Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

DRT - GIỚI THIỆU TẬP TRUYỆN NGẮN "BÍ MẬT CỦA H'LOAN" CỦA HỒNG CHIẾN


MỜI CÁC BẠN XEM TIẾP TẠI ĐÂY: <iframe src="https://www.facebook.com/plugins/video.php?href=https%3A%2F%2Fwww.facebook.com%2Fhpanhdao%2Fvideos%2F1446974785316974%2F&show_text=0&width=560" width="560" height="420" style="border:none;overflow:hidden" scrolling="no" frameborder="0" allowTransparency="true" allowFullScreen="true"></iframe>

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

VỀ BÊN SÔNG VẮNG truyện ngắn của HỒ THỊ NGỌC HOÀI - CHƯ YANG SIN SỐ : 234. THÁNG 10 NĂM 2018

                        



Thằng ăn mày? Hay con ăn mày? Bao nhiêu tuổi? Là ăn mày thì ai thèm quan tâm? Đến là gớm! Áo quần bùi nhùi, lùng nhùng, tóc dài đến vai. Sớm bảnh đi, về tối muộn. Cái bì sau lưng, khi có vẻ nặng, khi lại nhẹ? Xin được gì mà nặng thế? Ăn mày trú bờ sông tĩnh vắng, dù cũng có rải xa dăm ba thuyền chài, trong đó có thuyền của nhà Mi.
Nhìn từ xa cả cây số, không chịu được lâu hơn nữa, Mi tò mò lắm rồi, thế là xuống thuyền, bơi, lên bờ, đến cái chỗ trú ngụ của ăn mày lượn qua lượn lại, vừa sợ vừa muốn lại thật gần.
Rõ là ăn mày đã tha lượm những bao, thùng, cây cành… rồi quây lại làm “nhà” . Dưới mấy gốc cây dại, cái chỗ trú ngụ của ăn mày trông như cái tổ... chim khủng. Ăn mày thì ngủ đâu mà không được, sao không ngủ lều chợ cho tiện, lại bày chuyện ra bờ sông? Nhưng ở đây thoáng mát, cát sạch, có nước sông tắm giặt thoải mái nữa.
Mi nhoi vào cái ô hở. Cái “nhà”, cái “giường” ghép thế, ở thế... cũng hay, chứ như thuyền nhà Mi chật chội, hơn gì mấy!
Mi nhìn ngó sơ qua, cứ nghe sợ sợ, ghê ghê rồi ù chạy về như có ma đuổi. Ngày ngày ở dưới thuyền nhìn đã quen mòn con mắt nhưng vẫn cứ sợ.
Bờ sông này không có cái tổ của ăn mày có lẽ không có cái sợ như thế này đâu, “nhà” như có ma xó ấy.
Mi ở thuyền nhìn lên, lâu thật lâu, không để ý, rồi lâu quá lại tò mò, nhìn vừa như canh gác, vừa ghê ghê, lại có vẻ bắt đầu thân thuộc. Thỉnh thoảng, ở phía đó cũng có khói lửa vào chập tối, vào khuya.
Mùa hè qua. Mùa đông tới, tối về, ăn mày luôn đốt lửa. Cái ngọn lửa trên bờ xa xa, Mi nhìn thấy âm ấm. Tối nào cũng thế thành ra Mi quen, Mi có cái mùa đông lạ lạ. Mi thấy Mi lớn hơn.
Lâu lắm rồi, Mi lại lên bờ đi lại cái tổ của ăn mày. Ăn mày tha nhặt được nhiều thứ, ngó kỹ, Mi thấy cũng thích, cũng thèm, thèm mấy cái lọ, cả cái cặp tóc kia, bức tranh cô gái… người ta vứt hay ai cho?
Có một đống gạch đá vụn làm gì thế nhỉ? Chẳng lẽ đi ăn xin rồi tha những thứ này về? Khéo là người điên? Đúng rồi chắc?! Điên thì vừa đáng thương, vừa đáng sợ. Mà ăn mày thì cũng thế.
Mi nghĩ, vẫn thấy sờ sợ và nhanh chân bỏ về thuyền.
Vẫn thường thấy cái bóng ăn mày lội xuống sông tắm khi tối trời, bì bạch, ì oạp bơi quậy. Đầu xa, đôi khi Mi bắt gặp ăn mày tắm lúc tơ mơ sớm, tóc dài dài nom lạ hoắc, chắc không muốn cắt? Nhưng nhìn từ xa, chỉ là cái bóng đen di chuyển, lội xuống lội lên trong ánh sáng lờ mờ.
