Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 295 - THÁNG 3 NĂM 2017 - tác giả NGUYÊN HƯƠNG





CON CÁ GIỮA TRỜI SAO

Truyện ngắn


 Nhà văn NGUYÊN HƯƠNG

Cuối năm, Ban Văn học Thiếu nhi mời một số sinh viên khoa Văn và trường Mỹ Thuật tham dự hội thảo về truyện tranh. Tôi có vài truyện ngắn đăng báo nên có tên trong danh sách này.
Giấy mời hội thảo kèm yêu cầu mỗi người đem theo mười đồ vật để giới thiệu về bản thân. Có lẽ ngại cây bút hoặc cây cọ nào đó đồng thời cũng là tay mê tốc độ rinh luôn cả cái xe hầm hố lên sân khấu cho nên sau hai ngày thì ban tổ chức gởi thêm email dặn dò, “mười đồ vật đó có thể là bất cứ đồ vật nào gần gũi với bạn như là cái chìa khóa hoặc găng tay hoặc cái mũ... ”. Đọc là hiểu yêu cầu những đồ vật đó nhỏ gọn thôi.
Tôi quyết định chọn mười đồ vật sao cho giới thiệu bản thân một cách độc đáo. Trước tiên là cái chặn giấy bằng gỗ khắc hình con ngựa tung vó. Dáng ngựa tung vó không đáng được coi là một món lạ mắt, nhưng nó có thể là một lời giới thiệu vui vui. Ờ, tưởng tượng mình đứng trước mọi người, tay giơ cao con ngựa này lên và nói “Tôi luôn muốn mình là chiến mã”. Nghe khá là khiêu khích.
Chiến mã thì phải có kỵ sĩ. Tôi tìm ra một cô nàng bằng gỗ nhám đội mũ rộng vành. Rất hợp. Rồi mắt tôi đụng cái dĩa bằng sứ đựng bánh nướng tỏa mùi thơm bằng những cọng nhựa uốn éo, tự giới thiệu mình là một kẻ thích ăn và tham ăn, nghe cũng vui tai. Ờ, hội họp thường là nghiêm trang chán ngắt, cần vài lời tự giễu đùa giỡn mới được.
Tiếp theo tôi chọn cái mặt nạ quỷ, ừm, coi như là tôi thích hù dọa người khác, và để bù lại thì tôi chọn một bông hồng bằng vải với hy vọng loài hoa tượng trưng cho tình yêu cảm hóa được tính cách xấu xa. Tôi vui vui hình dung mình đứng trên sân khấu với lời giới thiệu bản thân đầy mâu thuẫn. 
***
Phần giới thiệu bản thân thông qua đồ vật quá vui, ai cũng giới thiệu về mình rất nhộn.
Tên sinh viên trường vẽ đặt lên bàn năm hột nút áo và nói đây là kỷ niệm trong một lần người yêu của người mẫu khỏa thân bất ngờ xuất hiện ở xưởng vẽ... Tác giả tiểu thuyết đang đình đám thì giơ cao hàm răng bằng nhựa trắng lóa và nói đây chỉ là mô hình còn hàm răng giả xài được thì đang nằm trong miệng mình, lý do là có độc giả tức giận vì nhân vật nữ phản diện trong tiểu thuyết của anh quá giống con gái của ông ta…
Khi chủ tọa giới thiệu tên một nhà văn vốn là thủy thủ, ai nấy chờ đợi được ngắm sản vật độc đáo của đại dương thì sau xâu chuỗi bằng ốc với mấy cái vỏ sò, nhà văn giơ cao chai dầu gió và tuyên bố đó là vật bất ly thân khi đi biển. Nhao nhao câu hỏi “Ủa, thủy thủ cũng bị trúng gió hả?”. Cả hội trường cười ồ. Những cơn gió cuối năm khiến ai đó bật ho từng tràng và một người vọt miệng: “Họa sĩ trúng gió là chuyện thường thôi.” Lại cười ồ.  Gió cũng có nhan sắc sao?
***
Mỗi người mười món năm mươi người cộng lại là năm trăm món thành một đống choán hết cái bàn rộng và tràn xuống nền nhà.
Người dẫn chương trình vui vẻ nói:
-  Các bạn thân mến, mỗi người sẽ sáng tạo một nhân vật từ những chất liệu này.
Mọi người xôn xao cầm lên đặt xuống, có người còn bới lung tung để lấy được món nằm tận bên dưới. Những bàn tay nhanh nhảu cầm hết món này tới món kia một cách tự tin khiến tôi càng thêm rối. Tôi mới chỉ sáng tạo nhân vật bằng cách viết, chưa bao giờ là từ những vật liệu hằm bà lằng như hôm nay.
Cậu sinh viên mỹ thuật đang đứng gần đó gắn vỏ hộp sữa với bốn cái nắp chai thành xe đẩy, và xé tờ giấy xốp màu vàng thành vô số mẩu nho nhỏ dán lên vài ống hút làm thành mấy cành hoa mai, rồi trải hai sợi ruy băng màu nâu song song dưới bánh xe. Vậy là thành chiếc xe chở mùa xuân đi qua phố. Người đẩy xe là cái găng tay trong phút chốc đã thành cô bé có ba sừng tóc là ba ngón tay, hai ngón còn lại thành... hai vành tai. Xe chở hoa và người đẩy xe đều rất ngộ nghĩnh.
Tôi bắt chước xé vụn giấy màu hồng để làm hoa đào chào năm mới nhưng  cành đào của tôi khiến mấy người thắc mắc “Cái gì đây?” Câu hỏi lập lại tới lần thứ ba thì tôi bỏ cuộc.
Không biết tạo hình thì chắc ăn nhất là chọn món có sẵn hình dạng dễ hiểu. Tôi vừa thò tay tới con ngựa thì nó vụt biến mất ngay trước mũi tôi, ai đó đứng sau lưng tôi đã nhanh tay hơn. Cứ như là tôi đang bị thử thách thì phải...
Cuối cùng thì tôi lấy được con búp bê bằng vải độn với ý nghĩ an ủi là tự nó đã là một nhân vật rồi! Phù, mình làm xong rồi! Tôi tiếp tục nhìn quanh các họa sĩ tương lai làm công việc của đấng sáng tạo.
Một cái vỏ chai được dán giấy đen và chụp bên trên miệng chai mẩu giấy màu đỏ quấn hình chóp biến nó thành một hình người đội nón, phần phình ra được dán lên hai vỏ ốc màu trắng làm thành bộ ngực thiếu nữ và lỗ rốn là một hột nút màu hồng. A ha, cái chai đã thành cô gái da đen ở trần.
Chiếc giày được gắn thêm mấy hình khối cắt ra từ cái hộp cạc tông làm mui và khoang thuyền giương cao cái mặt nạ quỷ. Cô gái bằng gỗ nhám đội mũ rộng vành được vẽ thêm bộ ria để thành tên cướp biển và tay cầm vũ khí là cái nĩa.
Nhìn ngó một hồi thì tôi tự nhủ tại vì chưa biết cách thôi, biết rồi thì mình cũng… thành đấng sáng tạo được! Tôi lấy dây len màu nâu quấn quanh đầu búp bê làm thành mái tóc bồng bềnh rồi đội lên đó cái mũ là cái vỏ sò, quấn quanh cổ nó xâu chuỗi vỏ ốc, dán hai hạt cườm màu hồng lên hai bên má làm lúm đồng tiền.
Là tôi muốn búp bê thành thiếu nữ đỏm dáng xì tin, nhưng mà ôi thôi nó ra một mụ già diêm dúa. Tôi đang định tháo gỡ những thứ mình vừa gắn vào búp bê thì chủ tọa đã lên tiếng:
