Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

CUỘC CHIẾN SINH TỒN truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN HỌC SÀI GÒN ngày 20 tháng 6 năm 2023

 


Con suối cạn mỗi lúc một rộng hơn, hai bên bờ suối dấu heo ủi ngày một nhiều. Giữa dòng suối, thỉnh thoảng có một vũng cạn làm điểm xuất phát cho một cồn cát cát trắng trãi dài ra một đoạn xa. Trên cát, dấu chân heo, nai đi lại dày đặc như ngầm giới thiệu đã đến vùng của các loài thú ăn cỏ ngự trị. Đối với rừng già theo một quy luật Yang(1) định sẵn: vùng nào nhiều thú ăn cỏ, chắc chắn sẽ có nhiều thú dữ ăn thịt. Nhiều thú ăn thịt sẽ là mối nguy hiểm đối với con người nếu không may đi lạc vào vùng ấy. Sau gần trọn ngày lang thang trong rừng Yang, khám phá khu rừng mà người dân trong vùng không dám đặt chân vào vì sợ bị trừng phạt. 

Y Nhớ và H’Uyên người bản địa thông thạo đường rừng từ nhỏ, việc đi rừng cũng như ra vườn nhà vậy thôi; riêng Vân là người Kinh, lần đầu tiên đi rừng nên cái gì cũng lạ. Buổi sáng qua đi, cả ba người chỉ thấy một khu rừng đẹp, nhiều cây to như được trồng trên một cái sân bằng phẳng, trên cây hoa và chim thú rất nhiều, không có gì khác lạ. Trưa đến, gặp vũng nước to bằng nửa chiếc chiếu một, Vân theo hai bạn xuống bắt cá suối chuẩn bị bữa ăn trưa. Hai bạn không sao, riêng Vân bị con ba ba núp dưới vũng nước cắn cho một nhát vào lòng bàn tay. Răng ba ba sắc, cắt gọn một miếng da như nắp chai nước ngọt giữa lòng bàn tay. 

H’Uyên thấy bạn bị đau nên giành phần vác hộ Vân cây đinh ba. Vân không phải mang vác gì thong thả bước, nhiều lúc hứng chí còn thục mũi giày vào cát, đá nhẹ cho mấy hòn sỏi đen bay một đoạn xa. Y Nhớ vẫn cắm cúi bước phía trước, không nhìn lại phía sau, hỏi:

-Vân khỏi đau rồi sao mà nghịch rồi?

-H’Uyên giỏi quá, có mấy cái lá và sợi dây rừng thôi, tay mình không còn đau nữa.

Vân trả lời rồi ngoái lại nhìn phía sau, H’Uyên hai má ửng hồng, mấy sợi tóc xoăn tít rủ xuống trán; đôi mắt nâu đen trên khuôn mặt trái xoan nhìn như chứa cả bầu trời trong ấy vẫn thong thả bước. Hình như cô bạn gái này chưa bao giờ biết vội vàng là gì thì phải. Con của già làng có khác, lúc nào cũng điềm tĩnh và chân tình với mọi người xung quanh. Thấy Vân quay lại nhìn mình, H’Uyên nhắc:

-Nhìn đường mà đi không té bây giờ.

-Yên tâm đi, chân mình có mắt đấy. 

Nghe Vân nói thế, Y Nhớ góp chuyện:

-Vân thì giỏi rồi, sau chuyến đi rừng này chắc chắn thành người đặc biệt vì có tới sáu con mắt luôn.

-Sao Y Nhớ bảo Vân có sáu mắt, như thế là nói xấu nhau đó nha.

-Ơ hay, Vân vừa nói chân có mắt, vì thế hai chân chắc chắn bốn mắt, thêm hai mắt dưới trán không phải sáu thì là mấy?

H’Uyên góp lời làm Vân vướng vào thế kẹt nên quay nhìn H’Uyên, trách:

-Hai người vào hùa bắt nạt Vân hả?

-Vân, cẩn thận, nhìn đường đi chứ!

H’Uyên kêu lên, nhưng đã muộn, Vân đi lùi bước hụt xuống hố ngã ụych một cái, nằm sõng soài ra cát. Y Nhớ nghe tiếng kêu quay đầu nhìn đã thấy Vân té, vội chạy lại đỡ bạn dậy, hỏi:

-Có sao không?

-À, mình thử nằm xem cát dưới suối có êm hơn đống lá ta ngủ tối hôm qua trong rừng không.

-May dưới cát không có đá hay cành cây chứ không thì...

H’Uyên nói như trách. Y Nhớ có vẻ không vui, bảo:

-Đi rừng không được đùa nghịch, vì đùa nghịch một chút có thể phải ân hận cả đời người. Trong rừng có ngàn vạn điều bất ngờ mà không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra như Vân vừa bước xuống hố vì đi lùi. Đi phải quan sát đường, tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

-Y Nhớ hôm nay nói như người già ấy nhỉ.

Vân tỏ vẻ ngạc nhiên nói lại rồi lồm cồm đứng dậy. H’Uyên đứng nhìn, vẻ mặt không vui, nói:

-Đó là những bài học của các thế hệ cha ông đi trước truyền lại cho con cháu sau này đấy. Lúc nào làm việc phải tập trung làm việc, lúc nghỉ mới vui đùa được.  Người đi rừng luôn luôn phải chú ý nhìn phía trước và hai bên để tránh chướng ngại vật và đề phòng thú dữ. Nhiệm vụ của người đi trước rất quan trọng vì họ quyết định phương hướng và điểm đến cho cả đoàn, nhưng cũng nguy hiểm nhất; còn người đi sau phải chú ý nhìn người đi trước đề phòng bất trắc, kịp thời giúp đỡ lẫn nhau.

