Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

“BÔNG HOA THÉP” CỦA CÔNG AN ĐẮK LẮK bút ký của HOÀI THU - CHƯ YANG SIN SỐ 328 THÁNG 12 NĂM 2019


Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”

  

Những ngày này, thời tiết Tây Nguyên chuyển mình vào tháng 8, bầu trời lúc nào cũng mang một màu sắc xam xám. Sáng nay, tôi dậy sớm hơn mọi ngày, trang bị cho mình chiếc áo ấm để chống lại cơn gió lạnh buổi sớm và rảo bước nhanh đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - hôm nay đơn vị này sẽ cắt băng khánh thành lớp học “Chắp cánh ước mơ” ở buôn H’luck, xã Ea Kuếh, huyện Cư M’gar.
Cứ ngỡ mình đã là người đến sớm, nhưng vẫn còn người sớm hơn. Đó là Đại tá Nghiêm Thanh Thủy, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh cùng nụ cười rạng ngời, ăm ắp niềm vui và tự tin trong bộ quân phục của lực lượng Công an nhân dân.
Sau khi công tác chuẩn bị xong, tập hợp đông đủ, đúng 5 giờ, xe chuyển bánh thẳng hướng Cư M’gar đi vào xã Ea Kuếh với đoạn đường gần 70 km.Tôi nghĩ bụng, khoảng hai tiếng là đến nơi. Trên xe chở theo lỉnh kỉnh các đồ dùng học tập: bàn, ghế, cặp, bút màu, đồ chơi, bánh kẹo…
Qua thị trấn Quảng Phú, nhà dần thưa thớt, con đường hẹp, ngoằn ngoèo, hố gà, hố voi, đường đến buôn H’luck như càng thêm xa. Đại tá Nghiêm Thanh Thủy, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh trăn trở: “Ở đấy (buôn H’luck) thương lắm. Trẻ em đến tuổi đi học vẫn theo cha, mẹ lên rẫy do điểm trường tạm bợ trong nhà cộng đồng dột, nát, mùa mưa này là nghỉ học. Năm vừa rồi đến buôn trao bò cho chị em phụ nữ, nhìn thấy các em mà thắt lòng, mình bàn với các anh em trong phòng đóng góp mỗi người một ít, ai cũng nhiệt tình ủng hộ. Rồi chị vận động thêm bạn bè, các mạnh thường quân nữa. Gói gém chưa hết nửa năm đã xây xong trường cho các em”.
Đến mãi gần 9 giờ, xe dừng bên nhà sinh hoạt cộng đồng buôn H’luck, chưa kịp xuống xe, tôi đã nghe mọi người xôn xao:“Cán bộ Thủy đấy!”; “Phòng Xuất nhập cảnh ở tận trên tỉnh vậy mà về đây xây trường cho chúng ta…”, “cán bộ tỉnh mang đồ chơi mới về lớp học kìa…”. Khỏi phải nói, đám trẻ reo vui sung sướng đến nhường nào, từng ánh mắt, nụ cười hồn nhiên của các em như tia nắng ấm áp xua tan cái không gian ướt lạnh nơi đây.
Ông Y Thanh Êban, buôn trưởng buôn H’luck không giấu được cảm xúc, tay bắt mặt mừng với mọi người: “Các anh, chị lại về với buôn, người dân hôm nay ai cũng mong gặp được cán bộ Thủy và các anh, em để nói lời cảm ơn…”.
Buôn H’luck có 89 hộ với hơn 300 nhân khẩu, đều là người dân tộc thiểu số, sống chủ yếu bằng nghề nông, một phần là dân di cư ngoài kế hoạch nên đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả.
Đây không phải là lần đầu chị Thủy tổ chức vận động xây trường học mới cho các em, mà cách đây đúng một mùa mưa, công trình lớp học mầm non rộng 100 m2 và khu nhà vệ sinh khang trang sạch đẹp cũng được chị vận động, xây tặng cho các em nhỏ ở xã Jang Reh, huyện Krông Bông…
Không chỉ vậy, mỗi khi Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk phát động các chương trình an sinh dành cho hội viên phụ nữ, lại thấy chị tất bật hơn trong các chương trình: Trao bò sinh sản; vận động các đơn vị trên TP. Buôn Ma Thuột số tiền 50 triệu đồng thành lập Hợp tác xã sản xuất thóc giống và phân bón; rồi liên hệ với Trung tâm dạy nghề giúp chính quyền địa phương khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống và tìm đầu ra giúp chị em phụ nữ nơi đây có nghề tự nuôi sống bản thân, gia đình...