-  Bây giờ tới phần thú vị nhất của hội thảo. Một nhà văn và một họa sĩ sẽ làm việc nhóm với nhau, sao cho nhân vật của các bạn kết hợp thành một truyện tranh hoàn chỉnh. Chúng ta sẽ ăn nhẹ trong ba mươi phút và sau đó là bốc thăm để thành cặp.
***
Tôi bốc trúng cái thăm số 13. Ái chà, tôi không mê tín nhưng từ một thiếu nữ đỏm dáng xì tin mà thành ra bà già lại còn đụng số 13 này khiến tôi bỗng mất tự tin quá.
Ai cũng giơ cao cái thăm của mình để tìm người cùng nhóm.
Tên con trai mặc áo gió màu xanh đi tới trước mặt tôi, tay chìa ra cái thăm số 13 và nụ cười tươi:
-  Mình là Tuấn.
Tôi nhận ra đây là kẻ nói câu đầy ẩn ý “Họa sĩ trúng gió là chuyện thường thôi.”
Tôi nhìn nhân vật trên tay Tuấn. Là một con cá.
Đầu con cá là một trái banh nhựa khoét một góc thành hình chữ V để làm cái miệng há ra lộ hàm răng trắng lóa.
Tuấn nhìn bà già diêm dúa của tôi, thích thú:
-  Nhân vật của tụi mình tình cờ trùng hợp hay ghê. Bà già đeo dây chuyền vỏ ốc và đội mũ vỏ sò rất dỏm dáng.
-  Cùng là cư dân của biển – Tôi nói. Con cá khiến tôi lấy lại tự tin và thấy bà già của mình cũng khá là ổn.
Tuấn gật đầu:
-  Đúng rồi.
 -  Ừ – Tôi nối tiếp ngay -  Bà mẹ và con cá. Bà mẹ nhút nhát lắm còn con cá thì thích phiêu lưu vẫy vùng khơi xa, nó thường xuyên để mẹ phải đi tìm gọi mới chịu bơi về. Một hôm, sau chuyến rong chơi cuối năm, con cá hối hận vì đã để mẹ một mình, nó chuộc lỗi bằng tin vui “Mẹ ơi, ngày mai thủy cung có tiệc mừng năm mới, mẹ sửa soạn thật đẹp để con đưa mẹ đi chơi nhé.” Bà mẹ thích lắm, sửa soạn đỏm dáng để đi chơi nhưng cơn sóng mạnh trào tới khiến bà hoảng sợ. Con cá kêu lên “Mẹ ơi đừng sợ có con đây mà.” Bà mẹ vẫn cố chạy xa con sóng. Con sóng thấy vậy càng quẫy mạnh hơn. Kết thúc là hình ảnh bà mẹ chiến thắng nỗi sợ hãi để ngồi trên lưng cá cưỡi sóng dạo chơi lễ hội.
Tuấn chăm chú nghe tôi nói và tay cầm bút chì phác họa nhanh những hình ảnh. Khi tôi nói xong, Tuấn hạ giọng:
-  Một con cá thích vùng vẫy khơi xa là bình thường. Con cá của mình thích phiêu lưu về hướng bầu trời.
Tuấn ngừng, đợi phản ứng của tôi. Cây bút chì trong tay Tuấn vẽ con cá và một mảng màu xanh khó phân định là bầu trời hay đại dương. Rồi Tuấn vẽ những ngôi sao.
Là bầu trời.
-  … Cậu tiếp đi – Tôi nói.
-  Bà mẹ chỉ muốn con của mình biết bơi như những con cá bình thường khác nên ngày nào bà cũng bắt con phải xuống nước. Nó rúm ró khi bị đẩy xuống nước…
Tôi nín thinh.
Tuấn phác nhanh trên giấy con cá chìm trong sóng nước tung tóe. Chừng như thấy chưa đủ sức thuyết phục tôi, Tuấn cởi phăng áo khoác ra vò nhàu quăng xuống nền rồi đặt con cá vô đó như là nó bị ấn xuống nước, cái miệng há to của nó rất giống kêu cứu. Quả là hình ảnh trước mắt tôi sống động hơn hình vẽ trên giấy.
-  Nó rất đau khổ vì không thể bơi được – Tôi tiếp lời - Nó…
Tuấn lắc đầu:
-  Nó đau khổ vì không được sống như mong muốn. Nó thích bay.
Tôi im lặng một hồi, rồi hỏi:
-  Bà mẹ có biết mong muốn của nó không?
-  … Không – Tuấn ngập ngừng – Có thể là có nhưng mà bà không muốn thừa nhận là mình biết.
-  Hơi phức tạp với một truyện tranh thiếu nhi – Tôi nói, và hỏi - Cuối cùng nó có bay được không?
-  Cậu sợ phức tạp? 
Tôi cười:
-  Mình sợ độc giả nhí khó hiểu.
-  Tạm bỏ qua bà mẹ và độc giả đi. Cậu có đồng ý để con cá này bay không?
Tôi bối rối. Thường có nhận xét về làm việc nhóm giữa một cây bút và một cây cọ thì chẳng ai chịu ai, hai cái tôi to đùng. Tôi không muốn nhận xét này đúng với mình. Tôi muốn hội thảo này là một kỷ niệm đẹp với người chung nhóm cùng tôi.
Nhưng ý tưởng của Tuấn chưa rõ ràng, cái kết vẫn còn lơ lửng. Tôi muốn ngày hôm nay mình có tác phẩm hoàn chỉnh để nộp như những nhóm khác. Nghe nói nhóm nào được chấm điểm cao thì sẽ được in ngay để kịp có mặt trong gian hàng sách Mùa Xuân với mức nhuận bút lì xì, và cơ hội làm việc ở nhà xuất bản mà không phải qua giai đoạn thử việc.
-  Thông điệp của cậu là gì? – Tôi hỏi.
-  Con cá được là chính nó. Nó có quyền theo đuổi ước vọng của nó.
-  Đồng ý. Nhưng một con cá vùng vẫy khơi xa cũng có mong muốn được là chính nó vậy.
Tôi nói với cảm giác dễ chịu là mình có lý. Phần Tuấn là vẽ, phần nội dung mà tôi không thuyết phục được Tuấn thì mặt mũi nào.
Tuấn nhìn tôi, nhún vai, rồi đẩy tờ giấy vẽ con cá giữa bầu trời ra xa và cầm lấy tờ giấy khác.
-  Được thôi - Tuấn nói - Chiều ý cậu.
Tuấn vẽ biển và những con sóng.
***
Tối hôm đó, tôi vào trang facebook của Ban Văn học Thiếu nhi. Truyện tranh có nhân vật là chú gà trống đội cái mào màu tím và cái đuôi xù rực rỡ được nhiều likes nhất. Có phải vì năm mới là năm con gà? Tôi tự hỏi và cố nén cảm giác ghen tị.
Truyện của nhóm tôi có tổng số like xếp thứ tư. Ban giám khảo nhận xét yếu tố bất ngờ ở chỗ thay vì bà mẹ là  người dạy con lòng dũng cảm thì chính con cá đã truyền cho bà mẹ sự can đảm dám thay đổi.
Tôi vào trang của Tuấn, avatar là hình chụp cái thăm số 13. Và status “Mình rất thích cách bạn ấy tự giới thiệu về bản thân, khi bạn ấy giơ cao con ngựa tung vó với cô nàng kỵ sĩ đội mũ rộng vành và tuyên bố ‘Tôi luôn muốn mình là chiến mã.’ Mình thích khi bạn ấy nói về mặt nạ quỷ và hoa hồng nữa. Bốc được cái thăm cùng nhóm với bạn ấy mình rất vui. Nhưng... Tội nghiệp những con cá suốt đời chỉ muốn biết bơi, điều mà nó đương nhiên phải làm được.”
Tôi ngồi rất lâu trước màn hình, đủ mọi cảm giác xáo trộn trong lòng. Tôi nhìn con cá bơi giữa làn nước mà nhớ tới con cá giữa trời sao.



Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 295 - THÁNG 3 NĂM 2017 - tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO

Nhà văn NGUYỄN ANH ĐÀO



ĐƯỜNG MẸ VỀ NHÀ
Truyện ngắn


Ngày cha tôi chết, tôi trồng trước nhà một cây hoa xác pháo, tôi mơ ngày nó lên thành một giàn, rồi nó trải dài cái hàng rào thép gai đó, để mong sao, mẹ nhìn thấy nó mà trở về.
Cha tôi sống ác, không bởi vì nát rượu, đánh mẹ con tôi hàng ngày, mà tôi nhìn thấy cái ác của ông trong những lằn roi, ông đánh mẹ tôi như đánh kẻ thù. Mẹ tôi, như những người đàn bà nông thôn khác, tam tòng tứ đức có đủ, chịu đựng ông như cái nợ ngàn kiếp cộng dồn giờ trả một lần. Mấy lần, tôi nổi điên lên với cả thế giới, trong đó có mẹ, rằng mẹ không bỏ quách ông ấy đi, thậm chí, bỏ thuốc độc vào rượu cho ông ấy chết đi. Thế là tôi mang tội bất hiếu, những lần đó, trên lưng tôi là những lằn roi của mẹ.
Tôi giận mẹ tôi, mẹ yêu cha tôi đến phát điên rồi, yêu đến độ không còn phân biệt được đúng sai, yêu đến nỗi xuống tay đánh đứa con mà bà mang nặng đẻ đau. Mà rồi trong ý nghĩ đâu đó, tôi thấy mình ác giống cha, máu tôi lạnh, hẳn rồi, đó là máu của cha tôi mà. Nhưng cha và tôi không đứng về một phía. Tôi còn quá nhỏ để thấy mình đủ gan giết người đàn ông đó. Ngày nào ngồi vào mâm cơm, tôi cũng ăn thật nhiều, chỉ mong mình nhanh lớn.
Ngày tôi mười tám tuổi, mẹ tôi bị tâm thần sau một trận đòn phải nhập viện gần nửa năm do chấn thương sọ não. Gia đình tôi kiệt quệ về kinh tế vì không còn người làm việc. Cha tôi hàng ngày ngồi trong bóng tối, trước mắt là can rượu trắng, giờ, ông không còn đủ sức để đánh mẹ con tôi, dù lúc nào ông cũng say.
Làm thuê cuốc cỏ bón phân cho rẫy người ta bữa đực bữa cái, không kham nổi chi phí cho mẹ tôi uống thuốc và cha uống rượu. Ông chú hàng xóm là thầu xây dựng, bảo thôi mày đi phụ hồ cho mấy công trình của chú, thợ phụ có đủ rồi, thiếu mỗi đứa con gái để dọn dẹp lau chùi ba cái lặt vặt, tao trả công bằng tụi con trai cho mày. Vậy là tôi đi, công trình gần thì sáng đi tối về, công trình xa tôi ngủ lại, dăm bảy bữa mới nhảy xe buýt về một lần, nhờ hàng xóm thỉnh thoảng ngó chừng cha mẹ cho tôi. Tôi lo vậy thôi, chớ thật ra trong ngày cũng có lúc mẹ tôi tỉnh táo, những lúc tỉnh đó, bà cũng biết nấu cơm và ra vườn hái rau. Những lần đi xa về, tôi đều thấy trong nhà bình yên, cơm canh có đủ ăn. Tôi an tâm làm việc theo công trình kiểu đó. Nhưng thu nhập không đủ vào đâu, tôi cũng đau đầu để tính toán sao đủ tiền thuốc cho mẹ và tiền rượu cho cha.
Có lần về nhà, cha vẫn ngồi trong góc nhà, cái chỗ ngồi quen thuộc của ông kể từ ngày ông trở về từ đồn công an do đánh mẹ tôi đến chấn thương sọ não, mẹ tôi ngồi ngoài hiên, vừa thấy tôi, bà bảo
- Mày đi thì cũng phải về, về coi nhà cho tao đi nữa chớ!
- Chớ mẹ đi đâu?
- Tao không biết, ở đây tao buồn!
Tự nhiên tôi có nỗi sợ mơ hồ nào đó không rõ, thấy ruột quặn lên một tiếng xon xót. Gần hai mươi năm thanh xuân của mẹ, chưa bao giờ mẹ dùng từ “buồn” đó để nói về mình, giờ, mẹ trở về trạng thái hồn nhiên nhất, nhớ nhớ quên quên, mẹ cảm thấy buồn, như đứa con nít lâu ngày không có bạn chơi cùng.
Mẹ dạo ra đầu xóm, rồi ngắt về mớ hoa xác pháo, mẹ kết thành dây, treo lủng lẳng trước cửa, đi ngang sờ một cái, đi lại sờ một cái. Mẹ cười:
- Tao thích nó!
Tôi không biết từ đâu mẹ thích màu hoa đó, sau tôi nhận ra, nguyên xóm tôi, chỉ có một nhà có giàn hoa màu cam rực rỡ, mà giờ, mẹ tôi như trẻ con, cái gì rực rỡ là thích, là nhớ, vậy thôi.
Tôi lại đi làm, nghe ông chú thầu nói giờ sắp vô mùa mưa, công trình giảm đi. Nghĩa là tôi lại sắp mất việc, tôi tự hiểu như vậy. Bỗng thấy tiền thuốc của mẹ trong những tháng mùa mưa thật nan giải.
Đêm, nằm lại công trường, tôi chọn một chỗ ngủ an toàn nhất cho mình, bên ngoài là lũ thợ và phụ hồ toàn đàn ông con trai. Tôi thao thức mãi không ngủ được, đầu tôi luôn nghĩ tới tiền. Nếu không có thuốc, mẹ sẽ không có lúc nào tỉnh táo trong ngày, mà điều đó rất nguy hiểm cho cha tôi, bởi khi bà quá căng thẳng, bà có thể đánh ông, mà cha tôi, giờ không còn sức để chạy nữa rồi. Tôi trằn trọc hoài ngủ không được, thấy có cái bóng đen bên ngoài đi vô, rướn mắt nhìn thì thấy ông chủ thầu. Tôi tưởng ổng nửa đêm mộng du hay buồn đi vệ sinh, nhưng ổng đi thẳng về chỗ tôi nằm. Nhìn thấy tôi còn thức, ông hỏi luôn:
- Mày muốn kiếm thêm tiền không?
Tự nhiên gãi ngay chỗ ngứa đứa nào chẳng gật đầu:
- Dạ muốn!
- Cho tao đi, tao cho ba trăm một lần!
Tôi lắp bắp:
- Cho... cho cái gì?
Ông ngồi sát lại chỗ tôi, sờ lên vai tôi.
- Mày đẹp! Kiếm tiền khó gì?
Theo phản xạ tự nhiên, tôi hất tay ông ra. Ông cười, rồi đứng dậy.
- Ba trăm một lần, gấp rưỡi công mày làm một ngày! Chưa kể bọn đang ngủ ngoài kia, mày lấy một trăm một lần, thì vừa ngày vừa đêm, mày kiếm cả triệu rồi!
Ông đi ra, không ép buộc, không cưỡng hiếp. Nhưng ông đưa cho tôi cơn thèm khát tiền đến cực độ. Và tôi đã mất rất nhiều thời gian để tự sỉ vả mình rằng, đó là bán thân, đó là làm đĩ. Mà cái việc đó, đáng phỉ nhổ, cho dù có vì mục đích gì đi nữa.
Sáng hôm đó, tôi trở về nhà mà không làm việc vì quá mệt mỏi sau một đêm thức trắng, cộng thêm cảm giác ruột cứ cồn cào. Tôi quảy cái túi xách ra bến xe buýt, ông chủ thầu nhìn theo tôi, bảo
- Việc vẫn còn, về suy nghĩ rồi lên làm, con ạ!
Tôi bước đi mà không ngoảnh lại để tỏ rõ thái độ khinh bỉ của mình. Cảm giác đằng sau vướng víu rất nhiều ánh mắt ngó theo giễu cợt.
Tôi về tới đầu xóm, cảm giác trống huơ trống hoác, thần người một lúc tôi mới nhận ra cái giàn hoa xác pháo của căn nhà đầu xóm đã biến mất, còn sót lại một vài dây đã héo khô. Vừa nhìn thấy tôi, bà chủ nhà đó đã réo lên chửi:
- Mày lo mà giữ con mẹ điên của mày cho kỹ, nó phá một lần nữa thì cả nhà mày coi chừng tao!
Tôi mất cả mấy phút mới định thần lại, rồi không kịp hỏi đầu đuôi chuyện gì, tôi chạy như bay về nhà mình. Cha tôi vẫn ngồi trong góc nhà uống rượu, cửa trước cửa sau bung mở, bếp lạnh tanh. Tôi gào lên:
- Cha! Mẹ đâu?
Cha tôi không nói, run run ngồi ở góc nhà, can rượu đã trống không. Tôi níu áo ông hét to lên lần nữa, ông vẫn ngồi im. Hàng xóm bảo mẹ tôi ra hái hoa xác pháo chơi, bà hái nhiều quá người ta không cho, bà nổi điên cầm dao chặt phăng phăng vào giàn hoa rồi bị người ta đuổi đánh. Bị đánh đau, bà chạy luôn đến giờ. Đã ba ngày rồi mẹ không về nhà. Tôi đi ngang nhà có giàn hoa xác pháo, cơn căm hờn nổi lên, giá mà nhà họ còn bao nhiêu giàn hoa nữa, có thể tôi cũng thay mẹ chặt nốt dùm họ rồi. Rồi rùng mình nhận ra, không chỉ có máu lạnh giống cha, tôi còn có máu điên giống mẹ.
Năm ngày rồi mười ngày, không thể ngồi ở nhà đợi, tôi nói cha:
