Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

CHUYỆN NGÀY CUỐI NĂM truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - Tạp chí NHÀ BÁO&CUỘC SỐNG số tháng 12 năm 2022

 


Đường lên núi dốc gần như thẳng đứng, mỗi bước đi phải phối hợp nhịp nhàng giữa tay và chân; tay nắm chắc cây nhỏ hoặc dây phía trên rồi mới đu người, đặt chân lên mặt đất phía trước, kéo người lên theo. Mới đi được một đoạn, mồm mũi Duy tranh nhau thở. Y Mang đi trước dẫn đường, chợt reo to:

-Có bứa chín đây, mời mọi người lại thưởng thức nào!

-Đâu?

-Trên này nè.

Nghe Y Go trả lời, Duy mừng quá bước thêm mấy bước, thấy hai bạn đi cùng đứng bên bụi cây cao ngang đầu người; trên cành treo đầy quả to bằng ngón chân cái; có quả màu xanh, quả màu vàng và rất nhiều quả màu đỏ tươi, trông đẹp như tranh vẽ. Duy reo lên:

-Ôi, đẹp quá!

-Lại đây ăn nào.

Y Go cười, làm rạng rỡ khuôn mặt dài, trán dô, lông mày hơi xếch; khi nói to để lộ hàm răng không đều nhau màu vàng nhạt. H’Lan đến bên, đặt gùi xuống đất, lấy quả bầu khô đựng nước đưa cho Duy, bảo:

-Uống ngụm nước thấm giọng trước rồi hãy ăn quả cây cho ngon miệng.

Duy đỡ quả bầu khô, ngữa cổ làm một hơi; H’Lan thấy vậy bật cười, bảo:

-Đi rừng khi uống nước nên nhấp từng ngụm nhỏ thôi, cơn khát sẽ từ từ dịu lại; còn uống ừng ực như vậy thì nặng bụng, mồ hôi ra nhiều, chóng mệt mà không hết khát đâu.

-Sao Lớp trưởng không nói trước?

Duy trả lời bạn mà như có ý trách; H’Lan nói:

-Mình quên đây là lần đầu Duy leo núi nên không dặn.

H’Lan trả lời bạn, trong đầu nghĩ: Duy là người Kinh duy nhất mới nhập lớp được ba tháng nay, lại là con một; da trắng như cục bột, khác hẳn các bạn cùng lớp da màu chiêng đồng mới đúc. Bố là bộ đội Biên phòng, đóng quân ngoài biên giới cả tháng mới về một lần; mẹ trước làm ở bệnh viện thành phố, mới xin chuyển về bệnh viên huyện cho gần chồng. Vì dịch bệnh COVID-19, mẹ trực trong khu cách ly chống dịch, Duy ở nhà một mình, phải tự lo mọi chuyện sinh hoạt hằng ngày. Theo gợi ý của cô chủ nhiệm, Ban cán sự lớp mới nghĩ ra cách giúp bạn, chuẩn bị đón Tết đầu tiên trên quê mới có thêm hương vị Tây Nguyên nên tổ chức chuyến đi rừng này. Hôm nay đã hai tám Tết rồi, nhanh thật.

***

Cầm quả bứa to bằng ngón chân cái, đỏ như ớt chín Y Go đưa, Duy định bỏ luôn vào miệng; Y Mang kêu lên:

-Không phải ăn như thế!

-Ăn cả quả cũng ngon mà.

Duy trả lời làm cả ba bạn cười ngã nghiêng. H’Lan bứt một quả, bóc lớp vỏ màu đỏ bên ngoài để lộ những múi bên trong mọng nước giống y như quả măng cụt nhỏ, Duy ngạc nhiên kêu lên:

-Ô măng cụt rừng à?

Y Mang bật cười, giải thích:

-Duy nhìn cây bứa đây nhé: lá như lá chè dùng nấu nước uống, nhưng viền lá bứa không có răng cưa, màu xanh cũng đậm hơn vì cây chỉ sống dưới tán rừng già. Các cành cây mới mọc có đốt như cành tre màu tím; cành non, vỏ và lá cây ăn được, vị chua như chanh. Còn quả: chưa chín màu xanh thẩm, ăn chua lắm; quả mới chín tới vỏ chuyển qua màu vàng tươi, ăn đã có vị ngọt nhưng vị chua còn nhiều; những quả màu đỏ thì vị chua còn một chút để tăng thêm vị ngọt hấp dẫn của quả. Đi rừng may mắn mới gặp được một bụi có quả chín nhiều như thế này đấy. Ăn quả phải nhả hạt ra vì hạt đắng lắm.

Y Mang nói mà miệng như cười, khoe hai hàm răng trắng đều nhau như răng con gái; nói xong giơ tay vuốt ngược mái tóc xoăn tự nhiên khoe vầng trán cao. H’Lan tay bứt quả bỏ vào gùi như múa, mắt nhìn cây, miệng nói:

-Các loại quả người dân trồng trong vườn đều có nguồn gốc từ rừng này ra cả đấy. Duy ngồi xuống rễ cây nghỉ cho đỡ mỏi chân và ăn quả trong gùi ấy.

Y Mang và Y Go cũng ngồi xuống cạnh gùi, lấy quả bóc, tranh nhau đặt vào tay Duy. Duy kêu lên:

-Ơ, các bạn cũng ăn đi chứ, giành hết cho mình à?

-Bọn mình ăn nhiều rồi, Duy lần đầu được ăn mà.

H’Lan trả lời thay hai bạn rồi đặt vào tay Duy quả vừa bóc xong. Cách bóc quả của H’Lan cũng khá đặc biệt: tách nhẹ lớp vỏ từ phía cuống quả làm bốn phần bằng nhau, kéo cho vỏ tách khỏi quả và cong cong về phía dưới tạo thành một bông hoa có nhụy màu vàng nhạt như mật ong nổi bật giữa bốn cánh hoa màu đỏ tươi. Duy đưa quả lên ngang mắt ngắm rồi reo lên:

-Một bông hoa tuyệt đẹp; không, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, lần đầu tiên mình chiêm ngưỡng.

Được khen, khuôn mặt của H’Lan đỏ lên một chút, giọng nói nghe như gió ban mai chạy trên đồng cỏ:

-Con gái Êđê ai cũng làm được như thế chứ đâu phải riêng mình. Hai bạn cùng ăn với Duy cho vui, quả nhiều mà. 

Nhìn quả bạn bóc, nhìn người và nghe giọng nói, đầu Duy thoáng nghĩ: cô bạn lớp trưởng cao hơn bọn con gái cùng tuổi đến nửa cái đầu; khuôn mặt trái xoan, mắt bồ câu, hàm răng trắng đều nhau như được đúc từ một khuôn làm tăng thêm vẻ đẹp của đôi môi lúc nào cũng đỏ như đánh son, nói nghe như hát. Mái tóc quăn tự nhiên hình như cố tình buông xuống che cho vừng trán cao mà bọn con trai trong lớp thường chế giễu: “H’Lan hói”; đã nói điều gì thì thực hiện bằng được. Thông minh, có chút dí dỏm ra giáng thủ lĩnh lắm.

Thấy Duy nhìn mình, quên cả ăn, H’Lan bóc thêm quả nửa đặt vào tay bạn, bảo:

-Duy ăn đi. Quả rừng Tây Nguyên có mùi vị riêng mà không nơi nào có được. Chỉ khi nào ngồi trong rừng già, dưới tán cây đại thụ, ta mới cảm nhận được hết hương vị đặc biệt của quả cây rừng.

-H’Lan nói hay như cô giáo ấy. Cả ba bạn leo núi cao cả một đoạn dài như thế mà không ai thấy mệt à?

H’Lan bật cười thành tiếng, không giấu được ngạc nhiên trước câu hỏi của Duy, trả lời:

-Từ trong bụng amí(1) bọn mình đã quen leo núi rồi. Lên bảy tuổi thì núi rừng là bạn thân, là tủ đựng thức ăn và đồ chơi cho chúng mình khám phá; lớn chút nữa có thêm cái gùi be bé trên lưng khi vào rừng để đựng những thứ mà “mẹ” rừng cho. Leo núi cũng giống như Duy đi dạo hàng ngày trên hè phố thôi mà.

Duy nghe bạn trả lời xong, reo lên:

-Hay!

-Trẻ con vùng này ai cũng vậy thôi: yêu rừng, gắn bó với rừng. Ta nghỉ một chút rồi tản ra đi hái nấm; sau đó tìm cây mai nào có cành đẹp chặt một cành cho Duy mang về trưng Tết. Được chưa?

