Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

TƯ DUY THƠ VIỆT NAM SAU NĂM 1975 QUA SÁNG TÁC CỦA MỘT SỐ TÁC GIẢ THẾ HỆ ĐỔI MỚI tác giả LÊ HỒ QUANG - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU-2017







1. Nói tới tư duy thơ là nói tới một loại hình tư duy nghệ thuật mang tính đặc thù. Nó chi phối hoạt động sáng tạo của nhà thơ và được hiện thực hóa, cụ thể hóa thông qua hệ thống quan niệm, tư tưởng và thi pháp thể loại. Tư duy thơ của tác giả chịu sự chế ước của nhiều yếu tố: đặc điểm tâm sinh lý, cá tính sáng tạo, kinh nghiệm và trình độ thẩm mĩ của chủ thể, môi trường văn hóa - xã hội,... Nó thể hiện qua những phát ngôn tư tưởng trực tiếp hoặc những bài viết phê bình, trao đổi, tranh luận,... của nhà thơ, song đặc biệt tập trung thể hiện trên văn bản tác phẩm, trong thế giới nghệ thuật được tạo nên bởi ngôn ngữ thi ca tương ứng.
Đổi mới thơ, xét từ bản chất của nó, chính là đổi mới tư duy. Chỉ đổi mới hình thức hay nội dung thơ chưa phải là đổi mới tư duy. Đổi mới tư tưởng, quan niệm về thơ cũng mới chỉ là một yếu tố (dù rất quan trọng) của đổi mới tư duy. Vậy thế nào mới thực sự đổi mới tư duy? Ấy là khi ở tác giả hình thành một mô hình nhận thức - sáng tạo mới, khác (thậm chí đối lập) với trước và nhờ đó tạo nên sự thay đổi mang tính gốc rễ trong thế giới nghệ thuật tương ứng. Có thể khẳng định, đổi mới tư duy thơ chính là nền tảng của mọi sự cách tân, đổi mới thơ.
Nghiên cứu tư duy thơ là cách để hiểu/ lý giải triệt để hơn cả về “cơ chế” hoạt động sáng tạo của chủ thể, nhằm cắt nghĩa sâu hơn về những đặc thù nghệ thuật trong tác phẩm (dĩ nhiên cũng cần tính đến yếu tố vô thức trong sáng tạo của nghệ sỹ). Nó đưa lại nhận thức về tác phẩm như một cấu trúc chỉnh thể bao gồm nhiều yếu tố liên kết chặt chẽ. Cũng có thể xem đấy như một điểm tựa phương pháp luận giúp ta nhận ra nét đặc thù khu biệt các loại hình nhận thức thẩm mỹ, từ đó, có được sự đánh giá khách quan, khoa học cần thiết về các hiện tượng thơ, nhất là những hiện tượng mới, phức tạp.
2. “Thế hệ nhà thơ Đổi mới” là thuật ngữ mang tính quy ước, nhằm chỉ một thế hệ nhà thơ Việt Nam đương đại có những đặc điểm sau: về độ tuổi, họ chủ yếu thuộc thế hệ 5X, 6X;  xuất hiện và gây chú ý trên thi đàn vào thời Đổi mới (sau 1986); có những cách tân quyết liệt trong quan niệm và thi pháp... Xét về mặt lịch sử, có thể nói đây là thế hệ trung gian nối kết giữa thế hệ nhà thơ chống Mỹ và thế hệ tác giả “thơ trẻ” sau này (“thơ trẻ” cũng là một thuật ngữ quy ước, nhằm chỉ thế hệ nhà thơ sinh sau 1975, sống và viết trong thời bình). Tính chất “trung gian”, giao thời nói trên cũng tạo nên tính đặc thù thế hệ ở những ngòi bút Đổi mới. Dù sớm có ý thức cách tân, song những sáng tác ban đầu của họ cũng chịu ảnh hưởng rõ nét của hệ hình thi pháp của thế hệ trước đó (cụ thể là thi pháp lãng mạn chủ nghĩa). Bởi vậy, ở những tác giả này, quá trình tìm kiếm và kiến tạo một tư duy thơ mới luôn song song với nỗ lực “đập vỡ” thói quen tư duy thẩm mỹ cũ đã định hình. Là thế hệ trung gian nhưng đồng thời cũng là “thế hệ Đổi mới”, ý thức về vị trí lịch sử đặc biệt của mình giúp họ sớm xác định mục tiêu cách tân thi ca và nhanh chóng nắm bắt những cơ hội sáng tạo mà thời đại mở cửa và hội nhập đã mang lại.
Đây là một thế hệ tác giả khá đa dạng, phức tạp và vẫn đang vận động, sáng tạo. Do giới hạn bài viết, tôi chỉ khảo sát trong phạm vi văn bản thơ của bảy tác giả: Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Inrasara, Trần Tiến Dũng.
3. Ý thức tìm kiếm và xây dựng một tư tưởng mĩ học mới, làm bệ phóng cho những cách tân, sáng tạo đột phá thể hiện khá rõ ở nhiều tác giả thế hệ Đổi mới. Song song với sáng tác, họ viết phê bình, trả lời phỏng vấn, trao đổi, thảo luận,... nhằm nhận diện và xác định vị thế của thơ Việt Nam trong dòng chảy thi ca thế giới khi hội nhập, từ đó, tìm kiếm và “hoạch định” con đường sáng tạo cho tương lai. Nhiều nhà thơ đồng thời cũng hiện diện với tư cách nhà phê bình với nhiều công trình, bài viết thuyết phục, phản ánh khá sâu sắc ý thức chuyên nghiệp hóa nghề viết ở họ. Dĩ nhiên, ý thức nghề nghiệp không chỉ có ở các nhà thơ thế hệ Đổi mới. Người cầm bút ai chẳng từng hơn một lần suy tư về nghiệp viết của mình? Song, thay vì cái suy nghĩ khá phổ biến một thời, cho rằng thơ ca là chuyện “trời cho”, “làm thơ” là cái thuộc về bản năng, năng khiếu vốn dĩ và nhà thơ chỉ là “con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hát chơi” (Xuân Diệu), các nhà thơ hôm nay rất có ý thức (và trên thực tế là đã) không ngừng tìm tòi, tiếp thu, vận dụng đa dạng các khuynh hướng và phương pháp sáng tạo hiện đại nhằm làm mới cách viết/ kỹ thuật viết, cũng là nhằm nuôi dưỡng cảm hứng viết. Phương diện lý thuyết, vốn là cái mà nhiều nhà thơ truyền thống “dị ứng”, nay được xem là sự song hành cần thiết với sáng tác, có ý nghĩa làm rõ sáng tác, thậm chí có thể gợi mở hoặc định hướng cho sáng tạo. Nhà thơ Inrasara khẳng định: “Bên cạnh biết làm, ta còn biết suy tư/ biết nói về nghề. Lý thuyết chẳng những làm rõ sáng tác (dù sáng tác không hẳn chỉ thuần ý thức) mà còn có thể gợi mở hay dẫn đường cho sáng tạo. Nhất là các sáng tạo, của hôm nay”[1]. Ông nói rõ thêm: “Nhìn lại hành trình thơ của mình và người đồng hành, là ý thức mang tính phản tỉnh việc làm của mình và người đồng hành. Nó giúp ta nhận mặt những nhàm cũ, lối mòn lâu nay ta từng đi và dẫm lên dấu chân kẻ đi trước hay của chính mình mà không biết, biết còn mơ hồ hoặc biết mà không cảm thấy cần/ không nỗ lực tránh” [2]. Dù trên thực tế, không phải giữa những “tuyên ngôn” lý thuyết và sáng tác của các tác giả luôn có sự song hành hiệu quả, song tư tưởng sáng tạo này rất cần được ghi nhận bởi tính xác đáng của nó.
Nếu trong thời chiến, thơ được quan niệm như tiếng nói của lý tưởng cách mạng, tiếng nói của “đồng chí, đồng ý, đồng tình”, là một thứ vũ khí tinh thần đắc lực góp phần vào cuộc chiến đấu của dân tộc thì đến thời Đổi mới, thơ trước hết là tiếng nói tinh thần của cá nhân hiện đại trong đời sống hiện đại, khi đối diện với bao vấn đề phức tạp của đất nước, dân tộc và nhân loại. Đó là tiếng nói của xúc cảm, của tư tưởng và của cả trực giác, tâm linh. Nói theo Dương Kiều Minh, “thi ca nằm ở những khoảng trống trong thế giới của con người. Nơi đời sống tinh thần của mỗi người hướng tới cái bí ẩn, cái vô biên và cái vô cùng”[3]. Còn nói theo cách của Nguyễn Quang Thiều, thơ chính là kết quả của “một trí tưởng tượng vô cùng hoang dại, và bằng những cơn mơ bất tận, đầy nhạc tính”, “luôn chuyển động và sinh nở và biến ảo”. Nó đánh thức “kí ức và ý thức sống”, “tạo dựng những mối liên hệ bí ẩn”, “gợi mở về một hình thức nào đó của vật chất đã mất’, “dựng nên một đời sống khác”, “một nhận biết khác”[4].
Với các nhà thơ thế hệ Đổi mới, sáng tạo thơ hoàn toàn không tách rời hiện thực, vấn đề là giờ đây thơ cần phải tiếp cận và lý giải hiện thực theo cách khác. Đó không chỉ là hiện thực của đám đông, của ý thức hệ, của những cuộc đấu tranh giai cấp,… mà còn là hiện thực nội tâm, tư tưởng, cảm xúc; hiện thực của vô thức, linh giác,… Được chi phối bởi quan niệm ấy, hệ đề tài, chủ đề trong thơ thời Đổi mới trở nên rộng mở. Từ những đề tài sử thi của thời chiến, thơ trở về cuộc sống bình dị, nhằm tìm kiếm trong cái hằng ngày, cái đời thường một diện mạo chân thực và sâu kín hơn của nhân sinh. Cũng do vậy, thơ có khả năng đi sâu hơn vào cuộc đời với những thân phận, số phận đơn lẻ, buồn bã, nhiều ẩn ức tâm sự. Nhà thơ cũng khao khát tìm kiếm diện mạo cá nhân trong những tương quan và chiều kích của văn hóa, lịch sử, mỹ học,… Đây là lý do giải thích vì sao thơ của thế hệ này trở nên giàu tính tư tưởng - triết luận hơn so với trước đó.
