng thẳng dậy, hai tay ôm đuôi trăn lên ngang ngực, thét lớn:
-H’Uyên bật lửa lên, đốt vào rốn nó ấy.
Nghe Vân nói, H’Uyên làm theo. Con trăn hình như cảm nhận ngay được sự đau đớn, nó rùng mình một cái thật mạnh như cố gắng đẩy Vân ra. Vân ôm chắc đuôi trăn, chân chạng ra cắm xuống cát, mồm hét lên động viên bạn:
-Con trăn bị đau rồi, H’Uyên cố lên tý nữa, nóng quá nó phải chạy thôi.
Hộp quẹt ga nhỏ bằng hai ngón tay, khi bật lên có ngọn lửa nho nhỏ màu xanh, cháy cao hơn hai đốt ngón tay một tý, nhưng châm đúng vào chỗ hiểm của con trăn làm nó không chịu được vội thẳng đuôi ra rồi co lại, lại thẳng ra lần nữa, lần nữa… Theo từng cơn co dãn của con trăn làm các vòng tròn trên người Y Nhớ được nới rộng rồi giảm dần. Vân cũng bị con trăn đẩy ngày một ra xa Y Nhớ, cuối cùng con trăn cũng thẳng mình bỏ Y Nhớ ra, bò xuôi theo dòng suối kéo theo luôn cả Vân ngã sấp mặt xuống cát. Mặc kệ con trăn đang hốt hoảng bỏ chạy, Vân vẫn ôm chặt khúc đuôi của nó, không chịu thả ra vì thế bị nó kéo lê trên mặt đất. H’Uyên vội kêu lên:
-Vân ơi, buông tay ra cho nó đi đi.
Nghe H’Uyên nói vậy, Vân mới chịu buông tay thì con trăn cũng đã kéo lê đi một đoạn xa. Không thèm để ý đến con trăn không có một cái chân nào mà trườn nhanh như chó chạy, Vân lồm cồm ngồi dậy chạy lại bên Y Nhớ. Y Nhớ nằm bất động, mắt nhắm lại, hai tay buông xuôi theo người. Vân chạy lại quỳ xuống, nắm lấy tay phải của bạn lắc lắc, giọng mếu máo:
-Y Nhớ, Y Nhớ, tỉnh lại đi, tỉnh lại đi, đừng chết!
Y Nhớ vẫn nằm yên bất động, máu nơi ống chân phải chảy ra ướt cả ống quần. H’Uyên không nói gì, hai tay vẫn liên tục xoa lên ngực Y Nhớ, mắt nhăm nghiền. Vân bật khóc, kêu lên:
-Y Nhớ chết mất rồi H’Uyên ơi. Hu hu hu!
-Khóc cái gì, không chết được đâu!
Nghe Vân khóc, H’Uyên mở mắt ra nói rồi đứng dậy bước lại bên gùi lấy bầu nước, ngửa cổ hớp một ngụm to đi lại phun vào mặt Y Nhớ. Thấy vậy, Vân đứng bật dậy đẩy mạnh làm H’Uyên ngã lăn quay ra đất, miệng gầm lên:
-Sao ác thế, nỡ đối xử với người chết vậy à?
-Ơ, Vân định đánh mình à?
Lồm cồm bò dậy, H’Uyên hỏi, giọng nghèn nghẹn, nước mắt chực trào ra. Vân hai tay nắm lại như sắp đánh nhau. Y Nhớ mở mắt nhìn lên ngọn cây rồi nhìn hai người bạn, từ từ ngồi dậy, hỏi:
-Vân định đánh H’Uyên à, tại sao thế?
-Y Nhớ tỉnh rồi, may quá.
Vân reo lên, quỳ xuống nắm tay bạn, hai mắt đỏ hue. H’Uyên cũng ngồi xuống, vén ống quần chân bị thương của Y Nhớ ra xem. Trên bắp chân có bốn lỗ, chắc bốn cái răng nanh trăn cắm vào đang rỉ máu. Nhai lá cây đắp cho Y Nhớ, H’Uyên trách:
-Mọi ngày Vân hiền khô, sao bây giờ dữ như cọp thế, ghét H’Uyên lắm à?
Vân đỏ mặt không nói gì, Y Nhớ phải nói giúp:
-Trong hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau, trông Vân yếu ớt vậy mà lúc nguy cấp lại tỏ ra can đảm, nhanh trí khác thường. Ơ, sao sao mồm Vân cũng chảy máu thế kia?
-Lúc trăn quấn Y Nhớ, Vân không biết làm sao được liền cắn đuôi trăn như chó săn luôn. Chắc con trăn bị đau, quật lại bị chảy máu mồm đấy.
H’Uyên giải thích và nói thêm:
-Trăn khỏe quá, hai đứa nắm đuôi kéo mãi mà không được. May Vân nghĩ ra cách đốt rốn làm nó đau mới cứu được Y Nhớ đấy.
-Vân bỗng nhiên thông minh lên đấy nhỉ!
Nghe Y Nhớ nói vậy, Vân cười:
-Lúc đó chỉ sợ Y Nhớ bị trăn ăn thịt nên cố gắng tìm mọi cách buộc con trăn nhả ra thôi. Đêm hôm qua các bạn bảo thú vật trong rừng con nào cũng sợ người vì người có lửa. Lúc kéo trăn ra không được, mình liền nghĩ ngay đến lửa, nếu đốt lửa, trăn sợ bỏ chạy mới cứu được Y Nhớ. Nhưng tại sao H’Uyên phun nước vào mặt Y Nhớ như vậy?
-Không phun nước vào mặt làm sao Y Nhớ tỉnh lại? Thế mà cũng gây sự với người ta.
-Ô, ra thế, Vân xin lỗi H’Uyên nhé!
-Không thèm nhận.
H’Uyên quay mặt nhìn qua hướng khác, Y Nhớ mĩm cười nói như xin lỗi:
-Tại Y Nhớ không cẩn thận mới bị trăn bắt, làm hai bạn lo lắng rồi bất hòa với nhau. Giờ khỏe cả rồi, ta lên trên bờ suối đi cho đường ngắn lại nhé.
-Tùy hai bạn.
Vân trả lời rồi đi lại bên gùi nhặt các thứ bị rơi ra bỏ vào, bất chợt kêu lên:
-Mất con ba ba rồi!
-Có dấu nó bò xuôi theo suối xuống vũng nước lớn phía dưới kia rồi, thôi tha cho nó, ta lên bờ đi thôi.
H’Uyên nói xong đi lại xách gùi đeo lên vai, quay lại nói với Vân:
-Đưa tay xem nào, máu lại chảy kìa, để H’Uyên buộc lại đã nào.
  Gió bất ngờ thổi mạnh, cây cối vặn mình kêu răng rắc rồi một cơn lốc tạo nên một vùng xoáy, quay tròn giữa lòng suối hút cả lá cây, đất, cát tung hê lên trời. Bóng chiều xiên xiên chui qua kẻ lá xuống lòng suối tạo nên những dấu chấm vàng loang lổ trên cát.


