Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

QUÊ NỘI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ NHÀ BÁO&CUỘC SỐNG ĐẮK LẮK số tháng 11 năm 2021

 


Trời Ban Mê Thuột mùa mưa thật lạ; đang nắng chói chang, bỗng gió ào ào nổi lên, mây đen kéo tới rồi mưa, mưa ào ạt; một lúc sau hết mưa lại nắng. Ngọc Sa không thích mùa mưa vì ẩm ướt và đi ra vườn đất dính bết vào giày, dép không gỡ ra được. Lẽ ra trong những ngày này, Ngọc Sa đang ở thành phố chuẩn bị nhập học vào lớp một; không ngờ dịch COVID bùng phát, ama amí phải ở lại chống dịch nên gửi em về quê ở với nội.

Ông bà nội là nhà giáo nghỉ hưu, thấy cháu về mừng lắm, mua hẳn một đôi ủng mới be bé để Ngọc Sa đi ra vườn. Đất Tây Nguyên màu đỏ, mưa xuống là mến người lắm; ra vườn, đất yêu bám chặt đến không nhấc chân lên được. Bù lại, mùa mưa cũng là mùa của nhiều loại quả cây ngon vào vụ thu hoạch.

Sáng thức đậy nghe mùi sầu riêng chín ùa vào nhà, Ngọc Sa kêu ầm lên:

-Nội ơi, sầu riêng chín rồi!

Bà Nội bảo:

-Cháu gái dậy đánh răng rửa mặt rồi đi thu sầu riêng.

-Đi hái chứ sao lại thu ạ?

Ngọc Sa ngạc nhiên hỏi, bà nội trả lời:

-Sầu riêng chín về đêm, quả chín tự rụng xuống gốc; sáng ra ta đi lượm mang vào, nên gọi là thu, không phải hái.

A, thì ra thế; Ngọc Sa thích thú với khám phá mới, vội tung tăng chạy đi về sinh cá nhân rồi xỏ ủng chuẩn bị ra vườn. Ông nội đẩy xe rùa – xe có hình giống con rùa nhưng chỉ có một bánh thôi, Ngọc Sa lon ton bước theo sau. Mùi thơm của sầu riêng quyến rũ quá chừng, Ngọc Sa hít hà; nội cười, bảo:

-Con nhìn dưới gốc kia kìa!

-Ui nhiều quá, sáu quả bự luôn.

Ngọc Sa reo lên, chạy lên trước hai tay giang ra định bê quả lớn nhất to hơn cả đầu. Nội thấy thế, nói:

-Cháu cầm vào cuống không bê ngang quả, gai đâm vào tay đấy.

-Dạ!

Lại thêm bài học khi đi nhặt sầu riêng, Ngọc Sa thầm nghĩ. Đẩy xe chất đầy quả vào sân, nội chọn quả to nhất mang vào nhà. Lật ngược quả sầu riêng lên, nội nói:

-Cháu nhìn đây, dưới đít quả có những đường nứt, dùng mũi dao nhọn chọc vào vết nứt đó, nảy nhẹ ra là được.

Ô, cách bổ quả đầy gai nhọn này dễ quá, nội thao tác nhanh như phim hoạt hình; tách đôi quả ra, để lộ phần múi phía trong màu vàng tươi. Bà nội dùng thìa xúc hẳn một múi đặt vào dĩa đưa cho Ngọc Sa, bảo:

-Cháu ăn đi!

Cố lắm mới ăn hết một múi, bụng no rồi mà mắt vẫn thèm. Nghỉ một lúc lại theo bà ra vườn hái na. Quả na hình trái tim treo lũng lẵng trên cành. Nội bảo:

-Cháu nhìn nhé, quả nào mắt quả chuyển qua màu vàng nhạt, đường viền quanh mắt na có màu hồng; chắc chắn quả đó sắp chín.

-Quả na cũng có mắt ạ?

Ngọc Sa ngạc nhiên reo lên. Bà bảo:

- Quanh quả na như được bọc trong một tấm lưới; phần nhô ra bên ngoài gọi là mắt na.

-Dạ!

Nội dùng kéo cắt từng quả một, mỗi quả có một cành nho nhỏ ở đầu cuống còn ba hoặc bốn lá xanh, trông đẹp lắm. Nhưng thích nhất là những quả mới chạm tay vào nó đã rời cành, để lại lõi quả trên cây; những quả như vậy Ngọc Sa phải “giải quyết” ngay: bóc lớp vỏ - mắt na bỏ đi, để lộ ra phần trắng bên trong và gậm một miếng: ngon tuyệt!

Nhà có mười hai cây na, bà hái được hai rổ đầy luôn. Ông nội mang xe rùa ra đẩy quả vào để hai bà cháu đi thăm mít. Cây mít cao hơn đầu nội nhiều nhiều, cây nào cũng sai quả, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt. Ngọc Sa kêu lên:

-Thơm quá nội ơi, nhưng nhiều thế này biết quả nào chín mà hái ạ?

-Ở dưới thấp ta dùng tay vỗ, còn ở trên cao dùng cây đập vào từng quả; khi nào nghe quả kêu bịch, bịch… thì quả đó đã chín.

-Hay quá!

Bà mang sào gõ, còn ông mang thang ra hái những quả đã chín chất lên xe, Ngọc Sa đi bên cạnh phụ ông đẩy xe vào nhà. Trong nhà hương trái cây chín thơm lừng.

Trưa đang ăn cơm, amí điện về hỏi thăm; Ngọc Sa mừng lắm, khoe luôn:

-Ui chu cha ở nhà nội nhiều trái cây chín lắm nhé, amí xem này: na, mít, sầu riêng nữa.

Nói chuyện một lúc, amí tắt máy; Ngọc Sa mặt buồn thiu. Bà nội ngạc nhiên, hỏi:

-Sao cháu buồn vậy?

-Amí cháu!

-Amí cháu làm sao?

-Cháu chỉ nghe tiếng thôi mà không thấy mặt, thấy mắt đâu cả, hình như là amí không thương cháu.

-Amí đang trong khu cách ly chống dịch nên phải mặc quần áo, đội mũ bảo hộ và đeo khẩu trang không thể bỏ ra được.

-Đeo cả ngày luôn ạ?

-Đúng.

-Thế thì khó chịu lắm luôn.

-Đúng rồi!

Ngọc Sa ôm lấy bà nội, giọng nghèn nghẹn:

-Thế mà cháu không biết còn trách amí; thương ama amí quá nội ơi!

  

Mùa mưa năm 2021


Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

QUÀ CỦA YANG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ NÂM NUNG SỐ 181 THÁNG 12 NĂM 2021

 


Một tia sáng lóe lên rạch ngang bầu trời đầy sao đêm ba mươi, liền ngay sau đó là tiếng nổ rền vang ập xuống các nóc nhà dài buôn Trưng. Trẻ con giật mình khóc thét, người lớn choàng dậy chất thêm củi vào bếp, ngó ra đầu sàn không giấu được nỗi ngơ ngác, sợ hãi. Già làng(1) đã sống hơn tám chục mùa rẫy(2) chưa bao giờ nghe tiếng sét khủng khiếp đến thế cũng lật đật ngồi dậy; cơn ho ở đâu kéo đến làm ông nấc lên. H’Lim, con gái út từ gian trong bước vội ra khoác cho ama(3) tấm chăn qua vai rồi dìu lại bên bếp lửa gian giữa nhà, chất thêm củi, hơi ấm lan tỏa ra xung quanh. Già trẻ, lớn bé trong ngôi nhà dài thức dậy ra vây quanh bếp lửa, nhìn nhau như muốn hỏi: vì sao Yang(4) lại tức giận đến thế?

 Đêm dài cũng qua đi, ông mặt trời lười biếng từ từ nhô lên trên đỉnh núi phía đông, ban phát những tia nắng vàng lên khắp cánh đồng cỏ mênh mông của thảo nguyên trước buôn. Có tia sáng xuyên qua những đám mây trắng đang vương vấn quấn quanh triền núi cao sau buôn xuống bờ suối, tạo nên nhiều màu sắc lung linh như ánh cầu vồng. Đám trẻ ùa ra đầu cầu thang, tranh nhau nhìn lên núi rồi khua chân múa tay, cố diễn tả vẻ đẹp mà chúng cảm nhận được.

          Y Khuôn mặt vuông chữ điền, trên mình có độc chiếc khố, để lộ thân hình vạm vỡ, nước da như màu chiêng mới đúc, tóc xoăn tít; hốt hoảng chạy từ bến nước về buôn, miệng la ầm lên:

          -Yang đến rồi, Yang đến bến nước buôn ta rồi Già làng ơi!

          Y Khuôn chạy đến bên nhà Già làng, tay vịn vào chân cầu thang, miệng, mũi tranh nhau thở. Già làng bước ra đầu sàn, hỏi:

          -Mày sống hơn hai mươi mùa rẫy rồi đấy, sao còn nói nhảm thế; làm sao có thể thấy Yang được?

