Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

ĐÊM MÙA HẠ TRỞ GIÓ truyện ngắn của LỮ HỒNG - CHƯ YANG SIN SỐ 337 THÁNG 9 NĂM 2020

 


 

Làng Xom mùa này, ngày nắng như lửa đốt, đêm về sấm lại giật đùng đùng. Hoàng bỏ chén cơm đang ăn dở, thò tay ra cửa vừa định rút chiếc áo sơ mi còn âm ẩm vừa ngước nhìn trời, trăng quầng đỏ thế kia thì mưa làm sao nổi. Nghĩ thế rồi quay vào, chân Hoàng va phải cái xô đã sờn cạn màu, lúc nãy để sẵn dưới đất, khi nào nghe thằng nhỏ bên lán đối diện kêu lấy nước thì chạy cho nhanh. Đương lúc khan hiếm nước, nhà trường có mỗi cái giếng khoan thì lại đổ hết cho công trình xây dựng khu phòng học mới, khuya thật khuya mới hứng nhờ được vài xô để dành cho ngày mai. Ở cái khu nhà công vụ này, mùa nào mà chẳng thiếu nước. Mười mấy năm rồi, cũng chỉ mình Hoàng trụ lại. Nói nhà công vụ cho sang chứ thực ra đó chỉ là một dãy 4 phòng lụp xụp, mái ngói đã đổ xuống gần đến thềm, mục hơn cả chiếc chiếu cói trong phòng của Hoàng. Hắn ngồi thu lu ở đầu giường, thỉnh thoảng lại ngóng về phía lán, thở một điệu nghe chừng xa xăm lắm. Nhớ ngày đầu về làng nhận công tác, Hoàng bấm bụng mấy dạo. Làng Xom hồi ấy thuộc một xã mới thành lập, lại xa xôi hẻo lánh, trường cấp hai nằm lọt thỏm giữa thung sâu. Quanh quẩn chỉ vài nhà ngói xập xệ, lẫn giữa hàng chục ngôi nhà sàn xiêu vẹo sau chái núi. Người dân tứ xứ kéo lên chia đất của đồng bào Jrai làm rẫy, số khác làm những nghề lặt vặt. Đi bộ mỏi chân cũng không tìm được hàng quán nào cho tử tế. Ngoảnh lại mà gần 20 năm sống với nghề giáo ở cái xứ này, tuy mọi thứ đã đổi khác nhiều, nhưng Hoàng vẫn chưa minh định được cuộc sống hiện tại của hắn là cao sang hay cay đắng. Mỗi lần soi gương, hắn lại phát hiện ra mình già đi một chút. Thì ra con người cũng giống như dòng sông, cuồn cuộn mãi rồi cũng đến lúc trơ cạn và bất lực biết nhường nào. Biết bao áng văn chương trong bài giảng cho những đứa học trò ngô nghê cũng chẳng thể nào giúp hắn khá lên được.

***

Thường thì vào cuối tuần, Hoàng ở lỳ trong phòng và ngủ. Có lẽ chỉ lúc ngủ mới khiến con người ta bớt cô đơn. Nhưng sớm nay, hắn đột nhiên bức bối trong lòng, trở dậy cố len mình vào chiếc áo phông cộc tay màu xám rạm rồi đi thẳng ra ngõ. Bên cạnh đám đất trống sau trường, mấp mô những vết chân trâu, quán cà phê nhà cô Bảy tồi tàn thế mà nom đông người hẳn, chỉ còn mỗi chiếc ghế nhựa kê ở góc trong cùng là trống. Tiếng của Linh oang oang từ bàn bên cạnh, bị méo xệch đi bởi cái hếch môi đầy kín kẽ:

- Hôm nay mát trời anh Hoàng nhỉ?

Rồi cả thảy dăm bảy con người ngồi cạnh đó cười phá lên, hả hê như vừa nghe được một câu chuyện tiếu lâm nào đó. Hoàng lầm lũi bước vào trong, không đáp lời Linh, càng không chào hỏi ai lấy một câu. Đây không phải là lần đầu tiên Linh cố tình trêu Hoàng giữa chốn đông người. Cả cái làng này ai mà không biết Hoàng là một thầy giáo lập dị, ngoài giờ lên lớp chỉ trốn trong xó phòng bưng bít hơn tổ mối, không thân tình với bất kì ai trừ lão Huấn, đồng nghiệp và cũng là bạn nhậu. Tất nhiên là hai người kỳ quặc như nhau. Hoàng sống tằn tiện, đàn ông như thế lại chẳng bị phụ nữ ghét ư? Lương của một giáo viên có thâm niên như hắn cũng chừng năm bảy triệu một tháng, tuy không lấy làm cao nhưng đủ để Hoàng sống một cuộc đời dư dả. Vậy mà vẫn chịu cảnh tá túc một mình ở cái nhà công vụ ấy bao nhiêu năm. Bốn chục tuổi đầu vẫn chưa vợ, chưa con. Hoàng tướng mạo tuy xấu nhưng thói đời, “nồi nào úp vung đó”, đâu quá khó để có được một gia đình. Lần nào có giáo viên nữ chuyển về dạy ở trường, Hoàng cũng bị gán lấy gán để. Nhưng hắn cứ thộn mặt ra, lâu lâu lại cười gượng một cái cho xong chuyện. Cấm có mời ai được ly trà, tô phở bao giờ. Dạo trước, Hoàng có thích ra mặt một cô giáo sinh thực tập nhưng nghe đâu từ lần cô ấy vứt bó hoa hắn tặng vào sọt rác thì hắn thôi hẳn. Chuyện sau này trở thành đề tài bàn tán của ối người trong xã, còn đối với hắn, là một vết sẹo lớn…

***

Mới vào hạ có mấy hôm mà ve kêu đến inh trời. Sân trường khô không khốc, chỉ còn lại những bông lau tím hồng ghé sát vào bờ rào, không một tiếng thì thầm. Hoàng lặng lẽ ôm chiếc cặp táp bước vào, không khí phòng hội đồng rộn ràng hơn mọi khi vì cuộc họp giao ban sáng nay có sự xuất hiện của Xuân, cô giáo dạy môn Âm nhạc mới chuyển từ huyện về. Xuân tình nguyện đi “tăng cường” vào xã vì là người duy nhất chưa lập gia đình trong tổ chuyên môn. Hình ảnh một cô gái mang danh ở phố huyện nhưng lại toát lên vẻ thôn nữ hiền dịu dễ khiến người ta có chút cảm tình ngay lần đầu tiên gặp gỡ. Hoàng ngồi xuống ngay vị trí đối diện với Xuân, chưa kịp đưa mắt nhìn nhân vật mới cho tường tận thì cái giọng điệu cợt nhả của Linh lại vang lên:

-Trường này mỗi mình anh Hoàng là “chưa có gì” đâu Xuân ạ! Em xin ở tạm bên nhà công vụ là hợp lý rồi đấy. Biết đâu chừng…

Không nhận ra ác ý trong câu nói của Linh, gò má Xuân phơn phớt đỏ, cô cúi mặt ngượng nghịu nói không ra lời. Còn Hoàng tuyệt nhiên không đáp lại, chỉ lầm bầm gì trong miệng chẳng ai nghe rõ. Đợi tan cuộc giao ban, khi chỉ còn lại hai người, Linh ghé tai Xuân, giọng sống sượng như quen từ mấy kiếp:

- Nói là nói thế, chứ đừng dại mà dây vào em ạ. Cái con người vừa bần tiện vừa lầm lầm lỳ lỳ ấy, chả xơi được gì đâu.