- Cha ra khỏi cái góc đó đi, cha tự lo cho cha đi, con đi tìm mẹ!
Tôi không cần biết cha tôi có thể tự lo được cho mình hay không, tôi quảy cái giỏ lên vai rồi đi. Nhưng ra tới cửa thì sực nhớ mình không còn tiền. Tôi phải đi đâu nếu tôi không có tiền? Vừa nghĩ tới đó thì cái đầu đáng ghét của tôi lại nghĩ tới ông chủ thầu, với câu nói đầy ngụ ý, việc vẫn còn, khi nào quay lại cũng được. Tôi xua cái ý nghĩ ra khỏi đầu mình cả ngàn lần. Rồi tiếp tục bước đi.
Nhưng tôi đói. Ở cái thị trấn nhỏ xíu này, không có việc gì làm, ngoài việc rẫy nương. Nhưng giữa cơn đói, thì tôi làm sao nổi. Trước tiên, tôi xin một bữa cơm đã. Tôi đến công trường, vốn chẳng còn chỗ nào tôi có thể đến mà chai mặt để xin bữa cơm hơn được.
Ông chủ thầu dắt tôi ra quán cơm gần công trường, ngồi nhìn tôi ăn ngấu nghiến. Ông đẩy thêm ly nước mía về phía tôi:
- Uống đi cho có sức mà làm việc!
Rồi ông đứng dậy, cười nụ cười của kẻ bề trên, kẻ chiến thắng, cúi xuống nói nhỏ vào tai tôi:
- Ta đã mua thêm cái mền mới, rất thơm!
Mùi thức ăn lâu ngày trong miệng ông phát ra, tôi muốn buồn nôn. Tôi nín thở chờ mùi hôi đó tan đi trong không khí, và ông cũng đi ngay sau đó. Phải, khi tôi trở lại, là tôi đã thua cuộc. Tôi phải chấp nhận rằng, đó là số tiền mà tôi đang cần phải có, để tôi đi tìm mẹ.
Nửa đêm, tôi nằm ngủ trong chiếc mền thơm mùi vải mới, tiếng con thằn lằn chắc lưỡi, con ễnh ương kêu trong đầm lầy ngoài kia, cảm giác da gà cứ nổi dọc sống lưng. Trong bóng tôi đen kịt xung quanh, tôi nghe tiếng thở khò khè của cha mình khi say và ngồi ngủ gục trong góc nhà, tôi nghe tiếng hát líu lo của mẹ khi chơi với những bông hoa xác pháo. Dưới lưng mình, là tấm ván lạnh buốt hơi đất của đêm. Tôi nghe tiếng bước chân của ông chủ thầu đi về phía tôi, tất nhiên là thế.
- Cháu buộc phải làm thế để có tiền sao?
- Tất nhiên rồi, cô gái, có tiền nào mà miễn phí đâu! Chúng ta sòng phẳng với nhau mà!
- Nhưng nếu ngủ với cháu, vợ chú biết thì sao?
- Ồi, đang vui, đừng nhắc đến con mụ già xấu bịnh hoạn đó!
- Bịnh hoạn ạ?
- À, không, ý ta nói là sao mụ vợ già của ta mà đem so với nhan sắc của em được?
Đầu tôi quay mòng mòng như có ai đó vừa đánh vào, tiếng khò khè của cha tôi lại văng vẳng bên tai. Điện thoại đột ngột đổ chuông, cả tôi và ông giật bắn mình. Tiếng chuông điện thoại của tôi hôm nay có cảm giác như có tiếng khò khè của cha tôi. “Mày ở đâu, về đi, cha mày chết rồi!”.
Tôi không biết mình nghĩ gì ở giây phút đó, kiểu như tôi đấu tranh rằng tôi có tội hay không, cái tội mình không ở nhà lo cho cha mà lại ra nơi này nằm ở một tấm ván tạm bợ để chuẩn bị kiếm đồng tiền nhơ nhớp nhất. Rằng đó có phải là cái giá ông phải trả cho cả đời độc ác của ông hay không? Nhưng cái tiếng khò khè văng vẳng của ông trong bóng tối vang quanh tôi sớm giờ, khiến tôi bật đứng dậy.
- Con về!
Ông chủ thầu có vẻ không ưng ý, vì đã hai lần tôi làm ông mất hứng:
- Giờ là nửa đêm, xe đâu mà về, đàng nào cũng chết rồi, sáng về cũng được!
Tôi bỗng hét lên với ông:
- Cha tôi chết mà ổng bảo tôi ở đây ăn nằm với ông, sáng về cũng được, ông là loại người gì hả?
Tôi bật khóc, tôi khóc mà vẫn không hiểu vì sao mình lại xúc động mạnh như thế. Tôi đi thẳng ra ngoài màn đêm đen kịt, đi mà không biết mình sẽ về nhà trong đêm thế này bằng cách nào. Tôi nghe tiếng xe máy nổ đàng sau mình, nghe tiếng ông chủ thầu gọi:
- Lên xe đi, chú chở!
Tôi leo lên xe của người đàn ông mà chỉ mấy phút trước, tôi còn khinh ông tới mức tôi nghĩ rằng tôi không bao giờ có thể khinh ai hơn được, nhưng trong giây phút này, ông cũng tỏ ra là một người đàn ông tử tế. Tôi nhớ mẹ, không biết mẹ tôi đang ở đâu, bà còn sống không, có ai ức hiếp bà không, hay bà có gây phiền phức gì cho ai khiến người ta đuổi đánh như trước hay không? Trong những giấc mơ chập chờn của tôi, tôi vẫn nghe tiếng bà hồn nhiên chơi với những chùm hoa xác pháo, cười giòn tan “tao thích!”.
Cha tôi nằm co quắp, mấy người hàng xóm nói bắt gặp tư thế đó trong góc nhà, họ đưa ông lên giường mà không làm cách nào cho ông nằm thẳng ra được. Tôi chạy ào lại góc nhà, can rượu trống không, tôi hét lên “rượu, ai có rượu?”, bà dì tạp hóa hàng xóm chạy về nhà xách can rượu của mình qua, tôi đổ lên tay lên chân ông, tôi bóp rồi nắn để cho cơ thể ông nóng trở lại, để các cơ có thể giãn ra. Tôi vừa làm vừa bật khóc “cả đời cha, không lẽ tới chết cũng không nằm duỗi thẳng người mà chết hay sao?”. Chân tay ông nóng lên, rồi từ từ thẳng ra, nằm một cách thư thái.
Tiền, phải rồi, giờ tôi mới cần tiền. Tôi quay ngoắt lại nhìn ông chủ thầu, ông ra ngoài đứng hút thuốc từ bao giờ
- Cháu cần tiền mua hòm cho cha!
- Ta làm gì có nhiều vậy!
- Phải có chứ!
- Không!
Tôi rút điện thoại của mình ra, mở cái file ghi âm cuộc đối thoại đổi chác trên tấm ván lạnh ngắt ở công trường:
- Đủ tiền mua hòm cho cha cháu, nếu không, cái này vào tay vợ chú!
Ông nghiến răng, dang tay định đánh tôi, thì tôi nhìn vào trong nhà, những người hàng xóm vẫn còn lao xao ở đó. Ông bấm điện thoại gọi cho chủ trại hòm. Tôi bỏ điện thoại vào túi mình rồi đi vào nhà, nghe vẳng sau lưng mình mấy tiếng “con quỷ cái!”.
Lúc sắp đưa tang cha tôi, bà hàng xóm, chủ nhà có giàn hoa xác pháo, qua thắp hương viếng cha tôi, rồi bà lại vuốt tóc tôi, khóc:
- Xin lỗi con, con gái, vì ta, vì ta không đủ kiên nhẫn mới gây ra cảnh tan tác như vầy!
Tôi cúi đầu lạy tạ giữa chốn đông người, giờ, lòng tôi không đủ cảm xúc để nhận ra mình cần phải làm gì với người đó. Trong suốt đám tang, tôi ngóng ra cổng, chỉ mong người qua cánh cổng kia là mẹ, mẹ ơi!
Trước khi ra khỏi nhà với ít tiền phúng điếu của cha, tôi trồng bên hiên nhà mình một cây hoa xác pháo. Như một dấu hiệu cho mẹ dừng lại, rồi mẹ nhận ra nhà mình.
Lang thang suốt một tháng trời, mệt mỏi rã rời, tôi lại trở về nhà bởi mình không biết đi đâu nữa. Ông chủ thầu chạy ngang qua lại, tôi ngó lơ như người lạ. File ghi âm đó tôi xóa đi lâu rồi, từ bỏ luôn cái ý định dùng nó để lấy tiền mỗi tháng. Tôi đi làm, không là phụ ở mấy công trình nữa, tôi tìm được chỗ học làm móng tay móng chân, rồi xin vào một tiệm ở ngoài thị trấn, sáng đi làm, tối về nhà.
Giàn hoa xác pháo bây giờ đã leo kín hàng rào thép gai, hoa nở từng chùm rực rỡ. Mỗi ngày, tôi dậy thật sớm, ra ngồi trước hiên nhà đợi mẹ. Một ngày, tôi nhìn thấy những bước chân sáo, vừa đi vừa hát, rồi dừng lại trước giàn hoa nhà mình. Tôi ngồi sụp xuống bật khóc như mình chưa bao giờ từng khóc trước đây. Những bước chân sáo đó bước vào đứng trước mắt tôi, chìa cho tôi chùm hoa được kết lại.
- Đeo đi! Đeo vô cổ, đẹp lắm! Cho mày đó!