Nhà sáng tác Đại Lải, tháng 10 năm 2018

Ghi chú:
1.     Yang – tiếng Êđê gọi thần linh.
2.     Xà gạc – một loại dao dùng phát rẫy và đi rừng của người Êđê.

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

BÌNH YÊN CHO THỊ XÃ CAO NGUYÊN ghi chép của HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN SỐ: 314 - THÁNG 11 NĂM 2018

Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”




 Nhà thơ Hữu Chỉnh

                   Nguồn cội từ đâu Sông Tóc ơi!
                   Từ trong huyền thoại chảy ra đời.
Câu thơ viết lâu lắm rồi khi chưa thành lập thị xã Buôn Hồ, huyện còn mang tên Krông Búk, dịch nghĩa tiếng Kinh là dòng Sông Tóc, muốn nói về truyền thống tốt đẹp nối dài của Công an Buôn Hồ từ Krông Búk chuyển qua.
Trước đây Đội Cảnh sát điều tra sáp nhập với Đội Cảnh sát hình sự, mang tên chung là Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Sau này công việc càng nhiều, càng phức tạp, đòi hỏi chuyên sâu nên ngày 12.2.2015, Công an thị xã Buôn Hồ công bố thành lập cơ quan Cảnh sát điều tra gồm 4 đội, trong đó có Đội Điều tra tổng hợp mà tôi được tiếp xúc.
Hiện tại, Đội Điều tra tổng hợp (ĐTTH) có 12 biên chế. 1 người là thạc sĩ, 7 người đại học, 4 người có trình độ trung cấp. Làm việc với tôi có đủ các đồng chí lãnh đạo Đội ĐTTH đương nhiệm. Đội trưởng là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn cùng hai Phó đội trưởng là Thiếu tá Nguyễn Thế Công và Đại uý Nguyễn Thái Bình. Thẳng thắn trao đổi, qua ánh mắt cương nghị và cử chỉ dứt khoát, các anh tạo cho tôi ấn tượng tốt đẹp về tính trung thực, kiên quyết, không ngại khó ngại khổ của người chiến sĩ công an.
Chưa quên đâu thuở hàn vi khi mới sơ khai còn ở Krông Búk. Lúc bấy giờ còn gọi là Đội Điều tra xét hỏi, biên chế 7 người, làm việc tại hai phòng bằng gỗ, lợp tôn sơ sài. Trang bị là súng AK47, đi lại bằng xe đạp, có khi cả tuần mới về cơ quan. Fulrô còn lẩn quất trong các buôn làng, đe doạ tính mạng mọi người. Thêm vào đó là bệnh sốt rét hoành hành. Vượt lên tất cả, các chiến sĩ vẫn bám sát địa bàn, gắn bó với đồng bào để kịp thời phát hiện tình huống, đề xuất với lãnh đạo xử lý kịp thời các vụ việc.
Mười năm nay, Buôn Hồ thành thị xã nhưng vẫn giữ truyền thống khi còn chung tên là Krông Búk.
Hiện thị xã Buôn Hồ có 22.670 hộ với trên 111.300 nhân khẩu, 20 dân tộc anh em chung sống ở 7 phường, 5 xã trên diện tích 28.205,89 ha. Đây là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự của tỉnh, tệ nạn xã hội diễn ra nhức nhối.