H’Lan nói dự định của mình, hai bạn đi cùng gật đầu tán thành.

***

Trời ngã qua chiều, cả nhóm quay về đến bụi cây bứa buổi sáng ăn quả ngồi nghỉ. H’Lan bảo:

-Hôm nay may, chúng mình hái được gần đầy gùi mộc nhĩ mà còn chặt được cành mai đẹp.

H… ùm!

H’Lan vừa dứt lời, bất ngờ tiếng hổ gầm nghe rất gần. Duy sợ quá, ngồi phịch xuống đất, người run như lên cơn sốt. Ba bạn đứng bên cạnh vội cầm xà gạc giơ lên cao như chuẩn bị chém, mắt chăm chăm nhìn về phía con đường mòn phía sau các gốc cây. Một lúc sau Y Go lên tiếng:

-Tại sao hôm nay có hổ ra đây săn mồi buổi chiều nhỉ?

-Chuyện này lạ đây.

Y Mang cũng không giấu được ngạc nhiên nói với bạn như nói với chính mình. H’Lan bước lại bên cạnh Duy, ngồi xuống, nói:

-Chuyện của lũ thú rừng kệ chúng, không việc gì phải sợ.

Duy run run nói:

-Hổ đói mới đi kiếm ăn ban ngày, giờ nó chặn đường về rồi ta làm sao đây?

-Chắc nó chỉ đuổi mồi chạy qua thôi, không dám bắt người đâu.

Y Mang trả lời, Y Go quả quyết:

-Ta có xà gạc, nó phải sợ ta chứ.

-Hổ đang đói mà gặp lũ chúng mình thì làm sao chống lại, phải nghĩ cách khác thôi.

Duy vẫn ngồi bệt dưới đất góp chuyện. H’Lan vơ lá khô, bật lửa đốt rồi kiếm thêm cành cây khô xung quanh bỏ lên trên. Trời nắng, củi khô lại gặp gió nên ngọn lửa bốc cao. Duy ngạc nhiên hỏi:

-Tại sao bạn đốt lửa. Ô có mùi gì hôi thế?

-Đốt lửa để xua hổ đấy.

Y Mang trả lời, bước lại gần đống lửa mà mắt vẫn căng ra, nhìn xuôi phía dưới rồi nói thêm:

-Đốt lửa chỉ là cách tạm thời thôi, ta không thể ở đây mãi được. Con hổ núp phía dưới nên hơi thối mới theo gió bay lên đây; hay chúng ta đi tránh đường khác?

Nghe Y Mang nói vậy, Y Go không đồng ý:

-Đi đường nào mà tránh khi không biết nó chặn ở đâu?

-Y Go nói cũng có lý đấy.

 H’Lan trả lời, mắt nhìn ra xung quanh không dấu được vẻ lo lắng. Duy run run hỏi:

-Các bạn đi rừng nhiều, có lần nào gặp hổ chặn đường thế này chưa?

Y Mang trả lời:

-Chưa.

Nghe bạn trả lời, Duy rụt rè nói:

-Chỗ kia có bụi nứa, nếu ta chặt làm đuốc, mỗi người cầm một bó đốt lên thì hổ không dám vồ ta đâu.

-Hay, dân đường nhựa lần đầu đi rừng mà nghĩ được cách đuổi hổ giỏi quá.

Y Go reo lên, H’Lan cũng góp lời:

-Làm sao bạn nghĩ được ý hay thế?

-Của H’Lan đấy!

-Của mình?

H’Lan ngạc nhiên hỏi lại, Duy nhìn bạn trả lời:

-Bạn đốt lửa để hổ không dám đến gần làm mình chợt nghĩ ra chuyện hổ sợ lửa nên ta có thể vác lửa đi đuổi hổ, giành đường về nhà.

Y Mang vui vẻ bảo:

-Hai bạn đều thông minh, trong khó khăn đã nghĩ ngay ra cách giải quyết đơn giản. H’Lan ngồi đây với Duy để mình với Y Go đi chặt nứa khô làm đuốc nhé.

-Đồng ý!

H’Lan trả lời rồi quay lại nhìn Duy, nói:

-Duy uống nước nhé.

Đưa quả bầu đựng nước cho bạn, H’Lan thầm nghĩ: cùng học lớp chín với nhau, lần đầu vào rừng gặp hổ sợ bước không nổi mà cái đầu còn nghĩ ra được điều hay; đúng là người có bản lĩnh.

Uống nước xong, Duy đứng dậy nói:

-Mình thấy đỡ sợ hơn rồi.

Y Mang và Y Go, mỗi người cầm hai bó đuốc to như bắp chân, dài hơn sải tay quay lại, H’Lan bảo:

-Bây giờ ta đốt hai bó, Y Mang đi đầu cầm một bó, mình đi sau cầm một bó; còn hai bó chưa đốt Y Go vác dùm, khi nào cháy hết ta châm tiếp.

Y Go kêu lên:

-Không được đâu!

-Tại sao?

H’Lan ngạc nhiên hỏi lại, Y Go nói:

-Duy và H’Lan đi giữa, mình đi sau cùng cầm đuốc mới phải đàn ông chứ.

H’Lan bật cười, nói:

-Đồng ý.

 

Hòa khánh, mùa khô năm 2022


Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

BÀI HỌC CHO SỰ CẢ TIN truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - Tạp chí LANG BIANG số 228 tháng 9 năm 2022

 


Trời nóng như đổ lửa cả tháng rồi, vậy mà một vạt cải xanh đúng năm chục cây được trồng bên cạnh vòi nước vẫn khoe một màu xanh mượt mà. Cải lên ba, rồi lên năm lá xòe bóng che luôn cho khoảng đất trống dưới chân mình. Lá cải dài bằng bàn tay người, phía ngoài cùng xoăn lại như… chiếc mào gà và chuyển dần qua màu tím - có lẽ vì thế mà con người đặt tên cây là cải Mào Gà chăng?

Buổi trưa, bầu trời trong xanh không một gợn mây; bỗng đâu từ phía bắc một đàn bướm vàng chao lượn trong không gian như một đám mây ùa đến. Đàn bướm bay qua đám rau, con bay đầu ngạc nhiên reo lên:

-Ô, rau cải kìa!

-Cải đẹp quá!

-Giữa những ngôi nhà cao tầng mà có vạt cải thế này không khác gì bông hoa đẹp nở trên bãi cát, thật kỳ lạ!

Được khen, đám rau cải thích lắm nên các lá hình như cũng xanh thêm lên một tí. Cây Cải đứng đầu hàng ngoài cùng, lớn hơn tất cả các cây khác trong vườn một chút, cười rung cả mấy chiếc lá dài, trả lời:

-Chào các bạn, chắc các bạn ở rất xa đến phải không?

-Đúng rồi, chúng mình từ rất xa đến đây đấy.

Một cô Bướm vàng nhẹ nhàng đậu lên chiếc lá cải, trả lời. Những con Bướm khác cũng vội vã đáp xuống, cả vạt rau trở thành một màu vàng ươm. Các tàu lá cải phải cố gượng, giơ tay đỡ đàn bướm đông đúc, chen nhau đậu phía trên. Lũ Bướm kể cho Cải nghe nhiều chuyện lạ như: ngoài xa kia có con sông rộng lớn, rất nhiều nước luôn chảy từ phía mặt trời mọc qua phía mặt trời lặn. Trên bờ sông, lũ bò bốn chân, da màu vàng như bị hun khói, thi nhau gặm cỏ…

-Ô, lạ nhỉ. Lũ bò có bốn chân thế chúng có mấy cánh?

Một cây Cải ngạc nhiên thốt lên làm lũ bướm cười nghiêng ngã, một con trả lời:

-Bò, trên đầu có hai sừng như, như… sừng bướm đây này; nhưng chúng không có cái cánh nào cả.

-Có cánh, bay cao, bay xa biết nhiều chuyện như loài bướm sướng thật; còn họ hàng nhà rau cải chúng tôi ở một chỗ thế này buồn lắm!

*

-Rồng, rồng đến kìa, chạy mau đi!

Con Bướm đậu ngoài cùng, thảnh thốt kêu lên; cả đàn bướm hốt hoảng tung cánh bay đi. Nhiều con vội quá va cả vào nhau như nhìn thấy một thứ gì đó kinh khủng lắm. Phía góc tường bên phải, một con thằn lằn chỉ to hơn ngón tay cái một chút; bộ vảy trên người như vảy cá, nhưng nhỏ hơn, sáng óng ánh dưới nắng mặt trời, từ từ bò đến bên luống cải. Cây Cải mọc ngoài cùng tức giận, nói:

-Xấu xí như thế bò đến đây làm bạn của người ta bay hết.

