Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

NGƯỜI HAY TA ĂN MÀY lời bình của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ 323 THÁNG 7 NĂM 2019


Sổ tay thơ:

CHA CON NGƯỜI ĂN MÀY


Ở bến phà sông Tiền
Có một người hành khất
Gậy chấm dày mặt đất
Chiếc gậy cùn hai đầu

Ngày ngày mặt trời mọc
Cha và con dắt nhau
Cây đàn buông trước ngực
Dây chùng nỗi lo âu

Cha mù hai con mắt
Nhìn bằng đôi bàn chân
Con đi trong ngơ ngác
Tay ngửa nón, tay đàn

Con hỏi cha nơi đến
Cha hỏi con nơi dừng
Bao nhiêu người ghé bến
Ai thương, ai dửng dưng?

Tôi vừa tan cuộc rượu
Hồn còn tràn trề say
Gặp nhau rồi chợt hiểu
Người hay ta ăn mày?
                                                1990
                                                 PHAN HUY

LỜI BÌNH:
“NGƯỜI HAY TA ĂN MÀY?”
Trong thế gian này, hỏi loại người nào thường mau nước mắt? Lại hỏi, người mau nước mắt hẳn phải là kiểu người đa đoan trước nỗi đoạn trường lắm chăng? Không thế, sao trời đày họ làm văn chương nghệ thuật để thương vay khóc mướn giữa cuộc đời. Hơn ngàn năm trước, thơ Đỗ Phủ bên Trung Quốc đã làm xa xót bao tấm lòng biết cảm thông, đau đáu trước phận người. Ở nước ta, thi hào Nguyễn Du lưu lại “tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời” qua tuyệt tác Truyện Kiều bất hủ. Đọc thơ Việt Nam đương đại, chúng ta bắt gặp nhiều tiếng thơ ngân vang niềm cảm thương da diết trước thân phận con người. Chủ nghĩa nhân đạo vẫn là mạch nguồn chảy tuôn không dứt. Thơ Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Trần Nhuận Minh… là tiêu biểu cho nguồn cảm xúc ấy. Và cũng may mắn thay, giữa hàng ngàn trang thơ giàu tinh thần nhân đạo kia, tôi đã bắt gặp thi phẩm Cha con người ăn mày của nhà thơ - nhà báo Phan Huy. Bài thơ là tiếng lòng rưng rưng, khắc khoải của tác giả về phận người hành khất giữa thời buổi kinh tế thị trường, khi mà cái ăn cái mặc không còn là nỗi ám ảnh đến quặn thắt, xót xa.
Ở bốn câu thơ mở đầu thi phẩm, tác giả Phan Huy đã giới thiệu không gian quen thuộc nơi người hành khất thường xuất hiện: “Ở bến phà sông Tiền/ Có một người hành khất”. Đâu chỉ thuần túy là một địa điểm, một địa danh cụ thể, đó còn là không gian nghệ thuật đầy ám ảnh về sự nổi trôi, vô định của kiếp người lưu lạc. Nơi bến phà sông Tiền mênh mang sóng nước là những kiếp bèo lau trôi dạt, đẩy đưa. Âu có khác gì phận người hành khất chăng? Không chỉ dừng lại ở đó, hình tượng người hành khất không được tác giả chú ý về diện mạo, quần áo mà lại tập trung vào chiếc gậy. Chiếc gậy xuất hiện như một tín hiệu nghệ thuật chỉ dấu về sự bất hạnh của cuộc đời: người hành khất mù lòa cả hai mắt. Nhìn “chiếc gậy cùn hai đầu”, nhà thơ đã thấu hiểu hành trình xa xôi, khó nhọc trên bao chặng đường mà người hành khất đã qua. Không thế sao có thể hạ hai câu thơ đầy cảm xúc và ám ảnh tâm hồn người đọc thế này:
Gậy chấm dày mặt đất
Chiếc gậy cùn hai đầu
Đi xin ăn qua nhiều phố phường, làng mạc; mỗi bước đi lại phải dò dẫm theo chân người con; chiếc gậy đã phải bao lần quờ quạng, xoay trở liêu xiêu giữa chốn đông người nên mới “chấm dày mặt đất”. Sâu xa hơn, những dấu chấm của chiếc gậy dường như đã đủ loang phủ khắp mặt đất này. Vì thế, câu thơ thuần tả mà lạnh sắc, lắng đọng một tình thương yêu thiết tha của tác giả dành cho người ăn mày. Bởi hơn ai hết, nhà thơ hiểu được hành trình, thấu được bước đường gian khổ và cả nỗi âu lo mà hai cha con người hành khất thấm trải:
Ngày ngày mặt trời mọc
Cha và con dắt nhau
Cây đàn buông trước ngực
Dây chùng nỗi lo âu
Ra đi xin ăn từ sáng sớm khi mặt trời vừa mọc, nhưng điểm dừng thì hẳn làm sao biết được. Có lẽ họ không nhà, không nơi nương tựa mới đi ăn mày thế này. Người con dắt cha tìm kế sinh nhai qua lời ca tiếng hát. Thực ra họ cũng đánh đổi đấy chứ, đâu có xin ăn không. Mượn lời ca tiếng hát, bản đàn mà ngửa tay xin sự bố thí của người đời âu cũng là điều đáng trọng. Thế mà “nỗi lo âu” cứ chùng xuống, trĩu nặng mỗi ngày. Nhìn dây đàn người hành khất mà cảm được bao lo toan thường nhật về miếng cơm manh áo, nhà thơ Phan Huy đã bày giãi nỗi lòng ngậm ngùi, xót xa về kiếp người vô định, nổi trôi. Theo đó, tấm lòng thi nhân cứ dõi theo hai cha con người ăn mày qua nhiều cung đường phố thị, nhiều ga bến, nhiều chợ sáng chợ chiều ngược xuôi tấp nập để rồi ghi lại những cảnh tượng nao lòng, những khắc giờ dễ làm rơi nước mắt:
Cha mù hai con mắt
Nhìn bằng đôi bàn chân
Con đi trong ngơ ngác
Tay ngửa nón, tay đàn
Giọng thơ thủ thỉ, lời thơ nhẹ nhàng, nhà thơ cứ như người đánh đàn nhấn nhá từng cung bậc nỉ non kể về tình cảnh cha con người ăn mày trước cuộc đời xuôi ngược. Người cha kinh nghiệm trường đời, dù mù lòa hai mắt; người con sáng rõ đường đi nên biết chốn dừng chân; nhờ đó tác giả Phan Huy đã có những câu thơ vừa chân thực vừa đằm sâu triết lí: “Con hỏi cha nơi đến/ Cha hỏi con nơi dừng”. Hóa ra cuộc hành khất của hai cha con người ăn mày có khác gì tất cả thế nhân, cũng tính toán chi li, cũng nghĩ suy thấu đáo mới có thể mưu sinh, vượt qua những vất vả để tồn tại kiếp người. Rồi chuyện ấm lạnh giữa dòng đời, chuyện cảm thương hay dửng dưng mà người đời dành cho mỗi chúng ta âu cũng là điều muôn thuở: “Bao nhiêu người ghé bến/ Ai thương, ai dửng dưng?”.
Nhưng có lẽ thông điệp mà nhà thơ Phan Huy muốn gửi gắm đến chúng ta nằm ở khổ thơ cuối bài thì phải? Chẳng vậy sao mà tác giả hạ xuống bốn câu thơ đầy dằn vặt nỗi niềm và ẩn sâu triết lí thế kia. Giọng điệu ở khổ cuối cũng khác thường, nó cứ chênh chao tưng tửng như người “say” vậy. Một câu hỏi thảng thốt bất chợt trào ra nghe mằn mặn nước mắt và nghèn nghẹn lá phổi buồng tim nên càng thêm day dứt! Gặp người ăn mày nhưng lại hỏi “người hay ta ăn mày?” thì phải đau đời lắm, thấu hiểu lắm, cật vấn lắm. Này nhé, người xin ăn bằng lời ca tiếng hát, nghĩa là bằng chính mồ hôi nước mắt của mình liệu có phải “ăn mày” không? Ta sống, nhìn bên ngoài có vẻ đường bệ, nhưng cứ dựa dẫm, núp bóng, “xin ăn” lén lút kẻ khác để rồi được giàu sang, thăng quan tiến chức, liệu không là “hành khất” sao? Chao ôi, thơ viết thế thì nặng lòng nhân thế lắm, đau đời lắm mới gieo xuống chữ nghĩa cứ như không mà sâu sắc đến vô cùng:
Tôi vừa tan cuộc rượu
Hồn còn tràn trề say
Gặp nhau rồi chợt hiểu
Người hay ta ăn mày?
“Người hay ta ăn mày?” là câu hỏi muốn bóc trần nhân tính, thấm đẫm chất triết lý, đầy cật vấn về lẽ đời, lẽ người; giọng điệu giễu nhại mà minh triết, tưởng đùa mà hóa ngiêm trang; tưng tửng mà lắng sâu, khiến ta không khỏi giật mình! Đó cũng là mấu chốt tư tưởng mà nhà thơ muốn truyền gửi. Và sự thành công ở bài thơ này cũng nhờ vào câu thơ độc sáng ấy, nó chính là linh hồn của thi phẩm vậy.
Bài thơ Cha con người ăn mày của nhà thơ Phan Huy được in trong tập Xẻ đôi ngọn gió - một tập thơ dày dặn, nhiều đề tài, đa dạng về cảm xúc và có nhiều tác phẩm khá ám gợi. Nhưng với tôi, vượt trội hơn các thi phẩm khác, Cha con người ăn mày có một chiều sâu nhân đạo, một cảm thức phổ quát về cuộc đời, về thân phận con người trước trùng trùng bể dâu trần thế. Nhờ đó, bài thơ xoáy sâu vào tâm cảm người đọc, mở ra nhiều vấn đề triết lý nhân sinh mà chúng ta cần suy ngẫm, nhất là trong cuộc sống đương đại.
                                                                        

