Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

GIÓ THỔI LAO XAO truyện ngắn của NGUYỄN ANH ĐÀO - CHƯ YANG SIN SỐ 333 THÁNG 5 NĂM 2020


 

Ông già Sạn bị mù, ông bán vé số dọc quốc lộ từ khi nào không nhớ, với cây gậy và xấp vé trên tay, mỗi ngày ông đi qua bao nhiêu ngã tư, bao nhiêu con đường, mời người ta mua từng tờ vé số, mời nhã nhặn, mời hiền lành, “dạ thưa” với tất cả mọi người dù trước mặt ông là lớn hay bé. Ông trải qua nhiều chuyện: người ta lừa tiền, người ta giật vé, nhưng rồi nhiều người khác lại thương tình cho thêm, dư tiền thối cũng không lấy… Mọi thứ, ông Sạn để khách tính toán với mình, ông luôn tự nhủ trời thương mình, nên hổng sao đâu, mình ổn. Vậy nên ông hài lòng lắm, ông nói người ta cũng công bằng, sòng phẳng với mình ghê, bằng cớ là, hồi đó giờ, có bao giờ ông phải khốn đốn vì mất mát đâu.

Ở cùng ông già Sạn có bà Chín bán rau, lưng còng gấp như chữ L để ngược, họ ở với nhau trong cái chòi nhỏ ở bìa rừng, nơi có con suối róc rách chảy qua. Họ ở với nhau đâu cũng đôi ba chục năm, cũng từ cái này lưng bà Chín chưa có còng thành hình chữ L để ngược, từ ngày ông Sạn còn trẻ thiệt trẻ, cũng đẹp trai lắm dù có bị mù. Thương tình muốn làm đôi mắt cho người đàn ông đó mà rồi rỉ rả xin về ở chung, nấu cơm nấu cháo cho ông sau mỗi phiên chợ. Cuộc sống gì mà nhàn tênh hà, đó là ông Sạn nói vậy đó. Ờ, nhàn chớ sao hổng nhàn, bán một ngày, tối về ngồi đếm coi được mấy tiền, mà có mấy đồng đâu, không cần đếm cũng biết là trong túi mình có bao nhiêu mà, người ta giàu người ta mới bận chớ, nghèo thì nhàn tênh, thiệt mà! Vậy rồi, họ cứ cười mỗi ngày như vậy trong ngôi nhà có mái tole lủng lỗ chỗ, nắng xuyên qua tạo thành những hình tròn chồng chéo nhau từ trên tường xuống sàn đất bụi đỏ.

Ông già Sạn nói với vợ “dạo này chân tui đau quá, thôi chắc tui hổng đi nữa, tui ngồi ngay ngã tư nào đó được rồi!”. Bà Chín, người đàn bà về làm vợ ông già chưa một lần được mặc váy cưới hay cầm hoa trên tay, nhưng cái nghĩa vợ chồng nằm trong máu, trong tim của người đàn bà son sắt đó chắc tới suốt cuộc đời bà.

Vậy là ông già Sạn ngồi ở ngã tư chờ người ta dừng đèn đỏ thì mời mua vé số. Từ bữa ngồi ở đó, chân cứ mỗi ngày một đau hơn, bà Chín đi xin lá thuốc về đắp cho ông đỡ đau, chớ đi bệnh viện cái mất cả tiền trăm, tiền triệu thì tiền đâu mà đi. Lưng bà Chín còng hơn chút nữa khi cố đi sớm hơn để mua được rau ngon và rẻ hơn, rồi ở lại chợ trễ hơn để cố kiếm thêm đồng nữa cho ông đi chữa cái chân.

Đùng cái, người ta ngưng vé số 15 ngày để chống dịch, họ coi những người như ông già Sạn là những người có thể lây dịch bệnh cho cộng đồng nên cấm họ ra đường bằng cách không cho bán nữa. Chợ cũng vắng người, bà Chín cũng ế ẩm. Ngồi trong nhà hai ngày chịu không nổi ông lại ra ngã tư ngồi. Ông mua thêm bông ráy tai, bút bi rồi mấy thứ linh tinh nữa để chào mời, nhưng có lẽ vé số thì dễ bán hơn, chứ mấy thứ đó chẳng ai mua cho ông, thỉnh thoảng, có người cho ông dăm ba ngàn. Vậy rồi, vì bữa cơm mỗi ngày, ông vẫn ngồi đó và xin ăn.

Ông nghe mấy đứa nhỏ nó thủ thỉ, là tụi con đăng ông lên “phây búc” nha, ông mù, chân ông sưng chù vù, lại ngồi ăn xin nhìn thảm thiệt đó, tụi con đăng lên cái là có người giúp ông đi chữa cái chân liền hà. Ông già Sạn gật đầu, ừa, chớ cái chân nó đau quá mà, ngồi hoài một chỗ vầy cứ như ăn vạ người ta, hổng có muốn làm chút nào, ráng sao hết đau, khi người ta có vé số trở lại thì đi dạo bán như trước kia cho nó đàng hoàng, nghề gì cũng được, mình kiếm sống chân chính mà.

Chừng đâu một tuần thì có rất nhiều người tìm đến căn chòi của ông và bà Chín, họ nói họ là những nhóm từ thiện A, B, C… cho ông nào gạo, mì gói, trứng gà… Người ta biểu ông ngồi đó ôm mấy thùng quà để chụp hình, rồi họ quay phim, ồn ào cả mé rừng, tiếng cười vang qua tận bên kia con suối. Ông nghĩ, đó, ông trời cũng có lấy đi của ông cái gì đâu, lấy đi cái này thì lại bù đắp cái khác nhiều hơn. Chiều chạng vạng, hai ông bà hạnh phúc ngồi nghe chim về tổ ríu rít, nghĩ thôi ế ẩm quá, mai ở nhà nghỉ ngơi một hôm cũng được, bà nghe thấy trên loa phường người ta cũng hay khuyên ở nhà, ra đường khi cần thiết thôi. Giờ, cái ăn trong nhà có rồi, ở nhà một hôm chắc cũng không sao đâu. Nhưng mà, ông chờ có ai cho ông đi chữa cái chân, thì chưa thấy ai nhắc tới…

Chân đau, nó  đau lên tận trên đầu, nó làm ông sốt, ông rên hừ hự. Bà Chín tất tả đắp lá, chườm khăn lên trán rồi làm đủ cách mà ông vẫn sốt. Bà vét hết tiền trong túi ra nhà thuốc mua thuốc cho ông uống. Đêm đó, trời đổ cơn giông lớn, bà Chín vội đạp xe cho thiệt nhanh để đến tiệm thuốc. Tới nơi, bà đập cửa gần như van nài thì ông chủ nhà thuốc mới thức giấc. Khi bọc gói thuốc qua mấy lần nilon trong túi áo, bà vội chạy về nhà.

