Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 298 - THÁNG 6 NĂM 2017 tác giả TRẦN BĂNG KHUÊ





MẮT LƯỚI
Truyện ngắn



Tôi bắt đầu nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi.
Những chốn tôi đã từng dừng chân trú ngụ hoặc chỉ tạm thời thăm viếng dăm ba thời giờ nào đó rảnh rỗi.
Lần này, tôi lại phải khẳng định thêm nữa, rằng nó không phải là giấc mơ hoặc thứ tưởng tượng chập chờn trong trí não. Tôi đã nhìn thấy nó. Rõ ràng, không một chút mờ ảo, khuất tất. Nó sống động hệt như hình ảnh ba chiều. Tôi không nhìn nó bằng mắt. Nó nằm trong não. Tôi nghĩ, nên tập nhìn mọi thứ xung quanh mình bằng não thay vì mắt thường. Não, hẳn sẽ sáng suốt hơn. Nhưng rồi, tôi không còn nhìn thấy nó nữa. Nó đã rời bỏ tôi. Nó đã biến mất khỏi trí não đầy mộng mị của tôi. Nó rời bỏ tôi không một chút thương xót. Những mắt lưới xanh xao, kết nối bầu trời và các vũ trụ song song hiện thể. Những mắt lưới hiển hiện đằng sau cánh cửa vừa mở toang ra nơi lòng biển mà tôi nhận thấy. 
Rồi, bất giác, tôi trở nên chán ghét việc phải suy tưởng về chúng, những mắt lưới lạc lõng đu bám ẩn hiện trên các đốt ngón tay xương gầy uốn lượn, vươn ra tứ phía chỉ để bíu với một niềm tin vô hình về sự hiện hữu của chính mình.
Tôi, quyết, sẽ rời bỏ những mắt lưới, để nghĩ nhiều hơn về những giấc mơ.
Hẳn nhiên rằng, tôi phải thường xuyên nghĩ về những giấc mơ. Bởi, một lẽ xác đáng, tôi biết, đó cũng là một thế giới. Giữa tôi và chúng luôn có sự kết nối rất đỗi gũi gần, quen thuộc khó lòng tách rời.
Tôi bắt đầu mơ về nó.
Khi tất cả mọi giác quan của tôi chìm dần vào những cơn mê, nó xuất hiện, chĩnh chện cười cợt trêu đùa với tôi.
Thỉnh thoảng, nó biến mất một cách lạ lùng, khiến tâm trí tôi hỗn độn như mớ bòng bong rối loạn, không rõ hình thù, màu sắc.
Tôi nghĩ đến việc ghét bỏ mọi giấc mơ.
Những giấc mơ thường chết đột ngột như khi nó đến không cần báo trước. Tôi chẳng còn nhìn thấy nó nữa. Sau một vài cơn va quệt nhẹ với các loại tường. Chúng, những bức tường dựng lên sừng sững ngăn cách tôi và nó; tôi và giấc mơ; tôi và cả chính tôi nữa. Kẻ siêu nhiên lẩn nấp, khuất dạng phía sau những giấc mơ đã bị ảo hóa bởi rất nhiều hình khối, thanh âm giả trá.
Tôi cần nó xuất hiện đều đặn trong giấc ngủ của mình. Dù rằng, chỉ là một góc tối vụn vặt. Ai đó thường tìm cách thì thào những lời khó hiểu vào tai tôi, trước khi tôi chợp mắt: “Mày cần một góc tối. Mày cần phải chui ngay vào cái góc đó và ẩn nấp”. Khả dĩ, tôi chiều lòng và quyết định lắng nghe những lời ám thị đó bên tai mỗi đêm, cũng bởi tôi cần, rất cần đến cái góc tối ấy. Tôi phải tìm ra nó, để hỏi một vài câu ngớ ngẩn: “Vì sao, nó có mặt trên thế gian này?”.
Một địa điểm không thể tối hơn được nữa so với bầu trời đêm nay. Tôi cần nó xuất hiện và nhốt tôi vào đó. Tôi muốn chạy trốn những mắt lưới. Chúng có màu đỏ, chúng thường xuyên chơi trò vờn đuổi, rồi sau, chụp xuống đầu tôi một cách bất ngờ. Chiếc lưới khổng lồ. Tôi nhớ, mình luôn phải tìm cách chạy trốn chúng, cái mắt lưới biết cười, biết nhễu nhại nhếch mép hoặc thè lưỡi dài ngoẵng đỏ lòm huênh hoang. Thi thoảng, tôi tự trấn an rằng, sẽ chẳng bao giờ sợ chúng. Ấy thế, tôi vẫn cảm thấy thật khó lòng rời bỏ nỗi sợ hãi này, bởi những mắt lưới quỷ ám, chúng, hình như vẫn đang bị cầm nắm, điều khiển bởi một vài bàn tay lấp lửng, vô hình. Tôi thử nghĩ, hẳn là “những kẻ bí ẩn giấu mặt, vẫn thường xuyên tìm cách kết nối với tôi, bằng cách chơi trò đan bện những sợi tơ nhền nhện hòng thít chặt và ràng buộc không gian thời gian của riêng tôi lại với nhau, khiến tôi nghẹn thở”.
Tôi vẫn đang tìm kiếm những nơi có thể cho tôi được quyền trốn nấp. Vì, ít ra, vào lúc này tôi sẽ bớt được những cơn hãi hùng sợ sệt mơ hồ vô lí, khiến đôi chân tôi thi thoảng run lên bần bật. Thế giới bỗng trở nên khó hiểu và bất an hơn những gì tôi biết từ khi mới mở mắt chào đời. Thế giới như những mắt lưới chằng chịt. Xung quanh tôi, sự ích kỉ ngập tràn trong từng con mắt liếc dọc liếc ngang. Họ ngấm nguýt nhau. Họ nheo mắt nhìn nhau một cách cà khịa, ghét bỏ. Họ gầm gừ, đe dọa lẫn nhau mỗi ngày trôi qua đến phát chán trước mặt tôi. Những lần tôi hờ hững lạnh lùng, với nỗi buồn ngập sâu và dậy sóng một cách hồn nhiên trong lòng mình là khi mọi cảm giác đều lặng lẽ chuồi khỏi tâm hồn tôi và lần lượt tắt ngóm, chết dần chết mòn đến thê thảm.
Chiều nay, tôi không cần cái không gian sang trọng đủ đầy trong căn phòng quét vôi trắng, và phản chiếu bởi ánh đèn màu mờ ảo mà tôi yêu thích nữa. Tôi quyết định hướng ánh mắt mình về phía sân phơi, nơi có chiếc bếp lửa đun củi từ thời tối tăm mù mịt khói. (đến bây giờ vẫn tối tăm mù mịt khói). Tôi nghĩ về góc phòng mẹ dùng làm kho bé nhỏ chỉ để vừa vài chiếc thùng carton ở cuối dãy nhà này. Hóa ra, trong những thứ lớn lao, bấy lâu nay tôi vẫn thường ngẫm ngợi, lại có sự tồn tại của những điều nhỏ bé rất cần thiết. Chúng an toàn hơn nhiều so với cái mắt lưới sắc nhọn đang cố tình vây bủa xung quanh tôi và thế giới này.