Khi mới thành lập thị xã, cơ quan Cảnh sát điều tra đã gặp ngay vụ án giết người man rợ, dã man làm chấn động các phương tiện thông tin truyền thông cả nước. Vụ án xảy ra vào ngày 11.5.2010. Kẻ sát nhân là Lê Văn Vui. Tên Vui sinh năm 1986, là kẻ thuê ki ốt bán rượu cạnh nhà anh Đỗ Thành Quang, tổ dân phố 5, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ. Vốn quen biết, hiểu được điều kiện kinh tế gia đình anh Quang nên tên Vui có mưu đồ thâm hiểm. Tên Vui rủ cháu Đỗ Quang Huy, con anh Quang mới 9 tuổi và cháu Nguyễn Hữu Duy Thức mới 8 tuổi là hàng xóm, ra khu B nghĩa trang liệt sỹ chơi trò bịt mắt bắt dê, trói hai cháu rồi dùng gạch đá sát hại cả hai. Sau đó Vui về mua một sim điện thoại rồi nhắn tin cho anh Quang mang 800 triệu đồng ở nhiều địa điểm khác nhau để chuộc con về. Đã giết người rồi vẫn đòi tiền chuộc quả là tàn độc. Nhưng dã man chưa dừng ở đó, tên Vui còn mang can xăng đốt xác hai cháu, lấy một cánh tay của một cháu để phía sau Điện lực Buôn Hồ, tiếp tục nhắn tin đòi tiền chuộc. Đến 10 giờ ngày 12.5.2010, chưa đến một ngày đêm, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an thị xã Buôn Hồ phối hợp với PC45 Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt khẩn cấp Lê Văn Vui. Hiện Vui đã bị tử hình. Nếu có thật 18 tầng địa ngục thì tên Vui phải ở tầng cuối cùng, không bao giờ được siêu thoát vì tội ác gây nên. Cha mẹ hắn đặt tên cho hắn là Vui nhưng kết quả lại buồn. Và tôi cũng mong sao, phường An Lạc không còn vụ án hình sự nào để mãi mãi bình yên, vui vẻ như tên phường: An Lạc là yên vui!

