Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

CHIÊM BAO KỀN KỀN - truyện ngắn của NGUYỄN VĂN THIỆN - CHƯ YANG SIN SỐ: 319 tháng 3 năm 2019





Khoảng nửa đêm, tôi bắt đầu bước đi. Lâu nay, tôi chỉ đi vào lúc đêm khuya, và bước dò từng bước một. Mà lại đi một mình. Nghe nói trong kia hồ nước mênh mông lắm, mà tôi thì chậm chạp thế này. Con đường độc đạo chưa hề có dấu chân người đi qua, cỏ dại mọc um tùm, sắc như lưỡi lam. Khó đi quá!
Từ lâu, hình như tôi đã là gỗ đá. Hai chân giống như hai cây rừng và tóc đã mọc nhiều như lá. Cũng từ lâu, tôi chưa gặp ai đủ tin cậy để hỏi một câu: Là người hoặc là gỗ đá thì bên nào hơn? Tôi biết, đường vào hồ nước còn thăm thẳm xa xôi và muôn vàn gian khó.
Những lúc mệt, tôi ngủ trong tư thế đứng, như cây rừng, chân vững chãi, tóc lá xôn xao. Có những giấc mơ nhàm chán theo đuổi tôi. Chúng nó, những giấc mơ ấy, bay theo tôi như lũ kền kền, đợi tôi ngủ là chúng ập đến hành hạ, rỉa móc tâm can. Đó là hình ảnh của những người thân tôi, là bố mẹ anh em vợ con đồng nghiệp hàng xóm láng giềng thân sơ đủ cả… Đợi tôi ngủ, họ đi vòng quanh tôi hỏi han dặn dò cật vấn những điều xưa cũ. Họ nói về những con đường mà mọi người ai cũng phải bước qua, về những việc bình thường mà những người bình thường phải làm, phải lo toan. Rồi họ, những gương mặt thân quen ấy đồng thanh hỏi: Được chưa? Xong chưa? Có chưa?
Mà tôi thì chưa làm được gì cả. Cả ngàn lần tôi trả lời rằng: Chưa được, chưa xong và chưa có…
Cũng có khi, chiêm bao kền kền rủ về thêm dăm ba gương mặt lạ hoắc, lạnh lùng và đểu cáng. Bọn chúng hùa theo vào với những gương mặt cũ, chất vấn tôi. Vì sao? Do đâu? Như thế nào?... Tôi nghĩ, hay là mình từ nay đừng ngủ nữa. Nếu không ngủ, sẽ không có chiêm bao. Ngày tôi đứng im, như núi đá, như cây rừng, đêm tôi bước đi, như thú hoang, như lục lâm thảo khấu, trốn bọn chiêm bao. Nhưng cũng có những lúc chân quá mỏi, đầu quá mệt, tôi thiếp đi giữa cuộc hành trình. Thế là bọn kền kền tha hồ rỉa rói. Rừng xoay tròn trong cơn lốc, khanh khách cười.
Con đường tôi đang đi, gai góc đã đành, có những khi, nó còn biến thành hầm, thành ống, tối thui. Đêm nay, con đường chợt biến thành dòng suối lạnh. Tôi vừa bước vừa trôi, lạnh quá đi. Mà xung quanh không hề có bóng hình nào thân thuộc. Tôi đưa mắt tìm trước, tìm sau, tìm hai bên cạnh mình. Này mắt thẳm, này môi hồng, này tay ấm, này tim đau, bạn ở đâu rồi! Cạnh tôi, có một con rắn màu xanh bơi trong câm lặng. Thỉnh thoảng rắn ta thè lưỡi ra như bọn con nít lè lưỡi lêu lêu nhau. Lưỡi rắn màu đỏ, như một bông hoa, như một ngọn đuốc cháy sáng trước mặt. Tôi hỏi rắn: “Bạn cậu đâu rồi?”. Rắn lắc đầu, nheo cặp mắt lạnh lùng và nói “ên” rồi quẫy đuôi bơi tiếp.
Tôi đoán chừng như hắn bảo tôi “điên” hoặc là “quên” gì đó. Tôi nói với theo: “Ừ thì quên, ừ thì điên…”. Nhưng nếu bọn kền kền giấc mơ quay lại thì làm sao! Có cách gì không? Hồ nước xanh đang còn xa xôi lắm, bao giờ đến được. Nhiều khi hoang mang thật sự. Phía trước, con rắn màu xanh đang bơi chậm lại, hình như rắn chờ tôi. Nhưng không phải, rắn lột vỏ. Bắt đầu nứt toác từ đầu, lộn trái da và tuột ra sau, từ từ, như một cô gái thay váy, nhưng ngược lại, không phải tốc ngược mà là kéo xuôi. Thoáng chốc, rắn đã thành màu đỏ, lưỡi rắn thè ra, lại màu xanh, tiếp tục bơi rồi mất hút phía trước mặt.
Tôi phải dừng lại nghỉ, mệt lắm rồi…
Tôi ngủ đứng. Và bọn giấc mơ kền kền vỗ cánh trên đầu.
Chúng đậu trên tóc lá của tôi. Tôi nghĩ, mình sẽ lột trần chúng ra, như con rắn lột vỏ, may ra. Thế là từng con một, từng gương mặt một, bắt đầu bị lột. Những gương mặt trần truồng, những hình hài không còn che đậy lần lượt hiện ra. Và chúng cuống cuồng đưa những bàn tay ra che mắt che đầu che bụng và che hạ bộ. Những gương mặt quen, những gương mặt lạ, bây giờ đã trần trụi như nhau, bay đi loạn xạ. Tôi nói, thôi, mặc đồ vào đi, rồi biến!
Con đường tôi đang đi giờ biến thành sợi dây bằng khói. Những sợi khói từ trong não bay ra. Chúng ngoằn ngoèo, dẻo dai như dây rừng. Tôi vịn vào sợi khói mà đi. Hồ nước xanh vẫn còn xa lắm. Nhưng hễ tôi ngủ, bọn chiêm bao kền kền lại ùa đến. Bây giờ, chúng không dám đến gần mà chỉ lượn xa xa phía trước mặt. Chúng dùng mỏ mổ vào sợi khói của tôi, mổ vào con đường của tôi, như quạ mổ đầu lâu ngoài nghĩa địa. Chúng thi nhau ăn hết.
Và bây giờ thì tôi thành kẻ lạc đường mù lòa giữa rừng sâu.
Bọn giấc mơ kền kền chế giễu tôi: Mày thấy chưa, ai bảo đó là đường? Mày thấy chưa, ai bảo mày đi tìm hồ nước? Mày thấy chưa, ai bảo mày…
Tôi không trả lời được nữa, nhưng vẫn dò dẫm bước. Biết đâu rồi, có một ngày nào đó, như có một phép màu, trước mặt tôi sẽ hiện ra một con đường. Đẹp đẽ, bằng phẳng, thơm tho, êm dịu như nhung.



Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

YANG SÔNG - truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 319 tháng 3 năm 2019





Thuyền vừa ra khỏi bờ một đoạn ngắn, bất ngờ những tiếng hú ầm ĩ của bầy khỉ như một lời chào tạm biệt vang lên trên ngọn cây đa. Lũ khỉ ra muộn hay vì một lý do gì đó mà chúng phải chờ thuyền ra xa bờ mới cất lời chào? H’Uyên đứng dậy giơ tay vẫy vẫy. Vân một tay vịn thuyền, một tay vẫy lại bầy khỉ. Y Nhớ lầu bầu:
-Đúng là khỉ, cả buổi ngồi trên bờ không đến chia tay chia chân, còn chờ người ta đi xa mới chạy theo kêu gào, chẳng ra làm sao cả.
-Y Nhớ nói vậy là sai rồi, ba ngày nay bầy khỉ chỉ quanh quẩn cùng chúng ta trong cánh rừng của Yang(1); nhờ chúng báo trước, ta mới tránh được bao nhiêu nguy hiểm. Lũ khỉ này to hơn bình thường lại thông minh, hiểu được ý người như được Yang sai khiến, lạ thật đấy.
H’Uyên nói lại với Y Nhớ, nhưng mắt vẫn nhìn về phía cây đa, nơi lũ khỉ đang rối rít kêu gào như vừa bị đánh mất một cái gì đó. Trên ngọn cây đa cao nhất, con khỉ đầu đàn ngồi nhìn theo, thỉnh thoảng lại cất lên những tiếng kêu tắc nghẹn:
-H… óc, h… óc, h… óc!
-Thương bầy khỉ ghê, chúng có tình cảm chẳng khác gì con người cả.
Vân thôi vẫy tay, nhưng mắt vẫn nhìn về phía bầy khỉ tỏ vẻ lưu luyến nói với hai bạn. H’Uyên trả lời mà như nói với chính mình:
-Chị phải về thôi, hẹn có dịp gặp lại sau nhé những chú khỉ của chị.
***
-Rầm!
Con thuyền vừa ra đến giữa sông, quay xuôi theo dòng nước lao đi băng băng, bỗng như húc vào vật gì đó đứng khựng lại, chòng chành quay ngang suýt lật. H’Uyên ngã chúi xuống sông; may, hai tay còn nắm được mạn thuyền. Vân nhanh tay bám vào mạn thuyền, mặt tái xanh. Y Nhớ bình tĩnh bỏ mái chèo xuống, ngã người nằm đè lên một bên cho con thuyền đang nghiêng nghiêng không bị lật úp, miệng thét:
-Kéo H’Uyên lên, cá sấu húc thuyền mình đấy.
Y Nhớ vừa dứt lời, con cá sấu nhô đầu lên khỏi mặt nước, há miệng đỏ lòm, dài ngoẵng, hai hàm răng nhọn hoắt nhằm chân H’Uyên xông tới. Cái chết đã đến rất gần với H’Uyên. Vân hoảng quá, mắt trợn trừng nhìn hàm răng cá sấu tiến rất nhanh lại gần chân H’Uyên: một mét, nửa mét, rồi chỉ còn cách ba gang tay… Bất ngờ Vân chồm dậy, gầm lên:
-H… uầy!
Chiếc đinh ba vung lên, lao thẳng vào miệng cá sấu.
-U… ùm!
Một tiếng động dữ dội vang lên, con thuyền trở lại thăng bằng, hất H’Uyên nằm gọn trong lòng thuyền, cùng lúc Y Nhớ gào lên một tiếng đau đớn:
-Vân!
Không biết vì con cá sấu quẫy đuôi mạnh quá hay vì ném cây đinh ba làm mất thăng bằng mà Vân cũng bị cắm đầu xuống sông, chìm ngỉm. H’Uyên ngồi bật dậy nhìn xuống dòng sông, nước mắt chảy thành dòng trên mặt, miệng mếu máo gọi:
-Vân, Vân ơi!
Nước sông mùa khô trong xanh, bỗng có vết máu đỏ loang lên trên mặt nước, ngay gần con thuyền. Sóng hình như đang cuộn lên phía dưới vết máu loang. Y Nhớ kêu lên:
-H’Uyên giữ thuyền lại.
Nói rồi Y Nhớ cầm cây lao rời thuyền lao thẳng xuống xoáy nước. H’Uyên thét:
-Đừng, đừng làm thế Y Nhớ!
Nhưng không kịp nữa rồi, dòng sông nuốt gọn Y Nhớ vào trong lòng của nó. H’Uyên vội với mái chèo thọc ngay xuống mặt nước giữ cho thuyền dừng lại. Bao kỷ niệm ùa về...
Ngày đầu tiên bước chân vào lớp sáu, cô chủ nhiệm phân công ngồi cuối lớp bên cạnh một cậu bé Doan(2) trắng, mập, quần áo chỉn chu như trưng bày nơi tủ kính. H’Uyên làm quen:
-Mày tên gì?
-Mình tên Vân, còn bạn?
-H’Uyên!
-Tên nghe hay nhỉ!
-Hay gì mà hay, như tên mọi người thôi mà. Sao lại bị cô giáo nhốt xuống cuối lớp thế?
-À, chắc mình to hơn mấy người ngồi trước, còn bạn?
-Hỏi cô giáo ấy.
-Mình đi học chữ chứ có đi chọn chỗ ngồi đâu. Ngồi chỗ nào trong lớp cũng được mà!
H’Uyên không nói gì thêm, nhưng trong bụng thầm nghĩ cái cậu “bé bự” Doan này nói đúng. Thời gian qua đi, từ chỗ không mấy thiện cảm với cậu bé lúc nào cũng phải gọn gàng như: đặt vở viết, gáy phải vuông góc với cạnh bàn; để bút, thước trên bàn phải đúng vào đường kẻ vạch sẵn… hai đứa trở thành bạn thân lúc nào không biết. Thoáng chốc đã học cùng nhau ba năm rồi; vậy mà giờ đây… Nước mắt tự nhiên ứa ra. Còn Y Nhớ nhà gần nhau, ít nói chỉ quen làm thôi; mười ba mùa rẫy rồi mà không biết đau ốm bao giờ, cứ như hòn đá cuội ấy. Đối với bạn, luôn nhận phần thiệt về mình và nụ cười hiền lành thường trực trên miệng…
Con cá sấu lại nổi lên trên mặt nước chỉ cách thuyền độ vài sải tay, trên miệng còn dính mũi đinh ba. Nó lắc thật mạnh, đập đuôi ầm ầm làm nước văng tung tóe lên cả đầu H’Uyên; cây đinh ba cũng văng ra khỏi mồm làm máu chảy đỏ lòm. H’Uyên ghì mái chèo để con thuyền đứng im một chỗ, không bị dòng nước đẩy đi, với hy vọng các bạn sẽ lại nổi lên.
