Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

NHỮNG CÁNH CHIM KHÔNG MỎI ghi chép của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 197+198 THÁNG 1&2 NĂM 2009


 


 

Cầm tờ giấy mời về dự lễ đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, lòng tôi bồi hồi xúc động. Thế là đã hơn 22 năm rồi. Thời gian trôi đi nhanh quá. Ngày 10 tháng 8 năm 1986, thầy Vũ Thế Hiển - Trưởng phòng Giáo dục, mời tôi lên trao quyết định của UBND huyện Ea Kar thành lập trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Nguyễn Văn Trỗi đóng trên địa bàn Nông trường 52 và bổ nhiệm tôi làm Hiệu trưởng cùng hai hiệu phó: Nguyễn Thị Thanh Hương phụ trách chuyên môn cấp II và Nguyễn Thị Thanh phụ trách chuyên môn cấp I. Thời bấy giờ trường PTCS bao gồm cả mẫu giáo, cấp I và cấp II. Cơ sở vật chất của trường tuy mới thành lập nhưng so với các trường khác trong toàn huyện không nhất cũng nhì. Được Nông trường 52 đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nên ngoài sáu phòng học xây cấp bốn, mái ngói đỏ tươi, các phòng học khác đều được lợp tôn, thưng ván; bàn ghế học sinh, giáo viên được trang bị đầy đủ theo yêu cầu. Ông Cao Văn Hùng – Giám đốc nông trường 52 thời ấy đã nói với tôi: Mình lo nhất là con em công nhân đi học xa vất vả, mong có được ngôi trường ở gần để các cháu có điều kiện theo học. Có văn hóa mới có tri thức để nhận thức đúng và làm việc tốt hơn. Công nhân có thể vất vả thêm  một tý, nhưng con cái được học hành đến nơi đến chốn thị họ sẽ an tâm công tác. Thầy xem có cần gì cứ đề xuất, nếu Nông trường giúp được gì sẽ giúp!

 Phòng làm việc của Hiệu trưởng chung tường với phòng họp hội đồng, rộng 3,5m, dài 5,5m; được trang bị bàn ghế, tủ hồ sơ đóng bằng gỗ sao và hương; ấm, chén, phích nước Trung Quốc mới tinh. Trong thời gian ấy nhiều trường ở huyện Ea Kar, học sinh phải học trong các phòng tạm bợ mái gianh, vách đất, bàn ghế đóng bằng những tấm bìa gỗ hoặc hai cây tre ghép lại; Ban giám hiệu có trường phải ở tạm nhà dân, không có chỗ làm việc.Tôi thấy mình có cơ ngơi như vậy là quý lắm rồi nên chỉ đề xuất: Nếu được, anh cho trường 10 ngàn đồng mua cho anh em ở tập thể một tay lưới đánh cá cải thiện. Khi ấy các hồ chứa nước của nông trường cá rô phi nhiều lắm, ai muốn bắt bao nhiêu thì bắt. Ông Giám đốc cười: Thế thôi à! Thầy cho người sang phòng Tài vụ nhận 15 ngàn đồng, mai tôi cho xe chở lên Buôn Ma Thuột mua luôn. Nhờ có tay lưới ấy hơn chục cán bộ giáo viên trường ở tập thể không phải mua thức ăn. Chiều chiều, sau khi tan trường, khu tập thể chỉ để lại hai người nấu ăn, số còn lại kéo nhau đi thả lưới, bắt ốc. Sau hơn nửa giờ thu lưới, hôm nào có ít cũng được vài ký, hôm nhiều phải năm sáu ký. Bữa cơm nào cũng có ít nhất ba món cá: chiên, kho, canh chua; hôm nào các thầy cô siêng một chút có thêm món ốc xào chuối. Thời bao cấp có cuộc sống vật chất như vậy quả là nhiều trường mơ cũng không được. Đầu tháng 10, ông Giám đốc Cao Văn Hùng đến văn phòng nói với tôi: Ăn thế nào làm thế ấy! Ăn cơm dạy cơm, ăn khoai dạy khoai. Người ta lo chạy ăn từng bữa làm sao dạy chất lượng được. Tôi đã bàn với Đảng ủy và Ban giám đốc rồi, Nông trường sẽ cấp cho mỗi thầy cô 500m2 đất làm nhà ở khu phía sau trường, gần suối thuận tiện sinh hoạt. An cư mới lạc nghiệp được. Mời thầy đi xem.

Có lẽ làng giáo viên đầu tiên của huyện Ea Kar đã ra đời như vậy. Ngẫm ra cái ông Giám đốc Cao Văn Hùng, nguyên là Trung đoàn trưởng quân đội nói chí phải. Từ thực tế các phong trào trường PTCS Nguyễn Văn Trỗi qua từng năm tháng là một minh chứng cho nhận xét mộc mạc nhưng thật đúng của ông. Vì công việc tổ chức phân công, thời gian sau tôi chuyển công tác đi nơi khác, nhưng những kỷ niệm ngày đầu thành lập trường còn in đậm trong trái tim.

Sáng ngày 18 tháng 12 năm 2008, tôi trở lại ngôi trường thân yêu tham dự lễ đón bằng công nhận “Trường đạt chuẩn Quốc Gia”. Từ đường quốc lộ 26A rẽ vào trường, con đường đất khi xưa nay đổ bê tông phẳng lì, được cắm cờ hai bên. Trường cũ còn đây nhưng cảnh đã khác xưa quá nhiều, trên khuôn viên 1,2 ha khi xưa, nơi từng có sáu phòng học cấp 4 lợp ngói, một thời là niềm tự hào của trường nay đã sừng sững mọc lên ngôi trường hai tầng, 8 phòng học. Phía bên trái cổng trường ngày xưa có 4 phòng học lợp tôn thưng ván, nền đất; nay được thay vào đó một dãy 12 phòng học cấp 4, mái ngói đỏ tươi. Sát bên hồ, nhà Hiệu bộ xây chuẩn theo quy định của ngành, soi bóng xuống nước. Phía bên trái sân trường, nhà đa chức năng cao lồng lộng, nước sơn còn tươi rói, đứng nguy nga như khẳng định sự trưởng thành của một vùng đất. Sân trường rợp bóng cây xanh, bao xung quanh những gốc cây ấy là hoa, ta có thể nhầm sân trường với một hoa viên ở thành phố. Tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay như trong chuyện cổ tích. Bàn đón khách đặt ngay tại cổng chào, hai cô giáo trẻ thướt tha trong tà áo dài, cài lên ngực tôi bông hồng đỏ thắm. Bất ngờ tôi gặp lại người đồng nghiệp, người Hiệu phó năm xưa Nguyễn Thị Thanh Hương. Thời gian 22 năm có để dấu ấn trên khuôn mặt mỗi người, nhưng nụ cười rạng rỡ thì hầu như không đổi. Hai mươi hai năm qua cô giáo Thanh Hương vẫn gắn bó với ngôi trường thân yêu, chăm sóc cho những chủ nhân tương lai của đất nước và góp phần xây dựng phong trào giáo dục địa phương.

Bắt tay rồi ôm nhau thật chặt, Hiệu trưởng đương nhiệm Nguễn Đại Hành nói với tôi: Cứ tưởng anh không về được. Anh em giáo viên nhắc anh nhiều lắm đấy, Tôi thấy sống mũi mình cay cay. Bao năm xa cách và không còn trong nghề dạy học nữa, nhưng bạn bè đồng nghiệp vẫn nhớ tới mình thì còn gì hạnh phúc hơn. Người đồng nghiệp, người bạn cùng có thời làm quản lý với nhau và là Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Trỗi hôm nay đã trưởng thành từ những ngày gian khó. Trước đây khi đang làm Hiệu trưởng trường tiểu học Võ Thị Sáu, Thầy Nguyễn Đại Hành được điều về làm Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Đình Chinh, một trường xa nhất vừa thành lập của huyện Ea Kar. Có một lần đi công tác tôi tiện thể tìm đường vào thăm trường, lúc về đến cơ quan còn sợ. Từ thị trấn huyện vào đến trường khoảng hơn 30 km thôi nhưng đoạn gần 10 km từ Nông trường 714 vào trường mới đáng khiếp. Con đường duy nhất vào trường chỉ là lối mòn và phải đi qua hai chiếc cầu, một chiếc được làm bằng hai cây gỗ đại thụ, mỗi cây to chừng một vòng tay người lớn, dài hơn chục mét; một chiếc khác được bắc bằng hai thanh tà vẹt cầu, bề mặt mỗi thanh chừng 0,30m. Mùa khô bụi mù, vào đến trường chỉ còn thấy hai con mắt không phủ bụi nhưng còn đỡ, mùa mưa đi trên con đường ấy là một cực hình vì đất bết vào xe, đi không được, dắt cũng không xong. Không ít lần người Hiệu trưởng còn trẻ ấy trở  về sau một ngày làm việc qua được cây cầu thứ nhất đến cây cầu thứ hai để về nhà với người vợ cũng là người bạn đồng nghiệp và các con ở Nông trường 714, lại phại dừng lại đợi nước rút để qua cầu. Không biết bao nhiêu lần chỉ một đoạn ngắn khoảng 7m thôi, nhưng đành nhịn đói, chịu rét gần trắng đêm bên chiếc cầu thứ hai chờ nước rút để trở về nhà. Có lần liều chạy qua bị nước hất cả người và xe xuống suối; may biết bơi mới thoát chết và phải ba ngày sau mới tìm thấy chiếc xe nằm dưới lòng suối. Khi nhà nước làm đường, bắc cầu kiên cố, việc đi lại thuận tiện thì thầy lại phải vào nhận công tác tại trường THCS Hoang Hoa Thám, giúp ngành cũng cố lại nhà trường đang trên đà xuống dốc. Vực dậy được phong trào, thầy lại được cấp trên điều về làm Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Trỗi. Thế là thấm thoắt hơn năm năm trên cương vị Hiệu trưởng, một cơ ngơi khang trang đã được dựng lên, đội ngũ giáo viên không những được chuẩn hóa mà còn vượt chuẩn. Từ cái nôi trường PTCS Nguyễn Văn Trỗi đã góp phần đào tạo cho huyện Ea Kar một đội ngũ cán bộ lãnh đạo ưu tú đương chức như: Vũ Thị Hoài Nghiêm – Phó ban Tuyên giáo huyện ủy,  Dương Văn Vượng – Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, Bùi Văn Tác – Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú huyện, Đặng Trần Thuần – Hiệu trưởng THCS Nguyễn Khuyến… những thầy cô ngày ấy và hôm nay trên cương vị mới đang hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của mình.