-Bướm là bạn của rau Cải à?

Con thằn lằn ngạc nhiên kêu lên, cười rung cả chiếc đuôi dài. Cây Cải bực mình trả lời:

-Những người bạn tốt đi từ xa ngàn dặm tới chơi, đang kể bao nhiêu chuyện hay thì kẻ xấu xí nhà người xuất hiện nên họ bỏ đi cả rồi.

-Cải nhầm rồi, những con bướm bề ngoài xinh đẹp là thế nhưng những đứa con của nó thì khủng khiếp lắm: mình chúng đầy lông lá, có hai cái răng rất khỏe và ăn thì… không còn cây cải nào sống sót được đâu.

-Ô, thật vậy ư?

-Thật đấy.

-Đừng có mà bịa chuyện nói xấu người khác nhé.

Cả đám Cải ào lên phản đối. Thằn Lằn bực mình, uốn cái đuôi dài cong cong như đuôi rắn, khẽ ngoe nguẫy rồi bỏ đi.

*

Mấy hôm sau, những tàu lá xanh của cây cải đứng đầu hàng biến mất, chỉ còn trơ lại những chiếc gân lá. Thằn lằn đi qua thấy vậy cất tiếng hỏi:

-Lũ sâu bướm gây ra phải không?

-Đúng vậy!

Cây Cải đầu hàng run run trả lời, Thằn Lằn ngạc nhiên, nói:

-Lạ nhỉ, hôm trước mình đã cảnh báo rồi, có nhìn thấy quả trứng Bướm nào đâu.

-Tại tôi – cây Cải rên rỉ trả lời: Tôi không tin Rồng nên dấu một chùm trứng bướm dưới tán lá, không ngờ trứng nở ra lũ sâu nhỏ bé và kết quả là thế này đây...

-Trời ạ. Sống phải có tình thương yêu với mọi vật xung quanh; nhưng tình thương yêu đó phải đặt đúng lúc, đúng chỗ… Thấy có kẻ xấu như bọn ăn trộm phải lên tiếng cảnh báo để mọi người cùng ngăn chặn. Không thể giúp những tên cướp đang bị truy đuổi lẫn trốn vì… thương chúng, hậu quả không thể lường hết.

Vừa khuyên giải cây Cải, con Thằn Lằn – giờ được vườn cải gọi tên mới đầy kính trọng: Rồng; dùng chiếc lưỡi dài của mình tóm từng con sâu mập ú đang núp dưới cọng lá đưa vào miệng nhốt chúng vào bụng. Những cây cải đứng bên cạnh, xuýt xoa:

-Bài học sâu sắc cho sự cả tin!

 

Mùa khô năm 2022


Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

HOA PHONG LAN VÀ BỌ NGỰA truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ NHÀ BÁO & CÔNG LUẬN SỐ THÁNG 9 NĂM 2022

 


Mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi phía đông cao hơn gang tay, cây phong lan thức dậy, giật mình phát hiện ra một vị khách lạ. Hắn ta không biết ở đâu đến; mặt hình tam giác lộn ngược, trên đỉnh đầu có hai cái râu dài, đôi mắt lồi ra ngoài gần như hình tròn, thân chỉ lớn hơn que tăm một chút. Hắn có sáu chân, bước chậm rãi bằng bốn chân dài ngoằng phía sau; hai chân trước to khủng khiếp – gấp hơn chục lần chân sau, đầy gai nhọn như răng, cưa gập lại, giơ cao, nhìn thật ghê rợn.

Cây Phong Lan cất tiếng hỏi:

-Chào bạn, bạn là ai, ở đâu đến thế?

-Ta là Vệ sĩ Bọ Ngựa, từ cành bên cnh qua đây.

-Hôm nay nắng đẹp Vệ sĩ đi chơi à?

-Không, công việc chính của vệ sĩ là đi bảo vệ.

-Vệ sĩ đi bảo vệ ai mà tới đây?

-Bảo vệ Phong Lan đấy.

Nghe thấy thế, Phong Lan bật cười rung cả lá, một lúc sau mới trả lời được:

-Ta đây rễ bám chặt vào cây, lấy gió, mưa làm bạn; sức sống nhờ những giọt sương đêm và khí trời, thế thì làm gì có kẻ thù mà cần bảo vệ.

Giơ chân trước lên vuốt hai cái râu trên đỉnh đầu xong, Bọ Ngựa trả lời:

-Phong Lan nhầm rồi, xung quanh ta có vô số kẻ thù, nếu không đề phòng thì hối không kịp.

Nói xong, Bọ Ngựa từ từ bước lại bên chiếc lá hình như mới bị mất vài miếng tí tẹo ngoài cùng thì dừng lại. Bộ áo màu xanh da trời của Bọ Ngựa chuyển qua màu xanh sẫm. Hai chân trước xếp lại như người ta chắp tay chuẩn bị vái, cái đít cong ngược lên. Vút, hai chân trước bung ra, một con ấu trùng bướm đêm trên nách lá đã bị tóm gọn. Bọ Ngựa nói:

-Thấy chưa, không bắt nó sẽ ăn hết lá cây đấy.

Phong Lan, trố mắt ngạc nhiên trước tài săn bắt của Bọ Ngựa; miệng xuýt xoa:

-Cảm ơn, cảm ơn nhiều lắm!

Bọ Ngựa leo lên bông hoa Phong Lan vừa nở và điều bất ngờ đã xảy ra: toàn thân Bọ Ngựa trở thành màu hồng phấn y chang màu cánh hoa nó đang đứng. Phong Lan thốt lên đầy vẻ thán phục:

-Tài thật, tài thật, tự biến màu như một ảo thuật gia.

-Đây là biện pháp ngụy trang để kẻ thù không thấy mình.

Vừa lúc đó một mụ ruồi xanh, mắt lồi, vù vù bay đến. Mụ không một lời chào hỏi, nhe hai chiếc răng sắc lẻm lao vào nhụy hoa. Vút, nhanh như tia chớp, hai chân trước Bọ Ngựa vung lên, mụ Ruồi bị chém vỡ đầu nằm lăn quay, hết thở.

Dùng xong bữa sáng, Bọ Ngựa làm vệ sinh hai chân trước hết sức cẩn thận, không để lại một chút vết dơ nào; Phong Lan thấy vậy ngạc nhiên lắm, liền hỏi:

-Tại sao V Sĩ phải vệ sinh cẩn thận hai chân trước sau khi ăn kỹ như vậy?

-Đây không chỉ là chân mà còn là vũ khí sắc bén để tiêu diệt kẻ thù.

Phong Lan trầm trồ:

-Hay thật!

Bọ Ngựa không nói gì, tiếp tục trở lại vị trí quen thuộc của mình, đứng ngay trên cánh hoa.

-Chích, chích, chích...

Tiếng một chú chim sâu vọng đến. Bọ Ngựa vội vã lũi nhanh khỏi bông hoa, núp vào sau lá Phong Lan, toàn thân chuyển qua màu xanh. Chim Sâu to bằng ngón chân cái, lông màu vàng nhạt, quanh cổ có những chiếc lông màu vàng đậm như đeo vòng; đậu lên lá cây có Bọ Ngựa nấp phía sau, nghiêng ngó một lúc rồi bay đi, miệng vui vẻ reo lên:

-Chích, chích, chích, không có gì, không có gì!

Phong Lan bật cười, hỏi:

-V Sĩ mà cũng sợ chim à?

-Lão chim Sâu có sức mạnh vô địch, ta không chống lại hắn được nên tránh mặt. Người xưa dạy: “tránh voi chẳng xấu mặt nào”; biết người biết ta mới tồn tại được.

-Có lý lắm!

Bọ Ngựa không nói gì, lại bước lên đứng sát vào nhụy hoa, hai chân trước xếp lại, mắt quay nhìn bốn phía xung quanh. Ào, tiếng động không lớn lắm ập đến; liền ngay sau tiếng động, một con chim màu đen, to bằng quả trứng gà, mỏ khoằm như chữ C in đã đứng ngay bên cạnh bông hoa. Bọ Ngựa không có thời gian chạy trốn, toàn thân chuyển qua màu hồng phấn có những chấm đen nho nhỏ trên thân, giống y như nhụy hoa. Con chim đen ghé sát mắt vào thân Bọ Ngựa, nhìn một lúc rồi vỗ cánh bay đi.  Phong Lan hình như cũng nín thở, chờ chim bay đi xa mới run run nói:

-May cho Bọ Ngựa quá!