Bất ngờ đầu Vân trồi lên khỏi mặt nước sát thuyền, rồi cả đầu của Y Nhớ  nữa. Hai người theo nhau bám vào mạn thuyền, trườn vào lòng thuyền; Vân lên trước kéo Y Nhớ lên sau. Khi ngồi yên trong thuyền rồi, Vân làu bàu:
-Vân biết bơi mà Y Nhớ còn nhảy xuống sông làm gì?
-Y Nhớ sợ cá sấu ăn Vân.
-Con cá sấu bị trúng đinh ba vào miệng không còn cắn người được đâu. Nếu khi nãy nó lại gần chắc Vân đã móc mắt nó ra rồi.
-Vân dùng răng móc mắt cá sấu như cắn đuôi trăn hôm qua à?
-Y Nhớ quên chuyện kể bắt cá sấu của già làng à? Dùng tay móc vào mắt nó chứ sợ gì.
-Vân can đảm quá, lỗi tại H’Uyên sơ ý nên mới như vậy.
-Vân giỏi thật, nếu không đâm trúng miệng nó thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa.
Y Nhớ nói với hai bạn mà như nói với chính mình. H’Uyên thông báo:
- Con sấu khi nãy nổi lên quẫy rất mạnh làm văng cây đinh ba ra rồi, chắc nó bị đau đấy vì thấy máu chảy nhiều lắm.
Cả ba nhìn ra mặt sông, nước nổi sóng đuổi theo nhau như không bao giờ dứt. H’Uyên bụng thầm cảm ơn Yang đã giúp đỡ để cả hai bạn tuy bị ngã xuống sông mà không bị cá sấu ăn thịt. Thật là những người bạn dũng cảm, ai cũng vì người khác mà không sợ nguy hiểm. Thế mới là bạn của nhau chứ!
***
-Ô, cái gùi đâu rồi?
Vân nhìn hai bạn ngạc nhiên hỏi. Y Nhớ trả lời:
-Chắc là rơi xuống sông khi H’Uyên ngã rồi.
-Gùi mất, xà gạc mất, đinh ba cũng mất luôn, bây giờ ta làm sao đánh nhau với cá sấu nếu nó lại gây sự nữa?
Vân lo lắng hỏi, Y Nhớ cười trả lời:
-Vẫn còn cây lao và bơi chèo, sợ gì; ta đang xuôi dòng mà.
-Đưa cây lao cho Vân.
Vân đón cây lao từ tay Y Nhớ chuyển lên, ngồi đầu thuyền, quay mặt lại nhìn hai bạn. Vuốt tóc cho nước đỡ chảy xuống mặt, Y Nhớ bước đến bên H’Uyên đón mái chèo, nhắc:
-Để Y Nhớ chèo cho, hai người ngồi cẩn thận nhé.
-Vân biết rồi, H’Uyên cũng ngồi vững đấy!
Vân chưa nói dứt câu… thì: “rầm”, lần này tiếng va chạm lớn hơn, con thuyền chao nghiêng, lao chéo về phía bên phải bờ sông và nhận luôn một cái quẫy đuôi rất mạnh của con cá sấu, nước văng vào thuyền. Sát bên cạnh Vân, lưng cá sấu nổi lên, gồ ghề như được những tấm thép màu đen ghép lại với nhau, bơi song song với thuyền. Vân một tay giữ thuyền, một tay cầm cây lao thọc mạnh, mũi lao trượt trên lưng làm con sấu giật mình vội quẫy đuôi thật mạnh rồi lặn luôn xuống sông, biến mất. Thấy Vân đâm trúng cá sấu, H’Uyên reo lên:
-A, Vân giỏi quá lại đâm trúng cá sấu rồi.
-Ngồi cẩn thận không té nữa bây giờ.
Y Nhớ lại kêu lên nhắc hai bạn, ghì mái chèo cho thuyền liệng sát vào bờ phía bắc. Con thuyền đi chậm lại, Y Nhớ nói:
-Con cá sấu này cố tình gây chiến với chúng ta đây. H’Uyên đổi chỗ cho mình, để mình trị cho nó biết con trai Êđê là thế nào.
 Y Nhớ chờ H’Uyên tới trao mái chèo rồi bước ra giữa thuyền cầm cây lao lên, nói:
-Cho thuyền ra giữa dòng, ta đấu với nó một phen.
-Con sấu này to quá, lại đang bị thương nên hung dữ lắm; ta cho thuyền chạy chầm chậm ven bờ đỡ nguy hiểm hơn.
H’Uyên đề nghị. Vân cũng góp ý:
-H’Uyên nói đúng đấy, sông nước là nơi ở quen của nó, ta không nên tranh giành hơn thua nữa. Để về nhà nói cho người lớn lên bắt nó cũng không muộn.
Nghe hai bạn nói vậy, Y Nhớ hình như cũng xuôi tai, ngồi xuống lòng thuyền, mắt vẫn quan sát xung quanh, trả lời:
-Thế cũng được, nhưng mình lo nó không để cho ta yên đâu.
-Nó là cá mà cũng biết thù như người à?
Vân ngạc nhiên hỏi, Y Nhớ trả lời:
-Con cá sấu này ở gần rừng Yang nên thành Yang sông cũng nên.
-Sao lại bảo nó là Yang sông?
Vân lo lắng hỏi lại, Y Nhớ trả lời:
-To đùng như vậy mà từ trước tới nay trong buôn có nghe ai nói gì về nó đâu. Cách nó săn mồi, tranh giành cá khi ta câu, rồi đuổi theo thuyền cả một đoạn đường dài như vậy, không phải Yang sông thì là gì?
“Rầm” lại một cái húc nữa, nhưng lần này không phải thuyền va vào cá mà  cá húc thuyền; con thuyền bị bắn ra giữa sông, lao vun vút, nghiêng nghiêng. Con cá sấu nổi hẳn mình lên khỏi mặt nước bơi đuổi theo phía sau. H’Uyên nắm chặt mái chèo điều khiển cho thuyền lao qua phía nam, lượn sát vào bờ. Thuyền từ từ đi chậm lại. Con cá sấu đuổi theo một đoạn rồi lặn xuống nước. Cả ba người ngồi trên thuyền gương mặt ai cũng thể hiện sự căng thẳng.
Thuyền men bờ đi được một đoạn xa, Vân thở phào nhẹ nhõm nói nhỏ:
-Chắc nó bỏ cuộc, không đuổi theo chúng ta nữa.
Y Nhớ không nói gì, vẫn đứng giữa thuyền nhìn về phía trước, tay lăm lăm cây lao như chực phóng đi. Phía sau, H’Uyên nhẹ nhàng chèo từng nhát một, khoan thai như đưa thuyền đi dạo, mắt chăm chú nhìn phía trước để thuyền không húc vào bờ.
