Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 279 - tác giả VIỆT NGA




 Nhà văn VIỆT NGA
(Chủ tịch Hội VHNT Hải Dương)

SEN TÀN

              Tản văn



Tôi thích hoa sen từ nhỏ.
Ngày ấy, ao nhà bà nội thả đầy sen hồng, sen trắng. Cứ chớm hè là hoa đua nhau nở. Hoa sen có vẻ đẹp thật đài các, thanh cao, thật thần tiên, tuyệt mỹ… Đứng trước những đóa sen thanh khiết, tôi cứ có cảm giác mình không thể dùng lời để miêu tả vẻ đẹp của hoa. Bắt đầu là những búp nụ nho nhỏ, màu phớt xanh (nếu là sen trắng) và màu nâu hồng (nếu là sen hồng) nhô lên khỏi mặt nước. Ngày một, ngày hai, những búp nụ nhô cao hơn, đỡ gầy guộc hơn, và sắc nụ cũng rõ hơn nhiều. Nụ nhỏ thường núp sau những lá sen to, xanh biếc. Nụ to vươn lên tự tin hơn, cao bằng, rồi có khi cao hơn những chiếc lá mượt mà, lòng trũng lại khum khum. Khi hoa bắt đầu nở là khi những điều thần tiên bắt đầu hé lộ. Thoạt tiên, chỉ là đôi cánh sen khe khẽ tách ra. Nụ sen chúm chím hàm tiếu. Những cánh hoa cứ hé dần, hé dần. Chu trình để nở một bông sen từ lúc hàm tiếu cho đến lúc mãn khai mất khoảng 3 ngày. Hoa sen đẹp nhất là khi nở ngập ngừng được một nửa. Những lượt cánh bên ngoài xòe ra duyên dáng. Màu hồng đậm, màu trắng tinh khôi được khoe trọn vẹn trên những cánh nuột nà. Những lượt cánh bên trong vẫn khép, ôm lấy đài sen và lớp nhụy vàng kín đáo. Lúc đó, nhìn bông sen mơn mởn, đẹp kiêu hãnh và lộng lẫy. Nhưng chỉ ngày sau, những lớp cánh bên trong tiếp tục nở. Bông sen mãn khai to bằng hai bàn tay xòe, khoe cả lớp nhụy vàng với đài sen lấm tấm những đầu hạt sen chỉ bằng hạt tấm nhỏ. Đây là lúc sen tỏa hương. Hương sen thanh khiết lách qua những lớp cánh mịn như nhung, thơm dịu dàng, kín đáo mà vẫn mãnh liệt. Đứng từ xa đã cảm nhận được hương sen lan trong gió. Cái mùi hương như có như không, vừa hiển hiện rõ ràng lại vừa mơ hồ không thể nào nắm bắt. Hễ để ý đến hương sen thì tự nhiên không thấy nó đâu cả. Nhưng cứ bất thần, tình cờ, thì hương sen lại quấn quýt, nồng nàn, ướp thơm từ ngọn gió đến cỏ cây, mây nước. Sau thời điểm mãn khai, hoa sen bắt đầu rụng cánh. Cứ lần lượt cánh nào xòe trước thì rụng trước. Sau một đợt gió là mặt nước lại lao xao bởi những cánh sen vừa khẽ khàng chạm xuống. Mỗi cánh sen như một chiếc thuyền tí xíu, xinh xắn, xoay tròn trong gió, bập bềnh trên mặt nước xanh trong. Sen rụng hết cánh, còn lại đài sen màu xanh nhạt đung đưa, như thể những chiếc micro nho nhỏ. Gió qua lại hát trong những chiếc micro xíu xiu ấy, bật lên những âm thanh mơ hồ. Cô ruột tôi là một người con gái có nhan sắc. Vào mùa sen, cô hay bơi chiếc thuyền nan mỏng mảnh ra hái sen để bán. Nụ sen bán cho những người đi lễ chùa. Lá sen bán cho những người bán hàng dùng để gói hàng. Những gương sen còn non bán cho người ăn chơi, hoặc để nấu chè. Tôi thường đứng trên bờ, ngắm đôi tay trắng trẻo, nuột nà của cô thoăn thoắt hái lá sen bó thành từng bó để trong lòng thuyền hoặc ngắt nụ sen buộc lại, cứ mười bông thành một bó. Tôi thắc mắc tại sao cô không hái hoa mà chỉ hái nụ. Cô bảo vì sen đã nở nếu chạm vào sẽ rơi hết cánh. Mái tóc đen của cô thấp thoáng giữa đầm hoa. Dù muốn lắm mà chưa bao giờ tôi được lên thuyền ra hái sen với cô. Cô bảo thuyền nhỏ, chỉ một người ngồi được. Hai cô cháu cùng lên, không khéo chìm thuyền. Tôi cứ đứng trên bờ, tưởng tượng rằng được len lỏi giữa những đóa sen thế kia chắc là thần tiên lắm. Cả người được ướp trong thứ hương thơm rất diệu huyền. Đến khi cô cập thuyền vào bờ, ôm những nụ sen lên, tôi cứ ngây người ngắm mãi, không biết gương mặt đang ưng ửng hồng của cô có lấm tấm mấy giọt mồ hôi với những đóa sen kia, bên nào đẹp hơn. Buổi tối nằm bên cô, tôi vẫn còn ngửi thấy hương sen trong từng sợi tóc dài vấn vít.
Nhưng đấy là đầm sen thời kỳ xanh tốt. Đến lúc sen tàn, chỉ ngắm thôi mà thấy buồn hiu hắt. Cuối hạ, chớm thu là lúc sen rạc dần. Mặt đầm mênh mông hơn bởi những lá sen đã bợt hết màu xanh, rách tả tơi, héo úa, gục đầu xuống mặt nước. Có những lá đã khô quắt. Có những lá nửa xanh nửa úa. Những đài sen già đã được thu hoạch hết. Thảng hoặc còn một hai bông hoa còi cọc nở muộn, le lói hồng trong đám lá úa nâu. Những cọng sen già nua, khô sắt run run trong heo may đầu mùa vừa chớm. Ngắm đầm sen tàn, thấy lạnh lòng khôn tả. Cái ý niệm về sự tàn phá khủng khiếp của thời gian cứ nhoi nhói tâm tư. Trước cái đẹp đã lụi tàn, ai không chạnh lòng xa xót? Không còn hoa sen. Không còn những cánh hồng, cánh trắng rung rinh trong gió thơm. Không còn những lá xanh mượt mà, mỡ màng trải khắp đầm, khiến cho nắng cũng dịu lại, gió cũng run rẩy. Không còn những đài sen non ngây thơ. Không còn hương sen thanh khiết dịu dàng lan trong gió… Chỉ còn sắc xám xịt u buồn của những lá sen tàn đổ gục trên mặt nước. Chỉ còn những cọng sen lô nhô gân guốc đang âm thầm tóp dần, tóp dần. Chỉ còn những cánh chuồn chuồn chập chờn bay đậu trên những cọng sen già… Mùa hè rực rỡ và cháy bỏng đã qua. Những cọng cỏ gà ven đầm sen run run trong heo may đầu mùa vừa chớm… Cô tôi đi chợ làng về qua, mải mốt lấy thuyền thúng chèo ra để mót nốt một vài đài sen còn sót đâu đó. Cô lấy chồng làng bên. Hình ảnh người đàn bà khắc khổ, già trước tuổi đang tần tảo mót từng đài sen già chẳng còn đọng lại tí ti bóng dáng nào của cô thôn nữ hơn hai chục năm trước rạng rỡ giữa những đóa sen hàm tiếu thơm tho. Gió ào qua như tiếng thở dài. Thời gian! Thời gian thật là nghiệt ngã. Cái đẹp lại càng mong manh, dễ lụi, dễ tan…
Tôi thích hoa sen từ nhỏ. Nhưng mỗi lần nhìn thấy đầm sen đã tàn lại thấy nghẹn ngào trong nỗi đau khó tả. Nỗi đau thấy thời gian nghiệt ngã. Nỗi đau thấy nhiều thứ cũ xưa đẹp đẽ đã biến mất hoàn toàn. Nỗi đau thấy mình thực sự bất lực trước những tàn phá của tháng năm. Trước đầm sen đã tàn, chỉ còn nhớ tiếc và xa xót…



Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 279 - tác giả LÊ MINH PHONG





