Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 283 - tác giả H’SIÊU





Y SA

Truyện ngắn



Ai chẳng biết Y Sa lấy vợ ở buôn Gõ.
Ai chẳng biết Y Sa nghiện lắc bầu cua.
Ai chẳng biết Y Sa đái sồ sồ bụm hai tay hứng rửa mặt.
Buôn Tai nhỏ lắm, chuyện bé xíu như hạt tro bếp khó giấu nổi, huống hồ là chuyện về một người như con chó điên ngoài mả.
Y Sa đẹp trai và sạch sẽ. Ngón tay, ngón chân trắng nõn như đọt măng. Mái tóc hoe hoe ôm chặt khuôn mặt nhọn. Thân người gầy gầy, Y Sa có dáng đi uốn éo của con rắn, nhún nhún của con chim sẻ, đôi khi khệnh khạng như con heo nái thả rông.
Tầm 26, 27 tết, người ta thấy Y Sa với chiếc xe máy trơ xương nhả khói mù mịt từ đầu buôn đến cuối buôn để tìm người lắc bầu cua. Dĩ nhiên Y Sa sẽ làm cái, tụi nhỏ trong buôn sẽ đặt. Người lớn chẳng ai buồn chơi với Y Sa, đi nhổ củ mì đỏ cả tay, đi nhổ củ mì đau cả lưng, tiền mua ớt chẳng có, tiền mua cá khô chẳng có, tiền đâu mà đặt bầu, cua, tôm, cá chớ.
Thế là Y Sa rồ ga ra đường cái tìm tụi nhỏ. Được nghỉ học sớm, chẳng có đứa trẻ nào ở nhà, chúng lên rừng chặt mai để bày bán hai bên đường. Những cành mai khẳng khiu, trụi lá, chỉ nở vài bông hoa bé xíu, cắm vụng về tua tủa trong chiếc ché xỉn màu. Khách đi đường mua mai, mua luôn ché, tụi nhỏ líu ríu “Ờ, cũng được, đưa thêm tiền nhé!”, thế là cuộc mua bán xong xuôi. Mấy chiếc ché để chật nhà, với lại trong buôn nhà nào cũng theo đạo, trong ché có yang xấu, không bán cũng đập đi thôi.
Tụi nhỏ ba, bốn đứa nhảy phóc lên xe Y Sa hò hét:
“Tôm ăn bầu
Bầu ăn cua
Cái chạy làng”…
Bụi mù trời, tiếng xe máy ồn ĩ. Ngoài đường, chẳng có con heo, con gà nào dám đi qua. Dưới bóng cây si già, Y Sa giọng khản đặc nói lơ lớ tiếng Kinh, “Đặt dô, đặt dô đê anh chị em ơi!”. Tụi nhỏ xúm lại càng nhiều. Ơ! Hình như có cả các bà đi gùi nước ghé qua, cả các chị mới đẻ dậy cũng ghé vào. Y Sa cười ha hả, mắt nhắm tịt, tay vơ cả đống tiền lẻ cuộn dưới háng, “Đặt dô, đặt dô đê anh chị em ơi!”.
Mí Hoang già nhưng cũng nghiện trò này. Tiền mua quần áo cho con không có, tiền mua sữa cho con không có nhưng mí Hoang có tiền đặt bầu cua. Tiền mí Hoang dắt khắp nơi, cuộn trong váy, trong áo ngực và trong tấm chăn cõng con nhỏ. Mí Hoang như có phép lạ nhìn xuyên thấu, tụi nhỏ cứ đặt theo mí Hoang thể nào Y Sa cũng hết tiền chung. Có lần Y Sa bực quá, đứng phắt dậy, lắc bên trái, lắc bên phải, lắc ra sau, xì xồ một tràng tiếng vô nghĩa, đến khi mở nắp thì ôi thôi không biết ba hạt bầu cua chạy trốn chỗ nào rồi. Y Sa cuống cuồng tìm, tụi nhỏ cuống cuồng tìm thì ra do lắc mạnh nên hạt bầu cua bay lên và ở luôn trong hốc cây si không chịu về. Mí Hoang bực bội, thằng Y Sa chơi như con chó điên. Mí sốc lại đứa bé trên lưng, phủi bụi phành phạch trên váy, nhổ toẹt rõ to một bãi nước bọt làu bàu, “Tụi mày theo ăn cứt thằng Y Sa đi, chơi như con chó điên, tao về hái me giã với ớt cho nhép”. Mí nện bước chân xuống đất thình thịch, ai thèm nhìn, con mắt người ta bận ngó cái tay của Y Sa mở nắp đựng hạt bầu cua.
Tụi nhỏ bám lấy Y Sa như con vắt bám vào chân, cứ thế cho đến khi tối trời. Chúng ể oải đứng dậy, lùng sục túi nhau kiếm tiền mua rượu. Chúng biết uống rượu từ rất sớm, từ ngày cả buôn không theo đạo, từ ngày còn thòng lòng trên lưng ông, lưng bà, ngày đó mà, đám cưới, đám ma đi này buôn nọ uống rượu cần trong mơ còn đái. Ngày mai sớm tiếp tục một ngày, đi miết theo sông Krông Jing tìm chặt mai rừng để đem ra đường cái bán.
Hôm nay, Y Sa ăn lớn, về nhà mẹ đẻ, nó thắp đèn điện sáng trưng ngoài hiên đếm tiền. Nhiều quá! Nó rải mớ tiền lẻ xuống sàn, nằm lên đó khóc rưng rức. Mí Sa không quay mặt nhìn con, bà nhìn ngọn lửa đang cháy phừng phừng, “Sấm sét đánh chết, xé tung cái thằng điên khùng này đi. Lấy vợ không lo cho vợ, ăn cơm họ mà không đi rẫy cho họ. Nó chơi bầu cua làm chi he, nó chết bầu cua tôm cá đi chôn nó”. Bà kéo tấm khăn xuống vai chùi nước mắt. Tháng trước nhà vợ Y Sa leo cầu thang chửi bới, tháng này nhà vợ Y Sa leo cầu thang trả vòng. Bà bỗng giận mình không nuôi đứa con chu đáo. Cách đây nhiều năm, hai mẹ con vào rừng Kram kiếm củi, Y Sa chửi bậy chửi bạ gì đó trong rừng – điều cấm kị nhất khi bước vào rừng thiêng. Bà mãi đi giành đất trồng mì với người Dao, người Mông đến khi Y Sa cười nói một mình thì đã quá trễ để làm lễ cúng một con bò. Mí Sa nghiến răng ken két, bà giật tấm khăn trên vai ném mạnh vào bếp lửa. Lửa cháy to, mùi len khét lẹt đủng đỉnh bay khắp nhà. Y Sa vẫn nằm khóc. Trên trời cao có một chòm sao rơi trên sông Krông Jing. Người ở buôn khác nói, buôn Tai này sắp có tang.
Buổi chiều hôm nay, tụi nhỏ không chơi với Y Sa nữa, chỉ đứng nhìn thôi. Có vài người khác chơi rồi, nhìn họ lạ lắm, trên tay, trên ngực đầy vết xăm hình con hổ, xăm hình con rồng. Họ nói, họ ở chợ Khánh Dương, vô buôn, rủ mọi người chơi bầu cua cho vui. Họ chỉ làm con thôi, cho Y Sa làm cái. Y Sa cười sằng sặc “Chưa ai dám ăn tiền của mình đâu nghen”. Người đàn ông lạ đổi cho Y Sa vài tờ tiền xanh đỏ để lấy một mớ tiền lẻ nhầu nhĩ thum thủm nhiều mùi “Ờ thì chơi lớn, mình có tiền mà, tiền mình ăn bún ngoài chợ nhiều tháng không hết đâu”, nói vậy thôi, chứ tay Y Sa đang run kia kìa, nó thấy mình sao giống con thú tòng teng mắc bẫy treo ngược trên cây thế. Nhưng kệ, cứ mở đã, ăn hết chỗ tiền này sẽ rồ ga phóng thật nhanh xuống dưới chợ ăn tô bún giò heo. Nụ cười sảng khoái của Y Sa không giấu nổi mấy người lạ. “Nè, chú em, mở đi chớ”, Y Sa mở đây, nó nghiêng tô đựng hạt bầu cua một lần nữa và nhẹ nhàng đẩy nhẹ sang bên phải. “Ba nai!”, những người lạ hét ầm. Y Sa thua rõ ràng rồi, nó giao hết số tiền vừa đổi cho người lạ.
Nắng Mđrăk to nhưng không bằng nắng trên mặt Y Sa, gió Mđrăk mạnh nhưng không bằng hơi thở của Y Sa. Y Sa đứng dậy mạnh, ưỡn người, tuột quần, đái sồ sồ bụm hai tay rửa mặt. “Y Sa điên rồi”, tụi nhỏ hét nổ trời, mấy người lạ hốt tiền vào túi chở hai người, chở ba người trèo lên xe đi miết ra đường cái.
Tối hôm đó, Y Sa leo cầu thang thì heo gà đã ngủ, chẳng ai biết nó đi đâu, có người nói Y Sa vô rừng Kram hú ú oa ú oa như một con chó dại, có người nói Y Sa chạy xuống chợ ăn bún giò heo với tu một can rượu trắng to. Chỉ biết rằng, sáng hôm sau người ta nghe tiếng khóc hờ ri rỉ của mí Y Sa từ khe hở nhà này sang khe hở nhà khác. Y Sa chết rồi.
Chòm sao rơi trên sông Krông Jing, buôn Tai có tang thật. Không phải ngày chủ nhật nhưng nhà nào cửa cũng mở toang hoang. Thì đúng rồi, buôn có tang, ai dám đi làm chứ, linh hồn người chết sẽ cuốn lấy cán cuốc, cán dao. Cán cuốc sẽ rơi trúng đầu, cán dao sẽ rơi trúng bụng. Ở nhà vậy, cử con gái trong nhà qua nhà chết lấy củi, cử con trai trong nhà qua nhà chết lấy nước. Khóc tiếc thương hai ngày, sang ngày thứ ba, mỗi nhà mang nắm gạo với chai nước ngọt qua nhà chết góp ăn chung trước khi đưa linh hồn vào rừng vĩnh viễn. Người ở buôn nào đổ về đông như con kiến, như con mối. Đám tang xong, ngày hôm đã nghe bình bịch tiếng công nông. Người ta tranh thủ nhổ mì để mua nếp, mua thịt heo bắt chước người kinh gói “tét”. Chỉ có mấy đứa nhỏ bán mai ngoài đường ngáp dài buồn hiu.
Buôn Tai rậm rực đón tết. Mí Y Sa mang một bộ bầu cua mới tinh đặt lên mộ Y Sa. Dưới gốc cây si già giữa buôn, tiếng hét của người chơi bầu cua rầm rộ, mấy người từ chợ Khánh Dương làm cái. Mí Hoang thích lắm, đưa đầu vú thâm to bằng trái cà vô miệng con, đứa bé nín thinh. Phía cuối buôn, ma Hoang quay lưng trao dây bò cho người ta dắt lên xe. Kể cũng lạ, sao buôn Tai không còn nhớ giữa trưa nắng trên đồi, nhổ củ mì đau tay, nhổ củ mì đau lưng, tiền mua ớt chẳng có, tiền mua cá khô chẳng có…







Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

ĐẦU XUÂN RA BIÊN GIỚI bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 283 tháng 3 năm 2016





Sáng ngày 29.1.2016, lãnh đạo Hội tổ chức cho anh em làm việc ở Văn phòng và Tạp chí Chư Yang Sin thăm và chúc tết Đồn Biên phòng Bo Heng – đơn vị kết nghĩa nhân dịp năm mới Bính Thân sắp về. Xe qua thị trấn huyện Buôn Đôn hơn chục km rẽ vào đường rừng xuyên qua Vườn Quốc gia Yok Đôn, nhằm hướng tây thẳng tiến.
Tây Nguyên đang mùa khô, khu rừng chạy vút qua cửa sổ xe khoe những cành cây khộp khẳng khiu lao vút lên bầu trời không còn một cọng lá vàng, nếu người lạ chưa hiểu về rừng khộp chắc nghĩ đây là rừng chết - rừng bị rải chất độc hóa học như trong thời chiến tranh chống Mĩ. Dưới mặt đất, cỏ gianh và lá rụng nhiều chỗ bị đốt cháy nham nhở - một cách làm của những người bảo vệ rừng thường gọi “đốt non”, rừng bị đốt khi lớp cỏ gianh chưa khô hết nên lửa chỉ cháy lá khô và một phần cỏ gianh nên không ảnh hưởng lớn đến rừng. Rừng nơi đây, cây cổ thụ còn nhiều, đa số thuộc họ dầu sống lâu năm, cây nào cũng có vỏ sần sùi, cao lênh khênh, nối tiếp nhau trải dài như vô tận. Rừng khá bằng phẳng, thỉnh thoảng mới có một con suối chia cắt cánh rừng, hai bên bờ suối những bụi tre ủ rũ đứng đan xen với các cây gỗ dầu dưới nắng. Dưới lòng suối cạn, khi xe lướt qua ta còn kịp thấy những chú gà trống có màu sắc rực rỡ, rất đẹp hoảng hốt tung cánh bay lên, kéo theo lũ gà mái bay theo về phía rừng xa.
Con đường đất chắc lâu rồi không được duy tu nên nhiều “ổ voi”, “ổ gà”… quá, lái xe cơ quan Hội phải tập trung hết sức mới lạng qua, lách lại để khỏi bị va quệt, đụng gầm. Xe chạy đến đâu kéo theo đám bụi trắng mịt mù đến đấy, cây cối ven đường cũng được khoác thêm tấm áo choàng bụi trắng. Thương nhất những anh bộ đội đi xe máy cùng chiều hay ngược chiều khi xe chạy qua, các anh phải dừng lại nhường đường, chịu cảnh bụi phủ lên người như được nhúng vào thùng đất, bộ quân phục màu xanh biến thành màu trắng bạc. Xe lắc lư, thỉnh thoảng phanh gấp làm mọi người ồ cả lên khi có ai đó đụng đầu vào thành xe, nhưng tất cả lại òa lên những tiếng cười trong trẻo làm vơi đi nỗi vất vả của quãng đường dài.
Năm 2012, cũng vào ngày này, anh em cơ quan Văn phòng Hội vào Đồn Bo Heng chúc tết xong, chiều trở về; khi ra gần đến quốc lộ 14, trời bất ngờ đổ mưa to, mấy chiếc xe ô to chở gỗ leo dốc bị tụt xuống chắn ngang đường, xe không thể đi được; cả đoàn đành để xe giữa rừng đi nhờ xe của Thanh tra Giao thông tỉnh Đắk Nông ra thị trấn Đắk Min ngủ tạm qua đêm, hôm sau mới vào lấy xe về. Chính những lần đi thăm đồn như thế mới thấy và hiểu được nỗi gian nan vất vả của các anh bộ đội biên phòng nơi tuyến đầu bảo vệ biên cương của Tổ Quốc, nhiều người sau chuyến đi đã có tác phẩm viết về biên giới làm xúc động lòng người.
Xe vẫn lắc lư như ngồi trên thuyền lúc biển động, nhà văn Lê Khôi Nguyên – Chủ tịch Hội góp vui bằng những câu chuyện cười làm vơi đi sự mệt mỏi; nhà thơ Đặng Bá Tiến – Phó chủ tịch, Phụ trách Tạp chí Chư Yang Sin giới thiệu cho mọi người một số nét về rừng đặc hữu, những loài gỗ quý, động vật quý… đã có ở Vườn Quốc gia Yok Đôn mà mình biết khi còn làm ở báo Lao Động. Tiếng cười, tiếng xuýt xoa vang lên trước những điều mới mẻ được khám phá. Nếu không có những chuyến đi như thế này làm sao biết được “rừng đặc dụng” nó như thế nào, “rừng khộp” nó ra sao, và cảnh mùa khô rừng khộp…
Hơn mười một giờ, xe đến trước của Đồn Biên phòng Serepok, một anh bộ đội khoác khẩu AK bước lại bên xe chào mọi người, khi thấy trên xe có thượng úy Ngọc Diệp - cán bộ của Ban Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng tỉnh đi cùng, anh vui vẻ chào và xe tiếp tục băng qua cầu bắc qua sông Serepok hướng về phía nam thẳng tiến. Sông Serepok mùa này nước đã cạn, dòng sông rất rộng, lô nhô những tảng đá lớn như những bầy trâu rừng đang ngụp lặn. Dòng nước trong xanh, hiền từ len lỏi qua các hòn đá thẳng tiến về hướng tây. Có lẽ nước quá ít nên không còn cảnh hung dữ, gào thét khi băng qua các tảng đá, chồm lên như mọi năm. Năm ngoái qua đây, cầu chưa làm xong, mấy anh em văn nghệ sỹ cùng với bộ đội Biên phòng phải vác đá làm đường cho xe lên cầu; còn hôm nay cầu làm xong, xe bon bon vượt qua để mọi người thoải mái ngắm dòng sông.
Quá trưa xe mới tới Đồn Biên phòng Bo Heng. Cổng Đồn mở rộng, hai chiến sỹ tươi cười bồng súng đứng hai bên chào đoàn, chắc các anh đã được thông báo trước chúng tôi sẽ đến. Xe dừng trước nhà chỉ huy, các anh trong Ban chỉ huy Đồn niềm nở bước ra xe bắt tay từng người, mời vào nhà như anh em đi xa lâu ngày gặp lại. Các cô công tác ở Văn phòng Hội có người lần đầu tiên đặt chân đến Đồn không khỏi ngạc nhiên trước cảnh đón tiếp vui vẻ của cán bộ, chiến sỹ Đồn đối với đoàn. Quãng đường hơn một trăm km đầy khó khăn vất vả đã bị quên lãng, giờ đây chỉ còn tiếng cười, tiếng nói của chủ nhà và khách. Trung tá Nguyễn Trần Chiến – Đồn trưởng ân cần hỏi thăm các văn nghệ sỹ là lãnh đạo Hội các khóa trước, nhắc lại những kỷ niệm vui khi các bác, các anh chị trước đây đã vào thăm làm mọi người rất xúc động. Các anh là những người chỉ huy nơi biên ải xa xôi, có biết bao nhiêu việc phải lo toan để bảo vệ sự bình yên biên giới và đặc biệt phải đảm bảo an ninh cho những ngày tết cổ truyền của dân tộc, thế nhưng vẫn không quên những kỷ niệm, những việc làm tình nghĩa với anh em văn nghệ sỹ tỉnh nhà, quả thật đáng quý biết bao. Trung tá Phạm Đức Hòa – Đồn phó phụ trách công tác chính trị giới thiệu với đoàn tình hình an ninh biên giới, tình hình trực chiến và chuẩn bị tết của đơn vị…
Vui quá! Vui vì một năm qua tình hình an ninh biên giới do đồn phụ trách được giữ vững, cuộc sống vật chất của bộ đội ngày một cải thiện tốt hơn nhờ làm tốt công tác tăng gia và chăn nuôi, có nguồn thực phẩm tại chỗ dồi dào. Điện lưới Quốc gia phủ khắp các đồn Biên phòng đã góp phần quan trọng khắc phục sự cố thiếu nước ngọt cũng như mang lại niềm vui tinh thần cho cán bộ chiến sĩ khi hàng ngày được xem tivi… Chính những điều kiện vật chất như thế đã góp phần giúp các anh ở đây yên tâm nắm chắc tay súng, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ Quốc.
Nhà văn Lê Khôi Nguyên – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội thay mặt anh chị em văn nghệ sỹ tỉnh nhà chuyển đến cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bo Heng lời thăm hỏi và chúc mừng nhân dịp năm mới Bính Thân – 2016. Qua tâm sự, nắm bắt được nguyện vọng của anh em ở đồn, nhà văn Lê Khôi Nguyên hứa: qua năm mới sẽ tổ chức cho văn nghệ sỹ, đặc biệt là chuyên ngành Âm nhạc và Nhiếp ảnh vào thực tế sáng tác tại Đồn, tập trung khai thác đề tài truyền thống và những thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sỹ Biên phòng trong chiến lược “Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ Quốc. Khi nghe nhà văn Lê Khôi Nguyên phát biểu xong, anh em vỗ tay rầm rầm biểu hiện sự vui mừng và hy vọng. Trung tá Nguyễn Trần Chiến – Đồn trưởng nắm chặt tay nhà văn Khôi Nguyên xúc động nói: Chúng tôi cũng chỉ mong như vậy!
Chiều, đoàn chia tay đồn ra thăm cột mốc biên giới và đơn vị bảo vệ cột mốc; cán bộ, chiến sỹ trong đồn lưu luyến chia tay, hẹn một ngày gần nhất lại được đón các văn nghệ sỹ tới thăm. Bên bờ suối, ranh giới chủ quyền của hai quốc gia, cây cột mốc ghi số 46 làm bằng đá hoa cương đứng uy nghi, khẳng định chủ quyền của Quốc gia. Thấy xe đến các anh bộ đội biên phòng đóng chốt bảo vệ cột mốc ùa ra đón đoàn. Sau những cái bắt tay thật chặt, tất cả mọi người xếp thành hàng ngang chào cột mốc biên giới. Sau thủ tục chào cột mốc, cả đoàn vào thăm lán trại chỉ cách cột mốc khoảng năm chục mét. Dưới mái lều được căng bằng vải bạt núp dưới tán lá tre để tránh cái nắng gay gắt như đổ lửa là những tấm gỗ kê tạm làm chỗ nghỉ qua đêm của các chiến sỹ, bốn phía trống không để mặc cho gió lùa qua. Đại úy Y Vinh A Drơng vui vẻ cho đoàn biết: tình hình an ninh biên giới được giữ vững, nhưng chúng ta luôn luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra để bảo vệ vững chắc biên giới. Anh em trong đơn vị, sức khỏe tốt, ai cũng vui vẻ nhận nhiệm vụ vì biết biên giới được giữ vững mọi người mới đón tết vui vẻ, hạnh phúc. Theo chân Đại úy Y Vinh A Drơng cả đoàn xuống thăm dòng suối Đắk Đam – ranh giới tự nhiên của hai quốc gia, dòng suối rộng hơn chục mét, nước trong vắt, thấy rõ những hạt cát trắng tinh dưới lòng suối và những chú cá suối vô tư bơi lượn. Trên bờ những đám đất bên những ụ mối được san ra, chỉ rộng khoảng nửa mét, dài hơn một mét đã gieo rau cải cao gần nửa gang tay, xanh mơn mởn. Tôi chợt nghĩ: các anh dừng chân ở đâu là tranh thủ tăng gia ở đó nên dù giữa mùa khô nắng nóng khắc nghiệt vẫn đầy đủ rau xanh cho bữa ăn hàng ngày, đảm bảo sức khỏe để sẵ sàng chiến đấu cao.
Trời xế chiều, anh em trong đoàn lưu luyến tạm biệt các anh Biên phòng đang cắm chốt bảo vệ cột mốc thiêng liêng nơi biên giới lên xe ra về, ai cũng lưu luyến, bịn rịn. Khó khăn là vậy, gian nan vất vả là vậy, nhưng các anh vẫn hết sức vui vẻ gánh vác trọng trách bảo vệ biên cương mang lại sự bình yên nơi biên giới Tây Nam của Tổ Quốc. Xin chúc các anh mãi mãi giữ được nụ cười trên môi với bạn bè, đồng chí, đồng đội và nhân dân; nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