“Rầm”, lại một cú đẩy mạnh làm thuyền quay ngang, thúc mũi vào bờ, trượt lên bãi cát. Y Nhớ hơi chúi mình về phía trước, Vân ngồi nhìn lại phía sau vội kêu lên:
-Nó, nó… nó, bơi đằng sau lưng H’Uyên kìa.
Y Nhớ quay đầu nhìn lại thì con sấu đã lặn sâu xuống dòng nước. Thuyền mắc kẹt trên bãi cát. Y Nhớ nhảy xuống định đẩy thuyền ra sông đi tiếp, Vân ngăn lại, bảo:
-Từ từ đã, ta phải nghĩ cách xử nó chứ không nó húc chìm thuyền luôn đó.
-Vân nói đúng đấy Y Nhớ ạ. Ta lên bờ nghỉ một lát và tìm cách trị con sấu mới được. Bây giờ thì mình hiểu rồi?
-H’Uyên hiểu cái gì vậy?
Vân ngạc nhiên hỏi lại, H’Uyên buồn buồn trả lời:
-Tại sao khi ta lên thuyền bơi ra giữa sông thì bầy khỉ bỗng nhiên xuất hiện kêu gào nhiều đến thế. Chắc là chúng muốn ngăn chúng ta lại, không cho đi.
-Ừ nhỉ!
Y Nhớ tỏ vẻ ngạc nhiên trả lời. Cả ba ngồi bệt xuống bãi cát, quay mặt nhìn ra sông. Trên sông, cách bờ một đoạn, con cá sấu lại thò đầu to như cái xô lên khỏi mặt nước, giương hai con mắt to giống như hai cái ly uống nước chăm chú quan sát mọi người. Sóng từng cơn nối tiếp nhau trùm qua đầu, nó vẫn nằm im như chờ đợi, thách thức.
-Ta để thuyền đây đi bộ về nói cho người lớn lên lấy, tiện thể bắt con cá sấu này luôn.
Vân đề nghị, Y Nhớ trả lời:
-Đây về tới buôn cũng hơi xa đấy, ý H’Uyên thế nào?
H’Uyên chưa kịp trả lời đã thấy cánh rừng bên bờ sông ầm ĩ cả lên, bầy khỉ bất ngờ xuất hiện trên các cành cây, hò hét inh ỏi. Con đầu đàn ngồi trên ngọn cây cao nhất gần bờ sông, cất tiếng kêu như đếm:
-H… óc, h… óc, h… óc!
H’Uyên reo lên:
-Bầy khỉ đến rồi, thế là ta có bạn đồng hành đi bộ về nhà, thoát con cá sấu rồi. Hoan hô lũ khỉ!




Ghi chú:
- Yang – tiếng Êđê có nghĩa thần linh.
- Doan - tiếng Êđê có nghĩa  người Kinh.


Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019

TRÁI TIM CỦA NHỮNG CÁNH ĐỒNG Bút ký của Hồng Chiến - CHƯ YANG SIN SỐ: 271 tháng 3 năm 2015





Xe dừng lại, ông Nguyễn Huy Bá - Phó giám đốc Công ty cà phê 719 mở cửa xe bước xuống nói với anh em trong đoàn:
- Mời các bác xuống thăm “Trái tim của những cánh đồng”!
Vừa ngạc nhiên, vừa tò mò mấy anh em xuống xe thấy một hồ nước rộng mênh mông kéo dài về hướng tây, nhòa dần vào màu xanh bạt ngàn của cà phê. Trên hồ có 5 chiếc thuyền, mỗi chiếc có hai người đang chèo như dạo chơi. Ba hướng mặt hồ là những vườn cà phê xanh tốt bao bọc. Phía hạ lưu nơi đoàn đứng, con đập dài khoảng 700 mét, bề mặt cũng là đường giao thông rộng 6 mét nối hai sườn đồi với nhau, cao hơn những thửa ruộng lúa dưới chân đập khoảng 30 mét. Chỉ xuống mặt hồ nước, ông Nguyễn Huy Bá giọng hồ hởi nói:
- Vàng bạc cũng là đây, sản lượng cây trồng cũng bắt nguồn từ đây tất cả đấy các bác ạ. Ông cha ta từ xưa đã dạy “nhất nước, nhì phân, tam cần tứ giống”; ở Tây Nguyên đất đai màu mỡ, khí hậu chia hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô; mùa mưa thì chỉ cần làm cỏ một lần thôi, cây trồng ngắn ngày đã có thu hoạch, nhưng mùa khô thì gay lắm… có được những hồ nước như thế này sẽ quyết định được tất cả công việc nuôi trồng ở đây, vì thế chúng tôi vẫn nói vui: Đập nước chính là “Trái tim của những cánh đồng”.
Nhìn khuôn mặt phúc hậu của ông Phó giám đốc Công ty kiêm Phó bí thư Đảng ủy khi nói về các hồ nước như rạng rỡ hẳn lên và hình như có xen chút tự hào, về vùng đất và con người nơi đây. Lớp cán bộ, chiến sĩ, như ông Bá đã góp phần khai khẩn vùng đất hoang vu trở thành cánh đồng phì nhiêu, mang lại ấm no hạnh phúc cho nhiều gia đình, góp phần làm giàu cho Tổ quốc, tự hào là đúng lắm. Năm tháng qua đi, từ người chiến sỹ qua thực tế công tác và học tập, được Đảng và đồng đội tín nhiệm cử giữ các chức vụ lãnh đạo lèo lái con thuyền Công ty trong thời kỳ đổi mới và hội nhập vượt qua thử thách thác ghềnh của kinh tế thị trường đưa Công ty ngày một phát triển, mừng là phải lắm. Để có những hồ nước góp phần làm thay đổi cả một vùng đất, những người hôm nay không quên những người đi trước đã ăn đói, mặc rét, sốt rét… vẫn cắn răng luồn rừng đi tìm nguồn nước.