SÔNG HINH

Truyện ngắn


Em đã tới đầu nguồn Sông Hinh hay chưa. Ngày xưa em nói nếu xa anh em sẽ tìm về với đầu nguồn Sông Hinh và hát một mình trong đêm tối.
Em ơi, hãy trả lại mái tóc cho anh. Anh đã để mái tóc của anh vào đó trước lúc em ra đi. Anh giấu kín nó trong vali của em. Anh quấn nó vào chiếc áo màu xanh có những đường đăng ten nhỏ, rồi anh bỏ vào vali của em trước lúc em lên tàu.
Anh nhớ đó là vào một buổi chiều chủ nhật có mưa nhẹ và lúc đó anh còn nghe cả tiếng mèo kêu sau bức vách ngôi nhà trọ mà chúng ta đã ở.
Em nhớ không, nơi ấy chúng ta đã ngắm những vì sao mọc lên từ đất qua những song sắt đã hoen rỉ mà em cá với anh rằng chúng tồn tại từ ngày các hoàng đế chưa biết khóc trong kinh thành.
Anh đã tới bên bờ Sông Hinh, nhưng họ nói rằng không thấy em, họ không thấy người con gái với đôi mắt ướt như thế bao giờ.
Em ơi, hãy trả lại cho anh đi. Những thứ mà em đã mang theo. Ít nhất cũng phải để lại cho anh những hơi thở. Chúng là linh hồn của anh. Ngày nhỏ bà nội thường nói với anh hơi thở là linh hồn. Khi chúng ta chết đi linh hồn sẽ thoát ra ngoài cùng với hơi thở và bay lượn trên những rặng núi vào những buổi chiều tà.
Em ơi, hãy trả lại những hơi thở cho anh. Anh cần chúng như cần sự hiện hữu của em. Đêm nay đây, dưới ánh đèn vàng này, chiếc bóng của anh đã rệu rã, tâm thần anh bấn loạn. Anh đã giấu em. Thú thật có những thứ anh đã không nói với em ngày em còn ở bên anh. Anh đã lặng lẽ, chính vào cái lúc em bước vào nhà tắm anh đã âm thầm trút những hơi thở của anh vào trong một chiếc túi bóng rồi bỏ vào vali của em.
Anh bỏ những hơi thở thoi thóp đó vào ngăn ngoài cùng của vali, nơi mà em ít để ý nhất. Bởi anh sợ em sẽ phát hiện ra những hơi thở của anh và em sẽ không nhẫn tâm mang chúng đi về phía mà em đã chọn.
Vào mùa thu, Sông Hinh như một tấm thảm. Nước trong như đôi mắt em.
Khi tàu chuyển bánh anh trở nên ngu dại. Tiếng còi tàu rúc vào xé nát tâm can anh. Lúc ấy, em biết không, tiếng còi tàu như hàng tỉ những con rết nhỏ rúc vào da thịt anh. Chúng làm tình và sinh sản trong thân thể anh rồi chúng say sưa với cái vũ điệu ấy trong lúc em đã ngồi trên tàu và ra đi.
Em ơi, hãy trả lại những tiếng nói cho anh. Đành rằng em có thể mang theo tiếng nói của anh nhưng những tiếng hát của anh em phải gửi lại. Anh cần chúng. Anh cần những tiếng hát của anh, những tiếng hát ru anh ngủ vào mỗi đêm và đánh thức anh khi bình minh ló dạng.
Hãy trả lại cho anh những tiếng hát để chúng vỗ về anh khi anh đi qua những hàng cây trong thành phố. Hãy trả lại cho anh những tiếng hát đó bởi ngày mai đây, khi hoàng hôn buông xuống, anh sẽ ra ngồi ở bờ sông và hát lại những bản tình ca mà anh đã hát cho em nghe.
Ngày bên nhau anh nói khi em tan đi, những bài hát mà anh đã hát anh sẽ hát cho mọi người và họ cùng anh nhìn ngắm mối tình diễm tuyệt của chúng ta.
Em, đúng thế. Mặc dù anh đã chủ động gói những tiếng hát của anh vào trong một phong thư nhỏ rồi lặng lẽ anh để nó vào trong cuốn sách của em, cuốn Suối Nguồn của Ayn Rand ấy, nhưng không vì thế mà em nhẫn tâm mang nó đi. Bây giờ em có thể lấy nó ra và lắng nghe nó rồi trả lại cho anh được không?
Anh đã tới Sông Hinh vào một chiều cả gió và người ta nói đi ngược lên phía trên có thể sẽ tìm thấy em, người con gái có đôi mắt ướt đó có thể đang đứng trên những tảng đá đầy rêu ở phía thượng nguồn rồi hát lên những giai điệu sầu thảm về huyền thoại Sông Hinh.
Bây giờ em ở đâu. Ở đó em có còn đi đôi bít tất màu vàng và mang đôi giày mà anh đã tặng không. Ở đó mắt em có sáng lung linh như những vì sao nhỏ trên đồi mà chúng ta đã ngắm vào ngày 12 tháng 8 hay không.
Người ta thường nói đôi mắt chính là mẹ của những vì sao. Đôi mắt sinh ra những vì sao rồi dạy cho chúng cách chiếu sáng lên trần thế. Anh không tin vào những điều huyễn mộng đó, nhưng Em ơi, mắt em chính là những vì sao.
Những người đàn bà đi lượm củi khô nói với anh rằng vào một chiều mưa họ đã thấy một người con gái ngồi khóc bên hàng liễu trên bờ Sông Hinh. Đôi mắt cô ấy ướt và đôi gót cô ấy màu hồng trông như những cánh hoa.
Khi đêm tới anh nhớ làn da của anh vô cùng. Lúc anh nằm xuống trên cỏ anh mới biết làn da nâu sạm của anh không còn bên anh nữa. Và anh đã làm như thế. Anh nhớ lúc đó em đã giận anh và lao ra phố. Chính cái lúc không có em anh đã lột tấm da trên thân thể mình và cuộn lại như người ta cuộn một tấm bản đồ đi tìm kho báu.
Anh dúi tấm da của anh vào dưới đáy vali của em. Anh còn nhớ khi mũi dao chạm vào thân thể anh thì anh đã khóc như một đứa trẻ. Anh khóc òa lên cho đến lúc em quay trở lại và hôn lên đôi mắt nhòe nước mắt của anh trong lúc anh ngủ thiếp đi.
Đêm nay anh không thể ngủ được nếu thiếu đi tấm da của mình. Kiến sẽ cắn lên những mạch máu của anh và chúng cũng sẽ làm tổ trong đó. Và nữa em ơi, bụi trên chiếu sẽ dính lên những vết thương của anh.
Và em biết không, sẽ đau đớn biết nhường nào nếu sớm mai khi bình minh lên, ánh nắng sẽ chiếu thẳng vào thân xác anh. Sẽ như một đàn kiến lửa lao đến và khiến anh cuồng loạn.
Anh vẫn đi ngược lên phía thượng nguồn. Anh cảm nhận được hơi thở của em đang réo gọi anh. Em ơi, Sông Hinh mát rượi như tóc em. Nước Sông Hinh mềm như môi em vậy.
Anh mong rằng chiếc vali sẽ không khiến em mệt mỏi. Nó sẽ không quá nặng đối với đôi tay kiều diễm của em. Ngày xưa anh nói những khi mệt mỏi em hãy tựa vào đôi vai của anh nhưng giờ không có anh bên cạnh em hãy dựa vào một gốc cây nào đó rồi ngủ một giấc em nhé.
Trong khi ngủ những giấc mơ sẽ kéo đến và ngày nhỏ người lớn thường nói rằng có những giấc mơ xấu và có cả những giấc tuyệt vời. Những giấc mơ đẹp sẽ khiến em vui cười rồi từ trong giấc mơ em biết rằng phải gửi lại tiếng cười cho anh.
Em đã mang tiếng cười của anh đi tới nơi em tới. Giờ đây, khi không còn tiếng cười nữa anh thấy mọi thứ vô nghĩa em à. Tất nhiên là anh không có quyền lấy lại tiếng cười của anh bởi chính anh là người để tiếng cười của mình vào trong túi áo của em.
Khi em gấp chiếc áo đó em đã vô tình không nhận ra tiếng cười của anh nằm trong túi áo. Anh còn nhớ khi đó em nói với anh rằng nếu sau này vắng em anh hãy vui cười bởi nụ cười sẽ khiến anh yêu cuộc sống dù cuộc sống có kéo ta về phía tủi nhục của thân phận.
Anh đã đi suốt mấy ngày đường. Anh hỏi họ rằng đã đến thượng nguồn Sông Hinh chưa, họ nói rằng anh phải đi ngược lại về phía anh đã đi. Thượng nguồn sông Hinh ở phía sau lưng anh. Anh đã lạc đường nhưng anh vẫn cảm nhận được hơi thở của em.
Vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 13 tháng 6, điều tệ hại đó đã đến với chúng ta. Cả em và anh cùng câm nín. Cái giây phút đó anh đã quyết định để em ra đi.
Em không thể ở lại với anh bởi anh chỉ là một thi sỹ, một cuồng nhân cảm hứng và thiếu thực tế như có lần em nói với anh. Em đi, em đã ra đi cùng với con tàu khuất xa trong ráng khói, nhưng em ơi, giờ đây anh van xin em hãy trả lại đây cho anh đôi mắt của mình.
Anh không còn nhìn thấy gì nữa. Mọi thứ tối sầm lại như trong đêm đen. Anh bước đi và cảm nhận mọi thứ qua trực cảm của anh. Anh đã trở nên mù lòa bởi anh đã bỏ đôi mắt của mình vào trong chiếc ví của em trước lúc em ra đi. Bây giờ nếu có thể hãy lấy nó ra. Anh nghĩ khi em lấy nó ra anh sẽ nhìn thấy em dù rằng chúng ta đã cách xa nhau hàng ngàn cây số.
Hãy lấy ra đi em. Hãy trả lại ánh sáng cho anh, hãy để anh nhìn thấy bình minh hát ca và hoàng hôn nhóm lửa. Hãy để khi ánh trăng xuyên qua song cửa sổ nơi gác trọ của chúng ta mà anh có thể nhìn ngắm nó như những ngày có em. Hãy giải thoát đôi mắt anh khỏi chiếc ví nhỏ bé của em để anh được nhìn thấy em cười trong khi em bước đi trên thảm cỏ.
Mấy gã thợ săn nói với anh rằng sông này không phải là Sông Hinh. Sông Hinh nước đỏ như máu. Anh hỏi Sông Hinh ở đâu họ nói họ không biết và tổ tiên họ cũng chưa bao giờ nghe tới Sông Hinh.
Vào trưa nay, nếu không có những người thợ xẻ thì có lẽ anh đã không còn nữa. Lúc anh ngã xuống bên bờ sông họ đã chạy đến và đưa anh vào một ngôi làng không hề có mái ngói.
Chỉ có tiếng hát của trẻ nhỏ và tiếng đàn đá. Họ nói với anh rằng lồng ngực của anh rỗng không. Họ đau đớn trong nỗi quằn quại của anh. Họ đã khóc cho anh, khóc cho một thi sĩ nghèo nàn suốt một đời đi bán thơ dạo. Anh gói thơ anh trong những chiếc lá nhỏ. Và họ đã căm phẫn vì em.
Họ nói anh là kẻ rộng lượng và đần độn biết bao bởi anh đã cho đi trái tim của mình. Nhưng em ơi, họ không phải là thi sĩ nên họ chẳng bao giờ hiểu những kẻ như anh.
Bây giờ em hãy sờ tay lên lồng ngực của em đi. Trái tim anh đang nằm trong đó. Nó đang thổn thức vì em. Anh đã bỏ trái tim mình vào bên cạnh trái tim của em lúc em vùi sâu trong giấc ngủ.
Anh chỉ còn sống đến chiều nay, những người già trong làng rỉ tai nhau như thế. Một cụ bà đã đút cháo cho anh và tập cho anh nói cười trở lại nhưng điều đó là bất khả em ơi.
Em ở đâu? Sông Hinh ở đâu?
Khi trái tim anh ở bên em thì anh chỉ còn sống được đến chiều nay nữa thôi. Vào tối nay nếu em không trả lại mọi thứ cho anh thì anh sẽ đi về miền vĩnh cửu, anh sẽ nằm xuống bên bờ sông, nơi đó những vần thơ của anh lại được mọc lên.
Rồi một ngày nào đó em sẽ về thăm anh, em sẽ quỳ lên mộ anh và hát cho anh nghe những bản tình ca mà ngày xưa anh đã hát.
Bây giờ anh đang gục xuống.
Và em ơi, những bông hoa dại trắng trên mộ anh đó chính là thơ của anh. Thơ anh sẽ nở bung ra trong chiều em trở lại.
Và ngày đó anh em mình lại dạo chơi bên bờ Sông Hinh và hát cho nhau nghe những bài hát xưa cũ và anh em mình hãy hứa với nhau sẽ không bao giờ để vụt mất những huyền thoại đó nữa nhé.