Lâu bữa, Mi lại lên bờ. Từ xa thấy chỗ ở của ăn mày đã khác. Lại gần thấy khác lạ nhiều, đá linh tinh xây ghép lại thành một khúc bờ... rào, lại ngó vào trong, nền đã được ghép gạch, ván. Chắc là nhặt ngoài chợ ngoài đường. Chẳng lẽ ăn mày hôm nào cũng tha gạch đá về và xây thế? Thế là đàn ông hay đàn bà?
Một hôm, đợi ăn mày về, Mi lấy hết can đảm, đánh bạo đến gần. Không dám nhìn kĩ, bờ sông, nước sông  quen rồi mà sợ như không phải nơi của mình, tim đập, Mi vẫn hỏi:
- Gạch đá này làm gì?
Ô, không thèm nói, chỉ nhìn thôi à? Nhìn cứ như là trả lời Mi rằng:
“Để xây. Mà hỏi làm gì?”. Thì... “Ừ, hỏi để, để... làm quen. Hứ”.
Mi sợ run nhưng trấn tĩnh, tự đối đáp cho đỡ sợ. Nghĩ, Mi còn có cha mẹ trên thuyền, nó thì chẳng có ai, mà khúc sông này, Mi ở nhiều, biết rõ hơn nó.
Im lặng. Nhìn trượt qua, cái nhìn của ăn mày, cái mặt đen nhẻm, nhá nhem, nó là cái mặt để mà nhìn, nhưng lúc này nhìn càng không rõ cái mặt ra sao, nó có cái mũi ở chính giữa, giống một con cá rô đồng lỡ cỡ béo tròn. Tóc tốt nhưng... cái giọng, cái mặt đó là đàn ông con trai.
Ăn mày im lìm nhìn ra sông. Mi chỉ nghe mấy bụi cây, ngọn cây xung quanh động lên vì gió.
Mi hỏi tiếp, trống không:
- Ăn chưa mà không nhen lửa nấu?
Vì tò mò muốn biết mà kiếm chuyện hỏi vậy thôi, nhưng vẫn im lặng, bóng tối đến nhanh, không còn thấy cái mặt nó ra làm sao, dễ chịu hay khó chịu, hiền hay ác nữa?! Mi bỏ về thuyền. Mi cứ muốn ăn mày gọi, nói chút gì đó cho dễ hiểu, chẳng hạn như: “Này, không sợ à? Như sẽ nói: Có, có sợ, nhưng cứ thế đấy!”. Nhưng tuyệt chẳng nghe gì, Mi ngoảnh lại, ăn mày đã biến mất đâu. 
Bẵng đi một thời gian, cái tổ của ăn mày lù lù trước mắt thấy thêm lạ, thấy cái bức xây cao lên chút nữa. Lạ thật, Mi không tin, sao ăn mày lại biết làm cái trò này? Xây như trò chơi.
Những viên gạch chồng dính với nhau, như bờ rào. Bờ tường. Mi chợt nhớ lại cái bờ tường rào xây lam nham của trường học, lâu lắm rồi, Mi bỏ học từ hồi đầu lớp bốn vì mẹ sinh thêm em bé, cái thuyền chài không đủ nuôi ba chị em.
Mi theo rình ăn mày, theo ra tận ngoài “phố”. Đi con đường đã quen hồi đi học, bây giờ Mi đã lớn, đã mười lăm tuổi, đã đan lưới giỏi. Mi thích đan lưới, Mi cũng không mấy khi rời dòng sông con thuyền.
Theo dõi, thấy ăn mày không xin gì, cũng chưa ai cho gì, rồi bỗng rẽ vào chỗ người ta đang xây nhà, một người vẫy ăn mày chỉ trỏ gì đó. Mi đứng sau một gốc cây nhìn ăn mày làm việc, nhìn chán rồi trở về.
Con thuyền vẫn hẹp, dập dềnh chòng chành, nhưng nay đã khác vì Mi có những ý nghĩ mới, nghĩ mấy hôm. Nghĩ chán Mi mới nói:
- Con sẽ ra “phố” tìm công việc.
 Không ai đồng ý cả, mẹ nói:
- Còn nhỏ, ở nhà đan lưới, vá lưới thôi, đi ra ngoài không quen, không biết gì rồi khổ, chờ lớn chút nữa theo mẹ rồi thay mẹ đi chợ bán cá cho quen đã.
