Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

VOI TRẮNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH số 93 ra ngày 28/9/2023

 


-Cứu, cứu Hòa với atun(1) ơi!

H’Phi chạy đến chân cầu thang kêu ầm lên, mồm miệng tranh nhau thở. Già làng nghe tiếng cháu ngoại hoảng hốt gọi, giọng nghèn nghẹn chứa đầy nước mắt khác hẳn bản tính thường ngày gan lỳ nên bỏ luôn chiếc tivi đang hát, bước vội ra đầu sàn, hỏi:

-Có chuyện gì vậy con?

-Bầy voi rừng bắt mất Hòa rồi.

-Sao, voi bắt người à?

-Dạ.

-Con nói rõ hơn được không: bắt ở đâu, bắt như thế nào?

-Chúng, chúng con đang chơi dưới gốc cây đa ở cánh đồng Mùng mười tháng ba; thấy bầy voi từ trên núi xuống, hai đứa leo lên cây đa trốn. Trong bầy có con voi trắng, không có ngà dẫn đàn đi đến gần gốc cây đa thì dừng lại, đưa vòi hít hà, hít hà một vòng quanh gốc cây rồi ngửa mặt nhìn chúng con, kêu lên: t... e... t. Tiếng kêu to hơn còi ô tô luôn. Hòa ngồi trên cành ngang ngay trên đầu con, nghe tiếng voi gầm, chắc sợ quá, tuột tay rơi xuống; voi trắng giơ vòi tóm lấy Hòa rồi kéo cả bầy chạy vào rừng như bị Yang(2) đuổi.

Già làng tái mặt, đứng thẳng lên, quên luôn cái lưng lâu năm đã còng, bước vội vào nhà.

-Tung, tung, tung...

Tiếng trống nhà già làng gầm lên, lao vút lên không trung, chụp xuống các nóc nhà dài lan tỏa trên mặt đất, chạy dài trên các cánh đồng. Người đang làm trên cánh đồng xa, người đang quét dọn chuồng trâu, chuồng bò... đều bỏ việc chạy về buôn. Theo quy định từ xa xưa để lại, trống chỉ đánh trong ngày lễ hội, tang lễ, hỏa hoạn và giặc giã. Người trong buôn kéo đến đứng kín khu đất rộng trước căn nhà dài của già làng. Già làng đứng đầu sàn, tóc bạc như mây, óng ánh dưới ánh nắng của ông mặt trời. Giơ tay lên ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi nói:

-Sáng nay có Yoan(3) Hòa học cùng lớp 9 ở trường nội trú huyện với H’Phi lên cánh đồng Mùng mười tháng ba chơi, thấy voi rừng đến hai đứa leo lên cây đa trốn. Không ngờ trong bầy có con voi trắng, phát hiện ra người trốn trên cây đa nên gầm lên làm Yoan Hòa tuột tay rơi xuống, voi trắng bắt mang vào rừng.

-Trước đây hợp tác xã thuê máy về ủi rừng làm cánh đồng trồng bắp, khi ủi tới cây đa này lúc đầu chết máy, sau máy đứt xích nên phải để cây lại. Cây đa thiêng, cao thế nếu leo lên mà tuột tay rơi xuống chắc chết mất.

Ông chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng nói xong, H’Phi trả lời:

-Hòa chưa rơi xuống đến đất thì con voi trắng dùng vòi tóm lấy, cuốn lại rồi chạy luôn vào rừng ạ.

Ông Chủ nhiệm nói như reo:

-May quá, thế là con ông Bí thư Huyện ủy không sao rồi.

Già làng hỏi:

-Nó là con Bí thư Huyện ủy à?

-Dạ, đồng chí ấy gần bốn chục tuổi mới lấy vợ, lại muộn con; đến nay có mỗi thằng cu này thôi, mẹ nó làm bác sỹ ở bệnh viện huyện.

Nghe ông Chủ nhiệm trả lời, già làng nói:

-Chủ nhiệm chạy ra báo cho ama, amí(4) nó biết; Thôn trưởng đi báo cho Kiểm lâm huyện, Thôn phó báo Công an huyện; đội du kích của buôn và đám trung niên theo ta đuổi theo bầy voi tìm cách giành lại người.

Ông Đội trưởng du kích nói:

-Voi bắt người thì phải bắn thôi, không thể để như thế được.

Tiếng nhiều người đồng tình. Già làng nghiêm khắc dặn:

-Tất cả theo lệnh của ta không được nổ súng khi ta chưa cho phép. Nhà nước cấm bắn voi đấy. Những người khác không được đi theo, phải ở lại buôn.

Bỗng có tiếng người nói vọng lên:

-Chưa đi vào rừng được đâu.

Ông thầy cúng của buôn không biết đến từ lúc nào, đầu quấn khăn đỏ, áo màu đỏ in loằng ngoằng các con thú màu vàng, màu đen chen lên đứng bên chân cầu thang. Già làng hỏi lại:

-Tại sao?

-Từ xưa đến nay cả vùng này có ai nghe nói chuyện voi bắt người không? Không có. Vậy tại sao nay voi về tận buôn bắt người mà lại là voi trắng. Voi bắt ai? bắt Yoan con cán bộ to nhất cái huyện này. Tại sao như vậy? Đây chính là ý của Yang muốn trừng phạt Yoan lên chiếm đất của chúng ta đấy. Phải cúng Yang đã mới được vào rừng.

Nghe ông thầy cúng phán, đám đồng ồn ào cả lên, người lớn tuổi bảo đúng, đám thanh niên thì cười hô hố, bảo lão thầy cúng nói nhảm. Ông Buôn trưởng lên tiếng:

-Thầy cúng nói cũng có cái lý của nó đấy, lũ voi thỉnh thoảng vẫn về gần buôn, phá hoa màu của Hợp tác xã, chắc là do ý Yang.

-Bây giờ mà bày lễ cúng thì đến khi nào mới đi tìm thằng bé được?

Ông Chủ nhiệm kêu lên, Già làng nói:

-Trước đây xung quanh buôn ta là cánh đồng cỏ gianh xen le mọc xa tít tắp làm nơi ăn của voi. Nay chúng ta phá đi lấy đất trồng hoa màu, bầy voi nhớ chỗ ăn cũ nên theo chu kỳ quay lại thôi, không phải do Yang phạt. Bây giờ đất của chung người Việt Nam sao còn phân biệt Kinh - Thượng như vậy là không tốt. Thôi, ông thầy cúng cùng với người già, lũ trẻ ở nhà bắt con heo ba gang(4) dưới gầm sàn nhà này làm lễ cúng Yang, cầu bình an cho Yoan Hòa. Còn lại theo ta đi thôi.