Hãy hứa đi em.

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 279 - tác giả TRẦN BĂNG KHUÊ





CHIẾC GIÀY ĐỎ

  Truyện ngắn


Gã nheo mắt nhìn chằm chặp vào chiếc giày cao gót màu đỏ. Gã nắm chặt quai giày, nện xuống nền nhà côm cốp. Âm thanh khô khốc, luồn vào sống lưng gã, chạy dọc theo từng đốt xương, tủy, lọt qua các khe máu trong cơ thể gã. Âm thanh bện lại thành một cơn đau dập dờn lượn sóng trên tóc và nổ ran ở đỉnh đầu gã. Buốt đến từng tế bào vặn xoắn.
Hiếm khi gã nghĩ rằng mình là kẻ yếu đuối. Bởi, gã biết, yếu đuối tức là chết. Gã không muốn cái chết đến sớm. Gã cố gồng thân xác mình lên mỗi ngày, nén chặt những luồng xúc cảm ủy mị. Ấy thế, khi nhìn thấy chiếc giày đỏ, đối diện với nó, cầm nó trên tay, thứ cảm xúc trong lòng gã lại bừng dậy một cách khó chịu. Gã kìm chế nó bằng cách túm chiếc giày đỏ ở trong hộc tủ và nắm chặt lấy quai, nện xuống nền nhà. Quả thật, khi ấy, gã chẳng còn nhìn thấy chiếc giày nào, kể cả cái bóng của gã trên vách gỗ. Gã chỉ nghe tiếng gõ: chát. chát. chát. Hệt như mọi góc khuất, mọi thứ hiển hiện đều biến mất trong tăm tối. Chỉ mỗi tiếng giày nện xuống nền nhà tồn tại.
Gã sợ ánh sáng mặt trời, sợ nắng. Gã mong mùa mưa chóng đến. Mưa càng nhiều càng tốt. Mưa phủ kín mặt đất. Mưa nuốt những cái bóng bủa vây xung quanh gã. Mưa nhốt chặt cả những quầng đỏ vòng quanh mặt trăng giữa tháng. Mỗi lần rời khỏi căn nhà xập xệ, gã đều phải bước tới gần cái hộc tủ, nơi gã cất giấu chiếc giày đỏ. Gã mở ngăn kéo, nhìn một lượt, rồi đóng lại. Gã cần nó, chiếc giày đỏ phải vẹn nguyên ở vị trí ấy. Vài lần, không thể vứt bỏ thói quen này, gã cầm nó lên, rồi lại nắm lấy quai và tiếp tục gõ gõ gõ. Những tiếng gõ nện vào đầu gã, nằm lại hai bên thái dương, đau đớn. Những tiếng gõ rời hộc tủ, theo chân gã ra khỏi nơi trú ẩn, khiến gã bứt rứt. Dù bên ngoài chẳng có một ai, chỉ là bìa rừng vắng lặng. Cây cối không đủ xum xuê để cắt gọt bớt đường thẳng của ánh sáng. Chúng vẫn hồn nhiên xuyên thẳng vào mắt gã, môi gã, tóc gã, não gã. Chúng đun máu gã sôi lên hàng ngày, hàng giờ, kể cả trong giấc mơ. Những giấc mơ quái quỷ, những giấc mơ tội lỗi. Chúng lặp đi lặp lại không tài nào dứt ra được.
Gã mường tượng đôi mắt người đàn bà trong giấc mơ ấy. Đôi mắt u buồn, đóng gợn một gam màu xám xịt. Thi thoảng, gã thấy những tia lửa lóe lên đầy oán giận, rồi tắt lịm ngay lập tức. Gã nghĩ, có lẽ nỗi oan ức của linh hồn trong đôi mắt ấy đã vượt ngưỡng. Chúng không thể hiển thị thêm được bất kì sắc diện nào nữa ngoài cách vùi chôn tất thảy mọi thứ liên quan đến đời sống trước và sau khi chết xuống đáy sâu tội lỗi. Gã ước chừng, một khi bóng tối khuất mặt, hẳn nhiên đôi mắt ấy sẽ biến mất. Vĩnh viễn. Như nàng. Như chiếc giày đỏ còn lại không bao giờ được cất giấu trong hộc tủ của gã.
Sáng nay, gã vẫn rời khỏi căn nhà tạm như mọi lần. Dù, gã rất sợ những tia nắng mặt trời lọt qua kẽ lá sẽ xuyên chiếu và chực chờ xiên cả thân thể của gã lên cọc gỗ. Gã phải đền tội, gã ăn năn tự vấn. Nhưng, sau đó, gã lại cười ha hả một mình với ý nghĩ: "Ai phải đền tội? Tại sao phải đền tội? Kẻ không bao giờ nện chiếc giày đỏ xuống nền nhà vẫn bị đóng đinh trên thập giá đấy thôi?". Gã hân hoan, cất lại chiếc giày vào ngăn tủ, rồi quay lưng ra phía cửa. Bản lề cửa cũ kỹ hoen rỉ bật lên những tiếng cót két. Gã nghe chói tai, nhức răng. Chúng đã lặng yên ngoan ngoãn, nấp lén rất kĩ trong đầu gã những ngày trốn nã khá lâu rồi.
Bìa rừng lấp lánh dưới những tán lá màu nắng vàng ươm. Thứ ánh sáng tinh khiết vào buổi bình minh khiến gã đau đầu và choáng váng. Gã thích bóng tối. Gã nghiện bóng tối. Chúng không làm gã nhức não. Chúng không khiến gã phải băn khoăn gì về chiếc giày đỏ đã mất. Thật ra, nó đã chết thì đúng hơn. Mỗi lần bước chân ra khỏi cửa, đến bìa rừng này, ánh nắng xuyên thấu, buộc gã phải nhìn vào hình hài gớm guốc của mình. Cái đêm hôm ấy, trong bóng tối, gã đã giết chết một chiếc giày, đỏ mọng như màu son cherry của nàng. Gã quyết định giết chết chiếc giày, rồi đào hố chôn nó ở bìa rừng. Phía sau lưng căn nhà gỗ tạm bợ ấy. Những lần rời khỏi nhà, gã đều mon men đến bìa rừng để ngắm nghía chiếc giày đỏ bị chôn dưới đất, cùng với đôi môi mọng chín màu dâu trong kí ức. Gã bần thần ngồi bó gối trên một mô đất. Nụ cười của nàng lấp lánh trong mấy tầng lá mỏng. Gã bưng mặt khóc. Những âm thanh vỡ vụn dưới nền nhà. Ngay ở chính bìa rừng này, gã đã giết nàng bằng chiếc giày màu đỏ. Máu của nàng vẫn còn rỏ từng giọt phía dưới gót dày. Mặt gã đờ đẫn như say thuốc, một loại thuốc không có tên, nhưng chúng lại giết gã rất thầm lặng. Sự trừng phạt của những luồng ánh sáng chơm chớm hé lên từ các tầng lá ở bìa rừng khiến kẻ phạm tội hãi hùng. Ánh sáng khiến gã đau đớn. Lương tâm có thể chết, nhưng trái tim gã đang sống. Sống day dứt trước bờ môi đỏ mọng màu cherry đã từng dịu dàng nói lời yêu gã. Hóa ra, ngày hôm trước người ta có thể vuốt ve quả tim, nhưng ngay sau đó lại sẵn sàng bóp nát nó trong lòng bàn tay mình. Vậy là, khuôn mặt ác hiện lên. Khuôn mặt ác quen thuộc của loài người. Gã nghĩ thế.
Lệnh truy nã đã được đóng đinh lên các cột điện. Khuôn mặt gã mờ nhòe dưới thứ màu trắng sáng. Buổi trưa gắt gỏng tháng chín khiến những tờ giấy in màu mực đen cháy xém ở bốn góc.
Một buổi sớm mùa thu. Gã vẫn tiếp tục mở cánh cửa gỗ cũ kỹ, nghe tiếng bản lề hoen rỉ kêu cót két. Thưởng thức cảm giác buốt não, nhức răng. Sau đó, đến gần hộc tủ cất giấu chiếc giày đỏ. Gã túm lấy nó và gõ. Tiếng gõ vang đến tận bìa rừng. Vọng lại khắp gian nhà xập xệ. Nơi gã đang trốn nã. Bỗng dưng gã hét lên thật lớn. Tiếng hét của gã hòa trộn với tiếng gót giày đang nện xuống nền nhà. Gã bật dậy, quẳng chiếc giày đỏ trên tay xuống, chạy ào về phía bìa rừng. Gã thẫn thờ gieo mái tóc rối bù xuống gò đất nổi. Mùi ẩm mốc của cơn mưa tối hôm qua vẫn còn váng vất. Gã tiếp tục nện đầu liên tục như khi gã nện chiếc giày đỏ xuống nền nhà. Nàng và chiếc giày đỏ đã được chôn sâu dưới lòng đất lạnh. Gã nghĩ, đã đến lúc gã phải đền tội. Có lẽ, đây cũng là một cách đền tội. Sống hay chết đều phải đền tội. Con người vẫn là sinh vật mang nhiều tội lỗi nhất trên thế gian này. Gã thấy máu rỏ giọt từ trên những sợi tóc. Mô đất biến thành đá tảng. Chiếc giày đỏ dính bết máu của nàng trồi lên khỏi mặt đất. Gã chộp lấy gõ liên tục vào đầu mình. Máu gã tiếp tục nhỏ giọt, rồi trào ra thành dòng, ướt lịm trên khuôn mặt xương xẩu, râu ria lởm khởm. Gã đã trốn nơi đây gần một tháng. Gã chạy trốn nàng và chiếc giày đỏ. Gã chạy trốn những kẻ đòi nợ. Hóa ra, khi họ chết, gã cũng chẳng thể nào sống sót. Vậy là gã giết nàng, chỉ vì, nàng không còn yêu gã nữa, chỉ vì nàng buông tuồng vài lời thóa mạ sự nghèo khổ của gã trong thời điểm này, cái thời điểm mà những kẻ điều khiển đồng tiền đang ngụp lặn dưới biển nước lớn mênh mông. Gã đã giết nàng bằng chiếc giày cao gót màu đỏ. A ha, gã rú lên trong cơn điên loạn: "Một chiếc giày cũng phải đền tội".
Phía sau bìa rừng, mô đất mỏng manh đỏ rợp một loài cỏ lạ. Căn nhà gỗ tạm bợ của gã đàn ông quái dị đã bốc lửa và cháy rụi trong một đêm trăng. Lệnh truy nã được gỡ xuống. Chẳng ai có thể phán xét về tội lỗi. Rõ ràng, tội lỗi không phải là thứ gì đó hiếm hoi ở nơi này, và chúng đã trở thành một thứ âm thanh buốt lạnh như tiếng gõ của gót giày xuống nền nhà trống rỗng từ rất lâu rồi.



Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 279 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN




CHƠI TRÒ ĐẾ VƯƠNG

Truyện ngắn

Lâu lắm rồi, mình không còn nhớ thảo nguyên bên kia núi, quên cả mắt ngựa hoang, quên cả tượng gỗ lẫn chim trời. Dòng suối Kroa lâu rồi mình không đến, chắc đã hết linh thiêng. Bầy bướm lạ thơm lừng giờ ngủ quên trong vòm lá nào không rõ. Mình đi biền biệt rồi. Ta cũng ngược xuôi... Có nhiều khi ta gọi: “Mình ơi!”.
Thảo nguyên nghe thấy, nhưng giả vờ không nghe thấy! Lũ khỉ chuyền cành nhe răng cười nhạo ta. Mới đó mà tưởng chừng xa lắm lắm...
Giờ thì mình không còn đủ sức dõi theo những câu chuyện thênh thang ta vẫn kể mỗi ngày. Các thầy thuốc đang cố gắng nhổ rễ một cái cây ra khỏi đầu mình. Đầu mình giờ không còn tóc, chỉ có lá cây che phủ, xanh như một giấc mơ dài về biển cả thuở hồng hoang. Thế thì ta phải đợi mình thôi. Thời gian chờ đợi thì một ngày bằng cả ngàn thu, mình đã biết rồi. Vậy ta lại bày trò kể chuyện, những câu chuyện nối tiếp nhau về thảo nguyên xa xôi hoang vắng. Chỉ một ta, ta làm gì chẳng được? Ta rủ bầy vượn trên núi Chư Mang xuống, xếp hàng trên đồng cỏ chín. Ta bắt chúng công kênh ta lên vai. Ta làm vua, ta làm chúa tể, ta ngồi trên đầu thiên hạ, bọn vượn hò hét, hú gọi tên ta giữa mênh mông lau lách. Ta làm hoàng thượng, không cần cân đai!
Ta háo hức vào vai hoàng đế, để mua vui, để quên những mong đợi rộng dài. Lũ vượn cũng ham vui, cũng muốn tỏ ra là những kẻ văn minh lịch sự, biết công kênh trên vai mình một gã huênh hoang. Chúng hái trái cây đút vào miệng ta, rồi đút vào miệng nhau. Chúng hái lá quàng lên thân thể trần truồng lông lá.
Ta hét: “Khởi kiệu nào!”. Thế là công kênh nhau lên núi Chư Mang. 
Ta là gã ham chơi, là đứa lạc loài của thế nhân đông đúc. Trò nghịch dại thì ta không thiếu. Suốt quãng đời tuổi trẻ sau lưng, ta chỉ có mỗi việc là vắt óc nghĩ ra những trò chơi vớ vẩn. Ta ra lệnh lũ vượn yêu nhau và làm đám cưới, vui không? Chúng nó cũng đội hoa lên đầu, cũng ôm hôn nhau và đút vào ngón tay nhau những chiếc nhẫn lá cây. Chỉ thiếu mỗi nghi thức làm lễ như trong nhà thờ nữa là đủ cả. À, phải rồi, ta hô to: “Nâng ly lên, chúc mừng hạnh phúc!”, thế là cả đàn cả lũ chúng nó nâng những ống nước màu xanh đựng đầy nước suối Kroa.
Chỉ riêng ta uống rượu. Đương nhiên. Mình biết rồi mà. Cả đời ta, nhiều lần mượn rượu để tìm quên!
Uống rượu một mình thì có vui không? Ừ, vui có nghĩa là không nghĩ đến vui, vui là không vui gì cả. Ta rượu say, nằm vắt vẻo lên cây, nghe lũ vượn kháo nhau về một minh chủ nào đó chết lâu rồi và một minh chủ nào đó còn chưa xuất hiện. Ta mơ màng nghĩ, lũ vượn thì cần gì minh chủ với minh quân? Như ta đây, một gã vua say khướt, lại dở hơi vì mắc bệnh tương tư. Ta luôn nhớ mình. Có ngày ta nổi điên bắt bọn đuôi dài thay nhau tát cạn cả suối Kroa để vớt bóng mình, thật đấy! Bọn vượn dễ thương răm rắp vâng lời, chúng đâu biết ta chẳng qua là gã hoàng đế tự phong bị rượu làm cho loạn não.
Mình không có ở đây, nhưng mình luôn hiện hữu nơi này, luôn nhướng mắt dõi theo cuộc chơi dông dài của ta. Khi ta ngủ lăn ngủ lóc cùng bầy vượn vui tính dưới chân núi thì mình đang lang thang đâu đó với cái cây oan nghiệt mọc trên đầu.
Trong mơ, ta thấy đang nằm dưới tán cây mùa hạ. Trong vòm lá xôn xao trên đầu mình, không hề có quả thị nào, để từ đó bước ra một nàng tiên. Khi cõi người sắp sửa tận thế thì bụt và tiên cũng tìm chốn dung thân ở thế giới xa xôi nào đó. Ta thì vẫn mơ tưởng hão huyền. Ta bắt bầy vượn lên núi tìm hái quả, về chất đống, sau đó thì lần lượt bổ đôi từng quả một, để tìm cho ra hình bóng của mình. Biết đâu đấy, nếu còn chút may mắn, ta sẽ nhìn thấy mình nằm gọn gàng trong lòng một quả thị, cuối mùa thu!
Bầy vượn thì đông, nhốn nháo, thiếu ta một giờ là chúng sẽ làm loạn lên. Chúng giành nhau đủ thứ, con nào cũng muốn ngồi trên đầu trên cổ con bên cạnh. Chả biết chúng học ở đâu cái thói hư tật xấu của loài người đểu giả. Ta nghĩ, nếu chúng có chút quyền hành, thì đồng loại chúng sẽ tha hồ khốn khổ! Ờ, thì thử xem. Ta triệu ngay cuộc họp giữa thảo nguyên mùa cỏ chín. Bọn vượn nhìn ngai vàng của ta bằng cặp mắt khao khát của người thường.
Ta lần lượt chỉ tay vào từng đứa: “Bây giờ, ta phong chức phong hàm phong vị cho các ngươi, được không?”. Cả lũ nó nhảy cẫng lên sung sướng. Ta chỉ tay vào từng đứa, tùy vào khao khát cụ thể của chúng mà ban phát: Nhà ngươi là Lý Bạch, nhà ngươi là Nguyễn Du, còn nhà ngươi là Bùi Giáng vân vân thơ phú, nhớ chưa? Lập tức, Lý Bạch, Nguyễn Du và Bùi Giáng bỏ bầy trèo tót lên cành cao nằm nghe gió thổi. Cũng rung đùi chùi nước mắt ra dáng đại thi hào….
Ta tiếp tục chỉ tay vào lũ vượn già bạc má, phán: Còn các ngươi là giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà khoa học vân vân, được chưa? Ngay lập tức, các bậc đại trí thức thong thả tách đàn, bước đi khệnh khạng, mặt mũi đăm chiêu như những kẻ đầy óc trong hộp sọ văn minh! Không nén được buồn cười, ta cao hứng phán tiếp: Còn ngươi, ngươi là lãnh tụ tinh thần của thảo nguyên, nghe chưa? Gã vượn già nua chậm rãi đưa tay lên vẫy vẫy, y như lãnh tụ đang đứng trước muôn dân! Khổ thân lão vượn già, nó vốn cường tráng, nhưng bị bệnh từ lâu, vết thương sau mông khiến nó không ngồi được, thân thể bốc mùi nồng nặc. Bỗng nhiên, lãnh tụ cười ré lên và gãi mông liên hồi, không biết vì sao!
Bọn vượn cái liên tục rót rượu cho ta, ta hiểu rồi. Chỉ vào đứa nhan sắc nhất, ta phán: Bây giờ trở đi, ngươi là Mẫu thượng ngàn, đứng đầu một nửa loài vượn nhan sắc ở đây! Mẫu thượng ngàn cười e thẹn, bứt lá che bẹn rồi đỏng đảnh bước đi! Ta nói, bây giờ thì ta mệt rồi. Các ngươi đi hết đi, đi mà làm vua làm chúa, mà thống trị nhau, cưỡi cổ đè đầu hiếp đáp nhau đi!

Mình thấy không, ta hào phóng lắm, có bao nhiêu danh vọng ở đời, ta ban phát tất tật cho chúng nó. Khi lũ nó no nê vì chức tước và quyền uy, ta lại uống rượu một mình. Ta là một vị vua không ngai vàng, trên thảo nguyên hoang vắng. Ta chơi cho hết ngày dài đêm rộng, chờ đến khi nào mình quay trở lại. Thảo nguyên sẽ sáng bừng lên, hoặc sẽ cháy lên, thiêu rụi mọi phù du…

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 279 - tác giả NGUYỄN MINH HOẠT





NGHỀ CAO QUÍ NHẤT
TRONG CÁC NGHỀ CAO QUÍ!

                               
                                               
