Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

ĐI TÌM HỒN CHIÊNG tác giả NGUYỄN LIÊN - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 338 THÁNG 10 NĂM 2020

 


 

Đó là tên một tập bút ký, cũng là nỗi day dứt của chị - một nữ sĩ người Êđê, chị hóa thân thành nhiều mũi tiên phong của cuộc sống với những ước nguyện khai thác triệt để nền văn hóa vốn có bề dày truyền thống và phong phú để gìn giữ hồn chiêng, hồn văn hóa dân tộc mình. Chị là nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdam. Hiện gia đình chị sinh sống tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Tôi may mắn gặp và có thời gian cùng làm việc với chị. Cách sống và sức sáng tạo của chị làm tôi vô cùng khâm phục. Năm 1999, khi mới chuyển từ miền Bắc vào Tây Nguyên, ngoài tấm thẻ nhà báo, thẻ hội viên văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt hội viên do nhà thơ Nông Quốc Chấn ký, kèm theo lời căn dặn của nhạc sĩ Nông Quốc Bình (khi đó là Chánh văn phòng Hội): Vào đó anh gặp chị Linh Nga Niê Kdam, Phó chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam phụ trách Tây Nguyên; chị đang là Phó Giám đốc cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên.

Chân ướt chân ráo đến thành phố Buôn Ma Thuột tôi tìm ngay đến chị, xem xong giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt, chị giới thiệu tôi qua Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk gặp nhà thơ Hữu Chỉnh để nhập sinh hoạt hội viên. Thế là tôi nhanh chóng trở thành công dân Đắk Lắk. Nhưng cuộc sống chính của tôi là phóng viên truyền hình, vậy tôi làm gì bây giờ. Mỗi lần đi qua đài truyền hình, gặp gỡ phóng viên tác nghiệp, nỗi nhớ nghề lại day dứt khôn nguôi. Thế rồi trận lũ lịch sử năm 2000 làm dòng Krông Nô nhấn chìm tất cả thành quả lao động của người nông dân, tôi đã hòa vào đoàn cứu trợ của tỉnh, của huyện đi vào vùng lũ. Mỗi ngày đều có một bài phản ánh về vùng lũ đăng tải trên báo Nhân Dân được mọi người chú ý. Bước sang năm 2001, chị Linh Nga Niê Kdam từ Phó giám đốc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam được chuyển sang làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk. Chị bàn với Thường trực và Ban Chấp hành Hội để tôi làm phóng viên Tạp chí của Hội lo biên tập mảng truyền hình văn học nghệ thuật phát trên đài tỉnh mỗi tuần. Gia đình chị có một căn nhà sàn trưng bày vật dụng truyền thống của người Êđê, chị bảo tôi về đấy ở khỏi phải đi thuê nhà, vả lại căn nhà có hơi người cho ấm cúng. Tiếp xúc công việc tại cơ quan Hội, lại ở nhà của chị, tôi hết sức khâm phục sức lao động của một nữ sĩ đa tài và hiểu hơn về truyền thống một gia đình trí thức, văn nghệ sĩ của chị. Cụ thân sinh là ông Y Ngông Niê Kdam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; chồng chị là nghệ sĩ múa Lý Son (dân tộc Khơ Me), chị có hai đứa con gái thì một theo truyền thống cha mẹ, là thạc sĩ chuyên ngành nghiên cứu văn hóa, hiện là giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk.

