Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

SỐNG NHƯ LOÀI CÁ truyện ngắn của HỒNG NGỌC - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020



 


Cá Rô lại nghỉ học, hôm nay đã là ngày thứ 4 trong tuần cậu không đến trường. Không biết vì lí do gì mà dạo gần đây cậu ấy luôn nghỉ học không xin phép. Cá Rô vốn là cậu học trò chăm ngoan trong mắt thầy cô, là người bạn thân thiện, hòa đồng luôn giúp đỡ các bạn trong lớp. Hầu như lần nào tôi và cậu gặp nhau, cậu cũng nhoẻn miệng cười. Hình như Cá Rô không phải chịu áp lực phải học thật giỏi từ phía gia đình như chúng tôi. Cũng chính nhờ sự lạc quan ấy mà cả lớp tôi gọi cậu với biệt danh thân mật : “Cá Rô”.

Dạo gần đây cậu ấy thay đổi hơn chút. Cậu ít nói và trầm ngâm hơn hẳn. Cá Rô thường xuyên ngủ gật trong tiết học, trông cậu có vẻ mệt mỏi. Da xanh xao, quầng mắt hiện rõ. Thứ hạng tháng này của cậu thấp hơn tháng trước rất nhiều. Cá Rô bị tụt đến tận 7 hạng. Thậm chí cậu còn hay trốn học, điều mà trước giờ chỉ có những tên con trai cá biệt mới dám làm. Vậy mà Cá Rô đã học theo tụi đó tự lúc nào!

Cá Rô vắng liên tiếp thêm 2 ngày nữa. Tính đến nay, cậu ấy đã nghỉ học tròn một tuần. Lớp chúng tôi đã bắt đầu bàn tán xôn xao về chuyện của Cá Rô với những lời lẽ không hay. Nhỏ Hạnh hóng hớt:

- Hình như Cá Rô bỏ học luôn rồi. Mấy bữa trước tui bắt gặp cậu ấy đi bốc gạch thuê.

- Trời, sao phải làm như thế?

- Ai mà biết! – Hạnh nhún vai. – Có khi ham chơi không có tiền tiêu xài, nên mới phải làm mướn để lấy tiền đi chơi đó.

- Cậu chưa biết gì thì đứng nói như vậy!

Tôi đứng phắt dậy, đập xuống bàn cái rầm. Ngay lập tức cô chủ nhiệm bước vào với khuôn mặt nghiêm nghị. Tôi nhanh chóng trở lại vị trí, trong lòng vẫn còn để tâm đến lời nói của nhỏ.

- Gia đình bạn Phi (tên thật của Cá Rô) đang có chuyện. Mẹ bạn ấy ốm nặng nên Phi đang có ý định nghỉ học để đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Nhưng cũng gần hết năm học rồi, Phi là học sinh chăm ngoan, có năng lực. Cô nghĩ với sức học hiện tại, trong tương lai Phi sẽ gặt hái được nhiều thành công. Nếu bạn bỏ học bây giờ thì thật đáng tiếc, vậy nên các bạn và cô cùng đến để động viên bạn đi học lại! Bí thư nhé! – Cô quay sang nhìn tôi.

Thì ra vì chuyện gia đình mà cả tuần nay cậu ấy không đến trường. Dẫu là bạn cùng lớp nhưng chúng tôi chẳng ai hề hay biết những chuyện cậu ấy đang đối mặt. Cá Rô giấu nhẹm mọi thứ, có lẽ cậu ấy luôn cố cười thật nhiều ở trường để vơi đi những nỗi buồn của gia đình. Nghĩ về cậu và gia đình cậu, tôi thương Cá Rô quá!

***

Chiều, tôi đạp xe đến nhà Cá Rô theo địa chỉ ghi trong mảnh giấy mà tôi xin được từ bạn thân của cậu. Nhà Cá Rô rất khó tìm, nó nằm sâu trong con hẻm nhỏ lắt léo như mê cung. Từ đường chính đi vào phải quẹo mất 3 lần tay trái, 4 lần tay phải. Tất thảy tôi phải quẹo đến 7 lần mới đến nhà cậu.

Nhà cậu nhỏ xíu, thấp hơn mặt đường. Những mái tôn gỉ sắt chắp vá vào nhau. Lâu lâu lại vang lên tiếng “bập bùng” khi có cơn gió thoảng qua. Xung quanh nhà cậu cây cỏ mọc lên um tùm, những chồng gạch vỡ chất đầy lên nhau. Thoáng nhìn tôi còn ngỡ đây là một ngôi nhà bỏ hoang không có người ở từ lâu. Tôi đạp xe vòng qua vòng lại một hồi mới chắc chắn rằng đây là nhà Cá Rô. Đúng rồi, cái áo trắng đồng phục của cậu đang phơi ở ngoài dây.

Hình như mọi người đều đi vắng. Cánh cửa gỗ hằn những vết mục vì bị chuột gặm nhấm vẫn đang đóng im lìm. Tìm được nhà Cá Rô nhưng lại không gặp được cậu, tôi bây giờ thực lòng chẳng có ý định quay về. Khó khăn lắm tôi mới đến được đây, công sức đạp xe lòng vòng cả buổi chiều không thể bỏ uổng phí vậy được. Vả lại tôi vốn bị “não cá vàng”, hôm nay tìm được nhà Cá Rô nhưng chắc gì mai đã mò ra. Bởi vậy, tôi nhất định phải gặp được Cá Rô! 

***

Tôi cứ đứng thập thò như tên trộm trước cổng nhà Cá Rô. Một tiếng, rồi hai tiếng trôi qua. Mặt trời nhả xuống mặt đất những sợi nắng chói chang như muốn thiêu đốt mọi thứ. Những đợt mồ hôi cứ túa ra, ướt đẫm cả lưng áo. Ở gần đây chẳng có lấy một hàng quán nào để tôi ngồi tạm cả. Dẫu mắt đã hoa mơ, chân đã tê rên rên nhưng tôi vẫn không có ý định ra về. Tâm trí tôi chỉ đang mải đấu tranh một vấn đề duy nhất: “Hay là tự mở cổng rồi nép vào mái hiện nhà cậu cho đỡ nắng? Nhưng lỡ bị người ta bắt gặp thì lại nghĩ tôi là kẻ ăn trộm mất! Phải làm sao đây?”

- Đây là tiền công của chú em. Tiền bù mấy viên gạch làm vỡ tôi đã trừ vào đây rồi!