Già làng bước xuống cầu thang, trên vai có cây xà gạc cán vàng óng có thể dùng xem mặt thay gương được. H’Phi đi ngay sau lưng Già làng, đội du kích mười hai người, súng AR15 đạn đã lên nòng, đám trung niên gần bốn chục người vai vác xà gạc xếp thành hàng dọc đi sau cùng. 

Nhìn những bước đi thoăn thoắt của già làng, không ai nghĩ đó là bà lão đã gần bảy chục tuổi. Năm mười ba tuổi tham gia du kích làm liên lạc rồi thoát ly lên rừng cầm súng trực tiếp chiến đấu. Nước nhà thống nhất về làm cán bộ xã rồi cán bộ huyện, cán bộ tỉnh cho đến lúc về hưu. Bà bắt chồng muộn, hơn ba chục tuổi mới bắt Yoan cán bộ làm chồng, sinh được cô con gái chưa được hai tuổi thì bọn phản động ám sát chồng bà; bà ở vậy nuôi con, giờ nuôi cháu H’Phi cho ama, amí(5) nó an tâm lên thành phố làm việc.

Đến gần gốc cây đa, H’Phi chạy lên trước chỉ vào dấu chân to như miệng gùi, nói:

-Đây là dấu chân con voi trắng, nó đứng ở đây,  Hòa ngồi trên chạc ba kia kìa.

Ông đội trưởng du kích bảo:

-Cao đến hơn chục mét luôn, nếu ngã xuống chắc chết mất. Lần sau chỉ cần leo lên cách mặt đất năm mét thôi, voi không với tới đâu.

-Dạ!

H’Phi đỏ mặt trả lời như có ý mắc cỡ vì điều tối thiểu tránh voi như vậy mà cũng không biết. Già làng nói:

-Bầy voi này đi theo hàng dọc sẽ thành đường lớn luôn, chúng ta phải nhanh chân đuổi theo mới được.     

Cả đoàn người vội vã bước theo dấu chân voi, lẫn luôn vào cánh rừng già. Mùa xuân Tây Nguyên đang là mùa khô, trời trong xanh chứa đầy nắng và gió.

***

Nghe tin con trai bị voi bắt, ông Hạnh sững người, mặt tái lại, trán cao, đầu hói túa mồ hôi ra thành giọt. Ông với tay quay máy điện thoại rồi nói:

-A lô, tôi là Hạnh bên Huyện ủy đây, cho tôi gặp đồng chí Hạt trưởng, Duyên đấy hả, cậu biết rồi à; mình đợi.

Cúp máy điện thoại, Hạnh thẩn thờ nhìn ra sân nhớ lại bức thư mẹ gửi vào chiều hôm qua. Trong thư bà kể chuyện mơ thấy chồng về báo tin đã gặp được thằng cháu đích tôn trong một cánh rừng già có nhiều cây to. Khen thằng nhỏ khỏe, gan dạ chắc sau này sẽ là niềm tự hào của gia tộc. Nhân tiện bà cũng nhắc con cố gắng tìm kiếm xem có thấy mộ của cha không. Sáng nay trường nghỉ bù sau tết, con xin lên nhà bạn học cùng lớp chơi, ông đồng ý ngay vì nghĩ nó đã lớn cần va chạm với cuộc sống để trưởng thành, nào ngờ... Nếu biết tin cháu bị voi bắt chắc mẹ mình không chịu nổi mất. Hai hai tuổi lấy chồng, ở với chồng trọn vẹn một tuần rồi chồng vào Nam chiến đấu, ngày nước nhà thống nhất mọi người vui vẻ đón người thân trở về thì hai mẹ con nhận được giấy báo tử của cha. Mẹ ở vậy nuôi mình ăn học. Khi biết tin mình được điều động vào Tây Nguyên công tác theo đoàn kinh tế mới, mẹ bảo: các con yên tâm làm tròn nghĩa vụ Đảng giao, nhớ chăm sóc cho thằng cu đích tôn chu đáo vậy là đủ. Mẹ còn khỏe mạnh ở lại quê hương để nhang khói cho người đã khuất, khi nào yếu quá không tự phục vụ được nữa rồi hãy tính. Vậy mà...

Ông Hạt trưởng bước vội vào phòng làm việc, mời ông Hạnh ra xe; anh em trong cơ quan ùa ra vây quanh, động viên. Xe chạy, ông Hạt trưởng nói:

-Chuyện voi bắt người như thế này chưa bao giờ xảy ra ở nước ta anh ạ.

Ông Buôn trưởng ngồi bên cạnh tài xế quay đầu xuống nói:

-Bây giờ thì có rồi đấy, mà bắt cháu lại là con voi trắng; voi trắng là vua của các loài voi ở Tây Nguyên đấy.

-Đúng vậy, trong hàng vạn con voi sinh ra, may lắm mới có một con biến đổi zen sinh ra bạch tạng; dân gian gọi là voi trắng. Trong đàn, voi trắng được cả đàn yêu quý, bảo vệ.

Ông Hạt trưởng giải thích thêm. Ông Hạnh không nói gì, ký ức với con ập về: tròn một tuổi ngủ trong nôi bị ong mật chích, nó đánh chết con ong, đít ong dính vào môi sưng vêu lên, đau chảy nước mắt mà không khóc. Năm lên hai tuổi sốt cao phải uống thuốc, mẹ nó nói: “con ngoan uống thuốc cho khỏi nhé”. Đang nằm thiêm thiếp, đầu đắp khăn ướt, vậy mà nó lồm cồm ngồi dậy cầm thuốc bỏ vào miệng, uống xong kêu toáng lên: “bố ơi cay lắm”! Từ đó khi nào trái gió trở trời phải uống thuốc, đưa là uống, không phải ép bao giờ. Thích đi học, năm lên ba đi mẫu giáo, sáng ra biết đánh răng, mặc quần áo, chuẩn bị ba lô để đi học. Có lần quên ngày chủ nhật được nghỉ, dậy vẫn chuẩn bị mọi thứ để đi học. Ông hỏi: sao con thích đi học hơn ở nhà với bố mẹ? Đi học có nhiều bạn cùng chơi, được cô dạy nhiều thứ hay lắm ạ. Lên năm đã biết đọc, đọc đến quên chơi điện tử, quên xem phim hoạt hình trên tivi. Có hôm nửa đêm thấy phòng con sáng đèn, ông qua thì thấy cu cậu đang nằm sấp, chổng mông trên giường đọc sách. Hình như thằng bé này có những điều khác thường so với bạn bè cùng trang lứa. Giờ đây... nước mắt ông ứa ra, thầm nghĩ: voi bắt nó đưa vào rừng, lành ít, dữ nhiều; tự xác định tới tình huống xấu nhất sẽ xảy ra, ta phải chấp nhận thôi.