Mùa Xuân năm Bính Thân - 2016

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Rồi mọi thứ vụt qua như gió... tùy bút của LÊ VĨNH TÀI - CHƯ YANG SIN XUÂN CANH DẦN SỐ: 209&210









Mỗi mùa mỗi hoa. Mỗi thời một loài thi sĩ. Tôi ở với Vũ khi ngày còn thơ chỏm, hai đứa đầu trần cháy nắng loe hoe ngày rượu. Gió mưa cũng nhiều trong những trận thơ phú nắng lên mây xuống ấy. Tôi và Vũ chết đi sống lại cũng chỉ những bài thơ tình tán gái, ngày mà văn chương Dak Lak còn bao nhiêu mềm mại lụa là. Sông tóc của Buôn Hồ xanh màu xanh dai dẳng của hai thằng thơ kiên nhẫn. Mỗi đêm mỗi xuất khẩu thơ. Bây giờ được đọc thơ là một niềm hạnh phúc. Nhưng đọc thơ đến chết như Vũ mới quả là một niềm hạnh phúc, thứ hạnh phúc pha phất chút kiêu bạc, giờ ngồi mỗi đêm thơ phú ồn ào đèn sáng tivi màn hình phẳng càng thấy ngậm ngùi...
Những gốc rạ đồng bằng đã tan vào vùng cao gió đỏ, thi sĩ Bắc Hà đồng bằng ruộng lúa Văn Thảnh đã tan vào biết bao cội rễ Tây Nguyên để thành xum xuê cành lá “rượu và máu chảy trong người rạo rực / rượu và máu dồn lên đôi mắt / dõi tìm nhau không hết nửa nhà dài...” Tôi nói Vũ đừng chết. Vũ biết ngay tôi nói dối, cái ánh mắt chan chứa của người thơ thường thích bạn bè dù nhiều khi than trách. Những ngày tháng vỡ lòng cùng nhau bao nhiêu độ lượng. Một mái tóc ướt cũng thêu hoa dệt mộng, sống thế nào cũng thấy mình chật hẹp, thèm tự do tung một cánh chim trời...
Dài dòng vậy để nhớ, không phải chỉ một thời em gái qua sông, những thằng thi sĩ úp mặt tiếc nuối - mà là một thời cùng nhau xay bột gạo làm bánh phở, trong nghi ngút hơi nóng ngộp thở ấy vẫn thuộc tên người tên thơ tên sách dù không biết khi nào mới chạm được mặt nhau. Một thời văn chương Dak Lak, mới đây thôi mà đã hoang vắng lắm rồi... Ngày tôi đọc bài thơ “Giấu trong vạt áo đợi ngày nắng lên...” của Trần Văn Hội, “Bây giờ ở Huế mùa thu / cũng đành lá rụng sương mù chưa em / nhặt dùm anh sợi tóc mềm / chút hương hồ cạn ngó sen cuối mùa / Trăm năm như thể trò đùa...” Vũ cứ xuýt xoa vì lầm tưởng thơ của ông “trung ương” nào đó, thứ lục bát quỷ khốc thần sầu từng làm Vũ ngơ ngác. Chỉ mãi sau này mới gặp tác giả, chưa già đã răng cỏ lưa thưa, ngồi nghe anh nói chuyện về những ngày xuống đường không ngủ, mới biết thơ chỉ là cái móng tay trong cuộc đời nhiều cung bậc của người thi sĩ phố huyện này. Cái phố huyện không chỉ nhiều con gái đẹp mà còn nhiều thi sĩ, đứng đắn đàng hoàng như Hoàng Nam hay ngật ngưỡng như hơi rượu Nguyễn Phi Trinh cũng làm những thằng làm thơ trẻ con như tôi và Vũ học thuộc lòng. Đây là thơ tình của Hoàng Nam những năm tháng chúng tôi còn là những học trò “Dưới gốc cây bàng chúng mình đuổi bắt nhau / Tuổi thơ ơi sao hồn nhiên đến vậy ...Ta đã lớn lên theo những tháng năm dài / Ơi gốc cây bàng trở thành nơi hò hẹn / Cũng là nơi chia tay nhau lưu luyến / Dưới gốc bàng đã kịp nói gì đâu...” Hoàng Nam một đời nho sĩ, chỉ nho sĩ mới làm thơ như tháp bút viết lên trời xanh, một đời không dối lòng mình. Khi tình đã cạn, quyết không viết những lời, dù là thơ tình giả danh đãi bôi cơm áo. Nhà thơ thầy giáo ấy lúc nào gặp chúng tôi cũng cười rụt rè như con gái, bẽn lẽn như mặt trăng trong thơ Hàn nhưng cũng lạnh lẽo sao băng với bao nhiêu trò nhăng nhố mà không ít người làm thơ tỉnh lẻ chưa bao giờ vượt qua nổi. Nhà thơ thầy giáo ấy không ít lần buồn phiền về sự rượu học đòi, chỉ nhắc sao không học cái gì đi mà cứ sáng đêm phá sức. Cái hoang tàn ấy vắt đi của chúng tôi bao nhiêu là câu thơ kém nội lực, bao nhiêu ê a nhà quê mà không đứa thoát khỏi với một đám rung động đầu đời... Nhưng mà không rượu thì không thể gặp được Nguyễn Phi Trinh, cũng ông thầy giáo dạy văn hay như chim hót ấy từng giữa đêm đập cửa leo rào vào nhà bạn bè, không say không thôi. Như là không say thì hai con sư tử đá trước cổng trường Quốc Học tuổi thơ của ông không thể rơi nước mắt, không say thì tiếng vó ngựa của thơ ông không thể dập dồn. “Vút con ngựa ngựa ô / Lục lạc reo vang vó gõ nền dồn dập / thời thơ ấu bố phi bằng tưởng tượng / bố phi...” Vẫn biết học lễ rồi mới học văn, nhưng ông thầy giáo Nguyễn này nhiều khi phi những cú nước đại, dù chỉ là con ngựa gỗ tưởng tượng trong giấc mơ tráng sĩ tiền chiến, cái cốt cách bặm trợn mà vẫn hương khói thánh hiền. Mỗi lần ông “em ơi buồn mà chi...” rưng rưng như khóc, thật chúng tôi chẳng biết mang sông Đuống vào đâu. Bài thơ “Mỗi khi chiều kéo ánh sáng vào đêm” là tôi viết ở nhà ông thầy giáo thi sĩ này, khi cùng ông ngồi chờ ánh nắng tụt dần trên một ngọn cây để hòa vào bóng tối. Bữa ấy ông viết cho tôi mấy chữ đại tự lên tờ giấy hoa thơm như tóc Phượng, lục lọi tìm lại mấy quyển Bùi Giáng mà ngày ấy quý như vàng. Tờ giấy của Phi Trinh đã phi vào quá khứ, nhưng nét chữ như nét roi ấy vẫn còn quất vào tôi nhưng cú đau điếng của thơ phú oan khiên, sau này nhiều khi chắp tay vẫn không thoát tội. Mà cần gì phải sau này, bài thơ tình về một người con gái không khép cửa buồng khi có anh chàng thập thò ngoài cửa của nhà thơ Văn Thảnh đã hứng chịu những đòn roi cười ra nước mắt. Quả trứng không nở của Văn Thanh đã đành, cà bài thơ “Nhiều lúc thương mẹ con thèm một ổ bánh mì” của Uông Ngọc Dậu cũng thành cuộc họp. “Bố cuốc đất trồng rau bên cạnh vệ đường / Mong đủ ngọn ngắt ngày hai bữa / Báo thì nói trẻ con cần thịt sữa / Con đi trẻ rau dền về nhà gặp rau khoai...” Những nhà thơ ngày ấy, họ là ai trong những ngày tháng thơ ca đang thành một thứ trang sức này? Họ là ai trong lúc phố núi đang bước những bước vũ bão lên thành phố loại một, bỏ lại một thị xã vùng cao ngày nào ngơ ngác sương sớm nhà gỗ mây bay? Hay vẫn buồn như phận người chậu cảnh của thi sĩ Đặng Bá Tiến “Người vui ngắm có hay lòng tôi lạnh / hai trăm năm cô độc giữa chậu sành...” Ông vừa mới trải lòng mình với cỏ, qua những lời thưa với mẹ, với vợ, với con, với bạn bè... những câu thơ không có “đề tài”, với gần một trăm trang in, thật buồn và sang trọng.