Bọ Ngựa đưa hai chân trước lên vuốt râu rồi nói:

-Không phải may đâu, tại ta biết cách hóa trang để đánh lừa kẻ thù, bảo vệ mình; có thế mới gọi là bản lĩnh V Sĩ chứ!

Nói xong, Bọ Ngựa xòe cánh đi. Phong Lan lại được dịp trầm trồ:

-Không ngờ phía dưới đôi cánh cứng màu xanh, Bọ Ngựa còn có đôi cánh mỏng màu hồng đẹp đến thế!


Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

TRUYỀN THUYẾT NÀNG H'LEO truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC số 3+4 năm 2022

 


M’tao(1) H’Leo cai quản cả vùng đất rộng lớn phía bắc cao nguyên Đắk Lắk, đất đai màu mỡ lại được Yang(2) ban ơn mưa thuận gió hòa, cuộc sống mọi người no đủ. Mùa mưa, lũ đàn bà con gái kéo nhau đi gieo trồng, thu hoạch lương thực chất ngay trên kho dựng ngoài rẫy, khi nào cần lên gùi về ăn, không ai lấy nhầm của ai bao giờ. Cánh đàn ông mùa khô dọn cây, đốt cỏ chuẩn bị đất chờ mưa xuống cho phụ nữ gieo trồng; thời gian rảnh rỗi kéo nhau vào rừng săn bắt thú về ăn và uống rượu. Cá ở sông suối nhiều lắm, ai muốn ăn bao nhiêu, ăn loại cá gì mang rổ ra bắt về ăn… Cuộc sống thanh bình cứ vậy trôi qua, người dân các buôn sống với nhau hòa thuận như anh em một nhà.

M’tao H’Leo sống tròn năm chục mùa rẫy, người lực lưỡng, tóc xoăn, mặt vuông chữ điền, có đôi mắt sáng luôn nhìn thẳng vào người đối diện. Có lẽ nhờ đẹp trai nên được amí H’Leo bắt về làm chồng và nối nghiệp luôn chức M’tao của ama(3) vợ truyền lại. Gần ba chục năm làm M’tao, ama H’Leo dẫn dắt người dân trong vùng chiến thắng tất cả các cuộc xâm lược của các thế lực xung quanh, đảm bảo sự bình yên cho mọi gia đình. Nhà nào lúa, bắp cũng đầy kho; trâu, bò, heo, gà… đầy gầm sàn; người buôn xa buôn gần ai ai cũng kính trọng M’tao, sẵn sàng làm tất cả vì M’tao không đắn đo, cân nhắc khi được yêu cầu.

Vợ chồng M’tao H’Leo sinh được duy nhất một người con gái có khuôn mặt như mặt trăng rằm, mắt lá răm, tóc mượt mà dài chấm gót, nước da màu bánh mật; khi cất tiếng hát chim, sóc cũng phải nín thở lắng nghe. Năm con gái tròn mười sáu tuổi cũng là năm M’tao tổ chức sinh nhật lần thứ năm mươi của mình nên kết hợp mở hội bắt chồng cho con. Mười hai chàng trai con của mười hai M’tao khắp các vụng lân cận từ xứ Triệu Voi đến vùng đất Chùa Tháp xa xôi lũ lượt kéo đến thi tài, lấy vợ. Sau mười một ngày các hoàng tử thi tài bắn cung, phóng lao, đấu võ… có ba người M’tao H’Leo ưng ý nhất chưa biết chọn người nào nên hỏi ý kiến vợ. Vợ M’tao là người phúc hậu, khi nghe chồng nói vậy liền đề nghị cho hỏi ý con gái. Chiều ngày thứ mười hai, nàng H’Leo mặc bộ quần áo truyền thống đẹp nhất của người Êđê ngồi bên cạnh M’tao và amí(4), hai bên có mười hai M’tao cùng con trai của họ ngồi thưởng thức rượu cần cất đã mười năm trong ché túc, ché ba. Khi mọi người còn đang say sưa thưởng thức các bài chiêng gọi Yang, ngắm ánh mặt trời vàng rực buông xuống các mái nhà dài những ánh hào quang cuối cùng tạo nên bức tranh kỳ vĩ của đất trời.

Bỗng có tiếng gầm khủng khiếp vang lên cùng lúc một con hổ lớn như con trâu mộng bay qua đám người ngồi ngoài cùng vồ một cô gái xinh đẹp phía trong chạy biến vào rừng. Người đánh chiêng làm rơi dùi, người vít cần rượu làm gãy cần, quân lính đứng phía ngoài giáo mác rơi lúc nào không biết. Các M’tao và hoàng tử ngồi trên cao tóc tai dựng ngược cả lên, mặt người nào cũng chuyển từ màu đỏ qua màu lá chuối. Sau phút bàng hoàng, M’tao H’Leo ra lệnh cho quân lính đốt đuốc, thúc voi lần theo dấu vết của con hổ dữ.

***

Từ xưa đến nay, vùng đất này từng có rất nhiều hổ báo, nhưng chúng chỉ lang thang trong rừng sâu, ít có con dám bén mảng đến bắt trâu, bò, heo, gà… của người trong buôn. Hễ con nào xâm phạm liền bị trai tráng đuổi theo, truy bắt bằng được; vì thế hàng chục năm mới có một con đến sinh chuyện, vậy mà… Con hổ xuất hiện hôm nay quá lạ, nó lớn gấp ba lần những con hổ to nhất từng thấy ở xứ này và lạ hơn dám xông vào nơi đang tổ chức lễ hội để bắt người. Nó ở đâu đến mà hung dữ như thế?

Sau một đêm, hơn trăm thớt voi, hàng ngàn trai tráng dàn hàng ngang từ bờ sông lớn đến chân núi cao truy lùng, mãi khi bình minh lên mọi người mới tìm được xác thiếu nữ xấu số đưa về an táng. Chiều đến, lại nghe tiếng hổ gầm bên bờ sông, bọn phụ nữ hớt hải chạy về, có người quên cả mặc váy, ú ớ chỉ về bến nước; con hổ xuất hiện bắt đi một thiếu nữ đang tắm. Đội quân đông đảo của các M’tao rầm rập lao vào rừng, tạo thành một vòng tròn lớn vây cả cánh rừng, quyết giết cho được con thú dữ. Nửa đêm, vòng vây khép dần lại, ánh đuốc rực sáng soi rõ từng gốc cây, mỏm đá, giáo mác lăm lăm trong tay sẵn sàng đâm chết ác thú. Đám cây lúp xúp rộng chừng hai chục gian nhà, cao hơn đầu người một chút, có dấu vết ác thú đi vào, chưa có dấu ra; chắc nó đang nằm trong ấy. Trong khi mọi người đinh ninh sẽ bắt được ác thú thì… nó gầm lên một tiếng làm chim chóc đang ngủ giật mình bay táo tác, bầy voi hung hăng là vậy cũng hoảng hốt tháo lui, con hổ vươn mình như bay qua đầu ba hàng quân lính cầm đuốc sáng rực, thoát ra ngoài.

Sáng hôm sau, M’tao H’Leo ra lệnh đánh trống lớn, tiếng trống rền vang như tiếng sấm, vọng đến tận các đỉnh núi cao, len qua các hẻm núi sâu đến tận các buôn làng xa xôi… hiệu lệnh chiến tranh. Trai tráng trong vùng, người thúc voi, người cỡi ngựa, người chạy bộ trên mình mang cung tên, gươm giáo… rầm rập tiến về nhà M’tao. Trước mười hai M’tao và hơn chục ngàn quân lính, M’tao H’Leo chặt đầu gà cúng tế Yang rồi tuyên bố: Ai bắt hoặc giết chết ác thú sẽ được H’Leo bắt làm chồng. Cả rừng người hò hét hưởng ứng, chia nhau vào rừng.

Lạ thay, ngày nào các hoàng tử cũng gặp ác thú, nhưng thay vì giết được nó thì ngược lại quân lính của họ người bị chết, người bị thương lên đến cả chục. Sau một tuần, các M’tao lần lượt dẫn con đến chào M’tao H’Leo xin về, chấp nhận thua cuộc. Trong khi ấy ngày nào ác thú cũng ra bến nước rình bắt những cô gái xinh đẹp, chưa chồng ăn thịt. Buôn của M’tao H’Leo con gái không dám bước xuống chân cầu thang, trẻ con không dám khóc, cánh đàn ông hậm hực lùng sục nát rừng vẫn không sao hạ được ác thú.