Khuôn mặt của Xuân vì những lời vừa rồi mà kém sắc hẳn đi, có chút gì đó vừa ngỡ ngàng vừa tiếc nuối. Nói đúng hơn là cô đang lo cho những ngày sắp tới của mình. Rồi đây, dãy nhà công vụ cũng chỉ có hai người…

Khệ nệ đặt chiếc vali lên đầu giường, Xuân đảo mắt nhìn khắp một lượt rồi rảo bước ra ngoài hiên, nhìn sang cửa sổ phòng bên cạnh, ở đó có người đàn ông kỳ lạ mà cô gặp ban chiều. Lòng Xuân vẫn không khỏi những thắc mắc vẩn vơ.

***

Hoàng trở mình dưới tấm chăn mỏng, mơ màng nghĩ đến cô gái phòng bên cạnh, cảm giác như có hàng trăm ngàn cánh bướm đậu trong lòng, nhẹ nhõm, say sưa mà không tài nào ngủ được. Hắn nhìn đồng hồ rồi lại nhìn cái xô để dưới chân giường. Có lẽ ngoài giờ lên lớp thì những lúc đi xách nước ban khuya, hắn và người con gái ấy mới có dịp chạm mặt nhau. Tiếng kêu của thằng nhỏ bên công trình làm Hoàng giật bắn cả mình, hắn bật dậy, xách xô ra cửa, không quên ới Xuân một câu. Trong đêm tối, hai con người vừa lụi cụi xách nước vừa trò chuyện khe khẽ:

- Chiều nào em cũng thấy có đôi chim cứ la đà phía sau cây điều anh Hoàng ạ…

- Ừ, giống bìm bịp đấy cô. Chúng nhát và bay kém lắm. Bần cùng mới phải vỗ cánh. Hễ thấy chốn ồn ào là chúng lủi ngay.

- Giống anh à?

Vừa dứt câu, Xuân biết mình lỡ lời, nín thở và cắm cúi đi. Hoàng im lặng một giây rồi cũng gật đầu:

- Ừ, nhưng chúng thì luôn có đôi…

Đêm nay trời đổi gió, Xuân khoác vội chiếc áo, định bụng sang trả xô nước cho đồng nghiệp rồi cảm ơn cho phải phép. Tiếng gõ cửa nhẹ của cô không cắt được câu chuyện qua điện thoại vang lên trong gian phòng vắng. Xuân lặng lẽ đứng chờ. Giọng nói khô cằn của Hoàng vọng cả ra phía  khe cửa:

- Tháng này lương có trễ, ráng vài hôm anh gửi. Chỉ còn năm nữa ra trường, cố gắng đừng bỏ học…

Xuân bước nhẹ về phòng. Bầu trời vẫn xám xịt nhưng sao cô lại thấy sáng trong như thể đang đắm mình trong một buổi sớm tinh sương vậy. Thì ra, trong cuộc sống nhiều chật vật lo toan, nếu không có cơ hội để được hiểu thì con người cứ thành ra bần tiện mãi.


Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

30 NGỌN NẾN MỪNG SINH NHẬT tác giả KHÔI NGUYÊN - CHƯ YANG SIN SỐ 337 THÁNG 9 NĂM 2020

 


 

Thấm thoát đã tròn 30 năm, trải qua 6 kỳ Đại hội và đang xúc tiến để bước vào Đại hội lần thứ VII của Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, bỗng nhiên cảm xúc dâng trào để rồi nhớ nhớ quên quên, giữa hân hoan là đan chen ngậm ngùi, buồn vui lẫn lộn...

Trước những thành quả đã đạt được trong 30 năm qua, làm sao có thể quên được những người “mở đường”, “thai nghén” để cho ra đời Hội VHNT Đắk Lắk. Đó là các bậc lão thành cách mạng nguyên là lãnh đạo tỉnh: Huỳnh Văn Cần, Nguyễn An Vinh, Huỳnh Thị Xuân, Châu Khắc Chương, Ama H’Oanh, Hồ Quang Tám...

Được sự chỉ đạo từ các Nghị quyết Trung ương Đảng, tỉnh Đảng bộ Đắk Lắk về công tác văn hoá – văn nghệ; các Nghị quyết của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, VHNT Đắk Lắk không nằm ngoài quỹ đạo chung trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân các dân tộc, gắn bó với nền văn hoá cổ truyền, vì một nền VHNT dân tộc và hiện đại. Để đoàn kết, tổ chức, động viên những người làm công tác văn nghệ, Tỉnh uỷ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã tiến hành thành lập Ban vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk. Cuộc vận động lần thứ nhất kéo dài từ 1982 đến 1988 nhưng không thành. Tỉnh uỷ Đắk Lắk tiếp tục tổ chức cuộc vận động mới (từ 1988 đến 1990) để thành lập Hội VHNT Đắk Lắk. Ngay từ khi thành lập Ban vận động, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã cấp trụ sở riêng (nằm ngay Ngã Sáu – trung tâm của thị xã Buôn Ma Thuột), có xe ô tô, có tài khoản… như một công sở. Điều đó chứng tỏ để thành lập được tổ chức tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ ở Đắk Lắk lúc bấy giờ có sự ưu ái lớn của Lãnh đạo tỉnh, nhưng cũng phải qua 2 cuộc vận động kéo dài tới 8 năm mới đạt kết quả.

Cũng cần ghi nhớ công lao của các thành viên Ban Vận động thành lập Hội VHNT Đắk Lắk: 

- Ban vận động thành lập Hội VHNT Đắk Lắk lần thứ nhất (1982 - 1988):

Trưởng ban: Nhạc sĩ Kpa Púi; Phó trưởng ban: Nhạc sĩ Đàm Thanh; các uỷ viên: Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Dương Thanh Tùng, nhạc sĩ Nay Nô, nhà thơ Hữu Chỉnh.

