Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

BÀI HỌC MÙA HÈ Truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ XỨ THANH SỐ: 251 tháng 6 năm 2016







Nhân ngày chủ nhật, Hoàng Vân xin cha mẹ cho theo Y Ngoan vào rừng chơi. Y Ngoan bảo vào rừng già có nhiều điều lý thú lắm, đi cho biết. Sau hơn một giờ đi xe đạp, đến buôn Trưng, gửi xe nơi nhà quen Y Ngoan rồi băng qua suối, leo lên núi cao. Núi có nhiều cây to lắm, cành lá như những bàn tay khổng lồ đan vào nhau che nắng cho mặt đất. Buổi sáng mùa khô Tây Nguyên hình như bầu trời xanh và cao hơn. Gió thỉnh thoảng vờn qua làm lắc lư những ngọn cổ thụ, tạo nên bản nhạc rừng thánh thót từ những chiếc lá chạm vào nhau và các cành đệm thêm tiếng kẽo kẹt, kẽo kẹt… thật vui tai. Bầy chim bạc má không biết bàn nhau chuyện gì bên các gốc cây cũng ồn ã cả lên với những nốt trầm bổng như một bản hòa tấu của thiên nhiên chào đón những chàng trai vào thăm rừng già. Lần đầu tiên Hoàng Vân được theo bạn vào rừng, nhìn cái gì cũng lạ. Y Ngoan, bạn học cùng lớp mặc bộ đồ sơ mi xanh sẫm, vai đeo gùi thoăn thoắt nhảy qua các hòn đá, rễ cây như con chim bay lượn; thỉnh thoảng ngoái đầu lại tủm tỉm cười, mái tóc quăn tít rủ xuống vừng trán hơi dô màu nâu đen làm tăng thêm vẻ đẹp rất đặc trưng của người bản địa Tây Nguyên. Mặt trời vượt qua ngọn núi Krông Jin rót những tia nắng vàng chui qua các kẽ lá soi xuống nền đất bị cày xới nham nhở, dày đặc dấu chân heo; bên gốc mấy cây gỗ mục mới đổ, gốc to một vòng ôm, dài đến ba chục mét có chỗ được đào sâu tới gần nửa mét; thấy lạ Hoàng Vân vừa thở vừa nói:
- Y Ngoan ơi, ai đào làm gì những cái hố này thế?
- Mấy con heo rừng đấy, nó tìm củ để ăn ấy mà.
- Làm sao nó có thể đào sâu thế này?
- Cậu thấy lạ à? Y Ngoan dừng lại chỉ vào cái hố bên cạnh lối đi: đây này, dấu chân như cái ly lớn chứng tỏ nó là con đực mới to như vậy. Loài heo rừng, con đực có răng nanh mọc ở hai bên mép thế này này – Y Ngoan cắm chiếc xà gạc xuống đất, hai tay nắm lại xòe hai ngón tay cái qua hai bên đặt vào mồm, răng nanh nó mọc như thế và dài hơn ngón tay, chúng dùng để ủi đất, đào củ. Cậu nhìn cái vết phẳng lì bên miệng hố nè, con heo này quỳ xuống để đào được sâu hơn đấy.
- Hay thật, con heo nhìn thấu đất, biết tìm củ cây rừng và đào sâu xuống để lấy ăn, có vẻ nó khôn như người ấy nhỉ.
- Không những khôn mà còn dữ lắm, có khi đuổi cả người để cắn đấy! 
- Eo ôi, nếu đi rừng không may mà gặp thì làm thế nào?
- Leo lên lên cây chứ còn làm thế nào, hổ và heo không biết leo cây đâu.
- Nếu leo không kịp thì chắc chết à?
- Cậu nhát thế, có con thú gì mà không sợ người. Chỉ khi nào con người làm chúng bị thương thì nó mới hung dữ thôi, còn bình thường nghe hơi người chúng đã bỏ chạy rồi.
Nói dứt lời Y Ngoan lại thoăn thoắt bước đi, cái đầu hơi chúi về phía trước, cái gùi che hết tấm lưng, phía trên gùi lưỡi xà gạc sáng lấp lánh. Hoàng Vân sinh ra và lớn lên vùng bán sơn địa xứ Thanh, nơi được nhiều người biết đến với câu nói bất hủ: “Được mùa Nông Cống sống mọi nơi”. Vùng đất xã Tượng Sơn lưu truyền cũng có rừng già, chứa nhiều loài gỗ quý hiếm như: lim, táu, sến, cẩm lai… mọc trên núi Voi, gò Khỉ, gò Chan… các loài thú quý như: chim công, trĩ, voi, hổ, báo, khỉ… nhiều lắm; nhưng rồi do bom đạn của giặc Mỹ tàn phá và con người cần đất canh tác nên rừng dần dần chạy tuốt lên huyện Như Thanh ẩn náu, bây giờ chỉ còn trơ những đồi núi trọc. Đầu năm vừa rồi, cha được điều động tăng cường công tác cho Tây Nguyên, thế là cả nhà vào định cư tại cái thị trấn ba mặt núi cao bao bọc, chỉ còn phía bắc nhìn được xa hơn vì toàn những ngọn đồi không cao lắm, trồng cà phê xanh mượt. Y Ngoan làm lớp trưởng, là người được cô giáo chủ nhiệm phân công giúp đỡ Hoàng Vân khi mới chuyển vào học lớp 7A, năm học đầu tiên ở quê mới. Nhờ có sự giúp đỡ của bạn, Hoàng Vân hòa nhập rất nhanh với lớp, một tập thể 44 học trò mà đa số là người dân tộc bản địa, tiếng nói như chim hót, nghe rất hay nhưng không biết nói gì. Sau một học kỳ, mọi sự ngăn cách đã được xóa nhòa, Hoàng Vân đã có được nhiều người bạn thân, học được một lượng từ kha khá để giao tiếp với người dân bản địa nơi đây.
Bỗng Y Ngoan dừng lại, quay mặt lại nhìn, hai mắt như có đốm lửa:
- Cậu nghe tiếng gì không?
- Tai mình đang ù ù như xay lúa đây này.
- Chú ý lại xem nào!
- Ối, hình như có nhiều người đang nói chuyện phía trước ta phải không?
- Không phải người mà là chim đấy, chim phượng hoàng đất, loại này chuyên ăn quả cây, ở rừng này chúng là loài chim lớn nhất đấy.
Nói xong, Y Ngoan ra hiệu bước nhẹ nhàng lên phía trước. Leo khoảng hơn năm chục mét, trên tán cổ thụ có nhiều dây leo chằng chịt xuất hiện những con chim lông màu đen, hai bên cánh và đuôi có điểm thêm vài chiếc lông trắng; điều đặc biệt ở loại chim này là chiếc mỏ rất to màu vàng, dài hơn cả gang tay, trên đầu chúng cũng có một chiếc mũ lớn màu vàng như màu chiếc mỏ. Chúng di chuyển trên các cành cây rất nhẹ nhàng, mặc dù thân hình to như chú vịt xiêm lớn, nhanh nhẹn chọn những quả chín đỏ mọng để ăn. Chúng vừa ăn vừa trò chuyện với nhau như cái chợ xổm vùng quê họp ven quốc lộ.
- Cậu nhìn kỹ chưa, thấy đẹp không? Y Ngoan thì thào.
- Đẹp và lạ quá. Quả này chim ăn được, người có ăn được không?
- Quả gắm đấy, chúng ăn quả trên ngọn còn chúng ta hái quả thấp phía dưới. Cậu nhìn đây.
Mải ngước nhìn ngọn cây, quan sát bầy chim phượng hoàng đất đông đến vài trăm con đang mở tiệc, Hoàng Vân không nhìn phía dưới thân cây, nơi có nhiều dây leo to như cổ tay người lớn, trên thân dây leo có rất nhiều chùm quả chín đỏ mọng, to hơn đầu đũa một chút, hình như hạt lúa được phóng lớn.
- Chim ăn được, người chắc ăn được.
Nói là làm, Hoàng Vân hái mấy quả màu đỏ tươi, định bỏ vào miệng, Y Ngoan vội giơ tay cản lại.
- Yang ơi, không ăn được đâu. Quả này nhìn ngon vậy nhưng sau lớp vỏ màu hồng là gai nhỏ, nó cắn vào môi, vào miệng vừa ngứa, vừa đau khó chịu lắm. Sao lớn vậy mà ngốc thế?
- Ơ, mình cứ tưởng…
- Quả này hái về phải luộc lên, mang ra suối chà cho hết vỏ ngoài, phơi khô, rang lên, bỏ vào cối giã cho hết vỏ lụa mới ăn được.
- Vậy ta hái về ăn thử.
- Hôm nay công việc của ta là vậy mà.
Bầy chim phát hiện ra hai người hái quả phía dưới bảo nhau lặng im một chút rồi tung cánh bay đi, tiếng vỗ cánh làm lá cây khua vào nhau như có cơn gió lớn thổi qua. Y Ngoan nhanh tay chọn những chùm quả chín đỏ không có quả xanh mới hái bỏ vào gùi, nhắc Hoàng Vân:
- Cậu hái từng chùm, đừng hái từng quả, nó dập sẽ đâm gai vào tay ngứa lắm đấy.
- Ừ, mình biết rồi!
Hái một chốc đã đầy gùi, quả cây còn nhiều quá nhìn cứ như chưa hái; Hoàng Vân tiếc rẻ:
- Sao cậu không nói trước mình mang ba lô đi hái cùng, còn nhiều thế này phí quá.
- Của rừng mà, mình ăn còn để cho con thú ăn nữa chứ. Hôm nay hái từng này về ăn là đủ rồi, hôm sau ưng thì vào lấy nữa, nhưng cậu có biết gùi không?
- Yên tâm, cậu làm được mình làm được.
Đường xuống núi hình như dễ đi hơn, vì bước được dài hơn nhưng tay phải nắm lấy dây leo bên cạnh để không bị ngã, Hoàng Vân băng băng đi trước. Xuống gần đến chân núi, Hoàng Vân bỗng thấy hai bên đùi lúc đầu hơi xót, sau chuyển dần qua ngứa vội dừng lại để gãi. Càng gãi càng ngứa không thấy đỡ chút nào, vừa lúc Y Ngoan đi tới hỏi:
- Sao đấy?
- Sao hai bắp đùi mình ngứa quá đi mất.
- Cậu có bỏ gì vào hai túi quần không?
- Có! Hoàng Vân ấp úng, đỏ mặt đáp.
- Cậu hái gắm bỏ túi quần à?
- Ừ!
- Yang ơi, cởi quần ra ngay, nhanh lên.
Như cái máy, Hoàng Vân vội bỏ quần dài ra, hai bắp đùi đỏ lừ như bị lên ban, Y Ngoan vội đặt gùi xuống chạy đi, một lúc sau quay lại trên tay cầm nắm là đưa cho bạn bảo xát vào chỗ tấy đỏ.
- Mình đã nói cậu không nghe à, quả này có nhiều gai nhỏ li ti tạo thành vỏ bọc cho nhân hạt, phía trong vỏ. Khi vỏ vỡ ra, các gai nhỏ li ty sẽ cắm vào da.
- Thấy còn nhiều quả, tiếc quá nên mới hái đầy hai túi quần, ai ngờ…
- Đổ hết, đổ hết rồi cầm xuống suối giặt sạch, phơi khô mới mặc được.
- Thế mình mặc thế này về nhà à?
- Mặc quần đùi cũng tốt, lại mát hơn mặc quần dài; mấy ông già người ta còn mặc khố thì sao?
- Trời, cậu về đừng nói với các bạn trong lớp biết, chúng cười mình nhé.
Y Ngoan bỗng cười rồi ôm bụng ho một lúc mới nói được:
- Bị bệnh sỹ kinh niên rồi, thôi ta về.
Hai đứa ra khỏi rừng đến bên bờ suối, Y Ngoan ngồi nghỉ, Hoàng Vân mang quần đi giặt. Dòng nước trong vắt, nhìn thấy rõ từng hạt cát trắng nằm sâu dưới lòng suối. Trên bờ, Y Ngoan nhắc:
- Nhớ lộn hai túi quần ra để lông quả dính trong ấy trôi theo nước nhé.
- Ừ!