-Sao hôm nay H’Uyên cũng trở thành cô giáo luôn vậy?

Vân có vẻ ngạc nhiên, kêu lên nhưng không dám quay nhìn lại phía sau nữa, ngoan ngoãn bước tiếp. Y Nhớ vẫn bước thoăn thoắt phía trước, góp lời:

-Không phải dạy mà bảo nhau cùng biết, kinh nghiệm của người đi rừng lâu năm Vân phải nhớ lấy.

-Hi Hi… Vân nhớ rồi. Mà sao khu rừng này nhiều dấu chân heo, nai rừng lại vắng tiếng chim thế nhỉ. Chẳng lẽ lũ chim cũng biết ta đến đây nên trốn hết rồi.

Y Nhớ trở tay, đưa cây lao từ bên vai phải qua vai trái, mắt chăm chú quan sát phía trước, không trả lời. Hôm nay không nghe thấy tiếng chim hót trong rừng già cũng là một điều không bình thường, đáng để lưu tâm - Y Nhớ chỉ thầm nghĩ không dám nói, sợ làm các bạn cùng đi lo. 

Những cây đại thụ mọc hai bên bờ suối cạn khu vực này có nhiều dây leo chằng chịt. Những sợi dây to như bắp đùi người lớn bám vào thân cây, vắt từ cây nọ qua cây kia trông như những con trăn lớn đu mình tìm mồi. H’Uyên đi sau cùng cũng không nói gì thêm, một tay cầm cây xà gạc(2) gộp vào với cây đinh ba vác chéo lên vai, lưỡi ngữa lên trời, thỉnh thoảng có vệt nắng chạm vào làm bắn ra ánh sáng xanh, quét vào cây như ánh đèn pin. Người già dạy rằng vác cây xà gạc trên vai khi vào rừng không sợ thú dữ tấn công từ phía sau, vì chúng thấy lưỡi dao như chiếc sừng nhô lên trên vai. Còn khi cần, chiếc xà gạc sẽ nhanh chóng trở thành vũ khí chống lại kẻ thù. Lúc này chẳng biết H’Uyên nghĩ gì, nhưng đôi mắt luôn quan sát mọi phía như đang lo lắng điều gì; riêng Vân vẫn vô tư bước đi.

*

**

-H… óc!

Con khỉ đầu đàn từ trên cành cao bất ngờ kêu thét lên một tiếng như sợ hãi điều gì đó rồi nắm chiếc dây bên cạnh giật giật. Cả ba dừng lại ngó chừng xung quang. Con suối cạn chỗ này rộng chỉ ba sải tay, lòng suối có nhiều cát trắng, hai bên bờ suối dụng đứng, cao đến hơn cả sải tay, chỉ có cây cổ thụ và dây leo chằng chịt. 

-Sao con khỉ này cứ ngồi mà giật dây thế nhỉ?

Nhìn con khỉ ngồi ngay trước mặt, cứ nắm dây giật mãi, Vân ngạc nhiên hỏi hai bạn. H’Uyên cũng tỏa ra lo lắng nói:

-Có chuyện gì đó ở phía trước không ổn nên nó không muốn ta đi tiếp thì phải?

-Nhưng chỉ có cách đi xuôi theo suối mới ra được sông, ta phải đi thôi.

Y Nhớ trả lời rồi bước tiếp, mắt liên tục quan sát hai bên bờ suối.

-H… óc!

Con khỉ hình như hoảng sợ khi thấy ba người tiếp tục bước đi, liền buông tay rơi mình xuống lòng suối, lăn qua mấy vòng đến sát gốc cây mới bật dậy bám dây, leo tút lên ngọn cây. Vân thấy vậy bật lên tiếng cười sảng khoái:

-Con khỉ này diễn trò cho ta xem kìa, hay quá.

-Không phải tự nhiên nó làm vậy đâu, chắc là có điều gì nó muốn nói với chúng ta đấy.

H’Uyên bước lên bên cạnh Vân trả lời, mắt nhìn phía trước như tìm kiếm vật gì. Y Nhớ, quả quyết:

-Ta cảnh giác, chịu khó quan sát xung quanh một chút, đề phòng bất trắc. Việc ta ta làm thôi, đi tiếp.

Y Nhớ nói xong bước tiếp, Vân đi ngay phía sau, vui vẻ góp chuyện:

-Suối rộng, cây cao, hai bên bờ không có cây con thế này thì có gì mà sợ. Chắc con khỉ trêu chúng ta thôi. 

Hai bạn không nói gì, nét mặt đượm vẻ lo âu.

-Rầm!

Một chiếc dây leo to hơn bắp đùi người lớn từ trên cao bất ngờ rơi xuống trúng ngay người làm cây lao vác trên vai bắn ra xa, Y Nhớ ngã quay ra đất. Sợi dây rừng kỳ lạ rùng rùng chuyển động quấn vào người Y Nhớ. Y Nhớ thét lên:

-Trăn, túm lấy đuôi nó kéo ra hộ mình.

Nghe Y Nhớ hét, Vân ngã bịch xuống đất mặc dù không bị con trăn đụng vào người, tay chống xuống cát run run như người lên cơn sốt, mắt nhìn con trăn chằm chằm. Con trăn từ từ, từng vòng một, quấn quanh Y Nhớ giống người ta dùng dây cột lại từ chân lên đầu. Con trăn đen thui, có những đường màu vàng kẻ lên da, tạo ra các hình lục giác đều nhau, trông rất ghê rợn. 