- Ban vận động thành lập Hội VHNT Đắk Lắk lần thứ hai (1988 - 1990):

Trưởng ban: Đồng chí Châu Khắc Chương (bấy giờ là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đắk Lắk); các Phó trưởng ban: Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Y Tim, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Dương Thanh Tùng, nhà thơ Hữu Chỉnh; các uỷ viên: Nhà báo Nguyễn Lưu, nhà văn Đinh Hữu Trường.

Sau 8 năm với 2 Ban Vận động thành lập Hội, Ngày 4 và 5 tháng 9 năm 1990, Đại hội thành lập Hội VHNT Đắk Lắk đánh dấu bước ngoặt lịch sử trên chặng đường phát triển của VHNT tỉnh Đắk Lắk. Hội VHNT Đắk Lắk trở thành một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, do Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý, là thành viên của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, thành viên của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam... Hội là nơi tập hợp lực lượng các văn nghệ sĩ trong tỉnh, tạo điều kiện cho họ phát huy tiềm năng sáng tạo văn học, nghệ thuật để phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hội cũng đồng thời vừa là vườn ươm vừa là vườn hoa trái của VHNT ở địa phương và cả nước. Ban đầu, Hội VHNT Đắk Lắk có 45 hội viên thuộc các chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu - Biểu diễn, Văn hóa dân gian, Kiến trúc và cả các hội viên danh dự.

Vẫn là chuyện vui, trong số các đại biểu đến dự Đại hội thành lập này, có người chỉ “theo bạn (có giấy mời) đến dự cho bạn đỡ lạc lõng”, thế là được ghi tên trong danh sách đại biểu tham dự, nghiễm nhiên trở thành “sáng lập viên” của Hội, cũng là một trong số “cây đa cây đề” trong làng VHNT Đắk Lắk. 

Tới đây, lại phải nhắc để thế hệ sau nhớ những người “đứng mũi chịu sào” để lái “con thuyền văn nghệ Đắk Lắk”:  

- Đại hội thành lập Hội VHNT Đắk Lắk (Đại hội I) nhiệm kỳ 1990 - 1995: Chủ tịch Nhà thơ Hữu Chỉnh (từ Giáo dục chuyển sang, do Đại hội trực tiếp bầu); Phó chủ tịch thường trực: Nhà thơ Phạm Doanh (từ Hội Nông dân chuyển sang); Phó chủ tịch kiêm nhiệm: Nhà nghiên cứu VHDG Dương ThanhTùng (Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Đắk Lắk).

- Đại hội II (nhiệm kỳ 1996 - 2001): Chủ tịch Nhà thơ Hữu Chỉnh (do Đại hội trực tiếp bầu); Phó chủ tịch thường trực: Nhà thơ Phạm Doanh; Phó chủ tịch kiêm nhiệm: Nhà nghiên cứu VHDG Dương ThanhTùng.

- Đại hội III (nhiệm kỳ 2001 - 2006): Chủ tịch Nhạc sĩ, nhà văn Linh Nga Niê Kdăm từ Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên chuyển sang, chính thức nhậm chức từ tháng 4/2002); Phó chủ tịch thường trực: Nhà thơ Phạm Doanh; Phó chủ tịch kiêm nhiệm: NSƯT Vũ Lân (từ Đoàn ca múa Đắk Lắk, về hưu 2006 thì về làm việc tại cơ quan Hội).

- Đại hội IV (nhiệm kỳ 2006 - 2010): Chủ tịch Nhà văn Đinh Hữu Trường (được bầu bổ sung tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ V - tháng 7 năm 2008; Từ Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên chuyển sang); Phó chủ tịch thường trực: NSƯT Vũ Lân; Phó chủ tịch kiêm Quyền Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin: Nhà văn Khôi Nguyên.

- Đại hội V (nhiệm kỳ 2010 - 2015): Chủ tịch Nhà văn Khôi Nguyên; Phó chủ tịch thường trực: Nhà văn Hồng Chiến (bầu bổ sung sau Đại hội); Phó chủ tịch kiêm nhiệm (không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cấp cho Hội): Nhà văn Niê Thanh Mai.   

- Đại hội VI (nhiệm kỳ 2015 - 2020): Chủ tịch Nhà văn Khôi Nguyên; Phó chủ tịch thường trực: Nhà văn Hồng Chiến (năm 2016 có quyết định nghỉ hưu nhưng lãnh đạo Hội vẫn đề nghị Tỉnh ủy cho tiếp tục giữ lại chức danh này); Phó chủ tịch phụ trách Tạp chí Chư Yang Sin: Nhà thơ Đặng Bá Tiến; Phó chủ tịch kiêm nhiệm (không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cấp cho Hội): Nhà văn Niê Thanh Mai.

Tổng biên tập tạp chí Chư Yang Sin - diễn đàn VHNT của Hội: Từ 1990 đến 1994: Nhà thơ Hữu Chỉnh; từ 1994 đến 2006: Nhà thơ Phạm Doanh; từ 2006 đến nay: Nhà văn Khôi Nguyên đảm nhiệm chức danh Quyền tổng biên tập.

Từ 45 hội viên ban đầu, nay Hội VHNT Đắk Lắk đã có 218 hội viên – một lực lượng khiêm tốn so với tỷ lệ của một tỉnh có gần 2 triệu dân. Tuy nhiên, quý hồ tinh bất quý hồ đa, tiêu chí để xét kết nạp hội viên mới đòi hỏi ngày càng cao về sức sáng tạo và sự đam mê với VHNT, số lượng hội viên mới được kết nạp hàng năm không nhiều nhưng đảm bảo chất lượng, đam mê sáng tạo.

30 năm qua, VHNT Đắk Lắk dần trưởng thành, từ một nơi mà nhà thơ Nông Quốc Chấn nhận xét: “Đọc các anh các chị làm việc ở Tây Nguyên thì thật khó mà nhận ra là họ đang sống ở Tây Nguyên. Đọc họ giống như đọc ai đó đang sống và viết ở Huế, ở Đà Nẵng, ở Nha Trang, ở Hà Nội hay ở thành phố Hồ Chí Minh…” (lúc bấy giờ văn thơ còn được chú ý nhiều nhất, các lĩnh vực nghệ thuật khác còn mờ nhạt). Hiện nay các tác phẩm VHNT Đắk Lắk đã tạo được dấu ấn riêng biệt về bản sắc của mình. Tất cả các lĩnh vực sáng tạo VHNT ở Đắk Lắk đều có tác phẩm đoạt giải A (hoặc tương đương) của các hội chuyên ngành Trung ương hoặc của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (trừ chuyên ngành kiến trúc). Hội VHNT Đắk Lắk là một trong những Hội địa phương có nhiều hoạt động sôi nổi nhất, liên tục được nhận Cờ Thi đua của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Bằng khen của UBND tỉnh. Tạp chí Chư Yang Sin – diễn đàn của Hội – được lọt vào tốp những tạp chí văn nghệ được bạn đọc cả nước đón nhận. Có trên 50% hội viên của Hội VHNT Đắk Lắk được kết nạp vào các hội chuyên ngành Trung ương (một tỷ lệ đáng tự hào so với các Hội VHNT địa phương trên cả nước). Chẳng thế mà nhiều hội viên khi đã chuyển địa bàn cư trú ngoài Đắk Lắk nhưng vẫn làm đơn xin được là hội viên của Hội VHNT Đắk Lắk; nhuận bút của tạp chí Chư Yang Sin không cao bằng nhiều tỉnh bạn nhưng vẫn thu hút được lực lượng, cộng tác viên cả nước bởi họ coi đây là nơi thẩm định năng lực sáng tạo của mình...   

