Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

THĂM ĐỀN HÙNG

Nhân dịp về làm việc với Hội VHNT tỉnh Phú Thọ, được Văn phòng Hội dẫn lên thăm đền Hùng, xin giới thiệu cùng các bạn.
Đường lên đền thờ Hùng Vương (ảnh trên)
Đoàn VNS Dak Lak và Phú Thọ chụp ảnh lưu niệm trước cổng đền.



Cây THIÊN TUẾ đã có tuổi thọ trên 800 năm (ảnh trên)
Đền Trung (ảnh dưới)



Đền Thượng(ảnh trên)
Giếng Ngọc (ảnh dưới)




Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

VỀ THĂM ĐẤT TỔ

Ngày 23 tháng 11 năm 2013, đoàn Văn nghệ sĩ Đắk Lắk hành hương về  thăm Đất Tổ, thật không may gặp cảnh tác tắc cầu Việt Trì gần một giờ đồng hồ (ảnh dưới)


Vượt hơn 1000km cuối cùng Đoàn cũng tới được đền thờ Quốc tổ Lạc Long quân (ảnh trên)



 Đường vào đền thờ (ảnh trên)
Chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn Hội VHNT Phú Thọ  (ảnh dưới)



Thắp hương kính viếng Lạc Long Quân (ảnh trên)
Và quốc mẫu hiện về (ảnh dưới)



Kỷ niệm!

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

MỘT THOÁNG QUẢNG BÌNH


Bên tượng đài Mẹ Suốt

Bên bán đảo (ảnh trên)
Sông Nhật Lệ (ảnh dưới)



Di tích (ảnh trên)
 Chúng con canh giấc ngủ cho Đại Tướng (ảnh dưới)


Đoàn VNS Dak Lak chụp ảnh lưu niệm bên mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp chiều ngày 20/11/2013 (ảnh dưới)

Chiều ngày 20/11/2013, nhân dân vẫn lũ lượt đến viếng Đại Tướng (ảnh dưới)

Những cụ cao niên cũng vẫn cùng con cháu đến viếng Đại Tướng (ảnh trên)

Tháp chuông trước mộ Đại Tướng (ảnh trên)

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

THĂM LẠI TRƯỜNG XƯA bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 207 tháng 11 năm 2009