Trong buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo một số ban ngành của tỉnh và lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện Ea Kar, Ông Lê Ngọc Anh - Phó chủ tịch UBND huyện phát biểu nêu rõ: Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi là đơn vị thứ hai của xã Ea Đa, là đơn vị thứ 4 bậc THCS của huyện đón nhận bằng công nhận trường THCS đạt chuẩn Quốc gia… Kết thúc năm học 2007 – 2008, toàn Quốc có 1195 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 11,05%, Dak lak có 14 trên 180 trường THCS đạt chuẩn, riêng huyện Ea Kar có 4/15 trường đạt tỷ lệ 26,66%, qua đó mới thấy rõ sự nỗ lực của Đảng bộ, UBND huyện, xã và ngành Giáo dục là hết sức đáng  trân trọng.  

Trường đạt chuẩn Quốc gia, vui lắm; nhưng càng vui hơn khi thấy tập thể cán bộ công nhân viên trường THCS Nguyễn Văn Trỗi thật sự là một gia đình lớn, đoàn kết thương yêu và có những sáng kiến giúp đỡ nhau như xây dựng quỹ tình thương để giải quyết cho cán bộ công nhân viên vay khi gặp khó khăn. Chi bộ - Ban giám hiệu cùng đồng tâm nhất trí cao trong các kế hoạch vạch ra và biện pháp thực hiện nên kết quả luôn luôn đạt được như mong đợi; bên cạnh đó việc thực hiện xã hội hóa giáo dục đã được nhà trường vận dụng hết sức sáng tạo và đạt kết quả mỹ mãn. Năm học vừa qua Hội cha mẹ học sinh đóng góp được 240 triệu đồng để làm đường bê tông từ Quốc lộ 26A vào trường. Việc xây dựng nhà đa chức năng, nhà nước chỉ hỗ trợ 200 triệu đồng trong tổng dự toán 1,2 tỷ. Nhờ biết tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương và Hội cha mẹ học sinh đã huy động được 1 tỷ đồng, kịp thời hoàn thành công trình. Còn nhiều lắm những việc làm hết sức sáng tạo của Hội đồng giáo dục nhà trường từng bước tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện từng hạng mục công trình theo mục tiêu đề ra từng năm và sự góp gió thành bão đã gặt hái được thành quả như hôm nay. Trả lời câu hỏi của tôi về bí quyết gì để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, Thầy Nguyễn Đại Hành, Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Không có bí quyết gì đâu, trường chúng tôi được sự quan tâm của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và Phòng Giáo dục tạo điều kiện thuận lợi, để lãnh đạo Đảng bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã Ea Đa kết hợp với Hội cha mẹ học sinh nhà trường trong công tác xây dựng cơ sở vật chất. Nếu không có sự quan tâm đúng mức của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là thầy Lê Ngọc Anh – nguyên Trưởng phòng Giáo dục, nay là Phó chủ tịch UBND huyện thì không thể xây dựng được cơ sở hạ tầng như hôm nay. Bên cạnh đó việc “đỏ hóa” đội ngũ cũng góp phần quan trọng nâng cao ý thức của mỗi cán bộ giáo viên, từ đó chất lượng giáo dục cũng được tăng theo từng năm. Giáo viên dạy giỏi, sống mẫu mực, học sinh học giỏi, biết vâng lời thầy cô thì tất yếu xã hội phải kính trọng người thầy và như anh biết đấy mọi việc nhà trường đề ra được cha mẹ học sinh ủng hộ. Đó chính là nguyên nhân của  thành công.

Trường đạt chuẩn Quốc gia, đó là công sức của cả một tập thể và nhân dân địa phương cùng chung sức góp vào, nhưng vai trò của người Hiệu trưởng hết sức quan trọng. Sự nghiệp giáo dục huyện Ea Kar trong khoảng mười năm trở lại đây có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, trở thành lá cờ đầu không chỉ của tỉnh mà của cả nước; là huyện vùng cao đầu tiên của Tây Nguyên đã xây dựng được 19 trường đạt chuẩn trên tổng số 66 trường ở cả ba câp học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) đều có trường đạt chuẩn. Trong niềm vui chung, khi mùa xuân sắp về, một năm mới đang gõ cửa, xin được chúc trường THCS Nguyễn Văn Trỗi nói riêng và ngành Giáo dục huyện Ea Kar nói chung, giữ vững phong trào và ngày một phát triển tốt đẹp hơn nữa trong tương lai.

