Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

TỪ MỘT CÁNH RỪNG bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 237 THÁNG 5 NĂM 2012




  
Đến thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, rẽ theo đường liên xã vào các xã Ea Pal, Chư Yang, Chư Brông... ta bắt gặp một khu rừng nguyên sinh cây cối cao chót vót đứng lẻ loi trên cánh đồng trù phú, xanh mượt mà bởi mía, khoai mì và cao su mới trồng được vài năm tuổi. Cánh rừng không lớn lắm, chắc chỉ độ ba, bốn ha là cùng, nhưng nổi bật bởi chiều cao của các cổ thụ và là nơi cư trú của đàn cò trắng đông đúc đứng rỉa lông sau khi no mồi. Thỉnh thoảng khu rừng lại có thêm đàn chim cốc đen tuyền đông tới vài chục con chọn cây cao giữa rừng đứng xúm xít bên nhau tạo nên một bức tranh phong cảnh khá đẹp mắt. Khu rừng già tồn tại ngay giữa cánh đồng mênh mông của hai xã Ea Pal và Chư Brông, chỉ cách thị trấn Ea Knốp chừng 5 km, làm biết bao người đi qua nhìn ngắm và không khỏi tò mò vì sự tồn tại gần như... bất thường này. Nói là “bất thường” bởi giữa vùng đất bằng phẳng, người dân đã canh tác, trồng trọt hoa màu cả rồi, nhà cửa cũng nối nhau xếp hàng tạo nên một vùng đất trù phú có đường kính cả chục km; thế mà vẫn còn sót lại một mảnh rừng đứng uy nghi như thách thức với thời gian. Cũng như bao người từng qua đây và ngỡ ngàng trước cánh rừng “lạ” này, tôi quyết đến gần tìm hiểu xem có điều thần kì nào giúp nó tồn tại trước sức tàn phá nhanh đến chóng mặt của con người.
Theo con đường đất cấp phối liên xã rải đất đỏ, tôi đến khu rừng và phát hiện ra một điều lạ: mặc dù đang giữa buổi sáng, trên ngọn cây cao nhất mọc ở phía bắc rừng có tới ba con vạc đứng lênh khênh trên ngọn cây, chĩa chiếc mỏ dài của mình lên trời như đang suy tư điều gì. Loài vạc nơi đây  lông màu xám, trên đầu có một túm lông dài, trông giống hình tượng chim hạc tạc trên các đền, chùa; chúng đứng cao phải đến cả mét, cánh khi bay giang ra bằng cả sải tay người lớn. Tới gần hơn, tôi giật mình khi thấy bên trong hàng rào lưới B40, một bầy heo rừng đông đúc đang thi nhau ủi tìm thức ăn dưới gốc cây; song hành cùng đàn heo là lũ chim rừng nhảy nhót xung quanh, ríu ran trò chuyện. Thế ra cánh rừng này có chủ và chủ nhân tận dụng tán rừng già thả heo rừng. Tôi càng thêm tò mò nên dạo quanh hàng rào tìm đến ngôi nhà xây kiểu mái Thái hai gian nép mình dưới bóng cây phía tây cánh rừng. Nhà có lẽ đã xây lâu rồi, cùng với thời gian bức tường màu vàng đã loang lổ vết thời gian; trước sân bên cạnh chiếc xe máy hiệu Honda là chiếc xe công nông chất đầy dưa, bí đỏ và đu đủ hình như mới hái từ rẫy về. Thấy tôi, một người phụ nữ tuổi trạc bốn mươi bước ra chào và mời vào nhà uống nước.
Phòng khách của gia chủ kê bộ xa lông lót nệm, tủ đứng đóng khá cầu kỳ; giữa tủ đặt chiếc tivi màu 21in. Qua trao đổi, tôi được biết chị tên Phạm Thị Xinh, người dân tộc Mường, quê tận xã Vĩ Tân, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hoá vào đây định cư từ năm 1991. Do gia đình đông anh em, kinh tế khó khăn nên cả bốn anh em bên nhà chồng rủ nhau vào trong này khai hoang, định cư lập nghiệp. Chồng chị, anh Phạm Văn Đào là người con thứ ba trong gia đình ba trai một gái út. Thời gian trôi nhanh, mới đó đã hơn 20 năm rồi, anh chị có hai con, cậu cả nay đang học lớp 11, hai vợ chồng ở nhà chăm sóc vườn tược, ao hồ “cũng tạm đủ sống qua ngày”. Chị Xinh khiêm tốn nói vậy và tôi cũng tin kinh tế gia đình chị “tạm đủ sống”, khi thấy nhà cửa xây dựng khang trang, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình đầy đủ, hiện đại. Tôi rất mừng khi gặp được người đồng hương từ miền rừng xứ Thanh vào Tây Nguyên lập nghiệp. Người phụ nữ chân chất, nước da bánh mật, lại thêm vóc dáng khoẻ mạnh, đúng mẫu người nông dân đồng rừng thường xuyên phải leo núi, trèo đèo. Chúng tôi đang vui vẻ trò chuyện thì anh Phạm Văn Đào, chủ nhà về; sau cái bắt tay thật chặt của cánh đàn ông với nhau, anh cho biết thêm:
- Ngày xưa ở quê khổ quá, mấy anh em rủ nhau vào đây cùng sinh sống ở quanh đây. Cô Út nhà xây cạnh ngã ba đường rẽ vào đây; bác cả nhà xây đối diện bên kia ao cá, còn bác hai chếch phía tây kia kìa.
Anh Đào đưa tay chỉ ra hướng trước mặt ngôi nhà mình, cách xa khoảng 500 mét, một ngôi nhà mái Thái có tới ba nóc đứng soi bóng bên hồ thả cá rộng đến vài sào.
- Bốn anh em chiếm trọn cả vùng đất này sao?
- Trước đây là rừng, mấy anh em cùng khai phá và chia cho nhau cùng sử dụng; phần tôi chắc gần chục ha.
- Đất rộng vậy, hai vợ chồng làm sao cho hết? Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Vợ chồng quen lam lũ rồi, phải chịu khó làm thôi. Nhiều đất thì trồng khoai mì, trồng mía đỡ công chăm sóc và trồng thêm cao su; nhà trồng đựoc ba ha rồi, sau hai năm cây cao hơn đầu người rồi đấy.
Bằng giọng xứ Thanh phát âm khá chuẩn, anh Đào cho biết thêm: nhiều gia đình đang đổ xô đi trồng cao su, đất rộng, trồng cao su trong vòng hai năm đầu vẫn trồng đậu, bắp hoặc khoai mì xen vào, vừa đỡ công làm cỏ lại có thu nhập cao. Đất vùng này có vẻ hợp với cây cao su nên nhà nào cũng trồng, ít cũng vài ha, nhiều thì năm sáu ha, cây lớn nhanh lắm. Ngoài thâm canh trên đất nương rẫy, các hộ gia đình nơi đây ai cũng có đất trồng lúa đủ ăn quanh năm cho gia đình và ao thả cá, mỗi năm thu hoạch hai vụ cá, đủ chi tiêu “vặt” hàng ngày; còn chăn nuôi thêm heo, gà, trâu, bò... có thêm thu nhập để dành. Hiện nay nhà mới có 5 con trâu, hơn 40 con heo rừng, còn gà thì... không tính. Tôi hỏi thêm:
- Nhà mình nuôi heo rừng lâu chưa? Có nhờ ai đầu tư không?
Vẫn thủng thẳng với giọng nói của người miền ngược xứ Thanh, anh Đào cho biết: Trước đây, nhà chỉ nuôi vài con heo để tận thu cám và cơm thừa, sau thấy trên tivi giới thiệu cách thức chăn nuôi heo rừng có lãi lại ít dịch bệnh, thế là lần theo địa chỉ mà tivi giới thiệu đến tận nơi học hỏi cách nuôi và mua giống thả. Gần một năm, đàn heo phát triển nhanh, sinh sản tốt, đã bán được một ít rồi, nhưng giá mua tại chuồng của thương lái chỉ có 70 ngàn đồng một ký thôi; biết là rẻ nhưng chưa biết bán ở đâu đắt hơn. Vốn đầu tư là của gia đình tích cóp được chứ không vay của ai cả. Trả lời câu hỏi của tôi: sao không vay ngân hàng đầu tư thêm? Anh Đào nói: Cũng có nghe nói người nông dân được vay vốn, nhưng thủ tục nhiêu khê, phải đi lại nhiều nên không thích. Thôi mình có bao nhiêu kinh doanh bấy nhiêu. Anh dẫn tôi ra xem bầy heo rừng nuôi trong khuôn viên cánh rừng già còn sót lại. Anh cất tiếng kêu: út, út, út và vung ra một nắm bắp ném qua lưới sắt vào phía trong gốc cây; bầy heo, gà chạy túa về thi nhau nhặt bắp trông thật vui mắt. Anh Đào chỉ con heo đực giống khoảng gần tạ, hai bên mép răng nanh dài như ngón tay chìa ra hai bên trắng hếu, nói: Con này giá gần chục triệu đấy, còn 5 con mẹ sắp đẻ phải nhốt riêng để chăm sóc, khi nào đàn con cứng cáp mới thả vào cùng bầy.
Bầy heo lại tản vào rừng tiếp tục đào ủi tìm thức ăn dưới tán những gốc cổ thụ. Tôi tranh thủ hỏi thêm:
- Tại sao anh lại giữ lại khu rừng này mà không phá đi để trồng hoa màu như mọi nhà khác?
- Trước đây rừng bạt ngàn, vì cuộc sống mưu sinh phải chặt phá lấy đất trồng trọt, cây gỗ đốt thành than bán lấy tiền mua gạo sống qua ngày. Khi phá gần hết rừng rồi mình bàn với anh em để lại cánh rừng nhỏ này cho con cháu mai sau nó còn biết thế nào là rừng Tây Nguyên và cũng là nơi cung cấp củi để đun nấu. Lúc ấy chẳng ai nghĩ ra sẽ thả heo rừng vào đấy đâu. Không ngờ giờ đây, cánh rừng lại là nơi trú ngụ của chim trời, làm đẹp cho cả vùng đất này.
- Anh chị giỏi quá! Tôi bật khen khi anh nói dứt lời.
- Mình chưa giỏi bằng chị dâu cả đâu.
- Chị anh giỏi thế nào nữa cơ?
Anh Đào bùi ngùi kể lại: Vốn con nhà nghèo, vì đói nên phải rủ nhau vào đây phá rừng sinh sống. Khi kinh tế tạm ổn thì anh cả bị tai nạn giao thông chết, để lại cho người vợ - chị Phạm Thị Chiên và hai đứa con thơ. Bằng sự chịu thương, chịu khó của người mẹ, chị đã nuôi con ăn học, đứa con đầu đang học năm cuối trường Đại học Y Huế; người con thứ hai đang học năm thứ hai Đại học Y Tây Nguyên.
Theo chân anh, tôi băng qua bờ ao, vượt qua chiếc cầu gỗ bắc chông chênh qua suối vào thăm nhà chị Phạm Thị Chiên, chị dâu trưởng của bốn anh em. Trước mặt tôi là người phụ nữ đứng tuổi, khuôn mặt tròn, có đôi mắt nhìn phúc hậu nhưng đượm buồn. Chị cho biết: Ở quê, người ta thường hay chọn vợ gả chồng cùng bản, hiểu nhau, chơi thân nhau từ bé và hình như duyên số đã định sẵn, thành vợ thành chồng như chuyện đến bữa phải ăn, đêm khuya phải ngủ vậy thôi. Không may chồng về với tổ tiên thì mình phải thay chồng nuôi dạy các con ăn học nên người. Chúng sợ mẹ vất vả định bỏ học về làm, chị cương quyết không cho và tuyên bố: mẹ cực thế nào cũng được, các con có thương mẹ phải học thật giỏi là được rồi. Một mình quần quật cả ngày đêm trên diện tích gần tám ha vừa trồng lúa, trồng mía, trồng khoai mì và chăn nuôi: trâu, bò, heo, gà, thả cá... Năm ngoái đầu tư trồng hai ha cao su, cây lớn nhanh lắm. Dưới gốc cao su trồng khoai mỳ, cuối năm thu cũng đủ cho hai con đóng tiền học. Nhà neo đơn, chị Phạm Thị Chiên tập trung nuôi gà, lấy ngắn nuôi dài. Mỗi tháng mua vài trăm con gà mới nở về chăm sóc, cứng cáp thả ra vườn nhặt sâu bọ, sau ba tháng là bán được, để lớn hơn thương lái không mua. Mỗi tháng bán một lứa vài trăm con trừ chi phí cũng đủ chi tiêu cho cả ba mẹ con. 
  Căn nhà xây cấp bốn, hai gian, ba phòng, nền lát gạch hoa, có diện tích trên trăm mét vuông. Trong nhà được trang bị đầy đủ tiện nghi như: tivi, bàn ghế, tủ... khá bắt mắt. Có lẽ ít ai dám nghĩ đến cảnh một người đàn bà goá sống gần bảy năm trời nơi chân đồi xa xôi của thôn 9, xã Ea Pal, huyện Ea Kar vẫn vượt lên tất cả khó khăn, nuôi hai con học đại học mà vẫn còn có tiền đầu tư vào phát triển kinh tế lâu dài.
Mặt trời đứng bóng, tôi bước ra chiếc sân lát gạch vuông của nhà chị Chiên, nhìn về hướng tây. Qua hai dãy ao và con suối nhỏ, qua tiếp một đoạn nữa mới tới nhà người em chồng thứ hai, toạ lạc phía bên kia sườn đồi, ngoài cả một tầm hú. Đó là gia đình gần nhà chị nhất. Không biết người phụ nữ mảnh mai này lấy đâu ra nghị lực để một mình bươn chải cho các con đi học xa suốt cả quãng thời gian dài vậy? Đất nước Việt Nam vốn là nơi sinh ra những người phụ nữ “trung hậu, đảm đang” suốt đời tận tuỵ vì chồng, vì con mà quên đi chính bản thân mình. Có lẽ đó chính là vẻ đẹp đặc biệt của người phụ nữ xứ Thanh nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung đã góp phần xây dựng nên  nét đẹp truyền thống văn hoá Việt Nam.





Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

ĐÊM THÁNG NĂM Ở BAN MÊ tùy bút của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SÔ: 225 tháng 5 năm 2011



Trời về đêm!
Thành phố mang biệt danh "thủ phủ Tây Nguyên", "thủ phủ vùng" lượng xe lưu thông đã giảm đi rất nhiều, thỉnh thoảng mới có một chiếc ô tô hay xe máy vội vã lướt qua. Dọc Đại lộ Nguyễn Tất Thành, người dân quen gọi đường "Độc bình" vì các chân cột đèn đường lắp thêm những chiếc độc bình đúc bằng gang, sơn theo màu giả gỗ. Đèn sáng trưng, bên các cây cổ thụ người ta còn mắc thêm những dây đèn dài như những cuộn dây rừng quấn quanh với đủ màu: xanh, đỏ, tím, vàng... đua nhau nhấp nháy. Thỉnh thoảng một cơn gió ào đến cuốn theo bụi và giật thêm ít lá vàng xoay tròn trên mặt đường trước khi tung hê tất cả lên trời, giật tung những búi tóc của mấy đôi nam nữ đang thả bộ trên đường. Cái gió Ban Mê, tếu táo và hay đùa dai: có khi bất chợt ùa đến rồi vội vã chạy đi.
Quảng trường thành phố ban đêm lung linh huyền ảo, đài phun nước uốn mình theo điệu đàn T'rưng như một vũ công đang biểu diễn điệu múa bụng dưới ánh sáng của hàng chục ngọn đèn đủ màu sắc đưa ta lạc vào cỏi thần tiên. Xa hơn một chút, vây quanh các bàn tiệc - những tấm ni lông hay vải bạt trải vội, cánh đàn ông - xin lỗi - phải nói chính xác hơn, số đàn ông nhiều hơn số đàn bà quây quần bên những chai rượu hay bia và nổ trời là chuyện...! Không biết có đâu như nơi đây, khi màn đêm buông xuông là lúc người ta lục tục kéo nhau ra quảng trường để... nhậu! Quảng trường rộng là thế mà số người ngồi cũng gần như chật, li này nối li kia... Mức sống của người dân thành phố ngày một được nâng cao, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, cuộc sống thành phố thanh bình và thơ mộng, mọi người tối đến lại rủ nhau ra Quảng trường 10 tháng 3 để đàm đạo, chia sẻ thông tin... quanh ly có chút hơi men!
Đông vui hơn cả là những quán cà phê. Có những quán đèn xanh đỏ rực rỡ phô trương sắc màu; có những quán nhạc sống ồn ã và cũng có những quán lặng lẽ với bản nhạc Trịnh hiu hiu buồn, một nỗi buồn mang mác cho người xa quê thêm nhớ nhà. Đến Buôn Ma Thuột, cái đập vào mắt du khách là quán cà phê: từ cái quán cóc bên đường cho các anh thợ làm việc tiện “tiện gì làm nấy", vội vã chỉ dăm ba phút cho một ly cà phê giá 5 ngàn đồng; đến những quán bậc trung cho các vị công chức trốn cơ quan, hay dỗi vợ ngồi chiêm nghiệm, tránh gió bên ly đen (cà phê đen) từ 10 đến 15 ngàn đồng; thích nghe nhạc và ồn ào có thể đến những quán cà phê có không gian được trang trí nghệ thuật khá bắt mắt, giá cả cũng xê dịch đắt hơn giá bình dân một chút. Có nhiều thời gian rãnh rỗi ta có thể đến: quán Vị Đắng - đường Mai Hắc Đế, quán A Jun - buôn Ko Thông, quán Thiên đường cà phê Mê Hy Cô - đường Nguyễn Văn Cừ… mỗi quán có cách pha chế riêng, hương vị khác lạ và đặc biệt ta có dịp vừa nhâm nhi ly cà phê Ban Mê vừa thưởng thức không gian văn hóa cà phê mang đậm sắc thái Tây Nguyên bản địa. Thưởng thức cà phê và tâm sự, trao đổi thông tin và không ít các bạn trẻ tìm được hạnh phúc đôi lứa qua những buổi nhâm ly cà phê đêm như thế.
Với những người nhiều tiền phương xa đến, thích khám phá có thể đến Làng cà phê Trung Nguyên giá cao hơn, nhưng đổi lại được mãn nhãn để ngắm cái lạ: Lạ của Làng cà phê này là phong cảnh: dưới mái nhà cổ kính của người dân đồng bằng miền Trung, ngồi trên những chiếc tràng kỷ cổ xưa để thưởng thức cà phê; hay vào trong động đá được lắp ghép bằng những khối đá khổng lồ, nước chảy róc rách, người thưởng thức hương vị cà phê như hoà mình vào không khí hoang sơ của thiên nhiên…
Tháng năm này Buôn Ma Thuột đã có mưa, những hạt mưa làm dịu lại không khí oi bức của mùa khô và mang ấm no, giàu có đến cho mọi người dân canh tác nông nghiệp trên vùng đất ba gian đang khát. Mưa dữ dội. Mưa nhiều. Mưa như như trút nước, biến nhiều con đường thành khe, suối… Mưa thế, cà phê được mùa, nông nghiệp được mùa. Các chủ vườn rủ nhau đi quán ăn mừng vì có mưa tiết kiệm được khoản lớn tiền tưới nước và chắc chắn sẽ có một mùa bội thu; nhìn gương mặt ai cũng ánh lên vẻ rạng ngời.
Đâu đó gió lại ào đến ban tặng cho người đi đường hương thơm dìu dịu của cà phê mới pha; cái hương vị ấy không lẫn với bất kì hương vị nào và cũng không nơi nào có như nơi đây - Buôn Ma Thuột, thành phố bình yên. Đêm dần về khuya, trên các ngã đường người ta nối nhau trở lại ngôi nhà thân yêu, mái ấm của mình để tận hưởng hết sự yên ả của đêm, chuẩn bị một ngày làm việc mới.
Đêm chuyển dần về sáng!