Mải suy nghĩ, Lễ cắt băng khánh thành đã hoàn tất, nhìn các em háo hức chạy ùa vào lớp học mới mà khóe mắt cay cay, lòng trào dâng niềm hạnh phúc. Từ lớp học này, sẽ có nhiều thế hệ các em tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đến trường để mai này xây dựng buôn làng ngày một giàu đẹp hơn…
Nắng ráo chưa được mấy chốc, mây đen lại kéo đến vần vũ. Chúng tôi nhanh chóng lên xe để trở về thành phố và tiếp tục những câu chuyện còn đang dang dở. Tôi thắc mắc vì sao với cương vị Trưởng phòng, ngoài công việc chuyên môn, chị còn phải vun vén gia đình, thế nhưng chị vẫn cân bằng hài hòa giữa việc nước - việc nhà, như con ong chuyên cần chăm chỉ đi hết các buôn làng để giúp đỡ các gia đình phụ nữ và mang cái chữ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chị Thủy bộc bạch:“Cá nhân mình sẽ không giải quyết được, tất cả đều nhờ phần lớn vào anh, em trong Phòng giúp đỡ. Tiếp thêm nghị lực cho các chị em phụ nữ vùng sâu phát triển kinh tế, chưa cần họ phải phấn đấu để làm giàu, chỉ cần các chị em cố gắng thoát nghèo bền vững vậy là vui lắm rồi em ạ…
Tuy chị nói đơn giản như vậy nhưng tôi biết mỗi khi đề ra một kế hoạch, từ tiếp đón, phục vụ công dân, đến động viên cán bộ chiến sĩ xuống cơ sở hay thực hiện đề án tăng cường công an chính quy xuống xã cũng như kêu gọi mọi người xây trường, mở lớp học hay hỗ trợ vốn giúp chị em thoát nghèo tại cơ sở... chị đều dành rất nhiều thời gian, công sức, tâm huyết của mình; biết lắng nghe và thấu hiểu nên cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đều nhiệt tình hưởng ứng.
Là lãnh đạo đơn vị thường xuyên làm việc, tiếp xúc với nhân dân, chị luôn tâm niệm và yêu cầu mọi cán bộ chiến sĩ của mình phải đặt vào vị trí của người dân để luôn nêu cao tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, có thái độ thân thiện, niềm nở khi hướng dẫn các thủ tục cấp phát hộ chiếu cho nhân dân làm sao để người dân thật sự tin tưởng và yêu mến cán bộ Công an. Và đó cũng là điều mà chị luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ của mình phải thực hiện.
Còn nhớ, có lần tôi qua liên hệ công tác với đơn vị chị. Mặc dù khu vực tiếp công dân có rất đông người đến làm thủ tục xin cấp hộ chiếu, nhưng tất cả đều diễn ra trong trật tự. Ở khu vực đối diện là không khí làm việc khẩn trương của các cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp giải quyết thủ tục, nhưng nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt của mỗi người. Xung quanh phòng tiếp công dân, có thể dễ dàng thấy bảng niêm yết các loại thủ tục, lệ phí, nội quy bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để công dân nắm bắt cũng như thực hiện quyền giám sát. Một bà khoảng 60 tuổi khoe với tôi, bà là người gốc Lào, từ khi sang đây làm ăn đến giờ chưa được về thăm quê hương, giờ phải cố một lần, rồi bà cười hớn hở: “Tôi không hiểu về các thủ tục ở đây, các con tôi đều bận đi làm rẫy cả, hôm thứ bảy vừa rồi mới ra được ngoài này. May sao, họ vẫn bố trí cán bộ làm việc, tôi được họ tư vấn các giấy tờ cần thiết. Hôm nay, tôi đã hoàn thành xong thủ tục đợi vài ngày sau là có giấy tờ rồi”.
Niềm vui của bà cụ cũng là phần thưởng vô giá cho sự nỗ lực của Đại tá Nghiêm Thanh Thủy cũng như toàn thể cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh trong chặng đường cống hiến của mình.