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

CẶP SỪNG KỶ NIỆM



                            
                                                                   Truyện ngắn

Tôi đi đã nhiều và thấy cũng lắm những cặp sừng nai được treo trang trọng trên tường những căn biệt thự đồ sộ hay được gắn trên vách nhà sàn một cách kiêu hãnh; song chưa bao giờ thấy cặp sừng nai nào to và khác lạ như cặp sừng nai treo trong nhà thầy giáo Thạch Sơn; cặp sừng được sắp xếp cân đối hoàn hảo đến lạ kỳ. Hai nhánh dưới mọc gần đầu cong vút hơi chìa ra phía trước dài hơn nửa mét, to độ cổ tay người lớn; trông giống như hai cụm măng tre được đúc từ một khuôn. Cách chi dưới độ hơn một mét, hai chi nữa mọc ra dài khoảng hai gang tay người lớn bằng ngang với vớ chi giữa. Điểm lạ là cặp sừng đều nhau chằn chặn, tròn lẵn và có màu trắng ngà. Thường thường các cặp sừng nai có màu nâu sẩm, gân guốc, sần sùi; nếu được đánh bóng sẽ chuyển qua màu cánh gián. Thế mà cặp sừng này lại thế!
Thấy tôi tần ngần đứng ngắm cặp sừng nai mãi, thầy Thạch Sơn vỗ vai tôi bảo:
- Anh thấy nó lạ lắm phải không? Mình bắn nó đã tròn ba chục năm rồi đấy.
- Thầy bắn ạ !
- Ừ! Ngồi xuống đây mình kể cho nghe trường hợp bắ nó.
Ngồi nhấm nháp ly rượu với thịt heo nướng, tôi được nghe câu chuyện đi săn chiều ba mươi tết và kỹ niệm mang theo trong suốt cả cuộc đời của ông  giáo già gắn bó trọn đời với mảnh đất Tây Nguyên.
Những ngày cuối năm 1978 khi ấy thật khó khăn, kinh phí cho các em học sinh nội trú quá hạn hẹp, thức ăn hàng ngày quanh đi quẩn lại chỉ độc món cá chuồn, cá niệt khô mà thôi. Tết đến nơi vẫn chưa tìm được cách gì cải thiện cho các em. Buồn quá mình lững thửng đi xuống phòng học sinh nam chơi, thấy mình, Y Quét reo lên:
- Thầy ơi! Em đang định đi tìm thầy đây; rẫy nhà Amí Hri có con nai về phá đấy. Ta đi bắn nhé!
- Có bắn được không?
- Rẫy gần chân đồi Cô Đơn, dễ bắn lắm.
Lúc ấy việc săn bắn chưa bị cấm khắt khe như bây giờ; cái lo là mang học sinh đi lỡ xãy ra điều gì thì mấy mạng mình đền cho đủ. Còn không đi săn thì lấy cái gì cho các em ăn trong mấy ngày tết! Nhìn các em học sinh người Êđê chân thật, chất phác, vô tư, có lòng tin tuyệt đối ở thầy cô giảng dạy. Mọi việc thầy cô làm, trò xem đó là mẫu mực, cố làm theo cho kỳ được; lời thầy là mệnh lệnh chỉ có chấp hành, không phải bàn cải cho dù đó là điều gì đi nửa. Có được lòng tin của các em như vậy là vô cùng quý giá, góp phần quan trọng giử gìn sự bình yên của mảnh đất Tây Nguyên chống lại bọn Phu Rol còn ẩn nấp trong rừng, thỉnh thoảng vẫn chặn đường giết người, cướp của. Thôi đành liều vậy !
Khi nghe mình trình bày ý định mang học sinh đi săn, ông hiệu trưởng trợn tròn mắt:
- Anh giởn à! Bọn Phu Rol nằm trong rừng đang treo giải cái đầu anh đấy. Anh đi săn có khác gì đi nộp mạng cho chúng. Ấy là chưa kể nếu bọn chúng bắt đi chỉ một em học sinh thôi thì tình hình sẽ ra sao, chắc anh hiểu!
Hai anh em bàn bạc mãi; cân nhắc thiệt hơn mọi việc, thầy hiệu trưởng cuối cùng đành nhượng bộ.
- Thôi tùy anh vậy!
Sáng 29 tết, tôi chọn mười  em học sinh khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tuổi mười tám đôi mươi cùng đi săn. Lúc đầu các em nam cả trường đoài đi hết; song tôi cương quyết chỉ chọn một số em như dã thống nhất với hiệu trưởng, còn các em khác phải ở nhà.
Đường đến rẫy nhà Amí Hri phải đi qua ba quả đồi, bốn ngọn suối mới tới. Thầy trò vừa đi vừa trò chuỵên quên cả đường dài, gần hết buổi sáng đã tới. Nhìn đám đậu bị nai ăn, dày xéo chi chít dấu chân, ai cũng mừng. Bên cạnh rẫy, một vạt rẫy cũ bỏ hoang hai mùa, cây cối mọc cao lút đầu người, rộng chừng hai hec ta tiếp giáp với rừng già. Y Quét nói:
- Các cậu giữ chó, đứng đây đợi mình; thầy theo em!
Y Quét dẫn tôi đi vòng lên  chân đồi, nơi rẫy hoang giáp với rừng già; vừa đi, vừa nói:
- Con nai này khôn lắm, nó chỉ đi một đường xuống ăn và nằm lại đám rẫy hoang này; nếu động nó sẽ theo con đường cũ chạy về rừng già.
- Sao em dám chắc thế?
- Quy luật như vậy mà; nếu chạy theo đường khác sẽ vướng dây, cây cối, chỉ có té thôi mà.
Mình theo sau Y Quét, vừa đi vừa ngắm thân hình vạm vỡ, săn chắc điểm thêm mái tóc quăn tít tự nhiên càng làm tăng vẻ khoẻ mạnh của người thanh niên dân tộc Eđê được mười bảy mùa rẫy. Em cũng có hoàn cảnh khá đặc biệt: anh trai mất, bỏ lại bà chị dâu tuổi gần năm chục và một đàn con sáu đứa; theo tục lệ nối dây của người Ê Đê, Y Quét phải lấy người chị dâu làm vợ thay cho người anh đã mất. May mà đất nước thống nhất, cuộc sống mới ùa vào các buôn làng ngăn chặn kịp thời các hủ tục lạc hậu; cậu bé tuổi mười lăm không phải làm chồng bà già; để vượt qua tục lệ khắt khe đó không chỉ có em mà tất cả giáo viên toàn trường phải viện đủ lý do, biện pháp, kể cả luật pháp của chế độ mới em mới tiếp tục được theo học; một học sinh giỏi có nhiều triển vọng.
Theo con đường mòn vòng sát chân núi giống như con đường ngăn lửa chia cắt phần rừng già phía trên với khu rẫy bỏ hoang phía dưới  đến bên bờ khe cạn, Y Quét bảo:
- Thầy đứng đây nhé. Nai khi bị xua đuổi sẽ chạy theo lòng khe này lên rừng; chờ nó đến gần hãy bắn. Em sẽ cùng các bạn xua từ ngoài rẫy ép nó chạy dần lên đây.
Y Quét đi rồi, còn lại một mình nhìn lòng khe cách chổ đứng chừng chục mét dấu chân nai đi xuôi xuống còn khá rõ. Có lẽ con nai này đi qua đây nhiều lần nên tạo thành con đường mòn thế này. Nếu đứng chặn đường mà bắn , không khéo khi bị trúng đạn nó lao vào húc mình thì chết; thôi leo lên cây vậy. Ngắm xung quanh thấy cây lồng bàng to độ một người ôm chỉ cách đường nai đi khoảng hơn ba chục mét, mình quyết định leo lên chạc cây cách mặt đất chừng hai mét ngồi chờ. Cành cây mình ngồi to bằng bắp đùi, dựa lưng vào thân cây, nâng khẩu AK quen thuộc ngắm thử, thấy mấy cành lá vướng tầm nhìn, giơ tay bẻ, vứt bỏ để lộ ra cả không gian rộng lớn có thể nhìn thấy đám học trò đang tản ra thành một đường vòng cung bao bọc đám rừng. Hai con chó săn của nhà Y Sú được các em mang theo chạy quấn quýt phía trước chờ lệnh.
-Tu ... tu ... tu ...