- Chú có thể thông cảm cho cháu được không ạ? Cháu chỉ lỡ tay thôi, mẹ cháu đang nằm viện mà cháu thì chưa đủ…

- Ơ hay cái cậu này, không phải vì thấy mẹ cậu bị bệnh, hoàn cảnh cậu khó khăn thì còn lâu tôi mới thuê cậu, ngoài kia có biết bao người khỏe hơn còn năn nỉ tôi thuê đấy. Cho cậu đi làm mà phúc đức lắm rồi!

Tôi giật mình khi nghe thấy giọng nói quen thuộc của Cá Rô. Cậu đã về nhà, đi theo bên cạnh còn có một ông chú bụng bia. Mãi sau khi ông chú rời đi, Cá Rô mới đẩy xe gạch vỡ vào trong sân. Cậu xếp những viên gạch ngay gần chồng gạch vỡ đã có sẵn. Tôi tất tả từ bên đường chạy sang giúp cậu xếp gạch. Đến bây giờ Cá Rô mới biết sự hiện diện của tôi. Cậu ngạc nhiên:

- Cậu… cậu làm gì ở đây thế? Sao cậu biết nhà tôi?

- Cậu không cần phải hỏi. Tôi chờ cậu từ nãy đến giờ. Nào có nước không cho tôi một ly với. Khát quá!

Miệng nói, nhưng tay tôi vẫn hăng say xếp những viên gạch còn lại. Cá Rô thì vẫn không khỏi ngạc nhiên. Cậu cứ nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu, vẻ mặt bây giờ của cậu trông thật ngốc. Nhìn nó mà tôi không khỏi phì cười, tiện chân đá cậu một cái:

- Này, sao còn ngớ người ra đấy làm gì. Tôi khát lắm rồi!

Trời ban nãy còn nắng chói chang, vậy mà bây giờ mây đen từ đâu đã kéo đến. Những đám mây vần vũ cả bầu trời báo hiệu một cơn mưa lớn sắp đến. Tôi vội núp vào mái hiên nhà cậu, giọt mưa rơi lộp bộp trên những tấm tôn.

Cá Rô dúi chai nước vào tay tôi, cậu ngồi phệt xuống đất, ngay chỗ tôi đứng:

- Cậu nói đi, đến tìm tôi có việc gì?

- Tôi nghe cô chủ nhiệm bảo rằng cậu đang có ý định nghỉ học, nên đến để khuyên nhủ cậu. Chúng mình chỉ còn vài tuần nữa là hết năm học rồi. Năm 12 đầy nhiệt huyết đang chào đón chúng ta phía trước. Cậu mà bỏ học giữa chừng như vậy thật chẳng khác nào 11 năm học qua bỏ uổng à?...

Cá Rô vừa nghe tôi nói, vừa nhìn tôi chằm chằm. Vừa dứt lời cậu ấy đã phá lên cười. Vẫn là nụ cười vui vẻ, lạc quan như những trước đây:

- Uống miếng nước rồi từ từ hẵng nói, có ai tranh hết phần của cậu đâu hả?

Tôi ngồi bệt xuống nền si bụi bặm:

- Tôi khuyên cậu chân thành đấy! Cậu muốn sau này lo được cho mẹ và gia đình thì phải cố gắng học thật giỏi, đậu vào một ngôi trường thật tốt và làm một nghề lương thật cao. Lúc ấy cậu sẽ có đủ điều kiện để lo cho mọi người hơn, chứ nếu mãi đi bốc gạch thuê cho người ta thì tương lai của cậu sẽ thế nào?

- Bây giờ tôi đã là trụ cột chính của gia đình. Mẹ tôi thì đang nằm trên viện vẫn chưa có tiền đóng viện phí. Hai đứa em của tôi lại sắp thi chuyển cấp, chúng cần được đi học hơn tôi. – Cá Rô nói với giọng trầm buồn, cậu ném hơi thở dài vào những chồng gạch vỡ xướt sũng dưới mưa.

- Tôi hiểu nỗi lòng của cậu mà. Nhưng cậu suy nghĩ kĩ lại nhé, còn tương lai phía trước. Tôi hi vọng mẹ cậu sẽ mau khỏe và cậu sớm đi học trở lại! Cả lớp đều mong cậu trở về. Tôi sẽ nhờ cô chủ nhiệm đề xuất hoàn cảnh gia đình của cậu lên nhà trường, chắc chắn khi đi học lại cậu sẽ được hỗ trợ. Đừng quá buồn nhé!

Cậu ấy thôi thở dài và nở một nụ cười thật tươi:

- Tôi vẫn luôn lạc quan mà!

- Tôi cũng thấy vậy. Thật ngưỡng mộ vì lúc nào cậu cũng lạc quan như thế!

- Cậu đã từng thắc mắc vì sao loài cá bơi mãi trong một hồ nước mà vẫn tung tăng vui vẻ không? Vì ký ức của nó chỉ có 7 giây, sau 7 giây nó sẽ nhanh chóng quên đi mọi thứ, thậm chí là quên luôn cả cái hồ cũ rích đang giam cầm nó. Tôi chỉ tập sống như loài cá ấy, cố gắng quên đi những gì làm ta buồn phiền trong vòng 7 giây để thấy cuộc đời là một hồ nước mới mẻ còn rất nhiều điều chờ ta khám phá…

***

Tôi ngoái đầu nhìn về phía bàn cuối chỗ Cá Rô từng ngồi. Trống hoác! Cá Rô nghỉ học hẳn rồi! Đã gần một tháng nay vẫn chưa có ai chuyển đến ngồi vào vị trí của cậu. Những ngày thi cuối kì, chúng tôi vùi đầu vào những tập đề cương cao ngất. Cả đêm không dám ngủ để dành thời gian ôn bài. Bao áp lực cứ đè nặng lên đôi vai chúng tôi từng phút, từng giờ. Nhưng chỉ cần nhớ đến những lời của Cá Rô, tôi lại thấy có thêm động lực. Với cậu, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Mặc dù không thể tiếp tục theo học, nhưng Cá Rô đã hứa với tôi rằng sau khi mẹ cậu khỏi bệnh, cậu sẽ đi học lại và sẽ cố gắng thực hiện ước mơ. Cá Rô từng nói dù cuộc sống có ra sao thì chúng ta cứ hãy lạc quan lên, hãy sống như những chú cá bơi lội tung tăng dưới hồ. Tôi tin tưởng và hi vọng một ngày không xa nào đó, Cá Rô sẽ thực hiện được mong ước của mình.