Khi trăn rơi xuống không những đè ngã Y Nhớ mà còn quay đầu cắn luôn vào chân. Theo phản xạ, Y Nhớ dùng hai tay nắm cổ trăn kéo ra. Con trăn cong mình lại, cuộn Y Nhớ vào giữa. H’Uyên đi sau thấy vậy, vội xuôi tay cho chiếc gùi đeo trên lưng rơi xuống đất, rồi lao lại túm lấy đuôi con trăn đang uốn lượn như sóng, giật mạnh. 

“Vút”, đuôi trăn cong lên, giật mạnh sang ngang, H Uyên ngã lăn ra đất, lại lồm cồm đứng dậy lao đến túm đuôi trăn lần nữa, chân đứng như kéo co. Nhưng hình như sức lực của H’Uyên không ăn nhằm gì, con trăn vẫn tiếp tục quấn thêm từng vòng quanh người Y Nhớ. Y Nhớ kêu lên:

-Nắm đuôi nó kéo ra đi.

 Con trăn khỏe quá, chỉ thoáng một cái chỉ còn thấy cái đầu của Y Nhớ thò ra bên ngoài, còn toàn thân bị con trăn cuốn tròn lại, kín đến mức không nhìn thấy quần áo đâu nữa. Nhìn Y Nhớ sắp bị trăn nuốt, H’Uyên bị trăn dùng đuôi quật ngã; bản năng sinh tồn trong người Vân trỗi dậy, quên luôn cả sợ hãi, đứng bật dậy lao lại ôm lấy đuôi trăn giúp H’Uyên, giật mạnh, mong giúp bạn thoát ra. 

Con trăn uốn đuôi quật như sóng lượn, hết qua bên phải rồi bên trái làm Vân và H’Uyên ngã xuống, bị kéo lê trên mặt đất. Trong lúc tuyệt vọng, Vân há mồm to hết cỡ, cắn một cái thật mạnh vào đuôi con trăn hy vọng làm nó bị đau bỏ bạn ra. Da trăn mềm mềm, nhưng như bọc giáp, răng không thể nào xuyên qua lớp vảy cứng được. 

Cái chết đến rất gần, rất gần… đôi mắt đen, thông minh thường ngày của Y Nhớ đã dại đi. Con trăn vẫn gồng mình từng cơn siết chặt người Y Nhớ, cái đuôi uốn lượn làm Vân và H’Uyên bị kéo lê trên mặt đất nhưng không ai buông tay ra. Thương bạn, Vân lại cố gắng cắn một cái thật mạnh nữa vào đuôi con trăn, hai hàm răng đau buốt, nhưng hình như con trăn không hề hấn gì. 

*

**

Nhìn Y Nhớ chỉ còn một cái đầu thò ra ngoài thân con trăn, cái chết hình như đã đến rất gần với bạn; Vân gồng hết sức lực, nén đau cùng H’Uyên cố kéo đuôi con trăn thẳng ra nhưng không được. Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu, Vân vội hét lên:

-H’Uyên, buông tay ra, lấy hộp quẹt lại đây.

H’Uyên nghe lời, buông tay khỏi đuôi con trăn, chạy lại bên chiếc gùi nằm nghiêng trên cát, lấy hộp quẹt đưa đến. Vân đứng thẳng dậy, hai tay ôm đuôi trăn lên ngang ngực, thét lớn:

-H’Uyên bật lửa lên, đốt vào rốn nó ấy.

Nghe Vân nói, H’Uyên làm theo. Con trăn hình như cảm nhận ngay được sự đau đớn, nó rùng mình một cái thật mạnh như cố gắng đẩy Vân ra. Vân ôm chắc đuôi trăn, chân chạng ra cắm xuống cát, mồm hét lên động viên bạn:

-Con trăn bị đau rồi, H’Uyên cố lên tý nữa, nóng quá nó phải chạy thôi.

Hộp quẹt ga nhỏ bằng hai ngón tay, khi bật lên có ngọn lửa nho nhỏ màu xanh, cháy cao hơn hai đốt ngón tay một tý, nhưng châm đúng vào chỗ hiểm của con trăn làm nó không chịu được vội thẳng đuôi ra rồi co lại, lại thẳng ra lần nữa, lần nữa… Theo từng cơn co dãn của con trăn làm các vòng tròn trên người Y Nhớ được nới rộng rồi giảm dần. Vân cũng bị con trăn đẩy ngày một ra xa Y Nhớ, cuối cùng con trăn cũng thẳng mình bỏ Y Nhớ ra, bò xuôi theo dòng suối kéo theo luôn cả Vân ngã sấp mặt xuống cát. Mặc kệ con trăn đang hốt hoảng bỏ chạy, Vân vẫn ôm chặt khúc đuôi của nó, không chịu thả ra vì thế bị nó kéo lê trên mặt đất. H’Uyên vội kêu lên:

-Vân ơi, buông tay ra cho nó đi đi.

Nghe H’Uyên nói vậy, Vân mới chịu buông tay thì con trăn cũng đã kéo lê đi một đoạn xa. Không thèm để ý đến con trăn không có một cái chân nào mà trườn nhanh như chó chạy, Vân lồm cồm ngồi dậy chạy lại bên Y Nhớ. Y Nhớ nằm bất động, mắt nhắm lại, hai tay buông xuôi theo người. Vân chạy lại quỳ xuống, nắm lấy tay phải của bạn lắc lắc, giọng mếu máo:

-Y Nhớ, Y Nhớ, tỉnh lại đi, tỉnh lại đi, đừng chết!

