Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 299 - THÁNG 7 NĂM 2017

Công an tỉnh Đắk Lắk:
ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG
“XÂY DỰNG PHONG CÁCH NGƯỜI CAND
BẢN LĨNH, NHÂN VĂN, VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ”

Đại tá Đoàn Quốc Thư
Phó giám đốc Công an tỉnh



Ngày 19.12.2016, Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 337/KH-BCA-X11 phát động thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ” trong toàn lực lượng. Cuộc vận động là sự cụ thể hóa mục tiêu chiến lược, nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong việc xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng yêu cầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Mục đích, yêu cầu của Cuộc vận động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc từ nhận thức đến hành động của toàn thể cán bộ, chiến sĩ CAND đối với nhiệm vụ xây dựng phong cách, bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng; tư thế, lễ tiết, tác phong, ứng xử văn hóa, văn minh; nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động cũng nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 07 ngày 26.10.2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường lãnh đạo, nâng cao văn hóa ứng xử CAND trong tình hình mới”.
Nhận thức được vị trí và tầm quan trọng của Cuộc vận động, Công an Đắk Lắk đã tập trung xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành nghị quyết lãnh đạo, đồng thời tổ chức Lễ phát động triển khai thực hiện Cuộc vận động trong toàn lực lượng Công an tỉnh. Theo đó để Cuộc vận động thực sự đem lại hiệu quả tích cực, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tổ chức tốt các đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt truyền thống để bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ; xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy CAND; làm tốt công tác tuyên truyền Cuộc vận động, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, công tác tiếp thu ý kiến đóng góp của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đối với lực lượng Công an; tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng của Diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, tổ chức tốt các hoạt động hướng về cơ sở để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân. Qua một thời gian triển khai thực hiện Cuộc vận động, đến nay lực lượng Công an Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tiêu biểu trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, mà kết quả quan trọng hàng đầu là lực lượng Công an tỉnh tiếp tục đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; tổ chức được 5 đợt sinh hoạt chính trị thực hiện Cuộc vận động gắn với học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Việc phát động thi đua thực hiện Cuộc vận động tại các đơn vị được gắn với thực hiện phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” bằng những công trình, phần việc cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình công tác, chiến đấu của từng đơn vị. Đã có 61 tập thể, 129 cá nhân trong toàn Công an tỉnh đăng ký xây dựng điển hình tiên tiến, 47 công trình, phần việc thi đua được tổ chức thực hiện trên tất cả các lĩnh vực công tác. Nhiều công trình, phần việc cụ thể, thiết thực đã ra đời, vừa phục vụ việc thực hiện công tác chuyên môn, vừa để cán bộ, chiến sĩ tự soi mình, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống. Qua việc triển khai thực hiện Cuộc vận động, đã xuất hiện những tập thể, cá nhân điển hình trong xây dựng bản lĩnh, rèn luyện đạo đức, lối sống, được nhân dân viết thư khen ngợi; toàn Công an tỉnh có 60 tập thể, 377 cá nhân được các cấp khen thưởng đột xuất về thành tích xuất sắc trên các mặt công tác.
Nổi bật nhất trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động của lực lượng Công an tỉnh chính là việc tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả phong trào “Công an Đắk Lắk hướng về cơ sở, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân”. Đây là phong trào đã được Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh phát động từ năm 2005 với nhiều công trình, phần việc ý nghĩa, thiết thực, trở thành một trong những hoạt động truyền thống tốt đẹp của lực lượng Công an Đắk Lắk, được các cấp chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ tính riêng 6 tháng triển khai thực hiện Cuộc vận động, các đơn vị trong toàn Công an tỉnh đã tổ chức hơn 40 đợt hoạt động hướng về cơ sở, quyên góp, vận động, phối hợp với các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thăm tặng quà, khám bệnh phát thuốc, xây nhà tình nghĩa, lao động giúp dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… với tổng số tiền trên 2,4 tỷ đồng. Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật trong phong trào như: Tổ chức thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người nghèo vùng sâu, vùng xa, buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lao động giúp dân nạo vét kênh mương, tu sửa đường, dọn vệ sinh thôn, buôn nhân dịp Tết Nguyên đán; xây dựng công trình cấp nước sạch và công trình nhà vệ sinh cho nhân dân xã Ea Trang, huyện M’Đrắk; xây lớp học tình thương cho các cháu mẫu giáo tại xã Ea Đah, huyện Krông Năng và buôn Lúk, xã Ea Kuêh, huyện Cư Mgar; tổ chức các đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo tại các buôn làng vùng sâu, vùng xa trong tỉnh; tổ chức bữa ăn từ thiện với hàng ngàn suất ăn miễn phí tại Bệnh viện đa khoa tỉnh; tặng bò, làm đường, nạo vét kênh mương tại buôn kết nghĩa… Các hoạt động này luôn thu hút được hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng tham gia, nhất là đoàn viên, thanh niên, qua đó cán bộ, chiến sĩ có điều kiện thâm nhập thực tế, để thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của người dân; từ đó chuyển biến trong nhận thức, nâng cao ý thức tự rèn luyện nhân cách, đạo đức, lối sống, gần dân, trọng dân, vì nhân dân phục vụ cho cán bộ chiến sĩ. Từ các hoạt động hướng về cơ sở, đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ tận tụy phục vụ nhân dân, được nhân dân tin yêu, mến phục và tạo điều kiện giúp đỡ rất nhiều trong công tác. Nhiều đồng chí đã thực sự gắn bó “ba cùng” với buôn làng, am hiểu phong tục tập quán và đã đóng góp những kết quả quan trọng trong việc tham mưu cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an các cấp và bà con nhân dân giữ vững ổn định an ninh trật tự tại cơ sở, tham gia hòa giải mâu thuẫn xã hội, giúp đỡ bà con nhân dân phát triển kinh tế. Các hoạt động này đã đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần cụ thể hóa một cách thực chất việc học tập tư tưởng gần dân, sát dân vì nhân dân phục vụ của Bác Hồ, xây dựng hình ảnh đẹp, đậm chất nhân văn của người chiến sĩ Công an Đắk Lắk trong lòng nhân dân.

Phát huy những kết quả bước đầu, để Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” thực sự đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả tích cực hơn nữa, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Công an, Công an tỉnh đã đề ra, đồng thời, tập trung theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện bản cam kết rèn luyện đạo đức, lối sống của từng cán bộ chiến sĩ; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Cuộc vận động qua nhiều kênh, đến nhiều tầng lớp xã hội, tập trung xây dựng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên tất cả các lĩnh vực để tuyên truyền nhân rộng trong nội bộ và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức phù hợp với tình hình thực tế công tác, chiến đấu của từng đơn vị; tổ chức thực hiện các chuẩn mực gắn với các chế tài xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, duy trì, tổ chức có hiệu quả diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến của Nhân dân”. Mọi nỗ lực, cố gắng của lực lượng Công an tỉnh trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động nói riêng, trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng nói chung đều hướng đến một mục tiêu vì nhân dân phục vụ và làm sao để ngày càng được dân tin, dân yêu nhiều hơn nữa.

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 299 - THÁNG 7 NĂM 2017 tác giả TRẦN BĂNG KHUÊ