Như ban đầu đã đề cập: giữa hân hoan là đan chen ngậm ngùi, buồn vui lẫn lộn... Trong niềm tự hào về sự lớn mạnh của Hội, còn đó những “vết đen” trong lịch sử hình thành và phát triển Hội. Đó là Đại hội III, sau 6 tháng mới có Chủ tịch; Đại hội IV, sau hơn 2 năm mới có Chủ tịch; Đại hội V, sau 4 tháng mới bổ sung được chức danh Phó chủ tịch Thường trực; trước thềm Đại hội VII là đơn thư nặc danh rồi đích danh... Điều đó chứng tỏ trong nội bộ có những diễn biến phức tạp và bất ổn.

Cũng phải nhìn nhận lại, 218 hội viên chưa hẳn là 218 vì tinh tú đã và đang tỏa sáng trong vòm trời VHNT ở địa phương. Bởi có những nhiệm kỳ kết nạp theo phong trào, cần có số đông; có những nhiệm kỳ kết nạp theo cảm tính; có nhiều hội viên vì mưu sinh, vì tuổi cao không còn khả năng sáng tạo cho nên lâu nay không có tác phẩm mới; có những hội viên không còn nhu cầu sinh hoạt Hội nên phải xóa tên khỏi danh sách hội viên... Đây là một thực trạng chung của các hội VHNT từ Trung ương đến địa phương. 

 

30 năm Ngày thành lập Hội. Lúc này, trong 30 ngọn “nến tâm tưởng” thắp lên trong buổi sinh nhật, có những ngọn tưởng nhớ người đã khuất: Như nguyên bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần, nhạc sĩ Kpa Púi, nhạc sĩ Đàm Thanh, nhạc sĩ Ama Nô, nhà thơ Hoàng Mạnh Thường... và nhiều hội viên khác đã vào cõi vĩnh hằng. Trong 30 ngọn nến này, có những ngọn tri ân những người đã cống hiến bằng tâm huyết cho sự nghiệp phát triển VHNT Đắk Lắk; có những ngọn tri ân đến những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương... đã đồng hành cùng Hội VHNT Đắk Lắk; có những ngọn chúc mừng và chia vui đến những hội viên đã thành công trong sáng tạo; có những ngọn mong ước VHNT Đắk Lắk ngày càng rực rỡ để xứng đáng với tầm vóc của một vùng đất có độ sâu của nhiều địa tầng văn hóa, độ rộng của lịch sử, độ dài của mọi miền đất nước về đây tụ hội...

30 ngọn nến mừng sinh nhật. Ngọn buồn, ngọn vui, ngọn hân hoan, ngọn ngậm ngùi, ngọn chua - cay - ngọt - bùi, ngọn chứa chan hy vọng...

 

 

 


Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

TẤM THỔ CẨM truyện ngắn của H'SIÊU BYĂ - CHƯ YANG SIN SỐ 337 THÁNG 9 NĂM 2020

 


 

 

Ba về rừng với ông bà, nhà con trai, con gái đóng cửa.

Dì hớt hải giấu tấm thổ cẩm đằng sau, nước mắt nhanh hơn đôi chân thút thít miết từ cầu thang đến cửa nhà chết.

Tấm thổ cẩm bạc phếch, thơm mùi lúa rẫy lâu năm. Hoa văn hạt gạo dọc ngang màu trắng ngà còn lộ rõ. Dì cẩn thận đắp lên mặt ba, phủ kín chân, trước khi đặt hai tay lên má, khóc kể những bài hát hứt hứt dài. Đó là tấm thổ cẩm do tay bà nội dệt khi làng còn nằm dưới núi Chư Prông. Làng cháy, nhà cháy, thần lửa trừng phạt hai người lấy chung họ. Bà chỉ kịp quay đứa nhỏ ra trước, cho đứa lớn vào gùi, lót vội tấm thổ cẩm đeo lên vai theo bước chân người già nhất miên man trên trảng cỏ giống hệt cánh chim mệt mỏi buổi chiều. Đêm. Thảo nguyên yên ắng như tối nằm ở chòi canh rẫy. Gió thốc mạnh, mang hơi ẩm mốc, muốn bịt mũi từ bãi sình lầy. Một mảng trăng rơi xuống vùng đất có tiếng chim tơ rúc gáy. Tại đây, làng mới của người Mdhur ra đời.

Năm Fulrô bắn đạn vào làng đùng đoàng, ba đứng thẳng giữa nhà nói to như sấm, nói nhanh như chớp: “Tui không muốn ngủ chung với vợ nữa, có người khác rồi”. Bà ngã phập xuống chiếu, nước mắt nhiều như cá sông Hinh. Mấy ông cậu, đóng cửa mấy ngày khuyên không được, nói không nghe, bịn rịn có, xấu hổ có, dắt cháu dâu xuống cầu thang, đi sau là chiêng một dàn, chăn một đống, cheh tuk, cheh tang không biết bao nhiêu mà kể. Nhà gái muốn luôn tấm thổ cẩm theo chân ba trốn thần lửa ngày trước. Bà không chịu, các cậu không chịu, bèn nhờ cheh yang giấu trong lớp sương mù dưới chân núi có nhà bà mjâo H Riết. Bà mjâo H Riết là người cuối cùng bị kẹt ở lỗ đất Adreh, mái tóc trắng hơn mây, móng tay vàng rộm, cong như xúc tua của cây bầu, cây bí. Ở đó là chỗ ngủ của những bài thuốc quên nhớ từ xa xưa. Mjâo H Riết thắp sáp ong trắng đục, kéo cọng chỉ đỏ, soi bên phải, soi bên trái và lầm rầm câu nói chỉ cái cột, cái kèo đưa lỗ tai rất gần mới nghe:

“Dịu lại những giấc mơ

Dịu lại những lời nói không đầu không cuối

Dịu lại những việc làm không đúng

Cái taikhông được đi chơi với nai trong rừng

Cái đầu không được lang thang với trâu ngoài bãi…”

Từ đó, ba ít nói, trái tim ba không còn sôi lên khi có việc không vừa bụng, tay chân ba không còn làm vỡ đồ đạc khi tức người đông, bực người tây. Mjâo H Riết - người cuối cùng bị kẹt ở lỗ đất Adreh biết thay đổi con người qua tấm chăn họ đắp. Gió nói với chim, chim nói với đá, đá nhỏ, đá to mang tin khắp vùng.