Ngày ấy… Chuẩn bị cho giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, ngày 01 tháng 4 năm 1975, tại Tỉnh đội Hà Tĩnh, Trung đoàn 761 được thành lập với lực lượng chủ yếu là thanh niên các huyện: Kỳ Anh, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân và thị xã Hà Tĩnh với tổng lực lượng hơn 1100 cán bộ chiến sỹ biên chế thành 8 Đại đội trực thuộc Trung đoàn do ông Dương Văn Dục - Chính ủy, ông Lê Đăng Minh - Trung Đoàn Trưởng, ông Nguyễn Văn Miên - Phó chính ủy kiêm Trung đoàn phó. Theo yêu cầu của tiền tuyến lúc ấy, Trung đoàn tiến quân theo đường mòn Hồ Chí Minh qua Khe Sanh, vào Gia Lai. Tháng 8 năm 1975 Trung đoàn nhận lệnh vào đóng quân tại khu vực phía nam huyện Krông Pắc, đổi tên thành Trung đoàn 719, trực thuộc Sư đoàn 333, Quân khu V; thực hiện hai nhiệm vụ lớn: Bảo vệ vững chắc chính quyền non trẻ và xây dựng kinh tế. Khi ấy, khu vực Trung đoàn đóng là rừng già nguyên sinh xen các sình lầy lau sậy mọc um tùm, muỗi bay như ong, vắt bò nhiều như trấu, mỗi khi có hơi người thì dựng ngược vòi lên như một rừng chông… Nhưng tất cả khó khăn ấy không ngăn được đội khảo sát băng rừng lội suối vẽ sơ đồ xây dựng một nông trường sản xuất nông nghiệp hiện đại. Khâu khó nhất có tính đột phá: tìm nguồn nước để xây dựng các hồ chứa phục vụ tưới tiêu.
Thời ấy rừng còn nhiều thú lắm, ngoài heo, nai đi thành đàn còn có cả hổ, báo, chó sói… thường xuyên lẩn quất quanh các doanh trại bộ đội. Thế nhưng các chiến sỹ làm nhiệm vụ khảo sát vẫn phải lặn lội vào rừng đo đạc tính toán, thiết kế các con đập, kênh dẫn nước… sao cho hiệu quả nhất. Có lần vào một buổi chiều tổ khảo sát đi đến ven sình bỗng một mùi hôi thối nồng nặc ùa đến, một chiến sỹ đi phía sau kêu lên: “Thủ trưởng ơi ở đây có con gì chết thối lắm”! Nói chưa xong đã thấy cái bụi rậm trước mặt vọng lên một tiếng ào, bóng con hổ lớn như con bò đực màu vàng vằn đen lao qua đường mòn lẫn vào rừng. Sau cuộc gặp bất ngờ hôm ấy có người về phát ốm phải nghỉ làm mất mấy ngày. Dù nguy hiểm là vậy, đội khảo sát vẫn hoàn thành nhiệm vụ đặt ra đúng kế hoạch. Từ đây các hồ nước được hình thành và tiến hành thi công, khi hoàn thành đủ nước tưới tiêu cho 1680 ha lúa nước, 358 ha cà phê, phục vụ các mục tiêu dân sinh khác của Công ty.
- Các hồ nước của chúng tôi không những điều tiết nước tưới tiêu trên diện tích canh tác của Công ty, mà còn là vựa cá nước ngọt rất lớn góp phần cải thiện đời sống cho công nhân và nhân dân trong vùng nữa đấy. - Ông Trần Trọng Văn, Chủ tịch Công đoàn Công ty góp lời.
Vai trò của Công đoàn cơ sở là chăm lo chế độ và đời sống của anh em cán bộ công nhân viên, có lẽ vì thế ông Chủ tịch Công đoàn Công ty đi cùng đoàn văn nghệ sỹ lưu ý với anh em về sản lượng cá thu hoạch được trên 5 hồ chứa nước trên địa bàn. Ông cho biết thêm: những hồ nước này được giao khoán cho các hộ vừa nuôi thủy sản vừa làm nhiệm vụ bảo vệ hồ. Nhiệm vụ gắn liền với quyền lợi nên buộc họ phải tự giác hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cá ở các hồ lớn nhanh lắm, khi thu hoạch cá trắm, cá mè nặng 5 - 6 kg, cá chuối cỡ 4 kg một con là thường. Từ các hồ nước không chỉ nuôi cá mà còn chăn nuôi thêm vịt, tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình trong vùng.
Các hồ nước nơi đây vào mùa mưa góp phần giảm bớt lũ lụt, mùa khô khi vườn cà phê vào mùa tưới, cần những giọt nước mát để cây đâm bông kết trái thì chính các hồ nước này biến thành cơn mưa rào trùm lên cây cà phê đánh thức hoa xòe những cánh bé nhỏ trắng muốt khoe sắc dưới ánh nắng chói chang của mùa khô, khêu gợi các chàng ong mật làm nên vũ điệu tháng ba Tây Nguyên kỳ thú và chính vũ điệu ấy góp phần làm nên một vụ mùa bội thu. Dòng nước mát theo con mương đến các cánh đồng lúa theo ý của con người như trong mơ ước từ bao đời nay của người nông dân nghèo xứ Nghệ, làm nên những cánh đồng lúa năng suất cao, chất lượng tốt. Ở đâu có nước, ở đó có sự sống, sự đúc kết ấy hoàn toàn đúng; nhưng ở đây, trên vùng đất phía đông của Cao nguyên Đắk Lắk, nơi Công ty cà phê 719 đóng, con người còn điều khiển được dòng nước đến từng thửa ruộng theo ý muốn đã tạo nên sự khác biệt lớn trong sản xuất cũng như nuôi trồng thủy sản cả vùng. Sự khác biệt ấy góp phần quan trọng nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Hồ nước, trái tim của một vùng đất cung cấp nước cho cánh đồng giống như trái tim cung cấp máu nuôi cơ thể; trái tim có khỏe, cơ thể mới khỏe mạnh; còn cánh đồng có bội thu hay không phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước của hồ lưu giữ và điều tiết. Một sự liên hệ rất hay và độc đáo của những anh Bộ đội Cụ Hồ khi xưa, nay bỏ súng để cầm bút tính toán làm kinh tế, khoa học thật độc đáo!
Một vùng đất chuyển mình đang đổi thay hàng ngày. Sự đổi thay tốt đẹp ấy là kết quả của bao nhiêu lớp người đi trước mặc quân phục xanh, bắt thiên nhiên tuân theo ý muốn con người, làm nên điều kỳ diệu ở Tây Nguyên để lại cho lớp người đi sau những tài sản quý giá. Thành quả đó tiếp tục được phát huy có hiệu quả bởi những người gánh vác trọng trách công việc chung hôm nay; họ không những được trang bị kiến thức khoa học tiên tiến mà còn có tâm huyết với công việc.
Những ngày cuối cùng của mùa thu Tây Nguyên lại là mùa tươi đẹp trong năm, các cành cà phê trĩu quả đang chuyển từ màu xanh qua màu hồng và công nhân lại tất bật bắt tay vào thu hoạch. Những quả cà phê đỏ mọng chất đầy xe sẽ nối đuôi nhau tập kết về các sân nhà, trước khi chế biến để chu du đến nhiều nước trên thế giới quảng bá thương hiệu Công ty cà phê 719. Thành quả hôm nay có một phần đóng góp hết sức quan trọng của những hạt nước mát được lấy lên từ “trái tim của những cánh đồng”, nơi hội tụ của lớp người đi trước để lại cho hôm nay và mai sau.


Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019

SĂN ĐÊM - truyện ngắn của HỒNG CHIẾN

(Trích trong tập truyện ngắn CHUYỆN KỂ NGƯỜI ĐI SĂN - Hội VHNT Đắk Lắk - 1996)

Đêm cuối tháng, bầu trời giống như một chiếc bánh đa lấm tấm những hạt vừng màu trắng, nhấp nháy, nhấp nháy. Thỉnh thoảng từng cơn gió xô cây rừng ào ào như dòng thác. Tiếng mấy con tắc kè thi nhau gọi bạn xem lẫn tiếng chim cú mèo khắc khoải vang lên, vọng vào màn đêm, gây nên cảm giác lạnh lẽo. Bên bếp lửa được chất bằng mấy cành cây bằng lăng bự, Hiền và Trang thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nhau ra vẻ bồn chồn.
Từ chiều, anh Hương - người chú của hai đứa đã chuẩn bị đèn, súng để đi săn đêm. Anh là người định cư lâu năm ở đây, có kinh nghiệm hơn ba mươi năm đi săn thú. Từ ngày còn là thanh niên, Hương mới tròn mười tám tuổi hăng hái nhập ngũ lên đường vào Nam đánh Mĩ. Nhưng do nhiệm vụ được phân công, anh chuyên mảng hậu cần – hay nói chính xác hơn: chuyên làm rẫy trong rừng Trường Sơn, tích trữ lương thực và săn thú làm thực phẩm cho đơn vị trong những ngày chiến tranh ác liệt. Hòa bình lập lại, anh đưa gia đình vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới. Hôm qua Hiền và Trang, hai đứa cháu song sinh con ông anh cả từ quê hương Quan họ vừa học xong cấp III, vào thăm chú trước khi nhập trường đại học; nghe chú kể chuyện săn, thích lắm, muốn được chú dẫn đi cho biết nên theo chú ra chòi canh.
Săn đêm dễ mà khó, khó mà dễ; vì sao vậy? Người chú giảng giải cho hai cháu: dễ, vì nếu ta soi đèn, con thú thấy lạ đứng im nhìn thẳng vào đèn, hai mắt phản chiếu ánh sáng lại giống như hai ngọn đèn đứng song song với nhau. Tùy theo từng loại thú, ánh mắt phản xạ lại có màu khác nhau như: xanh, đỏ, hồng… Nếu gặp gần, ta có thể thấy rõ cả lông con vật luôn; gặp loại thú nhỏ như: chồn, thỏ, nhím... ta lại gần nhìn rõ cả thân của chúng mới bắn. Vì bị ánh sáng đèn làm chói mắt, hay vì tò mò bởi ánh sáng đèn nên lũ thú không bỏ đi, chỉ đứng nhìn. Hôm nào may gặp con cheo – một loài thú móng guốc có hình giáng y hệt con mang, ngoài Bắc gọi con hoãng, nhưng con lớn nhất chỉ to hơn bắp chân một chút. Loại này mới gặp người lần đầu, nếu bắn không trúng nó sợ đến mức không chạy được nữa, có con ngã lăn quay, người bắn chạy lại bắt sống được luôn. Thịt cheo trắng như thịt gà, ăn rất ngọt. Đặc biệt, loại này có một số ít con có sừng, nếu bắn được xem như trúng số độc đắc. Sừng cheo chỉ to như chiếc đũa ăn cơm, dài độ hai đột ngón tay, thương lái mua với giá 10.000 đô – nghe nói mua để chế ra tạo ra thuốc đặc biệt trị bệnh nan y.
Còn có loài thù không “ăn” đèn, như heo rừng, rất ít khi gặp đèn soi lại đứng nhìn; chỉ cần quét đèn qua, thấy sáng, nó bỏ đi ngay. Mắt heo gặp ánh đèn  mắt đục lờ lờ, nhỏ tý, có con màu đỏ, có con màu xanh giống mắt nhím. Loài thú “bắt đèn” nhất phải kể đến hoẵng và nai; hai loại này ít chạy khi bị soi (nếu chưa bị bắn), ta có thể vào cách nó mười lắm mét, nó vẫn đứng nhìn. Dưới ánh đèn, mắt con cái bao giờ cũng có màu xanh ngọc bích, còn con đực màu đỏ. Riêng đối với cọp – ngoài mình gọi là hổ, mắt màu hồng khi gặp ánh đèn thường lóe lên tia  mà không loài thú nào có như thế. Cái khác nữa, khi cọp bắt đèn chỉ trong vài giây ta chỉ còn thấy một mắt, còn mắt kia nhắm lại, một chốc nó lại đổi mắt, mở bên này, nhắm bên kia…
Khi gặp thú “ăn” đèn thường dễ bắn vì nó đứng im. Song phải bắn thật chính xác vào ngay đầu con thú, làm nó chết ngay; còn bắn trượt thì không còn cơ hội bắn lần thứ hai mà chính người bắn dễ bị tấn công ngược lại, rất nguy hiểm.
Qua câu chuyện chú kể, Hiền thích lắm. Người con trai xứ “liền anh, liền chị” chưa một lần vào rừng đêm, nói gì đến săn; còn bắn súng cũng có một vài lần tập quân sự ở trường. Với tuổi mười tám giàu tưởng tượng và mơ mộng, Hiền ao ước được theo chú đi săn. Oái oăm thay, hôm nay, khi sắp đến giờ đi săn thì chú bị “Tào Tháo đuổi” nên lỡ mất dịp. Ngồi mãi sốt ruột, Hiền vào xin với chú:
-Chú cho hai anh em con đi săn thử một vòng quanh rẫy rồi về có được không ạ?
-Cũng được.
Chú Hương miễn cưỡng chấp nhận và dặn thêm:
-Nhớ là chỉ xung quanh rẫy xong rồi về nhé.
Hiền mừng rơn “dạ” rõ to rồi đội đèn, xách khẩu CKC bước ra cửa, Trang buộc con dao ngang bụng, cầm theo cây đèn pin. Dưới ánh đèn pha phát sáng từ bình ắc quy đeo bên hông, mọi cảnh vật hiện ra rõ nét. Vòng sáng xuyên thủng đêm tối, rọi vào từng luống khoai, hàng cây bên rẫy. Màn đêm cứ như đặc lại chỉ chừa những khoảng trống cho ánh sáng xuyên qua. Tiếng bước chân hai người cũng như tan vào màn đêm.
Bỗng Trang giật giật vạt áo Hiền thì thào:
-C… ó c… on gì kìa!
-Phía nào?
-Nó, nó đấy, tiếng kêu...