Mi lại lén đi sau ăn mày ra phố, ăn mày vẫn vắt cái bì trên vai. Không phải đi ăn xin. Mi đi sau một quãng xa, muốn theo gần, muốn hỏi chuyện mà nghĩ, chưa biết nên nhanh hay từ từ đã? Mi cứ đứng ở gốc cây xa xa nhìn ăn mày làm việc. Nắng mạnh hơn Mi vẫn chưa biết phải làm gì? Ăn mày mà cũng tìm được việc để làm kia mà. Mỏi, Mi ngồi xuống tựa gốc cây nhìn ra chỗ khác, ngồi thật lâu, nghĩ nên như thế nào để có việc gì làm? Mi tha thiết lắm. Mi phải đi làm để em Mi được đi học, mà thuyền cũng chật chội quá rồi, phải có tiền để có thêm con thuyền nữa...
Mi giật mình vì ăn mày đứng cạnh bên lúc nào êm re, rồi bỗng nắm tay Mi kéo đi đến một ông lớn tuổi, ăn mày làm điệu bộ chỉ đống cát choẹt như đống bùn xanh, làm mẫu xúc xúc, và chỉ vào Mi. Mi hiểu ăn mày muốn cho Mi cùng làm việc đó.
Người kia lắc đầu, ăn mày cũng lắc đầu rồi chỉ Mi ngồi vào chỗ bóng cây. Mi nghĩ, hóa ra ăn mày bị câm, mà cũng không phải là ăn mày. Vậy thì phải gọi người ta là... gì? Là người ta. Chắc người ta bằng hoặc hơn tuổi Mi? Mi cứ ngồi chờ người ta đến trưa xem sao?
Trưa, người ta lại bên nắm tay Mi, ra hiệu bằng động tác và, xúc cơm, xoa bụng, Mi hiểu, ý là đi ăn cho no. Đi bộ đến chỗ hàng cơm, ăn mày dắt tay Mi vào gặp bà chủ, làm điệu bộ, chỉ Mi, chỉ đống bát đũa, làm động tác rửa... Người chủ gật đầu, người ta cũng nhìn Mi gật đầu.
Bà chủ nói với Mi:
- Người anh em à?
Mi lúng túng lắc đầu.
- Nó câm mà siêng, biết ý, tội nghiệp! Cháu về, mai đến làm việc nha. Tháng đầu được trả ba triệu đồng, vì còn nhỏ mà, làm lâu dần sẽ được trả lên bốn triệu. Được ăn cơm trưa cơm tối. Nếu làm tốt thì được ăn bữa sáng.
- Vâng.
Mi vui mừng quá, và rất nể người ta.
Rồi người ta mua hai phần cơm, giơ hai ngón tay, chỉ Mi, ánh mắt vui vẻ nhìn Mi, rồi ngồi rất ăn ngon lành. Ăn xong ra ngoài, đi đến ngã ba cũ người ta chỉ con đường dẫn về bờ sông, ra hiệu Mi về đi.
Mi về nói cho cha mẹ biết chuyện, cha mẹ khen và có phần yên vui.
Hôm sau, và từ đó người ta chờ Mi đi cùng, về cùng.
Mi rửa bát, bưng cơm, bưng ra dọn vào. Ăn nhiều thứ hơn ở nhà, lại có tiền, phải cái, đi từ tờ mờ và về muộn. May có người ta luôn đi cùng, người ta câm nhưng thương Mi, biết cách bảo vệ Mi. Mà... Mi vẫn không hiểu tại sao bữa nọ người ta biết Mi cần tìm công việc?
Tới cái tuổi Mi lớn phỗng, lại làm lụng, chạy đi chạy lại, ngồi xuống đứng lên nhiều, ăn cũng đủ chất, Mi nở nang thân thể, mặt mũi, khác từng ngày, một thiếu nữ giòn tươi, dần xinh xắn, thỉnh thoảng khách đàn ông, con trai vào quán ăn, họ nhìn mặt, nhìn ngực khiến Mi xấu hổ, khó chịu, mặt nóng lựng.
Rồi một hôm ra về, một kẻ lẽo đẽo theo Mi, tán tỉnh, ôm lấy Mi mà không thèm sợ người ta đang đi sau mấy bước. Người ta ú ớ kêu la, Mi cũng hét toáng lên, có người chạy đến, hai ba người đến, hỏi, Mi trả lời, họ dặn:
- Từ nay có chuyện gì, hai đứa hét lên cho người ta biết.
 Mi rất cảm ơn ba người, một người đàn ông, hai người đàn bà, Mi cũng biết ơn người ta nhưng chưa quen ra hiệu điều như vậy, trời thì tối. Hai đứa đi, rồi lặng lẽ rẽ xuống đường nhỏ đi về bến sông.