Chúng tôi rùng mình. Hay là chỉ một mình tôi? Vũ bây giờ đã như sương như khói. Đã chập chờn sắc trắng của buổi mai cô độc. Dài ngắn tùy theo ký ức, nhưng nỗi đau của những người thơ với thiên hạ bạc như quét vôi lên vách, vẫn thường hay quay lại. Dù đã có những giải thưởng vinh danh, thơ vẫn không hết những ngùi ngùi...  Như ta vẫn thường như thế khi ngang qua nền nhà cũ, phố vẫn hoang vu lúc Vũ mang theo rất nhiều bài thơ của Dak Lak đi hoang. Mãi mãi. Một nỗi đau câm. “Em nâng nhành trúc trên tay / mênh mang là thế sao giờ nhẹ tênh.. Đêm kỳ diệu bởi màu hoa / không gian rực rỡ như là cho em...” Nhà thơ Đồng Xuân Lan đã nhận giải thưởng gì cho những câu thơ hay không chịu nổi của những ngày ông và Dak Lak? Nhà thơ Lê Viết Tường tìm được những vinh danh gì ở những chân trời trong bài trường ca in nửa trang báo Nhân Dân, trong những câu thơ tài hoa những ngày mưa lũ cao nguyên mờ mịt? “Chút xao xuyến trách hờn cơn mưa chiều phố núi / sao chẳng chờ mình dăm phút nữa mưa ơi...” Ai đã là những cột những vách và ai vẫn làm ô cửa cho căn nhà dài của thơ Daklak mở ra? Đoàn Nam hay Hoàng Nam, cái tên thôi mà còn có người lầm lẫn thì thơ phú còn biết thế nào…
Ký ức tôi vang động, như đã khảm vào não những ngày chép thơ vào vở. Chữ có thẳng thì lòng mới ngay. Cấm uốn éo. Những người thơ giờ đã thành ma thì vẫn cốt cách là thầy, đã dạy tôi những ngày vỡ lòng trong vô hạn tam tự niệm câu kinh. Giới hạn của khả năng con người là thế, chỉ những lòng tham u mê sân si mới vô hạn, mới làm hoen ố cõi tiêu dao này. Những câu thơ của những ngày gian khó, làm thơ như một nghĩa cử của cuộc đời. Những tài hoa một thời của một vùng đất đỏ đã thành mây gió... Chúng tôi đã cần mẫn chép từ một thứ giấy đen mờ lên một thứ giấy còn đen mờ hơn, sần sùi những vỏ trấu để ước mộng ngày mai, cái ngày thật đẹp mà thơ Dak Lak có không chỉ một ai mà cả một thế hệ bước ra khỏi ô cửa nhà dài, tung bụi mù ẩn dụ diễu nhại cắt dán hậu hiện đại lên khắp nơi như vó ngựa của Phi, của Như, của những thi sĩ làm thơ với ánh mắt nhìn thẳng. Như Vũ. Một đời với những bài thơ hát ca âu yếm, tưởng như trò chơi mà giữ danh dự như giữ những kỷ niệm tuổi thơ về một Hà nội hào hoa mà đành lưu lạc. Dặn con nhìn thẳng mà hát quốc ca. Đã bay lượn khắp kinh kỳ rồi về hẻm núi mà ngồi nhớ về những Hồ Tây Lãng Bạc Dâm Đàm sương khói ước mơ. Ôi chao những trận say váng vất cắm đầu, tưởng có thể rơi một mạch từ câu thơ hoang tưởng lạc vào những háo danh tầm thường thảm hại, những thi sĩ tự khoe tự quảng cáo tự làm tất cả, chỉ không bao giờ làm thơ... May vẫn còn cái ánh mắt nhìn thẳng ấy của Vũ.
Tôi vẽ chân dung Vũ lên bìa sách. Vẽ từng lọn tóc, vẽ từng sợi, như chải tóc cho Vũ. Rộn rã đủ thứ phường tuồng mà Vũ vẫn nghiêm trang. Thôi đi Vũ, tôi phải can Vũ vì chưa bao giờ tôi thấy Vũ giận đến như vậy, giận dữ ném những câu thơ vào mắt nhìn như lửa. Có phải vậy không mà bây giờ người ta vẫn rùng mình vì những câu thơ vô ích? Ôi chao là thừa giấy vẽ voi. Lại nhớ những nét roi của Phi Trinh. Như ngày xưa viết bút lông lên lá chuối mà thành lời sắc như dao kiếm. Của Vũ của Thúy của Hội của Tường của Dậu của Tiến của Đồng Xuân Lan... Những ngày tháng đã xa như cổ tích / mơ ước trên cao và mây trắng quanh mình / những góc phố suốt đêm đi như gió / lạnh đến chừng rượu cũng căm căm... Xa như những hơi rượu tức hờn vô lý của lão thi sĩ Văn Thanh. Tôi muốn hét to vào đêm vắng, Vũ ra dấu im lặng rồi thừ ra rót rượu cho tôi. Dù thế nào thì cứ viết. Viết thôi, bạn ạ. Không viết thì Vũ không chơi với nữa đâu....
Bao nhiêu năm rồi mà ngồi mà nhớ. Những tuổi tên của thơ Dak Lak trôi đi như gió trên mặt hồ. Chúng ta đã thức cùng nhau bao nhiêu đêm, cãi nhau ai là người có công, ai là người có tội. Ai là người tâm huyết ai là người... mà thôi, miễn là không một giọt mực thừa. Những hát ca như chim sáo ấy cũng vẫn có quyền mơ một lần mơ Văn Miếu kia mà. Những câu thơ ra khỏi trí nhớ trong một ngày mưa, thành một vệt rêu ẩm xanh rì thì vẫn là tồn tại. Chỉ có điều ướt mưa, sợ chữ nhòe đi người sau không đọc rõ thì cũng phải tô lại như nét ban đầu. Cũng phải còn vết tích để nhìn vào, rồi ra sau này cũng còn nhiều vinh danh hay xét giải. Một vạt áo thâm giữa bao nhiêu lụa là áo gấm sơ khảo chung khảo, sự điềm đạm của Mai Niê của Trinh của Dậu rồi sẽ còn bao tiếc nuối của những gió bụi phù hoa.
Vũ chắc không quay lại nữa. Sự ghé mắt liếc qua làm sao đọc được những chữ đã nhòe. Vũ gánh tập thơ “Chợt đến rồi đi” của mình đi qua những dãy phố đã kín cửa. Lòng người đã bể dâu. Cả cái gánh phở một ngày của Vũ giờ đã tanh tao nên đã va vất dáng bay của những con ruồi. Đôi mắt tròn đỏ của chúng nhìn chúng tôi trừng trừng. Sách xưa nào chả chép về những chuyện hoạn quan giữa chốn triều đình. Thơ không bao giờ là số đông. Những nhà thơ không bao giờ của số đông ở Dak Lak đã tản vào mây gió. Đã vui đã buồn đã hát đã khóc. Và đã làm thơ. “cái thị trấn phi lý này / đã từng có những thần dân tận trung báo quốc / đã từng có những thi sĩ / hoang tưởng nghĩ rằng mình có thể tạo ra lịch sử / chỉ bằng những con chữ / mà thôi...” (ghi ở nhà Vương, Hà Giang – LVT)

Rồi mọi thứ vụt qua như gió...

