Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

HỔ RỪNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỐ 7 ngày 6 tháng 1 năm 2022

 


Đại úy Như đứng lặng bên cạnh sa bàn, trán nhăn lại, đôi mắt thâm quầng, trông có vẻ già hơn cái tuổi bốn lăm. Một người còn trẻ, mặc quân phục màu xanh lá cây, bước vào nhà, giật hai chân vào nhau, lên tiếng:

          -Báo cáo thủ trưởng, Trung úy Trần Hải Nam – C Trưởng C2 có mặt.

          -Đồng chí báo cáo đi.

          -Rõ!

          Trung Úy Trần Hải Nam, cầm cây thước chỉ vào sa bàn, báo cáo:

          -Báo cáo thủ trưởng, khu vực trại chăn nuôi B3 nằm ở đây, gần với chân dãy núi Cha nhất. Đây là con đường mòn lên núi, đêm hôm qua cũng có dấu vết nó từ trên núi đi xuống theo con đường này. Từ chân núi đến trại dài gần ba ki lô mét, hai bên đường là đồi cỏ gianh, thỉnh thoảng mới có cây lồng bàng mọc.

          -Đồng chí có kế hoạch gì chưa?

          -Đề nghị thủ trưởng cho anh em được tổ chức mai phục, tiêu diệt.

          -Không được!

          -Vì sao ạ?

          -Đất nước chúng ta vừa trải qua ba cuộc chiến tranh ác liệt, hết đánh Pháp, đuổi Mĩ lại phải gồng mình chống bọn lấn chiếm biên giới; nền kinh tế kiệt quệ lại bị các thế lực phản động quốc tế bao vây, cấm vận… vì thế chúng ta mới được giao nhiệm vụ đóng quân trên khu vực này. Ngoài việc truy quét, trấn áp bọn phản động, công việc chính của chúng ta là làm kinh tế; nhưng không thể đánh đổi tất cả mà phải kết hợp giữa chăn nuôi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái nơi đây.

          D Trưởng dừng lại, không nói tiếp nữa, mắt nhìn sa bàn, trán hình như tăng thêm những nếp nhăn. Ông biết Tây Nguyên có những cánh rừng già nguyên sinh nuôi dưỡng nhiều loại động vật quý hiếm sinh sống, là tài sản vô giá được thiên nhiên ban tặng. Bên cạnh rừng già, nhiều vùng đồi cỏ gianh nối tiếp nhau trãi dài, mùa mưa một màu xanh non trông mát mắt; nhưng đến mùa khô, chúng chuyển dần qua màu vàng rồi thành màu trắng bạc; chỉ cần một tàn lửa nhỏ sẽ gây nên biển lửa, cháy cả tuần không tắt.

Đơn vị được giao: tận dụng đồi cỏ gianh để chăn nuôi bò, lấy thịt cung cấp cho Sư đoàn. Công việc có vẻ nhẹ nhàng nhưng rồi, bất ngờ có những khó khăn, trở ngại đang đòi hỏi phải có kế hoạch khắc phục để phát triển lâu dài. Một trong những khó khăn ấy là chó sói, rồi… chúa sơn lâm “hỏi thăm” liên tục. Hơn một tháng C2 đã mất ba con bò. Làm cách nào để không mất bò mà không phải bắn hổ, chó sói? Đại Úy Như nói:

-Phải tìm cách bảo vệ đàn bò, nhưng không được bắn thú dữ?

-Báo cáo thủ trưởng, con hổ này quen ăn thịt bò nhà rồi, phải bắn thôi ạ.

Trung úy Trần Hải Nam trả lời một cách dứt khoát. Hải Nam xót xa với khối tài sản lớn bị hổ cướp mất, nên trong đầu chỉ nung nấu ý nghĩ phải tiêu diệt để bảo vệ đàn bò, tài sản của đơn vị mà anh là người chịu trách nhiệm cao nhất. Nếu được đồng ý, tối cử một đồng chí nằm phục trên mái chuồng bò; khi nào thấy bò thức dậy, tìm cách phá chuồng thoát ra ngoài thì bật đèn đội đầu soi xuống sân tìm mục tiêu, bóp cò… một viên CKC là mọi việc kết thúc. Lạ là D Trưởng cương quyết không cho nổ súng, bắt tìm cách sống chung với thú dữ. Khó thật.

***

Mười tám tuổi rời ghế nhà trường phổ thông, lên đường vào Nam chiến đấu. Rừng Trường Sơn mùa mưa nhiều con suối hiền hòa bỗng nhiên phút chốc thành sông dữ, nước trên núi cao ập về, cuốn trôi mọi thứ. Chiều hôm ấy như một định mệnh, đơn vị đội mưa vượt sông, không may Như tuột tay bị nước cuốn trôi. Khi tỉnh lại thấy một bên mặt âm ấm. Cố cựa quậy nhưng tay chân và cả người không còn chịu nghe đầu điều khiển. Qua ánh trăng suông, Như lờ mờ nhận ra một bầy sói to lớn, con nằm, con ngồi xung quanh. Một con thọc mũi vào mặt, ngửi xem con mồi của chúng đã chết chưa thì phải. Nước sông theo gió, thỉnh thoảng lại leo qua chân tràn lên đầu. Thế là mọi sự kết thúc tại đây, nơi bờ sông hoang vắng này; bao ước mơ, hoài bảo của tuổi trẻ còn giang dở, vậy mà… Cố lật mình, nằm ngửa lên nhưng không được, hình như mình đã chết – Nhu tự nhủ. Bầy sói vẫn kiên nhẫn nằm đợi.