          - Già làng ra bến nước mà xem. Không phải Yang thì là gì…!

          Già làng lại ho, cơn ho kéo dài làm tấm thân còng còng có bao nhiêu xương sườn đều phơi ra dưới lớp da, ai cũng có thể đếm được. H’Lim bước lại bên đỡ ông rồi dìu xuống cầu thang. Cả buôn Trưng như ong vỡ tổ, họ rùng rùng kéo nhau chạy về phía bến nước. Già làng đến gần, đám người dạt qua hai bên nhường lối. Trên đầu họ đám mây khổng lồ của ong và bướm tạo thành, vần vũ bay lượn trên bến nước, che kín luôn cả ánh sáng mặt trời và… thật kỳ lạ, một mùi hương thơm ngào ngạt tỏa ra, bao trùm cả không gian làm ngây ngấy mọi người. Hình như hương thơm tỏa ra từ trong gốc cây to hơn một vòng tay người ôm mới bị sét đánh nứt đôi khi đêm. Ông thầy cúng nhanh chân đến trước, quỳ xuống, cúi đầu vái lạy gốc cây, miệng lẩm bẩm những câu vô nghĩa, chẳng ai biết lão nói gì; rồi quay lại nói:

          -Buôn ta được Yang tặng quà rồi?

          -Mày nói vậy nghĩa là sao?

          - Già làng nhìn đây!

          Lão thầy cúng nói dứt lời bước tới cây bị sét đánh chẻ làm đôi, bê từ giữa gốc cây lên một cục như hòn đá, to bằng bắp đùi người lớn, dài hơn ba gang tay, màu trắng xám nâu, xung quanh như có lớp đường trắng mịn bám vào; đưa đến trước mặt Già làng. Già làng, nhắm mắt, ôm ngực, cúi đầu ho rũ rượi, ho như thắt cả ruột gan lại để văng ra ngoài. Bỗng nhiên ông ngừng ho, tinh thần khoan khóai trở lại; mở mắt thấy lão thầy cúng bê “cục đá” đến trước mặt, mùi thơm kỳ lạ tỏa ra và hình như chính mùi hương này làm ông hết ho. Hai tay đón “hòn đá Yang”, già làng quỳ xuống, ngửa mặt lên trời tạ ơn Yang đã ban cho buôn bảo vật. Màu sắc trông giống đá, nhưng nhẹ hơn lại được tìm thấy trong bụng của gốc cây đại thụ bên bến nước; đúng là kỳ diệu, đúng là quà của Yang cho.

*

**

Sau lễ cúng tạ ơn, “hòn đá Yang” được đưa về nhà Già làng để trong phòng khách; ai có bệnh tật, đau ốm… chỉ cần đến gần, khấn câu cầu xin Yang giúp đỡ, bệnh tự khỏi. Già làng ở nhà hướng dẫn người có bệnh đến khấn vái, chữa bệnh, không lấy của ai bất cứ thứ gì vì nghĩ đó là quà Yang ban cho chung mọi người.

          Từ ngày có “hòn đá Yang”, người già khỏe lại; lũ người trẻ không còn bị bệnh tật, nên ai cũng vui mừng. Có sức khỏe, mọi người ham làm việc nên: lúa, bắp, đậu… lúc nào cũng đầy kho; ché túc, ché ba… xếp hàng bên vách lúc nào cũng được bịt kín miệng, sẵn sàng chờ đón lễ hội. Trong các buôn ban ngày đầy ắp tiếng cười của lũ trẻ; ban đêm quanh bếp lửa người lớn im như hạt thóc thay nhau vít cần rượu nghe kể khan(5). Cuộc sống cứ vậy trôi đi, cho đến một hôm…

          Một đoàn người lạ đến thăm buôn Trưng. Họ là người ở buôn xa, ngồi trên lưng ba con voi được lão thầy cúng đưa đến. Lão thầy cúng buôn xa khoảng năm chục mùa rẫy; mặt dài, hai mắt sùm sụp như chưa bao giờ nhìn thẳng vào ai, râu ria lâu ngày không cắt tạo cho khuôn mặt trông như mặt vượn; người thấp bé, nước da như đít xoong lâu ngày không rửa. Đi cùng đoàn còn có người ngoại quốc, da trắng bờn bợt giống con cá suối chết lâu ngày, mặt tròn, mắt một mí, trên môi có cái tẩu không bao giờ tắt khói.

Cả đoàn khách lạ lên nhà già làng, mang theo nhiều lễ vật quý như: rượu trong chai trong như nước suối, chỉ nhấp một tý thôi đã thấy như có ngọn lửa trong mồm. Muối trắng, hạt to như hạt bắp đỏ trồng mùa mưa, đưa một hạt lên lưỡi có vị mặn, vị chát và cả cảm giác ngọt thấm vào tận trong bụng. Đặc biệt, họ còn có cây gậy hét lên tiếng như Yang, cây cách xa cả trăm bước chân, to bằng bắp đùi người lớn cũng bị xuyên thủng. Già làng vui lắm, sai mổ trâu, mổ bò đãi khách quý đúng ba ngày ba đêm. Dàn chiêng của buôn lại được dịp nổi lên bản chúc phúc, mừng sức khỏe cho khách đã vượt núi cao, suối sâu đến thăm buôn.

          Sáng ngày thứ tư, đoàn khách từ biệt trở về. Lão ngoại quốc nói với già làng:

          -Ngộ có con gái út đến tuổi bắt chồng mà bị bệnh lạ nằm liệt một chỗ. Trong giấc mơ được thần linh bảo: phải nhìn thấy “hòn đá Yang” mới khỏi bệnh. Nay lặn lội đường xa đến đây muốn xin Già làng cho mượn hòn đá quý về chữa bệnh cho con, rồi mang trả lại.

          -Điều đó không được, hòn đá của Yang không thể rời buôn, mang đi sẽ bị Yang trừng phạt cả buôn.

          Nghe Già làng trả lời, người lạ nói tiếp:

          -Ngộ vì con gái nên phải tới đây, nếu Già làng đồng ý ngộ sẽ để lại đây một con voi làm tin; hôm sau lên trả lại đá sẽ hậu tạ buôn ta ba bồ muối lớn được ba con voi chở đến.

          -Không phải Già làng không tin mà phong tục nó thế, không làm trái được.

          Y Khuôn giờ đã là chồng của H’Lim, con gái út Già làng trả lời.

          -Con gái ngộ bị bệnh cũng không thể ra khỏi nhà, ra khỏi nhà thì thành atâo(6) nên mới phải lặn lội đến đây. Chẳng lẽ thấy người sắp chết mà già làng không cứu.

          Nghe lão nói như khóc làm người già trong buôn tranh cãi nhau đến to tiếng; người bảo nên cho mượn để cứu người; người lại bảo không được làm trái ý Yang. Cái buôn Trưng đang yên lành bỗng nhiên nổi sóng, đám thanh niên cũng chia làm hai phe tranh luận sôi nổi, giận hờn đến suýt nữa thì xông vào đánh nhau.

H’Lim thấy mọi người không vui mới đến bên Già làng nói:

-Yang cho ta hòn đá này để cứu người, nay nghe tin người sắp chết mà không cứu thì không đúng ý Yang. Nhưng đưa đá ra khỏi buôn cho người lạ mượn cũng trái ý Yang. Con nghĩ thế này: buôn ta nên làm lễ cầu xin Yang cho mang đá đi cứu người. Nếu Yang đồng ý thì chọn mấy người con trai khỏe mạnh đưa “đá Yang” đi rồi đưa về, không cần giữ voi của người lạ làm gì.

Già làng nghe lời con gái út, cho mổ trâu làm lễ cúng bến nước, xin ý Yang. Trong lúc mọi người tíu tít chuẩn bị làm lễ, lão ngoại quốc đi đến gần, nắm tay thầy cúng, đặt vào đó một chiếc vòng bạc lớn rồi ghé tai nói nhỏ:

-Ngộ mời thầy cúng đi cùng hòn đá thần đến chữa bệnh cho con gái. Xong việc, con voi ta cỡi kia và số muối hạt chất đầy lưng voi chở về đây là của ông.

Nghe nói thế, mắt lão thầy cúng sống gần sáu mươi mùa rẫy bừng sáng lên như có ánh lửa; lão gật đầu rối rít, trả lời:

-Biết rồi, biết rồi.

Mồm trả lời, trong đầu lão hiện lên cảnh một mình chễm chệ ngồi trên cổ voi đi qua các buôn dự lễ; mọi người sẽ tròn mắt nhìn mà thèm. Có voi, đi vào rừng kéo những cây gỗ đẹp nhất về dựng ngôi nhà to nhất, to hơn cả nhà Già làng. Rồi mùa khô đến, sẽ tổ chức cho đám thanh niên đi theo săn voi, bắt thêm nhiều voi nữa để rồi… lão cười với ý nghĩ: mình sẽ là Già làng của buôn, của cả vùng thảo nguyên rộng lớn và xinh đẹp này.

