Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

SỐ 273&274 tác giả ĐÔNG YÊN




CHI HỘI MỸ THUẬT THÀNH TÍCH
BÊN NGOÀI THÀNH TÍCH


Nghe nói vào Hội Mỹ thuật Việt Nam/ Hội VHNT tỉnh là để cùng đồng nghiệp sáng tác, hoạt  động, học hỏi lẫn nhau, vào Hội là góp phần mình vào sự nghiệp văn học nghệ thuật của đất nước… Các họa sĩ, nhà điêu khắc rủ nhau vào, nghĩ vào Hội như hạt tìm đất nở hoa, thỏa mãn nguyện vọng cống hiến cho đời.
1.Thành tích trong Hội
Vào Hội rồi được theo Hội đi dự trại sáng tác, đi tham quan thực tế, đi triển lãm mỹ thuật khắp nước, dự hội họp bàn về mỹ thuật đất nước, thỉnh thoảng còn được lãnh đạo bắt tay, vỗ vai, ân cần trao đổi rằng mỹ thuật là quý lắm, nên làm ra thật nhiều tranh ảnh phục vụ nhân dân. Họa sĩ xúc động, thầm ước nguyện làm được như ông Tố Hữu bên thơ, như ông Phan Tứ bên văn, v.v... Thỉnh thoảng được gặp gỡ, ngồi họp cùng các họa sĩ đàn anh cứ sướng rêm rêm, nghĩ rằng rồi mình cũng trở thành họa sĩ của nhân dân… Vào Hội  rồi  là phấn đấu cật lực. Các họa sĩ Đắk Lắk đều đặn nhận giải thưởng to nhỏ trong cả nước, cầm hoa khôi nguyên qua các kỳ triển lãm đình đám. Nhiều họa sĩ đã đi những bước dài theo đúng nghĩa về sáng tạo và không gian hoạt động. Những cuộc triển lãm mỹ thuật “vạm vỡ” nhất như Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam tập hợp các họa sĩ “hầm hố” của cả nước đều có sự góp mặt của họa sĩ Đắk Lắk.
Bảng thống kê thành tích giải thưởng của họa sĩ Đắk Lắk dài thậm thượt theo những cuộc triển lãm, cuộc thi khắp nơi, hằng năm mà theo thông cáo báo chí thì cuộc nào cũng có ý nghĩa quan trọng cả.
Những thành tích mỹ thuật của Hội VHNT được xem như của một tỉnh. Hoạt động trong khuôn khổ của tổ chức Hội cũng bài bản, nghiêm chỉnh giống các cơ quan nhà nước. Hằng năm cũng có báo cáo hoạt động mà năm nào cũng hoan hỉ; cũng có khen thưởng năm nào cũng hoành tráng. Nhiều hội viên là phó thường dân, tham gia Hội lại lâng lâng cảm giác mình là người nhà nước. Tổ dân phố thấy mặt trên truyền hình cứ phục lăn, bảo lâu nay, xóm mình có cán bộ X nặn tượng, cán bộ Y vẽ tranh mà mình không biết. Chi hội Mỹ thuật cứ như là một tập hợp những tinh hoa của mỹ thuật Đắk Lắk. Những cống hiến ấy nhiều lần được khen thưởng, cũng ngang ngang như công nhận tập thể thi đua, nghe cứ sướng rân. Họa sĩ ôm vai nhau, lớp trước, lớp sau nhỏ to chia sẻ. Cảm động lắm.
Nhưng hoạt động ở Hội cũng ít thay đổi, chưa được xã hội chú ý. Họa sĩ ra sức vẽ để phục vụ nhân dân với tiền túi họa sĩ  bỏ ra làm tranh, tiền dân bỏ ra làm triển lãm nhiều kinh khủng. Vậy mà công chúng không đến xem tranh, các cơ quan chính quyền không mua tranh. Muốn “tham mưu” cho địa phương những ý hay về mỹ thuật cũng chẳng được. Thấy cảnh phố phường lòe loẹt, xây dựng dinh thự kệch kỡm, đập phá những kiến trúc yêu kiều, có lấy danh nghĩa phản biện của Hội mà can ngăn cũng chẳng ai nghe. Hội mà không theo được những lý tưởng cao cả như trên là nỗi buồn của họa sĩ. Phải làm sao cho mọi người biết đến Hội mình? phải đổi mới Hội mình! Nghe tha thiết,  ưu tư, lo như nhân viên lo công ty phá sản!