Nhưng, chính vì vậy, lại khiến tôi không thể nào thoát khỏi cái mắt lưới ấy.
Phía sau ngọn núi. Đứng từ lan can này, tôi có thể nhìn thấy hết thành phố. Chiều xuống tự lâu lắm rồi, và đêm đã bắt đầu làm cái công việc thay thế. Nhưng, đêm nay, tất thảy đều ảo mờ trong đáy mắt tôi. Những âm u lên ngôi. Chúng xoạc cẳng, vung tất thảy các mắt lưới khổng lồ ra thâu tóm toàn bộ thung lũng, và thân phận của rất nhiều kẻ mù lòa hoặc cố tình mù lòa. Những mái nhà chỉ là nơi neo buộc tạm thời cho sự sống và cái chết. Có gì để người ta hào hứng khoa trương khoe khoang sự ốm yếu, nhợt nhạt hiển hiện trên khuôn mặt xám ngoét kia. Ngay lúc này, giữa hàng đống thanh âm bộn bề, hỗn tạp, tiếng kèn đám ma bên hông nhà tôi, sát sườn núi càng rõ rệt, thê lương.
Thời gian trôi đi khá nhiều năm lắm rồi, vậy mà cái mắt lưới ấy vẫn bám riết, ám ảnh và trói buộc tôi không chịu buông rời. Thỉnh thoảng chúng chơi trò xoay chuyển không gian. Nhưng, thật ra cũng chỉ là những bức tường vôi áp vào nhau hòng lừa đảo mỗi người trong căn nhà này từng khoảnh khắc. Chúng len lỏi vào mắt tôi, vào tim tôi, trườn bò lên môi tôi như những giọt mặn từ biển khơi bắn tung tóe không ngơi nghỉ mỗi đêm khuya về khi lên cơn nghẹn sóng. Sóng cũng mắc nghẹn như nỗi đau mắc vào vai áo, dính nhèm nhẹp lên từng sợi vải chẳng thể nào tẩy xóa đi được. Kí ức của tôi, có khi chúng như những giấc mơ tôi đã từng thấy người ta thay nhau leo lên các nhành cây yếu ớt ngoài cơn bão chỉ để buộc chùm khăn tang trong đêm sâu thăm thẳm.
Ai đó vừa nhắc tôi đi ngủ.
Tôi cúi đầu. Im lặng. Hẳn là người nhắc tôi đi ngủ sẽ chán ngay thôi.
Tôi chẳng thể chợp mắt nếu như, chúng, cái đêm sâu thăm thẳm này không chịu chết phứt đi, cái đám hình nhân ảo ảnh này không chịu biến mất đi, hoặc là giả vờ nấp lén đâu đó trong chốc lát thôi cũng được. Tôi sẽ không ngủ, nếu ngoài kia trời vẫn tối, mưa vẫn à ơi ru hời các linh hồn nằm dưới mộ cỏ. Tôi sẽ không ngủ, nếu sau thung lũng này vẫn nhập nhoạng tiếng bọn mèo hoang khóc la thảm thiết.
Tiếng kèn đám ma bên hông nhà tôi vẫn khò khè kéo rê theo tiếng mưa rơi rả rích trên mái tôn, rớt xuống hiên. Tôi khoanh chân ngồi nghe, như nghe tiếng kinh cầu của núi rừng và của từng nóc nhà u ám dưới những bóng đèn đủ màu nhấp nháy phía thành phố.
Ai đó lại tiếp tục nhắc tôi đi ngủ.
Họ thì biết làm sao được về những cái mắt lưới này. Họ luôn luôn tìm cách bắc loa ở các cột điện và nhắc nhở mọi người đi ngủ. Tôi quyết định thức trắng đêm, để xem, những cái mắt lưới bướng bỉnh kia còn định giở trò gì hòng quấy nhiễu giễu cợt tôi như ý muốn của chúng. Người đàn ông ấy lại vừa nhắc tôi đi ngủ. Rõ ràng, người đã nhắc tôi đi ngủ luôn luôn là ông ấy, chẳng phải ai khác. Vậy mà, tôi lại nhìn thấy những cái bóng lúc ẩn lúc hiện hét toáng vào tai tôi át hẳn giọng trầm của người đàn ông quen thuộc. Chẳng có cái mắt lưới nào biết nói. Tiếng kèn đưa đám tiếp tục kéo rê lê thê giai điệu não nề. Tôi không thể nhắm mắt. Người chết thì phải nhắm mắt. Chết mà không nhắm mắt, hẳn đáng sợ lắm.
Lại tiếng ba tôi lẩm bẩm một mình ngay lan can cầu thang tối: "Bầu trời ban đêm như tấm lưới bủa vây". Tôi giật mình, bên tai tôi lại vang vọng tiếng ai đó nhắc nhở tôi đi ngủ. Lúc này, tôi không thể nào chịu đựng được sự rền rỉ bám riết dai dẳng của cái thứ vô hình đằng sau bóng đêm ấy nữa. Tôi mong trời sáng. Có lẽ khi trời sáng, sẽ mang lại một chút ít cảm giác vượt thoát khỏi những bức bối lặng lẽ của đêm.
Bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày, tiếng kèn đám ma vẫn thổi ò í e dưới chân núi, ngay bên hông nhà tôi. Có thể, kẻ sống quá tiếc thương mà không chịu di dời kẻ chết rời khỏi thế giới này. Hoặc giả, kẻ sống muốn hoài niệm mãi mãi với những xác thịt đang dần dần thối rữa trong chiếc quan tài? Có lẽ, họ sẽ chẳng bao giờ chịu chôn cất cái chết.
Thung lũng chìm sâu hơn khi những vì sao bắt đầu nhấp nháy như những mắt lưới khổng lồ. Tôi vẫn không thể nào chợp nổi mắt vào ban đêm. Vì vậy, tôi luôn mong mỏi bình minh lên. Căn nhà của tôi lọt thỏm chính giữa thung lũng, như một con mồi vừa lọt vào những mắt lưới của bầu trời ảo diệu. Khe sắt từ các khung cửa sổ len lỏi vài ngọn gió. Có khi, nó chính là dấu hiệu của một sự đổi thay. Tôi so vai lại, đầu nặng trĩu, máu chạy hai bên thái dương tưởng chừng ai đó cầm búa gõ từng nhịp. Buốt như một tiếng chuông. Bên ngoài cánh cổng sơn màu sẫm tối của buổi chiều mưa, tôi nhìn thấy những tia sét. Có thể, chúng sẽ xé toạc cái mắt lưới ấy, kể cả chân mây phía cuối con đường rẽ lối đến mái vòm của chiếc cổng ánh sáng.
Tôi mơ màng nghe tiếng người đàn ông quen thuộc đang gọi từ phía cửa nhà bếp. Hóa ra, đêm qua, tôi đã lẻn vào góc phòng tối của mẹ và đánh một giấc dài chập chờn đầy mộng mị như kẻ mê hoang bị lạc trong mắt lưới của chính mình. Những chiếc loa phường chễm chệ ngay đầu phố nhà tôi, đến hẹn lại lên. Chúng thường xuyên chăm chỉ phát một bản thông báo ngắn mỗi sáng sớm, chỉ để nhắc nhở mọi người về việc đi ngủ.














Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 298 - THÁNG 6 NĂM 2017 tác giả LÂM HẠ



TRÊN TRANG GIẤY TRẮNG
Truyện ngắn

Trên trang giấy trắng, nàng nằm bất động.
Rồi không biết vì lý do nào đó, hay chẳng vì lý do gì, tôi chú ý đến nàng.
Tôi vuốt thẳng tờ giấy, xoa từng nếp gấp cho thẳng dần. Tôi cố định bốn góc bằng kẹp giấy, đặt lên giá vẽ gần cửa sổ. Trên gác mái lũ chim đang hót, nhảy nhót theo từng nhịp điệu của ánh nắng rung qua kẽ lá. Từng chiếc lá khẽ rung, bóng chiếu lên mặt giấy.
Nàng cử động, chậm chạp, ngọ nguậy đầu, như một đứa trẻ sơ sinh.
Nàng cựa tóc, từng sợi lượt sượt trên mặt giấy, thanh âm lạo xạo như cỏ khô cựa mình trong gió. Từng lọn tóc trượt dài tạo thành một dòng suối chảy róc rách, những cọng tảo đong đưa, múa lượn. Một đàn cá nhỏ bơi lội tung tăng. Bên bờ suối, đám trẻ con đang chơi đùa. 
Cổ nàng phập phồng, thanh âm đùng đục. Nàng hát. Không hẳn là hát, nghe kỹ là một điệu ru, không rõ từ, chỉ là những giai điệu kéo dài, da diết. Lũ chim trên cây ngừng hót, gục đầu ngủ say. Bọn trẻ mơ màng, như chẳng thèm lớn. Nàng ngắm chúng, môi chúm chím nụ hàm tiếu rung rinh.
Từng ngón tay nàng cử động. Nàng đan một tấm lưới, bằng tóc mình. Lũ cá vờn quanh nàng, tung tăng. Nàng chỉ trêu đùa chúng thôi, chúng quá quen với trò đùa của nàng nên với chúng, chiếc lưới chỉ như một cái võng. Lũ cá đánh đu, nhảy nhót trên tấm lưới, nước bắn tung tóe lên mũi, mắt nàng. Nàng cười, như chiếc phong linh lanh canh, lanh canh và xoay xoay trong buổi chiều lộng gió. Lồng ngực nàng phập phồng, hơi thở gấp, nàng bị bệnh chăng? Không nàng đang yêu, bóng dáng chàng trai vừa lướt qua, nàng chạy theo, rớt lại đôi giày đỏ trên bậc thềm.
Chàng trai đi đâu? Nàng không biết.
Có thể chàng đến nơi hẹn, đợi người yêu. Nàng chỉ có thể đứng nhìn bóng chàng. Tôi hét lên, hãy quay lại quay lại đi có người con gái đang chờ đợi anh kìa, nàng yêu anh say đắm nhưng không dám nói!
Nàng bịt miệng tôi lại, đôi tay nàng lạnh như nước đá. Tình yêu, tình yêu không cần nhiều lời, hiểu không? Nàng thì thầm, nhỏ dần, nhỏ dần. Nước mắt nàng chảy tràn lên giấy, ướt nhòe. Nàng thậm chí chẳng dám yêu. Hong khô chúng đi. Bằng cách nào? Hơ lửa, hoặc phơi nắng, hoặc đốt cháy trang giấy này. Tôi không nỡ kết thúc cuộc đời nàng bằng một mồi lửa. Chỉ là tình yêu thôi, nàng không thể chết chỉ vì người nàng yêu không yêu nàng. Chết như vậy vô nghĩa lắm.
Vậy điều gì là có ý nghĩa trên thế gian này? Sống, yêu, thù hận? Danh phận, quyền lực, của cải? Thứ gì trong số đấy được xếp vào cụm từ "có ý nghĩa" nào?
Tôi không biết. Nếu không biết điều gì có ý nghĩa thì đừng nói về những điều vô nghĩa.
Nàng giận tôi sao? Tôi bối rối, trước nàng. 
Nàng ngồi yên lặng, trốn sau bóng một chiếc lá. Đôi chân nàng sưng tấy, máu nhỏ lên mặt giấy, loang loang đỏ. Lũ mèo đen vây quanh nàng đòi ăn. Chúng nhìn lũ cá thòm thèm, đàn cá trốn vào đám tảo. Lũ mèo liếm chân nàng nịnh bợ, nàng cười vì nhột. Nàng tìm thức ăn cho mèo. Nàng chạy về nhà, đôi giày đang nằm trên cỏ, đôi giày đỏ, đôi giày rất đẹp. Nàng nhìn chúng lâu thật lâu, cho đến khi chúng trong suốt như thủy tinh. Nhưng nàng chưa bao giờ là công chúa. Một nàng mèo uốn mình nằm gọn trong chiếc giày. Nàng di di đôi chân trần dính đầy đất cát trên giấy, từng vệt xám chảy dài thành một con đường. Nàng thấy mình bé lại, ngày còn là một đứa trẻ, ngoan lành và trắng tinh như bông gòn.
Trắng như trang giấy này, trước khi nàng xuất hiện.
Nàng tung tăng nắm tay mẹ đi trên cung đường vàng cánh hoa bay. Nàng chạy theo lũ bướm, không hề biết rằng đây là chuyến đi định mệnh. Cha nàng đã bỏ đi, bỏ mẹ con nàng. Và mẹ đưa nàng rời xa thành phố. Nàng không biết đây là cuộc chia ly vĩnh viễn giữa họ. Trong cơn mưa chiều buốt lạnh ấy, số phận đã kịp gieo hạt niềm đau trong trái tim nàng, rồi nảy mầm, tách vỏ, lớn dần lên. Cả cuộc đời mình, nàng đi tìm lại tuổi thơ đã bị đánh cắp. Ai đã chôn vùi những giấc mơ bé con của nàng, giấc mơ về một mái ấm gia đình tròn vẹn? Là cha mẹ nàng, tình yêu vụng dại giữa họ, hay vì nàng vốn được định sẵn một cuộc đời dang dở?
Nàng đã gởi cả cơn mơ, khát vọng, tình yêu và nỗi đau của mình, trên trang giấy trắng. Và cả cuộc đời nàng, chỉ là những cuộc rượt đuổi mệt nhoài, giữa nỗi sợ và những giấc mơ dai dẳng. Con người ta phải đánh đổi sự ngây thơ bằng hàng ngàn cơn đau để trưởng thành. Để thèm sống, người ta ngàn lần mong muốn được chết.
Nàng cũng vậy, không ngoại lệ.
Dù nàng rõ hơn ai hết, mình đã chết và được tái sinh hàng vạn lần, trên trang giấy này. Trang giấy lung linh huyền ảo, một bức tranh rất đẹp. Nhưng nàng đã thôi chờ đợi. Nàng cuộn mình lại như cụm cỏ dại ven hồ, già nua và tàn lụi. Chẳng ai biết đến nàng, chưa ai từng nhớ đến người con gái cô đơn sống trên trang giấy này.
Tôi đóng khung trang giấy, treo nó lên bức tường tối màu. Người ta hỏi tôi về bức tranh. Vâng, nó là "Người con gái sống trên trang giấy". Họ nhìn tôi hoài nghi, họ không hiểu bức tranh và nhan đề có liên quan gì nhau? Chẳng có người con gái nào trong đó cả. Họ lắc đầu, nhỏ to, và lảng tránh cơn kích động của tôi.
Tôi cất bức tranh cho riêng mình, tháo nó ra khỏi khung. Một ngày đẹp nắng, tôi lại căng nó ra bên dưới ô cửa nhỏ.
Tôi nhớ nàng. 
Tôi rên ư ư, thanh âm đọng lại ở cổ. Một khúc ru cho bầy sẻ nâu đang nhảy nhót, bầy cá vẫn lội tung tăng, còn lũ mèo liếm láp thân thể tôi.
Tôi thấy mình nằm yên lặng trên trang giấy trắng, chờ đợi cơn mơ đến.

Tôi sẽ mơ, cho tôi, và cho nàng.

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 298 - THÁNG 6 NĂM 2017 tác giả NGUYÊN HƯƠNG


  