Cá Rô của tôi ơi, cậu hãy cười nhiều hơn nhé! Hãy sống như một chú Cá Rô – đúng với cái tên của cậu!

 

 


Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

BUỒN NÔN truyện ngắn của NGUYỄN VĂN THIỆN - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020

 

 

Tôi, chính tôi đang bị một chứng bệnh gì đó, tôi cảm nhận rất rõ, nhưng ngại đi bác sĩ. Chúng tôi đang ở một nơi mà từ "bác sĩ" thường đi kèm với nỗi sợ hãi, hoặc nói quá lên một chút, thường đi kèm với từ "bi kịch", nếu bạn không có tiền.

Tôi cảm thấy buồn nôn mỗi ngày. Buồn nôn, bạn khoan kết luận tôi đạo văn, đó không phải là tên một tác phẩm văn học nổi tiếng, mà là cảm giác của tôi vào thời điểm này. Xin lỗi đại văn hào kính mến, hãy đại xá cho tôi lỗi lầm này, vì tôi không tìm ra một từ nào khác tương đương để diễn tả nó: Buồn nôn.

Có điều, cảm giác này chỉ xuất hiện vào ban ngày, khi được tiếp xúc với chúng nhân đông đúc. Còn ban đêm, dù có ở trong những giấc mơ dữ dội nhất, tôi cũng không bao giờ gặp cảm giác buồn nôn. Mà bạn biết rồi đấy, khi bóng đêm đổ xuống, là những cơn mơ cuồn cuộn dâng tràn, hết lớp nọ đến lớp kia, đổ ập vào bóng đen bão tố.

Tôi đang đứng trên bờ, ranh giới giữa ngày và đêm, một ranh giới mỏng manh đo bằng những hạt bụi ánh sáng: Hoặc là ngày của buồn nôn hoặc là đêm của ác mộng! Nếu là đêm thì không là ngày, nếu là ngày thì khỏi là đêm.

Từ buồn nôn đến nôn thốc nôn tháo là chuyện đương nhiên. Sáng nay tôi vừa nôn trên một bãi đất trống ven đường. Nơi đó vốn là chỗ đứng của những vị thánh thần bất tử. Họ đến rồi đi, đi mãi, bãi đất trống cỏ mọc um tùm và chó mèo hò hẹn công khai. Tôi nghĩ, không chừng mình đã nôn vào đúng vết chân của họ!

Cả một trời đom đóm trước mặt, khi bạn nôn. Vì thế nên tôi nhầm, tôi đã không nôn vào đúng vết chân thánh thần bất tử để bị quả báo siêu hình mà lại nôn lên đúng lưng của một đôi mèo hoang đang tình tự. Thế là chúng nhảy dựng lên vả vào mặt tôi bằng tất cả sức mạnh của kẻ đang yêu đương lại bị làm phiền!

Thôi thì, biết đâu, quả báo nhãn tiền có khi lại nhẹ hơn!

Hết ngày nôn đến đêm dài mộng mị. Tôi mơ thấy mình đang chạy giữa cánh đồng bất tận. Bạn cũng đừng kết luận tôi chôm chỉa chữ nghĩa gì ở đây, đó là cánh đồng tôi đang chạy trong mơ. Phía sau là tập hợp chó mèo và thánh thần bất tử đuổi theo đòi ăn tươi nuốt sống. Tôi chạy thôi, không hề buồn nôn. Bóng đêm làm chứng cho tôi! Bóng đêm đã từng làm chứng cho hàng tỉ cơn mơ, hàng tỉ cơn ác mộng mỗi đêm, cớ làm sao lại không làm chứng cho tôi được?

Không giống các loại bệnh khác, cơn buồn nôn xuất hiện bất ngờ và biến mất nhanh chóng, nhanh đến nỗi không thể kiểm soát nổi. Đang lái xe trên đường, buồn nôn, đang đọc báo, buồn nôn, xem ti vi, lại buồn nôn, mở máy tính ra vào mạng xã hội, nôn nốt!

Như một cậu bé lứa tuổi mẫu giáo lớp chồi lớp lá không kiểm soát nổi cơn buồn tè, lại bị cô giáo dữ đòn kèm cặp và dọa dẫm, tôi đâm ra sợ hãi, đi đâu cũng lấm la lấm lét nhìn trước ngó sau, sợ lỡ nôn ra trước mặt mọi người. Những ánh mắt nhìn tôi dè bỉu, như vừa bắt gặp một gã từ hành tinh khác đến. Rồi những ánh mắt thương hại, những lời giáo huấn không khác gì miệt thị. “Ôi, bệnh nặng thế sao không chịu nhập viện điều trị đi?”.

Buổi chiều, đang ngồi đọc sách, thế mà nôn, nôn ngay trên trang sách, vào ngay bức hình một nhà văn già, đạo mạo, mặt nhăn nheo có vẻ đau đời. Nhà văn ấy, có lẽ bạn đọc có biết. Ông ấy vừa lên tiếng đanh thép lên án một nhà thơ trẻ đạo thơ tuần trước, bằng những lời lẽ háo danh và bẩn thỉu nhất! Và ông ấy cũng lờ đi rằng, chính ông cũng từng đạo văn của người khác cách đây không lâu.

Ọe...

Thế rồi, đêm đến lại mơ, tiếp tục ác mộng truy đuổi. Trong mơ, nhà văn già hét vào mặt tôi: "Đồ mất dạy!", tiếp theo là một đám du côn đeo băng đỏ bu lại nhổ vào mặt tôi, thụi vào ngực tôi. Hóa ra, họ cùng một băng với nhau! Tôi cô đơn, không có băng nhóm đông đúc như họ. Thì tôi chạy thôi, trong mơ, tôi không hề buồn nôn, nhưng chạy nhiều thì rất mệt, mồ hôi đầm đìa. Có bóng đêm làm chứng cho tôi. Bóng đêm đã từng làm chứng cho hàng tỉ người trốn chạy trong mơ, cớ sao lại không làm chứng cho tôi được?