Đặc biệt, các tác giả thế hệ Đổi mới hết sức đề cao giá trị thẩm mĩ của tác phẩm nghệ thuật. Quan niệm này giờ có vẻ đã không còn mới, nhưng nếu đặt vào bối cảnh đất nước thời hậu chiến, ta sẽ thấy ngay tính đột phá của nó. Trong sáng tác (cũng như trong thưởng thức, đánh giá tác phẩm), giá trị thẩm mĩ được xem như là yêu cầu tối thượng và cũng là đích đến đầu tiên. Do đó, làm thơ là làm ra cái Mới và trước hết đó là cái mới về thi pháp (ở đây cần hiểu khái niệm “thi pháp” theo nghĩa rộng, cả những nguyên tắc nghệ thuật chi phối và hệ thống phương thức, kỹ thuật sáng tạo). Theo nhà thơ Mai Văn Phấn, “đổi mới thi pháp trước hết là từ chối ve vuốt những sở thích của người đọc, nhằm tạo những sóng từ khác, những mã số khác trong không gian thơ vừa được khám phá. Lý tưởng thi ca của sự cách tân nhằm gọi đúng bản chất của sự vật trong nhịp điệu đời sống hiện đại”[5]. Cách tân, do đó, đã trở thành một nhu cầu thường trực và quyết liệt với các tác giả thế hệ Đổi mới. Phải viết khác trước, cụ thể là phải viết khác với hệ hình thi pháp lãng mạn chủ nghĩa được khai sinh từ thời Thơ mới mà sau đó vẫn còn trùm bóng suốt cả chặng đường dài trong thơ Việt hiện đại, từ thời thơ kháng chiến đến dòng chủ lưu trong thơ sau 1975. Chính vì vậy, cách tân cũng có nghĩa là “khai trừ”, “đoạn tuyệt” lối viết đã trở thành “chuẩn mực”, “điển phạm”, là “khai chiến” với một lối đọc/ thưởng thức/ đánh giá đã trở nên quen thuộc, khó lòng thay đổi của độc giả. Và cách tân cũng có nghĩa là chấp nhận một lối đi hẹp, thậm chí biệt lập, nhiều gập ghềnh, đôi khi là “tuyệt lộ”. Dĩ nhiên, vấn đề này cần được nhìn nhận trong mối quan hệ tương tác hai chiều: cách viết mới đòi hỏi cách đọc mới và ngược lại. Lại cũng nhà thơ Mai Văn Phấn nói rất có lý: “Quá trình vượt thoát khỏi những quan niệm cũ không chỉ đặt ra cho các nhà thơ mà cho cả người đọc. Phải là cuộc song hành, đồng bộ, nhà thơ và bạn đọc mới có thể gặp nhau, cùng kích hoạt những tác phẩm văn học có giá trị”[6]. Học tập, tiếp thu nhiều trường phái, khuynh hướng và phương pháp sáng tác của thi ca thế giới, nhiều nhà thơ Đổi mới đã mạnh mẽ đổi mới cách nghĩ, cách viết, chủ yếu theo hướng hiện đại chủ nghĩa và trào lưu hậu hiện đại chủ nghĩa.
4. Những cách tân trong quan niệm, tư tưởng nói trên đã tạo nên những thay đổi về chất trong hình tượng cái tôi trữ tình. Khác với cái tôi sử thi trong thơ cách mạng, giờ đây, hiện diện trong thơ thế hệ Đổi mới là một hình tượng cái tôi đa dạng và không dễ khuôn vào một số mô tả giản lược.
Trước hết, cái tôi ấy luôn ý thức về mình trong tư cách kẻ hành nghề sáng tạo. Sáng tạo đúng nghĩa luôn đòi hỏi ở người nghệ sỹ khả năng “gây hấn”, “nổi loạn” - với truyền thống, với chính mình - nhằm chống lại những giá trị thẩm mỹ đã trở nên lỗi thời và để xây dựng những chuẩn mực giá trị mới. Tư tưởng này từng xuất hiện trong thời Thơ mới, đặc biệt trong những “tuyên ngôn” của Trường Thơ Loạn và nhóm Xuân Thu nhã tập. Tuy nhiên, với các tác giả Thơ mới, cái tôi thi nhân này chủ yếu hiện diện với tư cách kẻ tìm kiếm cái đẹp thi vị, nên thơ, được lý tưởng hóa theo con mắt của chủ nghĩa lãng mạn. Nhận thức về cái tôi của các nhà thơ Đổi mới đương nhiên càng rất khác so với thế hệ nhà thơ chống Mỹ. Trong thơ thời chống Mỹ và thơ kháng chiến nói chung, tiếng nói nhà thơ là tiếng nói tư tưởng đại diện cho Cộng đồng, Dân tộc, Lịch sử chứ không phải của cá nhân, cá thể. Nội dung tư tưởng chính trị - chứ không phải những tìm tòi hình thức thơ - mới là cái được coi trọng, đề cao. Được hậu thuẫn bởi bối cảnh lịch sử, văn hóa thời Đổi mới, các nhà thơ Đổi mới trước hết đề cao cá tính sáng tạo của nghệ sỹ. Khi ý thức Viết là Sáng tạo, họ đã coi đó chính là con đường để đến với hiện thực, với sự thật đích thực và sâu rộng của đời sống nhân sinh và đời sống nghệ thuật, qua những nỗ lực cách tân và tìm tòi không ngừng của cá nhân người viết. Chính vì vậy, trong một bài thơ mang tính tuyên ngôn, Nguyễn Lương Ngọc đã quyết liệt kêu gọi: đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu (Hội họa lập thể). Mai Văn Phấn quan niệm Viếtchính là hành động rời bỏ đám đông đồng thời cũng là hành động rời bỏ chính mình. Đó là một quá trình liên tục “vong thân” với những bước ngoặt trong tư tưởng mĩ học nhằm hướng đến bản chất sáng tạo. Còn Inrasara, nhận thức về sức mạnh cội nguồn trong mối quan hệ với thế giới hiện đại đã cho ông ý thức sâu sắc hơn về sứ mệnh nhà thơ, người canh giữ ngôn ngữ - linh hồn dân tộc mình: “Không ai hát thay cho chúng ta/ nơi đây và lúc này/ cả hôm sau/ có lẽ/… Bởi/ không còn ai đến thay thế chúng ta” (Không ai có thể hát thay chúng ta).
Từ đây, cái tôi thời Đổi mới luôn được ý thức như một thế giới tinh thần cá nhân hết sức đa dạng, phong phú. Đấy cũng là một cái tôi đầy dự cảm lo âu về sự tồn tại bản thể. Thơ Dương Kiều Minh vừa phản chiếu cái tức thời của đời sống cá nhân trong những thời khắc cụ thể, vừa có khả năng trừu xuất khỏi chính nó, vượt thoát ra ngoài nó, để nghiệm sinh thấm thía hơn, thương cảm hơn về thân phận con người: Đời con thưa dần mùi khói/ mẹ già nua như những buổi chiều/ Lăng lắc tuổi xuân/ lăng lắc niềm thôn dã/ bếp lửa ngày đông/ Mơ được về bên mẹ/ ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa/  bậc thềm giàn giụa trăng mỗi tối/ Bên những hoàng hôn loang lổ gò đồi/ mùi bạch đàn xộc vào giấc ngủ (Củi lửa - Dương Kiều Minh)
Không khép mình trong những tâm sự cá nhân, cái tôi ấy luôn ý thức về bản thân trong mối quan hệ đầy ưu tư và trở trăn với cội rễ lịch sử, văn hóa, đời sống tinh thần dân tộc:
Tổ tiên tôi thức quá lâu tôi lại ngủ quá lâu
Trong trầm vọng kèn hơi những họng người đã rách
Bầy lúa nước vừa mang thai vừa than thở
Với lũ cá rô đồng đang khao khát mọc chân
Tôi là con chim thay lông muộn và đang tập giọng bằng cặp mỏ mềm còn ứ đầy máu loãng
Trong niềm rời rạc hân hoan của nhịp trống chân trời
Đợi bài ca sinh ra từ những hạt cơm vương trong chân cỏ dại
Từ quả trứng buồn vừa bóc vỏ thời gian
                                                (Bài hát - Nguyễn Quang Thiều)
Đề cao tiếng nói cá nhân, các nhà thơ Đổi mới đặc biệt đề cao tiếng nói bản năng, vô thức, tâm linh. Trong thơ chống Mỹ, quan niệm này triệt để vắng bóng và hết sức dễ hiểu lý do nếu ta đặt trong bối cảnh chiến tranh và quan niệm thơ thời chiến. Trong Thơ mới, Hàn Mặc Tử chỉ là một trường hợp cá biệt. Còn cái mơ hồ trực giác trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương,... cũng chỉ nhằm để tăng thêm cái thi vị của tâm trạng, xúc cảm. Xuân Diệu, người được Hoài Thanh xem là “nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại”[7], dù có nói: Ai đem phân chất một mùi hương, thì trên thực tế, yêu cầu phân tích, cắt nghĩa tường tận, rành mạch ở ông là điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ. Ngược lại, các nhà thơ Đổi mới quan niệm về vô thức như một cõi mênh mông hoang dại và bí ẩn của hiện thực cần chiếm lĩnh. Hơn thế, họ còn ý thức về vô thức, trực giác như một phương tiện sáng tạo đầy hiệu quả để chiếm lĩnh cõi vô thức, cái hiện thực tinh thần quá đỗi rộng lớn và khó có thể tái hiện bằng thứ ngôn ngữ nào khác ngoài chính nó. Điều này khiến việc “đọc” thơ họ trở nên đầy khó khăn với nhiều độc giả. Thơ Nguyễn Bình Phương là một ví dụ. Có thể nói, thơ ông có một thứ “ngôn ngữ” đầy khác thường, thứ ngôn ngữ của mộng mị, của những ảo giác hoang lạ chập chờn: Chết làm ngôi sao đen/ Nằm trên giường bình yên bí ẩn/  Chết không thở cùng hoa/ Thở cùng người đàn bà xa lạ/ Ở trong khu rừng ma/  Có những con hươu ma/ Chết nở một nụ cười sáng nhẹ/ Chẳng vĩnh biệt em chẳng vĩnh biệt ai/ Từ tốn mơ màng/ Bông cải cúc ra đi  (Nhẹ - Nguyễn Bình Phương).