CHỢ TÌNH

Truyện ngắn

  
Huy, ông anh họ nhún vai phì cười khi tôi chìa ra mấy trang báo viết về Chợ Tình với vẻ của một kẻ chịu khó tìm tòi về nơi mình muốn đến.
- Mấy tên nhà báo chỉ viết đúng được một khúc thôi. Ừ, đúng là Chợ Tình họp vào thứ bảy hàng tuần nhưng không phải tuần nào cũng có. Gặp ngày mưa lũ mà đường sá đèo núi thì có mà họp chợ âm phủ.
- Vậy thì em hỏi anh là hướng dẫn viên kỳ cựu nè, làm sao du khách biết chắc chắn thứ bảy nào có Chợ Tình?
Anh Huy phẩy tay hỉnh mũi:
- Đã gọi là Chợ Tình thì ai dám nói biết chắc được.
Chơi chữ đùa vui một hồi thì anh Huy nói muốn không bị tiếc chuyến đi thì hãy mùa hoa đào, lỡ không gặp Chợ Tình thì cũng không uổng phí, chỉ riêng việc được ngắm rừng đào giữa sương khói trời mây là đủ ngơ ngẩn. Bao nhiêu họa sĩ và nhiếp ảnh gia rủ nhau về nơi ấy săn ảnh mùa xuân mà giữa tranh vẽ và ảnh chụp so với cảnh rừng thật vẫn cứ một vực một trời...
***
Tôi có mặt trong đoàn du khách đi chuyến đầu tiên của mùa hoa đào, không phải vì như anh Huy tính toán lỡ không gặp Chợ Tình. Vừa chia tay Vinh nên tôi cần đi đâu đó, vậy thôi.
Cũng có điều hay hay, tôi tự an ủi mình, chia tay cuộc tình muốn đi đâu cũng nhẹ tênh. Vinh ghen tuông kinh khủng, tôi đi công tác cũng phải phân trần đoàn chỉ toàn đàn bà con gái thôi. Như hôm nay, tôi ngủ gật và tỉnh giấc trên vai người con trai ngồi cạnh bên. Giật mình, tôi nhìn quanh, lỡ anh chàng lơ xe chụp hình post lên facebook để khoe với sếp là xe chạy êm đến nỗi khách ngủ ngon như đang chăn êm nệm ấm, vô tình có mặt tôi trong cơn ngủ gục trên vai này thì khốn khổ với Vinh.
Rồi tôi thở phào nhớ ra Vinh đã là quá khứ rồi. Cú thở phào đến tôi cũng ngạc nhiên.
- Cô ngủ say quá.
Câu nói như giành phần nhận lỗi vì đã lỡ để yên cho tôi dựa đầu.
- Xin lỗi, tôi vô ý - Tôi lẩm bẩm. Và tưởng tượng... Tiểu thuyết diễm tình là chuyến xe về tôi và người con trai này sẽ thành một cặp. Hắn có đang thất tình và tôi là một miếng cao dán lành vết thương?
Tôi bật cười với ý nghĩ trong đầu mình.
- Chắc là cô vừa có giấc mơ đẹp.
A ha, kể công của bờ vai ư? Tôi lấy giọng ngọt ngào:
- Tôi mơ thấy mình đang lao vào hàm sư tử.
Hắn cười rộng miệng, mắt nheo nheo không trả lời. Kẻ bị bí thường thích đóng vai độ lượng.
Anh Huy nhìn tôi qua kính chiếu hậu, cái nháy mắt ẩn ý khiến tôi ngờ ngợ, có phải anh cố tình sắp xếp để tôi ngồi gần kẻ này? Phù, mai mối kiểu này xưa cũ quá rồi. Điện thoại tôi vang tiếng tít. Tin nhắn của anh Huy “Kiên. Họa sĩ. Thợ săn nhan sắc.” À, ra vậy. Tôi tưởng tượng tiếp, bớt phần diễm tình tăng phần thực tế, một phòng tranh toàn chân dung của tôi, không phải vì tiếng sét, chỉ là tình cờ gặp người mẫu như ý. Có thể lắm.
Càng lúc càng lạnh. Mặt kính bám đầy hơi sương. Ai cũng mặc áo phao dày cộm mỗi nhúc nhích là vang sột soạt. Đang trên đường đi đến Chợ Tình mà những giai thoại về Chợ Tình khiến cả xe cười râm ran cho tới khi tất cả đều bị chao đảo lắc lư, tôi biết thế nào là đèo cùi chỏ, con đường gấp khúc liên tục. Một người dí dỏm “Đi Chợ Tình có khác, cứ phải là hành hạ nhau mới được.” Cười ồ.
Kiên cũng cười. Khuôn mặt Vinh chập chờn đâu đó sau vai Kiên. Nhìn một người mà nhớ một người thì không đàng hoàng. Tôi không muốn bắt đầu lại như một người không đàng hoàng nên tôi quay ra cửa xe và cố nhìn xuyên qua tấm kính mờ ảo. Hình như sương nở hoa. À, là hàng cây chênh vênh sườn núi bung đầy hoa trắng.
- Hoa ban - Kiên nói.
- Đẹp quá - Tôi trả lời.
Thật lòng là đẹp quá. Màu trắng hư ảo chập chùng. Vạt hoa như cố thoát ra khỏi màn khói để bay lên mà mù sương thì cố níu kéo. Tấm khăn thổ cẩm sặc sỡ trước căn nhà cheo leo như tổ chim... Chập chùng trôi bềnh bồng trôi...
Xe tới nơi khi trời đã chiều muộn. Mái ngói nhà nghỉ màu đỏ ẩn hiện giữa trời mây lảng bảng. Bước vào phòng lễ tân, ai nấy trầm trồ trước cành đào ngợp hoa đỏ khiến những tấm thiệp rắc nhũ lấp lánh treo tòng teng quanh nó chỉ là vật trang trí lỗi thời.
Cô nhân viên lễ tân hai gò má hồng rực mỉm miệng cười chờ đợi mọi người qua cơn tấm tắc.
- Đào núi ạ. Đấy là mới vặt tí ngọn thôi.
Tôi không hiểu câu nói bằng giọng tự hào này.
Anh Huy khoanh tay đứng dựa tường với nụ cười biết trước, chắc là anh đã nhiều kinh nghiệm với tình cảnh có một du khách ngô ngố như tôi, sau khi tỏ ra mình đã tìm hiểu kỹ về nơi muốn đến.