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

CHƯ YANG SIN NGÀY MỘT CAO LÊN tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 273+273 tháng 5&6 năm 2015




Chư Yang Sin - Tạp chí sáng tác nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk ra số đầu tiên vào Xuân Ất Mùi - 1991, mang tên Văn nghệ Dak Lak; nhà thơ Hữu Chỉnh làm Tổng biên tập, nhà thơ Phạm Doanh làm Phó tổng biên tập; ra hai tháng một kỳ; khổ 20cm x 30cm. Đến số 16 (8.1993) được đổi tên thành Yang Sin. Đến số Xuân Giáp Tuất – 1994, lại đổi tên thành Cư Yang Sin; bắt đầu từ số này, Tạp chí phát hành mỗi tháng/kỳ. Số 26 (12.1994) Tạp chí mang tên mới: Chứ Yang Sin; nhà thơ Phạm Doanh được bổ nhiệm Tổng biên tập. Đến số Xuân Canh Thìn – 2000, Tạp chí lại thay tên: Chư Yang Sin, khổ 16,5cm x 24,5cm. Sau Đại hội IV (11.2006), nhà văn Khôi Nguyên được bổ nhiệm làm Quyền tổng biên tập cho đến nay.
Sau 15 năm thành lập, Tạp chí đã 5 lần thay tên, 3 lần đổi khổ; điều đó cho thấy khó khăn của những người làm tạp chí văn nghệ trên vùng đất được mệnh danh là thủ phủ Tây Nguyên. Nhưng dù khó khăn đến mấy, Tạp chí vẫn tồn tại và ngày một phát triển, từ hai tháng/kỳ tiến tới xuất bản mỗi tháng/kỳ.Đó là sự cố gắng lớn của lãnh đạo Hội và lãnh đạo Tạp chí.
Tiếp bước các bậc cha anh đi trước, sau Đại hội V, thay đổi thế hệ lãnh đạo mới, nhà văn Lê Khôi Nguyên được bầu Chủ tịch Hội phải đảm nhiệm luôn chức danh Quyền Tổng biên tập. Tạp chí Chư Yang Sin được giao hai biên chế, một thư ký tòa soạn kiêm họa sỹ trình bày, một nhân viên vi tính; kinh phí hàng năm được cấp 230 triệu đồng để in và phát hành 12 kỳ trong năm. Trước tình hình trên, tại kỳ họp thứ II, ngày 25.2.2011 BCH Hội khóa V đã cử nhà văn Nguyễn Hồng Chiến, Phó chủ tịch Thường trực Hội phụ trách Tạp chí. Tại cuộc họp BCH Hội lần thứ III, ngày 5.6.2011theo đề nghị của Thường trực Hội, Ban chấp hành nhất trí mời nhà thơ Đặng Bá Tiến về đảm nhận chức danh Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin; trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục bổ nhiệm, tạm thời phân công giữ chức vụ Phó tổng biên tập phụ trách nội dung.
Thực hiện Nghị quyết BCH, từ tháng 7.2011, nhà thơ Đặng Bá Tiến về làm hợp đồng tại Tạp chí Chư Yang Sin với chức danh Phó tổng biên tập và hưởng mức phụ cấp… 400.000 đồng/tháng! Đây có lẽ là mức phụ cấp của Phó tổng biên tập một tạp chí (được Bộ Thông tin – Truyền thông cấp giấy phép hoạt động) có một không hai ở Việt Nam. Nhưng với tấm lòng vì phong trào của Hội nói chung và sự phát triển của Tạp chí Chư Yang Sin nói riêng, nhà thơ Đặng Bá Tiến vẫn vui vẻ chấp nhận và cùng lãnh đạo tòa soạn vạch ra kế hoạch hoạt động những tháng còn lại của năm 2011 và những năm tiếp theo. Với kinh nghiệm từng trải của người làm báo chuyên nghiệp lâu năm, am hiểu tình hình văn nghệ địa phương, nhà thơ Đặng Bá Tiến đã mạnh dạn đề xuất kiện toàn lại bộ máy tòa soạn, ổn định tổ chức và từng bước nâng cao chất lượng Tạp chí cả về hình thức lẫn nội dung. Trong những ngày đầu bắt tay vào việc, ưu tiên đầu tiên là phải sắp xếp công việc tòa soạn khoa học, theo hướng chuyên nghiệp, mỗi người đảm nhiệm một nhiệm vụ và giao thời gian tối đa phải hoàn thành công việc… Nhờ vậy tòa soạn đã hoạt động có hiệu quả hơn, đúng tiến độ thời gian đã vạch ra. Để thu hút bạn đọc, việc đầu tiên là phải làm sao cho Tạp chí “bắt mắt” trước hết là trang bìa, lãnh đạo Tạp chí và họa sỹ trình bày sau nhiều ngày tranh luận các phương án, cuối cùng đã thống nhất chọn một phương án trang nhã nhất; sau khi phát hành đã nhận được nhiều lời khen ngợi của hội viên cũng như bạn đọc trên cả nước. Tiếp thắng lợi bước đầu, lãnh đạo Tạp chí đã cho sắp xếp lại các chuyên mục truyền thống, mở thêm một số chuyên mục mới phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng như đòi hỏi của thực tế và bạn đọc. Bước qua năm 2012, cơ bản các chuyên mục trên Tạp chí đã ổn định, nhưng để nâng cao chất lượng các tác phẩm được đăng tải phải đặt bài viết cho các văn nghệ sỹ có uy tín; đi tiên phong trong công việc này là nhà văn Niê Thanh Mai - Phó Chủ tịch Hội, phụ trách biên tập mảng văn xuôi. Nhờ cách làm này mà nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu nổi tiếng… đã có bài đăng thường xuyên trên Tạp chí. Nhằm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng bài viết cho hội viên, lãnh đạo Tạp chí đã đề xuất BCH cho tổ chức hội thảo, bàn biện pháp nâng cao chất lượng bài viết trên Tạp chí và mời nhà văn Đỗ Kim Cuông - Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam vào trao đổi một số kinh nghiệm sáng tác và thời sự văn nghệ. Những biện pháp tích cực trên đã có kết quả  đáng phấn khởi, chất lượng các tác phẩm của hội viên gửi đến Tạp chí đã được nâng cao dần.