Một buổi sớm tinh mơ. Bên bờ sông, cái dáng người quen đứng chờ Mi không giống bộ dạng cũ, người ta mặc một bộ đồ mới Mi mua tặng, bộ đồ gần giống màu như màu của núi xa, Mi thấy vui vui, trông khác quá. Đẹp hơn nhiều. Mi đi đến gần, cắt tóc mà cũng khác thế ư? Mi nhìn, cười nghĩ, đi làm chứ có phải đi đâu mà mới mẻ như vậy? Ừ, quần áo đi làm rách bươm hết rồi... Cười. Cái mặt tròn tròn, vuông vuông lạ nhỉ?! Mũi cứ như... quả gì gì cắt nửa úp vào mặt. Mi tròn mắt ngỡ ngàng và bẽn lẽn.
Không nói gì được, nhưng cái nhìn, cái bàn tay... Bàn tay của người ta nắm lấy tay Mi, là bàn tay của một người con trai, bàn tay ấm áp, và cứng rắn, mạnh mẽ.
Hôm đó làm việc mà đầu óc Mi cứ nghĩ những chuyện đâu đâu. Chỉ mong nhanh chiều để về bến sông.
Tối hôm đó xuống sông tắm, Mi bơi một mạch về phía người ta, một tối đầu mùa hạ mát mẻ và trong lành, Mi nhìn về cái tổ nơi lùm cây, có bức tường xây dở. Người ta tập xây...










Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

CON CÁ BƠI VỀ BẮC CỰC truyện ngắn của THẬN NHIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ : 234. THÁNG 10 NĂM 2018






Bạn có biết con cá quan trọng nhất trong đời mình là con cá nào không?
Không ư? Tôi thì tôi biết.
Tôi biết con quan trọng thứ nhất và cả con quan trọng thứ nhì. Ngày xưa, khi chưa có con quan trọng thứ nhất thì con quan trọng thứ nhì là con quan trọng thứ nhất, còn bây giờ, khi đã có con quan trọng thứ nhất thì nó xuống hạng thành thứ nhì. Nhưng thật ra hai con chỉ là một.
Năm đó tôi chừng 8 tuổi. Một buổi trưa tôi ăn cắp 4 lon coca của mẹ tôi rồi cùng K, thằng em kế, chạy ù qua khu gia binh cách nhà chừng một cây số, anh em tôi đổi 4 lon coca cho bọn trẻ ở đó lấy một con cá phướn.
Cá phướn đá dở ẹt nhưng có dáng thật đẹp. Con cá chừng ngón tay út, màu đỏ, đuôi vây dài tha thướt, lù đù bơi lượn lờ trong chậu. Tôi giao bốn lon nước, bụm cá trong hai bàn tay rồi co cẳng chạy về nhà, nước nhỏ tong tong theo bước chân, K lon ton chạy theo sau. Về đến nhà tôi thở hồng hộc như con chó nằm thè lưỡi ngoài hiên nắng. Sau này, tôi hiểu rằng con chó già nằm thè lưỡi ngoài hiên nhà mình là một con chó thi sĩ, là thi sĩ lớn; nó sống lừ đừ rồi chết lặng lẽ, lâu lâu lười biếng sủa gâu gâu ra cái ngõ trưa chói nắng vắng hoe. Bài thơ quạnh quẽ và kỳ dị nhất là tiếng con chó thổ huyết, hộc ra trong buổi chiều tàn nắng sau cùng rồi không buồn trỗi dậy.
Tôi mở tay ra, con cá thở thoi thóp, phập phồng hai mang. Tôi thả nó vào cái hũ chao chứa nước ngang miệng. Con phướn quẫy mình hồi sinh. Anh em tôi ra cái mương ở ngoài vườn xúc lăng quăng, bỏ thêm vào hũ vài cọng rong bèo, cất hũ ở sát vách dưới chân giường, rồi lấy lá chuối ủ quanh cho mát.
Có những hôm chúng tôi nằm hàng giờ ngắm con cá bơi loanh quanh trong hũ; khi nó lười bơi thì nằm im dưới đáy, lâu thật lâu trồi lên hớp một hớp không khí rồi lại trầm xuống đáy, chắc là nó ngủ.
K hỏi, “Con cá ngủ thì nằm mơ thấy gì hả anh hai?”
Tôi đáp, “Chắc là nó mơ thấy lăng quăng.”