Tôi đeo vòng hoa vô cổ mình mà nước mắt không thể ngừng rơi. 

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 295 - THÁNG 3 NĂM 2017 - tác giả VÂN GIANG




CÔ GÁI LAU BÓNG ĐÈN

Truyện ngắn


Nàng dừng tay, nhìn thật lâu vào chiếc bóng đèn cao cổ vừa được lau qua một vài lượt, rồi thẩn thờ thở dài trong góc phòng tối đơn độc của nàng. Nàng liếc nhìn khung cửa sổ nhỏ. May mắn thay, mỗi lần đưa mắt qua đó, nàng cảm thấy lòng chênh chao chút ít sự ủi an tinh thần sâu kín níu với lấy tâm hồn. Từ khung cửa sổ có thể nhìn xuống phố. Phố luôn rộn ràng những thanh âm nối nhịp từ ngày đến đêm, từ đêm về sáng. Những thanh âm ấy bện lại trong lòng nàng một kí ức vừa mới vừa cũ, vừa lấp lánh cuộc tồn sinh, vừa buồn diệu vợi như quang cảnh hoài cổ thời nàng còn bé, và mẹ nàng lúc còn sống.
Nàng quay lại với công việc quen thuộc của mình. Nàng vẫn đang cầm trên tay một chiếc bóng đèn cao cổ. Bụi có ở khắp mọi nơi. Bụi sống trên tất thảy mọi thứ hiện hữu có hình thù rõ ràng và cầm nắm được. Công việc của nàng là lau bụi, khiến những đám bụi bẩn tạt qua nơi nàng ở, bám đầy lên các loại vật dụng trong nhà nàng, và quan trọng nhất là trên các bóng đèn mà nàng đang dùng để mưu sinh hàng ngày. Nàng không biết, có bao nhiêu người còn cần đến thứ vật dụng xưa cũ lỗi thời này. Tuy vậy, nàng vẫn chọn loại hàng hóa này để bán. Có thể những chiếc đèn dầu xưa cũ người ta không cần để thắp trong nhà họ nữa. Nhưng, khi nàng nghĩ đến những thời khắc điện đóm tắt thay phiên, hoặc là những hàng quán muốn tạo một phong cách hoài cổ riêng, chỉ thắp đèn dầu, không dùng điện năng nàng lại tiếp tục ngồi lau bóng đèn mỗi ngày tỉ mẩn như công việc không thể thiếu của cuộc đời nàng, quên cả thời gian đi lướt tóc nàng, qua khung cửa sổ nơi nàng ở.
Hoặc cũng có một lí do khác khiến nàng không từ bỏ công việc này. Nàng nghĩ về mẹ. Người đàn bà cô độc, kì quặc. Người đàn bà có một hôn nhân rạn vỡ ngay từ khi nàng còn là một hoài thai bé bỏng. Gã đàn ông duy nhất rời bỏ mẹ con nàng. Mất biệt. Như đã chết.
Nàng không muốn nghĩ về đàn ông khi nàng bắt đầu lớn lên (hẳn chính vì nàng đã từng bị ruồng bỏ). Xem đó là một lí do cũng được. Ai cũng có bí ẩn của cuộc đời mình. Như mẹ. Mẹ nàng có đôi mắt bí ẩn, có một nỗi buồn sâu thẳm bí ẩn, đến khi rời bỏ cuộc đời không một lời trăn trối. Mẹ chỉ nhìn vào mắt nàng. Rồi mẹ nhắm đôi mắt của mẹ. Vậy là nàng biết. Cuộc đời nằm ở trong những đôi mắt, kể cả khi mở hoặc nhắm.   
Nàng miết tay cẩm khăn lau vào các góc bóng. Chiếc đèn dầu cao cổ kiểu cũ kĩ. Chúng rất đặc biệt với nàng. Dĩ nhiên, chúng đặc biệt, bởi ít ra với nàng, chúng mang đến ánh sáng khi đêm phủ xuống những mái nhà tranh tối om thời xưa. Nàng lớn lên từ đó cùng với một người mẹ buồn tủi.
Nàng hồi tưởng về mẹ khi mọi thanh âm bên ngoài lặng yên say giấc. Mỗi lần mẹ quẹt diêm thắp đèn, bao giờ mẹ cũng cẩn thận lắp bóng vào sao cho khít, tránh bị lệch khỏi vành răng cưa, tránh rơi vỡ. Mẹ luôn sợ những âm thanh tan vỡ. Kể cả phải chấp nhận làm một người đàn bà lòng đầy tủi hận với tình yêu đời mình.
Ngày ấy qua đã lâu. Nàng và mẹ đã ở thành phố này quá lâu. Lâu đến nỗi nàng có thể cảm nhận được những thứ không bao giờ thay đổi, dù thành phố đã trở nên khác trước nhiều lắm. Nàng thắp đèn dầu khắp căn nhà nhỏ. Và, thi thoảng, nàng bắt gặp chúng được thắp lên ở một vài quán xá, thích sự hoài cổ.
Nàng thích ánh sáng của những chiếc đèn dầu đó. Nó gợi nhắc nhiều thứ gắn bó với nàng trong tâm thức, kí ức. Nó là ánh sáng chiếu rọi vào các góc tối của nàng. Không gian hiện hữu xung quanh nàng. Tất cả các loại đèn dầu đủ kiểu cách, được nàng thắp lên giữa thành phố hoa lệ sáng choang điện đóm đủ màu lấp lánh, và ngay tại căn phòng của mình. Hình như ai cũng muốn hồi nhớ lại những kí ức cũ kỹ, dù chỉ là nhớ một chiếc bóng đèn. 
Có vài bận, nàng đăm đắm một mình với khoảng tối mờ ảo bên cửa sổ, mặc thời gian hấp tấp trong lòng thành phố. Dưới những ô cửa sổ, nàng chỉ làm một việc duy nhất khi trời nhập nhoạng. Nàng lau chiếc bóng đèn cao cổ ấy. Chúng vẫn không sạch, chẳng thể nào sạch. Muội khói bám đều quanh bóng.
Thứ muội khói mỏng tang như sương mờ, mềm mại như sợi tơ, bơ vơ như bờ cỏ mượt. Thứ muội khói mỗi lần nàng thắp lửa lại loang dần từ màu xám nhạt rồi đen đặc từng mảng trên chiếc bóng đèn cao cổ bằng thủy tinh cũ kỹ. Thứ muội khói đầy ảo giác vây bọc lấy ngôi đền thiêng của tri giác.
Nàng không tồn tại nữa, nàng thích sự biến mất. Người đàn ông tạo ra hình hài sinh thể sống cho nàng mà nàng chưa bao giờ gặp mặt biến mất. Mẹ nàng cũng đã biến mất. “Con người ta tồn tại chỉ để biến mất không một dấu vết như thế”, nàng nghĩ. Nàng không tồn tại giữa trùng vây của khói và lửa. Nàng thường nói một mình về một điều gì đó, rồi lẩm bẩm lời khó hiểu, “có những thứ tồn tại rất lạ kỳ, chúng chiếm hữu trí não ta như sương mù ẩn giấu sau đôi mắt thịt”.
Thi thoảng cảm thấy mệt mỏi, nàng gắng đưa tay níu chặt khoảng trống bên ngực trái. Những cơn đau vô hình thường lang thang chạy theo mạch máu đổ về tim nàng. Nhịp nhàng, thắt nghẹn. Thi thoảng nàng dừng lau bóng đèn để ngắm nghía một thứ khác lạ lùng hơn.