NHỮNG KẺ THÍCH ĐÙA VỚI LỬA
truyện ngắn

1.
Tối.
Rất tối.
Tối như đêm ba mươi.
Ông quờ quạng những ngón tay như một kẻ mù lòa giữa không gian sâu thẳm dày đặc hơi ẩm mốc của cơn mưa vừa ngớt bốc lên từ dưới mặt đất. Trong cơn say lảo đảo trở về giữa khuya nơi con đường vắng, ông vừa loạng choạng bước từng bước một vừa ngẫm ngợi về thứ mà người ta vẫn thường gọi là bóng tối. Bình thường lối về của ông vẫn có những ngọn đèn đường loang loáng, hoặc đám xe cộ phóng bạt mạng chiếu đèn bấm còi inh ỏi, làm phiền sự yên ắng tĩnh lặng thời khắc chỉ dành cho việc thư giãn và nghỉ ngơi. Nhưng, hôm nay, cái đêm hôm nay thật lạ kỳ. Ông không nghe dù chỉ bất giác một âm thanh nào đó vút qua trên lòng đường ấy, ngay giữa thành phố ngợp ngụa sự hào nhoáng chật chội này. Ông chỉ nghe mỗi tiếng dạ dày ọc ạch đói rã sôi réo liên hồi bởi mấy cốc rượu gã vừa uống trong quán bar ấy. Ông không nghiện rượu, ông tự biện bạch rằng, mình chưa bao giờ nghiện rượu. Nhưng, thật ra thì ông nghiện thứ nước uống cay cay nồng nồng, và sắc màu loang loáng những ảo ảnh lúc đen, lúc đỏ, lúc rạng ngời như cảm giác hưng phấn sau mỗi cơn say. Ông chẳng hề muốn trở về nhà. Nơi đó, không ai muốn đón tiếp ông. Vợ ông, những cô con gái của ông. À, ông có tới bốn cô con gái. Vợ ông nữa là năm. Lý do họ không muốn đón tiếp ông quả là rất buồn cười, nói ra thật rất buồn cười, như những câu chuyện buồn cười ở nơi ông đang sống.
Nơi ông sống có nhiều chuyện buồn cười lắm.
Chậc, toàn những chuyện buồn cười đến ngốc nghếch.
Ông không muốn định nghĩa bằng bất cứ thứ ý nghĩ quỷ quái nào về vài sự vụ đáng buồn cười, bởi chúng, với gã, “chúng…”, ông lấp lửng một mình cùng những bước chân xiêu vẹo, [con người nhếch vành môi hà hơi rượu hòa vào không khí, mắt nheo lại rồi phụt một phát vào vỉa hè].
Chẳng thể nào kiềm chế nổi cơn buồn nôn này.
Vợ ông không thích rượu, không thích men rượu nồng nặc đó. Nàng, ngày xưa khác bây giờ. Nàng ngày xưa từng thì thầm rằng thì là mà, “một chút men nồng sẽ khiến anh quyến rũ hơn”.
Những đứa con gái của ông cũng vậy, lúc nhỏ, chúng hồn nhiên đùa giỡn với ông, bứt râu ông, mỗi lần ông say. Nhưng, giờ đây, chúng đã khác. Có thể, họ giống nhau. Vài lần, ông không đùa bỡn với chúng, ông nhớ vợ gã càm ràm sau khi tỉnh. Chúng không dám đùa giỡn với ông nữa từ đó, cho đến khi lớn phổng.
Chúng nghĩ ai uống rượu đều xấu xí. Buồn. Không hẳn là ông buồn chúng. Ông buồn về những thứ khác. Những thứ bủa vây vô hình gần như cả cuộc đời, khiến ông chẳng thể nào yên lòng yêu thương, hoặc sống hồn nhiên như thời tuổi trẻ.
Ông nghiêng ngả, rồi bật cười. Đường về rất tối. Chắc giờ này, các cô nàng của ông đều nấp trong những góc giường. Hẳn là, chẳng ai đón ông.
Ông khề khà hít thở, phả vào không khí vài hơi, rồi thủng thẳng, rượu rất thơm.
Tối nay, ông về nhà sớm hơn mọi lần, men rượu cũng ít hơn.Tầm mười giờ, đường đã vắng hoe. Phố thậm thụt những cơn rền rĩ chậm chạp dưới vỉa hè hoang lạnh. Mưa lất phất. Rồi bất ngờ sầm sập hất cạn sự giận dỗi từ bầu trời đêm xuống mặt đường, xuống những mái nhà, xuống đầu gã. Mưa ở đây rất lạ. Chúng không kéo dài, chỉ trút hết một lần rồi thôi, rồi khô ráo tạnh hẳn như chưa bao giờ mưa, như người ta chỉ sống một đêm rồi chết vậy. Ông ngước mắt nhìn sâu vào đêm và phát hiện ra, bóng tối, chúng hiển hiện trong những đám mây, những cành cây, ngọn cỏ, trên những con sông, trên những mặt nước đã tan bọt sóng. Bóng tối loang sâu vào trong tiềm thức của những khuôn mặt đã bị biến dạng không rõ hình thù là người hay quỷ hoặc chỉ đơn thuần là một đôi mắt mèo hoang co cụm lại, vàng như ánh đèn pha trên mái nhà lạnh lẽo cô độc. 
Bóng tối hẳn là sống dai lắm”.
Ông nghĩ ngợi mông lung theo những bước chân chầm chậm. Phía trước là con hẻm nhỏ rẽ vào nhà ông, sắp tới rồi. Cơn say không dồn đuổi. Chỉ bóng tối dồn đuổi con người.
Dưới chân ông lạo xạo. Hình như là đá.
Sáng nay, đến cơ quan, ông đã thấy người ta rải đá dăm chuẩn bị đổ lại con đường nhựa cho mới. Đá chắc hẳn cũng màu đen. Cùng với nước.
Thứ nước đen chưa trôi tuột xuống cống.
Hẳn là cống lại bị tắc bởi rác.
Vẫn đang mùa mưa.
Thì phải mưa thôi.
Vừa mới có một trận mưa khá lớn. Nước chưa kịp xuôi xuống cống. Bao giờ chẳng thế. Mấy mươi năm rồi, nước vẫn ứ đọng lênh láng trên mặt đường như vậy khi không thể xuôi xuống cống. Cái lỗ cống nhỏ bé. Cái lỗ cống đen ngòm. Rác và nước mỗi lần mùa mưa. Cống nghẽn những rác. Rác khắp nơi. Rác cũng đen như bóng tối. Rác ngập ngụa bốc mùi xú uế nặng mũi. Rác cũng len lỏi trong các ngõ ngách.Rác có mặt ở khắp mọi nơi. Ở đâu có người, ở đó có rác. Lạ thật.
Gần sáu mươi năm tuổi. Ông vẫn khật khưỡng trong những cơn say chỉ để tìm kiếm phương cách đốt cháy một thứ gì đó không hiện rõ hình thù, hoặc giả chúng hiện rõ đấy, nhưng vài mồi lửa không thể nào thiêu cháy được nó.