Thằng em tôi lấy cái gương nhỏ dựng sát ngoài hũ cho con cá đá bóng. Cho cá đá bóng không liên quan gì đến môn thể thao bóng đá, mà là làm cho con cá thấy bóng nó soi trong gương, rồi ngỡ rằng cái bóng là một con cá khác đang diễu võ dương oai với mình, liền nổi sùng đòi đánh lại. Có khi con phướn lười biếng. Chờ hoài không thấy nó phùng mang giương vây, K mỏi tay mỏi mắt thả cái gương xuống rồi nằm vật ra ngủ, nước miếng nhểu dòng, khô lại thành một vệt trắng bên khoé miệng. Tôi nằm sấp lơ mơ quan sát hai sinh thể đang lơ mơ ngủ, rồi thấy mình lững thững đi vào giấc mơ của K.
Tôi thấy thằng em tôi mơ thấy nó đang cưỡi trên lưng con cá phướn bơi trong cái mương.
Thời đó chúng tôi chưa từng thấy suối, chưa từng thấy sông, chưa từng thấy biển, chưa từng thấy đại dương. Cái dòng nước trôi chảy lớn nhất mà chúng tôi thấy được là cái rãnh nằm bên con đường đất đỏ dẫn tới trường mẫu giáo. Mùa mưa, nước dưới rãnh chảy xối xả, đỏ ngầu bùn tuôn xuống cống.
Thằng em tôi khom người trên lưng con cá phướn như tay cao bồi cưỡi ngựa, mắt nhắm nghiền, hai tay nắm chặt hai cái vây. Tôi thấy con cá hết chui ra rồi lại chui vào các cơn mộng ngắn. Khi đuôi cá vừa quẫy thoát ra khỏi giấc mộng này thì đầu cá lại đang chui vào một giấc mộng khác. Rồi sau cùng, con cá chuồi mình lặn xuống đáy mương nằm im; K ngả đầu, gối lên đầu cá, cả hai đứa cùng ngủ, bọt khí chúng thở nổi lăn tăn như tăm rượu lên mặt nước cho hết buổi chiều.
Sau này, nhớ lại chuyện những giấc mơ của cá thì tôi đổi ý, nghĩ lại. Nó là cá trống thì chắc hẳn là nó sẽ mơ thấy những con cá mái. Rồi khi tôi biết ngoài cái thị trấn bé tí mà chúng tôi đang sống ra còn có những đại dương mênh mông và các châu lục bát ngát và xa xôi nhất là Bắc cực, thì tôi lại nghĩ rằng có lẽ con cá mơ thấy nó đang bơi ra biển, bơi đi thật xa, về phía Bắc cực chăng?
Con cá phướn lớn hơn khi chúng tôi vừa mang về một chút, bấy giờ nó đã bằng đầu đũa. Có lần chúng tôi mang nó đi đá với cá của bọn trẻ hàng xóm; nó tha thướt chậm chạp, và yếu sức, lại không có kinh nghiệm chiến đấu nên bị con cá xiêm dữ tợn cắn cho te tua, cái đuôi dài phơ phất giờ rách bươm, cái thân suôn đòn trầy trụa, tróc mấy mảng vảy. Nó và con cá kia câu mỏ, cắn chặt miệng nhau day nghiến; sau cùng, chịu đau không thấu, nó chịu thua, nhả ra bỏ chạy, con cá xiêm bơi đuổi theo truy sát. Tôi xót ruột vớt nó ra, mang về dưỡng thương.
Một sáng nọ, con phướn biến mất không tăm hơi, mảnh lá chuối che trên miệng hũ rơi xuống đất từ bao giờ. Anh em tôi đi tìm loanh quanh rồi thấy xác nó nằm ở kẹt cửa, kiến lửa đang bu quanh. Nó bị thằn lằn câu. Bọn trẻ lý giải rằng một con thằn lằn nào đó đã thả cái đuôi xuống dụ con phướn táp rồi giật mạnh đuôi, câu nó lên như người ta câu cá. Anh em tôi ngồi tần ngần nhìn xác cá, không biết phải làm sao.
Ông nội tôi theo đạo Phật, ông nói hãy mang đi chôn rồi cầu siêu cho nó. Mẹ tôi theo Công giáo, bà nói cá không phải là con người nên không có linh hồn, khỏi phải cầu nguyện gì, thích thì mang chôn, không thì thôi, ném ra vườn cũng được, nhưng phải mang đi ngay kẻo hôi nhà.