Y Nhớ vẫn nằm yên bất động, máu nơi bắp chân phải chảy ra ướt cả ống quần. H’Uyên không nói gì, hai tay vẫn liên tục xoa lên ngực Y Nhớ, mắt nhắm nghiền. Vân bật khóc, kêu lên:

-Y Nhớ chết mất rồi H’Uyên ơi. Hu hu hu!

-Khóc cái gì, không chết được đâu!

Nghe Vân khóc, H’Uyên mở mắt ra nói rồi đứng dậy bước lại bên gùi lấy bầu nước, ngửa cổ hớp một ngụm to đi lại phun vào mặt Y Nhớ. Thấy vậy, Vân đứng bật dậy đẩy mạnh làm H’Uyên ngã lăn quay ra đất, miệng gầm lên:

-Sao ác thế, nỡ đối xử với người chết vậy à?

-Ơ, Vân định đánh mình à?

H’Uyên lồm cồm bò dậy, hỏi; giọng nghèn nghẹn, nước mắt trào ra. Vân hai tay nắm lại như sắp đánh nhau, hai mắt đỏ ngầu. 

*

**

Y Nhớ từ từ mở mắt nhìn lên ngọn cây rồi ngồi dậy nhìn hai người bạn, hỏi:

-Ơ Vân định đánh H’Uyên à, tại sao thế?

-Y Nhớ tỉnh rồi, may quá.

Nghe bạn nói, Vân quay lại reo lên, quỳ xuống nắm vai bạn, mắt nhòa lệ. H’Uyên cũng ngồi xuống, xem vết thương của Y Nhớ. Trên bắp chân có bốn lỗ, chắc bốn cái răng nanh trăn cắm vào đang rỉ máu. Chạy lại gùi lấy nắm lá bỏ vào mồn nhai rồi đắp vào chân cho Y Nhớ. Y nhớ hỏi

-Sao hai bạn gây sự với nhau?

 H’Uyên buồn buồn nói:

-Mọi ngày Vân hiền khô, sao lúc nãy dữ như cọp thế, ghét H’Uyên lắm à?

Vân đỏ mặt không nói gì, Y Nhớ phải nói giúp:

-Trong hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau, bình thường Vân yếu ớt vậy mà... Ơ, sao sao mồm Vân cũng chảy máu thế kia?

-Lúc trăn quấn Y Nhớ, Vân không biết làm sao được liền cắn đuôi trăn như chó săn luôn. Chắc con trăn bị đau, quật lại bị chảy máu mồm đấy.

H’Uyên giải thích và nói thêm:

-Trăn khỏe quá, hai đứa nắm đuôi kéo mãi mà không được. May mà Vân nghĩ ra cách đốt rốn làm nó đau mới cứu được Y Nhớ đấy.

-Vân bỗng nhiên thông minh lên đấy nhỉ!

Nghe Y Nhớ nói vậy, Vân cười:

-Lúc đó chỉ sợ Y Nhớ bị trăn ăn thịt nên cố gắng tìm mọi cách buộc con trăn thả ra thôi. Đêm hôm qua các bạn bảo thú vật trong rừng con nào cũng sợ người vì người có lửa. Lúc kéo trăn ra không được, mình liền nghĩ ngay đến lửa, nếu đốt lửa, trăn sợ bỏ chạy mới cứu được Y Nhớ. Nhưng tại sao H’Uyên phun nước vào mặt Y Nhớ như vậy?

-Không phun nước vào mặt làm sao Y Nhớ tỉnh lại? Thế mà cũng gây sự với người ta. 

-Ô, ra thế, Vân xin lỗi H’Uyên nhé!

-Không thèm nhận.

H’Uyên quay mặt nhìn qua hướng khác, Y Nhớ mĩm cười nói như xin lỗi:

-Tại Y Nhớ không cẩn thận mới bị trăn bắt, làm hai bạn lo lắng rồi bất hòa với nhau. Giờ khỏe cả rồi, ta lên trên bờ suối đi cho đường ngắn lại nhé.

-Tùy hai bạn.

Vân trả lời rồi đi lại bên gùi nhặt các thứ bị rơi ra bỏ vào, bất chợt kêu lên:

-Mất con ba ba rồi!

-Có dấu nó bò xuôi theo suối xuống vũng nước lớn phía dưới kia rồi, thôi tha cho nó, ta lên bờ đi thôi.

H’Uyên nói xong đi lại xách gùi đeo lên vai, quay lại nói với Vân:

-Đưa tay xem nào, máu lại chảy kìa, để H’Uyên buộc lại đã nào.

  Gió bất ngờ thổi mạnh, cây cối vặn mình kêu răng rắc rồi một cơn lốc tạo nên một vùng xoáy, quay tròn giữa lòng suối hút cả lá cây, đất, cát tung hê lên trời. Bóng chiều xiên xiên chui qua kẻ lá xuống lòng suối tạo nên những dấu chấm vàng loang lổ trên cát. 

 

 

Chú thích tiếng Êđê:

1. Yang: thần linh;

2. Xà gạc: một loại dao dùng phát rẫy và đi rừng của người Êđê.

 

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2023

ĐÊM SÔNG LÔ truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - THỜI BÁO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT số ra ngày 28 tháng 5 năm 2023

 


Xe dừng trước quán cà phê, mấy anh em mở cửa bước vội vào. Trời lất phất mưa. Những hạt mưa nối đuôi nhau đan thành tấm lưới dệt nên bức tranh huyền ảo đêm trên sông Lô với những lồng cá được soi sáng bằng hàng ngàn bóng đèn lung linh dưới mặt nước. Dòng sông chảy chầm chậm, từng lớp sóng xô đuổi nhau làm rạn vỡ ánh đèn, hắt lên trời muôn ngàn tia sáng nhiều màu sắc. Quán ở sát mé sông, mới gần hai mốt giờ mà đã vắng khách. Cô tiếp viên khoảng hai mươi tuổi có khuôn mặt trái xoan, môi đỏ, da trắng… bưng ra mấy ly cà phê hương thơm ngào ngạt, làm tôi chợt nhớ lại câu nói của người bạn lúc sáng chia tay ở Sa Pa khi biết đoàn chúng tôi về Tuyên Quang làm việc đã buột miệng nói: “Chè Thái, gái Tuyên…” quả là đúng thật!