2. Thành tích ngoài Hội
Mặt khác, ông X nặn tượng, ông Y vẽ tranh không phải là cán bộ. Thường ngày, các ông kiếm sống bằng  làm thiết kế mỹ thuật, dạy mỹ thuật, hoặc bán tranh. Không thực sự chủ động nhưng các họa sĩ và nhà điêu khắc đã trực tiếp hoặc gián tiếp làn thay đổi không gian sống, thay đổi bộ mặt thẩm mỹ của  địa phương. Trên cánh đồng mênh mông của mỹ thuật ứng dụng, các họa sĩ cày sâu, cuốc bẫm không ngơi nghỉ. Họ cật lực làm việc để kiếm sống, đáp ứng nhu cầu xã hội cần sự sáng tạo, đổi mới về thẩm mỹ, nên họ cũng góp phần nâng tầm cái nhìn thẩm mỹ của cộng đồng lên, từng bước. Tâm huyết và tài năng nghề nghiệp đã giúp họ thành công.
Một số họa sĩ  đi dạy mỹ thuật ở các trường phổ thông, các nhà văn hóa. Công việc  nhọc nhằn này phải luôn cần cảm hứng từ trái tim nghệ sĩ – thứ này không đưa vào kế hoạch được. Sản phẩm của họ là thế hệ mới có thị hiếu thẩm mỹ tốt hơn lớp trước – thứ này cũng không thể  kể lể trong các văn bản. Nhưng chúng ta có thể cảm nhận qua sự thay đổi về thẩm mỹ những năm gần đây từ sự thanh lịch của không gian sống, sự bay bổng của nhịp sống hàng ngày, từ vẻ đẹp của từng ngôi nhà, thời trang lớp trẻ đến… bó hoa bên ngôi mộ người vừa quá cố… Chúng ta có thể cảm nhận một thế hệ 9X, 10X có thẩm mỹ tốt, hội nhập với thế giới văn minh đang hình thành.
Đóng góp của các họa sĩ cho đời sống thẩm mỹ của địa phương là to lớn, nhưng lại không nằm trong báo cáo thành tích của cơ quan nào. Bù lại, dân chúng ghi nhận họa sĩ này vẽ thật chất lượng, họa sĩ kia trang trí nội thất bắt mắt lắm; đánh giá rõ ràng, đo lường cụ thể bằng số đơn hàng, bằng xấp tiền dày mỏng. Mặt khác, khi gây ra những thảm họa thẩm mỹ, quá lắm, họa sĩ cũng chỉ nhăn nhó giải thích rằng… rằng việc rồi cũng qua vì không có cơ quan nào ngó ngàng, kiểm điểm.
Có họa sĩ chẳng nhớ đến triển lãm, giải thưởng, vào Hội, ra Hội. Vì hoàn cảnh gia đình, vì chuyên môn, nhiều hội viên phải hoạt động vượt ra ngoài địa bàn tỉnh. Nhưng vì lòng yêu nghề, vẽ để cùng chơi với họa sĩ, chơi với anh em  mà vẫn  ngơ ngác trước sự “ hướng tới” cuộc triển lãm này, những đề tài đang “hot” ở cuộc thi nọ; hậu quả là có tranh hay, có tranh dở, có tranh cực đẹp mà không biết vẽ cho… ai khen và làm sao khen cho đúng. Có đồng nghiệp bảo sao phí, sao gàn, thậm chí sao ngu thế ? Đủ cả, chẳng biết thế nào là đúng. Chỉ biết, đồng nghiệp rất thích mấy kẻ này. Cả bọn hùa nhau bắt vào hội kẻo tội. Mấy bận “giúp đỡ” mà  “đối tượng” không làm nổi cái hồ sơ vào Hội, lâu ngày quên mất, cứ tưởng là hội viên rồi, hoặc có còn là hội viên không? Chơi với nhau không phân biệt trừ… lúc đi họp. Người nơi khác, có khi biết đến Đắk Lắk qua mấy anh chị này, khen vẽ đẹp, mua tranh, tượng của họ. Không quan tâm họ có là hội viên hay không.