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

DI CƯ NGÔN NGỮ Ở NHÀ VĂN ĐƯƠNG ĐẠI tác giả INRASARA - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN BÍNH THÂN - 2016,






DI CƯ NGÔN NGỮ Ở NHÀ VĂN ĐƯƠNG ĐẠI



bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm
có bao lăm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ?
nhưng tôi muốn lãng phí cả đời mình cho nó
dù chỉ còn dăm ba người
dù chỉ còn một người
hay ngay cả chẳng còn ai!
(Tháp nắng, 1996)

Nhà văn sống nhờ, trong và qua ngôn ngữ dân tộc. Ngược lại, sinh mệnh ngôn ngữ dân tộc tùy thuộc nhiều vào sự ưu tư, chăm sóc của người sáng tác văn học. Toàn cầu hóa, nhiều sinh mệnh ấy đang bị đe dọa, ở đó một trong những nguyên do chính yếu xuất phát từ chính nhà văn – qua cuộc di cư ngôn ngữ của họ. 
Hơn trăm năm qua, biến động chính trị quốc tế kéo theo chuyển di lớn về dân cư, cuộc chuyển di chủ yếu từ các nước thuộc thế giới thứ ba đến các nước phát triển, từ đó ở Âu – Mỹ nảy sinh luồng văn học di dân; từ cố quốc nó được đặt tên là văn học hải ngoại.
Nhà văn rời bỏ quê hương cư trú đất nước khác luôn nuôi hi vọng trở lại cố quốc khi thời cuộc thay đổi. Thường thì ở thế hệ thứ nhất, do còn vương vấn với quê nhà hay chỉ thuần trở ngại về ngôn ngữ, nhà văn chỉ viết bằng tiếng mẹ đẻ. Đối tượng tác phẩm họ nhắm đến luôn là nhóm độc giả văn học trong cộng đồng di cư nhỏ bé và đồng bào còn “mắc kẹt” ở quê nhà. Nhà văn trở thành nhà văn lưu đày, lưu đày trong ngôn ngữ và trong văn chương.
Thế rồi khi tình trạng lưu vong kéo dài, thời cuộc đã không chuyển biến theo ý nguyện thì nhà văn tự mình buộc phải thay đổi. Họ bắt đầu nghĩ đến đối tượng độc giả nơi đất nước họ đang lưu dung, và thử ngòi bút bằng ngôn ngữ mới. Đó là điều khó khăn ít ai vượt qua được. Sang thế hệ một rưỡi, người viết có thể thoải mái hơn trong chọn lựa ngôn ngữ thể hiện: hoặc bằng tiếng mẹ đẻ hoặc bằng ngôn ngữ của nước sở tại (thường là tiếng Anh hay Pháp) hay cả hai. Đến thế hệ thứ hai trở đi, đại đa số nhà văn di cư viết bằng ngôn ngữ văn học dòng chính. Ở đây xảy ra tình trạng di cư ngôn ngữ hàng loạt.
Isabelle de Courtivron viết trong "Sống trong Dịch thuật: Nhà văn Song ngữ cùng Cá tính và Sáng tạo": Một cộng đồng văn chương mới đã được hình thành và thúc đẩy, bằng sự "nhập cư, công nghệ, chủ nghĩa hậu thực dân và toàn cầu hóa", các thế lực hùng mạnh đã "xóa bỏ ranh giới và đẩy mạnh chuyển động đa văn hóa".
Từ đây, khái niệm văn học hải ngoại và văn học di dân đã biến mất. Thế hệ văn học di dân với những tên tuổi lớn như Josept Conrad, Thomas Mann, Samuel Beckett, Vladimir Nabokov, Cao Hành Kiện… nhường chỗ cho thế hệ mới, trẻ hơn và quyết đoán hơn.
Thử điểm danh vài tên tuổi nhà văn di cư ngôn ngữ đương đại.
Nhà văn Bosnia Aleksandar Hemon, bị mắc kẹt ở Chicago khi chiến tranh nhấn chìm thành phố quê hương Sarajevo của ông, đã tiếp cận với tiếng Anh ở tuổi 27. Bằng nỗ lực phi thường để vượt qua trở ngại ngôn ngữ, tác giả của Câu hỏi của BrunoDự án Lazarus được coi là một phù thủy đầy phong cách, tự sáng tạo ra tiếng Anh cho chính mình. Yiyun Li đến Hoa Kỳ với vốn tiếng Anh ít ỏi để nghiên cứu Miễn dịch học tại Đại học Iowa, nhưng chỉ sau thời gian không dài, tác giả cuốn tiểu thuyết thứ ba bằng tiếng Anh: Tốt hơn cả cô đơn xuất bản vào tháng 2.2014 là nhà văn đương đại gốc Hoa được người Mỹ biết nhiều nhất, có lẽ” (Wiliiam Grime, “Di cư ngôn ngữ ở nhà văn”, The NewYork Times, 25.4.2014).
Còn Việt Nam
Thế kỉ XX, Việt Nam hai lần làm di cư, lớn nhất và phức tạp nhất vẫn là từ thời điểm sau khi đất nước thống nhất. Nhiều đợt di cư khác nhau với nhiều tâm thế khác nhau của các bộ phận người khác nhau. Riêng văn giới, nếu nhà văn thế hệ đầu tiên như: Nguyễn Mộng Giác, Tô Thùy Yên, Võ Phiến… chỉ viết bằng tiếng mẹ đẻ, thì thế hệ sau đó đã khác đi rất nhiều. Họ có thể sáng tác song ngữ, như Đinh Linh, Nguyễn Quí Đức, Đỗ Kh… hoặc hoàn toàn chuyển sang ngôn ngữ mới: Mộng Lan (tiếng Anh), Linda Lê (tiếng Pháp)…
Có thể kể vài tác giả đương đại gốc Việt thành công qua vài giải thưởng Quốc tế uy tín.
Monique Trương sinh năm 1968 tại Sài Gòn, di cư qua Mỹ cùng gia đình sau 1975, hiện sống tại Blooklyn – New York. The Book of Salt (Sách muối) kể câu chuyện về một đầu bếp Việt Nam sau những năm phục dịch ở Paris, phải quyết định ở lại (Pháp), đi (Mỹ) hay trở về Việt Nam. Tác phẩm giành Giải thưởng "Barbara Gittings Book Award in Literature" của Hiệp hội Thư viện Hoa Kì và Giải PEN/ Robert W. Bingham năm 2004.
We Should Never Meet (Ta không bao giờ nên gặp nhau) là tác phẩm đầu tay của Aime Phan viết về những đứa trẻ Việt Nam được đáp máy may qua Mỹ, trong đó nhân vật Kim không hướng tâm là người cha Mỹ-da trắng mà là người mẹ Việt- da vàng, một chọn lựa “đầy tai ương” (chữ dùng của Nguyễn Hương). Tác phẩm đoạt giải Sách Quý của Kiryama Prize về tiểu thuyết đồng lúc vào chung khảo giải Văn chương Mỹ gốc Á năm 2005 (Asian American Literary Awards). Aime Phan là nhà văn thuộc thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở đất nước định cư, hiện ở Orange County - California nơi có nhiều người Việt sinh sống. Aime Phan vừa ra tác phẩm thứ hai: The Reeducation of Cherry Truong (Sự cải tạo của Chery Truong) được xem là một “khám phá sâu sắc sự giao tiếp giữa lịch sử và trái tim nhân bản”.