*

**

Trong lễ cúng, lão thầy cúng nhảy múa loạn xạ một hồi, rồi phán:

-Yang đồng ý cho mang hòn đá thần ra khỏi buôn đi cứu người và phải xuất phát ngay hôm nay.

Già làng nghe nói vậy, họp buôn lại hỏi đám thanh niên ai xung phong đi cùng “hòn đá Yang”.

-Y Khuôn xin nhận trọng trách gùi “hòn đá Yang” đi, xong việc sẽ mang đá trở về.

Lũ con trai nhiều người xung phong, nhưng Y Khuôn chỉ chọn năm người thanh niên khỏe mạnh chưa có vợ để đi cùng mình. H’Lim bỏ vào gùi cho chồng hai cái khố mới bên cạnh “hòn đá Yang” và một quả bầu khô đựng nước, dặn:

-Đi đường xa phải cẩn thận, nước trong bầu chỉ uống khi bị đau bụng thôi nhé. Đi nhanh về không anac mong!

          -Người lạ tốt lắm, lại có những ba con voi đi cùng chở đồ ăn không phải lo gì đâu, vắng ít hôm sẽ về ngay thôi mà.

          Vợ chồng nhìn nhau, đứa con gái đầu vừa tròn tuổi nắm chặt tai ama như không muốn thả ra.

          Y Khuôn từ biệt vợ con, đeo gùi, vác xà gạc(7) lên vai bước xuống cầu thang nhập vào đoàn người. Ba con voi chở người lạ, hai lão thầy cúng và mấy người Êđê buôn xa đủng đỉnh đi trước mở đường.

          Chiều, khi đi đến chân một ngọn núi cao, có dòng suối nước trong như lọc chảy qua, đoàn người dừng lại, dựng lều, nổi lửa chuẩn bị bữa chiều. Ba con voi được thả vào rừng tự kiếm ăn.

          Bên bếp lửa, người lạ tỏ ra là người hiếu khách, mời mọi người ăn uống thoải mái. Ngoài món thịt nai khô và thịt heo rừng hong khói Già làng buôn Trưng cho, đem nướng; còn có nhiều chai rượu trắng xếp quanh đống lửa.

-Hôm nay Ngộ mời mọi ngưới, cứ tự nhiên uống cho thỏa thích nhé. Rượu này được nấu ở nước mẹ từ phương bắc rất xa, phải đưa lên tàu thủy chạy trên biển nhiều lần trăng mọc mới tới được cảng. Cảng là nơi tàu thủy dừng để vận chuyển hàng hóa lên, xuống tàu. Rồi từ bến cảng đó phải đi nhiều ngày nữa mới tới được đây. Có viên đá này chắc chắn con ngộ được cứu sống rồi, cảm ơn tất cả. Uống, uống nào!

Rượu ngon, mồi ngon; họ cụng, chúc nhau, mừng nhau rồi… say lúc nào không biết. Màn đêm qua đi, bầy vượn vui mừng hò hét vang rừng chào đón ngày mới. Y Khuôn thức dậy, bụng đau như có người cào cấu trong đó; nhớ lời vợ dặn, ngồi dậy lấy quả bầu khô mang theo, mở nút lá chuối nhấp một ngụm. Cơn đau dịu dần, nhìn qua bên cạnh thấy năm người bạn đi cùng và lão thầy cúng, ai cũng ngủ say, mồm trào ra nước bọt đen sì, tỏa mùi hôi khó chịu. Thôi chết, bọn này trúng độc rồi, Y Khuôn nghĩ vậy, nên mang nước trong bầu đổ vào miệng cho bọn chúng tỉnh lại. Một lúc sau cả bọn ngồi dậy nhìn nhau, nhìn ra xung quanh thì lũ người đi cùng đã biến mất như tan vào các gốc cây. Y Khuôn gầm lên:

          -Ta bị lừa rồi. Chúng cướp mất “hòn đá Yang” của buôn ta rồi. Ta phải đuổi theo lấy lại.

          -Chúng có cây gậy của Yang giết người xa hơn trăm bước chân thì làm sao lấy lại được?

          Lão thầy cúng hỏi, Y Khuôn trả lời:

          -Bọn chúng đi bằng voi, đi đến đâu thành đường đến đó. Ta theo dấu đuổi theo sau, chờ đến đêm bọn chúng ngủ say thì lấy lại đá của Yang mang về.

          -Tao phải tìm nó trả thù.

          Lão thầy cúng của buôn gầm lên, Y Khuôn nói:

          -Ông già, sức yếu, quay về buôn trước chứ đi theo thì làm được gì. Lũ chúng tôi chân còn khỏe, bước nhanh mới đuổi kịp chúng.

          -Tại tao tham vòng bạc, ưng con voi như lời nó hứa mới bị lừa dối thế này. Xấu hổ quá, có lỗi với mọi người trong buôn thì còn mặt mũi nào mà về gặp họ nữa.

          Lão thầy cúng nói xong, quỳ xuống lạy đất trời; khóc nức nở rồi quay đầu, lững thững bước đi, thỉnh thoảng vấp vào dây rừng ngã dúi dụi. Sáu chàng trai mặc khố, lưng đeo gùi, trên vai có cây xà gạc, lần theo dấu chân voi chạy như bị ma đuổi. Đói bứt tạm lá rừng bỏ vào miệng nhai, khát vốc nước suối uống; trong lòng họ như có ngọn lửa đốt. Họ hận vì bị lừa dối, họ tức vì niềm tin bị đánh cắp; trong lòng họ giờ đây chỉ còn ngọn lửa hận thù.

*

          Gần đến chiều tối, chạy đến bờ một con sông rất lớn. Dòng nước chảy cuồn cuộn như Yang đang giận dữ. Mọi người nhìn sông thất vọng vì dấu vết lũ voi đã lội xuống sông đi qua bờ bên kia. Sông rộng, nước chảy xiết, cả sáu chàng trai đều không biết bơi, nhìn sông họ chảy nước mắt.

          Y Khuôn bảo:

          -Ta đi xuôi một đoạn xem có cách gì qua sông được không.

          Cả đoàn lại xé rừng, xuôi sông; đi được một đoạn, bỗng phía trước mặt, có một ngọn cây lớn chắc là bị nước cuốn từ thượng nguồn về mắc vào hòn đá không đi được, từ ngọn cây vào đến bờ xa đến chục sải tay. Ngồi trên cành cây nhô cao hơn mặt nước một chút chính là người quản tượng(8) của con voi chở người lạ. Thấy mấy người buôn Trưng đến, hắn kêu lên:

          -Cứu tôi với, cứu tôi với.

          Y Khuôn hỏi:

          -Tên Ngộ đâu?

          -Bị nước sông ăn rồi?

          -Còn lũ người đi cùng đâu rồi?

          -Bị nước sông nuốt hết vào bụng rồi.

          Đám người buôn Trưng bàn nhau, người thì bảo: Để nó tự chọn chết khô trên cành cây hay chui vào bụng sông; người lại nói: hắn cũng là người nên cứu; người khác không chịu: giúp người khác làm điều ác nên Yang trừng phạt, chết là phải… Cuối cùng Y Khuôn quyết định:

          -Hắn không phải chủ mưu mà chỉ a dua, đi theo thôi, không nên để chết mà không cứu vì hắn cũng là người; vợ con, bạn bè, người thân đang đợi hắn trở về.

          Nói xong phân công, người chặt nứa buộc lại làm bè, người chặt dây nối lại với nhau để kéo bè. Bè được làm xong, đưa lên phía trên một đoạn thả xuống, mong nước đẩy bè vướng vào cành cây đổ dưới sông, để cứu tên quản tượng. Nhưng nước lớn, chảy xiết, ba lần thả bè đều bị nước cuốn qua chỗ khác không đến được ngọn cây gãy mắc ngoài sông.

Thấy vậy, Y Khuôn nói:

-Để tao ngồi trên bè nứa, dùng cây, chèo cho nó vướng vào ngọn cây gãy mới cứu được người.

-Làm thế nguy hiểm lắm.

Đám thanh niên phản đối, nhưng Y Khuôn đã quyết.

-Tao không bơi ra thì không cứu được hắn đâu. Mọi người phải nắm chắc dây, ráng sức kéo mới có cơ hội sống đấy.