3. Sáng tác, hoạt động mỹ thuật của Chi hội Mỹ thuật Đắk Lắk xem thế không chỉ gói gọn trong báo cáo hàng năm của Hội. Nó phong phú, sinh động lắm, tương ứng với sự phát triển của địa phương. Hoạt động mỹ thuật như vậy là lành mạnh, gắn liền với đời sống một cách tự nhiên. Hoạt động trong Hội, ngoài Hội đều vì chuyên môn, vì tình đồng nghiệp. Gặp nhau, dù ở hội họp hay giữa đường, là tay bắt mặt mừng, là hỏi chuyện đang làm gì? vẽ gì?… Những cuộc báo cáo thành tích ngang hông như thế thường  trung thực, có kèm theo nụ cười hạnh phúc, có kèm theo trào nước mắt chua cay.


Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

SĂN TRÂU RỪNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - BÁO GIÁO DỤC&THỜI ĐẠI CHỦ NHẬT SỐ 29 THÁNG 7 NĂM 1997


Y Leng dẫn tôi đến bên chòi làm bằng mấy đoạn cây gác chéo lên cành cây lồng bàn cách mặt đất độ ba mét quay lại nói:
-Thầy ngồi đây chờ khi nó chạy lại gần hãy bắn.
- Có chắc nó chạy qua đây không?
- Chắc chứ! Thầy xem dấu chân hắn đi qua đây về phía tây. Nếu chúng em lùa từ phía tây, nó phải chạy qua đây về Sông Ba. Bọn thú rừng khôn lắm, chúng luôn luôn chạy về đúng đường chúng đã đi.
Y Leng vừa giảng giải vừa lúi húi vạch cỏ gianh chỉ vết chân con Min để lại trền nền đất. Mười bốn cái đầu cùng xúm xít vạch lối xem dấu và ồ lên:
- Con này to lắm!
-Chắc phải to bằng con voi đấy!
-Lụôc một miếng rõ to mà ăn nhỉ !
-Bắn được phải xiên cây nướng ăn ngay tại chổ mới ngon.
Y Leng bật cười, bảo:
-Chưa bắn mà tính ăn thịt là xuôi rồi. Ngừng một lát nuốt nước miếng; Y Leng nói tiếp - Chúng ta đi thôi, đừng có theo dấu chân nó, sợ nó ngửi thấy mùi chạy theo hướng khác mất.
                     Nhìn các em tuổi mười sáu, mười bảy tay chân khỏe khoắn, rắn chắc vác trên vaithanh xà gạc nhìn dấu chân mà nuốt nước miếng ứa ra, tôi thấy thương vô hạn. Bóng các em rẽ cỏ gianh đi xiên xiên theo triền đồøi khuất dần về phía tây bắc.
Tôi leo lên cây lồng bàng, kê súng lên giá bắn ngắm thử. Phải công nhận mấy cậu học trò chu đáo, lát sàn chòi bằng năm khúc gỗ to bằng bắp chân dài hơn mét buộc chặt vào cành cây rất chắc chắn. Đứng hay ngồi bắn đều thỏai mái. Giá bắn được buộc bằng một cây tre thẳng, nếu ngồi xuống sàn, đặt súng lên giá bắn, chẳng khác gì bắn bia. Tôi ngắm thử thấy thoải mái quá và nghĩ bụng: chắc trong vòng một trăm mét khó có con vật nào thoát khỏi họng súng cho dù đó là nai, heo hay con mang cũng vậy.