Ngôi nhà gia đình chị ở đường Thăng Long thỉnh thoảng lại nhộn nhịp đón khách, lúc đoàn nhạc sĩ từ Hà Nội, từ TP Hồ Chí Minh đến Tây Nguyên đã đến thăm nhà khi là ê kíp làm phóng sự về vùng đất văn hóa truyền thống Tây Nguyên xin được phỏng vấn chị. Hàng ngày chị phân bổ thời gian và thực hiện thành thói quen. 4 giờ sáng dậy tập thể dục trên công cụ kê sẵn góc nhà, và đi bộ. Vệ sinh cá nhân xong ngồi vào bàn viết gì đó, 6 giờ đọc báo và ăn sáng. Vừa tranh thủ xem thời sự trên ti vi, vừa chuẩn bị đồ đi làm. Đến cơ quan, chị kiểm tra, phân công từng công việc rồi ngồi vào bàn chị viết, có lúc ngồi trước cây đàn organ lướt những phím nhẹ nhàng. Một lần nhạc sĩ Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (VNDG) vào Đắk Lắk tổ chức lễ tuyên dương nghệ nhân dân gian Tây Nguyên, chị là ủy viên Ban Chấp hành của Hội VNDG đóng vai trò chủ lực trong việc tổ chức, chị bảo tôi sang theo dõi ghi chép cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này; lần khác tôi lại được biết thêm chị còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chị lại sốt sắng cho cuộc hội thảo âm nhạc Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột. Thì ra nghiên cứu văn hóa dân gian là tấm lòng của chị với vùng đất mà dân tộc Êđê của chị đang sở hữu một nền văn hóa truyền thống phong phú cần lưu giữ và khai thác; còn nghề của chị được đào tạo bài bản lại là âm nhạc. Tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi cầm trên tay tập  truyện ngắn “Gió đỏ”, chị tặng, tôi nhìn trong tủ sách gia đình, những đầu sách do chị viết đủ các lĩnh vực làm tôi sửng sốt, thán phục. Hóa ra chị còn là nhà văn, là Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tại Đắk Lắk; tôi nhận ra rằng ngoài các bài báo chị viết đăng tải trên các báo, phát trên sóng phát thanh, chị vẫn thấy như chưa đủ trả nợ cho vùng đất mình sinh sống, cần phải khai thác hết vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê cội nguồn của chị thông qua các sáng tác âm nhạc: Rồi một chiều Ban Mê, Tình ca cao nguyên, Mưa cao nguyên, H’Linh hát trên dòng sông… và rồi những khảo cứu âm nhạc Tây Nguyên có giá trị khoa học: Âm nhạc trong không gian cồng chiêng, Âm nhạc trong đời sống văn hóa truyền thống Tây Nguyên… Về lĩnh vực văn học, chị là con chim đầu đàn lực lượng viết văn không chỉ là đối với nữ sĩ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Dù bận rộn với các lĩnh vực nghiên cứu, quản lý, tay viết vẫn không ngừng sáng tạo, chị đều đặn cho ra mắt các tập sáng tác văn học, đó là các tập truyện ngắn: Con rắn màu xanh da trời, Gió đỏ, Pơ thi mênh mang mùa gió; các tập bút ký: Lời chiêng Tây Nguyên, Đi tìm hồn chiêng, Nhân danh ai… Mỗi tác phẩm là một câu hỏi đặt ra, dù trả lời hay chưa có lời giải đáp, chị tin đã chuyển được thông điệp muốn nói tới mọi người. Có lẽ phần nào chị đã cảm thấy nhẹ lòng, bởi những thôi thúc từ con tim, từ trách nhiệm với vùng đất đã cho chị cuộc sống thanh thản, chị đã nói lên tiếng nói và hơi thở của vùng đất, con người Tây Nguyên quê hương chị. Năm 2014 Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành tập sách “Bốn cây Kơ Nia” giới thiệu về bốn nữ sĩ người dân tộc thiểu số đang sinh sống và sáng tác tại Đắk Lắk. Trong lời giới thiệu nhà thơ Mai Liễu viết rằng: “Đặt tên chung cho tập sáng tác tuyển chọn của mình là “Bốn cây Kơ Nia”, bốn tác giả nữ là nhà văn, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam, nhà văn Niê Thanh Mai (Êđê), nghệ sĩ nhiếp ảnh Siu H’Kết (Ja Rai), họa sĩ Trần Lâm (Khmer) như tìm đến với tâm linh của sáng tạo nghệ thuật... là một nhà văn gắn bó với quê hương, với đồng bào dân tộc Tây Nguyên, truyện ngắn của H’linh Niê (Linh Nga Niê Kdam) cho ta hiểu sâu sắc thêm đời sống con người Tây Nguyên, những nét đẹp văn hóa cổ truyền và sự hy sinh lớn lao của người dân Tây Nguyên trong chiến tranh và trong công cuộc xây dựng vì hòa bình, vì Tây Nguyên và vì đất nước…”. Khi đương chức Chủ tịch hội VHNT Đắk Lắk, chị là người đặt nền móng đào tạo tài năng trẻ là người dân tộc thiểu số thông qua trại sáng tác văn thơ lấy tên Hương Rừng, từ cái nôi này nhiều em đã trưởng thành trong đó có nhà văn H’Xíu Hmok, nhà văn H’Siêu, H’We Ra… bổ sung cho đội ngũ văn nghệ sĩ Đắk Lắk. Có lẽ do ảnh hưởng tình yêu Tây Nguyên của một người con có trách nhiệm với vùng đất mà không riêng tôi, nhiều người đang sáng tác ở Tây Nguyên, trong mỗi tác phẩm đều đã mang hơi thở của vùng đất đầy chất sử thi và huyền thoại.

 


Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

XÂY DỰNG NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN tác giả NGUYỄN VĂN THANH - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 338 THÁNG 10 NĂM 2020

 




 

90 năm xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, phụ nữ Việt Nam đã và đang ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước và sự nghiệp giải phóng phụ nữ, sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Kế thừa và phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã được rèn luyện, trưởng thành từ phong trào rộng lớn của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, đã có biết bao anh hùng liệt nữ tài giỏi, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo Tổ quốc, được lịch sử vinh danh, trở thành niềm tự hào to lớn của dân tộc.

Cách đây 90 năm ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Chính vì vậy, ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chị em phụ nữ Việt Nam đã góp phần xương máu vào thắng lợi huy hoàng của dân tộc. Tên tuổi các nữ anh hùng Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Trần Thị Lý, Mẹ Suốt, Lê Thị Hồng Gấm, Đặng Thùy Trâm và rất nhiều người khác là những biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta. Lịch sử sẽ còn mãi mãi ghi lại những hình ảnh chói ngời của những "đội quân tóc dài", những nữ chiến sĩ bất khuất trong tù, những mẹ già đào hầm bảo vệ cán bộ, cất giấu thương binh, những đội nữ dân quân bắn rơi máy bay phản lực, bắn cháy tàu chiến của địch, những nữ thanh niên xung phong "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm". Hàng triệu người mẹ, người vợ đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, động viên chồng con đi chiến đấu, đảm đang việc nước, việc nhà, vững vàng gan dạ vừa sản xuất, vừa chiến đấu.

