Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

GIÀ LÀNG AMA H’RING KỂ KHAN ĐAM SAM CẢM HÓA MỘT TRUNG ĐỘI NGỤY TRỞ VỀ VỚI CÁCH MẠNG Ghi chép của TRƯƠNG BI - CHƯ YANG SIN SỐ: 320 THÁNG 4 NĂM 2019

                                                  



Trong những năm tháng đi điền dã ở các buôn làng đồng bào Êđê, M’nông, tôi được may mắn được gặp già làng Ama H’Ring Krông ở buôn Ngô, xã Yang Mao, huyện Krông Bông. Lúc bấy giờ già làng đã gần 80 mùa rẫy, nhưng vẫn còn khỏe mạnh nhanh nhẹn. Già làng vui vẻ tiếp chúng tôi vô cùng thân mật trong ngôi nhà dài bên bếp lửa hồng, và kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chống Mỹ, cứu nước của đồng bào buôn Ngô, một lòng theo Đảng, Bác Hồ chống kẻ thù xâm lược cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Trong cuộc gặp gỡ này, già làng kể cho chúng tôi nghe về một câu chuyện vô cùng thú vị, nghe như một huyền thoại. Đó là câu chuyện già làng bị địch bắt cùng với ba cán bộ cách mạng, thế rồi nhờ tài kể khan Đam San mà đã cảm hóa được một trung đội ngụy trở về với cách mạng.
Già làng Ama H’Ring kể rằng: Vào một ngày đầu mùa khô năm 1967, tôi (già làng) và đồng chí Y Miêng Byă, được cấp trên cử đi đón ba cán bộ từ Cheo Reo về khu căn cứ Krông Bông. Chúng tôi trèo đèo vượt suối đi suốt hai ngày liền thì tối hôm ấy đến khu căn cứ Cheo Reo. Hai anh em chúng tôi được các đồng chí nơi đây đón tiếp chu đáo. Ăn cơm xong, một đồng chí phụ trách dẫn chúng tôi đến gặp ba cán bộ từ chiến trường A vào tăng cường cho khu căn cứ Krông Bông. Gặp chúng tôi, ba đồng chí vui vẻ hỏi thăm sức khỏe, đời sống sinh hoạt của anh em ta ở khu căn cứ Krông Bông. Sau đó đồng chí phụ trách dặn chúng tôi: “Trên đường về hai đồng chí phải hết sức thận trọng vì đường xa, đây là con đường giáp ranh giữa ta và địch nên hay có biệt kích, thám báo và cả bọn lính đi tuần nữa, do đó phải hết sức cảnh giác và bảo vệ an toàn cho ba cán bộ của ta”.
 Chúng tôi nghe đồng chí phụ trách căn dặn vậy, liền gật đầu và nói: “Khu vực này anh em chúng tôi đã nhiều lần đi rồi, đồng chí hãy yên tâm.” “Ừ, thế thì tốt, nhưng không được chủ quan đấy nhé!”- Đồng chí phụ trách nhắc nhở.
Thế rồi chúng tôi đi ngủ sớm. Sáng hôm sau trời vừa tờ mờ sáng đoàn chúng tôi đã lên đường. Anh em chúng tôi đi một mạch cho đến chiều tối thì đến một trạm tiền phương thuộc địa bàn Ea H’Leo thì nghỉ lại ăn cơm. Trạm chỉ có hai đồng chí, thấy chúng tôi đến, họ rất mừng, liền mang thịt cheo ra đãi khách. Thịt cheo các anh mới bẫy được tối hôm qua. Chỉ có hai món nướng, và luộc mà chúng tôi ăn cảm thấy rất ngon lành. Ăn xong chúng tôi đi nghỉ sớm. Sáng hôm sau chúng tôi đi sớm để tránh máy bay và bọn biệt kích. Mặt trời vừa lên đến đỉnh núi phía Đông, đoàn chúng tôi đã đến địa bàn Krông Buk. Mọi người đang nhanh chân bước, bỗng nhiên gặp một trung đội ngụy phục kích bên đường xông ra bắt chúng tôi. Chúng trói anh em chúng tôi lại rồi giải về M’Drak, nơi ấy có đồn địch đóng để lĩnh thưởng. Hôm ấy vào mùa khô, trời nắng như đổ lửa. Lũ chúng dẫn anh em chúng tôi đi dưới trời nắng gắt của núi rừng cao nguyên, băng qua hết dốc cao, đồi thấp, hết bãi rẫy này đến bãi rẫy nọ, nên tất cả đều thấm mệt. Thế rồi đoàn chúng tôi đi đến một cây k’nia bên đường, cành lá tỏa bóng mát. Thấy vậy, tên chỉ huy liền hạ lệnh cho lính nghỉ. Chúng tôi cũng được nghỉ. Tôi bảo tên chỉ huy mở trói cho chúng tôi được uống nước. Tôi lấy ống tre đựng nước trong ba lô ra uống một ngụm rồi trao cho ba đồng chí cán bộ và đồng chí Y Miêng cùng uống. Tiếp đến tôi mời anh em binh lính cùng uống. Sau khi mọi người uống nước xong, tôi đứng dậy và nói: “Thưa anh em binh lính! Anh em đều là người Êđê, chắc anh em biết khan Đam San chứ? Chúng tôi bị các anh em bắt mang đi nộp cho quan lớn để lĩnh thưởng. Chúng tôi biết trước sau gì cũng bị chết. Do vậy, trước khi chết, tôi xin kể khan Đam San cho các anh em nghe, có được không?” Cả trung đội lính ngụy nghe tôi nói  vậy liền đáp: “Được, được lắm! Được lắm!”