Chỗ ông nằm đã ướt sũng, tấm tole trên mái đã bung ra bay mất tự lúc nào. Ông Sạn lạnh ngắt, bà lay mãi mà ông không chịu tỉnh. Bà vội kê tấm phản tre lên cao hơn rồi kéo ông nằm lên đó, lôi củi đã bị mưa làm ướt ra đốt lên, bà tìm mọi ngóc ngách trong nhà có bất cứ thứ gì khô cũng đốt lên được. À, mì gói, có nhiều mì gói, mấy cái thùng carton đựng mì, chắc nó cứu được ông, chẳng nghĩ gì hết, bà xổ tung ra, lấy giấy mà đốt, vừa đốt lửa vừa khóc “trời ơi, ông ơi, cố đi, ông đừng bỏ tui, đừng bỏ tui đi trước, nghe ông!”.

Lửa cháy từ trong lòng bà Chín nó cháy ra, cháy từ bếp cháy thấu tận trời cao, nên những cây củi ướt cũng được hong khô, rồi nó bén lửa cháy lên, ấm bừng cả cái chòi nhỏ. Mưa cũng tạnh hạt. Ông già Sạn ấm lại rồi tỉnh, ổng thều thào xin miếng nước. Bà Chín gục mặt xuống ngực chồng khóc như mưa.

Sáng, ông già Sạn bảo “hay tui thấy người ta cho mì cho gạo nhiều quá, tui với bà để đây rồi vài trận mưa nữa tạt ướt nó mốc hết, không ấy bà mang ra chợ bán bớt đi, lấy ít tiền cho tui uống thuốc, sau đó tui đi bán vé số mua gạo lại, chắc hổng sao đâu!”. Nghe chồng nói có lý. Bà Chín sau khi cho ông uống thuốc hạ sốt, thì chở hai túm gạo sau baga xe đạp ra chợ.

Lúc bán gạo và cầm tiền trên tay, bà Chín gặp mấy người quen, mấy người ở hội từ thiện gì đó mà bà hổng nhớ hết, nhìn bà khó chịu lắm, bà cũng thấy ngại, ừa, tự nhiên người ta mua gạo tới cho, mình bán đi lấy tiền cũng kỳ ghê lắm, mà giờ ông già cần thuốc thì biết làm sao đây? Nghĩ thì nghĩ vậy chớ chưa kịp phân bua gì thì mấy người đó cũng đi đâu mất rồi.

Cái chân ông già Sạn đỡ sưng nhờ uống liên tục được bốn năm ngày thuốc, ông ra ngã tư ngồi xin tiếp, vì vẫn chưa tới ngày có vé số. Nhưng mà ngồi cả buổi cũng chẳng ai cho ông tiền như trước. Mấy đứa nhỏ còn giật cả cái ca nhựa trên tay ông, hét vào mặt ông “Ông già này lừa đảo tụi bây, nhà một đống gạo mang đi bán lấy tiền mà còn ra đây ngồi xin!”… Rồi cả đám lại cười hô hố, có đứa hét lên “có khi ổng giả mù cũng có!”, rồi, tụi nó giật luôn cây gậy ném ra xa, ông mò mẫm đi tìm mà tụi nó hổng cho tìm, nó bắt ông quỳ xin tụi nó thì tụi nó cho. Ông cảm thấy mệt, ông ngồi im đó, thất thần. Mấy đứa nhỏ bỏ đi, người ta thương tình nhặt cho ông cây gậy rồi ông dò dẫm đường mà đi về nhà.

Bà Chín ngồi ở mé sông, tức tưởi khóc.

- Tụi nó nói trên mạng gì đó, nói tụi mình lừa đảo, lấy gạo người ta cho đi bán, nay ra chợ không ai thèm mua gì của tui, họ nói, tui lừa đảo… mình nghèo, chớ mình lừa cái gì, ha ông?

Ông già Sạn thở dài:           

- Thôi kệ đi, rồi, ông trời ổng cũng bù cho mình thôi mà, có phải mình gặp chuyện khổ vầy lần đầu đâu!

Ừa thì mấy chục năm chẳng thoát được cảnh nghèo, cứ một công việc làm hoài, cứ chừng đó thu nhập là an yên sống, đau bệnh hay sự cố gì là thiếu trước hụt sau. Ông già Sạn thấy cuộc đời của mình cũng đã hạnh phúc rồi, có m?ït người luôn ở bên cạnh sớm hôm. Nhưng mà thi thoảng, ông nghĩ, nếu hồi đó bà Chín đừng có yêu ông, thì lưng bà chắc vẫn còn thẳng, có khi lại được mặc áo đẹp, đi xe máy… Ông đưa tay kéo bà ngồi lại gần, vòng tay ôm lấy tấm lưng đã cong xuống của bà, vuốt ve lên đó, hỏi nhỏ:

- Có hồi nào… bà thấy hối hận khi sống với tui hông?

Bà Chín vội quệt nước mắt, mắng:

- Ông khùng hả? Giờ này còn nói chuyện đó!

Ông già Sạn bỗng thấy yêu thương nhiều hơn bao giờ hết, yêu mà không thốt được thành lời, thấy trái tim mình lúc nào cũng mềm ra khi nghe tiếng của bà, mà ngay cả cái tiếng xe đạp lạch cạch của bà về ngoài đầu ngõ, đã thấy yêu rồi.

Nghĩ vậy thôi mà ông già Sạn lại cười, cười khùng khục. Bà Chín hỏi: “cười gì?”. Ông già Sạn bảo:

- Nhớ ngày bà nói hổng cho bà dìa ở chung, bà chết cho coi! Mà nghĩ coi, tui đui mù, coi sao được mà coi!

Bà Chín mắc cỡ đứng dậy đi vô nhà, miệng mắng yêu “ông già này điên rồi!”.

Ngủ một đêm họ lại quên hết chuyện đã qua, thức dậy là bắt đầu cho ngày mới, ông già Sạn vẫn ra ngồi ngã tư, bà Chín ra chợ. Nhưng mọi thứ không thể nào lắng xuống qua một đêm như họ nghĩ, vì cơn cuồng nộ đám đông dữ dội hơn những gì người ta có thể tượng tượng ra. Người ta ném tung tóe rau của bà đã thức dậy thật sớm để chọn, người ta nói bà lừa đảo, người ta nói không muốn thấy bà ở xứ này nữa…. Bà chẳng nhớ nữa, bà bỏ hết lại tất cả, lên xe đạp chạy thẳng ra ngã tư nơi ông già Sạn ngồi, bà cảm giác rằng bà cần phải đi cứu ông.

Họ lại ngồi với nhau ở trước cửa nhà mình, ông già Sạn một bên mặt sưng vù, còn rỉ máu, nắm lấy tay bà:

- Mình đi đi, đi nơi khác sống, bà đủ sức đèo tui hông, đèo được khúc nào thì đèo, hổng nổi thì mình đi bộ, chắc năm bữa nửa tháng gì đó cũng rời được nơi này, rồi mình sống tiếp.