- Chào các bác, các bác ở Đắk Lắk ra phải không?

Mọi người giật mình quay lại thấy một bà lão đầu quấn khăn mỏ quạ màu đen để lộ ra mái tóc tạc phơ, có đôi mắt sáng, mặc bộ đồ đen; chắc tuổi đã ngoài tám mươi, chống gậy trúc đến bên bàn từ lúc nào mà không ai biết. Cậu lái xe cơ quan nhanh nhẹn đứng dậy kéo thêm ghế mời bà ngồi.

- Nhìn biển số xe 47 đoán các bác ở Đắk Lắk ra, thế mà đúng thật. Các bác đi xe biển số xanh chắc là xe cơ quan nhà nước, vậy nhà có ở gần Buôn Ma Thuột không? 

- Chúng cháu ở Buôn Ma Thuột, bác có người nhà trong đó ạ?

- Tôi có đứa con trai duy nhất đang ở Buôn Ma Thuột, vì thế buổi tối thường ra dạo quanh đây mong tìm thấy có người trong ấy ra trò chuyện cho vơi nỗi nhớ.

- Anh ấy ở đường nào Buôn Ma Thuột ạ? Tôi vội hỏi.

- Em nó ở Nghĩa trang thành phố.

Tất cả mọi người lặng đi trước câu trả lời của bà cụ.

- Em nó hy sinh sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975 khi tiến vào Ngã Sáu, giải phóng Ban Mê... 

Bà cụ hạ giọng và câu chuyện người con trai duy nhất của cụ học chưa xong lớp 10 đã tình nguyện lên đường nhập ngũ… Là cán bộ phụ nữ xã, bà không ngăn cản mà đồng ý theo ý muốn của con, dù con bà thuộc diện ưu tiên, miễn nghĩa vụ quân sự. Sau ba tháng huấn luyện, đơn vị cho nghỉ phép trước lúc vào Nam chiến đấu. Tâm lý người mẹ, ai cũng muốn có con dâu và đứa cháu để bồng cho đỡ vắng nhà khi con trai đi xa. Bàn chuyện hỏi vợ cho con, cu cậu gãi đầu gãi tai mãi mới thú thật đã yêu cô Duyên người cùng xóm. Mừng cho con có con mắt tinh đời, chọn được người hiền lại xinh đẹp. Duyên cùng lứa tuổi với con tôi, chúng học chung một lớp từ cấp một; học xong lớp 7, Duyên phải nghỉ học vì nhà nghèo, đông em, bố mẹ đau yếu luôn; nhưng nhờ học giỏi, đạt giải nhất môn toán trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp II của tỉnh nên Duyên được cử theo học sơ cấp chuyên nghiệp rồi chuyển làm nhân viên cửa hàng lương thực. Tưởng hai đứa có tình ý với nhau từ trước nên gia đình hối hả chuẩn bị đám cưới, thì… 

*

* *

Vừa dọn dẹp kho xong đã thấy chị Chủ tịch Công đoàn cơ quan chạy xuống bảo:

- Cô em đáo để quá nhỉ, sắp cưới chồng mà bí mật thế; thủ trưởng mời lên gặp kìa!

- Chị nói gì em không hiểu?

- Sắp làm con dâu bà Phó chủ tịch Phụ nữ xã còn giả bộ “nghé non” à?

- Chị lại trêu em!

- Trêu là thế nào, bố cô và bà Phó đang ngồi ở phòng làm việc của cửa hàng trưởng đấy, lên ngay đi.

Duyên vội bỏ cây chổi đang quét, khóa cửa kho rồi tất tưởi bước nhanh theo chị Chủ tịch Công đoàn lên phòng ông cửa hàng trưởng. Trong phòng làm việc, ông cửa hàng trưởng vẫn bộ quần áo bộ đội bạc màu cả tuần chưa giặt, khuôn mặt khắc khổ của một ông nông dân miền núi, lam lũ, đang trò chuyện rất sôi nổi với bà Giang, người cùng xóm hiện đương chức Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Bà Giang mặc áo xanh sỹ lâm còn mới làm nổi bật nước da trắng, khuôn mặt tròn, đôi mắt lá răm của người phụ nữ trung niên sắc sảo. Bố Duyên mặc chiếc áo nâu đã cũ ngồi bên chăm chú nghe hai người nói chuyện. Trên bàn ngoài đĩa kẹo Hải Hà còn có thêm gói trà Ba Đình, bao thuốc lá Thăng Long – những mặt hàng khan hiếm hiện nay trên thị trường chỉ cán bộ cao cấp mới được phân phối.

- Con chào thủ trưởng, chào cô, chào bố ạ!

- A, Duyên vào đây cháu. Ngồi xuống nào. Hôm nay bố cháu và cô Giang đây lên đặt vấn đề xin cho cháu nghỉ về tổ chức đám cưới; kín tiếng thế, nhưng thôi, thời buổi chiến tranh ta phiên phiến đi, bác đồng ý cho cháu nghỉ một tuần, đúng quy định nhé.