Bên cạnh“gia đình lớn” nơi đơn vị công tác lúc nào cũng đong đầy tình cảm đoàn kết, cùng nhau vượt khó, cùng nhau phát triển, ở gia đình nhỏ - tổ ấm của chị - chưa khi nào thiếu đi niềm vui với bàn tay thu vén của chị bên người chồng cũng là đồng đội của mình. Chị vẫn khiêm tốn khi nói về “gia đình lớn” nhưng không giấu được tự hào khi nói về gia đình nhỏ với hai đứa con giỏi giang, ngoan ngoãn, thành đạt…
Chiếc xe vẫn gồng mình lắc lư qua những đoạn đường gồ ghề trên con đường độc đạo từ Ea Kuếh về trung tâm huyện. Sự mệt mỏi dần thể hiện trên khuôn mặt mỗi người, nhưng ai nấy đều rạng ngời niềm vui khi nghĩ về ánh mắt, nụ cười của cô, trò và bà con buôn H’luck khi có lớp học mới. Tiếp tục trên chuyến hành trình, chị em tôi lại rôm rả với những câu chuyện, những kỷ niệm về những chuyến đi thiện nguyện cũng như câu chuyện phá án khi chị còn đang làm Trưởng phòng Phòng An ninh Văn hóa tư tưởng. Chị kể: “Thuở đó cũng ác liệt lắm, nhưng âm thầm, lặng lẽ. Trên trận tuyến nào cũng vậy, tội phạm không dễ quy hàng pháp luật. Các đối tượng phạm tội này sẵn sàng dàn “trận địa ma” để bẫy người dân và qua mặt pháp luật. Trong suốt những năm gắn bó, có nhiều vụ án phải mày mò đọc nhiều sách, tìm hiểu nhiều nguồn tin, có những ngày căng não tột độ. Không ít vụ phá được án nhưng vẫn cứ ám ảnh theo mình mãi, nhắc nhở mình đừng bỏ cuộc khi vụ án chỉ còn 1% cơ hội”.
Rồi chị nhớ lại, thực hiện chủ trương “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân các anh hùng liệt sĩ, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Lợi dụng vấn đề này, năm 2013, Nguyễn Thanh Thúy và đồng bọn đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp tâm linh. Thúy tự xưng mình là “cậu Thủy” có khả năng tìm hài cốt bằng ngoại cảm. Thủ đoạn của nhóm này là khi thân nhân liệt sĩ đến yêu cầu tìm kiếm thì cung cấp các thông tin về quê quán, đơn vị chiến đấu, thời gian, địa điểm hy sinh của liệt sĩ và trả trước 10-15 triệu đồng làm lễ trình, khi hoàn thành việc bốc cốt phải trả 100 triệu đồng. Sau đó, “cậu Thủy” cùng đồng bọn đi trộm các hài cốt liệt sĩ tại các khu mộ vô danh để làm giả. Với chiêu trò này, tập đoàn lừa đảo của “cậu Thủy” thực hiện trót lọt hàng trăm vụ tìm hài cốt liệt sĩ giả.
Cáo trạng của Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng trị mở ngày 16.10.2015, “cậu Thủy” và các đồng phạm đã thực hiện tổng cộng 4 đợt “tìm, kiếm, cất bốc” hài cốt liệt sĩ hết sức quy mô tại các tỉnh: Đắk Lắk, Bình Phước, Kon Tum, Quảng Trị... với tổng kinh phí hơn 7 tỉ đồng từ Ngân hàng Chính sách. Ngoài ra, “cậu Thủy” còn lừa tìm hài cốt đối với hàng chục thân nhân gia đình liệt sĩ khác, thu lợi từ 100-120 triệu đồng/bộ. Riêng Đắk Lắk, “cậu Thủy” đã tìm được 73 bộ hài cốt với chi phí 75 triệu/bộ, cũng chính tại trận địa này, “cậu Thủy” đã bị lực lượng công an tỉnh Đắk Lắk “khai quật”, mà mấy ai biết rằng, người chịu trách nhiệm cho vụ án này tại Đắk Lắk là Đại tá Nghiêm Thanh Thủy.
Chị kể lại, ngay khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, mình đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ bắt tay vào điều tra; điều động nhiều trinh sát tỏa đi các hướng, về trại giam nơi Thúy có tiền sử phạm tội và thụ án, các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Trị... Hơn 7 tháng ra Bắc vào Nam để làm rõ căn nguyên “cậu Thủy” chỉ chính xác 73 hài cốt ở Đắk Lắk một cách hoàn hảo. Nhưng, các manh mối thu về đều không thể hỗ trợ nhiều, hiện trường đều bị xóa sạch dấu vết, mọi thứ tưởng chừng như đi vào ngõ cụt. “Biết rõ ràng “cậu Thủy” có dấu hiệu lừa đảo nhưng chưa thể truy tố. Áp lực với chúng tôi không chỉ tìm chứng cứ chứng minh trước pháp luật mà còn người dân cả nước, nhất là các gia đình thân nhân liệt sĩ. Một sơ suất nhỏ hay lập luận sai sẽ làm cho mọi thứ trở nên phức tạp gấp trăm lần... Từ trong thâm tâm, mình xác định phải tìm ra sự thật, phải trả lại những gì thuộc về lịch sử”, Đại tá Thủy bồi hồi nhớ lại.