Điểm chọn làm chòi rất tốt, không những nó là cái đèo thấp nhất trong dãy đồi nối liền nhau kéo dài ba, bốn kilômét từ nam qua bắc mà hai phía đông tây đèo có vạt rừng gìa kéo thành vệt dài gần lên đến đỉnh. Đỉnh đèo khá bằng phẳng, rộng chừng năm chục mét toàn cỏ gianh khô nằm chống chát lên nhau . Hai phía bắc, nam đèo cỏ gianh khô phủ kín các đỉnh đồi kéo dài đến hút tầm mắt. Các cây lớn chỉ mọc được ở hai bên bờ suối lớn và các nhánh nhỏ thành từng vạt rậm rạp. Đứng trên chòi nhìn xuống thấy cánh rừng già giống một cây đại thụ khổng lồ xòe những cành cây xanh mượt, khẳng khiu, ngoằn nghèo trên nền cỏ gianh bạc phếch chĩa ngọn ra phía bắc, gốc cây duỗi dần về phía nam với chùm rễ dài cắm vào bờ sông Krông Năng xanh thẳm.
Đã hơn ba tháng nay hơn ba trăm thầy trò trường nội trú quanh đi quẩn lại chỉ có rau muống và cá khô phân phối. Còn mấy ngày nữa sẽ đến tết, tiền có nhưng không làm sao mua được con heo hay bò cải thiện cho các em có bữa ăn tươi. Nếu như không cấm đốt cỏ gianh thì chỉ cần một mối lửa nhỏ hàng ngàn héc ta đồi gianh sẽ biến ra tro và như vậy đêm đêm có thể đội đèn đi bắn hươu, nai, mang... cải thiện cho các em.
Ngày chủ nhật vừa rồi Y Leng đi tìm hoa phong lan phát hiện dấu chân con min đi qua con Sông Ba về Sông Hai liền tìm điểm làm chòi phục bắn. Các em tin tôi, vì bắn ban ngày chưa trượt bao giờ cho dù đó là: heo, mang hay mấy chú khỉ tinh ranh đi nữa. Hôm nay trọng trách của tôi được giao phải hạ con min để lấy thịt cho các em ăn tết.
Tiếng hò reo, tiếng chiêng gõ ầm ĩ từ bờ Sông Hai vọng lại mỗi lúc một rõ dần. Tôi hướng mũi súng vào bìa rừng chờ đợi. Bổng khoảng rừng già trước mặt chim bay loạn xạ cùng lúc với tiếng cây gãy như có người bẻ mỗi lúc một lại gần. Tôi căng mắt nhìn như không tin vào mắt. Một con trâu qúa lớn, đen trũi bốn chân màu bạch kim lao ra cách bìa rừng độ ba mét dừng lại ngấc cao đầu nhìn bốn phía xung quanh. Cặp sừng trên đầu nó mới to làm sao. Phần sát đầu phải bằng bắp đùi người lớn, sần sùi đầy nếp nhăn cong vòng lại với nhau, nhìn giống như một hình tròn. Đôi mắt to như cái ly lớn lồi ra đen nhánh đảo quanh. Đầu ruồi mũi súng tôi đặt ngay vào tai con vật, thước ngắm chia đôi. Ngón tay trỏ kéo nhịp thứ nhất. Với khoảng cách chưa đến năm chục mét chắc chắn con vật ngốc ngếch cứ đứng lì lợm, trợn mắt nhìn xung quanh kia chỉ một viên AK của tôi sẽ xuyên từ tai này qua tai bên kia dễ dàng. Và với bảy tám tạ thịt lọc thầy trò tha hồ ăn tết, và có cả phần phơi khô ăn dần cả tháng giêng chưa chắc đã hết. Bên cạnh món cá chuồn, cá liệt khô muôn thuở thương nghiệp cấp, các em sẽ có thêm món thịt luộc, món thịt xào và cả món thịt nướng quấn lá lốt ăn tết. Thây trò sẽ hú hí với nhau cho vơi nỗi nhớ nhà. Mấy cô giáo sẽ bớt đi những giọt nước mắt đêm giao thừa.Tôi địng kéo có súng tiếp nấc thứ hai... Nhưng ngón tay bổng cứng lại khi chợt nhận ra chú bê xinh xắn bộ lông phớt vàng từ trong rừng lao ra, hai tai dựng đứng, cái đuôi cong vút lên, xõa túm lông nhỏ bé hoe vàng rũ xuống lưng. Chú bê nhảy vọt lên, run rẩy, lại nhảy vọt lên nép sát vào bụng mẹ.
