Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

ĐỌC TẬP THƠ ĐỦNG ĐỈNH TRĂNG VỀ - LLPB của BÙI MINH VŨ - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018







Từ tập thơ Hoa trong cỏ, đến Thầm thức cùng tiếng chim, và cuối năm 2017, ra mắt thi phẩm Đủng đỉnh trăng về (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn), từng bước hiển lộ trong sân chơi thơ, rạng rỡ hơn, của nhà giáo - nhà thơ Trần Phố.
Đủng đỉnh trăng về được sáng tác trong giai đoạn “chín”, tác giả đứng ở vị trí sau một vòng hoa giáp để nhìn mọi sự vật, hiện tượng, ngẫm những được mất, vui, buồn, đến, đi... và từng ngày trôi qua, từng người thân quen để lại dấu ấn khó phai trong 62 bài thơ được chắt chiu, tinh lọc từ tâm hồn thi sĩ có cái nhìn thiện cảm với đời. Toàn bộ tập thơ là một chỉnh thể thống nhất, kết cấu tuyến tính, kiệm lời, ngôn ngữ chắt lọc, hình ảnh tài hoa, là những tâm sự, trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm về những điều trông thấy. Có vẻ dễ nhận ra hơn cả là “cái thật”, “cái thẳng” được ưu tiên xuyên suốt, như là tình yêu thương bàng bạc, ẩn hiện trong hầu hết các trang thơ.
Dạy con, răn con, dự báo những gì con sẽ gặp trên đường đời, khuyên con tự vượt qua khó khăn, không lệ thuộc ai, không dựa dẫm người khác: “Chân mạnh bước, tâm không sợ hãi/ Luôn vui tươi, không ích kỷ, đê hèn/ Không bạn bầu, đồng lõa với đêm đen/ Hạnh phúc đến từ trái tim khối óc/ Con tự làm nên hạnh phúc của mình.” (Nói với con về hạnh phúc).
Tình cảm thiêng liêng nhất thường hướng về cha mẹ, biết vậy, nhưng khi con ở xa nhà thì khó lòng hàng ngày lo cho song thân chu toàn, ngẫm vậy, tác giả đau đáu lệ rơi: “Thân phận trớ trêu, lưu lạc xứ người/ Con chẳng giúp được gì cha mẹ/ Nương tựa vào đâu khi tuổi xế/ Cha mẹ về trời... con mãi lệ rơi” (Lệ con mãi rơi). Giọng điệu buồn, bộc bạch trắng, lòng thành, vỡ ra từng con chữ ơn sâu.
Khi bạn “nhậm chức” là vui vẻ, giao lưu say mệt, nhưng ngược lại, Trần Phố không đồng lõa với “niềm vui bảng tên”, “niềm vui phong trào”, mà có dịp để ngẫm suy, rồi gửi đến bạn một thông điệp, đúng hơn là một khát vọng, một ước mơ tầm vóc chính trị gia: “Chặn sông, sông sẽ thét gào/ Thân dân diệu kế thâm cao/ Đức trị thẳm trong pháp trị/ Một vùng vui tựa Thuấn, Nghiêu!” (Tặng bạn ngày nhậm chức).
Dường như, câu hỏi “Gởi tráng sĩ” nghe nao nao, chạnh lòng: “Ngày Biển Đông dậy sóng/ Tráng sĩ nói câu gì?” (Gửi tráng sĩ). Ô hay, người đàn ông cường tráng và có ý chí mạnh mẽ, hay tất cả chúng ta phải lo lắng và nói câu gì? Kết thúc bài thơ “Gởi tráng sĩ” khá bất ngờ, bằng một dấu hỏi không lời đáp, có vẻ vô lý nhưng sòng phẳng quá chừng.
Nói với tuổi trẻ thật thú vị, nhưng biết nói gì đây khi cuộc cách mạng 4.0 như một cơn lốc xoáy, khi hàng ngày có nhiều việc phải làm, vậy nên, tác giả đã chọn cách của người thầy để tâm tình, thủ thỉ: “Đừng vào cổng thấp/ Dễ còng lưng vỡ trán/ Mê chi danh hão, mộng hờ/ Cúi luồn hèn hạ/ Chẳng làm kẻ yếu mềm, vâng dạ/ Làm con chim vỗ cánh vút trời xanh!” (Nói với tuổi trẻ thời hội nhập). Chỉ có đôi cánh tri thức mới bay cao, bay xa, mới vượt qua cái tầm thường để đến với cái phi thường.
Đâu chỉ có thực tại, mà ngay trong giấc mơ, Trần Phố vẫn thể hiện tình yêu thương trọn vẹn với cuộc đời này. Dù ở phương trời, góc bể nào, quê hương vẫn là hình bóng không quên, hình bóng đáng trân trọng, tự hào: Trong giấc mơ tha hương tôi mơ về Quảng Ngãi/ Thương đóa hồng chớm nở vội rời xa/ Mùi hoa thơm thơm suốt buổi trăng tà/ Mùi hoa ấy cứ mãi còn ray rứt (Mơ về Quảng Ngãi).
Hay khi nói về miền quê mới, nơi nhà thơ sống và dạy học từ nhiều năm, cũng với một tình cảm trong sáng, muôn quý ngàn yêu: “Quê tôi yên vui dòng Krông Pắc xanh tươi/ Soi bóng mùa Xuân trong trẻo tiếng cười/ Bao nhiêu chàng trai da ngăm màu nắng/ Và bao cô gái nhịp gùi đong đưa/ Quê tôi yên vui một vùng nắng gió/ Bạt ngàn cà phê chín đỏ/ Bơ bút, sầu riêng, hồ tiêu, ca cao.../ Ngan ngát thơm lừng bốn biển, năm châu” (Krông Pắc quê tôi).
Hình như Trần Phố ngộ rằng, mùa xuân là mùa yêu thương, mùa của vạn vật muôn hoa, sắc hương tràn, và đất trời khoác lên một gương mặt mới: “Đâu phải hoa vàng xuân mới đến/ Môi mắt em cười đã thấy xuân.” (Thấy xuân)
Hình ảnh đẹp, rất đẹp, nhưng đôi khi bâng khuâng, lắng đọng giữa mùa xuân đến: “Nắng đã thơm vàng lối cỏ xanh/ Suối xuân trải áo lụa long lanh/ Chờ em đã tím màu hoa đỏ Sương trắng rơi đầy trên tóc anh.” (Đợi)
Khao khát hướng tới mùa xuân huyền diệu của đất trời, và lòng người rạo rực, khiến nhà thơ đôi khi tự tin, thong thả, trải lòng: “Giấc xuân vừa đẫy chiều chênh nắng/ Đủng đỉnh trăng về quét lá chơi” (Ngoài sáu mươi)
Ngoài sáu mươi, nhưng Trần Phố dường như trẻ lại: “Ta còn em một trời xuân sắc” (Đà Lạt và em); “Đêm bốc lửa hay là em bốc lửa/ Mà buôn làng hối hả nhịp xuân...” (Nhịp xuân).
Độc đáo, ấn tượng là tiếng guốc như tiếng xuân, tiếng lòng, tiếng réo gọi, tiếng của hồi ức xa xưa hiện về, hay đâu đó vọng lại làm nhà thơ bổi hổi: “Từ em cách biển, xa trời/ Bóng chim tăm cá bời bời lặng trôi/ Guốc xưa im tiếng lâu rồi/ Bỗng dưng lại gõ bồi hồi đâu đây.” (Guốc xưa).
Nhà thơ đi tìm, tìm hoài mà chẳng biết em ở phương nao: “Đành hỏi vầng trăng bên trời sông Vệ/ Dòng sông cười... con sóng cũng nôn nao!” (Gọi thầm tên em). Và rồi sau đó: “Thăm thẳm đường xa, thăm thẳm tối/ Tôi lạc thân tôi giữa mịt mùng...” (Tìm trăng).
Tình yêu là thế, không có tuổi, lúc nào cũng xuân đang tới, nhưng với mình, đôi khi: “Bỗng muốn về với khu vườn tĩnh lặng/ Tôi chọn phần thua thiệt để mà vui” (Có một ngày).
Đó cũng là lúc tác giả “nhìn lại” và thanh thản hơn: “Mây gió vô tình trôi đỏng đảnh/ Ta chạm vô thường chạm sắc không”. Khi tác giả đã “tri thiên mệnh”, thơ phảng phất tư tưởng ở ẩn, tránh những bon chen, cơm áo, gạo tiền: “Trả hết phù du cho biển rộng/ Chơi cùng chim cá, bạn cùng cây” (Lộc trời). Tuy vậy, vẫn vui và tự hát: “Con chim hạ cánh trong vườn trúc/ Nằm giữa giao mùa tự hát chơi.” (Tự hát).
Đọc Đủng đỉnh trăng về, ta yêu thêm cuộc sống, tin tưởng vào cuộc đời, tận hưởng những khoảnh khắc sang xuân của đất, trời giao hòa, nhân ái. Tập thơ tái hiện được những trải nghiệm của tác giả qua những cảm xúc trữ tình, những cấu tứ ẩn dụ, những câu thơ nặng lòng muốn cho cuộc đời nhân văn hơn. Nhiều gam màu về xã hội đương đại, đôi khi chỉ vài nét chấm phá, đủ cho thấy tác giả đã nặng lòng với cuộc đời này, dù có một ngày tuổi già bắt phải buông bỏ “cái đời thường” để hòa vào thiên nhiên, vui thú điền viên.









Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ – TIẾNG LÒNG ĐẦY TÂM TRẠNG - lời bình của PHẠM MINH TRỊ - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018



Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?
                                         (Hạ Tri Chương)

Hạ Tri Chương (659-744) sống vào giữa thời Sơ Đường và gần hết thời Thịnh Đường. Thời kì mà có rất nhiều nhà thơ lớn xuất hiện như: Vương Bột, Thẩm Tống, Đỗ Thẩm Ngôn, Lỗ Chiêu Lâm (Sơ Đường); Vương Xương Linh, Cao Thích, Sầm Tham, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Lý Bạch, Đỗ Phủ…(Thịnh Đường). Ông đỗ tiến sĩ năm 695, quê ở Vĩnh Hưng, Việt Châu nay là Tiêu Sơn, Chiết Giang, là một trong những người làm quan lâu năm nhất ở kinh đô Trường An (hơn 50 năm), rất được vua Đường Minh Tông vị nể. Hạ Tri Chương lớn hơn Lý Bạch tới 42 tuổi nhưng chơi rất thân với nhau. Hạ Tri Chương viết không nhiều song được người đời nhớ mãi, đặc biệt đối với 2 bài Hồi hương ngẫu thư.
Bài tứ tuyệt Hồi hương ngẫu thư (được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 7) là bài thứ nhất trong hai bài. Đây là bài thơ trữ tình sâu thẳm song lại được triển khai, biểu hiện bằng rất nhiều yếu tố tự sự. Có thể nói cái vỏ của bài thơ tứ tuyệt này là phương thức tự sự còn hồn cốt, ẩn sâu là trữ tình.
Câu mở đầu (khai) rất tự nhiên: Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi – Rời nhà từ lúc còn trẻ, già rồi mới quay về. Với biện pháp đối: trẻ – già; rời nhà – quay về. Một câu có bảy chữ được ngắt làm đôi, đối sánh cân chỉnh về từ loại, nội dung biểu đạt và cả thanh điệu nữa. Nhịp 4/3 như cái đòn gánh hai đầu. Một đầu là thời trẻ, tóc còn xanh;  một đầu là thời đã già, tóc đã pha sương. Chỉ bảy chữ mà khái quát được cả hơn 80 năm, bao trùm thời gian cả một cuộc đời. Câu thơ kể như nấc lên xúc động. Khi xúc động lời kể có bao giờ trơn tru, nên giọng thơ dường như nghẹn lại ở giữa dòng (nhịp 4/3). Câu tự sự nêu một nhận xét, một đánh giá. Chính cách viết này tạo ra hiệu ứng trong cảm xúc người đọc. Và bắt người đọc phải đọc câu thơ tiếp theo (thừa): Hương âm vô cải, mấn mao tồi – Giọng quê không đổi, nhưng tóc mai đã rụng. Biện pháp so sánh đối lập ở câu thừa độc đáo hơn ở câu khai. So sánh giữa cái vô hình (hương âm) với cái hữu hình (mấn mao), giữa cái bất biến (vô cải) với cái dịch biến (tồi); giữa cái khó nắm bắt (giọng quê) với cái cụ thể (tóc). Rõ ràng cái vô hình bao giờ cũng vĩnh cửu, còn cái cụ thể – vật chất luôn thay đổi. Đó là quy luật của tự nhiên, sự sống. Dù xa quê hơn nửa thế kỉ, trải qua biết bao biến động, sống trong một hoàn cảnh hơn hẳn ở quê nhà thế mà giọng quê vẫn ngấm đậm sâu, bền chắc trong mạch máu, hơi thở. Đó phải chăng là nét đẹp nhất, tinh túy nhất của cội nguồn văn hoá ở mỗi vùng quê đã làm nên nét đặc trưng ở mỗi vùng, ở mỗi con người. Nét đặc trưng ấy không thể phai quên, mờ nhòa dù xa cách. Sự xa cách chỉ là sự xa cách về không gian còn trong tâm tưởng luôn hiện hữu, đau đáu trong lòng người xa quê. Có lẽ điều đó là cội nguồn của sức mạnh, là gốc rễ làm nên vẻ đẹp truyền thống văn hóa. Điều này thể hiện rất rõ trong giọng quê không đổi. Ở đây đâu chỉ đơn thuần là âm thanh của giọng nói mà nó là gốc rễ, nét đặc trưng nếu biến đổi sẽ không còn là người con của quê hương nữa. Người xưa quả thật sâu sắc lạ thường. Câu thơ  bảy chữ mà có tới năm chữ  thanh bằng (hương, âm, vô, mao, tồi). Đọc lên nghe rất nhẹ và lan toả mà sao tình nặng sâu quá đỗi. Cái tình của người từng trải, hiểu đời, hiểu người.
Làm quan nơi kinh kỳ quá lâu, khi cáo quan về quê mong gặp lại người quen thân thiết thủa trẻ trai song người ở quê không nhận ra. Lớp người xưa như ta đã bồng bềnh cùng sương khói hay li tán chưa kịp về. Giờ chỉ còn lớp trẻ. Ta không nhận ra, trẻ không nhận ra, cả hai đều lạ. Lạ lẫm trên chính mảnh đất quê hương mình. Hỏi sao không một phút buồn lòng. Dẫu biết rằng, con người từng trải hiểu rất rõ sự biến dịch đổi thay là lẽ tự nhiên, đã biết trước nhưng không thể không xúc động trước cảnh ngộ quen thân – lạ lẫm này. Gốc gác của ta ở đây, là chủ, là con, là máu thịt của đất quê. Vậy mà nay lại là khách mà là khách ở xa tới hỏi sao không bồi hồi: Nhi đồng tương kiến, bất tương thức/ Tiếu vấn: Khách tòng  hà xứ lai? – Trẻ con gặp mặt không quen biết/ Cười hỏi khách ở nơi nào đến? Câu thơ có âm thanh tiếng cười, có sự hồn nhiên ngây thơ của trẻ nhỏ song vẫn không khoả lấp được phút trầm tư của người già lâu ngày về quê. Vì thế không thể nào trả lời được câu hỏi của trẻ. Cũng phút giây ấy trong một lần Trở lại An Nhơn,  Chế Lan Viên viết:
 Trở lại An Nhơn tuổi lớn rồi
 Bạn chơi ngày nhỏ chẳng còn ai
 Nền nhà nay dựng cơ quan mới
 Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người.
Hoá ra, xưa và nay cái tình quê có khác là bao, có khác chăng là cái thời điểm.
Có ý kiến cho rằng: Bài thơ không vui cũng không buồn (Nguyễn Xuân Nam - Đến với thơ Đường). Theo tôi, bài thơ đầy tâm trạng, xúc động đến độ thẳm sâu đáy lòng  mới có hình hài bài thơ tưởng ngẫu nhiên mà thực ra là chủ định.