Xe chạy đến bên gốc cây đa dừng lại, bụi bay mù trời, phía sau còn có thêm  xe uoát của Công an, Huyện đội, Huyện ủy. Ông Hạt trưởng nói với mọi người:

-Dấu chân con voi đầu đàn như thế này chắc chắn phải trên năm tấn, rất quý hiếm ở Việt Nam chúng ta đấy. Ta đi theo dấu chân, anh em Kiểm lâm đi trước, đến Huyện đội, Công an còn các anh ở Huyện ủy đi sau cùng. Trường hợp xấu nhất, gặp voi tấn công chỉ được bắn chỉ thiên, không được bắn voi. Các đồng chí nhớ chưa. Xuất phát.

***

Hết lên đèo lại xuống suối, rồi lên đèo đến một triềng đồi mọc toàn cây gỗ hương, cây nào cây ấy gốc to đến ba người ôm không hết, cành lá đan vào nhau che khuất luôn bầu trời. Già làng vẫn bước đi thoăn thoắt như bay trên mặt đất. Đoàn người hối hả đi phía sau như một đàn kiến khổng lồ, mắt quan sát xung quanh không ai nói gì. 

Ô, hình như có người mặc quân phục bạc màu, đầu không mũ, lưng đeo khẩu AK báng gấp đi trước. Người ấy thong thả bước theo dấu chân voi, thế mà bà bước mãi không kịp. A, cái đầu hói, phía sau chỉ có một ít tóc; đúng anh ấy rồi. Già làng bước gấp, đuổi theo, ký ức ập về: ngày ấy Tỉnh ủy đóng hai bên suối ở phía dưới, trên triềng núi cao xa xa kia có một hang đá lớn, không biết ta để gì trong ấy mà canh gác nghiêm ngặt, không ai được đến gần. Bên ngoài hang chỉ có bộ đội bảo vệ. Hàng ngày có anh bộ đội vai đeo máy điện thoại hình chữ nhật màu đen, lưng mang khẩu AK báng gấp đi men theo triền núi ngược ra phía Bắc, trưa quay lại hang. Có lần hai người chạm nhau bên bờ suối Đắk Đoa, cùng ngồi nghỉ. Cô cho anh chùm quả vải rừng mới hái được. Anh ăn và khen: “ngọt lại có thêm vị chua thế này thì ăn sẽ đỡ khát nước, rất tốt cho người đi rừng. Ngoài Bắc quả vải to gấp đôi thế này, ăn ngọt như ăn đường”. Rồi anh tặng cô một thanh lương khô. Sau đó thỉnh thoảng họ lại tình cờ gặp nhau ở lần gặp ban đầu, trò chuyện với nhau đôi câu, nghỉ chân rồi công việc ai người ấy đi.

Một lần anh vắng mặt mấy ngày không gặp. Khi gặp lại anh kể chuyện thấy hai mẹ con voi chắc nghe bom nổ chạy quá đà tụt xuống hố bom đầy bùn nhão không lên được. Anh chặt nứa chẻ đôi, đánh mắt làm thành ống dẫn nước từ trên cao xuống cho bùn loãng ra rồi xẻ thành hố làm đường cho voi lên. Khi lên khỏi hố, con voi con to hơn con trâu mộng bước lại gần, giơ vòi ngửi quần áo anh ra vẻ thân thiện. Anh còn sờ cái đầu to đùng của nó, nó đứng im ra vẻ thích thú lắm.   

Sau này giặc đánh phá ác liệt, bọn biệt kích, thám báo nhảy dù xuống lùng sục bị ta tiêu diệt; chúng điên cuồng trút bom xuống khắp nơi; khi ấy sự sống và cái chết chỉ cách nhau một cái tích tắc. Cơ quan Tỉnh ủy được lệnh chuyển đi nơi khác. Trước khi đi hai người gặp nhau bên hòn đá cũ. H’Hoa nhìn khuôn mặt vuông chữ điền, vầng trán hói như ảnh ông Lenin và đặc biệt chiếc miệng rộng nói hay hơn cả hát, thích lắm nên nắm lấy tay, nói:

-Em tên H’Hoa, anh tên gì?

-Anh!

-Em hỏi thiệt mà, cho em biết tên đi.

-Anh, tên anh đây!

-Lạ quá!

-Cha mẹ đặt tên anh là Anh vì muốn con mình sống thế nào để người xung quanh kính trọng.

-Dạ. Sau này thống nhất đất nước, em bắt Anh làm chồng nhé!

-Ô, không được đâu.

-Vì sao? Anh chê em xấu hay chê em là người dân tộc?

-Em đẹp lắm, nhưng Anh đã có vợ, có con rồi. 

Anh rút tay lại, móc bót trong túi áo ngực lấy ra tấm ảnh đen trắng to bằng hai ngón tay, nói:

-Ảnh vợ và con trai anh đây!

-Chị ấy đẹp quá, thằng cu cũng xinh giống bố. Nước nhà thống nhất anh cho em ra thăm chị và cháu nhé.

-Em ra, chắc chắn vợ con anh vui lắm đấy. Em làm em gái anh nhé.

-Dạ!

Không ngờ, đó là lần gặp nhau cuối cùng. Hôm sau, máy bay B52 ném bom rải thảm vào khu rừng gần phía bắc hang đá lớn, Anh mất tích khi đi tuần kiểm tra đường dây.  Ta đã huy động tất cả lực lượng tại chỗ đi tìm nhưng chỉ nhặt được chiếc mũ cối bẹp dúm, mắc trên cành cây. H’Hoa khóc cạn nước mắt, tham gia đi tìm, gần như lật tung từng gốc cây, hòn đá nhưng vô vọng. Cánh rừng ngày ấy, bây giờ đã được quy hoạch thành Vườn Quốc gia, người thanh niên Thủ đô đã hòa mình vào vùng đất Tây Nguyên để vĩnh viễn ở lại. Giờ không ngờ gặp lại ở khu rừng lạ, anh cố tình tránh mặt mình. Chẵng lẽ anh ấy vẫn ở đây từ đó đến nay luôn ư?

Nghĩ đến đây, nước mắt Già làng lại trào ra. 

***

Uỵch, hự! Già làng vấp dây làm văng cây xà gạc ra phía trước, tay chới với trước khi chạm vào đất. H’Phi và ông Đội trưởng du kích cúi xuống đỡ bà dậy. Bà nói:

-Anh ấy đi nhanh quá, không đợi mình.

H’Phi ngạc nhiên nhìn xung quanh, nói:

-Có thấy ai đâu atun?

-Anh ấy vừa đi khuất qua gốc cây to trước mặt kia kìa.

-Ta nghỉ chút rồi hãy đi atun ạ.