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

NGÀY MAI CHO CON truyện ngắn của ĐẶNG BÁ TIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 323 THÁNG 7 NĂM 2019


Bạn đọc lâu nay biết đến Đặng Bá Tiến, một nhà báo có nhiều bài phóng sự điều tra gai góc chốn quan trường đăng trên báo Lao Động; Một nghệ sỹ Nhiếp ảnh xuất sắc đã gặt hái nhiều thành công qua các cúp Vàng, cúp Bạc thế giới và Việt Nam mà nghệ sỹ đã nhận; Một nhà Thơ tài hoa đã từng đoạt Giải A cuộc thi viết về đề tài công nhân do Tổng liên đoàn Lao động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Hôm nay chúng ta lại được thưởng thức truyện ngắn của người nghệ sỹ đa tài này.  




Đêm mùa khô cao nguyên gió thổi rú rít trên mái tôn nghe rờn rợn tận xương sống. Khuya lắm rồi, Quý vẫn nằm thao thức, ruột gan cứ bồn chồn làm sao ấy. Anh nghĩ nhiều về phận “gà trống nuôi con” , về nỗi trống vắng, cô đơn của mình, rồi nghĩ đến Hạnh, vợ anh. Cô ấy thật đáng giận mà cũng thật đáng thương...
Mới đó, đã ba năm rồi. Anh nhớ bữa cơm tối hôm ấy Hạnh làm các món ăn thật ngon. Kể từ khi lấy nhau đã gần năm năm vợ chồng anh chưa bao giờ có được bữa cơm tươm tất như thế: Thịt gà luộc bóp lá chanh thái chỉ, tôm bọc bột chiên, thịt heo cốt-lết... lại còn cả một xị rượu thuốc bắc nữa. Anh vừa ở trường về đến ngõ đã thấy Hạnh xởi lởi chạy ra đỡ chiếc cặp đựng giáo án sách vở trên tay anh và nhìn anh đắm đuối: - Hôm nay em sẽ chiêu đãi anh. Giọng Hạnh thật ngọt ngào, quyến rũ. Anh hỏi: - Có sự kiện gì thế em? trúng số à? - Sư kiện đặc biệt... rất đặc biệt anh à! - Sự kiện gì? chia sẻ với anh ngay đi - Lúc này em phải giữ bí mật đã... chưa nói với anh được đâu. Hạnh cười ý nhị, rồi ôm cặp ù té chạy vào nhà, tinh nghịch như hồi mới cưới nhau.
Chưa bao giờ Quý thấy Hạnh uống rượu, nhưng bữa đó Hạnh cũng uống một ly. Cô ăn nhỏn nhẻn từng chút và liên tục gắp thức ăn cho anh và con trai, miệng luôn giục “ăn đi anh”, “ăn đi con”. Anh gắp thức ăn vào chén Hạnh, Hạnh lại gắp đút cho thằng cu Tuấn và đút vào miệng anh. Là kẻ vô tư, chưa bao giờ anh thấy mình có được một bữa cơm ngon miệng và hạnh phúc bên vợ con như thế. Sau bữa ăn cảm giác sung mãn, căng phồng ngất ngây trong từng sợi huyết của anh.
Tối hôm đó dọn dẹp và tắm rửa xong, thằng cu Tuấn cũng đã ngủ, Hạnh mặc bộ áo váy mỏng màu hồng để lộ nửa ngực và hai nửa đùi trắng nõn nà, mặt ửng đỏ, phảng phất điều gì đó thầm kín nhưng giục giã, bạo liệt. Từ người cô tỏa ra mùi nước hoa thơm dịu dàng, quyến rũ, hẳn là thứ nước hoa đắt tiền Quý chưa thấy Hạnh dùng bao giờ. Quý đang ngồi bên bàn cạnh gường ngủ đọc báo, Hạnh nhẹ nhàng như nàng tiên sà đến ôm lấy anh và tới tấp đổ vào trán, vào má, vào cổ anh một trận mưa hôn. Mắt Hạnh vừa lúng liếng đam mê, vừa ánh lên sự cuồng vọng. Quý đang ngỡ ngàng về sự vồ vập chưa từng thấy ở Hạnh, đang ngỡ ngàng đón nhận những nụ hôn bốc lửa, thì cánh tay mềm mát rượi của Hạnh đã quấn lấy cổ anh rồi kéo anh ngã lăn xuống giường. Trong khoảnh khắc ngỡ ngàng của Quý tan biến. Anh chỉ còn biết tận hưởng sự dâng hiến đến kiệt cùng của Hạnh, sau đó thiếp đi. Bây giờ nghĩ lại, Quý nhớ, hình như lúc đó, lúc mà anh đang mơ màng bay bổng giữa thiên đường, Hạnh đã ôm lấy anh khóc thổn thức, nước mắt rơi đầm trên má anh...
Buổi sáng hôm sau anh khoan khoái tung chăn ngồi dậy nhìn đồng hồ. Ồ, đã bảy giờ rồi... sao thằng cu Tuấn vẫn ngủ vùi trong chăn? Hạnh ở đâu mà không thức con dậy, đưa nó đi học? Cái gì đây? Anh nhìn lên mặt bàn cạnh giường, một nén hương cắm trong lon gạo đã cháy rụi từ bao giờ, nhưng mùi hương còn phảng phất đâu đây như nói với anh có điều gì đó bất thường. Một tờ giấy  đặt cạnh lon gạo, anh nhào tới cầm lên xem. Nét chữ của Hạnh nhoẹt nhòe kín cả trang giấy: “Anh yêu thương của em! Có lẽ lúc anh ngủ dậy thì Hạnh đã đi xa cái thành phố này rồi. Hạnh biết nói thế nào cho anh hiểu về sự bỏ anh, bỏ con mà ra đi... Từ khi cưới đến nay đã gần năm năm rồi vợ chồng mình sống hết mực thương yêu nhau, dù chúng ta rất nghèo vật chất. Nhiều người trong xóm lao động này vẫn khen vợ chồng mình hạnh phúc. Vâng, nếu chỉ nghĩ về hạnh phúc gia đình đơn giản như lâu nay bao người vẫn quen nghĩ: hòa thuận, êm ấm và thương yêu nhau thì quả chúng ta đã đạt đến hạnh phúc. Song, từ lâu em vẫn giấu anh nỗi buồn giữa lòng mình vì thứ hạnh phúc chỉ như thế. Anh yêu nghề nghiệp. Anh vô tư trước mọi chuyện đời và cả tin nên đâu hiểu được nỗi lòng em. Anh thức khuya soạn bài, đọc sách, sáng đến trường mà nhiều hôm chẳng có một bữa lót dạ cho ra hồn. Con mình chưa đầy bốn tuổi đã phải ăn cơm nguội trước khi đến trường mẫu giáo. Em cầm tấm bằng đại học loại giỏi mà vô tích sự, không có tiền để chạy việc, phải ăn bám đồng lương ít ỏi của anh. Nhà ba miệng ăn, chỉ có sáu, bảy triệu bạc lương của anh... mà phải chi cho bao nhiêu việc, nên cả tuần ta không