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

MÙI HƯƠNG CỐ XỨ ĐẸP HỒN EM - Sổ thay thơ của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018

SEN 66


Đã mấy mươi năm chưa trở lại
Sen hồ Thanh Thủy vẫn như xưa?
Ta nhớ mùi hương nơi cố xứ
Thơm hồn em gái nắng hè trưa.
Tiến Thảo
LỜI BÌNH:


Năm 2015, nhà thơ Tiến Thảo xuất bản một tập thơ đầy ấn tượng: 100 bài thơ Sen. Từ một loài hoa bình dị nơi chốn hồ đầm mà tác giả để cảm xúc của mình kết tụ, đong đầy thành một trường cảm xúc quả là điều không dễ. Đọc toàn bộ thi tập, điều người đọc dễ nhận thấy, quanh loài hoa tuyệt đẹp và thanh khiết này là một thiên diễm tình lãng mạn, đắm say. Có lúc, tình yêu ấy tan hòa trong sắc hương của hoa sen thơm ngát, có lúc nhà thơ lại mượn chính sắc hương của cánh sen để gợi nhớ về một mối son tình bất tử. Với tôi, bài thơ Sen 66 là sự kết hợp hài hòa giữa đời và mộng, tình yêu cố xứ và tình cảm lứa đôi bằng nỗi niềm tha thiết của thi nhân.
Phần lớn trong 100 bài thơ sen là thơ tứ tuyệt, được tác giả biến thành nhiều thể khác nhau: Lục bát, bảy chữ, 5 chữ... Bài thơ Sen 66 thuộc thể thất ngôn tứ tuyệt mang dáng dấp thơ ca cổ điển Trung Quốc và Việt Nam, có điều nó được mở ra rất tự nhiên, nhẹ nhàng chứ không cố tình gò ép về câu chữ. Chính sự tự nhiên ấy đã giúp cho tác giả có được cảm xúc chân thành, giao hòa giữa tình yêu quê hương tha thiết và tình cảm lứa đôi. Hoa sen nhờ đó đã trở thành tâm thức đi về, lưu luyến không nguôi trong tâm hồn nhà thơ Tiến Thảo.
Đọc Sen 66, điều dễ nhận ra là khả năng lập tứ rất nhuần nhuyễn của tác giả. Thông qua một không gian cụ thể giữa đời thường thức gọi trong hồi ức bằng một câu hỏi tu từ, nhà thơ đã bộc lộ cảm xúc hướng về cố xứ xa xăm. Vừa trần thuật, vừa gợi hỏi, nhà thơ Tiến Thảo đã trữ tình hóa một cách thành công tâm sự của mình:
Đã mấy mươi năm chưa trở lại
Sen hồ Thanh Thủy vẫn như xưa?
"Mấy mươi năm" là khoảng thời gian quá dài so với một đời người. Ở đây tác giả không cụ thể là bao lâu, nhưng chừng ấy thời gian mà chưa trở lại không gian xưa cũ nơi chốn quê nhà quả là đau đáu lắm. Hướng về cố xứ mờ xa, trong tâm thức của mình, nhà thơ chạnh lòng nhớ thương về loài hoa sen thanh khiết. Không nói nhớ, nhưng qua câu hỏi tu từ "Sen hồ Thanh Thủy vẫn như xưa?", người đọc đủ cảm nhận được một nỗi nhớ trào dâng mãnh liệt. Cái biến dịch của cuộc sống đời thường từ bãi bể hóa nương dâu, "Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang" (Độc Tiểu Thanh ký - Nguyễn Du) là nỗi lo sợ và đau khổ muôn đời của văn nhân, thi sĩ. Với nhà thà thơ Tiến Thảo, một người am hiểu đạo Phật, tôi nghĩ sự hoài nghi kia là cội nguồn trong tâm thức, là nỗi suy tư ám ảnh không nguôi. Sen hồ Thanh Thủy là một không gian có thật ở Huế, nơi đây có rất nhiều hoa sen mọc trên mặt hồ, nhưng đồng thời cũng là một không gian tượng trưng cho cái đẹp sinh tồn và nuôi dưỡng tình yêu tuổi trẻ, niềm khát khao về vẻ đẹp thanh khiết, cao vời của con người. Ý thơ phảng phất hồn thơ xưa nhưng vẫn đằm sâu cá tính, thể hiện tình yêu mãnh liệt hướng về nguồn cội sinh thành.
Từ tình ý hai câu thơ mở đầu, như một lẽ tự nhiên, liền mạch trong cảm xúc, nhà thơ Tiến Thảo đã trực tiếp bộc lộ tâm tình qua nỗi nhớ về người em gái thuở nào gắn với không gian làng sen Thanh Thủy:
Ta nhớ mùi hương nơi cố xứ
Thơm hồn em gái nắng hè trưa.
Hóa ra cái sự hỏi ở hai câu thơ đầu chỉ là cái cớ để viện dẫn cho nỗi nhớ đong đầy, da diết ở hai câu kết bài. Mùi hương sen nơi hồ Thanh Thủy vẫn lưu luyến suốt mấy mươi năm xa cách, chưa hề phôi phai trong tâm trí của kẻ tha hương. Mùi hương ấy đã hóa thành nỗi nhớ thơm hương, linh diệu trong tâm hồn kẻ tình si khát khao chờ đợi. Tôi nghĩ trong hai câu cuối bài, câu thơ thứ ba chỉ là câu đệm, là nhịp cầu để đưa người đọc về chạm ngõ hồn ở câu thơ kết. Một cái kết lắng đọng, vỡ òa bao nhiêu tâm tư, cảm xúc nén dồn trong tâm cảm thi nhân. Mùi hương của hoa sen nơi hồ Thanh Thủy hay đó là hương cố nhân - hương của điệu hồn trắng trong, thanh khiết; hương của tình yêu say đắm, nồng nàn; hương của sự vô tư, dịu dàng, yêu dấu? Tôi nghĩ là tất cả những lan tỏa trên đã kết đọng lại thành tâm tình để nhà thơ hạ xuống một câu thơ cuối bài rất đời mà cũng rất lãng mạn trong tình yêu:"Thơm hồn em gái nắng hè trưa". Vâng, hương sen chính là vẻ đẹp tâm hồn em ấp iu vạn thuở, lưu dấu mãi mùi hương cũ bên lòng như một bài thơ khác của nhà thơ Tiến Thảo trong tập thơ này: "Quanh quẩn bên hồ tìm bóng nhạn / Bóng nhạn về đâu bóng nhạn ơi / "Sen xa hồ sen khô hồ cạn" / Bâng khuâng hương cũ ủ bên trời" (Sen 4).
Tập 100 bài thơ sen đã được tôi đọc rất nhiều lần, bài thơ nào cũng có cảm xúc và cái hay riêng của nó. Chọn bài Sen 66 để cảm nhận đôi điều đến với tôi một cách tự nhiên, vì thực lòng ban đầu tôi chưa để ý đến. Nhẹ nhàng trong cấu tứ, mộc mạc trong từ ngữ, nhưng thi phẩm đã nói được nỗi niềm chung của cả tập thơ mà tác giả gởi gắm với người đọc. Đó là điệu hồn hướng về quê cũ mênh mang trong ngập tràn hương sen thanh khiết; lãng mạn và nhân bản hơn, tình yêu ấy đã hòa cùng tiếng lòng của thi nhân suốt đời mình thao thức nỗi nhớ cố nhân.
 


Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH PHƯƠNG NAM ghi chép HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ NHÀ BÁO&CUỘC SỐNG số xuân 2018






Sáng ngày 24 tháng 10 năm 2017 đoàn cán bộ của Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk do nhà báo Y Tuynh Kmăn làm Trưởng đoàn, xuất phát từ thành phố Buôn Ma Thuột thẳng tiến xuống các tỉnh đồng bằng nam Bộ. Mục đích chuyến đi công tác lần này của Hội Nhà báo tỉnh là thăm, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm về công tác tổ chức, hoạt động nghiệp vụ của một số hội bạn.
Xe đến địa phận thị trấn huyện Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông bỗng nhiên “ho” lên mấy tiếng rồi chết máy. Xe mượn của Hội Văn Nghệ tỉnh nhà, mọi lần xe chở anh em hội viên đi êm ru, chu du khắp mọi miền Tổ Quốc, từ cột cờ Lũng Cú trên cao nguyên Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến tận mũi Cà Mau có bao giờ trở chứng thế này đâu, vậy mà... Cũng còn may, xe chọn đúng cửa một gara ô tô để chết máy. Vào gọi thợ thì… đi vắng, phải đợi chừng ba mươi phút chủ nhà mới về. Khi về, ông thợ cả bước lên kabin đề thử rồi phán:
-Xe đứt dây cu roa rồi.
-Dây này dùng lâu rồi, đứt cũng phải – Lái xe nói như thanh minh.
-Không phải tự nhiên nó đứt đâu, chắc máy có vấn đề rồi, phải mở ra kiểm tra xem thử.
Mất thêm gần một giờ hì hục tháo máy, mua phụ tùng về thử, hai ông thợ kết luận: phải nhờ xe về thành phố Buôn Ma Thuột mua phụ tùng thay thế mới đi được. Thế là mười người trên xe đi bộ khoảng một ki lô mét tìm quán cà phê nhâm nhi giết thời gian.
Trưa, lại đi thêm gần một ki lô mét nửa mới tới quán để ăn tạm cho qua bữa rồi quay lại quán cà phê uống tiếp. Đến mười sáu giờ, phụ tùng vẫn chưa có, lái xe nhăn nhó báo: phải đợi thêm chút nữa. Thấy tình hình có vẽ không ổn, hai cán bộ của đoàn thuộc biên chế Báo Dak Lak và Đài tỉnh xin được đón xe quay về, vì lý do… sức khỏe. Thế là đoàn còn lại tám người.
Mặt trời khuất núi mới có xe đưa phụ tùng đến thay thế, hì hục thêm gần một giờ nữa mới xong. Màn đêm buông xuống, xe lắp ráp hoàn chỉnh, nổ máy, tiếp tục cuộc hành trình. Mất gần trọn một ngày vạ vật, xe chạy chưa được 150 km. Nửa đêm dừng chân tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước; ai nấy đều mệt, tranh thủ nghỉ để mai dậy sớm đi bù thời gian hỏng xe.
Sáng ngày thứ hai, trưởng đoàn quyết định đi đường tắt qua tỉnh Long An, Đồng Tháp về thành phố Hà Tiên cho gần. Đường xấu vì nhiều đoạn đang tu sửa, lái xe không biết đường nên vừa đi vừa hỏi, mãi hơn 16 giờ mới tới địa phận tỉnh Kiên Giang. Lỡ đặt vé đi tàu chuyến cuối cùng trong ngày ra đảo vào lúc 16 giờ 30 nên tài xế lại phải tăng tốc cho kịp.
16 giờ 55 xe lao xuống bến thấy phà vẫn còn đón khách, mừng quá. Cô Nguyễn Thị Vi cán bộ của Văn phòng Hội vội mở cửa xe chạy lại cửa mua vé, rồi hớt hãi quay lại thông báo:
-Xuống nhầm bến rồi, tàu ta đặt vé còn phải đi vào trong nữa.
-Nhưng đến trễ gần ba mươi phút rồi, quay qua đó sao kịp nữa? Thôi, điện qua xin lỗi người ta rồi mua vé ở đây đi cho kịp chuyến cuối cùng không phải đợi mai mới có tàu đi đấy.
Chủ tịch Y Tuynh góp ý, cô Vi cùng Cô Bình thủ quỹ cơ quan Hội bước vội lại quầy bán vé. Mấy anh bảo vệ cảng nhanh nhẩu dục lái xe đưa xe xuống phà trước. Mặt trời sắp đi ngủ mọi người cũng lên được phà. Đứng trên lan can phà, ai cũng mệt nhưng trên môi nở nụ cười rất tươi khi thấy biển xanh xô sóng ập vào thân phà tung bọt trắng xóa và cảng Bình Yên, thành phố Hà Tiên lùi dần phía sau.
Hành trình gần ba tiếng, đảo Phú Quốc hiện lên xa xa với những dàn đèn cao áp sáng lung linh như ngầm giới thiệu với mọi người một vùng đất đang trở mình trỗi dậy. Phà cập bến, mọi người lên ô tô tiến vào đảo. Mới có ba năm không đến, giờ đây đường giao thông đã khác xưa quá nhiều, xe bon bon trên đường một chiều, lao nhanh về trung tâm đảo, nơi đoàn đã dặt phòng nghỉ qua đêm. Nhìn con đường trên đảo ban đêm từ cảng vào thị trấn Dương Đông, thấy giống đoạn đường từ sân bay vào thành phố Buôn Ma Thuột – con đường được đánh giá đẹp nhất thành phố thủ phủ Tây Nguyên.
Sau hai đêm một ngày trọn vẹn thăm đảo Phú Quốc, sáng ngày 27 đoàn rời đảo trở vào đất liền, thẳng tiến đến thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Gần 12 giờ đoàn mới đến Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang. Ông Chủ tịch Hội vẫn ngồi bên bàn làm việc đợi đoàn. Thấy anh em Đắk Lắk đến, ông cười tươi hết cỡ, bước nhanh ra ôm chầm lấy nhà báo Y Tuynh Kmăn. Đôi bạn ngày xưa cùng học với nhau một thời xuân trẻ, nay tóc ai cũng đã đổi màu. Thời gian không chừa ai, cứ vùn vụt trôi đi để đến bây giờ họ gặp lại nhau trên cương vị mới, tiếp tục gánh trọng trách Đảng và Nhà nước giao phó.
Đôi bạn gặp nhau có bao nhiêu điều tâm sự riêng tư, nhưng vẫn không quên công việc chính: quản lý Hội. Hai ông chủ tịch Hội tâm đắc về những công việc của Hội bạn mình làm được, những cái mới, cái hay cần học hỏi như: hàng năm tổ chức bồi dưỡng chuyên đề nâng cao nghiệp vụ cho từng thể loại báo chí, từng chuyên ngành, tổ chức học tập các nghị quyết của Đảng, Quy định của Hội để nâng cao nhận thức của hội viên. Gặp mặt, giao lưu chỉ một buổi trưa thôi, nhưng các anh chị trong Ban chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp đối với đoàn Đắk Lắk.
Vì lịch trình đã sắp xếp nên buổi chiều đoàn xin phép chia tay, hành quân tiếp đến tỉnh Bến Tre. Qua sông, qua phà mãi gần 21 giờ đêm đoàn Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk mới tới nhà khách Tỉnh ủy Bến Tre. Chủ tịch rồi cả Phó chủ tịch, Chánh văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre đã đứng đợi ngay cửa, tay bắt mặt mừng, xuýt xoa vì thấy đoàn đi vất vả quá. Thấy các bạn đồng nghiệp ở Hội Nhà báo Bến Tre chuẩn bị đón đoàn chu đáo, làm cái mệt mỏi sau quãng đường xa cũng được vơi đi.
Sáng hôm sau, nhà báo Trần Cao Tư – Chủ tịch Hội mời đoàn đến thăm trụ sở Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre; ngôi nhà cấp bốn tọa lạc ngay ngã tư, gần hoa viên – một địa thế rất đẹp. Các anh chị ở Hội Nhà báo tỉnh rất tự hào về quê hương có những danh nhân văn hóa kiệt xuất, tướng lĩnh nổi tiếng trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc.
Một trong những vị tướng kiệt xuất của xứ dừa Bến Tre là bà Nguyễn Thị Định – người được nhân dân gọi với cái tên trìu mến: chị Ba Định. Nguyễn Thị Định, người con gái miệt vườn đã lãnh đạo đội quân tóc dài làm nên kỳ tích đồng khởi, thổi bay đồn bốt địch, làm khiếp đảm kẻ thù, chấn động năm châu thời chống Mĩ. Hôm nay đứng trước khu nhà lưu niệm của nữ tướng, ai cũng thấy bồi hồi xúc động. Xúc động bởi những chiến công to lớn mà bà đã lập được, làm kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ phải gánh chịu thất bại thảm hại và còn xúc động hơn khi biết cuộc sống giản dị, ấp áp tình người của một vị tướng lừng danh.
Rời khu nhà lưu niệm bà Nguyễn Thị Định, đoàn đến thăm lăng cụ Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ mù đã có những tác phẩm văn học kiệt xuất và những câu thơ bất hủ như: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, được các nhà báo tỉnh Bến Tre nhắc đến như một châm ngôn cho người làm báo hôm nay.
Buổi trưa gặp mặt - tọa đàm các, anh chị bên Hội Nhà Báo tỉnh còn mời nhà văn Kim Ba – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bến Tre qua giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác Hội với đoàn Đăk Lắk. Lãnh đạo ba hội có nhiều ý kiến trao đổi về công tác quản lý hội viên và những sáng kiến trong công tác hội nhằm không ngừng nâng cao sức chiến đấu của nhà báo đi đôi với việc rèn luyện phẩm chất đạo đức của người làm báo.
Chiều ngày 28, đoàn tiếp tục hành trình đến thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Các anh chị lãnh đạo Hội Nhà Báo tỉnh Tiền Giang hồ hởi đón đoàn, tay bắt mặt mừng, như những người anh em lâu ngày gặp lại. Công tác trao đổi của hai đoàn xoay quanh công tác quản lý Hội và cách thức tổ chức giao ban báo chí hàng tháng. Kinh nghiệm của lãnh đạo hai Hội Nhà Báo cùng sẻ chia và bàn biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng trong các buổi giao ban báo chí hằng tháng.
Thời gian có hạn, một tuần làm việc vụt trôi qua, trưa ngày 29 tháng 10, đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk chia tay đồng nghiệp Tiền Giang, tạm biệt thành phố Mỹ Tho trở về Đắk Lắk. Một chuyến đi không dài nhưng để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè những nơi đi qua và cũng thu được những bài học bổ ích trong công tác quản lý hội viên, biên pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ đến việc phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin –Truyền thông tỉnh, tổ chức giao ban báo chí định kỳ hàng tháng thiết thực, bổ ích.