Có lẽ, họ cũng không biết mạng là cái gì, họ không rõ hình ảnh bà Chín lưng còng đứng đếm mấy đồng tiền bán gạo từ thiện nó lan nhanh đến những đâu, họ chắc chỉ nghĩ là nó quanh cái ngã tư, hay quanh cái chợ nhỏ đó, rồi thôi…

- Tại tui, tại tui biểu bà bán gạo để lấy tiền mua thuốc, chứ không thì bà đâu có khổ, tại tui, tại tui hết, nay chân tui hết đau rồi, tui với bà đi, đi được mà…

Cách đó không xa, có nhóm trẻ đang bật máy livestream cảnh hai ông bà già đang khóc. Tụi nó đang lặng người đi, cả những cái đầu đang phừng phừng kết tội bỗng lặng người đi, cảm giác cả thế giới lặng ngắt. Trên những màn hình điện thoại đang có hình ảnh ông già mù ngồi lau từng giọt nước mắt trên gương mặt khắc khổ của người đàn bà lưng còng. Bữa đó, gió cũng thổi lao xao.

Tháng 4.2020

 


Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

THÁNG NĂM CÒN NHỚ truyện ngắn của BÍCH THIÊM - CHƯ YANG SIN SỐ 333 THÁNG 5 NĂM 2020


 

 

Đã bước xuống xe, đóng cửa rồi ông Nam lại lật đật quay lại lấy chiếc mũ rộng vành đội. Nắng. Nắng quá. Mới có 8 giờ sáng mà mặt trời đã lên ngang lưng trời. Ánh nắng xói trên gáy, trên trán người. Đôi mắt kiếng của ông nóng ran. Mặt đường rung rung làn hơi nóng bốc lên trong không khí. Làn gió trốn đâu mất tăm khiến trời càng oi bức hơn.

- Ông tới chưa?

Tiếng ông bạn vọng ra từ điện thoại khiến ông sực nhớ và lấy ra coi. Té ra khi nãy ông quên chưa thoát cuộc gọi zalo.

- Tôi đến rồi đây. Bắt đầu đi vào.

- Nhang, hoa...có chưa?

- Rồi, rồi. Yên tâm đi. Ông Nam vừa nói vừa giơ cho người bên kia thấy bịch đang xách ở tay. Bó hoa cúc vàng, thẻ nhang to, chai nước...

- Thuốc! Thuốc đâu?

- Đây đây. Gớm, ông cứ lo. Cứ yên tâm mà ở trong nhà chống dịch đi! Tôi sắm đủ hết rồi, nhá

-Ừ! Thôi mọi sự ông lo cho tôi. Nói với nó tôi vẫn ổn. Hết dịch tôi vào, nha!

-Ô văn kê! Yên tâm. 

Cất điện thoại vào túi áo, bước những bước nhanh nhẹn trên con đường bê tông rộng rãi, ông Nam tiến vào khuôn viên nghĩa trang. Vừa bước vào trong cánh cổng, ông bỗng sựng bước chân lại. Cả khoảng sân đầy nắng bỗng dậy lên mùi cà phê thơm nức. Ông nhìn quanh. Ngoài bức tường xây ngăn cách với khu dân cư ra thì có hàng quán cà phê nào đâu? Ông đi tiếp vào trong. Cả khu nghĩa trang rộng nằm im trong ánh nắng rung rinh, thấp  thoáng một số người đi viếng. Những cái bóng lấp lóa mơ hồ dịch chuyển từ ngôi mộ này sang ngôi khác chậm rãi, nhẹ nhàng.

- Chú ạ!

Ông nheo mắt gạt giọt mồ hôi lăn vào má xót mặn để khẽ gật đầu chào lại. Cô gái mặc áo xanh tình nguyện đang thắp nhang bên ngôi mộ có tấm bia ghi tên liệt sỹ đã bạc màu thời gian, chính là mộ của bạn ông. Cô ngẩng lên, nhìn ông lễ phép:

 -Chú đi viếng mộ ạ?

- Ừ! Ông vừa nói vừa xếp đĩa trái cây, bó hoa trước mộ. Cô gái cầm hai chiếc li nhỏ lên, rửa, tráng rồi rót đầy nước và đặt cạnh đĩa hoa quả trước bát nhang. Ông Nam thắp và đưa cho cô ba cây nhang, hai chú cháu chắp tay vái rồi cắm vào bát nhang đầy những chân nhang mới có, cũ có. Không một lời nào, hai người tự nhiên như đã quen lâu lắm rồi.

- Năm nay bạn chú không đến ạ?

Đang pập pập điếu thuốc rồi đặt ngang trên miệng ly trước bát nhang bạn, ông hơi ngạc nhiên nhìn cô gái.

- Chú gì mọi khi hay đi cùng chú ấy. Cháu thấy hai chú năm nào cũng đến đây nên cháu hỏi. Cô gái hơi lúng túng giải thích trước cái nhìn của ông.

- Ừ, đấy là Tiến, bạn chú. Tụi chú cùng quê ở Hà Nội, vốn là lính và cùng tham gia chiến dịch Buôn Ma Thuột. Trong trận đánh ấy, đơn vị chú có nhiệm vụ đánh vào khu tăng thiết giáp của địch tại thị xã. Bọn chú vào đến nơi tập kết vào lúc tờ mờ sáng. Địa điểm tập kết là khu nghĩa địa của dân, đất toàn sỏi đá nên không đào được công sự. Tụi chú nép sau những ngôi mộ của đồng bào để trú ẩn. Do hành quân cả đêm nên ai cũng thấm mệt và đói. Tụi chú chia nhau mấy phong lương khô và nằm nép cạnh ngôi mộ xây để ăn lót dạ. Chú vừa ăn xong, định tranh thủ chợp mắt bỗng “roẹt roẹt, chíu chíu” và lửa đạn lòe lên. Té ra trên chốt gác bọn giặc đã phát hiện ra. Ngay lập tức, chú lăn qua phía bên kia ngôi mộ, kê súng và bắn về phía chòi gác đó. Giặc bắn đạn như vãi trấu về phía đơn vị chú. Khu tăng thiết giáp của địch được rào bởi năm lớp dây thép gai. Hai hàng rào kép ở ngoài, hàng thứ ba là rào bùng nhùng, còn hai hàng rào trong là rào đơn. Theo sự phân công của đơn vị, nhóm đồng đội ôm bộc phá lên phá hai hàng rào ngoài đã xong, đến lượt tụi chú. Lợi dụng lúc ngừng nghỉ giữa hai loạt đạn, chú Tiến trườn lên gài bộc phá vào hàng rào dây thép gai, giật nụ xòe rồi trườn nhanh về phía sau để tránh đạn. Tiếng đạn nổ, tiếng bọn giặc la hét, lửa cháy khắp nơi, mùi khói súng khét lẹt. Chú Tâm, là tiểu đội trưởng, trườn đến chỗ tụi chú, ngoắt tay tỏ ý “Tốt lắm”. Chú vừa quay sang định hỏi  chú Tiến thì thấy đen sầm trước mặt. Một lúc lâu sau chú tỉnh dậy mới thấy chú Tâm đang nằm đè lên cả chú và Tiến. Té ra chú ấy đã hứng trọn mảnh đạn pháo của giặc, thay cho tụi chú… Tụi chú thành thương binh, còn chú ấy thì đi xa mãi mãi. Ông vừa khẽ nói vừa vuốt ve cạnh tấm bia trên mộ ông Tâm.