Nam Lê sinh ở Sài Gòn và lớn lên ở Melbourne – Úc, hai lần nhận Giải thưởng Văn học Anh Dylan Thomas danh giá. Lần thứ hai dành cho tập truyên ngắn gồm 7 truyện có tên The Boat (Con Tàu). Lối kể chuyện của Nam Lê độc đáo đến nỗi Chủ tịch Ban giám khảo Peter Florence nhân định: "Dưới con mắt của Ban giám khảo, Nam Lê là một hiện tượng văn chương phi thường." Mới nhất, Uyên Nicole Dương với cuốn tiểu thuyết đa văn hóa Mimi and Her Mirror (Mimi và chiếc Gương) do AmazonEncore xuất bản, đoạt giải nhất trong cuộc thi Giải thưởng sách Quốc tế International Book Awards 2012.
Cũng trong bài viết thú vị trên, Wiliiam Grime thuật lại chuyện nhà văn Francesca Marciano trong tiểu thuyết Một ngôn ngữ khác kể về một thiếu nữ Ý tên Emma si tình tiếng Anh. Cô theo dõi miệt mài các cuộc nói chuyện hằng ngày của người Mỹ, chăm chú lắng nghe những đĩa nhạc của Joni Mitchell. Và rồi không bao lâu, tình yêu ngôn ngữ của cô gái được đền đáp: Cô thấy mình có thể nói và hiểu được tiếng Anh một cách dễ dàng. Bị dịch chuyển, cô bước vào một cuộc sống khác. "Chị không biết mình đã chối bỏ những gì", người kể chuyện trong tác phẩm của Marciano nhận xét, "nhưng một ngôn ngữ khác chính là chiếc thuyền mà chị dùng để trốn chạy." Còn Nadeem Aslam - tác giả của Khu vườn của Người đàn ông mù lòa, người vật lộn với tiếng Anh khi gia đình ông di cư sang Anh từ Pakistan vì lý do chính trị lúc còn là một thiếu niên. Ông nói: “Tiếng Anh đối với tôi là một thứ ngôn ngữ của hận thù, đồng thời lại là một thứ ngôn ngữ của tình yêu”.
Ngôn ngữ của hận thù, bởi đối với nhà văn không thèm khát nào lớn hơn là có được một lượng lớn độc giả khả dĩ. Hỏi thơ Lâm Quý sẽ có được bao nhiêu người đọc trong số dân tộc Cao Lan ít ỏi của ông, nếu ông cứ viết bằng tiếng mẹ đẻ? Thế nên dù yêu tiếng Cao Lan đến đâu, ông cũng phải chọn tiếng Việt để sáng tác. Hay thơ tiếng Việt của Đinh Linh có bao nhiêu độc giả đón nhận trong số lượng người Việt di cư đang sống ở Mỹ mà người sành tiếng Việt tuổi ngày càng cao, dân số ngày càng rơi rụng, nếu anh không chọn tiếng Anh làm phương tiện diễn đạt chính yếu?
Ngôn ngữ của hận thù nhưng không thể không là ngôn ngữ của tình yêu, bởi vì nếu không yêu thì nhà văn không thể nhập tâm vào ngôn ngữ nào đó để sáng tạo.
Thế nhưng, dù ngôn ngữ là ngôn ngữ của hận thù, của tình yêu hay chỉ là một phương tiện trốn chạy… nhà văn vẫn giành cho mình quyền tự do chọn lựa. Thực tế, không phải tất cả nhà văn di cư đều bị cuốn hút về phía “trung tâm”, để chỉ sử dụng ngôn ngữ có tầm phổ quát rộng trên thế giới viết văn, làm thơ, mà có khi ngược lại. Nếu Thuận trước hết viết bằng tiếng Việt, sau đó tự chuyển dịch tác phẩm mình ra tiếng Pháp mà theo chị, dịch là một cách sáng tạo lại – nhất là dịch chính tác phẩm của mình, thì không ít nhà văn Việt Nam di cư thuộc thế hệ một rưỡi và thế hệ tiếp sau đó vẫn kiên trì sáng tác [thành công] bằng tiếng Việt: Nguyễn Hoàng Tranh, Lưu Diệu Vân, Phan Quỳnh Trâm… là rất điển hình. Rồi ngay cả người đã thành công trong sáng tác tiếng Anh như một Uyển Nicole Dương cũng đang có hướng quay trở lại viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình; cho dù - như chị tâm sự: “Tôi ngậm ngùi cho chính mình: một số ít tác phẩm của tôi do chính tôi viết lại bằng tiếng Việt có rất ít người đọc hay nhắc tới trong cộng đồng Việt Nam” (Dương Như Nguyện, “Ý nghĩa của tựa truyện “Postcards from Nam” và quan niệm về dịch thuật, diễn giải, diễn tả, và diễn đạt văn chương”, Vietbang.com, 31.01.2014).
Ở phạm vi hẹp hơn, các nhà văn dân tộc thiểu số ở Việt Nam chẳng hạn. Việt Nam có 54 dân tộc thiểu số anh em, các cây bút người dân tộc vẫn có thể viết bằng tiếng mẹ đẻ, thế nhưng chính tiếng Việt mới là phương tiện họ đã thể hiện trọn vẹn nhất tài năng. Bởi đó là tiếng phổ thông, đối tượng độc giả là các dân tộc trên đất nước Việt Nam đồng thời là chính dân tộc mình. Ngoài dân tộc Chăm có đặc san riêng là Tagalau, để những Jaya Hamu Tanran, Phú Đạm, Jaya Thuksiam, Kiều Dung… có thể sáng tác bằng tiếng Chăm mà vẫn tìm được độc giả của mình, dù số lượng còn rất hạn chế, các nhà văn dân tộc thiểu số khác, hoặc viết song ngữ, hoặc sáng tác thẳng bằng tiếng Việt.
Sáng tác song ngữ có thể kể: Nông Quốc Chấn (dân tộc Tày), Dương Thuấn (Tày), Lò Ngân Sủn (Dáy), Inrasara (Chăm)… còn thì đại bộ phận viết bằng tiếng Việt. Pờ Sảo Mìn (Padí), Mai Liễu, Lương Định (Tày), Hơvê (H’rê)… Thể loại thơ là thế, chứ văn xuôi mãi đến hôm nay vẫn chưa có nhà văn dân tộc thiểu số nào sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết bằng tiếng mẹ đẻ. Vậy, làm sao nhà văn có thể làm nhiệm vụ canh giữ và chăm sóc ngôn ngữ dân tộc?
Thế giới phẳng, toàn cầu hóa, trào lưu hậu hiện đại giải lãnh thổ hóa… mở ra vô vàn cánh cửa cho nhà văn hôm nay thoải mái và vô ngại trong chọn lựa để di cư ngôn ngữ. Từ đó họ có thể cả quyết như Đinh Linh rằng: “Thật sự thì tôi là hai nhà văn, một Mỹ, một Việt. Tôi viết bằng tiếng Việt vì tôi gắn bó với số mệnh của nước Việt. Tôi viết bằng tiếng Anh vì tôi gắn bó với số mệnh của nước Mỹ.” (Nguyễn Hương, “Văn Chương Di Dân Việt tại Hoa Kỳ”, Damau.org, 24.01.2007).
Phải chăng với các nhà văn mà ngôn ngữ dân tộc không [hay chưa] ở thế thượng phong trong thời đại toàn cầu hóa, sáng tác song ngữ truyền thống – một truyền thống từng tồn tại trong văn học các nước Đông Nam Á suốt thời Trung Đại – đang trở lại?