2. Gã vẫn chưa tới quán bar quen thuộc, nơi gã vẫn thường xuyên làm bạn với cái góc tối dưới ánh đèn mờ ảo đó cùng một cốc rượu vàng chanh đã được pha loãng. Gã chỉ có thể uống thứ rượu đó. Vừa đủ men để gã bung biêng với những miền tối-sáng chập chờn không được hoàn thành trên khung giấy nào đó. Những bức tranh không được vẽ ra, những nước màu ẩn hiện khiến gã thấy đôi bàn tay bất lực của mình trở nên thừa thãi. Chúng bao vây, nhốt chặt linh hồn gã trong đáy cốc này.
Gã dốc ngược chiếc cốc xuống bàn rượu rồi nhắm mắt lại, lẩm bẩm một mình. Phía đối diện gã, hình như cũng có một lão già đang lơ lửng trên mây với những cốc rượu màu vàng pha thì phải. Gã ngước mắt nhìn liếc sang, rồi hờ hững trở về với cốc rượu đã cạn đáy của mình. Giai điệu vờ vịt già nua này đang gầm gừ trong từng sợi tóc gã. Nhức buốt. Chúng hành hạ gã thường xuyên, chẳng phải thi thoảng. Chúng bủa lưới diễn trò trước mắt gã, bôi từng lớp nhọ đen bóng lên mặt gã. Lắm lúc, chúng khiến gã bực bội đến mức chỉ mong muốn làm một việc gì đó, một hành động nào đó có thể xua tan những ảo giác về nó. Giá, lửa có thể đốt cháy được những thứ không hiện hữu.
Chàng bartender bước đến, đưa tay lay lay bờ vai. Gã nghe tiếng gọi, nhưng không xác định được điểm rơi của giọng nói. Chúng đến từ đâu đó. Tiếng gọi ấy mà, chúng thường xuyên làm phiền gã vào những lúc này, khi gã ngà ngà mấp máy môi nói chuyện với bức tường đêm. Tiếng gọi trôi trong thinh không. Tiếng gọi ảo vọng chập chờn trong đáy cốc. Bất chợt gã quờ tay xuống cạnh bàn, vin vào bóng tối đứng dậy, bước lảo đảo ra cửa. Cánh cửa khép lại sau lưng gã. Chúng đã khép lại sau lưng gã. Vĩnh viễn.
Mùa xuân luôn là thời khắc khiến gã hãi sợ, căm ghét nhất. Chúng nhạt thếch. Gã nghĩ, chúng chẳng tươi đẹp gì đối với nỗi cô đơn vạn kiếp ẩn trong sâu thẳm linh hồn gã, và kể cả ngay chính nơi gã sống. Bầy hoa cỏ xanh mơn mởn chỉ như một thứ sắc màu lừa dối tuyệt diệu khi gã không thể cảm nhận được trọn vẹn về thứ bao kẻ vẫn nhơn nhởn ngợi ca. Tình yêu là gì chứ? Gã không tin vào tình yêu lắm.
Gã nghĩ đến những bầu trời rực rỡ. Có vẻ như gã thích mùa hè hơn. Nhưng, nơi gã sống, mùa hè lại thường có mưa to và sấm. Bóng tối ẩn trong những cơn gió buốt lạnh âm u hẳn phải đến từ đó. Gã thờ thẩn buông lời khó hiểu như kẻ đi hoang trong giấc mộng: Ta, chính ta không một ai khác cùng với bóng tối nữa, haha, bất tử. Ta là bóng tối. Bóng tối là ta. Bất tử.
Gã ghét sự phán quyết. Chẳng một ai có quyền phán xét. Về gã. Về bóng tối. Về tất thảy những cơn gió độc giữa đêm đang xô gã nghiêng ngã vào khoảnh khắc này. Khoảnh khắc gã nhớ ra, gã từng là một con người. Hẳn là, gã chưa bao giờ muốn làm người. Hoặc giả, nếu là một con người, gã sẽ không trở thành bóng tối. Gã chẳng cần sự bất tử. Nhưng, đáng tiếc thay, gã đã từng là một con người, một thực thể tồn tại trong cõi u mê luôn khát thèm sự bất tử. Những kẻ bất tử, hẳn sẽ cô đơn lắm. Ai đối mặt được với nỗi cô đơn, kẻ ấy bất tử. Như bóng tối vậy.
Đôi chân gã chếch choáng rảo bước trên miền thăm thẳm của đêm. Bất giác gã thèm muốn được khóc. Có khi, gã nghĩ khóc sẽ khiến gã bớt đi nỗi niềm cô độc. Rất nhiều lần gã leo lên đỉnh đồi ấy để nhìn về hướng mặt trời mọc vào mỗi buổi sáng. Nhưng, gã không bao giờ tìm thấy ánh sáng lấp lánh. Chúng là thứ ánh sáng tinh khiết. Chúng lấp lánh như những vì sao mà gã từng mơ ước. Mặt trời sẽ lên. Và, ánh sáng sẽ chơi trò trốn nấp với gã. Bóng tối bất tử. Như gã. Một kẻ lữ hành cô độc nghiện uống những cốc rượu đỏ giữa đêm.
Nơi nào cũng thăm thẳm. Dù gã chưa say, chưa hề say bao giờ. Vài cốc rượu đỏ sao có thể khiến gã say dưới những con đường này. Con đường dưới chân gã bất giác nhấp nhô lượn sóng. Chúng xô gót gã nghiêng lệch, chập choạng. Những tiếng hét. Gã nghe những tiếng hét. Lạ kì. Chẳng có một ai, sao lại có những tiếng hét. Chúng đến từ đâu? Gã lè nhè: “Đừng hét la. Hỡi đám đông rồ dại đừng hét la. Tối, ở đây rất tối. Cho tôi mượn cái đèn pin. Tôi sẽ bật nó lên và dò tìm hướng ra thay vì ngước mặt về phía núi.”
Từ đâu đó vọng vào tai gã câu trả lời.
“Núi đâu còn nữa. Núi chỉ là một nấm mộ không có tóc khổng lồ.”
Gã tiếp tục vừa nghĩ về cốc rượu vàng, vừa lè nhè lặp lại như một cuộc trò chuyện vô thức với thứ âm thanh ấy.
“Đừng hét la. Hỡi đám đông rồ dại đừng hét la. Tối, ở đây rất tối. Cho tôi mượn cái đèn pin. Tôi sẽ bật nó lên và dò tìm hướng ra thay vì ngước mặt về phía núi.” Rồi, gã bất ngờ nói tiếp: “Nhưng, lần này, tôi lại muốn đi về phía biển”.
Tiếng nói rồ lên giận dữ: “Biển ở đâu? Biển nằm ở phía nào?”.
Gã loạng choạng, ngồi thụp xuống, úp mặt vào đầu gối. Bật khóc.
Tiếng khóc của gã vang vọng kéo dài rồi đứt quãng như những cơn sóng sầm sập xô vào bờ cát, dịu nhẹ dần dần cho đến lúc im bặt hẳn. Gã vẫn cúi đầu rì rầm như kẻ đang quỳ xuống chắp tay cầu nguyện những lời của bóng tối.
“Ai vỗ. Ai vỗ. Ai ai đang vỗ? Sóng vỗ. Sóng vỗ. Vào bờ. Bờ đau. Cát đau. Rát. Như máu đổ xuống biển sâu.”
Vẫn âm thanh ấy đáp lại lời gã, trong nỗi niềm cô độc hoang mang. Chỉ khác, âm thanh ấy đã chuyển thành tiết tấu có giai điệu. Đó là tiếng hát. Tiếng hát trầm đục cất cao, nhưng không thèm hạ tông rồi đứt quãng mắc kẹt tại khoảng trống đang vây ráp quyết chẳng buông tha cho gã, cho tất thảy mọi mái nhà im lìm ngoan hiền trong cơn say giấc.