Dân tộc ta có truyền thống Tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Nhằm kế tục và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy, Đảng và Nhà nước ta lấy ngày 20.11 hàng năm làm ngày Hiến chương nhà giáo. Đó là dịp để toàn xã hội tôn vinh nghề dạy học: Nghề cao quí nhất trong các nghề cao quý, giúp các thế hệ bày tỏ lòng tri ân đối với những người khai sáng đã dìu dắt mình xây đắp ước mơ.
Đường lối lãnh đạo của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới đã xác định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã  hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng.
Mục tiêu của nền giáo dục mới là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.  Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hoá, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Bởi vậy đội ngũ giáo viên và nghề dạy học có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng của Đảng và mục tiêu giáo dục của nước nhà.
Người thầy trước hết là người tiếp thu đạo lý làm người của những thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Dạy học không chỉ là dạy chữ mà còn dạy người. Thiên chức của người thầy giáo là phát huy và truyền lại cho thế hệ trẻ những tinh hoa văn hoá của dân tộc, của nhân loại. Vì vậy người thầy giáo đã góp phần hun đúc nên tâm hồn Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam và sức mạnh Việt Nam qua các thời đại, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai của dân tộc.
Đối tượng lao động của người thầy là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Để góp phần tạo dựng ra nhân cách con người, người thầy giáo có trách nhiệm làm cho nhân cách ấy ngày càng tốt hơn. Công cụ lao động của người thầy chính là bản thân mình, là toàn bộ nhân cách của mình, với những phẩm chất đạo đức trong sáng, với năng lực trí tuệ dồi dào và các phương tiện lao động cần thiết. Đối với người thầy, ngoài kiến thức đã được học ở nhà trường phải được học rất nhiều từ cuộc sống và tự học, tự làm cho kiến thức ngày càng sâu rộng, tiếp thu những cái hay, cái đẹp, cái mới, tiến bộ, khoa học đang thay đổi hàng ngày. Đó là trách nhiệm của người thầy. Có được số vốn kiến thức như vậy thì người thầy mới có đủ tự tin, để có sức thuyết phục với học trò. Phương pháp lao động chủ yếu của người thầy là phương pháp nêu gương của bản thân, cảm hoá học trò bằng tư tưởng và tình cảm của mình, đồng thời phát huy năng lực trí tuệ, chủ động sáng tạo của học sinh.
Từ xưa tới nay, nghề dạy học được nhân dân ta quý trọng và đề cao Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Từ truyền thống của dân tộc, từ nhu cầu học tập của nhân dân ngày càng tăng, những người làm nghề dạy học càng được đào tạo và phát triển. Họ là những người có trình độ học vấn và được rèn luyện đạo đức chuẩn mực để dạy chữ, dạy người. Những cụ đồ, thầy đồ ngày xưa là những con người đạo cao, đức trọng, nổi tiếng hay chữ, đặt việc dạy người cao hơn dạy chữ. Những bậc khoa bảng cao khiết thường có rất nhiều người theo học. Tài năng và tâm huyết của họ đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò yêu nước thương dân không khuất phục trước những điều bạc ác, thấp hèn, bảo vệ đến cùng những giá trị chân lý, những điều thiện, giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc, làm rạng rỡ non sông gấm vóc như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Đôn, Nguyễn Đình Chiểu…
Sau cách mạng tháng 8.1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Bác khẳng định: một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Nhân dân ta đã dấy lên một phong trào học tập sôi nổi chưa từng thấy. Sau hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, ngày nay đất nước ta đã có một nền giáo dục hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học và sau đại học, với hơn 30 triệu học sinh, sinh viên đang theo học với đội ngũ nhà giáo ngày càng đông đảo, trình độ và phương pháp ngày một nâng lên, đáp ứng nhu cầu của thời đại. Bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp của người thầy được khẳng định và phát huy. Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học ngày càng được trang bị hiện đại. Chất lượng giáo dục được cải thiện, xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh và đề cao, góp phần đào tạo nguồn lực to lớn cho sự nghiệp phát triển xã hội.
Mỗi con người sinh ra và trưởng thành ngoài công cha nghĩa mẹ nuôi dưỡng chăm sóc còn có công thầy dạy chữ, dạy làm người. Công ơn của thầy cô được sánh với công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Những câu ca dao xưa đã nói lên nghĩa tình sâu nặng ấy.
Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này
Công cha, áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao.
      Từ khi chập chững lên ba, bước chân vào trường mẫu giáo, các em được đón nhận tình thương trong vòng tay âu yếm của thầy cô. Từng nét chữ, con số, những lời chỉ bảo ân cần chan chứa tình nhân ái, đã giúp các em viết lên những dòng chữ đẹp đầu đời trên trang giấy tâm hồn còn trắng nguyên.
Cứ mỗi mùa thu qua, các em lại được lớn lên theo nhịp trống trường. Thầy cô như người chở khách qua sông, tiễn đưa thế hệ này đến bến bình yên, rồi lưu luyến quay về đón thế hệ tiếp theo. Cứ thế, thời gian trôi dần theo năm tháng. Thầy cô như gốc phượng già trước dòng đời hối hả, chứng kiến bao lớp người qua mà lòng rộn ràng, xốn xang bên tâm hồn trẻ, lặng lẽ âm thầm, miệt mài bên trang giáo án, dưới ánh đèn khuya, lo bài giảng ngày mai, mái tóc phủ dần bụi phấn, chắt chiu từng giọt phù sa cho đời. Lấy cõi bình yên làm lẽ sống, lấy việc vun chồi làm niềm vui. Dẫu có đếm các vì sao trên trời, dẫu có đếm hết chiếc lá mùa thu rơi, nhưng ngàn năm sau làm sao đếm được hết công ơn người thầy. Hình ảnh về người thầy đẹp đẽ và cao quí, ngời sáng trong ký ức của mỗi con người, trở thành cảm xúc sâu lắng qua những lời thơ.
Mái tóc thầy như một tấm gương xanh
Cho em soi những dòng ký ức
Sợi nào bạc vì ta trốn học
Sợi nào rơi vì lỗi mấy bài văn
Và từ trong mái tóc hoa râm
Ta soi thấy bao điều chân lý
Dòng sông chảy hoài chưa kịp nghỉ
Lớn khôn rồi mới lắng vị phù sa.

Người thầy như người nhóm lửa, thổi bùng lên ngọn lửa tâm hồn, truyền đến cho người học những rung cảm mạnh mẽ, vươn tới một lẽ sống đẹp về nhân cách và trí tuệ. Mỗi bước đi của một đời người đều mang dấu ấn quan trọng của người thầy. Tình thương, trách nhiệm và tâm huyết nghề nghiệp của người thầy sẽ ghi dấu ấn vào thời đại, góp phần xây dựng các thế hệ tương lai của dân tộc. Nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí mà xã hội đã tôn vinh cho nghề dạy học. Điều đó vừa thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, vừa đề cao trách nhiệm vinh quang nhưng vô cùng nặng nề đối với sự nghiệp trồng người của dân tộc. Các nhà giáo tiếp tục rèn luyện phấn đấu xứng đáng với niềm tin của xã hội và danh dự cao quí của mình.

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

TRẠI SÁNG TÁC VHNT KRÔNG BÔNG THÁNG 11 NĂM 2015 VÀ NHỮNG BẤT NGỜ.