Nghe Đội trưởng du kích nói vậy, bà vùng đứng lên, bảo:

-Nhanh chân lên chứ, không còn nhiều thời gian nữa đâu.

Già làng nhặt cây xà gạc rồi bước đi gấp gáp, H’Phi vừa đi vừa chạy cố theo cho kịp. Đến bên gốc cây gỗ hương chỉ lúc nãy, Già làng đứng sững lại, cây xà gạc trên tay rơi xuống đất. H’Phi ngạc nhiên bước lên nhìn quang cảnh trước mặt, không khỏi rùng mình. Hòa đứng nhìn trân trân cái hố mới đào trước mặt. Bầy voi đúng mười ba con, con voi trắng lớn nhất bầy quỳ ở giữa, mỗi bên có sáu con voi đen; trong đàn có năm con có ngà dài; chúng cùng đập đập vòi xuống đất theo nhịp như đang thực thi nghi lễ gì đấy. Ông Đội trưởng du kích thì thào: 

-Lũ voi bắt thằng bé làm lễ tế Yang rồi, ta phải bắn chúng cứu người thôi. 

Mấy người du kích đi theo cũng đồng tình, tản ra nép vào cây, chĩa súng vào bầy voi. Già làng giọng đanh lại:

-Không được!

-Không bắn thì làm sao cứu người bây giờ?

-Ta có cách rồi, mọi người đứng yên ở đây nhé.

Già làng bước ra khỏi gốc cây, cất tiếng hát. Lời ei rei(6) không to lắm nhưng hình như gió cũng ngừng thổi, chim thú ngừng kêu và khu rừng già cũng không rung cành lá nữa. Nghe tiếng hát, bầy voi rùng rùng đứng dậy, quay đầu nhìn rồi giơ vòi lên trời đồng thanh kêu lên: t... é... t! Tiếng kêu vọng vào núi, ập trở lại ngân dài đến cả phút.

***

Ông Hạt trưởng Kiểm lâm nghe tiếng voi gầm vội nói:

-Dân buôn gặp voi rồi, chúng ta chạy nhanh lên mới kịp.

Đoàn người tăng tốc, ông Bí thư Huyện ủy chạy ngay phía sau ông Hạt trưởng, rồi vượt qua như bị ma đuổi hay bị gió cuốn. Ông chạy nhanh lắm, đôi giày da đen lao vun vút qua các rễ cây, băng qua các hòn đá. Ông chạy như bị ma nhập, bỏ rơi cả ông Hạt trưởng cách một đoạn xa phía sau. Ông chạy đến bên gốc cây Hương, ông Đội trưởng du kích lao ra ôm chầm lấy, giữ lại, miệng thì thầm:

-Đứng im!

Trước mặt, thằng Hòa - con trai ông đứng như bị thôi miên; gần đó một bà già đang hát bằng tiếng Êđê, giơ hai tay lên trời cầu khấn thần linh. Trước mặt bà, mười ba con voi to đùng, có một con lông trắng to nhất đàn đung đưa vòi theo nhịp múa. Hình như lúc này đàn voi chỉ chú ý đến bà già múa hát, không để ý con trai ông đang đứng một mình. Ông phải cứu con mình, phải liều mới được. Ước tính từ chỗ núp xuống chỗ con đứng chưa đến trăm mét. Ông gạt tay ông Đội trưởng du kích, lao xuống, vấp vào rễ cây ngã sõng soài. Con voi trắng nghe tiếng người ngã, giật mình quay đầu nhìn rồi huơ huơ vòi lên không trung kêu lên: t... é... t! Như được lệnh, cả đàn cùng gầm lên. Mấy anh Công an chạy sau cùng nghe tiếng voi gầm vội chĩa súng lên trời nhất loạt nhả đạn; lá xanh, cành cây gãy, rụng xuống rào rào. Nghe súng nổ, bầy voi hoảng sợ biến luôn vào rừng. Già làng bước nhanh lại ôm lấy Hòa, hỏi:

-Cháu có bị sao không?

Hòa run run trả lời:

-Không ạ, bà nhìn kìa!

Theo tay Hòa chỉ, trong hố đất bầy voi vừa đào lên có một bộ xương người và khẩu súng AK chỉ còn các bộ phận bằng sắt để bên cạnh. Hình như trên ngực trái bộ xương có gì đó lấp lánh nên Già làng bước lại bới đất, lấy lên lọ thủy tinh nhỏ, mở nắp đọc dòng chữ để trong lọ rồi bất ngờ thét lên: “anh ơi!” Bà ngã nhào xuống hố.

Ông Hạnh lao lại ôm lấy con, hỏi:

-Con có sao không?

-Không ạ, bố ơi cứu Già làng đi.

Buông con, ông Hạnh bước đến bên hố, thấy già làng nằm lên trên bộ xương, úp mặt vào hộp sọ nấc lên từng cơn. Vội cúi xuống bế Già làng lên khỏi hố. Bà giãy giụa, quay lại nhìn người ẳm mình, bất ngờ kêu lên:

-Anh ơi, sao lại trốn em đến bây giờ mới gặp?

-Bác ơi, bình tĩnh lại nào.

Già làng vung tay đấm đấm vào ngực ông Hạnh, nức nở:

-Anh tệ lắm, bỏ đi từng ấy năm mà không một lời từ biệt.

Già làng khóc như đứa trẻ, rồi giơ tờ giấy to hơn ngón tay một chút, đã xỉn màu nhưng còn đọc được chữ ghi trên đó, nói:

-Ai nằm đây lại mang tên anh?

Ông Hạnh cầm tờ giấy đọc lướt qua, cũng khụy xuống, nghẹn ngào kêu lên:

-Bố ơi!

Thấy ông Hạnh quỳ xuống gọi, Già làng giật mình ngừng khóc cũng quỳ xuống bên cạnh, miệng lắp bắp:

-Cháu cháu là Hạnh con mẹ An phải không?

-Cô là H’Hoa?

-Sao biết tên ta?

-Nhật ký bố cháu để lại có ghi về cô ạ.

Bà H’Hoa kéo Hòa quỳ xuống, nói:

-Ông nội đy, lạy ông đi con. Ngày ấy sau trận bom, ông mất tích không tìm thấy xác, thế ra bầy voi đã mang ông qua đây chôn cất. Hôm nay gặp lại cháu, chúng nhận ra người thân mới đưa đến để bàn giao ngôi mộ này đây.

Không biết mấy anh bộ đội chuẩn bị từ khi nào mà đốt cả bó nhang lớn, chia cho từng người cắm xung quanh hố đất.