- Cây đào mọc trên núi cao to lớn lừng lững, đây mới chỉ là chỏm ngọn của nó thôi. Không nên thắc mắc vì rừng đào cũng là một điểm đến trong tua này, trưa mai nếu em không rên rỉ mỏi chân quá thì sẽ được mãn nhãn. Quý khách thân mến, xin mời nhận phòng. Ba mươi phút nữa ăn cơm. Sau đó nên chợp mắt một chút vì đêm nay có thể chúng ta sẽ không ngủ.
Anh Huy thốt câu cuối cùng với cái nháy mắt. Ai nấy cười khúc khích. Không gian như đồng lõa với ý nghĩ nhảm trong đầu.
***
Khuya đó lạnh kinh khủng. Từng đoàn du khách co ro kéo nhau đi. Ánh sáng đèn khách sạn ở lại phía sau lưng rồi bỗng tất cả lọt thỏm vào tối đen và sương mù dày đặc đến nỗi cách một bước chân mà không nhìn thấy nhau nữa.
Người ta gọi tìm nhau vì bị lạc nhau. Và cười rộ là vì cầm nhầm tay ai đó.
Ai đó cũng vừa cầm nhầm tay tôi. Khi tôi kêu lên “Anh Huy hả?” thì người đó vội vàng nói xin lỗi và thả tay tôi ra. Trong một thoáng, tôi ước gì mình đã không lên tiếng. Âm thanh xôn xao càng lúc càng xa dần, hình như chỉ còn lại mình tôi thì phải. Tôi như trôi trong mù tối. Tôi sợ. Tôi tháo găng ra, tôi muốn được cầm tay ai đó và đụng làn da tay ai đó để tin chắc có người bên cạnh mình. Tất cả du khách của các đoàn đều hướng về Chợ Tình. Chỉ cần đến đó là tôi gặp lại người của đoàn mình.
- Anh Huy - Tôi gọi to - Anh đâu rồi?
Tay tôi huơ đụng ai đó.
- Không phải anh Huy. Là hàm sư tử thôi.
Tôi mừng quá. Mặc kệ giọng nói như cười nhạo. Tôi thở phào:
- Cho mượn tay anh tí đi.
Những ngón tay lạnh cóng của tôi nằm trong bàn tay đeo găng ấm. Bỗng trong giây phút, tôi cảm thấy như cái cầm tay trở nên lỏng lẻo. Trái tim tôi nhoi nhói trong nỗi sượng sùng thì giọng Kiên dịu dàng:
- Tay em cứng đờ rồi kìa. Đeo găng của anh đi.
***
Chợ Tình tối hôm đó toàn là du khách đi lên đi xuống... Mưa lũ, dân bản xa không về họp chợ được.
Mắt dần quen với mù sương, tôi và Kiên lang thang trên những con dốc đá rồi ghé hàng ngô nướng. Hong tay trên bếp than liu riu và lắng nghe bà bán ngô nướng kể chuyện từ hồi bà còn là thiếu nữ. Bản xa tít trên núi cao. Chợ Tình họp tối nay thì phải đi từ hôm trước, qua ba ngọn đèo bốn con dốc mà không mỏi chân đâu nhé...
- Rồi bà có lấy được người mình yêu không? - Tôi hỏi.
Người đàn bà chớp chớp đôi mắt đầy dấu chân chim, cười hồn nhiên:
- Có chứ. Đi Chợ Tình là để gặp người mình yêu mà.
***
Kiên không mời tôi làm người mẫu như tôi tưởng tượng. Tiểu thuyết diễm tình chỉ là những cú điện thoại Kiên hẹn tôi đi cà phê. Anh nói đủ chuyện trên đời, trừ chuyện tôi tưởng anh sắp nói ra vào phút cuối cùng của cuộc hẹn hò mà anh mượn cớ cà phê. Kiêu hãnh quá hay chỉ là tôi tưởng tượng nhảm thôi?
Anh Huy nói quen với nghệ sĩ thì đừng có mơ chuyện bình thường. Ừ, chắc là vậy. Mà tôi muốn mình là người bình thường thôi. Cuộc chia tay Vinh giúp tôi hiểu ra muốn đừng đau nữa thì đừng để mình rơi mãi trong màn tơ giăng vướng víu nhớ nhung.
Tôi thôi không cà phê với Kiên nữa. Kiên hỏi dạo này em bận lắm à? Tôi nhắn tin đáp lời, “Ừ, bận lắm.” Kẻ kiêu hãnh không bao giờ chịu trở thành kẻ làm phiền, có lẽ. Đó là tin nhắn cuối cùng giữa tôi và Kiên.
***
Anh Huy hỏi tôi, “Lần trước chưa gặp Chợ Tình thì có muốn đi bù chuyến này không?”. Câu hỏi khiến tôi nhớ lại đêm sương mù ấm áp đã xa xôi và bỗng thoáng cay mắt. Nhà trai đã đến xin phép ba mẹ tôi rồi. Có phải người con gái nào trước khi lên xe hoa cũng có điều hối tiếc?
Điện thoại reo và tên Kiên chui ra từ xó xỉnh lãng quên hiện trên màn hình “Nghe Huy nói em sắp cưới. Còn chút thời gian nào ghé triển lãm tranh ngó chơi không?”.
Ừ, ngó chơi thôi. Tôi đi lang thang qua những bức tường đầy màu sắc đến rối mắt, rồi tôi khựng lại trước vạt hoa trắng trong mù sương hàng cây chênh vênh sườn núi. Và đây nữa, bàn tay cầm lấy bàn tay trong đêm tối. Và đây nữa, con dốc đá mờ ảo bóng hai người bên nhau. Và đây nữa, rừng đào hồng rực và cơn gió màu mận chín vắt ngang cành...
Sáng hôm đó tôi quàng khăn màu mận chín...
Tôi thấy tôi trong những bức tranh tràn đầy nỗi nhớ.
Giọng Kiên thì thầm sau lưng tôi:
- Anh chưa vẽ xong bức tranh bông hoa trước hàm sư tử...
Ôi Kiên... Xin đừng làm em khóc...






Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

A SÂO truyện ngắn của HỒNG CHẾN - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 298 - THÁNG 6 NĂM 2017 tác giả HỒNG CHIẾN



A SÂO
Truyện ngắn


Năm H’Lê Na được ba mùa rẫy, cũng vào mùa chuẩn bị gieo hạt, đôi vợ chồng trẻ say mê công việc chạy đua với ông mặt trời chuẩn bị đất đón mưa. H’Lê Na được ami ama(1) mang lên chòi canh rẫy có a sâo(2) làm bạn. Ami lo làm rẫy không có thời gian chơi đùa, chỉ có a sâo quấn quýt với H’Lê Na. A sâo ngoan lắm, khi thì làm ngựa cho H’Lê Na cưỡi, khi lại chịu khó nhặt đồ chơi xếp lại dùm khi H’Lê Na làm rơi. Bên đống đồ chơi ama làm bằng cây, rễ, quả rừng… H’Lê Na như lạc vào thế giới của Yang(3), say mê tìm hiểu, khám phá… mệt rồi thì nằm lăn ra trên tấm gỗ dưới sàn chòi canh rẫy ngủ ngon lành. Nằm bên cạnh H’Lê Na, a sâo có bộ lông vàng rực một màu cỏ gianh chín, gác mõm lên hai chân trước lim dim, đôi tai lâu lâu lại vẫy nhẹ.
Trời xế chiều, H’Lê Na thức giấc, dụi mắt ngồi dậy nhìn xung quanh. Xa xa ami ama đang bận rộn với công việc, hình như hai người thỉnh thoảng còn nhìn nhau cười nữa. Tối hôm qua trời đổ cơn mưa, họ hàng nhà bướm không biết từ đâu bay ra nhiều quá, toàn một loại bướm vàng rực rỡ. Bướm không chịu bay thẳng, chúng chao lên, lượn xuống như múa nhìn thích quá; H’Lê Na đứng bật dậy đuổi theo để bắt, a sâo lặng lẽ chạy theo phía sau.
Lũ bướm bay chập chờn trước mặt không lấy gì làm nhanh lắm, nhiều con lao cả vào mặt, thúc vào đầu, xẹt qua tai… vậy mà H’Lê Na không bắt được con nào. Mải vui đuổi theo bầy bướm lên đến bìa rẫy giáp rừng già lúc nào không biết, a sâo vẫn lặng lẽ đi phía sau bỗng dừng lại ngếch đầu lên trời hít hà, hai tai dựng đứng lên. Hình như cảm thấy có điều gì đó không bình thường, a sâo lao lên phía trước rồi đột ngột dừng lại chặn đường làm H’Lê Na đang mãi nhìn đàn bướm vấp phải, ngã chúi xuống đất. Bực mình, H’Lê Na lồm cồm bò dậy nắm lấy đuôi a sâo kéo ngược trở lại để phạt vì lỗi làm a mai(4) té. Khác mọi lần bị túm đuôi lôi, a sâo khẽ nhe răng ra gầm gừ rồi cụp đuôi xuống kéo cô chủ đi; lần này a sâo không giận lại còn hướng đầu vào rừng cất lên những tiếng sủa dữ dội như sắp lao vào kẻ thù làm H’Lê Na thấy thích thú, càng cố gắng nắm đuôi thật chặt.
Nghe tiếng a sâo kêu có vẻ bất thường, ami ama đang làm rẫy đứng lên nhìn rồi hoảng hốt thét lớn: huầy, huầy, huầy… vác cuốc lao lại chỗ H’Lê Na đang đứng. Mải mê với trò đùa, kéo đuôi a sâo, khi nghe tiếng ami ama hò hét, H’Lê Na nhìn lên đã thấy một con vật đen thui, cổ có chòm lông trắng cong như hình chiếc nón lộn ngược, đi bằng hai chân sau, hai chân trước lúc lắc, ve vẩy như múa. Con vật mõm như mõm heo, tai giống tai chuột cao bằng sải tay người lớn, lừ lừ tiến lại phía H’Lê Na. H’Lê Na tò mò nhìn con thú lạ, buông tay khỏi đuôi a sâo định bước lại làm quen. A sâo không bị giữ đuôi nữa liền xông đến trước mặt con vật lạ đầu ngẩng cao, đuôi cụp xuống sát đất gầm lên những tiếng dữ dội, hai hàm răng nhe ra như muốn ăn tươi nuốt sống đối thủ. Con thú lạ hình như không sợ, vẫn lừ lừ tiến lại gần. A sâo vọt nhảy lên như một mũi tên nhằm cổ con thú lạ lao đến. Chỉ một cái vẩy tay tạt nhẹ của con thú lạ, a sâo bị đánh văng qua bên cạnh kêu lên một tiếng thảng thốt: “oẳng”. A sâo lại đứng bật dậy lao vào phía sau mông nơi có chiếc đuôi cụt lủn, dài hơn ngón tay cắn một cái giật thật mạnh làm con thú lạ phải quay mình, chồm hai chân trước xuống đất định vồ, nhưng a sâo đã lùi lại, nhe răng gầm lên. Con thú lạ giơ tay trước tạt qua đầu, a sâo lùi lại thật nhanh, mồm vẫn gầm lên: gâu, gâu, gâu... liên hồi.
Con thú lạ có lẽ không muốn chơi với a sâo nữa, nó đứng lên bằng hai chân sau, hai chân trước khua khua như chào, tiến lại phía H’Lê Na. A sâo từ phía sau chạy nhanh rồi nhảy một cái thật cao, gậm một miếng vào sau gáy con thú lạ làm nó giật mình ngã xuống đi bằng bốn chân. Nó kêu lên “g…ừ”, rồi quàng một chân ra sau tát một cái thật mạnh làm a sâo văng sang bụi cây bên cạnh, ngã lăn quay. Con thú lạ chắc giận quá, nổi nóng, nhảy chồm chồm bốn chân đuổi theo dùng chân trước tát thêm một cái nữa thật mạnh trúng đít làm a xâu bị văng qua một bên. Con thú lạ mập quá, cái mông to hơn cái rổ bự, rung rung theo từng bước chạy, nhìn có vẻ nặng nề vậy mà nhanh hơn cả a sâo, nó lại chồm lên… H’Lê Na thấy vậy tưởng chúng đùa nhau, vỗ tay cười thích thú. May quá, ama vừa chạy đến, ném cái cuốc vào con vật lạ rồi ôm chầm lấy H’Lê Na nhấc lên, miệng thét:
- Huầy, huầy, huầy!
Ami cũng vừa đến kịp, cầm cuốc khua khua như muốn đánh làm con thú lạ vội vàng bỏ chạy bằng bốn chân, lao ngay vào rừng già, biến mất. A sâo hình như vẫn bực mình đứng quay mặt vào rừng sủa ông ổng. Ami đỡ H’Lê Na từ lưng ama qua lưng mình, hỏi:
- Sợ không?
- Không ạ, con gì đẹp thế?
- Gấu đấy, nó có thể cắn người đau lắm.
- Nó hiền khô à, khi đi hai tay trước còn làm thế này này…
H’Lê Na dùng hai tay vẫy vẫy làm ama bật cười nói:
- Con gái mình được Yang phù hộ đến gấu ngựa cũng muốn làm bạn nữa à.
- Lạ quá, tại sao gấu lại ra rẫy lúc ban ngày thế này nhỉ?
Ami băn khoăn hỏi ama, H’Lê Na cướp lời:
- Nó ra chơi với con mà.
Ama, ami bật cười thành tiếng, tuy trên trán mồ hôi chảy thành dòng vì vừa chứng kiến con gái thoát hiểm trong gang tấc. H’Lê Na vẫn vô tư, bi bô diễn lại cảnh con gấu đi, con gấu “đùa” với a xâu; miệng cười như hoa. Ama nghiêm nét mặt nói với H’Lê Na:
- Con gấu xấu lắm, không tốt đâu, nó có thể cắn con đấy. Lần sau thấy nó con phải tránh đi, không được lại gần nghe chưa!
- Dạ!
H’Lê Na trả lời rồi úp mặt sau lưng ami tránh cái nhìn nghiêm khắc của ama. Khi về đến bên chòi canh rẫy, H’Lê Na vít cổ ami nói nhỏ:
- Con gấu nhìn dễ thương lắm ạ!
Ama nghe thấy giơ nắm tay dứ dứ, bảo:
- Người lớn nói phải nghe chứ!
- Dạ!
- Hôm nay không có a sâo dũng cảm bảo vệ con thì không biết điều gì sẽ xảy ra nữa rồi.
- Vậy ạ, ơ a sâo nhà mình đâu rồi?
Cả nhà mãi chuyện quên mất a sâo, khi nghe H’Lê Na hỏi mới giật mình nhìn quanh. Từ bìa rẫy, a sâo bước những bước nặng nhọc về phía chòi rẫy, nơi cả nhà H’Lê Na đang đứng đợi. Ama kêu lên:
- Hình như a sâo bị thương rồi.
- A sâo, a sâo…
H’Lê Na cuống quýt tuột khỏi vai ami chạy lại đón a xâu. A sâo cố bước thêm mấy bước lại gần rồi nằm xuống đất đặt mõm lên tay H’Lê Na, đôi mắt xanh trong veo nhìn như muốn nói điều gì đó mà không thể. H’Lê Na bật kêu lên:
- Máu, a sâo chảy nhiều máu lắm ama ơi!
Ama chạy lại ôm a sâo lên, nó khẽ rùng mình một cái, mắt dại đi; H’Lê Na cầm tai nó lắc lắc:
- Dậy đi, đừng ngủ nữa, dậy đi a sâo!
Ama đặt a sâo xuống đất, mặt đanh lại không nói gì, mắt buồn thăm thẳm. A sâo là quà tặng của già làng buôn Kít, phía thượng nguồn suối Yang Mao cho H’Lê Na, mừng ngày chào đời đúng theo truyền thuyết. Mọi người tin rằng người con gái nào sinh ra gữa trưa ngày rằm, có sét đánh vào đầu núi sẽ thay Yang mang đến vận may cho mọi người. Vậy mà… Có lẽ Yang đã định, a sâo phải dùng mạng sống của mình để cứu H’Lê Na.
- Nó chết rồi, không dậy được nữa đâu con.
Ami ngồi xuống bên cạnh nói, giọng nghèn nghẹn. H’Lê Na bật khóc, kéo đầu a sâo ôm vào lòng:
Con gấu xấu xí làm chết a sâo của con rồi amí ơi, con bắt đền đấy!
Amí gỡ tay, ôm H’Lê Na để ama mang a sâo đi chôn, giọng buồn buồn:
- Đành phải chấp nhận thôi con gái, nó chết để con được sống đấy!
H’Lê Na ôm amí khóc nức nở. Gió nổi lên ầm ầm, thổi cát bụi bay mù mịt. Từng đám mây đen từ bên kia núi sầm sập lao tới cùng với những ánh chớp xanh lè chia cắt bầu trời và sấm. Những tiếng sấm đùng đùng như giận dữ làm lay động cả khu rừng rồi mưa, trời mưa xối xả như muốn chia sẻ nỗi buồn với gia đình H’Lê Na.