Mấy năm gần đây, có loại tội phạm tha hoá về đạo đức, lối sống. Ngày 14.3.2015, vừa ăn cơm tối xong, tên Lê Bảo Tân xin tiền và mượn xe mô tô của mẹ là Nguyễn Thị Ngợi ở thôn 8, xã Pơng Đrang, Krông Búk đi uống cà phê. Có ý định hiếp dâm nên cho xe đi vào đoạn đường vắng thuộc thôn Tân Lập, xã Ea Blang, Buôn Hồ. Phát hiện cháu N.T.D. sinh năm 2000 ở thôn Tân Hoà, xã Tân Lập, Krông Búk đi xe gắn máy cùng chiều, Tân cho xe vượt lên, ép đổ xe cháu D. và rút chìa khoá xe của cháu. Cháu D. bỏ chạy, kêu cứu. Tân đuổi theo, dùng tay kẹp cổ rồi lôi cháu vào bụi cây cỏ bên đường, dùng tay trái bịt miệng, tay phải cởi quần của cháu rồi của mình để thực hiện hành vi giao cấu. May cho cháu D. được ông Nguyễn Văn Đạo, bà Lê Thị Nga cùng mấy cháu ở thôn Tân Lập phát hiện xe máy của cháu D. nên kịp thời cứu giúp. Tên Tân lên xe chạy trốn còn đe doạ cháu D.: không được nói với ai!
Tuy vụ hiếp dâm không thành nhưng hồi chuông gióng lên cảnh tỉnh những thanh niên sống buông thả, có thể phạm pháp bất cử lúc nào.
Sau gần 7 tháng vụ án hiếp dâm không thành, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Buôn Hồ lại tiếp nhận vụ án giết người cướp của. Thủ phạm là Cao Văn Chiến sinh năm 1995 ở tổ dân phố 3, phường Đoàn Kết. Ngày 02.10.2015, sau khi đi ăn giỗ về, Chiến đi qua tiệm tạp hoá của bà Phùng Thị Bộ ở tổ dân phố 6, phường Thiện An, thấy vắng vẻ, chỉ có một mình bà Bộ nên muốn thực hiện hành vi tội ác.
Chiến cho xe rẽ vào đường hẻm, mở cốp xe lấy con dao Thái Lan giấu vào tay áo rồi điều khiển xe đến quán của bà Bộ. Chiến giả vờ hỏi mua chai nước Numberone. Khi bà Bộ quay lưng lấy chai nước thì Chiến đâm vào lưng bà. Chiến đâm tiếp nhát thứ hai vào vùng bụng bà. Bà chống cự và kêu cứu thì Chiến bịt miệng bà, tay phải đấm liên tiếp vào đầu và tiếp tục dùng dao đâm liên tiếp 3 nhát vào người bà Bộ. Bà Bộ chống cự quyết liệt, sợ bị phát hiện nên Chiến lên xe tẩu thoát còn bà Bộ được đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Chiến bỏ trốn đến tỉnh Đắk Nông nhưng Đội ĐTTH đã xác định được đối tượng, tổ chức truy tìm, chốt chặn, động viên gia đình vận động Chiến đầu thú nên ngày 03.10.2015 Chiến đã đầu thú, khai nhận toàn bộ nội dung sự việc với mục đích giết người cướp của. Khi phạm tội, Chiến mới tròn 20 tuổi, mà đã sẵn âm mưu (chuẩn bị dao trong cốp xe) và hành động tàn bạo (đâm liên tiếp vào người, đấm liên tiếp vào đầu bà Bộ). Trách nhiệm giáo dục thanh thiếu niên là của toàn xã hội nhưng trước hết là gia đình và bản thân tự rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội, không phạm pháp.
Năm 2016 có một vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn. Ngày 04.4.2016, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Buôn Hồ nhận tin báo có xác chết tại cầu Tràn thôn 6B, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ. Công an Buôn Hồ phối hợp với PC45 Công an tỉnh xác lập chuyên án vì đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân là cháu Nguyễn Thị Trang sinh năm 2003 ở thôn Ea Cung, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc. Cháu đi học về bằng xe đạp, cách nhà khoảng 500m, đường vắng vẻ, cháu Trang gặp một xe mô tô đi ngược chiều của Nông Văn Thực, sinh năm 1995, ở thôn Đoàn Kết 2, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, chở Nông Văn Phóng, sinh năm 1998, ở thôn 6A, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ. Thực và Phóng nảy sinh ý định hiếp dâm nên chặn cháu Trang lại, dùng gậy gỗ đánh vào đầu cho cháu ngất đi rồi bế cháu vào rẫy cà phê bên đường. Cháu Trang tỉnh dậy, chống cự nên bị đánh chết khi mới 13 tuổi. Vụ án phức tạp vì nạn nhân là người ở huyện Krông Pắc, xác bị để ở Buôn Hồ. Còn hai kẻ sát nhân thì một ở Ea Kar, một ở Buôn Hồ. Ngày 04.6.2016, sau hai tháng mới bắt giữ được hai đối tượng, ngoài Công an Buôn Hồ còn có sự phối hợp của PC45 và Công an huyện Krông Pắc. Vụ án khép lại nhưng điều nhức nhối thì còn đó. Cháu Trang chết vì hai tên côn đồ còn rất trẻ. Tên Thực mới 21 tuổi, còn Phóng mới 18 tuổi.
Trong chiến công chung của tập thể Đội ĐTTH, có sự đóng góp của nhiều người, không thể không nhắc đến một số điển hình tiêu biểu, trong số đó có Đội trưởng – Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tuấn.
Nguyễn Ngọc Tuấn sinh năm 1979, quê ở Nghi Công, Nghi Lộc, Nghệ An. Năm 1982 gia đình từ Buôn Triết chuyển về Buôn Hồ, học Trung cấp Cảnh sát, năm 2000 về Ea H’leo, năm 2003 học Đại học, năm 2012 học thạc sĩ. Là người giàu nghị lực, không ngừng vươn lên trong học tập và công tác. Vợ là Đoàn Thị Vân Anh làm ở Đội Quản lý hành chính Công an Buôn Hồ, có hai con trai đang học lớp 1 và lớp chồi. Vợ làm hành chính nên cũng thuận lợi giúp đỡ cho chồng yên tâm việc nhà, để chuyên lo công tác. Anh đã có 8 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, 3 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 8 lần nhận Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh và UBND thị xã Buôn Hồ, Bộ Công an tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
Bên cạnh Đội trưởng Nguyễn Ngọc Tuấn là Phó đội trưởng – Thiếu tá Nguyễn Thế Công sinh năm 1978. Thân sinh của anh là người lính Cụ Hồ, đảm bảo cho lòng trung thành với lý tưởng cách mạng. Năm 2004 học xong Trung cấp Cảnh sát được phân công về Buôn Hồ. Năm 2009 học Đại học Cảnh sát tại chức. Vợ là cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Yến, dạy ở Trường Tiểu học Kim Đồng – Buôn Hồ, đã có hai con trai sinh năm 2009 và 2012.
Thành tích của Nguyễn Thế Công thật đáng nể: 12 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, 2 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Giám đốc Công an tỉnh và UBND thị xã Buôn Hồ tặng 5 Giấy khen, Bộ Công an tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
Một người Phó đội trưởng nữa là Đại uý Nguyễn Thái Bình, sinh năm 1984 quê gốc ở An Quý, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Có lẽ khi đặt tên muốn mang truyền thống quê hương để xây dựng quê mới thêm giàu đẹp. Anh học Đại học Cảnh sát còn vợ học Đại học An ninh, cùng làm việc ở Công an Buôn Hồ. Họ tên đầy đủ của chị là Nguyễn Thị Tuấn Anh, sinh năm 1985. Anh chị có hai con. Cháu trai đang học lớp hai, cháu gái chưa đầy 3 tuổi.
Về công tác tại Buôn Hồ mới từ năm 2011 nhưng thành tích đã được ghi nhận: 5 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, 2 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được nhận 2 Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh và UBND thị xã Buôn Hồ. Bộ Công an tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, hạng Ba.
Đầu năm 2016, tình hình trộm cắp tài sản xảy ra thường xuyên, trước tình hình bất ổn, Công an Buôn Hồ xác lập chuyên án mang bí số TO516. Ban chỉ đạo gồm 7 người, gồm cả lãnh đạo Công an thị xã, Trưởng Công an là Đại tá Cao Văn Cảnh – Trưởng ban. Hai Phó ban là Phó trưởng Công an: Đại tá Bùi Đức Quang, Trung tá Trần Quang Vinh... làm rõ 24 vụ trộm cắp tài sản, khởi tố 13 đối tượng và xử lý hành chính 3 đối tượng còn nhỏ tuổi, thu hổi tài sản trị giá 145.000.000 đồng. Hai đối tượng điển hình là Nguyễn Tấn Cường và Lê Ngọc Huân đều ở phường Bình Tân, Buôn Hồ.
Thời gian gần đây, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn chuyển biến tốt đẹp, không có án hình sự, chỉ còn vài vụ trộm lặt vặt, gây gổ đánh nhau giảm dần. Đây là tín hiệu vui của Buôn Hồ mà công đầu thuộc về lực lượng Công an.
Một việc mà tôi quan tâm nên cuối buổi làm việc với Đội ĐTTH mới hỏi đến là tội phạm mua bán ma tuý. Các anh cho biết: Toàn thị xã còn 45 người nghiện, không hoặc chưa phát hiện tụ điểm mua bán. Nguồn ma tuý bán lẻ trên địa bàn là từ Buôn Ma Thuột, Krông Búk chuyển qua. Tôi thất vọng vì tưởng đi vào đề tài nóng, nguyên nhân của nhiều loại tội phạm sẽ có bài “hot”, ra tấm ra miếng. Thất vọng mà lại vui mở cờ ở trong lòng. Mừng cho Buôn Hồ, không có tụ điểm ma tuý lớn, giảm nhiều loại tội phạm ăn theo để cuộc sống bình yên.
Đợt đi thực tế sáng tác này, tôi càng trân trọng, yêu quý người chiến sĩ công an. Đại tá Cao Văn Cảnh – Trưởng Công an nghỉ phép nên tôi ít gặp. Thường xuyên sắp xếp, bố trí làm việc là Phó trưởng Công an thị xã – Trung tá Trần Quang Vinh, trực tiếp lãnh đạo khối điều tra. Anh đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an. Vợ anh là Đại uý Phan Thị Thuý Hằng – Phó đội trưởng Đội Tổng hợp, cũng đã nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an. Cả anh chị đều là điển hình tiên tiến. Tôi biết nhưng không đi sâu để khỏi trùng lặp với những cây viết khác.
Rời Buôn Hồ lòng còn lưu luyến, cảm ơn Công an Buôn Hồ giúp tôi hiểu và thêm yêu những người chiến sĩ giữ bình yên cho mỗi buôn làng. Có một chi tiết ngoài lề là tôi ở cùng nhạc sĩ Sĩ Hùng phòng 306 khách sạn Buôn Hồ, ngã ba đi Krông Năng. Năm xưa nơi này là cái chợ bùn đất ẩm thấp thì nay nhà cửa, hàng quán nguy nga. Sĩ Hùng có người bạn tên là Út làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ, đã bỏ nhiều công tìm hiểu lịch sử Buôn Hồ. Tôi có nói với anh Út mình từng là giáo viên Văn – Sử nên xin anh tập nghiên cứu đó.
Thức đêm đọc tài liệu, càng yêu truyền thống anh hùng của Buôn Hồ, ngày xa Buôn Hồ có bài thơ Buôn Hồ suy cảm, tôi đọc tặng ngay tại hội trường, có hồi nhớ lại mấy địa điểm anh hùng:
                   Yên bình thế mà xao động thế
                   Một buôn Tring đất nhuộm máu hồng
                   Một Hà Lan bạn còn nằm rải rác
                   H4 anh hùng thêm nhớ Tư Cung...
Buôn Hồ ơi, nhớ lắm! Cầu mong sự bình yên cho thị xã cao nguyên!