-H… ùm!

Một tiếng gầm khủng khiếp vang lên, lũ sói hoảng hốt kêu lên: oẳng, oẳng, oẳng… bỏ chạy. Con hổ bước chầm chậm đến bên, cúi xuống ngọm vào cổ Như lôi đi; mùi hôi thối nồng nặc xộc vào mũi. Thế là mình không bị lũ chó sói ăn thịt mà chính chúa sơn lâm dùng làm bữa tối; thôi thế cũng đỡ tuổi thân một kiếp người – Như thầm nghĩ.

Con hổ lôi Như lên trên một tảng đá lớn rồi ngồi nhìn; hình như nó cũng biết con người nằm như cái xác kia chưa chết nên ngồi đợi cho chết hẳn mới ăn, hay còn điều gì khác nữa, chắc chỉ có nó biết. Lúc này, đầu óc Như tỉnh táo vô cùng, sẵn sàng cam chịu, tay chân rụng đâu mất cả. Bầy chó sói hình như không bỏ cuộc, chúng vây quanh hòn đá bắt đầu cất tiếng sủa; lúc đầu rời rạc từng tiếng, sau thành một giàn đồng ca lớn, có lúc nghe như đến rất gần hòn đá. Con hổ hình như đợi lũ chó sói lại gần mới gầm lên một tiếng lớn; lũ sói giật mình chạy ra xa, im tiếng một lúc rồi lại tiếp tục sủa, tiến lại…

***

Như thiếp đi không biết bao lâu, bỗng cảm nhận được hình như có hơi ấm chạm vào miệng rồi trôi xuống cổ. Tại sao thế nhỉ, chẳng lẽ hổ ăn thịt mà mình lại có cảm giác dễ chịu thế này ư? Hay mình đã qua một kiếp khác rồi? Đây là đâu? Bỗng tiếng ai đó reo lên:

-Cậu ấy tỉnh lại rồi.

-Thằng cha này thoát chết một cách kỳ lạ, chắc sẽ thọ lắm đây!

Sau này Như được nghe kể lại: anh em trong binh trạm tổ chức đi xuôi dòng sông tìm kiếm xác, vì ai cũng nghĩ rơi xuống sông mùa lũ thì không thể sống được. Tìm mãi vẫn không thấy, đêm xuống nghe chó sói sủa, hổ gầm như tranh nhau thức ăn; mọi người đoán ngay ra nguyên nhân và vội vã tìm đến. Con hổ gặp người nên bỏ đi. Anh em chạy lại thấy thi thể nguyên vẹn, sờ thấy ấm và hình như còn thở nên sơ cứu rồi đưa về trạm xá cấp cứu. Trong nhóm đi tìm, người thì bảo do hổ và chó sói tranh nhau nên chúng chưa kịp ăn thịt. Có người bảo, cậu là người cao số nên hổ và chó sói đến bảo vệ, gọi người đến cứu… Mỗi người một ý kiến, nhưng sống được là quý rồi.

Sau khi xuất viện, đơn vị cũ đã đi xa nên Như được chuyển qua đơn vị mới làm hậu cần – chuyên trồng khoai mì để tích trữ lương thực. Như cùng anh em trong tổ, cuốc cỏ gianh trồng khoai mì. Rừng bị rãi thuốc độc, cây cối chết hết, nhưng cỏ gianh lại mọc rất tốt. Mùa mưa, cuốc cỏ tranh trồng khoai mì, cây phát triển nhanh, củ to. Khổ nhất của anh em trong tổ lúc bấy giờ là canh giữ không cho heo rừng phá. Heo trên dãy Trường Sơn nhiều lắm, có bầy hàng trăm con; con trung bình cũng nặng cả tạ. Nhưng có điều lạ, từ khi Như tham gia trồng và giữ rẫy thì heo rừng không tới phá như trước nên năng suất tăng rõ rệt.

Thời gian trôi qua, được cấp trên tín nhiệm, Như trở thành chỉ huy đơn vị hậu cần xuất sắc, trực thuộc Quân khu. Năm 1976, Bộ Quốc phòng thành lập Sư Ba làm kinh tế, Đại úy Như được điều về làm D Trưởng, trực thuộc Sư đoàn bộ, chuyên chăn nuôi bò.

Trong khu vực được giao quản lý, Đại úy Như cùng bộ phận tham mưu lội rừng, khảo sát, lập kế hoạch ngăn các đoạn suối làm đập chứa nước cho bò uống kết hợp thả cá, trồng rau cải thiện. Đơn vị nào có điều kiện thuận tiện, ngăn suối trên núi cao, bắc ống dẫn nước về tận doanh trại phục vụ sinh hoạt như nước máy thành phố. Nhờ thế đời sống vật chất anh em trong đơn vị được cải thiện, anh em an tâm công tác. Không ngờ nay lại bị thú dữ đến quấy phá.

***

Chiều, Đại Úy Như xuống C2 khảo sát địa hình, thống nhất kế hoạch bắt hổ. Nhiệm vụ đặt ra là phải bắt sống để thuần phục bằng được con hổ. Sáng hôm sau, dưới sự chỉ huy trực tiếp của D Trưởng, dàn bẫy treo được bố trí ngay cửa rừng già, trên đường con hổ thường đi qua.