 Cuối đông năm 2017

GIẤC MƠ LƠ LỬNG - Truyện ngắn của TRẦN BĂNG KHUÊ - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018



1.
Trí tưởng tượng của tôi bắt đầu trôi theo những hình khối nối nhau thành từng bậc một, nhưng không có điểm tiếp giáp cố định. Chúng là một khối kết cấu khá thú vị. Tôi có thể nhìn thấy được nhiều thứ kì lạ từ chúng. Những chiếc thang lơ lửng trong giấc mơ.
Vài lần, tỉnh mộng, tôi leo lên bậc thang cố định bằng đá phía sau sân thượng, ngồi xuống, và tự kể về số phận của những chiếc thang lãng nhách. Thỉnh thoảng, bị ai đó bắt gặp cuộc độc thoại này, tôi lại im thin thít. Tôi sợ những chiếc thang sẽ trôi mất. Chúng là thứ để tôi bấu víu, leo lên, dần dần lên tới đỉnh núi, với tay tới mặt trời chói lòa ánh sáng.
Tôi có thói quen đọc sách hoặc đếm cừu. Đó là cách để vỗ về giấc ngủ, và tiếp tục mơ về những chiếc thang lơ lửng. Có bận, tôi ném sách trong đêm, chỉ vì giận dữ.  Những quyển sách có tí chút dính dấp đến lịch sử. Chúng thi thoảng cũng bị hư cấu, như cách tôi giải trình thế giới tưởng tượng của tôi vậy. Tôi lại quay sang đếm cừu, để vỗ về giấc ngủ. Tôi cần phải mơ về sự lơ lửng. Giấc mơ là một cuộc phiêu lưu rất kì lạ, chúng luôn biến chuyển thành những câu chuyện khác nhau, không bị trói buộc, không bị giới hạn.
2.
Chẳng có một ai muốn nghe tôi kể về những chiếc thang lơ lửng hoặc những câu chuyện tưởng tượng không đầu không cuối, không có nhân vật, không sống không chết, không cao trào, không thắt nút, mở nút. Thế giới thật bận bịu. Tôi thì không hề. Tôi để mặc cuộc chơi của mình được tự do tuyệt đối. Đêm đến, tiếng thở của gió, cùng với bọn côn trùng nằm trong những rậm cỏ, hay đám dế dưới thung lũng sau lưng nhà thi thoảng cãi cọ về sự lẫn lộn của hai màu trắng và đen. Mùa này, gió rát, không hát. Đám dế lẫn côn trùng, sâu bọ vẫn tranh giành nhau cùng tấu lên những bản nhạc cũ rích, chán ngắt và tẻ nhạt. Rõ ràng, thế giới như tôi thấy, bây giờ chỉ còn là một màu xám.
Tôi quên mất rằng, mình từng là một cô giáo trẻ. Tôi nhớ ngôi trường đầu tiên tôi dạy, chúng cũng nằm giữa thung lũng, chúng lơ lửng trong đôi mắt của đám học trò. Tôi thích kể về những giấc mơ lơ lửng với các cuộc phiêu lưu của mình hơn là chép bảng, phân tích vài ba câu chữ trong sách giáo khoa cho chúng. Giấc mơ trôi tuột qua. Tôi nghỉ dạy. Đám học trò thút thít trong buổi tiễn biệt. Có đứa thì thào, tôi nghe thấy: “Ai sẽ kể về những giấc mơ lơ lửng?”.
Bây giờ, tôi vẫn đang ngồi trên những bậc thang đá, độc thoại ban ngày. Đếm cừu và phiêu lưu vào ban đêm. Cha mẹ tôi, có chút buồn phiền về việc này. Rồi họ cũng lặng im để tôi được tiếp tục mơ về những chiếc thang lơ lửng trong thế giới của mình.
3.
Thung lũng. Những ngày lạnh. Tiếp nối nhau buồn bã. Sinh khí mới mẻ của trời đất dường như vẫn không chịu trỗi dậy, chỉ trừ quỷ. Tôi nghĩ, tôi không cần thiết phải rời đi một nơi nào khác, dù chỉ bước chân ra khỏi cửa. Cha mẹ sẽ không phiền lòng với tôi vì những việc này, tôi nghĩ thế. Tôi vẫn sẽ lặng im ngồi ngay một bậc thang ấy, cố tình rỉ rả kéo rê những câu chuyện không đầu chẳng cuối với chính mình. Và đọc sách, đếm cừu hằng đêm để vỗ về giấc ngủ.
Những lời câm như kẻ mộng du quen lối đi đêm trong thinh lặng u tối. Âm thanh không còn là kẻ dẫn dắt tôi qua chiếc cầu mang tên ánh sáng nữa. Tôi bắt đầu nhận ra, mình đã kể lể quá nhiều những câu chuyện chán ngắt. Những cuộc phiêu lưu nhọc nhằn trong đêm dần dần thay bằng ác mộng. Khi tỉnh dậy, tôi chỉ nghe tiếng dế, đám sâu bọ ồn ào phân chia hai màu trắng đen. Tôi không đọc sách và đếm cừu để vỗ về giấc ngủ nữa. Tôi bật đèn, đọc báo. Chỉ có chút tin tức từ hôm qua. Hình hài của sự sống đang dần dần mục ruỗng dưới đáy sâu tội lỗi bắt đầu trình hiện ngay trước mắt tôi. Người vợ giết chồng ân ái với tình nhân ngay trên chiếc giường cưới mặn nồng. Một đứa trẻ thơ đi mua kẹo bị gã tâm thần cứa cổ. Những mầm non tươi xanh bị đám yêu tinh hù dọa y như trong truyện cổ tích. Tôi lật sang vài trang báo mạng khác, cười phì chua chát trước cái tít: “các fan ngất xỉu chào đón nam ca sĩ x”. Đám trẻ thật lạ. Hẳn là, chúng thiếu những giấc mơ, lơ lửng.
Tôi không muốn quay trở lại giường và nằm xuống đếm cừu. Nhưng tôi buộc phải nhắm mắt lại, để tình nguyện được rơi sâu thêm vào trong lòng thế giới. Tôi tưởng tượng việc tôi sẽ rơi sâu trong lòng thế giới. Một nơi lạ hoắc. Hoặc có khi rất gần gũi, chỉ là chưa ai với tới. Trọng lượng của tôi lúc ấy chắc không còn nặng nề như trạng huống bây giờ nữa.
Lòng thế giới như thế nào nhỉ?
Tôi bắt đầu mơ, khi đang ngồi và nhắm chặt mắt.
Hẳn phải mơ tôi mới thấy được những gì mình cần phải thấy.
Lòng thế giới có êm mượt đầy màu hồng của mùa trải thảm hay đặc quánh những âm u? Lòng thế giới, tôi nghĩ, phải chăng nó trống hoác như một khối rỗng thăm thẳm đến khôn cùng. Lòng thế giới đã biết bao lần nhốt luôn những đơn độc của tôi xoay vòng theo thời gian, theo từng mùa bão điên cuồng réo gọi. Thi thoảng, tôi còn nghe lòng thế giới xen kẽ vài loại mùi hương rất kì lạ mà tôi chưa bao giờ biết tới. Chẳng như nhiều lần đi qua những ngọn đèn đường ngay ngã sáu tôi phải quay mặt sang phía khác, để khỏi bận rộn với sự tồn tại của một cuộc chiến, để có thể thưởng thức trọn vẹn mùa hoa trắng nhỏ xíu nghẹn ngào đang bung nở thành chùm, rồi nhanh chóng tàn phai và thi nhau rớt xuống nền đá lạnh nơi hiên nhà.
Dấu hiệu của những mùa thu đã chết. Đêm cũng sâu dần. Tôi cần phải trở về với việc đếm cừu và cuộc phiêu lưu trong giấc mơ của mình. “Mọi thứ vẫn đang chìm trong bóng tối”. Mẹ tôi nằm mớ, ú ớ thều thào. Tôi nhớ, mẹ vẫn thường đọc tiểu thuyết khi mang thai tôi. Giờ, mẹ không đọc nữa. Mẹ chỉ nghe tôi kể chuyện và nằm mớ về những giấc mơ lơ lửng.
Đêm vẫn dài vô tận. Tôi trở lại giường. Nằm xuống và đếm tiếng thở của mình. Bên cạnh là một chồng sách. Khắp nơi trong căn phòng của tôi, đều có sách. Chúng, những quyển tiểu thuyết chĩn chện, trêu ngươi, dụ dỗ tôi tham gia vào cuộc phiêu lưu. Nhưng, tôi chỉ nghĩ về những chiếc thang lơ lửng nằm trong lòng thế giới, không phải giữa bầu trời. Dường như, chúng có lúc dài ra, dài ra mãi, có khi thu ngắn, gấp khúc lại như sự co bóp của dạ dày. Tôi bị đẩy ngược ra khỏi lòng thế giới một cách phũ phàng khi đang cố đuổi bắt những chiếc thang lơ lửng có thể vươn đến tận trời.
4.
Ánh sáng le lói bên phía cửa sổ. Tôi nhớ, từ phòng tôi nhìn ra, có thể thấy cây cau rừng cao ngút mắt, ngạo nghễ đón nắng. Tôi tỉnh giấc. Bước chân xuống giường, đến bên cửa sổ, nhìn ra phía thung lũng lơ lửng. Ở đây không có cây cau rừng nào ngạo nghễ đón nắng. Nhiều khi sắc màu cũng trở nên khó hiểu, khó nhìn thấu như lòng thế giới, như chính tôi sau nhiều lần mông lung tìm kiếm, để rồi chỉ thấy sự phỉnh lừa lên ngồi trên những chiếc ngai mở miệng cười rất ư trơ trẽn. Tôi lơ lửng ở một nơi khác. Nơi không có đám sâu bọ, giun dế tranh cãi nhau về màu đen và trắng. Nơi bọn bồ câu, sải cánh, hay sà xuống nhặt vụn bánh mì người ta để dành riêng cho chúng. Thật kì lạ. Tôi vẫn buồn. Nỗi buồn quen thuộc hệt như những ngày tôi bị rơi sâu vào trong lòng thế giới của mình.
Tôi tính mặc kệ khoảng thời gian trầm uất này, mặc kệ sự việc mình vừa bị đẩy ngược ra khỏi cái dạ dày hỗn tạp đầy những thứ hôi thối đang lẫn lộn chồng chất lên nhau, chí chóe inh ỏi la hét vào tai nhau, đấm đá thình thịch, cấu xé lẫn nhau, hoặc hoàn toàn thinh lặng như tiếng súng giảm thanh đã được lên nòng và sẵn sàng bắn ngay khi có thể. Tôi dự tính sẽ chẳng thèm quan tâm đến lòng thế giới nhảy nhót trong đầu mình thêm một phút giây nào nữa. Nhưng, thật đáng xót xa, khi tôi bắt đầu cảm nhận được cơn đau ào tới sát sườn, như vừa bị hạ bởi một phát súng. Khi tôi biết rằng: Lòng thế giới đã bắn tôi. Lòng thế giới đã nã đạn vào tôi, thì bấy giờ tôi mới nhìn rõ hình thù của lòng thế giới. Chúng tròn vo như một quả cầu lửa và đen ngòm như lỗ hổng của không gian trong đêm sâu phía bầu trời chìm đắm dưới thung lũng tối. Chúng đã từng hóa thành những bậc thang để mời gọi tôi bấu víu, lơ lửng.
Tôi bắt đầu cảm thấy cơn trầm cảm quen thuộc của thế giới hiện đại đang thi nhau lung lạc và dẫn dắt tôi đi một cách vô định. Đã lâu tôi không kể những câu chuyện không đầu không cuối. Chúng chỉ là những tưởng tượng mòn mỏi.
Lời tình yêu trong tôi đang dần dần bị vùi lấp xuống huyệt mộ hoang tàn và xám xịt. Chẳng ai chịu nghe tiếng tôi rền rĩ như bầy dế hoang trên rậm cỏ ngập ngụa đầy tràn mới hôm qua còn âm u, hôm nay đã trống rỗng toang hoác như bầu trời buổi sáng, như lòng thế giới buổi đêm, như trái tim tôi hỗn loạn lên giữa bình minh và chiều tà. Tôi rền rĩ với chính mình rằng, có nhiều người xung quanh tôi quá, nhưng chẳng ai chịu nghe tôi kể chuyện. Về lòng thế giới. Về cái dạ dày hỗn tạp. Về những phát đạn đã lên nòng sẵn sàng bắn giảm thanh. Về một đám người lố nhố đứng loanh quanh thành hàng lối chỉ để tiễn đưa một bầy dế hoang vừa chết dưới lùm cỏ um tùm phía sau thung lũng tối. Lòng thế giới mênh mang nằm nghiêng và mất hút khi mắt tôi lõm xuống, khi những câu chuyện của tôi chết dần chết mòn bởi tiếng súng giảm thanh đã được lên nòng trong tay những kẻ chuyên chơi trò bắn giết.
5.
Sáng nay, một người đàn ông vừa quen vừa lạ, nắm tay tôi và kéo tôi rời khỏi lòng thế giới, rời khỏi những chiếc thang lơ lửng trong giấc mơ của mình. Tôi đã đi qua một chiếc cầu vô hình bắc ngang dòng sông băng giá. Lòng thế giới in bóng dưới ánh sáng cuối cùng khá miên man, hoang hoải và rộng rãi của mặt trời mùa hè. Nhưng, chẳng bao giờ đủ đầy cho sự đợi chờ màu xám của mùa đông, hoặc lặng lẽ như cái chết đẹp đẽ của mùa thu. Lòng thế giới có thể biến tôi thành bụi cát trên sa mạc đầy những ảnh tượng dối trá khiến bầy người luôn luôn chìm ngập trong dòng hoang tưởng quen thuộc ngàn năm không bao giờ chịu mở mắt nhìn thẳng vào cái dạ dày hỗn tạp nhưng trống rỗng vô cùng.
Tôi biết, sáng nay, tôi đã chui ra khỏi lòng thế giới thứ nhất. Sau đó im lặng cất giấu những câu chuyện của kẻ vừa đeo chiếc mặt nạ da lợn để tiếp tục bước chân vào lòng thế giới thứ hai. Mặt trời soi bóng trên con đường rậm rạp dưới chân núi. Tôi mờ mịt tự huyễn tưởng rằng, đó là bầy dế hoang vừa chết hôm qua trong lùm cỏ phía sau thung lũng nhà mình. Có lẽ tôi nên ngồi xuống một chiếc ghế trong công viên nọ thay vì đeo bám một bậc thang lơ lửng và tiếp tục làm cái công việc nhàm chán là kể những câu chuyện không đầu không cuối. Lòng thế giới cũ kỹ này, vẫn còn một chỗ rất sâu để tôi có thể ẩn nấp mỗi khi cảm thấy những họng súng đen ngòm sắp kề vào ngực mình và nã đạn chẳng hề ngại ngùng với việc thanh âm sẽ thoát ra ngoài rộn ràng, gây náo loạn.
6.
Tiếng người đàn ông lạ và quen thì thào bên tai tôi, “hình như, tối qua, anh đã nghe những lời hát của bầy dế bên ngoài trời đêm”. Tôi mỉm cười đáp mơ màng,“chúng từng chết trong rậm cỏ dại, chui ngược vào lòng thế giới sau khi em bị nó tống mạnh ra khỏi cái tử cung của mẹ và bắt buộc phải mở mắt ngắm mặt trời đỏ như máu, nóng như máu đang dần dần trồi hẳn lên dưới chân núi bỏ hoang”.
Bầy dế thay thế vị trí của tôi, chúng bắt đầu chụm lại trong rậm cỏ dày dưới chân tôi. Chúng rền rỉ thi nhau kể về một lòng thế giới khác cho đứa trẻ đang oe oe khóc của một đôi vợ chồng trẻ khác đang đẩy chiếc xe nôi đi dạo. Tôi sợ cái viễn cảnh tưởng tượng của mình, có khi nào chúng kéo rê những bản hòa tấu dưới hầm mộ chỉ còn là xương trắng hoặc mùn xám bủa vây trên một bầu trời hắc ám. Lòng thế giới, tôi biết đã nóng lên hoặc đỏ ngầu như chảo dầu địa ngục, đang đợi chờ mặt đất nứt toang hoác và nuốt chửng cả tôi lẫn bọn dế hoang ấy trong một tích tắc nhanh gọn nào đấy.
Chẳng có một lời thoại nào giữa lòng thế giới. Bầy dế, tắt hẳn tiếng rỉ rả giữa trời đêm, sau khi tôi trở về phòng. Thung lũng biến thành lòng chảo để mặt trời đổ lửa đốt trụi những trang bản thảo không bao giờ tôi bắt tay vào gõ. Tôi nghĩ, chúng sẽ thế thôi. Nằm yên. Và ngoan ngoãn. “Lòng thế giới cũng chỉ là một cái dạ dày đã bị viêm loét tấy đỏ, cần được chữa lành”, tiếng của một kẻ xa lạ vô hình bên ngoài cánh cửa.
7.
Tôi nhớ, trước khi rời khỏi nhà, đi đến một thung lũng lũng khác, tôi đã nhìn thấy một khu vườn bung nở những bông hoa trắng muốt quen thuộc của núi rừng, cùng với một chiếc thang lơ lửng thực sự đã rớt xuống ngay bên hông nhà tôi. Cỏ cây bị chiếc thang đè nghiến ngã rạp, đám sâu bọ trồi xác lên, phơi dưới ánh sáng của một buổi sớm kì quặc. Có thể đó chỉ là một giấc mơ – lơ lửng.















Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

PHÚ XUÂN – NHỮNG Ô NGĂN TRONG KÝ ỨC CỦA TÔI - Du ký của PHẠM PHÚ PHONG - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018






                                                                                 


Do cách chia thời gian theo ngày tháng, người ta thường coi thời gian trôi / đi qua, nhưng thực ra thời gian vẫn đứng yên đó thôi, chỉ có con người và vạn vật trôi qua dưới con mắt chăm chú, kiên trì và nhẫn nại của thời gian. Cuộc sống con người là một cuộc lãng du đi qua thời gian, trong đó có cái được, có cái mất, cho đến khi mất hẳn, là lúc “cán đích” đi vào cõi vô cùng. Một trong những cái được của cuộc sống con người là sự giàu có của ký ức, những gì kết tủa, đọng lại thành những ô ngăn, xếp chồng thành lớp lớp, nhờ những hạnh ngộ chốn nhân gian, được thời gian bồi đắp. Với tôi, vùng đất Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk - xã kinh tế mới của bà con người Huế, là nơi tôi lưu giữ nhiều những ô ngăn trong ký ức bụi mờ.
Còn in trong ký ức sâu thẳm của tôi chân dung một người bạn là Trần Chi, người học cùng lớp, cùng tham gia hoạt động nội thành, cùng được chuyển vào đội biệt động, cùng có mặt trong những ngày sôi động ở Huế tháng Ba 1975, tôi được phân công làm Khu đội trưởng, Chi là Khu đội phó Khu phố 4 (gồm các phường Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu ngày nay, sau đó mới tái lập phường). Tháng Chín 1975, tôi quay về đi học tiếp, còn Chi về lại Thành ủy, để rồi vào những ngày trước tết Nguyên đán 1977, Chi có mặt trong đội quân thanh niên xung phong đi xây dựng kinh tế mới ở vùng đất phía Đông huyện Krông Buk, nơi có những cánh rừng bạt ngàn và dòng sông Krông Năng chảy qua – xã Phú Xuân ngày nay. Sau lễ xuất quân của đoàn thanh niên xung phong ở điện Thái Hòa, thì đến giữa tháng 4 năm ấy, trên 10.000 dân thuộc 11 phường và 6 xã vùng ven thành phố Huế đã đến lập nghiệp tại vùng đất mới. Sau một thời gian ổn định, tổ chức sản xuất, xây dựng đời sống, đến ngày 20.11.1978 Chính phủ ra quyết định thành lập xã Phú Xuân và tháng 11. 1987 tách 6 xã vùng Đông huyện Krông Buk, trong đó có Phú Xuân, để thành lập huyện mới Krông Năng. Bốn mươi năm qua, có sự tiếp tục bổ sung, di cư tự do của bà con từ các tỉnh phía Bắc vào làm ăn sinh sống, đến nay xã mở rộng diện tích tự nhiên đến 4.512 ha, nằm cách trung tâm huyện Krông Năng 5km về phía Đông Nam, có 32 thôn, với 4.964 hộ và 17.716 nhân khẩu… Theo anh Văn Khả Hùng, Bí thư Đảng ủy xã, lúc đầu mới thành lập, xã chỉ có một chi bộ với 5 đảng viên, hiện nay đã là một đảng bộ với 44 chi bộ, gồm 587 đảng viên và nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn đảng bộ trong sạch vững mạnh, xã cũng đạt 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, là một trong ba xã dẫn đầu trong phong trào của toàn huyện. Để có được một nền tảng khả quan và bền vững như bây giờ, cán bộ và nhân dân trong xã đã vượt qua bao nhiêu thử thách khắc nghiệt của những năm đầu thiếu đói, bệnh tật, đe dọa của fulrô… những điều mà theo người bí thư trẻ này, thời ấy còn quá nhỏ, chưa ý thức một cách đầy đủ về những tháng ngày nghiệt ngã và thách thức dai dẵng đến triền miên. Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập xã, diễn ra vào ngày 18.11.2017 trong bầu không khí nô nức rợp cờ hoa, Chủ tịch xã Lê Đình Chủng đã nhấn mạnh rằng: “Ôn lại quá khứ để biết được hiện tại và chuẩn bị hành trang cho tương lai, ghi nhận công lao to lớn của lớp người đi trước, cho những người đang công tác lại thêm niềm tự hào, tiếp tục khắc ghi những cống hiến làm nguồn động viên tiếp sức, nhắc nhở động viên cho các thế hệ hôm nay và mai sau phải trân trọng quá khứ, ra sức cống hiến để tiếp tục xây dựng quê hương Phú Xuân ngày càng giàu đẹp, văn minh.”
Từ sau thời kỳ đổi mới (1986) đến nay, để có sự phát triển mạnh mẽ về văn hóa – giáo dục, thường xuyên hằng năm có con em đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi của huyện / tỉnh, lãnh đạo xã qua các thời kỳ không ngừng chú trọng đến việc phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình, xen canh tăng vụ, bên cạnh cây cà phê còn thêm các loại cây như tiêu, bơ, sầu riêng, chanh dây; bên cạnh các loài vật nuôi truyền thống như gia súc gia cầm, đào ao thả cá, xã còn khuyến khích nhân dân phát triển các loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao như dê, hươu, ong… Đến nhà anh Nguyễn Văn Khiển, một trong những thanh niên xung phong có mặt đầu tiên ở đây, với vườn cây cảnh non bộ, mà theo anh là cố gắng giữ gìn và phát huy vốn quý của nhà vườn Huế, bên cạnh năm ao thả cá và giàn chanh dây mà mùa trước anh đã thu vào ba trăm triệu. Thật khó mà tưởng tượng, mỗi cân chanh dây chỉ 15.000, mà thu vào số tiền như vậy thì thử tính vườn chanh nhà anh cho bao nhiêu tấn? Cũng nhờ thế mà anh nuôi sáu đứa con ăn học, trưởng thành. Đến nhà anh Quang Văn Lai, cha là người dân tộc Thái gốc Lai Châu, mẹ người Huế, theo gia đình lên đây từ năm mười ba tuổi, trước khi làm bí thư chi bộ thôn, Lai đã kiếm sống kinh qua nhiều nghề với đủ loại công việc, nay nhìn cơ ngơi với ngôi nhà gỗ hai tầng khang trang, chỉ kém thua kích cở cung vua, ngoại trừ trong phim ảnh, quả thật lần đầu tiên tôi mới thấy một ngôi nhà gỗ uy nghi như thế trong đời! Đưa tôi đi thăm xã Phú Xuân còn có anh Trần Văn Tương, nguyên là sinh viên văn khoa Huế mới học năm đầu, anh có mặt trong đoàn thanh niên xung phong vào đây đầu tiên, nay là Trưởng đài truyền thanh xã, ngoài việc siêng năng cần mẫn nuôi tám đứa con ăn học trưởng thành, anh còn… làm thơ, viết nhạc, tác giả của tập thơ Giọt trăng khuyết (Nxb Đại học Huế, 2014) và những bản nhạc anh phổ thơ của các tác giả Trần Chi, Trần Văn Hội, anh hát tôi nghe, không biết có chủ quan không, không thua gì các nhạc sĩ chuyên nghiệp. Nghe nhạc, đọc thơ, rồi nghe cung cách anh nói năng, tôi cảm nhận ra một tâm hồn Huế, đậm đặc như giọt cà phê được chưng cất bằng văn hóa Huế. Anh chở tôi đi loanh quanh trong xã, còn cẩn thận mượn cả mũ bảo hiểm cho tôi, vì rằng “cách đây mấy ngày, đi xe tôi bấm lộn đèn xi nhanh, bị camera ghi lại, vừa lên huyện nộp phạt về đây.” A ha, cái huyện mới Krông Năng, cái đất mới Phú Xuân của Huế mình, đã có lắp đặt camera giao thông, xem ra đã văn minh hơn nơi kinh thành hoa lệ, nơi khởi nguồn cho họ đến đây!
Cố nhiên, dù cho cái nhìn lạc quan của tôi có ngước lên tận trăng sao, vẫn phải chấp nhận một thực tế, là đâu phải Phú Xuân đã hoàn toàn thoát nghèo. Theo cáo cáo năm 2016 của xã, vẫn còn 231 hộ nghèo, chiếm 5,83% so với toàn xã. Hẳn là cái nghèo cố hữu của đời sống bà con ở xã vùng cao, phần lớn là rơi vào những hộ người dân tộc thiểu số, vì xã có đến 16 dân tộc anh em. Mới hay câu “Gánh cực mà đỗ lên non…”.Cũng cần khẳng định cái được lớn nhất ở mảnh đất này, là sự trưởng thành nhanh chóng của thế hệ trẻ, trong đó có những người lên đây khi chưa học xong cấp I như Quang Văn Lai, hoặc mới bước chân vào đại học nhưng do sự thay đổi lại cơ cấu giáo dục không có trường lớp để học như Trần Văn Tương, hoặc trường hợp Trần Phú, đang học phổ thông, là đội viên thanh niên xung phong, đã nổ lực phấn đấu trở thành người lãnh đạo cao nhất của huyện Krông Năng, rồi được bầu vào ban thường vụ, trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Đắk Lắk, người mà tình cờ tôi gặp trong cuộc họp mặt của Hội đồng hương Huế tại Buôn Ma Thuột với đoàn nhà văn Huế, đã vui vẻ tặng ngay hội đồng hương hàng chục tờ xanh để làm quỹ chi phí cho hoạt động của hội…
Ký ức là bóng mát của đời tôi. Trong ký ức ngọt ngào của tôi, có một ô ngăn đầy ăm ắp những sự kiện diễn ra cách đây tròn ba mươi năm (1987), khi xã vừa tổ chức kỷ niệm mười năm thành lập và vừa trực thuộc huyện mới Krông Năng: tôi, tiến sĩ Trần Trung Hỷ và thạc sĩ Lê Cảnh Vững, có đưa đoàn sinh viên ghép cả hai khóa 10 và 11 khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Huế lên thực tập nghề viết báo ở Phú Xuân và Ea H’Leo. Có lẽ, nhờ có tình người nơi đây, cũng như chính những cơn mưa rừng tối tăm mặt mũi và bùn đất đỏ bazan níu giữ chân người, cùng những trang viết nhòe nước mưa có trộn lẫn cả nước mắt, là những thử thách đầu đời của nghề báo, để sau này, hầu hết trong số họ đã trở thành những người có tiếng tăm trong làng báo nước nhà: Hồng Hạnh (Tổng biên tập báo Thừa Thiên Huế), Trần Ngọc Tuấn (Trưởng văn phòng báo Tiền phong tại miền Trung và Tây Nguyên), Huỳnh Nam Phong (Trưởng văn phòng báo Văn hóa thể thao tại miền Trung và Tây Nguyên), Lê Đức Dục (báo Tuổi trẻ), Thu Hương (báo Công an Đà Nẵng)… Những bài báo đầu tay của họ ra đời trên những thảm cỏ xanh thắm và cánh rừng ngút ngàn của đất này. Còn nhiều nhà báo tài danh khác, đứng đầu nhiều tòa soạn báo hiện nay hoặc đã đi qua các lần thực tập như thế, hoặc từng làm luận văn tốt nghiệp liên quan đến nghề báo: Đặng Xuân Thu (đài VTV8), Lê Minh Hùng (báo Công an Đà Nẵng), Lê Hồng Văn (báo Bình Thuận), Huỳnh Hùng (đài ĐRT), Lê Khánh Hòa (đài QRT), Nguyên Du (đài TRT), Mai Đức Lộc (báo Đà Nẵng), Trương Đức Minh Tứ (báo Quảng Trị), Hoàng Hữu Thái (báo Quảng Binh), Hồ Đăng Thanh Ngọc (tạp chí Sông Hương), Lê Văn Nhi (báo Quảng Nam), Phan Chín (tạp chí Đất Quảng), Nguyễn Nho Khiêm (tạp chí Non nước), Nguyễn Thị Lê Na (tạp chí Nhật Lệ)… Càng nhiều tuổi, tôi càng giống loài mèo lông trắng bạch kim, cứ ưa ngắm nghía, vuốt ve cái đuôi óng ánh của mình. Ký ức dẫn tôi về cái trận mưa mù trời, đường đất đỏ nhão nhoét năm nào, tôi cùng với Lê Cảnh Vững và Hồng Hạnh đi bộ hơn hai chục cây số từ xã Phú Xuân ra đến Buôn Hồ. Đường trơn đến mức phải xách dép và bấm từng ngón chân, mặc cho mưa ròng rả dội trên đầu. Chiều đó, lạnh quá, mấy anh em rủ nhau ngồi uống rượu suông ở nhà anh Trần Văn Hội. Đang uống, bỗng nghe tiếng kêu cứu thất thanh là có người nhảy xuống giếng tự tử. Chúng tôi chạy ra vây quanh thành giếng và tôi là người ngồi lên cái gàu để anh em quay thả tôi xuống giếng cứu người. Thật ra, tôi chẳng phải là người gan dạ gì. Tôi xuống giếng vì trong anh em, tôi nhỏ con nhất, trọng lượng nhẹ nhất. Hơn nữa, đã có tí men trong người, tôi còn sợ chi đâu. Giếng sâu 23 mét, nước sâu ngang ngực. Khi ngâm mình dưới nước, tôi bắt đầu tỉnh rượu và run, một cảm giác âu lo từ đâu ập về ngấm vào đến tận xương tủy. Trước mắt tôi mặt nước đỏ ngầu và một xác người gầy gò, mềm nhũn. Hóa ra, trước nhảy xuống giếng anh đã dùng dao lam cứa vào mạch máu nơi cổ tay. Tôi ngồi lên gàu và để người anh ngồi lên hai chân mình, ôm dọc người anh theo chiều thẳng đứng dây gàu và gọi những người trên quay gàu kéo lên. Đâu được lưng chừng giếng, bỗng đứt phựt dây, cả hai rơi trở lại xuống giếng. Người bên trên lại tìm thêm dây bện vào cho chắc hơn, thả xuống. Tôi buộc dây cẩn thận quanh bụng anh, cho kéo lên trước. Lại tự buộc dây vào háng mình và ôm chặc vào chiều thẳng đứng để được kéo lên. Sau đó, tôi mới biết người nhảy giếng tên là Trần Thanh Huy, là bộ đội ở chiến trường Campuchia trở về, mang những di chứng về tinh thần, nhiều khi không kiểm soát hết được những hành vi của mình. Lần này, sau tròn ba mươi năm tôi trở lại Phú Xuân, mong tìm gặp Huy, nhưng tiếc rằng anh đi vắng. Anh đã lập gia đình, có hai đứa con đã trưởng thành. Khi tôi vào tìm thăm, là sau ngày anh tổ chức đám cưới cho đứa con trai chưa lâu. Tự đáy lòng mình, tôi mừng cho Huy và cũng tự mừng cho mình, vì sống trong đời khó khăn lắm mới có thêm một niềm vui dù nho nhoi nhưng ấm áp.
Con sông Krông Năng vẫn chảy xuôi dòng. Tôi vẫn đi miên man trong ký ức đời tôi. Khi đứng trước khu vực gần như còn giữ nguyên cây rừng, nơi từng có căn lán của nhà thơ Thái Ngọc San, bí thư chi bộ đầu tiên của xã Phú Xuân, ký ức nóng hôi hổi xen lẫn với đắng cay nghiệt ngã lại dẫn tôi về với những ô ngăn bè bạn của tôi. Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người! Ngày ấy, thấy bạn bè được tổ chức phân công lãnh đạo thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới, còn mình phải về đi học, tôi buồn vô cùng. Có ngờ đâu rằng, số phận đã nuông chiều tôi quá nhiều, bởi các anh phải bỏ học dỡ dang sau này phải học chuyên tu, tại chức hoặc các hình thức đào tạo khác nhọc nhằn, vất vả và có khi cay đắng hơn tôi rất nhiều. Chính tôi mới là người cam chịu “sống đời nhỏ nhoi”, chứ không phai ai khác. Trần Chi từng là phó chủ tịch xã, khi được rút lên huyện công tác, nhờ cô vợ là giáo viên nhưng đảm đang, đã cắn răng khăn gói “cỡi heo vợ nuôi” ra Huế học và nay là Trưởng đài truyền thanh – truyền hình Krông Năng và là nhà thơ, tác giả của tập thơ Uống rượu bên nhà mồ (2007), được bạn đọc chú ý. Anh Nguyễn Nhiên, từng là Ủy viên Ban cán sự Đảng Viện đại học Huế những năm trước 1975, là một trong những người đầu tiên lên tiền trạm khảo sát vùng đất Phú Xuân từ tháng 9.1976, rồi làm chủ tịch xã đầu tiên, cũng miệt mài học tập, nhất là tự học ngoại ngữ, để khi rời chức vụ chính quyền cao nhất là Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Huế, anh chuyển sang làm Trưởng ban đối ngoại thành phố, sau đó đổi thành Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế thành phố Huế, từng xúc tiến hợp tác và đi đến hơn 70 nước trên thế giới, được Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm, tước Hiệp sĩ vì có công “quảng bá văn hóa / văn minh Pháp ở Việt Nam.”  Tôi muốn nhắc thêm một người nằm trong những ô ngăn trong ký ức về đất này là nhà thơ Trần Văn Hội. Tham gia phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh, làm phó bí thư Ban cán sự Đảng Viện đại hoc Huế, chẳng may bị địch bắt phải vào tù. Anh khai đúng những gì tổ chức đã hướng dẫn. Chỉ giam giữ trong một thời gian ngắn, địch vô hiệu hóa anh bằng cách thả anh ra. Từ đó, tuy anh vẫn sống mà như đã chết. Tổ chức không còn tin anh, bạn bè cũng ít còn ai dám đến với anh nữa. Anh đã bị loại ra khỏi cuộc chơi. Anh âm thầm có mặt trong đội quân thanh niên xung phong đi khai phá rừng hoang. Cuộc sống đẩy đưa, với trình độ và tài năng sẵn có, anh trở thành phóng viên, rồi làm biên tập viên đài Truyền thanh truyền hình Krông Buk và nay đã nghỉ hưu. Ngoài sự đảm đang, tận tụy của người vợ và sự trưởng thành của hai đứa con trai, anh còn có chút may mắn là tìm thấy niềm vui qua những trang thơ, là tác giả của các tập thơ Cái lùng tung (2007), Những giấc mơ trôi dạt (2017). Thơ anh cũng lặng lẽ như người, như cuộc sống của anh sau những cơn hoạn nạn: “Có những điều anh chưa nói với em / đó là sự lặng im trong thơ anh” (Đó là sự lặng im).
Nếu chỉ có tồn tại thôi, mới thanh thản, thảnh thơi. Người ta càng sống càng làm đầy thêm ký ức. Vasiliev nói rằng: “Hồi ức làm ta muốn khóc!”. Vậy thì hãy để ký ức ngũ yên, đừng đánh thức một cách tùy tiện, tràn lan. Tôi tự thả lỏng tâm tư, khi ngước nhìn những tia nắng ban mai trên vùng đất mới, ngắm những bông hoa dã quỳ đang khoe sắc vàng rực rỡ và bước khi trong tiếng reo vui trong giọng nói, tiếng cười của đàn trẻ nhỏ đang đến trường. Tự nhủ với lòng mình rằng, thôi đừng nghĩ ngợi gì nhiều, trước một tương lai đang ngày một tươi sáng, tốt đẹp hơn trên vùng đất đỏ bazan đang có thêm sắc hồng, sắc tím của Huế.



Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

BÂNG KHUÂNG NHỚ VỊ TẾT XƯA… - Tản văn của NGÔ THẾ LÂM - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018