Bạn nói với tôi: Thà chịu mộng mị ban đêm còn hơn buồn nôn vào ban ngày! Tôi cũng nghĩ thế, nôn nhiều sẽ kiệt sức. Nhưng trái đất quay vòng đâu chỉ vì một mình tôi? Nếu thế thì thiên vị quá, dễ cho tôi quá! Đằng này, hàng mấy tỉ người cần ánh sáng, cần bóng đêm, cần diễn trò, đóng vai này vai nọ cho hết kiếp nhân sinh. Hết ngày mới đến đêm, hết đêm lại sang ngày, vũ trụ xoay vần chung quy cũng chỉ bấy nhiêu đó, làm sao nó chịu đứng im cho?

Giờ thì tôi sống chung với bệnh, quen rồi. Hễ buồn nôn là nôn, không còn biết giữ gìn, xấu hổ là gì. Tôi sẵn sàng nôn vào bất cứ thứ gì ở đâu, mỗi ngày, và tôi chìm vào ác mộng, mỗi đêm. Những giấc mơ dài dằng dặc như phận người, như dây rợ, như những con đường xuyên núi, xuyên rừng. Ban ngày tôi nôn trúng ai thì ban đêm, họ lại hiện về truy đuổi tôi, như một cách trả đũa hèn hạ nhất. Mặt tôi đầy máu, miệng trống hoác vì răng rụng mất nhiều. Không biết run rủi làm sao, tôi toàn nôn đúng vào những kẻ có danh có vị có chức có quyền. Họ ướt đúng mặt, ướt ngay áo, bẩn thỉu hết cả giày dép. Thế là đêm về, trong những giấc mơ kỳ quái, họ hè nhau đuổi đánh tôi chí chết. Thực ra, tôi cũng muốn làm người bình thường như bao nhiêu người khác, nôn đúng nơi, tè đúng chỗ. Tôi cũng muốn đi bác sĩ một lần, chữa cho dứt điểm, nhưng, vì ngần ngại nhiều lí do, lại thôi. Mà lý do quan trọng nhất là, mà thôi, cũng như bao nhiêu người khác, tôi ngại nói ra.

Đấy, lại cồn cào, sắp nôn rồi đấy, trên tờ báo sáng nay, có một gương mặt như mặt lợn, nói năng nhăn nhở, một tội phạm đục khoét công quỹ vừa mới bị phát hiện. Trong khi cơ quan chức năng đang tích cực điều tra, thì gương mặt ấy lại giả vờ rao giảng đạo lý làm người.

Ọe…

 

   Chú thích: “Buồn nôn” là tên của một kiệt tác văn chương của nhà văn Jean-Paul Sartre.


Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

CÂY ĐÀN THIẾU MỘT DÂY Truyện ngắn của NGUYÊN HƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ 335 THÁNG 7 NĂM 2020


 

Kinh thành Pháp Hoa có cặp vợ chồng mù kiếm sống bằng đàn hát. Giao tiếp với mọi người bằng âm thanh mà không phải lúc nào cũng gặp được người nói năng nhẹ nhàng nên khi sinh được đứa con trai họ đặt tên là Thanh Hòa với ước mong con của mình luôn được nghe âm thanh ôn hòa.

Nhưng cậu bé Thanh Hòa nghe được những âm thanh lạ thường hơn nữa. Làn gió đối với mọi người là sự mát mẻ thì cậu bé Thanh Hòa còn nghe được lời kể về bao vùng miền mà gió đi qua. Cành cây khô gãy đối với mọi người chỉ là củi đốt thì cậu bé Thanh Hòa nghe lời chào tạm biệt với thân cây. Dòng suối trong mát đối với mọi người là nơi tắm giặt thì cậu bé Thanh Hòa nghe rong rêu lao xao kể chuyện ốc sên và rùa đang hẹn nhau du lịch khắp thế gian…

Thanh Hòa kể lại những gì mình nghe được cho mọi người, ai cũng bật cười xoa đầu cậu bé nhiều tưởng tượng và mơ mộng. Thanh Hòa bèn thôi không kể nữa mà mượn cây đàn của cha già mù để gởi tâm tư vào tiếng đàn.

Ồ, ai nấy lắng nghe và xuýt xoa kinh ngạc. Vậy, Thanh Hòa kể bằng lời thì thật khó tin nhưng tiếng đàn của cậu thì người nghe thấu hiểu. Tiếng đàn cho người ta cảm nhận được làn gió nhẹ vi vu này từng là cơn bão giữa biển khơi, cho người ta cảm nhận những cái lá vàng rơi nằm lẫn lộn trong đống cành khô này không hề buồn tiếc vì nó đã sống hết mình với cuộc đời xanh biếc và đến lúc nói lời tạm biệt, thế thôi…

Thời gian trôi qua, cha mẹ mù già yếu dần còn tiếng đàn của Thanh Hòa ngày càng tinh tế hơn. Khi buồn người ta tìm tới lắng nghe tiếng đàn của chàng thông cảm dịu dàng chia sẻ, khi vui người ta tìm tới lắng nghe tiếng đàn của chàng náo nức chúc mừng lan tỏa niềm vui. Người già giận hờn con cháu nhờ tiếng đàn của chàng nói giùm lòng thương nhớ. Người trẻ yêu nhau nhờ tiếng đàn của chàng bắc nhịp tâm tình. Và nhiều khi chẳng cần lý do gì, người ta tìm đến để thưởng thức du dương giữa đất trời và lòng người…

*                            

Một ngày kia, thuyền vua dạo chơi trên dòng sông, nàng công chúa nghiêng đầu lấy làn nước làm gương soi, bỗng cái mũ công chúa bị gió thổi tung. Người hầu vươn tay kịp chụp cái mũ nhưng lông thiên nga vàng lấp lánh đính trên mũ thì bị dòng nước cuốn đi mất.

Công chúa buồn rầu lắm. Không có lông thiên nga vàng lấp lánh nhìn cái mũ vô duyên làm sao. Người thợ làm mũ thay vào đó những viên ngọc quý lấp lánh không kém mà công chúa vẫn buồn.

Nhà vua truyền lệnh ai tìm được lông thiên nga vàng lấp lánh sẽ được thưởng. Bao nhiêu thợ lặn nhảy xuống tận đáy sông dò tìm...

Vô vọng.

Chiều hôm đó, chàng Thanh Hòa đến bờ sông, cây đàn trong tay chàng ngân nga về nỗi bận tâm của nhà vua vì nỗi buồn tiếc của công chúa.

-  Này, có phải chàng Thanh Hòa không? – Rùa hỏi ốc sên.

-  Đúng rồi – Ốc sên đáp lời – Đúng là chàng Thanh Hòa hồi đó kể cho mọi người về chuyến du hành của tụi mình.