 Nhà văn Lê Khôi Nguyên - Chủ tịch Hội

 Ông Đinh Văn Long - Phó chủ tịch UBND huyện Krông Bông



Thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
 Hội VHNT phối hợp với Huyện ủy và UBND huyện Krông Bông tổ chức Trại sáng tác VHNT năm 2015 trong 7 ngày (từ 12/11 đến ngày 18/11/2015) đã mời 12 VNS tham gia, trong đó chuyên ngành Văn học: 6 người (NV Hồng Chiến, NV Nguyễn Hoàng Thu, NV Trúc Hoài, NT Đàm Lan, NT Lê Đình Liệu, NV Nguyễn Thị Thu Hương); chuyên ngành Mỹ thuật: 2 người (HS Nguyễn Thanh Long, HS Trần Tấn Vỹ); chuyên ngành Âm nhạc: 2 người (NS Sỹ Hùng, NS Nguyễn Văn Hạnh), Nhiếp ảnh: 1 người (NSNA Chính Hữu), Điện ảnh: 1 người (NS Nguyễn Công Việt).
Mặc dù thời gian ở trại rất ngắn, các VNS vừa đi thâm nhập thực tế thu thập tài liệu vừa tranh thủ sáng tác, nhưng với lòng nhiệt tình và niềm đam mê nghệ thuật cũng như tình hình thực tế địa phương đã lôi cuốn VNS sáng tác và đạt được kết quả hết sức ấn tượng.
Tham dự trại sáng tác VHNT Krông Bông lần này, Thường trực Hội đã lựa chọn những cây bút đang sung sức để thâm nhập thực tế lấy tư liệu và sáng tác, vì vậy kết quả đạt được ngoài cả mong đợi của Ban tổ chức về số lượng và chất lượng. Cho phép tôi thay mặt Ban tổ chức Trại xin báo cáo kết quả đạt được tại Trại sáng tác VHNT huyện Krông Bông năm 2015 như sau:
·        Số lượng tác phẩm sáng tác tại trại:
1.Thơ: 03 bài (Tiếng quê của nhà thơ Đàm Lan, Câu thơ thả trên triền núiNơi anh đến của nhà thơ Lê Đình Liệu).
2.Văn xuôi:
+ Ký: 03 bài (Một bên núi - một bên sông của nhà văn Nguyễn Hoàng Thu, Bên thác Đăk Tuar của nhà thơ Lê Đình Liệu, Trở lại Cư Pui của nhà văn Hồng Chiến).
+ Tiểu thuyết: 01 tác phẩm (Số phận gia đình của nhà văn Trúc Hoài).
+ Truyện ngắn: 01 tác phẩm (Chuyện lạ Chư Yang Sin của nhà văn Hồng Chiến)
3.Âm nhạc: 03 tác phẩm (Ơi Khuê Ngọc Điền – Ơi Krông Bông của nhạc sỹ Sỹ Hùng; Krông Bông tự hào tiếp bước bản hùng ca của nhạc sỹ Nguyễn Văn Hạnh và Về Krông Bông quê em của tác giả Châu Phan).
4.Mỹ thuật: 01 tác phẩm và 39 ký họa.
5.Nhiếp ảnh: 05 tác phẩm.
Nhìn chung các VNS đã bám sát cuộc sống, thể hiện được những nét đặc trưng cơ bản về con người, cảnh vật, danh lam thắng cảnh của mảnh đất Krông Bông, đặc biệt ghi nhận những đổi thay của vùng đất dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và chính quyền nhân dân các cấp. Bộ mặt nông thôn của vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi, nhưng với sự đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới đã tạo nên một diện mạo mới, một vùng quê mới trù phú, ngày một phát triễn, người dân hăng say lao động sản xuất. Bên cạnh đó mảng đề tài lịch sử cũng được các văn nghệ sỹ khắc họa thành công, khơi gọi lòng yêu nước và tự hào dân tộc từ những chiến công của lớp cha anh đi trước, có giá trị cao giáo dục chân - thiện - mỹ.
- Về Âm nhạc: các nhạc sỹ sáng tác tại trại được hai tác phẩm âm nhạc về vùng đất Krông Bông; tác phẩm Krông Bông tự hào tiếp bước bản hùng ca của nhạc sỹ Nguyễn Văn Hạnh thể hiện khí thế hào hùng của đoàn quân chiến thắng với truyền thống oai hùng H9 khi xưa làm quân thù khiếp sợ và hôm nay đang vững bước xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp. Tác phẩm Ơi Khuê Ngọc Điền – Ơi Krông Bông của nhạc sỹ Sỹ Hùng mang âm hưởng làn điệu của người dân bản địa Tây Nguyên vừa đầm ấm lại nồng thắm tình người, như một ché rượu cần được ủ lâu ngày có chất men làm say đắm lòng người của vùng đất cách mạng khi xưa. Bên cạnh hai tác phẩm Âm nhạc của trại viên còn có tác phẩm của tác giả Châu Phan – Phó Phòng VHTT huyện, thành viên Ban tổ chức Trại cũng gửi tới tham gia một tác phẩm mang tựa đề Về Krông Bông quê em, tác phẩm thể hiện được niềm tự hào là người ở mảnh đất có truyền thống anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc và ngày nay đang tiếp bước các thế hệ cha anh đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng ấm no hạnh phúc. Ba bản nhạc, ba phong cách khác nhau nhưng đều chung một đề tài, thể hiện được sự đổi thay tích cực trên quê hương mới.
- Mỹ thuật:
+ Họa sỹ trẻ Nguyễn Tấn Vỹ, sau 7 ngày tham dự trại đã hoàn thành một tác phẩm khắc họa thành công chân dung người vợ Anh hùng liệt sỹ Y Dơn và 18 ký họa, một con số ấn tượng. Chúng ta rất ấn tượng với số lượng tác phẩm mà họa sỹ hoàn thành và khâm phục hơn khi được xem các ký họa thể hiện nhiều mảnh đời, chân dung của người dân địa phương.
+ Họa sỹ Trần Thanh Long hoàn thành 11 ký họa; khắc họa thành công chân dung những người dân địa phương, phong cảnh đặc sắc hay những sinh hoạt thường ngày của người dân H9 – Krông Bông hiện qua các nét cọ của họa sỹ hết sức sinh đông, thể hiện tài năng và nhãn quan đặc biệt của họa sỹ khi thổi được vào các ký họa của mình thành cảnh sống động, đặc trưng của một vùng đất. Năm 2015, họa sỹ đã được trao Giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, chúng ta hy vọng những bức ký họa trong những ngày dự trại lần này sẽ tiếp tục được trao giải trong thời gian tới.
- Tác giả Lê Đình Thiện công tác tại Phòng VHTT huyện đã gửi 10 tác phẩm ký hoa chân dung, phong cảnh về con người, vùng đất Krông Bông.
- Nhiếp ảnh: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Chính Hữu trình làng 9 tác phẩm ghi lại những nét đặc trưng của vùng đất Krông Bông với cảnh đẹp được thiên nhiên ưu đãi, người dân M’nông bình dị nhưng đẹp đến bất ngờ trước góc nhìn của người nghệ sỹ. Những bức ảnh nghệ thuật đặc sắc này sẽ giúp bạn bè trong nước và quốc tế biết đến một vùng đất của Đắk Lak còn ẩn chưa nhiều tiềm năng văn hóa độc đáo chưa được khám phá, góp phần quảng bá và thu hút khách du lịch cho địa phương.
- Về Thơ: Bài thơ “Tiếng quê” của nhà thơ Đàm Lan thể hiện tấm lòng của người con xứ Quảng từ biệt quê hương đi xây dựng vùng quê mới theo tiếng gọi của Đảng:
Lòng xưa thắc thỏm hương bờ cát
Dấu chân muối biển vẫn mặn mòi