Đêm đến, khoảng hơn hai mốt giờ, bất ngờ nghe tiếng hổ gầm thét giữ dội nơi đặt bẫy. Tiếng gào thét kéo dài đến tận sáng hôm sau, khi mặt trời lên hổ mới ngừng. Theo kế hoạch đã định, một tổ lên thăm thấy hổ dính bẫy, đốt hai đống lửa lớn hai đầu đường để đề phòng có người đi lạc vào chổ hổ. Mùa khô, hổ dính bẫy bị bỏ đói ba ngày, gầy xọp.

Chiều ngày thứ tư, Đại úy Như xách xô nước tới gần, đặt trước mặt hổ. Mọi người đi theo, tròn mắt khi thấy con hổ nằm im, mở to mắt nhìn ân nhân rồi bò lại uống nước. Mọi ngày, chỉ nhìn thấy người đến gần, con hổ đã nhảy dựng lên, mắt đỏ lừ, nhe răng ra chồm chồm ba cái chân chưa dính bẫy, định tấn công người; còn hôm nay lại hiền như con chó con. Chờ hổ uống nước xong, Đại úy Như ném cho nó một con cá chuối lớn rồi về. Chiều hôm sau Đại úy lại lên cho hổ uống nước và cho nó hai con cá chuối to nữa để ăn. Cứ như vậy, đến ngày thứ chín, con hổ đang đứng, thấy ông đi đến nó vội nằm xuống như con cún, đầu gác lên hai chân trước. Đại úy Như bước đến bên cạnh sờ vào đầu nó, nói to: Mày vào rừng mà kiếm ăn, không được xuống bắt heo, bò của người nuôi nữa nghe chưa?

Hình như con hổ hiểu tiếng người, hai bên mắt nước ứa ra, nhìn không chớp. Ông, tháo sợi dây cáp thắt nơi chân sau hổ ra, vỗ vỗ vào lưng nó, miệng nói: đi đi! Con hổ từ từ đứng lên, nhìn xung quanh một lúc rồi mới chậm rãi theo đường mòn leo lên núi.

Đêm hôm đó, Đại úy Như ngủ lại với anh em đơn vị C2. Gần sáng thấy bầy chó đơn vị chui hết vào nhà, miệng rên ư ử; một lát sau nghe tiếng động rất lớn như có người té ngay cửa phòng, Đại úy cầm đè pin, mở cửa bước ra và… không tin ở mắt mình: con hổ được thả lúc chiều ngồi chồm hổm nhìn ông, trước mặt nó một con heo rừng chắc phải nặng cả tạ. Nhìn ông một lúc, hổ từ từ đứng lên, đi theo con đường mòn lên núi.

Cũng từ đấy, lũ chó sói trước đây hay rình bắt bê cũng đi biệt tích, không bén mãng đến nữa. Hơn chục trại chăn bò của đơn vị xung quanh chân núi Cha cũng không bao giờ bị hổ đến quấy rầy. Thỉnh thoảng, vào những buổi chiều tà, trở trời, người ta vẫn nghe tiếng hổ gầm trên núi cao vọng xuống.

 

Hòa Khánh, tháng 11 năm 2021

Nguồn: http://tuanbaovannghetphcm.vn/ho-rung-tap-chi-07/

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

NGÔI NHÀ THIÊNG CỦA HỘI VIÊN bài của HỒNG CHIẾN nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hội VHNT các DTTS Việt Nam

 


Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (18/11/1991-18/11/2021), ngồi ngẫm lại, tôi thấy mình là người hạnh phúc và may mắn khi được làm hội viên của Hội cách đây vừa tròn mười năm. Ngày 7/9/2011, tôi được mời dự Hội nghị Chi hội Trưởng năm 2011 tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tại đây, lần đầu tiên tôi được gặp nhạc sỹ Nông Quốc Bình – Chủ tịch Hội, nhà văn Cao Duy Sơn – Phó chủ tịch Hội cùng các anh chị trong cơ quan hội và rất nhiều anh chị em văn nghệ sỹ cả nước, những người tôi từng nghe tên, đọc tác phẩm mà chưa một lần gặp mặt. Và vui mừng hơn, tại hội nghị này tôi được Nhạc sỹ Nông Quốc Bình – Chủ tịch Hội trao quyết định kết nạp, chính thức là hội viên Hội Văn học các Dân tộc thiểu số Việt Nam (Hội VHNT các DTTS Việt Nam).

          Từ khi còn đang dạy học ở một huyện vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, tôi đã nghe nói về Hội VHNT các DTTS Việt Nam, được đọc một số sáng tác của các bác, các anh, các chị đi trước với sự đam mê và ngưỡng mộ. Năm 2006 chuyển về công tác tại Hội Văn Nghệ Đắk Lắk, được Nhà văn, Nhạc sỹ Linh Nga Niê Kdam – Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn Nghệ Đắk Lắk hướng dẫn khám phá, truyền cho đam mê về vùng văn hóa Tây Nguyên; thế là tôi “nghiện” luôn và tập trung toàn bộ sáng tác của mình về vùng đất xinh đẹp này như một cái “duyên” trời định. Tính đến hết năm 2010 tôi đã có ba tập truyện ngắn và một truyện dài được các nhà xuất bản Kim Đồng, nhà xuất bản Văn hóa các dân tộc và Hội Văn Nghệ Đắk Lắk xuất bản viết riêng về người Êđê, trên vùng đất Tây Nguyên; đó là toàn bộ hành trang xin gia nhập Hội.