-  Ừ, nhờ vậy mà tụi mình được bao nhiêu là giúp đỡ.

-  Cái lá sen cho tụi mình quá giang qua mặt hồ rộng.

-  Thỏ trắng chở tụi mình băng qua cả khu rừng.

-  Phải cảm ơn Thanh Hòa mới được.

-  Cậu đợi trên bờ nhé.

Nói rồi lập tức rùa lặn sâu xuống, sục tìm một hồi thì rùa nhìn thấy ánh lấp lánh mắc kẹt trong rặng san hô.

*

Thanh Hòa đem cái lông thiên nga vàng lấp lánh tới cung điện.

Nhà vua ngạc nhiên lắm:

-  Bao nhiêu thợ lặn không thể, sao ngươi tìm ra được?

-  Thưa đại vương, rùa và ốc sên tìm ra và tặng cho tôi.

Nhà vua càng ngạc nhiên hơn:

-  Tại sao rùa và ốc sên không tự đem đến đây để nhận thưởng mà lại tặng cho ngươi?

Thanh Hòa trả lời bằng một khúc nhạc dẫn dắt nhà vua tới dòng suối nhỏ nơi rùa và ốc sên mặc kệ bao cười chê chậm chạp, hai đứa không thôi ngước nhìn lên bầu trời cao mà mơ ước mình được như cơn gió kia phiêu du khắp nơi và đến một ngày nọ hai đứa quyết chí lên đường. Chàng nhạc sĩ cất tiếng đàn ca ngợi lòng mạo hiểm dám vượt qua sự thường tình. Nào ngờ lời ca đó trở thành mối ân tình và được đáp đền bằng lông thiên nga vàng lấp lánh hôm nay.

Nghe xong, nhà vua vỗ tay:

-  Tài năng này sao bấy lâu ta không hay biết. Từ nay, Thanh Hòa là nhạc trưởng dàn nhạc triều đình và hưởng lương một trăm đồng tiền vàng hàng năm nhé!

Hàng ngày tấu đàn cho vua nghe, được gần nhà vua quyền uy cao vời mà Thanh Hòa vẫn đem tiếng đàn đến với mọi người không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Các triệu phú mở tiệc mời chàng đến và tiếng đàn thấm đẫm trái tim khiến họ cảm động mà thích làm việc thiện nhiều hơn. Nhà tranh vách đất đêm trăng vui chơi muốn được nghe nhạc mà không tiền không dám ngỏ lời thì chàng tự ôm đàn đến cùng thôn xóm ca hát hân hoan…

*

Hôm đó, các nhà buôn từ kinh thành Pháp Hoa đem hàng hóa qua nước láng giềng buôn bán, khi xong việc họ rủ nhau bày tiệc vui chơi.

-  Hãy mời nhạc sĩ đến nào – Một người nói.

Mọi người hưởng ứng:

-  Hãy mời nhạc sĩ giỏi nhất, chúng ta sẽ trả nhiều tiền.

-  Hôm nay chúng ta sẽ ca hát thật vui.

Bạn hàng giới thiệu nhạc sĩ Mê Ly tuổi trẻ mà được nhiều người khen là tài cao. Mê Ly ra giá mười đồng tiền vàng.

Hẳn đây là một bậc kỳ tài nên mới đòi giá cao đến vậy.

-  Chúng ta thật may mắn – Một nhà buôn nói – Ở quê nhà thì có Thanh Hòa, đến đây được gặp Mê Ly.

Các nhà buôn bàn bạc với nhau và rồi thì họ cũng đồng ý giá mười đồng tiền vàng.

Khi nhạc sĩ Mê Ly ôm cây đàn đến ai cũng háo hức lắng nghe, nhưng chỉ một lát sau thì họ chú tâm vào việc trò chuyện và ăn uống.

 “Có lẽ ta chơi hơi cao quá chăng?”- Nhạc sĩ Mê Ly nghĩ thầm và hạ tiếng đàn thấp xuống một bậc. Nhưng các nhà buôn vẫn thản nhiên ăn uống.

 “Những người này rõ ràng không biết một chút gì về nhạc, thôi thì về phần ta cứ làm tròn trách nhiệm rồi cầm tiền ra về là xong.” Nhạc sĩ Mê Ly nghĩ vậy mà cố gắng chơi thật hay.

Xong, khi nhận tiền công, nhạc sĩ Mê Ly nổi cơn tự ái bèn nói:

-  Có phải mời tôi đến đây chỉ là để khoe với mọi người rằng các ông có đủ tiền mời Mê Ly?

Các nhà buôn đáp lời:

-  Này, chúng tôi sẽ không khoe với ai là được nghe Mê Ly chơi nhạc cả bởi vì cậu không hề chơi nhạc.

Nhạc sĩ Mê Ly tức giận:

-  Các ông chẳng hiểu biết gì.

Một nhà buôn càu nhàu:

-  Vậy thì nên hiểu là cậu muốn ru ngủ chúng tôi. Cậu chơi đàn như một bà già khàn giọng dỗ cháu nín khóc.

Nhạc sĩ Mê Ly đỏ mặt tía tai quăng trả lại mười đồng tiền vàng:

-  Các ông đừng ỷ thế có tiền rồi nói năng xúc phạm người khác. Tôi không cần tiền của các ông.

“Cậu ấy là người dân nơi này còn chúng mình chỉ là khách phương xa đến làm ăn, không nên khiến cậu ấy giận dữ”, một nhà buôn nói khẽ. “Đúng vậy”, những nhà buôn khác tán thành. Vậy nên một người vội cất tiếng ôn hòa:

-  Thật ra là vì đã được nghe nhạc sĩ Thanh Hòa thì chúng tôi khó mà khen ai khác được.

-  Vậy thì các ông hãy cầm lại số tiền này – Nhạc sĩ Mê Ly vẫn giận dữ - Coi như tôi trả công các ông chỉ đường cho tôi đến gặp nhạc sĩ Thanh Hòa thử xem sao.

*

Thế là các nhà buôn trở về kinh thành Pháp Hoa có nhạc sĩ Mê Ly theo cùng. Dọc đường, nghe các nhà buôn kể về những việc thiện nguyện họ đã làm sau khi được tiếng đàn diệu kỳ, cơn giận của Mê Ly tan biến và cậu ta nảy ý “Làm học trò của vị thầy nổi tiếng vậy thì ta cũng sẽ mau chóng nổi tiếng”.