Thế rồi tôi khấn xin phép các Yang được kể khan Đam San cho anh em binh lính nghe. Làm xong nghi thức này, tôi bắt đầu kể khan Đam San, trích đoạn chị em H’Nhí, H’Bhí đi hỏi chồng:
 “H’Nhí gọi: Ơ Y Dhing ơi! Ơ Y Ling ơi! Ơ Y Dhang ơi! Ta gọi anh em chẳng vì công việc này cũng vì công việc nọ. Danh tiếng chị em ta đã vang đến các vị thần linh, vang đến tận ông trời, lừng danh khắp núi rừng làng buôn. Buôn Đông, buôn Tây, buôn Nam, và buôn phía Bắc, đi đâu cũng nghe người ta nói đến hai chị em H’Nhí, H’Bhí như gốc nhiều cành, như cây nhiều nhánh. Của cải của chúng ta không ai bì. Thế mà bây giờ chúng ta vẫn sống thui thủi một mình, chưa có một tấm chồng để mà dùng. Trước khi ông nội chúng ta qua đời đã dặn rằng: Lớn lên hai cháu phải lấy cho được Đam San làm chồng. Nếu không lấy được Đam San làm chồng, hai cháu sẽ trở thành kẻ nô lệ cho người ta. Vậy anh em hãy chuẩn bị voi đưa chị em ta đến nhà Đam San để hỏi chàng về làm chồng. Hãy bắt con voi đực đuôi dài, có cặp ngà dài hình vòng cung. Con voi mà bọn nhà giàu ngày đêm không ngớt lời ngợi ca ấy.
Rồi chị em H’Nhí, H’Bhí bỏ váy cũ, thay váy mới. Váy này chưa được, thay váy khác. Hai chị em mặc váy sọc điểm hoa kơu, mặc áo đen điểm hoa êmiê,  những chiếc váy từ trên cao ông trời ban cho, từ trên cao ông trời thả xuống cho hai nàng.
H’Nhí và H’Bhí tay trái đeo vòng bạc, tay phải đeo vòng vàng. Trông người hai nàng lấp lánh, sáng chói như ánh mặt trời. Búi tóc thấp giống người M’nông, búi tóc cao giống người Êđê. Hai nàng bước đi khoan thai, tay đung dưa mềm mại, trông như hai con gà mái ấp đang xù lông.
Hai nàng ngồi trên bành voi, một chiếc chiếu trắng trải dưới, một chiếc chiếu hoa trải trên. Trên chiếu hoa có gối tựa, hộp trầu, túi thuốc, mồi lửa, tất cả đầy đủ. Con voi nhằm hướng nhà Đam San đưa hai nàng đến đó.
Nghe tôi tớ chạy vào báo tin hai nàng H’Nhí, H’Bhí đang cưỡi voi đến hỏi Đam San về làm chồng. Đam San nghe nói vậy, trong lòng không muốn. Nhưng rồi chàng nhớ lại chuyện đêm qua nằm mơ, ông Trời bảo: Cháu mà lấy được H’Nhí và H’Bhí làm vợ thì cháu sẽ sung sướng, thành tù trưởng giàu mạnh, tiếng tăm vang khắp mọi vùng. Các M’tao giàu mạnh gần xa nể phục sẽ đến kết bạn với cháu. Nếu cháu không chịu lấy hai nàng làm vợ thì suốt đời sẽ làm kẻ chăn bò, giữ ngựa cho nhà giàu.
Nghĩ vậy, rồi chàng liền gọi: Ơ tôi tớ của ta từ đằng này lại đằng kia, từ đằng kia lại đằng này! Hãy lấy nước nồi bung, nồi bảy cho ta rửa tay! Lấy chậu hoa bằng sứ cho ta rửa mặt nào!
Rửa tay, rửa mặt xong, chàng bỏ khố cũ, quấn khố mới. Áo này chưa vừa lòng, chàng lấy áo khác. Chàng quấn một cái khố có hoa văn sọc, điểm hoa kơu, chít khăn trên đầu điểm hoa êmiê, mặc áo của ông trời từ trên cao thả xuống cho. Quanh lưng chàng quấn thêm một dải thắt lưng màu đen láng. Trên đầu quấn thêm một vành khăn láng đỏ.Chàng hiện ra như một tù trưởng trẻ đẹp tài ba.
Chàng đi ra phòng khách, một trăm người đi trước, một nghìn người theo sau, còn chàng đi giữa. Tới phòng khách, chàng ngồi trên chiếc ghế djưng pô sang, một chiếu trắng trải dưới, một chiếu đỏ trải trên, chàng ngồi lên đó trông thật oai nghiêm như một tù trưởng giàu mạnh.
Giữa lúc ấy, chị em H’NHí, H’Bhí cùng người nhà và ông Aê Du, Aê Điê (hai ông nhà trời, do ông trời cử xuống) chống gậy trúc bước vào.
Cả nhà Đam San niềm nở tiếp đón. Chàng Đam San sai tôi tớ khiêng bảy ché rượu đã được chôn dưới đất bảy mùa rẫy buộc thành dãy dài trong phòng khách và cho đánh bộ chiêng kêu vang nhất để đón nhà gái. Sau đó nhà trai thui bảy con heo đực, bảy con bò đực, một con trâu đực để làm lễ cúng báo thần linh, tổ tiên ông bà, tạ ơn linh hồn các tù trưởng xưa cũ đang ở xứ Atâu. Rồi chàng Đam San làm lễ cúng sức khỏe cho mình và hai nàng H’Nhí, H’Bhí. Sau nghi thức này, chàng chấp thuận làm chồng hai nàng. Khách gần xa đến mừng lễ hỏi chồng của hai nàng H’Nhí và H’Bhí đông vui như này hội.