Cách đây hơn 50 năm trong di chúc thiêng liêng Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị và nghị quyết nhằm giải phóng phụ nữ. Đường lối của Đảng được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp 1959. Chính sách bình đẳng nam nữ cũng được tiếp tục thể hiện nhất quán trong Hiến pháp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; 2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26). Quyền cơ bản của phụ nữ theo quy định của Hiến pháp được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như: Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Cư trú, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Quốc tịch...

Đặc biệt, sau gần 35 năm đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, phụ nữ Việt nam ngày càng khẳng định được vị thế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Đảng có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị và cả 3 người đều là đại biểu Quốc hội. Tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 đã có 132 nữ đại biểu trúng cử, đưa tỷ lệ nữ đại biểu lên 26,%, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước.

Trong lĩnh vực kinh doanh, kể từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp mới, số doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng tăng lên. Theo số liệu nghiên cứu của Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HAWASME), hiện nay, có khoảng 24,8% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý (riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có 25% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý).

Trong lĩnh vực giáo dục, hơn 90% phụ nữ biết đọc, biết viết; tỷ lệ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ là 33,95% và tiến sĩ là 25,69%. Trong các cơ quan nghiên cứu, quản lý khoa học và đào tạo, tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đều tăng. Điểm nổi bật của phụ nữ là, dù ở cương vị công tác nào, chị em cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn về bản thân, gia đình, không ngừng phấn đấu, vươn lên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, trong quân đội, gần đây Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xuđăng. Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Trong các lĩnh vực khác như y tế, khoa học-kỹ thuật, văn hoá, thể thao và du lịch… phụ nữ cũng có những đóng góp to lớn.

Trên đây là những con số sinh động, là bằng chứng chứng minh hiệu quả của những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam phát triển.

Theo tinh thần Chỉ thị 35 CT/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, về tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ cấu cấp ủy phấn đấu đạt từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Như vậy, việc  nâng cao quyền của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội là một cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam với nhân dân và thế giới. Trong mọi chủ trương, đường lối và chính sách, pháp luật, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề phát triển toàn diện phụ nữ như là một giải pháp phát triển xã hội bền vững, là tương lai tốt đẹp của đất nước.

Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập, chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống và những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua từng thời kỳ bằng tấm lòng biết ơn vô hạn và tình cảm trân trọng đối với những người Mẹ, những người: Cả thế giới nương nhờ - dưới hai bầu vú sữa - Trời không ánh sáng, hoa nào nở - Dạ vắng yêu thương, cảnh những sầu - Đời thiếu Mẹ hiền, không Phụ nữ - Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?(Mác xim Goocky).

 Tài liệu tham khảo:

1. -Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, NXB Thông Tấn, HN, 2005.

2.-  Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007.


Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

TẬP THƠ ĐẬM NHÂN TÌNH tác giả HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN SỐ 337 THÁNG 9 NĂM 2020

 




(Đọc Biển và quê hương – Thơ Bùi Minh Vũ – NXB Hội Nhà văn – 2020)

 

Khi nói đến hai tiếng quê hương là nói đến những gì để yêu và nhớ. Mỗi người lại có cách yêu và nhớ riêng của mình. Bùi Minh Vũ với tập thơ “Biển và quê hương” đã mang nhiều tâm trạng và những cung bậc cảm xúc với miền quê của mình:

                          Quê hương là cái kiềng ba chân

                          Ta đỏ lên như lửa

                          Xác thành tro đi nữa

                          Hồn cũng bay đi khắp quê hương

                                                                          (Quê hương)

Tình yêu quê hương vững chãi như thế đứng của chân kiềng, chân vạc lại được tôi luyện trong lửa đỏ nên không thay đổi để xác thành tro, hồn cũng hòa với quê hương.

Rất nhiều lần Vũ nhắc đến làng Kỳ Tân:

                          Sương đêm bảo

                          Làng Kỳ Tân của mày ở Đức Lợi kìa…

                          Trăng khuya bảo

                          Mẹ của mày ở làng Kỳ Tân kìa…

                          Ban mai bảo

                          Mày về làng Kỳ Tân mà tìm

                                                                          (Làng Kỳ Tân)

Tất cả không gian, thời gian, ngày cũng như đêm đều nhắc với Vũ về làng Kỳ Tân, vì theo Vũ, nơi đẹp nhất là làng Kỳ Tân. Có chút cực đoan, nhưng thật sự yêu quê mới viết như thế.

Trong bài “Ánh sáng”, Bùi Minh Vũ viết về mẹ thật cảm động:

                          Dấu chân mẹ đợi cha mòn mỏi

                          Xanh bệch chờ con và nước mắt.

Thường viết trắng bệch, nhưng xanh bệch là cả tái và xám của mặt người mòn mỏi đợi chờ, để rồi:

                          Lần cuối cùng

                          Từng giọt rời buồn bã lặn vào đất

                          Xám xịt.

Trong luân hồi sự sống, mẹ thành bông hoa:

                          Hương sắc biến thành ánh nắng chói sáng đời con

Bài “Cái giếng” có tứ hay. Cái giếng giữ hồn làng nên “giữ trăng muôn đời”, “giữ những hạt trăng chưa vỡ”, giữ rất nhiều kỷ niệm quê hương. Cái kết bất ngờ:

                          Đêm qua

                          Ai nhổ cái giếng làng tôi

                          Trồng lên căn nhà trắng phếch

                          Gió ngập ngừng

                          Trăng rũ rượi

                          Thả sợi gàu dài tiếc mãi sợi dây?