Thật chú ý mới phân biệt được tiếng động thoảng trong gió ào lên rồi tắt lịm, một lúc lại ào lên rào rào. Cảnh đêm tỉnh mịch quá khiến Trang thấy rờn rợn; cái hăng hái ban đầu tan dần theo bước chân quanh rẫy. Chắc đêm đã khuya, đi mỏi chân mà chưa hết một vòng xung quanh rẫy giáp với rừng già mà không thấy con gì; thần kinh căng như dây đàn – vì Trang vốn “yếu bóng vía” nên lúc này nghe động, hơi run. Hiền chuyển súng từ vai xuống tay, bật khóa an toàn, quét đèn về phía tiếng động, vẫn không thấy con thú nào bắt đèn mà tiếng rào rào nghe mỗi lúc một gần. Trang đi sát vào bên người Hiền, mắt nhìn chằm chằm theo vệt sáng đèn, tay nắm chặt chui dao. Hai anh em lần mãi, lần mãi đến sát bên tiếng động phát ra giữa hai luống khoai và bật cười thành tiếng. Dưới đám lá cây khô rụng xuống, đàn mối đang mải mê làm việc; tiếng động rào rào là do chúng gây ra.
-Em cứ tưởng con gì, hồi hộp quá.
-Đàn ông gì mà nhát như thỏ thế!
-Sao lũ mối nhỏ tí vậy mà tạo nên tiếng kêu tho thế?
-Tại cả bầy hàng triệu con cùng lúc làm việc nên mới thành tiếng lớn. Hôm nay không may, đi cả buổi chẳng thấy con gì cả.
-Về thôi anh, tối mai nhờ chú dẫn đi.
-Ừ thì về.
Hai anh em rảo bước đi giữa không gian mênh mông, huyền bí. Mọi hôm, trong màn đêm thỉnh thoảng còn nghe tiếng chim “bắt cô trói cột” đuổi nhau trong rừng; thế mà hôm nay tất cả im lặng, một cái im lặng khác thường. Thoảng trong gió chỉ nghe tiếng kêu của dế và lũ côn trùng không biết mệt là gì, cứ nỉ non hoài. Xa xa trong màn đêm đen thẩm, thỉnh thoảng từng cơn gió đùa giỡn với lá cây tạo nên làn sóng âm thanh vọng đến nghe ào ào mỗi lúc một rõ dần rồi lao vụt qua, lật ngược đám lá khoai trước khi xa dần rồi mất hẳn.
Ra khỏi rẫy, hiền bước nhanh hơn trên con đường trở về chòi. Đám cỏ gianh hai bên đường theo nhau nô đùa với gió, tạo nên những lớp sóng trông khá đẹp mắt. Bỗng một vệt sáng lóe lên đỏ rực như cục than hồng trước gió khi ánh đèn quét qua ngay khúc ngoặt của con đường. Hiền dừng lại, bật khóa, giương súng lên, tim đập thình thịch như vừa chạy một đoạn đường dài. Đốm sáng cứ lóe lên rồi tắt, lại lóe lên rồi vụt tắt. Hiền nói nhỏ:
-Có con thú phía trước, ta vào gần bắn cho chắc ăn.
Hiền đi trước, giương sũng nhằm đốm đỏ bước gần đến, bụng nhủ thầm: phải vào gần, nép vào bên cây bằng lăng kia tỳ súng bắn cho chắc. Trang vẫn giương mắt nhìn theo ánh đèn, bám sát Hiền. Đến bên cây bằng lăng, khoảng cách chắc chỉ còn hai chục mét, hiền nhìn rõ khuôn mặt tròn của con thú có bộ lông vàng, vằn đen kéo từ lưng xuống bụng, đứng trên hoàn đá dài độ một sải tay người lớn, đang nhìn ánh đèn. Tưởng mình hoa mắt, Hiền quét ánh đèn lên trời, con thú cũng ngước lên trời nhìn theo ánh đèn. Lúc này Hiền thấy rõ đúng là con hổ chặn mất đường về. Thôi liều vậy – Hiền tự nhủ và nói nhỏ, giọng run run:
-Leo lên cây nhanh lên.
-Gì cơ?
-Có hổ đấy, leo lên cây đi.
Nghe Hiền nói, Trang vội vã ôm cây bằng lăng leo lên, nhưng cứ leo lên được khỏi mặt đất một đoạn lại trượt xuống, đến cả chục lần không thể nào bám lên cành chỉ cách mặt đất khoảng hai mét. Từ nhỏ Trang nổi tiếng nghịch ngợm, thích leo trèo, ở đâu có tổ chim thì cao mấy cũng leo lên bắt cho kỳ được. Thế mà giờ đây cái cây chỉ to bằng đầu người có cành cách mặt đất chừng hai mét trèo mãi không tới nơi; có lẽ đây là lần đầu tiên “vua trèo cây” gặp chuyện lạ này.
-Bám chặt vào cây, cố leo lên cái chạc kia.
Vừa nói, Hiền vừa dùng tay trái đẩy vào đít cho Trang làm điểm tựa vươn người bám được vào cành cây xong mới quỳ xuống, đưa đầu ruồi ngắm vào giữa mặt con hổ định bóp cò.
-B… ịch!
Một cú giáng rất mạnh lên đầu, làm Hiền ngã vật ra, khẩu súng bị cướp cò cũng bất ngờ phát nổ;
-Đ… oàng!
-H…ù… m.
*
**
Cơn đau dịu dần rồi Hương thiếp đi lúc nào không biết, không biết anh ngủ được bao lâu, bổng giật mình choàng dậy khi nghe tiếng nhái của nui vọng về liền sau tiếng súng:
-Đ… o… àng.
-H… ừ… m.
Hương vùng dậy với con dao và cây đèn pin, lật đật chạy lên rẫy. Chân quên cả đi giày, dép, dẫm lên hòn đá trước nhà trơn tuột, ngã dập cam hàm, văng đèn đi; anh lại lồm cồm chồm dậy, nặt đèn chạy tiếp. Tiếng gầm bất ngờ của hổ, phía hai đứa cháu lần đầu vào rừng đi săn giữa vùng đất Tây Nguyên huyền bí; trách nhiệm của người chú… tất cả như dồn thành ngọn lửa đang cháy trong lòng. Nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra với hai cháu… Hương không dám nghĩ tiếp. Có lẽ đã lâu, lâu lắm rồi, con người vốn điềm đạm, tự tin như anh mới có giây phút bàng hoàng xúc động như lúc này. Chẳng lẽ con hổ quái ác kia đã bỏ đi từ lâu, nay bất ngờ trở về chăng?
Ngày ấy…
*
**
Mọi hôm tiếng chim hót, tiếng gà rừng gáy, tiếng hoãng kêu thường đan lẫn nhau vang vọng cả khu rừng. Các âm thanh náo nhiệt đó như một bản hòa tấu riêng của núi rừng Tây Nguyên còn hoang sơ, chưa bị con người chặt phá. Hôm nào trở trời có thêm tiếng hót của bầy vượn nô đùa rượt đuổi nhau như làm xiếc trên các cành cây, làm náo động cả cánh rừng.