 Mơ mộng, tưởng tượng và linh cảm như là biểu hiện cụ thể của thế giới siêu thực cũng xuất hiện khá dày trong thơ Mai Văn Phấn. Từ những cảm giác, trạng thái cá thể của cái tôi nhà thơ, chúng đã được đẩy tới thành một trạng thái phổ quát của thế giới, trong đó, mọi trật tự thông thường đều bị đảo lộn. Hiện diện trong thơ tác giả này là một thế giới “xô lệch” dị thường:
 Áo khoác kêu thất thanh khi đi qua bàn tủ. Máy điện thoại im lìm ngủ. Chiếc kẹp ghim mở miệng cố giấu đi móng vuốt. Cán chổi móc vào tay người lao công, kéo chị ta về bên hố rác. Vành mũ trên đầu kêu thảng thốt, rồi cúi xuống rỉa hết mặt nhân viên bảo vệ. Không ai mở cổng. Nhiều người vẫn tìm được lối đi vào.
                                            (Biến tấu con quạ - Mai Văn Phấn)
Dĩ nhiên, đấy là một sự đảo lộn cố tình. Sự “đảo lộn” trật tự bề mặt này nhằm hướng tới mục đích nhận thức và diễn tả một trật tự khác, ở bề sâu của nó, nơi tồn tại những cảm giác siêu nghiệm không thể kiểm chứng bằng kinh nghiệm nhưng lại được “chứng ngộ” bởi trực giác, tâm linh. Khi đó, nói theo cách của Nguyễn Quang Thiều, thế giới đã được “phát hiện lại” từ một con mắt mỹ học khác:
Bàn tay chúng ta chuyển động. Không. Cái ly chuyển động. Không. Rượu chuyển động. Không. Đôi chân chúng ta chuyển động. Không. Con tàu chuyển động. Không. Nhà ga chuyển động. Không. Thành phố chuyển động. Không. Con cá bơi. Không. Nước bơi. Không. Dòng sông bơi. Không. Con chim bay. Không. Cái cây bay. Không. Bầu trời bay. Không. Tất cả không. Chỉ cái chết chuyển động. Và mang theo chúng ta.
                           (Trò chơi của ảo giác - Nguyễn Quang Thiều)
5. Về mặt kết cấu, phổ biến trong thơ thế hệ Đổi mới là kiểu kết cấu mở. Đấy là một kiểu kết cấu hiện đại, ở đó bài thơ được tổ chức như một cấu trúc vận động, không mang tính hoàn tất, khép kín về nghĩa như trong kết cấu truyền thống. Có thể nhận diện kết cấu mở qua một số đặc điểm sau: cố ý mờ hóa sự xuất hiện của cái tôi trữ tình trên bề mặt văn bản; câu chữ, hình ảnh được lắp ghép một cách như là ngẫu nhiên, phi logic, tạo nên nhiều “khoảng trắng” trong xúc cảm và liên tưởng; bài thơ thường được tổ chức theo hướng vận động của vô thức, trực giác,... Rõ ràng, đây là kiểu kết cấu rất khác so với trước đó. Trước đó, bị chi phối bởi hình thức trữ tình trực tiếp, nhằm giãi bày “chân thực” và “thiết tha” tâm trạng, cái tôi trữ tình thường được đẩy lên bề mặt văn bản với đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất. Đồng thời, các yếu tố kết nối ngữ nghĩa, ngữ pháp cũng được sử dụng phổ biến nhằm đem lại sự rành mạch, sáng rõ trong xúc cảm và diễn đạt, dễ dàng tạo nên sự truyền cảm và đồng cảm. Có thể thấy rõ điều này khi ta so sánh Mưa xuân (Nguyễn Bính), Vội vàng (Xuân Diệu), Hai sắc hoa ti gôn (TTKH), Việt Nam, máu và hoa (Tố Hữu), Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật),... với Hồi tưởng (Nguyễn Quang Thiều),Biến tấu con quạ (Mai Văn Phấn), Liên bút từ sen Huế (Nguyễn Lương Ngọc), Tiếng địch (Dương Kiều Minh), Nhẹ (Nguyễn Bình Phương), Nơi chốn trong sự ra đi (Trần Tiến Dũng),... Dĩ nhiên, kiểu tổ chức văn bản này luôn gây ra những hiệu ứng ngược chiều. Một mặt, nó khiến người đọc thực sự hoang mang khi muốn quy tụ mọi hình ảnh, câu chữ chừng như tứ tán, hỗn loạn vào một ý nghĩa đơn nhất, khép kín. Mặt khác, nó “giải phóng” óc liên tưởng, tưởng tượng, “vẫy gọi” những cách lí giải đa chiều về tác phẩm.
Tương ứng với những đổi mới trong tư duy, chất liệu và bút pháp tạo hình trong thơ các tác giả thế hệ Đổi mới cũng có những đổi thay đáng chú ý. Thay vì các chất liệu thi vị hóa theo kiểu “trăng hoa mộng ngọc” trong Thơ mới hay hiện thực đời sống công nông binh trong thơ kháng chiến, giờ đây, họ sử dụng nhiều hơn các chất liệu đời thường. Không ngẫu nhiên mà trong thơ Nguyễn Quang Thiều xuất hiện phổ biến hệ sinh vật “cấp thấp” hiếm gặp trong thơ trước đó, chẳng hạn ốc sên, rắn, chó, mèo, chuồn chuồn, cào cào,…; những sự vật, sự việc bình thường, thậm chí tầm thường trong thơ Mai Văn Phấn: chiếc tất, buồng chuối, tiếng giã giò, ăn dưa hấu, ăn bánh, tắm biển, xem tivi,…; hoặc đời sống đường phố trong thơ Inrasara: bia 333, hát karaoke, say xỉn, bụng bia, ly đen, quán café, cô gái mười bảy bán bia ôm Sài Gòn,… Dù mục đích và cách sử dụng chất liệu có khác nhau, song chúng đều được nhìn qua lăng kính nhân sinh phổ quát và gắn liền với đời sống con người ở thì hiện tại.
Song hành và có phần “lấn át” chất liệu đời thực là các chất liệu “siêu thực”, những chất liệu dường như chỉ tồn tại trong giấc mơ và trí tưởng tượng hoang dại. Một thế giới của những khu rừng ma, con hươu ma, những con chim ngủ yên trong mặt trăng bằng nước, những ngọn nước rào rào chảy ngược, cơn giông trong suốt, bầy ngựa phi tím tái lưng trăng,... trong thơ Nguyễn Bình Phương hay những ảo giác kỳ dị, lạ lùng trong thơ Trần Tiến Dũng là những ví dụ: thời khắc trống trơn/ những trái vàng, xác bướm trên chiếc giường đêm tối đợi mưa/ trăng và những bước chân trần đi trên cỏ, trên ngọn cây/ trên dòng của tiếng thở dài chảy qua rừng lá bứt rứt/ và anh chực khóc/ khi loài sâu rục rịch rời vắng lặng (Giấc mơ - Trần Tiến Dũng)...
Chính bởi vậy mà phổ biến trong thơ của các tác giả này là xu hướng tạo hình theo lối siêu thực. Trong Những người đàn bà gánh nước sông, Nguyễn Quang Thiều đã tạo hình bằng cách xếp đặt những chi tiết tả thực đến trần trụi bên cạnh những hình ảnh phi thực lớn lao, tạo nên một hình tượng thơ kỳ vỹ:
Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Những người đàn bà xuống gánh nước sông
Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt
Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé nhỏ chơi vơi
Bàn tay kia bấu vào mây trắng
    (Những người đàn bà gánh nước sông - Nguyễn Quang Thiều)
Cũng có khi tác giả tạo hình bằng cách giấu mặt triệt để cái tôi trữ tình, đẩy đối tượng mô tả lên bề mặt văn bản, rút tỉa tối đa những chi tiết tả thực, và bằng thứ ngôn ngữ như là khách quan, tô đậm ấn tượng lạ lùng về “cái gì đó không thật” mà lại dường như không thế thật hơn của cõi sống. Với bút pháp tạo hình này, “khối động” nổi lên lừng lững như một bức tượng đài nhân sinh: Khối đá nắng/ ngang nhiên lối mòn treo/ ngang nhiên rút dây giày mở/ Ai kia/ lưng quảy đá/ lưng quảy rừng/ phủi thời gian và chồng xếp lại/ phía trước có gì đó không thật/ đẩy lối mòn phồng rộp/ đẩy đôi giày há mõm/ Ai kia (Khối động - Trần Tiến Dũng).
Thu nạp những phương pháp và kĩ thuật mới của thơ tượng trưng, thơ siêu thực, thơ tân hình thức, thơ thị giác,… nhiều tác giả Đổi mới không ngại tổ chức hình thức văn bản thơ theo những cách thức mà nếu so sánh với truyền thống, ta sẽ thấy hết sức khác thường. Chẳng hạn, câu chữ, hình ảnh có thể được tổ chức thành những dòng chảy ngôn ngữ miên man, liên tục, đan xen giữa nhiều cảm giác, hồi ức, linh cảm,… vô hạn vô hồi, không dấu ngắt, không ngừng nghỉ. Trong những câu/ dòng thơ này, dường như vô thức đã tìm thấy “hình hài” của chính nó:
… bức tượng trong vườn ngỡ bị trương lên bởi hơi ẩm mưa dầm quánh đặc tràn lỗ tai con chữ chết dính vào trang sách không rõ ràng cảm xúc văng vẳng cơn mơ tiếng cười lả câu đùa nửa thực nửa hư trong bóng râm mơ hồ muội ám gốc cây nhòa mái đình ngõ nhỏ người đi bóng dán xuống hai vệ cỏ liêu xiêu gợi nhớ bà nội đầu năm châm lửa thắp hương thoảng mùi diêm sinh bay từ chăn chiếu từ nhụy hoa đầy dấu chân ong…