Nhổ - trồng, động từ dứt khoát chỉ hành động trái ngược: nhổ giếng – trồng nhà. Cả hai cặp từ đều lạ, chưa có người nào viết. Trắng phếch! Đây là thái độ của tác giả. Nhà vô hồn, vô cảm không có sinh khí nên dẫn đến “gió ngập ngừng”, “trăng rũ rượi”. Thiên nhiên cũng buồn đau khi thấy nhà thay giếng, dẫn đến câu kết nhói lòng: “Thả sợi gầu dài tiếc mãi sợi dây?”. Ẩn sau sợi dây là bao nhiêu kỷ niệm về cái giếng làng, giếng của quê hương.

Bài “Gió qua đồi” gợi nhiều suy nghĩ về tình mẫu tử:

                          Giọng mẹ tôi trong bếp nguội rồi

                          Còn tiếng gió bay qua chiều vắng

Mẹ thường gắn với bếp núc. Hay, thật và đau. Chọn từ đắt: giọng nguội rồi. Không còn lửa đỏ, không còn nóng. Hay là thế, thật là thế và cũng đau là thế. Dẫn đến đoạn kết lạ và ấn tượng gieo vào lòng người đọc:

                          Ngày cũng hết, lá kia rơi về cội

                          Giọng mẹ tròn như những vành nôi.

So sánh giọng mẹ như vành nôi ru con là sự tiếp nối luân hồi. Mẹ còn mãi như gió qua đồi.

Bài “Bóng mặt trời” có những câu thơ hay của sự tìm tòi, phát hiện rất mới:

                          Mỗi ngày mẹ mở thêm những con đường trên trán

                          Đến nơi cơm thừa

                          Nơi mẹ dậm lon bia chấn thương.

Con đường trên trán chính là vết nhăn thời gian in hình cuộc sống mưu sinh. Lon bia chấn thương là vỏ lon bị méo mó, dậm bẹp đi để vào bao tải cho gọn. Bài thơ viết cho bao người mẹ còn cơ cực, lam lũ:

                          Chẳng thể nhìn nền văn minh thiếu bóng mặt trời.

Trong bài “Với mẹ”, tình cảm chân thực được cụ thể hóa qua hình ảnh mẹ mà ít người viết:

                          Nhìn mẹ nấu cơm, ăn trầu

                          Thấy mẹ nhai cơm cho em.

Bây giờ có nhiều loại sữa, nhiều loại cháo dinh dưỡng, chẳng còn ai phải nhai cơm cho con. Đọc thơ mà đồng cảm, xót xa về một thời để càng thương nhớ mẹ.

                          Cầm bàn tay mẹ chai sần

                          Sờ manh vá trên áo mẹ bạc màu

                          Nhặt cọng tóc mẹ rơi trên gối

Tôi cứ mường tượng Bùi Minh Vũ tha thẩn, chậm rãi qua cử chỉ thân thương lần tìm ký ức. Mẹ chính là quê hương.

Tập thơ gần 155 bài, 160 trang in, đây đã là tập thơ thứ 13 của Minh Vũ, không kể tiểu thuyết, nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn. Điều đó chứng tỏ một bút lực đáng nể trọng.

Tập thơ “Biển và quê hương” của Minh Vũ kén người đọc, thơ tự do, có tính triết lý, đó cũng là thế mạnh. Còn thơ truyền thống thì còn phải bàn. Ví dụ như câu lục bát trong bài “Trăng khuya”:

                          Từ ngày em đã bòng đèo

                          Cát nằm như thể đói meo bóng người

Hình ảnh thì được nhưng đảo từ để có vần: “bòng đèo” thì không ổn.

Dù sao đây cũng là tập thơ đáng đọc – tập thơ đậm nhân tình.

                                                                          Tháng 7-2020

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

CÁI NHÌN TRẺ THƠ TRONG ĐÁM MÂY MÀU CỔ TÍCH tác giả BÙI MINH VŨ - CHƯ YANG SIN SỐ 337 THÁNG 9 NĂM 2020

 



(Đọc “Đám mây màu cổ tích” của Đỗ Toàn Diện, NXB Hội Nhà văn, 2020)

 

Đỗ Toàn Diện, một nhà giáo gắn bó với học trò, bắt đầu sự nghiệp văn chương với thơ trữ tình, rồi trào phúng và giờ đây là thơ thiếu nhi. Người lớn viết về thơ thiếu nhi rất khó, nhưng với anh, một vài năm gần đây bằng ý thức và nỗ lực trong sáng tạo hướng đến đối tượng độc giả nhỏ tuổi, đã cho ra mắt “Khúc đồng ca mùa hạ” (2019), tháng 8 này lại trình làng thi phẩm “Đám mây màu cổ tích”. Ắt là Tết Trung thu năm nay, và ngày khai giảng sắp đến, các cháu sẽ mừng vui khi có trong tay tập thơ này.