- Thủ trưởng nói sao ạ, ai cưới và cưới ai mà cháu được nghỉ nhiều thế?

- Bố cô, anh Đại con bà Giang đây mới được nghỉ phép hôm qua, sáng nay bà Giang đặt vấn đề xin cưới để anh ấy an lòng ra trận đánh giặc. Hôm nay bố lên xin cho con nghỉ mấy hôm về làm đám cưới.

- Con với Đại chỉ là người cùng xóm thôi, chứ đã có tình cảm gì đâu mà kết hôn được ạ? Với lại con nay mới 18 tuổi, để con học thêm chứ chuyện chồng con để nước nhà thống nhất rồi hãy tính.

- Thời buổi chiến tranh, người hậu phương phải cố gắng làm an lòng người ra trận bảo vệ Tổ quốc, cháu nói vậy là chưa trúng với yêu cầu chính trị của cơ quan ta.

- Thưa thủ trưởng, chuyện chồng con là chuyện riêng tư, chuyện của cả đời người làm sao vội vã được, xin tha cho cháu ạ.

- Tha là tha thế nào, chuyện này là trách nhiệm và nghĩa vụ của người đoàn viên đối với công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; mỗi người phải cùng hy sinh cái riêng vì lợi ích chung của cách mạng. Lấy chồng cũng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần làm yên lòng để các anh bộ đội yên tâm đánh thắng quân xâm lược chứ…

- Thôi thôi, xin anh đừng nóng, cháu nó còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn ta cần trao đổi thêm – bà Giang ngắt lời ông cửa hàng trưởng đã nổi nóng, nói tiếp: Cháu cứ về nhà rồi ta tính sau, dù sao cũng là người cùng xóm, học hành với nhau từ bé, nay em nó về nghỉ mấy hôm để lên đường vào Nam chiến đấu, cháu cũng nên gặp nhau một chút cho vui, tình làng nghĩa xóm mà. Thôi cháu về lấy đồ, cô chở về luôn.

Duyên nước mắt lưng tròng, chạy về phòng úp mặt xuống giường khóc nức nở. Duyên tủi thân, đau khổ trước chuyện lấy chồng hệ trọng của cả cuộc đời con người mà sao mọi người xem như công việc tập thể, một nhiệm vụ chính trị cần giải quyết cho xong? Có phải con lợn con bò đâu mà ai thích ghép đôi thế nào cũng xong… Còn cái anh chàng Đại vừa lùn vừa đen, thời còn ở cùng Đội Thiếu niên cứ dài miệng ra gọi mình bằng chị, không biết bao nhiêu lần bị xách tai, cốc đầu vì làm sai, học dốt lại hay nhìn trộm bài người khác khi kiểm tra... A, có lần đi chăn trâu mấy đứa con trai lấy đất ném nhau, đúng lúc Duyên đi qua, Đại đã nhỡ tay ném cả cục bùn vào người Duyên; giận quá, Duyên lao lại đẩy Đại xuống hố bom đầy bùn và phân trâu nhận cho uống no… chiều về bị bố đập cho một trận tơi bời vì bà Giang đến mách. Chẳng lẽ hắn thù dai, định trả thù mình bằng cách bắt mình làm vợ hắn? Không, nhất định Duyên sẽ không để lề thói lạc hậu của quê nhà cướp mất hạnh phúc của mình; phải chống lại nó, bảo vệ mình và còn tương lai các con cái sau này nữa chứ.

Tối, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Công đoàn… đến tận phòng động viên, phân tích… sao ai cũng muốn Duyên lấy người mình chẳng bao giờ để ý đến chứ nói gì đến yêu! Duyên bỏ ăn, nằm cả ngày; hôm sau mẹ từ nhà lên tận nơi đón về và nói đủ chuyện tốt về Đại: Con liệt sỹ, con cán bộ mà có chí lớn vì nước, sẵn sàng ra trận như thế là đáng phục lắm… Mưa dầm thấm lâu, lời nỉ non của các đoàn thể, gia đình; nước mắt của mẹ, cái nhìn đau đớn của bố… cuối cùng cũng khuất phục được cô gái 18 tuổi nhận lời cưới chồng để kịp sống với nhau một đêm…

Một cơn gió ào đến, làm những ngọn đèn treo trên các lồng cá chao nghiêng, hơi lạnh ùa đến, tôi khẽ rùng mình. Đang mùa thu mà sao lại có gió lạnh đến thế. Bà cụ ngừng lời kể, mắt nhìn ra sông, mưa mỗi lúc một nặng hạt làm bắn lên những đốm lửa ly ty trên mặt nước.

*

* *

Tiễn chân chồng mới cưới ra trận, con dâu không khóc, nhưng nét mặt đượm buồn, tôi nghĩ: đàn bà con gái ai mà không buồn khi chỉ được làm vợ một đêm để rồi biền biệt xa nhau biết khi nào gặp lại! Đêm, chắc khoảng hơn một giờ sáng, con gà nhà bên đã báo sang canh, tôi thấy tiếng con dâu nức nở… hình như nó đã cố nén nhưng không kìm được. Tôi cũng phải nhét khăn vào mồm của chính mình để không cho con dâu biết nỗi đau của người mẹ. Đến đêm hôm sau thì tôi không thể cầm lòng được, phải bước vào buồng con dâu ôm nó, cùng khóc đến sáng. Chiếc gối trắng thêu hai trái tim bằng chỉ màu hồng lồng vào nhau và hai con bồ câu con đậu con bay sau ba đêm đã chuyển màu cháo lòng vì đẫm nước mắt; không ngờ con bé thương chồng đến vậy! Rồi nó ốm, nằm liệt giường đúng chín ngày mới gượng ngồi dậy ăn cháo, rồi lên cơ quan làm việc. Từ ngày ấy, nó thay đổi hẳn, không còn nụ cười thường xuyên trên môi, khuôn mặt u buồn, tôi tặc lưỡi: thời gian sẽ giúp nó nguôi ngoai. Thấm thoắt thu qua, đông đến, nhiều hôm mùa đông lạnh buốt, chừng một hai giờ sáng tôi giật mình thức dậy nghe nước xối ào ào… nó không ngủ được nên đi tắm, nằm lo nó cảm lạnh mà không dám lên tiếng; có đêm đang ngủ nghe trong buồng con dâu nằm như có người vật nhau, tôi giật mình vạch liếp nhìn trộm thấy nó hai tay ôm chặt gối úp lên mặt, lăn lộn trên giường; nhìn mà đứt cả ruột. 