Tiếng tù và vang lên vọng vào núi dồn trở ra nghe như tiếng rít của bầy voi gặp kẻ thù, tiếp theo là tiếng: dô hầy, dô hầy, xáo động cả góc trời. Chim chóc bay loạn xạ, thỉnh thoảng những tiếng: Oác! Cục tác! Cục tác! Của mấy chú gà rừng, trĩ sao xé tan âm thanh ồn ả và lao vút qua đầu về phía đồi Cô Đơn. Gà rừng nhiều thật; con trống bên má có hai chiếc tai trắng toát, còn toàn thân khoác một một bộ cánh màu vàng lửa trông thật đẹp. Còn chim trĩ đực mới thật là ông hoàng của rừng xanh khi sải cánh bay vun vút dưới ánh sáng mặt trời khoe chiếc mào đỏ như son, nổi bật trên nền lông màu xanh biếc, óng ả, lóng lánh.
- Gâu! Gâu! Gâu!
Tiếng chó bất chợt gầm lên, liền ngay đấy tiếng cây gãy đổ ào ào, xen lẫn tiếng la hét vui thích của đám học trò:
- Nai! Nai! Hắn chạy đấy!
- Thầy ơi hắn chạy đấy!
Tôi bật khóa súng, cẩn thận kiểm tra lại thước ngắm và căn sẳn theo đường mòn nai đi. Hồi học trong trường các giáo viên huấn luyện cũng phải ngạc nhiên trước tài sử dụng vũ khí của tôi.
Tiếng cây đổ, chó sủa tiến gần lại chỗ tôi ngồi. Năm mươi mét, hai mươi mét, mười mét, năm mét... một mét. Chỉ chờ có vậy tay tôi kéo nấc cò thứ nhất... Ô hay, đám cây lặng im; nó không chạy lao qua đường mòn như học trò tôi dự đoán mà đứng im. Phải chăng nó đã linh cảm có điều gì đó không ổn nên dừng lại? Đám cây nó đứng núp khá rậm nên tôi không nhìn thấy gì cả.
- Gâu! Gâu! Gâu!
Tiếng chó bất chợt gầm lên ngay cạnh chổ nai đứng.
- Rầm!
Nhanh như một mũi tên con nai đực to kềnh càng giống con trâu mộng lao vút qua đường.
- Đoàng!
Theo phản xạ, tôi xiết cò; tiếng súng nổ vang lên, con nai như bị vấp, oằn mình cắm ngặm đầu xuống đất, còn nửa thân sau vẫn theo đà chạy, vật lộn qua đầu đập vào thân cây bên đường tạo nên tiếng đổ thật to kèm theo đó là đám bụi bay lên; hai chân sau đạp lia lịa vào khoảng không.
- Rào!
Một con nai cái nâu đen lớn như con bò lai lao bổ ra giửa đường, giương đôi mắt tròn xoe nhìn con nai đực đang dãy chết. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nó xuất hiện. Giá như nó lao qua đường chắc tôi đã bắn; còn giờ đây thấy nó đứng chềnh ềnh giữa đường, tôi lại khônh nỡ xiết cò súng khi nhìn giáng dấp tội nghiệp của nó. Con nai cái có lẽ không tin điều gì đã xãy ra trước mặt hì phải; nó cúi đầu dụi vào bụng con nai đực như cố thúc bạn đứng dậy. Thúc vào bụng mãi không được, nó quay mình luồn đầu xuống dưới cổ con nai đực cố dìu bạn đứng lên nhưng vẫn không được. Khi ngững đầu lên máu từ mặt con nai cái chảy thành dòng. Đôi chó lao ra xoay quanh đôi nai sủa ầm ĩ. Con nai cái vung chân sau đá vun vút vào khoảng không, cố xua chó ra xa chổ con nai đực nằm. Hai con chó đang hăng vì có mùi máu thay nhau lao vào cắn xé con nai đực đã chết. Con nai cái chạy vòng quanh hết bên phải qua bên trái, hai mắt long lên đỏ mọng như sắp bật máu ra ngoài. Nhìn nó thấy tội nghiệp quá, tôi ngồi lặng im trên cây không dám bước xuống sợ làm xao động giây phút cúi cùng bên nhau của đôi nai.
- Thầy ơi, trúng không?
- Có được không thầy ơi!
Đám học trò nghe súng nổ, mừng quá kéo nhau chạy hết lên chổ tôi ngồi, làm con nai cái hoảng sợ thét lên: “Bép”! Rồi nhảy vào rừng. Mấy em chạy trước thấy nai  hét liếu cả lưỡi:
- Nai đấy, bắn đi thầy!
- Bắn, bắn, băn!
Tôi lặng lẽ tuột xuống khỏi thân cây, cũng vừa lúc các em ùa đến; Y Quét hỏi:
- Sao thầy không bắn? Con nai ngon quá!
Mấy em khác nhao nhao hỏi:
- Thầy bắn trượt rồi à!
- Không trúng hả thầy!
- Các em nhìn kìa!
Mình chỉ chỗ đôi chó lúc này đã thôi sủa, đang cùng nhau nhay nhay cổ con nai trúng đạn. Cả đám học trò chạy ùa xuống, tiếng một em reo lên:
- Ô! Thầy bắn xuyên lỗ tai nó rồi!
Mình thấy buồn vui lẫn lộn; vui vì ba bữa ngày tết các em ở lại trường có thức ăn, đón tết sẽ vui vẽ, đầm ấm hơn. Nhưng lòng cũng đượm buồn khi hình ảnh con nai cái giương đôi mắt đỏ mọng như máu cứ nhìn chằm chằm, cứ ám ảnh tôi mãi.
- Thầy mệt à?
Y Quét đến bên tôi từ lúc nào không rõ, cất tiếng hỏi làm tôi giạt mình; tôi lắc đầu.
- Thầy ngồi nghỉ chờ bọn em một chút, sẽ xong ngay thôi thầy ạ!
Một đống lửa lớn được đốt lên chất đầy những cành cây to, hừng hực cháy. Con nai được chặt đầu, xẻ ra làm tư. Các em xúm nhau cắt thịt xiên vào que gác lên những cục than hồng, chỉ một chốc mặt ngoài miếng thịt chuyển từ màu đỏ sang màu xám, nước rơi xuống than kẽu xèo xèo, tỏ mùi thơm ngào ngạt. Y My cầm một xiên thịt mang đến cho tôi.
- Em mời thầy!
Mùi thịt nướng thật hấp dẫn, nhưng đôi mắt của con nai cái lại như đang nhìn tôi. Tôi tặc lưỡi; tạo hóa đã sinh ra ra cái qui luật của muôn đời là vậy! Thời gian rồi sẽ xua đi tất cả, con nai cái nó sẽ tìm được bạn mới; tôi tự an ủi mình. Nướng thịt ăn no, các em chia nhau khiêng thịt, mỗi đùi nai hai em khiêng, còn đầu nai với tim, dạ dày hai em cột chung lại định mang về. Thấy mang vác nặng quá, tôi bảo :
- Nhiều thịt rồi, ta vứt hết dạ dày đi, lấy gan thôi?
Cả bọn cười ồ làm tôi ngạc nhiên. Y My nói :
- Thầy ơi! Con nai ngon nhất chỉ có cái đuôi và dạ dày thôi mà; còn dở nhất là gan, ăn hôi rình, lấy làm gì.
-Thật vậy à!
Cho đến lúc ấy mình mới biết trong con nai chỗ nào là ngon nhất, chỗ nào dở nhất. Trước đây cũng thường được nhân dân biếu thịt nai, và chỉ cho thịt thôi nên mình cứ đinh ninh gan nai chắc ngon lắm nên dân không cho mà dành cho người già, chứ biết đâu...
Tết năm ấy trường nội trú chúng mình ăn một cái tết thật vui, thật rôm rả vì tất cả các thầy cô miền Bắc tăng cường vào cho huyện không có điều kiện về thăm quê đều được mời về trường đón tết. Một số phụ huynh ở gần cũng được mời đến ăn tết với trường, vì người dân tộc Êđê lúc ấy chưa ăn tết như người Kinh. Lần đầu tiên mọi người dược nếm món giò làm bằng da nai, gân nai hầm củ mài, thịt nai sấy khói... Còn cặp sừng này Y Quét mang về treo gác bếp hong khói đúng ba năm mới mang ra lau chùi và tặng cho mình nhân ngày cưới vợ.
Thế là đã ba mươi năm tròn, các cô, các cậu học trò ngày ấy nay đã trưởng thành cả rồi. Thỉnh thoảng đi công tác qua cũng dừng xe vào thăm thầy giáo củ và nhắc chuyện ngày xưa.
- Mời anh! Thầy nâng ly mời tôi và uống cạn. Thời gian sẽ giữ mãi những gì đáng giữ và sẽ xóa đi tất cả những gì đáng xóa; có phải vậy không nhà báo.
Thầy nói và nở một nụ cười rạng rỡ.
M’Đrak Mùa xuân 1983