Chiều tối, nhà gái làm lễ đón chàng rể Đam San về nhà mình vô cùng vui vẻ.dân làng gần xa đến mừng như đi hội. Tiếng chiêng mừng lễ cưới của H’Nhí và H’Bhih với chàng Đam San vang khắp bảy núi mười sông.Người Lào nghe chiêng mang voi đến mừng.Người Bih nghe chiêng mang ché tuk, ché tang đến mừng. Người M’nông nghe chiêng mang chiêng bằng, ché Rlung đến mừng…”
Kể đến đây, tôi đứng dậy nhìn một lượt anh em binh lính rồi nói: “Ơ anh em người Êđê của ta! Anh em có muốn vợ đẹp con khôn, muốn cuộc sống sung sướng như vợ chồng chàng Đam San không?” “Muốn lắm! Muốn lắm chứ!” (anhem binh lính cùng nhau trả lời). Tôi liền nói tiếp: “Vậy thì anh em hãy cầm súng quay trở về với Cách mạng. Cách mạng sẽ khoan hồng cho anhem ta. Người Kinh có câu nói rất hay: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Cách mạng cũng làm như vậy. Anh em ta không nên theo giặc, vì theo giặc sẽ bỏ mạng, không thể trở về với gia đình, để được các cô gái đẹp trong buôn chọn làm chồng, giống như hai nàng H’Nhí và H’Bhí xinh đẹp chọn chàng Đam San làm chồng mà tôi vừa kể cho các anh em nghe đó”.
Tôi vừa nói xong thì trong đám anh em binh lính có một người tên là Y Bul Êban lên tiếng: “Ông già nói trúng cái bụng của mình lắm rồi. Anh em ta ơi! Chúng ta hãy quay súng trở về với cách mạng đi thôi!” Rồi cả trung đội lính (toàn là người Êđê) cùng lên tiếng: “Thằng Y Bul Êban nói phải lắm! Chúng ta hãy theo ông già trở về với cách mạng đi anh em ơi!”
Thế rồi cả trung đội lính ngụy theo chúng tôi trở về khu căn cứ kháng chiến K’rông Bông. Đến nơi, tôi báo cáo với lãnh đạo. Sau đó tôi dẫn anh em vào trình diện, nộp vũ khí và xin gia nhập bộ đội Cụ Hồ để được đánh giặc Mỹ, lập công, chuộc tội. Về khu căn cứ được sống trong tình yêu thương đùm bọc của mọi người, anh em binh lính cảm thấy như về với gia đình mình. Trong lòng những người lính này, ai cũng hào hứng, phấn khởi, với hy vọng tham gia đánh giặc Mỹ để núi rừng Tây Nguyên sớm được giải phóng và được trở về buôn làng mình, được lấy vợ đẹp, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp như vợ chồng hai nàng H’Nhí, H’Bhí với chàng Đam San trong chuyện khan của ông bà để lại.
Kể đến đây, già làng Ama H’Ring cười sảng khoái và nói: Nhờ khan Đam San mà tôi chuyển bại thành thắng, bảo vệ an toàn ba cán bộ cách mạng và cảm hóa được một trung đội ngụy trở về với cách mạng. Sau sự việc này, tôi được cử đi dự Đại hội thi đua chống Mỹ cứu nước của Trung ương Miền, và được báo cáo thành tích cho mọi người nghe. Ai cũng khen già làng này mưu trí dũng cảm, sáng tạo, trong tay không có vũ khí, chỉ có lời kể khan mà cảm hóa được một trung đội lính ngụy trở về với cách mạng. Tại Đại hội này, tôi vinh dự được tặng Huân chương Chiến thắng Hạng nhất của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau Đại hội, tôi trở về lại khu căn cứ K’rông Bông tiếp tục công tác cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.





Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

CHUYÊN ÁN ZD36 -37 bút ký của H’LINH NIÊ - CHƯ YANG SIN SỐ: 320 THÁNG 4 NĂM 2019

Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”


Nhà văn - nhạc sỹ H'LINH NIÊ


Nếu cuộc sống trên mảnh đất cao nguyên ngập nắng, tràn gió này một ngày không có những người lính an ninh, âm thầm lặng lẽ với nhiệm vụ của mình thì  buôn làng liệu có bình yên như thế? Những tà áo dài trắng tung bay trên Ngã Sáu Ban Mê mỗi bình minh, tiếng cười trong vắt của trẻ thơ nơi sân các trường học có ríu rít ấm lòng như thế? Điệu hát K’ưt tự sự mênh mang, câu arei giao duyên, nhịp ching knah rộn ràng có cất lên đắm say đến thế trong những ngày lễ hội?
Cuối mùa rẫy năm 1990.  Đại úy Y Juêt  Niê về hàng. Y nộp súng đạn và trình diện đội công tác. Đại tá Y Ni Ksor, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk phụ trách công tác chống Fulro, cử ngay đại diện đơn vị đến buôn Krua đón. Sau khi làm xong mọi thủ tục lấy lời khai và tiếp nhận, giữ đúng lời hứa, đơn vị đưa y về tận nhà. Cuộc gặp gỡ giữa người ở rừng về với gia đình, bà con và dòng họ thật cảm động. Hầu như cả buôn đều kéo tới. Căn nhà sàn từ cửa trước tới bếp lửa sau chật cứng người đứng ngồi. Người chia sẻ niềm vui, người hóng chuyện con em mình còn ở rừng, người lặng lẽ nghe ngóng… Cha mẹ già ứa nước mắt mừng vì con trai trở về thì ít, mà nhiều hơn vì từ nay khỏi nơm nớp lo bị truy quét tiêu diệt.