Kết thúc hội nghị tai thành phố Vinh, hôm sau xe của Hội đưa về thành phố Hà Nội, tôi được đặt chân đến trụ sở của Hội. Thật xúc động, khi từ núi rừng vùng Tây Nguyên xa xôi, vượt qua hơn một ngàn km để đến được thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên tới trụ sở của Hội, ngôi nhà chung của văn nghệ sỹ các dân dân tộc thiểu số Việt Nam do nhà thơ Nông Quốc Chấn sáng lập và lãnh đạo.

Ngồi tại văn phòng Hội, tôi xúc động và hết sức khâm phục nhà thơ Nông Quốc Chấn và các vị tiền bối đã có ý tưởng xây dựng đề án để Đảng và Chính phủ quyết định thành lập hội riêng cho anh chị em văn nghệ sỹ là người dân tộc thiểu số và những người dân tộc Kinh tham gia sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi được gia nhập; tập hợp đội ngũ về dưới một mái nhà chung: Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Trụ sở của Hội thực sự là ngôi nhà đầm ấm của hội viên. Sau này mỗi khi có dịp về thủ đô, ghé thăm cơ quan Hội, để đàm đạo về văn học nghệ thuật thật không có hạnh nào hơn.

Các anh chị hội viên hoặc không phải hội viên, công tác tại cơ quan Hội luôn luôn niềm nở chào đón hội viên từ mọi miền Tổ quốc có dịp ghé thăm. Chính tình cảm nồng ấm đó thắt chặt thêm tình cảm giữa hội viên với cơ quan Hội, tiếp thêm sức mạnh để anh chị em say mê sáng tạo. Truyền thống tốt đẹp ấy tôi biết đã được xây dựng, giữ gìn và phát triển suốt 30 năm qua và chúng ta hy vọng tiếp tục được phát huy trong những năm tiếp theo, để anh chị em hội viên tiếp tục gắn bó chặt chẽ với Hội, có thêm động lực để sáng tạo văn học nghệ thuật.

 Được gia nhập Hội, thời gian chưa nhiều so với lịch sử của Hội, nhưng trong mười năm qua tôi đã có may mắn được tham gia các chuyến đi thực tế sáng tác, trại sáng tác, hội nghị, hội thảo… Thông qua các hoạt động ấy tôi được giao lưu với các anh chị hội viên khác để học hỏi, nâng cao tay nghề, thêm động lực sáng tác. Trong thời gian qua Hội ta đã làm rất tốt việc này, có lẽ vì thế năm nào cũng có những tác phẩm hay được giới thiệu với công chúng và tặng thưởng. Đây là thành tích hết sức đáng tự hào của Hội ta trong 30 năm vừa qua. Nhằm phát huy kết quả đã đạt được, tôi xin phép được nêu ý kiến cá nhân về công tác tổ chức hoạt động Hội trong thời gian tới như sau:

Từ cuối năm trước lãnh đạo Hội xây dựng kế hoạch sẽ tổ chức các hoạt động của năm sau để anh chị em hội viên cả nước biết và giao chỉ tiêu về các chi hội địa phương cử người tham gia. Chi hội địa phương phải thông báo cho các anh chị em hội viên trong chi hội của mình biết, sắp xếp được thời gian, tình nguyện đăng ký tham gia, nhưng phải đảm bảo tiêu chí, điều kiện cụ thể:

1.Dự trại sáng tác tổ chức tại các Nhà sáng tác do Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quản lý: hội viên phải có đề cương, bản thảo đến Trại để hoàn thành. Tránh tình trạng có hội viên đến trại, hết 15 ngày nộp cho Nhà sáng tác một truyện ngắn hoặc vài bài thơ. Với chính sách ưu ái văn nghệ sỹ của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện để văn nghệ sỹ về Nhà sáng tác làm việc, dứt khỏi công việc hàng ngày tập trung cao độ hoàn thiện công trình, tác phẩm vì thế Văn phòng phải tham mư cho lãnh đạo Hội chọn lựa hội viên có như cầu cấp thiết hoàn thiện đề cương chi tiết hoặc sửa chữa, hoàn thiện tác phẩm để công bố mới mời về dự.  

2.Tổ chức đi thực tế sáng tác tại các địa phương: Đây là hoạt động thực tế tại các điểm trên địa phương đã định. Công việc chính là “đi”, thu thập tư liệu để làm “vốn” cho các tác phẩm sẽ sáng tác sau này (trừ hội viên Nhiếp ảnh); các chi hội địa phương cần lưu ý đến sức khỏe hội viên khi cử đi tham gia. Nếu hội viên sức khỏe không đảm bảo sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng đến các hoạt động khác của cả đoàn.

3. Hội thảo: để nâng cao chất lượng hội thảo, hội nghị chuyên đề, theo tôi Thường trực Hội phải thông báo kế hoạch tổ chức sớm để anh chị em hội viên biết, viết bài tham gia. Văn phòng tham mưu cho lãnh đạo Hội chọn những tham luận hay, có chất lượng của các hội viên, đại diện cho các vùng, miền để mời tham dự. Có như vậy các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề mới có sức lan tỏa, gặt hái được thành công như dự định.

4.Giải thưởng: Hàng năm Hội đồng nghệ thuật của Hội ta rất công tâm, sáng suốt, lựa chọn được những tác phẩm, công trình có chất lượng cao để trao giả thưởng, được anh em hội viên hết sức hoan nghênh - Có lẽ đây là nét đặc biệt so với các hội chuyên ngành khác khi trao giải thưởng hàng năm. Tuy nhiên để phát huy hết tác dụng của các tác phẩm, công trình đoạt giải, Thường trực Hội nên bố trí kinh phí cho in và lưu giữ các công trình, tác phẩm đã đoạt giải hàng năm của Hội.