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

CON CHÓ HUYỀN THOẠI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 61 THÁNG 10 NĂM 1997




                                                

Trong một lần về thăm buôn Krông Pa dưới chân dãy núi Krông Á xanh ngắt, cao chọc trời, giống như một bức tường thiên nhiên phân định ranh giới của của ba tỉnh Dăk Lăc - Gia Lai - Phú Yên; tôi có dịp ngồi uống rượu cần bên bếp lửa nhà ông giáo già Y ĐHăng.
Dãy nhà sàn dài gần trăm mét, trong đó hai phần ba làm phòng khách, nơi sưởi ấm và uống rươu, phần còn lại làm phòng ngũ. Ông Y ĐHăng có khuôn mặt thông minh, cương nghị, tuổi xấp xỉ bảy mươi, cao, gầy; cời đống than đỏ hừng hực đặt mấy miếng nai khô, lật qua lật lại… mùi thịt nướng thơm lựng.
- Nai này thầy bắn được à? Tôi hỏi.
- Của buôn chia phần.
Anh nói giọng buồn buồn như không muốn nhắc đến chuyện đi săn. Ma Hen cán bộ phòng giáo dục huyện đi cùng tôi cười xòa vỗ vai Y ĐHăng.
-Buồn làm gì, ở đời làm sao tránh đuợc sự vấp ngã; vấp ngã phải biết đứng dậy chứ không phải bị ngã là sụp đổ luôn nghe chưa.
      MaHen quay sang tôi:
- Ông biết không –Y ĐHăng thời thanh niên không chỉ là một thầy giáo giỏi mà còn là tay thợ săn săn sừng sỏ của cả vùng này đó.      
- Thật  thế sao?
Như đoán đuợc suy nghĩ của tôi về người thầy giáo gầy gò ngồi trước mặt đã từng là thợ săn nổi tiếng; A ma Hen nói :
- Trước đây, vào khoảng năm 1977-1978 cả vùng phía đông huyện này chỉ  có rừng là rừng, đi mỏi chân mới thấy một buôn nằm lọt thỏm giữa rừng. Thú rừng nhiều vô kể. Ngoài hổ, báo, voi, gấu, bò  rừng, min… thường kéo về theo một chu kỳ nhất định của vòng quay kiếm ăn; còn heo, nai, khỉ, dọc thì cứ đàn này đi, đàn khác kéo về quấy phá thường xuyên. Cuối năm 1978 thầy Y Đhăng dạy trường nội trú huyện, thường đi săn kiếm thức ăn cho cả trường. Thời bao cấp kinh tế còn khó khăn, thực phẩm khan hiếm, vận động được các em rời buôn làng, xa a ma, a mí  đến trường học là cả một vấn đề nan giải. Nhưng thầy Y ĐHăng đã làm được và làm tốt là nhờ một phần vào tài săn bắn nữa đấy. Nhưng chữ tài gần với chữû tai; chữ tai ấy lại giáng xuống đầu vào đúng thời điểm bất ngờ nhất, khủng khiếp nhất.
Giọng Ama Hen chợt chùng xuống, anh vít cần uống một hơi dài, trả lại cần cho ông YĐHăng:
- Để tôi kể lần đi săn cuối cùng của thầy Y Đhăng cho ông nghe.
Y ĐHăng không nói gì, đôi mắt buồn buồn nhìn chăm chăm vào đống lửa như muốn quên đi qua khứù.
Tiếng Ama Hen rì rầm , rì rầm . . .
*     *
   *
Hôm ấy mấy thầy trò trương Dân tộc nội trú huyện dốc hết lực lượng bao vây cánh đồng sậy rộng chừng  chục héc ta sát ngay chân núi Krông Á. Đám sậy mọc khá tốt, cao lút đầu người, còn xanh um. Ở giữa đám sậy có con suối chạy qua, quanh năm nước màu riêu cua, váng vàng  nổi lên từng đám lững lờ trôi theo dòng nước. Chính đây là nơi lí tưởng cho bầy heo rừng ẩn nấp trước khi về phá hoại hoa màu.
Rừng sậy tươi tốt che kín phía trên, song phía dưới heo đi lại thành đường dọc, ngang như những dãy địa đạo đan chéo vào nhau. Ở giữa đầm sậy, một hố bùn rộng chừng chục mét vuông, là nơi tắm lí tưởng cho lũ heo vào mùa khô. Đêm đến từ trong cánh đồng sậy, heo kéo đàn, kéo lũ ra phá phách hoa màu. Chúng phá mới khủng khiếp làm sao. Củ khoai mài mọc sâu trong lòng đất có đến nửa mét cũng bị chúng ủi lên như người ta đào. Rừng mía đến thời kì thu hoạch chúng cắn ngang cây nhằn đoạn gốc, tấp ngọn thành đống. Có con ác hơn dùng cái mũi cứng như thép của mình cày tung gốc lên để nhặt giun , sâu bọ .
Bọn chúng đi đến đâu, ở đó con người không còn gì để thu hoạch. Muốn xua đuổi chúng đâu có dễ. Nếu không có súng, chỉ đốt lửa xung quanh rẫy; chúng không sợ, cứ tự nhiên như về nhà mình, ngang nhiên bước qua vào rẫy kiếm ăn. Có người vác gậy ra đuổi, chúng lao lại đuổi luôn cả người. Loài heo thường đi theo đàn, mỗi đàn ít thì vài chục con, bầy đông khoảng trên một trăm con. Chúng đông đúc như vậy nên sức tàn phá thật khủng khiếp. Người ta rào nương, đặt bẫy vẫn không sao hạn chế được chúng vì trời phú cho họ nhà heo cái mũi quá thính, thính như mũi chó săn, nên có thể “ngửi” ra cạm bẩy mà tránh, ủi đổ rào mà đi.
Phường săn của buôn Krông Pa nổi tiếng vì có đàn chó biết săn heo, điều đó hiếm vô cùng. Ai cũng biết heo rừng sẵn sàng tấn công cả người thì chó thấm vào đâu! Ấy vậy mà bầy chó buôn Krông Pa lại rất dũng mãnh khi đuợc đưa đi săn heo rừng. Săn ở đây không phải là tự chó cắn chết được heo, vì da heo rừng dày lắm, chó cắn chỉ như  gãi ngứa. Cách săn heo phải có biện pháp riêng. Đầu tiên người đi săn tìm đến gần chỗ bầy heo nằm, xua cho chó xông vào gần bầy heo sủa inh ỏi. Heo tức lao ra đuổi chó, chó chạy lại chỗ người núp mang súng đợi sẵn. Có con heo khôn ngoan chỉ đuổi một đoạn rồi đứng lại, khi đó chó săn phải quay lại sủa, chọc tức cho heo đuổi theo. Luyện được con chó như vậy quý lắm, đắt lắm, nó đắt tiền hơn cả con trâu lớn.
Trong bầy chó săn có con Xám của thầy  Y ĐHăng là khôn nhất. Nó là con chó đầu đàn tinh quái vì trải qua nhiều trận đánh sinh tử nên dày dạn kinh nghiệm. Nhưng đạt được điều đó, con Xám cũng trả giá bằng mấy thẻ xương sườn.
Thời con Xám mới hơn một tuổi đã nổi tiếng  lì lợm, nó xông vào sát bầy heo, có khi chỉ cách hai mét mới sủa. Một lần bị con heo độc rượt theo, nó chạy ra nhưng không thấy heo chạy theo nên quay lại tìm. Ai ngờ con heo ranh ma đút đít vào bụi cây nằm phục ngay bên đường, chờ con Xám chạy qua mới lao ra dùng nanh đâm một nhát vào bụng làm gãy ba xương sườn, lòi cả ruột. Con chó kêu lên thảm thiết. Lúc đó Y ĐHăng vội bắn chỉ thiên cho heo bỏ chạy rồi xuống ôm chó về băng bóù, thuốc thang gần ba tháng sau mới lành.
Buổi đi săn sáng hôm ấy rất đông. Đi săn không chỉ để vui chơi, giải trí, mà còn giúp dân bảo vệ hoa màu và cái quan trọng nhất là kiếm thực phẩm cho hơn ba trăm thầy trò trường nội trú có cái cải thiện bửa ăn, sau hơn nửa tháng chỉ ăn toàn cá chuồn khô. Bảy thầy giáo và gần chục học sinh  lớn tuổi nhanh nhẹn mang theo năm  con chó tinh khôn bao vây chặt đám sậy. Tám người được phân công dẫn chó xua bầy heo từ phía cánh đồng vào chân núi. Nếu bầy heo muốn chạy thoát  lên núi cao buộc phải chạy qua đám cỏ gianh rộng chừng hơn chục mét chiều ngang, chạy vắt qua sườn đồi; đám cỏ gianh đã bị nắng đốt khô cong, ngã rạp xuống nên heo chạy qua như phơi trần trên mặt đất, rất dễ bắn.
Ba thầy  có súng chia nhau chặn đuờng lên núi, mỗi người cách nhau khoảng vài chục mét. Y ĐHăng chọn điểm bắn khó nhất; đây là ngọn suối cạn có nhiều cây lúp xúp, tạo thành đường hầm cho heo đi lại dễ dàng. Còn người bắn rất khó xử lý vì cây cối rậm rạp, chỉ có khoảng trống chừng một mét nhưng không có cây to để núp hay đống mối để đứng. Y ĐHăng tin vào tài bắn của mình cũng như vai trò chỉ huy nên phải gánh lấy trách nhiệm nặng nề đó.
Bố trí đội hình xong, người đi lùa thả chó và dàn hàng ngang xông vào rừng sậy, vừa đi vừa la hét, đốt pháo nổ ầm ầm. Đàn chó được thể sủa lên nhặng xị. Cả rừng sậy rung chuyển. Bầy heo sợ hãi chạy lung tung nhưng chúng chưa dám vượt khoảng trống lên núi cao mà chỉ nghiến răng ken két nghe rờn rợn. Mặc, bầy chó cứ thi nhau gào lên, đặc biệt tiếng con Xám sủa khoan thai từng tiếng một theo nhịp đều đều tiến dần về phía Y ĐHăng. Tiếng con Xám không thể lẫn lộn với bất cứ con nào vì tiếng của nó thanh, sủa gióng một, chứng tỏ nó gặp heo lớn.
Thông thường heo đi bầy ít có con lớn, con nặng  nhất khoảng chín chục đến một tạ là cùng, còn lại chỉ nặng khoảng sáu, bảy chục kí. Đàn heo này theo dấu chân mà tính chắc phải cả trăm con, nhưng không con nào lớn. Y ĐHăng tự nhủ và chờ đợi.
Vạt sậy trước mặt rung lên ào ào, bầy heo nối đuôi nhau chạy ngược theo dòng suối lên đồi. Chỉ chờ có vậy. Khẩu súng trên tay Y ĐHăng vang lên một phát đĩnh đạc. Phát đạn đầu tiên nổ, con heo trúng đạn ngay mang tai gục đổ ngay sát chân, nặng chắc  phải gần tạ.
Bỗng một tiếng “ào” dữ dội như cơn lốc xoáy, Khẩu súng Y ĐHăng cầm trên tay chỉ  kịp nổ một phát cướp cò đã bị hất tung ra xa. Một con heo lớn không biết từ đâu xuất hiện chồm lên người làm Y ĐHăng té ngữa. Vì bất ngờ nên viên đạn xuyên qua một chân trước con heo, nó đau đớn mắt trợn ngược, chân trước còn lại đạp lên ngực, giơ chiếc mõm dài , hai bên chìa ra hai chiếc răng nanh trắng hếu to như quả chuối định cắm vào mặt Y ĐHăng. Y ĐHăng lấy hết sức lực dồn vào đôi tay rắn chắc của mình bóp chặt hàm dưới đẩy mỏm con heo lên. Con heo rừng muôùn ghì chết kẻ thù của no ù; còn con người vì sự sinh tồn cũng cố móc tay vào yết hầu đẩy mỏm nó lên. Không biết Y ĐHăng cầm cự được thêm bao lâu, khi cánh tay tê dại, cái chết đã lơ lửng trên đầu. Đúng lúc đó con xám xuất hiện, nó cắn vào dây súng cố sức kéo khẩu Ak lại sát bên chủ, ngay dưới mõm con heo. Làm xong cái việc phi thường đó, nó lấy hết sức lao vào chiếc chân trước trúng đạn của con heo gặm một miếng rõ to, giật mạnh. Con heo đau đớn hộc lên một tiếng, quay ngang táp vào chân con xám, Một tiếng rắc khô khan vang lên, con heo đã cắn đứt chân sau con xám.
YĐHăng cố hết sức nâng khẩu AK siết cò. Cả băng đạn còn lại găm nát đầu, cổ con heo. Nó nặng nề đổ sụp xuống, cũng là lúc Y ĐHăng ngất đi .
Nghe thấy tiếng súng nổ lạ, khác lệ thường, mọi người đổ xô lại, thấy Y ĐHăng máu đầy người nằm bất tỉnh bên cạnh con heo, con heo mồm vẫn nghiến chặt chân sau con xám, còn con xám vẫn cắn chặt chân trước bị bắn nát của con heo.
Y ĐHăng được đưa vào bệnh viện điều trị gần ba tháng mới lành vết thương do chiếc chân còn lại của con heo giãy chết đạp lên ngực trược xuống gãy ba thẻ xương sườn và rạch một đường dài lòi cả ruột ra ngoài.
*
*       *
Ngày nay, ai có dịp đến thăm thầy Y ĐHăng, đều thấy một con chó màu xám cụt một chân sau nằm ngay cạnh đầu cầu thang lên xuống, dương đôi mắt thông minh, lanh lợi nhìn mọi người. Nó trở thành con chó huyền thoại của buôn Krông Pa.