Lần đầu tiên vào rừng hái gắm nhận được bài học quý: cái gì không biết phải hỏi người biết, không thể làm liều dù đó chỉ là một việc nhỏ như… hái qủa gắm. Hoàng Vân bật cười với chính mình, mặt hình như cũng đỏ lên thì phải.

Tác giả VÂN TRANG

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 286 - tác giả TRẦN BĂNG KHUÊ




TỪ TRÊN ĐỈNH SƯƠNG MÙ

Truyện ngắn

Sương.
Rõ ràng K đã nhìn thấy sương vào mùa hè, không thể nào lầm lẫn được. Sương phủ một lớp mờ ảo chắn lối ngay trước cửa ra vào. Chúng tạo thành hình khối, như thêm một lớp cửa khác nữa ngăn cách chàng với thế giới.
Chàng thèm khát nhìn thấy thế giới biết bao nhiêu. Nhưng, mỗi lần thức giấc, chỉ cần nghĩ đến lão mặt trời giả dối nọ, K lại không muốn rời khỏi giường, đến gần cái nắm cửa, kéo chốt và mở tung nó ra.
K tiếp tục nằm ì. Quyết định nhắm mắt. Chàng nghe tiếng gió. Trong gió chẳng có gì. Chàng biết, trong gió sẽ chẳng có gì đâu, hẳn thế rồi, hoặc giả, có thể chàng chưa tìm ra. Chàng nhất định sẽ tìm ra thôi. Trong gió có gì?
Sớm nay, chàng lại khao khát được ngắm nghía thế giới biết bao. Nỗi mong ước ấy, như một cơn đói dài, vô tận, truyền kiếp. Chúng, chàng thì thào, chúng quả thật khiến chàng khổ não, phiền muộn. Nỗi phiền muộn truyền kiếp. K chẳng biết rằng, liệu rồi những thứ mang tên "truyền kiếp" ấy có rời bỏ chàng không, có trả chàng về với thế giới bên ngoài cánh cửa không? Nhưng, lúc này, mặt trời hẳn đã rớt xuống đất, xuống biển, xuống mái nhà, xuống những cánh đồng trong giấc mơ của chàng.
K vẫn nằm mơ, trên giường, ngay chính trong căn phòng mốc meo mùi bê tông cũ kỹ. Chàng dám chắc, nếu rời khỏi giường và bước đến cửa, mở toang nó ra, K lại sẽ thấy lớp cửa sương mù ấy. Chúng chẳng thể nào rời đi được. Chúng bận chơi trò chơi của sương mù.
K nằm nghe gió. Chàng sẽ tìm ra trong gió có gì thôi. Nhất định phải thế. Khi người ta nhắm đôi mắt thịt, sẽ mở được con mắt trí, chàng nghĩ vậy. Chàng sẽ tìm ra điều bí ẩn trong gió.
Chàng yên tâm nhắm mắt lại, rồi thiếp đi trong một giấc mộng kỳ lạ, chàng nhìn thấy mình đi trong sương mù, trên một chiếc cầu màu trắng, bắc ngang dòng sông đỏ. Chàng nhìn xuống phía dưới lòng cầu, hình như sóng rất mạnh, những đợt sóng dâng lên rồi lặn xuống, không sủi bọt. Ngọn sóng như máu nở hoa. Máu sẽ nở hoa. Trên sóng. Chàng tiếp tục tiến bước đến giữa cầu, trước mặt chàng, hàng đàn cá đang dặt dẹo trườn đi, trườn đi bằng chính những chiếc vây trầy xước. Chúng trườn như rắn. Chúng vừa trườn vừa ngáp, vừa hắt ra từng hơi thở nặng nhọc. Chàng đến gần đàn cá, ngồi xuống và nhắm mắt lại, lắng nghe. Chàng phải nghe, mới biết được chuyện gì đang diễn ra trên chiếc cầu này. Bất chợt, chàng nghe tiếng gió cũ kỹ quen thuộc trong tâm thức của chàng nơi chiếc giường ấy, trong căn phòng ấy, ùa về, chúng lặng lẽ gào thét bên tai chàng, đâm từng mũi gió sắc nhọn vào tim chàng, đau đớn. Mùi của gió. K hét lên, mùi của gió. Trong sương mù, chàng nghe mùi của gió. Tanh nồng, lợm cổ, như một cơn buồn nôn quen thuộc của người đàn ông đã chết cách đây rất lâu.
Chàng nghe cơn buồn nôn đó tràn qua cổ họng mình. Chúng ở yên đó, trên chiếc cầu này, dưới dòng sông này, bên cạnh đàn cá tràn bờ này. Chàng quỳ xuống, úp mặt vào lòng bàn tay, nôn thốc một vốc máu. Gió dưới sông vẫn tanh nồng. K đứng dậy rời khỏi chiếc cầu màu trắng, cùng những ngọn sóng nở hoa màu đỏ. Chàng lắc đầu, trong lòng bàn tay K có một con cá nhỏ, đã chết, mang cá đỏ lòe, há mở, như đôi con mắt thịt của người trần.
K thức dậy.
Chàng không ngửi thấy mùi nắng, không thấy lão mặt trời cười toe toét giả dối. Chàng cũng chẳng phải mở cánh cửa sương mù ấy nữa. Chúng rõ ràng sẽ chẳng bao giờ tan bay khỏi nơi đó. Chàng vẫn nghĩ về thế giới tươi đẹp xanh non, vẫn mơ ước và khao khát. Nhưng, chàng không thể nào thoát khỏi chiếc giường này.
Bên ngoài có tiếng gõ cửa. K lặng lẽ thì thào trả lời, tiếng gõ cửa lớn dần. Rồi ai đó giật tung cánh cửa. Một người đàn ông lạ mặt xuất hiện, mỉm cười. Chòm râu dài đong đưa qua lại cùng với lời mời mọc rất lạ kỳ. Chàng đi theo ông ta không một chút e ngại, cánh cửa sương mù đã tan biến. Chỉ có K và người đàn ông ấy rời bước. Con đường trước mắt chàng lạnh lẽo vắng bóng người. Chàng thấy mình đi qua chiếc cầu trắng nằm trên dòng sông đỏ trong giấc mơ đêm trước. Một đàn cá tràn lên, chúng im lặng nối dài theo chàng và người đàn ông ấy. Chàng đi mãi đi mãi. Đàn cá trườn trườn mãi. Rồi, họ cũng đến một nơi cao ngút ngàn, nhiều cây cỏ xanh tươi, nhiều sương mù, mây xám.
K và người đàn ông lạ đứng trên một mỏm đá. Đàn cá vẫn đang tiếp tục nối dài ở phía sau. Người đàn ông không nói gì, đưa tay chỉ xuống phía dưới. Ở đó sâu thăm thẳm, mênh mông. Chàng nhận ra mây đã sà xuống đầu chàng, vương vất trên mặt chàng, đọng lại trong lòng bàn tay chàng. K không thấy nước. Rõ ràng, dưới kia hẳn là biển rồi. Nơi chàng vẫn mơ ước khát khao tìm đến. Rồi, bất giác, K đưa tay chụp lấy màn sương mờ trước mặt. Chàng chụp mãi chụp mãi, vẫn không thể bắt với được màu xám ấy trong tay mình. Chàng cố với tay xa hơn nữa, rồi chàng vớt được một nắm mây. Chúng ươn ướt, lành lạnh. Người đàn ông lạ, thì thào, hãy lắng nghe đi, chàng nhắm mắt lại. K nghe tiếng gió. Lại là tiếng gió. Mùi gió tanh nồng. K nhắm mắt. Lòng bàn tay chàng vẫn còn ươn ướt, lành lạnh.
Người đàn ông lạ nhắc chàng, hãy mở mắt ra. Trước mặt chàng là biển, phải rồi, chàng nghĩ, phía dưới, biển trắng trong sương mù mờ mịt. Chàng lẩm bẩm, trò chơi của sương mù. Cơn lợm giọng lại trào lên khiến chàng buồn nôn. Chàng với tay mạnh hơn trong khoảng tối, đàn cá sau lưng, người đàn ông lạ biến mất. Chàng lao về phía trước, chàng rơi, đàn cá rơi theo chàng. Sương mù rơi theo chàng. Gió tanh nồng rơi theo chàng. Bầu trời sẫm màu chì. Bầu trời khóc. Cơn mưa vừa đổ xuống sau lễ tế đàn ở nơi nào đó mờ mờ nhân ảnh.
Nhất đại hùng quan buồn đưa tang.


Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

BA MƯƠI NĂM NHÌN LẠI tác giả HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ NHÀ BÁO VÀ CUỘC SỐNG số ra ngày 21 tháng 6 năm 2016