Đến nhà, Thanh Hòa đi vắng, Mê Ly ngồi xuống thềm và chơi một bản nhạc. Cha mẹ của Thanh Hòa không nhìn thấy gì nên nghe ngóng một hồi thì họ nói với nhau:

-  Xuỵt, mấy con chuột đang nghịch kìa. Gọi Thanh Hòa về mau kẻo chuột cắn đứt hết dây.

Mê Ly giật mình tự nghĩ, tay nghề của mình mà hai người nghe như tiếng chuột nghịch ngợm thì hẳn Thanh Hòa không ai bì kịp, thật không uổng mười đồng tiền vàng đưa mình đến đây.

Mê Ly bèn ngừng đàn và nói:

-  Không phải chuột. Cháu chào hai bác.

-  Cậu là ai? – Mẹ Thanh Hòa hỏi – Đến đây có việc gì?

-  Cháu là nhạc sĩ Mê Ly, cháu đến đây xin nhận Thanh Hòa là thầy.

Cha Thanh Hòa mỉm cười:

-  Hay quá. Từ khi vợ chồng bác già yếu, con trai bác chơi nhạc một mình, nay có học trò hẳn là vui hơn.

Mẹ Thanh Hòa vui vẻ:

-  Hôm nay con đến mà Thanh Hòa đi vào cung vua rồi, vài ngày nữa Thanh Hòa về. Con cứ ở lại đây với hai bác nhé.

Mê Ly chớp ngay lời mời như một cơ hội. Khi bà mẹ nấu cơm thì cậu ta giành phần thổi lửa, rồi cậu giành lấy cái rựa khi cha Thanh Hòa định chẻ củi, giành luôn việc rửa chén dĩa và quét sân rồi nấu nước pha trà.

Cha mẹ Thanh Hòa vui lòng lắm.

-  Từ khi trở thành nhạc trưởng, Thanh Hòa thường xuyên vào cung điện hầu hạ nhà vua, chỉ còn hai bác ở nhà nên cũng buồn – Mẹ Thanh Hòa nói – Có cháu thật là vui.

Sau ba ngày, buổi sáng vừa thức giấc, cha Thanh Hòa kêu lên mừng rỡ:

-  Con trai ta sắp về tới rồi đó.

Mê Ly nhìn ra ngõ không thấy ai, ngạc nhiên:

-  Sao bác biết?

-  Cứ gần tới nhà là Thanh Hòa cất tiếng đàn báo hiệu cho hai bác hay.

Mê Ly nghiêng tai nghe ngóng:

-  Cháu chỉ nghe tiếng ồn như có cái chợ gần đây.

Người cha mỉm cười:

-  Là Thanh Hòa đang kể cho hai bác nghe chuyện sinh hoạt ở kinh thành.

Mê Ly căng tai ra:

-  Và tiếng bọn con nít reo cười. A, cả tiếng rao của người bán hàng rong.

Mẹ Thanh Hòa mỉm cười:

-  Đúng là con trai bác đó.

Vang một tràng lảnh lót và Thanh Hòa tươi cười xuất hiện ngay cổng. Mê Ly nhìn theo Thanh Hòa đi từng bước, những ngón tay lướt nhẹ trên phím đàn mà đem theo vào nhà cả rừng cây xào xạc và bầy chim líu lo.

Mê Ly quỳ xuống:

-  Xin chào thầy!

Thanh Hòa ngạc nhiên:

-  Ai đây? Ta không có học trò sao gọi ta là thầy?

-  Tôi là người học trò đầu tiên vậy – Mê Ly nói.

Thanh Hòa lắc đầu:

-  Ta không hề có ý muốn nhận học trò, hãy đi nơi khác tìm thầy nhé.

Mê Ly đáp lời:

-  Chỉ có thầy mới xứng là thầy của tôi thôi.

Nghe Mê Ly nói, Thanh Hòa tự nhủ người này thật là kiêu ngạo, không tốt chút nào.

-  Ta đã nói là ta không nhận học trò.

Mê Ly lần lượt ôm chân cha Thanh Hòa rồi ôm chân bà mẹ dễ mềm lòng:

-  Xin hai bác hãy nói với Thanh Hòa giùm con với.

Mẹ Thanh Hòa cất tiếng:

-  Con ơi, Mê Ly đến đây đợi con về thiết tha xin được học nghề. Mấy hôm nay nhờ có Mê Ly mà mẹ vui vẻ biết mấy.

-  Cha cũng vui con à. Hãy nghĩ đi, từ nay mỗi khi con vào cung điện dài ngày thì có Mê Ly ở nhà cùng cha mẹ, vậy không tốt hơn sao?

Nể lời cha mẹ, Thanh Hòa gật đầu.

Thanh Hòa tận tâm truyền lại cho Mê Ly tất cả những gì mình biết được.

Sau ba năm, khi Mê Ly chơi đàn thì có nhiều người tưởng đó là Thanh Hòa. Thêm một năm nữa, tất cả mọi người trong thôn xóm đều lầm tưởng đó là Thanh Hòa. Và thêm một năm nữa thì ngay cả cha mẹ Thanh Hòa cũng không phân biệt được ai đang chơi đàn.

Thanh Hòa nói:

-  Mê Ly à, cậu đã học hết nghề của tôi rồi. Bây giờ thì hãy mang lời ca tiếng nhạc trở về phục vụ đất nước của mình đi thôi.

Mê Ly đáp lời:

-  Thưa thầy, vua của đất nước tôi không yêu thích nghệ thuật nên không chuộng nghề đàn hát. Tôi trở về đó là lãng phí bao công sức học tập. Nhờ thầy giúp đỡ cho tôi có một cơ hội ở lại đây.

-  Ý cậu là sao hãy nói rõ ra nào?

-  Thưa thầy, tôi muốn được chơi trong dàn nhạc của nhà vua.

-  Được rồi. Ta sẽ xin nhà vua thử xem sao.

Thế là chuyến đi vào cung điện lần đó, Thanh Hòa tâu với nhà vua:

-  Thưa đại vương, tôi có một học trò tài năng xin được hầu hạ ngài.

Nhà vua gật đầu ngay:

-  Là học trò tài năng của nhạc trưởng thì hẳn xứng đáng. Hãy nói với quan coi kho là từ nay trả cho người ấy số tiền bằng một nửa lương của nhạc trưởng nhé.