Anh em tôi bỏ xác con cá vào hộp diêm rồi mang ra vườn, K thả hộp diêm xuống mương nước. Cái hộp diêm thành cỗ quan tài chứa xác con cá và những giấc mộng của nó, và cả những giấc mộng của anh em tôi; cỗ quan tài chầm chậm trôi đi, xoay vòng vòng theo xoáy nước cuồn cuộn, rồi chìm mất. Tôi phân vân không biết nên đọc kinh Kính Mừng Đức Bà Maria đầy ơn phước... hay kinh Lạy Cha chúng con ở trên trời..., hay niệm Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn. Gió chiều xào xạc qua những tàu lá chuối, anh em tôi đứng yên lặng hồi lâu. Cái chết là như vậy sao?
K hỏi, “Giờ con phướn lên tới thiên đường phải không anh hai?”.
Tôi đáp, “Không, nó bơi đi Bắc cực”.
K hỏi tiếp, “Sao vậy anh hai?”.
Tôi nói, “Vì nó là một con cá quan trọng. Vì ở Bắc cực thì xa hơn nên quan trọng hơn là ở trên thiên đường”.
Về sau, trong đời mình, tôi có chôn thêm một con rùa của con tôi mang từ Việt Nam sang Mỹ bị chết vì lạnh, và tôi cũng có vất xác hai con chó chết vào bồn rác. Những lần đó tôi đều nghiêm kính thì thầm lời từ biệt với chúng, như nói với những phần đời thân thiết vừa rứt ra khỏi đời mình.
Tôi chứng kiến người ta giết nhau vài lần, chôn nhau vài lần, nhưng tôi chưa từng tự tay chôn ai.
Khi tôi đặt tay lên đôi mắt nhắm hờ của mẹ tôi, cúi xuống hôn lên trán bà đã lạnh, tôi thấy bà ứa nước mắt tha thứ cho mọi lỗi lầm của tôi, những lỗi lầm đã phạm và sẽ phạm.
***
Chiều trên bến Ninh Kiều, chúng tôi còn khoảng hai giờ để ngồi chơi ở đây trước khi đi tiếp đến vùng sâu Cần Thơ.
Sau lưng là những tàn si, rễ buông lùng nhùng, trước mặt là sông, bên kia sông là dãy hàng quán bắt đầu sáng đèn, chếch về bên phải là cầu Cần Thơ. Trời chiều lẽ ra thật yên tĩnh nếu không có tiếng nhạc huyên náo phát ra từ những cái loa được treo trên tàn cây.
Chúng tôi còn một ổ bánh mì ngọt. K xé từng mẩu bánh nhỏ ném xuống mặt nước. Lũ cá trồi lên giành bánh làm mặt nước sủi tăm thành những vòng tròn nhỏ lan dần, bất tận. Tôi không biết những con cá ở đây là loài cá gì, chúng to bằng bắp chân, màu vàng óng, chắc là cá chép vàng.
Hết bánh, K múc một viên nước đá trong ly cà-phê lia xuống mặt nước.
Con cá quan trọng nhất trong đời tôi trồi lên thật nhanh. Nó quẫy mạnh làm cho những con cá có mặt trong đời tôi mà kém quan trọng hơn, kể cả con cá phướn của nhiều năm trước, phải giạt ra xa, rồi nó đớp lấy viên nước đá.
K nói, “Con cá này sẽ bị viêm phổi vì lạnh”.
Tôi thì nghĩ khác hơn K một chút, tôi biết con cá sẽ bị viêm phổi này sẽ bơi đi một chuyến thật dài, bơi ra biển, rồi hướng về Bắc cực, vì nếu không làm thế thì nó sẽ trở nên một con cá kém quan trọng trong đời chúng tôi, kém quan trọng như hàng ngàn con cá khác mà tôi từng thấy.
K nói, “Chắc nó là một con cá mái”.
Tôi nghĩ thêm, chắc đúng là vậy; nó là một con cá mái đang mang trong bụng một buồng trứng sắp tới ngày đẻ, giờ thì nó bị viêm phổi và đang trên đường bơi đi Bắc cực. Tôi nói điều đó ra.
K nói, “Nó sẽ đẻ trên đường đi, rồi trứng nở, rồi nó dắt bầy cá con đến Bắc cực”.
Tôi hỏi, “Vì sao em cũng nghĩ như anh? Vì sao nó phải đến Bắc cực?”.
K nghiêm giọng, “Vì nếu không làm thế thì nó sẽ trở nên một con cá kém quan trọng”.
Tôi băn khoăn nghĩ lại, những con cá quan trọng trong đời người thì có phổi không vậy ta? Lỡ mà nó không có phổi mà chỉ thở bằng mang thì làm sao mà bị viêm phổi được?