5.Công tác hội viên: Trong nhiệm kỳ vừa qua nói riêng và cả quá trình 30 năm thành lập Hội, công tác hội viên của Hội ta làm khá tốt, ai được gia nhập hội cũng cảm thấy vinh dự và tự hào, cố gắng hết sức mình xây dựng khối đoàn kết trong hội. Có lẽ vì thế Hội không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt trong nhiệm kỳ vừa qua, thường trực Hội đã thực hiện “Đề án bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam”, giúp hội viên được công bố các tác phẩm của mình. Đây có thể nói là một thành công rất lớn của các anh chị lãnh đạo Hội khóa 2015 – 2020, đáp ứng được mong mỏi của anh chị em hội viên. Trong thời gian tới, công tác hội viên của Hội ta cần lưu ý thêm một vấn đề nhạy cảm nữa, đó là: “Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên”. Làm công tác văn nghệ, rất dễ xảy ra tai nạn nghề nghiệp khi tác phẩm bị suy diễn, áp đặt theo góc nhìn không thân thiện. Khi ấy, rất cần đến vai trò của Hội lên tiếng bảo về quyền lợi chính đáng của hội viên. Vấn đề này trong thời gian qua theo tôi biết Hội ta chưa có trường hợp nào; nhưng thời gian tới có thể nảy sinh, lúc ấy anh em hội viên rất cần tiếng nói của Hội.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam (18/11/1991-18/11/2021), tôi xin có đôi dòng tâm sự, kỷ niệm về Hội của chúng ta và mạo muội góp ý về công tác hội, đó là tiếng nói từ đáy lòng của người hội viên vùng Tây Nguyên gửi về Hội, có gì chưa sâu sát, mong được các anh chị hội viên lượng thứ.

 Buôn Ma Thuột, ngày 26 tháng 8 năm 2021


Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

SỰ TÍCH SÔNG QUAN TÀI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN CHƯƠNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ngày 02 tháng một năm 2022

 


Nguồn: https://vanchuongthanhphohochiminh.vn/su-tich-song-quan-tai-truyen-ngan-cua-hong-chien

Buôn Krail có hơn trăm nóc nhà dài hội tụ bên bờ một con sông chảy ngược. Con sông này bắt nguồn từ phía mặt trời mọc, vươn cánh tay dài gân guốc vào tận các khe sâu, núi cao của dãy Chư Yang Sin chắt lọc những hạt nước tinh khiết nhất góp lại, tạo thành dòng rồi đổ về hướng tây, đuổi theo ông mắt trời xem đi ngủ nơi nào. Những người dân buôn Krail hiền lành, chất phác, quanh năm chí thú lo làm ăn và vui chơi, ca hát. Hai bên bờ sông, mùa mưa nước dâng cao, tạo nên một vùng nước rộng mênh mông; nhưng khi mùa khô đến, nước rút đi để lại một cánh đồng rộng lớn, màu mỡ, thuận lợi gieo trồng cây lương thực. Người dân chỉ cần gom cỏ rác tấp đống lại đốt, xong chọc que tra hạt; mấy tháng sau cây bắp cao hơn đầu người, mỗi cây cho từ năm đến bảy bắp, bắp nào cũng to như bắp tay người lớn, hạt đều chằn chặn; còn gieo lúa, mỗi hạt lúa cho bốn năm bông, một bông mang theo cả vốc tay hạt. Nông sản thu về, các bếp làm một cái kho trên vùng đất cao ngoài rẫy để trữ, khi nào ăn ra lấy về chứ không mang về nhà. Dưới sàn: heo, gà, trâu, bò… nhà nào cũng có nhiều để dùng phòng khi mùa mưa không vào rừng bắt thú được. Trong rừng thú nhiều lắm, nhà nào muốn ăn loại gì rủ vài người vào bắt mang về như ta nhốt sẵn trong chuồng vậy rồi chia đều cho tất cả các bếp trong buôn cùng ăn.

Nàng H’Linh con gái của Mtao buôn Krail không những đẹp người, đẹp nết mà còn rất khéo tay trong việc thêu thùa, dệt vải. Nàng thường cùng các nữ tỳ vào rừng già chọn những loại cây có sợi đẹp nhất đem về dệt vải, thêu thùa. Nàng dệt hoa trên áo, lũ bướm nô nức kéo đến xem che kín cả nhà; nàng dệt bụi trúc, chim chóc lao vào định đậu đập đầu vào tấm thêu… M’tao buôn Klail là một đàn người ông trung niên không những khỏe mạnh mà còn mưu lược, thống lĩnh cả vùng phía đông bắc dãy Chư Yang Sin kéo dài đến tận thảo nguyên M’drak được nhiều người yêu quý, kính trọng. Hai vợ chồng M’tao chỉ sinh được một mình H’Linh nên yêu thương nàng hết mực. M’tao buôn Klail có người bạn thân làm M’tao buôn Yok Đôn phía tây dãy Chư Yang Sin, thuộc vùng thảo nguyên Ea Suop, trong nhà lúc nào cũng có hơn trăm con voi, vài ngàn con ngựa, năm ngàn quân lính. M’tao buôn Yok Đôn cũng sinh được một người con trai khôi ngô tuấn tú, săn bắt voi, ném lao, bắn nỏ… từ xưa đến nay chưa có ai sánh bằng và điều đặc biệt là sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với H’Linh. Hai Mtao thấy các con đều hơn người nên quyết định khi đủ mười bảy mùa rẫy sẽ làm lễ thành hôn cho đôi trẻ. Hàng tháng, nếu Mtao buôn Yok Đôn không dẫn con trai xuống thăm, H’Linh được ama đưa qua bên ấy chơi; đôi trai tài, gái sắc yêu quý nhau lắm, họ chỉ mong đủ tuổi để được làm vợ chồng.

