Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

GIẢI THƯỞNG VHNT DAK LAK NĂM 2014

Hội đồng Giải thưởng Hội VHNT Dak Lak họp xét giải VHNT năm 2014

Sáng ngày 30 tháng 10 năm 2014, tại văn phòng Hội VHNT Dak Lắk, Hội đồng Giải thưởng VHNT của Hội đã xét giải năm 2014 dưới sự chủ trì của Nhà văn Lê Khôi Nguyên - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội. Hội đồng nhất trí trao giải thưởng VHNT năm 2014 gốm: 
04 giải A: 
1. tác phẩm Tượng tròn  của Họa sỹ Nguyễn Tân;
2. tác phẩm Nghề thủ công truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên của Nhà văn - Nhạc sỹ Linh Nga Niê Kdam
3. tác phầm Nắng Cao nguyên của NSNA Bảo hưng
4. tập thơ Phía ngày loang nắng của Nhà thơ Huệ Nguyên.
 05 giải B:  
1. tác phẩm Quân xanh màu lá của Họa sỹ Ngô Tiến Sĩ
2.  tác phẩm Cái chữ vùng cao của NSNA Nam Phương; 
3. Chùm thơ 8 bài của Nhà thơ Vũ Dy; 
4. Ca khúc Âm vang ngày mới của Nhạc sỹ Nguyễn Văn Hạnh; 
5. ca khúc Niềm vui sống của Nhạc sỹ Lê Nhật Thanh.
07 giải C
1. tác phẩm Biển đảo quê hương của họa sỹ Trương Văn Linh; 
2. tác phẩm Sự tích hạt gạo của Trương Bi; 
3. tác phẩm Lễ hội mùa xuân của NSNA Lê Quang Khải; 
4. chùm thơ 9 bài của Nhà thơ Tiến Thảo; 
5. chùm 04 truyện ngắn của Nhà văn H'Xíu Hmok; 
6. chùm 04 truyện ngắn của Nhà văn Nguyễn Anh Đào; 
7. ca khúc Krong Păc tôi yêu của Nhạc sỹ Nguyễn Hưng.
. Xin được gửi lời chúc mừng và chia vui với các tác giả đoạt giải

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

ĐƯỢC TẶNG THƠ!

Nhà thơ NGUYỄN THỊ VIỆT NGA 

Uống cà phê với Hồng Chiến ở quán Thiên Đường

Thiên Đường ngỡ ở đâu xa
Loanh quanh phố núi hóa ra rất gần
Cà phê dẫu đắng vạn lần
Vẫn không đắng đót như thân phận người…

Vinh hoa, chỉ áng mây trôi
Sảy chân mới biết tình người thắm, phai
Đêm thì ngắn, mộng thì dài
Phải đâu như gió, thổi hoài trăm năm

Cà phề từng giọt âm thầm
Rơi hoang mang xuống những lầm lẫn xưa
Đã đành sau nắng sẽ mưa
Làm sao sống được như chưa-có-gì

Ngày mai cát bụi thiên di…
Uống đi, cay đắng một ly, một đời…
Bao nhiêu hoa thắm đâu rồi?
Xòe tay chỉ thấy có… mười ngón tay.

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 266 - tác giả THANH VÂN





VÀI CẢM NHẬN QUA MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN
CỦA H’SIÊU BYĂ
                                                 