Cả bọn lại kéo bè nứa lên trên một đoạn, Y Khuôn cầm một khúc cây làm bơi chèo, leo lên bè chèo mạnh, băng ra sông. Sóng gầm lên, đẩy bè lao băng băng. Y Khuôn khéo léo đưa bè chạm vào ngọn cây, dùng hai tay bám chặt vào cành cây giữ bè lại để đón tên quản tượng xuống, đưa vào bờ an toàn. Bước lên bờ, tên quản tượng quỳ xuống vái lạy những người đã liều mạng, cứu kẻ bất tín, tiếp tay ăn cướp bảo vật của buôn. Lạy xong hăn nói:

          -Người lạ sống ngoài phố, mọi người vẫn gọi là lão Vương, nhà cách đây tới ba ngày đường voi đi. Nghe tin buôn Trưng có đá thần chữa được bệnh nên thuê người buôn tao đưa vào xem. Khi thấy “hòn đá Yang” của buôn chính là dao(9), lão bảo: “Loại này quý lắm vớ, một ký có giá hơn bảy ký vàng bốn số chín đấy”. Vì tham, lão Vương bày kế để ăn cướp hòn đá và giết mấy người đi theo. Không ngờ về đến đây, khi ra đến giữa sông bị Yang trừng phạt; sóng lớn nổi lên, sông nuốt tất cả voi, người và “hòn đá Yang” vào bụng; chỉ mình tao may mắn và biết bơi, trôi xuống đến đây vớ được ngọn cây mới dạt vào chỗ này, thoát chết.

          Nghe vậy mọi người thở dài, Y Khuôn nói với quản tượng:

          -Làm người đừng nên làm điều ác và cũng không được giúp kẻ khác làm điều ác vì cái kết bao giờ cũng không tốt. Lũ chúng mày đến buôn tao lừa dối mọi người cướp “đá Yang” nên bị Yang trừng phạt, phải làm mồi cho cá, ngủ trong bụng sông là phải lắm. Buôn tao chắc rồi sẽ bị trừng phạt vì không biết phân biệt người xấu, người tốt nên Yang lấy lại quà. Âu đó cũng là bài học cho mọi người.

          Nghe Y Khuôn nói vậy, cả bọn đưa mắt nhìn nhau, rắng nghiến chặt, mắt nhìn dòng sông như muốn nổ tung. Bỗng trong rừng vọng đến tiếng hổ gầm nghe rất gần:

-H… ù… m!

         

 

 

Chú Thích tiếng Êđê:

1.    Già làng: người có uy tín nhất trong buôn;

2.    Ama: ba;

3.    Yang: thần linh;

4.    Sống hơn hai mươi mùa rẫy: hơn hai mươi tuổi, mỗi mùa rẫy là một năm;

5.    Khan: truyện cổ sử thi truyền miệng của người Êđê.

6.    Atau: chỉ người đã chết;

7.    Xà gạc: con dao dùng phát rẫy, đi rừng;

8.    Quản tượng: người trông nom và điều khiển voi;

9.     Dao: kỳ nam;


Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

ĐÊM KỲ LẠ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - BÁO HẢI PHÒNG ngày 29 tháng 11 năm 2021

 


Y Nhớ ngồi trên hòn đá mắt chăm chú nhìn ngọn lửa đang từ từ biến cây củi thành những hòn than màu hồng, không biết suy nghĩ gì mà khuôn mặt rạng rỡ hơn bình thường. H’Uyên, con người của công việc, đến ngồi chơi cũng không chịu để đôi tay được yên, hết đẩy thanh củi này vào lại lấy thêm thanh củi khác để lên trên, tạo nên những hạt lửa nhỏ li ti theo khói bay cao trông giống những bông hoa nhỏ. Vân hai tay ôm đầu gối, ngồi nhìn ngọn lửa một lúc rồi quay sang Y Nhớ, hỏi:

-Chân Y Nhớ sao rồi?

-Không còn đau nữa.

-Vết ba ba cắn nơi tay Vân cũng khô miệng rồi, H’Uyên giỏi thiệt. Không biết nghề hái lá chữa bệnh của dòng họ nhà H’Uyên bắt đầu từ đâu nhỉ?

Nghe Vân hỏi, H’Uyên hình như mỉm cười, đôi gò má có màu chiêng mới đúc cũng hồng lên một chút như thi với các hòn than đang cháy trong đống lửa, trả lời:

-Nghe người già bảo, ngày xưa tổ tiên mình học các loài thú tự hái lá cây trị bệnh đấy. Muông thú trong rừng thông minh lắm; chúng cũng biết kiếm lá, hoa, quả, ăn khi bị đau ốm.

-Ô, lạ nhỉ.

 Vân kêu lên ngạc nhiên. H’Uyên kể:

-Ngày xưa, dòng họ Niê Kdam cứu được một con voi rừng bị rơi xuống hố sâu. Voi cảm ơn người nên theo về cùng chung sống và giúp việc nhà. Một lần đưa voi vào rừng xa kéo gỗ, ông chủ bị đau bụng, đi cầu nhiều lần. Voi thấy vậy mới bỏ đi, một lúc sau quay lại trên vòi có quấn theo một cành lá nhỏ thả xuống trước mặt, dùng vòi đập nhẹ lên đầu ông chủ ra hiệu ăn. Người đó làm theo, một lúc sau thấy hết đau, mừng lắm về khoe với vợ. Cô vợ nói với chồng: “voi là con vật tuy không biết nói, nhưng thông minh; đi rừng nếu voi bị bệnh ăn gì khỏi đau, ghi nhớ về bắt chước để chữa bệnh cứu người”. Từ đó trong các chuyến đi rừng, anh ta để ý: khi voi bị đau, đi tìm ăn thứ gì thì khỏi bệnh; ghi nhớ về nói cho vợ biết. Người vợ bắt chước voi, dùng các loại hoa, lá, quả, củ… như thế để trị bệnh cứu người, thấy có kết quả. Nghề chữa bệnh của dòng họ nhà mình bắt đầu như thế.

-Hay quá, cứ như được nghe kể khan(1) ấy.

Y Nhớ reo lên khi khám phá ra nguồn gốc nghề hái thuốc chữa bệnh của nhà H’Uyên – một dòng họ được cả vùng kính trọng vì chữa khỏi bệnh cho nhiều người.

-Thuốc của nhà H’Uyên chỉ chữa được những bệnh thông thường thôi, còn những bệnh nằm sâu trong ngực, trong đầu, trong bụng… không biết chữa đâu, phải đến bệnh viện đấy.

Nghe H’Uyên nói như thanh minh, Vân vui vẻ góp lời:

-Từ lâu, Vân cũng muốn biết bí mật gia truyền của nhà H’Uyên nhưng không dám hỏi, nay được “bật mí” rồi, thật tuyệt.

-Có gì đâu mà phải bí mật, nhiều người trong buôn biết chuyện như thế từ lâu rồi mà.

H’Uyên vui vẻ trả lời và nói thêm:

-Khuya rồi, chúng ta đi ngủ lấy sức mai còn đi tiếp.

-Ừ, Y Nhớ đau chân nằm bên phải, H’Uyên nằm bên trái đống lửa cho ấm và canh bếp luôn.

Vân phân công, H’Uyên ngạc nhiên hỏi lại:

-Vân nằm ở đâu?

Vân nở nụ cười rất tươi, trả lời:

-Mình ngủ bên kia đống lửa, thế là thành chữ u đẹp luôn.

-Ô, như thế không ổn lắm đâu.

H’Uyên tỏ ý băn khoăn, Y Nhớ ngạc nhiên hỏi lại:

-Tại sao lại không ổn?

-Cái đầu Vân nhìn cái chân H’Uyên lúc ngủ rồi.

Vân cười ré lên, một lúc sau mới dừng lại được, trả lời:

-Cái bà này suy nghĩ lung tung; đầu hai bạn chụm vào nhau, còn chân mình với chân Y Nhớ gần nhau, như vậy được chưa?

-Không được.

-Vì sao?

-Đầu Vân và đầu Y Nhớ chạm nhau, chân mình gần chân Vân mới phải.

Thấy hai bạn tranh luận bàn chỗ nằm ngủ, Y Nhớ bật cười nói:

-Ngủ tạm qua đêm thôi mà, nằm đâu chẳng được, đàn ông ưu tiên phụ nữ.

-Thế thì được!

H’Uyên trả lời rồi đứng dậy ôm lá cây qua phía đối diện trải ra làm nệm. Trên cao, lá cây cổ thụ kết thành mái nhà không cho giọt sương nào rơi xuống. Vân ngả mình xuống đám lá, kê tay gối đầu, nhìn lên ngọn cây, nói:

-Tối ngủ trong rừng cũng hay thật.

-Vân đã quen với rừng rồi đấy, thôi ngủ đi lấy sức, mai còn khám phá rừng.