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

CÁI KẾT CÓ HẬU bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 314 - THÁNG 11 NĂM 2018

Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”



Đại tá Bạch Văn Trọng bên phải ảnh 


Huyện M’Drắk ở phía đông tỉnh Đắk Lắk, trung tâm huyện cách thành phố Buôn Ma Thuột tròn 90 km tính theo Quốc lộ 26. Huyện có diện tích tự nhiên 133.628 ha; dân số hơn 75.000 người, có 21 dân tộc anh em cùng sinh sống trong 173 thôn buôn, tổ dân phố; thuộc 12 xã, một thị trấn. Tuy là một huyện vùng xa, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, không thuận tiện phát triển nông nghiệp, dân di cư tự do vào định cư nhiều; nhưng liên tục nhiều năm liền huyện M’Drắk luôn là điểm sáng trong phong trào bảo vệ vệ an ninh, trật tự xã hội của tỉnh Đắk Lắk, được các cấp tặng nhiều phần thưởng cao quý. Theo giới thiệu của Đại tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an huyện M’Drắk, chúng tôi tới gặp vị cán bộ được đánh giá là “cuốn biên niên sử của Công an huyện M’Drắk” và ông cũng chính là người có mặt từ những ngày đầu thành lập huyện, công tác liên tục trong ngành cho đến năm 2016 mới nghỉ hưu.