Tôi ngẫn người từ từ hạ súng mở mắt nhìn hai mẹ con con min đang nép vào nhau. Không biết con min con quá sợ hãi trước tiếng hò hét của con người, nên phải nép vào mẹ nó. Hay chính mẹ nó linh tính thấy nguy hiểm cố dựa vào con lấy chút cang đảm vượt qua trảng trống trước khi về rừng già.
Đôi mắt min mẹ không còn viền lồng trắng quanh con ngươi đen nữa mà màu trắng đã hằn lên tia đỏ. Nó nhìn tôi đôi mắt long lanh một màu đỏ như sắp bật ra như những giọt lệ màu hồng. Nó chờ con nó và nhìn tôi như  cầu khẩn xin tha mạng. Tha nó ư? Thầy trò lấy gì ăn tết? Lấy gì cải thiện cho các em học sinh đang đói đây?
Bộ sừng màu ngọc thạch kia chắc phải đổi được con bò lớn nữa. Thầy trò tha hồ cải thiện. Nhưng con vật đẹp quá, bộ lông màu đen kéo dài từ vai xuống tận đuôi trông mượt như nhung. Chiếc đầu to như cái thúng lớn nhìn tôi như dò hỏi, van lơn và cả con bê xinh xắn chắc chắn sẽ chết nếu như con mẹ đổ xuống. Thiên nhiên ưu đãi cho Tây Nguyên biết bao loài thú quý hiếm nhưng đang bị mất dần. Không biết mẹ con nó có phải là con cuối cùng của cánh rừng này không ? Nếu giết mẹ con nó ta sẽ có lỗi với hậu thế có tội với thế hệ mai sau. Bắn hay không băn?!
Con min bước từng bước một như đếm tiến gần lại chòi, đôi mắt mở to nhìn thẳng vào mắt tôi. Con bê cố bước kịp mẹ ngước cặp mắt ngây thơ như một dấu hỏi nhìn tôi. Hàng lông mi của con bê vừa đen, vừa dài cong vút trông thật quý phái. Mất chiếc lông màu nâu phớt trắng xỏa xuống móng chân màu thạch giống như người ta buộc lại để trang điểm bốn bàn chân cứ tiến dần, tiến dần lại sát chổ tôi ngồi. Càng nhìn càng thấy đẹp, một vẽ đẹp vừa mộc mạc, vừa huyền bí khó có dịp thưởng thức. Hai mẹ con nó đi qua sát chòi, vừa khép nép lại vừa như len lén luồn qua.Tôi bỏ súng nhìn theo, nhìn mãi cho đến khi hai mẹ co khuất hẳn vào bìa rừng mới giật mình bừng tỉnh khi Y Leng hỏi vọng lên:
- Sao thầy không bắn?
- Ôi, hai mẹ con nó đẹp quá, chúng là loài thú quý hiếm có tên trong sách đỏ đấy, không được bắn đâu. Thôi hãy để nó làm đẹp thêm núi rừng của chúng ta các em ạ.
Mười bốn cặp mắt ngây thơ nhìn tôi vừa như trách móc, vừa như an ủi, cảm thông. Tôi trèo xuống với các em, lòng buồn vui lẫn lộn.
- Thầy!
Tiếng Y Leng thoảng bên tai, tôi quay lại nhìn em, em nắm chặt tay tôi:
- Đừng buồn thầy ạ. Mình không bắn là đúng đấy. Nó có con nhỏ, con nó cần mẹ, bắn mẹ thì tội nghiệp con con lắm.
Các em vây quanh tôi, an ủi làm tôi không còn biết nói sao.
- Ta về đi thầy, kẻo thầy cô và các bạn trông.
Y Leng giục và kéo tay tôi. Trời về chiều, từng cơn gió mát đùa giỡn, đồi cỏ gianh cuộn lên như sóng vỗ nối tiếp nhau chạy dài. Các em bước theo nhau thành một vệt dài vừa đi vừa tíu tít kể cuộc chạm trán con min và tả chi tiết vẽ đẹp của nó cho tôi nghe, cứ như tôi chưa được thấy bao giờ.