KỶ NIỆM LÀM BÁO


Thế là ba mươi năm đã trôi qua, một quãng đường đủ dài so với một đời người để ta nhìn lại một thời đã qua; cảm nhận cột mốc đánh dấu con đường nghề nghiệp mình từng trải với hy vọng giúp cho người đi sau có bài học rút ra từ người đi trước. Ngày ấy, cách đây ba mươi năm…
Tháng 8 năm 1977, tôi là một trong số hơn 300 người được Ty giáo dục Đắk Lắk ra Thanh Hóa tuyển sinh vào học sư phạm cấp tốc 15 ngày để phổ cập giáo dục cho tỉnh. Năm 1983 được cử về Trường Cao đẳng sư phạm Buôn Ma Thuột học Lớp Bồi dưỡng chuyên tu khóa I, chuyên ngành văn học; từ đây tôi bắt đầu tập viết báo với các bạn cùng lớp như: Lê Văn Bảy, Trần Đình Vinh, Nguyên Thanh Nghị… Năm 1985 tốt nghiệp ra trường được điều động về dạy học tại Trường 333 thuộc vùng đất chuẩn bị thành lập huyện Ea Kar.
  Ngày ấy sau cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt chống đế quốc Mĩ xâm lược thống nhất Tổ Quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc mới chấm dứt, nước ta lại phải gồng mình đối phó với các thế lực thù địch bao vây cấm vận kinh tế, nước nhà gặp vô vàn khó khăn. Một trong những khó khăn nhất lúc bấy giờ tình trạng lương thực thiếu trầm trọng. Cán bộ công nhân viên nhà nước đa số mỗi nhận tháng 13 kg lương thực, trong đó quá nửa độn khoai lang, củ mì, bắp, hạt mạch… Cán bộ đói, dân đói và giáo viên ngành giáo dục huyện Ea Kar cũng nằm chung trong tình trạng ấy. Là huyện mới thành lập, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nhiều người dân đi xây xây dựng kinh tế mới tới huyện Ea Kar. Huyện Ea Kar lúc đó đất rộng người thưa, đất đai khu vực phía tây huyện màu mỡ thuận tiện canh tác cây lương thực. Cuộc di dân lớn gắn liền với việc phải mở thêm nhiều trường lớp đảm bảo cho các cháu thanh thiếu niên theo cha mẹ đến vùng đất mới không phải thất học; cán bộ, giáo viên từ miền Bắc được điều động tăng cường vào chi viện.
Trong điều kiện như thế nhiều phòng học tạm, mái tranh vách đất được dựng lên; bàn ghế là những cây tre, mảnh bìa ghép lại; nhiều trường Ban giám hiệu không có nơi làm việc, phải ở nhờ nhà dân. Trong một lần họp Hiệu trưởng tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Văn Trỗi, Hiệu trưởng trường Phổ thông cơ sở  Nguyễn Bá Ngọc báo cáo thực trạng khó khăn của trường mình: giáo viên, Ban giám hiệu phải ở nhờ nhà dân; giáo viên đứng lớp không có bàn ghế giáo viên và thậm chí Hiệu trưởng phải tiếp khách bằng nong mượn của chủ nhà ở nhờ vì không có bàn ghế để ngồi làm việc. Quá bức xúc với sự thiếu quan tâm của các cấp các ngành có trách nhiệm đối với ngành giáo dục, tôi viết bài “Hãy đến với Ea Kar” đăng trên báo Tiền phong vào khoảng tháng 10 năm 1986.
Tháng 11 năm 1986 báo Người Giáo viên Nhân dân (tiền thân của Báo Giáo dục &Thời đại ngày nay) tiếp tục đăng bài “Cúng chồng bằng ba củ khoai lang” viết về trường hợp ba cô giáo được điều động tăng cường từ tỉnh Hải Hưng theo dân đi xây dựng kinh tế mới tới huyện Ea Kar, dạy học tại trường Phổ thông cơ sở Lê Lợi ba tháng liền không có lương, không có lương thực. Trong đó có một cô giáo hoàn cảnh rất thương tâm: chồng bị ốm chết, một nách nuôi hai con nhỏ, lương không có ba tháng liền, đến ngày giỗ chồng chỉ có khoai lang đào ở vườn... Lãnh đạo hai tỉnh đùn đẩy trách nhiệm, không nơi nào chịu trả lương còn cô giáo thì vì học sinh cứ phải đi dạy, lương không có, đến lương thực cũng không có nốt.
Hai bài báo được đăng, lãnh đạo của hai tỉnh mới vội vã có công văn liên hệ để giải quyết chế độ cho giáo viên. Bạn bè đồng nghiệp từ khắp mọi nơi trên cả nước gửi thư, quà đến ủng hộ các nhà giáo gặp khó khăn như bài báo nêu. Tôi rất mừng vì giúp được đồng nghiệp đang khó khăn giải quyết chế độ, yên tâm công tác lâu dài ở Ea Kar. Còn trường được nêu tên trong bài báo thì nửa đêm Phòng Giáo dục cho chuyển bàn ghế mới vào thay bàn ghế tạm.
Khi ấy tôi đang làm Hiệu trưởng trường  Phổ thông cơ sở Ngô Gia Tự, thị trấn huyện Ea Kar (tiền thân Trường THPT Ngô Gia Tự hiện nay), một trường nhiều lớp nhất huyện, có hơn 130 cán bộ giáo viên, công nhân viên công tác ở cả ba cấp học: mẫu giáo, cấp một và cấp hai (thời gian đó chưa đổi tên gọi các cấp học như bây giờ). Khi mấy bài báo liên tiếp xuất hiện làm lãnh đạo địa phương không vui, rồi Đài BBC đọc bài “Hãy đến với Ea Kar” (khi bị gọi lên làm việc với Thanh tra tỉnh, một vị lãnh đạo nét mặt đanh lại thông báo cho tôi với giọng nói hết sức quan trọng: Bài của anh Đài BBC đọc rồi ấy! - lúc ấy tôi làm gì có radio để nghe và Đài BBC là đài địch nên không được mở).
Trong 5 năm thất nghiệp chờ tòa án xử, rất nhiều ngày tôi được “mời” làm việc với Công an, Thanh tra, lãnh đạo ngành Giáo dục… chỉ với một nội dung: Động cơ nào để viết hai bài báo nêu trên? Giáo viên cúng chồng bằng ba củ khoai lang là “phong tục, tập quán” khi nhà có sản phẩm mới, sao lại viết để người đọc hiểu nhầm giáo viên đói khổ? Trường Nguyễn Bá Ngọc có đủ bàn ghế học sinh, giáo viên phục vụ các lớp dạy và học sao lại viết không có? Đặc biệt chi tiết Hiệu trưởng tiếp khách bằng nong là bịa đặt nhằm mục đích gì?… Thời ấy, tôi làm gì có ghi âm, máy ảnh để lưu tư liệu cho bài viết của mình. Thấy tôi bị đình chỉ công tác, nhiều người cung cấp tin cho tôi viết bài đã từ chối làm chứng vì sợ bị liên lụy… Mặt khác, có lẽ họ muốn “xử” tôi vì đã có bài viết bị đài địch đọc, mà đài địch theo quan niệm là `chỉ nói xấu chế độ...!
Đầu năm 1987 tôi được điều động về Trường 333 làm Hiệu phó; rồi tháng 3 năm 1987 tiếp tục điều về Phòng Giáo dục nhận “công tác mới”; rồi nhận kỷ luật, hầu tòa. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, xe cộ đi lại rất vất vả, lương không có một đồng, nhưng tôi vẫn phải lên xuống Buôn Ma Thuột nhiều lần. Cay đắng hơn, khi thấy tôi gặp nạn nhiều ánh mắt của đồng nghiệp giáo dục, bạn bè và những người xung quanh nơi cư trú nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí còn tránh mặt. Thật tình lúc ấy trong tôi đã nghĩ quẩn, muốn chạy trốn cuộc sống hiện tại…
Nhưng với sự động viên, giúp đỡ của Lãnh đạo báo Tiền Phong, báo Người Giáo viên Nhân dân - sau này đổi tên thành báo Giáo dục & Thời đại, cử phóng viên vào tận nơi động viên nhiều lần như các anh: Hồng Tuyến, Hữu Thanh – báo Tiền phong; Nguyễn Vĩnh – Trưởng ban bạn đọc báo Người Giáo viên Nhân dân… đã giúp tôi vượt qua được những bi quan của cuộc sống, tiếp tục đứng vững, đấu tranh bảo vệ mình, bảo vệ lẽ phải.
Đặc biệt với vụ việc của tôi nhiều nhà báo công tác tại Đắk Lãk đã có hàng loạt bài viết vạch trần bản chất sự việc, lên án việc Tòa án tỉnh cố tình xử oan sai như: “Tội giả chụp lên người thật”, “Bị trù dập vì hăng hái viết báo chống tiêu cực – một phiên tòa không vì lẽ phải và công lý” – báo Tiền phong; “Phúc thẩm và quyết định: Hủy bản án sơ thẩm xét xử không công minh thầy giáo Nguyễn Hồng Chiến”, “Sau 4 phiên tòa xét xử, Nguyễn Hồng Chiến được trả lại công việc”… báo Giáo dục và Thời đại của các tác giả Đặng Bá Tiến - Dương Thế Hoàn.
Chính những bài báo này đã động viên tôi rất nhiều để giử vững niềm tin vào Đảng, vào các cấp chính quyền sẽ trả lại công bằng và danh dự cho tôi. Các bạn đồng nghiệp làm báo rất nhiều người đi công tác qua nơi tôi ở thường ghé thăm, động viên. Bốn phiên tòa xét xử thì cả bốn phiên có rất đông phóng viên đến tham dự, chính điều đó làm tôi vững tâm để đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Phiên tòa thứ tư, Tòa án tối cao xử phúc thẩm cũng là chung thẩm, khi Chánh tòa tuyên bố tôi được khôi phục lại mọi quyền lợi hợp pháp sau 5 năm bị kỷ luật; cả hội trường vỗ tay ầm ầm. Nước mắt tôi trào ra, các nhà báo người bắt tay, người ôm lấy tôi nghẹn ngào… thế là sự thật được sáng tỏ. Tôi lặng đi trong niềm hân hoan hạnh phúc của người chiến thắng. Nhà báo Uông Ngọc Dậu (hiện nay đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam) nói với mọi người ngay tại hội trường Tòa án: Đây là chiến thắng của lẽ phải, của công lý, của công luận… chứ không riêng gì của Hồng Chiến!
Vâng, nếu như không có các bạn đồng nghiệp làm báo dày dạn kinh nghiệp chỉ bảo, động viên, giúp đỡ như nhà báo: Đặng Bá Tiến, Dương Thế Hoàn, Uông Ngọc Dậu – Báo Đắk Lắk; Đỗ Trọng Phụng, Nguyễn Quyền, Văn Thảnh – Đài Phát thanh Đắk Lắk; Bá Thành – Thông tấn xã Việt Nam; nhà thơ Hữu Chỉnh, nhà thơ Phạm Doanh, nhà thơ Hoàng Mạnh Thường – Tạp chí Chư Yang Sin… tôi đã không vượt qua được chính mình để tồn tại và chiến thắng.
Qua tai nạn nghề nghiệp mới thấy được vai trò của đồng nghiệp quý giá như thế nào, cần thiết ra sao đối với các nhà báo “gặp nạn”. Nghề làm báo chúng ta khi tác nghiệp không chỉ tôn trọng sự thật, phản ánh sự thật mà còn phải hết sức chú ý lưu giữ chứng cứ, tư liệu… chiếc gậy chống, phòng khi “bị tập kích” trở lại.
Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2012), Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện Ea Kar tổ chức vinh danh những cá nhân có thành tích xuất sắc với phong trào Giáo dục huyện nhà; tôi có vinh dự là một trong chín người được mời về nhận hoa, quà của Huyện. Một hành động đẹp của lãnh đạo huyện Ea Kar làm tôi thấy ấm lòng dù phải trải qua một quảng thời gian dài cay đắng.
Ba mươi năm đã qua, nhưng những bài học rút ra từ “tai nạn nghề nghiệp” ngày ấy luôn luôn ám ảnh tôi, nhắc nhở tôi cẩn trọng hơn khi cầm bút viết bài. Và các bạn đồng nghiệp đi sau, chắc từ vụ việc của tôi vừa kể có thể rút ra bài học cho chính mình trên đường tác nghiệp, viết bài định hướng dư luận, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý. 



Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức gặp mặt tri ân các nhà báo. Chú thích ảnh (từ trái qua): ông Nguyễn Cảnh - Phó trưởng Ban Tuyên Tỉnh ủy, ông Nguyễn Tý - Phó giám đốc Sở Thông tin, Truyền thông, ông Trần Đại - Phó giám đốc Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi - Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tây Nguyên và Hồng Chiến).

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 285 - tác giả PHẠM THỊ THÚY QUỲNH