                                       (Mười bài tập mùa xuân - Mai Văn Phấn)
Nhà thơ còn“tạo hình” bằng những khoảng trắng, khoảng trống được phân chia cố tình giữa văn bản. Hãy đọc/ xem trích đoạn văn bản mô tả âm thanh tiếng trống Ginang trong thơ Inrasara:
Say
Cuồng say cuồng say cuống say cuồng
Pagalaung pagalaung pagalaung
bay bay bay
xuyên qua không gian dội thời gian
bốn chiều vô lượng chiều
sôi trào vỡ đê tràn bờ
xé tan và quét
sạch sạch sạch
                                          (Lễ tẩy trần tháng tư - Inrasara)
Từ quan niệm về một đời sống hiện đại phức tạp, thậm phồn, xuất hiện trong thơ nhiều tác giả Đổi mới tiếng cười hài hước, giễu nhại. Ấy là tiếng cười xuất hiện khi con người phải đối mặt với một hiện thực đầy nham nhở, bất toàn, và cùng với điều đó là ý thức “phản tỉnh”, “hạ bệ”, “giải thiêng”. Thơ mới lãng mạn đương nhiên không thể có tiếng cười này. Ngược lại, thơ chống Mỹ, dù âm vang tiếng cười, nhưng tính chất tiếng cười sử thi này khác hoàn toàn so với tiếng cười giễu nhại trong thơ Mai Văn Phấn (Hôm sau), Inrasara (18 bài thơ tân hình thức và chuyện 40 năm mới kể), Trần Tiến Dũng (Bầu trời lông gà lông vịt)…
6. Bối cảnh văn hóa - xã hội của đất nước thời Đổi mới rõ ràng đã có tác động hết sức tích cực tới quá trình tìm tòi, cách tân của thế hệ nhà thơ Đổi mới. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng và tương tác trong nhiều hướng tìm tòi của nhiều thế hệ cầm bút song hành sau 1975 cũng tạo nên một không khí sáng tạo mạnh mẽ, hậu thuẫn và tiếp sức cho các tác giả Đổi mới. Tất nhiên, trong lĩnh vực hoạt động sáng tạo, tài năng và bản lĩnh thi sỹ/ nghệ sỹ mới là yếu tố quyết định.
Có thể khẳng định, trong thơ thế hệ Đổi mới đã xuất hiện một kiểu tư duy mới, hiện đại. Đây là một điều hết sức ý nghĩa, bởi theo tôi, tư duy thơ chính là yếu tố căn bản tạo nên sự khác biệt như một giá trị phải có giữa các thế hệ nhà thơ (và các loại hình thơ), xác nhận sự hiện diện và đóng góp của mỗi thế hệ trong lịch sử. Nói vậy không có nghĩa là chỉ đến các tác giả Đổi mới mới xuất hiện kiểu nhận thức - sáng tạo này. Thực ra, dấu vết của nó đã xuất hiện trong sáng tác của một số tác giả Thơ mới giai đoạn hậu kỳ như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh,... Ta cũng có thể thấy sự hiện diện của kiểu tư duy hiện đại này trong sáng tác của Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Hoàng Hưng,... hay nhóm Sáng Tạo (trong thơ Miền Nam trước đó). Điều này cho thấy một sự kế thừa và phát triển, sáng tạo mang tính quy luật của sự vận động văn học. Cũng cần phải nói thêm rằng, dù gặp nhau theo hướng phương Tây hóa thi pháp, cụ thể là theo hướng hiện đại chủ nghĩa và trào lưu hậu hiện đại chủ nghĩa, song mỗi tác giả có những quan niệm và hướng đi khác nhau và điều này đã tạo nên ở mỗi cây bút một dấu ấn cá tính sáng tạo riêng, độc đáo. Bên cạnh việc tích cực tiếp thu, học hỏi các khuynh hướng và trường phái thơ hiện đại trên thế giới, nhiều tác giả thế hệ Đổi mới cầm bút với ý thức và tinh thần tự tôn dân tộc mạnh mẽ. Bản lĩnh và nội lực cũng như khát vọng hướng đến cái đích xây dựng một nền thơ Việt hiện đại phát triển, hội nhập với thi ca thế giới đã cho họ nguồn năng lượng sáng tạo thực sự mãnh liệt và đa dạng.
Tuy nhiên, về thơ cách tân nói chung, đặc biệt những tìm tòi, sáng tạo trong thơ của các tác giả thuộc thế hệ Đổi mới, không phải luôn nhận được những ý kiến đánh giá đồng thuận và ủng hộ. Có lý do khách quan về phía tác giả, tác phẩm. Không phải tác giả thuộc thế hệ Đổi mới nào cũng thực sự đổi mới và ngay trong sáng tác của những tác giả được xem là có nhiều thành tựu, cũng không hiếm những bài mới dừng lại ở mức độ thể nghiệm. Giữa những tuyên ngôn “lý thuyết” và sáng tác nhiều khi chưa tương xứng, còn không ít tác phẩm chạy theo cái mác “cách tân”, mang tính “đánh đố” về mặt kỹ thuật, hình ảnh, ngôn ngữ,… Song cũng rất cần chú ý tới nguyên nhân thuộc phía chủ quan người đọc. Ngoài những lý do như sở thích cá nhân, kinh nghiệm, trình độ thẩm mỹ,... sự khác biệt, thậm chí đối lập trong tư duy nghệ thuật của độc giả là nguyên nhân chính khiến việc đọc/ lý giải một đối tượng khác “gu”, khác quan niệm trở thành bất khả. Đứng từ những hệ hình tư duy khác nhau, những quan niệm thẩm mỹ khác nhau, rất khó để đối thoại một cách khách quan, bình đẳng.
7. Cùng với những thế hệ tác giả sau 1975, thế hệ nhà thơ Đổi mới đã tạo nên một không gian thẩm mỹ mới, vượt ra khỏi từ trường thơ truyền thống, giúp đa dạng hóa không gian thẩm mĩ của thơ Việt Nam đương đại và góp phần hình thành thị hiếu tiếp nhận thẩm mỹ mới, hiện đại. Sự khác biệt giữa các thế hệ nhà thơ, xét cho cùng, nằm trong sự khác biệt của loại hình tư duy. Sự khác biệt ở đây chính là một giá trị, nó khẳng định sự đóng góp của mỗi thế hệ cầm bút vào sự phát triển của lịch sử thi ca. Bởi vậy, tìm hiểu tư duy thơ Việt Nam hiện đại trên cứ liệu sáng tác của các thế hệ cầm bút là một vấn đề cần phải được nghiên cứu, mô tả, lý giải sâu hơn. Bài viết này mới chỉ là một phác thảo sơ lược.