Ba theo một người đàn bà không phải người Rahđê. Bà và mấy ông cậu tìm mỏi mắt. Ngón tay bà mjâo H Riết chỉ về hướng tây theo chân Y Tung, Y Tang đi qua lỗ đất Adreh, không quên nhắc bà dắt theo con bò đực trả nợ. Nợ gì, bà không biết, cứ đóng cửa chính, cứ khép cửa kho, cứ tắt lửa bếp, mang theo gạo, con bò đực, cả tình yêu đối với đứa con nói nhỏ không được, nói to không xong, dọc đường cái lớn. Chân muốn dừng, mắt muốn nhắm, lưng không còn dáng thẳng, vừa ngủ vừa nắm dây con bò. Đường còn xa, đến bao giờ mới qua lỗ đất Adreh, tới vùng đất đỏ…

Đón ba về làng, cả nhà thở nhẹ như mới rước mẹ lúa xong. Qua một đêm, đêm thứ hai thì cột cheh rượu và đốt con heo nhỏ để anh em người này nói một câu, người kia nói nói một câu. Làng có quy định xưa nay: “Con nhà ai người ấy dạy. Cháu nhà ai nhà ấy bảo. Con thằn lằn to được nhờ có bụi. Con tắc kè lớn được cũng nhờ có cây to”. Gà gáy quá nửa đêm, kiến mối sục sạo chào ngày mới, chân bên phải không nghe lời chân bên trái, lời nói lộn xộn như đống bùi nhùi, lúc đó đoàn người mới lục tục kéo nhau về. Sáng đến mắt cá chân, bà nhắc lại nhiều lần: “Nay cho miếng rẫy to.Siêng làm thì sẽ có lúa nhiều.Đừng gặp người Kinh vay của người Kinh.Đừng gặp người Chăm mượn của người Chăm”.  Nhưng ba không thích phát rẫy, tra hạt, đau tay lắm. Ba mua chiếc thuyền nhỏ, lênh đênh đêm ngày trên dòng sông Hinh. Cuộc kiếm ăn như chuyến rong chơi, vô định, vô tận, không cần biết ngày mai, ngày mốt,…

Có lần, ba cõng chị về làng bằng tấm chăn thổ cẩm. Chị khóc nhiều như đàn kiến cắn, khóc to như đàn ong đốt, chị đòi ăn que kem trắng ngọt biết bốc khói nghi ngút ngon hơn trứng cá trên dòng sông Hinh. Chị càng la to người đàn ông mắt xếch càng lắc chuông mạnh. Ba thương chị, tiền không có, vật đổi không có, ba cởi tấm thổ cẩm đưa cho người đàn ông để lấy một que kem. Tình yêu đối với con, khiến người khác không còn thời gian để nghĩ suy về những tầng sâu trong bụng họ. Bà đi rẫy về, ngồi xoay lưng, lấm chấm nước mắt vào váy. Bà trả tiền cho người đàn ông mắt xếch, giật tấm thổ cẩm về, tiếng chuông lắc xa làng dần, qua làng Hoang, làng Ea Lai rồi im không nghe thấy gì nữa. Giá nó đừng lởn vởn như con bướm để cho lũ trẻ thấy, lũ trẻ nghe.

Như một con người, tấm thổ cẩm không rời trảng cỏ, không rời làng, để buổi chiều khi chim te te huých bay vút qua đầu và đậu trên ngọn tre nghiêng cánh để tiễn đưa một linh hồn về với rừng, với đất. Chấm dứt những chuỗi ngày đau đớn vì những tội lỗi phía bên này lỗ đất Adreh. Hồi suối Ea Tlư chưa cạn, bà đã gửi tấm thổ cẩm cho dì, dặn khi ba “già” thì đắp nó lên lớp thứ nhất, phải là lớp thứ nhất, trước khi dòng họ mang chăn khác đắp lên lớp thứ hai, thứ ba. Nhớ phải phủ kín người, kín mặt như bàn tay mẹ ngày nào, tẩn mẩn, dệt nhiều ngày, đau lưng, để có tấm thổ cẩm dưới chân núi Chư Prông….

8.2020


Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

VE SẦU TÌM MẸ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 337 THÁNG 9 NĂM 2020

 


 

Chuyện kể rằng: Vào một ngày đẹp trời, nó bé tí ti, chui ra từ trong vỏ trên một cành cây rơi xuống, vừa chạm mặt đất đã hì hục đào ngay một đường hầm dài đến tận rễ cây ẩn sâu dưới lòng đất. Nó đào liên tục không ngưng nghỉ cho tới khi chạm một chiếc rễ cây, liền cắm chiếc vòi nhỏ bé nhưng cứng như sắt, xuyên qua lớp vỏ để hút nhựa. Thế là từ đó, cứ từ từ đào hang, bò theo rễ cây để hút nhựa như đứa trẻ bú sữa mẹ và lớn dần lên, dần lên, to như ngón tay người.

Nghe nói anh em nhà nó cũng đông lắm, nhưng mỗi đứa một ngôi nhà riêng, không giao tiếp với nhau bao giờ. Chúng sống cô độc, chỉ lo ăn rồi ngủ tạo thành một con vật hình thù lỳ lạ: toàn thân được bao phủ một lớp giáp cứng nhìn qua như con Ăn Mày sống dưới ao hồ, nhưng thân hình tròn hơn một tý và đặc biệt còn có lớp lông nhỏ mọc ở rìa khớp nối của các mảnh áo chắp lại. Áo của nó nhìn qua như vỏ con tôm, mà con người thường gọi là các đốt, có thể giúp co giãn một cách thoải mái. Nó có sáu cái chân đầy lông lá, riêng hai chân trước to khủng khiếp, gấp năm lần bốn chân sau và cạnh sắc như dao. Riêng đôi mắt vừa to, lồi hẳn lên phía trước, nhìn qua có thể nhầm với mắt của một con ruồi khổng lồ. Kỳ lạ hơn, con vật không có miệng, hay nói chính xác hơn, miệng của nó chỉ nhỏ như cái kim khâu và dài gần bằng thân. Cư dân sinh sống dưới gốc cây phượng già nơi sân trường truyền tai nhau bảo: nó đã sống đến năm năm có dư ở đây rồi đấy.

***

Một hôm, bác giun già đi ngang qua nhà nó, ngạc nhiên hỏi:

- Lớn bằng chừng này rồi mà vẫn bám rễ cây, không đi tìm bạn à?

- Chào bác Rồng, bác dài ngoằng thế kia, lại không có mắt sao biết cháu ở đây?