Đọc “Đám mây màu cổ tích” dễ nhận biết tác giả gần với trẻ thơ, hiểu các cháu nên thơ có tâm hồn hòa điệu. Thi phẩm có 38 bài thơ, trong đó có nhiều bài viết về các sự vật, con vật, hiện tượng chung quanh trẻ thơ: Quyển lịch, Đồng hồ, Bầu bí, Voi con, Búp bê, Bê con lạc mẹ, Cá cờ, Điện thoại, Nguồn gốc họ gà, Chó mực, Mặt trời ham chơi, Que diêm, Hai bông lúa, Mướp leo giàn, Diều và gió, Mặt trời ham chơi, Trời khóc, Đội mũ bảo hiểm, Đèn xanh đèn đỏ, Lên rẫy, Buổi sáng nhà em, Mùa hè ở quê em. Có những sự vật, hiện tượng rất quen, hình như người ta đã viết nhưng với Đỗ Toàn Diện, anh đã thổi hồn vào, làm cho câu thơ mới hơn, gợi cảm hơn, dễ đi vào tâm trí của trẻ thơ như bài Đồng hồ: “Dậy trước mặt trời mọc/ Cứ reng reng reng reng/ Bé ơi dậy rửa mặt/ Nào nhanh lên, nhanh lên/…/ Bé tự thay quần áo/ Ăn mặc thật gọn gàng/ Mẹ bảo nay trời mát/ Chắc là vì bé ngoan/ Cảm ơn anh đồng hồ/ Đã ân cần nhắc nhở/ Reng reng nào nhanh lên/ Giúp bé càng tiến bộ”. Nhà thơ có những khám phá mới khi nhìn những sự vật gần gũi, thú vị theo cách nhìn của trẻ thơ, giúp các em dễ tiếp nhận như bài thơ Quạt máy: “Mùa đông nín thở/ Nằm nép góc nhà/ Mùa hè oi ả/ Vù vù…thở ra/ Ba cánh đoàn kết/ Thua chi gió trời/ Mùa hè nóng bức/ Uống sạch mồ hôi/ Em học em chơi/ Bạn bè đoàn kết/ Cũng như cánh quạt/ Là vui nhất đời”. Bài học về quan tâm đến những người chung quanh, bằng cách làm những việc có ích, động viên nhau tuổi nhỏ làm việc nhỏ rút ra từ bài thơ Que diêm: “Tôi là những mẩu gỗ/ Đầu đội mũ diêm sinh/ Ẩn giấu ở trong mình/ Âm thầm một ngọn lửa/ Tôi là que diêm nhỏ/ Nhưng làm việc lớn lao/ Thắp lên ngàn bếp lửa/ Ánh sáng cho mọi nhà/ Tôi là que diêm nhỏ/ Giúp ích cho mọi người/ Tôi mong các bạn nhỏ/ Cũng có ích cho đời”.

Ở bài thơ Lên rẫy, tác giả đã gợi lên không khí nhộn vui, hớn hở, vẽ ra một bức tranh bằng điểm nhìn của các em, giúp các em yêu công việc của mẹ, quen dần với rẫy nương: “Em cùng mế lên rẫy/ Gùi đung đưa, đung đưa/ Con chó vàng quấn quýt/ Theo bước chân nô đùa/ Kìa mặt trời mới ló/ Trên đầu chị tre xanh/ Sương treo đầu ngọn cỏ/ Tia nắng chuyền long lanh/ Bao nhiêu ngày chăm học/ Mong đợi đến cuối tuần/ Được tung tăng theo mế/ Xôn xao hoài bước chân”. Từ niềm vui được đi với mẹ, được thấy, được nhìn, các em đã tự hào về nương rẫy, về rừng, từ đó gắn bó hơn, quý trọng hơn: “Rẫy nhà em đẹp lắm/ Bắp trổ cờ non xanh/ Lúa làm duyên con gái/ Suối lượn lờ vây quanh/ Rừng đẹp tựa bức tranh/ Phong lan muôn sắc nở/ Hoa chuối màu thắm đỏ/Giăng mắc như đèn lồng/ Tuổi thơ em gắn bó/ Bản làng bao yêu thương”. Có những bài thơ, câu thơ, ý thơ gợi cảm giác hay hay, vui vui một cách đáng yêu: “Ông trăng sáng tỏ/ Lơ lửng giữa trời/ Như lòng trứng đỏ/ Chơi vơi, chơi vơi/ Em vươn ngọn bút/ Vẽ thẳng lên trời/ Chú Cuội tênh nghếch/ Gốc đa mỉm cười/ Hình như không phải/ Cuội đang chăn trâu/ Gió hiu hiu thổi/ Chú ngủ từ lâu/ Bỗng chú tỉnh giấc/ Trâu đâu mất rồi/ Làm sao tìm được/ Đầy trời sao rơi/ Thương cho chú Cuội/ Cheo leo lưng trời” (Cuội).

Có những câu thơ thật thà, đồng điệu, hồn nhiên, thể hiện sự biết ơn của trẻ thơ đối với người lớn, đặc biệt là người thầy dạy dỗ các em: “Mấy hôm nay thầy ốm/…/ Râm ran đàn em nhỏ/ Đến thăm thầy quanh giường/ Những bông hồng thắm đỏ/ Mới hái từ trong vườn/ Các em như chồi non/ Như bầy chim ríu rít/ Kể chuyện lớp, chuyện trường/ Thầy vui nên hết mệt…” (Hạnh phúc giữa đời thường)

Ngoài ra, Đỗ Toàn Diện cũng có một số bài thơ hướng tình yêu các em đến những danh lam thắng cảnh, những địa danh lịch sử và quê hương muôn quý ngàn yêu, như: Thăm Điện Biên Phủ, Thăm Chiến khu D, Cột cờ Lũng Cú, Cờ đỏ Sao vàng, Vịnh Hạ Long, Hồ Ba Bể, Rừng cao su, Nắng cao nguyên… Thế giới tuổi thơ các em được tác giả ươm mầm tự hào về lá cờ mang hồn nước: “Yêu lá cờ Tổ quốc/ Giữa có ông sao vàng/ Như bông hoa đỏ thắm/ Mọc ra từ không gian/ Sáng thứ Hai hàng tuần/ Chúng em đứng nghiêm trang/ Lá cờ cùng bắt nhịp/ “Tiến quân ca” rộn ràng/ Lá cờ mang hồn nước/ Một dải liền núi sông/ Chúng em nguyện tiếp bước/ Theo những gương anh hùng” (Cờ đỏ sao vàng).