*

* *

Hôm ấy, buổi sáng trời trong xanh không một gơn mây, nàng H’Linh cùng các tùy nữ vào rừng tìm cây lấy sợi về dệt vải; trưa đến nàng cùng người hầu và quân lính dừng lại bên thác Yang Hanh nghỉ. Mấy người tỳ nữ lấy hoa rừng kết thành vòng đặt lên đầu trang điểm cho H’Linh. Trời đang trong xanh, bỗng một tia chớp lóe lên rồi một tiếng nổ inh tai. Gió ở trên các sườn đồi ào ào chạy đến kéo theo lũ mây đen vần vũ che khuất cả bầu trời. Quân lính mời nàng lên ngựa để về. Nàng H’Linh cười bảo:

-Đang mùa khô, tự nhiên có sấm chớp thế này chắc chỉ mưa ít hạt rồi tạnh thôi, không lo đâu; tắm mưa một lúc cũng hay đấy.

Mọi người vâng lời cùng ngồi đợi mưa. Mưa rơi, lúc đầu chỉ vài hạt sau nặng dần, những hạt mưa thi nhau rơi xuống thành dòng. Quân lính và các tùy nữ dùng tay tạt nước vào nhau; tiếng cười, tiếng nói làm lay động cả cánh rừng. Mọi người tắm mưa, nô đùa, còn H’Linh ngồi trên tảng đá nhìn và vỗ tay cổ vũ cho cánh tùy nữ. Mọi người mải vui không hay biết có một đoàn người lạ vừa đến, đang lặng lẽ chứng kiến cảnh vui đùa của quân lính H’Linh. Trời đột ngột tạnh mưa như lúc ập đến. Gió lại ào ào nổi lên. Trên trời những đám mây đen vẫn lầm lì không chịu bay đi. Mọi người đang vui đùa bỗng im bặt khi phát hiện ra đoàn người lạ đứng trong rừng già. Quân lính lao lại cầm giáo mác, cung tên; bọn tùy nữ như bầy ong thợ vội vã chạy lại đứng vòng tròn xung quanh H’Linh. Từ trong rừng, một chàng thanh niên thân hình vạm vỡ, tuổi chừng mười tám mùa trăng, cỡi con voi đực trắng có cặp ngà chéo nhau, đi đến bên khoảng đất trống gần nơi quân lính của H’Linh đang đứng thủ thế chuẩn bị giao chiến thì dừng lại, voi quỳ xuống cho chàng trai bước xuống đất. Người con trai lạ cất tiếng:

- Chào các bạn, mình ở buôn xa đến chơi xin có lời chào tất cả.

- Đất, nước và rừng già là của chung mọi người mà.

H’Linh bước ra trả lời. Chàng trai lạ sững người khi nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp, trên đầu còn đội một vòng hoa trắng tinh khiết, hương thơm ngào ngạt tỏa ra làm rụt luôn cái lưỡi không còn biết nói nữa; đôi mắt mở to hết cở như gặp Yang(1) xuất hiện. Thấy người lạ như bức tượng mới đẽo, H’Linh mỉm cười hỏi thêm:

-Người lạ ở đâu đến và định đi đâu mà qua vùng đất này?

-Tôi… tôi từ bên kia núi… qua bên này núi, đi… đi…!

- Người ở tận Lang Bi Ang qua?

- Đúng thế!

- Định đi đâu mà lại qua đây?

- Đây là đâu?

- Đây là đất của Mtao buôn Klail.

- Tôi… tôi cũng định đến thăm Mtao buôn Klail.

- Đến thăm Mtao có việc gì không?

- Chuyển lời thăm và lời mời Mtao buôn Klail qua thăm Tù trưởng La Ngư Thượng (2).

- Tôi là H’Linh, con gái Mtao buôn Klail, mời chàng về nhà.

H’Linh lên ngựa đi trước cùng quân hầu của mình, còn chàng trai lạ có năm chục con voi, ba trăm con ngựa tía cao lớn nối gót theo sau. Về gần đến buôn, tiếng tù và ngân lên báo hiệu có người lạ đến thăm. Mtao buôn Klail ra đầu cầu thang đứng đợi, thấy đoàn quân của chàng trai lạ tiến vào buôn gươm giáo sáng lòe, đội ngũ như một đoàn quân thiện chiến lấy làm bằng lòng lắm. Chàng trai đến chân cầu thang xuống voi, cúi đầu làm lễ chào, Mtao mời vào nhà nói chuyện. Chàng trai lạ cho quân lính mang lễ vật lên nhà gồm: một gùi trà, hai gùi quả hồng sấy, ba gùi thịt sơn dương khô cùng chín súc vải dệt của người K’ho…

-Chàng trai ở đâu đến mà tặng ta nhiều lễ vật thế?

-Tôi là K’Lang bạp(3) của Tù trưởng La Ngư Thượng thuộc xứ cao nguyên Lâm Viên, nghe tiếng Mtao buôn Klail là người tài giỏi lại rộng bụng nghĩa hiệp nên vâng lời mebèp(4) qua thăm và xin kết nối tình giao hảo.