Cùng cảnh đàn bà xa chồng như nhau, tôi cũng có nổi buồn riêng giống con dâu của mình; năm 16 tuổi, đang tuổi ăn ngủ thì bố mẹ bảo đi lấy chồng, lấy anh bộ đội mới về phép, người cùng làng, hơn tôi bốn tuổi. Đàn ông ở làng toàn mặc quần áo nâu nhuộm bùn, lấy dây rút buộc quanh bụng, chân đất; còn bộ đội có quần áo mới màu xanh, đóng thùng, chân đi dép cao su nhìn oách lắm, được làm vợ những người như thế là tuyệt vời rồi. Thực ra lúc ấy cũng chưa hiểu lắm chuyện “làm vợ” thì bổn phận phải làm gì. Đêm trước khi về nhà chồng tôi mới hỏi mẹ; mẹ cốc đầu, đỏ mặt nói: làm vợ người ta là để sinh con, đẻ cái, nuôi dạy con cho chồng yên tâm đánh giặc, vậy thôi. Nghe mẹ nói vậy, lòng cũng vui lắm, chỉ có thế thôi thì mình làm được, làm tốt là khác. Nhưng khi chồng đi rồi, mới thấy sự trống vắng khủng khiếp, sự nhớ nhung đến thiêu cháy tâm can. Một tuần bên chồng chỉ như một cơn gió thoảng qua so với những ngày tháng vò võ một mình. Chiến tranh đã mang đi mất người chồng, người yêu thương của mình, và chỉ để lại đau đớn, dằn vặt… nhiều đêm tưởng không thể tự chủ nỗi với bản thân. May mà trời thương, ông ấy còn kịp để lại cho đứa con làm niềm vui vơi đi nỗi nhớ và hy vọng ngày đoàn tụ, nước nhà thống nhất; ông ấy về đi cày, tôi theo sau nhặt cỏ và thằng cu tý ngồi trên bờ ruộng xem bố mẹ làm… Ước mơ nhỏ bé là vậy cũng bị đứt giữa chừng, không bao giờ thực hiện được vì cuộc chiến tranh tàn khốc, ông ấy không bao giờ trở về nữa. Bao nhiêu yêu thương tôi dồn hết cho con trai và sau này là con dâu, người cùng cảnh ngộ và mong giúp cháu nguôi ngoai, đợi ngày chồng về. 

*

* *

Mùa xuân 1975 đại thắng, nước nhà thống nhất, vợ đợi tin chồng, mẹ chờ tin con, mong đón tin vui gia đình đoàn tụ; thế mà con tôi vẫn biệt tăm không một dòng chữ gửi về. Một hôm tôi đang làm việc ở Ủy ban xã, thấy đồng chí Huyện đội trưởng dẫn một anh bộ đội bước vào, linh tính của người mẹ báo cho tôi điềm chẳng lành; tôi ngồi chết lặng. Đồng chí Huyện đội Trưởng nắm lấy tay tôi, nước mắt trào ra, tôi biết điều không bao giờ mong muốn đã ập tới. Tôi cắn răng lại để mặc cho nước mắt trào ra thành dòng mà không sao gào khóc được. Anh bộ đội còn trẻ, mặc quân phục còn mới lại nắm lấy tay tôi giọng nghẹn ngào:

-Trước lúc hy sinh, anh Đại có nhờ cháu chuyển cho bác bức thư này và dặn phải trao tận tay cho bác; nếu không may bác mất thì đốt bỏ, không được cho ai xem cả. Con xin giao lại!

Cầm chiếc phong bì, kỷ vật của con còn lại tôi như hóa đá; mọi vật cứ mờ dần trôi vào cõi xa xăm. Lễ truy điệu cháu được xã tổ chức long trọng, con dâu chưa tròn hai chục tuổi đầu đã trở thành góa phụ, đội tang chồng. Tôi nát cả ruột gan và có cả nỗi ân hận, giá như...

Đêm khuya, khi mọi người đến chia buồn đã về hết, con dâu tôi vẫn quỳ gối trước bàn thờ, cặp mắt vô hồn nhìn lên bát nhang khói bốc nghi ngút, thỉnh thoảng lại đỏ rực lên khi có cơn gió thổi qua. Tôi ngồi xuống bên cạnh ôm hai vai con dâu an ủi:

- Chiến tranh là vậy con ạ, biết làm sao được, ta phải chấp nhận thôi.

- Mẹ, con có tội với chồng con, có tội với mẹ!