Xa quê, nhưng những kỷ niệm về quê không phai mờ, vẫn in đậm vào tâm trí người dân. Hôm nay trên quê mới, người dân đã tìm thấy hạnh phúc, thấy điều kỳ diệu mà mình chưa dám mơ ước, nay đã thành sự thật, tự nguyện ở lại để xây dựng quê hương thứ hai, góp phần làm đẹp cho đất nước:
Người đến nơi đây người ở lại
Sương nắng mà xanh sắc cội nguồn
 Bài thơ Câu thơ thả trên triền núi của nhà thơ Lê Đình Liệu lại đưa ta đến với hình ảnh một chàng trai xứ lạ đến vùng đất Krông Bông và… say. Chàng trai không phải say vì rượu mà say vì tình, say về một vùng đất thơ mộng nên đã phải thốt lên:
Chư Yang Sin
Mây trắng đầu
Trèo lên mà viết nát nhàu hồn văn
Say đến mức “nát nhàu hồn văn”, thì quả thật người thi sỹ đã bị hớp hồn. Nhưng anh say cũng phải, vì vùng đất này đáng say lắm, con người nơi đây đáng say lắm, những nét chấm phá mà tác giả khắc họa khá thành công đã thể hiện điều ấy:
Rằng Cao nguyên – Tây Nguyên ơi
Cồng chiêng ché rượu đầy vơi đón người
Người ở đây không những chỉ tác giả mà muốn đề cập cái lớn hơn, cái rộng hơn để đón đợi là những người từ mọi miền Tổ quốc đến đây xây dựng quê mới, tạo nên một vùng quê trù phú trên chiến trường xưa, có sức thu hút lòng người vì thế nhà thơ đã khép lại chữ tình của mình vớ hai câu:
Mai về hẹn nhé miền xa
Krông Bông hương quyện trong ta với mình
Bài thơ Nơi anh đến của nhà thơ Lê Đình Liệu thể hiện tâm trạng của người lần đầu tiên đặt chân đến Krông Bông và ngỡ ngàng… nhà thơ ngỡ ngàng vì tưởng vùng đất nơi xa xôi này sẽ là vùng hoang vu:
Em đừng nói nơi em vùng sâu
Ngày anh đến sẽ gần hơn nữa
Nhưng khi đến rồi mới ngỡ ngàng vì sự đổi thay ngoài cả sức tưởng tượng:
Vùng du lịch đang biến quê thành phố
Đất dậy rồi không cho đất nghỉ để mùa lên
Vùng rừng núi khi xưa, chiến tranh ác liệt, bom đạn cày xới từng tấc đất của những cánh rừng hoang vu… hôm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc sống người dân thay đổi, vùng quê nghèo như được khoác áo mới, làm người đến ngỡ ngàng và tự hào về đổi thay một vùng đất để khi ra đi phải thốt lên:
Xin mang đi theo hẹn ngày trở lại
Tạm biệt nhé những chàng trai cô gái
Quê hương mình mãi mãi mùa xuân.
- Về Văn xuôi: Với thể loại văn xuôi luôn phải cần nhiều thời gian không những để thâm nhập thực tế lấy tư liệu mà khi hoàn thành tác phẩm cũng phải cần rất nhiều thời gian, công sức; nhưng với sự nhiệt tình và lòng say mê vùng đất chiến khu xưa, các nhà văn đã cố gắng hết mình hoàn thành bước đầu một số lượng lớn tác phẩm.
+ Tiếp nối thành công của tập tiểu thuyết Từ sông Krông Bông, nhà văn Trúc Hoài trở lại chiến trường xưa, nơi có những năm tháng gian khổ trong cuộc chiến tranh chống Mĩ ác liệt đã đồng cam cộng khổ với đồng chí đồng bào, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng – vùng H9 trước sự càn quyét của kẻ thù; với mong muốn có thêm một cuốn tiểu thuyết mới tái hiện lại cuộc chiến tranh cách mạng. Trong cuộc chiến tranh khốc liệt ấy thì Gia đình - tế bào của xã hội sẽ tồn tại như thế nào… tại Trại lần này nhà văn đã bắt tay vào viết những chương đầu tiên của tập tiểu thuyết Số phận gia đình nhằm đề cập vấn đề rất nhân văn của cuộc chiến. Chúng ta mong và chúc nhà văn Trúc Hoài sớm hoàn thành tác phẩm của mình, giới thiệu với bạn đọc cả nước.
+ Bám sát cuộc sống, phát hiện ra cái đẹp của cuộc sống, qua đó hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ; đó cũng chính là bút pháp nghệ thuật của các tác phẩm ký được sáng tác tại trại lần này. Tác phẩm Một bên núi - một bên sông của nhà văn Nguyễn Hoàng Thu đề cập đến sự đổi mới cuộc sống của đời sống nhân dân trên địa bàn huyện nhà, đan xen với những hồi ức một thời “gian lao mà anh dũng” của vùng đất anh hùng để khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta trong công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà cũng như công cuộc xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất non nước hữu tình này.
Tác phẩm Bên thác Đăk Tua của nhà thơ Lê Đình Liệu nhằm tái hiện lại những hình ảnh cán bộ, chiến sỹ và nhân dân vùng H9 kiên cường sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cách mạng, bảo vệ cán bộ, bảo vệ từng tấc đất của vùng giải phóng khi xưa và những thành quả bước đầu của công cuộc xây dựng nông thôn mới ở vùng căn cứ cách mạng hôm nay.
Tác phẩm Trở lại Cư Pui của nhà văn Hồng Chiến đề cấp đến những đổi thay trên vùng căn cứ cách mạng cũng như trăn trở của người cầm bút với vấn đề thực trạng hiện nay trong công tác bảo tồn và phát huy truyền thống cách mạng thông qua các di tích lịch sử. Làm thế nào và cần biện pháp gì để các di tích lịch sử phát huy được tác dụng, góp phần quảng bá du lịch, nâng cao mức sống cho người dân căn cứ kháng chiến ngày xưa và của vùng đất hôm nay.
Truyện ngắn Chuyện lạ Chư Yang Sin của nhà văn Hồng Chiến mang đến cho bạn đọc sự tò mò huyền bí đến kỳ diệu của rừng Chư Yang Sin, nơi đây còn ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu chưa được khám phá và thiên nhiên nơi đây tuy khắc nghiệt nhưng luôn ưu ái con người nếu con người biết bảo vệ thiên nhiên. Truyện ngắn là một bức thông điệp gửi đến mọi người: Rừng Chư Yang Sin rất giàu và đẹp luôn mang lại điều tốt lành cho con người nếu chúng ta chung tay bảo vệ.
Với sự quan tâm sâu sắc lãnh đạo huyện nhà, đặc biệt là các đồng chí cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng VHTT huyện và sự nhiệt tình tham gia của các VNS, Trại sáng tác VHNT huyện Krông Bông năm 2015 đã thành công tốt đẹp. Thành công này, khẳng định dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ và chính quyền các cấp ở địa phương, sự tin tưởng và ủng hộ của đại đa số nhân dân sinh sống trên địa bàn huyện đã đưa vùng đất H9 khi xưa và huyện Krông Bông hôm nay có những bước thay đổi vượt bậc, đời sống nhân dân được nâng cao; khẳng định sự ưu việt của chế độ, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; chính những điều này đã đốt lên ngọn lửa trong trái tim VNS để họ cảm nhận và sáng tác. Những tác phẩm VHNT tuy ở nhiều thể loại khác nhau, nhưng đã phản ánh được đặc trưng của một vùng đất đang ngày một trù phú.