Tay vỗ. Tay vỗ tay. Tay vỗ vào lòng bàn tay. Bỏng rát. Bàn tay mỏng. Bàn tay dày. Bàn tay xương gầy. Bàn tay chỏng chơ nổi đầy những đường máu chảy. Bàn tay sưng tấy. Ai vỗ. Ai vỗ. Vào đêm. Đêm sâu. Nghe rất đau. Bàn tay chảy máu.”
3. Bóng tối vây quanh một thứ hình thù nào đó đang xõa tóc rũ rượi. Bóng tối chăm chú quan sát, tự đoán định rằng “hẳn cái khối hình hài ấy là một gã đàn ông”, rồi phủ quyết ngay lập tức ý nghĩ ấy “đàn bà chứ nhỉ?”. Bóng tối không thể xác thực rõ rệt về thứ ấy, hình hài vẫy vùng trong lặng lẽ câm nín tù mù. Dưới chân bóng tối, vẫn là kẻ xõa tóc rũ rượi, cúi gằm mặt úp trong lòng bàn tay. Rồi bóng tối lờ mờ nhận ra rằng, hình như có ai đó vừa mới đốt lên một đống lửa. Chắc hẳn nó cần ánh sáng. Bóng tối cau có, nhăn nhúm thì thào, “ánh sáng sẽ tiêu diệt ta mất thôi”.
“Lửa hãy tàn tro đi, lửa hãy tàn tro đi”.
Bóng tối lặp đi lặp lại những lời nguyền rủa.
Lửa tàn. Lửa bắt đầu tàn dần. Lửa chỉ còn lại một gam màu xám xịt. Lời nguyền rủa của bóng tối vẫn luôn luôn có hiệu lực hoặc ngay lập tức hoặc sẽ chờ đợi đến lúc. Và, cái khối người lù lù không rời khỏi vị trí ấy hình như đã bắt đầu chuyển động. Bóng tối nghĩ rằng đã nhận ra gã. Một kẻ thường xuyên đến đoạn đường này vào giữa đêm chỉ để gào khóc, la hét tìm gọi mặt trời, gọi ánh sáng. Gã thật nham nhở và đầy hoang tưởng. Hắn quá ngốc nghếch. Bóng tối bất tử. “Con người luôn tự huyễn hoặc chính mình, hòng cầu mong lấy sự bất tử như ta ư? Không thể được, chắc hẳn thế.”Sống tức là chết. Chết mới là bất tử. Muốn trở nên bất tử, cần phải chết một lần.
Đêm nay, gã lại đến đây, lặp lại những hành động cũ. Gã tiếp tục chơi trò đốt lửa. “chẳng ai có thể đốt lên một đống lửa và xua đuổi ta vĩnh viễn được”, bóng tối chợt nghĩ. Nhưng, kìa, gã đang làm gì ấy nhỉ? Bóng tối nhìn thấy đôi con ngươi của gã rực đỏ. Chúng đã chuyển sang màu đỏ. Bóng tối sẽ chẳng bao giờ sợ hãi màu đỏ. “Dứt khoát tôi sẽ chẳng bao giờ sợ những màu đỏ của các người”, bóng tối nghĩ thầm. Chúng cũng chỉ là màu của máu, không phải ánh sáng. Bóng tối hét toáng lên bên tai hắn: “đêm là của ta, của ta, của…”.
Không kịp, tiếng hét của bóng tối bị ngắt quãng khi đôi con ngươi của gã đã hóa thành rất nhiều đốm lửa đỏ bay nhảy rộn rã như mở cuộc vũ hội của ánh sáng trong đêm. Sau đó, thêm nhiều kẻ như gã xuất hiện. Chúng hát, chúng gào thét, chúng vỗ tay vào nhau vang động, dội vào từng vách rừng, vách núi.
Bóng tối cảm thấy dường như mình đang bị những đốm lửa đỏ ấy đốt nóng, thiêu cháy từng phần một. Chúng sẽ chơi trò này cho đến khi mặt trời mọc chăng? Bóng tối bật khóc. Hóa ra, bóng tối biết khóc. Tiếng khóc hốt hoảng. Tiếng khóc à ơi. Tiếng khóc chơi vơi. Kẻ ấy, gã đấy, gã bất ngờ không hát, không thét gào nữa, gã ngồi xuống, và lặng im nhìn ngọn lửa, nốc chai rượu đang cầm trên tay.
Màu rượu vàng như mắt mèo hoang. Lạnh.
Tối nay, gã không về nhà.
4. Những đốm lửa nhỏ nổ tí tách cho đến khi lịm dần thành màu của tro than.
Bóng tối loang dần, có tiếng cười rờn rợn vang vọng lại sau vách núi giữa đêm sâu hun hút, ngay con dốc vắng vẻ thường xuyên xuất hiện một kẻ thích uống rượu vàng và sau đó cúi gằm mặt, bật khóc.
Tôi đã nhìn thấy chúng, những ngọn lửa được ai đó đốt lên, những khuôn mặt đỏ gay của vài kẻ rệu rã bước đi trong hơi men nồng nặc. Chắc chắn là rượu đỏ, chẳng phải rượu vàng. Rượu vàng, hay đỏ cũng đều có thể khiến cho máu họ sôi lên. Tôi khẳng định thế. Nhưng, ngay sau đó lại khập khiễng ngơ ngác trước những khuôn mặt họ chẳng thể dừ lên như than hồng trong lò gốm. Tôi sợ lửa đến phát khiếp. Lửa mê đắm với luồng ý nghĩ sẽ đốt cháy tôi như một trò chơi bất kỳ lúc nào.
Tôi đã nhìn thấy chúng, những đốm lửa tàn dần từ ngọn lửa từng được đốt lên. Và, tôi đã nghe tiếng chúng, tiếng của ngọn lửa, đốm lửa, tiếng của những kẻ lạ mặt xuyên qua bức tường đêm, ở lại bên tôi, bên trong giấc mơ của tôi. Đốm lửa ấy đã hát, chúng hát nghêu ngao với tôi. Chúng gào thét vang vọng những lời chỉ dẫn từ mặt đất tàn tạ,“Cao. Cao cung lên. Cao. Cao cung lên”. Chúng khiến tôi nhớ tiếng hát vang vọng từ những mái vòm hoang hoải. “Cao cung lên. Hỡi các con. Trời đổ sầm. Trời lao xuống vực. Nằm im.”
Những đêm sâu sầu muộn đầy mộng mị. Tôi vẫn thường nằm mơ về một gã đàn ông lạ. Hắn thường chơi trò đốt xác bóng tối bằng một đôi mắt đầy lửa. Giấc mơ của tôi, giấc mơ về những vì sao lấp lánh trên bầu trời đêm tuyệt diệu đã bị gã đàn ông khờ dại ngồi trên núi kia bóp chết.
Tôi vẫn sống về đêm.
Tôi vẫn tồn tại về đêm với những giấc mơ hoang lạnh từ trên mái nhà. Nhưng, thi thoảng, tôi vẫn làm vài cuộc dạo chơi giữa ban ngày.
Đêm và ngày ư? Đêm sẽ hóa thành ngày. Đêm sẽ tan lẫn vào ngày nếu muốn.
Tôi là bóng tối.
Làm sao họ có thể đốt xác bóng tối bằng những cơn say.