Mỗi ngày trôi qua thật nặng nề, không nản lòng trước thách thức, chị Thủy cho rằng: “Hiếm có ai uyên bác đến nỗi lập ra kế hoạch không có lỗ hổng, nhất định phải có chứng cứ... Mình quay lại vạch xuất phát thu thập các băng, đĩa, video clip, bài báo… ghi lại hành trình tìm, kiếm cất bốc của “cậu Thủy” tại các tỉnh xem kỹ hơn”. Để hiểu sâu hơn, chị tìm hiểu về nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực có liên quan. Không phụ lòng của Đại tá Thủy cùng với đồng đội khi xem những video ghi lại việc bốc hài cốt thực hiện tại 2 tỉnh Bình Phước, Quảng Trị... được thực hiện bởi nhà báo Thu Uyên, trực giác như mách bảo chị có gì đó bất ổn lúc “cậu Thủy” nhập vong. “Hát bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng làm cho mình băn khoăn. Mỗi khi nghe bài này, tôi lại thấy rộn ràng giống như mình đang sống trong niềm vui giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi nhớ, bài hát này do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác vào năm 1975 khi Nhà nước ta quyết định công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam trước toàn thế giới. Lật lại danh sách các liệt sĩ được tìm thấy đều ghi hy sinh năm 1972, tôi vui đến nỗi chân tay run rẩy, ôm chầm lấy mọi người, lúc ấy thực sự chỉ muốn hét thật to...” Tình tiết không trùng khớp ở hai con số năm hy sinh - năm sáng tác, từ manh mối này, Phòng An ninh chính trị nội bộ liên hệ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Quân khu V… xác nhận những nơi “cậu Thủy” tìm thấy liệt sĩ đã diễn ra các trận đánh nào?
Rồi chứng cứ tiếp theo lộ diện, di vật của các liệt sĩ tìm được ở nhiều nơi khác nhau nhưng đều được khắc bởi một nét chữ... Dù đang kể chuyện cho tôi nghe, nhưng ánh mắt đó vẫn kiên định: “Không quản ngày đêm, mọi người vẫn ăn dầm nằm dề ở cơ quan mấy ngày liền, mày mò trên từng bộ xương, từng chiếc mũ, đôi dép để phản bác lại luận điệu bịp bợm của “cậu Thủy”. Và rồi những lập luận khoa học, logic, chứng cứ xác thực tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk mà Phòng An ninh văn hóa tư tưởng cung cấp đã góp phần thắng lợi giúp cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Trị có thêm cơ sở vững chắc để khởi tố, xét xử 5 đối tượng về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngăn chặn tổ chức này dự định tiếp tục quy tập 200 hài cốt liệt sĩ tại Đắk Lắk mà “cậu Thủy” cho rằng đã “thấu thị”...
Chúng tôi về đến Công an tỉnh vào giờ tan trường của các em học sinh và cũng là lúc câu chuyện “cậu Thủy” kết thúc, tạm biệt nhau để trở về với vai trò người vợ, người mẹ… Chia tay chị ra về, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh một người phụ nữ đôn hậu, với nụ cười thân thiện, niềm vui rạng ngời trong ánh mắt cùng câu nói mà suốt cuộc đời này tôi không thể quên được: “Làm Công an cần phải có bản lĩnh và trái tim nhân hậu em ạ!”…  Sẽ là không đủ nếu kể ra những giấy khen của lãnh đạo Công an tỉnh, chiến sĩ thi đua toàn lực lượng hay giải thưởng phụ nữ Công an tiêu biểu toàn quốc, giải thưởng Phụ nữ Việt Nam… để định nghĩa về dấu ấn của Đại tá Nghiêm Thanh Thủy trong cuộc chiến thầm lặng không khói lửa; hành trình giúp đỡ từ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cho đến các buôn, làng đi tới cuộc sống mới mà Đảng và Nhà nước đang từng ngày nỗ lực, cần lắm những tấm lòng bao dung, vị tha như chị để cuộc sống của bà con nơi đây ngày một tươi đẹp, ấm no hơn.