- Ta không phải Rồng mà là Giun, Giun đất. Giun không có mắt nhưng vẫn cảm nhận được mọi vật xung quanh không giống loài Ve Sầu có mắt to đùng lại lồi hẳn ra khỏi đầu, trông xấu xí lắm, mà có nhìn thấy gì đâu trong lòng đất đặc quánh thế này.

- Ô, bác Giun đất giỏi quá, vậy lũ Ve Sầu chúng ở đâu mà xấu xí thế?

- Ha, ha, ha…

- Sao bác lại cười?

- Không cười sao được khi có loài đến cái tên của mình mà cũng không biết.

- Tên cháu là, là… Ve Sầu ạ?

- Cháu là ấu trùng Ve Sầu, khi nào lên khỏi mặt đất mới lột xác thành Ve Sầu.

- Sao bác biết?

- Ta, ta, ta… nghe cây Phượng kể lại.

- Cây Phượng ở đâu vậy ạ?

- Từ nhỏ, cháu đã được uống dòng sữa ngọt ngào từ rễ cây Phượng để trưởng thành, có bộ giáp cứng và đôi tay rắn chắc thế kia sao không biết ân nhân là ai cả thì lạ thật.

- Ô, thế rễ cây Phượng không phải là má cháu ạ?

- Xì, đó là bà nuôi thôi, còn má đẻ của cháu có đôi cánh xinh đẹp, bay lượn trên bầu trời tràn ngập ánh nắng mặt trời, đẹp lắm.

- A, cháu cũng có má, trên kia còn có nắng. Ánh nắng nó thế nào, nó có giống như những hòn đá ở quanh hang của cháu không?

- Cháu phải lên khỏi mặt đất sẽ thấy ánh nắng ngay thôi mà.

- Làm sao cháu có thể lên trên đó.

- Cháu đào một đường hầm theo lối đi của ta lên khỏi mặt đất rồi hỏi cây Phượng, chắc chắn sẽ có câu trả lời chính xác.

Nói xong bác Giun dài ngoằng, bắt đầu đào đất. Lạ quá, cái đầu mềm nhũn vậy mà thúc vào đâu, đất phải co lại để nhường đường cho bác Giun đi, tạo thành một cái hang dài để di chuyển dưới lòng đất tối tăm. Ta có mắt, lại to khỏe thế này mà cứ thui thủi đi theo sau thì bao giờ mới lên trên mặt đất được; nghĩ thế, ấu trùng Ve Sầu kêu lên:

- Bác Giun ơi, theo bác thế này thì biết khi nào cháu mới lên được mặt đất, bác chỉ đường để cháu tự đào cho nhanh.

- Cháu nói cũng phải, cứ đào theo hướng bác chỉ đây, như thế sẽ lên đến mặt đất đấy.

Nó mừng quá, rồi bắt tay vào đào. Đào liên tục, không kể ngày đêm, quên luôn cả ăn uống với một ý chí mãnh liệt: thoát khỏi lòng đất tối tăm để lên gặp má, gặp anh em, bạn bè; thấy ánh nắng, gió và mây. Có đoạn gặp cả một tảng đá khổng lồ to như ngón tay út con người; hai tay nó chạm vào đau ê ẩm, không thể nào phá được. Nó gục đầu khóc, bất lực trước tảng đá ngáng đường; bao nhiêu hy vọng tan vỡ. Nhưng rồi, trong đầu chợt lóe lên suy nghĩ: trời thử thách ta chăng, đâu có con đường nào dễ dàng mà đến được hạnh phúc, phải gắng lên thôi; không dùng sức mạnh được thì phải dùng trí tuệ. Thế là ấu trùng Ve Sầu đào đường ngang tránh khỏi hòn đá, rồi tiếp tục đào ngược lên. Hình như càng lên cao, đất cứ ấm dần lên cho đến lúc vừa thúc một cái thật mạnh thì… ào, ào, ào…

Bất ngờ nghe tiếng động dữ dội tràn qua, ấu trùng Ve Sầu vội rụt đầu lui vội vào hang, đôi mắt trợn tròn nhìn lên phía trên. Lần đầu tiên trong đời nó nhận được cảm giác của gió, cái mát lạnh làm cả thể xác như bay bổng, rồi bầu trời xanh đen, tròn như miệng hang, lốm đốm những vì sao bé tí tẹo. Nó sung sướng reo lên:

- Thế là ta đã lên đến mặt đất, thấy bầu trời tròn và cảm nhận được gió rồi.

- Giỏi lắm, nhưng bầu trời không tròn đâu cháu.

- Tiếng ai đấy ạ?

- Ta đây!

- A, bà Phượng, bà cũng biết nói à?

- Đúng rồi!

- Tại sao bà bảo trời không tròn, cháu thấy tròn mà.

- Tại cái hang cháu đang núp hình tròn nên cháu thấy trời tròn, hãy ra khỏi hang đi nào.

- Hay quá, trời giống cái vung úp xuống mặt đất. Bà ơi ba má cháu đâu?

- Cháu hãy lại đây, bám vào thân ta, cố gắng leo lên cành của ta đã nào.

- Dạ!

Cây phượng đưa những cành lá đùa giỡn với gió tạo thành tiếng ca như một bản nhạc. Xa xa, tiếng của lũ dế mèn rả rích trong đêm như khích lệ ấu trùng Ve Sầu bỏ hang đang ẩn nấp tiến lại ôm lấy cây Phượng, từ từ leo lên.

Từ nhỏ đến lớn, ấu trùng Ve Sầu chỉ chui lủi trong lòng đất, sống trong hang tăm tối, hết ăn rồi ngủ; ngủ đã lại dậy ăn, cho đến khi được Giun đất cho biết ngoài lòng đất tối tăm còn có mặt đất, có ba má rồi bạn bè ở trên đó thì cố đào hang tìm đường lên. Đến lúc này nó thấm mệt, muốn gục xuống đánh một giấc. Cây Phượng dựng đứng, không như mặt đất bằng phẳng, bám vào đã khó nói gì leo lên, nhưng phải cố thôi, đi để gặp ba má – nó tự nhủ rồi bám vào cây bắt đầu leo lên.

Thỉnh thoảng, một cơn gió ào đến như định túm nó ném xuống mặt đất. Nó gồng mình, nặng nhọc dùng hết sức bám chặt vào vỏ cây, nhích từng tí một, tí một với hy vọng sắp được đoàn tụ với gia đình.

***

- Tắc kè, tắc kè, tắc k… e…è!