 

Buôn Ma Thuột, mùa khô năm 2023 

 

 

Chú thích tiếng Êđê:

1. Atun: bà.

2. Yang: thần linh.

3. Yoan: người Kinh.

4. Heo ba gang: cách tính trọng lượng của người Êđê.

5. Ama, amí: bố, mẹ.

6. Ei rei: dân ca của người Êđê.



Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

LẦN ĐẦU TIÊN NGỦ RỪNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - BÁO HẢI PHÒNG số ra ngày 15 tháng 9 năm 2023

 

Những gốc cây rừng đang dần dần sẩm lại báo hiệu màn đêm sắp ập xuống, H’Chi quyết định chọn cây mít rừng có gốc to tới ba người ôm chưa hết làm chỗ dựng lều. Sáng nay amí(1) bận dự lễ đâm trâu của buôn mà người ốm, bụng to như đeo trống, da vàng như nghệ đến xin thuốc nhiều quá nên H’Chi phải một mình vào rừng hái thuốc. Việc ngủ giữa rừng già qua đêm là chuyện bình thường của những lần đi tìm cây thuốc. Mọi lần có amí đi cùng, việc dựng lều amí làm, mình kiếm củi; còn hôm nay lần đầu tiên ngủ một mình giữa đại ngàn phải tự tay dựng lều, quả thật cũng hơi buồn một chút. Nhưng ta cũng đã gần mười bốn tuổi, học sinh lớp chín rồi, có phải bé con đâu mà sợ - H’Chi tự nhủ rồi bật cười.

Chiếc lều được làm đơn giản bằng bốn cây to bằng ngón chân cái, mỗi cây dài hơn sải tay, buộc hai cây làm thành hình chữ A in đặt tựa gốc mít rừng, hai cây hình chữ A còn lại dựng cách khoảng hai mét, lấy một cây dài độ hai sải tay gác lên đỉnh hai chữ A buộc lại rồi vắt tấm ni lông qua cây ngang kéo xuống hai bên sẽ thành một ngôi nhà tránh sương đêm. Dưới mặt đất chặt vài ôm lá rắc đều làm nệm. Việc nặng nhọc nhất còn lại là chuẩn bị củi đốt qua đêm. H’Chi chọn những cây khô mới gãy xuống to bằng bắp đùi, chặt mang về xếp trước cửa lều. 

Xong việc kiếm củi đến việc tìm nước. Ở núi cao mỗi lần ngủ lại qua đêm, amí bao giờ cũng chọn nơi gần suối, vừa  sẵn nước tắm rửa lại có thể hái rau, bắt tôm cua, cá... cải thiện. Trong rừng già thuộc dãy núi Krông Jin có loại cua núi to bằng con cua đồng lớn, màu sắc rực rỡ; con đực đỏ tươi như được quét một lớp sơn, con cái màu vàng chanh trông rất đẹp mắt. Buổi sáng sớm hoặc chiều tà chúng bò từ trong các kẻ đá ra phơi mình giữa dòng suối nước trong vắt trông giống một vườn hoa. Còn hôm nay ở giữa rừng già không có sông suối, việc kiếm nước phải dựa vào các loài dây leo. Ở rừng có loại dây chạc chìu trong thân chứa nhiều nước lắm, chọn một dây to độ bằng ngón chân cái, chặt đứt ngang thân hơi vát một chút đưa quả bầu khô mang theo đón dòng nước trong vắt từ trong thân dây chảy ra chỉ một chốc là đầy; không biết loài dây này chứa nước ở đâu mà nhiều đến thế. Nước trong dây chạc chìu, giống như nước suối, nhưng uống vào đỡ khát hơn nước suối. Có lẽ loài dây này đã chắt lọc nước từ trong lòng đất nên dù có uống cả tuần cũng không bị đau bụng bao giờ, vì thế người đi rừng ưng uống nước cây hơn nước suối.

***

Trong rừng, màn đêm buông xuống quá nhanh, nhóm được lửa bén vào cây nhìn ra xung quanh chỉ còn thấy một màn đen đặc quánh.

-T… ắc k …è! T… ắc  k …è! …

Tiếng con Tắc kè ở trên cây mít đột ngột vang lên làm H’Chi giật mình, tự diễu: đến con tắc kè kêu mà sợ! Người dân Tây Nguyên không ai lạ gì con tắc kè, trông nó giống con thạch sùng bám trên trần nhà nhưng lớn hơn nhiều, có con phải bằng cổ tay người lớn; trên thân mình được trang điểm những đốm xanh, đỏ, đen, vàng... lóng lánh. Người Kinh bắt tắc kè làm thuốc chữa bệnh và bồi dưỡng sức khoẻ cho người già. Nghe tiếng kêu, có thể biết nó sống bao nhiêu mùa rẩy, lớn bằng chừng nào. Con nào chỉ kêu được ba tiếng rồi tắt, đó là con chưa qua một mùa rẫy, cứ mỗi năm thêm một tuổi, nó kêu thêm một tiếng. Trong rừng có những con kêu tới mười lăm, mười sáu tiếng một lần; loại này quí lắm dùng làm thuốc cho người già, người mới ốm dậy thì tuyệt vời. Song bắt được chúng trên các hốc cây cao hay vách đá dựng đứng quả thật không dễ chút nào, phải có bí quyết riêng mới làm được.

Vừa ăn hết cơm mang theo còn lại từ buổi trưa, H’Chi vừa nghĩ miên man đến chuyện nhà: chắc giờ này mọi người đang ăn cơm tối, amí sẽ nóng cái bụng khi mình chưa về kịp trong ngày! Lần đầu tiên vào rừng thiêng một mình, gặp bao điều lạ; song có lẽ cái lạ nhất ở khu rừng này là các loài thú còn nhiều lắm, cứ như được người ta nuôi vậy. Gỗ chưa bị đốn một cây nào, ngay như cây mít rừng khổng lồ này sẽ cho bao nhiêu là gỗ, thớ gỗ vàng óng đóng giường, bàn, tủ… thì nhất. Cây mít rừng lá giống mít nhà, quả cũng vậy nhưng nhỏ hơn, quả lớn nhất mới bằng ấm pha trà, khi quả chín múi vàng ươm, ăn vừa ngọt lại có vị hơi chua chua. Trong rừng, nơi nào có mít chín, nơi đó có khỉ, vượn, chim, sóc... đến ăn đông như chợ tết.

***

-Gâu! Gâu! Gâu!

Tiếng sủa của bầy chó sói xen lẫn tiếng rú gọi nhau xé toang màn đêm tỉnh mịch. Ban ngày chỉ có một số ít loài vật kiếm ăn như người, còn đa số các loài thú phải chờ ông mặt trời ngủ một hơi dài mới rủ nhau thức dậy đi kiếm ăn. Bầy sói này chắc lại gặp con thú xui xẻo nào rồi, đang đuổi bắt đây!