có nổi một bữa ăn tươi, con thiếu sữa uống nên còm nhom... thì hạnh phúc trong tình cảnh như thế là thứ hạnh phúc gì hở anh? Em nghi ngờ và không tin thứ hạnh phúc ấy có thể bền vững được. Em thấy thật khó để chấp nhận thứ hạnh phúc bất công đang diễn ra trước mắt mình. Trong khi cuộc sống của chúng ta như vậy, nhiều kẻ  khác lại nhà lầu, xe hơi tiền tỷ, một bữa ăn sáng của gia đình họ đủ để chi cho gia đình mình sống cả tháng; mà nào phải họ thông minh, tài năng hơn chúng ta. Anh xem con Oanh cùng lứa với em, từ học phổ thông đến đại học trình độ chỉ đáng học trò của em, lúc nào cũng chạy đến nhờ em giải bài, làm bài hộ. Nhưng ra trường, nó có bố làm to, thế là có ngay việc làm, năm năm đã lên chức trưởng phòng, nhà lầu, xe cộ, tiền bạc xênh xang, xem bạn bè một thời dưới cặp mắt khinh khi; còn em vẫn đang phải ăn bám anh... Vậy thì thứ hạnh phúc ta đang có là thứ hạnh phúc gì? có phải là hạnh phúc cam chịu, hạnh phúc trong nhẫn nhục phải không anh? Em suy nghĩ nhiều lắm. Rồi chúng ta sẽ phải truyền đời thứ hạnh phúc chết tiệt đó cho con cháu chúng ta hay sao? Làm sao để thoát khỏi thứ hạnh phúc đó? Không, em nghĩ cuộc đời em đến bây giờ đã có thể vứt bỏ không thương tiếc, nhưng em phải quyết tâm lo cho con mình đầy đủ để nó thoát khỏi thứ hạnh phúc chúng ta đang phải sống. Vì vậy, em quyết định phải đi kiếm tiền để lo ngày mai cho nó. Thời buổi bây giờ có tiền thì sẽ làm được mọi việc; vì thế người ta cũng phải làm mọi việc để có tiền! Em có nhan sắc, có kiến thức, đủ khả năng để ứng phó với những bất trắc trong cuộc đời này để sống và làm ra tiền! 
Em biết anh sẽ rất đau khổ vì quyết định này của em. Thiên hạ sẽ tung ra bao lời dị nghị, khinh bỉ em. Thôi... cũng đành mặc thiên hạ. Thời nay dị nghị, khinh bỉ nhau, phớt lờ nhau, sống “quên” cả đạo đức, pháp luật cũng đầy ra trong thiên hạ. Em mong anh chăm sóc con thay cả phần em. Cầu mong cho con đừng trái gió trở trời! Em sẽ trở về. Nhất định em sẽ trở về sau ba năm nữa. Mong anh vạn lần tha thứ. Vợ của anh: Hạnh”.
Quý nhớ lúc đó, sau khi đọc hết những dòng chữ trên, anh như chết đứng. Hóa ra bữa ăn tối qua, sự dâng hiến kiệt mình của Hạnh đêm qua là để chuẩn bị cho cuộc chia tay này. Anh tự trách mình vô tư đến mức mù quáng. Sau đó anh đã thuê xe ôm chạy nháo nhào ra bến xe liên tỉnh, chạy khắp các ngả đường của thành phố, gọi điện cho tất cả những người thân quen nhờ tìm Hạnh cả tháng ròng. Nhưng biệt vô âm tín...
Mới đó... mà đã ba năm rồi. Ba năm qua anh vừa lo dạy học, vừa lo nuôi con. Bao tiếng đồn về Hạnh đã đến tai anh: Hạnh bỏ anh đi làm bồ nhí một ông giám đốc già giàu có ở Sài Gòn, Hạnh đã trở thành bà trùm chăn dắt một bầy gái chân dài có hạng ... Những lời đồn, những tiếng xấu về Hạnh đầy cả hai lỗ tai anh. Thời gian đầu anh còn cảm thấy xấu hổ. Đi qua trước những người hàng xóm, bạn bè, anh thấy như họ đang kháo nhau về vợ mình, có những cặp mắt đang nhìn anh thương hại... Anh càng giận Hạnh nông nỗi, thiển cận bao nhiêu, càng thấy đau đớn, xót xa cho mình bấy nhiêu.
Nhưng rồi... dần dần thời gian và thực tế cuộc đời đã dạy cho anh phải biết thay đổi. Nếu anh cứ lo giữ gìn cái liêm sỉ của mình thì còn phải sống khổ sở, con anh sẽ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu điều kiện học hành. Cuộc sống vừa dạy anh, vừa ép buộc anh phải làm ra tiền, phải biết quan tâm đến chính mình, đến gia đình mình, bởi ở đời chẳng ai quan tâm, lo lắng thay cho anh được. Nhưng, nếu cứ làm tiền theo kiểu công chức lương thiện, chăm chỉ, nghiêm túc mà bấy lâu anh đã làm thì đâu đủ sống, phải có cách làm khác, phải biết gạt bỏ những quan niệm đạo đức cũ, phải biết phớt lờ dư luận để làm những việc người khác không dám làm, hoặc không có khả năng làm mới có thể khấm khá lên được... Là giáo viên toán có chuyên môn tốt, anh lao vào dạy thêm, mặc dù Bộ, Sở đã có chỉ thị cấm. Có ngày anh dạy tới năm cua, dạy từ sáng đến nửa đêm. Trước đây, anh từng phản ứng gay gắt việc dạy thêm như thế trong hội đồng giáo viên của trường. Nhưng bây giờ hấp lực của thu nhập của đồng tiền buộc anh phải lao vào... Có tháng anh kiếm thêm được ba, bốn chục triệu đồng. Nhiều người trong nghề dám mạnh dạn mở cơ sở dạy thêm sớm, biết lo lót cho “những kẻ cần phải lo lót” để cơ sở dạy thêm tồn tại đã giàu lên trông thấy. Nhiều lúc anh nghĩ: Giá như ngày ấy biết bớt đi chút liêm sỉ, đừng gò mình vào thứ đạo đức cổ lỗ, đừng nghiêm túc một cách mù quáng để đi dạy thêm, thì cuộc sống gia đình anh sẽ không thiếu thốn vất vả và chắc là Hạnh sẽ không bỏ nhà ra đi. Nghĩ như thế... anh lại thấy xót xa, buồn vì mình, lại thấy bên cạnh sự căm giận, khinh bỉ là sự thương hại, là nỗi nhớ Hạnh!