Tiếng gầm bất ngờ vang lên bên tai làm ấu trùng Ve Sầu giật mình suýt buông tay rơi lại xuống mặt đất. Trước mặt,một con thú khổng lồ, đầu bẹp như đầu rắn, có bốn chân, mình khoác áo màu xám có nhiều chấm: đen, xanh, đỏ… Cái mồm nó to như thế kia mà há ra chắc nuốt sống mình luôn. Lấy hết sức bình sinh, nó bám bốn chân chắc vào vỏ cây, cố đứng thẳng người lên, giơ hai tay rắn chắc lên phía trước nghênh chiến. Giá như gặp con vật này trước đây ít ngày chắc chắn với những cái răng đào đất nơi hai cánh tay thì con quái vật này không dễ ăn thịt được mình, nhưng giờ đây… Nước mắt nó sắp trào ra vì thấy bất lực, không thể thoát chết trước quái vật; không gặp được ba má nữa rồi.

Con quái vật, giương đôi mắt lồi ra trên đỉnh đầu, ngắm nhìn đối thủ một lúc như đánh giá sức lực, rồi đột ngột bỏ đi. Ấu trùng Ve Sầu đứng nhìn theo mà chân vẫn còn run. Tiếng cây Phượng vọng đến:

- Cố lên nào, sắp đến nơi rồi đấy.

- Dạ!

Nó tiếp tục nặng nhọc lê từng bước một,lên cao một chút nữa đến được cành cây gần nhất. Vừa lúc ấy phương đông ửng hồng, bầu trời xanh mỗi lúc một rõ dần, che khuất hết các vì sao. Ông mặt trời tròn như chiếc dĩa vén đám mây hồng nhìn xuống trần gian làm ấu trùng Ve Sầu cứng lại, nó hoảng hốt kêu lên:

- Bà Phượng ơi cháu không đi được nữa rồi, chắc là sắp chết, không gặp được má nữa rồi.

- Cháu ngoan, hãy cố lên, bây giờ mới là lúc quyết định để cháu trưởng thành đấy.

- Ôi, bà ơi, lưng cháu hình như đang nứt ra.

- Đúng rồi, nhờ ánh mặt trời cởi giúp cháu bộ quần áo chỉ phù hợp khi còn sống trong lòng đất.

- Đau lắm bà ơi!

- Cố lên nào, cháu sẽ có bộ đồ mới và đôi cánh đẹp để bay lượn trong không gian, gặp gỡ bạn bè cùng trang lứa.

Tiếng cây Phượng thủ thỉ, động viên giúp ấu trùng Ve Sầu bớt đau đớn khi thoát dần khỏi bộ quần áo xanh sẩm để hiện ra một hình hài hoàn toàn khác. Bất chợt một con chuồn chuồn kim bay qua trông thấy reo lên;

- A, thêm một cư dân mới – Ve Sầu vừa lột xác xong nè các bạn ơi!

Ấu trùng Ve Sầu thấy bầy chuồn chuồn bay đến, có vẻ ngượng ngùng khẽ vẫy vẫy đôi cánh trên lưng, cất tiếng chào lại:

- Tên tôi là Ve Sầu à?

- Đúng rồi.

- Má tôi đâu?

- Chúc mừng con đã trưởng thành – tiếng cây Phượng vọng đến.

- Bà ơi ba má con ở đâu?

- Con đã trưởng thành rồi nên cũng phải được biết sự thật, họ đã vào cõi vĩnh hằng từ lâu rồi.

Nghe cây Phượng trả lời, Ve Sầu đau đớn,từ trong bụng đột ngột vang lên:

- Ve, ve, ve…

Thật không ngờ, tiếng ve vừa vang lên đã nghe thấy những tiếng vù vù từ xa vọng lại, rõ dần; rồi không biết lũ ve trốn ở đâu ùa đến chào mừng con ve vừa lột xác. Tất cả bọn chúng quây quần bên nhau, cùng tấu lên dàn đồng ca rộn rã buổi sáng: ve, ve, ve... Hình như nghe tiếng ve, các cánh hoa phượng nơi đầu cành cũng rực đỏ cả lên làm lũ ong, bướm kéo cả bầy đến mở hội chào đón mùa hè. Lũ học trò nghe tiếng ve kêu thích lắm nên tặng cho chúng biệt danh: ca sỹ của mùa hè!

                               Mùa hè 2019

 


Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

NHỮNG BIỂU TƯỢNG TIÊU BIỂU TRONG VĂN HÓA MẪU HỆ ÊĐÊ tác giả TRƯƠNG BI - CHƯ YANG SIN SỐ 336 THÁNG 8 NĂM 2020

 


 

 

 Dân tộc Êđê là một trong những dân tộc bản địa, định cư từ lâu đời trên cao nguyên Đắk Lắk. Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê, chúng tôi nhận thấy văn hóa mẫu hệ Êđê được hình thành từ bao đời nay, thông qua lịch sử đấu tranh, chinh phục thiên nhiên, xây dựïng và phát triển cộng đồng. Nó đã trở thành biểu tượng độc đáo của văn hóa  Êđê.

Theo nhà văn hóa học V.M. Rodin (giáo trình Đại học Mát-xcơ-va, 1998): “Biểu tượng là một hình thái ngôn ngữ - ký hiệu tượng trưng của văn hóa. Nó được sáng tạo nhờ vào năng lực “tượng trưng hóa” của con người, theo phương thức dùng hình ảnh này để bày tỏ ý nghĩa kia, nhằm để nhận thức và khám phá ra một giá trị biểu tượng nào đó. Biểu tượng được xem là “tế bào” của văn hóa và là hạt nhân “di truyền xã hội” đầu tiên của nhân loại. Nó quy định mọi hành vi ứng xử và giao tiếp của con người đồng thời liên kết họ lại thành một cộng đồng riêng biệt”.

Từ định nghĩa trên, chúng tôi thấy văn hóa mẫu hệ Êđê, có những biểu tượng tiêu biểu như sau:

- Về tên gọi buôn làng: Người Êđê thường lấy tên người phụ nữ (đứng đầu dòng họ) để đặt tên cho buôn làng mình, như buôn H’Ling, H’Năng, H’Leo, H’Tring, H’Măng... Đó là những người phụ nữ có công tìm ra bến nước, hoặc để lại dấu ấn trong lịch sử hình thành các địa danh trên cao nguyên Đắk Lắk, như buôn H’Năng, buôn Tring, buôn M’Liêng, suối Ea H’Leo, thác Drai H’Ling…

- Về tên chủ bến nước: Người Êđê thường lấy tên người phụ nữ tìm ra bến nước để tôn vinh và đặt tên chủ bến nước. Theo luật tục cộng đồng, chủ bến nước (Pô pin ea) đồng thời là chủ buôn làng và chủ đất. Chủ bến nước cùng với hội đồng già làng đề ra luật tục để quản lý cộng đồng. Khi về già, chủ bến nước qua đời thì chức danh đó được giao lại cho cô con gái út, cứ thế vai trò chủ bến nước được thừa kế trong một gia đình mẫu hệ (mà bà Tổ là người có công tìm ra bến nước), chứ không giao quyền cho một gia đình hoặc dòng họ nào khác.