Tập thơ Đám mây màu cổ tích, có 23 bài thơ viết theo thể thơ 5 chữ, 4 chữ (12 bài), 6 chữ (1bài), lục bát (2 bài), hầu hết những bài thơ gần với đồng dao dân gian, vui nhộn, hóm hỉnh, giúp các em dễ thuộc và nhớ; nhưng cũng có những câu thơ rất hay cho mọi lứa tuổi: “Mặt trời rải nắng cao nguyên/ Cho bầy ngựa gió phi trên ráng chiều/ Nắng trời chi chít cánh diều/ Chúng em thả để đong nhiều ước mơ” (Chiều cao nguyên)

Cầm tập thơ Đám mây màu cổ tích trên tay như món quà xinh xắn cho các em đêm Trung thu hay ngày tựu trường sắp đến, cảm thấy như Đỗ Toàn Diện đã hòa điệu cảm xúc tuổi thơ, đã khẳng định cho riêng mình một chỗ đứng trong văn học viết về đề tài thiếu nhi ở Đắk Lắk; vì thế, bạn đọc nhỏ tuổi đang mong chờ những tác phẩm mới của anh.

 


Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

BA CUNG ĐÀN VÀ MỘT CÁI KẾT CÓ HẬU tác giả LÊ QUỐC HÁN - CHƯ YANG SIN SỐ 337 THÁNG 9 NĂM 2020

 


Nhân 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (1820 – 2020)

 


 

Nói đến Đại thi hào Nguyễn Du, trước hết không ai không nhớ đến hai câu kết trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh Ký” của ông: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (“Ba trăm nữa mơ màng/ Ai trong thiên hạ khóc chàng Tố Như “– Xuân Diệu dịch). Nguyên văn bài thơ đó như sau:

     

        Phiên âm

       Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư

        Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

        Chi phấn hữu thần liên tử hậu

        Văn chương vô mệnh lụy phần dư

        Cổ kim hận sự thiên nan vấn

        Phong vận kỳ oan ngã tự cư

        Bất tri tam bách dư niên hậu

        Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du do các cụ Lê Thước, Trương Chính chủ trì biên soạn với sự tham gia của nhiều người (NXB Văn học, 1965) có 249 bài. Đây là lần đầu tiên thơ chữ Hán của Nguyễn Du được công bố nhiều nhất, được tìm hiểu xuất xứ và chú giải kỹ nhất. Bài Độc Tiểu Thanh ký được các soạn giả phát hiện: “bài này không phải làm khi nhà thơ đi qua mộ Tiểu Thanh, mà khi còn ở nhà” (trích “Lời giới thiệu” của Trương Chính). Bài thơ không xếp vào phần thơ đi sứ mà giữ trong tập Thanh Hiên Thi Tập , ở phần “Làm quan ở Bắc Hà 1802-1804”. Bản dịch sau đây (cả dịch nghĩa và dịch thơ) là của Vũ Tam Tập, rút từ cuốn sách ấy.

 

Đọc truyện nàng Tiểu Thanh

 

Vườn hoa cạnh Tây Hồ đã thành bãi hoang

Ta chỉ viếng nàng qua bài ký đọc trước cửa sổ mà thôi

Son phấn có thần chắc phải xót chuyện xảy ra sau khi chết

Văn chương không có mệnh mà cũng bị liên lụy, đốt đi còn sót lại một bài

Mối hận cổ kim, thật mà khó hỏi ông trời

Ta tự coi người cùng một hội, một thuyền với nàng là kẻ vì nết phong nhã mà mắc phải nỗi oan lạ lùng

Chẳng biết ba trăm năm sau nữa

Thiên hạ có ai khóc Tố Như ta?

 

Dịch thơ

 

Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang,

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.

Son phấn có thần chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt còn vương.

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Ngoài bản dịch thơ của Vũ Tam Tập, còn có các bản dịch thơ của Quách Tấn, Thân Bá Trường Sơn.

Muốn hiểu một phần tâm sự của Đại thi hào qua bài thơ trên, trước hết phải hiểu về cuộc đời và cái chết oan ức của nàng Tiểu Thanh.