Chú tích:
1.         Ami ama: mẹ, ba - tiếng Ê đê;
2.         sâo: chó - tiếng Ê đê;
3.         Yang: trời - tiếng Ê đê;
4.         A mai: chị - tiếng Ê đê;
5.         Chư Yang Sin: Núi thần cọp - tiếng Ê đê.


Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 298 - THÁNG 6 NĂM 2017 tác giả PHẠM THỊ THÚY QUỲNH




CẦU TỰ

Truyện ngắn


1. Mở đầu
Bóng hình đen sì sì, không rõ mặt, dường như đến từ cõi khác dần bước tới gần Miên. Cô kinh hoàng lùi lại, đất sau lưng bở bục, ngoảnh nhìn đã thấy vực sâu trước mắt. Bóng đen chợt thay đổi tốc độ, nhào chồm về phía trước, cùng Miên rơi xuống… Cô choàng dậy, lưng ướt đẫm mồ hôi, thận trọng nhìn quanh quất. Bốn bề tối om om, trên các chiếc giường ghép sát vào với nhau là những người phụ nữ đang say giấc. Họ đến từ mọi miền, người vì muốn có con, người thì cần con, chỉ vậy thôi cũng đủ lí do để sống đày ải tập trung tại nơi này.
Thấy mình vẫn nằm trong tình huống quen thuộc, bây giờ, Miên mới có thể thở phào nhẹ nhõm, ngả lưng xuống giường, chờ đợi cho tới khi giấc ngủ ập tới.
Đêm không trăng, sương giá phủ kín chùa cổ. Trong bóng tối, những đôi mắt dã thú đỏ lừ nhoang nhoáng rợn người. Tiếng sói tru, tiếng khóc của người đàn bà nào lạc đường rừng mà bỏ mạng vang lên tức tưởi. Trở mình mấy lượt mà Miên vẫn không thể chợp mắt nổi. Cô sẽ còn phải ở lại đây đến khi nào? Miên bấm đốt ngón tay: “Hơn hai tháng trôi qua rồi sao?”
Hôm nay là ngày mùng chín âm lịch, ngày mai là mùng mười… Mùng mười…
Suýt chút nữa thì Miên đã bật cười, mùng mười là ngày mà các ông chồng được tới thăm vợ mình. Tròn một tháng, cô và anh chưa được gần nhau. Chỉ cần có đứa con, mọi khổ ải, đầy đoạ ở chốn núi sâu rừng thẳm này sẽ chấm dứt, cô có thể quay về thành phố, quay về với chăn ấm nệm êm, chứ không phải mòn mỏi chờ đợi ban ơn như bây giờ. Nghĩ tới đây, Miên đã không còn sợ hãi nữa.
2. Chính truyện
Chùa nằm ở thôn Viên Mai, sau lưng là rừng, trước mặt là hồ nước quanh năm trong vắt. Lạ thay chùa cổ, bốn mùa sương phủ, ẩn hiện chẳng rõ được bóng hình.Trước đây Miên chưa từng nghe nói tới nơi này, dầu có tra mọi tài liệu cũng không thể tìm thấy dù chỉ lời đồn thổi mờ mịt. Nó - cứ thế - chợt hiện ra…
Ngày đầu tiên Miên được mẹ chồng đưa tới chùa, cô rất ngạc nhiên và có chút sợ sệt trước những khuôn mặt gầy tọp với hốc mắt sâu hoắm còn gò má thì nhô cao của mọi người. Trông họ giống như các xác chết khô còm biết đi trong những bộ phim truyền hình hiện đại. Những người đàn bà lầm lũi đi qua đi lại, người thẫn thờ, người ngờ nghệch rờ tay lên bụng mà lẩm bẩm âu yếm như trò chuyện với ai đó khiến ngực Miên thắt lại, lờ mờ nhìn thấy viễn cảnh tương lai.
- Mẹ ơi, cho con về, con sẽ tới bệnh viện khám lại! – Miên bấu chặt lấy tay chồng mình, van vỉ với người đàn bà ngũ tuần đang nhìn chằm chằm vào bức tượng phật tại gian chính.
Bức tượng bằng đồng không rõ chịu biết bao mưa nắng, nay đã hoen rỉ hết cả, khoé mắt đức Phật còn lưu lại một vệt đỏ, nhức mắt, như máu tươi kết đọng. Chùa không có sư, chẳng có sãi, có lẽ, cũng chẳng có Phật.
Quán cả thế gian.
Không cầu được bà, cô lại ngước mắt cầu xin chồng, nhưng đôi mắt anh bây giờ cũng đã trở nên vô hồn – như mẹ mình – nhìn thẳng vào tượng Phật ẩn hiện sau nghi ngút khói hương. Hai người tới nhanh và đi cũng rất nhanh, không mang theo cô. Người chồng để cô ở lại, mặc cho cô khuỵu ngã dưới đất.
Trời nắng ấm, mặt đất khô rang, mùi đất thơm dần dâng ngập khắp vòm không, đối chọi lại với trời cao muôn trượng.
Tiếng rít còi, chiếc xe đi khuất.
Ngoài kia, bỗng có vị thiền sư đi ngang qua, ông xốc lại đôi tay áo nâu sồng, lần tràng hạt ôn tồn nói:
- Ban đầu ai đến đây cũng vậy cả. Rồi sẽ quen thôi.
Rồi sẽ quen thôi…
Miên vẫn chưa đứng lên.
Thiền sư chẳng nói thêm lời nào, quay gót trở bước, chẳng mấy chốc đã biến mất dưới chân dốc.
***
Năm giờ sáng, tất cả đều phải tỉnh dậy để tới trước Phật đường niệm một bài kinh. Những tiếng rầm rì, rầm rì cứ thế kéo nhau tuồn ra ngoài, đánh động cả rừng thẳm. Xong xuôi, họ lại đứng lên, xếp hàng tới bếp ăn để dùng cơm sáng. Dinh dưỡng nghèo nàn, người đàn bà nào ở đây cũng xanh rớt như tàu lá chuối. Ngày ngày ăn chay niệm phật, ngay cả khi đi ngủ trong đầu cũng vang lên tiếng đọc kinh, Miên thực không hay cô sẽ phải chịu đựng cho đến lúc nào, và cô có thể chịu đựng được chăng?
Tiến vào trong nhà tắm, cởi áo quần, múc từng gáo nước lạnh băng dội lên thân mình hòng thay thế những ấp ôm của chồng, bỗng nhiên nước mắt cô cứ thế trào ra.  Nước mắt nóng, nước buốt lạnh, cứ thế dào lên nhau, chối bỏ nhau. Mặc bộ quần áo bằng vải thô màu nâu đất, cô bước ra ngoài.
Hôm nay là ngày những người vợ được gặp những người chồng của mình, dòng xe nườm nượp chạy quanh những khúc cua, chật vật mãi mới lên được núi. Người đứng đông kịt cả sân am. Đám phụ nữ - sau khi tắm rửa sạch sẽ, uống một bát nước giếng chùa - xếp thành một hàng dài, chờ đợi.
Miên cố gắng nhón chân để tìm kiếm chồng, để cầu cứu, song trước những khuôn mặt vô hồn kia, cô tưởng như họ không thuộc về cõi người. Trong số đấy, có những người đến đây đã ròng rã năm năm, có người thì mười năm, có người không đủ kiên nhẫn bèn đi cưới vợ mới bỏ lại vợ cũ trên chùa qua ngày đoạn tháng. Còn tính toán để mà làm gì?
Từng người phân từng phút mà vào phòng. Xong việc, họ lại nhanh chóng đi ra, lên xe và xuống núi. Còn những người phụ nữ thì chạy tới bên hồ, đứng chơ vơ ngóng nhìn đến khi xe đi khuất.
Bỗng nhiên lúc này, có bóng đen lao tới như một tia chớp, kèm theo đó là tiếng gào thét điên dại. Đám đông nhốn nháo. Bụi đất mịt mờ. Trông kỹ lại thì hoá ra ấy là một người đàn bà đầu tóc xoã xượi, áo xống tả tơi, gương mặt khô nẻ vằn vện những vệt sẹo lồi lõm trông kinh dị vô cùng. Người đàn bà giơ gốc cây sần sùi, lởm chởm rễ đất bọc bằng mảnh vải răn rúm, len lỏi trong nhóm những ông chồng, luôn miệng nói:
- Đây là con tôi, đáng yêu không!
Nghe cách phát âm rành rọt tròn vành rõ chữ, Miên đoán định vẻ như thị là người miền xuôi? Lẽ nào cũng lại một kẻ… Cô thấy tóc gáy dựng đứng, toàn thân ớn lạnh.
Trước người đàn bà điên, đám đông các ông chồng dửng dưng chẳng nói câu nào, thậm chí cũng chẳng thèm xua đuổi. Họ tựa máy móc được lập trình sẵn, lên đây chỉ vì một nhiệm vụ ấy là hoà hợp cùng các cô vợ khốn khổ. Để họ hoài thai, để vẽ tròn cái chữ hiếu với dòng họ, với người đã khuất nằm im dưới những nấm mồ cắm đầy chân hương trong gia tộc.
Ngoài cổng, vị thiền sư lại đứng đó và quan sát.
Người đàn bà điên chợt phát cuồng, chạy ra bấu chặt lấy gấu quần vị thiền sư, đòi được về nhà. Nhưng thiền sư chỉ hạ mắt nhìn xuống rồi quay đi, mặc cho thị vẫn ôm chân mình. Ông chật vật từng bước, một bên chân bị đeo theo nặng như chì trông quái dị vô cùng.