H’Uyên nói xong, từ từ nằm xuống. Vân nghiêng mình nhìn qua phía bên kia bếp lửa thấy H’Uyên gác tay lên trán, hình như đã ngủ, chợt nghĩ: Cô bạn lớp trưởng có khuôn mặt trái xoan, mắt lá răm không những thông minh mà còn có một chút tinh nghịch. Nhân dịp trong buôn có nhà làm lễ cúng bỏ mả(2) nảy ra sáng kiến rủ hai bạn cùng lớp lấy thuyền ngược sông vào rừng Yang(3) chơi. Người trong vùng ai cũng sợ rừng Yang không dám đặt chân tới vì lời nguyền: ai vào rừng sẽ không bao giờ trở về buôn nữa. Nhưng cả ba tò mò, muốn khám phá xem trong khu rừng ấy có gì mà bao đời nay người ta sợ, gọi là rừng Yang. Vào rồi mới thấy khu rừng rất đặc biệt: mặt đất bằng như sân trường, mọc toàn gỗ hương, cách đều nhau như được trồng, tán lá che kín bầu trời; có lẽ vì vậy, người đi trong rừng không phân biệt được thời gian, phương hướng nên… lạc. Vân bật cười vì đã khám ra bí mật của rừng Yang.

 

*

**

Gần trọn một ngày lang thang trong rừng, hết nước uống, ba “nhà thám hiểm” xuống suối tìm nước. Y Nhớ đi trước mở đường không may bị trăn mai phục; bất ngờ cắn vào chân, quấn tròn lại, suýt bị nuốt sống. Trong lúc nguy cấp, Vân lao đến nắm đuôi trăn kéo ra, bảo H’Uyên dùng quẹt ga đốt vào rốn trăn - H’Uyên nghĩ đến đây bật cười: trăn là giống bò sát làm gì có… rốn! Nhưng cũng phải thầm công nhận anh bạn Joan(4) lần đầu đi rừng tỏ ra can đảm, trong lúc nguy cấp biết nghĩ ra cách dùng quẹt ga đốt “rốn” trăn. Trăn bị đốt đúng chỗ hiểm phải thả người, bỏ chạy, cứu được bạn. H’Uyên nghĩ thấy vui vui, hai mi mắt từ từ tìm đến với nhau...

-Éc!

-H… ộc, h… ộc, h… ộc.

Tiếng bầy heo cắn nhau, chắc tranh giành nước uống dưới vũng nước vang lên làm H’Uyên tỉnh giấc, ngồi bật dậy. Trời xung quanh tối đen như mực. Đống lửa chỉ còn mấy hòn than đỏ. Ô, mình mơ. Chất thêm củi vào, H’Uyên cúi xuống thổi cho than hồng lên, tạo thành ngọn lửa ăn các cành củi mới bỏ vào. Một vầng sáng nhỏ hiện ra rồi lớn dần lên cùng với đám lửa. Hai người bạn trai nằm hai bên đống lửa vẫn ngủ ngon lành. Y Nhớ từ nhỏ đã quen với rừng, chỉ nhìn nước da ngăm ngăm đen, mái tóc quăn là biết người bản địa Tây Nguyên rồi. Còn Vân, bạn học người Kinh duy nhất của lớp; mặt tròn, nước da trắng như trứng gà luộc mới bóc vỏ; bố làm bác sĩ, mẹ dạy học, chỉ quen đi đường nhựa, lần đầu vào rừng chắc là mệt lắm. Cũng may, mẹ Vân về miền Bắc nghỉ hè, bố đi tập huấn trên thành phố mai mới về nên không ai biết Vân vắng nhà; nếu không thì… Nghĩ đến đây, H’Uyên bất giác mỉm cười.

*

**

Bỗng có tiếng chim ăn đêm nghe thảm thiết trên ngọn cây phía vũng nước vang lên. H’Uyên giật mình nghĩ đến câu chuyện người già kể trong khan: Ngày xưa, có con cọp dữ chuyên đi bắt người ăn thịt; oan hồn người chết hóa thành một loài chim bay theo con cọp. Cọp đi đến đâu, chim bay theo đến đó kêu lên, thông báo cho muông thú biết để tránh. Chẳng lẽ hôm nay lại gặp nó ở đây, trong khu rừng của Yang, báo hiệu cọp sắp xuất hiện chăng?

-H… ù… m.

-É… c.

Một tiếng gầm khủng khiếp của con cọp, sau đó là tiếng kêu thảm thiết của con heo bị nạn; tiếng bầy heo chạy rầm rầm, xé tan màn đêm. Y Nhớ và Vân choàng dậy, với lao, đinh ba đặt bên mình quay nhìn xuôi phía suối tối đen trước mặt. Tiếng con heo kêu nhỏ dần rồi tắt hẳn; cuộc chiến có lẽ đã kết thúc. Vân quay lại nhìn thấy H’Uyên ngồi như pho tượng bên bếp lửa, ngạc nhiên, kêu lên;

-H’Uyên không nghe cọp gầm à?

-Con hổ kêu to thế mà H’Uyên không nghe sao?

Y Nhớ cũng không giấu được ngạc nhiên hỏi thêm. H’Uyên với tay đẩy thanh củi vào giữa đống lửa, trả lời:

-Có chứ, nhưng loài thú cũng phải đi kiếm ăn mà sống như chúng ta thôi, có gì phải bận tâm.

-Hở!

Vân kêu lên như không tin ở tai mình, chạy lại bên cạnh cúi nhìn vào mắt H’Uyên như nhìn một vật gì đó kỳ lạ lắm.

-Vân thấy mặt H’Uyên bị làm sao mà nhìn lạ vậy? Ngồi xuống đi!

-H’Uyên có bị sao không?

Y Nhớ cũng lo lắng hỏi, H’Uyên cười, trả lời:

-Hai ông con trai mà nhát như thỏ rừng, mới nghe tiếng cọp gầm đã mất vía thì làm sao thành người lớn được. Sang năm học lớp chín rồi, phải tập cho nó quen đi: việc ta ta làm, còn việc của lũ thú cứ để cho chúng tự xử với nhau.

Y Nhớ vươn vai, làm vài động tác thể dục rồi nói:

-May quá, cái chân hết đau rồi. Cảm ơn Lớp trưởng đắp lá, cảm ơn Lớp phó học tập nghĩ ra cách đốt rốn trăn; nhưng mà trăn làm gì có rốn như người mà đốt nhỉ.

-Mình với H’Uyên nắm đuôi trăn kéo mãi mà nó không bỏ bạn ra, còn bị nó quật cho ngã dúi dụi. Lúc ấy mình nhớ đến chuyện các bạn hay nói: thú trong rừng con gì cũng sợ lửa, nên mình bảo H’Uyên bật quẹt đốt vào rốn trăn, gần chỗ mình đang nắm đuôi trăn.

Thấy Vân đỏ mặt, trả lời; H’Uyên nói giúp:

-Mình cũng không nghĩ được cách nào để trăn bỏ bạn ra. Trong lúc khó khăn nhất Vân lại nghĩ ra cách đốt trăn thì quá giỏi luôn. Mình mới hơ một tí thôi nó đã phải gồng mình, quật ngã Vân rồi bỏ Y Nhớ ra để chạy.

Y Nhớ trán dô, khuôn mặt hơi dài, hướng đôi mắt sáng, nhìn qua phía Vân nhận xét:

-Học giỏi, đi rừng khù khờ như em bé, nhưng gặp việc đột xuất xử lý thông minh thật.

-Trai Thủy Nguyên đất Cảng bình thường vậy thôi.

Vân trả lời xen chút tự hào về truyền thống quê hương làm hai bạn tròn mắt nhìn. H’Uyên nói:

-Sau này nhất định mình sẽ về thăm thành phố Hải Phòng, quê Vân cho biết.

-Có dịp tớ cũng về.

Y Nhớ góp chuyện và nói thêm:

-Mình biết vì sao trăn định ăn mình rồi.

-Vì sao?

Vân ngạc nhiên kêu lên, Y Nhớ giải thích:

-Mùa khô suối hết nước, cả khu rừng rộng lớn chỉ còn một vũng nhỏ phía dưới chỗ ta đang ngồi nên lũ thú tìm đến uống nước; loài thú ăn thịt cũng kéo đến săn mồi.

-Y Nhớ nói đúng, mùa khô chỗ nào còn được ít nước thì chỗ đó hết sức nguy hiểm, nhưng đó là với loài thú thôi, còn con người thì không sao vì chúng ta có lửa.

Vân góp chuyện, cả ba cùng cười vui vẻ. Trời sáng dần, H’Uyên cho tất cả số củi còn lại vào đống lửa, đốt hết rồi cùng nhau đi xuống vũng nước phía dưới rửa mặt. Xa xa tiếng bầy vượn hú gọi bình minh vang lên rộn rã; bầy chim công hình như cũng vừa thức giấc gọi nhau: tố hộ, tố hộ…

 

 

Chú thích tiếng Êđê:

1.    Khan: truyện cổ truyền miệng của người Êđê;

2.    Yang: thần linh;

3.    Lễ cúng bỏ mả: lễ cúng vĩnh biệt người quá cố và không bao giờ nhắc đến nữa;

4.    Joan: người Kinh.

Nguồn: http://www.baohaiphong.com.vn/baohp/vn/home/InfoDetail.jsp?ID=59514&cat=103

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

MẤT CHIM truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, số 663 ra ngày 11 tháng 11 năm 2021

 


Mẫn thẩn thờ kéo ghế ngồi đối diện tôi, đôi mắt vô hồn hướng về chậu phong lan phía xa, nơi góc tường. Tôi ngạc nhiên trước thái độ lạ của người bạn, chưa biết phải làm gì.