Truyền thuyết kể rằng Tiểu Thanh (1594 – 1612), họ Phùng, tên Văn Cơ, người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Có truyền thuyết nói nàng người Dương Châu, con nhà gia thế, tên chữ là Phùng Huyền Huyền). Mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, được một bà sư nuôi và cho ăn học. Năm 16 tuổi, nàng lấy một người họ Phùng, và để tránh đồng tính, nên gọi là Tiểu Thanh. Vì vợ cả ghen, nàng phải lánh ra ở nhà riêng của Phùng sinh trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ rồi buồn bực mà chết lúc mới 18 tuổi, đời Vạn Lịch nhà Minh, nay còn mộ ở Cô Sơn. Trước khi chết Tiểu Thanh cho vẽ một bức chân dung truyền thần nàng. Về bức vẽ đầu tiên, nàng nói: Hình tôi thì giống, nhưng chưa lột hết thần của tôi. Với bức thứ hai: Thần thì được rồi, nhưng bóng dáng chưa được linh động. Đến bức vẽ thứ ba, đủ lộng lẫy, nàng nói: Được rồi đấy. Rồi nàng để bức tranh ở trước giường, đốt hương thơm, khấn:  Tiểu Thanh! Tiểu Thanh! Chốn này có phải là duyên phận của mày đâu. Nói xong, nước mắt chan hoà, nấc lên một tiếng rồi chết (Theo Mai Quốc Liên, “Nguyễn Du toàn tập”).

Tiểu Thanh đã tự mình đốt các bài thơ của mình, chỉ để lại 12 bài gọi là tập Phần dư. Theo Nguyễn Quảng Tuân, sách Nữ liêu trai chí dị có chép rằng: “Người vợ cả biết chuyện giận lắm. Người vợ cả đòi lấy tập thơ. Thơ đưa ra cũng bị đốt hết. Người ta lục bản thảo, không còn chi nữa. May khi nàng sắp mất có mấy chiếc xuyến hoa, tặng cho con gái nhỏ của nàng, bọc vào hai tờ giấy. Chính ở những tờ giấy ấy, người ta thấy thi cảo của nàng gồm 12 bài”. Người ta cho khắc in số thơ đó, đặt là Phần dư tập. Đọc chuyện kể về nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã hết sức thương xót, đồng cảm với số phận của người con gái tài tình mà bạc mệnh, viết ra bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký”.

Nói đến Đại thi hào Nguyễn Du, trước hết cũng là nhớ đến Truyện Kiều, kiệt tác của Người. Truyện Kiều vốn tên là “Đoạn trường tân thanh” (Tiếng kêu đứt ruột mới), một tiếng khóc xé lòng đầy cảm thông của Nguyễn Du cho những người phụ nữ có tài có sắc nhưng đường đời truân chuyên bất hạnh: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Trong Truyện Kiều, cảnh đầu tiên gây ấn tượng nhất là cuộc “gặp gỡ” kỳ lạ giữa Thúy Kiều với cô kỵ nữ Đạm Tiên – một người con gái tài sắc bạc mệnh. Sau một ngày cùng hai em nô nức chơi xuân, đến lúc Tà tà bóng ngả về tây/ Chị em thơ thẩn dan tay ra về bắt gặp cảnh Sè sè nắm đất bên đường/ Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. Hỏi ra biết đó là mộ nàng Đạm Tiên: Vương Quan mới dẫn gần xa/ Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi/ Nổi danh tài sắc một thì/ Xôn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh/ Phận hồng nhan có mong manh/ Nửa chừng xuân, thoắt, gẫy cành thiên hương/ Có người khách ở viễn phương/ Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi/ Thuyền tình vừa ghé tới nơi/ thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ!/ Buồng không lặng ngắt như tờ/ Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh/ Khóc than khôn xiết sự tình/ Khéo vô duyên bấy là mình với ta!/ Đã không duyên trước chăng mà/ Thì chi chút ước gọi là duyên sau/ Sắm sanh nếp tử xe châu/ Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa/ Trải bao cỏ lặn ác tà/ Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm. Thúy Kiều động lòng trắc ẩn: Lòng đâu sẵn mối thương tâm/ Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa/ Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung/ Phũ phàng chi bấy hóa công/ Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha/ Sống làm vợ khắp người ta/ Khéo thay! thác xuống làm ma không chồng!/  Nào người phượng chạ loan chung/ Nào người tiếc lục tham hồng là ai?/ Đã không kẻ đoái người hoài/ Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương. Từ cuộc đời bạc mệnh của người kỹ nữ kiếp trước vận vào cuộc đời sau này của mình, rồi liên tưởng tới nỗi đau muôn thuở của “một nửa nhân loại”: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung, mới thấy tâm hồn Thúy Kiều nhạy cảm đến chừng nào! Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân từng nhận xét về Nguyễn Du: Nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy. Trong bài Tựa Truyện Kiều, ông nhận xét: Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một; người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông lụy của của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy. “Từ một Đạm Tiên, Kiều khái quát đến phận đàn bà. Nguyễn Du lại không chỉ mở rộng đến đây mà ý thơ mở ra đến thắt lòng: Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung! Lời chung, trong đó có thi hào Nguyễn Du? Trong đó có bao nhiêu số phận tài hoa mà bạc mệnh? Nhớ khi Nguyễn Du khóc nàng Tiểu Thanh và nhà thơ tự hỏi: Bây giờ ta khóc cho nàng, còn ta? Hơn ba trăm năm sau liệu ai khóc Tố Như? Thúy Kiều thật trong lịch sử mất đi, Thanh Tâm Tài Nhân đã khóc cho Thúy Kiều. Hai trăm năm sau tiếng khóc của Thanh Tâm Tài Nhân lại là của Nguyễn Du! Cái vòng hệ lụy ấy, cái sự liên tình ấy vì đời quá bạc nên còn mãi” (Hồn ma Đạm Tiên trong Truyện Kiều, Hà Linh). Đêm về Thúy Kiều mộng gặp Đạm Tiên, lại còn “Hẹn nơi gặp gỡ là sông Tiền Đường”!