Tôi tự vấn, nhưng vẫn cảm thấy nỗi sợ hãi nào đó chập chờn trong những cơn say của họ. Tôi sợ hãi thay cho họ. Nếu họ không tỉnh dậy, tôi sẽ lan tỏa, tôi sẽ chiếm ngự lấy cuộc sống này, mảnh đất tươi đẹp này. Và, dĩ nhiên, họ sẽ trở thành nô lệ của tôi, sớm thôi.
Nỗi ám ảnh hiện tồn đầy lắng lo ấy khiến tôi trở nên u uất, thường lặp đi lặp những lời khó hiểu mỗi lần mặt trời thức giấc và xua đuổi tôi. “Kẻ đang xõa tóc. Lặng im. Xõa tóc. Lặng im. Gối đầu lên đôi bàn tay màu đen. Bầu trời vừa lao xuống vực nằm mơ một cái chết bình yên”.
5. Gã ngồi chồm hổm nhìn quanh quất khu nhà đã cháy hoang tàn tứ bề. Trên những bức tường loang lổ chỉ còn sót lại các loại dấu vết. Gã tiếp tục đốt lửa. Lửa loang đỏ như máu. Gã ngồi đốt lửa. Gã ngồi đốt nốt những bức tranh đang cháy dở dang. Gã thèm khát gì chúng. Chúng không cứu rỗi được linh hồn tràn ngập bóng tối của gã. Gã phì phèo điếu thuốc trên tay, rồi thì thào, “ta chỉ đốt đêm sâu”.
Gã đốt những bàn tay xương xẩu, hoặc vài thứ sắc màu ủy mị phỉnh lừa. Gã đốt. Đốt. Và đốt. Não gã phồng lên, cuộn sóng. Ước chừng như những cơn đại hồng thủy đang tràn đến.
Tiếng lửa reo.
Reo ở đâu?
Tiếng nước sôi?
Sôi ở đâu?
Gã…
…chỉ đốt lửa, không thể đốt nước.
Gã chăm chú quan sát lão già kia. Cái lão già hẳn chưa đến sáu mươi tuổi đang nằm bên vệ đường, gần nhà gã. Lão già cùng uống thứ rượu vàng pha màu mắt mèo trong quán bar với gã. Lão già luôn khề khà khoe khoang về những người đàn bà với ông chủ quán mà gã nghe loáng thoáng. Có rất nhiều đàn bà trong ngôi nhà của lão. Những người đàn bà buồn. Tối qua, gã nghe những tiếng khóc. Tối qua gã nhìn thấy ngôi nhà của lão bốc khói. Khói ngợp ngụa xì ra từ các ngóc ngách của khối bê tông cũ kỹ. Người ta đã kịp thời dập tắt đám cháy. Nhưng, hẳn là đã có vài sự tổn thương nào đó khi lửa bốc lên.
Gã từng nghĩ, hẳn là gã sẽ khó trở thành một người đàn ông tốt, một người chồng người cha tốt như lão ấy. Gã không lập gia đình. Gã sống với những bức tranh. Gã sống với trí tưởng tượng và cơn say khật khưỡng. Bóng tối vây quanh gã đều đặn, thường xuyên khiến gã cảm thấy quen thuộc, rồi mến yêu nó. Ấy vậy, mà bây giờ, gã đang ngồi đây, giữa đống tro tàn, chỉ để đốt cháy đến tàn lụi từng mảnh xác của bóng tối và mơ về một mái ấm, về những đứa con gái xinh xắn.
Mặt trời sáng sủa, lừa phỉnh đều đặn mỗi ngày.
Mặt trời xuyên tim. Gã không cần thứ ánh sáng xuyên tim một cách bỡn cợt ấy.
Bất giác gã lại nhớ về một kẻ xa lạ khác, trong giấc chiêm bao của mình. Con người rõ ràng trần trụi bằng xương bằng thịt, ngồi gục đầu xuống gối tìm kiếm lửa. Gã biết, chỉ kẻ đó, mỗi kẻ đó mới có thể đốt xác bóng tối. Gã chợt nghĩ, trong khi kẻ ấy ngồi đốt xác bóng tối, gã lại biến mất hút lên núi, chơi vơi giữa những khung tranh lem luốc màu nước, khờ dại tìm kiếm những vị thần mang dáng dấp xác thịt của con người. Thánh nhân ơi. Gã khù khờ quá đỗi.
Đấy, nhìn thấy chưa? Thánh nhân ơi, bóng tối đã cháy, từng mảnh một đã bị xé tan trong gió, đã bén hơi lửa rất ngọt, như đôi lứa xứng đôi bén duyên nhau trong lò gạch cũ. Gã thì thào rồi ngồi xuống bên cạnh hắn. “Thử xem nào”, kẻ xa lạ kia quay sang nhìn gã, rồi gỡ múi tóc rối bù của người đàn bà cúi gằm mặt xuống đất thì thào“mồi đây, củi khô mục đây, lửa đó, đã sẵn sàng. Châm đi, đốt đi. Bóng tối sẽ cháy loang. Bóng tối sẽ chết lịm ngay lập tức trong đêm hoang dại này thôi. Tôi sẽ biến mất ngay lập tức thôi. Nhưng tôi sẽ trở lại.”
6. Bóng tối vẫn còn vây quanh ngọn núi.
Đêm sâu thẳm, toàn lực hút tất thảy mọi thứ xuống lòng vực, nhốt chặt. Bóng tối dằn từng âm thanh cuối cùng vào đêm. Phủ lên đồi trọc bức màn gai vô hình. Đám côn trùng rỉ rả khóc than cho những cơn mất ngủ. Chúng sẽ khóc đến sáng. Chúng sẽ đợi mặt trời lên để nhường chỗ cho đám chim chóc hót ca luyện giọng dưới những tán cây thưa thớt lá.
Bóng tối vẫn vật vờ nghi hoặc, tự hỏi về một kẻ lạ hằng đêm ngồi đốt lửa và ôm mặt khóc.
“Tóc dài. Không thể là một gã đàn ông”.
Để râu. Đàn ông thì có râu. Đàn ông chắc hẳn chẳng sai khác được.
[Đàn bà, râu mọc ngược]
Bóng tối mệt nhoài, lẫn lộn những suy đoán, gắt gỏng quở trách:
“Ôi thế giới loài người đầy mệt mỏi. Sao phải tìm cách đốt xác ta cho phí hoài công sức của các ngươi?”
Bóng tối gào lên “Râu, tóc, tóc, râu. Ồ, râu màu đen, tóc cũng màu đen. Râu và tóc. Tóc và râu. Quấn lấy nhau rũ rượi trong lửa. Chúng bay chết. Ta sống. Ta bất tử, bất tử, haha”.
Đêm lửa cháy.
Đêm lửa hát.
Đêm lửa cuồng quay.
Đêm lửa hoang lạnh rờn rợn từng mạch máu. “gã, chính gã đây rồi. Đêm nay gã trai ấy lại rủ rê một ai khác nữa đến nơi này cùng chơi trò đốt xác bóng tối chăng? Nhìn xem, gã lại khật khưởng, phả hơi men vào khoảng tối. Lòng gã đầy những hoài nghi.”
Mặt trời đã lên.
Chúng vẫn thường xuyên bày trò, quyến rũ bằng cách lấp ló những tia sáng đầu tiên, những tia sáng không hề dịu dàng của buổi ban ngày như người ta vẫn hằng mơ tưởng về một bầu trời xám ngoét nhạt thếch. Ở đó có những gã đàn ông vẫn viển vông đi hoang trong đêm, chỉ để tìm kiếm sự lấp lánh phỉnh lừa cũ kỹ.


Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 299 - THÁNG 7 NĂM 2017 tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO





                                                      NGƯỜI Ở LẠI SÂN GA
                                                                                                                                
                                   Truyện ngắn



Từ Nha Trang ra Quy Nhơn là một đoạn đường ngắn, thường xuyên có xe đi về, anh có thể ra đứng ở quốc lộ và vẫy bất cứ chiếc xe nào. Nhưng anh không làm vậy, cứ có dịp để đi, là anh ra ga, mua vé tàu. Anh thích đi tàu, chỉ để nhìn những con tàu rời ga, chỉ để nhìn đường ray dài hun hút, và ngồi trên tàu, để nghe tiếng xình xịch rầm rập dưới chân mình. Những lúc như thế, anh nhớ con gái. Hình như gần hai mươi năm rồi, anh không gặp nó. Anh không rõ vì điều gì, nó khiến cho một mối tình thâm gần như rơi vào quên lãng, gần như bị xóa đi trên cõi đời này.
Ngày đó, con gái anh hai mươi tuổi, anh vừa bốn mươi. Anh thương nó nên dù cuộc hôn nhân không hạnh phúc, anh vẫn cố cắn răng mà sống cho đến ngày nó trưởng thành. Khi nó chính thức thông báo rằng con sẽ ra sống riêng, anh cảm thấy hình như anh đã mất gia đình rồi, bởi chính anh, anh sống trong ngôi nhà này suốt mấy chục năm qua là vì nó. Nhưng sống ở châu Âu, con cái sau mười tám tuổi không thích sống cùng cha mẹ nữa, chúng tự lập, khi nào cần tiền hay khó khăn gì chúng mới chạy về nhờ giúp đỡ. Con bé được giáo dục ở môi trường ấy nên nó cũng không sống khác đi được, anh buộc chấp nhận điều đó. Và sau hơn hai mươi năm sống ở Đức, anh buộc phải loại bỏ tư duy áp đặt lên con cái mà cần tôn trọng quyết định của con anh.
Anh cảm thấy sốc trước quyết định đó của nó, anh không ngờ con bé lớn nhanh quá, lớn nhanh hơn anh nghĩ rất nhiều. Trước ngày nó đi, anh ngồi thẫn thờ trước con bé.
- Con có thể... ở lại với mẹ được không?
- Tại sao hả ba? Ba cũng định đi hay sao?
Cổ họng anh như nghẹn lại, anh khẽ gật đầu.
- Con biết đó, suốt hơn mười năm qua, ba ở lại là vì con, ba mẹ đã...
Hình như con bé cố nuốt sự đau đớn vào ngực mình, nó nhìn anh không chớp mắt.
- Con biết điều đó, ba à!
Anh giật nảy mình.
- Con biết?
- Phải, con biết! Nhưng con có cuộc sống của con, ba hãy ở lại, đừng bỏ mẹ một mình!
Cuộc nói chuyện giữa hai cha con đến đó bị ngăn lại, con bé có quyết định của nó, và anh không biết nên quyết định cho mình ra sao.
Ngày cuối cùng, nó thu dọn đồ đạc gọn gàng trong một chiếc vali mà không nói câu nào. Mẹ nó ngồi lì trong phòng, hình như bà cũng không chấp nhận được một sự đổ vỡ dù bà biết trước nó sẽ xảy ra. Khi nó kéo vali ra ngoài, nó đứng lại nhìn anh.
- Ba vẫn đi, đúng không?
Anh không trả lời được, anh lấp lửng đưa ra một đề nghị.
- Ba có thể ... đến xem nơi con ở, được không?
- Hơi xa, ba à! Con đến đó bằng tàu lửa! Ba không cần đến đâu, tới nơi, con gọi cho ba!
Tàu rời ga, anh đứng trơ trọi ở đó, chân tay thừa thãi, đầu óc trống rỗng. Cảm giác như anh đang đánh mất nơi bấu víu cuối cùng, sợi dây cuối cùng trong một mối quan hệ đang tới hồi phải đổ vỡ. Anh quay ngược lại, bước chầm chậm dọc đường ray, để ra về, gió thổi bay chiếc nón anh đang đội trên đầu, anh cúi xuống nhặt mà muốn ngồi hẳn xuống không muốn đứng lên nữa.
Cái lời hẹn “tới nơi con gọi cho ba” năm đó, suốt gần hai mươi năm rồi nó không gọi cho anh. Anh ra ga tàu, để đến tìm nó nhiều lần, nó sống ổn, nhưng nó luôn lãng tránh, nó bảo “nếu ba cũng rời bỏ mẹ, thì ba không cần đi tìm con nữa!”. Nhưng anh ở lại ngôi nhà đó với lý do gì nữa, tình yêu không còn, sự chịu đựng nhau cũng đã đến giới hạn cuối cùng, vợ anh, trái tim của người đàn bà đó cũng hóa đá từ lâu rồi, mất cảm xúc từ lâu rồi. Dẫu anh cố thử nhiều lần, cố gợi nhiều hình ảnh và câu chuyện lãng mạn, tất cả đều vô nghĩa.
Anh đành phải ra đi, khi biết bước chân đi là mình không còn gì. Ai cũng chấp nhận lựa chọn của người còn lại, nhưng tình thương, tình yêu thì không còn nữa, có chăng chỉ là một vết thương cho cuộc gãy đổ mà hình như chính anh là người đã đạp xuống một cái cuối cùng.
Sau nhiều cố gắng để kết nối và hàn gắn với con gái không thành, anh về lại Việt Nam. Về lại nơi mà mấy mươi năm trước, mẹ anh đã nước mắt ngắn nước mắt dài dọa anh rằng “mày phải đi, không đi là tao chết!”, chỉ mong anh có được một cuộc sống khác sau khi lên tàu tị nạn. Cuộc đời anh, chứng kiến sự ra đi, sự từ bỏ nhau, nhiều lắm!
Anh về lại Nha Trang sống đã một thời gian khá dài, anh nhìn thấy rõ được sự đổi thay từng ngày, để anh nhận ra rằng, tại sao mình không hạnh phúc nơi đất khách quê người. Con người, chỉ hạnh phúc ở một nơi mà họ có thể yêu và cảm nhận được tình yêu mà thôi. Nha Trang, nơi anh sinh ra và lớn lên, nơi anh buộc phải rời bỏ, nhưng chưa bao giờ anh hết yêu. Tình yêu thuở mười bảy tuổi ở trường trung học vẫn còn đậm trong trái tim tưởng như đã quá cỗi cằn sau bao mệt mỏi cuộc đời, có lúc, anh nghĩ, hay mình thử đi tìm lại tà áo trắng năm xưa, nhưng rồi bật cười, chắc cũng già nua héo úa như mình mất rồi.
Vì công việc, anh di chuyển nhiều giữa các tỉnh, chỉ tỉnh nào không có đường tàu đi qua, anh mới chọn phương tiện khác, còn lại, anh đều mua vé tàu và đi. Anh không rõ lắm lý do mình cần phải lên những chuyến tàu, bởi, tâm trạng bước lên tàu của anh khó tả lắm, anh không vui, nhưng không hẳn buồn. Cái rõ ràng nhất là anh nhớ con gái, anh ngồi trên tàu, để tiếng xình xịch dưới chân mình, để trái tim rộn lên những kỷ niệm cùng nhau đi qua ấu thơ của con, anh thấy như mình đang trừng phạt chính bản thân mình vì đã để mất nó. Liệu sau từng đó thời gian xa xôi, con bé đã sống ổn chưa, có gia đình hay vẫn độc thân. Anh nhìn bàn tay lốm đốm đồi mồi, chợt nhớ ra anh xa nó sau chuyến tàu năm đó cũng gần hai mươi năm, nó bây giờ đã bằng tuổi anh vào ngày đó rồi. Vậy mà, sao anh không gặp lại? Anh là cha kia mà?
Câu hỏi đó cứ thôi thúc anh mỗi khi bước chân ra sân ga, anh chỉ ước một lần được ngồi chung trên một chuyến tàu với con bé, chỉ để nhìn thấy nó ổn, chỉ để nói với nó rằng anh cũng ổn. Cứ thêm một năm, anh lại thấy nỗi nhớ dày thêm một ít. Một ngày, anh lấy hết cam đảm của mình, gói ghém hết tình thương của mình nhắn vào hộp thư của con gái “con à, con đã tha thứ cho ba chưa? Ba vẫn chọn tàu lửa để đi, liệu chuyến tàu nào có cả con ở đó?”.
Sau tin nhắn đó, không phải đợi khi có dịp anh mới ra ga, mà anh ra mỗi ngày, anh ngóng đợi mỗi ngày, dẫu chuyện ngóng đợi bóng dáng con gái anh là điều không thể xảy ra, bởi con bé cách anh gần nửa vòng trái đất, nếu nó trở về, anh phải đợi nó ở sân bay mới phải. Nhưng anh không hiểu sao, anh cứ ra nhìn những đoàn tàu đi và đến, nhìn để thấy mình an lòng, rồi nhìn để mà nhớ mà thương.
Phải lâu lắm, anh không rõ là bao lâu nữa, bởi sau khi xa con bé, khái niệm về thời gian đối với anh cũng không còn mấy ý nghĩa, anh nhận được tin nhắn của nó “ba chuẩn bị vé tàu, con cùng ba đi dọc Việt Nam, nha ba!”.
Anh bật khóc, những giọt nước mắt rớt xuống trên gương mặt già nua, đầy những nếp nhăn của năm tháng. Liệu còn hạnh phúc nào lớn hơn, còn giấc mơ nào cao cả hơn không? “Con về cùng con rể và hai cháu ngoại của ba. Mẹ không về, mẹ đã có gia đình mới và đang hạnh phúc. Ba cũng phải hạnh phúc, nha ba!”. Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Bao lâu rồi anh đợi một sự tha thứ, bao lâu rồi anh mới có được một niềm hạnh phúc đến nghẹn ngào như thế này?
Anh nắm trong tay những chiếc vé tàu, không lâu nữa đâu, anh sẽ ngồi cùng con gái mình đi suốt từ Nam ra Bắc trên dải đất hình chữ S này, dải đất mà con gái anh, con rể và hai đứa cháu ngoại của anh chưa từng đặt chân đến, dù trong tim đang chảy một nửa dòng máu Việt. Sẽ không còn ai đứng tần ngần ở sân ga nhìn đoàn tàu rời đi, anh biết thế sẽ vui mà!






Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 299 - THÁNG 7 NĂM 2017 tác giả NGUYỄN THỊ THU HỒNG



NÀNG TIÊN CÁ

Truyện ngắn
  

Họ là một đôi bạn từ khi bắt đầu học cấp hai trường làng. Thân thiết, gắn bó và dường như trong họ đã xuất hiện một thứ tình cảm thật lạ, thật khó diễn tả nhưng chẳng ai nói với ai. Tự hiểu. Họ nghĩ thế và cứ để thế. Chàng trai là Lâm, còn cô gái tên An.
Lên cấp ba, cô gái vào một trường chuyên của huyện, chàng trai theo học ở một trường gần nhà. Giữa họ thứ tình cảm ấy vẫn tồn tại, vẫn thế, vẫn lạ nhưng càng ngày càng gần gũi và ấm áp.
Thời gian học sinh vui tươi, náo nhiệt của anh khép lại. Không phải vì anh học hành kém cỏi. Cũng không phải vì anh không thích học. Chỉ đơn giản vì cái nghèo. Cái nghèo đã khiến bố mẹ anh già sọm trước tuổi và khiến mấy anh chị em anh đều phải nghỉ học khi vừa nhận ra mặt chữ cái.
Cái nghèo ấy đã khiến anh từ bỏ ước mơ đổi đời từ việc học đại học và nhanh chóng nghĩ đến việc phải tìm kiếm công việc gì đó để có tiền phụ giúp gia đình.
Anh tìm đến chợ huyện nơi có các đại lý, doanh nghiệp buôn bán và nhận được một chân bốc vác ở đó. Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng anh kiếm được một khoản tiền. Quả thực anh cũng kiếm được kha khá từ công việc này, chỉ có điều công việc không được đều đặn. Có hôm cả nhóm trong đội bốc vác ngồi chơi dài mà không có hàng để bốc, không có việc để làm. Có hôm thì công việc dồn dập khiến anh phải làm việc đến tận khuya mới được về nhà, mệt, lăn quay ra ngủ như chết.
Cứ thế, anh đã trở thành dân bốc vác chuyên nghiệp ở khu chợ này rồi. Anh tặc lưỡi động viên mình "Thôi kệ, chỉ là tạm thời. Đó là kế lấy ngắn nuôi dài".
Lúc này, anh không còn nghĩ tới ước mơ đại học nhưng trong suy nghĩ anh quyết tâm phải học được một cái nghề. Đó chính là cái nghề mà anh đã rất thích thú, say mê. Trong những lúc rảnh rỗi chờ hàng về, anh luôn tranh thủ ngồi ngắm nghía mấy chú thợ làm việc trong một cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ cao cấp gần khu chợ. Dưới bàn tay khéo léo, tài tình của các ông thợ những thân cây, khúc gỗ tưởng như vô dụng mà lại trở nên có hồn và có sức cuốn hút mạnh mẽ với mỗi ai được nhìn thấy. Nó như muốn nói chuyện, làm quen với anh và hình như anh còn nghe thấy cả hơi thở và lời thì thầm của nó. Có hôm, anh đã cầm thử cái đục và đi vài nét xem sao. Mấy chú trong xưởng cười bảo : "Mày có hoa tay đấy, rảnh lúc nào thì vào đây bọn tao chỉ cho vài đường là quen, mà người có năng khiếu như mày, chỉ cần nhìn thôi là làm được đấy".
Tất cả những hình ảnh của công việc đó cứ chạy theo anh như muốn nhắn nhủ điều gì với anh, như muốn làm bạn với anh. Lúc nào anh cũng nhìn thấy khuôn mặt tươi tắn và nụ cười rạng ngời của những khúc gỗ nằm ngổn ngang trong xưởng mộc đó. Nó khiến anh nhớ tới cô. Một tình cảm thật lạ làm lòng anh chộn rộn.
An đã đi học đại học. Một trường đại học ở xa nhà, xa anh. Nhưng không có khoảng cách nào về thời gian và không gian giữa họ. Nếu có khoảng cách thì đó là khoảng cách của nỗi nhớ.
- Bao giờ An mới được về? Lâm thấy nhớ An quá. Ở đâu Lâm cũng nhìn thấy An - anh nói.
Cô gái lảng tránh:
- Thật à, thế Lâm có nhìn thấy An trong mấy cây gỗ ở xưởng đục không?
- Có, thấy rất rõ nữa là đằng khác, còn An có nhớ Lâm không.
- Có ... An nhìn thấy Lâm trong từng trang sách của mình.
- An học tốt nhé và học cho cả Lâm nữa.
-Tất nhiên rồi, còn Lâm phải học để trở thành một người thợ giỏi và tạo nên những bức tượng thật đẹp, đẹp như ...nàng tiên cá và đẹp như ...An ấy..."
- Lâm sợ, Lâm sẽ không tạo được bức tượng nào đẹp như An.
- An chỉ đùa thôi, An sẽ chờ cho tới khi Lâm tạo được những sản phẩm thật đẹp.
- Chờ Lâm nhé, không được thay đổi đâu đấy.
- Sẽ chờ, không bao giờ thay đổi... - cô gái tắt máy.
Càng ngày niềm đam mê với những chiếc đục, với những cây cọ và nhất là với những khúc gỗ kia càng cuốn hút anh. Bất kỳ lúc nào chỉ cần có thời gian là anh đến với chúng, đến với xưởng đục. Ở đó, anh nhìn thấy tình yêu của mình, nhìn thấy niềm đam mê của mình và cả tương lai phía trước. Các sản phẩm của xưởng đục đa dạng, tinh tế, tài hoa. Chính vì vậy, nó đã được xuất đi rất nhiều nơi, kể cả ở nước ngoài.  Mọi người trong xưởng đều quý mến anh, họ bảo anh hãy bỏ nghề bốc vác, họ sẽ truyền nghề đục cho anh. Trong đám thợ đó, có ông thợ được mệnh danh là tay đục giỏi nhất vùng, có đôi bàn tay tài nghệ nhất, ông ấy bảo anh, "nếu mày học từ bây giờ, sau này mày còn giỏi hơn tao".
Anh cũng muốn học nhưng nhìn lại gia cảnh khốn khó của mình, anh lại chùn bước. Bố anh từ sau một trận ốm nặng, sức khỏe không còn được như trước, ông chỉ làm được những việc nhẹ nhàng. Một mình mẹ anh với gánh nợ nần và những lo toan. Anh còn một đứa em đang đi học. Trước mắt anh vẫn phải làm bốc vác để có tiền trang trải cho gia đình. Anh sẽ vừa làm việc, vừa tranh thủ những lúc giải lao, những lúc không có việc làm ghé vào đó để học thêm. Mọi người trong khu chợ đều biết đến anh vừa là tay vác thuê chuyên nghiệp, vừa là một thợ đục yêu nghề. Anh đã học được nghề, cái nghề như là tình yêu và sự sống của anh. Cái nghề mà anh tin tưởng rằng nó sẽ thay đổi cuộc sống hiện tại của anh. Sẽ không còn bất kỳ sự lo lắng, tính toán, bon chen và khốn khó nào ở trong những sản phẩm do bàn tay khéo léo của anh tạo ra. Nó đẹp đẽ, trong sáng, huyền diệu như tình cảm của anh và cô. Giữa hai người đã không còn là một tình cảm lạ nữa, mà đó là một tình cảm có sức mạnh vô thường, sức mạnh đó giúp họ tin rằng họ sẽ vượt qua tất cả và có được những gì mong muốn. Họ chỉ hiểu như thế nên không ai nói với ai điều gì.
Tuy anh đã biết đục một vài sản phẩm nhưng để đục được những bức tượng đẹp, đẹp như Nàng Tiên Cá và đẹp như cô đối với anh đó vẫn là một thử thách. Anh mới chỉ tạo ra những sản phẩm mà dân trong nghề gọi là "hàng chợ". "Thế là giỏi rồi. Mày đã học được ngày nào cho ra ngày đâu, toàn học tranh thủ. Bỏ hẳn nghề bốc vác đi, chuyên tâm vào nghề này, mày sẽ có tương lai hơn" - Họ bảo anh thế.
- Khó quá An ơi, Lâm sợ Lâm sẽ không thể trở thành thợ giỏi để tạo nên những bức tượng đẹp... đẹp như Nàng Tiên Cá và  đẹp như An.
- Không đâu, Lâm sẽ còn tạo nên những bức tượng đẹp hơn thế nữa.
- Lâm nhớ An quá, làm gì Lâm cũng nhìn thấy An.
- Còn An thì ... luôn nhìn thấy Lâm ở khu chợ đông đúc, nơi có những chiếc xe chất đầy hàng hóa nặng nề. An nhìn thấy những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt rám nắng của Lâm cùng những bước chân vội vã, mệt nhọc. Và rồi An còn nhìn thấy Lâm trong xưởng đục với nét mặt hưng phấn, hớn hở và say mê... An nhìn thấy cả đôi bàn tay cứng cỏi, thô ráp và những ngón tay thon, dài, khéo léo của Lâm. An tin là Lâm sẽ trở thành một người thợ đục giỏi và An sẽ chờ để cùng Lâm ngắm Nàng Tiên Cá do chính Lâm tạo ra.
- An hứa nhé, không được quên lời đâu, nhớ chờ Lâm đấy.
- Hứa, sẽ chờ, không bao giờ quên.
Đang chuẩn bị ăn cơm tối, anh nhận được điện thoại của người bạn trong nhóm bốc vác, "Ra quán gần chợ nhậu, thằng Lùn vừa trúng tờ vé số, nó mời anh em ra quán chiêu đãi, nhanh lên nhé".
Vừa ra tới quán nhậu, anh đã thấy mấy người trong nhóm bốc vác của anh đang xúm vào đánh nhau với mấy người trong một nhóm khác cũng ở khu chợ này. Chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào, anh chỉ biết xông vào can hai bên. Nhưng cả hai bên đều hiếu chiến hiếu thắng theo kiểu dân "chợ búa".
Cả nhóm của anh và nhóm người bên kia đều bị bắt, trong đó có anh. Dù anh đã nói với họ anh không đánh ai, anh còn là người đi can ngăn bọn họ, anh hoàn toàn không biết gì. Mọi việc diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ khiến anh không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình.