Xuân 1982


SỐ 273&274 tác giả TRẦN ANH




NHỚ MỘT LỜI CHÀO MỪNG 20 NĂM TRƯỚC
     

Cách đây 20 năm, Hội VHNT Đắk Lắk tổ chức Đại hội lần thứ II (12.1995). Tôi còn nhớ khách Trung ương tham dự đại hội có nhà thơ Nông Quốc Chấn - đại diện cho Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nhà văn Kiều Vượng - đại diện cho Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Văn nghệ; khách các tỉnh bạn có nhà thơ Y Phương từ Cao Bằng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từ Thừa Thiên – Huế, nhà thơ Thanh Quế từ Quảng Nam – Đà Nẵng, nhà văn Cao Duy Thảo từ Khánh Hòa, nhà thơ Văn Công Hùng từ Gia Lai, nhà văn Nguyễn Trung An từ Lâm Đồng, họa sĩ Nguyễn Viết Huy từ Kon Tum và nhiều nhà văn, nhà thơ khác mà tôi không nhớ hết.
Nhiều nhà văn, nhà thơ của tỉnh bạn đã đăng đàn phát biểu chào mừng. Nhưng ấn tượng với tôi nhất là nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Hồi ấy anh còn chưa đến năm mươi, nhìn rất trẻ trung, phong độ và đã rất nổi tiếng về các tác phẩm thơ và nhạc, như bài thơ dài Tản mạn thời tôi sống, bài hát Làng quan họ quê tôi…Anh đã là thần tượng của đông đảo người yêu VHNT trong cả nước, nhất là những người trẻ, trong đó có tôi (lúc ấy là phóng viên Báo Lao Động, đồng thời là hội viên của Hội VHNT Đắk Lắk) . Vì vậy, khi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phát biểu tôi đã rất chú ý, bật máy ghi âm cẩn thận để lấy tư liệu viết bài về Đại hội. Anh nói vo, không hề chuẩn bị bằng văn bản, nhưng rất hấp dẫn. Khi anh nói xong cả hội trường vỗ tay ào ào. Trong hồ sơ tài liệu nghề báo của tôi còn lưu đoạn phát biểu như sau: “Anh em văn nghệ sĩ Thừa Thiên - Huế chúng tôi sống bên dòng sông Hương như cô gái mềm mại và thơ mộng. Các bạn văn nghệ Đắk Lắk sống trên dải đất cao nguyên như chàng trai cường tráng và hào hùng. Chúng ta cùng chung một tình yêu nghệ thuật chân chính. Mỗi lần đến Đắk Lắk tôi đều gặp màu đỏ tươi ròng của đất ba-zan bao la. Đấy là màu đỏ của máu, màu đỏ của hoa, màu đỏ của hàng triệu trái tim gắn bó máu thịt với đất đai với truyền thống của mình. Đấy cũng là màu đỏ của hàng trăm trái tim các văn nghệ sĩ ở đây. Rất nhiều, rất nhiều những tác phẩm của các bạn đã dang rộng cánh bay khắp đất nước, đến với văn nghệ sĩ Thừa Thiên - Huế chúng tôi, giúp chúng tôi hiểu thêm, yêu thêm mảnh đất và con người Đắk Lắk; đồng thời cũng khích lệ chúng tôi có thêm những sáng tác mới. Người xưa nói: “Núi không phải tại cao, nổi tiếng là bởi có Tiên. Sông không phải tại sâu, linh thiêng là bởi có Rồng”. Chính các bạn và nhân dân Đắk Lắk đã làm cho núi nổi tiếng, làm cho sông linh thiêng. Tôi xin chân thành cảm ơn anh chị em văn nghệ sĩ ở đây đã mang đến cho chúng tôi và nhân dân những giá trị tinh thần vô giá của vùng đất cao nguyên đầy nắng, đầy gió, đầy sức sống độc đáo này.
Xin chúc cho tình đồng nghiệp mãi mãi tươi đẹp và bền vững như rừng xanh núi đỏ”…
Đã dự 4 kỳ Đại hội của văn nghệ Đắk Lắk, đã nghe nhiều đại biểu đăng đàn chào mừng Đại hội, nhưng cho đến nay tôi vẫn thấy phát biểu của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là văn chương nhất và tình cảm nhất. Điều đó khiến tôi nhớ mãi.