Sài Gòn, 07.7.2014


Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

TẤT CẢ ĐỀU TỐT truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHUYÊN SAN GIÁO DỤC BUÔN MA THUỘT số ra 10 tháng 3 năm 1995


              


Ông Vinh rút khăn mùi xoa lau lên hai tấm Bằng khen một cách cẩn thận như sợ xước cả mặt kính. Xong đâu đó, ông lùi lại ngắm nghía và gật gật đầu. Hai tấm Bằng khen của Sở Giáo dục tặng trường trong năm năm vừa qua đánh dấu thành tích “vĩ đại” mà ông mang lại cho trường, điều đó khẳng định năng lực công tác lãnh đạo của ông, ông có quyền tự hào về nó; về những lời khen của các bạn đồng nghiệp. Đúng, không có năng lực, không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và nhất là nếu không có bề dày kinh nghiệm trên ba mươi năm dạy học, ông làm sao lãnh đạo được trường điểm quan trọng này.
          - Thưa thầy! Em có thể gặp thầy mấy phút không ạ!
          Mải ngắm mấy tấm bằng khen, ông Vinh không biết có cô giáo, người tầm thước, khuôn mặt hình trái xoan, mặc áo dài màu hồng đang ngập ngừng trước cửa.
          - Lan hả? Vào đi! 
          Ông kéo ghế ngồi xuống bàn làm việc, giơ tay phải ấn cái kính lão cứ chực trườn qua mũi xuống miệng. Xong đâu đó mới chỉ ghế đối diện, lên tiếng:
          - Mơì cô ngồi! Có việc gì trình bày tôi nghe.
          - Dạ thưa thầy! Lớp em có học sinh bỏ học đi chơi cả tuần nay, em viết giấy gởi về gia đình mời phụ huynh lên gặp đã hai hôm rồi vẫn không thấy đến.
          - Thôi, thôi! Có mỗi em học sinh mà không quản được thì làm sao dạy được cả lớp. Ai làm giáo viên chủ nhiệm cũng như cô thì trường này đi về đâu hở? Cô phải có biện pháp sư phạm mạnh vào. Nếu không có kết quả, nên phối hợp cùng các đoàn thể mà giáo dục, chứ đụng một tý lại lên gặp Hiệu trưởng là thế nào?
- Thưa thầy, em học sinh này quả thực rất khó xử ạ; các môn văn hoá chỉ đạt điểm hai, điểm ba, lại quá lười học. Giáo viên bộ môn nhắc nhiều, vẫn không chuyển. Năm trước không đủ điểm lên lớp, thầy chỉ đạo phải kiểm tra để nâng điểm. Kết quả…
          - Ơ hay, tôi đã bảo cô là thôi đi. Học sinh yếu kém là do giáo viên chủ nhiệm làm không tốt công tác được giao chứ không phải là Hiệu trưởng. Cô hiểu chưa? Về đi, cố tìm mọi biện pháp thiết thực để giáo dục các em cho tốt, thế nhé!
          Lan rầu rầu đứng dậy định bước đi. Ông Vinh vội hỏi thêm:
          - À cô Lan, thế cô chủ nhiệm lớp mấy?
          Lan đứng sững, ngước đôi mắt bồ câu ngấn lệ, nhìn thầy Hiệu trưởng mà không tin ở tai mình. Chẳng lẽ cả trường có mười ba lớp với hai mươi sáu giáo viên mà thầy không nhớ nổi?
          Chiếc Tôyota màu đen mang biển số xanh, lao sát bậc tam cấp văn phòng, đứng sững lại sau một tiếng rít rợn người, báo hiệu sự hiện diện của nó. Ông Vinh ngó qua cửa sổ, vội vã đứng lên hấp tấp bảo Lan:
          - Cô về đi, về ngay đi, tôi có khách kia kìa.
          Ông bước vội ra thềm niềm nở bắt tay vị khách vừa chui ra khỏi xe, giọng xuýt xoa:
          - Quý hoá quá, đầu năm Chủ tịch còn bớt chút thời gian vàng ngọc đến thăm trường. Mời Chủ tịch vào ạ!
          Ông Hiệu trưởng xăng xái kéo ghế, pha nước mời khách, hai má bỗng hồng hào hẳn lên như muốn làm gương soi mấy sợi tóc bạc rủ xuống từ phía trên đầu .
          - Dạ mời Chủ tịch ạ! Sao hôm nay Chủ tịch xuống mà không báo trước để anh em chuẩn bị?
          - Hôm nay mình đến đây là vì . . .
- Vâng! Chủ tịch không nói em cũng biết ạ!
Ông hiệu trưởng cướp lời
- Mấy năm liên tục trường được công nhận là trường tiên tiến đều do công của Chủ tịch giúp đỡ, chỉ đạo sâu sát để anh chị em cán bộ, giáo viên khắc phục thiếu sót, sửa chữa sai lầm, phát triển mặt mạnh, mặt tốt, dồn sức lực dạy dỗ các em mới đạt thành tích như vậy. Chúng em vẫn thường xuyên nhắc nhau cố gắng công tác, làm sao xứng đáng với sự quan tâm giúp đỡ của huyện nhà đấy ạ!
          -Này anh Vinh! Hôm nay tôi đến đây vì thằng cháu nhà tôi.
          -Dạ thằng cháu nhà mình học khá lắm anh ạ. Đúng là có zen thông minh di truyền của bố mẹ! Ban giám hiệu và hội đồng giáo dục nhà trường cũng đã nhiều lần họp và đang cân nhắc nên thưởng cho cháu như thế nào để làm gương cho học sinh toàn trường noi theo. Chủ tịch biết đấy, năm nay kỷ niệm ba mươi năm ngày giải phóng thành phố, một sự kiện trọng đại ghi dấu son vào cột mốc nước nhà. Đây cũng là điều để mọi người phải tự hào. Báo cáo thủ trưởng, hiện nay nhà trường đang phát động phong trào “Trăm điểm hay, ngàn việc tốt” kết nên vòng hoa đẹp mừng ngày thống nhất non sông. Trong phong trào này cậu ấm nhà ta đi đầu đấy ạ!
          Sau một tràng diễn thuyết, ông Vinh ngoái cổ lại phía sau bảo cô văn thư đang thập thò bên cửa sổ:
          - Hôm nay có khách, cô ra bảo nhà hàng “Hoa Diêu Bông” chuẩn bị nhé!
          Ông khách gượng gạo bảo:
          -Thôi thầy! Tôi đến đây định gặp các thầy các cô xem cháu nhà tôi học tập thế nào mà có giấy mời đây!
          Ông Vinh xua tay:
          - Báo cáo, Chủ tịch cần số liệu gì em báo cáo ngay theo số liệu ghi sẵn. Còn việc học hành của cháu tốt lắm, Chủ tịch không phải để ý làm gì. Có chăng hãy dành sức lực lo cho công việc lớn của cả huyện nhà ạ!
Chiếc quạt trần hối hả quay hết tốc độ, phả gió như xoáy xuống mặt bàn. Ông khách mặc sơ mi trắng, thắt cà vạt đỉnh đạc, mặt cứ hồng mãi lên, trên trán, trên mặt mỗi lúc càng có nhiều giọt nước đọng lại rồi như hùa vào với nhau tạo thành dòng, chạy vội vã xuống cổ, xuống bàn làm việc của hiệu trưởng. Chờ mãi ông ta mới có dịp nói:
          - Thầy hiểu sai rồi, hôm nay tôi đến đây với tư cách  cá nhân…
          - Dạ, Chủ tịch đến đây là quý hoá lắm rồi, có lẽ công việc ta chuyển qua buổi chiều. Giờ xin phép được mời dùng bữa cơm trưa đã ạ.
          - Thôi để khi khác. Mình đến đây là vì cháu Quý, con trai mình bỏ học đi chơi, bị cô giáo mời lên!
          - Chết thật, chắc là có sự nhầm lẫn gì đây, chứ cháu ngoan lắm. Giáo viên dạy ai cũng khen. Mấy lần đến lớp dự giờ, em đều kiểm tra, cháu làm bài được ngay mà.
          - Thế sao lại có giấy mời đây.
          Giơ hai tay run run đỡ tấm giấy mời, ông Vinh lạnh xương sống đứng bật lên quát vọng ra ngoài:
          - Mời cô Lan tới ngay! Chắc chắn là có sự nhầm lẫn gì đây, anh yên tâm, mọi việc cứ để tôi lo cho. Mời anh dùng nước.
          Ông khách bệ vệ đứng dậy làm chiếc ghế ông vừa ngồi rên lên một tiếng nghẹn ngào.
          - Thôi tôi đang bận, nhờ thầy giải quyết giúp nhé!
          Ông Vinh xiết chặt tay khách.
-Dạ Chủ tịch lại nhà, còn mọi việc để em thu xếp. À - Như chợt nhớ ra điều gì quan trọng, ông Vinh buột miệng hỏi thêm: Thế cháu đang học lớp mấy ạ?

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN XUÂN CANH DẦN SỐ: 209&210 - tác giả NGUYÊN HƯƠNG