Hôm trước ama(2) nói: rừng vùng này chỉ có một loài sói lửa, gọi như vậy vì bộ lông của chúng giống nhau, có màu vàng sẩm như bị lửa cháy. Chúng sống theo bầy, mỗi bầy có trên chục con, do một con cái nhanh nhẹn, khỏe mạnh nhất chỉ huy. Gặp thú rừng, chúng sủa, rú nhặng xị cả lên, con nào yếu không chạy kịp sẽ bị chúng bắt ăn thịt. Thỉnh thoảng người trong buôn vẫn bắt được heo, nai do chúng săn, đuổi chạy lạc ra buôn hoặc đuổi xuống suối móc mắt và ruột ăn hết, còn thịt bỏ lại. Đi trong rừng nếu nghe tiếng chó sủa đứng im một chỗ, ta đến thế nào cũng gặp cảnh hổn chiến giữa bầy sói và con thú bị săn mà thường con thú bị săn là heo rừng hoặc nai. Khác với loài thú ăn thịt khác như: hổ, báo… ăn thịt con mồi là chính; còn loài sói thích moi ruột, tim, gan, móc mắt... con vật bị bắt ăn trước. Phải công nhận lũ sói khéo léo trong cuộc chiến săn mồi. Khi gặp nai, chúng đuổi cho nai chạy mệt phải xuống suối tắm. Lũ sói chạy đến đứng trên bờ sủa ầm ỹ, không cho nai lên. Mấy con sói khỏe nhất nhất lao xuống nước bơi theo nai, con cắn tai, con nhè mắt nai gậm trước cho nai mù mắt không biết đường chạy. Con đầu đàn bơi phía sau con nai, dùng bộ răng sắc nhọn của mình cắn hậu môn kéo hết ruột ra ngoài, trong lúc con mồi vẫn sống, vẫn bơi trên suối. Bầy sói ăn hết bộ lòng, chúng mới xúm nhau cắn bụng lôi tim gan con vật xấu số ra chia nhau, còn thịt bỏ lại lúc nào đói mới lại ăn tiếp. 

Bọn sói sợ người lắm, dù đang săn hoặc đang ăn, thoáng thấy bóng người sẽ bỏ chạy hết. Có lẽ do sợ con người nên không bao giờ chúng xuống bắt trộm thú nuôi của người ở vùng này.

***

Tiếng sủa xa dần rồi tắt hẳn, con heo hoặc con nai nào đó bị săn đuổi còn khỏe nên chưa dễ gì bầy sói bắt được. H’Chi xếp thêm củi vào bếp, ngọn lửa bùng lên liếm láp các thân cây, dần dần để lộ ra những cục than hồng óng ả, than này mà đặt bắp hoặc khoai mì lên trên nướng tuyệt vời lắm đây. Gió rừng nhè nhẹ thổi mang đến tiếng nhạc rừng thì thào của lá cây va vào nhau như đệm cho tiếng khắc khoải trả lời của đôi chim “năm trâu sáu cột; bắt cô trói cột”, đối đáp nhau vang vọng trong đêm. Thỉnh thoảng mụ cú mèo  gõ vào không gian nhịp phách lạc lõng: Cú! Cú! Cú! Gây cho ta cảm giác rờn rợn.

-Thủ thỉ thù thì! Thủ thỉ thù thì!

Tiếng chim ăn đêm gọi gần làm H’Chi vừa nằm xuống vội bật dậy; thật đáng gét cho loài chim ăn thịt tàn bạo này. Con thủ thỉ thù thì - người ta lấy tiếng kêu của nó để đặt tên cho nó; con trưởng thành to như con ngỗng, chuyên săn mồi ban đêm. Đi đến đâu nó cũng cất giọng thê lương gõ vào màn đêm báo cho mọi vật biết sự hiện diện của mình. Nó đến mang theo thần chết đi kèm, bắt tất cả các loài vật khác nếu có thể tha được lên cây cho dù đó là chó, mèo, heo con…

Những con heo mẹ dẫn con đi ăn không cảnh giác, chỉ nghe vèo một tiếng, tám móng chân như tám gọng kìm của chim đóng chặt vào lưng heo nhấc bổng lên trời để lại trong không trung tiếng kêu: éc, éc, éc... thảm thiết. Heo mẹ chỉ còn biết nghiến răng, hộc lên những tiếng tắc nghẹn không làm gì nổi. Loài chim thủ thỉ thù thì, tạp ăn lắm; nó có thể bắt cả rắn, kì đà, tắc kè… dù có độc hay không độc để ăn. Đây là loài chim ăn thịt lớn nhất Tây Nguyên, tiếng kêu to nhất và cũng khó chịu nhất khi phải nghe tiếng nó lặp đi lặp lại... Bực mình H’Chi nhặt một mẩu gỗ cháy dở ném lên phía tiếng kêu. Hòn than hồng được gió thổi sáng rực vẽ một đường vòng cung trước khi va vào cây làm bắn ra hàng ngàn những tia sáng nhỏ li ti như pháo hoa, con chim giật mình đập cánh ào ào bỏ đi.

***

- G… a... o!

Tiếng gào của con báo vang lên xé toạc màn đêm nghe rợn cả da. Có lẽ nó ngồi rình mồi đâu đó phía sau gốc cây mít hay đang tò mò nhìn đống lửa, bất ngờ thấy cục than H’Chi ném ra xua chim, giật mình gào lên. Tiếng gào hoảng hốt trong đêm giữa rừng già tạo tiếng vọng nhái lại, nghe ghê ghê. Từ xưa đến nay ở vùng này chưa bao giờ nghe nói báo tấn công người. Con báo có trọng lượng nhỏ, con trưởng thành nặng không quá bốn chục kí, leo trèo khéo léo như khỉ, chạy nhanh hơn cả hươu nai nên thức ăn luôn luôn dư thừa; có lẽ vì thế chúng luôn luôn tránh xa người. 

Nhưng tại sao đêm nay con báo lại đến đây? Nó tình cờ đi qua hay cố tình rình mình? H’chi băn khoăn, đứng dậy chất thêm mấy khúc củi lớn, ngọn lửa bốc cao mang theo những tàn than đỏ, nhỏ li ti bay lên trời. Loài thú dù lớn đến đâu, hung dữ như thế nào đều sợ con người vì con người biết dùng lửa; mình có thể yên tâm ngủ được rồi, H’Chi tự nhủ. 

Ban đêm dưới tán lá rừng nhìn lên chỉ thấy một màu đen mênh mông bao phủ, lá cây xào xạc chặn mất tất cả ánh sao trời, không cho lọt xuống mặt đất. Giữa đại ngàn nằm một mình mới thấy lẻ loi làm sao, thèm được nghe một tiếng người quá chừng. Thoảng trong gió có mùi thơm của con cầy hương mới đi qua. Thôi, phải ngủ một tí mai lấy sức còn về. H’Chi ngã mình lên lớp lá, nhắm mắt lại. Tiếng rì rầm của cây rừng được cô gió tấu khúc nhạc đêm như tiếng ru của amí, đưa H’Chi chìm dần vào giấc ngủ.  