Chắc là phải có phổi, ít ra là con cá chép vàng ngẫu nhiên có mặt trong buổi chiều này.
Vì nếu nó không có phổi thì việc nó đớp lấy viên nước đá sẽ không còn quan trọng, do nó sẽ không mắc chứng viêm phổi vì lạnh, nó sẽ không đẻ trứng, nó sẽ không ấp trứng nở ra con, rồi nó sẽ không dắt bầy cá con bơi ra biển, rồi nó sẽ không bơi về Bắc cực.
Nếu thế, thì nó sẽ là con cá tầm thường, sống một đời cá tầm thường, rồi đẻ ra một bầy cá con tầm thường, rồi mắc một lưỡi câu tầm thường, rồi chín nhừ trong một nồi canh riêu hay một niêu kho tộ tầm thường, rồi bị tiêu hoá trong những cái bao tử tầm thường.
Một con cá không có phổi sẽ là con cá không quan trọng trong một buổi chiều không quan trọng trong những đời sống không quan trọng.
Tới giờ phải ra xe đi tiếp rồi, tôi kêu tính tiền.
Ném thêm một viên nước đá nữa cho nó, đi K, vì nó là con cá phướn của thời thơ ấu, vì nó là con cá chép vàng ngẫu nhiên trong buổi chiều nay, vì nó là anh, vì nó là em, vì nó sẽ bơi ra biển từ cái thị trấn miền đông mà anh em mình đã từng sống ở đó, vì nó sẽ bơi từ biển về Bắc cực, vì nó sẽ bơi từ Bắc cực để chui vào giấc mộng này rồi luồn ra giấc mộng khác, mãi mãi như thế.
Ném thêm một viên nước đá nữa, đi K.

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

TÔN VINH VÀ PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CAO TUỔI tác giả NGUYỄN VĂN THANH - CHƯ YANG SIN SỐ : 234. THÁNG 10 NĂM 2018





Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam: Đến năm 2050, 30% dân số Việt Nam là người cao tuổi. Với số lượng người cao tuổi (NCT) ngày càng đông đảo như vậy, thì NCT đã, đang và sẽ khẳng định vị trí, tầm quan trọng và ảnh hưởng của mình trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội. Bảo vệ và chăm sóc nhóm dân số này chính là một trong những việc làm thiết yếu để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.
Theo quy ước quốc tế, NCT hay người cao niên hay người già là những người lớn tuổi, thường có độ tuổi khoảng từ 60 trở lên. Theo Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011 thì đối tượng được công nhân người cao tuổi được mở rộng hơn: Người đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi nếu nhiệt tình công tác Hội, được cử làm công tác Hội, tự nguyện tham gia Hội đều được công nhận là hội viên. (Điều 9-Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò, vị thế của NCT; luôn luôn động viên NCT cống hiến tài trí, sức lực của mình cho đất nước và con cháu, luôn nêu cao truyền thống “kính già, yêu trẻ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấn tượng sâu sắc sự kiện “Hội nghị Diên Hồng” từ thời nhà Trần. Người viết: “Truyền thống Điện Diên Hồng là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và riêng của các cụ phụ lão ta”. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 2 năm 1941, đồng chí Nguyễn Aí Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam; Tháng 6 năm 1941, Người viết thư gửi tất cả các bậc phụ lão trong cả nước: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề …Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui ”.
Trong thư gửi các vị phụ lão ngày 21-9-1945 (sau 19 ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đây tôi lấy danh nghĩa là một người già mà nói chuyện với các cụ. Tục ngữ có câu: “Lão lai tài tận", nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm được gì nữa. Mà thường các cụ phụ lão ta cũng tin như vậy. Gặp việc gì các cụ đều nói: “Lão giả an chi” (người già nên ở yên). Thôi mình tuổi hạc ngày càng cao, không bay nhảy gì được nữa. Việc đời để cho con cháu bầy trẻ làm. Chúng ta gần đất xa trời rồi, không cần hoạt động nữa. Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay những người yêu nước không vì tuổi già mà ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng”.
Như vậy, ngay những ngày đầu về nước chỉ đạo trực tiếp cách mạng Việt Nam, lúc mới thành lập nước, cách mạng còn đang trong trứng nước, thù trong giặc ngoài đe doạ, Bác Hồ đã đánh giá cao tiềm năng và vai trò của NCT, đồng thời để khai thác tiềm năng phát huy vai trò NCT thì việc đầu tiên là phải đưa NCT vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định, lúc đó là “Phụ lão cứu quốc Hội”. 