THIÊN THU
Truyện ngắn

“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Nguyễn Du

1.
Lê Long Đĩnh nâng chén rượu nồng còn đượm ánh trăng trong soi tỏ, ngóng chờ hoa nở, dốc cạn cả tấm lòng. Hơi rượu nóng xộc lên, đánh thẳng vào lục phủ ngũ tạng, cay đến mức mong ngài chảy nước mắt. Ánh trăng kia, ngàn năm trước mày có bi lương thế này chăng? Lê Long Đĩnh nở nụ cười rầu rầu, bao năm nay vẫn nụ cười ấy, thiên hạ ai người hiểu cho?
Từ khóe mắt Đĩnh, trào ra đôi dòng huyết lệ, máu đỏ sẫm rỏ xuống, tưới thẫm cả đóa hoa mới lìa đời. Cạn bình rượu cúc, người vẫn chưa say. Phải làm sao mới có thể say đây? Đôi khi tỉnh cũng là bi kịch của kiếp người. Vết thương tai ác trên lưng ngài bắt đầu dở chứng, giống như loài quỷ hút máu không ngừng táp từng miếng vào thịt da.
Dường có tiếng gọi vọng: “Nàng Hương! Ra múa hầu vua!”. Vũ nữ xứ Chiêm thấy có người sai bảo, bèn đứng dậy, hít sâu một hơi rồi tha thướt thả bước, vòng bạc trên cổ tay vang lanh canh nghe lạnh buốt. Đây vùng cát trắng mênh mông bỏng rẫy, đây xứ cát bí ẩn vạn năm, đây tháp thiêng buồn rầu nghìn năm, thảy trải ra trong tiếng hát mượt mà và vũ khúc bí hiểm của nàng.
Đĩnh bỗng nhiên nhớ tới Lý Công Uẩn. Uẩn là một kẻ kiệm lời, đôi mắt thường khép hờ. Uẩn học Phật, theo Phật, nhưng dường như không tin Phật. Và những gì mà Uẩn muốn, Đĩnh rất rõ.
Hai người ngồi nói chuyện mà trong lòng đã ngấm ngầm chuẩn bị một trận đấu đẫm máu. Là tri kỷ, là kẻ thù. Nỗi đau của người đời chẳng phải xuất phát từ đó mà ra hay sao? Nhớ tới Uẩn rồi, ngài không kìm được, nở cười chua xót.
- Cho trẫm năm năm, chỉ cần năm năm thôi là bọn Vạn Hạnh sẽ bị quét sạch khỏi triều. Chúng muốn đạo Phật độc tôn? Nực cười. Trẫm chinh nam dẹp bắc, đánh khắp các châu các động, mong giang sơn quy về một mối để cho phương Bắc biết điều mà không dám nhòm ngó, ấy vậy mà đám tăng lữ đầu trọc kia lại can gián hết lần này đến lần khác. Thời gian, ta cần thời gian thôi, Trời xanh sao nỡ không toại ý người?
Nói rồi, Đĩnh gõ nhè nhẹ trên mặt bàn, hát mấy lời mà vạn niên chẳng kẻ nghe thấu: “Khế có hột mận, đâu phải do trời /Dầu quỷ trước mắt cũng phục ta thôi/ Giặc Bắc chưa quét sạch/ Triều đường nhơ bóng quỷ/ Lòng còn đau đáu/ Đoản mệnh khó tránh, trách kẻ nào ru?/Thành tại người, bại cũng ở người!”.
Đĩnh trỏ thẳng lên kẻ đương ngự trị nơi cao:
- Ranh ma lắm, ông ranh ma lắm Trời ạ!
Đĩnh bảo mình không tin Trời, nhưng ngay trong sâu thẳm luôn chịu sự khống chế của ông ta. Đĩnh bảo mình không tin vào số mệnh, nhưng ngay cả ngài cũng không thoát được bàn tay của Tạo Hóa. Ngài phải làm gì đây? Phải làm sao để cho tâm linh được an ổn. Ngài có thể chiến thắng thiên binh vạn mã, chiến thắng trong trận huyết chiến cốt nhục tương tàn, chiến thắng cả nỗi đau của chính mình nhưng vĩnh viễn lại không thể thắng được bản thân. Chiến đấu với bản thân luôn là trận đấu đáng sợ nhất trên cõi đời này.
Đĩnh nhíu mày, vị rượu bốc, hai mắt lim dim. Chỉ cần chữ nghĩa thánh hiền được ban phát rộng khắp, Nho sinh cứng cáp thì ít nhất dẹp được phần nào niềm mê tín trong dân. Càng ít kiến thức, càng tin quỷ thần; càng tin quỷ thần, càng dễ bị lung lạc. Đĩnh biết Uẩn đã chuẩn bị hết thảy, Đĩnh cũng biết sự bất bình của Uẩn đối với Vạn Hạnh. Nhưng Đĩnh hiểu rõ thời gian của bản thân đã tận. Nam Tào đã khuyên một vòng vào tên mình. Sao cứ phải hành hạ nhau thế hả Hóa Nhi?
- Rồi Lý Công Uẩn sẽ tạo phản, y và đám sư tăng của Hoa Nghiêm Tông sẽ thiết lập trên dải đất này một hệ thống đền chùa miếu mạo, mê hoặc người đời và hậu thế. – Đĩnh gằn giọng.
Đĩnh bỗng nhiên thèm cái cảm giác rong ruổi sa trường, dốc bầu rượu lớn, tay cầm kiếm báu chém vạn quân thù. Đĩnh bỗng nhiên nhớ đến bến sông Vũ Lung. Dòng sông ấy nghe đâu có ma quỷ, Đĩnh không tin vào ma quỷ, chỉ gờn chợn lòng người.
Đĩnh cúi người ho khan, nước mắt lại chảy ra, bỏng rẫy. Ngài ngẩng lên ngó ánh trăng tròn sáng bạc, đầu khẽ gật gù.
Phải rồi, hôm ấy tuy đương là ban ngày nhưng trời cũng âm thầm bằng thế này đây. Sắc xanh trải ngút tầm mắt, Vũ Lung xuôi không thấy bến bờ, dòng sông ấy nghe đâu chính là ngọn nguồn của thời gian, chảy mải miết không thôi. Bóng mờ hư ảo, vó câu chồn, sóng nước mênh mang cuộn trào chẳng nghỉ. Đoàn người ngựa dừng lại trước cảnh non nước Ái Châu, vị hoàng đế trẻ tuổi rời khỏi lưng chiến mã, phóng tầm mắt bình thản, để cho làn gió hữu tình ôm lấy, xoa dịu vô vàn vết thương từ những cuộc chiến mở đất đang nhức nhối đêm ngày.
- Bẩm hoàng thượng, đây chính sông Vũ Lung, nơi mà được đồn rằng yêu ma đương hoành hành sách nhiễu.
Lê Long Đĩnh nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, chỉ yên lặng. Sự tĩnh mịch kéo dài khiến tất thảy đều cảm thấy căng thẳng không yên. Trong cuộc đời Đĩnh, ngài ghét nhất là phải nghe tới hai chữ “ma quỷ”. Ma quỷ? Còn có gì có thể đáng sợ hơn con người? Kinh qua bao nhiêu cuộc chiến, trải qua cuộc tranh đoạt hoàng vị đẫm máu khiến tình anh em vĩnh viễn chẳng thể gắn liền. Cho dù ngài đã mềm lòng, vị tình thương mà tha cho Ngự Bắc Vương, nhưng vết rạn nứt đã không sao xóa nhòa.
Trong những kẻ đứng dưới điện ngày ngày tung hô vạn tuế kia, mấy ai đảm đương được trọng trách chấn hưng tân triều, xóa đi phong khí ủ rũ do đám tăng lữ mang lại còn sót lại từ thời Đại Hành hoàng đế? Mấy ai thực sự trung thành, đủ sức gánh vác giang sơn non trẻ đang mang trăm ngàn vết thương chí tử trên mình mà chỉ cần một bận đại biến thì sẽ gặp phải nguy cơ ngàn năm khó hồi phục?
Dân nước Nam thường ham thích của mới đồ lạ, thấy phong vận mới sẽ lập tức tiêu trừ đi cái cũ. Nhưng dân nước Nam cũng bảo thủ khó bì, có nhiều điều dù biết là sai, cũng vẫn sẽ cố chấp nghe theo, gọi nó là lời truyền ngàn xưa để lại. Đĩnh muốn giáo hóa họ, có điều lại rõ những khó khăn mình gặp phải, mà ngài thì đã không còn thời gian nữa rồi.
Ma quỷ? Đĩnh nhếch môi, ngước mắt trông lên: Ta đã dám đấu với cả Trời Đất thì xem lũ yêu ma các ngươi làm được gì!
Bỗng nhiên lúc này, có một vị thiền sư mình vận áo nâu, gương mặt nom rất hiền từ, tay chống thiền trượng đứng lẫn trong đoàn người ngựa bước ra ngoài, kính cẩn nói:
- Bẩm bệ hạ, theo thần thấy thì bởi do ơn mưa móc của Đức Phật chưa thấm nhuần tới những vùng đất xa xôi khuất nẻo kinh kỳ cho nên quỷ ma mới dám quấy nhiễu đời sống của bách tính vô tội.
Lê Long Đĩnh hỏi Vạn Hạnh thiền sư:
- Vậy theo ý của khanh thì phải làm thế nào?
Thần cho rằng bệ hạ nên hạ lệnh xây đền lập miếu để cho nhân dân quanh vùng ngày ngày tới thắp hương cầu khấn, đóng góp hương tiền tích đức, như vậy mới có thể tiêu trừ họa này.
- Quỷ là quỷ ở trong lòng, ối a… - Tên hề đi theo Lê Long Đĩnh bỗng nhiên hát lên rồi cười sằng sặc một mình.
Lê Long Đĩnh nhướng mày, quay đầu nhìn Vạn Hạnh, đôi mắt ngài khẽ nhíu lại tưởng như ánh nhìn ấy sâu hun hút chẳng thấy đáy. Vị thiền sư nọ chỉ lần tràng hạt, nở một nụ cười hiền từ bình thản. Lão đang đo thử tấc lòng người trước mắt, thế nhưng bao năm trôi qua, lão chẳng thu lại được gì ngoài sự hoang mang vì không tìm thấy điểm tận cùng sâu thẳm của ngài.
Ngài đang nghĩ gì? Vạn Hạnh không hay. Chỉ là gần đây, lão bỗng nhận ra được sự bi lương của kẻ không chịu phục tùng mệnh trời chìm trong đáy mắt, lão nhận ra sự nóng lòng của Lý Công Uẩn, lão cũng nhận ra Uẩn đang tìm cách tiêu trừ mình khi đại sự hoàn thành viên mãn.
Bỏ ngoài tai lời của Vạn Hạnh - một trong số những kẻ đứng đầu bách quan trong triều - Đĩnh hạ lệnh:
- Người đâu, mau bắt hết quan viên vùng Vũ Lung, còn nữa, tuyên Nam Quốc Vương(1) tới đây cho trẫm!
Một tin mà tựa hồ sét đánh, tất thảy binh lính tùy tùng nhất nhất nghe lệnh. Có điều, vì sao hoàng đế lại cho bắt đám người này. Quan lại, hoàng thân có liên quan gì tới ma quỷ? Lệnh đã ban, tất cả quan viên trong vùng đều bị áp giải tới, tên nào tên nấy run như cầy sấy và vẫn chưa hiểu rõ duyên do gì mà hoàng đế lại nổi trận lôi đình với mình. Nam Quốc Vương vén bào, quỳ xuống hành lễ. Lê Long Đĩnh nhìn em mình, lạnh giọng hỏi:
- Tục truyền rằng sông này có giống yêu tác quái, Vương gia có lời giải thích gì với ta chăng?
- Bẩm… Bẩm hoàng thượng, nơi đây quả thực có yêu quái hoành hành, biết bao nhiêu người bơi qua sông đều bị hại cả dù rất am thuộc vùng sông nước.
Lê Long Đĩnh cười cười, vén áo ngồi xuống cạnh em trai, trỏ về mặt sông lặng tờ xa xa:
- Trẫm đã sai hai thiện binh của mình đi tra xét, chắc sẽ có kết quả ngay thôi. Các ái khanh có thể chờ tới lúc đó chăng?
Mặt trời đứng bóng, ánh hoàng hôn tạt nghiêng, gió nhè nhẹ đưa hương hoa dìu dịu, sóng gợn lăn tăn phản chiếu sắc hồng vầng dương đỏ. Thảy yên bình biết bao. Chỉ là, trước các cơn phong ba bão táp, chẳng phải thiên nhiên luôn tĩnh lặng hay sao. Họa phúc luân chuyển như trời đất xoay vần, không một ai, không một kẻ nào thoát khỏi sự biến dịch của nó. Hốt nhiên, mặt nước lặng tờ bùng dậy, thiện binh được cắt cử bơi qua Vũ Lung đã trở về, chất lỏng xanh thẫm in màu mặt trời rỏ xuống theo khuôn mặt trông như máu tươi.