 

 

 

Chú thích tiếng Êđê:

1. Amí: má.

2. Ama: ba.

Mời đọc tại đây:

https://baohaiphong.com.vn/baohp/vn/home/InfoDetail.jsp?ID=81340&cat=103

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2023

BÊN DÒNG SÔNG HUYỀN THOẠI bút ký của HỒNG CHIẾN - THỜI BÁO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT số 37 ra ngày 14/9/2023

 

Đang chúi mũi vào chiếc điện thoại để giết thời gian, bỗng có người reo to: “Cột cờ Hiền Lương kia kìa”. Tôi giật mình nhìn lên, qua kính xe thấy cột cờ uy nghiêm cao vượt lên trên các dãy nhà, cây cối, in đậm nét trên nền trời xanh với lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay như chào đón du khách đến thăm. Anh chị em trên xe bỏ hết việc đang làm, hướng mắt về phía Cột cờ với khuôn mặt thành kính.

Thế là tôi đã đến Cột cờ bên cầu Hiền Lương, phía bắc sông Bến Hải - niềm tin yêu và hy vọng của đồng bào miền Nam khi đất nước tạm thời bị chia cắt hai miền. Đây cũng là niềm tự hào của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, khẳng định cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Gần 70 năm trước, Hiệp định Giơnevơ (Thụy Sỹ) được ký về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Theo Hiệp định khi đó đất nước ta tạm thời bị chia cắt bởi giới tuyến 17, với ước vọng ba năm sau sẽ Tổng tuyển cử, thống nhất non sông. Nhưng rồi bọn hiếu chiến, lực lượng phản động quốc tế can thiệp nhằm chia cắt nước Việt làm đôi; buộc nhân ta lại phải bước vào trận chiến mới để giành lại trọn vẹn non sông. 

Sông Bến Hải không rộng, nước chảy êm đềm; đôi bờ cây và cỏ, hoa đua nhau sinh sôi, nảy nở như mọi con sông khác trên đất nước Việt Nam. Vậy mà nơi đây từng phải chứng kiến những trận đánh dữ dội của quân và dân ta với bọn xâm lược không phải bằng vũ khí, súng đạn mà bằng trí tuệ, mưu lược trên mặt trận ngoại giao để giữ vững chủ quyền đất nước, trọn vẹn non sông.

***

Tôi, sinh ra ở mảnh đất xứ Thanh, lớn lên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Năm học 1964 - 1965, lần đầu tiên trong đời cắp sách tới trường đã được thầy cô nói về vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương... với nỗi đau đất nước bị chia cắt, nhiều gia đình ly tán, con mất cha, vợ mất chồng... Nỗi đau ấy đã thấm vào máu thịt. Thời ấy rất nhiều thầy cô và bạn bè khi cùng hát bài: “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp, nước mắt ướt đẫm hai má. Và câu chuyện huyền thoại về Cột cờ phía Bắc cầu Hiền Lương, trong mưa bom bão đạn của kẻ thù, cột bao giờ cũng cao hơn cột cờ phía bờ Nam; ngạo nghễ giữ chặt lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Hình ảnh ấy giúp chúng tôi - những cô cậu học trò nhỏ bé lúc đó thêm kính yêu lớp cha ông đã lên đường vào Nam chiến đấu giải phóng từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc, in đậm trong tâm trí tôi.

Lớn lên một chút, chúng tôi hiểu thế nào là chiến tranh khi được tận mắt thấy, tai nghe tiếng gầm gào của máy bay, tiếng rú của đại bác; tiếng bom nổ và cả tiếng thét hãi hùng của những đứa trẻ trúng mảnh bom từ máy bay thả xuống, đại bác từ biển Đông bắn vào. Nhà tan, cửa nát, có lớp học ở quê tôi buổi sáng còn đủ 35 học trò và cô giáo; trưa đến chỉ còn một hố bom to đùng, sâu hoắm. Cách lớp học một đoạn, trên ngọn tre những miếng áo, mảnh quần, sách, vở... vương máu của cô trò còn sót lại, dính vào.

Chúng tôi biết yêu thương đất nước từ bé, và hiểu: sự man rợ của kẻ thù, sự tàn ác của chiến tranh gieo lên đất nước này qua các cuộc chiến tranh đã hun đúc lên lòng tự hào dân tộc, khí phách của người Việt Nam: “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”. Có lẽ chính khí phách người Việt, Văn hóa của người Việt trường tồn qua các thế hệ đã làm nên sức mạnh Việt Nam: “quét sạch lũ cướp nước và bán nước”.

***

Trong “Nhà trưng bày vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” xây gần cầu Hiền Lương, cô Võ Thị Hồng - hướng dẫn viên tuổi ngoài ba mươi nghẹn lời, trào nước mắt khi nhắc lại những mất mát đau thương của Quảng Trị nói chung và cầu Hiền Lương nói riêng trong những ngày đấu tranh không khoan nhượng để bảo về giá trị văn hóa Việt Nam, bảo vệ từng tấc đất linh thiêng nơi lịch sử đã giao cho mảnh đất này.

Nước mắt của cô hướng dẫn viên Võ Thị Hồng, nước mắt của các anh chị văn nghệ sỹ đến từ vùng đất Cao nguyên ra thăm; dù họ sinh ra và lớn lên ở nhiều tỉnh khác nhau trên cả nước, thuộc nhiều dân tộc khác nhau nhưng đều là dân nước Việt, đến đây mắt đều nhòa lệ vì xúc động.

Nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, Trưởng đoàn nắm chặt tay cô hướng dẫn viên, mắt ngấn lệ, nhưng một tay vẫn nắm chặt cây bút và cuốn sổ. Tôi biết chắc chắn, những ngày tới chị sẽ có thêm tác phẩm ưng ý về vùng đất này.

Nhà giáo - nhà văn Nguyễn Văn Rèn, người con của đất thép Vĩnh Linh, sinh ra trên vùng địa đạo Vịnh Mốc, lên chín tuổi đã phải xa gia đình sơ tán ra tỉnh Thái Bình học tập - một chủ trương sáng suốt của Đảng ta lúc ấy để bảo vệ nhân dân và đào tạo nguồn cho thế hệ tiếp theo. Nay trở lại đây, mái tóc đã ngã màu sương gió, nghe giới thiệu về quê mình cũng không cầm được nước mắt; chăm chăm nhìn vào từng hiện vật trưng bày - hình như những kỹ vật này có cả máu thịt của người thân đã ngã xuống, hòa vào trong ấy. Bao người thân yêu đã ngã xuống để mang lại cuộc sống tốt đẹp hôm nay, chắc chắn ý tưởng sẽ được khơi nguồn từ đây, tạo nên tác phẩm đứng được với thời gian của tác giả.