***

M’tao H’Leo cho mời các thầy cúng trong vùng về cầu xin Yang giúp đỡ. Sau ba ngày đêm cầu khấn, vị thầy cúng mù sống ẩn cư lâu năm trong dãy núi Chư Yang Sin(5) phán:

- Khi còn là thanh niên M’tao H’Leo đã phạm luật khi đi săn voi nên bây giờ Yang phạt.

- Đây là hậu quả của việc ta làm từ thời còn thanh niên sao?

- Thưa M’tao, đúng vậy!

- Yang ơi!

M’tao đau đớn kêu lên và nhớ lại…

          Năm ấy chàng thanh niên trai tráng, khỏe mạnh mới mười tám mùa rẫy nhưng nổi tiếng khắp vùng về tài săn bắt voi. Cách săn bắt voi ngày ấy khác xa cách săn bắt voi sau này. Thời ấy cứ vào cuối tháng hai, đầu tháng ba hàng năm những người đàn ông khỏe mạnh, dũng cảm rủ nhau đi săn voi. Họ nhờ thầy cúng đi cùng đến vùng đất có bầy voi mới đi qua, làm lễ cầu xin Yang, nếu Yang đồng ý – theo phán quyết của thầy bói mọi người bắt tay vào việc. Công việc nặng nhọc nhất phải đào một cái hố sâu hai sải tay, rộng hai sải và dài bốn sải tay người lớn. Đất đào lên khiêng đi đổ cách xa ít nhất một trăm sải tay để voi không biết. Đào xong lấy cây tre lát ngang qua miệng hố rồi phủ lá cây lên trên. Khi làm xong hố, đoàn người lần theo dấu voi ăn, vượt lên trước chặn đầu, dùng chiêng, tù và, hò hét để bầy voi hoảng sợ chạy lại theo đường cũ. Một số người được phân công đứng sẵn trên các chạc cây dọc hai bên đường dự đoán voi sẽ chạy đến, khi chúng vừa chạy qua họ lại khua chiêng thổi tù và, dồn bầy voi phải chạy theo hướng đặt bẫy. Vì bị xua đuổi liên tục, bầy voi cố sức chạy và con nào không may lao vào đúng hố đào sẵn sẽ không cựa quậy gì được nữa. Lúc này đám thợ săn tổ chức đào một con hào nhằm vào phía chân trước con voi bị sập bẫy. Khi hào đào đến sát chân voi, một chàng trai nhanh nhẹn nhất được cử xuống, dùng dây chão làm bằng da trâu đực hong khô, lựa chiều ném vào chân trái của voi cột lại. Trong luật tục đi săn voi của người Êđê, cấm người đi săn ném dây cột chân phải của voi vì bàn chân phải của voi đã có lần dẫm chết một người đi săn khi ném vòng bắt nó. Nếu người thợ săn nào ném nhầm dây buộc vào chân phải sẽ tự mình xuống cởi trói, thả cho voi đi và chịu phạt.

Hôm ấy con voi đực, ngà mới dài hơn một gang tay, chắc chỉ khoảng chục tuổi rơi xuống hố; nó gào thét, lấy vòi đập lên mặt đất làm bụi bay mù mịt. Y Khoa – M’tao H’Leo bây giờ được mọi người tin cậy giao cho việc xuống hào ném dây cột chân voi. Nếu cột được chân voi xem như cuộc đi săn đã thắng lợi, con voi chắc chắn sẽ được thuần hóa thành công. Trong con hào chật hẹp, cuộn dây chão lớn gây nhiều khó khăn cho người thợ săn. Lần đầu ném trượt, lần thứ hai vẫn trượt, lần thứ ba vẫn như lần thứ nhất… Y Khoa thoáng ngạc nhiên tự trách mình sao hôm nay kém thế. Chín con voi mình đã từng ném dây và mỗi con chỉ cần một lần ném đã khuất phục được nó, còn hôm nay con thứ mười - sẽ là một nốt thắt chẵn chục trên chiếc dây thắt nốt(6) ghi lại chiến công của mình lại khó khăn đến thế. Y Khoa căng mắt nhìn, đợi khi voi đứng hai chân trước xuống, mới tung vòng dây quyết định… Oái ăm thay, tay vừa buông dây, con voi như có mắt ở bụng, nó co chân trái lên, chiếc dây chão quấn ngay vào chân phải con voi. Sau phút hoảng hốt, Y Khoa trấn tĩnh và quyết định vẫn giữ nguyên chiếc chão buộc chân phải, ráng sức giật mạnh, con voi giật mình co chân bị trói lên để thoát dây, chân trái đứng im. Chỉ đợi vậy Y Khoa tung đầu dây còn lại thắt chân trái con voi, giữ chặt lại mới gỡ vòng buộc chân phải con voi. Xong việc Y Khoa còn tự khen mình thông minh, xử lý nhanh tình huống khó khăn mà không ai biết được ngoài đất, trời và chính con voi bị bắt.

Thời gian trôi qua, ba mươi năm có lẻ vậy mà hôm nay Yang mới nhắc lại để trừng phạt mình; M’Tao hỏi thầy cúng:

- Làm thế nào bây giờ?

- Chỉ có một cách duy nhất để chuộc tội với Yang thôi ạ!

- Cách gì?

- Đó là, đó… là!

- Là gì?

- Xin M’tao thứ tội.

- Ta cho phép.

- Đưa H’Leo ra sông làm vật tế Yang.

- Yang ơi!

M’tao hét lên, đứng bật dậy làm thầy cúng cũng hoảng hốt sụp xuống lạy như tế sao. Amí H’Leo nấc lên một tiếng lăn ra đất bất tỉnh. H’Leo nghẹn ngào lay amí tỉnh lại rồi nói:

- Nếu Yang đã muốn vậy con sẽ tự nguyện ra đi để cứu mọi người.

- Không được, không thể làm như thế!

M’tao gầm lên, nhưng H’Leo bước đến bên M’tao cúi đầu thưa:

- Yang đã muốn vậy ta phải chấp nhận thôi M’tao ạ. Con sẵn lòng đi nhưng xin M’tao làm cho con một việc.

- Con nói đi!

- Cho con xin ba ngọn giáo thật sắc có cán cao bằng mặt nước sông mang ra cắm ngay nơi con đứng tắm, thế thôi ạ.

M’tao ôm lấy con nước mắt chảy thành dòng trên gò má.

***

Mặt trời đỏ rực như hòn máu từ từ chui xuống nấp sau dãy núi xa xa phía tây. Thầy cúng khua chiêng trống, nhảy múa như điên dại cầu khấn Yang và các thần linh. Hàng vạn con người cùng nức nở nhìn ngắm H’Leo – người con gái của M’tao đẹp như hoa pơ lang buổi sáng, thanh thản nhìn mọi người, nhìn đất trời lần cuối rồi cúi đầu chào M’tao, chào amí trước khi trút bỏ áo, bước xuống dòng sông đang cuộn sóng gầm thét. H’Leo từ từ đi ra xa bờ, tới vùng nước có sóng vờn lên vai như bàn tay amí tắm rửa ngày nhỏ mới dừng lại, quay mặt nhìn về phía M’tao rồi cất tiếng hát. Làn điệu ei rei(7) bay vút lên trời xanh làm tiếng chiêng trống ngừng khua, thầy cúng ngừng nhảy chỉ còn lại tiếng ca ngân dài bay trên mặt sông rộng, lan tỏa qua các khu rừng. Đám người đông đúc trên bờ bỗng như bị phép lạ cùng lúc ngồi bệt xuống mặt đất, mắt nhìn như bị thôi miên về phía H’Leo.

- H… ừ… m!

Tiếng gầm của ác thú nổi lên như tiếng sấm làm mọi người bật dậy, chồm tới vừa kịp chứng kiến cảnh hãi hùng: con hổ to lớn không biết từ đâu lao vọt ra như tên bắn, nhằm H’Leo bổ xuống. Một cột nước khổng lồ văng lên tận ngọn cây cổ thụ đứng bên sông, những hạt nước văng tung tóe khắp một vùng rộng lớn như có mưa rào. Khi những hạt nước ngừng rơi, mọi người sửng sốt nhìn chỗ H’Leo vừa đứng lúc nãy chỉ thấy con hổ dữ đang giãy giụa, máu nhuộm đỏ cả dòng sông. M’tao cùng quân lính của mình cũng nhảy xuống sông reo hò, kéo xác hổ vào bờ thấy trên ngực nó có ngọn giáo nhọn đâm trúng tim.