Nàng vẫn không mảy may nghĩ đến một mối quan hệ nào đó mang tính gắn kết hiển nhiên giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Nàng không tin về sự tồn tại của nó. Một vài vị khách bước vào, rồi lại bước ra. Họ lặng im đến với nàng và rời đi cũng rất khẽ khàng. Một vài vị kì quặc ở lại qua đêm với nàng. Nhưng họ không phải ở lại để lau chùi những bóng đèn hoặc thắp lên một ngọn lửa. Nàng chấp nhận việc để họ đến, và im lặng cho phép họ rời đi. Rất ít người mua đèn dầu thời buổi này.
Khi bóng đêm quay trở lại. Nàng và những chiếc bóng đèn phủ bụi. Nàng và căn nhà trống rỗng nhỏ bé không có tiếng nói. Nàng và khung cửa sổ tràn ngập âm thanh hỗn tạp từ phía bên ngoài. Nàng không thấy buồn. Nỗi buồn bị chìm sâu trong đôi mắt. Những đôi mắt ẩn giấu nhiều bí ẩn. Nàng thờ ơ, tự vuốt ve các khoảng trống. Chúng chiếm hữu nàng. Chính lúc này, ngay lúc này đây, tâm hồn nàng hoàn toàn tự do, lâng lâng nâng niu từng cơn đau từ trong lồng ngực. Nàng hít vào thở ra chầm chậm, bằng cách điều khiển những cơn đau bất chợt ấy từ dòng ý niệm vô hình.
“Chúng là muội khói, chúng là muội khói, chúng là muội khói.
Những lớp muội khói trong đêm tối ám trên trần nhà, góc tường, nhảy nhót. Nàng lẩm bẩm trong một giấc mơ hoang lạnh kì quặc. Xung quanh nàng chỉ có bóng đèn, cùng với những màn sương mờ ảo khi cơn buốt lạnh cuối đông tràn về khỏa lấp cả ánh sáng ít ỏi từ phía bọn đom đóm nhấp nháy. 
Những ngày buồn vắng khách, vắng người đến xem hoặc mua đèn, hoặc không, nàng ngồi sắp xếp lại những chiếc bóng, rồi lặng lẽ cầm chiếc khăn lau từng lớp bụi mỏng – dày. Bất giác, nàng nhìn thấy, những mảng bồ hóng từ đâu đó bám dày đặc trên mặt thủy tinh và rồi chúng loang từ chiếc bóng đèn, từ ngọn lửa leo lét cháy trong đêm tối đến nơi đó, nơi mà nàng đã chạm đến trong những giấc mơ.
Chúng từ từ bám đều vòng quanh diện tích của bóng đèn, cho đến khi chiếc bóng trở nên đen đúa, ám mùi mới thôi. Nàng hẳn biết, muội khói sẽ làm đen chiếc bóng, sẽ che khuất ngọn lửa ở bên trong, sẽ không thể thắp sáng khuôn mặt rầu rĩ của nàng vào lúc đêm tối nữa. Nàng hẳn biết, vậy nên nàng phải ngồi lau bóng đèn, tất thảy các bóng đèn đang hiển hiện trong căn phòng này.
Và, nàng hẳn biết, chính nàng phải sống cùng cơn đau ấy.
Cơn đau chạm vào đêm tối, dưới ngọn lửa leo lét màu cũ kỹ. Cơn đau bung biêng chao đảo giữa khung thời gian áp vào ngực nàng. Nhưng, nàng vẫn muốn được tiếp tục được ngồi bên cửa sổ lau bóng đèn, ngắm muội khói tan dần dưới đôi bàn tay xương gầy. Bất giác, nàng bật khóc. Nàng nhớ vết bỏng lớn trên mu bàn tay mẹ, nhớ đôi mắt buồn của mẹ.
Ngọn đèn chỉ rọi một vòng ánh sáng khốn khổ dưới chân đèn, nàng lẩm nhẩm lời của ai đó, ai đó rất ghét phải soi mình vào gương. Những chiếc gương luôn luôn phản chiếu sự thật sâu kín nhất. Sự thật không thể nào khác được, dù có bị bóp méo, vặn xoắn mạnh mẽ các kiểu. Sự thật là, mẹ nàng đã rời bỏ nàng, rời bỏ cuộc đời này bằng một ánh mắt bí ẩn.
Nàng nhìn thấy, dưới chân đèn vừa thắp có một chút muội khói cô đọng rớt xuống. Muội khói cũng cần phải tan biến đi, như con người mới có thể tái sinh nên ánh sáng và sự sống. Hẳn thế rồi.
***
Một ngày mưa xám lạnh. Gió bắt đầu lùa về khắp các ngõ ngách.
Những tiếng gõ dồn dập bên ngoài cánh cửa phòng khiến tôi phải rời khỏi chiếc bàn quen thuộc của mình để nhấc chốt. Chẳng có ai. Chỉ có một cơn gió lùa vô cớ vào phòng, lướt trên những trang giấy tôi để ngổn ngang trên bàn. Tôi đóng cửa lại, tiếp tục vỗ về sự kết thúc của một câu chuyện nhỏ về nàng, về một cô gái ngồi lau bóng đèn bên cửa sổ trên bàn phím.
Không ai thấy nàng ngồi bên cửa sổ để lau từng chiếc bóng đèn cũ kỹ nữa.
Thay vào đó là những người đàn bà lạ, mặt mũi kì quái đầy những vết xăm ở chân mày, mắt, và môi thường xuyên đến đó, rồi lần lượt mang từng chiếc bóng đèn ra ngoài đường, đập vỡ. Rồi họ vừa đập vừa la hét thật lớn, “đồ con đĩ”, “đồ bán trôn nuôi miệng”. Nàng lặng im mặc họ cấu xé. Nàng nhìn những chiếc đèn bị đập vỡ. Nàng lắng nghe các loại âm thanh va đập vào nhau. Âm thanh của chúng không bình thường như những tiếng vỡ bình thường. Âm thanh nát tươm. Thi thoảng, lại đảo nhịp phách như một cơn điên rộn rã ma quái.
Căn nhà và những cây đèn dầu vỡ ra dưới ánh sáng mặt trời buổi bình minh. Nàng rời bỏ đi đâu không ai rõ vào ngày hôm sau. Căn nhà im ỉm khóa. Rồi có người đến xem chừng. Hẳn, nơi đó, sẽ mọc lên một công trình lấp lánh hơn. 
Trong những ngày sương mù và mất điện, hàng xóm xung quanh, bắt đầu thắp đèn dầu, họ dường như nhìn thấy nàng, bước từng bước qua các lớp gạch vụn, đổ nát, còn lẫn những mảnh vỡ thủy tinh. Nàng ngồi xuống và hát. Nàng không biến mất. Trên một đống gạch vụn khi căn nhà của nàng bị phá dỡ, người ta nghe ai đó dường như vẫn đang đưa ru từng lời.
mẹ đừng khóc, trong ngọn lửa đèn dầu có tiếng đưa nôi, à ơi, à ơi.
***
Tôi chỉ là một gã trai ngồi chơi trò sắp xếp chữ. Tôi sợ những mối quan hệ gắn kết. Tôi đã đến với nàng, và cũng đã rời bỏ nàng. Người con gái ngồi lau bóng đèn có một bí ẩn giấu trong đôi mắt ngọc.



Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 295 - THÁNG 3 NĂM 2017 - tác giả BÍCH THIÊM


           



RỪNG - BIÊN GIỚI - VÀ EM...
Tản văn




Hình như đã mấy năm rồi, hôm nay em mới lại gặp rừng.
Ai bảo em là đứa con của trung du - miền đất bán sơn địa - có rừng cọ đồi chè, có rừng bạch đàn, thong dong những chiều trên lưng trâu nghe rì rào gió mát, lại luôn ở gần rừng, để rồi em luôn thấy gần gũi và bình yên mỗi khi gặp được rừng. Sau 4 năm tạm trú tại Thủ đô, em gặp rừng nơi có động Người Xưa của xứ Lạng thân thương. Những núi đá trập trùng mà xanh thật xanh với hương hồi thoang thoảng lẫn trong muôn ngàn hương các loài hoa bung nở quanh năm. Mùa đông lạnh buốt, bông hoa chuối đỏ chót vươn lên ngạo nghễ giữa xanh thẳm cây lá quanh mình, và những giò lan dịu dàng mà kiên cường vẫn thầm lặng tỏa hương. Tạm biệt xứ Lạng với điệu sli vấn vít, em theo chồng về với rừng Cúc Phương với vẻ đẹp hoang sơ, nơi những bản Mường bình yên tỏa khói lam khi mỗi chiều về. Rừng chính là anh - nhân hậu, lặng thầm và yêu em theo cách riêng của mình, khi gian khó nhất đã bao bọc chở che em từ những cành củi nồng đượm nấu bữa cơm ngày hè đến những bó rau sắng ngọt lành trong mâm cơm đạm bạc. Rồi khi em vào Tây Nguyên, gặp đại ngàn thẳm xanh, uy nghi và hào sảng. Rừng dữ dội và lồng lộng gió trời.
Hôm nay, trên đường lên biên giới, lại được gặp lại rừng mà 4 năm trước em đã đi qua.
Rừng lướt qua ngoài cánh cửa xe, và em bồi hồi chạy ngược về rừng ngày ấy. Từ thành phố đến Yok Đôn, rừng vẫn là hai vạt những khộp, những dầu, những le... vùn vụt chạy qua. Nhưng năm nay, rừng chưa "chín" như năm nào rừng đã từng đón em. Vài vũng nước rải rác dọc đường cho em biết rằng rừng mới có cơn mưa nào đi qua. Và đó cũng là lí do rừng năm nay xanh hơn năm đó. Nhìn qua khung cửa xe, em thấy những đám mây trắng trôi hờ hững trên bầu trời, vượt qua các tàn cây, và em chợt nghĩ: Ở biên giới này, rừng không cô đơn, và mây cũng chả cô đơn, bởi cây mà mây vẫn luôn ngắm nhau trong bao la trời đất và lặng thầm một mối tơ duyên. Bất chợt có một bóng chim xoải đôi cánh rộng bay ngang qua chiếc xe đang chở em và các bạn. Một nhà văn đã từng gắn bó hơn nửa đời với Tây Nguyên cho em biết đó là đại bàng đất. Cánh chim đã bay khuất bên kia dãy núi mà sao như vẫn nghe hơi mát của đôi cánh phả xuống đâu đây. Lòng vẫn nhủ thầm: “A, dù cằn cỗi thế này, vẫn có chim, có thú. Mong sao mùa mưa về, rừng sẽ xanh hơn và muông thú sẽ nhiều hơn.
Dọc theo lịch trình, màu xanh ngày càng ít dần đi do càng lúc càng đến vùng khô hạn hơn. Ở hai bên rừng đến đồn biên phòng Yok Đôn, rừng còn xanh lắm. Thảm cỏ cũng còn xanh lắm. Những bụi le với những ngọn măng cong cong mềm mại vươn ra xung quanh. Đến đồn Serepok, màu xanh ít hẳn, và đến Đá Bằng (mà bây giờ gọi là Đak Ruê) thì gần như không còn màu xanh, chỉ còn lại thưa thớt của đôi ba cây gì đó bên đường. Giữa cái nắng chói chang và luồng nóng hầm hập, em hiểu khó khăn nhường nào những chiến sỹ biên phòng mới duy trì được màu xanh cho những hàng cây me, lộc vừng, điều, sung... quanh doanh trại của mình.
Biên giới đón em bằng sự bồi hồi và niềm vui bình dị khi quân - dân gặp mặt. Những chiến sỹ đa số tuổi đời rất trẻ, nước da nâu và ánh mắt rạng ngời niềm vui khi kể về cuộc sống của đời lính quân hàm xanh. Những đêm tuần tra canh gác, hay những lần cõng bạn bị rắn cắn vượt cả đoạn đường từ rừng về đơn vị… qua lời hồi tưởng mà nghe nhẹ thênh thênh. Từ những chiến sỹ vừa mới rời ghế nhà trường đến những “anh cả”, “anh hai” đã trụ ở biên ải chục năm ròng, ai cũng một lòng tâm niệm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Và ai cũng khẳng định: “Không buồn vì luôn có anh em đồng đội thường xuyên gắn bó bên nhau.”
Em đã đến cột mốc, nơi cánh rừng bên này của ta, bên kia của bạn. Vẫn một màu vàng của những đám cỏ lụi và những thân cây khô khẳng vươn lên. Dừng chân bên căn chòi của chiến sỹ đang canh gác, thấy thương nụ cười hồn hậu cùng giọt mồ hôi lấp loáng trên trán chiến sỹ. Màu áo xanh dường như cũng nhạt đi bởi màu của cỏ hay của mắt em không nhìn rõ nữa, dù nắng ban chiều đã nhạt và có chút gió lười biếng thoảng qua.
Bữa cơm của lính, nhìn đĩa rau xanh non mơn mởn, cũng như những trái thanh long ngọt mát hái từ “Vườn cây thanh long - công trình thanh niên” ở một góc đồn - em và các bạn mình cảm nhận sự ngọt lành từ nó và cũng như thấy được  những giọt mồ hôi và bàn tay chăm chút của các chiến sỹ - những người anh, người em - đã bắt mảnh đất đang mùa khô khắc nghiệt này dâng tặng màu xanh của cây trái cho những con người đang sống và đang hiện diện tại đây.
Chia tay đơn vị, em đi ngược lại quãng đường hôm trước. Lại những vạt rừng khô cháy khấp khểnh chạy qua bên cửa kính xe. Bất chợt trào nước mắt và thấy niềm thương nhớ dâng dâng. Có lẽ rừng đã là một phần kí ức trong sâu thẳm tâm hồn em,  và có lẽ bởi hình ảnh những chiến sỹ biên phòng - đa số còn rất trẻ - đang ngày đêm bảo vệ, gìn giữ rừng - bảo bệ biên giới - cho những người đang ở hậu phương càng hiện rõ trong tâm trí em và các bạn mình với một lòng biết ơn và yêu thương thật lớn lao và bền chặt biết bao.
Thương lắm, Rừng - Biên giới - Và em...