25 năm tôi luyện, từng là một trinh sát an ninh dũng cảm, mưu lược, tham gia phá hàng trăm vụ án liên quan đến các lĩnh vực từ nội bộ, giáo dục, y tế cho đến đấu tranh, phản bác và quản lý các đối tượng xã hội dân sự... và đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau tại Phòng An ninh chính trị nội bộ đến khi về làm Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh hiện nay, Đại tá Nghiêm Thanh Thủy như “bông hoa thép” vươn lên đầy kiêu hãnh trong nắng, gió Tây Nguyên. Chị làm cho tôi hiểu thêm rằng: Ở bất cứ thời kỳ nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, vai trò của những nữ chiến sĩ công an luôn giữ vị trí quan trọng góp phần tỏa sáng những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

NGƯỜI TÔ THẮM MÀU XANH TRÊN MIỀN ĐẤT ĐỎ bút ký dự thi của TRUNG KIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ 328 THÁNG 12 NĂM 2019


Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”









Cả tuần nay, trời Ban Mê trở nên nóng nực khác thường. Bỗng mây đen từ đâu ùn ùn kéo đến bao phủ cả bầu trời. Không mấy chốc trời đang sáng đã tối hẳn lại và sức nóng cũng dịu bớt. Những hạt mưa đầu mùa nặng và thưa bắt đầu rơi xuống. Chỉ vài giây sau một trận mưa rào ập tới thật nhanh. Nước từ lưng chừng trời tuôn xối xả. Khách đi đường vội nép vào mái hiên nhà ở hai bên phố để trú mưa…
Đang trên đường tới cơ quan, tôi cũng vội kiếm cho mình một chỗ để trú mưa. Vừa tìm được chỗ đứng để đợi mưa tạnh, tôi đã nghe tiếng một người đàn ông trạc 40 tuổi giọng ồm ồm nói: “Từ khi cái quán Karaoke Hoàng Phúc bị công an bắt vì chứa chấp mấy đứa sử dụng ma túy, khu vực này yên ắng hẳn. Không còn cái cảnh thanh niên bước ra từ đó với gương mặt đờ đẫn; nam, nữ dìu dắt nhau như chốn không người nữa”.
Người phụ nữ đi cùng tiếp lời: “Không chỉ cái quán Karaoke Hoàng Phúc đâu, mà còn nhiều nơi nữa, công an cứ phải làm mạnh tay như vậy thì mấy đứa buôn bán ma túy mới hết đường sống, dân mới được nhờ”.
Họ vẫn đang rôm rả câu chuyện về các tụ điểm ma túy vừa bị “khai tử”, tôi thầm cảm thấy tự hào về công việc mình đang làm, về các đồng đội của tôi. Bởi hơn ai hết, tôi hiểu rằng để có được những câu chuyện như trên hoặc sự đồng tình từ chính người dân thì những người chiến sĩ công an nhân dân đã và đang phải hy sinh, nỗ lực rất nhiều.
Bất giác, tôi nghĩ đến một người đã góp một phần rất lớn vào những thành công trong các chuyên án ma túy vừa qua, Đại tá Cao Thành Vinh - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Đắk Lắk. Đó không chỉ là một đồng nghiệp mà trên hết còn là người thầy, người chú đã dìu dắt tôi những ngày bỡ ngỡ khi vừa rời ghế nhà trường.
Còn nhớ, năm 2003, tôi gặp chú, lúc đó là Phó phòng Bảo vệ chính trị IV (Công an tỉnh Đắk Lắk). Hình ảnh ban đầu của tôi về chú là dáng người hơi thấp, mái tóc xoăn và nước da ngăm đen chai sạn vì nắng gió, cái chất giọng đặc sệt Nghệ An và nụ cười cởi mở “gây” cho người đối diện cảm giác tự tin và thân thiện.
- Chào chú, cháu là lính mới về, nhờ chú quan tâm giúp đỡ ạ!
Đó là lần đầu tiên tôi gặp “sếp lớn”. Nhưng đáp lại, chú khiến tôi khá bất ngờ.
- Cháu ni mới ra trường hả? Về phòng ni phải đi địa bàn nhiều, chủ yếu ăn ở tại buôn làng có sợ bị các cô gái Êđê bắt chồng không?
- Dạ không chú ạ.
- Rứa để mai chú dắt đi... cho quen với nắng gió Tây Nguyên nhé. Ở đơn vị ni, tuy vất vả nhưng anh em sống tình cảm và thương nhau lắm!
Câu chuyện của chú cháu tôi trở nên dễ dàng hơn bởi được góp vui từ những đồng chí khác.