Đêm nay, anh cũng đang nghĩ về Hạnh, đang nhớ Hạnh và da diết buồn, gần một giờ sáng rồi vẫn trằn trọc chưa thể ngủ. Nằm nghe gió rú rít trên mái tôn mà ngỡ như tiếng hú gọi nhau của ma quỷ, khiến anh có cảm giác rờn rợn. Ba năm rồi... Không biết Hạnh giờ đi đâu? ở đâu? Hạnh còn sống hay đã chết? Ôi... nếu Hạnh đã chết, thì tiếng rú rít trên mái tôn kia phải chăng là tiếng hú gọi anh của âm hồn Hạnh? Ngày ra đi Hạnh nói sẽ trở về sau ba năm... Có phải là Hạnh đang trở về trong cõi hư vô kia? Hạnh đang oán trách anh? Hay Hạnh đang khóc gào xin anh tha thứ? Quý bật dậy ngồi trên giường ngửa mặt nhìn lên trần nhà. Màn đêm nhập nhoạng đầy vẻ hoang đường. Trong tiếng gió rít đúng là có tiếng gọi anh: Anh Quý ơi... Anh Quý ơi... Quý bàng hoàng. Phải hồn ma Hạnh đang gọi anh? Không, tiếng người, đang gọi ngay trước cửa, nghe rõ lắm mà. Quý trấn tĩnh, rón rén đến bên cửa, ghé mắt nhìn qua kẽ ván. Đúng là người thật. Quý nhảy tới bật công tắc đèn và hỏi cộc lốc: -Ai? -E...m... Hạnh... đây mà... Quý rút then cài. Cánh cửa mở. Hạnh bằng xương, bằng thịt rõ ràng, tay xách chiếc va li nhỏ, trông đẫy đà, đài các hơn... Quý sửng sốt, chưa kịp nói gì thì Hạnh đã thốt lên: -Anh! Anh Quý... rồi thả chiếc va li lăn bịch xuống nền nhà, ào đến ôm lấy anh. Rồi cô nhanh chóng buông anh ra, vội vã chạy đến chỗ thằng cu Tuấn đang ngủ, hôn lên má, hôn khắp người nó: -Ôi... con của mẹ... con của mẹ... Tội nghiệp con tôi... Giọng Hạnh thều thào, nghẹn lại. Hai tay cô vuốt vuốt, mân mê khắp người nó, như để trong khoảnh khắc hút được vào lồng ngực mình vào trái tim mình tất cả hơi ấm từ làn da, từ nhịp thở của nó!
- Hạnh, cô ra đây! Bấy giờ Quý mới kịp lên tiếng. Hạnh rời con, từ từ đứng dậy, bước đến trước mặt Quý, nhưng cô không nhìn vào mặt anh mà cúi đầu nhìn xuống chân mình. Từ hai khóe mắt Hạnh nước mắt tuôn trào. Những giọt nước mắt như không chảy ra từ tuyến lệ mà được vắt ra từ trái tim rung cảm, từ bộ óc nghĩ suy. Hẳn là cô đã suy nghĩ rất kỹ, đã biết trước đến một ngày sự việc sẽ phải diễn ra như thế, cô đã chuẩn bị cho ngày đó, cho chính giờ phút này. Bởi thế, nên dù nước mắt giàn giụa, cô vẫn có đủ bình tĩnh để nói với Quý: - Anh ơi... em biết dưới con mắt của người đời em là một con đàn bà xấu xa. Em hoàn toàn không xứng đáng với anh. Em trở về đây không phải để cầu xin anh tha thứ, để tiếp tục được chung sống với anh, mặc dù em vẫn yêu anh tha thiết như ngày nào; và chắc anh cũng không bao giờ chấp nhận một người vợ như em nữa. Em về đây chỉ để nhìn anh, nhìn con lần cuối và cậy anh nuôi dạy con thay em...  -Không, không cần cô cậy nhờ thì tôi cũng tự biết chăm sóc, nuôi dạy nó bấy lâu rồi! Quý lớn tiếng cắt ngang lời Hạnh, giọng đầy tức giận. -Vâng... em rất biết ơn anh, nhưng em cũng biết rõ những năm qua anh đã phải vất vả dạy thêm, lo kiếm sống và nuôi con cơ cực như thế nào. Vì thế em đã cố kiếm thật nhiều tiền, dành dụm để hôm nay mang về gửi cho anh nuôi con, để nó được học hành đầy đủ và có chút vốn liếng, lớn lên nó được bằng người, không phải vất vả như đời bố mẹ... Em xin gửi anh...  Hạnh lấy trong va li ra cái hộp vàng lớn bằng hộp phấn  định trao cho Quý, nhưng anh vung tay: - Không cần. Tôi sẽ tự nuôi con mà không cần một đồng xu nào của cô. Mắt anh lúc này như có lửa. Mỗi tế bào trong anh như một hòn than nóng rực. Hạnh quỳ xuống ôm lấy chân Quý. -Em xin anh đừng từ chối ý nguyện của em. Đêm nay, em xin anh cho em ngủ với con lần cuối. Sáng mai em sẽ ra đi thật sớm để không ai được biết em đã trở về, để khỏi phải phiền anh thêm nữa...
                                                           +    
Sáng hôm ấy Quý thức dậy trong sự mệt mỏi. Thực ra đêm qua Quý không ngủ, chỉ ngồi bên bàn đốt thuốc lá liên tục và nghĩ ngợi mông lung. Càng nghĩ anh càng giận Hạnh, càng xót xa đau khổ cho hoàn cảnh của mình. Và rồi vì quá mệt mỏi Quý đã thiếp đi. Khi thức dậy nhìn vào giường anh không thấy Hạnh đâu nữa. Hạnh đi thật nữa rồi! Không ngờ Hạnh lại bỏ đi tiếp. Trên bàn làm việc của Quý có hộp vàng Hạnh để lại và mảnh giấy đính kèm ghi “Vĩnh biệt anh và con!”. Quý ngồi thừ người, đau khổ, cảm giác như không còn chút sức lực nào. Một lát sau anh nghe bước chân chạy tới thình thịch, tiếng đập cửa và giọng nói hổn hển của bà hàng xóm: - Chú... Quý ơi... chú... Quý ơi... Con Hạnh... vợ chú... bỏ đi chán chê, đêm qua... đêm qua... nó về... treo cổ chết trong hoa viên rồi! Thiên hạ... đang nhao nhao... ngoài đường kia kìa... Quý bỗng run bắn lên, nổi hết da gà. Không kịp thay đồ ngủ, anh vội vàng chạy đến vườn hoa. Đúng là Hạnh rồi. Người ta đã cắt dây, đặt Hạnh nằm trên thảm cỏ. Hạnh chết rồi nhưng mắt vẫn mở, rướn ngược. Có phải Hạnh đang nuối anh? Hay Hạnh đang cố nhìn để cố hiểu cuộc đời này, cuộc đời mà cho đến lúc chết cô vẫn không hiểu tại sao nó lại như thế?
Quý ngồi xuống bên cạnh Hạnh, anh vuốt mắt cho cô rồi ôm mặt nấc lên!
                                                                           Buôn Ma Thuột, 5.2019









Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

BÌNH YÊN CƯ KUIN bút ký dự thi của HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN SỐ 323 THÁNG 7 NĂM 2019

Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”




Làm việc với Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Cư Kuin chỉ một thời gian ngắn nhưng cũng để lại ấn tượng tốt đẹp. Đội trưởng là Đại úy Đặng Ngọc Thỏa bận việc, làm việc trực tiếp với tôi là Phó đội trưởng, Đại úy Hà Trọng Sơn. Anh quê ở Xuân Lai, Thọ Xuân, Thanh Hóa, sinh năm 1984.
Toàn đội có 13 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 3 nữ. Có 2 chiến sĩ mới vào chưa học đại học, còn đều tốt nghiệp đại học. Các đội sau khi làm chuyên án thì sau cùng vẫn qua Đội điều tra tổng hợp xử lý vụ việc. Có những vụ án Đội điều tra tổng hợp trực tiếp làm. Có vụ án nhớ mãi không quên như vụ án ngày 17.2.2018 (đúng ngày mùng 2 Tết năm Mậu Tuất) mâu thuẫn do vay mượn tiền giữa Phạm Anh Tuấn và Vũ Hữu Hà ở thôn 10, xã Ea Ktur. Vũ Hữu Hà có con rể là Đỗ Văn Trường cầm đồ ô tô của Phạm Anh Tuấn. Tuấn đến lấy ô tô vì cho rằng đã trả hết nợ. Lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát. Vũ Hữu Hà đánh Phạm Anh Tuấn thành thương tích nặng ngay trong ngày Tết cổ truyền. Đối tượng không chịu hợp tác với cơ quan điều tra nên khai báo quanh co, gian dối. Bằng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp, các điều tra viên, cán bộ điều tra đã dùng các biện pháp điều tra, đồng thời thuyết phục, động viên để đối tượng thành khẩn khai báo, cúi đầu nhận tội.
Trong quá trình điều tra vụ án thuộc thẩm quyền, Đội đã mở rộng điều tra, phát hiện ra vụ án trộm cắp tài sản vào ngày 23.6.2016 tại thôn 2, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin. Thủ phạm là Đỗ Cao Nghĩa, sinh năm 1991 ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột. Nghĩa cùng đồng bọn đã thực hiện 11 vụ trộm cắp xe máy trong vòng 2 tháng (tháng 5 và tháng 6.2016). Đội đã phối hợp cùng Cảnh sát điều tra của TP. Buôn Ma Thuột đã phá tan đường dây trộm cắp xe máy đi tiêu thụ cả ngoài tỉnh. Đỗ Cao Nghĩa cùng đồng bọn đã chịu hình phạt thích đáng.
Một vụ án được phá nhanh nhất là vụ án hiếp dâm trẻ em. Ngày 5.5.2015, tiếp nhận đơn tố cáo của cháu Trần Thị S. sinh năm 2000, trú tại thôn 4, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin. Do quen biết qua mạng Zalo, ngày 4.5.2015, cháu theo lời hẹn đã đến nơi vắng người tại khu vực Suối Đá thuộc địa phận thôn 3, xã Ea Hu. Tại đây, cháu đã bị cưỡng hiếp. Qua mô tả của nạn nhân và hình ảnh thu thập từ mạng Zalo, chỉ sau một ngày kẻ phạm tội đã bị bắt. Kẻ đó là Nguyễn Minh Thuân, sinh năm 1993 ở buôn Ko Êmông, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin. Khi phạm tội hắn mới 25 tuổi mà phá hoại đời của cháu bé 15 tuổi. Đó cũng là lời cảnh tỉnh mặt trái của mạng xã hội. Lứa tuổi thanh thiếu niên còn thiếu nhận thức, kết bạn còn không rõ nguồn gốc, dễ di hận về sau.
Đội Điều tra tổng hợp được thành lập ngày 20.4.2015 trên cơ sở được tách ra từ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Tuy mới thành lập nhưng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, giải quyết một khối lượng công việc rất lớn, đáng nể trọng như: Xem xét 285 tố giác và tin báo về tội phạm; thụ lý điều tra 137 vụ án với 215 bị can; xác minh, phân loại, chuyển cơ quan xử lý đúng thẩm quyền hàng trăm đơn thư khiếu nại. Hoạt động tố tụng luôn đảm bảo tính khách quan, thượng tôn pháp luật là tiêu chí bất biến.
Làm việc với tôi, Đội phó Hà Trọng Sơn luôn nhắc tới Đội trưởng, Đại úy Đặng Ngọc Thỏa cùng đồng đội luôn sát cánh với mình. Đội trưởng cũng sinh năm 1984, quê ở Thái Bình, đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào: “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” giai đoạn 2013-2018, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở liên tiếp các năm 2015, 2016, 2017, 2018. Vợ anh Thỏa là chị Hoàng Lệ Thủy công tác ở Đội Văn phòng nên có điều kiện chăm sóc hai con cho anh yên tâm điều tra tổng hợp.
Đội phó Hà Trọng Sơn cũng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2013, 2015, 2017, 2018. Cả hai đồng chí được đề nghị Bộ Công an khen thưởng.
Ngoài hai đồng chí chủ chốt của Đội, nhiều người khác cũng có thành tích nổi trội, được Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen như các đồng chí: Nguyễn Như Trung, Nguyễn Thị Vân Anh, Lê Kiên Cường, Nguyễn Huy Tùng.
Tôi chú ý đến 3 nữ đồng chí. Làm cảnh sát thì ở đội nào cũng đáng ngả mũ, mà đây lại ở Đội Điều tra tổng hợp. Không những thế còn được khen thưởng như Nguyễn Thị Vân Anh. Chị người Thái Bình, sinh năm 1986, có con gái 5 tuổi mà vẫn làm tốt nhiệm vụ. Chị Nguyễn Thị Nga sinh năm 1983, quê ở Thanh Hóa, đã có hai con vẫn làm tròn phần việc được giao.
Có một người mà tôi có thể gọi là cháu cả về tuổi tác và sự quen biết. Sự thực tôi không nhớ nhưng cháu nhận ra tôi, nhắc lại lai lịch. Cháu là Phan Lê Hà. Có họ kép là do bố họ Phan, tên là Kỷ, trước ở Công an TP. Buôn Ma Thuột. Mẹ cháu là Lê Thị Lan làm kế toán của Hội Văn nghệ. Khi bố mẹ cháu cưới nhau chưa có nhà riêng, còn ở một phòng của cơ quan Hội Văn nghệ. Thời gian thấm thoát đã 30 năm. Mừng cho cháu theo nghiệp bố. Cháu sinh năm 1990, đúng vào năm Đại hội thành lập Hội Văn nghệ, nay gặp cháu làm Công an ở Cư Kuin.
Ngoài cán bộ, chiến sĩ của Đội là người Kinh còn có một đồng chí là người Mường, quê ở Thanh Hóa đầu quân vào Cư Kuin, đồng cam cộng khổ, có tên rất đẹp: Lê Kiên Cường. Tôi tin anh sẽ làm được như cái tên của mình. Anh cũng là một trong số các đồng chí được cấp trên khen thưởng.
Đã qua rồi các vụ cộm cán về gỗ lậu, về cắt trộm dây tiêu để bán làm tiêu giống, vụ tín dụng đen của các công ty trá hình. Những vụ trộm cắp lặt vặt giảm hẳn, trả lại Cư Kuin sự yên bình vốn có.
Cư Kuin là huyện có nhiều giáo dân, chiếm một nửa số dân của huyện, tập trung tới 9 giáo xứ. Đại tá Nguyễn Văn Sỹ trăn trở, xây dựng 4 mô hình giáo xứ để giáo dân vừa kính chúa, yêu nước, vừa giữ gìn an ninh trật tự cho cuộc sống tốt đẹp hơn (Cư Kuin có 55.000 giáo dân trong tổng số gần 146.000 người).
Cư Kuin gần Buôn Ma Thuột nên nhiều khi từ Buôn Ma Thuột về Cư Kuin gây án và ngược lại. Tình hình an ninh đòi hỏi cái đầu lạnh và trái tim đầy nhiệt huyết để Cư Kuin càng thay đổi diện mạo, hứa hẹn cuộc sống ấm no hơn.
Rời Cư Kuin, xe nhằm hướng về Buôn Ma Thuột, tôi nhẩm lại cái kết của bài thơ Hẹn với Cư Kuin. Thơ nói thay cho lời tạm biệt và hẹn ngày tái ngộ để gặp lại Công an Cư Kuin, trong đó có Đội Điều tra tổng hợp:
            Thì có một Cư Kuin để nhớ
            Để thầm mong hò hẹn với đất này
            Nâng ly rượu ôm cả chiều suy cảm
            Rượu tâm tình không uống cũng say!
                                                                                    Tháng 6-2019



Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

ĐÂU PHẢI LÀ VIỆC DỄ bút ký dự thi của H’LINH NIÊ - CHƯ YANG SIN SỐ 323 THÁNG 7 NĂM 2019


Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”






Huyện Cư Kuin với tôi không phải là cái tên xa lạ, bởi nhiều sự gắn bó thân thiết để có nhiều lần lại qua. Đầu tiên, đây là quê của thầy giáo Y Yut HWing, người làm nên bộ chữ Êđê, sau nữa, vợ chồng nghệ nhân đã  hơn 90 mùa rẫy Aê Jek và Aduôn Jek. Ông, có thể làm và tấu được nhiều loại nhạc cụ từ tre nứa như đing năm, goong rêng, đing buôt, đing bro… của tộc người Êđê. Bà, theo lời tôn vinh vui vui của nhạc sỹ Nguyễn Cường “Là người hát Arei – dân ca Êđê - hay nhất Việt Nam”, thuộc rất nhiều làn điệu cổ. Tiếp tới là ông anh họ lừng danh cá tính mạnh mẽ và cương quyết Y Luyện Niê Kdam, rời xa chính trị để làm chủ trang trại; rồi đến người bạn vong niên, vị nữ “tù trưởng” nguyên chủ tịch xã Ea Tiêu, Phó chủ tịch UBND huyện, Amí Bưng phúc hậu, đằm thắm mà cũng không kém phần quyết liệt. Còn một nhóm những học trò thanh nhạc, sư phạm nhạc, quản lý văn hóa... mà tôi “hơi bị” yêu thương hơn cả là nữ ca sỹ H’Zi Na B.Ya, người từng vượt mặt hàng mấy trăm thí sinh để chiếm lĩnh vị trí số một của cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, hình như là năm 2014. Trong tôi, Cư Kuin tựa một tráng niên, tuy chỉ mới 12 tuổi mà lớn bổng lên diệu kỳ như dũng sỹ Dam Kteh Mlan, Xing Nhã trong các trường ca, sử thi Êđê. Vùng đất đầy ắp truyền thống văn hóa độc đáo, bình an và no ấm, có không nhỏ đóng góp của những người chiến sỹ công an, có khi lặng thầm như những mạch ngầm chảy sâu trong lòng đất.
Khu làm việc của Công an huyện Cư Kiun khang trang, rợp bóng sao xanh, muồng đen, bằng lăng… khiến ngồi trên các ghế đá trong vườn dịu mát hơn hẳn trong nhà, thú vị ngắm đám hoa chò nâu bị chàng gió ham chơi trêu ghẹo, xoay tít, vòng vòng trên không rồi nhẹ nhàng đậu xuống nằm ngoan trên đất. Dù chưa biết chúng tôi là ai, lơ ngơ chờ nơi tiền sảnh, nhưng các chiến sỹ qua lại đều lịch sự và thân thiện với nụ cười trên môi, trẻ trung, thậm chí trai thanh gái lịch như sức trẻ của huyện.
Ở phòng truyền thống, có 2 cờ Đơn vị xuất sắc Vì an ninh Tổ quốc khối cấp huyện, còn có tới 22 chiếc Bằng khen, Giấy khen của Thủ tướng chính phủ, Đảng bộ, UBND, Giám đốc Công an tỉnh tặng cho đơn vị Quyết thắng, đơn vị Kiểu mẫu… Đạt được như thế đâu phải dễ với một đơn vị chỉ mới 12 năm thành lập, lại vốn “sở hữu”  tới 3 điểm nóng của cả tỉnh về tôn giáo, dân tộc và các loại tội phạm. Họ là một tập thể tràn đầy sức trẻ, mạnh cả về chuyên môn, bản lĩnh, lẫn ý thức trách nhiệm và tinh thần đồng đội.
Thượng tá Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng công an huyện cho biết: đơn vị có 11 đội nghiệp vụ, thì  riêng Đội an ninh đã gánh nhiệm vụ của 7 phòng chuyên ngành trên Công an tỉnh. Thế nên tôi “bám” ngay đội trưởng, Đại úy Trần Xuân Phi để được tìm hiểu một trong những đội 5 năm liền được UBND huyện tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh trên một địa bàn khá gai góc của cả tỉnh, với 28 dân tộc anh em, 50% người dân theo đạo, trong đó có tới 26 buôn người dân tộc Êđê, gồm cả các buôn vốn thuộc dạng có “thâm niên dai dẳng” về những hoạt động liên quan tới lực lượng Fulro, Hội Thánh tin lành đấng Chrits ở nước ngoài.
Sinh năm 1983, Trần Xuân Phi quê gốc ở Hà Tĩnh được coi là lớn tuổi đời, tuổi nghề với  thâm niên 12 năm công tác trong ngành. 5 năm liền là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, hai lần được Bằng khen của Bộ Công an. Anh và 28 thành viên của đội, trong đó có 7 chiến sỹ người dân tộc thiểu số, 80%  đã từng miệt mài trên ghế trường Đại học An ninh, nhiều người thuộc chuyên ngành điều tra tội phạm. Do đó mà tập thể đội vững vàng về nghiệp vụ, gắn bó với nhau không chỉ bằng nhiệm vụ, sự tận tâm, mà còn cả tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Nước da ngăm ngăm, dáng đầm đậm, ở Trần Xuân Phi toát lên vẻ trầm tĩnh của một người tự tin với công việc của mình (ngược với Đại úy Lê Văn Hùng - Đội phó, trông rất thư sinh, có đôi chút lãng tử).
Công việc của đội hầu hết là bám địa bàn, bám dân, làm nhiệm vụ trinh sát điều tra nắm tình hình an ninh chính trị trong toàn huyện. Tham mưu, lãnh đạo đơn vị chỉ đạo, giải quyết tình hình ngay từ cơ sở, không để kéo dài hình thành các “điểm nóng”. Trong những năm qua, đội đã nhiều lần thành công trong việc điều tra phá án. Khó nhất là những vụ việc liên quan tới đạo Tin Lành trong giáo dân người dân tộc Êđê.
Chỉ kể từ năm 2018 trở lại đây, như vụ đấu tranh với đối tượng  Y J. B. Krông, 45 tuổi, ở một buôn luôn là điểm “nóng” về vấn đề tôn giáo và Fulro – đã dùng mạng Internet liên hệ nhận sự chỉ đạo từ nước ngoài của tổ chức UMCC. Hay các đối tượng Y B. Bdap,  Y K. Bdap… Công an thường khó tiếp cận các đối tượng đã có sự phòng thủ, thậm chí đã qua đào tạo, sử dụng những thủ đoạn rất tinh vi. Làm sao để có đủ chứng cứ rõ ràng? Xử lý thế nào với những đối tượng đã đi tù về được quà tặng của Quỹ Tù nhân lương tâm ở nước ngoài (rồi đăng hình lên mạng khoe, nhưng sử dụng kỹ thuật làm nhòe khiến khó nhận ra), để gọi hỏi, đấu tranh? Kết hợp tuyên truyền, vận động với những lập luận có lý có tình về chính sách tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc của nhà nước Việt Nam, buộc các đối tượng phải cúi đầu nhận sai trái, cam kết không tái phạm. Sau đó lại bàn giao cho các chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong các buôn quản lý, giáo dục.