Văn học viết về các dân tộc thiểu số luôn là mảng đề tài hấp dẫn và cuốn hút người đọc như một khu rừng bí ẩn thôi thúc độc giả tìm hiểu và khám phá, như một chìa khóa mở ra giải mã cho chúng ta hiểu về nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc miền núi. Trong những tác giả viết về đề tài này có tác phẩm được đăng trên tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin, phải kể đến H’Siêu Byă với những truyện ngắn được sáng tác trong vài tháng gần đây, như: Tôi, Brem và gã con trai họ Kpă, Mùa này dã quỳ nở rộ, Sự tích thác Dray K’nao…
H’Siêu Byă, người dân tộc Êđê sinh ra và lớn lên trên vùng thảo nguyên M’Đrắk thơ mộng, mảnh đất thân yêu ấy có bề dày văn hóa lâu đời của dân tộc Êđê. Được lớn lên hít thở trong môi trường văn hóa của dân tộc mình nên các tác phẩm của cây bút này đã đem đến cho người đọc một sự ngạc nhiên thú vị về đời sống tràn ngập không gian núi rừng và những truyền thống tốt đẹp của buôn làng mang đậm bản sắc dân tộc. Các tác phẩm của HSiêu không có sự gay gắt đấu tranh giữa cái thiện và cái ác mà bằng giọng văn trữ tình, tác giả đã viết về tình yêu đôi lứa mang đậm âm hưởng và phong cách của người Êđê. Tình yêu đó óng ánh, sóng sánh như những giọt mật ong rừng. Qua đó khắc họa nên chân dung của những “chàng trai, cô gái da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” với những tâm hồn, tính cách và tình cảm hoang dã nhưng rất trong trẻo. Trong như những giọt sương long lanh đọng trên lá  kơ nia soi mình dưới nắng ban mai.
Tác giả viết về vùng đất và con người của dân tộc mình với một niềm tự hào và sự say mê mãnh liệt. Từng câu chữ, lời văn mang hơi thở cuộc sống  đậm bản sắc dân tộc, bản sắc đó được thể hiện rõ nhất trong cách kể của tác giả: “Tiếng hát ấy đã níu chân hai chị em tôi và chúng tôi cùng gùi tiếng hát ấy về đến cầu thang nhà dài của mí”, “Căn nhà dài càng trống trải và lạnh như mùa canh rẫy” (Tôi, Brem và gã con trai họ Kpă). Câu văn đọc lên nghe như câu thơ, bản nhạc trữ tình nhưng cũng rất gần gũi với tiếng nói thường ngày của người dân bản địa.
Với nguồn cảm hứng dạt dào, tác giả đã phác họa cảnh đầy sắc màu sinh động của miền sơn cước. Cách sử dụng từ linh hoạt, các hình ảnh miêu tả sự vật có thêm những hoạt động cụ thể với biện pháp nhân hóa làm cho lời văn có sức gợi đã đưa người đọc đến với những hình ảnh rất độc đáo của Tây Nguyên. Hơn nữa với tình yêu tha thiết cảnh vật, thiên nhiên nơi mình sinh ra và lớn lên nên cảnh vật như cũng có linh hồn: “Trên trời cao, những đám mây mặc váy thổ cẩm nhảy múa điệu chim Grứ. Mềm mại và uyển chuyển xoay vòng, xoay vòng rồi giật giật cánh tay, ngón tay quanh mặt trăng đang cười hả hê nửa mặt” (Tôi, Brem và gã con trai họ Kpă). Tác giả dùng ngôn từ rất hiện đại nhưng vẫn giữ được nét riêng biệt của người Êđê, đan xen một chút tự hào về quê mình và ẩn chứa trong ấy niềm kiêu hãnh về vị thế người phụ nữ Tây Nguyên đang biến mình thành đám mây mặc váy đi dự hội.
Cách sử dụng từ của tác giả nữ Êđê còn trẻ tuổi đời nhưng rất “già” trong cách chinh phục người đọc bằng ngôn từ rất đặc biệt, thể hiện sự quan sát tinh tế, sự hòa đồng sâu sắc và một vốn sống dồi dào về dân tộc mình mới có thể chắt chiu để biểu đạt: “Chiều lắm rồi. Buôn mình rục rịch nhóm bếp lửa chuẩn bị buổi tối, đám khói ngoằn ngoèo, chúng chụm lại và toác miệng cười ha hả đắc chí về chuyện tình vỡ toang hoang như quả bầu khô của mình…”, “Ngồi phịch xuống tảng đá, tảng đá cựa quậy, nhìn cánh đồng quỳ, cánh đồng quỳ cựa quậy, ngó đám mây, đám mây, đám mây cựa quậy, liếc dãy núi, dày núi chao đảo ngả nghiêng” (Mùa này dã quỳ nở rộ). Nói về tình yêu tan vỡ nhưng không dùng từ bi quan, than vãn mà bằng giọng điệu riêng của mình, tác giả vẫn diễn tả được hết nỗi đau đớn, vật vã, bão tố… trong lòng nhân vật qua hình ảnh đám khói, tảng đá, cánh đồng… đọc xong ta chỉ biết thốt lên: Hay, độc đáo!
Tác giả còn gây ấn tượng cho người đọc bởi sự mới lạ, khi sử dụng phép so sánh thì hình ảnh được so sánh rất gần gũi, gắn bó với đồng bào Êđê mang tính đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Tả về vẻ đẹp của chàng trai, tác giả đã viết: “đẹp trai và dũng mãnh như con rắn hổ mang đang gầm gừ trong hang như người già vẫn thường ví…” và “bờ vai rộng và chắc như gỗ kate trong rừng” hoặc “Mặt chàng áp sát vào má tôi, phả lên đấy những hơi thở nóng hổi quyến rũ của con cầy hương mê hoặc” (Tôi, Brem và gã con trai họ Kpă), “Aduôn mình đã già hơn cây M’nut cạnh bìa rừng, lưng còng hơn chiếc cần uống rượu…” (Mùa này dã quỳ nở rộ). Nếu không sinh ra và lớn lên trong buôn làng Êđê thì không thể có được những những từ ngữ gợi hình ảnh rất đặc sắc người Tây Nguyên, vừa hoang dại vừa hư ảo như ta thường thấy trong chuyện cổ tích của người Kinh, lời khan của người Êđê!
Trong các truyện ngắn của mình, tác giả không trau chuốt lời văn theo kiểu “nhả ngọc, phun châu”, không cầu kì trong văn phong mà bằng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời văn trong sáng, thể hiện cả tình lẫn ý của tác giả,  con người hiện ra với những tính cách chân chất, vẻ đẹp mặn mòi, duyên dáng thuần hậu. Đặc biệt những chất liệu đặc sắc trong khan của người Êđê được tác giả sử dụng rất thành công: “Vào một ngày trời hanh khô và nắng nóng, con rắn chui vào hang, con mang ngừng ăn tìm chỗ trú, con cú, con vẹt trong tổ không chịu ra, các cô gái trong buôn rủ nhau ra dòng thác tắm táp và nô đùa” (Sự tích thác Đray Knăo); thiên nhiên trên thảo nguyên hiện ra rất thực, rất gần gũi, con người và thiên nhiên như hòa quyện vào nhau. Qua mỗi tác phẩm, chúng ta như đang xem một cuốn phim với những triền đồi khe suối, những dãi hoa quỳ vàng ruộm, cuộc sống, sinh hoạt và phong tục tập quán của dân tộc Tây Nguyên đang hòa trong âm thanh của đing năm, cồng chiêng và những rung ngân của núi rừng.
Mỗi tác phẩm như một chiếc cầu nối để giúp chúng ta hiểu và thêm yêu con người Êđê rất đỗi thật thà, bình dị, hiểu thêm một kho tàng văn hóa đang tiềm ẩn, hiểu thêm một tấm lòng ưu ái đang đau đáu với việc giữ gìn và phát huy bản sắc của dân tộc mình. Hy vọng rằng, với sức trẻ đang căng tràn nhựa sống và năng lực sáng tác của H’Siêu Byă, bạn đọc sẽ được đọc nhiều tác phẩm đậm hơi thở núi rừng, giàu bản sắc Tây Nguyên.




Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

THEO CHÂN NHỮNG NGƯỜI ĐI CHINH PHỤC Ghi chép của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 266 THÁNG 10 NĂM 2014

Tác giả HỒNG CHIẾN






Tháng 8, trời Tây Nguyên lúc nào cũng sụt sùi sẵn sàng trút nước xuống; mưa từng cơn dai dẳng không dứt ra được. Đến ngày hẹn với lãnh đạo Công ty Cổ phần cơ giới Đồng Tâm đi thăm anh em đang thi công tại công trình ở cửa khẩu Bu Prăng trên biên giới Việt Nam - Vương quốc Căm Pu Chia, trời có đỡ u ám hơn. Anh Trần Đức Thành, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty đến đón chúng tôi, vui vẻ thông báo:
- Trời thương anh em mình nên hôm nay xuất phát không bị mưa như mấy ngày vừa qua. Trên công trình, anh em vừa điện về thông báo buổi sáng mưa nặng hạt khoảng ba mươi phút, giờ đã tạnh rồi.
Xe rời thành phố Buôn Ma Thuột nhằm hướng nam theo quốc lộ 14A thẳng tiến, trời đầy mây nhưng không mưa. Qua trạm thu phí huyện Cư Jut thấy mấy người đứng bên đường chào bán động vật thật độc đáo: rắn to như cổ tay trẻ em được cột đầu vào que còn thân cuộn tròn siết chặt cây que; kỳ đà từng con nặng cỡ hai, hoặc ba ký trói hai chân trước ra sau lưng treo toòng teng trên ngọn cây tre cắm bên đường; còn nhím từng đôi một, mình dính đầy đất đỏ được nhốt trong các lồng sắt… tôi ngạc nhiên kêu lên:
-Rừng ở đây còn nhiều thú quá nhỉ?
-Toàn thú nuôi cả đấy – anh Thành quay lại trả lời tôi.
-Vậy à, thế mà em cứ tưởng người ta vừa bắt được ở trong rừng mang ra đường bán đấy.
Nghe tôi nói anh em trên xe cười òa.
Xe qua địa phận huyện Đăk Min một đoạn, rẽ phải; anh Thành thông báo:
 - Chúng ta đi theo quốc lộ 14 C, con đường này chạy sát biên giới.
- Thế à! Nhà thơ Đặng Bá Tiến - Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin ngạc nhiên hỏi lại và nói thêm: Tỉnh Đăk Nông tôi đi nhiều nhưng chưa đi theo đường này bao giờ.
- Năm 2001 tôi đã đi theo đường này đến thăm các đồn biên phòng, khi ấy rừng còn nhiều lắm, có chỗ còn thấy khỉ chạy ngang qua đường; bây giờ thì… nhà văn Khôi Nguyên - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nói không hết câu giọng ngậm ngùi.
Nhìn qua cửa xe, dấu vết của cánh rừng ngày xưa chỉ sót lại vài cái gốc cây cháy chưa hết nhô lên bên những nương khoai, sắn trải dài theo hai bên đường… Xa xa những mái nhà tôn nhiều màu sắc nhấp nhô khoe mình giữa màu xanh của hoa màu đang độ mùa mưa. Đăk Nông vùng đất nổi tiếng có đặc sản khoai lang được nhiều nước ưa thích, nhất là Nhật Bản; khoai ở đây vỏ đỏ, ruột vàng ăn có mùi vị riêng mà không nơi nào có.
Hết đường nhựa, xe bắt đầu đi vào đường đất, trời vừa mới mưa xong, mặt đường khá lầy, nhiều xe máy đi ngược chiều bùn ngập vành, trông cứ như vừa đi bừa dưới ruộng lên. Anh Thành nói vui:
- Nghề chúng tôi luôn phải lặn lội thế này đấy, khi chưa có đường thì phải làm cho có đường, có đường rồi lại làm cho nó đẹp hơn lên và khi đã đẹp rồi thì giao lại để tiếp tục đi mở những con đường mới.
- Ngoài công trình chúng ta đến thăm, công ty còn có công trình nào nữa đang thi công không anh? Nhà thơ Đặng Bá Tiến hỏi.
- Công ty hiện có ba công trình lớn đang làm ở bên các nước bạn và tỉnh Gia Lai, nhưng nay đang mùa mưa, công việc chỉ làm cầm chừng thôi, đa số máy móc được dừng để sửa chữa, bảo dưỡng, chờ mùa khô mới làm tiếp được. Anh Thành trả lời.
- Thời buổi suy thoái kinh tế, Công ty mình vẫn kiếm được đủ việc cho anh em làm như thế này thì giỏi quá.
- Cũng phải cố chứ biết làm sao được, thời kinh tế thị trường phải năng động một chút mới sống được anh ạ. Anh Thành vui vẻ trả lời. 
Nghe anh Thành trả lời, tôi thấy vui vui và có chút băn khoăn; anh em công tác tại công ty ai cũng to khỏe, ngay như anh Sáu lái xe chở đoàn đi đang hoàn tất hồ sơ nghỉ hưu cũng vạm vỡ, như vận động viên bóng chuyền; thế mà ông Chủ tịch hội đồng quản trị lại có dáng người cao gầy khuôn mặt luôn đăm chiêu. Anh, người con trai xứ Thanh gắn bó với công ty hơn ba chục năm, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của công ty trước khi được tín nhiệm cử giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị như hiện nay. Công ty trải qua ba thế hệ chuyển giao lãnh đạo, anh là những người thuộc lớp thứ ba biết cùng tập thể lãnh đạo, động viên anh em phát huy truyền thống công ty, đoàn kết, khắc phục khó khăn, tiếp tục ổn định và phát triển.