Trinh sát theo dõi thấy những ngày ở buôn, ngoài đi làm rẫy cùng vợ con tối đến Y Juêt hay la cà các gia đình, hỏi han về người và công việc của đội công tác. Y thường nói vẫn lo lắng không biết số phận của mình ra sao, có thật sự được đi lại tự do không, muốn tiếp xúc để hiểu và tin tưởng. Linh tính nhạy bén mách bảo Y Ni có gì không bình thường ở hành động này của Y Juêt. Phải chăng đây chỉ là trá hàng để nắm được ý đồ và phương thức hoạt động của ta chăng? Anh cho Y Thông mời hắn lên thị xã Buôn Ma Thuột tra hỏi. Y Juêt không nhận, y vẫn chỉ nói vì ở rừng đói khổ quá, tin sự khoan hồng của chính quyền nên về đầu thú. Y Ni quyết định ra đòn mạnh hơn, anh làm lệnh bắt tạm giam.
Những ngày đầu, dù đã dùng nhiều biện pháp tra hỏi, khuyên nhủ, Y Juêt vẫn khăng khăng không nhận là trá hàng. Phải tìm cách tiếp cận khác thôi. Y có vợ và một con trai, mới đầu thú về ở nhà với vợ con chưa được bao lâu. Y Ni rất hiểu tâm lý của người phụ nữ Êđê, không ai muốn xa chồng, lúc nào cũng thích gần gụi bên nhau như con chim trên rừng có đôi, nhất là hắn đã theo Fulro một thời gian khá dài. Hơn nữa, lúc Y Juêt ở rừng, người vợ luôn luôn bị áp lực về tâm lý cả vì thiếu thốn tình cảm vợ chồng, lẫn sự “quan tâm” khác biệt của chính quyền, của người dân trong buôn, cũng như phải vất vả làm nương rẫy, nuôi con một mình. Y Ni cho  mời vợ con Y Juêt tới, vận động chị khuyên bảo chồng. Cận kề bên vợ và con vài ngày, đủ để trái tim đại úy tan chảy theo nước mắt của người bạn đời luôn nhẫn nhịn, lẫn sự ngây thơ đáng yêu của đứa con lúc nào cũng quấn quít bên cha. Hắn bắt đầu khai nhận ý đồ trá hàng. “Được lời như cởi tấm lòng”, Y Ni lại mạnh bạo chỉ đạo đưa Y Juêt ra khỏi nơi tạm giam cùng vợ con về sống tại khu nhà nghiệp vụ của công an tỉnh, cùng với một trinh sát của đội để tiếp tục khai thác. Hai tháng trời, Y Juêt Niê khai ra tất cả địa điểm đóng quân, quân số, lương thực, đạn dược của các nhóm ở rừng, lẫn những cơ sở tại những buôn quanh vùng. Hành lang hoạt động từ Ea Suop, Ea H’Leo qua Cư Né, Buôn Hồ cũng được dựng lại một cách chính xác. Lòng tin của Y Ni không đặt nhầm chỗ. Y Juêt  khai ra cả địa bàn hoạt động của một trong những kẻ cầm đầu cộm cán là đại úy Y Blim Mlô, từ Ea Drơng quê hắn, qua Mdrăk về  Ea Kar.
Vài tháng sau, Y Ni mạnh bạo quyết định cho phép Y Juêt trở lại buôn cùng gia đình. Đồng thời “lấy độc trị độc”, vừa phân công người bí mật bảo vệ, hỗ trợ không để kẻ địch tiếp cận hay thủ tiêu Y Juêt mà còn biến anh ta trở thành cơ sở của trinh sát. Vậy là chuyên án ZD36 kết thúc, mở ngay ra chuyến án ZD37 về việc truy tìm tên đại úy Y Blim Mlô,  một trong những tên Fulro cuồng tín, từng có nhiều nợ máu trong việc bắn giết bà con người lương thiện. Đã từng một lần được cơ sở báo tin chắc chắn Y Blim xuất hiện tại rừng Ea Phê, khi xuất phát, đột nhiên một trong 2 chiếc xe uwat của đội bị lủng lốp, anh em cũng có người buột mồm nói “điềm xui xẻo”, nhưng đã có lệnh là phải thực thi. Ấy vậy mà không hiểu sao, trinh sát dùng AK bắn rất gần nhưng vướng những cây cổ thụ to vật vã nên viên đạn đi trật. Y Blim thoát chết. Lại phải sử dụng phương án khác.
Cuộc họp bàn của lãnh đạo Ban an ninh và các chiến sỹ trinh sát về việc thực hiện chuyên án ZD37 không suôn sẻ, vì ý kiến trái ngược nhau giữa Y Ni và phó ban Trần Cao Giang. Theo Y Ni:
- Y Blim là kẻ cáo già, lại có nợ máu. Ta đã từng bắt hụt hai lần, nên hắn rất cảnh giác. Tốt nhất là chúng ta vẫn sử dụng biện pháp thuyết phục hắn về hàng. Thực hiện hình thức này chuyên án sẽ phải kéo dài. Nhưng nếu được hắn lôi kéo thêm đồng bọn thì càng tốt, còn có thể phục vụ cho những chuyên án sau, chúng ta không nóng vội. Tuy nhiên tên này đã từng có nợ máu và rất liều lĩnh. Nếu các biện pháp đó không thực hiện được, thì cứ săn lùng, thấy là diệt. Cách tốt nhất là giao súng cho đặc tình, để họ hỗ trợ nếu có cơ hội và cần phải tiêu diệt.
- Tôi không nhất trí – Trần Cao Giang lên tiếng – Giao súng cho đặc tình có khác gì giao trứng cho ác chứ? Vừa không an toàn cho trinh sát nếu bị phản lại; vừa nếu bị lộ, địch phát hiện ra đặc tình thì uổng công mình vận động. Nguyên tắc nghiệp vụ không cho phép.
- Tôi tin ở những người đã nhìn ra con đường lẫm lỡ mà quay lại.
- Sao có thể dễ tin ngay những người vừa ở phía đối lập thế được?
- Nếu mình tin họ, họ cũng sẽ tin mình. Cái khó nhất là xây dựng lòng tin, chúng ta đã làm được rồi. Chỉ cần gìn giữ lấy thôi.