Khi đó, cả tỉnh Đắk Lắk đang là cao điểm phòng, chống Fulro và công việc ở Phòng Bảo vệ chính trị IV là tăng cường công tác nắm, phân tích và dự báo tình hình; đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu và phương thức thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động Fulro chống phá Đảng, Nhà nước. Mỗi lần được chú dắt đi thực tế, tôi lại nghe từ các già làng, trưởng buôn kể về chiến tích của Ma Anh (cái tên thân thương mà các già làng thường dùng để nói về Đại tá Cao Thành Vinh). Và một trong những câu chuyện mà đến giờ tôi vẫn luôn kể cho các cán bộ trẻ mới ra trường nghe đó là Chuyên án K302. Mỗi lần kể là một lần cảm thấy mến phục và tự hào trước tinh thần quả cảm của chú ama Anh và các đồng đội.
Giáp Tết Nguyên Đán năm 2003, sau đợt biểu tình bạo loạn năm 2001, đây được coi là thời điểm nhạy cảm mà các đối tượng Fulro, các thế lực thù địch ở nước ngoài lợi dụng triệt để kích động người dân biểu tình, bạo loạn tại các huyện Krông Pắc, M’Đrắk. Tối ngày 28 Tết (âm lịch), khi không khí tết đang tràn về trên khắp các con đường, góc phố của Buôn Ma Thuột thì Công an tỉnh nhận được tin tình báo một nhóm đối tượng ở các huyện gồm: Cư Jút, Ea Kar, Buôn Đôn... tập họp chuẩn bị lên kế hoạch tổ chức biểu tình tại khu vực các xã Ea Kao, Hòa Phú, Hòa Xuân... từ Quốc lộ 14 tiến về TP.Buôn Ma Thuột. Ngay trong đêm, lãnh đạo Công an tỉnh đã thành lập chuyên án K302. Khi đó, vừa mới trở về từ huyện M’Đrắk, không chần chừ, chú ama Anh đã nhận nhiệm vụ chỉ huy chuyên án K302 và hỏa tốc đến tận nơi xử lý.
22 giờ đêm, chú ama Anh cùng với tổ công tác có mặt ở buôn Bua (xã Hòa Xuân), nơi được tình báo xác nhận 4 đối tượng cầm đầu đã trà trộn vào nhà người dân, do vậy việc tìm kiếm các đối tượng trở nên khó khăn, chưa kể đến sự xuất hiện của ta dễ dàng đánh động đến các đối tượng. Càng về khuya, cái lạnh lúc này như thấu tận tâm can, chú ama Anh vẫn cùng các đồng đội của mình lặng lẽ trong buôn, qua các rẫy cà phê thăm dò, tìm kiếm các đối tượng. Hơn một tiếng đồng hồ, xác định 4 căn nhà, nhưng thách thức cho ama Anh lúc đó là làm sao để bắt được 4 đối tượng mà không ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng cho những người dân trong buôn.
Không mất quá nhiều thời gian, khi hai đối tượng đầu tiên nhanh chóng bị bắt, thì các đối tượng còn lại gan lì, cố thủ và đe dọa “nếu công an xông vào nhà thì tao giết chết”. Lực lượng của ta tạo ra “con đường mở” để 2 đối tượng đầu thú nhận sự khoan hồng của pháp luật. Trực giác của một người dày dặn kinh nghiệm, chú ama Anh vừa mềm mỏng vận động nhưng lại kiên quyết bám trụ ngay cửa ra vào của căn nhà. Như phán đoán, khi đối tượng vừa ra đến cửa đã ném con dao về phía lực lượng công an nhằm mở đường trốn, không ai khác chính chú ama Anh “hứng” trọn con dao này. Thế nhưng chú vẫn quyết cùng với đồng đội bám riết truy bắt bằng được đối tượng, mặc cho vết thương đang rỉ máu.