*

Trên đường về nhà, Thanh Hòa hân hoan lắm. Chàng gảy đàn nhờ âm thanh reo vui báo tin cho Mê Ly biết là nhà vua đã nhận lời.

Suốt năm năm nay Mê Ly ở nhà chàng như một người con và từ nay chàng cùng với Mê Ly sẽ thay nhau vào cung điện hầu hạ nhà vua, khi chàng đi thì có Mê Ly ở nhà, khi Mê Ly đi thì có chàng ở nhà, cha mẹ lúc nào cũng có người chơi đàn cho nghe.

Nghĩ đến viễn cảnh yên ấm đó tâm trí Thanh Hòa phơi phới, chàng đi vào nhà cùng với một chùm âm thanh rộn ràng hạnh phúc.

Nào ngờ Mê Ly tức giận:

-  Không còn ai phân biệt được tiếng đàn của con và của thầy thì tại sao con chỉ nhận số tiền lương bằng một nửa của thầy?

-  Ngoài tài năng con cần chứng tỏ sự tận tâm chăm chỉ và biết quan tâm tới mọi người, lúc ấy hẳn là nhà vua sẽ tăng lương cho con.

Mê Ly khăng khăng:

-  Con là một nhạc sĩ thì con chỉ cần chơi đàn thật hay, điều đó con làm được rồi. Nếu nhà vua không trả lương con bằng thầy ngay lập tức thì con sẽ không hầu hạ ngài.

Thanh Hòa rơi vào tình thế khó xử:

-  Này Mê Ly, không dễ gì xin được việc trong cung điện, ta đã lấy uy tín của ta để xin việc cho con. Và cũng không dễ gì bỏ việc trong cung điện. Ta biết nói sao với nhà vua đây?

Mê Ly lạnh lùng:

-  Hãy nói là con xứng đáng được trả lương bằng thầy.

Cha mẹ Thanh Hòa lắng nghe mà thở dài, họ than van với nhau: “Nếu biết Mê Ly này vô ơn đến vậy thì hồi đó ta đã không nằn nì Thanh Hòa nhận nó làm học trò. Vợ chồng mình yêu thương lầm người khiến Thanh Hòa bị gặp phiền toái”.

Thanh Hòa cũng thở dài:

-  Vì chính ta đã giới thiệu cậu nên ta sẽ phải tiếp tục tâu trình với nhà vua.

*

Nhà vua kinh ngạc khi nghe Thanh Hòa trình bày sự việc, rồi ngài truyền lệnh gọi Mê Ly vào cung điện.

-  Này nhạc sĩ Mê Ly – Nhà vua nói - Ta không muốn tin điều Thanh Hòa tâu trình về ngươi là sự thật. Hãy xác nhận cho ta nghe, có đúng là ngươi đòi hỏi mức lương ngang bằng với thầy của mình không?

Mê Ly mạnh mẽ gật đầu:

-  Đúng vậy, thưa đại vương, vì tài nghệ của tôi nay đã ngang bằng thầy Thanh Hòa.

Nhà vua cả cười:

-  Này Mê Ly, nếu ngươi chứng tỏ được tài năng ngang bằng Thanh Hòa thì ta chẳng hẹp hòi gì mà không trả lương tương xứng. Nhưng hãy biết rằng Thanh Hòa không chỉ phục vụ ta mà khắp vương quốc này kẻ giàu người nghèo khi nghe tiếng đàn của Thanh Hòa đều muốn làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Thanh Hòa đã dùng tài nghệ phụng sự vương quốc một cách xứng đáng.

Mê Ly đáp lời:

-  Thưa đại vương, tôi cũng sẽ như vậy. Chỉ cần một cuộc so tài giữa hai thầy trò thì ngài sẽ rõ ngay tôi xứng đáng hay không.

Nhà vua kinh ngạc:

-  Ngươi đòi thi đấu với thầy của mình ư?

Mê Ly điềm nhiên:

-  Thưa đại vương, tôi nên làm vậy. Vì nếu tôi chơi đàn một mình thì làm sao phân định rõ ràng?

Nhà vua nghiêm nghị:

-  Ta khuyên ngươi hãy bỏ ý muốn đó đi. Thật không đúng đắn khi đòi so tài với chính thầy của mình.

-  Thưa đại vương, giữa Thanh Hòa thân cận với ngài bấy lâu và tôi là một người từ nơi khác đến, phải chăng ngài không muốn có công bằng?

Nhà vua thở dài:

-  Kẻ nào dám nói ta không công bằng đáng bị trừng phạt đích đáng, nhưng với ngươi, nếu bị phạt thì hẳn ngươi sẽ bêu riếu là vì Thanh Hòa. Vị thầy của ngươi vì vậy mà mang tai tiếng. Được, ta cho phép mở cuộc thi.

*

Khắp vương quốc xôn xao.

Loa vang nơi nơi. “Nhà vua truyền lệnh đêm trăng rằm tháng này, nhạc trưởng Thanh Hòa và học trò là Mê Ly có cuộc tranh tài. Cung điện sẽ mở rộng cổng cho tất cả mọi người đến thưởng thức tiếng đàn và cùng hoan hô chúc mừng người chiến thắng”.

Được chiêm ngưỡng cung điện nhà vua và nghe Thanh Hòa chơi đàn ngay tại nơi ấy quả là dịp may hiếm có. Người người tấp nập trên mọi nẻo đường đổ về kinh thành và đem theo những món quà của làng quê mình để tặng nhạc sĩ yêu mến.

Nhưng chẳng ai thấy Thanh Hòa đâu cả.

Chỉ bầy chim trên cành cổ thụ trong rừng sâu nhìn thấy chàng đang ngồi dưới gốc cây. “Có phải nhạc sĩ Thanh Hòa không kìa?”- Bầy chim hỏi nhau và bay sà xuống.

-  Xin chào nhạc sĩ xin chào nhạc sĩ xin chào… - Bầy chim ríu rít - Cho xin một ít nhạc đi nào.

-  A ha – Thanh Hòa vỗ cây đàn vang tiếng bùm bùm - Bọn mi là những kẻ cuối cùng trên thế gian này nghe ta đàn.

-  Ôi... sao lại cuối cùng chứ?

-  Ít ra thì nhạc sĩ còn phải so tài với học trò kia mà?

-  Ngày mai là rằm. Bao nhiêu người nóng lòng chờ đợi.

-  Khó hiểu khó hiểu.

Bầy chim ríu rít ồn ào.

Thanh Hòa mỉm cười buồn rầu:

-  Dễ hiểu lắm, bởi vì hôm nay ta chết.