Nguồn: Thế hệ nhà văn sau 1975 (kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức). 


Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU-2017, tác giả PHẠM MINH TRỊ





MÙA XUÂN NHO NHỎ - ƯỚC NGUYỆN LỚN LAO



Thanh Hải tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, sinh năm 1930 và mất năm 1980. Ông quê ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Bài thơ này được ông viết trước khi qua đời không lâu, thể hiện niềm tha thiết yêu cuộc sống, đất nước, con người và ước nguyện cống hiến của mình.
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ đã từng được phổ nhạc và rất nhiều người yêu thích. Riêng điều đó cũng phần nào khẳng định giá trị của bài thơ, đặc biệt về tính nhạc của nó. Mở đầu bài thơ là không gian thơ mộng, có dòng sông nước trong xanh, có sắc màu tím biếc của hoa giữa dòng và tiếng chim chiền chiện rộn rã, hối thúc, vang vọng khắp bề rộng và chiều cao của không  gian mênh mông đầy sức sống: Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng. Câu chữ vừa cất lên, tình người đã chan hòa, đằm thắm, rộn ràng, rạo rực. Bởi khí xuân, gió xuân và cả dòng nhựa xuân đương lưu chuyển trong mỗi con người. Chợt nhớ tới cũng âm thanh tiếng chim chiền chiện trong Thăm lúa của Trần Hữu Thung ở những năm khi hai miền Nam Bắc còn có sông Bến Hải chia cắt đau thương. Khi ấy, tiếng chim cũng cất cao nhưng lảnh lót vút lên như một ánh sao báo hiệu niềm tin chiến thắng. Còn âm thanh tiếng chim của Thanh Hải giờ đây bao trùm cả chiều rộng, chiều cao và trong cả sâu thẳm của tâm tưởng. Vì thế tác giả mới nhìn thấy: Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng. Một phép hoán chuyển rất lạ và độc đáo. Chuyển từ vô hình sang hữu hình, từ không trọng lượng sang có trọng lượng, từ thính giác sang cảm giác, từ diện rộng không giới hạn sang cụ thể, nhỏ gọn (âm thanh – giọt – rơi ). Mùa xuân tràn đầy sức sống nên âm thanh cũng mang sắc màu lung linh, hấp dẫn (âm thanh – long lanh). Tác giả rất thính nhạy. Người đọc thấy rất rõ tấm lòng trân trọng đến mức tôn thờ của tác giả. Động từ đưa, hứng thể hiện rõ điều đó. Thông thường có thể viết: tôi giơ tay tôi hứng. Thái độ của đưa giơ khác nhau hoàn toàn. Một bên trân trọng, say mê, háo hức, chủ động; một bên thờ ơ, bình thường, vô tình, bị động.  Và người đọc nhận cảm rõ tấm lòng tha thiết, cuồng nhiệt của nhà thơ, sự trân trọng niềm yêu say rạo rực của tác giả đối với mùa xuân đất trời.
Tác giả yêu mùa xuân, say mê mùa xuân đến nỗi nghe được cái xôn xao, nhìn thấy được nhịp hối hả của mùa xuân. Dường như mùa xuân hiện diện ở khắp mọi nơi, từ trên tầng cao vũ trụ tràn xuống, toả bao lấy con người và cảnh vật ở dưới mặt đất. Tưởng như từng nhịp bước đi của mùa xuân tác giả đều cảm thấy, nhìn thấy. Mùa xuân đối với người cầm súng bảo vệ non sông đất nước được tác giả diễn tả bằng hình ảnh: Lộc dắt đầy trên lưng. Mỗi bước quân hành, mỗi chặng đường gian khó, người chiến sĩ đều mang mùa xuân theo. Và chính họ đã gieo mùa xuân cho mọi miền Tổ quốc. Với người nông dân, có niềm vui nào hơn mùa bội thu, gieo trồng vì thế mùa xuân có: Lộc trải dài nương mạ. Công việc chăm bẵm, cấy cày, trồng tỉa của nhà nông diễn ra trên đồng ruộng, nương rẫy  hàng ngày nên mùa xuân cũng theo về, song hành với họ. Mùa xuân đến với họ và họ cũng mang mùa xuân cho cuộc sống tươi trẻ ngập tràn. Mùa xuân về, từ chiếc lá nhỏ,  thớ vỏ đến con người, tiếng chim, từ dòng sông đến sắc biếc của hoa. Tất cả như bừng tỉnh, phấn khích bởi có một dòng nhựa tích tụ bật ra: Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao. Dường như từ ngữ, hình ảnh không thể diễn tả nổi sức sống diệu kỳ tươi rói mới mẻ rạo rực đang tí tách, phập phồng trong từng tế bào của người và vạn vật. Để diễn tả điều đó không gì bằng biện pháp so sánh kết hợp với từ láy (hối hả, xôn xao) vừa chỉ mức độ, vừa có tính tạo hình cao như tác giả đã dùng. Điệp ngữ tất cả – từ chỉ lượng toàn thể, khái quát – được lặp lại hai lần, cùng với biện pháp so sánh cũng được lặp lại hai lần. Và đặc biệt hơn ở cách dùng từ láy. Câu trên – hối hả – thanh trắc, chỉ hành động nhanh, gấp, liên tục. Câu dưới - xôn xao -  thanh không, chỉ biến thái trong tâm trạng cảm xúc. Rõ ràng sức sống mãnh liệt của mùa xuân len tận trong con người và tràn ra ngoài cảnh vật, từ trên xuống dưới, điệp trùng chồng chất, từ cảnh vật đến con ngưòi đều như bừng dậy, sảng khoái như có một luồng sức sống diệu kỳ đang hối thúc. Cái hay của hai câu thơ ở sự tự nhiên, tự nhiên từ câu chữ đến giọng nhịp, từ cách hòa kết nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ. Vì thế người đọc cảm nhận rõ hơi xuân, khí xuân, sắc xuân và đặc biệt sức bật của sức xuân lan toả cứ tràn ra từ câu chữ.
Do sức hút không thể cưỡng của mùa xuân mà tác giả tự nguyện cống hiến: Ta làm con  chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hoà ca/ Một nốt trầm xao xuyến. Ở đây ngoài biện pháp điệp từ còn có cả biện pháp ẩn dụ, hoà xen. Vừa nhấn mạnh ý thơ vừa tạo sự suy nghĩ sâu sắc cho người đọc. Sự tự nguyện đem đến cho đất trời và cả lòng người (chim – hoa – hoà ca – nốt trầm) cái phần tinh hoa nhất của mình đã được tích tụ từ lâu. Nhà thơ khiêm tốn nói: Lặng lẽ dâng nhưng không kém rạo rực, hối hả cho đời. Đâu phải nho nho cả cuộc đời, cả thân phận, cả tâm hồn và thể xác ước nguyện dâng cho đời để làm Đời đẹp hơn, Xuân hơn, tình nghĩa hơn. Tác giả ước vọng, sự tự nguyện trong mỗi con người sẽ trở thành nét đẹp văn hoá trường tồn như mùa xuân của đất trời (Câu Nam ai, Nam bình – Nước non ngàn dặm – Nhịp phách tiền đất Huế). Mỗi chúng ta đều có một mùa xuân nho nhỏ song ước vọng cống hiến lớn lao vô cùng.






Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU-2017, tác giả ĐỖ THỊ THU HUYỀN