Vừa đặt chân lên bờ, y đã vội vàng quỳ thưa:
- Muôn tâu bệ hạ, theo lệnh của người, thần và anh trai đã lùng bắt được mấy tên thủy tặc thường hại người qua sông. Hiện chúng đang được áp giải tới đây.
Mọi người thất kinh trước lời tâu lại của y, đặc biệt là đám quan viên đang quỳ sát mép nước, kẻ nào kẻ nấy mồ hôi mồ kê toát ra nhễ nhại tưởng chừng có thể chết ngất đi bất kỳ lúc nào. Vạn Hạnh thong thả lần tràng hạt, niệm Nam Mô Phật. Lê Long Đĩnh chỉ khép mắt nói:
- Lừa vua dối dân, tàn hại bách tính… Tội này nên xử thế nào?
- Thần đệ biết tội! – Nam Quốc Vương quỳ rạp xuống, hô lớn.
- Chúng thần biết tội đáng muôn chết thưa bệ hạ! – Một kẻ dập đầu, khóc lóc, van xin rối rít – Nhưng kính xin bệ hạ tha cho mấy cái mạng bé như hạt cát này, chúng thần cũng vì bách tính vùng Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung mà làm thôi.
Nam Quốc Vương lập tức quắc mắt cảnh cáo kẻ nọ, đang định lên tiếng thì kẻ khác đã tiếp lời, thống thiết vô cùng:
- Muôn tâu bệ hạ, nơi đây vốn vùng sông nước rất cần có bến đò để cho dân qua lại, tiền xây dựng thực ra cũng không nhiều nên ngân khố phủ quan có thể đáp ứng được. Nhưng cách đây mấy năm, có vị quan lớn trong triều đình đã âm thầm ban lệnh xuống, lệnh cho vùng này phải xây dựng một đền thờ, tám chùa lớn nhằm để phật pháp được phổ biến rộng rãi trong dân. Bệ hạ, điều này thực sự đã làm khó chúng vi thần, vậy nên… Vậy nên, đành phải tìm ra cách tốt nhất để giải quyết được cả hai việc, ấy là xin ngân khố của triều đình ban cho. Chúng thần cũng biết bệ hạ xưa nay chúa ghét việc làm bách tính hoảng sợ vì lời ma quái. Thế nhưng vì hơn mấy trăm mạng người dân còn lại, vì gia tộc, chúng thần chỉ đành đánh liều mà thôi.
Lê Long Đĩnh nghe tới đây, lửa giận bốc lên, trừng mắt rút kiếm, quát lớn:
- Mạng người là thứ để các ngươi mang ra tính toán đổi chác hay sao? Còn tội không phò vua, mà làm theo lời nghịch phản thì đáng tội gì! Người đâu! Chúng đã muốn hoán chác thì hãy để mạng của chúng đổi cho cái đầu lừa của tên quan lớn kia! Dìm xuống sông, quăng xác làm mồi cho cá!
Lệnh đã ban ra, không ai dám trái. Trời nổi gió to, thời gian chớp mắt, năm kẻ đang sống đã biến thành năm xác chết nổi giữa lòng sông rồi chìm xuống. Chợt, tiếng u u từ đâu vọng về, chẳng rõ hư hay thực, như khóc như cười. Tia sét sáng lòa rạch ngang trời đất, không trung hồ rung chuyển. Vạn Hạnh vẫn lặng yên. Lão hiểu rằng chừng nào vận của tăng lữ trong triều còn thịnh thì Lê Long Đĩnh sẽ không xuống tay với người ra lệnh cất chùa nọ. Tuy nhiên có kẻ đã không nhịn được, phải lên tiếng:
- Muôn tâu bệ hạ, vi thần thấy việc để đức giáo hóa của chư phật thấm nhuần là đạo lớn trong thiên hạ. Vì vậy, thần cho rằng nên xây cất đền chùa ở đây…
Quỷ ở đâu ra, quỷ ở tâm. Phật ở đâu ra, đại thừa, Phật tại tâm… Ối a… - Tên hề lại hát, hát rồi cười một mình, chẳng ai buồn để ý tới hắn cả.
Vạn Hạnh khẽ “hừm” một tiếng, chống mạnh thiền trượng xuống, liếc Quách Ngang một cái.
Lê Long Đĩnh cười bảo:
- Vậy sao? Này Hề, trẫm bỗng thấy thèm ngọt quá, mi có mang mía ở đấy chăng?
Tên hề cười khanh khách, múa may như lên đồng, dâng dóng mía vàng ươm và con dao cùn luôn mang bên mình cho vương. Lê Long Đĩnh đón lấy mía và dao từ tay hắn, giọng có vẻ tiếc nuối:
- Hề này, mía hôm nay ngươi mang có vẻ ngon, hiềm một nỗi chưa được Phật pháp thấm nhuần cho nên còn kém vị. Quách Ngang, trẫm muốn mượn chút Phật pháp của khanh để tưới tắm cho lóng mía này, có được hay chăng?
Quách Ngang vừa nghe, mồ hôi lạnh đã tuôn ra, lắp bắp mãi không nói tròn lời:
- Dạ… Dạ bẩm…
- Lính đâu, giữ thiền sư Quách Ngang lại để trẫm mượn chút hơi Phật nào!
Đợi khi Quách Ngang đã phủ phục xuống, ngài mới ném vật trên tay cho Hề, kẻ đầy tớ biết ý liền đặt dóng mía lên đầu hắn rồi cứ thuận thế mà chẻ mà bửa. Máu đỏ tươi ròng ròng chảy, xuôi theo khuôn mặt vốn dĩ hiền từ trông thật kinh khiếp. Cơn đau gặm nhấm xương tủy thấm vào thịt da, Quách Ngang cắn răng, hai mắt lộn ngược lên, trắng hếu.
Hề róc một hồi cũng sạch lóng mía, mặc cho kẻ nọ đã gục, hắn cung kính nâng khúc thực vật đã nhoe nhoét máu lên:
- Muôn tâu bệ hạ, mía đã thấm nhuần Phật pháp rồi ạ.
Lê Long Đĩnh đón lấy dóng mía mà ngắm mà xét. Quan lại và binh lính đi theo mình như rẽ run, lòng dần đóng băng theo cơn ớn lạnh. Vạn Hạnh vẫn bình thản, nhưng nhìn kỹ thì thấy bàn tay cầm thiền trượng đã siết tới bật máu. Chợt Lê Long Đĩnh cười nhạt, quẳng vật nọ đi, than:
- Không hiểu sao, mía này tuy đã thấm nhuần Phật pháp mà trẫm lại chẳng thèm nữa. Hề đâu, ném cho trâu ăn!
Dứt lời, liền quay sang nhìn Nam Quốc Vương, ngài mỉm cười:
- Còn đệ, đệ muốn biết thế nào là “gốc” của một đất nước hay không?
- Thần đệ xin nghe lời dạy bảo của hoàng huynh. – Nam Quốc Vương rạp mình, run như cầy sấy.
Lê Long Đĩnh lau tay, trỏ lên ngọn cây cao mọc ven sông, chậm rãi nói:
- Đệ hãy trèo lên đó, rồi sẽ biết thế nào là gốc của giang sơn này!
Hiểu được ý của quân vương, Nam Quốc Vương không khỏi kinh hãi, dập mạnh đầu, cầu xin thảm thiết:
- Mong bệ hạ tha tội, thần đệ biết sai rồi!
- Nếu làm sai mà nhận lỗi là có thể phủi sạch trách nhiệm thì chẳng phải quá dễ dàng hay sao? Đã tạo nghiệt một lần, ắt sẽ có lần thứ hai. Người đâu, lôi đi cho trẫm!  
Ngài đã không còn quan tâm tới kẻ chép sử ngàn năm thế nào nữa rồi. Rồi thì cát bụi.
***
Nàng Hương  đã dừng tiếng hát, đến ngồi nép bên cạnh quân vương, nàng định châm thêm rượu vào chén. Đôi mắt Đĩnh vẫn nhìn xa xăm, ngài đang nghĩ gì? Nàng bất giác ngẩn ngơ, bỗng mơ hồ trước con người này, thiên thu có ai còn nhớ những giọt huyết lệ mà ngài rỏ xuống? Ngón tay của nàng bất giác co lại ngần ngừ…
Đĩnh khẽ nói:
Nàng hãy cứ rót đi, một chén này là đủ…
Đoạn, Ngài phất tay. Một khúc nhạc tấu lên, hoa đồng loạt hé nở. Nàng Hương biết ý bèn đứng dậy, múa lại một vũ khúc cổ xưa, điệu múa của thuở nguyên sơ, khi mà con người chưa hề biết đến cái ác. Ai đã từng nói giai nhân dám sánh cùng hoa? Bóng hoa chiếu khuôn trăng đầy đặn, phải thẹn mà náu mình.
“Lòng trung mà vi thần dành cho bệ hạ dám sánh cùng nhật nguyệt!” – Lý Công Uẩn từng nói câu này với  Đĩnh, ngài biết ngày nào mình còn sống thì Uẩn vẫn là bề tôi trung thành của mình. Hắn ẩn mình giữa triều đình và tràng hạt, ẩn mình giữa huyền thoại về thân phận lúc nhỏ, ẩn mình trong lời sấm truyền do chính Vạn Hạnh giở trò. Không phải Đĩnh không thừa nhận tài năng của Uẩn, nhưng những kẻ cao ngạo thường không chấp nhận ai đó sánh ngang với mình. Nhắc tới hắn, Đĩnh thấy ghen tị, bởi ngày tháng của Uẩn còn dài mà của mình thì đã đến hồi kết thúc. Hăm tư, cái tuổi xanh tráng trí sục sôi…
Đĩnh chợt nhớ đến khoảng sân rộng sau phủ đệ Khai Minh Vương, nhớ đến cơn gió dịu mát vấn vít trước làn tóc mai thuở thiếu niên còn đầy mơ ước. Giờ đây, gió vẫn còn đó, nhưng lại lạnh thấu xương. Thềm cao điện rộng xa hoa mà trống trải, thế nhân không thể hiểu bi kịch của các bậc đế vương, cho đến khi hiểu rồi thì chẳng bao giờ quay đầu lại được nữa.
Đĩnh chợt nhớ đến tuổi thơ như sương mai. Ngày ấy, Trung Tông(3) từng hỏi: “Em có thích ngai vị kia không?”. Đĩnh nở một nụ cười, gật đầu rồi lại lắc đầu. Ngài không ngờ rằng vì lẽ đó mà tình thân đã vĩnh viễn tan biến. Giá như thời gian có thể trở lại, giá như ngôi hoàng đế không khiến Trung Tông hoài nghi. Giá như… Không có giá như…
Cảm giác đau buốt nơi các đầu ngón tay khi ôm xác anh trai trên chính điện vẫn còn đó.
“Rượu nhẹ quá…” - Đĩnh bỗng thấy thật thư thái biết bao.
Đĩnh muốn ngủ, ngài mệt rồi.
Chén rượu trong tay Lê Long Đĩnh rơi xuống, lăn lóc dưới chân. Đôi mắt ngài vẫn đau đáu trông về phương xa, hằn đỏ những tia máu.
Từ trong bụi hoa, Lý Công Uẩn chầm chậm bước ra, đứng trước Lê Long Đĩnh, kìm lòng không đặng, buông một tiếng thở dài.
Ngày ấy, khi nói với Uẩn về tâm nguyện của mình, Đĩnh chỉ bảo:
- Ái khanh, trẫm muốn dời đô về Đại La.
- Bẩm, vậy có lẽ bệ hạ đã biết mình phải dựa vào điều gì. – Uẩn từ tốn nói.
Lê Long Đĩnh chăm chú nhìn dáng vẻ bình thản của Lý Công Uẩn, trầm ngâm một lát rồi cười:
- Trẫm hiểu ý khanh, thế nhưng từ thời tiên đế đã mượn tôn giáo để gầy dựng cơ đồ, duy việc thiên đô nhằm dưỡng dục vận nước ngàn năm thì không thể dựa vào đám tăng lữ đó được nữa. Điều mê tín chỉ giỏi nhiễu loạn nhân tâm mà thôi.
Lúc nghe xong, Uẩn cúi đầu nói:
- Thần cũng là người được tăng sư nuôi dưỡng mà thành.
- Trẫm biết.
Lý Công Uẩn đưa tay vuốt nhẹ mi mắt của quân vương, Đĩnh lúc này mới an tâm mà khép mắt, vĩnh viễn phong kín bí ẩn về một thời đại đầy bão táp. Uẩn cười rầu rĩ:
- Bệ hạ, ván cờ của chúng ta vẫn đương dang dở, sau này thần còn biết chơi cờ với ai?