Hay vụ lừa đảo cho vay ở buôn Cư Knao, xã Hòa Hiệp. Được tin có 15 hộ đồng bào dân tộc Êđê bị đối tượng Amí K. sinh năm 1982, ở buôn Ea Bhôk lợi dụng sự thiếu hiểu biết, mù chữ, khác biệt về ngôn ngữ của bà con, lừa đảo cầm sổ đỏ vay chỉ vài triệu, nhưng thị tự nhận vài trăm triệu của một người chủ nợ ở xã Ea Hu. Số tiền nợ của thị hiện đã lên tới vài chục tỷ đồng. Đội đã tiến hành vận động bà con vượt qua sự e dè, sợ hãi để hợp tác cùng công an làm công tác điều tra. Đồng thời phát hiện vụ văn phòng trá hình thực hiện cho vay “tín dụng đen” của hai công ty Hỗ trợ tài chính Cư Kuin và Thành Tín, giao sang hình sự để tiếp tục giải quyết theo luật pháp.
Hoặc việc 11 bà con dương biểu ngữ phản đối Nhà nước cho Trung Quốc thuê đất làm đặc khu ở chợ Hòa Hiệp. Đại úy Lê Văn Hùng, Đội phó phụ trách tôn giáo cùng đồng đội đã vận động được linh mục Truyền ngay buổi chiều đó trên bậc thềm nhà thờ giáo xứ Kim Phát, không chỉ giải thích mà còn kêu gọi giáo dân đừng bị kích động dấn mình làm những việc trái pháp luật. Đồng thời cử thành viên Hội đồng giáo xứ, cùng với chính quyền và công an, xuống tận cơ sở hỏi han, giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu việc làm sai trái của mình. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp giữa chính quyền, công an và tôn giáo, đến nay đã có 6/9 giáo xứ thực hiện được đủ 3 an toàn: tài sản, con người và địa bàn. Có lẽ việc này cũng chỉ mới có ở Cư Kuin.
Người Việt Nam vốn có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Hình ảnh đẹp về làng quê Việt luốn gắn với cây cau, dù ở bất cứ nơi đâu. Cư Kuin là một vùng cau có chất lượng. Việc chế biến và bán qua biên giới giá cao có lợi về kinh tế cho người dân. Quần chúng báo tin có 03 đối tượng người Trung Quốc lợi dụng danh nghĩa du lịch lưu trú trái phép tại các lò cau ở hai xã Ea Tiêu, Ea Bhok. Sau 2 tuần trinh sát, bằng các hoạt động nghiệp vụ để có chứng cớ hình ảnh chứng minh, Đội đã tiến hành kiểm tra hành chính và mời Trần Phạm Q.D. tại cơ sở ở buôn Ea Mtă A lên làm rõ sự việc. Mặc dù các đối tượng người Trung Quốc dùng ôtô bỏ chạy, khi bị bắt giữ đã gọi điện về sứ quán xin can thiệp, nhưng xét thấy chưa có biểu hiện vi phạm an ninh quốc gia, và để đảm bảo quyền lợi kinh doanh của cả hai bên, cũng như kinh tế của người dân vùng cau, đơn vị đề xuất với cấp trên ngoài việc xử phạt hành chính chủ lò cau 45 triệu đồng, đã hướng dẫn và hỗ trợ cơ sở làm các thủ tục, cho phép 01 người Trung Quốc ở lại làm cố vấn chế biến đến khi hết vụ thu hoạch.
Không phải dễ dàng gì khi hoàn thành các nhiệm vụ trên. Toàn đội, đa phần là chiến sỹ trẻ, từng phải vượt qua những khó khăn ban đầu khi tiếp xúc với giáo dân hay đồng bào dân tộc, bởi những sự khác biệt không chỉ về ngôn ngữ, tâm linh mà cả lối sống, thậm chí là trong cả việc ăn uống khi có lúc phải nằm lại cơ sở vài ba tháng. Đến cả Thượng úy H’Nghia Ê Ban, là người dân tộc Êđê, cha mẹ ở ngay xã Ea Tiêu, khi mới tiếp cận buôn cũng bị người dân chửi xéo vì “làm công an”, thậm chí còn quay phim, chụp ảnh tung lên mạng, gửi ra nước ngoài, đe dọa. H’Nghia vẫn không nản lòng, kiên trì nhiều lần đi lại tiếp xúc, gặp chính những đối tượng “có vấn đề” như Y K., Y B., Y T... để vận động và tuyên truyền. Đến bây giờ bà con coi như người nhà, mỗi lần xuống địa bàn đều được đon đả mời chào, chèo kéo về chơi. H’Nghia cười  “Hồi trước em công tác ở Krông Păc, mới chuyển về Cư Kiun được 1 năm. Nay vẫn được người dân bên ấy gọi điện thăm hỏi”.
Không chỉ làm nhiệm vụ điều tra, nắm tình hình, trong năm 2018, Đội còn gặp gỡ, tiếp xúc gần 700 lượt các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong vùng dân tộc, tôn giáo, hơn 600 lượt đối tượng liên quan tới Fulro  (trong đó có 17 đối tượng được ra tù) để tuyên truyền, vận động, không để xảy ra vấn đề gì phức tạp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đội còn trực tiếp kêu gọi các đơn vị từ thiện trong năm 2018, phát 130 suất quà trị giá 1 triệu/ xuất cho các buôn. Hoặc 70 suất quà cho người nghèo ở buôn Ea Khit không phân biệt người trong hay ngoài “nhóm truyền giảng phúc âm”… đã khiến người dân cảm động, tin yêu, sẵn sàng hỗ trợ khi công an cần giúp đỡ.
Cho dẫu đến với nghề từ nhiều nguyên nhân khác nhau, người thì vì gia đình nghèo, vào trường công an không phải đóng học phí, ra trường có việc làm; người thì vì tò mò, ưa thích sự phiêu lưu; người lại do sự định hướng, khuyên nhủ của người thân… nhưng tập thể Đội An ninh công an huyện Cư Kuin vượt qua những khó khăn ban đầu đã và đang bên nhau, trở thành một tập thể yêu nghề, luôn đoàn kết, gắn bó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền Chi bộ được công nhận trong sạch, vững mạnh.
Tháng 4 tháng 5 là đỉnh điểm của giai đoạn đỏng đảnh chuyển mùa ở Tây Nguyên, giờ đã bước hẳn vào mùa mưa, bớt dần những ngày nắng như đổ từng chảo lửa xuống trần gian. Mưa cao nguyên chợt đến, chợt đi, lúc ào ạt, khi rả ríc, núi đồi, cỏ cây no nước khoác áo xanh rời rợi.
Vào mùa làm rẫy, các con đường nhựa dẫu qua buôn Ea Tiêu, Ea Wy hay ngoài phố thị Ea Bhok đều vắng người (khác với sự tấp nập bán mua ở chợ Trung Hòa, cách trung tâm huyện vài cây số) quanh co, uốn lượn chạy dài theo những bờ lô tiêu, cà phê, trái cây, đẹp, xanh cứ như chưa bao giờ được xanh đến vậy khiến nhà thơ Hữu Chỉnh phải say đắm thốt lên: “đường lượn quanh như đôi mắt khép/ để hàng cây xanh như chải bờ mi”. 
Chỉ trên đoạn rẽ vào khu hành chính của huyện thôi, những buồng chuối mập mạp ven bờ bao kéo nghiêng thân  cây mẹ, sầu riêng trĩu cành, vườn tiêu, cánh đồng đậu trái lúc lỉu rung rinh thập thò trong mắt lá. Những thửa đất bazan đỏ au ấp iu bao mầm bắp xíu xiu rụt rè nhô lên xòe cặp lá nhỏ ngơ ngác nhìn  đất trời. Đã sang tháng 6 rồi mà lũ bướm vẫn tíu tít lượn vòng trong vũ khúc hoan ca của trời xanh và nắng vàng. Tất cả toát lên sự bình yên, no đủ của một miền quê yên ả và đang trên đường đi tới sự giàu có. Đó cũng chính là chiến công không nhỏ và không dễ của những người chiến sỹ “Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.,.