-        K’Lang đi mấy ngày mới tới được đây?

-        Vừa đủ một bàn tay năm lần mặt trời đi ngủ.

-        Bên ấy có núi cao như bên này không?

-        Cũng giống như bên này, nhưng bên ấy nhiều cây có lá nhỏ hơn.

Mtao buôn Klail ưng bụng lắm mở tiệc thết đãi; mổ năm con bò, mười con heo lớn lại chôn cột đầu buôn buộc rượu mời khách. K’Lang ở lại thăm năm ngày, ngày nào cũng được Mtao bày tiệc thết đãi ân tình, quân lính đôi bên ngả nghiêng bên ché rượu, vui lắm; tiếng chiêng bay vút qua các đỉnh núi vang tận trời xanh đủ năm ngày năm đêm. Thấy nàng H’Linh xinh đẹp, khéo tay, đối xử với mọi người rất vui vẻ càng làm cho lòng K’Lang thêm thầm yêu trộm nhớ muốn lấy làm vợ. Qua ngày thứ sáu, K’Lang ngỏ lời mời Mtao qua thăm Tù trưởng La Ngư Thượng. Mtao nhận lời, mang theo đoàn tùy tùng mười con voi, một trăm con ngựa, cùng con gái H’Linh lên đường. Sau năm ngày trèo đèo, lội suối M’tao buôn Klail đến La Ngư Thượng và được Tù trưởng La Ngư Thượng mở tiệc lớn chiêu đãi. Trong những ngày lưu lại, đích thân Tù trưởng La Ngư Thượng đưa Mtao đi thăm các vùng đất thuộc mình cai quản. Được chứng kiến cảnh vật, đất đai phì nhiêu, cây cỏ xanh tốt và đặc biệt có những hồ nước lớn trong vùng làm M’tao buôn Klail ưng lắm. Riêng H’Linh được K’Lang dẫn đi thăm những vườn hoa có rất nhiều hoa lạ, màu sắc rực rỡ, hương thơm khi nào cũng vây đầy xung quanh. Thăm nơi dệt vải, H’Linh thấy rất nhiều mẫu mới lạ và các sợi dùng để dệt cũng mảnh hơn, óng mượt hơn so với bên nhà nên thích lắm cố hỏi cặn kẽ để học về nhà làm theo. Thấy H’Linh thông minh, ham hiểu biết như vậy, lòng K’Lang càng đắm say không muốn rời xa nàng.

Thời gian thấm thoắt, thoáng một cái đã mười ngày trôi qua, M’tao buôn Klail ngỏ lời xin về. Tù trưởng La Ngư Thượng cố giữ lại thêm mấy ngày, mở tiệc linh đình chia tay. Khi rượu ché túc gần vơi, ché ba gần cạn, Tù trưởng La Ngư Thượng mới ngỏ lời:

-Con gái của Mtao chắc cũng đến tuổi bắt chồng, con trai tôi cũng đã đủ tuổi lấy vợ, chúng ta có thể kết làm thông gia được chăng?

-Ô, chúng ta chỉ có thể kết bạn thôi, còn thông gia thì không được vì H’Linh đã có lời đính ước rồi.

Nghe Mtao trả lời, gương mặt Tù trưởng hơi tối lại, ông ta thở dài rồi nói:

-Chúng nó không có duyên thì đành vậy.

Họ chia tay nhau trong tiếng chiêng tiễn khách và hẹn gặp lại tại buôn Klail.

Thấy Mtao buôn Klail đưa nàng H’Linh về nhà, lòng K’Lang như có lửa đốt, không ăn không ngủ được, muốn xin Tù trưởng cho quân lính qua cướp dâu. Lúc đầu Tù trưởng không ưng, nhưng sau thấy K’Lang không ăn, không ngủ, nằm bẹp một góc nhà nên thương con, buộc phải đồng ý.

*

*   *

   Buổi sáng, ông mặt trời mới thức dậy, người dân buôn Klail chưa kịp nổi lửa nấu ăn đã nghe có tiếng trống trận vang lên dồn dập rồi một đoàn quân từ trong rừng xông ra. Con bạch tượng chéo ngà đi đầu, trên cổ có chàng thanh niên khoác áo giáp bạc, cầm kiếm thép sáng lòe; phía sau có năm trăm con voi chiến, năm ngàn con ngựa và đội lính bộ đông như lá rừng bày trận trước buôn. Mtao buôn Klail vội vã tập hợp một trăm hai mươi con voi, năm trăm con ngựa và toàn bộ trai tráng hơn ngàn người mang cung tên, giáo mác ra đối trận.

Một hồi trống dài vừa dứt, người mặc áo giáp bạc thúc con voi trắng tiến ra phía trước, Mtao buôn Klail cũng thúc voi tiến lên hỏi:

- Tại sao lại đưa quân đến đây?

- Thưa Mtao, hôm nay tôi đến để xin được đón nàng H’Linh về làm vợ.

- H’Linh đã có đính ước, không thể gả cho ngươi được, hãy mang quân về đi.

- Tôi nhất định phải bắt H’Linh về làm vợ!

- Nếu không được thì sao?

- Chiến tranh.