ĐỘI NGŨ NHÀ VĂN TRẺ
NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM
 


1.  Phát hiện và khơi dòng
Hiện nay, văn học dân tộc thiểu số hiện đại từng bước có những vận động mạnh mẽ và đa diện. Thế hệ đặt nền móng và thế hệ sung sức của thế kỷ trước đã hoàn thành sứ mệnh một cách xuất sắc, những tác giả của thời kỳ đương đại, đặc biệt là lứa những tác giả trẻ 7X, 8X đang trên đà khẳng định mình và một lứa các cây viết thế hệ 9X đang tiếp nối bước chân của bậc cha anh trên con đường sáng tạo đầy nhọc nhằn.
Muốn có được những mùa bội thu thì lẽ dĩ nhiên phải gieo trồng, ươm mầm. Văn học dân tộc thiểu số ngoài việc cần được tập trung hơn nghiên cứu và giới thiệu nhiều hơn nữa đến với độc giả, thì công tác bồi dưỡng và phát hiện những tác giả trẻ cần được chú ý và đẩy mạnh trên nhiều phương diện, bằng nhiều phương thức. Giai đoạn hiện tại, các trại sáng tác, các cuộc hội thảo tọa đàm, các ấn phẩm công bố và trao đổi sáng tác đã và đang làm tương đối tốt việc phát hiện và khơi dòng cho những sáng tác trẻ dân tộc thiểu số; đồng thời có vai trò quan trọng trong việc kết nối trao đổi kinh nghiệm sáng tác giữa các tác giả cùng thế hệ và khác thế hệ với nhau. Từ những diễn đàn đó, các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số khắp cả nước có cơ hội giao lưu, gặp gỡ và thu nhận kiến thức; ý thức rõ rệt hơn về trách nhiệm và đặc biệt là củng cố những say mê và hứng khởi cho hành trình đi và viết của mình.
Văn học dân tộc thiểu số thời kì đương đại xuất hiện sự phân hóa sâu sắc giữa các khuynh hướng, giữa các thế hệ. Bên cạnh những tác giả thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba đã thành danh với nhiều cống hiến được ghi nhận, những người tác giả trẻ đã và đang là niềm hy vọng mới cho văn học dân tộc thiểu số. Họ có thể sẽ đại diện cho cả một thế hệ những người viết trẻ có khả năng làm thay đổi diện mạo của văn học dân tộc thiểu số. Họ không hề tỏ ra thua kém trước sự phát triển rầm rộ của văn học đương đại và những xu hướng mới du nhập với trình độ ngoại ngữ, sự đào tạo bài bản và quan trọng hơn nữa là ý thức dấn thân và không ngại đổi mới. Có những tác giả bước vào độ chín của sáng tác, phong cách định hình khá rõ rệt, nhiều tác giả có những triển vọng đi xa và quyết liệt như Bùi Thị Tuyết Mai (Mường), Đinh Thị Mai Lan, Bế Phương Mai, Nông Thị Tô Hường, Hoàng Chiến Thắng (Tày), Hoàng Thanh Hương (Mường), Niê Thanh Mai (Êđê)... và những tác giả trẻ sau này như Phạm Văn Vũ, Ngô Bá Hòa (Tày), Tuệ Nguyên (Chăm)... Điểm chung của những sáng tác trẻ của dân tộc thiểu số là sự ý thức thường trực về một bản sắc cần lưu truyền cộng hưởng với khả năng đổi mới hòa nhập vào dòng chảy văn học đương đại nhưng không phải là không định hướng một sự khẳng định chính mình.
Những năm đầu thế kỷ XXI chứng kiến sự xuất hiện rầm rộ của văn học các dân tộc thiểu số, cả khu vực Đông Bắc, Tây Bắc đến Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Các tuyển tập ghi dấu ấn bởi sự công phu, chọn lọc (Những chiếc lá Chu đồng - Thơ Mường đương đạiCây hai ngàn lá, Văn học Chăm hiện đại,  Tuyển tập thơ, truyện ngắn Bắc Kạn (2000-2010), Một thế kỷ văn thơ Lào Cai, Thơ dân tộc và miền núi đầu thế kỷ XXI)... Nhiều nhất, phong phú hơn cả phải kể đến sự ra đời các tác phẩm của cá nhân thuộc thế hệ trẻ, với hai hình thức xuất hiện: thứ nhất là xuất bản và phát hành theo cách truyền thống: in tại các nhà xuất bản, đăng trên báo, tạp chí và hình thức được nhiều tác giả trẻ sử dụng khá phổ biến là đăng tải trên báo và tạp chí mạng, facebook và website cá nhân.
Đội ngũ tác giả trẻ người dân tộc thiểu số còn có sự chưa cân đối trên các vùng miền, số lượng tác phẩm xuất bản nhiều vẫn thuộc về những dân tộc vốn có truyền thống và bề dày thành tựu văn học. Ngoài dân tộc Tày, tín hiệu đáng mừng là đội ngũ những tác giả kế cận của các dân tộc như Dao, Mường, Thái, H’mông, Nùng, Ê đê, Chăm... cũng bắt đầu khẳng định được bản lĩnh sáng tạo của mình để tiếp bước thế hệ trước; và thậm chí có những dân tộc lần đầu xuất hiện một cách tự tin như Cao Lan… Theo nhà văn Linh Nga Niêkđam, những thế hệ kế cận các “liền chị 8X” rất đáng kỳ vọng: đầu tiên là hai gương mặt Êđê (duy nhất của khu vực miền Trung và Tây Nguyên) tốt nghiệp lớp Đại học viết văn từ sự phối hợp của Hội Nhà văn Việt Nam và Trường ĐH VHNT Quân đội là H’Phi La Niê (văn xuôi) và H’Wê Ra Êban (thơ). Tiếp đến là những truyện ngắn hồn nhiên mà bước đầu đã có tính cách riêng của Hồng Nhật Ya Lan (M’nông)… rồi những Đinh Su Giang, Y Việt Sa (Xê Đăng – Hội viên Hội VHNT Kon Tum), H’Xíu H’Mok, H’Siêu Êban (Êđê – Hội viên Hội VHNT Dak Lak)… và sẽ còn nữa, từ những ươm gieo trên bàn tay nâng niu chăm bẵm của các lớp văn nghệ sĩ đi trước(1).
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai trong bài viết Mấy vấn đề bồi dưỡng tác giả văn học nghệ thuật trẻ người dân tộc thiểu số có dẫn ra số liệu về tình hình các tác giả dân tộc thiểu số: với 945 hội viên thì có 45 tác giả trẻ dưới 35 tuổi (Nguồn: Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2007-2014 và phương hướng nhiệm vụ phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2014-2019) trong đó bao gồm cả những tác giả người dân tộc đa số có sáng tác về miền núi. Ở các trại sáng tác hay những lớp bồi dưỡng của các địa phương xuất hiện ngày càng nhiều những gương mặt trẻ đáng chú ý. Tuy tuổi đời mới ngoài hai mươi, trong số đó nhiều em chưa phải hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, tuy thế đã có những dấu hiệu cho thấy một sức viết mới lạ như: Triệu Hoàng Hiếu, Vy Thị Ngọc Hằng, Trịnh Thị Thứ, Lâu Văn Mua, Lý Thị Thảo…
Lứa những tác giả thế hệ 7X, 8X vẫn có sự chênh lệch vùng miền, dân tộc nhưng giai đoạn hiện tại dù chưa lấp hết những khoảng trống đó thì sự xuất hiện của những tác giả dân tộc “hiếm” tác giả văn học như Cao Lan, Xê đăng, M’nông… đem đến những tín hiệu lạc quan, như một minh chứng cho sự trỗi dậy của một lứa các cây viết khi được chú trọng đào tạo bài bản và quan tâm bồi dưỡng. Thời đại kết nối toàn cầu, những tác giả trẻ luôn trong tâm thế sẵn sàng nhập cuộc và sẵn sàng tìm đến chia sẻ cùng nhau, qua nhiều kênh thông tin. Chính tâm thế thoải mái, tự do công bố tác phẩm và sòng phẳng, công khai trong việc nhận phản hồi giúp các tác giả trẻ nhanh trưởng thành hơn, kịp thời tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý giá. Và việc kết nối không chỉ dừng ở các cá nhân với nhau, trong một ấn phẩm thuộc từng địa phương mà còn ở sự mở rộng theo khu vực (Chi hội nhà văn Sông Chảy…).
2.Từ sự đông đảo kỳ vọng về đa diện
Văn học dân tộc thiểu số thế kỷ XX với ba thế hệ nhà thơ đã có những đóng góp làm thay đổi không chỉ diện mạo văn học dân tộc thiểu số mà còn giúp định hình lại cách quan niệm về văn học dân tộc thiểu số. Sang thế kỷ XXI, đặc biệt là trong khoảng mươi năm trở lại đây chứng kiến sự trưởng thành cũng như sự bứt phá của nhiều cây bút dân tộc thiểu số trẻ. Số tác giả hiện nay khá đông đảo, trải dài từ các tác giả thuộc thế hệ thứ hai, ba đến các tác giả thuộc thế hệ 8X, 9X song song tồn tại và đều có những đóng góp không thể phủ nhận.
Thế hệ những tác giả thuộc 8X “đời đầu” đã thành danh và phủ sóng rộng rãi như Vi Thùy Linh, Hoàng Chiến Thắng (dân tộc Tày), Niê Thanh Mai (dân tộc Êđê)... thì lứa những tác giả trẻ, “muộn” hơn đôi chút nhưng cũng đã bắt đầu có những dấu ấn đặc biệt cho riêng mình: Lục Mạnh Cường, Phạm Văn Vũ, Nông Quang Khiêm, Lý Hữu Lương, Phạm Tú Anh, Ngô Bá Hòa, Lý A Kiều, Hà Thị Thu, Trần Mỹ Thương, Phùng Hương Ly…
Ngoài những gương mặt khá nổi bật kể trên, còn rất nhiều những tác giả đã và đang tìm cho mình một lộ trình để khẳng định cá tính riêng trong sáng tác. Đội ngũ đông đảo và sôi động hiện tại cho phép chúng ta kỳ vọng vào một lứa các tác giả cẩn trọng, vững vàng hơn trong tương lai, từ những Lương May Huyền, Dương Công Lương, Phạm Thanh Thắng, Triệu Hoàng Giang, Nguyễn Văn Toan, Triệu Hoàng Hiếu, Lâu Văn Mua…
Tuy nhiên, giữa một dàn đồng ca, tìm điểm sáng, nhất là trong sáng tạo văn chương không phải chuyện đơn giản và có thể vội vàng. Trong những khuôn mặt triển vọng của văn học dân tộc thiểu số, có một vài tác giả không nổi bật theo kiểu thu hút được truyền thông hay những sáng tác gây sự chú ý choáng ngợp, tò mò với độc giả đại chúng, mà chinh phục bạn đọc bằng sự điềm tĩnh, sắc sảo và không ngừng đặt cho mình những giới hạn cần vượt qua.
Mỗi tác giả trẻ luôn phải tự đặt mình trong những “ngưỡng” để bứt phá, định hình phong cách. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, phong cách nghệ thuật là một phạm trù thẩm mĩ, chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của một nhà văn, trong tác phẩm riêng lẻ, trong trào lưu văn học hay văn học dân tộc. M.B. Khrapchenko cho rằng phong cách “cần phải được định nghĩa như phương thức biểu hiện cách chiếm lĩnh hình tượng đối với cuộc sống như phương thức thuyết phục và thu hút độc giả”(2).  Xem xét những đặc điểm trong cá tính sáng tạo của nhà văn, cách nhìn, cách biểu hiện của nhà văn đối với thế giới trong hành trình sáng tạo của những tác giả đạt được nhiều thành tựu như Nông Quốc Chấn, Vi Hồng, Y Phương, Triệu Kim Văn, Kim Nhất, Cao Duy Sơn, Lò Cao Nhum…, ta thấy được cái nguyên tắc xuyên suốt, nhất quán trong xây dựng hình thức nghệ thuật, đem lại cho tác phẩm một tính chỉnh thể, một giọng điệu và sắc thái thống nhất. Trong tiến trình văn học hiện đại dân tộc thiểu số, có nhiều tác giả đã và đang tạo được những bản sắc riêng cho sáng tác của mình, cũng như ghi dấu ấn sâu đậm, có sự ảnh hưởng lớn đối với thế hệ sau, bởi lẽ “các tác giả văn học lớn là những nhà tư tưởng, là người báo hiệu, mở đường cho một thời đại”(3)
Có thể kể ra không ít những sự thú vị trong cách viết của lớp các tác giả trẻ dân tộc thiểu số hiện tại. Ngô Bá Hòa sau thành công với thể loại thơ thiếu nhi đã ngày càng thể hiện một bút lực vững vàng, chững chạc. Gần đây là Cánh đồng cỏ úa với những nét vẽ sắc sảo hơn, những xúc cảm giản dị mà nhiều gợi mở. Hòa cũng dần từ bỏ lối viết thẳng hàng ngay ngắn như khi viết cho thiếu nhi để tìm cho mình những cách biểu đạt tự do phóng túng và nhiều ngẫm ngợi hơn:
Chạy đua với thời gian níu chút sức tàn nâng niu kỉ vật…
đồng đội cha chưa bao giờ mất, thân thể nương náu chốn hư vô, linh hồn về nơi cha đoàn tụ.
Không bia, không mộ, kỷ vật hóa nghĩa trang xây đắp bằng thương nhớ
Rộng như tâm hồn người lính, dài hơn mọi cuộc chiến chinh.