Chú thích:
 (1) Nam Quốc Vương Mang được phong làm quốc vương năm 994, thời Lê Đại Hành, đóng ở châu Vũ Lung.
(2) Trung Tông tức Lê Long Việt, vị vua thứ hai của triều Tiền Lê.







Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 285 - tác giả MAI VĂN PHẤN

Tác giả MAI VĂN PHẤN


THƠ LÊ VĨNH TÀI, BẢN SẮC VÀ BẢN LĨNH
(Đọc tập thơ “Đêm & những khúc rời của Vũ” của Lê Vĩnh TàiNxb Hội Nhà văn, 2008)

từ tôi đến miệng tôi
xa quá không sao kêu cứu được…
L.V.T
  
Đọc thơ Lê Vĩnh Tài thời điểm này, vẫn thấy “ngổn ngang” như một công trường với những tòa nhà cao tầng hoàn thiện và nhiều hạng mục khác còn dang dở. Như một số tác giả cách tân cùng thế hệ, nhà thơ Lê Vĩnh Tài khởi nghiệp từ thi pháp truyền thống, một cách gọi khác là “lãng mạn hậu kỳ”, tiến tới kết hợp những tinh hoa thơ Việt với một số thủ pháp nghệ thuật phương Tây để thiết lập giọng nói riêng/ khác giàu bản sắc sáng tạo.
Nhà thơ Lê Vĩnh Tài đã xuất bản 8 tập thơ: “Hoài niệm chiều mưa” (Nxb Thanh Niên 1991), "Hạt thóc và Hoa dại" (in chung với Uông Ngọc Dậu, Hội Văn học -Nghệ thuật Đắk Lắk, 1993), "Lục bát Phượng yêu (in chung với Phạm Doanh, Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk, 1994), "Và nỗi nhớ đã bắt đầu với gió" (Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2004), trường ca "Vỡ ra mưa ấm" (Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2005), "Liên tưởng" (Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2006), "Đêm & những khúc rời của Vũ" (Nxb Hội Nhà văn, 2008), "Thơ hỏi thơ" (Nxb Thanh Niên, 2008). Từ năm 2008 đến nay, Lê Vĩnh Tài sáng tác liên tục và đều tay, nhưng chỉ công bố trên mạng Internet hoặc gửi cho bạn bè. Qua thư gửi tôi ông tâm sự: “bản thảo giờ nhiều in chắc không lo nổi chi phí”. Tôi đồ rằng, đấy chỉ là cách nói khiêm cung của nhà thơ. Có thể vì nhiều lý do mà Lê Vĩnh Tài không muốn lấy giấy phép xuất bản, như sự bộc trực, dữ dội trong một số tác phẩm của ông, hoặc nhà thơ “dị ứng” với sự cắt xén của biên tập...
Trên xa lộ thông tin toàn cầu hiện nay, tôi cảm giác thơ Lê Vĩnh Tài tựa một cỗ xe chở đầy ắp hàng hóa đi nhiều nơi, đến được nhiều địa chỉ. Chỉ tính riêng về trường ca, ngoài "Vỡ ra mưa ấm" – viết năm 2003, nhà thơ đã công bố thêm 5 trường ca nữa trên các website: “Bài trường ca người Mông” - 2012, “Bài trường ca Bauxite” - 2013, “Bài trường ca cho người đã chết nhưng vẫn còn sống trong sự thật” - 2014, “Bài trường ca cánh đồng bất nhân” - 2014, “Bài trường ca Tây Tạng” – 2015. Còn nhiều bài thơ khác được ông công bố trên các website, mạng xã hội và báo in. Theo khảo sát của tôi tính theo đơn vị chữ, Lê Vĩnh Tài hiện là một trong số các nhà thơ thời kỳ Đổi mới có nhiều tác phẩm công bố.
Quan sát tác phẩm của Lê Vĩnh Tài theo thời gian, tôi nhận thấy, năm 2008 là dấu mốc quan trọng trong hành trình sáng tạo của ông. Từ thời điểm này, thơ Lê Vĩnh Tài đã định hình phong cách, khẳng định được giọng điệu thơ có bản sắc. Nhiều ý kiến cho rằng, thơ Lê Vĩnh Tài gần đây ảnh hưởng trào lưu hậu hiện đại. Cá nhân tôi không cho là như vậy. Thực tế, Lê Vĩnh Tài đã tiếp thu có chọn lọc những giá trị tích cực một số trào lưu, khuynh hướng thơ ca phương Tây. Ông vận dụng cách thiết lập không gian đa chiều của siêu thực và tượng trưng. Đồng thời, kết hợp có chọn lọc một số thủ pháp của hậu hiện đại, như phân mảnh, liên văn bản, hỗn dung, giễu nhại… Điều quan trọng là, Lê Vĩnh Tài đã sống và sáng tạo bằng tâm thế và tâm thuật của một nghệ sỹ, một công dân trước những biến động tiêu cực khôn lường của đời sống đương thời. Ông phơi bày đến tận cùng cái lõi của sự xấu xa, giả trá, ác độc… trước ánh sáng của lương tâm, của công luận. Dù ông biết rằng, sự phơi bày ấy có thể sinh ra nhiều hệ lụy, hiểm nguy cho chính mình trước khi căn bệnh trầm kha được chữa lành.
Xuất phát từ mục đích khảo sát một hiện tượng thơ khá đa dạng và phong phú như Lê Vĩnh Tài, tôi chọn tập thơ "Đêm & những khúc rời của Vũ", một trong những tác phẩm thành công nhất của ông để phân tích và lý giải bản sắc thơ dẫn tới thành công của một tác giả có xu hướng cách tân sau 1975, đồng thời, để nhận diện chân xác bản lĩnh cầm bút của một nhà thơ trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến động như hiện nay.
Thật ra, những tìm tòi, cách tân của thơ Lê Vĩnh Tài đã manh nha từ trường ca đầu tiên "Vỡ ra mưa ấm", hoàn thành năm 2003. Trong trường ca này đã bắt đầu xuất hiện những câu thơ có cách kết nối đa tuyến tính trong nguồn mạch cảm xúc truyền thống: như đôi môi em/ ta ca hát reo cười trong đó. Bắt đầu từ đó, nhà thơ Lê Vĩnh Tài tiếp tục dấn bước trên hành trình cách tân, đổi mới thi pháp, thể hiện rõ hơn trong những tập thơ tiếp theo. Trong “Bài thơ tả đám mây”, một bài thơ tiêu biểu cho tinh thần kiếm tìm hệ hình thẩm mỹ mới trong tập thơ "Liên tưởng” của ông. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, cách liên kết không gian và thời gian, đặc biệt ngôn ngữ thơ của Lê Vĩnh Tài đã khác xa với thơ truyền thống, khác biệt với chính ông so với những tập thơ xuất bản trước đó. Không gian trong bài thơ này tựa khoảng trời để ngỏ cho con chim được tự do mở đường bay về bất kỳ hướng nào:
những đám mây màu thiếu nữ nhợt nhạt/nhàn tản rong chơi/nàng vừa nói vừa cười nhè nhẹ/bộ xương của nàng là gió/và ngạc nhiên thấy ta ghi lại lời nàng/làm bài thơ của kẻ mộng du/sau khi nàng bước sâu xuống đất/nơi nàng nằm xuống/hơi ấm đã đọng thành nước mắt/nó lo nàng ngạt thở/nhưng nó không mất hy vọng/về bầu trời/và ngôi sao và mây trắng và mơ hồ/và hát/mây xanh...
(Bài thơ tả đám mây)
Đến tập thơ "Đêm & những khúc rời của Vũ", những dòng chảy mới lạ trong thơ Lê Vĩnh Tài thực sự được khai mở mạnh mẽ. Người đọc có thể nhận biết quá trình khai mở ấy trong kết nối điểm nhìn, cách tạo từ trường cảm xúc, thiết lập giọng nói tự nhiên, hồn nhiên mang tinh thần tự do của nhà thơ. Theo tôi, đây là tập thơ đánh dấu độ chín, là đỉnh cao trong quá trình sáng tạo của nhà thơ Lê Vĩnh Tài.
***
Đặc điểm nổi bật làm nên bản sắc thơ Lê Vĩnh Tài là giọng điệu độc thoại-trữ tình. Giọng điệu này hầu như xuyên suốt các tác phẩm, từ bài thơ lẻ đến các trường ca của ông, và ngày càng rõ ràng, mở rộng những âm vực và âm sắc. Đặc điểm này tương đồng với một số tác giả cách tân cùng thế hệ. Họ thường mở đầu bài thơ bằng giọng điệu tự sự, giãi bày về những điều mình chú tâm đi tìm hoặc ngẫu nhiên được chứng kiến.
Xin dẫn chiếu thơ của một số tác giả khác có cách viết tương tự Lê Vĩnh Tài. Đây là cách mở đầu bài thơ của nhà thơ Đỗ Doãn Phương. Trong bài thơ sau đây, tôi nhận thấy điểm nhìn được nhà thơ xác định trước đó. Và, câu thơ đầu tiên trong bài vang lên như tiếng chuông mở cánh màn nhung đêm diễn:
Từ đỉnh núi khô cằn/Tôi lao xuống khe trũng/Cuốn cây lá đá theo/Dòng bất an sôi sục (Lòng hồ 1)
Nhà thơ Lê Ngân Hằng lại có cách mở đầu bài thơ bằng giọng nói hồn nhiên, tự nhiên. Trong bài thơ “Khúc nhạc đêm trăng” ta thấy, nhà thơ và người bên cạnh mới bắt đầu cuộc đối thoại. Nhưng âm hưởng những giọng nói vang lên trong bài thơ cho ta cảm nhận, họ đã hiểu nhau, thân thiết từ lâu. Điểm khởi đầu câu chuyện cũng chính là thời khắc hiện thực trong bài thơ hiện lên và chạm vào trái tim nhà thơ, tựa như chiếc công-tắc vừa được bật cho bóng đèn vụt sáng:
Không nghe thấy vì đôi tai tầm thường/Chân dẫm lên vũng đêm đẫm gió/Hương trong vườn đâu đâu chẳng rõ/Có thể vườn nhà có thể vườn hoang/Có thể vườn trời từ sâu sâu thẳm/Có thể trăm năm...(Khúc nhạc đêm trăng)
Với Lê Vĩnh Tài, cách khai mở bài thơ của ông có nhiều khác biệt với các bạn viết. Cũng tạo được giọng điệu hồn nhiên tưng tửng như một số tác giả khác, nhưng thơ của Lê Vĩnh Tài cho tôi cảm nhận ông thường có mặt tại những nơi, khi mà không gian thơ còn chưa được mở ra. Khổ thơ mở đầu đoạn 3 trong bài thơ liên khúc “đêm & những khúc rời của Vũ” cho thấy, nhà thơ và nhân vật mang tên Vũ đã vượt qua nhiều cam go, từng nếm trải mọi cay đắng trước khi bài thơ được hình thành. Khổ đầu bài thơ sau đây gợi cho bạn đọc liên tưởng một con đường đèo, chỉ thoáng hiện một khúc quanh trong sương mù. Nó chính là ánh xạ của đời sống sinh động và phồn tạp đang diễn ra:
không cần phải bay chúng ta không muốn làm chim trời mà cần giải thoát/cần bỏ trốn/cái chết không sao đuổi kịp (đêm & những khúc rời của Vũ)(1)
Nội dung câu chuyện có khi được Lê Vĩnh Tài “phong kín”, rồi nhẹ nhàng mở ra cho bạn đọc thấy một “mê cung” trong đó. Điều đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh là, cái mê cung ấy không hề xa lạ, mà ngược lại, gần gũi, thân quen qua cách xử lý ngôn ngữ của nhà thơ.
cuộn len rối tung một mê cung trong giấc ngủ tôi thấy cuộn len lăn như cỏ/sự bện chéo vào nhau của sợi dọc sợi ngang/như sợi rơm chú chim sâu đan chiếc tổ/sau đó đẻ những quả trứng (bài thơ về cuộn len)
sau một tin nhắn vay thi thoi/ướt đẫm câu nói mớ/đêm không ngựa không yên cương mà phi nước chảy/đuổi theo nhau ngày tháng có nhau/đuổi theo nhau không còn nhau nữa (bài thơ người tuổi ngựa)
Giọng điệu độc thoại-trữ tình trong thơ Lê Vĩnh Tài thường diễn ra đều đều, kết hợp với cách nói tự nhiên, như buông lơi, như thả trôi… Nhưng thực chất, chúng đã được ông chắt lọc kỹ lưỡng, mang đến cho bạn đọc cảm giác như chứng kiến cơn gió lớn ùa về, hay thủy triều đang lên nhanh. Tuy trong đó, những con sóng hiện lên lại không lớn, mà cứ liên tục mấp mô, bệp bênh, có lúc như lặng lẽ chảy trôi… Và thơ Lê Vĩnh Tài như những thước phim đưa tới bạn đọc cảm giác, con sông kia đang vận chuyển một lượng phù sa lớn bồi đắp cho bãi bờ, làm màu mỡ những cánh đồng mà nó chảy qua: … hát lên tim vỡ/ một tiếng chim bạn nghe thấy gì không/ bạn không lo âu gì nữa/ bàn tay xoè ra ánh sáng (bài thơ hót lên như tiếng chim); quê hương ôi Người vỡ ra mưa ấm/ ta cùng Người đến bên bờ sông đầy cỏ/ lấy vạt áo ta lau gượng nhẹ cho Người/ ta lặng ngắm Người hạnh phúc/ bài trường ca dâng lên Người (bài trường ca cho quê hương của một trăm năm trước)… Dòng nước ấy trong thơ Lê Vĩnh Tài đã thấm sâu, tràn vào những góc tối, từng ngóc ngách của đời sống này, và cuốn đi cả bụi bẩn, rác rưởi và uế tạp trong đó. Tôi tưởng tượng một nghi lễ thanh tẩy đang diễn ra trong thơ Lê Vĩnh Tài:
dường như chiều nay/chúng ta quên mất cuộc đời nhiều cánh cửa/cùng đóng lại ước mơ/lẽ ra phải kêu lên nỗi đau của rừng đã cháy/chúng ta cứ hát ca ban mai lá ướt/những chân mây thật nhiều gió và buồn (bài thơ về sự cả nể)
Từng bài thơ của Lê Vĩnh Tài trải ra trước mắt bạn đọc hiện thực xã hội đương diễn ra hàng ngày đầy sống động và chua xót. Thơ ông mang tính thời sự cao. Tứ thơ thường được nhà thơ lấy cảm hứng từ những sự kiện cụ thể xảy ra hàng ngày tại Việt Nam và những điểm nóng trên thế giới. Tôi có cảm giác, dường như những va đập trong đời sống thực tế dội vào Lê Vĩnh Tài và tạo ra những khoảnh khắc ấn tượng trong thơ ông:
như xác xơ lơ thơ ác mộng/như mầm chồi/hết mẫu giáo đi vào lớp một/hết đại học đi vào nước mắt/ nhưng đứa trẻ còn lênh đênh trên phố/ tờ vé số gay gắt sa mạc/ trôi lang thang vỉa hè
(nằm vạ…)
mỗi sáng dậy thổi mùi khói bếp/ mẹ dựa lưng vào mùi bóng tối/ mùi củi cháy mùi cơm sôi /những bông hoa ngập nước lâu ngày /mùi nặng trĩu/ ngày xưa sức người mùi sỏi đá.../ những hạt cơm mùi thủng đáy nồi/ (những ngày mưa mưa mãi không thôi...)
Đọc "Đêm & những khúc rời của Vũ", người đọc được chứng kiến tài nghệ của “bác sỹ” Lê Vĩnh Tài khi thực hiện những cuộc “đại phẫu” đời sống xã hội, nhân thế. Mỗi người như gặp lại chính mình, gặp lại những tình huống, trạng huống mà mình từng bươn trải, vượt qua… Bằng những “vết mổ”, “đường chỉ khâu” quyết liệt, dứt khoát mà cũng đầy nhân bản, “bác sỹ” Lê Vĩnh Tài đã cắt bỏ những khối u, phần hoại tử và cả những mảng cơ thể bị thương tật để đánh thức lương tâm, lương tri con người. Song, những đường rạch đại phẫu trong tập thơ này mới là giai đoạn khởi đầu dấn thân của một công dân-thi sỹ. Thơ Lê Vĩnh Tài ở giai đoạn sau và gần đây thể hiện thái độ phản kháng ngày càng dữ dội, bộc trực hơn. Điều đó thể hiện rõ bản sắc và bản lĩnh nghệ sỹ của ông. Nhà thơ quan niệm sáng tạo chính là hành trình đi tìm tự do, công bằng, hạnh phúc cho con người và vì con người. Tinh thần ấy được thể hiện rõ trong những bài thơ lẻ và 5 trường ca viết gần đây của ông.
Hiện thực đời sống thường hiện ra sắc lạnh, thô ráp và khá gai góc trong những tác phẩm của Lê Vĩnh Tài. Không mượt mà, trau truốt như một số thế giới thơ khác, chính sự thô ráp, cộc kệch ấy với tôi lại là ấn tượng mạnh mẽ nhất của thơ ông. Có những chi tiết, sự kiện được nhà thơ phơi ra ánh sáng, hoặc truy lật đến tận nơi cư ngụ cuối cùng của nó. Điều đặc biệt là, chi tiết, sự kiện ấy lại được biểu đạt bằng ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh và sắc thái biểu cảm. Qua ngôn ngữ ấy, tôi cảm nhận được trái tim nhân hậu, bao dung của nhà thơ.