Nàng H’Linh cả đêm thao thức không ngủ được, sáng ra dậy sớm dệt vải nhưng sợi bị đứt, nối được sợi, khung lại gãy làm đôi, lòng như có than hồng. Đang bồn chồn chưa biết nguyên nhân làm sao, bổng nghe trống trận vang lên, nàng giật mình biết điềm chẳng lành nên vội xuống sàn đóng yên vào con ngựa bạch yêu quý rồi theo sau voi Mtao ra trận. Khi nghe K’Lang nói vậy, H’Linh thúc ngựa xông ra:

-Ta đã đính hôn từ nhỏ, xem như đã có chồng sao người còn làm điều càn bậy như thế?

-H’Linh, ta yêu nàng, bất chấp tất cả để bắt nàng làm vợ. Nếu Mtao không bằng lòng, nàng không ưng ý, hôm nay đất này sẽ thành sông máu. Tùy nàng chọn.

H’Linh nước mắt lưng tròng, trong lòng đau xót lắm, thúc ngựa lại bên Mtao:

-Mtao ơi, con yêu Mtao và amí(5) nhiều lắm, nhưng không thể để vì con mà chiến tranh xảy ra, nhiều người vô tội phải chết, biết bao người phụ nữ mất chồng, trẻ con mất cha... Xin Mtao cho con được tự xử.

H’Linh nói xong quay ngựa tiến lên phía trước nói:

-Chỉ vì một người con gái mà chàng đẩy nhiều người vào chỗ chết như vậy là quá tàn nhẫn, chỉ vì cái riêng mà gây họa cho nhiều người, vậy là không tốt. Thôi thì thuận theo ý Yang vậy, nếu chàng đuổi theo bắt được ta trước khi ta đến được buôn của người ta sắp bắt làm chồng, ta sẽ đồng ý làm vợ người. Còn không thì hãy mang quân về, không được gây chuyện binh đao.

          Nghe H’Linh nói vậy, K’Lang mừng lắm nhận lời ngay vì nghĩ: với con bạch tượng nhanh nhẹn này thì chỉ chớp mắt có thể bắt được nàng mang về làm vợ. Ba hồi trống nổi lên vừa dứt, trong tiếng hò reo của quân sỹ hai bên, H’Linh thúc ngựa lao vào cánh rừng ven sông lớn chạy ngược về phía tây. Con ngựa thuận ý chủ, chạy theo con đường nhỏ có nhiều cây to làm con voi kềnh càng luôn phải tránh né cây mới đi được. Ngựa của H’Linh chạy từ sáng qua trưa, sang chiều đến một thác nước thì kiệt sức gục đầu chết; sau này người dân địa phương đặt tên là thác Trinh Nữ. H’Linh không còn ngựa đành tiếp tục chạy bộ; nàng chạy mãi, chạy mãi chân tóe máu, váy rách toạc… đến khi mặt trời xuống núi đi ngủ mới tới một con thác lớn đang gầm thét dữ dội, phía trên có nhiều đá lớn chắn mất đường đi. H’ Linh ngửa mặt nhìn lên trời than:

-Yang ơi, con biết làm sao đây, nếu để K’lang bắt được thì chắc chắn M’tao buôn Yok Đôn sẽ kéo quân đến rửa hận, chiến tranh bao giờ kết thúc, bao nhiều người sẽ chết oan uổng vì con. Con tự nguyện xin được chết để ngăn cuộc chiến tranh vô nghĩa này. Cầu xin Yang cho con được toại nguyện.

Nói dứt lời, H’Linh leo lên hòn đá cao, gieo mình xuống dòng thác. Vừa lúc đó K’Lang thúc voi chạy đến thấy thế hét lên một tiếng hãi hùng. Dòng thác gầm lên, bồng xác nàng đặt lên hòn đá phía dưới chân thác, phun bọt trắng phau vây quanh. K’Lang đứng lặng nhìn xác người mình yêu, trong lòng vô cùng hối hận. Mtao cũng thúc voi chạy đến nhìn thấy xác con vội xuống bế mang về. Dòng thác nơi H’Linh chết được người dân địa phương đặt tên là thác H’Linh.

M’Tao buôn Klail đưa được xác H’Linh về đến buôn; amí H’Linh chạy ra nhìn thấy con đã chết liền thét lên một tiếng ngã vật ra đầu đập vào cầu thang, hồn đi theo Yang luôn. Mtao đau xót, căm giận cánh rừng bên phải dòng sông không tránh đường để con gái đi nên mới phải chết thảm để rồi vợ cũng chết theo; vì thế Mtao không thèm chặt gỗ bên này mà sai quân lính qua bên kia sông xin rừng cho chặt hai cây gỗ quý về làm quan tài cho vợ, cho con. Nhưng lạ thay, hễ quan tài làm xong đưa qua sông thì chìm; lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba… đến lần thứ bảy vẫn chìm. Mtao ngạc nhiên lắm, mới lập đàn cầu xin Yang sông cho mình đưa quan tài về chôn cất cho vợ con. Đêm đến Yang sông hiện về bảo: “Nếu nhà ngươi đồng ý từ nay cho mọi người gọi tên sông là Krông Bông, ta sẽ cho qua”; Mtao bằng lòng. Mờ sáng hôm sau hai cây gỗ lớn không biết ai chặt từ rừng bên trái sông trôi qua bên phải sông; Mtao cho voi kéo về làm quan tài chôn cất cho vợ và con gái. Tang lễ xong, Mtao làm lễ tạ ơn Yang sông và ra lệnh cho mọi người gọi tên sông là Krông Bông vì thế cho đến tận ngày nay người dân nơi đây vẫn gọi dòng sông ấy là Krông Bông – sông Quan Tài.