Hương thường ra rẫy thật sớm để tận hưởng âm thanh của bản hòa tấu “nhạc rừng” do các loài thú và chim trình diễn. Đó là thói quen không biết anh đã mắc phải từ lúc nào. Cho dù có buồn bực hay tức giận đến mấy, khi được nghe bản “nhạc rừng”, Hương cũng cảm thấy tâm hồn thư thái lại, mọi ưu phiền được xua đi.
Hôm ấy, như thường lệ mỗi ngày Hương vác súng lên rẫy khi trời còn mờ mờ tối. Những vì sao chưa kịp đi ngủ hết, vẫn nhấp nháy phía tây trên bầu trời xanh ngắt. Ngọn đèn trên đầu Hương soi loang loáng trên các luống khoai, hàng bắp, nhưng không có dấu hiệu của bất kỳ con thú hoang nào bén mảng vào rẫy.
Bình minh, mấy đám mây hồng treo trên ngọn núi phía đông, viền thêm mấy dải mây màu trắng bồng bềnh nơi triền núi. Xa xa, tiếng con chim lạ thỉnh thoảng lại cất lên nghe the thé xé toạc buổi ban mai yên tĩnh. Núi rừng đang bừng dậy với hơi thở nhẹ nhàng của cỏ cây, hoa lá; nhưng thiếu tiếng chim hót như mọi hôm. Tại sao vậy nhỉ? Ngay cả mấy bầy gà rừng đông hàng trăm con thường rủ nhau ra rẫy kiếm ăn hôm nay bất ngờ cũng im hơi, lặng tiếng. Hương buồn bã rời bìa rẫy đi về chòi dựng bên bờ suối, lòng nặng trĩu như vừa đánh mất một cái gì đó quý báu. Anh chầm chậm bước theo lối mòn xuống suối rửa mặt.
Gần đến bờ suối, Hương sững người không tin vào mắt mình: ngay phía  bờ suối bên kia, một con hổ to như con bò kéo xe ngồi chồm hỗm trên hòn đá đang mãi nhìn xuống dòng suối chảy phía dưới. Lúc Hương nhìn thấy nó, cũng vừa lúc nó quay đầu trợn tròn mắt lên nhìn anh. Bốn mắt giao nhau, bản năng tự vệ của con người tỗi dậy, khẩu súng trên vai Hương chuyền nhanh qua tay, giương lên.
-Đoàng!
-H… ùm!
Tiếng nổ dữ đội xé toạc buổi bình minh êm ả. Hương bắn như trong mộng, thao tác như một cái máy. Đạn nổ xong, hương nhảy tạt ngang qua gốc cây dầu đá bên rìa đường. Con hổ hình như cũng bị bất ngờ trước cuộc chạm trán; thấy người giương súng lên, nó cũng tung mình rời hòn đá bay qua suối, lao thẳng vào đối thủ. Chân trước của con hổ còn kịp xé toạc một bên vai áo, vạch ba đường trên vai Hương trước khi chạy thẳng vào rừng sâu. Vết thương trên vai Hương phải điều trị gần sáu tháng mới lành. Từ đó đến nay đã sáu năm trôi qua, không có con hổ nào dám bén mảng tới vùng này. Thế mà…
Đúng rồi, sự im lặng của rừng là dấu hiệu báo trước chúa sơn lâm đang có mặt. Tại sao ta không nhớ ra điều ấy nhỉ? Có bao giờ khi màn đêm sắp buông xuống, rừng già lại vắng tiếng chim gọi bầy, tiếng gà gáy, vượn hót… như đêm nay? Lẽ ra ta phải biết điều đó chứ. Hương vừa chạy vừa tự trách mình, những sợi tóc muối tiêu đẫm nước.
*
**
Đến đoạn đường cong, Hương sững người lại khi thấy ánh đèn của mình chạm vào ánh sáng xanh xuyên qua các gốc cỏ của một ngọn đèn săn khác. Bước thêm mấy bước, dưới ánh đèn Hương thấy hai người cháu nằm còng keo dưới đất, hai chân của Trang kẹp chặt cổ Hiền, khẩu súng và ngọn đèn văng qua bên cạnh. Hương vội cuối xuống gỡ chân Trang ẵm qua, đặt tựa vào gốc cây rồi cuối xuống định đỡ Hiền thì thấy cháu mở mắt, ngơ ngác nhìn, ngạc nhiên hỏi:
-Cháu còn sống à?
-Còn sống chứ chết thế nào được.
Trang cũng từ từ đứng lên, mắt lấm lét nhìn quanh, thấy vậy Hương cười bảo:
-Không có gì đâu, ta về đi.
Hương nói xong đội đèn, khoác sũng lên vai đi trước, Hiền và Trang líu ríu bước theo sau, không ai nói gì thêm. Vào trong lán, ngồi bên bếp lửa Hiền và Trang hình như vẫn còn run. Hiền kể lại chuyện gặp hổ rôi nói thêm:
-Rõ ràng cháu nghe thấy tiếng hổ gầm, thấy nó vồ cháu rồi cơ mà, sao cháu lại không việc gì?
-Làm gì có con hổ nào nó vồ cháu.
Hương cười rồi đặt tay lên vai Trang nói thêm:
-Chắc Trang leo lên cây trượt tay ngã xuống đúng vào người cháu đấy.
-Anh ấy thấy hổ thì cứ việc bắn, sao lại còn nói hổ, hổ… làm cháu sợ quá.
Hương cười, nói với hai người:
-Trang sợ quá bám cây không vững, té xuống đúng người Hiền; Hiền giật mình bóp cò, đạn nổ làm con hổ giật mình gầm lên thế là cả hai tưởng cọp vồ nên… xỉu luôn. Thôi hai đưa đi thay quần đi, ướt hết cả rồi.
Hiền và Trang đỏ mặt đứng dậy, Hương nói thêm:
-Tất cả các loài thú rừng, dù dữ đến mấy cũng đều sợ con người. Rất ít có trường hợp tự nó tìm người tấn công, nếu người không tấn công trước.
Hương nhìn ngọn lửa trầm ngâm một lúc rồi nói thêm với hai cháu đã đến ngồi bên bếp lửa:
-Khi gặp thú dữ phải bình tĩnh xử lý, không được hốt hoảng.
Hai người cháu đỏ mặt nhìn nhau rồi đáp: vâng.
Xa xa tiếng mấy con gà nhà từ trong buôn cất lên, vọng đến; như được đánh thức, lũ gà rừng đua nhau cất tiếng gáy tạo nên bản hợp xướng của rừng già, vọng vào núi, ngân dài. Phía đông, những đám mây vàng chuyển sang màu hồng nhen nhóm trên đỉnh núi xa xa. Đêm sắp tàn, một ngày mới tươi đẹp sắp tới.