Đường xấu, xe lắc lư như đánh võng, nhiều đoạn uốn lượn qua các “ổ trâu, ổ voi” mà xe vẫn bám được mặt đường; thế mới biết các anh lái xe công trình phải giỏi tay nghề như thế nào để hoàn thành công việc của mình. Gần đến cửa khẩu tất cả những người ngồi trên xe phải thốt lên ngạc nhiên trước cảnh đẹp đến bất ngờ hiện qua khung cửa; nhà thơ Đặng Bá Tiến kêu lên:
- Dừng lại, dừng lại!
Xe dừng, mọi người bước vội xuống xe, ngỡ ngàng nhìn những đồi cỏ xanh mượt mà nối tiếp nhau trải dài đến hút tầm mắt. Cỏ ở đây chỉ mọc cao độ mười xăng ti mét, giống như được người ta thường xuyên cắt tỉa, chăm sóc chu đáo. Trên thảm cỏ ấy được trang điểm thêm những bông hoa vàng, hoa trắng nhỏ bé, mảnh mai thỉnh thoảng mới có một cây thân gỗ đứng đơn côi, làm tăng thêm vẻ đẹp hoang vu của vùng biên thùy. Thôi thì, người có máy ảnh thi nhau bấm, người không có máy cứ đứng ngẩn ra nhìn. Tôi biết cả anh Sáu lái xe và anh Thành đã qua đây rất nhiều lần, nhưng nhìn cách họ ngắm đồng cỏ cứ như lần đầu thấy; thế mới biết tình cảm của con người Việt Nam với non sông đất nước mình. Vùng đệm do con người quy định để phân biệt ranh giới giữa hai quốc gia, nhưng thiên nhiên thì lại không có ranh giới nào cả, cỏ cây, hoa lá tất cả đều như đua nhau khoe với đất trời vẻ đẹp kiêu sa của mình.
Gần trưa, chúng tôi cũng đến được Đội Công trình: Là đơn vị chuyên thi công các công trình giao thông - thuỷ lợi trực thuộc Công ty đang thi công công trình nâng cấp quốc lộ 14 C, đoạn giáp cửa khẩu Bu Prăng thuộc địa phận xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông. Thấy chúng tôi đến, mấy anh em công nhân ùa ra đón, tay bắt mặt mừng như anh em lâu ngày đi xa trở về nhà làm vơi đi sự mệt mỏi cả một chặng đường dài vừa qua. Anh Nguyễn Duy Ứng, Đội trưởng chỉ huy công trình báo cáo cho đoàn biết sơ lược một số nét về đơn vị: Đơn vị nhận thi công nâng cấp 2km quốc lộ 14 C, đường cấp I với số vốn đầu tư 26 tỷ. Công trình khởi công từ đầu tháng 4 năm nay (2013), dự tính sẽ hoàn thành và bàn giao vào tháng 6 năm 2014 đúng kế hoạch đề ra. Do hiện nay đang mùa mưa nên không thể thi công vì không đảm bảo kỹ thuật, công việc chủ yếu của đơn vị là trực để đảm bảo giao thông trên tuyến đường đang thi công phòng mưa lũ, sạt đường. Quân số đơn vị trực hiện nay ở đây lãnh đạo có ba người: đội trưởng và hai đội phó cùng 15 công nhân kỹ thuật. Tôi trao đổi với anh Trần Thanh Văn, một công nhân trẻ nhất đơn vị, có nước da trắng, người to như đô vật, anh cho biết: Em quê ở thành phố Thanh Hóa, tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh năm 2011, đã đi xin việc nhiều nơi nhưng không được tuyển. Được biết Công ty đang tuyển công nhân phụ lái máy nên xin vào để học thêm nghề mới. Đơn vị tuy ở công trường nhưng sinh hoạt cũng vui, ngoài giờ làm việc có sân bóng chuyền để luyện tập, không chơi bóng thì đọc báo; đơn vị cấp đủ các loại báo lớn hiện nay như: Lao động, Tiền phong, Thanh niên, Tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin… ngoài ra còn có ti vi, vi tính... nên về món ăn tinh thần thì không thiếu. Lương trung bình hàng tháng trên dưới mười triệu về mùa khô, mùa mưa thì dao động từ bốn đến năm triệu, tùy theo thời tiết. Khó khăn nhất ở đây là nước sinh hoạt; mùa mưa như thế này chỗ nào cũng có nước, chỉ cần đào xuống nửa mét là có nước dùng, nhưng mùa khô phải đi xa hơn km mới đến được suối có nước để lấy về dùng.
Tranh thủ trời đang hửng nắng, anh Nguyễn Duy Ứng mời anh em trong đoàn ra thăm công trình đơn vị đảm nhiệm. Rời phòng làm việc, chúng tôi bước ra sân thấy: xe ben, xe lu, máy xúc, máy ủi… đứng xếp hàng quanh hai khu nhà lợp tôn làm nơi ăn nghỉ cho cán bộ và công nhân của đơn vị. Vùng đất đơn vị ở, nguyên là một quả đồi được đào, ủi, hạ độ cao xuống gần chục mét để có mặt bằng dựng trại, làm nơi tập kết máy và cả một sân bóng chuyền đúng tiêu chuẩn. Nhà thơ Đặng Bá Tiến hỏi:
- Vùng đất này theo tôi biết là nơi “ổ” của sốt rét, lãnh đạo đơn vị có biện pháp gì để đảm bảo khẩu phần ăn cho công nhân và phòng chống bệnh sốt rét không?