Khoảnh khắc giao mùa mang theo lất phất mưa phùn cùng cái se lạnh cuối đông báo hiệu một mùa xuân mới đang đến thật gần. Ấy vậy mà, cũng là cái Tết, ngày Tết, nhưng sao hôm nay, khi thời gian đang trôi chậm về những ngày cuối năm, tôi lại thấy cảm xúc mình chênh chao đến lạ. Nửa như vui mừng, hân hoan cho sự no đủ, sung túc trong những ngày Tết bây giờ; nửa lại thấy hối tiếc cho sự mai một của dư vị Tết ngày xưa.
Thương những ngày Tết đã xa
Tôi còn nhớ rõ lắm. Ngày ấy, bà và mẹ thường có một câu nói quen thuộc mỗi dịp này: “Lại Tết rồi. Con nít thì mừng, người lớn thì lo”. Lũ nhóc chúng tôi vui mừng, náo nức là đúng rồi. Bởi, dịp Tết là biết bao điều hứa hẹn đang chờ đón. Nào là sẽ có “bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”; nào là được mẹ mua cho một tấm áo mới, đôi dép mới; nào là tha hồ nhận tiền mừng tuổi từ người lớn…
Nhớ lắm hương vị Tết ngày xưa. Bố mẹ, ông bà qua những ngày túng quẫn, chạy ngược chạy xuôi cũng đắp đổi được bằng nồi bánh chưng xanh, vài cân thịt và một ít kẹo mứt cho bọn trẻ. Nôn nao mong ngóng giao thừa, cả gia đình cùng quây quần bên nồi bánh, nghi ngút khói, cay xè mắt nhưng thật vui và ấm áp lạ thường. Nghe bà kể chuyện ông Lang Liêu ngày xưa dâng vua cha thành kính bằng chính món quà quê tinh túy và ý nghĩa của người Việt, bằng biểu tượng cao quý tựa đất trời. Bên cạnh, tay mẹ thoăn thoắt bởi món “dưa góp” dân giã với những củ quả vườn nhà, nào su hào, bắp cái, đu đủ, cà rốt, hành tỏi… Món dưa của mẹ trong mấy ngày Tết là món bắt cơm nhất, chua chua, cay cay, ăn không biết chán. Còn nữa, đó là những ngày bận rộn phát quang sân vườn, quét vôi, tân trang nhà cửa để đón năm mới. Bố bảo phải trau chuốt cho sạch sẽ, thơm tho thì năm mới sẽ có nhiều phúc lộc, may mắn. Mẹ cũng không quên nhắc nhở mấy anh em có đi đâu, làm gì cũng không được quên tắm rửa thật kĩ để gột rửa những gì năm cũ còn sót lại để đón Tết.
Ngày ấy, có lẽ thiêng liêng nhất là giây phút giao thừa đêm ba mươi. Bố kính cẩn thắp hương, dâng đồ lễ bằng mâm ngũ quả cao ngất ngưởng, kèm theo nào là mâm xôi, con gà trống được mẹ luộc chín và tạo dáng thật đẹp cùng với rất nhiều đồ vàng mã bày biện lên bàn thờ gia tiên. Sau một tuần nhang, bố thành kính mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu và không quên khấn vái, cầu nguyện tiên tổ độ trì cho con cháu một năm mới nhiều sức khỏe và tài lộc.
Sau giờ phút thiêng liêng ấy, cả nhà quây quần bên mâm cơm Tết, mọi người cùng nâng những ly rượu nếp thơm nồng và chúc tụng nhau. Hòa cùng không khí ấm cúng đó là tiếng pháo giao thừa rộn rã khắp làng trên xóm dưới, mấy đứa trẻ vội vã mặc áo mới, vui mừng nhận những món quà mừng tuổi đầu năm từ ông bà, bố mẹ, anh chị…
Ngày mùng một, vẫn nỗi hân hoan ấy, những đứa trẻ xúng xính trang phục mới đi chúc Tết ông bà kèm theo những lời dặn của bố mẹ phải chúc ông bà như thế nào cho có đầu có đuôi, có ý nghĩa. Hồi tưởng lại, đến bây giờ, cảm xúc trong tôi vẫn còn nguyên vẹn.
Những ngày sau đó, theo thông lệ, những trò chơi dân gian là tâm điểm thu hút sự tham gia của đông đảo dân làng, từ già trẻ, trai gái, và đặc biệt là sự náo nức đến vô cùng của trẻ con. Nào là đấu vật, chọi gà; nào là đánh khăng, đánh đáo… làm cho ngày tết thực sự trở thành một ngày hội lớn của dân làng.
Tết nay, từ “ăn tết” biến thành “chơi tết”
Ngày nay, cùng với bao đổi thay của thời cuộc, nếp sống, nếp nghĩ của con người từ đó cũng có những chuyển biến nhất định. Ngày Tết cổ truyền cứ đến hẹn lại về nhưng dư vị và sắc màu của hôm nay đã có nhiều đổi khác. Nhà nhà đã tô điểm thêm cho không gian gia đình mình trong ngày Tết rực rỡ hơn bằng những cành mai, cành đào, chậu quất; rượu nếp giản dị một thời được thay bằng rượu ngoại, bằng bia. Nhịp sống hiện đại đã mang lại cho đại đa số gia đình sự đủ đầy, dư dả. Các mẹ, các bà không còn phải than thở bằng câu cửa miệng xưa với bao âu lo khi Tết đến. Trẻ con cũng nhận được nhiều hơn tiền lì xì, quần áo mới ngày Tết không còn là một đòi hỏi quá xa xỉ với lũ trẻ. Và người lớn cũng không cần phải vất vả gói bánh chưng và túc trực bên bếp lửa đêm giao thừa, bởi đã có sẵn các dịch vụ đặt bánh chưng khắp các ngõ phố. Thêm vào đó, thay vì dành những ngày đầu năm để quây quần, sum vầy bên gia đình, họ hàng, giới trẻ cũng đã thiết kế cho mình những tour du lịch khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí là ra nước ngoài. Khái niệm “ăn Tết” ngày xưa đã chuyển thành “chơi Tết” cùng với sự dư dả về vật chất và quan niệm mới về giải trí ngày lễ. Bên cạnh đó, không chỉ giới hạn trong “ba ngày Tết”, thời gian chơi Tết cũng được kéo dài hơn, thậm chí là đến tận rằm tháng Giêng. Đâu đó, nét đẹp truyền thống là chúc Tết đầu năm hay xông đất, mừng tuổi ngày càng mai một đi hoặc  nếu có thì cũng đại khái, chiếu lệ. Thêm vào đó, có lẽ nét mới và trở nên phổ biến của cái Tết bây giờ đó là người ta tận dụng dịp này để trả ơn, trả nghĩa hay cầu cạnh địa vị, chức tước bằng những gói quà lớn nhỏ được đong đếm bằng vật chất… Không khí, dư vị Tết vì vậy cũng giảm bớt và biến tướng đi khá nhiều. Các “cụ đồ thời hiện đại” vẫn miệt mài từng góc chợ, lối phố để “cho chữ” nhưng phần nào phục vụ cho lợi ích thương mại. Phố phường nhộn nhịp hơn, sầm uất hơn những buổi mua sắm. Con đường đông đúc hơn những người lại qua, nhưng sự hối hả đó chủ yếu phục vụ cho những toan tính đời thường.
Có lẽ, những người thế hệ chúng tôi, gánh trên vai bao tuổi đời, đã đếm bao mùa xuân qua và ăn bao cái Tết mới thấm thía được cái “chất” của Tết xưa và Tết nay, thấm thía được cái cũ và cái mới, cái truyền thống với cái hiện đại.
Cuối tháng Chạp rồi. Và ngoài kia, mùa xuân đang tần ngần xin chạm ngõ. Gam màu Tết xưa - Tết nay như bức tranh đã phác thảo những nét đầu tiên về cái Tết sẽ về khắp các nẻo đường đất nước, cùng với tư duy Tết của các thế hệ đã hình dung trong tôi rõ nét.
Thực sự vui mừng, hân hoan cho một cái Tết nữa đủ đầy, sung túc khi đời sống của nhân dân mọi miền Tổ quốc không còn quá vất vả. Nhiều nơi, nhiều gia đình sẽ đang náo nức đón chờ một cái Tết ấm cúng, rộn rã tiếng vui cười và đang náo nức thiết kế những chuyến du ngoạn đó đây mà không phải lấn cấn vì hầu bao eo hẹp. Vậy mà, cũng trong thời khắc này, bất chợt từ trong sâu thẳm tâm tư cùng kí ức thời thơ ấu, tôi lại thèm và nhớ đến vô cùng dư vị Tết ngày xưa…

Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2018

KÝ ỨC MẬU THÂN - Ghi chépcủa NGUYỄN LIÊN- CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018



Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 68 đến nay tròn 50 năm, với những người lính từng giáp trận ngày đó luôn trỗi dậy ký ức mỗi dịp tết đến xuân về. Đối với thiếu tướng Trịnh Hoàng Lâm cuộc tấn công Mậu Thân trên đất Đắk Lắk trở thành kỷ niệm không bao giờ quên, là chiến sĩ y tá trở thành tướng lĩnh sau này, anh gặp người phụ nữ trong đoàn quân biểu tình nhập thị đấu tranh chính trị với Mỹ Ngụy góp sức cùng bộ đội tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, anh y tá Trịnh Hoàng Lâm và chị cán bộ địch vận Nguyễn Thị Hoa dũng cảm trong đội quân tóc dài đã nên nghĩa vợ chồng. Năm mươi năm trôi qua, hình ảnh đẹp đẽ về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình thông qua chiến dịch Mậu Thân luôn sống động trong ký ức vị tướng.
Sáng 30 tết, toàn bộ cơ quan huyện đội H5 tập trung nghe lệnh sẵn sàng hành quân chiến đấu, anh nuôi, y tá… cũng như cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, tất cả được trang bị vũ khí chờ lệnh lên đường. Như bao cuộc hành quân chiến đấu, lần này nhận lệnh chiến đấu lại đúng vào ngày 30 tết, thấy xốn xang trong lòng, khi mọi nhà, mọi người đang chăm lo cho cái tết sum họp gia đình. Tôi khoác khẩu cạc bin lên vai đi nhận bổ sung thêm cơ số đạn, đối với người lính sự chuẩn bị cho một trận đánh thì bao nhiêu đạn cũng cảm thấy chưa đủ. Bữa cơm tất niên hôm ấy được coi là thịnh soạn hơn ngày thường, có thêm thịt, cá… những người lính nhận ra cuộc hành quân lần này có gì đó thật trọng đại, trách nhiệm của người lính vô cùng nặng nề và lòng tự hào dâng tràn trong bữa cơm tất niên được các đồng chí cán bộ Huyện ủy, cán bộ Ban chỉ huy Huyện đội H5 đến từng bàn động viên chiến sĩ ăn thật no; cơm chiều xong đơn vị tổ chức đón tết trước. Liên hoan thật đơn giản, mỗi người một điếu thuốc lá, hai cái kẹo do cơ sở của ta trong vùng địch gửi ra. Anh nuôi phát cho mỗi người một nắm cơm vắt có thể sử dụng trong vài ngày nếu trận chiến không thể kết thúc sớm theo kế hoạch. Trước giờ hành quân, mỗi người nhận một băng vải đỏ bề rộng chừng 3cm có dòng chữ màu vàng: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đeo trên ngực hoặc cánh tay. Tôi là y tá nằm trên ban chỉ huy Huyện đội nên nắm được tinh thần trận đánh này hết sức quan trọng. Bí thư Huyện ủy H5 Ama Nga trực tiếp chỉ huy, phối thuộc cùng bộ đội địa phương H5 còn có một bộ phận thuộc trung đoàn chủ lực của Bộ có phiên hiệu: Trung đoàn Vĩnh Phú do anh Thường đại đội trưởng, anh Đường Chính trị viên phụ trách, cán bộ chiến sĩ bộ đội chủ lực mới ngoài Bắc vào anh nào cũng béo tốt, quần áo tô châu mới keng, không như lính địa phương chúng tôi ăn rừng ngủ rừng, sốt rét rừng xanh xao, đánh trận liên miên nên quân phục te tua. Nhiệm vụ của chúng tôi là đánh chiếm ấp Quảng Nhiêu. Đây là mục tiêu quan trọng án ngữ phía Bắc thị xã Buôn Ma Thuột, địa bàn giáp ranh giữa vùng tạm chiếm và vùng căn cứ cách mạng.
Trời nhập nhoạng tối khiến chúng tôi không nhìn rõ chân núi Cư M’gar hiện lên trước mặt. Những bước chân sột soạt, ồn ào rồi im lặng, những bàn tay nắm chặt báng súng, tiếng lúc lắc của túi cứu thương, bi đông, bao lựu đạn phát tiếng động nhỏ dần rồi lặng hẳn. Trong không gian im lặng tiếng con chim cu rúc vang to hơn. Đêm ba mươi tối đặc tưởng có thể xắn ra miếng. Mò mẫm trầy trật trong đêm tối, mọi người cũng tiếp cận vị trí an toàn, lúc này chúng tôi mới được phổ biến nhiệm vụ cụ thể: “Đúng giao thừa đêm nay, cả miền Nam đồng loạt tổng tiến công”. Những người lính trẻ chúng tôi không kìm nổi niềm vui đang dậy trong lòng. Có người nào đó vỗ tay, cũng may tiếng vỗ được ghìm bớt lại không gây tiếng động mạnh. Ba má ơi, anh em bà con đang trong ấp ơi, có biết đêm nay chúng tôi đang chuẩn bị làm một công việc hết sức trọng đại, giải phóng ấp, cùng quân dân khắp miền Nam lật đổ ách thống trị của Mỹ và bè lũ tay sai, thống nhất đất nước. Cả nước sẽ khắc ghi cái Tết Mậu Thân này đi vào lịch sử.
*
Sau những thất bại liên tiếp có tính chiến lược của quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam. Những thắng lợi to lớn của ta trong năm 1967; nhận định địch có khả năng co cụm phòng ngự, khó có thể mở các đợt tấn công. Tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra quyết định lịch sử: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam của ta sang một thời kỳ mới – Thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Lệnh Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt nổ ra và giữ được bí mật. Cả miền Nam, khắp cả núi rừng Tây Nguyên sục sôi tinh thần giải phóng thống nhất đất nước trong lòng mỗi người dân, người lính, già trẻ trai gái đều muốn góp phần vào thời khắc trọng đại này. Giờ phút Giao thừa sắp đến, giá như được nghe giọng Bác Hồ chúc Tết, chúng tôi bỗng nhớ về giao thừa 1967, chuẩn bị bước sang năm 1968, được nghe giọng ấm áp Bác Hồ đọc thơ chúc tết như một lời động viên, một lời hiệu triệu:
Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa.
Bác Hồ ơi, chúng cháu đang thực hiện sự mong muốn của Người, chúng cháu quyết chiến thắng trong trận đánh mang tính lịch sử, sẽ là những bông hoa tươi thắm dâng lên Bác trong năm Mậu Thân này. Chưa có lần nào ra quân lặng lẽ mà giục giã như vậy. Sương đêm thấm lạnh. Những cơn gió mùa khô ràn rạt thổi bụi mù, những người lính ôm súng trong tư thế sẵn sàng xung phong càng sốt ruột. 0 giờ 30 phút, đã bước sang ngày mới của năm Mậu Thân; bầu trời thị xã Buôn Ma Thuột cách 15 cây số nhoáng nhoàng những tia chớp kèm theo đó những tiếng rít nổ của pháo DKB mở màn như trời long đất lở. Theo kế họach ta sẽ đánh chiếm đài phát thanh, khu nhà đày giải phóng cho những người tù; tấn công sư đoàn bộ binh 23 ngụy tại khu Mai Hắc Đế, khu pháo binh, khu thiết giáp, Sân bay thị xã, tòa hành chánh, Ty Cảnh sát, khu cố vấn Mỹ, ngăn chặn sự chi viện để các điểm khác trong toàn tỉnh thuận lợi tấn công.
Khu vực ấp Quảng Nhiêu vẫn đì đùng pháo đón Tết như không có gì xảy ra. Chúng tôi vận động trên lộ 8 đột nhập vào ấp theo hướng nhà tên Thuần trưởng ấp là tên ác ôn khét tiếng. Phía trước có một tốp lính đi tuần rì rầm nói chuyện, ánh đèn phin loang loáng quét màn đêm. Chúng tôi vội lăn xuống rãnh hào bên đường nằm im. Trong tốp lính đi tuần có cả tên Thuần, đến gần chỗ chúng tôi nấp, tên Thuần linh cảm có điều gì đó bất thường, hắn ra hiệu tốp lính dừng lại, ánh đèn pin quét vào các bụi cây ven đường, tai hắn nghiêng nghiêng ngóng, bất ngờ hắn cầm quả lựu đạn mở chút kêu tách tung ra theo phản xạ rồi tất cả co cẳng chạy. Có thể bị lộ, chúng tôi nhày cả lên mặt lộ rượt theo cùng những băng tiểu liên AK xé màn đêm lao thẳng tốp địch. Một tên ngã gục, tên Thuần bị thương trốn thoát. Trong ấp Quảng Nhiêu vẫn không hay biết gì, tiếng pháo đón giao thừa vẫn đì đùng nổ, tiếng nhạc từ chiếc ra- đi- ô của nhà nào đó đang phát đi những bài hát mừng xuân. Lợi dụng âm thanh pháo Tết, bộ đội ta tranh thủ đào công sự dọc lộ 8, con lộ chính nối từ Buôn Ma Thuột đi Mê Wal. Dù thức đêm căng thẳng chờ đợi trận đánh, bộ đội ta vẫn không buồn ngủ mệt mỏi, họ hăng say đào hào và chờ đợi. Bầu trời phía đông rạng màu hồng báo hiệu một ngày mới đã đến, trong ấp đã xuật hiện một số người dân mặc đồ mới trên đường đi đón năm mới. Họ nhìn thấy chúng tôi dưới chiến hào, biết chắc quân giải phóng sẽ bao vây ấp Quảng Nhiêu, sợ có súng nổ, sợ có máu chảy trong ngày đầu năm này sẽ gặp điều xui xẻo, đồng bào lặng lẽ trở lại trong ấp. Từ lúc tên Thuần trốn thoát, chúng đã đánh hơi thấy sự nguy hiểm đang rình rập ở khu vực ấp Quảng Nhiêu. Hướng Buôn Ma Thuột súng nổ dày hơn, tiếng nổ to dồn dập hơn. 6 giờ 30 phút trong ấp có ba tiếng súng báo động tập trung quân, báo hiệu một cuộc chiến không cân sức sắp nổ ra. Phía ta cộng tất thảy cả quân chủ lực và bộ đội địa phương H5 có 90 người. Phía địch có Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn 45 Sư đoàn 23, một đại đội pháo, một đại đội bảo an, một liên đội nghĩa quân, ba đoàn bình định cùng 400 lính phòng vệ dân sự. Tính ra cuộc chiến đấu giữa ta và địch 1 chọi hơn 10. Sau đợt pháo cấp tập dọn đường, những chiếc trực thăng cán gáo bay thành hàng từ Buôn Ma Thuột đến rà sát ngọn cây, những tên lính đầu đội mũ sắt nắm chắc khẩu M60 quay tít vãi đạn dọc lộ 8, rà quanh ấp. Hết đợt dọn đường của trực thăng, từng lượt sóng bộ binh nhấp nhô mũ sắt, tay lăm lăm họng súng đen ngòm nhả đạn bừa bãi tràn lên. Dưới chiến hào các chiến sĩ giải phóng bình tĩnh điểm xạ chính xác. Một tên rồi nhiều tên đổ gục, những đợt sóng chững lại có lẽ do tâm lý chết chóc đầu năm đã cản tinh thần chúng. Những bước chân hùng hổ chùng lại rón rén bước, mắt lấc láo trong nỗi sợ hãi. Chiến sự nổ ra trong hai phái tinh thần khác nhau, phía ta hưng phấn với những viên đạn nổ đanh chính xác hạ từng tên xuống đất, địch sợ hãi nhả đạn vu vơ. Trận đánh giằng co đến trưa thì tạm ngưng. Kiểm lại số quân, ta thương vong mất một nửa, nghĩa là từ một đại đội thiếu, giờ chỉ còn dư một trung đội, mục tiêu đặt ra là giải phóng ấp Quảng Nhiêu còn nhiều khó khăn đợi phía trước. Đồng chí Ama Nga, Bí thư Huyện ủy H5 bàn với hai đồng chí chỉ huy đơn vị chủ lực tăng cường:
- Ta cần mở đường máu rút quân củng cố lại đơn vị rồi đánh tiếp.
- Mùa khô cây cối khô cháy, đất trống trải định rút thế nào. Làm sao rút nổi.
Trên bầu trời những chiếc trực thăng vũ trang HU1A phành phạch quần đảo bắn những tràng đạn đại liên dọc lộ 8, chứng minh ý tưởng rút quân của Bí thư Ama Nga là không thể. Anh Thường nói tiếp: Theo nhận định của tôi, hai tiếng đồng hồ nữa địch có thể phản công lần nữa, không được chúng sẽ co cụm lại, khi đó lợi dụng đêm tối ta có thể rút quân.