Cuộc tranh cãi về biện pháp thực hiện chuyên án ZD37 diễn ra rất gay gắt, thậm chí là to tiếng dẫn tới đập bàn đập ghế. Nhưng rồi với sự thuyết phục chí tình chí lý  vừa mềm dẻo vừa kiên định của Y Ni, mọi việc cũng dẫn tới đồng thuận với quyết định giao vũ khí cho đặc tình, đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện chuyên án bằng việc tổ chức bắt sống Y Blim.
Y Dân K’Buôr, quê ở buôn Klah, vốn là thiếu tá Quân khu 3 của lực lượng Fulro, sau những cuộc gặp gỡ cùng bà con và trinh sát ngoài rừng, đã tình nguyện làm cơ sở ngầm để liên hệ với Y Blim, được hướng dẫn kỹ lưỡng về cuộc hẹn gặp tại rẫy ở buôn Puăn, xã Ea Phê. Trinh sát vừa cử người giám sát tại chòi rẫy, vừa mật phục ở suối nước đục chảy qua một khoảng rừng rậm rạp nhiều cây cổ thụ, cách đó 2 km. Nắng tắt, Y Blim xuất hiện một mình. Sau khi cẩn thận ngó trước ngó sau, hắn yên tâm rời bìa rừng bước ngay lên căn chòi rẫy nhỏ. Như mọi khi, Y Dân đã chuẩn bị đầy đủ cơm thịt, bia, rượu trắng. Thậm chí trong những lon nước ngọt còn có sẵn một lượng thuốc mê, để nếu hắn gục, trinh sát sẽ ập vào cùng bắt sống. Nhưng Y Blim rất cảnh giác, chỉ uống dè chừng rượu trắng sau khi đã cụng ly, kín đáo chờ để Y Dân uống trước. Mặc dù chắc chắn ở rừng lâu ngày, rất thèm thuồng nhưng nước ngọt và bia hắn không đụng tới, nói để mang về rừng cho đồng bọn. Cuộc trò chuyện kéo dài chừng một tiếng, Y Blim đứng lên dặn dò Y Dân và chuẩn bị trở lại căn cứ.  Được sự truyền tín hiệu nhanh chóng của trinh sát về việc bắt sống không thành công, đơn vị quyết định đón lõng. Y Blim bị tiêu diệt. Chuyên án ZD 37 kết thúc.
Thắng lợi của các chuyên án là sự sáng tạo giữa công tác vận động quần chúng với công tác nghiệp vụ, xây dựng cơ sở nội tuyến, dùng địch tác động gọi hàng đồng bọn. Trận chiến chống Fulro ngày đó kéo dài 16 năm, rộng khắp địa bàn Đắk Lắk với rất nhiều những tình huống khó lường. Xin được trích lược vài số liệu trong “Lịch sử Công an nhân dân Đăk Lăk giai đoạn 1975-1995” để có một cái nhìn sâu hơn về thắng lợi này:  “các chuyên án vừa bám buôn, vừa tác động gọi hàng, vừa phối hợp lực lượng vũ trang, tiêu diệt địch. Tổ chức đánh 499 trận, diệt 1.341 tên, bắt sống 8.154 tên, gọi hàng 5.629 tên, bóc gỡ 5.073 cơ sở, thu 4.953 súng các loại, trên 27.000 viên đạn. Làm tan rã Tổng nha nghiên cứu chiến lược trung ương Fulro, các ZG31, 36, 37 và các toán nội địa; góp phần đẩy Fulro đến bước đường cùng phải đầu hàng Untac tại Campuchia tháng 10/1992”.
Người 16 năm trực tiếp chỉ huy thực hiện chủ trương, mặt đối mặt với lực lượng Fulro để có kết quả  vài dòng ngắn ngủi nêu trên, chính là Anh hùng lực lượng vũ trang, cố Đại tá Y Ni Ksor và đồng đội. Lính cũng ít gặp ông ở văn phòng. Trinh sát không thức nổi cùng ông cả đêm trò chuyện trên sàn, để rồi dân tin, dân yêu, trao vòng, cột rượu cần kết nghĩa anh em. Lúc nghe tin ông ở đồng cỏ M’Drăk (phía Đông Đắk Lắk), thoắt cái đã qua vùng đất đỏ bạt ngàn Đăk Min (nay thuộc tỉnh Đăk Nông). Đã có lúc  trực tiếp đội mưa cùng trinh sát mật phục tại rừng già Ea H’leo (phía Bắc tỉnh). Đôi lần phải lặn lội trong rừng sang phối hợp cùng cả bên nước bạn Campuchia. Nơi nào có Fulro là Y Ni Ksor và đồng đội có mặt. Những chuyến đi liên tục. Lặng thầm. Không mệt mỏi.  Ông như cánh chim Grứ, một loài chim có sải cánh lớn mà người Êđê mô phỏng trong điệu múa dân gian Grứ phiơr – chim Grứ bay - của tộc người. Loài chim luôn luôn đơn độc, giang đôi cánh dài lượn vòng rất rộng không mỏi trên núi rừng, sông suối, như một sự chở che, bao bọc, bảo vệ  lấy giang san, đất đai “cái nong cái nia cái lưng ông bà mình”.
Không thể kể lại hết được những cuộc chiến đấu sinh động suốt 16 năm ròng rã, dù có tiếng súng hay không của các anh, nhưng tất cả đủ để hình dung được về  Y Ni Ksơr, một lãnh đạo an ninh chính trị vững vàng nghiệp vụ, đầy sáng tạo trong cách phá án, với tấm lòng vô cùng nhân ái không chỉ với gia đình, đồng đội mà với cả những người đồng tộc lầm đường. Đồng đội nhận xét anh “là người kiên quyết, không bao giờ chịu bỏ ngang và rất táo bạo. Một con người giản dị, nói ít, làm nhiều, dám nghĩ, dám quyết, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì sự bình yên của buôn làng. Mãi mãi sau này cũng không có được một người như thế nữa”. Y Ni Ksơr, người chiến binh thầm lặng. 34 năm, (bắt đầu tính từ năm 1968) làm công tác bảo vệ an ninh chính trị, trong đó có 16 năm trực tiếp chống Fulro đâu phải là một quãng thời gian ngắn.