Để mở rộng công tác đấu tranh, xử lý triệt để vùng “nóng”, tổ công tác đã khai thác nhanh thông tin về đối tượng T3 (một đối tượng cầm đầu nguy hiểm nhất trong Chuyên án) lúc ấy đang có mặt ở buôn Bua. Chưa màng đến vết thương bị dao đâm vẫn đang nhuốm màu đỏ gần hết áo, chú ama Anh hỏa tốc báo cho lãnh đạo Công an tỉnh bổ sung thêm quân tóm luôn đối tượng T3. Bởi, bắt được T3 sẽ dập tắt được tất cả các ý đồ biểu tình trong Tết Nguyên Đán và dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2003. Khi trời còn chưa rạng, chú ama Anh cùng tổ công tác đã đưa T3 ra chịu sự trừng phạt của pháp luật. Lúc này, chú ama Anh mới vào bệnh viện xử lý vết thương… Sự mưu trí dũng cảm của ama Anh và đồng đội của mình đã mang mùa xuân Ban Mê về sớm hơn trong cái bình yên của mọi nhà
Chia tay mặt trận phòng chống Fulro cuối năm 2007, chú được điều về làm Trưởng công an huyện Buôn Đôn - một huyện vùng sâu, lại có chung đường biên giới với Vương quốc Campuchia và nhiều thành phần dân tộc sinh sống như: Mnông, Êđê, Lào, Tày, Nùng... Quãng thời gian này, công tác dân vận gắn kết giữa dân tộc thiểu số với lực lượng Công an huyện được đánh giá là “thời kỳ thăng hoa”, nhất là sau sự kiện đơn vị thi công Dự án Đập thủy điện Sêrêpốk 4 “san bằng 115 ngôi mộ” của người đồng bào dân tộc Êđê tại xã Ea Wer. Sự bức xúc của người dân ở đây diễn biến nhanh khiến cho chính quyền địa phương đau đầu. Yêu cầu của họ là: “Vì đã động đến nơi linh thiêng, do đó một mặt phải đền bù bằng vật chất, mặt khác đơn vị thi công phải làm lại khu chôn cất trở về nguyên trạng”. Vừa nhận được tin báo, chú ama Anh đích thân xuống ngay xã Ea Wer vào trong buôn gặp già làng, buôn trưởng, người có uy tín để tìm cách “hạ hỏa”, giải thích cho người dân hiểu được những giá trị, lợi ích mà công trình mang lại cho đồng bào mình; mặt khác phối hợp với UBND xã Ea Wer và đơn vị thi công giải quyết vấn đề thấu tình hợp lý đảm bảo cho người dân có nơi thờ tự. Cuối cùng bà con trong buôn đã hiểu và đồng tình, ủng hộ đóng góp sức người, sức của để cùng với chính quyền và đơn vị thi công tiếp tục triển khai dự án mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Với sự linh hoạt, mềm mỏng xử lý vụ việc trên, góp phần đảm bảo an ninh trật tự không để các đối tượng kích động, chú đã được tham gia báo cáo điển hình tiên tiến toàn quốc về việc thực hiện Chỉ thị 03 xây dựng lực lượng Công an huyện vững mạnh toàn diện.
17 năm gắn bó với Phòng Bảo vệ chính trị IV và hơn 4 năm “Bốn cùng” với bà con dân tộc huyện Buôn Đôn đã mang lại cho chu ama Anh sự dạn dày và nhiều kinh nghiệm trên mặt trận phòng chống phản động Fulro. Già Ama Ja ở buôn Knia 4 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng khi nhắc đến Ma Anh thì khóe mắt lại sáng lên và kể suôn chay như một đoạn băng được thu sẵn: “Ama Anh đã là máu mủ ruột thịt của buôn từ lâu rồi, nhờ cái bụng nó tốt nên nó thương bà con lắm, nó nói gì bà con cũng nghe, không theo phản động nữa mà chăm chỉ làm ăn rồi...” Bản lĩnh, chất thép của người lính mang quân phục xanh càng được thể hiện khi Ma Anh về làm Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy từ tháng 7 năm 2018.