Chúng ta hy tác phẩm hoàn thành và công bố tại trại hôm nay chỉ mới là bước đầu, chúng ta hy vọng sau khi trở về các VNS tiếp tục sử dụng tài liệu thu thập được để có thêm nhiều tác phẩm mới, góp phần quảng bá cho vùng đất chiến khu anh hùng H9 – Krông Bông được nhiều người biết đến.

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 279 - tác giả HỮU CHỈNH


CẢM THU
          
Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức Đại hội lần thứ XVI thành công tốt đẹp. Sự kiện chính trị trọng đại được toàn thể đồng bào các dân tộc chờ đợi trong niềm hân hoan, náo nức. Rừng cờ hoa rực rỡ, băng rôn, khẩu hiệu sáng lên trong trời thu.
Nhớ lại những kỳ đại hội trước càng thấy sự lớn mạnh không ngừng của Đảng bộ mà đồng bào luôn gửi trọn niềm tin qua mỗi kỳ đại hội.
Vạn sự khởi đầu nan, tháng 8-1960, tại căn cứ Dlei Ya, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I được triệu tập có 100 đại biểu. Nhiệm vụ lúc này là mở rộng vùng căn cứ, xây dựng vùng mới giải phóng, mở rộng mặt trận đoàn kết chống Mỹ - Diệm, xây dựng lực lượng kinh tế, lực lượng vũ trang.
Các kỳ đại hội từ lần thứ II đến thứ VI vẫn còn ở vùng căn cứ cách mạng. Tháng 7-1963 ở Ea Mdanh; tháng 6-1966 ở Ea Plây vùng Đắk Duor; tháng 9-1969 ở Nang Dông, Krông Bông; tháng 10-1971 ở Buôn Ngô, Krông Bông; tháng 10-1973 ở buôn Ea Mlan, Krông Bông.
Từ Đại hội VII trở đi, đại hội tổ chức tại Buôn Ma Thuột. Tuy đất nước đã thống nhất nhưng kẻ thù còn bao vây, cấm vận. Những năm đầu sau chiến tranh bao nhiêu khó khăn, trăn trở. Đại hội VII đề ra nhiệm vụ cải tạo và xây dựng kinh tế - văn hóa, xã hội, xây dựng một tỉnh công – nông – lâm nghiệp vững mạnh, có hàng hóa xuất khẩu, bảo đảm hàng tiêu dùng và xây dựng ngành nghề tại chỗ, đủ lương thực và hàng hóa. Mục tiêu chỉ khiêm tốn vậy thôi nhưng biết bao mồ hôi đã đổ xuống đất này.
Nhớ lại chuyện trước để thấy sự lớn mạnh của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã mang sức thần của Phù Đổng, Đam San. Sau giải phóng, kể cả Đắk Nông mới có 350.000 dân mà đói, đau còn hoành hành. Nay riêng Đắk Lắk đã có khoảng 1,9 triệu người của 47 dân tộc anh em chung sống. Thu nhập bình quân đầu người đạt 34,9 triệu đồng/năm. Hướng tới năm 2020 đạt bình quân từ 60 triệu đồng trở lên.
Mừng lắm chứ! Tin lắm chứ và yêu lắm chứ! Niềm tin yêu của Dân với Đảng, của Đảng biết dựa vào Dân thành khối đại đoàn kết làm nên sức mạnh chiến thắng mấy đời đế quốc thì nay phát huy xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.
Đồng bào biết ơn Đảng bộ qua mỗi kỳ đại hội là một bước vươn lên tầm cao mới, gắn liền tên tuổi của các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Vũ Anh Ba, Nguyễn Xuân Nguyên, Vũ Bình, Năm Vinh, Trần Kiên, Huỳnh Văn Cần, Y Ngông Niê Kdăm, Ama Pui, Mai Văn Năm, Nguyễn An Vinh, Y Luyện, Niê Thuật và nay là Êban Y Phu. Riêng đồng chí Huỳnh Văn Cần, có hai khóa tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bốn khóa làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai. Trời thu trong xanh. Ghi lại vài dòng hồi ức giữa mùa thu quyến rũ, lòng thanh thản lạ thường. Đảng vì Dân, nguyện vọng của Dân là mệnh lệnh trái tim của Đảng. Tin tưởng vào nhiệm kỳ XVI của Đảng bộ tỉnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng hành động chăm lo cho Dân của toàn Đảng bộ.