- Chú Tiến giờ ở đâu ạ?

- Sau khi hòa bình, Tiến ra Hà Nội, học tiếp Đại học, rồi lấy vợ và công tác ngoài đó. Còn chú…Ông cười, hóm hỉnh: Chú được bà xã bắt rể đất này nên giờ là công dân ở đây rồi. Năm nào chú Tiến cũng vào đây dịp này, tụi chú thăm lại chỗ trận đánh đó, thăm bạn mình, ân nhân của tụi chú. Còn cháu, cháu cũng đi viếng người thân à?

- Dạ, không ạ. Nhà cháu ở phía ngoài kia, năm nào Đoàn Thanh niên chúng cháu cũng vào đây viếng và thắp nhang cho những ngôi mộ, nhất là những ngôi không có người thân đến. Các bạn cháu vừa ra ngoài cổng đấy.

-À, ra thế. Các cháu đã làm một việc thật ý nghĩa.

- Dạ, cũng là việc nên làm, cần làm thôi. Nếu không có các chú đánh giặc thì làm sao chúng cháu được như ngày nay ạ.

- Reng…reng!

Điện thoại rung lên. Ông Nam lấy điện thoại và nghe. Màn hình sáng lên cho ông thấy bên kia, Tiến bạn ông mặc quân phục chỉnh tề, đang đứng trước bàn thờ nơi phòng khách. Trên bàn thờ, hình các cụ thân sinh của ông khuất sau lư hương đang cháy, một đĩa hoa quả, đôi ly nước.

-Sao rồi ông? Cho tôi ngắm ông ấy cái. Mà ai kia?

-À, đây là cháu…

-Hà ạ! Cô bé khẽ nhắc ông Nam.

-Cháu Hà nhà ở gần đây. Các cháu là đoàn viên, đến viếng các liệt sỹ vào dịp này hàng năm. Chú cháu tôi vừa mới gặp nhau ở đây. Đây, ông nhìn xem tôi thay ông thăm bạn được chưa nhé! Ông Nam vừa nói vừa lia điện thoại quanh ngôi mộ để cho ông Tiến quan sát. Sao, ông thấy sao?

-Ờ, được đấy. Ngoài này tôi cũng vừa lên hương cho các cụ nhà tôi, và có khấn thêm cho anh Tâm… Ông làm vậy là tôi yên tâm rồi.

-Chú ơi! Cho cháu chào chú Tiến một câu được không ạ?

Hà khẽ nói, ông Nam cầm máy và nói to: Ông này, cháu Hà muốn nói chuyện với ông. Ông hơi hạ giọng: cháu khi nãy đang hỏi tôi, chú mọi khi vẫn đi cùng chú đâu. Là năm nào tụi mình đến đây dịp này cháu nó cũng biết đấy. Này, cháu nói chuyện đi!

-Dạ, alô. Cháu chào chú! Cháu là Hà, nhà ở gần đây. Năm nào cháu và các bạn trong khu phố cũng đến viếng ở nghĩa trang dịp này. Vậy nên cháu mới biết là chú và chú Nam hay đến.

-Ừ, năm nay vì có dịch, chú không vào được. Chú đành nhờ chú Nam đến thăm đồng đội của chú. Nếu không có anh ấy…Ông Tiến nghẹn ngào không ra lời.

-Chú ơi! Khi nãy cháu đã được nghe chú Nam kể về sự hi sinh của chú ấy và tình bạn của các chú. Cháu rất xúc động. Nhất định hôm nay trong buổi họp chi đoàn cuối tháng, và trong các đợt sinh hoạt “Đền ơn đáp nghĩa” của chi đoàn, cháu sẽ kể lại câu chuyện cho các bạn và mọi người ở đây nghe. Cám ơn các chú thật nhiều ạ. Cháu chúc chú luôn nhiều sức khỏe chú nhé.

-Cám ơn cháu! Đợi hết dịch, hết cách ly, chắc cô chú sẽ bay vào thăm lại chiến trường xưa, thăm lại đồng đội, thăm đất và người Ban Mê kiên cường, phóng khoáng và ân tình. Khi đó, có gì cô chú sẽ đến gặp cháu và các bạn nữa nhé.

-Dạ, tụi cháu sẽ rất vui và mong được đón cô chú ngày gần nhất ạ.

 Hà mừng rỡ nói và đưa điện thoại lại cho ông Nam, màn hình còn hiển thị nụ cười của ông Tiến cùng một người phụ nữ- chắc là vợ ông- đang ghé vào cho bên này nhìn thấy. Đốt thêm một điếu thuốc nữa cho bạn, ông Nam khẽ lấy tay vuốt mép khung ảnh. Ánh nắng lấp loáng trên tấm bia, trên chân dung bạn ông. Một bóng mây bay lướt qua khiến ánh nắng dịu lại, dường như nét môi cười hóm hỉnh của người trong khung hình dành cho bạn mình, cho cô gái trẻ đứng trang nghiêm bên cạnh. Nắng lại bừng lên, tỏa sáng không gian. Dường như bóng nắng cũng nhảy nhót tung tăng theo bước chân thiếu nữ cùng tiếng cười trong veo đang tan trong làn gió thổi về từ phía chân trời bồng bềnh đôi áng mây trắng như bông.

Cư M’gar, tháng 4/2020


Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

MỘT ĐÊM MÙA DỊCH truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG - CHƯ YANG SIN SỐ 333 THÁNG 5 NĂM 2020

 