Đứng dưới chân đồi Chư Cúc nhìn về phía đông, thị trấn Ea Kar hiện ra với những ngôi nhà cao tầng nhấp nhô, sắp hàng như một thành phố sầm uất. Những ngôi nhà cao tầng quần tụ trên một khu đất rộng, sắp xếp khá đẹp mắt, làm ta có cảm tưởng như những mái nhà dài của người dân tộc Ê Đê được một phép mầu nào đó nâng cao và kiên cố hóa. Mái tôn xanh đỏ lấp lánh dưới ánh nắng thu càng tôn thêm vẻ đẹp của một khu phố mới sầm uất.
Nhìn cảnh vật như lạ, như quen, lòng tôi bồi hồi nhớ lại… Thế là đã hai mươi ba năm trôi qua; quảng thời gian không dài so với sự hình thành một vùng đất nhưng có những đổi thay đến không ngờ. Năm học 1986 – 1987, tôi được điều về làm Hiệu trưởng trường Phổ thông cơ sở Ngô Gia Tự, đóng ngay tại trung tâm thị trấn Ea Kar, cùng chung sân với Ban Giáo dục huyện. Tiếng là trường lớn nhất  của huyện với gần 100 cán bộ, giáo viên, công nhân viên của cả ba bậc học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở; nhưng cơ sở vật chất còn quá nghèo nán, ngoài 6 phòng học cấp 4, nền láng xi măng nhiều chỗ bong lên từng mảng, còn lại là nhà tạm, mái lợp tôn thưng ván, nền đất. Mùa khô lớp học bụi mù, nền đất tơi như bột; mùa mưa lại lầy như ruộng chuẩn bị cấy lúa. Cuộc sống vật chất lúc ấy rất khó khăn, nhưng ai cũng hồ hởi, vô tư hết mình vì học sinh. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11 năm 1986), ông Bùi Văn Mùa - Bí thư huyện ủy Ea Kar lúc bấy giờ đến thăm trường, chúc tết các thầy cô; khi nghe tôi kể lại một số trường hợp giáo viên và học sinh phải chịu cực như thế nào để bám lớp bám trường, ông đã không dấu được xúc động, và sau đó trường được đầu tư nâng cấp dần. Ngày ấy, có thêm mấy phòng học cấp 4 mái lợp ngói hay tôn cũng quý lắm, sang trọng lắm. Tôi còn nhớ, có hôm chuẩn bị chào cờ đầu tuần, cô Lâm Phúc Dung, Tổng phụ trách đội, mặt rầu rầu vào nói với tôi: “Học sinh nhiều em mặc phong phanh một tấm áo mỏng, rét tím cả người lại rồi. Ta có nên chào cờ nữa không anh?” Nhìn sân trường, gió lồng lộng, thầy cô còn có manh áo ấm lành lặn để mặc mà vẫn lạnh run người; còn các em, nhất là học sinh dân tộc tại chỗ, nhiều em chỉ có một bộ đồ mỏng mặc quanh năm, làm gì có áo ấm. Biết các em rét, nhưng vì phong trào chung của trường nên động viên mọi người phải cố. Cô Tổng phụ trách Đội ngày ấy, nay đã là Phó trưởng phòng Giáo dục của huyện rồi. Trên nền của ngôi trường xưa, nay đã tách ra xây ba ngôi trường mới: trường PTTH Ngô Gia Tự, trường PTCS Chu Văn An và trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai. Trường PTTH Ngô Gia Tự hôm nay không những là niềm tự hào của huyện Ea Kar mà của cả tỉnh Dak Lak về chất lượng đào tạo cũng như cơ sở vật chất. Hàng chục năm nay, hầu như năm nào đi thi trường cũng có học sinh giỏ đạt giải Quốc gia. Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai, đã được công nhận là trường chuẩn Quốc gia gia đoạn I. Ở giữa hai ngôi trường ấy là trường THCS Chu Văn An xây rất đẹp theo hình chữ U, sân trường trồng nhiều cây bóng mát, cành lá sum sê xanh tốt, nhiều cây ngọn đã cao hơn tầng hai của các lớp học. Sân trường đổ bê tông đến tận cửa các phòng học. Nơi ngày xưa, tôi phải xắn quần đến đầu gối, đi chân đất (trời mưa, đất đỏ dính không thể đi giày, dép được), xuống dự giờ khối 6, nay mọc lên nhà hiệu bộ hai tầng đồ sộ, nước sơn còn mới nguyên. Trường xây đẹp, sân trường bố trí cũng rất đẹp, dưới gốc cây bóng mát là cây cảnh và hoa, tao cho ta có cảm giác như nơi đây là một công viên chứ không phải sân trường; cách thực hiện tiêu chí khuôn viên trường theo xu hướng “xanh - sạch - đẹp – thân thiện” thật khéo. Giờ ra chơi, các em ùa ra sân trong nhũng bộ đồng phục áo trắng, quần xanh trông rất đẹp. Các bạn đồng nghiệp cũ nhận ra tôi xúm lại bắt tay, hỏi thăm. Những con người đã gắn bó lâu năm với trường  như: Lê Thị Minh Anh, cô giáo dạy văn nhiều năm liền là giáo viên giỏi cấp tỉnh; Nguyễn Thị Nguyên, Nguyễn Thị Hương, Phan Thị Thu Hiền… người đứng tuổi, người tóc đã đổi màu những vẫn say mê với trang giáo án. Các cô nói về trường như nói về gia đình mình xen một chút tự hào. Tôi lại bị bất ngờ trước các bạn đồng nghiệp cũ; họ ăn mặc đẹp hơn, và có lẽ cũng hơi… kiêu hãnh hơn một chút khi nói về trường mình. Trống trường nổi lên báo giờ vào lớp, các cô vồn vã chia tay tiếp tục buổi dạy.
Theo hướng dẫn của nhân viên bảo vệ, tôi lên gác gặp Hiệu trưởng nhà trường và giật mình đứng sững lại ngắm cây boongsai, gốc phải to đến 40cm được cắt tỉa, uốn khá công phu, có thế rất đẹp được kê ngay đầu cầu thang tầng hai. Thật không ngờ, trường đã đẹp, cách bố trí cây cảnh lại càng đẹp hơn. Đang mải ngắm cây boongsai, bỗng có tiếng hỏi: “Anh mới về!” Tôi quay lại nhận ra thầy Hiệu trưởng Dương Văn Vượng. Thầy Dương Văn Vương cho biết: “Cây bông sai này của Hội cha mẹ học sinh nhà trường tặng, nhân ngày khánh thành nhà hiệu bộ đấy”. Không ngờ mấy ông phụ huynh “chịu chơi” thật! Tìm được cây như thế này rất hiếm, thế mà lại tặng trường. Được phụ huynh kính trọng như vậy, chắc chắn việc dạy và học của trường phải có cái gì đó nổi bật nơi đây, tôi thầm nghỉ. Phòng Hiệu trưởng được bố trí khá đẹp mắt, ngoài bộ salong kiểu, tiếp khách kê phía ngoài, bên trong là bàn làm việc, máy vi tính xách tay, máy in, máy păk… Nhìn phòng làm việc của thầy Hiệu trưởng hôm nay, tôi lại chạnh lòng nhớ tới thời hai anh em làm quản lý ở trường THCS Đinh Tiên Hoàng, cách trung tâm huyện chưa đến 20 km; một gian nhà cấp 4 chiều ngang 3m, chiều dài 6m, ngăn đôi bằng hai tủ hồ sơ; một nửa phía ngoài chỉ đủ chỗ kê một bộ bàn ghế giáo viên dùng làm việc cho Ban giám hiệu; còn phía trong kê chiếc gường một để hai anh em ngủ chung. Đêm nằm không dám trở mình, sợ làm mất giấc ngủ của nhau. Khó khăn là vậy, nhưng rồi dần dần cũng vận động được địa phương xây nhà làm việc cho Hội đồng, nhà công vụ cho cán bộ giáo viên. Lúc cơ sở vật chất tạm ổn tôi lại phải chia tay trường đi nhận công tác nơi khác. Gặp lại nhau đây, bao kỷ niệm ùa về… sự đổi thay ngòai cả mơ ước.
Theo thầy Hiệu trưởng cho biết: năm học 2009 – 2010, trường có 20 lớp với tổng số 859 học sinh, trong đó 283 em là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ lên lớp đạt 97,2%, trong đó học lực khá - giỏi đạt trên 46%. Toàn trường có 19 phòng học được trang bị hơn 480 bộ bàn ghế tương hợp, đủ dạy và học hai ca; phòng tin học được trang bị đạt chuẩn; một nhà Hiệu bộ cao tầng, được trang bị hiện đại. Có được kết quả như trên một yếu tố hết sức quan trọng là ban Giám hiệu nhà trường cùng với Chi bộ đảng, biết tổ chức tốt công tác xã hội hóa Giáo dục, vận động phụ huynh tham gia các công việc của trường. Năm học vừa qua, một số doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn còn tổ chức tài trợ về vật chất cho các hoạt động thể dục - thể thao, văn nghệ cho nhà trường; ngòai ra còn tặng thưởng 4 xe đạp, mỗi chiếc trị giá trên 1.000.000đ cho 4 Đội viên đạt tiêu chuẩn “học sinh nghèo vượt khó”. Những việc làm làm từ thiện của các doanh nghiệp đối với trường đã góp phần quan trọng động viên tinh thần không những học sinh mà còn tác động tích cực đến cán bộ, giáo viên toàn trường. Phụ huynh quan tâm như thế, địa phương quan tâm như thế, các thầy cô phải dạy dỗ như thế nào cho xứng đáng với niềm tin của dân. Chính vì vậy toàn thể 44 cán bộ, giáo viên, công nhân viên toàn trường không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao tay nghề đi đôi với trao dồi đạo đức cách mạng, phấn đấu trở thàng những người Đảng viên ưu tú. Trường hiện nay có một chi bộ, 10 đảng viên; đây là hạt nhân quan trọng trong phong trào xây dựng đội ngũ nhà trường ngày một vững mạnh, nâng cao chất lượng dạy và học. Không có gì ngạc nhiên khi năm học 2008 – 2009 vừa qua, trường có một em đạt giải Học sinh giỏi Quốc gia, 14 em đạt Học sinh giỏi cấp tỉnh, 43 em đạt Học sinh giỏi cấp huyện. Không nói đâu xa, trại Hạ Xanh 12 do Hội VHNT tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo và Tỉnh đoàn thanh niên tổ chức hè vừa qua, nhà trường vinh dự có 4 em được mời tham gia, trong đó hai em người học sinh dân tộc tại chỗ có nhiều bài viết được đài báo địa phương đăng tải. Người xưa từng dạy “gieo gì gặt nấy” và quả thật như vậy; chính quyền cũng như nhân dân địa phương sát cánh cùng nhà trường thực hiện phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động nhân dân đóng góp công sức, tiền bạc cùng với đầu tư của nhà nước để hoàn thiện cơ sở vật chất trường học theo chuẩn hóa của ngành như: nâng cấp 21 phòng học, xây cổng, xây hàng rào v.v… Đây chính là một cách thiết thực nhà trường thực hiện cuộc vân động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Trả lời câu hỏi của tôi: “làm thế nào để phụ huynh tự nguyện góp công, góp sức xây dựng cơ sở vật chất nhà trường khang trang như thế này?” Thầy Dương Văn Vượng vui vẻ cho biết: “Cái quan trọng nhất phải làm sao cho người dân và chính quyền địa phương tin vào tập thể nhà trường mà muốn họ tin thì chỉ có cách là chất lượng đào tạo hay nói khác đi, sản phẩm của nhà trường làm ra – học sinh phải như thế nào; đó chính là thước đo lòng tôn trọng của dân đối với trường. Khi người dân tin vào ban Giám hiệu nhà trường, tin tưởng ở thầy cô, thì mọi người tự giác vận động nhau đóng góp để con cháu họ có điều kiện học tập tốt hơn. Bên cạnh đó lãnh đạo Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện cũng như Phòng Giáo dục – Đào tạo luôn luôn quan tâm sâu sát đến trường, đó chính những nguyên nhân dẫn đến thành công”. Từng công tác với nhau nhiều năm trong ngành Giáo dục, tôi rất khâm phục nghị lực vượt khó vươn lên của người Hiệu trưởng đang ngồi trước mặt. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng lại được tôi rèn trong những năm tháng gian khổ của chiến tranh ác liệt, thấu hiểu nỗi lòng của các bậc cha mẹ mong muốn con em mình có nơi học tập tốt nhất có thể, vì thế dù làm Hiệu trưởng ở trường nào, thầy Dương Văn Vượng cũng được Đảng, chính quyền tin cậy, nhân dân tin yêu nên xây dựng được phong trào Văn hoá – Giáo dục khá tốt như các trường: Phổ thông cơ sở Tô Hiệu, trường THCS Đinh Tiên Hoàng và nay là trường THCS Chu Văn AN. Đánh giá về nhà trường, ông Nguyễn Văn Vụ ở Hội cha mẹ học sinh của trường nói: “Chúng tôi rất yên tâm khi con cái được học tập tại đây vì nhà trường có nề nếp,  tập thể nhà trường đoàn kết, thầy cô gương mẫu, không những dạy giỏi mà còn tận tình với học sinh. Con cái về thường nhắc các thầy cô với niềm vui vẻ, tự hào. Tôi nghĩ đó chính là thước đo chính xác nhất”. Để xây dựng được trường điểm quả thật rất khó, cái đầu tiên là phải xây dựng được một tập thể sư phạm đoàn kết, Bác đã dạy: “Đoàn kết là sức mạnh”! Nhờ sự đoàn kết đó mà khó khăn nào cũng vượt qua và gặt hái thành công. Chuyện ghi ở một trường học đã chỉ ra một điều hết sức thú vị: Không chỉ ở các nhà trường mà trong các cơ quan đơn vị, việc xây dựng khối đòn kết là nhiệm vụ hàng đầu để đưa tới thành công. Không xây dựng được một tập thể đoàn kết thì không thể có một tập thể mạnh và làm việc gì cũng khó. Rời trường THCS Chu Văn An, tôi tin với tập thể đoàn kết cùng cán bộ lãnh đạo có năng lực, nhất định trường còn có những bước trưởng thành hơn nữa trong tương lai.

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

GHI Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐẦU TIÊN ĐẠT CHUẨN MỨC ĐỘ 2 CỦA TỈNH bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 231/T11/2011