- Ăn thì có “Công ty cấp bốn – hai sọt” luôn đảm bảo yêu cầu cho đơn vị, còn phòng chống bệnh sốt rét nói riêng và các bệnh khác có tủ thuốc công ty đưa xuống rồi. Việc sơ cứu những trường hợp bất thường được chuẩn bị đầy đủ, còn bệnh nặng đã có xe để chuyển viện; đơn vị cơ giới mà anh. Anh Huỳnh Tiến Dũng, đội phó trả lời.
“Công ty cấp bốn – Hai sọt” là kiểu công ty gì vậy? Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
- Bác này - nhà văn Khôi Nguyên cười trả lời tôi - đây là cách anh em gọi những người bán hàng đi xe máy thồ hai sọt hàng hai bên xe ấy.
- À ra thế, nay mình mới biết.
- Mấy người bán hàng rong này giỏi lắm, lầy lội thế nào họ cũng đi được và rất đúng hẹn dù có mưa gió cỡ nào đi  nữa – anh Dũng nói thêm.
Đoạn công trình đơn vị đang thi công khá dốc, nhiều đoạn có dốc gấp khúc phải nắn lại bằng cách xẻ đôi cả một quả đồi cao hàng chục mét; lại có đoạn dài hơn 100 mét phải xây kè cao hàng chục mét ôm lấy sườn núi. Nhìn con đường lúc đầu đất màu đỏ, nhưng quan sát kỹ thấy toàn đá sỏi cơm nên mưa xuống không bị lầy như đất đỏ ba zan, lại thấm nước nhanh. Anh Phạm Văn Duân, đội phó phụ trách kỹ thuật còn khá trẻ cho chúng tôi biết thêm:
- Các bác thấy đấy, đoạn đường này chỉ cách cửa khẩu chừng vài trăm mét thôi, nhưng vì nhiều đồi, suối lớn, địa chất phức tạp, việc thi công khó khăn lắm; những chỗ vách núi cao làm chưa xong gặp mưa lớn trút xuống thế là đất từ trên đỉnh núi kéo xuống lấp hết, đơn vị lại phải làm lại gần như từ đầu. Cực lắm.
Bên lề đường, Công ty dựng thêm một căn lều phủ bạt để xi măng, các ống cống đúc, có đường kính một mét để khá nhiều; tất cả số vật liệu tập kết tại đây để chuẩn bị cho công việc mùa khô sắp tới. Đường gần cửa khẩu nhưng vắng người qua lại có lẽ do đang mùa mưa và đường thi công chưa xong thì phải. Rời công trình đang thi công, chúng tôi quay lại nơi đơn vị đóng trại, anh Nguyễn Duy Ứng hào hứng cho biết thêm: “Kế hoạch công ty giao cho phải đạt 8 tỷ một năm, với đà này chúng tôi chắc chắn hoàn thành”. Nghe vậy cả đoàn cười vui, mừng cho đơn vị, trong lúc nền kinh tế cả thế giới cùng bị suy thoái, nhiều công ty lớn trong nước bị phá sản vì làm ăn thua lỗ; còn các anh vẫn có việc làm, vẫn đạt doanh thu cao, điều đó không mừng sao được. Tuy đơn vị thi công xa công ty, nhưng mỗi đội thi công vẫn có một chi bộ, công đoàn bộ phận, chi đoàn thanh niên… vì thế đảm bảo vai trò lãnh đạo thông suốt của Đảng đến tận từng cá nhân. Chi bộ ra nghị quyết, định hướng; chính quyền lên kế hoạch; tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên hăng hái thực hiện.
Công ty cổ phần Cơ giới Đồng Tâm đạt được kết quả như hôm nay là nhờ có một đội ngũ lãnh đạo năng động, biết kế thừa truyền thống vẻ vang của đơn vị đã được xây đắp qua các thời kỳ như: Giám đốc đầu tiên Nguyễn La Vân; Giám đốc – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vũ Đức Bùi, Bí thư Đảng ủy Tô Bá Tham… và hôm nay những người lãnh đạo mới của Công ty như anh Trần Đức Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị; anh Trần Quốc An – Giám đốc… tiếp tục đưa Công ty ngày một phát triển lớn mạnh, đáp ứng đòi hỏi khắt khe của tình hình mới, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo.  
Chia tay anh em Đội Công trình, lòng tôi có cảm giác lâng lâng khó tả; vui vì các anh có việc làm, có thu nhập cao và mọi người trên dưới một lòng hết mình vì công việc chung; mừng vì trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, các anh vẫn vui vẻ làm việc và đảm bảo sức khỏe công tác lâu dài, để hoàn thành nhiệm vụ; không những thế đơn vị còn thu hút nhiều lao động là những kỹ sư trẻ, có tay nghề cao đến với Công ty. Các anh, những người công dân bình thường đang lao động hết mình cho công việc vì biết: con đường làm xong, cửa khẩu Bu Prăng sẽ là đầu mối nối tỉnh Đăk Nông với Vương quốc Cam pu chia, vươn qua Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác; từ đó mở ra hướng phát triển mới không chỉ cho một tỉnh mà cả khu vực Nam Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ. Những củ khoai lang xứ Boxit – Đăk Nông sẽ còn vươn xa qua nhiều nước hơn nữa để góp phần nâng cao đời sống cho người dân nơi đây nói riêng, quảng bá cho tiềm năng du lịch tỉnh nhà nói chung và sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho cả vùng ngày một trù phú.






Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 266 - tác giả H’SIÊU BYĂ

Tác giả H'SIÊU BYA


THĂM BUÔN YĂ WĂM MÙA MƯA
Tản văn



Nhà mẹ ở M’Đrăk.
Nhà bố ở Cư M’gar.
Mùa mưa, mình bắt xe ngược lên vùng Cư M’gar thăm bà nội ở buôn Yă Wăm.
Buôn Yă Wăm nhầy nhụa trong bùn đất đỏ, những chiếc cà kheo chỏng chơ long khấc rải rác ở hai bên đường. Mình đoán là của những đứa trẻ, chỉ có những đứa trẻ mới lêu nghêu trên cây cà kheo trong buổi chiều lùa bò về, bỏ lại.
Buôn Yă Wăm xanh màu cỏ lá. Dọc hai bên đường, dãy muồng xanh um, vươn cao cánh tay kiêu hãnh chắn gió cho cà phê vối đang mùa bói quả. E ấp dưới tán lá rộng, những bụi ớt xiêm xanh rì nhả chùm quả trắng non lúp xúp. Dưới thấp hơn, dây khoai lang xanh lè nhánh này đẻ ra nhánh kia, lua xua như một tấm thảm trải dài, phủ khắp.
Ngôi nhà sàn của bà mình thật đẹp, gần cầu thang lên xuống trồng một cây đủng đỉnh lớn. Nó đứng ở đây gần chục năm, lắng nghe nhiều tiếng khóc, tiếng cười của mọi người trong nhà. Ông nội đã đem nó từ Buôn Đôn về trồng. Mùa mưa, chùm đủng đỉnh rũ tóc, mái này chồng lên mái kia, lớp lớp như nhiều con gái sống trong ngôi nhà dài.
Bùn đất nhầy nhụa, mình ra giếng rửa chân. Giếng rộng, vòi lớn (vòi để tưới cà phê) nước chảy ồ ồ, mình đưa hai tay hứng , lắng nghe mùi cà phê rang xoáy vào mũi, xộc vào miệng loang đến tận đỉnh đầu. Khoan khoái, nhẹ nhõm.
Sau bữa cơm canh cà phơi nắng cay xé họng nấu với cá suối, gia đình mình mỗi người một cái ghế nhỏ ngồi xung quanh bếp lửa. Ghế nhỏ đen bóng, thứ tự từ lớn đến bé theo vai vế của mọi người trong nhà. Mặc dầu không viết tên nhưng ai cũng biết chủ nhân của những chiếc ghế. Có lần mình chọn chiếc ghế to, dài nhất, đen bóng nhất để xoạc giữa hai chân chuẩn bị ngồi, thằng Bốt em mình hét to: “Không được đâu, đó là ghế của aduôn”. Mình hốt hoảng, người Êđê chỗ mình không như vậy, ghế của chung, ngồi chung là chuyện bình thường.
Bên ngoài mưa rả rích, tiếng ếch kêu ồm oạp xé toạc không gian yên tĩnh. Nàng đêm phủ trùm lên buôn Yă Wăm tấm thổ cẩm dệt bằng len tối. Nhà bà chưa bật điện, lửa trong bếp nhún nhảy. Gió lạnh, nhiều bàn tay giơ ra hơ hơ. Bà mình bận bịu trong công việc mới - pha cà phê cho mọi người “Người lớn cốc lớn, người nhỏ cốc nhỏ, cốc nào chưa ngọt bỏ đường thêm, cốc nào đặc quá thêm nước vào. Thằng Bốt, thằng Môn còn nhỏ, uống ít thôi, tối mắt mở to, miệng muốn nói, tao đưa ra ngoài,…”. Bà vừa nói vừa dở phin ra khỏi cốc, cà phê đặc, sóng sánh, đen thui như quả bầu khô lủng lẳng treo trên bếp.
Trong gian bếp mùi cà phê nồng nàn. Lửa bập bùng, ánh mắt bập bùng. Cà phê đắng thâm thấm từng thớ lưỡi. Bà bảo uống như thằng Bốt, thằng Môn không ngon. Uống gì mà đổ vào họng ào ạt, sao thấy lời cà phê nói chuyện nữa. Phải vừa uống, bàn tay vừa hơ lửa, ngậm một chút, nuốt từ từ, lắng nghe cà phê rủ rỉ trong vòm họng.
Đêm phả nhiều hơi lạnh. Bóng người nhỏ nhấp nhổm trong gian bếp. Cốc cà phê đã vơi đi một nửa, câu chuyện kể hàng đêm bắt đầu. Hôm nay bà kể lại câu chuyện nữ tù trưởng Yă Wăm cho con cháu nghe. Nữ tù trưởng oai hùng nổi tiếng khắp vùng đất, mỗi lần bước xuống cầu thang “một trăm con voi đực đi trước, một ngàn con voi cái theo sau, voi trắng một ngà chở bà bước đi chính giữa”. Giọng bà trầm và ấm, mấy đứa nhỏ đã ngủ quên tai từ lâu. Than nổ lép bép, ánh lửa liu riu, bà chất thêm củi, lửa sáng soi rõ mặt từng người. Bấy giờ, người lớn mới nhìn nhau nói chuyện.
Ama Bốt, amí Bốt nhìn vào mặt bà.
Ông nhìn vào mặt bà.
Mình nhìn vào mặt bà.
Tất cả lần lượt kể cho bà nghe công việc diễn ra một ngày. Bà tháo khăn, xổ tóc, nhấp cà phê, lắng nghe tiếng nói chuyện. Mọi người say sưa. Bà chăm chú. Thỉnh thoảng Amí Bốt lấy ba chiếc lá lốt hơ lửa áp lên đầu gối bà. Bà đau khớp, đôi chân như tê dại vào mùa mưa. Đối với bà, đó là do con ma lai làm, nó chèn quả ớt vào khớp xương. Bà nhớ rất rõ, khi bà đang dọn chuồng bò, một con dơi bay ra rồi đâm sầm vào chân. Dơi là Yang Xấu, bà kể và bắt mọi người phải tin.
Mưa mỗi lúc một to. Sấm chớp đùng đoàng. Cây mít răng rắc. Tiếng tắc kè khàn khàn nhỏ dần và biến đi đâu. Củi cháy cụt lủn. Bà bảo mọi người uống hết cà phê.
Hôm nay ông cột mùng nằm một mình ở gian khách. Mình được ngủ với bà. Bà rờ mắt, rờ mũi rồi bẹo má, “Chiêng kêu hay nhờ người đánh. Trống vang xa nhờ người vỗ. Đạo làm con phải hiếu nghĩa với ông bà mẹ cha”. Bà kể mình nghe nhiều chuyện xảy ra ở buôn Yă Wăm. Tới khuya, chân nhức, bà nằm nghiêng bực bội. Chửi cả dòng họ ma lai làm đau chân bà “Thối ruột, thối bụng nó đi, những đứa đội lốt theo Chúa Jêsu mà còn nuôi ma lai hại người”.
Mình nín thít. Mồ hôi rịn đặc trên đầu.


Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANGSIN số 266-tác giả PHI HÙNG


Giới thiệu ChưYangSin số 266- Tác giả TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT

   Tác giả TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT



NGƯỜI ĐẠI TÁ “HƯU” NHƯNG KHÔNG NGHỈ



Người cựu chiến binh già ngồi trước mặt tôi, vóc giáng nhỏ con, nhưng khuôn mặt cương nghị, đôi mắt luôn nhìn thẳng vào người nói chuyện, giọng trầm, đặc điểm riêng biệt của người dân Hà Tĩnh không lẫn lộn vào bất cứ vùng nào của đất nước. Ông kể lại cho tôi nghe cuộc đời làm chiến sỹ giải phóng quân tham gia chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc đúng thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Ông chiến đấu ở nhiều mặt trận, từng tham gia hơn 25 trận đánh và là một trong những chiến sĩ trực tiếp tham gia giải phóng Thị xã Tam Kỳ và Thành phố Đà Nẵng mùa xuân 1975. Sau khi đất nước thống nhất ông được điều về làm giảng viên Trường Quân chính Quân khu V; năm 1988, về công tác tại tỉnh đội Đắk Lắk. Hơn 40 năm trong quân ngũ ông giữ nhiều chức vụ khác nhau và lập được nhiều chiến công xuất sắc, được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương. Năm 2006, ông về nghỉ hưu với quân hàm đại tá.
Gần như cả đời người khi trưởng thành, cuộc sống của ông gắn bó trọn vẹn với quân ngũ, khi được nghỉ hưu ông mừng lắm, về nói với vợ cọn: Công việc nhà nước giao lại cho lớp người trẻ hơn, bây giờ là lúc để tôi được làm chồng làm cha, làm ông đúng nghĩa đây! Ông nói vậy vì biết người vợ thủy chung đã bao nhiêu năm ròng vừa làm mẹ vừa làm cha chăm sóc, nuôi dạy các con để ông yên tâm gánh vác trọng trách người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, không một câu than vãn, trách móc. Trong thâm tâm ông yêu và biết ơn người bạn đời của mình nhiều lắm, chỉ mong được nghỉ để có thời gian bù đắp cho bà sau bao năm phải gánh vác trọng trách việc gia đình thay ông. Nhưng ước mơ giản dị đó lại chưa thể thực hiện được, tại Đại hội Hội Cựu chiến binh huyện Krông Năng, nơi ông về nghỉ hưu, những người đồng nghiệp cũ lại bầu ông làm Chủ tịch Hội. Với trách nhiệm người đảng viên, khi tổ chức cần, ông đành gác việc riêng để nhận công tác mới với mong muốn góp phần sức lực nhỏ bé còn lại của mình đóng góp cho phong trào chung – vì những người lính đã trải qua quân ngũ. Trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của Hội, không ngại khó, ngại khổ, tìm tòi những cách làm linh hoạt, sáng tạo để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đề ra. Hội Cựu chiến binh huyện, hội viên ngày một tăng lên, trong đó có thanh niên, sau khi rời quân ngũ trở về đời thường phải lo cơm áo gạo tiền, nuôi sống bản thân và cả gánh nặng gia đình nên gặp rất nhiều khó khăn… Trách nhiệm của người đi trước, trách nhiệm của thủ trưởng đối với chiến sĩ và hôm nay là trách nhiệm của chủ tịch hội với hội viên… luôn luôn khiến ông trăn trở, tìm cách tháo gỡ.
Ngày xưa trong các trận đánh tấn công các cứ điểm của địch, quân ta phải trinh sát nắm vững cách bố trí hỏa lực của địch, quy luật hoạt động của chúng… khi đã nắm vững thì đánh chắc thắng, hạn chế được thương vong cho bộ đội. Hôm nay người bộ đội rời quân ngũ trở về họ lại bước vào một trận đánh mới, trận đánh không phải dùng bằng súng đạn, bom mìn, nhưng cũng hết sức cam go, vì thế phải chuẩn bị thật kỹ cho họ như chuẩn bị công đồn. Người chỉ huy già sau bao đêm trăn trở, ý tưởng mới ùa về, ông ngồi bật dậy ngay trong đêm thảo ra đề án phối hợp với các ban ngành trên địa phương mở các lớp bồi dưỡng về khuyến nông, khuyến lâm để hội viên tham gia tiếp thu những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, nâng cao kiến thức làm kinh tế… Ngoài ra, ông còn tổ chức cho các cấp hội thường xuyên đưa hội viên đi tham quan, học tập những gương cựu chiến binh tiêu biểu về nghị lực vượt khó, những cách làm sáng tạo, mô hình kinh tế sản xuất kinh doanh có hiệu quả  trong và ngoài tỉnh để từ đó giúp cho hội viên vận dụng tốt vào sản xuất và kinh doanh. Bằng cách làm này những người cựu chiến binh - hội viên của ông đã giúp nhau vượt qua khó khăn, hòa nhập tốt với cộng đồng trở thành người công dân gương mẫu, đóng góp một phần quan trọng vào thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới ở huyện Krông Năng.