22h30’ tối, cái tin toàn khu phố bị cách ly được truyền đến tai Tĩnh lúc anh đang chuẩn bị đi làm. Đúng 11h phải có mặt để giao ca, biết tính sao đây? Còn chưa kịp nghĩ gì đã thấy tiếng bàn tán xôn xao từ dưới sân lan dần lên từng tầng khu nhà tập thể. -Tin có chính xác không?- Tôi vừa đi mua đồ ăn đêm cho vợ thấy lập hàng rào cách ly rồi. Công an đứng chắn hẳn hoi. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhưng có vài người vẫn cố tình ra vào. - Báo đăng rồi kia kìa, khu phố mình mới có một người dương tính với COVID-19. Cô này là du học sinh mới đi Châu Âu về. Thấy bảo trước khi phát hiện bệnh thì cô này đã đi ăn uống khắp hàng quán trong khu “để đỡ nhớ hương vị quê nhà”. - Còn đi hát karaoke, cà phê, lượn chợ đủ cả. - Gay nhỉ, không biết cô ấy từng ho, hắt xì bao nhiêu cái. Cả tỉ con virus bay lòng vòng khắp phố này. Eo ôi, nghĩ đến thôi đã thấy rùng mình. -Tình hình này có khi phải di tản nhanh thôi, nếu không sáng mai khi họ bố trí đủ lực lượng chốt chặn thì không ra được. Mà không ra được cũng có nghĩa không thể đi làm. Thế công việc bỏ cho ai? Lấy gì mà sống? - Ấy chết, không được. Rất có thể bọn mình đã lây từ cô kia, đang ủ bệnh trong người. Bây giờ trốn ra ngoài lỡ lây ra bao nhiêu người khác có phải rắc rối lắm không. Mình cứ nên tuân thủ quy định cách ly. Làm việc online được thì tốt, không thì đành chịu. Sức khỏe là quan trọng các bác ạ. Tĩnh ngồi bệt xuống bậc cầu thang, rút điện thoại gọi cho trưởng ca báo cáo tình hình. Anh chưa bao giờ nghĩ đến cảnh cả khu phố bị cách ly thế này. Nỗi sợ mơ hồ về bệnh tật mấy ngày trước vẫn còn ở xa xôi đâu đó giờ đã hiện hữu ngay đây. Tĩnh quay lên phòng nhìn vợ con đã ôm nhau ngủ. Nhìn đứa con bé bỏng Tĩnh không khỏi lo âu. Một nỗi bất an cứ dâng lên trong lòng Tĩnh khiến anh chìm đắm vào mớ ý nghĩ rối rắm trong đầu. Tiếng tivi phòng bên cạnh vọng sang bản tin cuối ngày “trận dịch này làm đảo lộn thế gới”. Đêm nay chắc nhiều người sẽ không ngủ được.
Tĩnh nằm mãi cũng chán, mở điện thoại ra đọc tin tức. Trên màn hình sáng lên những con số thống kê về bệnh dịch. Ở một nước Châu Âu xa xôi đã có cả nghìn người chết vì trận dịch này chỉ trong vài ngày. Dòng chữ “Nhật Bản ghi nhận thêm 676 ca nhiễm Covid-19” khiến Tĩnh khẽ rùng mình. Dịch bệnh ngay khu phố mình còn chẳng khiến Tĩnh hoang mang đến thế. Bởi anh còn có người thân đang đi xuất khẩu lao động bên Nhật. Một mình nơi đất khách quê người, lỡ có lây bệnh cũng chắc gì được cứu chữa kịp thời. Khi nhiều người nhiễm bệnh, máy móc không đủ đáp ứng thì chắc chắn họ còn ưu tiên cứu người dân trong nước. Việt Nam cũng dừng tất cả các chuyến bay chở người Việt từ vùng dịch, lúc ấy có muốn cũng dễ gì về được mà chữa bệnh. Nghĩ đến đây Tĩnh như thấy lửa đốt trong lòng. “Ngủ chưa? Chỗ em có ổn không?”. Ngay lập tức Tĩnh thấy có tín hiệu trả lời, chắc bên kia cũng không ngủ được. “Mấy hôm nay phải đi lại suốt. Ga tàu điện ngầm bên này cả nghìn người một lượt. Không thấy dân đeo khẩu trang. Khẩu trang cũng chẳng có mà mua”. “Em nên nghỉ việc ở nhà chờ qua dịch. Sức khỏe là quan trọng”. “Nghỉ thì lấy gì mà ăn. Công ty họ cũng chưa cho nghỉ. Mấy tháng nay công việc bấp bênh. Vừa ổn định thì dịch bệnh ập đến. Ai cũng sợ thất nghiệp hơn sợ dịch bệnh. Đành phải sống chung với bão thôi. Trời gọi đến ai người ấy dạ. Nhưng anh yên tâm em sẽ cố gắng giữ gìn hết mức”. Tĩnh định khuyên em vài câu nhưng thằng bé đã chào để đi làm. Ngày nào em cũng dậy lúc bốn rưỡi sáng rồi di chuyển đến công ty. Từ đó sẽ có xe đưa đến chỗ làm việc. Cả ngày di chuyển đến mười một giờ đêm mới được về nhà. Tắm giặt, lọ mọ nấu nướng ăn xong có hôm đến một giờ đêm. Em mới hai sáu tuổi mà vắt kiệt sức mình vì miếng cơm manh áo ở xứ người hỏi làm sao Tĩnh không khỏi xót xa. Nếu Tĩnh giỏi giang thì thằng bé đã không phải gồng mình gánh vác thay anh.