Đầu tháng chín vừa qua, ngành Giáo dục, Đảng uỷ, chính quyền xã Cư Ni và trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ, huyện Ea Kar, long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2; đây là trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2 đầu tiên của tỉnh Dak Lak.
    Trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2003. Sau 8 năm phấn đấu kiên trì, bền bỉ của thầy trò nhà trường; được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể của địa phương và ngành Giáo dục; đặc biệt là sự quan tâm chăm lo sự nghiệp trồng người của các bậc cha mẹ, học sinh, nhà trường đã có sự trưởng thành lớn mạnh về mọi mặt. Đội ngũ, giáo viên, công nhân viên đủ về số lượng, đồng bộ về trình độ đào tạo; phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không ngừng được bồi dưỡng nâng cao, đó chính là nhân tố quyết định tạo nên chất lượng, hiệu quả giáo dục, giảng dạy mỗi năm một tiến bộ của nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Ánh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đến nay, nhà trường có 16/21giáo viên có trình độ trên chuẩn (tỷ lệ: 76,2%); Có 14/21 giáo viên là đảng viên đạt tỷ lệ: 66,7%; có 2 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 12 giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Nâng tổng số giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên đạt 70%. Với một đội ngũ giáo viên được “đỏ” hóa, điều đương nhiên chất lượng giảng dạy ngày một nâng cao và kết quả tất yếu, chất lượng giáo dục giữ vững và phát triển, không còn học sinh yếu kém, duy trì sĩ số hàng năm đạt 100%. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, trường có 100% số lớp học 2 buổi/ngày; số lượng học sinh xếp loại học lực loại giỏi đạt: 30,26%, Khá: 51,1%. Tỷ lệ học sinh lên lớp và học sinh xếp loại hạnh kiểm thực hiện đầy đủ đạt: 99,7%; là một trong bảy trường được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 năm 2011.
    Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục, dạy học ngày càng được tăng cường đầu tư theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và từng bước hiện đại. Bộ mặt cảnh quan trường lớp ngày một khang trang, sân trường cây bóng mát xanh tốt cao vượt tầng hai lớp học; dưới tán cây, các bồn hoa xanh tươi khoe sắc đủ màu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và làm thay đổi diện mạo nhà trường. Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây, với nhiều nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhà trường đã tham mưu với các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và Hội cha mẹ học sinh để xây dựng 8 phòng học cao tầng, 1 nhà giáo dục thể chất, 1 sân bóng đá mini và 1 cổng trường, mua sắm được 21 máy vi tính, 1 máy photo, 2 đèn chiếu và 4 máy in phục vụ công tác dạy và học của nhà trường. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng và mua sắm cơ sở vật chất thiết bị trường từ năm 2003 đến nay là 3.100.000.000 đồng (trong đó: Ngân sách Nhà nước là 2.400.000.000 đồng; huy động trong dân là 700.000.000 đồng). Trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ là một trong những đơn vị có thành tích về thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục vận động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và huy động mọi nguồn lực đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất trường học.
     Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Anh – Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết: Trong thời gian tới sẽ chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, Đảng uỷ, chính quyền xã Cư Ni và trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ, tiếp tục phát huy kết quả thực hiện chủ trương xã hội hoá Giáo dục, huy động mọi nguồn lực của xã hội cùng nguồn đầu tư của Nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá, từng bước hiện đại hoá; đồng thời tăng cường chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với các ngành đoàn thể của địa phương, có kế hoạch giải pháp cụ thể để xây dựng lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia hàng năm cho những trường còn lại trên địa bàn, thực hiện thắng lợi 5 nhiệm vụ của năm học 2011-2012. Đặc biệt, chú trọng công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, chất lượng dạy và học, chất lượng giáo dục toàn diện theo yêu cầu đổi mới hiện nay của ngành; thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào mà Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.
Đạt được kết quả đáng mừng nêu trên là do có sự chỉ đạo sát sao của Đảng, chính quyền địa phương các cấp và tập thể Ban giám hiệu nhà trường đoàn kết, được chèo lái bởi dòng nhiệt huyết của người hiệu trưởng nhiệt tình, năng động, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đã xây dựng trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ ngày một đổi mới, góp phần thúc đẩy phong trào giáo dục trên địa bàn xã Cư Ni có bước phát triển vượt bậc, xứng đáng với lòng tin yêu mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong xã, xứng danh là ngọn cờ đầu của ngành giáo dục huyện Ea Kar trong thời kỳ đổi mới.


Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

GIAN NAN ĐƯỜNG ĐẾN CÁI CHỮ bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 183 tháng 11 năm 2007






Đã lâu không có dịp về thăm huyện M’Đrak, phần vì bận công việc, phần vì đường sá xa xôi nên nhiều lúc cũng ngại. Quay đi quay lại đã đến ngày kỷ niệm ba mươi năm đặt chân vào Dak Lak của đoàn giáo sinh tỉnh Thanh Hoá (11 tháng 10 năm 1977 - 11 tháng 10 năm 2007); tôi quyết định “hành hương” về lại miền đất mà lần đầu tiên tôi đến nhận công tác trên quê hương thứ hai - Tây Nguyên. Rời thành phố Buôn Ma Thuột, trời lất phất mưa. Mùa mưa Tây Nguyên là vậy, phải chấp nhận thôi. Sau quãng đường tròn 90 km xuôi theo quốc lộ 26A, hướng về thành phố Nha Trang, tôi đến trung tâm huyện M’Đrak. Phòng Giáo dục huyện toạ lạc trong ngôi nhà hai tầng khá bề thế, có khuôn viên rộng rãi thoáng mát. Đón tôi tại phòng làm việc lại là người đồng nghiệp cũ cùng vào đợt 1977, thầy giáo Lê Cảnh Truật, Phó trưởng Phòng Giáo dục kiêm Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục huyện. Những kỷ niệm ba mươi năm trước ùa về...