-Anh dùng gì ạ?

Tiếng nói của cô tiếp viên làm tôi giật mình, quay lại. Một thiếu nữ còn trẻ, tóc dài óng mượt, có vầng trán cao, mắt hai mí, chiếc khẩu trang che nửa mặt, đứng bên tôi nhưng mắt lại nhìn Mẫn. Mẫn vẫn không trả lời, tôi phải trả lời thay:

-Em cho xin ly đen nóng.

-Dạ!

Cô tiếp viên đi rồi tôi mới quay lại hỏi Mẫn:

-Có chuyện gì à?

-Mất rồi!

-Ai mất?

Tôi giật mình, tái mặt hỏi lại theo phản xạ. Mẫn kém tôi một giáp, giáo viên cấp một, cũng vì mê văn chương mà chúng tôi quen nhau. Nghe nói trước đây, vợ Mẫn là bạn học cùng lớp, ngồi cùng bàn bốn năm trung học cơ sở, làm nhân viên bán vé xe buýt nuôi mẹ. Lương hai vợ chồng, phải nuôi mẹ, nuôi con nên kinh tế khó khăn. Để thoát nghèo, năm con gái tròn hai tuổi, cô vợ xin đi xuất khẩu lao động qua Đài Bắc thời hạn ba năm; hy vọng kiếm được tí vốn về đổi đời. Ở nhà Mẫn đảm nhận việc nuôi con và chăm sóc mẹ vợ.

Quả thật từ ngày vợ đi xuất khẩu lao động, kinh tế gia đình nhà Mẫn khá hẳn lên. Mỗi tháng vợ gửi về mười triệu, Mẫn gửi ngân hàng hết; chi tiêu hàng ngày dùng tiền lương của mình – cũng may, thời kỳ đổi mới, lương giáo viên cũng tàm tạm. Được hơn năm, đánh đùng một cái vợ gửi về cho cục tiền năm trăm triệu, nhắn xây nhà. Theo thiết kế của kiến trúc sư Đài Loan vợ gửi về, xây nhà hết hơn một tỷ. Rút tiền gửi ngân hàng cộng với tiền vợ gửi không đủ, Mẫn phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng, xây nhà đúng theo thiết kế cho vợ vui. Ngôi nhà hai tầng rất đẹp, có đủ phòng thờ; phòng riêng cho mẹ, con trai, con gái, phòng khách, phòng hạnh phúc vợ chồng, bể bơi…

Nhà xây xong, cô vợ gửi tiếp một tỷ, thế là trả hết nợ, Mẫn còn mua được cái xe bốn bánh đi làm. Nhà cửa đàng hoàng, trong nhà trang bị đầy đủ tiện nghi, con gái vào lớp một, mẹ vợ ngày một già yếu mà vợ vẫn chưa về. Trong những ngày xa vợ, ngoài giờ lên lớp Mẫn chỉ quanh quẩn với ngôi nhà của mình để chăm sóc mẹ vợ và con gái; vậy mà… Mẫn nói tiếp:

-Nó bỏ đi mất rồi anh ạ!

-Sao?

Một ý nghĩ lướt nhanh qua đầu tôi: mẹ già thì ông thầy giáo này không thể nói là “nó” được, con gái năm nay lên bảy tuổi không thể bỏ đi; vậy, chẳng lẽ lại là… Tôi bảo:

-Cậu nó rõ hơn một chút được không?

Mẫn nâng ly cà phê lên nhấp một ngụm, nhăn mặt. Khuôn mặt tròn, trán ngắn nước da ngăm ngăm đen làm nổi bật hàm răng trắng rất đều trang trí cho cái miệng rộng; khi nhăn mặt nhìn như đẹp hơn lên một tý.

-Cà phê đắng quá!

-Cậu đã cho đường đâu?

-Vậy ạ. Em cho ăn, khi đi thay nước quên không đóng cửa, thế là nó bay đi luôn.

-Cậu này, ăn nói lấp lửng làm mình tưởng chuyện người, hóa ra chuyện chim.

-Dạ, đúng rồi, con vẹt em nuôi đấy, nó đã biết nói rồi mà.

Thì ra chuyện con vẹt, tôi thở phào. Mẫn ngoài giờ lên lớp, về nhà chăm lo cho tổ ấm của mình để đợi vợ trở về, gần đây còn có thêm thú vui nho nhỏ: mê chim. Một lần đi dạy về thấy có cậu bé người dân tộc bản địa đứng bên đường bán con vẹt bị xích vào một cành cây khô. Động lòng trắc ẩn, Mẫn dừng xe, hỏi mua rồi mang về. Có chim phải có lồng để nuôi, Mẫn đặt thợ làm một chiếc lồng bằng gỗ mít, nan tre, sơn son, thếp vàng, có nhiều hoa văn tinh xảo, hết gần trăm triệu.

Chim vẹt, có nơi gọi chim két, rất thích ăn bắp khi hạt mới đông sữa. Vào mùa khô, ở gần không có bắp tươi; Mẫn phải đến chợ 47 – chợ duy nhất trên địa bàn tỉnh bán bắp luộc quanh năm; cách xa bốn mươi bảy kilomet để mua bắp tươi về cho vẹt ăn. Vật chẳng phụ công, gần đây vẹt đã biết nói tiếng người; thấy chủ về, nó cất tiếng chào:

-Chào ông chủ, ông chủ đi làm về!

-Mẫn có vui không?

-Hồng về chưa?

Hoặc thông báo:

-Nhà có khách!

Hồng là tên con gái của Mẫn. Mẫn tự hào về chim của mình lắm, đi đâu cũng say sưa nói về kỹ thuật nuôi, dạy chim; tự xem mình là hình mẫu cho thành công nuôi chim. Nay mất chim, mặt buồn như lần đi tìm bạn, hỏi tin vợ.

***

Đi cùng đợt xuất khẩu lao động, trên địa bàn huyện có bảy người đều là nữ cả; trong số bảy người đó duy nhất vợ Mẫn đã có chồng, còn lại gái trẻ. Vợ Mẫn cao gần mét bảy, nước da bánh mật, khuôn mặt trái xoan, mắt lá răm - mỗi khi liếc ngang một cái thì… sắc hơn dao cạo, nổi bật trên khuôn mặt xinh đẹp ấy là đôi môi mỏng, lúc nào cũng phơn phớt hồng như được tô son. Các cụ ngày xưa nhận xét quả không sai: gái một con…

Sau ba năm, sáu người đi cùng lần lượt trở lại quê, riêng vợ Mẫn có hợp đồng mới nên ở lại làm thêm thời gian hai năm nữa, kiếm tiền lo cho con cái sau này. Lương tháng gửi về cũng tăng gấp đôi; vợ nhắn tin dặn: “không phải tiết kiệm, cứ chi tiêu thoải mái, miễn là mẹ và con khỏe mạnh là được”. Mẫn vui vẻ đồng ý, trong lòng vô cùng cảm động, nghĩ: vì mình, vì con nên vợ phải vất vả, tha hương...

Biết tin các cô gái đi làm cùng vợ trở về, Mẫn tìm đến hỏi thăm tin tức của vợ. Khi gặp, cô nào cũng nhìn Mẫn với ánh mắt là lạ và hình như ai cũng lãng tránh trả lời, người nói ở xa ít liên lạc; người bảo làm việc vất vả, không có thời gian gặp nhau nên không rõ lắm – nghe vậy, Mẫn càng thương yêu vợ nhiều hơn. Vì yêu vợ, nhớ vợ, Mẫn hết sức chu đáo với mẹ vợ và con gái; thời gian còn lại giành cho chim. Thương Mẫn, tôi động viên:

-Cậu đọc chuyện Tái ông mất ngựa chưa? Biết đâu mất chim lại là điềm may đấy!

-Bác nói lạ!

Mẫn nhìn tôi như mới từ cung trăng rơi xuống. Tôi cười xòa, nói:

-Thời gian sẽ kiểm chứng!

***

Chủ nhật sau, gặp tôi ở quán cà phê, Mẫn nói:

-Em thấy nó rồi bác ạ!

Mặt buồn thiu, Mẫn kéo ghế ngồi xuống đối diện. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

-Tìm thấy chim rồi sao mà mặt buồn thế? Thấy nó ở đâu?

-Ở nhà ông Phó phòng phụ trách công tác tổ chức.

-Sao?