Mọi người hớt hải quay lại sông đi tìm H’Leo, nhưng dòng sông vẫn ầm ầm lao về phái tây, mặt sông đỏ lòm những máu lúc nãy giờ đã tan dần, trả lại một màu xanh lấp lánh ánh vàng dưới ánh sáng của cả hàng vạn ngọn đuốc đốt lên. Người ta xuôi theo sông, đến soi từng gốc cây kẽ đá hai bên bờ sông cả tháng trời nhưng vẫn không tìm thấy xác của H’Leo đâu cả. Có người bảo chắc dòng sông đã đưa người con gái hiền hậu, xinh đẹp đến một vùng đất rất xa để làm hoàng hậu một vương triều mới. Nhưng cũng có người thực tế hơn họ bảo nàng đã trở về với đất mẹ thân yêu. Còn lũ thầy cúng thì quả quyết: Cô ấy đã bay về cõi vĩnh hằng với Yang rồi!

Người dân trong vùng thương tiếc H’Leo quá mới cầu xin M’tao cho được gọi tên con sông nơi H’Leo mất tích là Ea(8) H’Leo. Tên gọi còn truyền đến tận bây giờ.

 

Chú thích tiếng Ê đê:

1. M’tao: tù trưởng;

2. Yang: thần linh;

3. Ama: ba;

4. A mí: má;

5. Chư Yang Sin: núi Thần Cọp – ngọn núi cao nhất tỉnh Đắk Lắk;

6. Dây thắt nốt - người thợ săn voi Êđê có tục lệ: khi săn bắt được một con voi thì dùng dây thắt một nút rồi treo lên vách, mọi người nhìn số nút thắt biết người đó đã săn được bao nhiêu con voi.

7. Ei rei: là điệu dân ca của người Ê đê;

8. Ea: suối – tiếng Êđê.


Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

QUÀ CỦA YANG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC số 3+4 năm 2022

 


Đ… o… à… n… g!

Một tia sáng lóe lên rạch ngang bầu trời đầy sao đêm ba mươi, liền ngay sau đó là tiếng nổ rền vang ập xuống các nóc nhà dài buôn Trưng. Trẻ con giật mình khóc thét, người lớn choàng dậy chất thêm củi vào bếp, ngó ra đầu sàn không giấu được nỗi ngơ ngác, sợ hãi. Già làng(1) đã sống hơn tám chục mùa rẫy(2) chưa bao giờ nghe tiếng sét khủng khiếp đến thế cũng lật đật ngồi dậy; cơn ho ở đâu kéo đến làm ông nấc lên. H’Lim, con gái út từ gian trong bước vội ra khoác cho ama(3) tấm chăn qua vai rồi dìu lại bên bếp lửa gian giữa nhà, chất thêm củi, hơi ấm lan tỏa ra xung quanh. Già trẻ, lớn bé trong ngôi nhà dài thức dậy ra vây quanh bếp lửa, nhìn nhau như muốn hỏi: vì sao Yang(4) lại tức giận đến thế?

 Đêm dài cũng qua đi, ông mặt trời lười biếng từ từ nhô lên trên đỉnh núi phía đông, ban phát những tia nắng vàng lên khắp cánh đồng cỏ mênh mông của thảo nguyên trước buôn. Có tia sáng xuyên qua những đám mây trắng đang vương vấn quấn quanh triền núi cao sau buôn xuống bờ suối, tạo nên nhiều màu sắc lung linh như ánh cầu vồng. Đám trẻ ùa ra đầu cầu thang, tranh nhau nhìn lên núi rồi khua chân múa tay, cố diễn tả vẻ đẹp mà chúng cảm nhận được.

Y Khuôn mặt vuông chữ điền, trên mình có độc chiếc khố, để lộ thân hình vạm vỡ, nước da như màu chiêng mới đúc, tóc xoăn tít; hốt hoảng chạy từ bến nước về buôn, miệng la ầm lên:

-Yang đến rồi, Yang đến bến nước buôn ta rồi Già làng ơi!

Y Khuôn chạy đến bên nhà Già làng, tay vịn vào chân cầu thang, miệng, mũi tranh nhau thở. Già làng bước ra đầu sàn, hỏi:

-Mày sống hơn hai mươi mùa rẫy rồi đấy, sao còn nói nhảm thế; làm sao có thể thấy Yang được?

- Già làng ra bến nước mà xem. Không phải Yang thì là gì…!

Già làng lại ho, cơn ho kéo dài làm tấm thân còng còng có bao nhiêu xương sườn đều phơi ra dưới lớp da, ai cũng có thể đếm được. H’Lim bước lại bên đỡ ông rồi dìu xuống cầu thang. Cả buôn Trưng như ong vỡ tổ, họ rùng rùng kéo nhau chạy về phía bến nước. Già làng đến gần, đám người dạt qua hai bên nhường lối. Trên đầu họ đám mây khổng lồ của ong và bướm tạo thành, vần vũ bay lượn trên bến nước, che kín luôn cả ánh sáng mặt trời và… thật kỳ lạ, một mùi hương thơm ngào ngạt tỏa ra, bao trùm cả không gian làm ngây ngấy mọi người. Hình như hương thơm tỏa ra từ trong gốc cây to hơn một vòng tay người ôm mới bị sét đánh nứt đôi khi đêm. Ông thầy cúng nhanh chân đến trước, quỳ xuống, cúi đầu vái lạy gốc cây, miệng lẩm bẩm những câu vô nghĩa, chẳng ai biết lão nói gì; rồi quay lại nói:

-Buôn ta được Yang tặng quà rồi?

-Mày nói vậy nghĩa là sao?

- Già làng nhìn đây!

Lão thầy cúng nói dứt lời bước tới cây bị sét đánh chẻ làm đôi, bê từ giữa gốc cây lên một cục như hòn đá, to bằng bắp đùi người lớn, dài hơn ba gang tay, màu trắng xám nâu, xung quanh như có lớp đường trắng mịn bám vào; đưa đến trước mặt Già làng. Già làng, nhắm mắt, ôm ngực, cúi đầu ho rũ rượi, ho như thắt cả ruột gan lại để văng ra ngoài. Bỗng nhiên ông ngừng ho, tinh thần khoan khóai trở lại; mở mắt thấy lão thầy cúng bê “cục đá” đến trước mặt, mùi thơm kỳ lạ tỏa ra và hình như chính mùi hương này làm ông hết ho. Hai tay đón “hòn đá Yang”, già làng quỳ xuống, ngửa mặt lên trời tạ ơn Yang đã ban cho buôn bảo vật. Màu sắc trông giống đá, nhưng nhẹ hơn lại được tìm thấy trong bụng của gốc cây đại thụ bên bến nước; đúng là kỳ diệu, đúng là quà của Yang cho.

*

**

Buôn Trưng định cư nơi đây từ lúc nào không ai nhớ nữa, người sống lâu nhất cũng chỉ biết sinh ra đã ở đây rồi. Buôn dựng trên một triền đồi không cao lắm so với xung quanh, giữa buôn có con đường đi từ cánh đồng cỏ phía đông qua phía tây, vượt qua con suối là lên núi xanh thẩm, cao vút. Bến nước ở phía nam buôn, có cánh rừng già nhiều cây to hai, ba người ôm không hết bao bọc; dù trời mưa to đến mấy, dòng nước từ trong lòng mẹ đất vẫn tuôn ra trong vắt, uống vào ngọt lịm. Trong buôn, các bếp đều đủ ăn quanh năm; lúa, bắp thu hoạch xong dựng kho để luôn trên rẫy, khi nào cần lên lấy mang về, không ai lấy “nhầm” của người khác. Nay được Yang tặng quà nên tổ chức Lễ cúng để tạ ơn. Lễ cúng tạ ơn của buôn Trưng kéo dài bảy ngày, bảy đêm; các buôn gần buôn xa trong vùng cũng đem trâu, bò, heo, gà… đến chung vui. 

Sau lễ cúng tạ ơn, “hòn đá Yang” được đưa về nhà Già làng để trong phòng khách; ai có bệnh tật, đau ốm… chỉ cần đến gần, khấn câu cầu xin Yang giúp đỡ, bệnh tự khỏi. Già làng ở nhà hướng dẫn người có bệnh đến khấn vái, chữa bệnh, không lấy của ai bất cứ thứ gì vì nghĩ đó là quà Yang ban cho chung mọi người.