I/ M’ĐRAK MỘT THỜI NHƯ THẾ:
… Ngày ấy đoàn giáo sinh Thanh Hoá được phân công về huyện M’Drak gồm mười chín người, trong đó riêng huyện Nông Cống đã có tới mười người, tám nam, hai nữ; huyện Hoằng Hoá quê hương của ngài trạng Quỳnh có ba người; huyện  Nga Sơn bốn người, huyện Quảng Xương hai người. Đến đón chúng tôi tại trường Trung học sư phạm (hồi đó còn ở cạnh sân bay Hoà Bình), ông Lê Văn Phú, Trưởng ban Giáo dục huyện bắt tay từng người đưa lên chiếc xe khách thuê của Hợp tác xã vận tải M’Đrak lên đón. Cả đoàn giáo sinh được đưa về trường cấp I-II Krông Zin ở tạm. Đây nguyên là trường Tiểu học thời Nguỵ nên cơ sở vật chất còn tàm tạm; Ban Giáo dục huyện cũng lấy hai phòng làm nơi ăn ở và làm việc. Những ngày đầu đến nhận công tác tất cả anh em giáo viên đều ở chung, cùng ăn với cán bộ Ban Giáo dục. Ngày ngày các thầy cô giáo lếch thếch cuốc bộ đến các buôn dân tộc người Êđê vận động con em đến tuổi ra lớp học đặt ngay tại buôn. Nhiều buôn cách xa nơi ở sáu, bảy km nhưng ai cũng vui vì cuộc sống tập thể và vì con nhà nông lần đầu tiên được làm Thầy, làm Cô… Thời ấy chưa ai có xe đạp, nhưng hàng tháng, hàng quý vẫn được phân phối phụ tùng xe đạp (tiêu chuẩn mà!). Cánh thanh niên không màng tới vì không biết lấy cái xăm, cái lốp hay cái xích, cái đèn xe đạp để làm gì. Qua năm 1978, tình hình căng hơn do bọn Fulrô hoạt động mạnh, các trường được thành lập thêm nên các thầy cô Giáo cũng phải chia tay nhau xuống các buôn lập lớp dạy học. Tôi vẫn ở lại trường cũ giảng dạy, mặc dù phải đi bộ đến lớp cách xa nơi ở gần 5 km.
Cuộc sống cứ bình lặng trôi đi, cái đói lúc đó là căn bệnh thường niên nhưng từ nhỏ cho đến khi làm thầy giáo, bọn chúng tôi hầu như chưa bao giờ được bữa no thì đói có là gì. Chỉ tội nghiệp hai cô bạn đồng hương cùng huyện ngày ngày theo chúng tôi đi dạy đến trưa về măït cứ tái mét vì đói; các cô không dám ăn vặt những thứ mà người dân trong buôn mang cho như cánh đàn ông. Khó khăn gian khổ là vậy nhưng chúng tôi vẫn rất vui vẻ bên nhau và đặc biệt cán bộ huyện, Ban giáo dục và Nhà trường sống với nhau như trong một gia đình, ấm cúng, vui vẻ.
Cuộc sống bỗng nhiên bị xáo trộn một cách đầy bất ngờ. Vào một đêm cuối tháng ba, khoảng hơn 21 giờ, chúng tôi đang quây quần soạn bài, bỗng giật mình bởi tiếng nổ chát chúa của đạn M72, rồi sau đó là tiếng M79, AR16 nổ như ngô rang, buôn Dak cách trung tâm thị trấn M’Đrak khoảng 3km bốc cháy sáng cả góc trời. Tiếng đạn cối của Công an, Huyện đội nã dồn dập nổ như pháo tết về phía sân bay chặn đường rút của bọn Fulrô. Chúng tôi chạy ra  hè nhà đứng nhìn về phía lửa cháy mà lòng đau xót, lo lắng vô cùng; vì nơi đó  chính là Trường nội trú huyện mới được thành lập, học sinh còn gửi ở tạm nhà dân, các thầy cô có hai căn nhà gianh vách che bằng những tấm ghi lát sân bay, vừa làm nơi ăn chốn ở, vừa là nhà ăn cho các em học sinh. Khoảng gần một tiếng sau, tiếng đạn nổ chỉ còn cầm chừng, chúng tôi chợt thấy ba bóng người lảo đảo chạy vào sân trường. Cả bọn ùa ra hét ầm lên khi nhận ra hai thầy và một cô giáo, không guốc dép, bàn chân tóe máu, quần áo bị rách lỗ chỗ, vừa chạy thoát từ  Trường nội trú về. Cả Ban Giáo dục và cánh giáo viên ở tập thể ôm chầm lấy các thầy cô, mắt ai cũng rưng rưng. Trong cái rủi có cái may, toàn bộ buôn Dak bị thiêu ruiï, 21 em học sinh bị thương, nhà Hiệu trưởng, Hiệu phó đều trúng đạn bốc cháy, tài sản mất sạch; nhưng không ai chết cả. Đau xót nhất khi chứng kiến cảnh một anh Công an huyện và một Trung uý quân đội bị bọn Fulrô bắn nát người một cách dã man ngay trước cổng trường; nếu không có hai người ấy thì tính mạng của hơn hai trăm thầy và trò sẽ ra sao!
Sau trận đó, học sinh nhiều em bỏ chạy về buôn, không dám đến học nữa. Các thầy cô, các ban ngành trong huyện lại phải đến từng nhà vận động các em đi học, tìm mọi cách có thể để đưa các em về trường. Thời ấy có một vị lãnh đạo Ty Giáo dục Dak Lak từng nhấn mạnh: lấy số lượng làm chất lượng. Chúng ta đưa được các em về trường là thắng lợi. Ngày ấy người dân còn cực khổ lắm, bữa đói bữa no; nhiều gia đình còn phải ăn khoai mài đào trong rừng thay cơm. Các em đến trường học được cấp quần áo, chăn màn, giày dép, sách vở và ngày ba bữa ăn dù cơm còn phải độn thêm bắp, khoai nhưng không bao giờ bị đói; vậy mà vận động các em đến trường cũng vô cùng cực nhọc.
Đầu tháng 7 năm 1979 UBND huyện M’Đrak có chủ trương thành lập Trường nội trú tại các xã, vì thế tôi được cử về xã Ea Trang, xã cuối cùng của huyện, giáp với tỉnh Phú Khánh, để chỉ đạo xây dựng trường kịp khai giảng năm học mới. Cả xã Ea Trang lúc bấy giờ chỉ có một hộ gia đình người Kinh làm nghề thầy cúng với bốn khẩu, còn lại là người dân tộc Êđê. Đi suốt chiều dài của xã theo quốc lộ 21 (sau này  đổi tên quốc lộ 26A) hơn 30 km không tìm đâu được đám đất bằng khoảng một hecta để dựng trường; cuối cùng phải chọn đỉnh một ngọn đồi ngay tại thôn Hai, đối diện với Trạm Kiểm soát Phượng Hoàng của Công an huyện, bên cạnh quốc lộ 21 để dựng trường. Tôi cùng với anh Chế Đình Đống - Trung úy quân đội người Nghệ Tĩnh tăng cường về làm Bí thư xã - vận động nhân dân đốn cột, cắt gianh, dựng được 8 phòng học, nhà kho, nhà ăn, nhà ở cho học sinh. Tuy nhà gianh vách nứa nhưng cao ráo, thoáng mát không thua kém bất kỳ ngôi nhà nào ở quê nghèo xứ Thanh tôi. Ngày khai trường, Ông Y Din - Chủ tịch huyện và ông Trưởng Ban Giáo dục Lê Văn Phú, cứ tấm tắc khen mãi. Có lẽ tôi “mát tay” làm phong trào nên bàn giao công trình xong, các ông lại điều tôi về Trường nội trú xã Krông Zin, một trường còn xây dựng dang dở mà vẫn phải khai giảng…
Có lẽ tại cái số xây dựng xong cơ sở vật chất, tôi được ở lại trường phụ trách lao động. Thời ấy tiêu chuẩn học sinh nội trú tương đối cao, mỗi em hàng tháng được cấp 15 kg lương thực, quần áo, chăn màn và tiền tiêu vặt, nhưng nhiều em vẫn bỏ học không chịu đến trường. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, lương thực rất khan hiếm, nhiều nơi phải cấp lương thực bằng đậu xanh, hạt mạch thay thế. Vì vậy huyện tổ chức khai hoang trồng khoai mỳ, học sinh nội trú cũng được điều động đi khai hoang. Trường nội trú Krông Zin được phân công cuốc đất trên một quả đồi phía sau trạm kiểm soát Khánh Dương. Buổi sáng hôm ấy, tôi cùng các em học sinh mải mê cuốc đất đến gần trưa, em Y Đoan lại bên tôi nói: Thầy nghỉ lại uống nước, để em làm cho! Tôi đưa cuốc cho Y Đoan và đi lại bên đường quốc lộ 21 để uống nước. Đi chưa được năm chục mét, bỗng tôi nghe một tiếng nổ lớn, giật mình quay lại; ngay chỗ tôi đứng cuốc lúc nãy, một cột khói đen bốc lên, bảy em học sinh đang quằn quại trên mặt đất. Tôi lao lại chỗ Y Đoan, em nằm bất tỉnh; mặt xạm đen vì khói thuốc; bụng, tay máu phun ra thành dòng. Cô Nguyễn Thị Hồng chạy lại cởi khăn đưa cho tôi buộc lại vết thương cho Y Đoan. Các thầy cô và nhân viên y tế của trường xúm lại băng bó cho các em bị thương. Có em hoảng quá vừa chạy vừa khóc, máu chảy thành dòng trên mặt đất. Các  thầy phải chạy theo giữ lại để băng bó. Khi xe đưa các em lên viện cấp cứu rồi, tôi lại chỗ Y Đoan nằm thấy lưỡi cuốc con gà Trung Quốc bị xé nát, mặt đất bị khoét một lỗ lớn như chíêc mẹt. Vô tình tôi đã để Y Đoan gánh thay trọn vẹn một quả mìn. Cũng may, nhờ cấp cứu kịp thời tất cả các em chỉ bị thương, không ai chết cả. Riêng Y Đoan nhờ lưỡi cuốc chắn mãnh đạn nên chỉ bị thương nặng. Vậy là để những người học trò bé nhỏ ở huyện M’Đrak đến được với cái chữ, không những thầy cô giáo mà cả học sinh đã phải đánh đổi bằng chính xương máu của mình.
Vì công việc của tổ chức giao, tháng 8 năm 1983, tôi đi học rồi chuyển công tác, chuyển ngành về trên thành phố Buôn Ma Thuột, không còn làm nghề dạy học  nữa, nhưng những kỷ niệm đẹp về mảnh đất này còn in đậm trong tôi.
Sau ba mươi năm trở lại, 19 giáo sinh đoàn Thanh Hoá vào huyện M’đrăk năm ấy giờ đây còn lại không nhiều. Người về cõi vĩnh hằng khi tuổi xuân chưa tròn 30 như Đỗ Văn Loan nguyên Phó hiệu trưởng trường PTTH Việt Xô. Người bị vật chất cám dỗ, rơi vào vòng lao tù. Người vì yêu cầu của tổ chức phải chuyển công tác về các địa phương khác. Giờ đây số còn lại chỉ có 6 người. Trong sáu người ấy, người đã và đang là Phó chủ tịch Huyện như Vũ Hữu Nhân và Lê Đình Điền; người làm Hiệu trưởng các trường trọng điểm của Huyện như Lê Ngọc Khu, Nguyễn Văn Tuấn; người tiếp tục giữ các trọng khác của ngành giáo dục như Lê Cảnh Truật, Nguyễn Văn Tường…. Dù trên cương vị công tác nào những người giáo sinh năm ấy vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, xứng danh người con xứ Thanh.
Lần này về huyện bên cạnh việc thăm lại vùng đất khi xưa từng công tác, giúp tôi trưởng thành, tôi còn có nhiệm vụ Tổng biên tập giao cho là tìm hiểu và viết về mô hình Trường Nội trú dân nuôi mà huyện M’Đrak hiện nay đang thực hiện. Khi biết ý định của tôi, thầy Lê Cảnh Truật vui vẻ nói: Vì điều kiện thực tế, hai năm học vừa qua ngành Giáo dục huyện đang thực hiện mô hình Trường nội trú dân nuôi. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Dak Lak, mỗi huyện có một trường nội trú dành riêng cho con em các dân tộc ít người theo học. Tuy nhiên do biên chế, trường chỉ tiếp nhận một lượng học sinh nhất định, vì thế còn một số học sinh đang học tại trường THCS nhà ở xa trường, không thể hàng ngày đi học và về nhà nên huyện cũng như ngành đồng ý với chủ trương xây dựng mô hình Trường nội trú dân nuôi. Hiểu một cách nôm na là học sinh đến ăn ở tại trường, cuối tuần hay cuối tháng các em mới tranh thủ về nhà lấy lương thực, hôm sau lại lên học. Việc ăn ở của các em do gia đình lo liệu hoàn toàn. Hiện nay huyện M’Đrak đang có ba trường thực hiện mô hình này.
- Nếu người dân chấp nhận như vậy thì quý hoá quá còn gì. Ngày trước ta đi nói rát  cổ bỏng họng, vận động cha mẹ các em cho con đi học, được ăn ở đàng hoàng mà ta lên cầu thang trước các em trốn xuống cầu thang sau, bắt học trò đi học như  Nguỵ bắt quân dịch.
- Nhưng thực hiện mô hình này cũng đang là vấn đề gian nan lắm! Thầy Lê Cảnh Truật nói thêm.