Đak Ruê – 2.2017

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 295 - THÁNG 3 NĂM 2017,

NGUYỄN VĂN THANH



TUỔI TRẺ SỨC XUÂN


Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước. Mùa xuân này, tuổi trẻ Việt Nam kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đuốc lửa của thanh niên đốt lên từ 86 năm trước lại thắp sáng hôm nay. Tuổi trẻ của anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… đang đánh thức tuổi trẻ thế hệ hôm nay và mai sau…
Với quan điểm và nhận thức thanh niên là lực lượng có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự phát triển hiện tại và tương lai của đất nước, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn coi trọng và hết sức quan tâm đến vấn đề thanh niên. Người đã sớm chỉ ra vị trí, vai trò của thanh niên trong xã hội và trong phong trào cách mạng. Theo Người, muốn thức tỉnh dân tộc đi theo con đường cách mạng thì trước hết phải giác ngộ cách mạng cho thanh niên và từ thức tỉnh thanh niên để thức tỉnh dân tộc. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Người đã viết: “Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Người không chỉ kêu gọi, thức tỉnh thanh niên mà còn trực tiếp đến với họ, tổ chức, dẫn dắt họ vào con đường đấu tranh. Tháng 6-1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tập hợp những thanh niên Việt Nam yêu nước vào trong một tổ chức thống nhất, với trù tính “nó là quả trứng, mà từ đó nở ra con chim non cộng sản”. Bởi vậy, chỉ một năm sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mùa xuân 1931, Đoàn thanh niên Cộng sản đã được thành lập. Tính từ mùa xuân năm 1931 đến nay đã hơn 85 năm. Có thể có nhiều cách phân kỳ cho chặng đường dài ấy nhưng cái đích của tương lai thì bất di bất dịch, được mọi thế hệ viết lên đầu trang giấy: Độc lập-Tự do-Hạnh phúc. 9 năm cho cuộc vận động thanh niên tiến tới sự ra đời của Đảng.15 năm giành độc lập. 30 năm với hai cuộc kháng chiến lớn cho công cuộc thống nhất nước nhà. Được Đảng và Hồ Chí Minh tin tưởng, giáo dục và đào tạo, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng, oanh liệt.
Tin yêu và tràn đầy hi vọng ở tuổi trẻ nước nhà, Bác đã có lời nhắn nhủ: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Thật vậy, tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người, là tuổi của hành động, tuổi thực hiện ước mơ, hoài bão, là tuổi dám quên mình vì sự nghiệp tương lai, vì tất cả những gì để hướng tới điều tốt đẹp nhất, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng bất cứ quốc gia nào và chế độ xã hội nào muốn tồn tại, phát triển, muốn vững vàng và cường thịnh đều phải quan tâm đến việc chăm lo giáo dục thế hệ tương lai. Người chỉ rõ: Tương lai của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc và sự thành công của cách mạng phần lớn phụ thuộc  vào việc giáo dục thanh niên.
Xuất phát từ nhiệm vụ mới của cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật và nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Theo quan điểm của Người, chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đời sống mới, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh" còn khó khăn, lâu dài hơn nhiều so với cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Chính vì thế, Bác Hồ thường căn dặn, dạy bảo thanh niên phải "ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân". Và, làm nghề gì cũng phải học, mục đích của việc học không gì khác hơn là để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân ngày càng được ấm no, tươi vui. 
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chủ tịch cho rằng, giáo dục bồi dưỡng cho thế hệ trẻ phải chú ý đến cả hai yếu tố đạo đức và tài năng trong đó lấy đạo đức làm gốc. Đức ở đây chính là đạo đức cách mạng, bao gồm những phẩm chất:
- Trung với nước hiếu với dân tức là quyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, quyết tâm suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng, hết lòng phục vụ nhân dân.
- Yêu thương con người: thể hiện trong quan hệ hàng ngày với bạn bè đồng chí, là thái độ tôn trọng mọi người, có lòng vị tha trước những thiếu sót, khuyết điểm của người khác.
 - Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: Cần tức là lao động cần cù, siêng năng, có kỷ luật, có năng suất hiệu quả. Kiệm tức là tiết kiệm thì giờ, sức lao động tiền của của dân, của nước. Liêm là trong sạch, không tham địa vị, tiền tài, quang minh chính đại. Chính là ngay thẳng, không nịnh trên nạt dưới, không tự cao tự đại, thấy việc thiện thì làm, việc ác thì tránh. Chí công vô tư là khi làm bất cứ việc gì không nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì nên đi sau.
- Có tinh thần quốc tế trong sáng: Đó là tinh thần đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế vì hoà bình, công lý và tiến bộ xã hội, chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, phân biệt chủng tộc hay chủ nghĩa bành trướng bá quyền. Tài ở đây nghĩa là có tri thức đầy đủ về các lĩnh vực khoa học, có kỹ năng thực hành, có thể đảm nhiệm được những công việc mà Đảng và nhân dân giao phó. Trong mỗi con người tài và đức phải được đi liền với nhau vì: “Có tài mà không có đức ví như anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”. Giáo dục toàn diện nhưng phải phù hợp với trình độ, lứa tuổi phải biết kết hợp giữa lý luận và thực hành, lao động trí óc phải kết hợp với lao động chân tay vì: “Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa”.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn Đảng ta: “Đoàn viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần chăm lo, giáo dục họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết. Những điều Người dạy vừa mang tính cách mạng, tính khoa cũng như thấm đượm tư tưởng triết lý nhân văn hết sức sâu sắc.
Thấm nhuần tư tưởng của Người, 86 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được phát huy tài năng, sức lực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thế hệ trẻ đã và đang khẳng định mình, đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã xác định phương hướng cho sự phát triển và hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam là: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm nâng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả”. Đồng thời, “đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ. Có cơ chế chính sách phù hợp, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập nghiên cứu, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, kỷ năng, thể lực. Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Phát huy vai trò thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tuổi trẻ Việt Nam luôn vững tin vào nghị lực của mình-Tuổi trẻ sức xuân nhất định sẽ giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.