Không một ai thoát tội, kể cả anh. Anh bị kết án 6 năm tù giam khi ở tuổi hai mươi mốt. Cái tuổi tràn đầy sức sống, niềm tin, khát vọng và thật nhiều tình yêu. Ngày tòa tuyên án, cô đã có mặt ở đó. Không phải để thay đổi được gì mà cô chỉ muốn là sức mạnh của anh. Một thứ sức mạnh mà anh vẫn tin rằng anh sẽ vượt qua được tất cả và có được mọi thứ mình muốn. Họ không nói với nhau được điều gì, anh chỉ kịp nhìn thấy những ngón tay nhỏ bé của cô đang vẽ lên không trung một Nàng Tiên Cá xinh đẹp, trong sáng, hướng thiện và ở đó có hai con người đang cùng nhìn về nó. Anh hiểu cô muốn nói gì, điều đó như muốn ôm ấp lấy anh ùa vào lòng anh sự yêu thương, ấm áp diệu kỳ.
- Lâm, không được buồn, không được chán nản, không được thất vọng nghe Lâm. Lâm phải cố gắng cải tạo thật tốt, Lâm nhé!
- Lâm thấy xấu hổ. Lâm rất buồn. Lâm không biết đời mình sẽ ra sao?                 - Lâm còn có gia đình và còn có An nữa. An rất muốn được nhìn thấy Nàng Tiên Cá do chính đôi tay Lâm tạo ra.
- An vẫn sẽ …sẽ …chờ à?
- Sẽ chờ, Lâm ạ.
- Chắc chắn không?
- Chắc chắn là thế. Cố gắng nhé Lâm. An sẽ về thăm Lâm vào mỗi dịp hè, dịp Tết và bất kỳ khi nào An được nghỉ.
Bố mẹ anh cho biết từ ngày anh đi, cô đã giúp đỡ bố mẹ anh rất nhiều. Cô đã xin đi làm thêm để hàng tháng có tiền gửi về cho bố mẹ anh trang trải chi phí trong gia đình và thăm nuôi anh. Cô thương bố mẹ anh như thương chính bố mẹ mình. Cô biết họ rất vất vả và khốn khó. Cô muốn cùng họ trải qua những tháng ngày giông gió. Chính vì vậy, cô đã tìm việc làm thêm phù hợp với mình để có tiền giúp đỡ bố mẹ anh. Số tiền làm thêm, cô đã gửi hết cho bố mẹ anh mà không giữ lại dù chỉ là một chút cho mình.
- … Lâm đã được điều xuống đội của những người thợ mộc và thợ đục của trại rồi An ạ.
- Vui quá, chúc mừng Lâm, Lâm giỏi quá.
- An, đừng đi làm thêm nữa, vất vả lắm. Phải chú tâm vào việc học chứ.
- An vẫn là một sinh viên xuất sắc mà Lâm, đừng lo cho An. Lâm  nhớ rèn luyện đôi tay của mình và chăm chỉ nhé.
- Chắc chắn rồi, Lâm sẽ rèn luyện để đến khi được ra, Lâm sẽ tạo ra không chỉ một Nàng Tiên Cá xinh đẹp mà còn tạo ra rất nhiều sản phẩm khác nữa An ạ.
- An sẽ chờ tới ngày đó.
- An nhớ nhé, không được quên đâu.
- An mãi nhớ, không bao giờ quên…
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi trong tay, An đã dễ dàng xin được một công việc phù hợp ở thành phố và có thu nhập ổn định. Công việc đó giúp cô có tiền nhiều hơn để gửi về giúp đỡ bố mẹ và anh. Sự giúp đỡ đó khiến bố mẹ anh bớt âu lo, bớt phiền muộn, bớt đi những sợi tóc bạc trên đầu và những nếp nhăn trên trán, thậm chí cuộc sống của họ đã không còn túng bấn, nghèo khổ nữa. Số tiền cô giúp đỡ, họ đã tích góp trang trải nợ nần, trang trải cuộc sống tằn tiện thường ngày. Họ đã sớm coi cô như con cái  trong nhà, hết mực yêu thương cô. Cứ như thế suốt hơn bốn năm qua, An cứ nghĩ bố mẹ anh là bố mẹ mình, gia đình anh là gia đình mình. Cô không hề đắn đo, suy nghĩ để giữ lại cho mình một chút riêng. Cô dồn hết tất cả những gì mình có để giúp đỡ bố mẹ anh như giúp đỡ chính gia đình mình. Đôi lúc một cảm giác thật lạ xuất hiện trong con người cô hỏi cô rằng "tại sao cô lại có thể làm được như thế?"
Lâm được ra tù trước thời hạn hơn một năm vì những thành tích cải tạo rất tốt của anh. Ngày đón anh, cô đã không thể về được vì một chuyến công tác dài ngày ở nơi xa. Lâm hơi buồn dù anh đã biết trước điều đó. Đối với anh được trở lại cuộc sống tự do là một điều hạnh phúc và may mắn nhất. Chính vì vậy anh muốn dành điều may mắn và hạnh phúc nhất của ngày đầu tiên trở lại tự do cho người con gái mà anh yêu. Anh muốn được cùng cô tận hưởng nó, cảm giác thật vui sướng, thoải mái và dễ chịu biết bao.
Lâm tìm ngay đến xưởng đục. Mọi người vẫn niềm nở với anh như xưa. Họ sẵn sàng nhận anh vào làm ngay vì tay nghề của anh có thể đã ngang bằng với họ. Lâm đã ở lại với xưởng đục. Thời gian ở trong tù, Lâm đã trở thành tay thợ đục giỏi. Anh đã biết đục tất cả các loại mặt hàng, kể cả đục tượng, đục các loài linh vật chỉ có trong tưởng tượng là những  tác phẩm rất khó trong nghề đục. Bàn tay anh ngày càng trở nên khéo léo, tài tình, sắc sảo trong từng nét đục, trong từng chi tiết và sắc thái. Các sản phẩm dưới đôi bàn tay của anh được đưa đi triển lãm, hội chợ và xuất đi rất nhiều nơi ở trong nước và có mặt ở nước ngoài. Đã rất nhiều bạn hàng tìm đến xưởng đục của anh chỉ vì tò mò muốn biết người đục nên những sản phẩm đó là ai. Lâm đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng cho bức tượng Nàng Tiên Cá mà anh tâm huyết nhất để cùng An ngắm nó. Nhưng An của anh luôn bận rộn với những dự án mới và những chuyến công tác dài ngày nên cô chưa thể về bên anh.
Trong giờ nghỉ trưa, mọi người trong xưởng đục đang cười nói bàn luận rôm rả về chuyện sáng nay Lâm được trung tâm dạy nghề của huyện mời vào dạy nghề đục cho các thanh thiếu niên trên địa bàn thì mẹ anh với hai mắt đỏ hoe tìm đến anh, vẻ mặt rầu rĩ. Nhìn thấy anh, bà chỉ khóc mà không nói được gì. Bà dúi vào tay anh là thư của An gửi cho anh rồi vội vã quay đi, cố giấu những giọt nước mắt đang chảy dài nơi khóe mắt.
Gửi Lâm yêu quý!
Đã mười mấy năm qua, chúng ta đã luôn ở bên nhau thân thiết, gắn bó và có biết bao kỷ niệm đẹp, lại cùng nhau trải qua rất nhiều chuyện. An đã coi bố mẹ Lâm như bố mẹ mình, coi gia đình Lâm như gia đình mình và coi Lâm như ... An sẽ  nói sau vậy.
Thời gian Lâm không có nhà, dường như An có mặt ở nhà Lâm còn nhiều hơn thời gian ở nhà mình. Chính vì vậy mà An cảm thấy dường như mình đã là thành viên của gia đình Lâm. Điều đó khiến An rất trân trọng, rất vui và thấy ấm áp. Đã có lúc An ngạc nhiên hỏi mình: "Tại sao An lại có thể làm tất cả vì gia đình Lâm, vì bố mẹ Lâm và vì Lâm như vậy?”. Có lẽ vì An yêu Lâm rất nhiều?
Nhưng An đã sớm tìm thấy câu trả lời cho mình trong một mùa hè tình nguyện, An đã gặp anh ở đó. An đã nói cho anh biết về Lâm và anh đã đồng ý  ở bên An để cùng An giúp Lâm vượt qua sóng gió và tìm được hướng đi cho cuộc đời. Anh cũng cho An thời gian để nhận ra tình yêu của mình.
Từ đó, An nhận ra rằng, thực ra An đã luôn coi gia đình Lâm, bố mẹ Lâm là gia đình, là bố mẹ thứ hai của mình. An có thể làm được tất cả cho gia đình Lâm, cho bố mẹ Lâm và cho Lâm  vì đó là tình thân. An chính là người con trong gia đình và An phải có trách nhiệm với gia đình mình, với người thân của mình.
Lâm, giờ Lâm đã trải qua được những ngày bão tố và khó khăn nhất trong cuộc đời. Lâm đã có thể đứng vững trên đôi chân của mình và An cũng có quyết định riêng. An sẽ ở lại nơi đây  và kết hôn với anh. Ở anh, An không chỉ tìm thấy tình bạn, tình thân mà cả tình yêu nữa. An tin là Lâm sẽ đồng ý với quyết định của An và chúc phúc cho An. An cũng tin rằng Lâm sẽ gặp hạnh phúc và trân trọng những gì mình đang có.
T/b: An và anh được nhìn thấy bức tượng Nàng Tiên Cá do chính bàn tay khéo léo của Lâm làm tại một buổi triển lãm do thành phố tổ chức vào ngày hôm qua. Nó rất đẹp, đẹp hơn bất kỳ bức tượng nào mà An đã từng thấy và An vui lắm vì nó đẹp hơn An rất nhiều.
Chúc Lâm thành công!
An gửi cho bố mẹ món quà nhỏ, hãy nói với bố mẹ là quà của con gái trước khi về nhà chồng tặng, Lâm nhé.
                                                                                                        An!

Lâm tìm đến một góc khuất, nơi không ai nhìn thấy anh đang lặng lẽ khóc và đớn đau. Trong nhạt nhòa nước mắt, anh nhìn thấy hình dáng mềm mại như Nàng Tiên Cá của cô với khuôn mặt thánh thiện, trong sáng và nụ cười rạng ngời, tươi tắn ngay trước mặt anh. Lâm vội thốt lên "Cảm ơn em, cảm ơn cuộc đời đã cho anh gặp được em, đã cho em ở bên anh suốt bao năm qua để anh có được ngày hôm nay. Anh sẽ sống thật tốt em ạ. Cầu chúc cho em hạnh phúc – Nàng Tiên Cá!"...