Từ ngày có “hòn đá Yang”, người già khỏe lại; lũ người trẻ không còn bị bệnh tật, nên ai cũng vui mừng. Có sức khỏe, mọi người ham làm việc nên: lúa, bắp, đậu… lúc nào cũng đầy kho; ché túc, ché ba… xếp hàng bên vách lúc nào cũng được bịt kín miệng, sẵn sàng chờ đón lễ hội. Trong các buôn ban ngày đầy ắp tiếng cười của lũ trẻ; ban đêm quanh bếp lửa người lớn im như hạt thóc thay nhau vít cần rượu nghe kể khan(5). Cuộc sống cứ vậy trôi đi, cho đến một hôm…

Một đoàn người lạ đến thăm buôn Trưng. Họ là người ở buôn xa, ngồi trên lưng ba con voi được lão thầy cúng đưa đến. Lão thầy cúng buôn xa khoảng năm chục mùa rẫy; mặt dài, hai mắt sùm sụp như chưa bao giờ nhìn thẳng vào ai, râu ria lâu ngày không cắt tạo cho khuôn mặt trông như mặt vượn; người thấp bé, nước da như đít xoong lâu ngày không rửa. Đi cùng đoàn còn có người ngoại quốc, da trắng bờn bợt giống con cá suối chết lâu ngày, mặt tròn, mắt một mí, trên môi có cái tẩu không bao giờ tắt khói. 

Cả đoàn khách lạ lên nhà già làng, mang theo nhiều lễ vật quý như: rượu trong chai trong như nước suối, chỉ nhấp một tý thôi đã thấy như có ngọn lửa trong mồm. Muối trắng, hạt to như hạt bắp đỏ trồng mùa mưa, đưa một hạt lên lưỡi có vị mặn, vị chát và cả cảm giác ngọt thấm vào tận trong bụng. Đặc biệt, họ còn có cây gậy hét lên tiếng như Yang, cây cách xa cả trăm bước chân, to bằng bắp đùi người lớn cũng bị xuyên thủng. Già làng vui lắm, sai mổ trâu, mổ bò đãi khách quý đúng ba ngày ba đêm. Dàn chiêng của buôn lại được dịp nổi lên bản chúc phúc, mừng sức khỏe cho khách đã vượt núi cao, suối sâu đến thăm buôn.

Sáng ngày thứ tư, đoàn khách từ biệt trở về. Lão ngoại quốc nói với già làng:

-Ngộ có con gái út đến tuổi bắt chồng mà bị bệnh lạ nằm liệt một chỗ. Trong giấc mơ được thần linh bảo: phải nhìn thấy “hòn đá Yang” mới khỏi bệnh. Nay lặn lội đường xa đến đây muốn xin Già làng cho mượn hòn đá quý về chữa bệnh cho con, rồi mang trả lại.

-Điều đó không được, hòn đá của Yang không thể rời buôn, mang đi sẽ bị Yang trừng phạt cả buôn.

Nghe Già làng trả lời, người lạ nói tiếp:

-Ngộ vì con gái nên phải tới đây, nếu Già làng đồng ý ngộ sẽ để lại đây một con voi làm tin; hôm sau lên trả lại đá sẽ hậu tạ buôn ta ba bồ muối lớn được ba con voi chở đến.

-Không phải Già làng không tin mà phong tục nó thế, không làm trái được.

Y Khuôn giờ đã là chồng của H’Lim, con gái út Già làng trả lời.

-Con gái ngộ bị bệnh cũng không thể ra khỏi nhà, ra khỏi nhà thì thành atâo(6) nên mới phải lặn lội đến đây. Chẳng lẽ thấy người sắp chết mà già làng không cứu.

Nghe lão nói như khóc làm người già trong buôn tranh cãi nhau đến to tiếng; người bảo nên cho mượn để cứu người; người lại bảo không được làm trái ý Yang. Cái buôn Trưng đang yên lành bỗng nhiên nổi sóng, đám thanh niên cũng chia làm hai phe tranh luận sôi nổi, giận hờn đến suýt nữa thì xông vào đánh nhau. 

H’Lim thấy mọi người không vui mới đến bên Già làng nói:

-Yang cho ta hòn đá này để cứu người, nay nghe tin người sắp chết mà không cứu thì không đúng ý Yang. Nhưng đưa đá ra khỏi buôn cho người lạ mượn cũng trái ý Yang. Anac(7) nghĩ thế này: buôn ta nên làm lễ cầu xin Yang cho mang đá đi cứu người. Nếu Yang đồng ý thì chọn mấy người con trai khỏe mạnh đưa “đá Yang” đi rồi đưa về, không cần giữ voi của người lạ làm gì.

Già làng nghe lời con gái út, cho mổ trâu làm lễ cúng bến nước, xin ý Yang. Trong lúc mọi người tíu tít chuẩn bị làm lễ, lão ngoại quốc đi đến gần, nắm tay thầy cúng, đặt vào đó một chiếc vòng bạc lớn rồi ghé tai nói nhỏ:

-Ngộ mời thầy cúng đi cùng hòn đá thần đến chữa bệnh cho con gái. Xong việc, con voi ta cỡi kia và số muối hạt chất đầy lưng voi chở về đây là của lão. 

Nghe nói thế, mắt lão thầy cúng sống gần sáu mươi mùa rẫy bừng sáng lên như có ánh lửa; lão gật đầu rối rít, trả lời:

-Biết rồi, biết rồi.

Mồm trả lời, trong đầu lão hiện lên cảnh một mình chễm chệ ngồi trên cổ voi đi qua các buôn dự lễ; mọi người sẽ tròn mắt nhìn mà thèm. Có voi, đi vào rừng kéo những cây gỗ đẹp nhất về dựng ngôi nhà to nhất, to hơn cả nhà Già làng. Rồi mùa khô đến, sẽ tổ chức cho đám thanh niên đi theo săn voi, bắt thêm nhiều voi nữa để rồi… lão cười với ý nghĩ: mình sẽ là Già làng của buôn, của cả vùng thảo nguyên rộng lớn và xinh đẹp này.

*

**

Trong lễ cúng, lão thầy cúng nhảy múa loạn xạ một hồi, rồi phán:

-Yang đồng ý cho mang hòn đá thần ra khỏi buôn đi cứu người và phải xuất phát ngay hôm nay.

Già làng nghe nói vậy, họp buôn lại hỏi đám thanh niên ai xung phong đi cùng “hòn đá Yang”.

-Y Khuôn xin nhận trọng trách gùi “hòn đá Yang” đi, xong việc sẽ mang đá trở về.

Lũ con trai nhiều người xung phong, nhưng Y Khuôn chỉ chọn năm người thanh niên khỏe mạnh chưa có vợ để đi cùng mình. H’Lim bỏ vào gùi cho chồng hai cái khố mới bên cạnh “hòn đá Yang” và một quả bầu khô đựng nước, dặn: 

-Đi đường xa phải cẩn thận, nước trong bầu chỉ uống khi bị đau bụng thôi nhé. Đi nhanh về không anac mong! 

-Người lạ tốt lắm, lại có những ba con voi đi cùng chở đồ ăn không phải lo gì đâu, vắng ít hôm sẽ về ngay thôi mà.

Vợ chồng nhìn nhau, đứa con gái đầu vừa tròn tuổi nắm chặt tai ama như không muốn thả ra.

Y Khuôn từ biệt vợ con, đeo gùi, vác xà gạc(8) lên vai bước xuống cầu thang nhập vào đoàn người. Ba con voi chở người lạ, hai lão thầy cúng và mấy người Êđê buôn xa đủng đỉnh đi trước mở đường. 

Chiều, khi đi đến chân một ngọn núi cao, có dòng suối nước trong như lọc chảy qua, đoàn người dừng lại, dựng lều, nổi lửa chuẩn bị bữa chiều. Ba con voi được thả vào rừng tự kiếm ăn.

Bên bếp lửa, người lạ tỏ ra là người hiếu khách, mời mọi người ăn uống thoải mái. Ngoài món thịt nai khô và thịt heo rừng hong khói Già làng buôn Trưng cho, đem nướng; còn có nhiều chai rượu trắng xếp quanh đống lửa. 

-Hôm nay Ngộ mời mọi ngưới, cứ tự nhiên uống cho thỏa thích nhé. Rượu này được nấu ở nước mẹ từ phương bắc rất xa, phải đưa lên tàu thủy chạy trên biển nhiều lần trăng mọc mới tới được cảng. Cảng là nơi tàu thủy dừng để vận chuyển hàng hóa lên, xuống tàu. Rồi từ bến cảng đó phải đi nhiều ngày nữa mới tới được đây. Có viên đá này chắc chắn con ngộ được cứu sống rồi, cảm ơn tất cả. Uống, uống nào!