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

THỦ LĨNH SĂM BRĂM ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ sáng tác của TRƯƠNG BI - CHƯ YANG SIN SỐ 323 THÁNG 7 NĂM 2019






Săm Brăm tên thật là Mang Lo, cha ông là người Chăm, mẹ ông là người Êđê. Ông sinh ra tại buôn Mang Chăm, thuộc vùng giáp ranh Phú Yên – Đắk Lắk. Ông lớn lên theo nghiệp cha làm thầy thuốc. Sống bằng nghề bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người nên ông đi nhiều, đến nhiều địa phương khác nhau. Nhờ vậy mà ông hiểu được nỗi thống khổ của người dân mất nước. Trong những chuyến đi này, ông may mắn gặp được những người Cộng sản, nhờ vậy mà ông đã giác ngộ và nuôi chí đứng lên cứu nước.
Rồi ông dấy binh khởi nghĩa. Trong những ngày đầu khởi nghĩa, thủ lĩnh Săm Brăm gặp rất nhiều khó khăn. Đa số thanh niên trai tráng sợ giặc Pháp, theo gia đình chạy vào rừng lánh nạn, nên công việc tuyên truyền vận động dân chúng tham gia nghĩa quân vô cùng gian nan. Thế là ông học kinh nghiệm chiêu mộ nghĩa quân của thủ lĩnh N’Trang Lơng. Ông mời các nghệ nhân biết kể sử thi đến các buôn làng của người Êđê, M’Nông, Jarai, Bana, Xê Đăng, K’Ho… để kể sử thi. Theo tập tục của người Tây Nguyên, chỉ có kể sử thi thì mới tập hợp được đông đảo dân chúng. Nhờ vậy mà Săm Brăm đã biến việc nghe kể sử thi thành cuộc tuyên truyền vận động thanh niên tham gia nghĩa quân. Với cách làm này, nghĩa quân của thủ lĩnh Săm Brăm lúc đầu mới có 50 người, chỉ sau một mùa rẫy đã lên đến 50.000 quân. Ông đặt tên cho cuộc khởi nghĩa này là Phong trào “Nước xu” (yêu nước). Căn cứ nghĩa quân của ông không chỉ ở địa bàn rừng núi Đắk Lắk, Phú Yên, JaLai, mà còn lan rộng sang địa bàn Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương và sang các bộ tộc Lào, Khơ Me. Ở những địa bàn này đều có các tù trưởng tài giỏi lãnh đạo và có tiềm lực kinh tế để nuôi quân đánh giặc. Do vậy mà nhiều đồn bốt của giặc Pháp ở Tây Nguyên bị nghĩa quân của Săm Brăm lần lượt tiêu diệt, làm cho binh lính Pháp hoang mang giao động và Khâm sứ Trung kỳ ngày đêm lo lắng, mất ăn, mất ngủ, liền tổ chức nhiều cuộc đánh lớn hòng tiêu diệt nghĩa quân của thủ lĩnh Săm Brăm.
Một hôm, Công sứ tỉnh Đồng Nai là Luysiêng Ăngê mở một trận càn lớn và bắt được một chỉ huy thuộc nghĩa quân của Săm Brăm ở Lâm Đồng. Sau khi khai thác vị chỉ huy này, Công sứ Đồng Nai đã viết báo cáo gửi Khâm sứ Trung kỳ: “Săm Brăm là nhân vật có chòm râu dài. Ông ta là gốc người Êđê, biết nói tiếng Kinh, tiếng Chăm, tiếng Lào, tiếng Khơ Me và cả tiếng Pháp. Đôi khi ông ta biến thành con rắn và sống dưới biển, đôi khi ông ta trở lại thành người và sống trong rừng. Sự di chuyển của ông ta như gió, như mưa dông…” (Mật báo số 71 c,77c của mật thám Pháp).
Sự đồn đại ấy đã làm tăng thêm uy tính của thủ lĩnh Săm Brăm và nghĩa quân của ông. Từ đó nghĩa quân của Săm Brăm phát triển khắp nơi, làm cho quân Pháp vô cùng lo sợ.
Năm 1938, Công sứ Pháp tại Đắk Lắk đã cử Đồn trưởng Buôcgơri tổ chức một cuộc càn quét lớn vào các căn cứ nghĩa quân bằng máy bay, xe bọc thép và đại bác cùng hàng nghìn quân. Biết được tin này, thủ lĩnh Săm Brăm liền cho nghĩa quân cải trang thành dân thường vào ở với dân trong các buôn làng Tây Nguyên. Khi quân Pháp càn đến các khu căn cứ, chúng thấy nhà không, rừng vắng, nên càng tức giận.
Trong những ngày này, thủ lĩnh Săm Brăm đã đóng giả thầy thuốc đi chữa bệnh cho dân ở khắp các buôn làng Tây Nguyên, nhằm nắm tình hình, trấn an tinh thần nghĩa quân và dân chúng. Buổi tối, ông mời các nghệ nhân kể sử thi cho mọi người nghe để động viên tinh thần chiến đấu của nghĩa quân.
Một hôm, thủ lĩnh Săm Brăm đang tổ chức kể khan Êđê ở một ngôi nhà dài tại buôn Êa Khanh, thuộc địa bàn Cheo Reo, thì có tin quân Pháp đang tiến vào buôn. Nhờ có mật thám chỉ điểm, nên chúng bắt được ông. Giặc Pháp đưa ông về giam tại nhà đày Buôn Ma Thuột.
Một tháng sau, Tòa án phong tục Đắk Lắk xử ông 10 năm tù và phạt 500 đồng bạc Đông Dương. Sau đó ông Săm Brăm gửi đơn kiến nghị lên Khâm sứ Trung kỳ. Vì lúc ông bị bắt là đang chữa bệnh cho dân, chứ không có hành động chống lại quân đội Pháp ở Tây Nguyên, nên tòa án phong tục Đắk Lắk xử lại vụ này, ông được ân xá chỉ phạt 5 năm tù và chỉ nộp phạt 250 đồng bạc Đông Dương.
Cách mạng Tháng Tám-1945 thành công, ông Săm Brăm được các chiến sĩ của ta cứu ra khỏi nhà đày Buôn Ma Thuột. Ông trở về gặp lại nghĩa quân của phong trào “Nước xu” tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân, chống lại bọn phản động, bảo vệ thành quả của cách mạng.
Tháng 5-1946, thủ lĩnh Săm Brăm được Bác Hồ mời ra Hà Nội dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc. Trong những ngày dự Đại hội, ông Săm Brăm được Bác mời cùng ăn cơm. Bác ân cần thăm hỏi sức khỏe và đời sống của đồng bào Tây Nguyên và gia đình ông. Bác khen ngợi phong trào “Nước xu” do ông lãnh đạo. Trước khi chia tay, Bác Hồ tặng ông thanh bảo kiếm (do bộ đội ta tước được của một tướng Nhật). Bác căn dặn: Cụ hãy dùng thanh bảo kiếm này tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân phong trào “Nước xu” đánh thắng mọi kẻ thù khi chúng đặt chân lên núi rừng Tây Nguyên, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng nước nhà.
Thủ lĩnh Săm Brăm nhận thanh bảo kiếm từ tay Bác Hồ, xúc động rơi nước mắt, rồi nói: “Cảm ơn Bác! Tôi xin hứa sẽ làm thật tốt lời của Người căn dặn.”
Trở về Tây Nguyên, thủ lĩnh Săm Brăm kể lại cho nghĩa quân và đồng bào các buôn làng cùng nghe về những ngày dự Đại hội thi đua yêu nước và vinh dự được gặp Bác Hồ. Mọi người nghe kể đều xúc động và thầm hứa với Người: Đồng bào Tây Nguyên một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, cùng đồng lòng, đồng tâm ủng hộ nhiều sức người, sức của cho cách mạng, góp phần giải phóng quê hương để đón Bác vào thăm Tây Nguyên cho thỏa lòng mong ước.