đêm làm ướt chiếc yêng của mẹ/ hai cánh đã ướt của con chim Phí ngày mưa/ run lên khi về tổ/ ấp lên những quả trứng/ hơi lạnh làm ung các chú chim con/ đang ngủ ngon trong nhà mồ tập thể/ (dịu dàng như một gợi nhớ của đêm)
trước khi buổi sáng vào bờ/ những đợt sóng dừng lại một khoảnh khắc/ ngay cạnh bên tôi
như thể giấc mơ suốt đêm xoay loang loáng/ nan hoa nước mắt/ mắt tôi khu rừng nguyên sinh
mắt bão mịt mù hơi nước (những căn nhà bây giờ nền cát trắng)
Trả lời câu hỏi của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng sự xúc động đến từ đâu? Nhà thơ Lê Vĩnh Tài nói: “Có xúc động lung linh tơ trời làm ta ngân lên tiếng kêu nao lòng. Có xúc động bầm dập làm ta kêu lên như bị cháy nhà… Khi chúng ta cảm thấy sự xúc động, hay cái gì tương đương với sự xúc động, có lẽ chúng ta đang ưu tư về thân phận con người chăng?... Con người ta được sinh ra không phải do ý chí của mình quyết định và thế giới mà ta đang hiện hữu trong đó đang ngày càng trở nên xa lạ và bất an hơn.”(2)
Sự bất an của đời sống, của thế giới hiện lên hầu khắp trong những bài thơ của ông. Trong bài thơ “xa quá không sao khóc được…”, tôi cảm nhận được nhà thơ đang run lên trước những nỗi đau của cõi nhân tình. ôi ngón tay, dưới lớp da mỏng/ máu của tôi đang chảy/ tôi lấy sức mạnh ở đâu để kháng cự/ tôi cứ buông xuôi. Những câu thơ như thể hiện một trạng thái buông xuôi, như “lả đi”. Nhưng không, đó chính là quá trình thu nạp năng lượng để nhà thơ bật dậy mạnh mẽ trong khổ cuối của bài thơ này:
này đêm không muốn dứt / hãy để ngày ấy lụi tàn/ những cơn hấp hối cũ kỹ/ ông già sắp sửa tan nát/ xoay tròn trôn ốc khi mua vé ra khỏi đường hầm/ lờn răng mỏi gối/ muốn nói tất cả/ tại sao?/ tại sao?/ tại sao?/ chúa ơi/ con không máu lạnh/ xin đừng im lặng/ nữa (xa quá không sao khóc được…)
Đoạn thơ sau đây khắc họa một hiện trạng đời sống đang diễn ra thông qua những hình ảnh sắc nhọn, khô khốc nhưng thấm đẫm nước mắt:
thơ ngất xỉu khi ngang qua cây cầu sập/ còng lưng chảy máu mẹ nghèo/ thơ ngất xỉu khi ngang qua hàng hàng núi đá/ [ở đâu có núi đá ở đó có công trường/ ở đâu có công trường ở đó có tai nạn]/ và trẻ con nước mắt trong veo/ (những câu thơ như gió rã rời)
Khảo sát thơ Lê Vĩnh Tài, tôi thấy thường xuất hiện hình ảnh con mắt, nước mắt và khóc. Chỉ riêng trong tập thơ "Đêm & những khúc rời của Vũ", tôi thống kê được 90 từ “mắt” và 23 từ “khóc”. Từ “mắt” cũng được ông sử dụng nhiều trong một số tác phẩm sau này. Như trong trường ca "Vỡ ra mưa ấm": 51 từ, “Bài trường ca Tây Tạng”: 21 từ, “Bài trường ca người Mông”: 18 từ, “Bài trường ca cho người đã chết nhưng vẫn còn sống trong sự thật”: 5 từ, “Bài trường ca cánh đồng bất nhân”: 10 từ, “Bài trường ca Bauxite”: 11 từ. Nói như vậy để thấy, “mắt” đã trở thành một trong những “từ khóa” của thơ Lê Vĩnh Tài.
Trở lại với tập thơ "Đêm & những khúc rời của Vũ", Lê Vĩnh Tài đã sử dụng hình ảnh con mắt rất linh hoạt, biến ảo lạ lùng: Buổi sáng, tôi không biết có còn gương mặt. Mắt và môi đã thành xa lạ…./… Đã gươm đao trong mỗi mắt nhìn (buổi sáng). Ở đây, nhà thơ biến con mắt và nước mắt thành những nhân vật sống động trong cuộc chìm nổi mưu sinh và chống chọi với mọi hiểm họa của đời sống xã hội để tồn tại: nước mắt xếp hàng vào cửa tự do/ không ai mua vé (ở Lebanon...); nước mắt tràn trên mặt/ tôi quên mất mình còn gương mặt không biết mình còn là người hay không (xa quá không sao khóc được…);đôi mắt hú còi báo động/ vô ích mênh mông (bài thơ về sự cả nể); những ánh mắt nhìn theo như thủy triều rút xuống (bài thơ hót lên như tiếng chim); một bên máu một bên nước mắt/ ngước nhìn bờ bên kia…/ … hai mắt mẹ mây mù mưa bão (dịu dàng như một gợi nhớ của đêm); có gì đâu mà khóc/ ngủ đi nước mắt/ dài và xanh sương mù (ngủ đi, nước mắt)…
Hình ảnh con mắt trong thơ Lê Vĩnh Tài khá phong phú, đa dạng. Nhà thơ thường biến con mắt trở thành điểm nhấn, và, đã phá vỡ sự đơn điệu, đều đều trong giọng điệu độc thoại-trữ tình của ông. Giọng thơ của Lê Vĩnh Tài không giống như tiếng suối chảy, mà tựa những bước sóng cơ dao động lan truyền trong môi trường, ta vẫn gọi là sóng hình Sin. Những bước sóng này có biên độ dao động, chu kỳ, tần số và tốc độ tương đối đồng nhất và điều hòa. Đó chính là nét đặc trưng của thơ Lê Vĩnh Tài. Trong một khổ thơ của ông thường xuất hiện trọn vẹn các bước sóng cơ bản. Ví dụ, một bài thơ có 5 khổ thơ, có thể nhìn thấy trong đó 5 bước sóng. Điều này rõ hơn trong 5 trường ca viết gần đây của nhà thơ. Cách tạo bước sóng này đem đến cho bạn đọc cảm giác chảy trôi, tự nhiên, gần với “vô thủy vô chung” như bản chất của vũ trụ.
Đọc liên tục nhiều tác phẩm của Lê Vĩnh Tài, tôi nhận ra sự trùng lặp giọng điệu (monotone). Các bài thơ chỉ khác nhau về đề tài. Cá nhân tôi quan niệm, đề tài đôi khi chỉ là cái cớ để nhà thơ hướng tới lý tưởng sáng tạo. Mục đích cốt tử của nhà thơ là khám phá vẻ đẹp miên viễn của thơ tiềm ẩn trong các đề tài. Dù đơn giọng điệu như vậy, nhưng Lê Vĩnh Tài đã sử dụng tài tình từ khóa “con mắt” và một số hình ảnh khác đặc trưng của ông (đêm, giấc mơ, khuôn mặt…) để làm lệch đi những bước sóng và chuyển động đơn trong thơ ông. Dĩ nhiên nó cũng làm “lệch” nhịp sinh học của bạn đọc, mở ra nhiều liên tưởng khác lạ khi tiếp cận văn bản.
***
Trong đa số những bài thơ của Lê Vĩnh Tài, đặc biệt trong tập thơ "Đêm & những khúc rời của Vũ", cách đặt tên bài có nhiều khác biệt so với thế hệ thơ trước đó. Tên bài thơ, chính là thần thái/ hồn vía của bài thơ, hoặc thông qua nội dung của bài thơ để hiển lộ mục đích mà nhà thơ hướng tới. Cách đặt tên này phổ quát trong thơ truyền thống phương Đông và cả phương Tây. Thậm chí trong thơ vô ngôn và cả những bài thơ không thể đặt tên đều được các nhà thơ vận dụng. Nhà thơ Octavio Paz(3) quan niệm thơ “vừa là hình ảnh và vừa là im lặng”. Hay công án thiền "Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?" của thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc(4) đã trở thành một trong những công án nổi tiếng của các thiền phái Nhật bản và trên thế giới. Riêng với cách đặt tên bài thơ của một số nhà thơ thế hệ Đổi mới sau 1975 ở Việt Nam, trong đó có Lê Vĩnh Tài lại có những điểm khác và phong phú hơn.
Cụ thể như trong tập thơ "Đêm & những khúc rời của Vũ", nhà thơ có thể chọn một ý thơ bất kỳ trong bài thơ để làm tiêu đề. Ví dụ, tên bài thơ “đơn giản chỉ là người ngồi bên”. Bài thơ kể về một giấc mơ vào một thời điểm nào đó không xác định. Trong giấc mơ ấy, nhà thơ thấy “người ngồi bên” với ngôn ngữ nhạt màu/ chia cắt giấc mơ thành bậc thang. Rồi từ tiêu đề như nhặt được, như cố ý ghép vào ấy lại mở ra những điều vô tình tương tự làm bạn đọc ngạc nhiên đến sững sờ:
đôi khi tiếng vang cây đàn đột nhiên tắt/ đôi khi muốn nghe một tiếng thì thầm/ đôi khi hai vì sao sa xuống/ mắt em đau đớn. Lặng câm/ cây nến còn bốc khói (đơn giản chỉ là người ngồi bên)
Có lúc Lê Vĩnh Tài đặt tên bài thơ bằng cách mượn lối ví von dung dị của những làn điệu dân ca, đồng dao, ca dao, như: “bài thơ hót lên như tiếng chim”, “chỉ còn giấc mơ là mù sương và thường trực”, “những câu thơ như gió rã rời”, “những ngày mưa mưa mãi không thôi...”, “Dịu dàng như một gợi nhớ của đêm”… Cách ví von này không mới, nhưng trước đây thường được các nhà thơ vận dụng trong phần nội dung thay vì dùng để đặt tên tác phẩm.
Nhà thơ Lê Vĩnh Tài còn có cách đặt tên bài thơ khá lạ và thú vị. Đó là chộp bắt một hình ảnh thoáng hiện, thậm chí thu nạp ánh xạ của nó để đưa lên làm tiêu đề. Như tên các bài thơ sau: “thơ à...”, “qua cửa sổ, tôi nhìn thấy một con hẻm”, “hay là gió làm em nước mắt…”, “Và buổi chiều có thể là thơ mộng”… Trong bài thơ “xa quá không sao khóc được…”, nhà thơ không nói về khoảng cách “xa quá” từ tôi đến mắt tôi… trên gương mặt không còn nước mắt, hay lý do tại sao không thể bật khóc, mà những hiện thực cay đắng và đau đớn đã được ông phô bầy trong từng đoạn thơ:
sống sẽ còn gì/ tôi nghe tiếng kêu trong quán nhậu/ này tôi đột nhiên được giải thoát/ vỉa hè đắng cay trên miệng/ không cần ai mủi lòng/ đừng cố nữa/ những chai bia tiếp thị toát mồ hôi
***
Nhà thơ Lê Vĩnh Tài áp dụng khá nhiều thủ pháp nghệ thuật của các trào lưu hiện đại và hậu hiện đại. Trong bài thơ “đêm & những khúc rời của Vũ”, Lê Vĩnh Tài tạo những hình ảnh mang dấu ấn tượng trưng để thiết lập một không gian đa chiều với nhiều hướng tiếp cận:
ngày tụi mình ngồi với nhau, Vũ ơi có người con gái/ lặng lẽ leo lên leo mãi lên những ngón tay
gảy những tổ khúc muộn phiền/ vào chiếc ly của đêm toàn nước/ đất nước ơi, lớn lên! (đêm & những khúc rời của Vũ)
Điều khá thú vị trong tập thơ này là, tác giả đã chuyển một số bài thơ tự do sang văn bản thứ hai ở thể lục bát. Như một số nhà thơ cách tân khác, Lê Vĩnh Tài cũng là một trong những “cao thủ” của sân chơi 6 & 8 truyền thống này. Người đọc có thể thưởng thức tài nghệ của ông trong những câu thơ sau đây:
một hối tiếc một long lanh/ sớm ngày đã rối tung thành đêm đen/ một người rách áo rồi em/một người lại giấu cuộn len đâu rồi...
(bài thơ về cuộn len)
Đặc biệt trong tập thơ “Đêm & những khúc rời của Vũ”, nhà thơ Lê Vĩnh Tài đã tạo ra một kiểu xếp chữ trong câu thơ, đoạn thơ để tạo cho bạn đọc ấn tượng lạ mắt khi tiếp cận văn bản. Ấn tượng này giúp bạn đọc liên tưởng tới nghệ thuật thị giác (Visual Art) hay còn gọi nghệ thuật trực quan, được vận dụng trong mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, điện ảnh, thiết kế thời trang, thủ công mĩ nghệ... Ở đây, những ký tự được nhà thơ Lê Vĩnh Tài sắp xếp không đơn thuần để tạo nghĩa, mà vị trí cũng như độ giãn khoảng cách của mỗi từ, kể cả những dấu trong tiếng Việt đều được tham gia tạo hình. Sự sắp xếp ấy mang lại cho người đọc/ người xem những giá trị biểu cảm mới, mở thêm biên độ tưởng tượng về một không gian thơ hấp dẫn và lôi cuốn.
thế thì cho tôi hỏi/ anh có còn hy vọng nữa  k-> h-> ô-> n-> g?
(thế là chịu thua)
tràn lan những lá cờ trắng/ chỉ câu thơ tìm mọi cách/ trồi lên/ t r o ^ i    l e ^ n…/ t r o ^ i      l e ^ n…/ t r o ^ i        l e ^ n…(thơ à...)
Xóa nhòa ranh giới giữa ngôn ngữ thơ và cách nói sinh hoạt đời thường cũng là một thủ pháp mà một số tác giả cách tân thuộc thế hệ Đổi mới thường vận dụng. Với Lê Vĩnh Tài, ông sử dụng thủ pháp này với kết hợp linh hoạt giọng điệu giễu nhại để tạo ra những tình huống bi hài, khá thú vị:
có người chết vì hạnh phúc / vì yêu… / dù người ta chết vì bệnh không có tiền mua thuốc nhiều hơn (xa quá không sao khóc được…)
Thủ pháp này của Lê Vĩnh Tài rõ ràng làm gia tăng khả năng biểu đạt của ngôn ngữ thơ hiện đại. Điều đó cho thấy, nhà thơ có thể sử dụng bất kỳ cách nói nào, kể cả cấm kỵ (taboo) để đạt tới mục đích cao cả của sáng tạo. Nhà thơ Lê Vĩnh Tài từng quan niệm: “Làm thơ là một việc tự nhiên và “tuôn chảy” vô cùng, nhiều thứ cùng đến và cùng chồng mờ lên nhau cùng một lúc”(5)
***
Nhà thơ Lê Vĩnh Tài sinh 1966, tại TP. Ban Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ với bề dày văn hóa trầm tích từ ngàn đời đã tạo cho thơ Lê Vĩnh Tài nguồn cảm hứng sáng tạo liên tục và mạnh mẽ. Từ trường ca "Vỡ ra mưa ấm" trước đó, bạn đọc được chứng kiến một Tây Nguyên vạm vỡ và kiêu hãnh hiện lên trong thơ ông:Tây Nguyên mênh mang tận cùng máu chảy/ mẹ dạy ta nhìn thấy/ một bông lúa rẫy cũng khát như người/ giấu ngọt bùi sau lần trấu mỏng/ Tây Nguyên mênh mang tận cùng sự sống/ chàng Đam San yêu con gái Mặt Trời. Mặc dù trong tập thơ "Đêm & những khúc rời của Vũ", nhà thơ ít nhắc tới từng địa danh cụ thể cùng những hình ảnh đặc trưng vùng đất này, nhưng bạn đọc dễ dàng cảm nhận một bóng dáng và tinh thần Tây Nguyên trong những câu thơ phóng khoáng, khỏe khoắn của ông: như hợp nhất trời và đất/ đàn bà và đàn ông/ uống và không khát/ một hối tiếc/ một nước mắt… (bài thơ về cuộn len). Bóng dáng và âm thanh Tây Nguyên cũng thường được nhà thơ tái hiện khá đa dạng và phong phú trong những tác phẩm sau này.
Lê Vĩnh Tài đã mang trên vai sứ mệnh của kẻ sáng tạo. Hàm nghĩa sáng tạo, qua tác phẩm của nhà thơ đồng nghĩa với sự tự nguyện hiến dâng, hết lòng dấn thân, trước hết vì tự do, công bằng và hạnh phúc của con người, và vì sự thiêng liêng và cao đẹp của thơ ca. Nhà thơ từng tâm sự: “Tôi nghĩ bất cứ một người làm công việc sáng tạo nào cũng đều mang trên mình sứ mệnh. Sứ mệnh của thơ là một tiếng kêu lạc giọng, đau đớn làm dấu hiệu của nỗi đau đã gây ra nó. Sứ mệnh của nhà thơ là làm sao cho tiếng kêu ấy phải là âm thanh ngôn ngữ của mình.”(6)
Nhà thơ Lê Vĩnh Tài đã thể hiện tài năng và bản lĩnh một cá thể sáng tạo trên hành trình đổi mới và cách tân thi pháp trong điều kiện không mấy thuận lợi. Tôi biết, ông phải đối mặt với nhiều luồng dư luận trái chiều và không ít những ý kiến phản bác, dị ứng trước những giá trị mới lạ của mình. Qua tác phẩm của Lê Vĩnh Tài và các nhà thơ cách tân thế hệ Đổi mới cho thấy, sự hình thành những khuynh hướng sáng tác mới đã làm thay đổi diện mạo thơ Việt Nam đương đại. Chúng ta có quyền tự hào và đặt niềm tin vào thế hệ tác giả mới này.
Nhà thơ Lê Vĩnh Tài đang độ chín trong quá trình tích lũy, trải nghiệm, thăng hoa cảm xúc... Nhà thơ đã và đang bền bỉ và tự tin hoạch định cho riêng mình một hướng đi và bản lĩnh trong sáng tạo để khẳng định một bản sắc thơ độc đáo, phong phú hơn. Nhân đây, tôi muốn dẫn câu thơ “máu thắm đỏ giấc mơ thi sĩ” trong bài “xa quá không sao khóc được…” của Lê Vĩnh Tài để khép lại bài viết. Đó cũng là lời chúc của tôi gửi tới nhà thơ, và mong đợi được đọc tác phẩm của Lê Vĩnh Tài trong những vỉa tầng khác nữa./. 

         Hải Phòng, 14.4.2016