II/ THỰC TRẠNG Ở MỘT TRƯỜNG NỘI TRÚ DÂN NUÔI:
Để xem thử khó khăn đó như thế nào, tôi đề nghị thầy Lê Cảnh Truật đưa đến Trường nội trú dân nuôi đông học sinh nhất. Thầy vui vẻ nhận lời. Mặc dù trời mưa tầm tã, hai chúng tôi vẫn quyết định đi xe máy và xác định sẽ… ướt! Đường về Trường THCS Phan Bội Châu thuộc xã Ea Trang, dễ đi vì đó là đường quốc lộ 26A, con đường huyết mạch nối khu vực Tây Nguyên với thành phố Nha Trang. Sau quãng đường hơn 20km uốn lượn qua các đèo dốc quanh co, xe dừng lại trước căn nhà cấp bốn, nước vôi còn mới, nền xi măng, mái lợp tôn lạnh. Thấy chúng tôi vào, các cửa nhà đều bật mở, các em học sinh trong bảy phòng ở ùa ra  nhìn chúng tôi. Trong các phòng ở, mỗi phòng xếp bốn giường tầng. Hai bên đầu hồi nhà và toàn bộ phía sau khu nhà còn ba dãy lều lụp xụp, chạy dài, mái lợp nham nhở đoạn bằng cỏ gianh, đoạn bằng vải bạt, đoạn bằng tôn, có đoạn chỉ là những tấm nilông che phủ nhưng tất cả giống nhau ở độ cao không quá 1,5m, xung quang trống thiên, xoong nồi bày la liệt, chiếc nào chiếc ấy chỉ to bằng cái tô canh. Như đoán được sự ngạc nhiên của tôi, thầy Lê Cảnh Truật bùi ngùi nói: Đây là phòng ở mới được xây từ ngân sách  địa phương hỗ trợ một phần cho các em đang theo học tại Trường nội trú dân nuôi. Còn các túp lều dựng xung quanh đây là bếp mà cha, mẹ các em tự làm cho con mình có chỗ nấu ăn. Tất cả còn tạm bợ lắm. Nhưng đây là những em có may mắn, chứ nhiều em còn phải ở trong những chiếc chòi làm tạm chỉ che nắng chứ không che được mưa. Ta về trường chính sẽ thấy.
Hai chúng tôi đi theo quốc lộ 26A một đoạn nữa rồi rẽ vào con đường bê tông mới đổ, hai trụ cổng xây còn dang dở, chắc do mưa nhiều, không làm được. Hết dốc, sân trường hiện ra trong sự mượt mà của tán phượng, tán bàng cao chót vót; ngôi trường hai tầng màu sơn hồng hồng còn tươi nguyên, hai dãy nhà xây cấp bốn bên cạnh tạo thành hình chữ U bao lấy chiếc sân không được rộng lắm. Thế là tôi lại trở lại đúng ngôi trường Dân tộc nội trú xã Ea Trang. Sau 28 năm đi xa, mọi sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Qua màn mưa  dày đặc, tôi vẫn thấy dãy núi phía tây, cây keo tai tượng đã mọc cao vút. Năm 1979, khi tôi về đây dựng trường, buổi sáng thỉnh thoảng từng đôi mang rủ nhau ra nô đùa trên các triền núi làm tro bụi bay mù mịt; chiều về, từng đàn nai năm, sáu con nghênh ngang lang thang trên triền đồi đã bị đốt cháy trụi, trơ mặt đất đầy tro than đen sì; bọn chúng ăn tro và điềm nhiên nhìn xuống, không sợ sệt gì.
Đón chúng tôi ngay chân cầu thang đưa lên phòng làm việc là một thanh niên còn trẻ, cao, hơi gầy, tuổi độ ngoài ba chục. Qua giới thiệu của thầy Phó phòng tôi biết đó là thầy Nguyễn Mạnh Điệp, Hiệu trưởng nhà trường. Chúng tôi được mời lên phòng Hiệu trưởng; đó là một phòng học được ngăn đôi, ngoài bộ bàn ghế tiếp khách, dàn vi tính và bàn làm việc, chỉ có một cái tủ hồ sơ. Theo báo cáo của Hiệu trưởng, năm học 2007-2008 trường THCS Phan Bội Châu có 10 lớp với 412 em học sinh theo học, gồm bảy dân tộc khác nhau và không có em học sinh người Kinh nào. Trong số học sinh đang theo học tại trường có 152 học sinh là con em đồng bào các dân tộc ít người phía Bắc di dân tự do vào làm ăn sinh sống ở trong rừng sâu cách trường trên 20 km, cá biệt có em ở xa trường gần 60 km. Cha mẹ các em mong muốn con em mình được học chữ để sau này sống có ích cho xã hội nên 3 năm học gần đây đã mang con ra xin nhà trường cho được làm nhà ở lại trường; cuối tuần các em về nhà lấy lương thực, thực phẩm, đầu tuần ra học; có em ở xa quá thì hàng tuần cha mẹ mang ra cho. Nhìn các em sinh hoạt hàng ngày hai bữa ăn chỉ có cơm với bột canh, nước mắm; ít khi có được con cá khô; thương lắm nhưng không biết làm sao giúp được.
- Nơi ở của các em được bố trí như thế nào?
- Cực lắm anh ạ! - Thầy Hiệu trưởng giọng bùi ngùi trả lời tôi mà như có gì đó làm giọng nghèn nghẹn - Hiện nay trường mới có được bảy phòng ở cho các em, cố lắm chỉ thu xếp có chỗ ở cho 70 em, số còn lại phải tự túc nơi ở. Nói chính xác hơn là bố mẹ các em phải tự vào rừng chặt cây về dựng cho con em mình một túp lều bằng tất cả những thứ gì có thể kiếm được. Nhà khá giả thì mua vài tấm tôn, nhà nghèo thì cắt tranh hoặc mua vài mét ni lông căng lên che mưa nắng để các em ăn ngủ qua ngày, tội lắm!
- Quản lý các em ở lại trường như thế này bằng cách nào?
- Ban ngày giao cho giáo viên chủ nhiệm, ban đêm các thầy cô phân công nhau trực đôn đốc, quản lý học sinh. Toàn trường có 15 giáo viên, kể cả Ban Giám hiệu, phải chia  nhau ra mà trực, nhiều hôm nửa đêm có học sinh đau, ba bốn thầy cô lại phải thức trắng đưa các em về bệnh viện huyện cấp cứu cách xa hơn 20km, toàn đường đèo dốc như anh thấy đó. Cực lắm.
-Chế độ cho các thầy cô giảng dạy ở đây như thế  này được thực  hiện như thế nào?
- Chưa có chế độ gì cả - Thầy Lê Cảnh Truật trả lời - Hai năm học trước chưa có công văn hướng dẫn nên ngành không có kinh phí gì để hỗ trợ thêm cho các thầy cô làm công tác quản lý học sinh ở nội trú như thế này. Tất cả các giáo viên công tác tại các trường có học sinh nội trú dân nuôi tham gia quản lý học sinh được xem như đó là trách nhiệm, nghĩa vụ chứ không có phụ cấp như các trường nội trú chuyên biệt. Đây là một sự bất cập mà Phòng đã đề nghị nhưng đến năm nay UBND tỉnh mới ban hành quyết định 25 cho phép giáo viên quản lý học sinh nội trú dân nuôi được giảm ½ số tiết phải đảm nhiệm hàng tuần. Tuy muộn nhưng nó cũng kịp thời động viên anh chị em giáo viên đang công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn như thế này. Hiện nay trường còn thiếu giáo viên, nhiều thầy cô phải đảm nhận gần ba chục tiết trên tuần, riêng dạy và soạn giáo án đã không còn thời gian nghỉ, chưa kể đêm đêm phải xuống với học sinh, chỉ bảo thêm cho các em. Hơn 150 em ở nội trú mà chưa có nhân viên y tế chăm sóc sức khoẻ cho các em, tất cả đều đè nặng lên vai người thầy giáo. Biết là thiệt cho các thầy cô lắm nhưng điều kiện như vậy thì làm sao được.
Quả thật, tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, theo Luật Lao động thì các cán bộ quản lý ở đây làm sai, chưa đúng với quy định; nhưng về tình thì phải chấp nhận, tất cả vì học sinh thân yêu mà! Làm nghề giáo, dạy vùng sâu, vùng xa như thế này đúng là “thiệt đơn thiệt kép”. Điều kiện sinh hoạt khó khăn, công việc gánh vác lại nặng nề hơn mà không có thù lao gì. Chỉ riêng so với các đồng nghiệp dạy trường nội trú chuyên biệt, được ở ngay tại trung tâm huyện, sinh hoạt đầy đủ tiện nghi, phụ cấp  về quản lý học sinh mỗi tháng được nhận thêm 70% lương. Còn các thầy cô ở trường THCS Phan Bội Châu này, trước núi, sau núi, chỉ có một con đường chạy ngang qua, muốn mua sắm, hay kiếm đồ ăn tươi lại phải về trên thị trấn huyện cách xa hơn 20km. Ngôi trường nằm cheo leo trên đỉnh đồi, hai dòng khe nhỏ chảy hai bên sườn đồi vô tình tạo thành hai con hào tự nhiên tách biệt với dân. Đau ốm, bệnh tật không may mắc phải là nỗi cực cho người khoẻ. Thế nhưng tất cả các thầy cô cũng như cán bộ quản lý ở đây chịu khổ mãi thành “quen” nên nhìn ai cũng tươi vui, phấn khởi. Có lẽ sự ham học của các em học sinh làø liều thuốc tinh thần tốt nhất giúp các thầy cô chấp nhận với cuộc sống nơi đây.
Tôi đề nghị thầy Hiệu trưởng dẫn đi thăm khu nội trú của học sinh. Trời vẫn lất phất mưa, chúng tôi phải bước vội qua phía dãy nhà cấp bốn cho khỏi ướt. Trong phòng đầu tiên, có hai chiếc giường một kê ở hai góc, còn lại trên nền nhà trải 8 chiếc chiếu một liền nhau, phía giáp bờ tường, trên mỗi chiếc chiếu đều có một chiếc chăn đơn và một cái màn được gấp rất khéo. Hai em học sinh nữ mặc trang phục người H’ Mông, lưng dựa vào tường, kê sách lên đùi mải mê viết, không biết chúng tôi đến. Nhìn những cô bé ham mê học tập trong hoàn cảnh khó khăn như thế này lòng tôi cảm thấy như có lỗi với các em.
Như đoán được suy nghĩ của tôi, thầy Nguyễn Mạnh Điệp giải thích thêm: Để các em có được chỗ ăn ngủ thế này cũng quý lắm rồi. Nhà trường phải tính toán chi li, các thầy cô phải chấp nhận sinh hoạt chật chội để dành cho các em. Chúng tôi biết các em chỉ có một chiếc chiếu trải trên nền xi măng như thế này chắc chắn là lạnh lắm. Biết làm sao được. Nhưng so với các em ở ngoài kia thì…
Thầy Hiệu trưởng nghẹn lời, không nói tiếp được. Tôi chợt nghĩ: ngoài mấy tiếng ngồi trên lớp học, thời gian còn lại, các em phải nằm hoặc ngồi trên nền xi măng lạnh giá như thế này để học, để viết, để ngủ ư? Sức của các cô bé, cậu bé tuổi thiếu nhi làm sao có thể trụ nổi suốt chín tháng theo học? Ở ngoài kia người ta đang hô hào hướng dẫn học sinh ngồi bàn đúng tiêu chuẩn, ngồi đúng tư thế để chống các loại bệnh tật. Còn ở đây…!
Tôi đi theo thầy Hiệu trưởng ra phía sau dãy nhà, bất chợt hiện ra trước mắt tôi ba dãy lều dựng sát nhau, cái lợp bằng tôn, cái lợp bằng cỏ gianh, cái được phủ bằng cả tấm bạt lớn… che xung quanh cũng chẳng cái nào giống cái nào, cái được che bằng những thanh nứa đập dập, cái được kéo bằng vải bạt từ nóc xuống tận đất, cái được che bằng cỏ gianh. Bên trong những túp lều cao không quá mét rưỡi, rộng khoảng ba mét được lát tre đập dập, gác lên trên hai cây gỗ tròn dùng vừa làm giường, vừa làm bàn học cho các em. Xung quanh các chòi ấy là những vũng sình lầy, nước đọng. Một số em học sinh thấy tôi lom khom đi vào, đang ngồi học bài, vội nhảy xuồng đất cất tiếng chào.
Mang tâm trạng không vui khi phải chứng kiến cảnh học sinh ăn ở trong những túp lều tạm bợ, ngồi học không bàn, không ghế tới trao đổi với Đảng uỷ và Uỷ ban nhân dân xã Ea Trang, ông Y Bhiêm - Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ xã - cho biết thêm: Xã cũng biết các em ăn ở cực lắm, đã đề nghị lên cấp trên nhiều rồi. Như anh thấy đấy, đây là xã nghèo của huyện, dân cư ở rãi rác khắp nơi, có thôn muốn xuống thăm phải đi ra thị trấn huyện, qua 4 xã bạn mới đến được. Điều kiện chung khó khăn lắm, chỉ biết trông chờ cấp trên thôi!
Tôi hỏi thêm thầy Lê Cảnh Truật: Chẳng lẽ lãnh đạo phòng Giáo dục đành bó tay chấp nhận để học sinh ăn học mãi như thế này ư? Phải tìm ra biện pháp gì chứ.
-Ngành cũng đã đề xuất với lãnh đạo cấp trên hai phương án: Một là cấp trên hỗ trợ kinh phí xây dựng đủ phòng ở cho học sinh, trong các phòng ở ấy trang bị thêm cho các em có phương tiện sinh hoạt tối thiểu; hai là cho thành lập thêm một số trường THCS ghép với tiểu học, để các em có thể học lớp sáu, lớp bảy gần nhà, thu hút thêm học sinh; thời gian sau đủ học sinh, ta tách trưòng THCS ra riêng. Nếu thực hiện phương án hai sẽ khắc phục cơ bản tình hình học sinh phải ở lại nội trú dân nuôi như hiện nay, nhưng khó khăn là phải tăng biên chế giáo viên, đặc biệt là giáo viên THCS cho các trường, đây là điều mà chính quyền địa phương cấp huyện không thể tự quyết được.