Ôi! Cái sợi dây liên tài, liên phận của người xưa sao buộc những thân phận “tài mệnh tương đố” chặt thế!

Viết về Đại thi hào Nguyễn Du (1766 -1820), về Truyện Kiều, đã có hàng nhìn tác phẩm. Không phải đợi đến “ba trăm năm lẻ”, không phải đợi đến khi Người được Unesco công nhận “Danh nhân văn hóa thế giới” (1965) mà ngay từ khi Truyện Kiều xuất hiện, đã có không biết bao nhiêu thơ Vịnh Kiều, bao nhiêu bài viết ca ngợi Người. Trước hết là thiên tuyệt bút của Tiên Phong Mộng Liên Đường đề tựa Truyện Kiều dẫn ở trên. Ở cuốn “Đoạn trường tân thanh” (tên chính thức Truyện Kiều do Nguyễn Du đặt), năm Thành Thái Nhâm Dần (1902) ở đầu sách Kiều Oánh Mậu, bản in có bài Đề từ kèm theo tên của Phạm Quý Thích: Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường/ Bán thế yên hoa trái vị thường/ Ngọc diện khởi ưng mai Thủy quốc/ Băng tâm tự khả đối Kim lang/ Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu/ Bạc mệnh cầm chung oán hận trường/ Nhất phiếm tài tình thiên cổ lụy/ Tân thanh đáo để vị thùy thương? (Dịch Nghĩa: Người đẹp phải đâu đến Tiền Đường/ Món nợ nửa kiếp gái lầu xanh chưa được trả/ Mặt ngọc nỡ sao vùi nơi đáy nước/ Lòng băng tuyết tự thấy xứng đáng với chàng Kim/ Nỗi đau đứt ruột trong mộng, căn duyên nay đã hết/ Khúc đàn bạc mệnh chấm dứt, oán hận nay còn dài lâu/ Một mảnh tài tình tự ngàn xưa mang lụy cho người/ Cuối cùng, tiếng mới dành cho nỗi đau thương?). Cuối bài ghi “Hoa Đường Lập Trai” Phạm Quý Thích đề: Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan/ Phong hoa bao trắng nợ hồng nhan/ Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng/ Gót ngọc không tiêu chốn thùy quan/ Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp/ Một dây bạc mệnh dứt cầm loan/ Cho hay những kẻ tài tình lắm/ Trời bắt làm gương để thế gian. Rồi những chùm thơ của các bậc danh nho: Chu Mạnh Trinh, Trần Bích San, Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến…

Đến gần cuối thế kỷ hai mươi, một bài thơ viết về Người xuất hiện đã gây một tiếng vang lớn, góp phần không nhỏ thức tỉnh những người có trách nhiệm xây dựng lại khu di tích Nguyễn Du và khu lăng mộ Người từ trước đó không khác gì ngôi mộ nàng Đạm Tiên thuở xưa. Ấy là bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du” của thi sĩ Vương Trọng: Tưởng là phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây!/ Ngửng trời cao, cúi đất dày/ Cắn môi, tay nắm bàn tay của mình/ Một vùng cồn bãi trống trênh/ Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề// Hút tầm chẳng cánh hoa lê/ Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non/ Xạc xào lá cỏ héo hon/ Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi/ Lặng yên bên nấm mộ rồi/ Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm// Không cành để gọi tiếng chim/ Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời/  Không vầng cỏ ấm tay người/ Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu/ Thanh minh trong những câu Kiều/ Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân// Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân/ Phong trần còn để phong trần riêng ai/ Bao giờ cây súng rời vai/ Nung vôi, chở đá tượng đài xây nên//  Trái tim lớn giữa thiên nhiên/ Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa…

Từ những truyền thuyết, huyền thoại, các những nhân vật trong đời thực đã bước vào thi ca. Rồi cũng các nhân vật ấy cùng hậu thế, từ thi ca bước vào cuộc sống và tiếp nối trở lại về thi ca theo những vòng tròn vô tận tuần hoàn. Ấy là nhờ tấm lòng tri ngộ của các nghệ sĩ, những người luôn tâm niệm chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài đã viết nên những bài thơ giữ gìn và tôn vinh cái đẹp cho muôn đời.

    Thanh Minh, 2020

                                                                        

 

 

 

(1). Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Bùi Kỉ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh dịch), Nxb Văn hoá, H, 1959, tr. 69.

(2). Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam (Quang Huy, Võ Văn Trực, Nguyễn Bùi Vợi tuyển chọn), NXB Văn hóa Thông tin, 1994.

(3). Truyện Kiều. (Nguyễn Thạch Giang chú giải và giới thiệu), NXB Giáo dục, 4.1996.

(4). Trương Chính: Lời giới thiệu, sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn học, H,1965, tr.14.

(5). Nguyễn Đình Chú: - Lại bàn về hoàn cảnh sáng tác “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, Văn nghệ, số 23 ngày 4/6/1994.

(6). Nguyễn Khắc Phi: Tiểu Thanh truyện (giới thiệu và dịch), Tạp chí Văn học nước ngoài, số 5/1997.

(7).  Trần Đình Sử: “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, sách Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb. Giáo dục, H, 1995.

(8). Nguyễn Quảng Tuân: Cần phải tìm hiểu chính xác hơn bài “Độc Tiểu Thanh kí”của Nguyễn Du, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1994.