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả như trên, lãnh đạo Tạp chí cũng như các thành viên ban biên tập chịu rất nhiều áp lực từ hội viên. Nhiều người thắc mắc sao gửi nhiều bài không được đăng, tại sao đăng bài của tôi sửa mà không xin ý kiến… thậm chí có hội viên nặng lời với cả người biên tập. Nhiều hội viên không thông cảm với nổi khổ của người làm công tác biên tập hưởng mức lương 200.000 đồng/tháng (như biên tập Ảnh, Nhạc, Văn nghệ dân gian…), số tiền ấy chưa đủ trả một phần tiền xăng xe để đến nơi làm việc, nói gì đến bù đắp sức lực đã đổ ra; nhưng vì lòng yêu văn nghệ, yêu Tạp chí của chúng ta mà tình nguyện gánh vác công việc, với một mục đích duy nhất: Nâng cao chất lượng Tạp chí. Bài không đáp ứng được yêu cầu thì kiên quyết loại, hoặc buộc phải cắt, sửa… 
Nhờ các biện pháp nêu trên, chất lượng Tạp chí được nâng cao dần, số lượng phát hành cũng tăng lên. Thế nhưng, những người lãnh đạo Tạp chí vẫn day dứt vì mức trả nhuận bút cho tác giả quá thấp: Thơ 100.000 đồng/bài, truyện, nhạc chỉ vài trăm ngàn đồng/bài, trong khi đó tạp chí văn nghệ của nhiều tỉnh bạn trả nhuận bút một bài thơ từ 500.000 - 700.000 đồng, truyện ngắn trả trên 1.000.000 đồng/bài. Tuy lãnh đạo Tạp chí đã cố gắng hết mức, nhưng với nguồn kinh phí 230 triệu đồng/năm, chỉ đủ để xuất bản chín kỳ, từ kỳ thứ mười trở đi không còn kinh phí.  Trước tình hình trên, lãnh đạo Tạp chí đã làm văn bản báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh xin cấp thêm kinh phí để duy trì xuất bản. Nhà thơ Đặng Bá Tiến đề xuất: Nhân dịp này chúng ta phải trình bày luôn khó khăn về kinh phí, trong đó có cả việc chi trả nhuận bút chưa hợp lý. Sau khi văn bản được gửi đi, lãnh đạo Tạp chí thay nhau đi “gõ cửa” lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để “tác động”. Đầu tháng 9. 2013, ông Hoàng Trọng Hải – Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định bổ sung kinh phí cho Tạp chí 3 tháng cuối năm, mỗi tháng 40 triệu đồng. Vì vậy cũng từ tháng 9. 2013 chế độ nhuận bút của Tạp chí được nâng lên: Thơ 250.000 đồng/bài, văn xuôi, nghiên cứu, chính luận, phỏng vấn… 500.000 - 550.000 đồng/bài. 
Không thỏa mãn với kết quả đạt được, lãnh đạo Tạp chí đề xuất với BCH Hội cho tổ chức một chuyến đi thực tế đến các tỉnh bạn học hỏi. Từ thực tế của Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Nhật Lệ, Tạp chí Xứ Thanh, Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, Tạp chí Đất Tổ mới thấy họ được cấp kinh phí cao hơn chúng ta rất nhiều: Tạp chí Nhật Lệ (Quảng Bình) 850 triệu đồng/năm, Tạp chí Sông Hương (Thừa Thiên - Huế) 1,5 tỷ đồng/năm, Tạp chí Đất Tổ (Phú Thọ): 1,7 tỷ đồng/năm, Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, được Tỉnh ủy đặt mua mỗi kỳ 1600 cuốn để phát hành tới tất cả các cơ quan, đơn vị, chi bộ… trong toàn tỉnh. Về nhân sự, các tạp chí bạn đều có từ 7 -10 biên chế, đặc biệt Đất Tổ có tới 13 biên chế, tòa soạn được cấp nhà riêng, đầy đủ phòng ốc, tiện nghi làm việc… Sau chuyến đi thực tế với những tài liệu sưu tập được, lãnh đạo Tạp chí mạnh dạn làm văn bản đề xuất UBND tỉnh tăng ngân sách cho Tạp chí. Nhờ vậy năm 2014 Tạp chí Chư Yang Sin được cấp 520 triệu, năm 2015 được cấp 500 triệu.
Năm năm một chặng đường không, dài nhưng cũng đủ để khẳng định sự trưởng thành và phát triển của văn học nghệ thuật tỉnh nhà được phản chiếu qua tấm gương trung thực là Tạp chí Chư Yang Sin, với gần 60 kỳ xuất bản. Các tác phẩm được công bố trên Tạp chí có gần 60% là của hội viên, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, có nhiều tác phẩm thể hiện sự tìm tòi, đổi mới trong sáng tạo, mang lại diện mạo mới cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
Đạt được kết quả trên là nhờ BCH khóa V, cùng anh chị em hội viên ủng hộ, cộng tác; lãnh đạo Tạp chí biết kế thừa và phát huy những thành quả tốt đẹp mà các thế hệ đi trước đã trao truyền lại; lãnh đạo Tạp chí mạnh dạn đổi mới, phát huy dân chủ và đoàn kết nội bộ; nhờ vậy đã tạo nên sức bật mới góp phần quyết định nâng cao chất lượng Tạp chí, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật của bạn đọc trong và ngoài tỉnh.


Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

TIẾNG KÊU CHIM ÉN phóng sự của HỒNG CHIẾN - BÁO TIỀN PHONG số ra tháng 5 năm 2000




Trong những ngày cuối tháng bảy vừa qua, dân nhậu ở huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk loan đi bản tin rất đáng lưu ý: muốn ăn đặc sản chim én hãy vào xã Chư Zang! Không biết tin đó đúng sai thế nào mà người ta đổ xô vào để tận hưởng món thực phẩm mới, lạ, hấp dẫn, kéo theo cả sự tò mò. Tuy không phải là đệ tử của “thần Lưu Linh” nhưng cái tin có “đặc sản chim én” làm tôi phân vân nửa tin, nửa ngờ và nảy ra ý định thử vào tận nơi xem sao. Biết đâu mấy tay bơm nhậu rủ nhau đi ăn thịt “rắn vuông” cũng nên.
I/. Đường vào Chư Zang.
Sáng chủ nhật mùng hai tháng tám, tôi phóng xe máy từ thị trấn Ea Kar vào xã Chư Zang. Con đường dài chưa đến 40 km nay đã được rãi đá cấp phối nên đi lại khá tốt, không giống như mấy năm trước cũng con đường này nếu đi vào mùa mưa xe máy phải đi mất cả buổi và chuẩn bị vài chục ngàn tiền lẻ trả tiền đi nhờ đất, nhờ cầu. Quả thật chuyện thật trăm phần trăm mà nghe như bịa. Hồi đó đoạn đường đi qua xã Ea Păn để vào xã Chư Zang vì xe ôtô, xe máy cày chạy nhiều nên có đoạn bị lún xuống như ruộng, không thể nào đi xe đạp hay xe máy qua được; buộc lòng người ta phải đi tránh chỗ lầy ấy vào góc vườn của một nhà bên cạnh đường dài khoảng 20 mét. Chủ nhà rất vui lòng cho đi nhờ với điều kiện một xe máy đi qua phải trả 1000 đồng còn xe đạp 500 đồng. Tính ra mỗi lần đi nhờ trên đất của người ta mỗi mét phải trả 50 đồng. Chưa hết, cây cầu xi măng bắc qua con suối nhỏ chỉ cách Uỷ ban xã Ea Păn khoảng 200 mét bị lũ cuốn trôi mất một đoạn đường ngay đầu cầu rộng chừng hai mét. Một người dân gần đó sẵn lòng giúp người qua đường “làm phúc”, tự mang mấy tấm ván nhỏ bắc qua chỗ sạt để người đi xe máy, xe đạp có thể qua lại và chỉ “xin” trả công cũng đúng 1000 đồng một lần qua của xe máy và 500 đồng đối với xe đạp. Làm phép tính đơn giản ta thấy mỗi mét đi nhờ “cây cầu” phải trả 500 đồng. Nhưng muốn đến UBND xã Chư Zang phải qua hai cây cầu như vậy và giá cả như nhau. Ấy là chưa kể muốn vào mấy xóm phía tây của xã phải đi qua một con đò mà giá “mềm” một chuyến cũng phải trả không dưới 10.000 đồng cho một lượt người. Còn hôm nay xe chạy rất êm, không gặp ổ gà, ổ voi nào cả. Có lẽ vì đường đi thuận tiện thế này nên mấy tay buôn bán thú rừng, sành ăn, mò vào đây cũng phải.
Theo chỉ dẫn của người bạn đi cùng đường: đi tới trạm xá xã Chư Zang, rẽ phải qua cầu Bò độ một kilômét, rẽ trái thêm ba kilômét nữa là đến đội 12 nông trường 717. Đoạn đường này khó đi vì phải men theo những lô cà phê xanh tốt um tùm, cây nào cây ấy cành trĩu quả. Có lẽ cái nắng hạn kéo dài vừa qua của vùng Đăk lăk không ảnh hưởng gì đến vùng này.
Con đường ngoằn nghèo đưa tôi đến trước một con hồ chiều ngang không lấy gì làm lớn lắm; chỗ rộng nhất khoảng ba trăm mét, còn chiều dài có lẽ không dưới năm kilômét. Trên hồ thuyền to, thuyền nhỏ tấp nập đi lại.
II/. Du ngoạn trên hồ.
Đang mãi ngắm hồ, bổng thấy có người vỗ vai hỏi: “Anh vào chơi à!”. Quay lại tôi nhận ra anh Phạm Công Đức, giáo viên dạy trường THCS Đinh Tiên Hoàng, xã Ea Tý về nghỉ hè tại đây. Biết tôi muốn xem nghề “săn chim én”, anh tận tình cất xe và nhờ người chèo thuyền dẫn đi. Trước khi chia tay, anh nói: “Trăm nghe không bằng một thấy” ông xuóng đó sẽ rõ!
Mới chín giờ sáng mà thuyền neo ở bến bốn cái, không có ai trên thuyền. Người dẫn đường bảo: “chủ nhân của nó mang chim ra chợ rồi”! Chỉ mấy phút sau lại có ba chiếc nữa cập bến; mỗi thuyền có hai người, khi họ rời thuyền mỗi người xáh trên tay hai cái lồng lớn đầy chim én. Qua trao đổi cùng người thanh niên khoảng hai mốt, hai hai tuổi xách chim én lên bờ đầu tiên, tôi được biết những người bắt chim Én đi từ lúc năm giờ sáng và bắt đến tám rưỡi, chín giờ, tuỳ theo én nhiều hay ít rồi về; chiều ba giờ đi bắt tiếp đến sáu giờ tối. Mỗi buổi đi bắt nếu nhiều được năm bảy trăm con, còn ít cũng được trên dưới trăm con. Cái nghề này xem ra “phát đạt” đa số những nhà gần hồ đua nhau hành nghề.
Thuyền chúng tôi rời “bến” ra hồ. Gọi là “bến” những đó chỉ là một lạch nước ăn sâu vào khu đất cao, đầu con đường cụt. Nhiều nhà xa hồ phải để thuyền tại đây nên thành “bến”, còn những nhà sát bờ hồ đều có bến riêng của họ. Theo tay anh bạn chèo thuyền chỉ, tôi thấy trên hồ có rất nhiều điểm bẩy én, cách bẫy khá đơn giản; trước tiên chọn hai cây trúc hoặc cành tre khô cao độ hai mét (không kể phần cắm dưới đất) buộc vít lại với nhau, trên đỉnh gò đất nổi trên mặt hồ, dưới gốc cây cắt cỏ gianh làm thành cái chòi nhỏ cao độ một mét, rộng bằng khu đất nổi. Thế là xong công việc  chính, việc còn lại thì đơn giản: dùng một cây sào dài một đầu có quét nhựa để dính các chủ chim én khờ khạo đến đậu trên hai cây trúc buộc sẵn trên chòi. Để dụ chim đến đậu người ta buộc sẵn một con chim én mồi. Con chim mồi tội nghiệp này bị khâu cả hai mắt không dám bay mà chỉ đứng kêu những tiếng kêu đau khổ, tắt nghẹn. Nó đâu biết những tiếng kêu bi thương đó đã gây nên tội ác đẩy đồng loại vào chỗ chết. Những con chim én tự do vượt hàng vạn kilômét đi tránh đông đến đây thấy tiếng kêu đau đớn cuả đồng loại vội dừng cánh trên các cành trúc. Chỉ chờ có thế, người thợ “săn” núp phía dưới nhẹ nhàng đưa cây sào đã quét nhựa chạm vào người chim và kéo xuống bỏ vào lồng. Các con khác không biết cứ lao đến đậu, người thợ “săn” phải nhanh tay và khéo léo tóm từng con, từng con cho đến hết. Sau một buổi săn người ta lại thay bằng con mồi mới, còn con cũ đã kiệt sức không dùng được nữa.