Tôi ngạc nhiên kêu lên. Mẫn thủng thẳng nhấp một ngụm cà phê, cặp mắt nhìn ra phía đối diện như ngắm dò phong lan hồ điệp mới nở, giọng nghèn nghẹn: tay Hiệu trưởng thông báo em có tên trong danh sách được cơ cấu bổ nhiệm Phó hiệu trưởng năm tới, vì thế nên tranh thủ đến nhà thăm xã giao ông Phó phòng. Vui chuyện, ông ấy khoe: mình cũng khoái chơi chim, hôm trước có con yểng biết nói, nhưng mấy ngày quên không cho ăn, nó chết mất; mang lồng ra treo sau nhà, định không nuôi nữa. Bất ngờ ba hôm trước có con vẹt rất đẹp ở đâu chui vào lồng ở. Vẹt thông minh lắm, nó còn biết nói nữa. Thấy mình đi làm về là cất tiếng chào: “Chào ông chủ, ông chủ đi làm về”, cậu thấy có lạ không? Nói xong, ông ta kéo em ra xem con chim mới của mình. Vừa thấy em, con vẹt cất tiếng: “Mẫn có vui không? Mẫn có vui không?”. Ông Phó phòng vỗ vai em, cười như pháo nổ, nói: “Cậu thấy nó thông minh không, mới nhìn người mà đã biết tên để chào”. Ngẫm ra các cụ ngày xưa dạy: con người ta ta có cái số, đúng thật; em đành cười trừ, khen xếp mấy câu rồi về. Con vẹt còn gọi đuổi theo: Hồng về chưa? Hồng về chưa? Nghe mà đứt cả ruột.

-Cậu thấy chưa, “của đi thay người”; mất chim được lên chức, sướng nhé.

-Anh nói giống y như mấy thầy cô ở trường em, bọn chúng còn bắt em khao vì… mất chim.

-Anh Mẫn kể chuyện hay như đọc tiểu thuyết ấy.

Tôi giật mình quay lại thấy cô tiếp viên có cặp mắt hai mí quen thuộc, khuôn mặt tròn, da trắng, má lúm đồng tiền – hôm nay cô ta tay cầm khẩu trang, mắt nhìn Mẫn có cảm giác là lạ.

-Em ngồi uống cà phê nhé.

Mẫn vồn vã nói, cô tiếp viên đáp:

-Quán đang đông khách, em xin lỗi ạ!

Chờ cô gái đi xa, tôi quay lại hỏi:

-Hai người có vẽ tình cảm nhỉ?

-Cô ấy tên Thảo, tốt nghiệp đại học Ngoại thương loại khá, không xin được việc làm nên đi phụ bán cà phê. Thấy em hay ngồi quán chỗ này nên khi ít khách lại tói nói chuyện cho vui thôi. Gia cảnh cũng tội, cha mẹ già làm nông, hai em đang học nên nhà kinh tế khó khăn lắm.

-Bất ngờ quá, mới quen mà tìm hiểu kỹ thế?

-Cuộc sống mà anh, bé Hồng nhà em cũng thích cô này lắm!

-Nhanh quá, mới đó mà bé đã học lớp tám rồi. Chắc cô ấy sắp về?

-Vợ chưa về nhưng chim về rồi.

-Sao?

Tôi ngạc nhiên, tưởng mình nghe nhầm. Mẫn nhìn tôi, đôi mắt không giấu được niềm vui:

-Trưa hôm qua đi làm về, thấy nó chui vào lồng từ lúc nào ấy, cất tiếng chào:

“Mẫn đi làm về à, có vui không?” em mừng và ngạc nhiên quá gọi điện báo tin cho Thảo, Thảo chúc mừng em, nhưng lại khuyên: “Anh nên mang chim trả lại cho xếp”.

-Thảo nào?

Như đọc được vẻ ngạc nhiên của tôi, Mẫn cười rồi thủng thẳng trả lời:

-Cô tiếp viên khi nãy đấy.

-À thì ra vậy. Thế cậu quyết định thế nào?

-Chiều hôm qua em và Thảo đến nhà trả chim cho sếp, tặng luôn chiếc lồng. Xếp mừng lắm, khen cái lồng đẹp và nhân tiện báo tin vui luôn: Tuần sau sếp về trường trao quyết định cho em.

-Chúc mừng cậu!

-Dạ, em cảm ơn anh!

Mẫn vừa dứt lời đã nghe có người lên tiếng:

-Cảm ơn phải thể hiện sự chân thành chứ, khao đi!

-Nhất trí, chiều nay mời anh và Thảo đến quán Mười Triệu ăn cơm tối ạ.

Thảo cười giòn tan, bước vôi qua bàn phía cuối quán tính tiền, tôi hỏi Mẫn:

-Vợ cậu sắp về rồi phải không?

Mẫn cười, nụ cười… nửa miệng rồi bật điện thoại, đưa cho tôi đọc tin nhắn vợ mới gửi về:

 “Em kiếm được hợp đồng mới 5 năm nữa, lương khá lắm. Anh ở nhà chịu khó chăm sóc mẹ và con giúp em nhé. Hôn anh!”

 

  Tháng 7 năm 2021

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

BÀI HỌC QUÝ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM ngày 14 tháng 10 năm 2021

 


Nhân ngày chủ nhật, Hoàng Vân xin cha mẹ cho theo Y Ngoan vào rừng chơi. Y Ngoan bảo vào rừng già có nhiều điều lý thú lắm, đi cho biết. Sau hơn một giờ đi xe đạp, đến buôn Trưng, gửi xe nơi nhà quen Y Ngoan rồi băng qua suối, leo lên núi cao. Núi có nhiều cây to lắm, cành lá như những bàn tay khổng lồ đan vào nhau che nắng cho mặt đất.

Buổi sáng mùa khô Tây Nguyên hình như bầu trời xanh và cao hơn. Gió thỉnh thoảng vờn qua làm lắc lư những ngọn cây cổ thụ, tạo nên bản nhạc rừng thánh thót từ những chiếc lá chạm vào nhau và các cành đệm thêm tiếng kẽo kẹt, kẽo kẹt… thật vui tai. Bầy chim bạc má không biết bàn nhau chuyện gì bên các gốc cây cũng ồn ã cả lên với những nốt trầm bổng như một bản hòa tấu của thiên nhiên chào đón những chàng trai vào thăm rừng già. Lần đầu tiên Hoàng Vân được theo bạn vào rừng, nhìn cái gì cũng lạ. Y Ngoan, bạn học cùng lớp mặc bộ đồ sơ mi xanh sẫm, vai đeo gùi thoăn thoắt nhảy qua các hòn đá, rễ cây như con chim bay lượn; thỉnh thoảng ngoái đầu lại tủm tỉm cười, mái tóc quăn tít rủ xuống vừng trán hơi dô màu nâu đen làm tăng thêm vẻ đẹp rất đặc trưng của người bản địa Tây Nguyên. Mặt trời vượt qua ngọn núi Krông Jin rót những tia nắng vàng chui qua các kẽ lá soi xuống nền đất bị cày xới nham nhở, dày đặc dấu chân lợn; bên gốc mấy cây gỗ mục mới đổ, gốc to một vòng ôm, dài đến ba chục mét có chỗ được đào sâu tới gần nửa mét; thấy lạ Hoàng Vân vừa thở vừa nói:

-        Y Ngoan ơi, ai đào làm gì những cái hố này thế?

-        Mấy con heo rừng đấy, nó tìm củ để ăn ấy mà.

-        Làm sao nó có thể đào sâu thế này?

-Cậu thấy lạ à? Y Ngoan dừng lại chỉ vào cái hố bên cạnh lối đi: đây này, dấu chân như cái ly lớn chứng tỏ nó là con đực mới to như vậy. Loài heo rừng, con đực có răng nanh mọc ở hai bên mép thế này này – Y Ngoan cắm chiếc xà gạc xuống đất, hai tay nắm lại xòe hai ngón tay cái qua hai bên đặt vào mồm, răng nanh nó mọc như thế và dài hơn ngón tay, chúng dùng để ủi đất, đào củ. Cậu nhìn cái vết phẳng lì bên miệng hố nè, con heo này quỳ xuống để đào được sâu hơn đấy.

-Hay thật, con lợn nhìn thấu đất, biết tìm củ cây rừng và đào sâu xuống để lấy ăn, có vẻ nó khôn như người ấy nhỉ.

-        Không những khôn mà còn dữ lắm, có khi đuổi cả người để cắn đấy!  

-        Eo ôi, nếu đi rừng không may mà gặp thì làm thế nào?

-        Leo lên lên cây chứ còn làm thế nào, hổ và heo không biết leo cây đâu.

-        Nếu leo không kịp thì chắc chết à?

-Cậu nhát thế, có con thú gì mà không sợ người. Chỉ khi nào con người làm chúng bị thương thì nó mới hung dữ thôi, còn bình thường nghe hơi người chúng đã bỏ chạy rồi. Ta đi tiếp chứ.