Trời Ban Mê cao lồng lộng biếc. Nắng óng vàng trìu mến phủ lên những mảnh vườn xanh trải dài tít tắp. Con sông Srêpôk thao thiết chảy về hướng mặt trời lặn, ôm ấp trong làn nước xanh đậm màu lá rừng bao câu chuyện huyền thoại về con người và vùng cao nguyên đất đỏ. Hãy hít sâu vào lồng ngực làn gió ngát thơm hương hoa cà phê nở muộn, để thấy đất trời cao nguyên tự do, thanh bình, dường như đẹp thêm lên rất nhiều.



Ghi chú : Tên các nhân vật liên quan trong bài đã được đổi.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

ẨN SĨ VÀ VUA Truyện ngắn của NGUYÊN HƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 320 THÁNG 4 NĂM 2019




Đất nước thanh bình, dân chúng yên ổn làm ăn, trẻ con được học hành vui chơi, người già cả được chăm sóc chu đáo. Thành phố sạch đẹp ngăn nắp, cây xanh phủ bóng mát rượi lối đi, phụ nữ ra khỏi nhà vào ban đêm không hề sợ hãi và nếu có đứa bé nào đi lạc thì sẽ được đưa về tận nhà.
Vùng quê thì đồng ruộng phì nhiêu, sông suối trong trẻo và rừng cây xanh tươi chim chóc ca hót líu lo. Mùa nắng nóng, trước mỗi nhà đặt chum nước và cái gáo xinh xinh dành cho khách bộ hành đường xa lỡ bước. Mùa mưa, khắp nơi treo tổ rơm có mái kết bằng lá dày dặn để những chú chim có chỗ trú mưa giữa đường bay.
Khắp nơi an hòa. Khắp nơi vang tiếng ngợi khen nhà vua trị vì vương quốc thật khéo léo nên muôn dân có được cuộc sống hạnh phúc nhường này.
Nhưng nhà vua vẫn chưa yên lòng, ngài luôn trăn trở tự hỏi những quyết định của mình đưa ra có đúng đắn hoàn hảo không? Mỗi mệnh lệnh của ngài có đem lại đau khổ cho ai mà người ta không dám nói không?...
Mỗi buổi sáng họp bàn việc nước, nhà vua luôn có câu nói:
-  Này các quan, hãy chỉ ra những lỗi lầm sai trái của ta.
-  Thưa đại vương - Quan tể tướng đáp lời - Lỗi của ngài là khiến đất nước được bình an quá nên các quan tòa không có việc làm.
-  Thưa đại vương - Quan thượng thư đáp lời - Lỗi của ngài là khiến không khí vui tươi ngập tràn vương quốc khiến lũ chim khắp nơi tìm đến và chúng líu lo nhiều quá nên đôi khi cũng inh tai.
-  Thưa đại vương, lỗi của ngài là khiến vương quốc được yên ổn quá nên có nhiều nơi người ta đi ngủ mà không cần đóng cửa, hậu quả là có nhiều người già và trẻ em bị sổ mũi vì gió đêm khá lạnh.
Các quan không dám chê bai ta, nhà vua nghĩ thầm, và ngài cải trang thành một tiều phu đi tới cổng thành hỏi những người lính canh.
-  Này, phải đứng đây suốt ngày trời nắng trời các ông có buồn phiền mệt mỏi không? Có cảm thấy nhà vua bất công với mình không?
-  Sao lại buồn phiền chứ? - Người lính canh đáp lời - Không trộm cướp không có ai buôn lậu và cũng chẳng có kẻ do thám chực chờ, chúng tôi không phải căng thẳng theo dõi ai cả, chỉ việc ngắm nhìn mọi người qua lại buôn bán làm ăn và nghe họ chuyện trò vui vẻ. Chúng tôi thật may mắn được canh giữ một vương quốc quá yên bình. Tất cả là nhờ tài năng đức độ của nhà vua của chúng ta đó.
Người lính canh này không biết ta là vua nên hẳn anh ta nói thật, nhà vua nghĩ thầm và thấy vui vui trong lòng, nhưng ngài vẫn muốn biết rõ hơn nữa. Vậy nên ngài cải trang thành tiều phu đi đến tiệm nữ trang và đưa ra một viên ngọc:
-  Tôi là tiều phu đi lượm củi trong rừng nhặt được cái này, chẳng biết nó là hạt ngọc hay chỉ là hạt trái cây khô. Nếu là ngọc thì xin bán cho ông lấy tiền mua ít gạo, còn hạt trái cây khô thì quăng đi giùm.
Chủ tiệm nữ trang cầm lấy và kiểm tra rồi kêu lên:
-  Chà chà chà xin chúc mừng ông bạn, đây là loại ngọc quý hiếm. Hãy đem đến cung điện dâng tặng hoàng hậu, chắc chắn ông bạn sẽ được ban thưởng.
Nhà vua hỏi lại:
-  Vậy sao ông không mua để dâng tặng hoàng hậu?
-  Ồ - Chủ tiệm nữ trang gãi đầu - Tôi phải đưa ra lời khuyên tốt nhất cho khách hàng chứ.
-  Nhưng tôi chỉ là một kẻ quê mùa - Nhà vua nói - Làm sao tôi dám tới cung điện gặp nhà vua.