Mùa hè 1993

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

TRUYỀN THUYẾT VỀ ÔNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 65+66 tháng 1&2 năm 1998




                                                                              

Cái buôn nhỏ bé nằm dưới chân dãy nùi Krông Đóa bổng nhiên ồn ào cả lên trước cái tin Y Đhinh mượn súng về bắn cọp. Ông buôn trưởng mặt hằm hằm chỉ vào mặt Y Đhinh:
- Từ bao đời nay “ông ” là vị thần hộ mệnh cho buôn, xua đuổi lủ thú rừng không cho chúng phá hoại hoa màu; “ông” không bao giờ lấy của chúng ta con gì, nên không thể giết được.
-Ông buôn trưởng nhầm rồi, con cọp là cả một kho vàng to lớn. Bắn nó, ta mua được máy cày đất đỡ phải cuốc, mua được cái máy tưới nước, mua được cái xe khỏi phải đạp, như vậy không tốt à! Mình không bắn, người khác bắn mất uổng.
- Y Đhinh! Cái bụng mày độc ác chỉ nghỉ cho riêng mày, không nghĩ cái tình người của buôn mất rồi. Nay thời sống mới, chính phủ cấm săn bắn thú quý. Nếu mày bắn tao bắt.
Mặt buôn trưởng tím bầm, mắt như có ngọn lửa nhìn chằm chằm vào mặt Y Đhinh. Y Đhinh tức lắm; nhưng không dám cãi, cái bụng không phục. Ai đời cả một núi bạc như vậy mà bỏ đi bao giờ. Hắn lầm lủi bỏ về nhà lôi rượu ra uống. Thứ rượu nếp Ha Nội thơm phảng phất như hoa lúa, uống đến đâu biết đến đấy, càng làm hắn thêm tỉnh táo. Cả cái buôn ngu dốt này không ai biết điều, chỉ có hắn làm mở mày mở mặt cho buôn mà thôi. Hắn cứ uống và càng uống càng thấy cái vô lí của ông buôn trưởng .Mấy ông cán bộ ở ngoài huyện còn thích cao hổ để tẩm bổ. Còn mấy tay buôn thú rừng ngoài thị trấn cưỡi xe máy chạy như gió, sao mà oai thế. Chỉ có cách phải bắn cọp thôi. Bắn nó ta sẽ có mọi thứ …
Từ bao đời nay các chúa tể sơn lâm thích sống độc thân, cho dù là đực hay cái. Chỉ đến mùa giao hoan chúng mới tìm đến ghép đôi tình tự. Qua mùa ấy “anh đi đàng anh, tôi đàng tôi”, chúng lại về xứ sở của mình hẹn tái ngộ mùa sau. Rừng vùng Krông Đóa có con cọp đực chắc đã sống nhiều mùa rẫy lắm rồi nên to như con bò mộng. Thỉnh thoảng khi mùa khô tơiù, vào buổi chiều tà, nó lửng thửng đi dạo trên đồi cỏ gianh đã cháy rụi. Đững dưới buôn nhìn lên thấy nó oai vệ làm sao. Con cọp ấy là niềm tự hào của buôn Krông Đóa .Thỉnh thoảng nó về  xua đuổi bọn heo, nai… không cho phá hoa màu, rồi đi; có khi một tháng, có khi hơn mới quay lại. Có lẽ tại thú rừng nhiều hay còn vì một điều gì đó ẩn chứa bên trong nên nó không bao giờ quấy nhiếu cái buôn nhỏ bé này. Lâu lâu không thấy nó về người dân ở đây cảm thấy nhớ như thiếu đi một cái gì đó. Còn khi nó về cũng làm nhiều người dựng tóc gáy, đứng tim vì sự ngịch ngợm hay tò mò của “Ôâng ”.
Mới mấy tháng trước có người ra suối câu cá, mãi câu không để ý xung quanh, cho đến lúc chiều tà định đứng dậy ra về mới té xỉu cái rầm khi thấy Ôâng ấy” ngồi chổm hổm phía bên kia suối xem câu cá từ lúc nảo lúc nào. Con suối đâu có rộng gì, chỉ khoảng bốn mét là cùng; nhưng vì ông đứng cuối gió nên không biết.
Lại một lần khác, cả buôn đi săn, cả ngày không gặp con gì. Khi ông mặt trời sắp đi ngủ mới lếch thếch kéo nhau về. Bầy chó săn hớn hở chạy phía trước. Khià gần tới buôn; bầy chó quấn quýt chạy ngược trở lại luẩn quẩn dưới chân người, đuôi cặp sát đít, đầu ngẩng cao, tai dựng ngược, mắt nhìn nhớn nhác xung quanh, chỉ nghe chân người dẫm  cành cây khô gãy “rắc” cũng kêu “oẳng”, ngã dúi dụi vào chân người. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì người đi trước ngã khụyu xuống, miệng ú ơ nói không thành tiếngù. Mấy người đi sau rùng mình, mồ hôi vã ra như tắm khi thấy “Ôâng” ngồi chổm hổm trên tảng đá ngay cạnh lối re vào buôn õ. Qua lần đó bầy chó sợ đến cả tuần.
Có một buổi tối người đàn bà dỗ mãi mà con không chịu ăn, bực quá chị ta dọa con: “mày có ăn không tao cho Ông  này!” Vừa nói chị vừa cầm tô cơm chìa ra ngoài của sổ. Và như có phép thần, ai đó giành  luôn tô cơm đưa đi, chị giật mình nhìn qua cửa sổ dưới ánh trăng “Ông ” ngồi chổm hổm ở đó từ lúc nào, chân trước cầm tô cơm đung đưa, đung đưa dưới ánh trăng. Chị sợ quá ngã lăn quay đập đầu vào xoong canh vang lên tiếng “keng” khiến “Ông” giật mình làm rơi tô cơm đến “xoảng” một cái rồi vươn vai chạy biến. Ông chồng ngồi bên bếp không hiểu đầu đuôi ra sao, tưởng vợ trúng gió,chạy lại định lôi vợ dậy, nghe tiếng chén vỡ mới ngoái ra nhìn thấy “Ông” đang chạy.
Những câu chuyện về “Ông” thật nhiều, nhưng không thể ngăn cản người ta ao ước làm giáu, đổi đời. Biết là phạm luật nhưng mối lợi lớn quá làm sao bỏ cho được. Y Đhinh càng nghĩ càng tức và cái bụng muốn bắn lắm. Khi chiều “Ông” mới đủng đỉnh đi qua triền đồi về phía suối lớn. Nơi ấy đã trở  thành một quy ước không thành văn bản nhưng ai cũng theo là không được chặt phá và đốt cỏ tranh. Nơi con suối phình to có đám sậy mọc um tùm chừng chục hét ta  được bao bọc ba phía bằng những quả đồi cỏ tranh cao, thỉnh thoảng mới có cây Kơnia gốc to bằng vòng tay người ôm, tạo nên quang cảnh thoáng đảng làm chỗ cho heo, nai đầm và cũng là nơi dừng chân của “Ông”.
Y Đhinh uống hết chai rượu, đốt hết cả gói “Địa cầu” vẫn không sao ngủ được. Ngôi nhà sàn ba gian như rộng đến mênh mông. Con vợ vô tâm đã ôm con ngủ như kéo bễ lò rèn. Hắn không ngủ được và lòng tham trỗi dậy. Cây súng AR16 với hai chục viên đạn đủ cho buổi săn quyết định đổi đời.
Màn đêm dày đặc. Trên cao, những vì sao li ti nhỏ bé như những con mắt nhìn hắn trách móc. Kệ! Hắn khoác bình ắc quy lên vai, đầu đội đèn rồi vớ khẩu súng bước xuống cầu thang nhẹ như con mèo. Hắn lầm lủi đi ra khỏi buôn một đoạn thật xa mới dám bật đèn soi đường vào rừng cấm.
Nhưng, ở đời ai mà đoán được cái chữ “nhưng” đầy bất ngờ ấy. Khi đèn bật lên quét về phía trước thì bắt gặp hai đốm lửa đỏ, phát ra những tia sáng lạnh lẽo, và mấy giây sau chỉ còn một đốm. Hắn rùng mình, bủn rủn cả người khi nhận ra đó là “Ông”. Nhưng rồi những đồng tiền, những cây vàng lấp loáng hiện ra trong đấu: ta sẽ giáu có, trời giúp ta đây. Hắn run run nâng súng lên.
Trong đời hắn bắn giết đã nhiều. Mới mười sáu tuổi đã theo quân đội Cộng hòa làm biệt kích. Chế độ tan, hắn chạy vào rừng theo Fulro. Khổ quá chịu không nỗi, sau hơn hai năm ở rừng, hắn về đầu thú. Cái quảng đời binh nghiệp hơn chục năm trời, hắn bắn mọi thứ mà người ta bảo hắn bắn, chưa trật bao giờ. Hôm nay cũng vậy, với điểm bắn khoảng hai chục mét làm sao trượt được!
- Đoàng! H … ừ … m!
Tiếng súng nổ dội vào núi rừng chưa dứt thì liền ngay đó là tiếng gấm khủng khiếp của “Ông” làm núi rừng rung chuyển. Người ta nháo nhào thức dậy, giá trẻ lớn bé rồng rắn kéo nhau về nhà ông buôn trưởng, trên tay người nào cũng cầm bó đuốc cháy rừng rực. Ông buôn trưởng tay cầm đuốc, tay cầm cây xà gạc dẫn đầu đoàn người như một con rồng lửa chạy về phía tiếng súng, vừa chạy vừa gào lên:
- H … ú! H … ú! H…ú!
   Mặc mọi người lên tiếng, phía trước vẫn im lặng, cái im lặng khủng khiếp của tử thần báo hiệu điều gì đó ghê rợn đã và đang xãy ra. Đúng vậy! Khi mọi người đến nơi tiếng súng nổ, một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt: Y Đhinh nằm ngửa, một mắt mở trợn trừng, còn con mắt bên phải cùng với nửa mặt đã bị văng đi, để lại một đống thịt lầy nhầy. Cây súng bị nghiền nát phần nhựa với cả cánh tay bị xé rời.
Tuy giận kẻ trái ý buôn làng gây tội với thần linh nên chuốc phải tai họa , nhưng người ta không thể không mang hắn về mai táng theo nghi lễ của dân tộc. Song có điều lạ, chiều hôm trước chôn hắn thì sáng hôm sau xác  hắn đã bị móc lên phơi trên mặt đất làm mối cho quạ và kiến. Sự trừng phạt của chúa sơn lâm thật khủng khiếp. Ba lần chôn hắn là ba lần “ông” về lôi xác hắn lên. Ông buôn trưởng phải vận động dân buôn chôn hắn lần thứ tư khi da thịt đã rữa, và mang rượu thịt ra mồ cúng suốt ba ngày ba đêm liên tục. Nhờ vậy, mồ hắn không bị đào lên lần nữa; nhưng cũng từ đó cái buôn nhỏ bé dưới chân dãy núi Krông Đóa không bao giờ còn thấy “Ông” trở về nữa.

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

NHỮNG ĐÓA MAI RỪNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 185+186 tháng 1&2 năm 2008