- Về nhà ở: Người Êđê có ngôi nhà sàn dài “dài như một tiếng chiêng ngân” (như trong sử thi Đam San đã từng mô tả). Kiến trúc ngôi nhà giống như một chiếc thuyền khổng lồ (trên rộng, dưới hẹp), là nơi cư ngụ của các thế hệ trong một đại gia đình, do một người phụ nữ cai quản. Trước hiên nhà dài được tạc hai cái nồi đồng bằng gỗ to tròn, đặt hai bên cửa ra vào. Nồi có thân và cổ vươn cao đầy dặn, tượng trưng cho sự no đủ của gia đình mẫu hệ. Trước hiên có cầu thang lên xuống gồm bảy bậc (số bảy là số may mắn của gia đình mẫu hệ), phía đầu cầu thang (nơi tiếp giáp với sàn hiên) được tạc hình mặt trăng non và hai bầu vú căng tròn. Nó biểu hiện cho vẻ đẹp và uy quyền của người phụ nữ trong gia đình mẫu hệ.

- Về hôn nhân: Theo phong tục của người Êđê, khi trong nhà có người con gái đến tuổi lấy chồng, thì cha mẹ lo việc hỏi chồng, cưới chồng cho con mình. Sau lễ cưới, chàng rể về ở nhà vợ. Con cái sinh ra lấy họ mẹ. Trong quá trình sinh sống, nếu người vợ không may qua đời, thì nhà gái thực hiện tục nối dòng (chuê nuê) đưa em gái thay chị làm vợ anh rể mình. Nếu không còn em gái thì thay vào đó là cháu gái. Đây là một phong tục cổ truyền, khá khắc nghiệt nhằm gìn giữ sự tồn tại và phát triển của gia đình mẫu hệ.

- Về việc đặt tên cho trẻ sơ sinh: Theo phong tục của người Êđê: khi đứa bé sinh ra được bảy ngày, thì cha mẹ làm lễ đặt tên cho con. Trong lễ này, bên cạnh việc đặt tên, bà đỡ bế em bé làm lễ thổi tai cho bé, với mong ước đứa bé lớn lên sẽ có đôi tai nghe thấu bảy núi mười sông, phân biệt được điều hay lẽ phải. Cũng tại lễ này, ông cậu mang quà tặng cho cháu bé gồm một bộ áo váy, và đồ trang sức (nếu là nữ), hoặc một bộ khố áo (nếu là trai) và kèm theo các đồ dùng khác, như: một đôi dép bằng da trâu, một bầu đựng nước, bát đũa, khăn, mền… các thứ này được giao cho người mẹ cất giữ trong một cái gùi có nắp đậy, cho đến khi đứa bé tròn 16 mùa rẫy mới đem ra cho nó mặc để cúng thần linh trong lễ trưởng thành.

- Về canh tác rẫy nương: Theo tục lệ của ông bà, người Êđê thường dành vài sào đất rẫy để trồng lúa nếp hoặc lúa tẻ, với mục đích dùng gạo này vào việc lễ cúng thần linh. Rẫy này gọi là rẫy thiêng, ngoài chủ nhà, thì không một ai được vào. Nó do chủ nhà là người phụ nữ, tự mình gieo trồng chăm sóc cho đến khi thu hoạch đưa lúa về nhà.

- Về việc làm trống: Người Êđê làm trống dùng để đánh trong các nghi lễ-lễ hội của cộng đồng. Họ gọi trống là H’gơr. Trống tượng trưng cho người bà trong gia đình. Tang trống là một thân gỗ tròn được khoét rỗng. Hai mặt trống gồm một mặt đực, một mặt cái. Mặt cái được bịt bằng da con trâu cái. Mặt đực được bịt bằng da con trâu đực. Mặt đực chỉ dùng đánh báo khi trong nhà có người qua đời. Mặt cái được dùng đánh trong các nghi lễ-lễ hội và trong sinh hoạt cộng đồng kết hợp với bộ chiêng K’nah.

- Về bộ cồng chiêng: Cồng chiêng là tài sản lớn nhất của mỗi gia đình người Êđê. Xưa kia mỗi bộ chiêng được đổi từ 1 đến 2 con voi, hoặc cả một đàn trâu bò khoảng 100 con. Theo quan niệm của người Êđê: Cồng chiêng không được đánh bừa bãi, mà chỉ được dùng để thông tin với các thần linh của trời đất trong các lễ cúng lớn. Cồng chiêng của người Êđê mang đậm tính mẫu hệ. Mỗi bộ cồng chiêng có 10 cái và 1 trống. Mỗi cái chiêng tương ứng với một thành viên trong gia đình mẫu hệ. Đầu tiên là trống H’gơr tương ứng cho người bà; tiếp đến là chiêng Char (ông); chiêng Ana (mẹ); chiêng M’duh (cha), chiêng Moong (cậu); chiêng K’ana Di (con gái lớn); chiêng H’liang (con gái thứ hai); chiêng Khơk (con trai lớn); chiêng H’luê Khơk (con trai thứ hai); chiêng H’luê H’liang(con gái thứ ba); chiêng H’luê Khơk Điêt (contrai út). Mỗi khi diễn tấu, trống H’gơr ra hiệu lệnh thì cả dàn chiêng mới vào nhịp. Trước khi kết thúc một bài chiêng, trống H’gơr ra hiệu lệnh dừng thì cả dàn chiêng mới được dừng đánh.

- Về nghi thức uống rượu: Trong mỗi lễ cúng thần linh của người Êđê, sau khi thầy cúng đọc lời khấn thần linh xong, chủ nhà (người bà, hoặc mẹ) được mời uống rượu giao cảm với thần linh trước, tiếp đến là người chồng và ông cậu. Sau nghi thức uống rượu giao cảm, chủ nhà mời mọi người cùng uống rượu (nữ uống trước, nam uống sau). Có những lễ cúng lớn với khoảng từ 12 đến 15 ché rượu, người ta trao cần rượu cho nhau (gọi là M’năm ring) nối tiếp thành một hàng dài (nữ trước nam sau). Mọi người cùng nhau uống rượu cần vui vẻ trong âm thanh trầm bổng của âm nhạc cồng chiêng.   

Bên cạnh đó, biểu tượng văn hóa mẫu hệ Êđê còn được phản ánh trong trang phục, ẩm thực, sử thi, truyện cổ, lời nói vần, trong nhạc cụ tre nứa, trong dân ca, dân vũ… Nói chung ở lĩnh vực nào, biểu tượng văn hóa mẫu hệ cũng được đề cao và được cộng đồng tôn trọng, coi đây là một tập tục truyền thống, thể hiện bản sắc và sức sống kỳ diệu của cộng đồng Êđê trên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.