III/ ĐÔI ĐIỀU TRĂN TRỞ: 
Tận mắt nhìn thấy cảnh các em ngồi học trong những chiếc lều đơn sơ, gió lùa như vào nhà trống, trên đình màn đôi chỗ các em căng thêm tấm ni lông chống dột, lòng cảm thương vô cùng. Qua trao đổi với một số em đang theo học nội trú dân nuôi ở đây, các em đều có một ao ước chung là học cho biết chữ để sau này có việc làm, khỏi khổ như bố mẹ. Có lẽ gia đình các em, những hộ nông dân nghèo thuộc các dân tộc ít người phía Bắc di cư tự do vào đây tìm kế sinh nhai, gia đình nào cũng đông con cái, nhiều em là con thứ bảy, thứ tám trong những gia đình chín, mười người con. Tuy con cái đông là vậy các ông bố bà mẹ ít học ấy vẫn mong muốn con cái mình dù cực nhọc đến mấy cũng phải học đến nơi đến chốn và hy vọng ngày mai con cái sẽ thoát nghèo. Chính vì hy vọng vào một tương lai tốt đẹp như thế nên họ chắt chiu từng đồng, từng hạt gạo, củ khoai để hàng tuần, hàng tháng băng rừng lội suối vượt cả mấy chục km cõng gạo ra trường cho con ăn học. Người dân đã biết quý cái chữ, kính trọng thầy cô giáo đó là dấu hiệu của một xã hội văn minh và đó cũng là truyền thống hiếu học từ xa xưa của người dân nước Việt, không phân biệt đó là dân tộc nào. Trong điều kiện trăm bề thiếu thốn  như thế, các em học sinh dù lớn hay bé vẫn miệt mài học tập, thấy  đáng quý biết chừng nào.
Chia tay với các thầy cô giáo và học sinh trường THCS Phan Bội Châu, lòng tôi trĩu nặng những băn khoăn trăn trở, xen lẫn lo âu. Nếu khu nội trú của trường không được khắc phục, bệnh tật sẽ hoành hành như cận thị, vẹo cột sống, sốt rét… đẩy một lớp người mới của chúng ta vì ham mê học sẽ ra sao? Làm cách gì để khuyến khích không những các em mà cả gia đình những người nông dân nghèo thuộc đồng bào dân tộc ít người, trình độ dân trí thấp phải từ biệt quê hương bản quán, nơi chôn rau, cắt rốn đi tìm miếng cơm manh áo nơi “đất khách quê người” mà vẫn còng lưng chịu khổ, chịu cực cho con em mình theo học cái chữ của Đảng, của Bác với mong muốn đổi đời. Điều đó chứng tỏ người dân đâu chỉ vì cơm áo gạo tiền của cuộc sống đời thường, mà cái cao hơn, cái cần thiết hơn đối với những hộ nông dân này là tri thức cho thế hệ con cháu mai sau. Để các em học sinh phải ăn ở trong điều kiện như hiện nay ở trường THCS Phan Bội Châu theo mô hình trường nội trú dân nuôi là lỗi của chúng ta - những được Đảng và nhân dân tin tưởng giao cho trọng trách quản lý. Đây mới chỉ là một trường được quan tâm đầu tư của ngành, chính quyền các cấp mà còn như vậy, không biết các trường khác, với mô hình này trong huyện cũng như nơi khác sẽ như thế nào? Mong sao qua trang viết nhỏ này giúp các cấp, các ngành có liên quan thấy được thực tế đang tồn tại ở trường nội trú dân nuôi mà tìm biện pháp khắc phục ngay, không để tình trạng này kéo dài.


Mùa mưa năm 2007

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

NHÌN LẠI 4 NĂM QUA CỦA VĂN HỌC TỈNH NHÀ tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 219 tháng 11 năm 2010