Vân Trang đang hướng dẫn học sinh lao động tổng vệ sinh sân trường, chuẩn bị sơ kết học kỳ I. Mấy cô cậu học sinh lớp 9 nghịch như quỷ. Nhiều em lớn tướng, đứng cao bằng thầy rồi, nhưng hễ không để mắt tới là y như rằng những viên đất không cánh nhè đám học sinh nam bay tới, mở màn cho trận “pháo đất” qua lại và thường kết thúc bằng những cuộc rượt đuổi. Trời se lạnh, từng cơn gió gào thét sồng sộc đuổi chau từ trên sườn đồi tràn qua thung lũng trước khi ùa vào sân trường.
Mùa khô Tây Nguyên vào độ sung mãn! Một năm mới dương lịch đã đến. Chương trình học kì một vừa kết thúc, chuẩn bị bước vào kì hai và theo đó là tết cổ truyền dân tộc. Thế là mình làm thầy giáo cũng gần được một năm rồi, Vân Trang tự nhủ, thời gian trôi nhanh thật. Không biết ngoài quê Thanh Hoá những ngày này có lạnh lắm không? Bố mẹ đã chuẩn bị gì ăn tết chưa? Cô út năm nay học xong cấp III sẽ thi vào trường nào? Các anh chị đi xa, ở nhà chỉ còn một mình, mọi việc phải gánh cả. Ừ, đã lâu không nhận được thư, không biết nhà có chuyện gì không? Chắc cô bé bận học ôn để thi học kì, còn ông bà lại bận việc vụ đông nên không viết cho mình. Tối nay phải viết thư về thăm nhà chứ gần tròn tháng rồi mà chưa gửi chữ nào về, mình cũng hư quá! Nhưng làm thầy giáo công việc cuối học kì bận rộn không khác gì nhà nông vào mùa, chắc ở nhà cũng thông cảm thôi.
-Anh có thư này!
Cô giáo tổ trưởng tổ toán đến bên lúc nào không biết, đập vào vai và giúi vào tay Vân Trang chiếc phong bì,  hỏi thêm:
-Ai gửi?
-Em gái mình đấy, năm nay đang học lớp 10.
Mấy cô cậu học trò nghe thầy có thư, quẳng luôn cả cuốc, cào chạy lại níu tay thầy:
-Thầy có thư, đọc cho chúng em nghe với.
-Em gái thầy chắc viết thư hay như thầy kể chuyện đấy, đọc đi thầy!
-Thư riêng của thầy sao đọc cho các em nghe được, đòi nghe như thế là không tốt đâu. Các em đi làm để thầy đọc chứ.
-Ê! Cô H’Ri xấu nhé, bọn em muốn nghe thầy đọc thư mà lại đuổi à. Chắc cô giành nghe một mình phải không? Thầy của chúng em không cho cô bắt đâu nhé.
H’Ri đỏ mặt, đuổi theo mấy cô học trò, chạy vòng ra sau lớp học. Cô này cũng lạ, hay quan tâm đến mình hơi thái quá thì phải. Cô giáo  người Êđê này, mắt to, đen láy, khuôn mặt tròn, có nước da bánh mật hơi đậm một tý nhưng bù lại, tóc dài chấm gót chân lại xoăn tít như được uốn. Ngày xưa ở nhà mẹ thường bảo: Con gái ăn nói nhỏ nhẹ, đi đứng nhẹ nhàng, tóc dài chấm gót là tướng của người sang. Ai lấy được làm vợ có phận nhờ.
-Thầy cho em đọc nhé.
 H’Ni, lớp trưởng níu áo Vân Trang xin đọc, đôi mắt nâu đen nhìn như cầu xin. Các em vây quanh, ai cũng đang háo hức chờ quyết định của thầy. Không nỡ làm các em thất vọng, đành phải chấp nhận vậy.
-Thôi được, các em đọc đi, thư em gái thầy thôi mà.
Cả lớp reo ầm lên như bắt được vàng, mấy cậu con trai xô lại giành bức thư trên tay H’Ni. H’Ni kêu ầm lên, cánh con gái ùa lại nắm tay nhau đứng thành vòng tròn nhốt H’Ni vào giữa, không cho đám con trai chen vào. Bọn con trai hung hăng là vậy nhưng không em nào dám liều lĩnh xô vào đám con gái. Tiếng H’Ni lảnh lót vang lên:
… Tái bút: Anh ơi! Em nghe nói miền Nam có hoa mai vàng đẹp lắm, mà đẹp nhất là giống mai rừng Tây Nguyên. Nếu được, anh ép gửi cho em một bông nhé.
H’Ni ngừng đọc, cả lớp lại ồn ào như chợ vỡ, em nào cũng tranh nhau nói lấy được, không ai chịu nghe ai, nhưng mọi người đều nhất trí khen bức thư hay và quê thầy đẹp lắm, nhất định có dịp sẽ về thăm. Y My, lớp phó lao động  ra hiệu mọi người im lặng rồi nói:
-Hôm nay ta cố làm xong, sáng mai chủ nhật, cánh con trai đi vào rừng tìm hoa mai, may ra có cây nào nở sớm hái cho thầy.
-Không được! - H’Ni ngắt lời - Mai bọn con gái cũng đi.
-Xì! Đám mặc váy mà cũng đòi leo lên cây chặt mai, ai dám đứng dưới gốc.
Y Đoan vừ dứt lời, đám con gái ùa lại, em nắm áo, em xách tai, em cầm tay cào cấu, miệng hét ầm lên: Coi thường bọn này hả, chừa chưa! Xin đi các chị tha cho! Xin đi!
-Y Đoan nói sai, ăn đòn là phải. Cánh phụ nữ có móng vuốt sao không leo cây được. Mấy con mèo ốm nhà tớ vẫn trèo lên cầu thang đấy thôi.
-A! Y Din dám bảo bọn mình là con mèo ốm, cho hắn một trận.
Cả đám con gái bỏ Y Đoan quay sang đuổi bắt Y Din, tiếng hò hét như chơi đánh trận.
-Thôi thôi, thầy xin các em! Ngày mai em nam nào rỗi dẫn thầy vào rừng là được, chỉ đi một hai em thôi, còn phải ở nhà học bài và giúp ama, amí làm rẫy chứ.
-Thầy nói phải đấy, mai các bạn nam đi còn mang chó theo, biết đâu lại kiếm được thịt cải thiện.
Y My nói dứt lời, bọn con trai vỗ tay ầm ầm; bọn con gái lặng im như thóc, mắt lộ rõ nỗi thất vọng mà không em nào dám lên tiếng nữa. Không biết các vùng khác thế nào, chứ riêng nơi đây việc vào rừng săn bắn, đàn bà không được bén mảng đến, đó hầu như là điều cấm kị, một luật bất thành văn từ xưa đến nay mà mọi thành viên phải tuân theo. Việc vào rừng tìm hoa mai kèm theo kế hoạch đi săn, đó là cách gián tiếp khẳng định phụ nữ không được phép đi cùng. Các em nam tản ra hăng hái làm nốt phần việc còn lại và tranh thủ phân công nhau dẫn chó đi cùng. Mấy em nữ  xúm lại với nhau thì thào rồi vui vẻ tản ra làm, khuôn mặt nào cũng ánh lên niềm vui.
***
Sau bữa ăn sáng, thầy và trò tiêu chuẩn như nhau, mỗi suất một chén bắp đỏ xay nhỏ ninh nhừ, ăn với muối trắng; thế là sung túc lắêm rồi, đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh ác liệt chưa lâu, dân còn đói, lương thực khan hiếm, học sinh nội trú mới được ăn sáng, chứ đâu phải ai cũng có; tám cậu học sinh nam chạy vội về nhà dẫn chó ra cổng trường đứng đợi. Mấy cô học sinh nữ cũng vội buông chén kéo nhau về buôn, không em nào dám đòi theo. Mặt trời leo qua ngọn núi Mẹ Bồng Con, rải những tia nắng vàng lên khắp vùng. Đứng ở sân trường nhìn ngọn núi đá, ranh giới hai tỉnh Dak Lak - Khánh Hoà có hình như người phụ nữ ôm con đợi chồng nên người dân đặt tên núi là núi Mẹ Bồng Con. Nghe nói ngọn núi ấy nhiều thú dữ lắm, không ai dám bén mảng tới. Vân Trang vai đeo bình toong nước, chân đi dày cao cổ kiểu quân đội, đầu đội mũ cối bước ra cổng trường. Mấy cậu học sinh đứng đợi, em nào cũng mang trên vai chiếc xà gạc dài độ một mét. Xà gạc là một loại dao của đồng bào người Êđê thường dùng, lưỡi dài độ hai lăm phân, rộng hai phân rưỡi, được tra vào cán làm bằng cây song già, dài độ gần mét; đây là dụng cụ vừa dùng để lao động lại được dùng như một thứ vũ khí phòng thân. Người già nói rằng: khi đi vào rừng nếu trên vai vác xà gạc thì con hổ, con báo không dám vồ người! Có lẽ vì vậy, đi vào rừng là người ta có chiếc xà gạc vác trên vai. 
-Thầy ơi! Hôm nay ta đi theo suối Ea Ty nhé! Em biết trên đầu nguồn có một khu rừng mai đẹp lắm. Y My háo hức nói.
-Ừ! Thầy lần đầu vào rừng, các em đi đâu thầy theo đó thôi. Ta đi làm sao kịp về ăn cơm trưa không các bạn đợi.
Y My hăng hái đi trước, năm con chó nhanh chóng phóng vượt lên, chạy qua chạy lại hai bên đường hít hít, ngửi ngửi trông vui vui. Mấy thầy trò băng qua Quốc lộ 21. Hai bên đường xác xe lính Nguỵ bị quân Giải phóng tiêu diệt hồi tháng 3 năm 1975 nằm chỏng chơ, khung sắt đen sì. Y Đhăng nói:
-Bị quân ta chặn ở đỉnh đèo 519, bọn lính nguỵ tháo chạy từ Buôn Ma Thuột xuống đến đây phải bỏ xe trốn vào rừng, hòng đi bộ về thị trấn Khánh Dương, chạy tiếp về Nha Trang. Đoàn xe dài hơn chục Km, xe lính xen lẫn xe dân, khi không qua được đèo vì quân ta chiếm giữ, bọn lính quay ra cướp của, bắn lộn lẫn nhau, xe cháy ngút trời.
-Đứng ở buôn nhìn khói xe cháy bay lên, hai ngày sau vẫn chưa hết. Y Đoan góp thêm.
Câu chuyện của các em được tận mắt chứng kiến những ngày cuối cùng của chế độ Nguỵ quyền Sài Gòn sụp đổ, quân lính tháo chạy khỏi huyện Khánh Dương, quê hương được giải phóng, đón các anh bộ đội về tiếp quản lại là những người con của buôn làng “nhảy núi” trở về, làm quãng đường như ngắn lại, thầy và trò vào rừng lúc nào không biết. Bỗng bầy chó sủa nhặng xị lên ở phía trước, thầy và trò vội chạy lại. Bên bụi le vừa héo ngọn, năm con chó chia nhau ra năm phía, vừa sủa vừa bới đất, bụi bay mù mịt.
-Chó các em săn chuột à?
-Không phải đâu ạ, có con dúi đấy. Y My hồ hởi trả lời. Loại này nhìn giống con chuột nhưng to lắm, thường thường phải nặng đến hai kí, con đực nặng hơn. Thịt ngon lắm.
-Sao em biết nó là con dúi?
-Thầy nhìn này! -Y Đoan vừa nói vừa kéo cành le lá héo chưa kịp khô - Loại dúi chuyên ăn rễ tre nên nhìn bụi tre nào bị héo là biết ngay thủ phạm thôi mà.
Các em chia nhau, năm em chạy lại ôm chó không cho chúng đào, mấy em còn lại nhanh chóng chặt mấy đoạn nứa già to bằng cổ tay, dài hơn mét chẻ một đầu làm mười phần rồi lấy dây đan lại như hình chiếc đó mà hồi nhỏ Vân Trang vẫn mang ra đồng đơm cá sau những trận mưa lớn. Các em khéo tay thật, chỉ một chốc đã làm được ba cái mang lại đơm vào ba lỗ chó vừa đào.