Chiếc bàn dài hơn chục mét được tán cây sanh sống lâu năm toả bóng mát bao trùm lên cả hai dãy ghế, Thượng tá Nguyễn Văn Vịnh – Phó trưởng Công an huyện M’Drắk nhất định mời tôi và Đại tá Bạch Văn Trọng ngồi giữa. Bên ly cà phê toả hương thơm ngào ngạt, nhà văn Nguyễn Thị Bích Thiêm, thành viên trong đoàn đi thực tế sáng tác tại Công an huyện M’Drắk nêu ý kiến:
- Được biết Đại tá nhận chức vụ Phó trưởng huyện Công an M’Drắk khi mới mang quân hàm thiếu uý, gần bốn chục năm công tác tại đây chắc có nhiều kỷ niệm phá các vụ trọng án; Đại tá có thể cho anh em nghe về vụ án đầu tiên trên cương vị lãnh đạo, tham gia phá án được không ạ?
- Tháng 4 năm 1977, mình từ miền Bắc được điều về Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Đắk Lắk và nhận nhiệm vụ tại chốt thôn Hai, xã Ea Trang, huyện M’Drắk trên trục đường 21A nay là Quốc lộ 26. Sau đó được điều về Công an huyện M’Drắk làm ở bộ phận Cảnh sát điều tra. Án thì nhiều nhưng vụ án đầu tiên thì…
Khuôn mặt nghiêm nghị của Đại tá Bạch Văn Trọng hình như toát lên một nét vui, làm các nếp nhăn trên trán dãn ra; đôi mắt thông minh, luôn nhìn thẳng làm người ngồi đối diện thấy anh trẻ hơn so với tuổi sáu ba. Anh kể:
Mình mới nhận chức Phó huyện chưa được một tuần mà cơ quan mất luôn năm con trâu, bò; nghe anh em báo bực lắm. Thời ấy lương thực, thực phẩm khan hiếm, một con trâu hay bò là cả một tài sản lớn, hơn nữa kẻ trộm không trộm ở đâu mà trộm ngay của Công an huyện. Lãnh đạo hạ quyết tâm phá án nhanh nhất, không để ảnh hưởng xấu đến tình hình hình an ninh trên địa bàn. Qua kiểm tra hiện trường kết hợp với nắm tin tức cơ sở có thể khẳng định: kẻ xấu ở trong địa bàn chứ không phải bọn Fulrô trong rừng ra trộm. Chuyên án được lập, tối thứ bảy, ta bố trí phục kích ở ba hướng có đường mòn dẫn đến trại nuôi bò của Công an huyện.
Đúng 23 giờ đêm, các tổ xuất phát đến địa điểm mai phục. Đêm tháng ba Tây Nguyên, gió lồng lộng thổi, những vì sao đêm như những ngọn đèn treo trước gió, nhấp nháy, thức canh, dõi theo bước chân cán bộ chiến sỹ Công an đi làm nhiệm vụ. Thiếu uý Bạch Văn Trọng – Phó Trưởng huyện Công an, người cao, gầy; ôm khẩu AK lom khom đi trước; phía sau một người đồng đội bước theo, khoảng cách giữa hai người khoảng năm mét, tiến dần vào nghĩa địa. Bên cạnh đường mòn dẫn về buôn, ngôi mộ của bà Nguyễn Thị Xuân mới chôn, những vòng hoa xếp xung quanh mộ có bông còn chưa kịp héo, Thiếu uý Bạch Văn Trọng nằm xuống cạnh ngôi mộ, kéo thêm vòng hoa che lên đầu mình. Bên trái, cách hai ngôi mộ, người đồng đội đi cùng nằm ép mình bên ngôi mộ có bụi hoa ngũ sắc xoè cành như cánh tay che chở, giấu kín người nằm phía dưới.