Nông Quang Khiêm cũng là một tác giả trẻ thành công ban đầu với thơ thiếu nhi, chính từ óc quan sát nhạy bén và cái nhìn tinh tế ấy, những truyện ngắn của Khiêm cũng chiếm lĩnh được tình cảm của bạn đọc bởi sự thông minh, hóm hỉnh (Rừng Pha Mơ yêu dấu). Không bó buộc mình vào một thể loại duy nhất là cách mà nhiều tác giả trẻ lựa chọn như Lục Mạnh Cường, Lý Hữu Lương, Phùng Hải Yến… Gió từ phía mặt trời của Lục Mạnh Cường đầy tính nhân văn dù môtip quen thuộc, Nàng Hương nửa hư nửa thực vấn vít tâm trí người đọc hệt như cách anh lồng ghép những lời then Khảm hải vào trong mạch chính của câu chuyện về thân phận nàng Va. Cái kết của truyện buồn và ám ảnh. Trong khi đó, cũng khai thác phong tục của người dân tộc thiểu số, Kiều Duy Khánh – một tác giả người Kinh cũng mang đến cái nhìn thú vị và lựa chọn được những tình tiết đắt khi nói về phong tục dân tộc trong Chiếc vòng bạc vía. Truyện ngắn Triệu Hoàng Giang cần thêm sự nhấn nhá cho câu chuyện lôi cuốn hơn. Ưu điểm của cây bút này là nhiều chi tiết và nét đẹp trong cuộc sống vùng cao nhưng cần một mạch chính xâu chuỗi để tác phẩm có nét riêng hơn. Giang cũng bắt đầu có sự duyên dáng khi kể với Hoa lửa, Chim đón dâu… Trong các tác giả trẻ gắn bó với văn xuôi, Lý A Kiều bước đầu tạo được sự chú ý khi lựa chọn một lối viết dung dị, dễ đồng cảm. Tình cảm vợ chồng quý giá hơn cả sinh mạng trongChuyện dưới núi Ka Lum, những ký ức gắn bó theo suốt cuộc đời qua tấm Khăn trải bàn… có thể neo lại những thiện cảm nơi bạn đọc.  
Ở thể loại ký và tản văn, thu hút sự thử sức của hầu hết các tác giả viết văn xuôi, tuy nhiên thành công đến với ít người. Chúng ta đã được thưởng thức những trang viết nhiều trăn trở của Linh Nga Niêkđam với Đi tìm hồn chiêng, Nxb. Văn nghệ Quân đội 2003;Trăng Xí Thoại, Nxb.VHDT 2004, Nhân danh ai, Nxb. Quân đội, 2008; mang đến một cái nhìn phong phú, đa chiều về bản sắc văn hóa Tây Nguyên và cả những đổi thay khi con người nơi đây đối mặt với di cư, hòa trộn văn hóa. Hay như Mã A Lềnh - một tác giả xuất sắc của văn học dân tộc thiểu số không chỉ bởi những vấn đề phong phú, cập nhật được đề cập mà còn bởi phong cách viết bút ký tự nhiên, hấp dẫn, từ những câu chuyện thường ngày như Chúng tôi làm nghề rừng ở Phúc An, Ríu rít một mái trường, Nông dân phải ở ruộng nương, Ghi ở Ngài Thầu… đến những vùng đất với nhiều bí ẩn, độc đáo trong Huyền thoại Nà Rin, Chuyện bí ẩn về đá… đều một chất giọng gần gụi, dễ hiểu, lượng thông tin chính xác và súc tích. Đến nay, thế hệ trẻ tiếp bước cũng với một vài gương mặt tạo được dấu ấn riêng, tuy nhiên hành trình đi một chặng đường dài còn chờ đợi nhiều bứt phá.
Tản văn của Phùng Hải Yến mang lại dư âm trong người đọc bởi những đề tài được cẩn thận chọn lựa. Tuổi thơ là một nhân chứng, là một cái cớ đẹp đẽ để yêu quê hương. Với Phùng Hải Yến, nhớ về tuổi thơ là những kỉ niệm gắn bó, khi thì là miếng bánh bò mẹ mua mỗi lần xuống chợ (Vị bánh bò tuổi thơ), khi thì là hình ảnh con dốc quê trên đường đi học: “Trong những giấc mơ ngày xa quê của tôi, cứ chập chờn khung cảnh sau con dốc, tôi mường tượng mình cũng vượt dốc, để lại thấy cảnh thanh bình trên miền quê rất đỗi thân thương của mình” (Con dốc quê); khi thì lại là hương vị dân dã của quán phở bà Mây mỗi lần đến phiên chợ (Phở chợ phiên)… Khi những giao thoa văn hóa, tiếp xúc cũ – mới khiến những biến động tâm hồn con người nảy sinh nhiều suy luận, ngẫm ngợi và lựa chọn. Thể ký, tản văn sẽ phù hợp để biểu hiện những ý tưởng, những cảm xúc thăng hoa trong tư tưởng riêng của từng tác giả. Con người một mặt vươn tới sự hòa nhập, một mặt níu giữ và khẳng định giá trị cá nhân, bởi thế ý thức về sự tồn tại của mỗi người (nói rộng ra là mỗi nền văn hóa) càng được đề cao và luôn được nhận thức lại.
  Không riêng gì người dân tộc thiểu số, cuộc sống tinh thần con người nói chung đang đứng trước những thách thức về sự pha trộn bản sắc, sự mai một đi vốn văn hóa truyền thống. Với các tác giả trẻ, khi dùng trang viết của mình để tái hiện, ngợi ca, cũng là cách níu kéo vốn văn hóa ấy. Giddens mô tả bản sắc như một công cuộc bởi ông cho rằng bản sắc là một cái gì đó mà chúng ta tạo ra, luôn luôn chuyển động, một sự chuyển động về phía trước chứ không phải việc đến đích. Nói như cách của Lò Ngân Sủn: “Dân tộc nào cũng có văn hóa, văn nghệ dân tộc mình - dù dân tộc đó lớn hay nhỏ, dân số nhiều hay ít”(4). Cách ông viết thể hiện rất rõ lối tư duy vùng cao:
Chúng tôi
Những người con của núi
Sống ào ào như thác đổ
Sống dữ dội như nước cuốn.
Sau đó vài thập kỷ, tác giả trẻ Sương Thu cũng ý nhị nhắn gửi:
Là con gái của núi
Phải biết nơi mình sinh ra
Bếp nào cũng lửa
Nhưng không phải khói đâu cũng là nhà.
(Con gái của núi)
Có thể thấy, không chỉ riêng với dân tộc thiểu số, khát vọng có được những độc đáo, đặc trưng riêng của từng tác giả trong một nền văn học giàu có luôn chính đáng, bởi sự rập khuôn sẽ dẫn đến xòa nhòa mọi nét độc đáo làm nên gương mặt riêng từng tác giả. 
3.  Nhập cuộc và hành trang để đi xa
Cũng như khi đánh giá về một tác giả trẻ tuy không phải người dân tộc thiểu số nhưng có những sáng tác hay về miền núi - Hoàng Anh Tuấn, người viết có nhấn mạnh, với người sáng tác, khi có tuổi trẻ, người ta dễ cho mình nhiều lựa chọn, nhiều đặc quyền - quyền được thử sức, được tung tẩy và được cả những vấp váp. Các tác giả trẻ người dân tộc thiểu số nhiều lúc tự cho mình quyền được bứt phá, được thử nghiệm, nhưng cái căn cốt nhất để đứng được và đi xa là sự tự trang bị và học hỏi để cho ra đời những tác phẩm từ cá tính sáng tạo của chính bản thân mình. Không màu mè, hoa mĩ là phong cách thường thấy ở lớp tác giả trước, tác giả trẻ người dân tộc thiểu số hiện nay tìm đến sự đa dạng về cách viết.
Chất liệu vẫn thế, ngôn ngữ - vỏ âm thanh cũng không có gì quá lạ lẫm, nhưng ai đi được bằng đôi chân của chính mình thì người đó tiến xa hơn. Thế hệ trước, từ những người mở đường như cố nhà thơ Nông Quốc Chấn đã viết những câu thơ hiện đại hóa, mới mẻ mà thời kỳ của ông khó ai sánh kịp. Sau này, lớp những tác giả tiếp nối và làm rực rỡ, tân kỳ, sôi động hơn cho nền văn học dân tộc thiểu số hiện đại đã tồn tại gần một thế kỷ như Y Phương, Cao Duy Sơn, Hà Thị Cẩm Anh, Inrasara, Lò Cao Nhum… đều gặp nhau ở lối viết dân tộc và hiện đại. Vẫn những tính tẩu, điệu páo dung, tiếng khèn, lời khan – khắp- cọi; vẫn cuộc sống chân tình của người miền núi; vẫn sự đa sắc của phong tục tập quán; vẫn tình yêu bền bỉ mộc mạc của trai gái vùng cao… mà thơ, truyện, ký đến cư trú, khai thác mãi không cạn nguồn.
Cái được và cũng là cái khó của lớp những người viết trẻ là ở đó. Thành tựu bề thế để học hỏi nhưng phải làm sao để không dẫm vào “vết chân những người khổng lồ”. Điều này nhiều tác giả đã và đang thực hiện được khi sáng tạo ra một lối tiếp cận và biểu hiện của riêng mình. Ví như cùng chọn lựa một biểu tượng không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng của dân tộc Tày là cây đàn tính, ba thế hệ với ba cách nói khác nhau: Nông Quốc Chấn “diễn thơ” sự tích đàn tính:
Chiếc đàn tính vốn có mười ba dây
Vì tiếng nó vang to vang xa
Nên vua ra lệnh cắt đi gần hết...
Nhưng chẳng vua nào cắt nổi âm thanh dân tộc
Đàn ba dây vẫn thánh thót giữa cuộc đời
(Đàn ba dây)
Với Y Phương, đàn tính là tiếng lòng từ ngàn năm vang vọng lại, là lời đau thương, lời ly biệt: Cây đàn này đâu phải cây đàn/ Bầu nước mắt trăm năm cười khóc/ Cây đàn này đâu phải cây đàn/ Bọc sinh nở, lời chào ly biệt… Còn Hoàng Chiến Thắng lại khai thác sự xuất hiện song hành của tiếng đàn tính và câu hát then - nguồn khải lực để Then thoát hồn, thông quan với các loại thần linh:
Người ta săn bằng cung tên
Người ta săn bằng lưỡi mác
Thít nín đợi bầy thú hoang
Ta săn ánh trăng
Bằng lời then thủ thỉ
Buông câu sli ta dắt lối trăng về...
Những người sáng tạo văn học nghệ thuật chính là những nghệ sĩ tài hoa lưu giữ một cách sinh động, thấm thía đời sống văn hóa tinh thần một cộng đồng. Đòi hỏi này với người viết trẻ dường như khó và cũng lại cần thiết. Nếu như lớp cha anh trước thường có xu hướng sáng tác sau khi “ra đi” bôn ba phiêu dạt tới nhiều miền đất thì lại khát khao “trở về” với cội nguồn, bản làng mình; mà nói như nhà văn Cao Duy Sơn, chính bởi xa quê hương, cái nhìn hồi cố trở lại mới thêm phần “nét”. Các tác giả trẻ hiện nay có điều kiện va chạm và tiếp xúc với nhiều vùng đất, thậm chí xa xôi vượt ra ngoài lãnh thổ đất nước, nhưng “được sống” thực sự với vốn văn hóa bản địa, chuyển tải nó mới đem lại căn cước riêng cho những sáng tác, dù không phải lúc nào cũng khoác lên những mĩ từ “đậm đà bản sắc dân tộc”, “gìn giữ văn hóa”…
Điểm khác biệt của văn học dân tộc thiểu số với văn học miền xuôi đầu tiên phải kể đến là ngôn ngữ. Theo Octavio Paz thì “Nghệ thuật luôn luôn được nuôi dưỡng từ ngôn ngữ xã hội”(5), tuy nhiên không phải cứ lặp lại những gì đã và đang có trong đời sống dân tộc mình thì được cho là ngôn ngữ thơ có tính dân tộc. Các tác giả trẻ phải sống và tư duy theo cách nghĩ, cách nói của dân tộc mình mới mong tạo ra những trang viết không lai tạp, vay mượn vụng về. Hiện nay, sự va chạm và chọn lựa văn hóa diễn ra rộng khắp. Đặc biệt là các tác giả trẻ với vô vàn những cơ hội học hỏi và chọn lọc. Bốn bước đầy đủ nhất của quá trình sản sinh và thâm nhập cái mới trong văn hóa là chọn lọc, tái tạo, thích nghi và liên kết hóa (Ngô Đức Thịnh). Bên cạnh những lựa chọn đổi mới, bứt phá, nhiều tác giả trẻ tìm cho mình sự neo đậu với vốn văn hóa dân tộc, trở về với cội nguồn để tìm điểm tựa, như cách nói hình tượng của Kiều Duy Khánh “vịn dáng mẹ, con thẳng lưng mà bước”.
Sinh sống và sáng tạo trong một không gian mới, những va chạm và buộc phải lựa chọn văn hóa là điều không thể tránh khỏi. GS Cao Xuân Huy đưa ra một biểu tượng cho văn hóa Việt Nam, đấy là nước hay tính chất Nhu đạo, còn GS Trần Quốc Vượng gọi đó là khả năng ứng biến của người Việt Nam, lối sống và văn hóa Việt Nam(6). Kinh nghiệm viết ký của nhà văn Mã A Lềnh đem lại những gợi mở cho thế hệ trẻ. Khi viết, ông luôn cảm thấy mắc nợ với đời và “phải viết lên những gì tai nghe mắt thấy, nghĩa là cuộc sống đang vận động vô cùng phong phú để vươn lên ấm no, hạnh phúc, tuy nhiên phải có sự chắt lọc đã được kiểm nghiệm qua thời gian”(7). Không có con đường nào ngắn để đón nhận thành công ngoài sự nỗ lực để trưởng thành. Xu thế hiện nay, với những gì đã làm được, bằng nhiều cách, các tác giả trẻ người dân tộc thiểu số cần và phải trang bị thêm cho mình những hành trang để đi xa từ kinh nghiệm, từ vốn văn hóa tích lũy, từ lựa chọn của tiếp xúc cũ – mới, sau khi đã nhập cuộc và dấn thân.