Nhạc sỹ, họa sỹ Hồ Tuấn, nắm chặt tay tôi lúc nào không biết, nghẹn ngào nói nhỏ: “chiến tranh còn khủng khiếp hơn cả những ngôn từ ta đang nghe hôm nay, hình như tiếng Việt cũng chưa diễn tả hết được”.  Người con trai xứ Huế, hội viên của Hội hiện đang công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện Krông Năng. Tuổi thơ Hồ Tuấn sống ở thành phố Huế, tận mắt chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần quật khởi của dân tộc ta để đi đến chiến thắng cuối cùng. Trở lại vùng đất Quảng Trị hôm nay đã khơi dậy cho nghệ sỹ cảm hứng sáng tác, chắc chắn tác phẩm của anh sẽ mang đến cho người xem, người nghe về huyền thoại của một vùng đất thép anh hùng, nói lên được cả những điều mà ngôn từ tiếng Việt không diễn tả hết. 

Và nhiều anh chị trong đoàn đến đây, nghe kể về vùng đất này, tận mắt xem những kỷ vật còn sót lại, nước mắt rưng rưng... sẽ có cảm xúc để sáng tạo.

***

Lau vội dòng nước mắt lăn dài trên má, cô hướng dẫn viên Võ Thị Hồng cao giọng khi nói về Đồn Công an Vũ trang bên cầu Hiền Lương, những người dũng cảm, mưu trí, có thần kinh thép khi mặt đối mặt trực tiếp với kẻ thù chỉ cách nhau một cánh tay. Các anh phải dùng tài hùng biện của mình khuất phục kẻ thù, buộc chúng phải cúi đầu khâm phục. Nhưng cũng có lúc phải nắm chắc tay súng trừng trị kẻ thù ngoan cố; không tiếc xương máu để bảo về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước. 

Cầu giới tuyến Hiền Lương nối đôi bờ nam bắc rộng chưa đến hai mét, nhịp cầu làm bằng sắt, mặt cầu lát gỗ được phục chế để bảo tồn và là điểm nhấn để du khách đến đây tham quan. Trong những năm tháng đất nước còn chía cắt theo Hiệp định Giơnevơ (Thụy Sỹ), một nửa cầu phía nam do chế độ Miền Nam Cộng hòa kiểm soát, nửa phía bắc cầu do ta kiểm soát. Hàng ngày hai bên gặp nhau ở giữa cầu để trao đổi - đây thật sự là một trận chiến không tiếng súng nhưng cũng không kém phần cam go, quyết liệt. Cán bộ chiến sỹ Đồn Hiền Lương do Công an Vũ trang khi ấy (sau này ta đổi tên thành “Bộ đội Biên Phòng”) đảm trách. Các anh đã bẻ gãy mưu đồ đen tối của kẻ thù nhằm hủy hoại Hiệp định Giơnevơ, đồng thời nêu bật ý chí của nhân dân ta cương quyết đấu tranh không khoan nhượng để thực hiện Hiệp định. Cuộc chiến pháp lý ấy đã trở thành tiếng sấm chấn động năm châu, được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới khi ấy ủng hộ.  

Gần Cột cờ cầu Hiền Lương về phía tây còn có tượng đài Đồn Công an Vũ trang uy nghi, hùng tráng khắc ghi lại hình ảnh người Công an Vũ trang nắm chắc tay súng giữ yên bờ cõi; góp công vào chiến thắng chung của dân tộc. Đánh giá về chiến công xuất sắc Đồn Công an Vũ Trang Hiền Lương, Tổng bí thư Lê Duẫn đã viết: “Đồn Hiền Lương là một đồn Anh Hùng rất xứng đáng với dân tộc Anh Hùng, Quân đội Anh Hùng của toàn thể nhân dân Việt Nam” (2/2/1973).

***

Quy luật của thời gian không chiều lòng người, thoáng chốc ông mặt trời vội vã chui xuống dãy núi phía tây. Phương nam, có ánh mây hồng rực rỡ như một bó hoa lớn dâng lên trời xanh, khép lại một ngày để chuẩn bị đón ngày mới hôm sau. Chúng tôi, đến từ tỉnh Đắk Lắk trù phú và xinh đẹp, vùng đất hiện nay có gần 50 dân tộc của khắp các vùng miền về hội tụ, đều tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Nhà nước. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc của các gia đình Việt ở Đắk Lắk hôm nay nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã chắp cánh cho thành công, phát triển của văn học nghệ thuật. Cũng chính văn học nghệ thuật đã góp phần cổ vũ, khởi xướng và định hướng bảo tồn giá trị văn hóa cho các vùng miền dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần mang lại bình yên cho một vùng đất. 

Hôm nay trở lại cầu Hiền Lương, trở lại vùng đất thép tỉnh Quảng Trị, chúng tôi hiểu, và thấm thía hơn về cuộc sống tốt đẹp hôm nay của chúng ta đã phải trả bằng xương máu của cha ông đổ xuống để bảo vệ và gìn giữ mà có. Nhưng những thế lực ngoại bang thù địch, cấu kết với bọn phản động lưu vong vẫn chưa từ bỏ tham vọng làm mất an ninh trật tự; phá hoại cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của nhân dân ta. Chúng ta phải luôn nâng cao cảnh giác, chống lại luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, nói xấu chế độ của chúng; để bảo vệ Đảng bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Bác Hồ đã dạy; “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO”, lớp cha ông đi trước đã làm được, nhiệm vụ của chúng ta giờ đây là GÌN GIỮ VÀ PHÁT HUY những thành quả đã đạt được ấy. 

Tự hào với non sông đất nước tươi đẹp và anh hùng. Tự hào với truyền thống anh hùng của người Việt Nam trường tồn theo thời gian. Hôm nay tôi có may mắn được tham gia đoàn đi thực tế sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk, về lại địa danh anh hùng - niềm tự hào của cả nước và cũng là địa điểm làm kẻ thù khi nhắc đến phải kinh hãi. Tôi tin rằng, từ địa danh anh hùng này, chúng ta những văn nghệ đến đây  sẽ mang theo ngọn lửa được thắp sáng từ trái tim, thổi bùng nhiệt huyết của “người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”; sáng tạo nên tác phẩm đứng được với thời gian, góp phần xây dựng quê hương, đất nước thành niềm tự hào với bạn bè quốc tế về một vùng đất anh hùng, đáng sống.

 

Buôn Ma Thuột 17/7/2023