Quê Tĩnh nghèo lắm. Nông dân không biết làm gì ngoài trông chờ vào ít đất rừng và vài mảnh ruộng. Năm nào thời tiết thuận hòa thì đủ ăn mà hạn hán thì còn phải xoay xở đủ đường lấy tiền đong gạo. Bố mẹ chân lấm tay bùn nuôi hai anh em Tĩnh ăn học xong trường Cao đẳng Cơ Điện thì bắt đầu già yếu. Ở quê chẳng kiếm được công việc phù hợp, Tĩnh tìm xuống phố. Anh mong kiếm được việc làm lương cao để phụng dưỡng bố mẹ già.Nhưng người khôn của khó, Tĩnh kiếm được việc làm đã là quá tốt rồi. Chi phí sinh hoạt dưới thành phố đắt đỏ, Tĩnh tằn tiện chi tiêu cũng chẳng gửi về nhà được là bao. Ấy là khi chưa có vợ, chứ sau này nuôi con còn chẳng đủ nói gì đến chuyện lo cho bố mẹ. Tĩnh bận bịu mưu sinh một năm về được vài lần cũng đã là cố gắng. Nhà có ít đất rừng, mẹ trồng keo “để sau này bán lấy tiền sửa lại nhà. Dột quá”. Vậy mà mấy năm trước mẹ ốm nặng, gỗ trên rừng trồng sắp đến ngày thu cuối cùng phải bán non. Thấy người ta chăn nuôi mẹ cũng vay mượn làm chuồng trại đầu tư vào mấy đàn lợn. Ai ngờ lợn dịch bệnh, rớt giá mẹ lỗ mấy trăm triệu đồng. Nhà không còn gì đáng giá ngoài mảnh đất rừng, ừ thế là bán nốt. Tĩnh giúp được gì đâu, tụi nhỏ thi nhau đau ốm, tiền kiếm được bao nhiêu đổ vào thuốc thang sữa bỉm. Thương bố mẹ nên cậu em trai quyết định đi xuất khẩu lao động bên Nhật. Chỗ môi giới việc làm họ vẽ vời toàn những điều tốt đẹp. Sang Nhật rồi mới biết kiếm được đồng tiền của người ta đúng là đổ mồ hôi sôi nước mắt. Vác những món đồ nặng trịch trên vai suốt ngày khiến đôi tay tê dại, cơ thể thì đau nhức. Nhưng thằng bé luôn cố gắng để tích cóp từng đồng gửi về nhà trả nợ. Nó cố gắng làm thêm giờ chỉ vì “muốn kiếm ít vốn sau này về quê làm ăn, lấy vợ”. Tĩnh thở dài, anh đứng dậy nhìn ra ngoài cửa sổ thấy dưới sân tập thể nháo nhác người chạy qua chạy lại. Vài thùng mì tôm, vài túi gạo được chuyển vào. Đâu đó có người kéo vali vội vã rời nhà như một cuộc “đào tẩu” khỏi khu phố đang phong tỏa cách ly.            
Vợ Tĩnh tỉnh giấc, sau khi biết tình hình thì bàn tính với chồng:
-Hay là mình đưa tụi nhỏ về quê tránh dịch ngay bây giờ?
-Không sao đâu. Anh vẫn thấy cứ ở yên đây là an toàn nhất.
Tĩnh nghe thấy tiếng thở dài khe khẽ của vợ. Anh biết Bích không chỉ đang lo lắng đến sự an toàn của cả nhà mà còn hỗn độn đủ thứ lo âu. Bích phụ bếp cho một quán cơm văn phòng, ngoài ra còn bán hàng online. Chủ yếu là các mặt hàng nông sản vùng miền, mùa nào thứ ấy. Ở đâu có nguồn hàng quen biết thì nhập về bán kiếm đồng ra đồng vào. Nem chua Thanh Hóa, cá thính Phú Thọ, cà phê, bơ, điều, sầu riêng Tây Nguyên… nói chung đủ cả. Mỗi thứ một ít, nhờ tài xoay xở của Bích mới có được căn nhà tập thể cũ này. Giờ dịch bệnh quán cơm đóng cửa. Chỉ trông chờ vào buôn bán online mà giờ bị cách ly thế này thì biết làm sao. Hàng hóa vẫn bừa bộn trong nhà. Bơ sắp chín hết, nho đang trên đường từ Ninh Thuận chuyển ra. Cá thính, măng chua xếp đầy một góc nhà đều đã lên đơn sẵn.
-Sẽ không sao em ạ. Chắc là vẫn có cách giải quyết thôi. Mà nhà mình chưa dự trữ lương thực, cùng lắm là ăn hết chỗ này cho qua mùa dịch.
-Em chỉ sợ dịch bệnh lâu dài, biết xoay cách gì kiếm sống?
- Khó khăn chung, ai cũng vậy. Từ từ rồi tính. Em vào nằm cạnh con, ngủ tiếp đi.
-Em đi pha cà phê nhé.
-Mấy giờ rồi nhỉ?
-4h sáng. Em có để dành ít bột, sẽ ngào luôn bột, nướng ít bánh cho con.
Hai chữ “để dành” của vợ đọng lại trong đầu Tĩnh. Anh nhớ mình không có gì để dành cho những bất ổn của đời sống. Tiền tháng nào tiêu hết tháng đó. Trong nhà không có lấy một cuốn sách, một cây đàn hoặc ít nhất là bộ bàn cờ. Để có thể bớt nhàm chán trong những ngày cách ly ở trong nhà. Ngay cả vài mối quan hệ thân quen ở thành phố này Tĩnh cũng không dành dụm được. Lúc đau ốm khó khăn không biết cậy nhờ ai. Phải chăng Tĩnh đã sống quá bận rộn? Sống chỉ biết đến hiện tại mà không dự trù gì cho những ngày sau. Trận dịch này sẽ qua đi nhưng trong tương ai ai biết trước điều gì sẽ ập đến bất thình lình. Một trận động đất. Một cơn sóng thần. Hoặc cũng thể bầu không khí ô nhiễm đến mức chúng ta sẽ chẳng dám ra đường. Tĩnh cũng giống như bao nhiêu con người ngoài kia, nườm nượp hít thở và tiêu dùng bầu khí quyển này, tài nguyên thiên nhiên trên trái đất này. Hàng ngày đâu có nghe thấy những tiếng kêu cứu của thiên nhiên. Những tiếng rạn tí tách vang lên đâu đó đang dần bao trùm lấy sự sống. Mồng một tết thấy mưa đá trắng trời Tĩnh còn giơ điện thoại livestream thích thú mà đâu có biết đó là dấu hiệu biến động khí hậu chiều hướng xấu, không theo quy luật. “Chúng mình sống hoang phí quá, phá phách quá em ạ. Rồi thời của con mình lớn lên chúng sẽ phải sống sao? Sẽ đương đầu thế nào trước những bất ổn được dự báo ngay từ bây giờ?”. Không có tiếng người đáp lại. Bích còn mải lúi húi trong bếp chuẩn bị bữa sáng cho con. Cà phê đắng quá. Tĩnh đứng dậy rời khỏi ô cửa sổ đang lờ mờ sáng để đi vào bếp. Tĩnh cần một vài chiếc bánh ngọt cho buổi sáng đầu tiên khu phố bị cách ly…


Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

ĐI MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG … ghi chép của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 333 THÁNG 5 NĂM 2020


Họa sỹ Trần Khánh Chương
(Nguồn: vanhocnghethuathatinh)


Từ lâu tôi đã nghe danh tiếng họa sĩ Trần Khánh Chương, nhưng chưa có dịp gặp. Do điều kiện công tác ở dưới huỵên vùng sâu, ít có dịp về thành phố Buôn Ma Thuột, năm  thì mười họa, một năm đôi ba lần được cử đi hội họp mới đặt chân tới; còn không hàng ngày cặm cụi trên trang giáo án hay lại theo chân các đồng nghiệp đến các gia đình học sinh ở heo hút đâu đó giữa đại ngàn vì một lý do duy nhất: học sinh bỏ học. Cái khổ nhất của người làm thầy giáo vùng cao  là “đói” thông tin, tờ báo xuất bản hàng ngày như Nhân Dân, Tiền Phong, Lao động… đến được tay cũng phải qua ít nhất bốn, năm ngày; đó là trường mà ông Hiệu trưởng mê đọc báo, còn không thì xin… nhịn. Vì thế thỉnh thoảng có nghe tin Hoạ sỹ vào Đắk Lắk, nhưng khi nhận được tin thì ông đã lại về Hà Nội từ lúc nảo lúc nào rồi. Cái khó của người ở vùng sâu là vậy. Nhiều lúc anh em tự động viên nhau: “Dân Tây” mà!
Cực thế nhưng được cái đời sống vật chất hiện nay bớt khó khăn, vì theo quy định lương Giáo dục cao hơn so với các ngành khác và chi cũng ít hơn. Muốn mua sắm, hay ăn uống tươi tươi một chút phải đi hàng chục km để mua nên… ngại. Cứ như thế thành ra người dân nông thôn ở xung quanh nhìn thấy thầy cô giáo cho là sướng lắm! Nhưng có ai biết cũng tấm bằng Đại học sau bốn năm mài quần trên ghế giảng đường, người có may mắn học các nghề khác nhau nhưng được làm việc trong các khu công nghiệp hay các doanh nghiệp liên doanh, lương khởi điểm cũng gấp vài ba lần  người cùng học ra làm nghề dạy học ở các vùng núi heo hút. Song có điều các nhà giáo cảm thấy sống được và xen chút tự hào vì những người xung quanh kính trọng, các em học trò tin yêu.
Riêng tôi không biết có “may” hơn những người khác hay không khi được về làm báo!? Tính ra để có thể trở thành công dân thành phố Buôn Ma Thuột, tôi phải bỏ mất 40% phụ cấp đứng lớp, mất thêm 0,45% chức vụ, 3% quản lí hai buổi… tính sơ sơ lương giảm hết hơn một nửa. Nhưng vì đam mê nghề “Viết” nên chấp nhận. Ôi! Tưởng làm nghề “gõ đầu trẻ" là khổ nhất, ai ngờ bỏ đi làm báo cũng thấy không đỡ hơn tí nào ngoài chuyện được ở thành phố, tiêu tiền thật… dễ nhưng kiếm tiền quá… khó.
Đang cắm cúi đọc bản thảo của cộng tác viên, nhà văn Khôi Nguyên - Quyền tổng biên tập nhắc: “Đến giờ ta đi đón bác Chương rồi đấy!” Tôi giật mình vội bỏ bài đọc dở vào ngăn kéo bàn, vơ máy ảnh, lật đật đứng dậy xuống cầu thang. Lái xe cơ quan nổ máy từ lúc nào, bóp còi inh ỏi. Cửa xe mở sẵn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chính Hữu - Chánh văn phòng Hội - đã ngồi trên xe. Qua lời giới thiệu của Chính Hữu, tôi biết thêm hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam vào dự lễ bế mạc Trại sáng tác Mỹ thuật các tỉnh phía Nam tại Đắk Lắk, còn là đại biểu Quốc hội, khoá này ông không ứng cử vì tuổi tác đã cao, muốn nhường lại cho lớp trẻ. Nổi máu nghề nghiệp, trong đầu tôi liền chợt nảy ra dự định hỏi “ông nghị” vài điều khi còn tại vị, mà tôi tin không chỉ một mình tôi quan tâm, muốn biết.
Người đàn ông tóc bạc trắng, khuôn mặt phúc hậu, có vừng trán cao, mặc áo thổ cầm màu xanh, dáng người to đậm, tươi cười bắt tay chúng tôi trước khi lên xe đi thăm thác Đray Nur, huyện Krông Ana. Xe chuyển bánh, chuyện nở như ngô rang. Hoạ sỹ nói về cảm xúc của mình khi trở lại Đắk Lắk. Nghệ sỹ Chính Hữu giới thiệu thêm về những vùng đất đang lướt qua cửa sổ; Nhà văn Khôi Nguyên thỉnh thoảng xen vào những câu chuyện vui dí dỏm, làm cả xe bật cười. Riêng tôi vì có ý định viết một cái gì đó về ông nên ngồi chờ cơ hội chuyển đề tài câu chuyện. Phải thừa nhận hoạ sỹ có cách nói chuyện làm cuốn hút người nghe, các đề tài được đề cập làm mọi người cứ tròn mắt, vểnh tai lên. Lâu không về Hà Nội, nay được nghe thêm các chuyện vui về Thủ đô, chuyện chuẩn bị bầu cử Quốc hội sắp tới... làm thời gian trôi qua vùn vụt, tôi chưa biết cách gì xen vào.
May, xe dừng lại trước ba- ri- e nhà máy thuỷ điện Buôn Kốp để kiểm tra giấy tờ, tôi mới có dịp lên tiếng: “Thưa họa sỹ, cho phép em tò mò hỏi một chút ạ: Qua các nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, điều gì Hoạ sỹ tâm đắc nhất?” Hoạ sỹ cười vui trả lời ngay: Mình tâm đắc nhất là biểu quyết các dự án xây dựng các công trình lớn của quốc gia như: Xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La, Khu công nghiệp Dung Quất, Trụ sở Quốc hội… Các công trình ấy không những có giá trị lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, văn hoá dân tộc. Quốc hội nghe các nhà khoa học báo cáo, đọc tài liệu tham khảo, tranh luận trước khi bỏ phiếu thông qua. Lá phiếu của các đại biểu mang tính quyết định sự phát triển của cả một đất nước không chỉ trong một giai đoạn mà còn về lâu, về dài, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ con cháu mai sau. Trách nhiệm ấy nặng nề lắm, nên phải cân nhắc hết sức thận trọng trước khi quyết định.
Tôi hỏi thêm: “Thưa họa sỹ bên cạnh những điều tâm đắc, chắc chắn cũng có những điều chưa bằng lòng, vậy đó là điều gì ạ?” Hoạ sỹ quay hẳn lại phía sau nhìn tôi, nụ cười vui vẻ biến mất, nhường cho vẻ suy tư. Đôi mắt đượm buồn như còn ẩn chứa điều gì đó như băn khoăn, như day dứt còn chưa nguôi: “Có chứ, không riêng mình mà tất cả các đại biểu khi biểu quyết các vấn đề lớn đều phải cân nhắc: Bên cạnh lợi ích về kinh tế thì các công trình đó ảnh hưởng như thế nào đến dân sinh, ảnh hưởng đến di sản văn hoá dân tộc như thế nào. Chẳng hạn Nhà máy thuỷ điện Sơn La sau khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng khắc phục tình trạng thiếu điện sử dụng như hiện nay. Nhưng bên cạnh đó cũng nảy sinh mối hiểm hoạ lớn nếu đập bị vỡ sẽ là một tai hoạ khủng khiếp; lúc ấy một chiếc xe tăng T54 ở Quảng trường Ba Đình sẽ bị cuốn ra biển Đông như một chiếc lá. Theo thiết kế, các chuyên gia cho rằng điều đó không thể xảy ra nếu như khí hậu bình thường như hiện nay. Song lấy gì bảo đảm sau năm bảy chục năm nữa khí hậu nước ta không có thay đổi, hoặc động đất thì sao! Biện pháp gì để khắc phục nếu điều xấu nhất đó xảy ra? Mình chỉ đơn cử một trường hợp như vậy để các cậu thấy: Làm đại biểu Quốc hội không dễ một tý nào”. “Có điều gì họa sỹ còn băn khoăn sau khi hết nhiệm kỳ?” “Băn khoăn thì nhiều lắm nhưng cái trăn trở nhất của mình là vai trò của đại biểu Quốc