Chủ tiệm mỉm cười:
-  Dù bạn là một kẻ quê mùa hoặc lộng lẫy thì cũng sẽ được nhà vua đối xử hòa ái và công bằng như nhau. Tin tôi đi, chắc chắn ông bạn sẽ được ban thưởng xứng đáng.
Nhà vua nói cảm ơn rồi cất viên ngọc vào túi rồi tiếp tục đi. Tới đâu ngài cũng được nghe lời khen ngợi nhà vua. Khá là hài lòng, ngài quyết định đi vào rừng. Ta sẽ hỏi một tiều phu xem sao, công việc lượm củi vất vả có khiến họ than van không?
-  Này chú - Nhà vua nói - Đi lượm củi như vầy ngày nắng ngày mưa thật gian nan. Tôi biết là nhà vua có ra lệnh mở lớp dạy nghề miễn phí cho tất cả mọi người, chú có muốn đến đó xin học một nghề khác nhàn hạ hơn? Hay là chú từng xin mà không được?
Tiều phu cười vang:
-  Mỗi người chọn một nghề thích hợp với mình. Nếu tôi là thợ rèn thì tôi sẽ làm ra những lưỡi dao cùn, nếu tôi là thợ mộc thì chắc là tôi làm ra những bộ bàn ghế lung lay mất thôi. Nhà tôi ở trong rừng này, tôi yêu khu rừng này, lượm củi cũng vừa là dọn dẹp những cành khô gãy cho rừng được quang đãng. Tôi làm tiều phu là đúng nhất. Công việc của tôi vui mà, quanh tôi luôn tràn ngập hương hoa lá và tôi luôn được ăn trái cây vừa chín tới tươi roi rói. Mà không phải chỉ tiều phu tôi đây thích ở trong rừng này đâu nhé, có một vị ẩn sĩ tài ba cũng chọn khu rừng xinh đẹp này trú ngụ đó.
*
Nhà vua đi đến lều cỏ của vị ẩn sĩ nằm cạnh một cây sung. Mùi cỏ thơm thơm và mùi trái chín phảng phất. Vì không muốn nói dối với người tu hành nên ngài phân vân không biết có nên tiếp tục đóng vai tiều phu không, vậy nên ngài chần chừ trước lều khá lâu.
Chợt trời đổ mưa.
Ẩn sĩ lên tiếng:
-  Xin mời đại vương vào lều kẻo ướt.
Nhà vua khom người bước vào lều và ngồi xuống:
-  Sao người biết ta là vua?
-  Tiều phu đến đây chơi thường đem cho tôi ít củi và cỏ khô. Nhưng chẳng phải vì tay ngài không cầm theo gì. Bậc đế vương đáng kính khiến lều cỏ dậy mùi thơm.
Nhà vua đáp lời:
-  Còn ta thì nghĩ vì ẩn sĩ nên nơi này mới thơm mùi hoa trái.
Ẩn sĩ mỉm cười:
-  Quả là tôi không nhìn lầm người. Trên đời này chưa có bậc vua chúa nào đức độ khiêm tốn như vậy. Cải trang thành tiều phu không ngồi trên lưng voi không ngồi kiệu hẳn ngài đã mệt và khát nước rồi. Xin mời uống nước suối rừng và ăn vài trái sung rừng này.
Nhà vua nhận ly nước và chùm sung từ tay ẩn sĩ rồi không khách khí gì ngài ăn liền mấy trái sung và uống cạn ly nước và khen:
-  Nước mát lạnh và sung ngọt lịm. Ta chưa bao giờ được ăn trái sung ngon như vậy.
Ẩn sĩ đáp lời:
-  Nhà vua đức độ công minh, đất nước yên vui, nơi nơi hưởng thanh bình, những điều ấy khiến nước suối cũng được tinh khiết hơn và trái sung cũng được ngọt ngào.
-  Ồ, nói vậy thì nếu nhà vua bất chính đất nước không yên thì trái sung sẽ mất vị ngọt sao?
-  Đúng vậy - Ẩn sĩ gật đầu quả quyết - Thưa đại vương, vua chúa bất chính đất nước rối ren lòng dân không yên thì ngay cả đường và mật cũng mất đi vị ngon ngọt. Mọi thứ đều trở nên vô vị.
Trò chuyện đến khi dứt cơn mưa thì nhà vua chào ẩn sĩ ra về. Ngài hài lòng lắm, ẩn sĩ sống trong rừng chẳng màng gì danh lợi, lời khen ngợi của người ấy hẳn là đúng đắn.
Trở về cung điện, nhà vua hào hứng sắp đặt mọi việc cho các quan. Nhà vua giao cho quan tể tướng trông coi việc quân binh, quan thượng thư trông coi việc học hành thi cử... Cứ vậy, mỗi vị quan đầu triều toàn quyền trông coi một mảng.
-  Nay thì ta yên tâm nghỉ ngơi hưởng thụ được rồi.
Nhà vua nói với hoàng hậu như vậy và ra lệnh tuyển ban nhạc vào cung điện đàn ca cho ngài thưởng thức, những cô gái đẹp được tuyển vào cung để múa hát, ngài cho mở những cuộc thi nấu ăn và thưởng cho người nào dâng lên vua thức ngon vật lạ rượu ngon, ngài mở những cuộc thi đấu vật và những người thắng cuộc được phong dũng sĩ hộ tống vua trong những cuộc săn bắn vui thú...
Khắp đất nước mở ra những cuộc thi ăn chơi những mong làm đẹp ý nhà vua, vậy nên sinh ra ăn chơi nơi nơi. Các quan không còn suy tư về việc triều chính nữa mà cũng chăm chăm với những cuộc thi ca múa ăn chơi vì để tuyển được người đẹp nhất người hát hay nhất người nấu món ngon nhất thì phải trải qua vô số cuộc thi từ cấp dưới...