Miên thở dài, vô tình chạm phải ánh mắt người đàn bà điên, thị nhoẻn miệng cười. Thấy vậy, cô giật bắn mình, vội cúi đầu xuống.
Chồng Miên bước lên.
***
Thời gian hoàn toàn vô nghĩa với nơi này, chỉ đêm ngày luân chuyển, sương buông thì dày, dần đẩy con người ta vào cuộc sống mơ mơ hồ hồ, vật vờ đoạn tháng. Miên không còn nhớ mình tới đây đã bao lâu. Nếu như là trước kia, cô có thể tính đoán thời gian qua những lần chồng mình lên núi. Tuy nhiên, đã lâu rồi, không còn thấy anh tới nữa. Chờ đợi, rồi lại chờ đợi, thân thể lẫn tâm hồn rệu rã bấu víu vào nhau, cuối cùng đành buông xuôi.
Giấc mộng về một gia đình tràn tiếng cười và tiếng nô đùa của con trẻ đã tan vỡ từ lâu, giờ đây Miên cũng chẳng hay rốt cuộc mình còn sống vì mục đích gì?
Trời hưng hửng nắng, Miên bê chậu quần áo đi giặt. Đặt nó xuống mép chiếc cầu tre, cô cúi đầu khom lưng múc từng gáo dội lên đồ bẩn. Song, Miên hơi khựng lại, bởi phản chiếu nơi mặt hồ trong vắt là gương mặt gầy gò hốc hác, đôi môi nhợt nhạt, làn da tái xanh, chừng đã mất hết sự sống của cô. Dung nhan này từng chiếm danh hiệu hoa khôi trong suốt những năm học đại học, đã từng khiến anh yêu say đắm để vượt qua mọi sự phản đối trong gia đình mình mà lấy cô về làm vợ.
Miên khoả tay xuống hồ. Nước lạnh ngắt mà mềm mại như lụa. Cô cố gắng nhớ lại khuôn mặt của người chồng từng đầu ấp tay gối, hiềm một nỗi vẫn chẳng thể nhớ nổi. Hình ảnh cô vỡ tan sau những lần khoả tay qua lại trên mặt nước. Miên cười rưng rức.
Nước mắt ở đâu ra mà nhiều đến thế này?
Mặt nước lặng tờ bùng dậy rồi dần lắng.
Miên chìm trong làn nước xanh, một tia sáng rọi xuống tận đáy nước ôm trọn lấy cô. Nước bắt đầu xâm nhập vào hệ thống hô hấp, làm cho đầu óc cô váng vất và ý thức mất dần. Bóng tối hả hê vươn những xúc tu nuốt gọn con mồi. “Không thể trở về được nữa...” - Miên nhoẻn miệng cười.
Đàn đom đóm cố gắng gom hết sức tàn của mình để thắp sáng mặt hồ, nhưng khi chúng kéo tới chiếc cầu tre thì đột ngột bị đánh động. Tan đàn, đom đóm mỗi con một phương, đom đóm lạc nhau cất cánh tán loạn.
Miên cảm thấy mình đã ngủ rất lâu, ngủ một giấc dài mà không hề mộng mị. Bao bọc lấy cô là một lớp vỏ trắng, bên trong ấm áp mềm mại như kén tằm. Tuy đầu óc lâm vào tê liệt, song cô biết rằng mình vẫn chưa chết.
Vị thiền sư đã cứu cô khỏi cơn nguy khốn lặng lẽ chắp tay ngắm sen trắng rợp vùng, đoá nào đoá nấy đón nhận những con đom đóm đậu vào giữa lớp cánh mỏng, dường biến thành ức triệu đèn hoa đăng. Miên chống tay ngồi dậy, cô đờ đẫn trước cảnh tượng ấy. Đến đây đã lâu nhưng cô chưa từng biết hồ này trồng sen. Chỉ có bây giờ, khi đêm tối và ánh sáng hoà làm một, chân tướng mới hiện ra rõ ràng. Nhưng Miên lại lâm vào hoài nghi với ngôi chùa phục vụ cho các gia đình hiếm con, có thể để nam nữ ái ân trước mắt Phật này.
Còn sống. Miên bật cười đầy mai mỉa:
- Đức Phật vốn từ bi mà.
- Ngài luôn đủ từ bi – Không khó để nhận ra sự cay nghiệt trong lời nói của cô, vị thiền sư bình thản đáp.
- Tại sao không để cho chúng tôi trở về? – Miên hỏi.
- Do bản thân các thí chủ không muốn trở về. Tôi chỉ là người qua đường, ai cũng là người qua đường.
Nói xong, vị sư già mỉm cười vung tay, hồ sen đột ngột héo úa, gãy gập, tiêu biến. Lại một cái vung tay của ông, sen tiếp tục bừng nở phủ trắng mặt nước. Miên sửng sốt không nói nên lời trước cảnh tượng ấy, chỉ biết trân trân nhìn người trước mắt. Thiền sư thong thả cất gót:
- Nghiệt tạo do người, không do trời.
Theo đó, một tràng cười sảng khoái vang lên, chớp mắt đã không thấy sư đâu nữa.
***
Gió vi vút thổi qua khu rừng sau chùa cổ. Trong phòng ngủ tập thể, hương trầm toả, ánh nến vàng lay lắt. Trên sàn, đĩa lạc sống vương vãi, đàn chuột dạn người nhởn nhơ nhấm nháp thức ăn. Bên ngoài hồ, tiếng ai chao nước giữa đêm vang lên rõ mồn một. Miên thả đôi chân trần xuống làn nước buốt. Hồ mênh mông, trời mênh mông, trăng mênh mông, màn đêm bất tận. Cô gục gặc đầu, ấn nhẹ vào bụng mình.
- Xin trời phật ban cho con một đứa con! Xin trời phật… Một đứa thôi cũng được. Con còn phải chờ đợi cho đến bao giờ?
Toàn thân lạnh toát, Miên bật dậy, nước bắn tung toé vương trên cầu tre. Cô chạy về phía cánh cổng hướng xuống đường cái, nếu như may mắn bắt được một chuyến xe, cô có thể trở về được căn nhà đó. Đá dăm găm vào lòng bàn chân tạo thành những khoảnh máu đỏ sẫm kéo dài. Cánh cổng đang ở ngay kia thôi. Miên thở dốc bám chặt vào thân cây bên cạnh. Cô dợm bước, toan đẩy phiến gỗ mục nát đó nhưng rồi, chẳng rõ vì lí do gì, Miên khựng lại, bàn tay tựa như bị đóng băng.
Được rồi thì hãy về con nhé” - Gương mặt mẹ chồng hiện ra.
Miên phục xuống nền đất. Tiếng cười cay độc, sắc nhọn bật ra trong cổ họng:
- Cầu xin trời phật ban cho con một đứa con!
Chỉ cần một đứa con thôi… Miên ngẩng phắt đầu nhìn trăng, vành nước xanh xanh bao bọc bên ngoài chiếc đĩa sáng ấy như cười gằn, như rít rỏi những câu giễu nhại với người cõi trần. Gió lại lướt qua cánh rừng, xào xạc, xào xạc, vi vút, vi vút. Miên khum lòng bàn tay đặt lên tai lắng nghe tiếng gió, những âm thanh mê hoặc như lời hát ru trong nôi cứ thế ngân nga đầy mê hoặc. Miên bỏ chạy vào rừng.
Dưới ánh trăng, ngồi trên phiến đá bên kia hồ, thiền sư gấp sách lại.Tay lần đoạn tràng. Những hạt bồ đề kinh qua nắng mưa, kinh qua tang thương cứ vậy luân chuyển. Thiền sư thở dài. Mê này, chấp này bao giờ mới kết thúc được đây?
3. Vĩ thanh
Người đàn bà điên hờ hững bước từng bước qua cánh rừng, nơi mọc những cây linh chi phát sáng mà không chốn nào có được. Người đàn bà điên buộc khúc cây sau lưng như địu đứa trẻ hiền lành đang ngủ, lầm lũi tiến vào chùa. Trên đầu cô, vành trăng cong cong tựa như nụ cười ma quái vạch giữa bầu trời, toả ánh sáng ảo hoặc quyện lẫn màn sương dẫn lối tới chùa cổ. Tới chính đường, ngước mắt nhìn bức tượng Phật bong tróc ngày nào, nhẹ nhàng chuyển đứa bé xuống, cô lại gần sát hương án, như muốn được ngài ban ơn. Rồi, vẻ như sợ ngài không trông thấy, cô gạt đổ giá nến cản đường, trèo hẳn lên để đưa nó đến ngang mắt Phật.
Chỉ thấy mắt ngài đỏ ửng, từng giọt huyết lệ rỏ tràn xuống, thấm ướt cả đôi tay kẻ điên loạn.
Từ những ngọn nến đổ, lửa bén vào tấm vải quấn nhàu nhĩ, nhanh chóng quấn vào khúc cây khô quắt rồi liếm trọn hết thảy. Lửa bùng cháy gầm gừ như thú hoang phá rừng, lấp át cả tiếng kêu thét của muôn người. Chuột chạy ra thành đàn, con nào con nấy cười hềnh hệch. Người đàn bà điên đứng giữa lửa rát đỏ, kéo khúc gỗ vào trong lòng và hát ru “ơi à…”
Đột ngột hồ nước đóng thành băng, băng sáng như mặt gương hắt chiếu hình ảnh đám lửa cuồng loạn gào thét. Trong chớp mắt, ngôi chùa cháy thành tro bụi. Giữa hỗn mang xác người và than củi, bức tượng phật vẫn vẹn nguyên như chưa từng bị xâm phạm toả ánh hào quang rửa sạch mọi bụi bặm, trở lại sạch sẽ tựa ban sơ.

Xa xa, thiền sư lắc đầu thở dài, chống gậy xuống núi.