Kể từ sau Đại hội IV – tháng 11 năm 2006 đến nay, có thể nói lực lượng sáng tác Văn Học tỉnh nhà đã có những khởi sắc rất ấn tượng so với khóa trước cả về số lượng và chất lượng.
Đầu nhiệm kỳ, BCH Chi hội chia chi hội làm 4 tổ theo địa bàn nơi cư trú để thuận tiện sinh hoạt thường xuyên. Nhờ phân chia tổ mà các Hội viên sinh hoạt thường xuyên hơn, chất lượng sinh hoạt ngày một đi sâu vào việc nâng cao chất lượng sáng tác. Kết quả được thể hiện qua các báo, tạp chí Trung ương được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước quan tâm như báo: Văn Nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ Công an, Nhân Dân (chuyên mục văn hóa văn nghệ thứ 7 hàng tuần); Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Diễn đàn văn nghệ… liên tục xuất hiện những sáng tác của các cây bút là hội viên Hội VHNT Dak Lak như: nhà thơ Văn Thảnh, nhà thơ Lê Vĩnh Tài, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, nhà văn Niê thanh Mai, nhà văn Khôi Nguyên, nhà văn Hồng Chiến, nhà văn Đàm Lan… Thật mừng, có những tác giả trong vài năm gần đây hầu như toàn bộ những tác phẩm được đăng tải trên tạp chí ChưYangSin sau đó đều được các báo Nhân Dân hoặc báo Văn nghệ Công An đăng lại một cách trang trọng ngay trên trang nhất, điều đó khẳng định Hội viên của Hội VHNT Dak Lak nói chung và Tạp chí Chư Yang Sin nói riêng đã đứng được trong lòng bạn đọc cả nước.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, một số tác giả của Dak Lak đã có những tác phẩm được xem là có bước đi đột phá, thể hiện sự tìm tòi, đổi mới cho thi ca, được dư luận cả nước đánh giá cao như: Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, nhà thơ Lê Vĩnh Tài… đã mang lại cho văn học Dak Lak một cách nhìn mới. Bên cạnh những thành công về nghệ thuật, các tác giả ở Dak Lak còn cho công bố một số lượng tác phẩm khá nhiều, điển hình như: “Nỗi buồn đi qua” – tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Hoàng Thu, “Luật của rừng” – tiểu thuyết của nhà văn Kim Nhất, “Bí mật rừng thiêng” - truyện dài của Hồng Chiến… tới những tập sách được đầu tư sáng tác công phu, in ấn đẹp về thơ có: “Đêm và những khúc rời của Vũ”, “Liên Tưởng” của Lê Vĩnh Tài; “Đi qua mùa hạ”, “Phía bên kia cây cầu”- của Đinh Thị Như Thúy; “Lời chân thành của cỏ” của Đặng Bá Tiến; “Cái lùng tung” của Trần Văn Hội; “Uống rượu bên nhà mồ” của Trần Chi; “Mùa lá chín” Lê Huy Thành; “Nghiệm” của Quách Thành; “Tặng người tôi yêu” của Hoàng Thiên Nga; “Dòng sông tiếng hát” của Nguyễn Trọng Đồng; “Vũ điệu lá” của Nguyễn Man Kim; “Nốt nhạc trầm” của Hoàng Chuyên; “Những điều trông thấy”, “Ước mơ nhà rông” của Đỗ Toàn Diện; “Người tình ngoài sổ sách” của Văn Thanh; “Tiếng hát từ trái tim” của Phan Quốc Sủng; “Ốc và ếch” của Lê Quý Phóng; Tiếng chiêng nhà dài của H’Trem Knul…
Về truyện ký có: “Hoa rù rì’ của nhà văn Nguyên Hương; “Sự nhầm lẫn”, “Trái tim đàn ông” của Đàm Lan; “Nhân danh ai” của H’Linh Niê; “Dã quỳ và tượng gỗ” của Khôi Nguyên; “Tiếng kêu chim én” của Hồng Chiến; “Hoa của Đại ngàn” của Bích Thiêm… Và còn nhiều nữa, nhưng vì thời gian không cho phép nên tôi chỉ điểm qua vài đầu sách được dư luận chú ý để Đại hội chúng ta cùng biết.
Có thể khẳng định: trong nhiệm kỳ vừa qua, chi hội hăn Học đã có những thành tích đặc biệt suất sắc trong hoạt động sáng tác. Đạt được kết quả đó ngoài sự nỗ lực vươn lên của anh chị em hội viên còn có sự quan tâm của lãnh đạo Hội VHNT tỉnh nhà tạo điều kiện cho anh chị em được đi thực tế sáng tác nhiều, đặc biệt trong hai năm 2007 – 2008 có nhiều lượt hội viên được đi thực tế. Chính những đợt đi thực tế ấy đã giúp các nhà văn, nhà thơ có thêm tư liệu cuộc sống, tận mắt chứng kiến những đổi thay của đất nước và đồng thời hiểu thêm những vấn đề chưa được, cần phải lên tiếng như một lời dự báo trước để lãnh đạo các cấp, các nghành biết và điều chỉnh cho phù hợp với lợi ích quốc gia và nguyện vọng của đa số nhân dân.
Bên cạnh công tác sáng tác, việc tổ chức các đêm thơ Nguyên Tiêu, hội thảo về tạp chí ChưYangSin, tọa đàm  - giao lưu  giới thiệu tác giả, tác phẩm với công chúng ở các huyện Ea Kar, thị xã Buôn Hồ, trường DTNT Nơ Trang Lơng… đã thực sự đi vào đời sống văn hóa cộng đồng có tính chất rất thuyết phục, lôi cuốn đông đảo bạn yêu thơ đến dự. Những thành quả đó là rất lớn, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của địa phưong nói riêng và văn học nước nhà nói chung.
Bên cạnh những mặt được cần phát huy, vẫn còn những tồn tại đang cần có hướng khắc phục trong thời gian tới như: đại đa số các anh chị em văn nghệ sĩ nói chung và anh chị em thuộc chuyên ngành Văn học nói riêng, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước trong công cuộc đổi mới, nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vẫn còn một vài cá thể chưa chấp nhận với cơ chế hiện hành, có biểu hiện lệch lạc trong một vài chi tiết ở tác phẩm của mình.
Nghị quyết 23 về Xây dựng nền VHNT Việt Nam trong thời kỳ mới của Bộ Chính trị đã khẳng định thêm một lần nữa vai trò người văn nghệ sỹ với công cuộc xây dựng đất nước của Đảng ta trong tình hình mới. Lẽ ra khi có Nghị quyết này, lãng đạo Tỉnh ủy và Lãnh đạo Hội VHNT cần phối hợp biên soạn tài liệu phù hợp với từng chuyên ngành để anh em hội viên được nghiên cứu, góp ý với lãnh đạo địa phương – tìm ra cái gì được, cái gì chưa được để rút kinh nghiệm làm cho tốt hơn; tiếc rằng điều này ta chưa làm. Mặt khác hai năm gần đây, một số hoạt đông thường niên trước đây làm rất tốt như: Giới thiệu những tác phẩm mới xuất bản của anh chị em hội viên với công chúng, tổ chức hội thảo, tọa đàm… đã không làm được. Nhiều bài vở đã đặt đọc trong tọa đàm, hội thảo nhưng rồi phải bỏ… Hoạt động phong trào có phần bị trầm xuống, sinh hoạt của một số tổ không duy trì đều đặn, thông tin văn nghệ cũng không được cập nhật thường xuyên đến hội viên.
Tổ chức Đêm Thơ Nguyên Tiêu của năm gần đây không còn hấp dẫn khán giả và đặc biệt năm 2010 ngoài đêm 14 tháng Giêng tổ chức ở trường Nội trú Nơ trang Lơng được đánh giá là thành công, lôi cuốn nhiều người đến dự, còn tại đình Lạc Giao – nơi được xem là đất Linh của Dak Lak, mọi năm vẫn có ngày thơ tổ chức rất hoành tráng, nay bỏ không tổ chức, chỉ tổ chức đêm Nguyên tiêu tại Nhà Văn hoá Trung tâm tỉnh; tiếc rằng đêm đó là đêm biểu diễn ca nhạc phổ thơ, nhiều hội viên đến dự giữa chừng bỏ về vì thất vọng, còn một số người cố ngồi lại tưởng được nghe đọc thơ thì… càng buồn hơn.
Công tác xét tài trợ, đầu tư cho sáng tác và công bố tác phẩm cần được chặt chẽ hơn nữa, đầu tư có trọng điểm. Những người có đề cương viết tiểu thuyết, cần được hỗ trợ ở những mức đặc biệt, với thời gian hoàn thành từ 1 đến 4 năm có như thế người viết mới có đủ điều kiện sáng tác. Hội cũng cần ưu tiên cho những cây bút là người dân tộc thiểu số để họ có tạm đủ điều kiện vật chất tối thiểu, hoàn thành các tác phẩm lớn viết trong nhiều năm, nếu chúng ta không làm được như vậy là có lỗi với thế hệ mai sau.
Hiện nay các chi hội trực thuộc Hội VHNT Dak Lak, không có kinh phí hoạt động (ngoài 50% Hội phí thu hằng năm); để duy trì hoạt động thường niên của các Chi hội, xin đề xuất Ban chấp hành khóa mới trích một phần tiền trong quỹ hỗ trợ của UBLH hàng năm cấp thêm cho các chi hội có kinh phí hoạt động và phân bổ định mức tài trợ cho các chi hội nắm được để đề xuất với hội đồng quỹ tài trợ cho hội viên cũng như lên kế hoạch đi thực tế sáng tác cho chi hội mình.
Vấn đề cuối cùng tôi xin đề xuất với Đại hội là vấn đề hội viên. Hiện nay ở một số chi hội có hội viên bỏ sinh hoạt trên 5 năm, không đóng Hội phí. Nay đề nghị Ban chấp hành khoá tới, với trường hợp hội viên Hội VHNT Dak Lak vì công công tác hay hoàn cảnh gia đình chuyển công tác về địa phương khác nhưng vẫn có nguyện vọng được lưu tên ở Hội, thì những hội viên này phải được xem như hội viên danh dự do Văn phòng Hội trực tiếp quản lý, không phải đóng hội phí, không phải tham gia sinh hoạt định kỳ, nhưng được tham gia những hoạt động lớn của Hội như: Đại hội toàn thể, hay Hội nghị giữa nhiệm kỳ.