Rừng xanh không còn bình yên nữa, muông thú thấy bóng dáng con người là bỏ chạy. Những con thú bị thương lê lết máu me rất đáng sợ. Các dũng sĩ đua nhau lấy lòng nhà vua bằng cách lùng tìm những con voi già có cặp sừng đẹp, hươu nai cũng cùng chung số phận, cọp beo bị giết vì có lớp da đẹp. Mùi chết chóc khiến những con vật trở nên sợ hãi và hung hăng, vì sợ bị giết nên chúng tấn công trước. Những người tiều phu trở thành nạn nhân đầu tiên và tiếp theo là người dân hiền lành vào rừng hái măng hái nấm...
Vang tiếng oán than. Người ta đến cửa quan tâu trình nhưng than ôi các quan đang bận rộn nếm món ăn trong cuộc thi nấu nướng. Nem công chả phượng đã nhàm chán rồi, thức ngon bây giờ là phải xuống tận đáy biển tìm loài thủy ngư sống bám vào rặng san hô hoặc lên rừng đào trốc rễ cổ thụ để lấy cái lõi mài thành bột lấy mùi thơm. Nông dân bỏ bê ruộng đồng để lao vào cuộc tìm kiếm những thứ được gọi là quý hiếm hòng được nhận thưởng.
Nhưng đâu dễ có rễ cổ thụ nào cũng tỏa hương thơm, vậy nên sinh ra gian dối, người ta xay gạo thành bột mịn rồi tẩm hóa chất giả mùi thơm của rễ quý. Gian dối sinh ra gian dối...
Khắp vương quốc dối trá lọc lừa.
*
Nhà vua chìm đắm trong thụ hưởng suốt ba năm. Một hôm, có ông già đến cung điện xin gặp nhà vua để dâng lên một món.
-  Ngươi có món gì ngon nào? - Quan tể tướng hỏi.
Ông già đưa ra một chùm sung.
-  Món ngon vật lạ đây à? - Các quan cười ồ.
Ông già đáp lời:
-  Đây là món cần cho nhà vua trong lúc này.
Quan thượng thư cả cười:
-  Có thể mi nói đúng, nhà vua đã ăn tất cả món ngon trên đời, ngài ấy cần một món khác vị chăng?
Quan tể tướng hạ giọng:
-  Này ông già, muốn vật phẩm tầm thường của mi được nhà vua nhìn đến thì hãy đưa cho bọn ta ba lạng vàng.
Ông già thở dài:
-  Than ôi, đã đến mức này rồi sao?
-  Không có ba lạng vàng thì hãy cút đi - Quan tể tưởng lạnh lùng.
Ông già lấy trong túi ra một chai nước:
-  Tôi ở trong rừng nên chỉ có chùm sung và chai nước suối này thôi, xin trao hết cho ngài.
-  Hừ, lão già vô lễ - Quan tể tướng giận dữ - Quân canh đâu hãy đem lão già này đi ngay.
Quân canh xúm lại, kẻ xốc nách kẻ bẻ tay lôi ông già xềnh xệch ra cổng.
-  Có chuyện gì mà ồn ào vậy các khanh?
Các quan vội nín lặng vì sự xuất hiện bất ngờ của nhà vua, tất cả vội quỳ xuống chào ngài.
-  Hãy trả lời câu hỏi của ta - Nhà vua lặp lại - Có chuyện gì mà ồn ào vậy?
-  Thưa đại vương - Quan tể tướng liếc nhìn chùm sung và chai nước lăn lóc trên lối đi - Có một lão già đem đến đây...
Quan tể tưởng chưa nói dứt câu thì nhà vua chợt nhớ tới vị ẩn sĩ ngày nào và vị sung ngọt lịm, ngài cúi xuống tự tay cầm chùm sung lên. Rồi nhớ tới ly nước suối mát lành, ngài cúi xuống thêm lần nữa để cầm chai nước lên.
Nhà vua uống một ngụm nước trong chai và nhăn mặt, tanh quá.
Nhà vua ăn một trái sung và vội phun ra ngay, chát quá.
Nhà vua bừng tỉnh, ta đã làm gì suốt ba năm qua khiến nước mát lành thành tanh tưởi và sung ngọt thành chua chát thế này?
*
Sáng hôm đó, đám dũng sĩ hỏi nhau vì sao hôm nay sao nhà vua vào rừng mà không cần họ đi cùng.
Các quan cũng thì thầm hỏi nhau...
Trong khi đó thì nhà vua đi tìm lều cỏ của ẩn sĩ. Lối đi trước đây quang đãng giờ đầy cành lá gãy đổ, những con vật bị ăn thịt còn lại xương xẩu lẫn lộn trong các bụi gai.
Vất vả một hồi thì nhà vua cũng tìm ra lều cỏ, mùi tanh tanh khắp...
-  Ta đến đây để cảm ơn Người có lòng nhắc nhở - Nhà vua nói.
Nhưng lều cỏ trống không.
Nhà vua ngước lên cành sung, những chùm trái ẩn hiện.
-  Ta hứa sẽ khiến mi ngọt ngào trở lại - Nhà vua nói với cây sung.
*
Ba mươi năm sau vương quốc mới trở lại an yên. Nhà vua ra lệnh nhạc công soạn bài hát về sai lầm của mình để hoàng tử mai này nối ngôi nghe mà nhớ.
Con bò đầu đàn đi lạc hướng
Khiến cả đàn lạc lối tan tành
Vua chỉ mong thụ hưởng cho thân
Khiến dân chúng đến cùng đường hèn mạt
Khiến vương quốc đi vào đường mục nát
Bò đầu đàn kia đi đúng đường đúng hướng
Cả đàn theo sau chẳng sợ lạc lối đâu
Làm vua phải dốc lòng phụng sự
Cho người dân được hạnh phúc bền lâu
Cho vương quốc được yên bình khắp chốn.