Chú thích
1. Theo Linh Nga Niêkđam, Văn hóa nghệ thuật các dân tộc Tây Nguyên: Những băn khoăn, trăn trở, baodaklak.vn.
2. M.B. Khrapchenko, (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nxb. Tác phẩm mới; tr. 279
3. Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình (1997), Lý luận văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 716
4. Lò Ngân Sủn, Hiểu và viết về người dân tộc thiểu số, trong cuốn “Nhà văn dân tộc thiểu số – đời và văn”, Nxb, Văn hóa dân tộc, H.2003; tr.523
5. Paz Octavio (1998), Thơ văn và tiểu luận, Nxb. Đà Nẵng; tr. 229
6.  Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn học, 2003; tr.41, 94

7. Mã A Lềnh, Nhọc ngoài với ký, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai, 2000; tr.6

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ĐINH DẬU- 2017, tác giả NGUYỄN VĂN RÈN





YẾU TỐ SIÊU THỰC TRONG BÀI THƠ 
ĐÂY THÔN VĨ DẠ CỦA HÀN MẶC TỬ


Những bài thơ hay thường khó phân tích, khó giảng giải, bởi vì thơ hay “ phải có sự kết hợp giữa cái mơ hồ và cái chính xác” ( Hoàng Ngọc Hiến), “ Thơ hay là sự lung linh giữa khả giải và bất khả giải”. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử ( Ngữ văn 11 – THPT) là một trường hợp khá tiêu biểu.
Khi giảng dạy bài thơ này, các thầy cô giáo thường chú ý phân tích vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên vườn quê thôn Vĩ, từ đó gợi lên tâm trạng và lòng yêu thiên nhiên, quê hương đất nước của thi nhân. Như thế là chúng ta quan niệm bài thơ viết bằng bút pháp “ tả cảnh ngụ tình” theo lối truyền thống. Thực ra, đây là một bài thơ rất hiện đại dù vẫn mang cái dáng vẻ cổ điển. Khi viết bài thơ này, Hàn Mặc Tử đã chịu ảnh hưởng khá sâu sắc khuynh hướng thơ siêu thực của văn học Pháp đầu thế kỷ XX. Các nhà thơ siêu thực quan niệm có hai thế giới: Thế giới hiện thực là thế giới có thể nhìn thấy được, sờ mó được, còn thế giới siêu thực chỉ có thể cảm thấy trong giấc mơ, trong tiềm thức, ảo giác, mê sảng. Họ hướng về thế giới vô thức mà họ cho là một lĩnh vực vô hạn đối với sự sáng tạo nghệ thuật, đề cao ngẫu hứng, chú trọng ghi chép những cái lướt qua trong đầu.
Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi tu từ chứa đầy tâm trạng: “ Sao anh không về chơi thôn Vĩ - Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên - Vườn ai mướt quá xanh như ngọc - Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Vườn quê Vĩ Dạ thơ mộng như một bức tranh với ánh “ nắng mới lên” lại được lọc qua tán lá “ hàng cau” gợi lên vẻ đẹp trinh nguyên, tươi mới, thanh thoát. Từ “ mướt” gợi độ trơn, độ non tơ óng chuốt của lá cây và lời trầm trồ ngợi khen “ mướt quá” càng làm cho cảnh sắc khu vườn tươi tắn như rạng rỡ hẳn lên. Trong khu vườn xanh tươi cây lá ấy xuất hiện hình ảnh con người “ Lá trúc che ngang mặt chữ điền”( Có người cho rằng “ chữ điền” là chữ thường treo trước cửa nhà ở Huế xưa). Thực chất, đây là nét mặt người thấp thoáng trong khu vườn, nhưng “ mặt chữ điền” không phải là nét mặt cụ thể mà là một nét ước lệ. Nét ước lệ ấy lại được “ lá trúc che ngang” tạo nên vẻ đẹp chấm phá, hài hòa vào bức tranh vườn quê Vĩ Dạ.
Tuy nhiên, bức tranh vườn quê thôn Vĩ ấy không phải là ngoại cảnh mà là tâm cảnh. Nhà thơ đã trở về thôn Vĩ trong mộng tưởng, trong hoài niệm nhớ thương da diết. Nhờ thế mà cảnh vật, thiên nhiên thấm đượm tâm trạng, càng trở nên sinh động hơn, ám ảnh hơn.
Ở khổ thơ thứ hai, cảnh vật được nhìn rộng ra trong không gian và thời gian nhưng không còn cái sinh động, tươi tắn như ở khổ thơ đầu mà nỗi buồn đã thấm vào không gian, cảnh vật: “ Gió theo lối gió mây đường mây - Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay - Thuyền ai đậu bến sông trăng đó - Có chở trăng về kịp tối nay”. Những hình ảnh “gió”, “mây”, “ thuyền”, “ bến”, “trăng”, “ hoa” tưởng là cụ thể nhưng đều là hình ảnh của ấn tượng. Gió mây vốn là biểu tượng của sự hòa quyện, ở đây lại gợi lên sự chia lìa “ Gió theo lối gió mây đường mây”. Hai chữ “ gió” đóng khung một hình ảnh, hai chữ “ mây” cũng khép kín vòng, gợi lên sự hờ hững và chia lìa. Vì vậy, dòng nước “ buồn thiu” và hoa bắp vật vờ lay động càng gợi nỗi buồn. Đây là nỗi buồn của lòng người khép kín, cô đơn, là dự cảm chia lìa đôi ngả giữa nhà thơ với cuộc đời, với người trong mộng. Hình ảnh “thuyền” - “bến” cũng thường gợi sự chờ đợi, hy vọng vào sự gặp gỡ nhưng ở đây, niềm hy vọng đó thật mỏng manh vì nó được đặt dưới dạng nghi vấn: “ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó - Có chở trăng về kịp tối nay”. Cảnh vật mờ ảo dưới ánh trăng lung linh, huyền diệu và ánh trăng như là ánh sáng của cõi mộng. Sông không còn là sông nước mà trở thành “ sông trăng” và thuyền biến thành thuyền “ chở trăng”.
Khổ thơ cuối, yếu tố siêu thực được dùng để thể hiện hình ảnh con người càng tạo ra ấn tượng mờ ảo, mông lung: “ Mơ khách đường xa khách đường xa - Áo em trắng quá nhìn không ra - Ở đây sương khói mờ nhân ảnh - Ai biết tình ta có đậm đà”. Có người tìm cách giải thích tường minh rằng “ mơ” ở đây là ai mơ ? và “ khách đường xa” là ai ? Chủ thể hay là đối tượng trữ tình ? Nhưng càng cố gắng lý giải càng đi vào bế tắc. Chỉ biết rằng, từ “ mơ” đã gợi sự mơ hồ, kết hợp với cụm từ “ khách đường xa” lặp lại như một điệp khúc càng gợi lên ấn tượng nhạt nhòa, mờ ảo như đi mãi không bao giờ trở lại. Hình ảnh người con gái cũng mờ ảo trong sương khói “ Áo em trắng quá nhìn không ra”. “ Áo trắng” ở đây đã biến thành ảo giác - ảo giác về một hạnh phúc đã trở thành kỷ niệm, trở thành nỗi đau quặn lòng.
Thơ Hàn Mặc Tử ở giai đoạn cuối đời thường có hai thế giới: Thế giới “ ở đây” - thế giới tâm hồn nhà thơ và thế giới “ ngoài kia” là thế giới thực, là cuộc đời. Nhà thơ vừa khao khát hướng ra, níu kéo cái thế giới “ ngoài kia”, hướng đến cuộc đời và tình yêu, nhưng mặc cảm về những nỗi đau lại đẩy nhà thơ ra khỏi thế giới cuộc đời ấy. Như thế, “ ở đây” không còn là ngoại cảnh, không còn là thôn Vĩ nữa mà là thế giới tâm hồn, tâm tưởng của thi nhân. Ở đó, trong cảnh “ sương khói mờ nhân ảnh”, tất cả đều mờ mịt, luất lấp, mất dạng, “ nhìn không ra”.

Dạy bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, cần chú ý những yếu tố siêu thực với những câu hỏi tu từ tạo nên vẻ đẹp lung linh, đa nghĩa của bài thơ, tránh lối phân tích xã hội học dung tục và suy diễn tùy tiện. Cần cho học sinh cảm nhận được sự giao hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên đẹp của một vùng quê nổi tiếng với nỗi niềm bâng khuâng da diết,một tâm hồn thiết tha yêu thương đồng cảm, gắn bó với cuộc đời nhưng cũng đầy đau đớn với mặc cảm chia lìa của thi sĩ tài hoa, bạc mệnh Hàn Mặc Tử.