Nhằm phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, đồng thời thể hiện trách nhiệm tình cảm với đồng chí đồng đội, khi thấy còn nhiều hộ hội viên gặp khó khăn trong cuộc sống, ông đã vận động các cấp hội cơ sở huy động hội viên ủng hộ và đóng góp xây dựng các quỹ như: quỹ thiên tai bão lụt, quỹ nạn nhân chất độc da cam, quỹ vì người nghèo… kịp thời giúp đỡ nhiều gia đình hội viên vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu; động viên hội viên có ý chí vươn lên, quyết tâm xóa đói giảm nghèo, tích cực lao động sản xuât, làm giàu chính đáng, đẩy mạnh phong trào Cựu chiến binh đoàn kết, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát, nâng  cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên. Trong 5 năm qua (2009 đến 2014) quỹ Hội toàn huyện đạt 4,4 tỷ đồng, bình quân 1.100.000/1 hội viên; nhờ vậy đã góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo từ 13,5% xuống chỉ còn 3,7%; nâng hộ giàu từ 18% lên đến 30%. Phần lớn các hộ khá, giàu của cựu chiến binh đã có nhà kiên cố, khang trang. Mức thu nhập của hội viên ngày càng tăng, đến nay toàn huyện có 887 hộ hội viên thuộc hộ giàu vơi mức thu nhập từ 100- 400 triệu đông/1 năm, có 18 hộ hội viên có mức thu nhập 500 – 900 triệu đồng/năm, có 09 hộ hội viên có mức thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên/1 năm. Với những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ, Hội Cựu chiến binh huyện Krông Năng được Trung ương Hội hai lần tặng Bằng khen, UBND tỉnh tặng 01 Bằng khen và 01 Bằng khen của Tỉnh Hội.
Ông nhấp thêm ngụm trà, đôi mắt chợt sáng lên cho tôi biết thêm: Đã là anh bộ đội, chúng tôi luôn thấm sâu lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, không ngừng giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” nên “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”. Chính những điều ấy đã giúp cho tập thể lãnh đạo các cấp của Hội cũng như hội viên đòan kết, cùng chia sẻ đắng cay, ngọt bùi trên tinh thần đồng chí, đồng đội một cách dân chủ, tự nguyện; đó có lẽ là bí quyết để Hội chúng tôi thành công.
Chia tay ông Nguyễn Tiến Chất - người cựu chiến binh đã ở lứa tuổi “xưa nay hiếm”, lòng tôi tràn ngập sự kính trọng, người cựu chiến binh mang trong mình nhiệt huyết truyền thống của quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh (ông quê ở Kỳ Hưng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Sự cống hiến của ông khiến tôi nhớ đến câu nói của nhân vật Paven Corsaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Ôxtơrôpxki “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi ân hận vì dĩ vãng của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời…”.



Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

THÔNG BÁO CÔNG TÁC CHI HỘI VĂN HỌC

THÔNG BÁO
Sáng ngày 15 tháng 10 năm 2014, tại Văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, Ban chấp hành Chi hội Văn học khóa VI, nhiệm kỳ 2014-2019 đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Nhà văn Hồng Chiến. Tham dự Hội nghị có Nhà văn Lê Khôi Nguyên – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Đắk Lắk cùng 5 ủy viên Ban chấp hành Chi hội.
I. Hội nghị đã nhất trí bầu:
1. Chi hội trưởng: Nhà văn Hồng Chiến.

2. Chi hội phó: 
Nhà thơ Tiến Thảo 

 Nhà văn Niê Thanh Mai.

II. Ban Chấp hành đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên như sau:
1.      Nhà văn Hồng Chiến, phụ trách chung.
2.      Nhà thơ Tiến Thảo, phụ trách tổ Thơ và công tác Phong trào.
3.      Nhà văn Niê Thanh Mai, phụ trách tổ Văn, công tác Phát triển hội viên và công tác Nữ công.
4.      Nhà thơ Đặng Bá Tiến, phụ trách tổ Lý luận - Phê bình Văn học và Sáng tác.
5.      Nhà thơ Bùi Thị Ngọc Bích, phụ trách Tài chính và Công tác đời sống.
III. Hội nghị đề ra công tác quý IV năm 2014:
1.      Lên kế hoạch tham mưu cho Thường trực Hội tổ chức Ngày thơ Việt Nam năm 2015.
2.      Tham mưu cho Hội VHNT phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo Đắk Lắk tổ chức đêm Thơ - Nhạc chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2014.
3.      Hội nghị cũng đã thông qua một số công tác khác của chi hội.

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 266-THÁNG 10 NĂM 2014