Trên mặt hồ ngoài thuyền bắt chim én ra còn có thuyền đánh cá cũng khá nhiều và hoạt động cả ngày. Chim chóc ở đây cũng nhiều. Bầy vịt trời khoảng ngàn con mãi mê kiếm ăn, thuyền đi sát tới nơi mới lười nhác vỗ cánh bay một đọan lại đáp xuống. Trên các đám cỏ năn từng bầy chim Két màu xanh biết, mào đỏ chót đứng trên đôi chân cao kều cứ nghển cổ nhìn người chèo thuyền; có lẽ trên hồ loài chim này lớn nhất, lớn hơn cả vịt trời. Ngoài ra, trên hồ còn có gà nước, le le rất nhiều bơi lội tung tăng trên mặt nước.
III/. Đặc sản chim én.
Muốn có thịt én để “nhậu” ắt người ta phải nghỉ cách bắt. Cái nghề bẫy chim én không biết bắt đầu từ ai và có từ lúc nào không ai còn nhớ. Song người dân ở đây cho biết cứ tháng hai, tháng ba là mùa “tiểu én” - én về ít, còn tháng bảy, tháng tám là mùa “đại én” - én về nhiều và bắt cũng được nhiều. Mỗi con én giá chỉ hai trăm đồng. Nếu bắt một ngày măy mắn cũng có thể kiếm vài trăm ngàn. Việc lại nhàn hạ, không vất vả gì nhiều. Mùa này học sinh nghỉ hè nên cũng được huy động tham gia bắt én rất đông. Quả thật đây là nghề nhanø nhã mà “hái ra tiền”!
Tôi nhẩm tính riêng khu vực ven hồ đội 12 nông trường 717, xã Chư Zang mỗi ngày có khoảng hai chục cái “bẫy” bắt chim Éùn hoạt động thì một ngày trên dưới xấp xỉ mười nghìn con én phải vào lồng; một tháng con số đó sẽ là ba trăm ngàn con. Một con số khổng lồ đủ để cung cấp cho dân hành nghề kinh doanh“đặc sản” vận chuyển đi đâu không rõ.
Thịt chim én thơm và ăn rất dòn, có người quả quyết ngon hơn thịt bồ câu nhiều lần; cách làm thịt cũng đơn giản: vặt sạch lông, thui qua lửa rơm cho vàng, rửa sạch, mổ bụng moi lòng bỏ đi, rồi nhét thêm mấy hạt sen, hạt lạc đã ngâm nước vào bụng, ướp gia vị để độ năm phút rồi đem nấu.
Có ba món chính được chế biến từ chim én là: nướng, chiên dầu và tẩm bột xào lăn. Nếu nướng người ta chọn chiếc lá chanh hoặc lá bưởi cuộn tròn con én đã tẩm gia vị bỏ vào vĩ đặt lên bếp tham hồng. Người nướng phải quạt liên tục mới không bị tắt than. Mở trên mình chim chảy xuống than hồng toả mùi thơm ngào ngạt kích thích nước miếng ứa ra đầy miệng. Thịt chín được xếp lên đĩa có lót rau xà lách và một ít lá hành, ngò, mùi tàu. Khi ăn, quấn thêm các loại rau thơm quanh miếng thịt, bỏ vào miệng ăn, vị ngọt đậm đà quện vào đầu lưỡi; mùi thơm của thịt én rất riêng biệt tạo cho ta cảm giác lâng lâng.
Thịt én ngon thật! Và người ta đồn rằng có ba vị chức sắc nọ vào thưởng thức “đặc sản chim én” một lần hết ba thùng Tiegr và 1.000 con chim én. Nhiều ngươì ăn quen đâm nghiện và có lẽ vì thế người ta đổ xô đi săn chim én hình thành một làng nghề “hái ra tiền”, ai mà chẳng ham.
Chỉ tội con chim én, sứ giả của mùa xuân, biểu tượnh của tình yêu thiên nhiên mãnh liệt; tuy thân hình bé nhỏ nhưng can đảm tuyệt vời đã tung cánh bay liên tục một nửa vòng trái đất về đến đây được đón tiếp nồng nhiệt trên bàn nhậu. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, bầy trẻ chăn trâu bao giờ cũng náo nức chào đón bầy én bay rợp trời trở về phương bắc khi hoa đào nở rộ. Không ai nỡ làm hại chúng dù chỉ là va chạm nhẹ. Còn giờ đây người ta đang tôn chúng lên hàng “đặc sản” và cứ đà này thì không bao lâu nữa con cái chúng ta chỉ biết đến loài chim én qua sách vở mà thôi. Tôi nghiệp loài chim bé nhỏ, can trường, giàu lòng trắc ẩn và tình đồng loại mà mất dần, mất dần.
Rời xã Chư Zang tôi còn nghe thấy tiếng kêu khắc khoải của con chim én tội nghiệp vang vọng trong tâm. Không biết những người có trách nhiêïm gần đó có nghe thấy tiếng kêu tuyệt vọng ấy không? Hay họ chỉ còn nghe vương vấn mùi thơm đặc sản “chim én”.
IV/.Khúc vỹ thanh.
Viết xong bài ký này, tôi mang đọc cho mấy người bạn hàng xóm cùng nghe. Một người bạn có vẻ đắc ý cứ gật gu, gật gùø một chặp rồi bất ngờ chỉ vào mặt tôi phán một câu tỉnh khô: Anh đúng là người “ngoài hành tinh”! Tôi giật mình hỏi: “Tại sao ông lại nói thế?” Anh ta mới thủng thẳng trả lời: “còn không đúng sao! Bây giờ cần gì phải vất vả vào Chư Zang, xứ “khỉ ho cò gáy ấy” để xem chim én. Ngay ở chợ Bình Minh thị trấn Ea Knốp này thôi, buổi sáng muốn mua bao nhiêu chim Én mà chẳng có. Ông không tin sáng mai ra xem”!
Có thể nói không ngoa, thị trấn Ea Knốp, huyện Eakar là thị trấn công nghiệp đứng vào hàng lớn nhất nhì của tỉnh Đăk Lăk. Vậy người ta bán buôn loài chim quý trái pháp luật như vậy mà vẫn tồn tại tại đây chăng? Không thể nào có chuyện đó xảy ra được; tôi muốn tin như vậy. Thật không ngờ sáng hôm sau tôi theo người bạn ra chợ Bình Minh và chứng kiến người ta bán bốn cái lồng đầy chim én to đùng ngay tại hàng gà. Mỗi lồng nhốt tới hàng ngàn con. Cô bán hàng đon đả: “Mua đi các anh, hôm nay có ít; không mua là hết phần đấy”! Tôi ngao ngán đứng nhìn người ta đổ xô vào mua én; người mua năm bảy chục, người trăm, hơn trăm con; song cũng có người mua đúng hai con. Tò mò, tôi hỏi một người mua: “Sao anh mua ít vậy?” Người mua, cười trả lời: “À, rẻ quá chỉ 500 đồng một con, mua về cho bọn trẻ chơi.”
Thật buồn cho “sứ giả mùa xuân”; người ta sao mà vô tình đến vậy? Nhưng cũng phải thôi, người bắt được chim bán 150 đồng một con và người chở én đi chưa đầy 40 km giá đã lên 500 đồng một con. Lãi to thật! Nhưng rồi sẽ ra sao én ơi! Nếu người ta cứ vô tình bước qua pháp luật tự do bắt, bán, ăn nhậu én như thế này?