Đêm trở dần về sáng, tiếng những con dế rên rỉ bay qua các ngôi mộ, ập vào tai người nghe rờn rợn. Thỉnh thoảng tiếng chim ăn đêm gõ vào không gian những âm thanh lạnh buốt: cú, cú, cú... làm người nghe phải dựng tóc gáy. Gió nhẹ dần, từng đám mây mù trên sườn núi từ từ bay xuống mang theo cái lạnh giá xộc vào cổ áo, ống tay rồi chui luôn xuống sống lưng, làm hai hàm răng khua vào nhau. Những người làm nhiệm vụ mai phục, cắn răng chịu lạnh, quên đi mọi thứ xung quanh, đôi mắt mở to, dõi về phía con đường mòn từ núi cao đi về buôn, ra Quốc lộ 21A. Chọn điểm mai phục này là tạo thế bất ngờ vì bọn tội phạm chắc không thể ngờ cán bộ chiến sỹ Công an có thể ở qua đêm giữa một nghĩa trang vừa mới chôn người chết, đợi chúng.
Gần ba giờ sáng, bỗng nghe tiếng chân bước, tiếng người: xuỵt, xuỵt, xuỵt... Qua ánh sao thấy một người đi trước dắt theo một con bò, phía sau một người cầm cành lá thỉnh thoảng đập vào mông bò, mồm liên tục kêu: xuỵt, xuỵt, xuỵt... Bạch Văn Trọng nhẹ nhàng đưa nòng khẩu AK qua chỗ hở giữa hai vòng hoa, hướng vào tên đi trước, chờ đợi.
Mười mét, bảy mét, năm mét, ba mét... nhìn rõ tên dắt bò tay cầm dao, tay nắm dây thừng, biết chắc đây là kẻ trộm, không phải Fulrô. Lòng căm giận lên đến tột độ khi giáp mặt thủ phạm liên tục gây án trong mấy ngày qua như thách thức với Công an, anh muốn nhảy bổ ra quật chúng xuống cho hả dạ. Nhưng rồi phải kìm nén lòng, chờ tên thứ hai đến gần; thấy trên tay tên này chỉ cầm một cành cây để đập bò, không mang theo vũ khí. Thiếu uý Bạch Văn Trọng đứng bật dậy quát:
- Ai, đứng lại!
Đoàng, đoàng!
Người đồng đội đi cùng nổ hai phát chỉ thiên rồi cùng lao lên, quật ngã tên đi sau, tóm gọn. Nghe tiếng súng, các mũi phục kích ập tới và ngay trong đêm ta đã truy ra tên chủ mưu năm vụ trộm trước đây và điều ngạc nhiên hơn nữa, tên chủ mưu lại là em ruột của một vị cán bộ huyện, người mới từ dưới xuôi lên.
Vụ án khép lại, cái được lớn nhất lúc ấy là tạo niềm tin cho nhân dân trên địa bàn, để mọi người dân tin tưởng vào chế độ, tin tưởng vào lực lượng Công an nhân dân, cương quyết đấu tranh với bọn tội phạm, mang lại sự bình yên cho cuộc sống.
Nghe kể xong, nhà văn Mai Khoa Thâu xúc động hỏi:
- Tại sao các anh không chọn chỗ khác mai phục mà lại mai phục ngay bên mộ người mới chết?
- Lên kế hoạch phá án, anh em cũng đã cân nhắc kỹ, chọn nơi đó ta tạo được thế bất ngờ, địa hình thuận lợi hơn các khu vực khác. Thời ấy ngoài tội phạm hình sự, ta còn phải chuẩn bị cả kế hoạch đối phó với bọn phản động Fulrô; nếu chạm trán, ta nắm thế chủ động tấn công, chắc thắng. 
- Tại sao khi tên dắt bò cầm dao đi đến bên cạnh anh không bắt ngay?
Nhà văn Vân Trang tò mò hỏi, Đại tá Bạch Văn Trọng trả lời:
- Còn tên đi sau chưa biết nó có mang vũ khí nóng không, nên phải kiên trì chờ đợi, biết chắc chắn mới ra tay, tránh thương vong không cần thiết.
Nhà thơ Hữu Chỉnh - thành viên trong đoàn, tuổi gần tám mươi nở nụ cười hiền hậu nhận xét: Đúng là bản lĩnh!
- Trong quá trình xử lý các vụ án, Đại tá thấy có vụ án nào nhỏ mà để lại ấn tượng sâu sắc cho người phá án không?
Nhà văn Vân Trang nêu câu hỏi, khuôn mặt Đại tá Bạch Văn Trọng hình như có tươi lên một chút, trả lời:
- Đối với cơ quan bảo vệ pháp luật không có vụ án nào nhỏ vì tất cả đều liên quan đến bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhưng cũng có những vụ trọng án vì gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Với giọng kể ấm áp của người gốc Hà Nội, Đại tá kể về một câu chuyện ở chốt kiểm soát giao thông như một ví dụ minh hoạ. Hôm ấy vào ngày chủ nhật, khoảng gần trưa tôi đi qua thấy Trung uý Nguyễn Tiến Dũng ra tín hiệu dừng một chiếc xe mô tô phân khối lớn, không biển số, điều khiển xe là một thanh niên khoảng 17 tuổi. Dừng xe, người thanh niên vẫn ngồi trên yên hất hàm hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
- Anh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, xe không biển số, chạy quá tốc độ, đánh võng trên đường còn đạp chân chống xe xuống mặt đường làm cản trở giao thông.
- Ông mới chuyển về đây công tác à?
- Yêu cầu anh xuống xe, xuất trình giấy tờ.
Người thanh niên xuống xe, nhưng móc điện thoại gọi rồi đưa điện thoại cho đồng chí Dũng:
- Ông nghe điện thoại này.
- Xin lỗi, tôi đang làm nhiệm vụ. Yêu cầu anh xuất trình giấy tờ xe.
Người thanh niên nói gì đó vào điện thoại rồi đút điện thoại vào túi quần, mặt vênh vênh ra vẻ thách thức. Vừa lúc đó điện thoại đồng chí Dũng reo, anh móc điện thoại trả lời:
- Dạ đúng ạ, xe vi phạm nhiều lỗi do cố ý của người điều khiển nên không thể nhắc nhở được mà phải xử lý đúng theo quy định. Đồng chí thông cảm!
- Giữ xe hả, cứ việc, chiều mang đến nhà trả nhé.
Người thanh niên hất hàm nói với Trung uý Nguyễn Tiến Dũng rồi bỏ đi. Hơn chục người dân đứng bên đường tròn mắt ra nhìn, có người dân tỏ ra ấm ức nói: Con “quan” có khác, không còn xem luật pháp là gì!
Lại một người phụ nữ tuổi khoảng 50, đầu không đội mũ bảo hiểm, chạy chiếc xe máy cũ, phía sau đèo một cái đầu heo, vài ký cá, một cái bắp cải, mấy bó rau muống, một bịch rau sống và có thêm một chiếc can 5 lít chắc là đựng rượu. Dừng xe người phụ nữ chỉ biết đứng như hoá tượng khi nghe Trung uý Nguyễn Tiến Dũng giải thích lỗi mà người phụ nữ mắc phải, khung xử phạt... Chị ta thanh minh: “Nhà em có việc nên em đi vội, quên đội mũ. Bây giờ giữ xe, nhà em làm sao mang được hết đồ về ạ?” Trung uý Nguyễn Tiến Dũng mượn một cái mũ của người quen vừa đi qua, đưa cho chị ta và nói: “Chị mắc lỗi lần đầu chúng tôi nhắc nhở, lần sau phải nhớ chấp hành cho đúng. Cho chị mượn mũ, mai đưa ra Công an huyện trả nhé”. Người phụ nữ bật khóc, trước khi lên xe nổ máy đi, người dân đứng xung quanh vỗ tay ầm ầm.
Sáng hôm sau, tôi yêu cầu Trung uý Nguyễn Tiến Dũng trình bày lại hai sự việc xử lý hôm qua. Tôi hỏi: vì sao cả hai đều vi phạm luật, người được nhắc nhở, cho đi; người lại giữ xe? Đồng chí trả lời: “Người thanh niên cố tình vi phạm luật vì cho rằng mình là con cán bộ sẽ không ai dám đụng đến nên làm càn thì phải xử đúng luật để ngăn chặn tái phạm. Còn người phụ nữ chân đi dày bata dính đầy bụi đất, sau lưng đèo theo toàn đồ ăn; chắc nhà chị ta không có ma chay, đám giỗ thì cũng thuê người chặt mía. Nếu giữ xe chị ấy thì cả gia đình họ bữa trưa sẽ ra sao?”
- Hôm qua, ít nhất đồng chí đã cứu mạng được một người và giúp một gia đình không bất hoà, tan vỡ. Vì sao ư? Cậu thanh niên ấy nếu không bị giữ xe và phạt theo quy định, chắc chắn sẽ tiếp tục vi phạm luật giao thông, cậu ta không chết thì người đi đường cũng chết oan; vì thế tôi mới bảo đã cứu được một mạng người. Còn gia đình người nông dân kia nếu đang đám tang hay đám giỗ, cả gia đình dòng họ người ta ngồi chờ, trưa không có đồ cúng thì gia đình ấy sẽ thế nào? Đồng chí cho chị ấy đi khi cho mượn mũ đội, không những chị, mà cả ga đình nhà người ta đều cảm ơn đồng chí, cảm ơn Công an và chắc chắn sẽ không tái phạm.
Đại tá Bạch Văn Trọng dừng lời, tất cả mọi người lặng đi vì xúc động. Chuyện chúng ta gặp thường ngày trên mỗi bước đường đi, hình ảnh người cảnh sát giao thông trực tiếp làm việc với mọi tầng lớp xã hội, nhưng để làm tròn trách nhiệm, thực hiện nghiêm luật pháp của Nhà nước quả không dễ trước sức ép từ nhiều phía. Cách xử sự tinh tế, đầy tính nhân văn của Đại tá Bạch Văn Trọng và Trung uý Nguyễn Tiến Dũng, Công an huyện M’Drắk đáng để chúng ta suy ngẫm.