Mấy ai quên được, khoảng thời gian giữa năm 2018, người dân khắp cả nước phấn khởi khi Bộ Công an chỉ đạo cho hơn 300 trinh sát gồm lực lượng Công an tỉnh Sơn La và Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) nhanh chóng phá tan được chuyên án trùm ma túy 18TN và 19TN trong 72 giờ ở xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Sự kiện chấn động này đã đánh một đòn tâm lý mạnh vào bọn tội phạm buôn bán, tàng trữ ma túy ở phía Bắc, do đó, chúng bắt đầu thay đổi phương thức vận chuyển vào khu vực miền Trung, Tây Nguyên, lấy cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum) làm tuyến chính, qua địa phận Đắk Lắk để chuyển xuống các tỉnh phía Nam. Không ngủ quên trên những chiến công chống phản động, Đại tá Vinh với tinh thần tấn công ngay từ phút đầu không để các đối tượng lợi dụng địa bàn Đắk Lắk làm nơi trung chuyển ma túy. Đại tá Vinh nhận định: “Đây là thời điểm “nóng” về ma túy, nếu không có những phương án cụ thể, thiết thực đúng với tình hình thực tế rất có thể sẽ khiến cho mũi tên phòng, chống buôn bán ma túy trên địa bàn tỉnh đi lệch hướng, tạo ra cơ hội cho các đối tượng phạm tội”. Vì vậy, ngoài việc bố trí các trinh sát bám sát địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xác minh, nắm rõ các đối tượng buôn bán ma túy cộm cán hoạt động xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận và nhất là các tỉnh phía Nam, Đại tá Vinh còn tham mưu ngay cho lãnh đạo Công an tỉnh thành lập chuyên án 818Đ và triển khai đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ nhằm bắt quả tang đối tượng. Sau đó tổ công tác gồm rất nhiều lực lượng đã lên đường sang nước bạn Lào để truy bắt. Mặc dù đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn vô cùng tinh vi, xảo quyệt hòng đánh lạc hướng của ta, nhưng dưới sự chỉ đạo điều hành linh hoạt sáng tạo của Đại tá Vinh, các mũi trinh sát đã bọc lót, hỗ trợ, bám sát đối tượng. Dù đối tượng và đồng bọn chống trả rất quyết liệt, nhưng Đại tá Vinh và tổ công tác đã rất mưu trí, dũng cảm, quyết tâm bắt bằng được đối tượng, yêu cầu nộp toàn bộ tang vật, thu được số lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực Tây Nguyên, bắt giữ đối tượng Phan Thị Đào (thường trú tỉnh Bắc Kạn) có hành vi vận chuyển ma túy khối lượng lớn từ Lào qua cửa khẩu Bờ Y về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ, thu giữ 22 bánh heroin và sau đó bắt giữ đối tượng Trần Ngọc Minh (thường trú tỉnh Hà Tĩnh) thu giữ 700 gram heroin, 310 gram ma túy tổng hợp dạng đá và các tang vật khác tại khu vực trước nhà nghỉ 555, số 130A đường Giải Phóng, phường Tân Thành (TP.Buôn Ma Thuột). Cùng với đó là các điểm nóng ma túy trọng điểm trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột dần được dẹp bỏ. Thành công của Chuyên án 818Đ đã góp phần đập tan, làm thất bại ý đồ của các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy muốn lợi dụng Đắk Lắk làm địa bàn trung chuyển đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh khác. Đồng thời cũng cảnh báo cho các đối tượng biết Đắk Lắk không phải là vùng đất bình yên đối với những kẻ hoạt động phi pháp đến Đắk Lắk bọn chúng sẽ bị sa lưới và bị trừng trị nghiêm khắc trước pháp luật.
Từ thực tiễn công tác, qua các chuyên án lớn do Đại tá Vinh trực tiếp tham gia mà tôi được biết cùng các vụ “khai tử” các tụ điểm ma túy trong thời gian gần đây, tôi càng cảm phục chú bởi bản lĩnh đối mặt với tội phạm, tinh thần thép trong những giây phút quyết định sinh tử. Nếu như các già làng, trưởng buôn khi nhắc đến ama Anh là nhắc tới một người con của buôn làng với niềm tự hào sâu sắc, thì đối với đồng đội Đại tá Cao Thành Vinh là tấm gương cho các thế hệ đi sau như chúng tôi học tập noi theo. Giờ đây, chú cũng là đồng đội của hai người con cùng chung lý tưởng với cha. Điều chú tự hào nhưng chưa bao giờ thể hiện ra có lẽ là cậu con trai út là thủ khoa đầu vào - đầu ra của Trường Đại học An ninh nhân dân và là một trong những tấm gương tuổi trẻ CAND tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng CAND Việt Nam và người bạn đời không ngại vất vả, hy sinh, thay chú đảm đang, lo toan việc nhà, phụng dưỡng bố mẹ, chăm sóc con cái và trở thành hậu phương vững chắc cho chú yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Trải qua 37 năm khoác trên mình bộ quân phục Công an nhân dân ở miền đất đỏ, cho dù trên cương vị là một người lính, một người lãnh đạo, hay người cha, người chú thì Đại tá Cao Thành Vinh cũng đã sống hết mình vì lý tưởng cao đẹp bởi chú luôn tâm niệm: “Làm Công an không phải là làm quan cách mạng, không phải làm đẹp cho mình; càng không phải để ganh đua thành tích mà mình phải sống làm sao cho xứng đáng với niềm tin mà Đảng và nhân dân tin yêu giao phó. Chiến đấu, hy sinh quên mình dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, chỉ biết còn Đảng là còn mình”.
Ghi nhận những thành tích của Đại tá Cao Thành Vinh, nhiều năm qua chú đã được các cấp, các ngành tuyên dương khen thưởng nhiều Giấy khen, Bằng khen, Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng trong đó vinh dự nhất là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…