hội khi giải quyết khiếu nại của dân động chạm đến bộ máy hành pháp các cấp địa phương - Hoạ sỹ dừng lời rút khăn mùi xoa lau mặt (mặc dù trên xe máy điều hoà nhiệt độ vẫn chạy hết công suất), trước khi trả lời tiếp - Các cậu cũng biết đấy, trong Hiến pháp nước ta đã quy định: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Nhân dân cũng hiểu điều đó nên có oan ức, hay cảm thấy mình bị oan ức mà các cấp chính quyền giải quyết không thoả đáng, họ lại đến kêu với Quốc hội. Mình từng trực tiếp thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Thủ đô tiếp nhận những khiếu kiện của dân. Phải nói thật rằng bên cạnh một số ít cá nhân lợi dụng dân chủ của chế độ ta để đòi hỏi quá đáng, vượt giới hạn luật pháp cho phép, như vụ một công nhân Nhà máy dệt ở Hà Nội được thuê nhà ở khu phố trung tâm, năm 1973 vì chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ, phải di tản lên Thái Nguyên, năm1975 trở lại Thủ đô công tác được bố trí nơi ở mới. Nhưng đến năm 2000 lại làm đơn đòi nhà, đòi đúng căn hộ đã không thuê gần ba chục năm trước. Các cấp giải thích thế nào cũng cố tình không chịu. Nhưng cũng có nhiều trường hợp người dân bị oan ức thật, các cơ quan công quyền của chúng ta ở các cấp xử lấy được, dân thấy mình bị oan sai nên đến kêu với Quốc hội. Nhưng họ lại quên một điều hết sức cơ bản là: Quốc hội là cơ quan lập pháp chứ không phải cơ quan hành pháp. Việc can thiệp trực tiếp vào công việc của các cơ quan hành pháp là không đúng chức năng của Đại biểu Quốc hội. Vì thế, tiếp dân, lắng nghe ý kiến của dân, hướng dẫn, giải thích cho dân và khi thấy cần thiết phải soạn thảo công văn yêu cầu các cơ quan liên quan trả lời. Nhưng các cơ quan được yêu cầu ấy cố tình không trả lời thì Đại biểu Quốc hội đành … chịu! Đại biểu Quốc hội không có quyền bắt, kỉ luật, hay cách chức các thành viên cơ quan hành pháp thiếu trách nhiệm trong trả lời các yêu cầu của dân do đại biểu Quốc hội chuyển đến. Có lẽ đã đến lúc Quốc hội phải có thêm một điều khoản về vấn đề này. Nói như vậy không có nghĩa không giải quyết được gì. Trong nhiệm kì vừa qua ở Hà Nội nổi lên vụ án tranh chấp đất đai làm báo chí và các cơ quan chức năng tốn không biết bao nhiêu thời gian và giấy mực. Nội vụ như sau: trong thời kỳ giặc Mĩ leo thang bắn phá lần thứ nhất, có một bà vợ liệt sỹ thời chống Pháp, phải đóng cửa nhà mình đi sơ tán vì con cháu đều ở xa. Khi chiến tranh tạm lắng xuống, bà trở về thì nhà đã bị một cơ quan nhà nước mượn ở tạm. Nghe đài báo nói nhân dân khu Bốn còn dỡ cả nhà thờ tổ tiên, lấy gỗ, ván lát đường cho ô tô vượt hố bom ra tuyền tuyến, nên bà chấp nhận về ở với con cháu, xem đó như là may mắn được góp chút công lao cho cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Chiến tranh qua đi, đất nước thống nhất, các cơ quan nhà nước thay nhau ở nhờ nhà bà và dần dần xem đó là nhà vô chủ. Bước vào cuối thế kỷ XX, đất Thủ đô lên giá vùn vụt, nhiều xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, thế là người ta bán tất cả tài sản mà xí nghiệp đang có. Trong hoàn cảnh ấy, căn nhà của người vợ liệt sỹ kia, giờ đã được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng và là mẹ của một vị giáo sư tiến sỹ danh tiếng, bị đem bán cho một cá nhân. Bất bình, hai mẹ con mang đầy đủ giấy tờ chứng minh mình là chủ hợp pháp của căn nhà. Trải qua năm sáu năm trời, qua đủ các cấp toà án, đến đủ các nơi có thể đến vẫn không giải quyết dứt điểm, cuối cùng phải đến kêu với Đoàn đại biểu Quốc hội. Nhờ sự can thiệp có lý có tình, cuối cùng Bà mẹ Việt Nam anh hùng ấy cũng được trả lại ngôi nhà của mình. Bằng cách gì ư? Kiên trì theo đuổi sự việc đến cùng khi thấy người dân bị oan ức. Nếu các cấp chính quyền cố tình ì ra sẽ đề nghị đưa vấn đề ra diễn đàn Quốc hội để chất vấn.”
 Qua câu chuyện của họa sỹ tôi chợt hiểu: Không trách nhân dân khi bị oan ức, quẫn bách dù ở đâu, xa xôi thế nào họ cũng tìm ra Hà Nội, đến tận Quốc hội với một niềm tin và hy vọng duy nhất: Tìm được sự công bằng và chân lí! Ngẫm cho cùng, làm anh giáo viên thôn quê lại sướng; ngày tháng cứ như được lập trình sẵn, không va chạm, không tranh giành, không ân oán mà chỉ có sự quý mến của người dân, của học trò.
Xe dừng lại trước dòng thác Đray Nur hùng vĩ tung bọt trắng xoá. Đầu mùa mưa, dòng nước chở nặng phù sa lao xuống chạy về hướng tây như một bầy voi xung trận. Bên triền sông những cây lộc vừng chen nhau đứng, xoã những chùm hoa màu đỏ rực rỡ, dài lê thê soi mình trên sóng nước. Thỉnh thoảng một cơn gió lướt qua lại bứt từng cánh hoa mang theo, xoay tròn trước khi thả xuống dòng sông.
Ngồi lên phiến đá trước cửa hang Tắm Tiên, ngắm dòng thác đang gầm thét, họa sỹ nói thêm: Mình già rồi, những việc còn lại phải nhường lớp trẻ  gánh vác thôi. Hy vọng khoá tới sẽ làm được tất cả những gì khoá trước làm chưa xong. Khuôn mặt đăm chiêu của họa sỹ bỗng trở nên rạng rỡ khi thấy một con cá lớn tung mình lên khỏi mặt nước như một cánh chim trước khi rơi tùm xuông dòng nước. Đẹp quá! Ông reo lên...
Trên đường quay trở lại thành phố Buôn Ma Thuột, mọi người hết lời ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ của thác Đray Nur, và tiếc; tiếc cho một tiềm năng du lịch lớn như thế mà chưa được đầu tư và khai thác tốt. Ở Đắk Lắk tiềm năng du lịch còn lớn lắm, nhưng giống như cô công chúa ngủ quên trong rừng chưa được hoàng tử đánh thức. Nhà văn Khôi Nguyên nói vui: Hãy chờ ngày mai vậy!
Riêng tôi, tôi cũng tin như thế! Những chuyện phải làm, phải giải quyết của các “ông nghị” khoá trước dẫu còn một số việc chưa trọn vẹn như mong muốn, nhưng những người được nhân dân tín nhiệm bầu vào khoá này họ sẽ làm nốt những phần việc còn dang dở, những điều còn vướng mắc mà khoá trước để lại chưa giải quyết xong. Và sẽ có những kế hoạch mới, chính sách mới phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Xin cảm ơn các vị Đại biểu Quốc hội đã dám nói thẳng, nói thật công việc của mình qua các nhiệm kì. Âu đó cũng là bài học cho những người đi sau rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công việc được Đảng và nhân dân giao phó. Cảm ơn Hoạ sỹ Trần Khánh Chương đã giúp chúng tôi, những người sinh sau, đẻ muộn mở rộng tầm hiểu biết để làm tốt hơn công việc của mình. Có lẽ bài học quý giá nhất mà Hoạ sỹ muốn nhắc nhở: Ở đâu, trên cương vị nào chúng ta cũng phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Họa sĩ Trần Khánh Chương đã về cõi vĩnh hằng, những hồi ức về ông trong một lần được đi cùng xin được thay nén nhang tưởng niệm.