- Cà phê nguội hết rồi, ta uống đi chứ!
Mọi người cười oà, Thượng tá Nguyễn Văn Vịnh bùi ngùi nói: Câu chuyện của bác là bài học hết sức sinh động cho chúng em, những người đi sau và chắc chắn các đồng chí có mặt hôm nay, ở đây đã hiểu thêm vì sao trong hơn 40 năm qua Công an huyện M’Drắk luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Hơn 40 năm công tác trong ngành và 39 năm công tác tại huyện, trong đó có 18 năm làm Phó trưởng Công an huyện và 10 năm làm Trưởng Công an huyện M’Drắk, Đại tá Bạch Văn Trọng không những là người chỉ huy giỏi mà còn là người bạn chân tình với đồng chí, đồng nghiệp, được mọi người kính trọng yêu mến. Mong rằng những kinh nghiệm quý báu mà anh đã xây dựng, đúc kết nơi mảnh đất bạc màu nhưng giàu tình người này sẽ được đồng đội tiếp tục phát huy để mãi mãi huyện M’Drắk là vùng đất bình yên, đáng sống. Cán bộ và chiến sỹ Công an công tác nơi đây phát huy truyền thống cha anh đi trước, luôn luôn thể hiện được bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.
Một cái kết có hậu nhưng khá bất ngờ, Đại tá Nguyễn Quang Trung “bật mí”: người trung uý ngày ấy nay đã là Đại uý, Đội phó đội Cảnh sát Giao thông huyện M’Drắk - Nguyễn Tiến Dũng và cũng là con rể của nguyên Trưởng huyện Công an M’Drắk – Đại tá Bạch Văn Trọng.