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

TÀN MÀ KHÔNG PHẾ ghi chép của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN số: 243 tháng 11 năm 2012



Xe của cơ quan Hội Văn nghệ Đắk Lắk vượt qua chặng đường gần 70 km mới tới được Ủy ban nhân dân xã Buôn Triết, huyện Lăk; sau khi ký giấy đi đường cho Đoàn, vị cán bộ xã còn tận tình hướng dẫn: “Các anh đến thăm Hợp hở, đi thẳng đường này khoảng hơn một km, gặp kênh dẫn nước lát bê tông rẽ phải theo bờ kênh độ một km là đến. Đường khó đi đấy, chắc để xe ngoài đường đi bộ vào thôi.” Quả thật đường quá xấu, xe máy cày, công nông chạy nhiều nên toàn ổ voi, ổ trâu, ô tô không đi được, anh em trong đoàn phải đi bộ vào.
Trời vừa mưa xong, đất thịt bám vào giày dép tạo thành một cái đế nặng chịch rất khó đi. Trầy trật mãi, khoảng cách một km cũng phải lùi lại phía sau, chúng tôi đặt chân tới nơi cần phải đến. Ngôi nhà ba gian hai chái lợp ngói, thưng ván, quay hướng tây, đúng kiểu nhà truyền thống của người dân đồng bằng Bắc bộ. Trước nhà, sân phơi lát gạch rộng độ ba chục mét vuông. Ra sân đón chúng tôi, một bà lão đầu chít khăn mỏ quạ có khuôn mặt khắc khổ nhưng phúc hậu cứ xúyt xoa mãi câu: “Các bác vất vả quá”!  
Gian giữa nhà kê bàn thờ và bộ bàn ghế gỗ làm chỗ uống nước, hai gian hai bên để hai chiếc giường. Nhà thơ Huệ Nguyên ngồi xếp bằng trên chiếc giường kê bên phải. Thấy chúng tôi đến, Huệ Nguyên cất tiếng chào mà nước mắt rưng rưng. Tôi nắm chặt bàn tay gân guốc, hay chính xác hơn: chỉ còn da bọc xương và bàn tay chỉ còn ba ngón cử động được. Nắm tay nhà thơ, ký ức ùa về: Đầu năm 2007, khi Ban vận động sáng tác Văn học Đắk Lắk năm 2006, do Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh – Truyền hình và Hội Văn Nghệ Đắk Lắk tổ chức kết thúc, tôi may mắn là một trong số những người đạt giải. Tại lễ trao giải, khi Ban tổ chức xướng tên: Nguyễn Văn Hợp - bút danh Huệ Nguyên. Bỗng phía cuối hội trường một người đàn ông nhỏ con, tuổi chắc phải ngoài sáu chục, cõng trên lưng người con trai gầy còm, nhưng khuôn mặt lộ vẻ thông minh, đôi mắt sáng bước lên bục. Cả hội trường lặng ngắt, rồi bất chợt ai đó vỗ tay làm tất cả mọi người đứng bật dậy vỗ tay theo bước chân hai người. Người cõng con run run nói: “Tôi là cha của cháu, cháu bị bại liệt mấy năm nay rồi. Hai cha con đi khắp từ Nam ra Bắc mà không có bệnh viện nào chữa cho cháu được…” Ông nghẹn ngào không nói tiếp. Hình ảnh người thanh niên, tay ôm cổ cha, tay cầm bó hoa Ban tổ chức trao và cả hai khuôn mặt tràn đầy nước mắt ám ảnh tôi mãi.
Khi về nhận công tác tại cơ quan Hội, tôi đã định thu xếp xuống thăm nhà thơ, nhưng công việc cứ dồn dập thành ra mãi mà không đi được. Mới đây nhà thơ Phạm Doanh – Nguyên Phó chủ tịch Hội, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin, đã nghỉ hưu, lên cơ quan bùi ngùi nói: “Huệ Nguyên thời gian này đang bị ốm, người gầy lắm”. Nghe thấy thế, tôi quyết định gác mọi công việc lại, tổ chức anh em trong Văn phòng Hội xuống thăm nhà thơ - người hội viên đặc biệt của Hội.
Qua phút xúc động, nhà thơ Huệ Nguyên tâm sự cho chúng tôi biết: Sinh ra và lớn lên, em vẫn bình thường như bao người cùng trang lứa cho tới năm học được nửa học kỳ đầu năm lớp 11, em bị sốt và căn bệnh quái ác dày vò, cơ thể teo tóp dần. Bố em nguyên là bộ đội hoạt động trên chiến trường nước bạn Lào trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cho tận ngày thống nhất đất nước mới xuất ngũ về quê. Theo tiếng gọi của Đảng, gia đình từ biệt quê Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình vào định cư tại đây, cuộc sống bước đầu tạm ổn. Không may con ngã bệnh, người cha đã cõng con đi khắp các bệnh viện từ Nam ra Bắc, ai chỉ đâu thì cõng con đến đấy; nhưng mọi thuốc thang vẫn không thể ngăn bệnh phát triển; căn bệnh lạ này y học hiện nay bó tay. Thế là hàng ngày Hợp quanh quẩn trên chiếc giường, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ cha mẹ giúp đỡ, trừ việc đánh răng rửa mặt. Có lúc em cũng đã tuyệt vọng, nghĩ quẩn khi thấy người em song sinh tốt nghiệp đại học đi dạy học, tự nuôi bản thân; còn mình thì không những không tự kiếm sống lại làm khổ thêm gia đình. Bao nhiều tiền gom góp của bố mẹ, anh chị em trong gia đình đều đội nón ra đi để đổi lấy thuốc thanh mà vẫn không mang lại tí hy vọng gì. Sống thế này có nên sống không? Trong tận cùng của nỗi đau vì sự hành hạ của bệnh tật còn có sự dằn vặt bản thân của một người thanh niên vừa mới lớn đã tàn phế, thành gánh nặng cho gia đình. Hiểu nỗi buồn và trăn trở của con, người cha bớt cả tiền ăn ít ỏi hàng ngày của gia đình mua sách báo cho con đọc, động viên con cố vượt lên, hi vọng vào ngày mai. Chính nhờ qua sách báo ấy mà nhà thơ tương lai tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm” cho mình: Hợp đã tìm đường đi cho đời mình bằng các trang viết. Thương con, cha tự tay đóng một chiếc bàn nho nhỏ để lúc con bớt đau có thể ngồi dậy viết và từ chiếc bàn nhỏ kê trên giường bệnh, các bài thơ đã ra đời.
Bước ngoặt của cuộc đời Hợp bất chợt đến khi đọc được trên báo Đắk Lắk biết tin có cuộc “Vận động sáng tác Văn học năm 2006”. Hợp nhờ cha gửi đi một chùm ba bài và đạt giải ngay cuộc thi lần ấy. Cuộc sống tưởng như vô vọng đã bật mở cánh cửa đón người thanh niên bị bệnh nan y trở thành tật nguyền có thể sống có ích cho cuộc sống. Chiếc giường bệnh và bốn bức vách không còn là nơi giam cầm, tù hãm; mà nó góp phần thi vị hóa, có ý nghĩa hơn với cuộc đời của Hợp. Nhà thơ đã tự mình vượt qua bốn bức tường ấy sống có ích cho xã hội và có ích cho mọi người. Từ những ý nghĩ tiêu cực về cuộc sống, Nguyễn Văn Hợp đã vươn ra xa, đến với mọi người trên khắp cả nước qua cái tên thân thương: nhà thơ HUỆ NGUYÊN.
Năm 2008, nhà văn – nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm tặng Huệ Nguyên một dàn vi tính, nối mạng. Nhờ dàn máy này, Huệ Nguyên liên lạc được với bạn bè trên khắp cả nước và tham gia cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí Văn nghệ cả nước. Thơ Huệ Nguyên làm xúc động lòng người, góp phần làm đẹp cho cuộc sống và được bạn bè cả nước đón nhận, đánh giá cao. Năm 2010, Huệ Nguyên cho ra mắt bạn đọc tác phẩm đầu tay: “Thơ và tôi” và đều đặn tiếp theo mỗi năm có thêm một tập thơ mới: “Ngày xa em” năm 2011, “Mùa gọi” năm 2012; tính đến cuối năm 2012 Huệ Nguyên đã có thêm năm tập thơ in chung.
Ngồi trên giường bệnh, hai chân bị liệt, hai tay chỉ có thể gõ trên bàn phím máy vi tính, vậy mà hàng tháng Huệ Nguyên vẫn đều đều gửi đến các tòa soạn thơ mới của mình. Điều gì giúp người thanh niên tật nguyền 27 tuổi này có thể làm được điều kỳ diệu này? Tôi mang điều trăn trở của mình hỏi nhà thơ. Nghe tôi hỏi, nhà thơ Huệ Nguyên tươi cười nói:
 Bác Hồ đã dạy:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền”
Cháu nghĩ, mình không thể “đào núi và lấp biển”, nhưng còn có thể sống có ích cho cuộc đời, miễn là phải tìm ra cách thôi; và cháu đã tìm ra con đường cho riêng mình là đến với Văn học Nghệ thuật.

 Khi chia tay nhà thơ Huệ Nguyên ra về, tôi thật sự khâm phục ý chí của nhà thơ, người đã vượt qua số phận khắc nghiệt, trụ lại với đời. Không những thế mà còn sống có ích, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn lên bằng chính trang viết của mình. Phải chăng đó là bản lĩnh của con người Việt Nam chúng ta luôn biết vươn lên trên mọi hoàn cảnh khó khăn để tìm thấy ý nghĩa cuộc sống và sống cho tốt hơn. Hình ảnh nhà thơ Huệ Nguyên bị trọng bệnh nhưng vẫn vui vẻ sống và sống có ích cho xã hội, thực sự là tấm gương cho các bạn thanh thiếu niên hôm nay học tập. Nhà thơ đã học và làm theo lời dạy của Bác: “Tàn mà không phế!”