Khoảng 1 giờ chiều, địch câu pháo cấp tập dọc lộ 8, những ngôi nhà hai bên đường bốc cháy ngùn ngụt. Pháo dừng, bộ binh tràn lên, đi trước chừng hai trăm tên thuộc đại đội sắc tộc, bọn này lấy người dân tộc ra làm bia đỡ đạn cho chúng đây. Tiếp đó Đại đội 4 thiện chiến của Sư đoàn 23 chia làm 3 mũi từ hướng Bắc và Đông bắc khép chặt khu vực Quảng Nhiêu. Anh Thường, Đại đội trưởng quân chủ lực, lúc này đứng ở vị trí chỉ huy trận đánh, huy động tất cả hỏa lực có trong tay. Hai khẩu đại liên, 10 khẩu trung liên RPD, hai khẩu cối 82, 5 khẩu B40, 4 khẩu B41 theo lệnh Đại đội trưởng Thường tất cả hỏa lực vào vị trí chiến đấu. Nhà dân cháy khói bụi mù trời, những người lính trải qua một đêm, một ngày chờ đợi và chiến đấu, mất mát thương vong, nhưng ý chí chiến thắng dồn lên đôi mắt và họng súng nóng lòng hướng về phía địch. Những tên lính thiện chiến trang bị vũ khí Mỹ, quân dụng khí tài Mỹ lò dò khép chặt dần khoảng cách, những bộ mặt bặm trợn đỏ hăm lấc láo rõ dần. Bộ đội ta hồi hộp chờ nhả đạn, vẫn chưa có lệnh nổ súng. Khi các mũi tiến công của địch vào đúng gọng kìm của ta bố trí, phát súng của anh Thường nhằm vào tên lính đi đầu nổ, lập tức các khẩu pháo cối 82, B40, B41 đồng loạt bắn vào đội hình địch. Bị bất ngờ, đám lính địch hoảng loạn, những tên sống sót đạp lên nhau bỏ chạy liền bị đại liên, trung liên của ta đón ở vòng ngoài. Tôi bên cạnh anh Đường, anh Thường, anh Diêm, vừa chiến đấu vừa sẵn sàng làm nhiệm vụ của y tá. Trận chiến đấu diễn ra chừng một tiếng đồng hồ thì chiến trường lặng tiếng súng. Toàn bộ lực lượng bộ binh tinh nhuệ của địch bị tiêu diệt.
Đúng như nhận định của đại đội trưởng Thường, sau đợt địch phản công thất bại, chừng 3 giờ chiều chiến trường yên tĩnh trở lại. Bầu trời lúc ấy chỉ còn tiếng gầm gừ của phản lực né tránh đạn phòng không trên cao, thỉnh thoảng phóng xuống những quả rốc két vu vơ. Pháo 105mm địch từ Buôn Ma Thuột bắn cầm canh về Quảng Nhiêu. Tôi đeo khẩu cạc bin, túi cứu thương trườn ra khỏi chiến hào làm nhiệm vụ quân y. Bộ đội, dân thường bị thương nằm ngổn ngang dưới chiến hào. Tôi trườn đi băng bó cho người bị thương, băng xong cho một người, vận động tới băng bó cho người khác, vừa xong ngồi tựa lưng vào chiến hào nghỉ chợt một quả pháo địch nổ ngay cạnh người thương binh tôi vừa băng bó xong. Tôi thoát chết nhưng trong lòng quặn đau nhìn người thương binh vừa được băng bó đã hy sinh.
Cuộc vây lấn chiến đấu cả đêm 30 và ngày mùng một Tết Mậu Thân, lực lượng của ta với con số khiêm tốn 90 người chỉ còn lại 20 người. Tuy chưa giải phóng được ấp Quảng Nhiêu, nhưng với con số khiêm tốn cả lực lượng bộ đội địa phương và chủ lực ta đã làm tiêu hao lớn sinh lực địch trang bị vũ khí tối tân hiện đại có máy bay yểm trợ. Chập tối chúng tôi khiêng thương binh, tử sĩ rút ra an toàn.
*
Cùng với lực lượng vũ trang nổi dậy tiến công Tết Mậu Thân, bà con cô bác từ các hướng cũng đổ về Buôn Ma Thuột biểu tình nhập thị kêu gọi binh lính quay súng trở về với nhân dân. Trước làn sóng tiến công như vũ bão của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, chỉ huy quân đội Mỹ và ngụy quyền đã huy động máy bay dội bom, bắn rốc két, cho xe tăng bắn trọng liên vào đoàn biểu tình. Má Hai dẫn đầu đoàn biểu tình trúng đạn, chị Mười nhận lá cờ từ tay má Hai trao tiếp tục chỉ huy đoàn biểu tình và chị cũng trúng đạn hy sinh. Cháu H’Tam vội cầm cờ dẫn đầu đoàn biểu tình, bị địch bắn trọng thương đã trao lại lá cờ cho chị ruột của mình là H’Lan đồng thời lớn tiếng kêu gọi: “Các anh chị hãy giữ lấy cờ”. Còn có biết bao tấm gương dũng cảm trong quần chúng nhân dân đã làm tôi xúc động. Cô Hoa trẻ trung xinh đẹp dẫn đầu một đoàn biểu tình khác từ Đạt Lý về Buôn Ma Thuột bị địch bắn bị thương. Lúc này tôi được điều về địa bàn xã Đạt Lý công tác đã băng bó vết thương cho cô Hoa, cảm động trước một cô gái trẻ gan dạ, lại được biết gia đình cô là địa chỉ hoạt động biệt động nội thành, tôi đã đem lòng thương yêu, và chúng tôi đã kết duyên nghĩa vợ chồng.
Trận đánh Tết Mậu Thân ta không đat được như kế hoạch, nhưng Mỹ và bè lũ tay sai đã phải nhận một đòn đau thê thảm. Tới ngày mùng 6 Tết địch rút khỏi Quảng Nhiêu. Mậu Thân như một mốc son đánh dấu bước trưởng thành cả về đội ngũ tinh nhuệ và chiến lược của quân đội ta; đối với bản thân tôi là bài học kinh nghiệm cho công việc chỉ huy sau này, từ anh lính y tá trở thành tướng lĩnh của quân đội, và tình yêu hạn phúc của tôi cũng được gặp gỡ từ chiến dịch Mậu Thân lịch sử luôn sống mãi cùng ký ức trong tôi.
(Theo hồi ức của thiếu tướng Trịnh Hoàng Lâm)

Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018

DỌC ĐƯỜNG XUÂN - Tùy bút của HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018



Chiêng ngân rung dồn dập gọi Xuân. Lửa dân vũ bập bùng mời Yàng về đón Tết. Mừng cho 1,9 triệu người của 47 dân tộc anh em chọn Đắk Lắk làm mái nhà chung để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Năm 2017- Đinh Dậu qua đi, chịu nhiều tổn thất của hạn hán, bão giông, nhất là cơn bão số 12, cùng với đó là những khó khăn, thách thức nhiều mặt như muốn thử thách lòng kiên trung của Đảng bộ và đồng bào trong tỉnh.
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 (mở rộng) cũng như Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh cuối năm 2017 đã thông báo những con số reo vui đầy ấn tượng.
Tổng sản phẩm xã hội đạt 47.761 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế 7,2% so với năm 2016. Diện tích gieo trồng 648.126 ha bằng 110% chỉ tiêu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 61.837 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch.
Những số liệu làm nức lòng ta, thay cho những điều muốn nói.
Một tỉnh nằm giữa Tây Nguyên mà xuất khẩu 575 triệu USD, đạt 109% chỉ tiêu; thu ngân sách nhà nước 4.679 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 38,46 triệu đồng một năm, niềm vui dâng tràn đến với mỗi người; tỷ lệ nhựa hoặc bê tông hóa đường tỉnh, huyện, liên xã càng nhiều, càng rút ngắn sự ngăn cách vùng miền.
98% số hộ dân có điện, ánh sáng về vùng sâu, vùng xa làm tươi giãn đường nhăn trên mặt amí, ama, làm bừng sáng gương mặt em thơ nghiêng đầu trên trang sách.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, riêng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4%. Con em ta ríu rít đến trường. 39% số trường đạt chuẩn quốc gia. 100% thôn, buôn có lớp mẫu giáo để cha mẹ yên tâm lao động sáng tạo. 95,1% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, 81,6% có bảo hiểm y tế, sức khỏe cộng đồng được nâng lên.
Văn hóa – thể thao – du lịch trên đà khởi sắc, tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Buôn Ma thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.
Phong trào thể dục thể thao phát triển, tổ chức 7 giải thể thao cấp quốc gia, không kể cấp tỉnh.
Khách du lịch đạt 703.000 lượt, riêng khách quốc tế đạt 67.000 lượt, doanh thu 610 tỷ đồng.
Văn nghệ, báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin – truyền thông giữ vững định hướng, kịp thời phản ánh, làm cầu nối giữa Đảng với Dân.
Khép lại năm Đinh Dậu – 2017, thành quả đạt được là đáng mừng. 14 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn khi còn 4 chỉ tiêu có một phần không được như mong muốn, trong đó có chỉ tiêu che phủ rừng.
Năm 2018 – Mậu Tuất đã đến, mang theo cả niềm tin và khát vọng lớn lao. Loại bỏ dần những trở lực, những rào cản về thủ tục hành chính. Mỗi công chức xứng đáng là công bộc của dân, vì dân phục vụ.
Tổng sản phẩm xã hội (giá so sánh năm 2010) đạt 51.800 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế khoảng 7,8-8%, để có thu nhập bình quân đầu người 41 triệu đồng.
Kim ngạch xuất khẩu 600 triệu USD. Thu ngân sách trên địa bàn 5.000 tỷ đồng.
Chú trọng phát triển hạ tầng như thủy lợi, đường giao thông, mạng lưới điện, nước sinh hoạt đều là quốc kế dân sinh.
Tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, số thôn, buôn xây dựng nông thôn mới, rút ngắn khoảng cách vùng sâu, vùng xa với thị thành khi tri thức và sức khỏe là điểm khởi đầu của thế hệ tương lai.
Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh. Chiều dài biên giới với Campuchia thực sự hòa bình, hữu nghị, tin cậy lẫn nhau để cùng xây dựng cuộc sống phồn vinh.
Dọc đường xuân Đắk Lắk hoa cà phê lại trắng cành, ngan ngát hương đưa, thơm đất thơm trời hẹn mùa trĩu quả.
Những rừng cao su vút ngọn vươn trời, nẩy lộc xuân, tăng tỷ lệ che phủ rừng, quyến rũ bầy ong về làm mật và gọi tiếng chim ca.
Phát triển công nghiệp không khói, du lịch sinh thái hấp dẫn, gọi mời du khách để Đắk Lắk trở thành tâm điểm du lịch của vùng bởi sẵn tiềm năng:
Srêpôk dạt dào, trăm ngọn thác reo ca cùng đất đỏ.
Chư Yang Sin vời vợi, muôn loài hoa bừng nở với trời xanh.
Hồ Lắk, Bản Đôn những địa danh quen thuộc không chỉ hấp dẫn khách trong nước mà tăng dần khách quốc tế bởi sự thích thú của bầy voi bành tía, bành nâu hoặc thuyền dập dềnh giữa non xanh nước biếc như lạc vào tiên cảnh.
Đêm dân vũ bên ánh lửa bập bùng lại mở vòng xoang. Dựng cây nêu thần nối đất với trời, mời ông bà, tổ tiên cùng về đón Tết.
Chiêng trống rền vang gợi về tiền sử, trường ca tìm về những Đam San, Xinh Nhã, thấp thoáng hình bóng nữ thần mặt trời cùng Hơ Nhí, Hơ Bơ Hí tay trong tay dưới tán rừng già.
Ché túc, ché tang đổi bằng voi, trâu lại vít cong cần cho rượu ngọt môi xuân, chếnh choáng mắt say tình tứ. Rượu giao hòa, người giao hòa trong trời đất giao hòa.
Lại nhớ bao lớp tiền nhân bảo vệ, dựng xây quê hương Đắk Lắk. Nơ Trang Lơng, Nơ Trang Gưr, Ama Jhao... còn mãi với buôn làng như con nước đầu nguồn ngọt mát.
Rồi những anh hùng liệt sỹ suốt hai cuộc kháng chiến đã xả thân vì nghĩa lớn, trong đó có Tết Mậu Thân – 1968 vừa tròn nửa thế kỷ để có ngày toàn thắng 30-4-1975 vừa đúng 43 năm mà mở đầu là trận Buôn Ma Thuột.
Xuân Mậu Tuất đã về, hoa nở, chim ca, bướm lượn là quy luật tự nhiên. Còn quy luật của người là ân nghĩa. Biết ơn Đảng của Bác Hồ cho ta toàn vẹn non sông, cho ta hạnh phúc ấm no, cho 54 dân tộc anh em kết thành một khối thống nhất, trong đó có 47 dân tộc đã chọn Đắk Lắk làm mái nhà chung.
Tâm hồn lâng lâng trong gió xuân theo dọc đường xuân Đắk Lắk, như muốn ngân nga: Yêu sao Đắk Lắk hôm nay!
Xuân Mậu Tuất – 2018

Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

LỜI GIẢI - Truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN MẬU TUẤT - THÁNG 1&2 NĂM 2018




- Tùng, tùng, tùng…!
Tiếng trống trường vang lên, chuồn chuồn Ớt giật mình tỉnh giấc ngó ra xung quanh đã thấy những người cùng họ hàng bay đến rất nhiều. Chuồn chuồn Đá có thân hình lực lưỡng, bộ ngực nở nang, choàng chiếc áo màu xanh lơ điểm thêm mấy vòng đen ngang thân trông như một chiếc trực thăng. Trên lưng chuồn Đá bốn cái cánh hình như vẫn đứng im giữ cho thân treo lơ lửng trong không khí, rồi bất ngờ lao vút một cái tóm gọn mụ ruồi vừa bay ngang qua làm bữa điểm tâm sáng. Gần đó, chuồn chuồn Kim thân hình nhỏ như chiếc kim khâu, mặc áo màu xanh nhạt cũng có mấy vòng đen ngang thân, bay sát mặt đất có vẻ lười nhác, nhưng khi phát hiện có con muỗi thì… vèo, sáu cái chân bé nhỏ hốt gọn con muỗi. Đông nhất là chuồn chuồn Nâu, mặc bộ cánh màu nâu nhạt, cứ đứng im một chỗ rồi bất chợt lao vút đi khi thấy con mồi. Không biết hôm nay chuồn chuồn kéo nhau về đây làm gì mà nhiều thế này, có phải cùng chung mục đích giống mình không nhỉ? - Chuồn chuồn Ớt thầm nghĩ rồi rời chỗ ngủ bay ra gia nhập cùng đàn.
Trong số chuồn chuồn có mặt, mỗi con đều khoác bộ đồ mới nhiều màu sắc khác nhau: có con màu xanh da trời, con màu tím, con màu xanh nhạt… nhưng đều có chung một điểm giống nhau: quanh người đều có vẽ nhiều vòng tròn đen làm nổi bật vẻ đẹp quý phái của mình. Riêng chuồn chuồn Nâu và chuồn Ớt không đeo vòng đen quanh thân. Chuồn chuồn Ớt xuất hiện như thêm một nét đỏ nổi bật trên nền đã có nhiều màu sắc. Chuồn chuồn Ngô hỏi:
- Chuồn Ớt ngủ quên à?
- Mình đi đường xa mới tới đây chiều tối hôm qua nên dậy muộn một chút thôi. Sao hôm nay mọi người tập trung ở đây nhiều thế?
- Ơ, thế cậu đến đây làm gì?
- Tôi đi tìm má!
- Đã thấy chưa?
Chuồn chuồn Ớt chưa kịp trả lời đã thấy chuồn chuồn Đá nói xen ngang:
- Đừng có kiểu ma cũ bắt nạt ma mới thế, chúng ta đến đây cùng chung mục đích cả thôi mà.
- Ô, thế các bạn cũng chưa thấy má của mình à?
Chuồn chuốn Ớt ngạc nhiên kêu lên, chuồn Kim vẫy cái cánh nhỏ xíu, thân khoác áo màu xanh nhạt góp lời:
- Cũng như bạn thôi, nghe nói hôm nay trường này có buổi thuyết trình về vòng đời của chuồn chuồn nên đến nghe.
- Các bạn có gần đây không?
Nghe chuồn chuồn Ớt hỏi, những người bạn chuồn chuồn mới quen cho biết, đều ở xa đến. Con thì ở đầm lầy, con ở ao hồ, thậm chí chuồn chuồn Kim xanh da trời đến từ dòng suối trong vắt, trên một thung lũng lưng chừng núi… Tất cả đều có điểm chung: trước đây sống dưới nước, khi trưởng thành leo lên cây, lột xác mà thành chuồn chuồn; vì thế chưa ai biết má của mình ở đâu, có gia đình hay không! Trong chuyến hành trình đi tìm nguồn gốc, chuồn chuồn Nâu nhiều lần suýt chết vì bị chim đuổi bắt ăn thịt. Chuồn chuồn Ớt ngạc nhiên kêu lên:
- Chim cũng bắt chuồn chuồn ăn thịt a?
- Đúng đấy, lũ chim chèo bẻo, mình đen thủi đen thui, có cái đuôi dài như một mũi tên, bay nhanh lắm, chỉ cần há ra là có thế tóm gọn ta ngay.
- Hãi quá!
Chuồn chuồn Ớt bật thốt lên, giọng run run nói tiếp:
- Tôi đã gặp chim sẻ, chim vẹt, cu xanh, cu gáy, chim đầu rìu... có thấy ai ăn thịt chuồn chuồn đâu. Họ chỉ ăn trái cây và sâu bọ thôi mà.
- Thế là chuồn chuồn Ớt may mắn lắm rồi, để đến được đây rất nhiều anh em chúng ta đã bị các loài chim bắt ăn thịt. Kẻ thù của chúng ta nhiều lắm, đến mấy cô cậu là con người cũng thường rình bắt chúng ta nữa đấy.
Chuồn chuồn Ngô ra vẻ từng trải giảng giải về mối nguy rình rập hàng ngày mà họ hàng chuồn chuồn gánh chịu, Chuồn chuồn Ớt ngạc nhiên hỏi lại:
- Chúng ta giúp con người bắt ruồi, muối sao họ còn bắt ta để làm gì. Cũng ăn thịt chúng ta à?
- Những người trẻ bắt chúng ta để làm đồ chơi ấy mà, lúc đó thì sống cũng khổ mà chết không được.
Chuồn chuồn Ngô dứt lời, chuồn chuồn Nâu nói thêm:
- Họ bắt được ta buộc chỉ vào đuôi, gắn thêm mẩu giấy nhỏ vào chỉ rồi thả cho chúng ta bay đi để cười. Con người đâu biết làm thế chúng ta không thể tránh được khi bị kẻ thù tấn công, cũng không đủ sức để bắt mồi đành chết đói.
- Sao người trẻ độc ác quá vậy?
 Chuồn chuồn Ớt xót xa thốt lên. Chuồn chuồn Kim kể:
- Khổ nhất là lũ chúng tôi, có lẽ vì thân hình nhỏ bé lại có nhiều màu sắc đẹp nên thường xuyên bị đuổi bắt, hành hạ.
Nghe xong, chuồn chuồn Ớt bật kêu lên:
- Con người ác thế, ta phải tránh xa chứ sao lại tập trung đến đây, bị bắt cả thì khổ.
- Không phải tất cả con người đều săn bắt chúng ta đâu, chỉ một số ít người trẻ nghịch ngợm mới xử sự như thế thôi, còn người lớn họ quý chúng ta. – Chuồn chuồn Bắp giải thích. Con người biết nhiều chuyện lắm nên chúng ta mới phải đến đây chứ.
- Có chuyện này nữa về con người, rất chi là lạ, nghe xong cấm cười đấy nhé.
 Chuồn chuồn Đá cố làm vẻ mặt nghiêm trọng, nhưng hình như đôi mắt lại đang cười, nói tiếp.
- Có người trẻ rình bắt được chúng tôi rồi liền vén áo bụng lên, dí miệng vào rốn để chúng tôi cắn vào rốn người.
- Làm gì có chuyện lạ thế?
Chuồn chuồn Ngô nghe đến đoạn bị bắt để cắn rốn người, vội kêu lên ngạc nhiên. Chuồn chuồn Đá từ tốn giải thích:
- Con người trẻ muốn biết bơi, nhưng sợ nước nên tin rằng bắt họ hàng chúng ta cắn vào rốn thì họ biết bơi ngay không cần phải học.
- Hô hô, ha ha, hi hi…
Cả lũ chuồn chuồn nghe đến đây, cười bò lăn ra vì sự ngốc nghếch của con người. Muốn bơi thì phải học, chứ chuồn chuồn đâu có phép màu nhiệm gì đâu mà cắn một cái thì… biết bơi. Đó là chưa kể, chuồn chuồn chuyên ăn ruồi, muỗi, côn trùng nhỏ khác; mồm đầy vi trùng có thể lây lan bệnh tật cho con người nếu bị cắn chảy máu.
Tùng, tùng, tùng!
Tiếng trống trường vang lên, những người trẻ đang nô đùa trên sân trường vội vã chạy đến trước cửa lớp xếp hàng. Lạ kỳ, họ xếp thành hàng rồi từ từ thành một hàng dọc như lũ kiến hành quân, theo nhau vào cửa, không ai chen ai. Một lúc sau có người nhiều tuổi hơn xách cặp chia nhau bước vào các phòng học. Thấy người nhiều tuổi bước vào, cả lớp đứng dậy cái rụp, động tác lạ chưa thấy ở loài nào như thế. Chuồn chuồn Ớt thì thào:
- Con người làm gì vậy?
Chuồn chuồn Nâu có lẽ gặp nhiều lần rồi, nói nhỏ:
- Học sinh đứng dậy chào thầy giáo khi vào lớp đấy mà.
- Ô, hay quá nhỉ, chắc lũ học sinh sợ bị thầy giáo đánh đòn à?
- Suỵt, im lặng để nghe nào.
Chuồn chuồn Đá nhắc nhở, cả không gian chỉ còn nghe tiếng chị Gió ve vuốt mấy cành cây ngoài sân. Thầy giáo bắt đầu công việc bằng việc bật máy chiếu, trên màn hình một chú chuồn chuồn Ớt đang bay trên một cái ao, thỉnh thoảng cái đuôi chạm vào mặt nước; cứ bay một đoạn lại chạm nhẹ đuôi xuống mặt nước…
Thầy giáo nói:
- Các em biết vì sao chuồn chuồn lại chạm đuôi vào mặt nước không? Đó là cách chuồn chuồn đẻ trứng xuống nước đấy. Tuy sống trên cạn, nhưng khi đẻ trứng, chuồn chuồn chuồn phải gửi trứng xuống nước. Nhờ nhiệt độ của nước, trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng lớn lên thành bọ ăn mày, có nơi còn gọi con xin cơm vì khi bị đưa lên khỏi mặt nước, hai chân trước thường giơ lên như đang cầu xin điều gì đó. Bọ ăn mày trưởng thành sẽ tìm cách leo lên các vật cao hơn mặt nước để mặt trời sưởi ấm, hong khô chiếc vỏ bên ngoài, rồi cởi bộ đồ cũ, ta gọi là lột xác thành chuồn chuồn.
Một người ngồi dưới lớp bỗng giơ tay, thầy giáo chỉ tay xuống, vậy là cậu ta từ từ đứng lên nói:
- Thưa thầy, thế chuồn chuồn đẻ trứng xong rồi thì đi đâu ạ?
Cả bầy chuồn chuồn tập trung ngoài cửa kính hình như nín thở, không dám vẫy cánh chờ để nghe câu trả lời mà chúng phải vượt qua bao nhiêu quãng đường dài, đầy gian nan đến đây chỉ để mong được nghe câu trả lời này đây. Thầy giáo mỉm cười, bảo:
- Em ngồi xuống! Sau khi đẻ trứng xong, cũng là lúc chuồn chuồn hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình, duy trì nòi giống… rồi theo quy luật của tự nhiên để một vòng đời mới của chuồn chuồn bắt đầu!
- Thì ra, cha mẹ chúng ta trước đây là vậy!
Chuồn chuồn Ngô ngậm ngùi nói. Chuồn chuồn Đá chép miệng, góp lời:
- Quy luật của tự nhiên phải vậy rồi, chúng ta đã là người lớn, không bao giờ có dịp gặp lại được ba má mình nữa. Đành vậy chứ biết làm sao được.
- Ừ, sự thật bao giờ cũng là sự thật, ta phải chấp nhận thôi.
Chuồn chuồn Ớt rầu rầu trả lời. Cả bầy chuồn chuồn từ từ tản đi, chúng tìm những người bạn có hình dáng giống nhau, cùng về nơi mình đã sinh ra, lớn lên, lột xác thành chuồn chuồn… Chuồn chuồn Ớt quyết định trở về xóm Bùn, nơi có mặt ao rộng và lũ bọ ăn mày nhỏ hơn đang sinh sống, kể lại cho chúng biết sự thực về ba mẹ.
 Trời vẫn cao vòi vọi, mây trắng nhởn nhơ bay và chị Gió hình như cũng đang nhè nhẹ chạy theo sau. Hành trình trở về lần này của chuồn chuồn Ớt không chỉ cô đơn một mình mà đã có thêm nhiều bạn bè cùng trang lứa bay theo.

Nhà sáng tác Nha Trang - mùa mưa bão năm 2017