GIÂY PHÚT XAO LÒNG
 Truyện ngắn

Họp lớp.
Thiệp mời ghi rõ “Trừ những kẻ bị ế, đề nghị đi đủ cặp”. Có lẽ chính cái câu tếu tếu này mà sĩ số bảy năm trước đây chỉ bốn mươi, nay họp mặt sáu mươi vì có thêm mười dâu mười rể. Tất cả những dâu và rể đều cúi chào thầy giáo chủ nhiệm một cách rất ngoan ngoãn khiến cả lớp xúc động ghê gớm.
Cuộc họp thật vui. Và bất ngờ.
Bất ngờ là Lân, người làm chung cơ quan với Thu hóa ra là một trong mười chú rể của lớp. Thu vốn chẳng mấy có cảm tình với Lân, nhưng lúc này, nhìn Lân tươi cười lăng xăng giữa mọi người với cái máy ảnh trong tay sẵn  sàng ghi lại khoảnh khắc hội ngộ, Thu thấy Lân rất dễ thương. Không khí thân thiện vui nhộn khiến lòng người chợt rộng lượng hẳn ra, Thu bỗng nhiên tự hỏi hay là từ trước tới nay mình nhận định về Lân khắt khe quá chăng?
Vui, là Huân, tên con trai rụt rè nhút nhát bảy năm trước đây chỉ dám nhìn Thu từ một khoảng cách xa, nay đối diện Thu dò hỏi dịu dàng:
-  Thu đi một mình?
Thật ngọt ngào cái cảm giác suốt bảy năm trời mình vẫn là hình bóng vương vấn trái tim người. Tiếng cụng ly lanh canh gợi nhắc từng mảnh quá khứ trong veo như thủy tinh đan xen hiện tại thơm mùi rượu từ những nụ cười cởi mở câu đùa thân ái và mùi thơm từ vai áo Huân.
Không gian dặt dìu ươm tơ... Huân dìu Thu từng bước slow nương nhẹ, chừng như bảy năm qua chỉ là một cái chớp mắt và tất cả vẫn còn nguyên vẹn đó, chưa hề qua lối rẽ nào và chưa hề vướng bận.                         
***
Sáng hôm sau, đến cơ quan, Thu còn nguyên nỗi vương vấn lâng lâng giấc mơ đẹp. Không phải mơ. Là thật  vì tin nhắn của Huân hiện rõ “Chúc Thu ngày mới tốt lành”.
Thu mỉm cười với cái điện thoại, bỗng muốn hôn nó một cái. Thật ngốc nghếch làm sao.
Nhưng mà ai ngốc? Thu ngốc? Huân ngốc? Hay là gã Lân kia đang nhìn Thu với cái cười bí hiểm? Kiểu cười khiến Thu tỉnh hẳn khỏi giấc mơ.
-  Mở máy đi – Lân nheo mắt.
Linh cảm cho Thu biết rắc rối. Cái gã Lân này... Tình cảm bộc phát trong không gian thân thiện của ngày hôm qua chợt tắt ngấm trong Thu, cái gã này thật đáng ngại, thật không thể chịu nổi.
Đúng là vậy. Inbox báo có thư mới... download... open
Màn hình hiện tấm ảnh Thu và Huân đang nhìn nhau, rất gần, trán hai người sắp chạm vào nhau...
Và dòng chữ nửa đùa nửa thật “Một chầu. Hoặc tấm ảnh này sẽ được gởi tới địa chỉ đúng của nó”.
Thu trừng mắt nhìn về phía Lân. Lân cười vẻ dọa dẫm vui thích.
Thu tức giận đến nghẹt thở. Đồ vu cáo khả ố. Gã đã cắt cúp phần chân  của tấm ảnh để không ai nhận ra đó là Thu và Huân đang bước trong điệu slow, gã đã tẩy xóa tất cả không gian có mọi người đang khiêu vũ chung quanh, cứ như là Thu và Huân đang ở chỗ không có ai.
Thu những muốn lao tới bóp nát gã và cái máy ảnh của gã thành tro bụi.
Gã đang đợi mình tức giận, gã rất hài lòng nếu mình tức giận. Giận mất khôn. Mình phải khôn hơn gã.
Inbox lại có thư mới. Cái kiểu Lân cười nhơn nhơn kia... Thu nín thở, download.
Choán hết màn hình là tấm ảnh Thu ngả đầu vào vai Huân.
Thu giật mình. Mình ngả đầu vào vai Huân lúc nào nhỉ? Chắc là tại rượu, tại điệu slow chậm quá khiến mình mỏi cổ, tại mùi nước hoa vai áo Huân, tại không khí vui vẻ ngọt ngào quá...
Lỗi tại Tuấn, chính là tại Tuấn. Tại ngày hôm qua Tuấn đi công tác. Nếu có Tuấn thì Thu đã không đi một mình, Huân đã không có cơ hội đối diện thì thầm gợi nhắc.
Tại Tuấn thôi. Đúng là tại anh. Anh với khát vọng công danh sự nghiệp lớn đến nỗi nhiều khi Thu thấy cô đơn. Thu đã báo trước cho anh biết cuộc họp lớp, Thu đã muốn có anh cùng đi để Thu khoe với bạn bè người yêu giỏi giang. Nhưng anh, công viêc là trên hết, anh đã chọn đi công tác thay vì cùng Thu đi tới cuộc họp lớp, một việc đối với anh có lẽ là hoang phí thời gian.
Để rồi bây giờ là thế này đây. Chẳng phải tại anh sao?
Lân vẫn cười nhơn nhơn. Thu đanh đá đáp trả lại bằng nụ cười giống hệt. Ai biết được Lân sẽ sử dụng tấm ảnh này theo cách gì nữa? Đừng hòng. Thu sẽ tự thú với Tuấn giây phút yếu lòng của mình. Tấm ảnh này chẳng thể làm được gì.
Nhưng dù sao thì... cái giây phút yếu lòng này cũng ... Ngón tay đặt trên phím delete, Thu nhìn lại một lần nữa, mái tóc mình trên vai Huân, một lần nữa, và một lần nữa...
***
-  Có chuyện gì vậy em? – Tuấn hỏi.
Thu khuấy mãi ly nước chanh đến sủi bọt, bối rối cực độ. Trong ý nghĩ thì việc tự thú thật dễ dàng, nhưng đến lúc này mới thấy không dễ chút nào. Nói sao đây? Nói là “hôm qua gặp mặt bạn bè lớp cũ, không có anh, em lỡ ngả đầu lên vai người khác”? Nghe thật kỳ cục, nghe như mình là kẻ chẳng ra gì.
Không biết nói sao, Thu cắn chặt môi, tự giận mình kinh khủng.
-  Để anh nói trước vậy – Tuấn nhẹ nhàng.
Thu giật mình. Anh nói trước? Có gì để mà nói trước hay sau? Hay là gã Lân khả ố kia đã nhanh tay gởi tấm ảnh cho Tuấn rồi?
Thu thấy đất trời chao đảo. Và chợt nhận ra Tuấn đối với mình quan trọng hơn tất cả. Nếu Tuấn nói điều đó là không thể tha thứ, thì...
Thì sao? Thu thấy mình muốn khóc. Oâi, Tuấn, chỉ là giây phút xao lòng thôi. Thật sự là vậy mà.
-  Sắp tới, có lẽ anh sẽ phải bận rộn hơn.
Thu lặng người cắn chặt môi đợi nghe câu tiếp theo “từ nay anh sẽ không còn thời gian cho em nữa”. Vậy là Tuấn đã có tấm ảnh đó rồi. Và anh đã quyết định rồi. Thu cắn chặt môi hơn để ngăn dòng nước mắt sắp trào ra.
-  Sếp tra hồ sơ, biết anh là dân sư phạm chuyển nghề, biết rõ anh từng dạy lớp chuyên toán.
Cái câu này chẳng dính dáng gì tới điều đang làm Thu muốn khóc cả. Thu hít một hơi dài, lắng nghe.
-  Sếp nhờ anh kèm toán cho đứa con thi đại học. Em nghĩ sao? Mất thời gian quá phải không?
Thu choáng váng. Ra là vậy!
Không được khóc. Lý do này thì càng không được phép khóc trước mặt Tuấn. Thu gượng cười kiêu hãnh. Ngày trước Tuấn dạy kèm Thu môn toán. Thầy giáo rất tận tình, rồi tình thầy trò chuyển thành tình yêu.
Bây giờ thì Tuấn muốn làm thầy của con sếp! Không có thời gian cho cuộc họp lớp cùng Thu nhưng rất sẵn lòng mất nhiều thời gian để truyền đạt kiến thức cho con của sếp từ ngày này qua ngày khác.
Đường công danh sự nghiệp xem ra thênh thang rộng mở trước mắt rồi. Gia sư của con sếp. Rồi sẽ là con rể của sếp. Đã có không ít kẻ chọn con đường tiến thân kiểu này.
Thu cười lạt lẽo. Hóa ra cũng tầm thường thế thôi. Giọng Tuấn vang bên tai Thu như một bầy ong vo ve:
-  Con của sếp đã hai lần bị rớt nên sếp không còn tin vào mấy lò luyện thi nữa. Sếp đích thân chọn người để nhờ riêng. Anh thật khó từ chối.
Thu gọn lỏn:
-  Chúc anh thành công.
***
May mà có Huân. Nếu không, Thu biết làm gì cho qua nỗi trống trải này.
Gã Lân tròn mắt nhìn Huân trước cổng chờ Thu giờ tan tầm, tròn mắt nhìn Thu lên xe Huân giữa thanh thiên bạch nhật, tựa cằm lên vai Huân, tóc bay cuốn vào gáy Huân...
-  Tụi này định nhờ Lân chụp thêm vài tấm ảnh hay hay hơn – Thu nói tỉnh bơ.
Lân đờ mặt, rồi giả lả cười:
-  Được thôi. Khi nào?
Thu không ngăn nổi một câu độc địa, trút nỗi nhớ Tuấn vào câu đốp chát đanh đá:
-  Khi nào Lân lên đời cái máy ngon hơn, chụp ở tầm xa thật xa mà vẫn rõ ràng.
***

Nỗi nhớ từng giây từng phút. Thu nhận ra không thể quên người này bằng một người khác. Từng giây từng phút Thu hình dung Tuấn đang giảng bài... Thầy giáo cúi xuống sửa bài cho học trò... như cúi xuống bên Thu ngày xưa.
Nỗi hờn ghen khiến Thu ngơ ngẩn bên Huân.
-  Thu làm sao vậy? – Huân ân cần hỏi.
Thu ngậm nước mắt. Huân trong sáng quá chân thành quá, Huân tới từ quá khứ trong trẻo của thuở học trò. Không thể, không thể tiếp tục như thế này được.
-  Xin lỗi Huân – Nước mắt Thu chảy dài – Chúng mình chỉ là bạn thôi.
***
Không tình yêu, Thu trở thành rô bốt. Rô bốt ngày ngày tới cơ quan, dửng dưng hoàn thành nhiệm vu, dửng dưng ngang qua gã Lân tiểu nhân, không cần đề phòng sơ xuất nữa. Rô bốt hết giờ làm việc đi về nhà, dửng dưng trước cái ti vi ngày nào cũng như ngày nào tuôn ra bao nhiêu điều mà chẳng cứu được ai thoát khỏi nỗi buồn, dửng dưng trước khung cửa sổ nhìn xuống lòng đường lớp lớp người trôi qua như sóng đại dương và ai rồi cũng chìm lỉm dưới đáy mênh mông.
Giọng Tuấn thở dài qua điện thoại:
-  Thu, anh không hiểu tại sao?
Thu cười, kiêu hãnh dấu nỗi buồn:
-  Anh không hiểu thì còn ai hiểu được?
-  Chúng mình cần phải nói chuyện với nhau. Đừng cố tình tránh mặt anh. Hãy cho anh gặp em, một lần thôi cũng được.
Thu ngần ngừ, vừa muốn gặp Tuấn và vừa không muốn mình trở thành kẻ bị thương hại, nhưng rồi miệng Thu bật ra:
-  Khi nào?
-  Chiều nay nữa là anh ôn xong toàn bộ chương trình toán cho cậu ấm. Tối nay chúng mình gặp nhau được không?
Hả? Thu mở to mắt nhìn cái điện thoại. Tuấn vừa nói gì? Cậu ấm? Cậu ấm! Cậu ấm...
Ô, Tuấn ơi, sao anh không nói rõ ngay từ đầu?
***
Trong suy nghĩ thì việc tự thú thật dễ dàng, nhưng đối diện mới thấy không dễ chút nào. Nói sao đây? Chẳng lẽ nói là “Em tưởng con của sếp là tiểu thư”. Tuấn sẽ giận Thu hồ đồ? Tổn thương vì Thu không tin cậy? Hay ... Tuấn sẽ kiêu vì hóa ra Thu cũng hờn ghen thường tình? Không được!
Không thể nói được thì đành im lặng thôi. Im lặng lắng nghe Tuấn nhận lỗi là lỡ nặng phần công danh sự nghiệp nên lỡ quên chu đáo với Thu, hứa từ này về sau sẽ không để Thu đi đâu một mình nữa...   

Tự biết mình có lỗi mà trớ trêu sao người phân bua lại là Tuấn, Thu bối rối khuấy mãi ly nước chanh, tiếng những viên đá va vào thành thủy tinh lanh canh lanh canh lanh canh...