Rượu ngon, mồi ngon; họ cụng, chúc nhau, mừng nhau rồi… say lúc nào không biết. Màn đêm qua đi, bầy vượn vui mừng hò hét vang rừng chào đón ngày mới. Y Khuôn thức dậy, bụng đau như có người cào cấu trong đó; nhớ lời vợ dặn, ngồi dậy lấy quả bầu khô mang theo, mở nút lá chuối nhấp một ngụm. Cơn đau dịu dần, nhìn qua bên cạnh thấy năm người bạn đi cùng và lão thầy cúng, ai cũng ngủ say, mồm trào ra nước bọt đen sì, tỏa mùi hôi khó chịu. Thôi chết, bọn này trúng độc rồi, Y Khuôn nghĩ vậy, nên mang nước trong bầu đổ vào miệng cho bọn chúng tỉnh lại. Một lúc sau cả bọn ngồi dậy nhìn nhau, nhìn ra xung quanh thì lũ người đi cùng đã biến mất như tan vào các gốc cây. Y Khuôn gầm lên:

-Ta bị lừa rồi. Chúng cướp mất “hòn đá Yang” của buôn ta rồi. Ta phải đuổi theo lấy lại.

-Chúng có cây gậy của Yang giết người xa hơn trăm bước chân thì làm sao lấy lại được?

Lão thầy cúng hỏi, Y Khuôn trả lời:

-Bọn chúng đi bằng voi, đi đến đâu thành đường đến đó. Ta theo dấu đuổi theo sau, chờ đến đêm bọn chúng ngủ say thì lấy lại đá của Yang mang về.

-Tao phải tìm nó trả thù.

Lão thầy cúng của buôn gầm lên, Y Khuôn nói:

-Ông già, sức yếu, quay về buôn trước chứ đi theo thì làm được gì. Lũ chúng tôi chân còn khỏe, bước nhanh mới đuổi kịp chúng.

-Tại tao tham vòng bạc, ưng con voi như lời nó hứa mới bị lừa dối thế này. Xấu hổ quá, có lỗi với mọi người trong buôn thì còn mặt mũi nào mà về gặp họ nữa.

Lão thầy cúng nói xong, quỳ xuống lạy đất trời; khóc nức nở rồi quay đầu, lững thững bước đi, thỉnh thoảng vấp vào dây rừng ngã dúi dụi. Sáu chàng trai mặc khố, lưng đeo gùi, trên vai có cây xà gạc, lần theo dấu chân voi chạy như bị ma đuổi. Đói bứt tạm lá rừng bỏ vào miệng nhai, khát vốc nước suối uống; trong lòng họ như có ngọn lửa đốt. Họ hận vì bị lừa dối, họ tức vì niềm tin bị đánh cắp; trong lòng họ giờ đây chỉ còn ngọn lửa hận thù. 

*

Gần đến chiều tối, chạy đến bờ một con sông rất lớn. Dòng nước chảy cuồn cuộn như Yang đang giận dữ. Mọi người nhìn sông thất vọng vì dấu vết lũ voi đã lội xuống sông đi qua bờ bên kia. Sông rộng, nước chảy xiết, cả sáu chàng trai đều không biết bơi, nhìn sông họ chảy nước mắt.

Y Khuôn bảo:

-Ta đi xuôi một đoạn xem có cách gì qua sông được không.

Cả đoàn lại xé rừng, xuôi sông; đi được một đoạn, bỗng phía trước mặt, có một ngọn cây lớn chắc là bị nước cuốn từ thượng nguồn về mắc vào hòn đá không đi được, từ ngọn cây vào đến bờ xa đến chục sải tay. Ngồi trên cành cây nhô cao hơn mặt nước một chút chính là người quản tượng(9) của con voi chở người lạ. Thấy mấy người buôn Trưng đến, hắn kêu lên:

-Cứu tôi với, cứu tôi với.

Y Khuôn hỏi:

-Tên Ngộ đâu?

-Bị nước sông ăn rồi?

-Còn lũ người đi cùng đâu rồi?

-Bị nước sông nuốt hết vào bụng rồi.

Đám người buôn Trưng bàn nhau, người thì bảo: Để nó tự chọn chết khô trên cành cây hay chui vào bụng sông; người lại nói: hắn cũng là người nên cứu; người khác không chịu: giúp người khác làm điều ác nên Yang trừng phạt, chết là phải… Cuối cùng Y Khuôn quyết định:

-Hắn không phải chủ mưu mà chỉ a dua, đi theo thôi, không nên để chết mà không cứu vì hắn cũng là người; vợ con, bạn bè, người thân đang đợi hắn trở về.

Nói xong phân công, người chặt nứa buộc lại làm bè, người chặt dây nối lại với nhau để kéo bè. Bè được làm xong, đưa lên phía trên một đoạn thả xuống, mong nước đẩy bè vướng vào cành cây đổ dưới sông, để cứu tên quản tượng. Nhưng nước lớn, chảy xiết, ba lần thả bè đều bị nước cuốn qua chỗ khác không đến được ngọn cây gãy mắc ngoài sông.

Thấy vậy, Y Khuôn nói:

-Để tao ngồi trên bè nứa, dùng cây, chèo cho nó vướng vào ngọn cây gãy mới cứu được người.

-Làm thế nguy hiểm lắm.

Đám thanh niên phản đối, nhưng Y Khuôn đã quyết. 

-Tao không bơi ra thì không cứu được hắn đâu. Mọi người phải nắm chắc dây, ráng sức kéo mới có cơ hội sống đấy.

Cả bọn lại kéo bè nứa lên trên một đoạn, Y Khuôn cầm một khúc cây làm bơi chèo, leo lên bè chèo mạnh, băng ra sông. Sóng gầm lên, đẩy bè lao băng băng. Y Khuôn khéo léo đưa bè chạm vào ngọn cây, dùng hai tay bám chặt vào cành cây giữ bè lại để đón tên quản tượng xuống, đưa vào bờ an toàn. Bước lên bờ, tên quản tượng quỳ xuống vái lạy những người đã liều mạng, cứu kẻ bất tín, tiếp tay ăn cướp bảo vật của buôn. Lạy xong hăn nói:

-Người lạ sống ngoài phố, mọi người vẫn gọi là lão Vương, nhà cách đây tới ba ngày đường voi đi. Nghe tin buôn Trưng có đá thần chữa được bệnh nên thuê người buôn tao đưa vào xem. Khi thấy “hòn đá Yang” của buôn chính là dao(10), lão bảo: “Loại này quý lắm vớ, một ký có giá hơn bảy ký vàng bốn số chín đấy”. Vì tham, lão Vương bày kế để ăn cướp hòn đá và giết mấy người đi theo. Không ngờ về đến đây, khi ra đến giữa sông bị Yang trừng phạt; sóng lớn nổi lên, sông nuốt tất cả voi, người và “hòn đá Yang” vào bụng; chỉ mình tao may mắn và biết bơi, trôi xuống đến đây vớ được ngọn cây mới dạt vào chỗ này, thoát chết. 

Nghe vậy mọi người thở dài, Y Khuôn nói với quản tượng:

-Làm người đừng nên làm điều ác và cũng không được giúp kẻ khác làm điều ác vì cái kết bao giờ cũng không tốt. Lũ chúng mày đến buôn tao lừa dối mọi người cướp “đá Yang” nên bị Yang trừng phạt, phải làm mồi cho cá, ngủ trong bụng sông là phải lắm. Buôn tao chắc rồi sẽ bị trừng phạt vì không biết phân biệt người xấu, người tốt nên Yang lấy lại quà. Âu đó cũng là bài học cho mọi người.

Nghe Y Khuôn nói vậy, cả bọn đưa mắt nhìn nhau, rắng nghiến chặt, mắt nhìn dòng sông như muốn nổ tung. Bỗng trong rừng vọng đến tiếng hổ gầm nghe rất gần: 

-H… ù… m!

 

 

Chú Thích tiếng Êđê:

1. Già làng: người có uy tín nhất trong buôn;

2. Ama: ba;

3. Yang: thần linh;

4. Sống hơn hai mươi mùa rẫy: cách tính tuổi của người Êđê, mỗi mùa rẫy là một tuổi;

5. Khan: truyện cổ sử thi truyền miệng của người Êđê.

6. Atau: chỉ người đã chết;

7. Anac: con;

8. Xà gạc: con dao dùng phát rẫy, đi rừng;

9. Quản tượng: người trông nom và điều khiển voi;

10.  Dao: kỳ nam;