                                                                          Mùa thu năm 2000

                                                                                        


Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 272 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN



SEN HỒNG

Truyện ngắn


Mình nói, hoa gì mà đẹp thế? Đó là mình đang giả vờ, ta biết mà, nhưng kệ mình, ta đang bận. Mùi bùn làm ta ngây ngất, vào đúng buổi trưa nắng xõa trên đồi. Tiếng chim gì không biết, mà thắc thỏm, đều đều, như từ đâu trong quá khứ xa xăm,vọng về, cháy khét mùi tóc râu giang nắng. Ta chăn trâu, tát đìa, bẫy chim, bỏ cơm trưa đuổi bắt một tiếng chim trước cửa mùa hè, xa lắm!
Ta nằm xuống đây, lưng mỏi, phía bên này, và chú chuồn chuồn ớt, đỏ như một giấc mơ trưa, cánh mỏng, phía bên kia. Chuồn chuồn rung rinh cánh, rất nhẹ, như một cái giật mình, rồi lại đứng im, nhìn bóng mình dưới nước. Trên đôi cánh ấy, còn hằn rõ những mạch máu li ti tuổi dài rộng sông hồ, và mở ra, như một trang vở học trò dưới nắng. Bài học nào cho tháng Tư màu đỏ, chuồn chuồn ơi! Sao trang vở học trò lại không có một câu thơ nào màu áo trắng, một giấc mơ màu xanh hay một nét mi đen nhánh? Mặc cho ta hổn hển với cái bóng của mình, đôi cánh mỏng hình như đang ngủ, lặng thinh. Ta cúi sát xuống nước, định hôn vào đôi cánh ấy, nhưng lưỡng lự, rồi lại thôi. Nhỡ ra, mặt ao giật mình, đôi cánh giật mình. Hãy để mọi thứ ngủ say, trong một buổi trưa đầy nắng, tiếng chim xa, như một điệu ru hời thăm thẳm…
Chú cá nhỏ từ dưới sâu bất chợt ngoi lên, ngơ ngác nhìn, mắt đẹp như một giọt sương trong veo. Sống trong hồ này đã lâu, thế bạn có biết ngoài kia, có lúc đầy giông bão? Có những tháng Tư rớm lệ mắt người? Có những mùa hè lửa đỏ thiêu thân? Dĩ nhiên, đôi mắt trong veo ấy sẽ trả lời rằng, không biết. Nhưng có hề gì. Hãy lặn xuống thật sâu để hít thở mùi thơm của bùn, của đất. Là ta đang chuyện trò với đôi mắt thân thương. Nhưng mình lại đột ngột cắt ngang: “Lặn xuống và bay lên thì bên nào thích hơn?”. Ta không dám chắc. Khi tiếng chim đã mang gương mặt của quá khứ, khi mắt cá đã mắc vào những mắt lưới vô hình vây bủa, thì phía nào có lẽ cũng như nhau…
Chỉ có điều, ở đây, không có một con đò…
Mình nói với ta, mình không chịu được cảm giác chòng chành, mà đò thì chòng chành lắm, suốt đời luôn ấy. Ừ thì nằm xuống đi, trên tàn là sen đầu hạ, xanh như một nỗi u hoài, mình nhé! Để ta còn đuổi theo một màu hồng phơn phớt, đang trôi ở phía bên kia. Rồi có tàn không, những tím vàng xanh đỏ? Rồi có mất không, những ấm áp, xao động, tin yêu? Có là vĩnh hằng không, mặt hồ yên lặng kia, hay chỉ là một cơn ngủ quên trước ba đào sắp sửa? Đứa trẻ nào biết được thế nào là mất mát buồn đau, khi nó chưa kịp ra đời. Tình yêu, làm sao nó biết trước được thế nào là trắc trở cắt chia, khi một lời chứa chan chưa kịp thốt ra?...
Cánh hoa phơn phớt ấy, từ đâu dạt đến, hay từ một lần đã biết cháy lên tráng lệ lung linh và quyết định phai tàn khi mùa xuân vừa dứt áo ra đi?
Mình nhắc: Nếu không phải là giấc mơ thì cũng…
Ta biết rồi, đường vẫn còn xa lắm…
Một câu thơ ở thì tương lai, có thể là rất đẹp. Một bông hoa ở thì tương lai, có thể là gì? Ngày xưa đi học, cô giáo dẫn bước qua một chiếc cầu ngang suối. Suối thuở ấy còn rất trong, cô giáo thuở ấy còn rất đẹp, đẹp cả trong mưa phùn gió bấc căm căm. Mà tiếng cô thì rất nhỏ và rất nhẹ: “Hãy nắm chắc cây gậy này nhé…”. Ta bước đi mà không dám ngoảnh lại nhìn, không phải vì phía trước gập ghềnh mà vì phía sau nặng trĩu yêu thương. Trong đời, có ai hơn một lần mắc nợ, như ta. Mẹ mớm ngọt ngon, cha mớm tin yêu, còn mình, vừa từ đâu bay đến, với đôi cánh hồng ấm áp, cạnh ta? Ta biết uống gì vào buổi trưa nay để say, để không còn biết tỉnh, để suốt đời ngủ quên với tiếng chim, với cá, với hoa, với trong xanh, trên mặt hồ này?
Có một chú chim bói cá, đang nhìn xuống từ trên cao. Bộ lông sặc sỡ hòa lẫn vào màu trời xanh biếc. Chỉ có chiếc mỏ là màu đỏ, nhọn như một lưỡi gươm, bất động, chỉ xuống mặt hồ. Bói cá có lẽ không biết tôi đang có mặt ở đây, hoặc biết nhưng không thèm để ý. Sự tồn tại bất ngờ của chúng tôi tại nơi này, không nằm trong mối quan tâm của lưỡi gươm kia. Cái chết, đang dành cho những chú cá dưới mặt hồ sâu. Tôi đợi một cú đâm ngoạn mục. Nhưng không thấy. Hình như bói cá đang ngủ, hoặc đã no nê, hoặc đã chán chê việc đâm chém tàn sát, đang cúi đầu hối cải ăn năn! Dưới nước, lưỡi gươm màu đỏ kéo dài ra theo vệt nước loang loáng. Có những mặt hồ tua tủa bóng gươm đao. Có những dòng sông là bãi chiến trường. Có những đàn cá bỏ nước ra đi.
Dù sao, bói cá trưa nay, không hiểu lý do gì đã không muốn làm mặt hồ xao động. Bên cạnh ta, mình vẫn mơ màng nhìn theo đôi cánh dễ thương của chú chuồn chuồn ớt mà không biết rằng, chuồn chuồn đã ngủ từ lâu…
Có lẽ mệt rồi, tôi cũng phải ngủ thôi. Miệng giục mắt, mắt giục môi, môi giục phổi, phổi giục tim, nhưng vẫn không tài nào ngủ được. Chuồn chuồn màu đỏ, hoa sen màu hồng, bói cá màu xanh, mắt cá long lanh, ngó sen màu trắng, chúng tôi trốn nắng, tìm nhau về đây, bên mặt hồ này. Mình nói mơ màng: “Gió và mưa sắp về, ở đâu xa lắm…”.
Trên trời cao, những bông mây đang nở hoa, không hề có dấu hiệu nào của cơn giông sắp sửa. Nhưng từ trong gió, đã nghe hơi nước mặn mòi. Cánh chuồn đỏ thắm khẽ chao như một cái rùng mình, cánh hoa hồng như một cánh buồm căng lên đợi gió. Dưới sâu, những chiếc vây cũng đã giương lên, và trên cao, lưỡi gươm màu đỏ chĩa hẳn về phía chân trời. Hình như đang sắp sửa…
Ừ, nếu vậy thì chúng tôi cũng sắp sửa… Tôi cúi nhìn bóng mình dưới nước, nước trong như gương. Lâu rồi, tôi không kịp soi gương, không kịp nhìn lại để tự biết mình là ai. Dưới nước, không phải là tôi! Không phải mặt này, không phải tóc này, không phải thân này. Tự bao giờ, tôi đã thay đổi, vậy mà không nhận ra, không hề biết?
Dưới mặt hồ trong xanh, bóng một cây cổ thụ um tùm đổ xuống. Hoa sen hồng như mắt. Mỏ bói cá như môi. Cánh chuồn chuồn như má. Cá xanh mượt như da. Mây trời dài như tóc. Sau lưng, trời bao la…