Nói dứt lời Y Ngoan lại thoăn thoắt bước đi, cái đầu hơi chúi về phía trước, cái gùi che hết tấm lưng, phía trên gùi lưỡi xà gạc sáng lấp lánh. Hoàng Vân sinh ra và lớn lên vùng bán sơn địa xứ Thanh, nơi được nhiều người biết đến với câu nói bất hủ: “Được mùa Nông Cống sống mọi nơi”. Vùng đất xã Tượng Sơn lưu truyền cũng có rừng già, chứa nhiều loài gỗ quý hiếm như: lim, táu, sến, cẩm lai… mọc trên núi Voi, gò Khỉ, gò Chan… các loài thú quý như: chim công, trĩ, voi, hổ, báo, khỉ… nhiều lắm; nhưng rồi do bom đạn của giặc Mỹ tàn phá và con người cần đất canh tác nên rừng dần dần chạy tuốt lên huyện Như Thanh ẩn náu, bây giờ chỉ còn trơ những đồi núi trọc. Đầu năm vừa rồi, cha được điều động tăng cường công tác cho Tây Nguyên, thế là cả nhà vào định cư tại cái thị trấn ba mặt núi cao bao bọc, chỉ còn phía bắc nhìn được xa hơn vì toàn những ngọn đồi không cao lắm, trồng cà phê xanh mượt. Y Ngoan làm lớp trưởng, là người được cô giáo chủ nhiệm phân công giúp đỡ Hoàng Vân khi mới chuyển vào học lớp 7A, năm học đầu tiên ở quê mới. Nhờ có sự giúp đỡ của bạn, Hoàng Vân hòa nhập rất nhanh với lớp, một tập thể 44 học trò mà đa số là người dân tộc bản địa, tiếng nói như chim hót, nghe rất hay nhưng không biết nói gì. Sau một học kỳ, mọi sự ngăn cách đã được xóa nhòa, Hoàng Vân đã có được nhiều người bạn thân, học được một lượng từ kha khá để giao tiếp với người dân bản địa nơi đây.

Bỗng Y Ngoan dừng lại, quay mặt nhìn, hai mắt như có đốm lửa:

- Cậu nghe tiếng gì không?

- Tai mình đang ù ù như xay lúa đây này.

- Chú ý lại xem nào!

- Ối, hình như có nhiều người đang nói chuyện phía trước ta phải không?

- Không phải người mà là chim đấy, chim phượng hoàng đất, loại này chuyên ăn quả cây, ở rừng này chúng là loài chim lớn nhất đấy.

Nói xong, Y Ngoan ra hiệu bước nhẹ nhàng lên phía trước. Leo khoảng hơn năm chục mét, trên tán cây cổ thụ có nhiều dây leo chằng chịt xuất hiện những con chim lông màu đen, hai bên cánh và đuôi có điểm thêm vài chiếc lông trắng; điều đặc biệt ở loại chim này là chiếc mỏ rất to màu vàng, dài hơn cả gang tay, trên đầu chúng cũng có một chiếc mũ lớn màu vàng như màu chiếc mỏ. Chúng di chuyển trên các cành cây rất nhẹ nhàng, mặc dù thân hình to như chú vịt xiêm lớn, nhanh nhẹn chọn những quả chín đỏ mọng để ăn. Chúng vừa ăn vừa trò chuyện với nhau như cái chợ xổm vùng quê họp ven đường quốc lộ.

-        Cậu nhìn kỹ chưa, thấy đẹp không?

Y Ngoan thì thào.

-        Đẹp và lạ quá. Quả này chim ăn được, người có ăn được không?

-        Quả gắm đấy, chúng ăn quả trên ngọn còn chúng ta hái quả thấp phía dưới. Cậu nhìn đây.

Mãi ngước nhìn ngọn cây, quan sát bầy chim phượng hoàng đất đông đến vài trăm con đang mở tiệc trên ngọn cây, Hoàng Vân không nhìn phía dưới thân cây, nơi có nhiều dây leo to như cổ tay người lớn, trên thân dây leo có rất nhiều chùm quả chín đỏ mọng, to hơn đầu đũa một chút, hình như hạt lúa được phóng lớn.

- Chim ăn được, người chắc ăn được.

Nói là làm, Hoàng Vân hái mấy quả màu đỏ tươi, định bỏ vào miệng, Y Ngoan vội giơ tay cản lại.

-Yang(*) ơi, không ăn được đâu. Quả này nhìn ngon vậy nhưng sau lớp vỏ màu hồng là gai nhỏ, nó cắn vào môi, vào miệng vừa ngứa, vừa đau khó chịu lắm. Sao lớn vậy mà ngốc thế?

-        Ơ, mình cứ tưởng…

-        Quả này hái về phải luộc lên, mang ra suối chà cho hết vỏ ngoài, phơi khô, rang lên, bỏ vào cối giã cho hết vỏ lụa mới ăn được.

-        Vậy ta hái về ăn thử.

-        Hôm nay công việc của ta là vậy mà.

Bầy chim phát hiện ra hai người hái quả phía dưới bảo nhau lặng im một chút rồi tung cánh bay đi, tiếng vỗ cánh làm lá cây khua vào nhau như có cơn gió lớn thổi qua. Y Ngoan nhanh tay chọn những chùm quả chín đỏ không có quả xanh mới hái bỏ vào gùi, nhắc Hoàng Vân:

-        Cậu hái từng chùm, đừng hái từng quả, nó dập sẽ đâm gai vào tay ngứa lắm đấy.

-        Ừ, mình biết rồi!

Hái một chốc đã đầy gùi, quả cây còn nhiều quá nhìn cứ như chưa hái; Hoàng Vân tiếc rẻ:

-        Sao cậu không nói trước mình mang ba lô đi hái cùng, còn nhiều thế này phí quá.

-        Của rừng mà, mình lấy còn phải để lại cho con thú ăn nữa chứ. Hôm nay hái từng này về ăn là đủ rồi, hôm sau ưng thì vào lấy nữa, nhưng cậu có biết gùi không?

-        Yên tâm, cậu làm được mình làm được.

Đường xuống núi hình như dễ đi hơn, vì bước được dài hơn nhưng tay phải nắm lấy dây leo bên cạnh để không bị ngã, Hoàng Vân băng băng đi trước. Xuống gần đến chân núi, Hoàng Vân bỗng thấy hai bên đùi lúc đầu hơi xót, sau chuyển dần qua ngứa vội dừng lại để gãi. Càng gãi càng ngứa không thất đỡ chút nào, vừa lúc Y Ngoan đi tới hỏi:

-        Sao đấy?

-        Sao hai bắp đùi mình ngứa quá đi mất.

-        Cậu có bỏ gì vào hai túi quần không?

-        Có!

Hoàng Vân ấp úng, đỏ mặt đáp; Y Ngoan hỏi:

-        Cậu hái gắm bỏ túi quần à?

-        Ừ!

-        Yang ơi, cởi quần ra ngay, nhanh lên.

Như cái máy, Hoàng Vân vội bỏ quần dài ra, hai bắp đùi đỏ lừ như bị lên ban, Y Ngoan vội đặt gùi xuống chạy đi, một lúc sau quay lại trên tay cầm nắm là đưa cho bạn bảo xát vào chỗ tấy đỏ.

-        Mình đã nói cậu không nghe à, quả này có nhiều gai nhỏ li ti tạo thành vỏ bọc cho nhân hạt, phía trong vỏ. Khi vỏ vỡ ra, các gai nhỏ li ty sẽ cắm vào da.

-        Thấy còn nhiều quả, tiếc quá nên mới hái đầy hai túi quần, ai ngờ…

-        Đổ hết, đổ hết rồi cầm xuống suối giặt sạch, phơi khô mới mặc được.

-        Thế mình mặc thế này về nhà à?

-        Mặc quần đùi cũng tốt, lại mát hơn mặc quần dài; mấy ông già người ta còn mặc khố thì sao?

-        Trời, cậu về đừng nói với các bạn trong lớp biết, chúng cười mình nhé.

Y Ngoan bỗng cười như bị cù léc, rồi ôm bụng ho một lúc mới nói được:

-        Thôi ta về dưới buôn mượn quần mặc, hôm sau vào trả.

Hai đứa ra khỏi rừng đến bên bờ suối, Y Ngoan ngồi nghỉ, Hoàng Vân mang quần đi giặt. Dòng nước trong vắt, nhìn thấy rõ từng hạt cát trắng nằm sâu dưới lòng suối. Trên bờ, Y Ngoan nhắc:

-        Nhớ lộn hai túi quần ra để lông quả dính trong ấy trôi theo nước nhé.

-        Ừ!

Lần đầu tiên vào rừng hái gắm nhận được bài học quý: cái gì không biết phải hỏi người biết, không thể làm liều dù đó chỉ là một việc nhỏ như… hái qủa gắm. Hoàng Vân bật cười với chính mình, mặt hình như cũng đỏ lên thì phải.

Chú thích tiếng Êđê:

          *Yang: thần linh;

Nguồn: https://vanchuongphuongnam.vn/bai-hoc-quy-truyen-ngan-cua-hong-chien.html