-Các em làm gì thế?
-Bắt sống chúng về làm thịt. Thầy xem nhé.
Năm con chó được dồn lại thay nhau đào hai cửa hang, còn ba cửa đơm đó có ba em ngồi canh sẵn. Đất pha cát nên chỉ mấy phút sau đã thấy Y Đoan hét lên: Một tên!
Con dúi trông rất giống con chuột, từ trong hang lao vụt ra, thọc mõm vào trong ống nứa. Y Đoan nhanh tay bóp miệng đó lại, làm chú dúi mắc cứng trong đó, tiến không được, lùi không được, hàm răng sắc là vậy giờ trở nên vô dụng vì mắc kẹt trong phần ống nứa chưa chẻ, bốn chân thò ra ngoài cào cào trong không khí.
-Một chú nữa! - Y My kêu lên và dốc ngược chiếc đó nhốt gọn con dúi.
-Đẹp quá, phải nặng đến hơn hai kí đấy. - Y Din sờ bàn chân con dúi thò ra ngoài và nói thêm - Thầy trò mình thắng lợi rồi.
Mấy con chó còn hăng, thỉnh thoảng nhảy dựng lên sủa vào hai chiếc đó. Y My vỗ tay lên đầu từng con một, chúng mới chịu im.
-Thầy biết không -Y Đoan vai vác xà gạc, tay xách một con dúi đi trước dẫn đường còn ngoái đầu lại nói -Đôi này mới về đây nên  chỉ có hai con, nhiều ổ bắt được bốn năm con bự luôn. Bọn chúng đi theo đàn, không bao giờ đi lẻ cả. Mùa khô người ta vào rừng lấy mật ong, thu hái lâm sản thỉnh thoảng vẫn tóm được cả bầy mang về.
-Thịt chúng ăn ngon lắm. Hôm nay về bọn em làm món xào sả ớt mời thầy. Đảm bảo ngon hết ý! - Y Din vừa nói vừa nuốt nước miếng.
-Thầy nhìn kìa! - Y Đoan dừng lại chỉ lên khoảng rừng trước mặt.
Cả khoảng rừng như một bức tranh miêu tả mùa thu, cây nào cây ấy lá úa vàng, một màu vàng tươi rất đẹp. Thỉnh thoảng một cơn gió thổi qua lại kéo theo một đám lá vàng chao nghiêng, đan vào nhau như những đám mây vàng, che kín cả mặt trời.
-Cây gì mà rụng lá theo mùa như cây bàng vậy? Đẹp quá!
-Rừng mai đấy thầy ạ! Cứ đến cuối mùa đông, mai tự trút hết lá vàng, đâm lộc, đơm hoa. Thầy nhìn kĩ nơi nách lá những nụ hoa đang nhô ra đấy.
-Cây mai thật hả Y My!
-Dạ!
Giờ thì Vân Trang đã thấy cây mai, một rừng mai đang thay lá. Bên cuống lá vàng, từng nụ mai khoác lớp vỏ màu nâu sẫm, cứng cáp nhô ra. Nhìn kĩ, một vài cây đã có những nụ xanh biếc tròn như nụ hoa chè mới nhú, xinh xắn, trông thật thích mắt. Vân Trang đi trong rừng mai như người mộng du, tay rờ từng gốc cây to như cột nhà, mang trên mình dày đặc những cành như được con người ghép vào. Một số cây trông xa như đã bị chết, trên cành không còn chiếc lá nào, lại gần mới thấy đầu cành những chiếc búp thon thon như ngòi bút, mới hé ra tý chút khỏi chiếc vỏ bọc màu nâu sẫm. Trên các kẽ lá đã rụng, những nụ hoa mọc chi chít khẽ đung đưa theo chiều gió tạo nên âm thanh vi vu nghe vui vui. Rừng mai chiều ngang có lẽ phải rộng đến vài trăm mét và kéo dài theo hai bên bờ suối cả cây số. Đi trong rừng mai có cảm giác như đi trong giấc mơ một truyện cổ tích nào đó nói về cảnh mùa thu. Mấy thầy trò theo nhau đan qua đan lại trong rừng mai, cố tìm lấy một bông đã nở, nhưng tuyệt nhiên không có. Chỉ có nụ mai còn non xanh. Như hiểu được tâm trạng của thầy, Y My nói:
-Rừng này mai chưa nở đâu thầy ạ. Chiều về ta đi rừng khác may ra có. Mai nở theo nhau, rừng nào một cây hoa nở thì tất cả cùng nở, vàng cả cây, vàng cả rừng và vàng cả mặt đất vì cánh hoa rụng xuống. Đẹp lắm, hai tuần nữa ta vào đây chắc sẽ thấy thầy ạ.
-Trưa rồi, ta về thôi!
Mấy thầy trò quay trở về, có lẽ không tìm được hoa mai nở nên không khí trầm hẳn xuống, mọi người lầm lũi bước. Vân Trang nhìn các em buồn, chưa biết nói thế nào để xoá đi không khí nặng nề, chân vô ý đạp lên một cành khô, làm vang lên tiếng kêu khô khốc. “Oẳng”! Cả bầy chó giật mình gào lên, ngã dúi dụi vào chân người. Mấy em đi trước dừng cả lại.
-Các em làm sao thế.
-Thầy! - Y My thì thào, mặt tái xanh, tay nắm chặt chiếc xà gạc, mắt dáo dác nhìn ra xung quanh.
-Có chuyện gì vậy? Thôi ta về đi, không hái được hôm nay thì mai mốt ta đi tìm cũng được. Hai tuần nữa mới đến tết cơ mà. Các em không vui làm mấy chú cún cũng buồn lây không chịu đi đang quấn vào chân thầy đây nè.
-Ta đi thôi! - Y My nói nhỏ và kéo tay Y Đoan giành phần đi trước.
-Các em biết không, ở quê thầy cũng có núi đấy, núi đất được các cụ ngày xưa đặt tên là gò Chan. Cây cối tốt chỉ cao ngang ngực trẻ em, mọc toàn cây sim, cây sém, cây mua… Từ nhà cỡi trâu lên đỉnh núi chỉ độ ba chục phút là cùng. Đứng trên đỉnh núi nhìn thấy làng xóm, cánh đồng, dòng sông và cả con đường tàu hoả chạy qua đẹp lắm. Mùa xuân hoa sim nở tím sườn đồi. Mùa hè sim chín, nhiều hôm ăn no về nhà không ăn được cơm.
Khác mọi lần, hôm nay mấy cậu học trò cứ lầm lũi bước, người nọ đi sát vào người kia, nhiều lúc Vân Trang có cảm giác hơi thở của Y Din âm ấm sau gáy. Giờ nói chuyện, các em cũng lặng im nghe, không ai nói thêm câu gì. Hay các em mệt! Nhưng so với những lần đi tăng gia, hay lao động giúp dân còn vất vả hơn nhiều, mọi người vẫn cười đùa trêu chọc nhau, vậy mà giờ này… Hay là… Vân Trang chợt thấy như có dòng nước đá chạy dọc sống lưng, lẽ nào bọn thổ phỉ Fulrô đang rình rập đâu đây? Ừ, có thể lắm chứ, các em đưa nào cũng đi sát cạnh mình như có ý che chắn cho mình thì phải. Biết làm sao bây giờ? Mình lại làm khổ học trò rồi! Mà sao đường đi về khác đường vào lúc sáng như thế! Chẳng lẽ lạc rừng! Đi mãi vẫn không thấy đường ra, áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi, đôi chân lên dốc xuống khe quá nhiều gần như là của ai mất rồi. Thỉnh thoảng băng qua vạt cỏ tranh, Vân Trang thấy mặt trời đã chếch về tây, vậy mà vẫn chưa có dấu hiệu gì sắp về đến nhà. Chẳng lẽ các em… không thể thế được! Mình tin các em vì gần một năm dạy học các em thật thà lắm, hiền từ lắm, không thể có chuyện đó được. Nhưng gần đây bọn Fulrô quấy phá dữ lắm, liệu… Chân vẫn bước, miệng khát đắng mà không dám dừng lại uống vì tất cả các em đều lặng im, không nói, không cười, lầm lũi bước theo Y My. Hàng trăm câu hỏi xoay tròn trong đầu, Vân Trang vẫn bước, bước theo quán tính, bước theo hình bóng Y My đang nhoè dần phía trước.
-Thầy ơi, đến rồi!
Tiếng Y My reo lên vui vẻ, làm tất cả các em lao vào nhau ngã lăn xuống mặt đường. Cuối cùng cũng đến được đường Quốc lộ 21, mặt trời đã khuất về tây, báo hiệu một ngày sắp hết. Bầy chó chạy lên trước lại sục sạo hai bên đường. Vân Trang cũng ngồi phịch xuống, thở phào nhẹ nhõm, ngửa cổ tu một hơi nước dài.
- Thầy biết khi qua khỏi rừng mai một đoạn ta gặp gì không? - Y My bất chợt ngồi dậy  hỏi.
- Gặp gì vậy? Thầy có thấy gì đâu!
Tuy miệng trả lời vậy nhưng trong bụng đã đoán chắc trăm phần trăm là bị Fulrô phục kích rồi.
- Ta bị “Ông ba mươi” phục.
- Ông ta theo Fulrô à?
- Thầy không biết à; là con cọp đấy. Khi thầy vô tình đạp gãy cành cây khô, chó tru lên xô lại với người, là vì chúng đã ngửi thấy hơi cọp từ trước, nên quẩn vào chân người. Mải nói chuyện thầy trò ta không để ý thấy.
- Thật à! - Miệng nói mà lưng Vân Trang mồ hôi chảy thành dòng. May quá nhỉ.
- Chuyện thường tình của người đi rừng thôi mà thầy. Con gì thấy người mà chẳng sợ. Thôi ta về đi.
Y My nói dứt lời liền đứng dậy, mọi người đứng lên theo. Chợt Y My la lên: Dúi đâu rồi? Y Din và Y Đoan đỏ mặt, lắp bắp: Ơ! Lúc đó, lúc đó…
          - Bình an là may rồi, các em mải lo cho thầy phải không! Xem như ta được một bài học đi rừng vậy.
          - Thầy ơi, chuyện hôm nay, mai đừng kể cho các bạn ở lớp biết nhé. Y Din không dám nhìn ai, cúi đầu nói nhỏ.
          - Thầy đồng ý!
***
Sáng hôm sau, vào  sinh hoạt 15 phút đầu giờ, mấy anh con trai ngồi im thin thít, khác hẳn mọi ngày. Bọn con gái ngồi ngay ngắn, nghiêm trang làm không khí lớp có vẻ không bình thường. Vân Trang vào lớp và để xoá đi không khí quá căng thẳng nên bước xuống cuối lớp, mời lớp trưởng lên điều khiển sinh hoạt. H’Ni nhanh nhẹn bước lên bục giảng, thay vì làm công việc thường ngày với lớp lại nghiêm trang nói:
          -Thưa thầy! Cho phép em mời thầy lên đây ạ.
          Lớp lại bày ra trò gì đây! Thật là nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Toàn thanh niên cả mà cứ  nghịch như trẻ con. Tuy nghĩ vậy nhưng Vân Trang vẫn đi lên.
-Thưa thầy, bọn em con gái tay yếu chân mềm, không khoẻ được như các bạn trai để vào rừng tìm hoa, chỉ có chút quà nhỏ tặng thầy, mong thầy đừng chê ạ. Mời bạn H’Loan và H’Thương vào.
Cả lớp đứng bật dậy, vỗ tay rào rào khi hai em H’Loan và H’Thương xuất hiện trước cửa lớp học, tay nâng cao cành mai, hoa nở vàng rực. Đám con trai sau phút đột ngột đứng bật dậy vỗ tay, hò hét; bỗng nhiên đứa nào mặt cũng đỏ bừng, lặng lẽ ngồi xuống. Bọn con gái được nước hò hét như cháy nhà.
-Các em…!
Cô H’Ri bước vội vào cửa lớp quát và bỗng nhiên đứng sững lại khi nhìn thấy Vân Trang đứng lặng trên bục giảng tay ôm cành mai...