Sau khi nhận được thông báo của Liên hợp quốc, ngày 1-10-1991, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) Võ Chí Công đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc và khẳng nước nhiệt liệt hưởng ứng quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc và khẳng
Ngày 17-9-1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 332 về việc tổ chức Ngày Quốc tế NCT, đã chỉ ra những việc các ngành, các cấp, các cơ quan đoàn thể phải làm trong dịp Ngày Quốc tế NCT 1-10 hàng năm, trong đó đã xác định “Ngày Quốc tế NCT cần được tổ chức tốt, có sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng”.
Phát huy tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước, Quốc Hội và nhân dân ta luôn coi trọng công tác chăm sóc NCT, như:  Ngày 27/9/1995, Ban Bí thư TW Đảng (Khoá VII) đã ban hành Chỉ thị số 59-CT/TW về chăm sóc NCT, trong đó nhấn mạnh “NCT có công sinh thành, nuôi dạy con cháu giữ gìn và phát triển giống nòi, giáo dục các thế hệ thanh niên Việt Nam về nhân cách, phẩm chất và lòng yêu nước; một bộ phận đông đảo NCT Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của NCT là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội”.
Từ Hiến pháp năm 1992 đến Hiến pháp năm 2013, đạo luật cơ bản của Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có một bước tiến to lớn khi quy định quyền con người, trong đó lần đầu tiên, quyền của người cao tuổi được xác lập hoàn chỉnh.  
Khoản 3, Điều 37 của  Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: "Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản pháp luật liên ngành phản ánh các chính sách dành cho NCT cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ  và thúc đẩy quyền của NCT tại Việt Nam. Cụ thể như Luật Người khuyết tật năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2013; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Lao động năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2015 đều có quy định về bảo vệ quyền của NCT. Ví dụ: Khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”;  Khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định “Người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử không bị áp dụng hình phạt tử hình”...
Thực hiện quy ước quốc tế về NCT và chương trình hành động quốc gia NCT, qua hơn 30 năm đổi mới, chất lượng cuộc sống NCT đất nước ta đã được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuổi thọ trung bình (cả hai giới tính) ở Việt Nam là 76,6 tuổi. Tính đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 10,95% dân số (so với năm 2016, tăng 115.100 người). Trong đó, 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên, chiếm 18,7% tổng số người cao tuổi. Hơn 2 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH. Hơn 1,6 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Khoảng 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công. Bên cạnh đó, hơn 9,3 triệu người cao tuổi có thẻ BHYT chiếm 92,8%.
Nhằm đáp ứng nhu cầu CSSK NCT thích ứng giai đoạn già hóa dân số, ngày 30/12/2016, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”. Đề án đã đề ra các nhiệm vụ quan trọng để tiến tới tất cả NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được CSSK của NCT và các kiến thức CSSK NCT. Nâng cao sức khỏe NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự CSSK và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ CSSK ban đầu của NCT. Bảo đảm 80% số NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe…
Năm 2018 này, kỷ niệm 70 năm ra đời “Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người” (1948-2018) và kỉ niệm lần thứ 28 năm Ngày Quốc tế NCT, Liên Hợp quốc (LHQ) đưa ra chủ đề:  “Tôn vinh những người cao tuổi có công lớn trong đấu tranh vì quyền con người”. Đây là dịp để tôn vinh những NCT trên khắp thế giới đã cống hiến đời mình đấu tranh cho quyền con người nhằm: 1. Thúc đẩy các quyền con người đã được ghi trong Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người và đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của các quyền đó trong cuộc sống hàng ngày của NCT; 2. Tăng cường sự tham gia và nâng cao hình ảnh của NCT trong thúc đẩy quyền con người không chỉ trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới họ, mà là trên mọi mặt của đời sống; 3. Suy ngẫm về tiến độ và những thách thức trong đảm bảo sự hưởng thụ đầy đủ và bình đẳng quyền con người và quyền tự do căn bản của NCT; 4.Huy động sự tham gia của tất cả mọi cá nhân, tổ chức trong đấu tranh bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền của NCT.
Để thiết thực hưởng ứng chủ đề Ngày Quốc tế NCT năm 2018 và tạo điều kiện để NCT phát huy được trí tuệ, tài năng, kinh nghiệm góp phần xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục quan tâm chăm lo nâng cao chất lượng sống của NCT, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và cơ chế tổ chức thực thi hiệu quả nhằm bảo đảm các quyền của NCT - một bộ phận dân số có số lượng và tỷ lệ ngày càng tăng trong xã hội, góp phần ứng phó với vấn đề già hóa dân số đang tăng nhanh ở Việt Nam.