Bầy chim sửng sốt nín bặt. Một hồi lâu, chú chim sâu rụt rè đáp xuống vai chàng:

-  Sao lại phải chết?

-  Ta tận tâm truyền dạy học trò tất cả những gì hay nhất, chính cha mẹ ta còn không phân biệt được người nào đang chơi đàn thì nhà vua làm sao phân định nổi? Mê Ly sẽ làm nhục ta trước tất cả mọi người. Ta còn dám nhìn mặt ai nữa?

Nói xong, Thanh Hòa đập mạnh tay vào thùng đàn vang tiếng bùm bùm và khảy thật mạnh, âm thanh thương giận đau xót tuôn trào như bão tố…

Tưng!... Sợi dây đàn bất ngờ đứt phựt quất vào chân khiến chim sâu đau điếng  vội xòe tung đôi cánh, là định bay lên nhưng sợi dây đã quấn chân chim lại.

Chim sâu đứng trên vai loay hoay cố rút chân khỏi sợi dây đàn mà Thanh Hòa không biết gì, chàng mải mê với cây đàn thiếu một dây, âm thanh tuôn trào lộng lẫy huy hoàng như cuộc chuẩn bị gặp thần chết là điều vĩ đại nhất, đẹp nhất, giúp chàng chấm dứt mọi so bì ganh ghét xói mòn tâm hồn.

Và âm thanh tuôn trào thương đau tận cùng khi phải chọn chia tay với sự sống, chia tay với nắng trời hân hoan ngày mới mỗi sớm mai, chia tay với hoàng hôn ân cần thúc hối người ta về nhà quây quần ấm áp bên nhau, chia tay với con đường từ bao đời in dấu chân ông bà cha mẹ đi về và vì vậy nên bụi cỏ dại ven bờ cũng biết bao thân quen, chia tay với bữa cơm thơm mùi tay mẹ nấu và chia tay với tiếng ho cha già những đêm khuya khó ngủ vì ngọn gió tình cờ qua khe cửa...

Bầy chim lặng yên há hốc những cái mỏ nhỏ xinh. Khu rừng bất động. Gió ngừng thổi. Cành lá ngừng xào xạc. Những chùm rễ phụ ngừng đong đưa. Dòng suối ngừng róc rách…

Chỉ chim sâu đang trên vai Thanh Hòa vẫn cứ loay hoay vì càng cố rút chân ra thì sợi dây càng siết chặt hơn khiến chim sâu đau quá là đau. Hừ, có phải sợi dây đàn đứt này cũng đang chơi nhạc theo cách của nó?

Muốn nhờ ai đó giúp mình nhưng thấy tất cả đang chìm đắm trong tiếng đàn, chim sâu hiểu là chỉ khi nào âm thanh ngừng lại thì may ra mình mới được cứu thoát khỏi sợi dây.

Vậy nên chim sâu mổ vành tai Thanh Hòa một cái.

Âm thanh dồn dập hơn…

Sợi dây quấn chặt chân chim sâu hơn. Chim sâu vội mổ vành tai Thanh Hòa thêm lần nữa.

Âm thanh như thác lũ…

Sợi dây siết cứng chân chim. Ôi, Thanh Hòa mà không ngừng lại thì chân mình đứt phựt như sợi dây đàn mất thôi, chim sâu tuyệt vọng dồn hết sức mổ thêm một lần nữa, thật mạnh.

Thanh Hòa giật mình, những ngón tay ngừng khựng.

Cơn gió thổi qua cành lá rào rào rào rào và hương hoa thơm lựng tỏa khắp. Bầy chim nhảy nhót véo von:

-  Thần Rừng khen ngợi nhạc sĩ đó.

Chim sâu nói:

-  Nhạc sĩ ơi xin hãy gỡ sợi dây ra khỏi chân tôi giùm.

Thanh Hòa nhìn qua vai mình, chàng ngạc nhiên thấy chân chim bị quấn sợi dây đàn. Chàng đưa tay rờ rẫm vành tai và thở dài:

-  Ra là mi hả chim sâu? Vậy mà ta tưởng Thần Chết chuẩn bị đón ta đi.

Bầy chim rộn ràng:

-  Nhạc sĩ ơi, khoan vội chết. Ngày mai hãy chơi đàn như vừa rồi nhé.

-  Hãy cứ để cây đàn thiếu một dây như vậy nhé.

-  Đã có bao giờ chàng dạy Mê Ly chơi đàn thiếu một dây chưa?

*

Bao là xôn xao kể lại rằng cuộc so tài giữa thầy và trò đã khiến quan Chép Sử điên đầu.

Nhạc sĩ Mê Ly đã yêu cầu một điều khó xử là tất cả mọi người hãy nhắm mắt lại. Ừm, dịp hiếm hoi được nhìn ngắm cung điện tuyệt đẹp mà nhắm mắt lại là sao chứ? Rồi người ta xuýt xoa trầm trồ kinh ngạc, nếu không chính mắt nhìn thấy người đang khảy đàn là Mê Ly thì hẳn ai cũng nghĩ đó là nhạc trưởng Thanh Hòa đang chơi. Tuyệt diệu.

Nhưng khi cây đàn thiếu một dây cất tiếng thì chẳng ai nghĩ gì được cả. Không Thanh Hòa và không Mê Ly. Không một so sánh nào vì không thể so sánh với bất cứ điều gì trên đời này...

“Âm thanh chạm vào trái tim xuyên thấu tâm can” – Quan Chép Sử viết vậy, rồi cau mày xóa đi.

“Nhạc sĩ Thanh Hòa chơi xuất thần hơn bao giờ” – Quan Chép Sử viết lại như vậy, rồi ngài lại cau mày xóa đi.

“Chỉ có thể nói là kỳ diệu”.

Và ngài lại xóa đi.

Quan Chép Sử tự giận mình ghê gớm, ngài muốn người đời sau thấu hiểu nhưng mà đành bất lực chẳng thể diễn tả như ý được.

Chuyện kể lại rằng nhà vua tuyên bố tăng lương Thanh Hòa gấp đôi và ngài hỏi Mê Ly:

-  Ngươi rất giỏi bắt chước Thanh Hòa, nhưng ngoài bắt chước thì ngươi có làm được gì khác không?

Mê Ly xấu hổ quá, vội kéo cao cổ áo che mặt lại len lỏi giữa đám đông mà trốn đi.