Bất ngờ cô con dâu ôm lấy mặt gào lên nức nở, rồi vung hai tay xé tung chiếc áo tang đang mặc, đứng bật dậy bấu chặt vào bàn thờ, mắt trợn ngược. Tôi cũng đứng bật dậy ôm ghì lấy nó cùng khóc, dỗ nó, nhưng nó vẫn gào lên:

- Con có lỗi với anh ấy, có lỗi với chồng con mẹ ơi, con vẫn còn là… con gái!

Nói xong nó ngã vật ra, ngất xỉu. Tôi vội đưa nó lên giường xoa địa liền, đắp chăn ủ ấm; thế mà thỉnh thoảng nó vẫn nấc lên từng cơn, nước mắt trào ra ướt đẫm. Tội nghiệp con trai tôi đã có một đêm tân hôn duy nhất trong đời nhưng chưa được làm chồng; khổ thân con dâu đã chưa một lần được làm vợ đúng nghĩa. Âu đó cũng là lỗi tại chiến tranh, nếu không vì chiến tranh thì đâu có sự ngang trái như vậy. Nếu nước nhà không bị xâm lược, mọi người không phải hối hả cầm súng ra trận, sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự độc lập toàn vẹn của đất nước thì đâu có cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng… Là người mẹ, tôi có quyền và trách nhiệm lo cho con của mình bằng bất kể cách gì, còn đúng, sai thì tùy sự phán xét của thời gian. 

Năm tháng trôi qua, tuổi xuân của con dâu cứ vèo vèo như lá bay qua của sổ. Nhiều đêm tôi khuyên nhủ, trách móc, giận hờn để mong nó đi bước nữa, nhưng nó nhất quyết không; thấy vậy tôi càng đau xót lắm. Năm con dâu bốn mươi tuổi, tôi tổ chức sinh nhật cho cháu và đề nghị:

- Con không lấy chồng nữa cũng được, nhưng mẹ muốn có một đứa cháu để bồng, và mai ngày con già yếu còn có nơi nương tựa, mẹ mới an lòng nhắm mắt.

Cháu nó ngồi lặng ngắt một lúc sau mới trả lời:

- Mẹ đã dạy vậy con xin nghe.

*

* *

Đầu xuân năm sau nó “ăn ra”, hạ sinh được một cô con gái mạnh khỏe, xinh xắn, tôi mừng lắm. Nói thật với các bác, ước nguyện đã thành, xem như đấy là cách tội tạ lỗi với con dâu.

- Thế bức thư anh Đại nhờ đồng đội chuyển về cho bà có vấn đề gì mà nghe quan trọng vậy bà? Cậu lái xe tò mò hỏi.

- Đó là bức thư của Duyên gửi cho nó. 

Bà cụ nói xong thò tay vào túi áo móc ra tờ giấy pơluya mỏng tang, màu trắng đục có nét chữ viết bằng mực tím đưa cho tôi, nói nhỏ.

- Nó đây, bác xem đi!

Anh!

Hôm nay vừa tròn ba tháng, đúng ba mươi ngày, ba mươi đêm em xa anh; trong ba mươi đêm ấy không đêm nào em nhắm mắt trọn vẹn vì luôn thấy hình bóng anh hiển hiện.

 Anh ơi, em nhớ anh! Em có lỗi với anh!

 Em không thể hiểu nỗi vì sao đêm tân hôn của chúng ta em lại xử sự như thế? Phải chăng từ trước đến nay chưa có người đàn ông nào đụng đến da thịt em, ngoài bố nên em sợ. Hay tại cuộc hôn nhân đột ngột quá, em chưa kịp chuẩn bị tâm thế, chưa kịp thương anh vì từ trước đến nay chúng ta chỉ là người quen cùng xóm, em xem anh như các bạn cùng lứa chăn trâu một thời! Cũng có thể em còn trẻ quá, trong đầu lúc nào cũng chỉ ao ước được học thêm để làm bác sỹ, chữa bệnh cho mọi người; chưa kịp nhìn nhận xã hội xung quanh. Những ước mơ, khao khát của con tim em là học và học chứ chưa một giây phút nào nghĩ đến yêu đương nam nữ chứ nói gì đến chuyện chồng con; vậy mà mọi người bắt em phải làm vợ anh. Khi ấy, em giận mọi người, giận đời và thấy cay đắng cho cuộc đời đã đẩy mình vào chỗ không lối thoát; mặc dù khi ấy em đã đồng ý cưới vì sợ tổ chức, thương bố, thương mẹ…

Anh ơi!

Khi anh đi rồi, em quay về đối diện với căn buồng trống trải, em mới thấy cô đơn biết chừng nào, em mới thấy ân hận biết chừng nào? Em sờ góc chiếu anh nằm hôm trước, muốn tìm lại chút hơi ấm của anh mà sao giờ lạnh ngắt. Em lôi chiếc gối đôi đêm ấy anh gối một mình để cố tìm xem có còn chút mồ hôi anh vương lại hay không mà không thấy... Em hối hận biết chừng nào anh ơi! Hãy tha lỗi cho em anh nhé. Em sẽ đợi anh, giữ nguyên vẹn người con gái để đợi anh về làm vợ trọn vẹn. Em sẽ đền cho anh, chúng ta sẽ có thật nhiều con trai, con gái để mẹ có nhiều cháu nội bồng bế.

Vợ của anh chờ anh!  

Duyên.  

Tôi đọc thư xong thấy cổ họng đắng nghét, bức thư mỏng manh mà sao nặng trĩu, tay tôi run run hình như không cầm nổi nữa. Bà cụ giơ tay nhẹ nhàng đỡ lấy lá thư, gấp lại bỏ vào túi, miệng mỉm cười:

- Lời ân hận muộn màng nhưng cũng ấm lòng người ra đi phải không bác!

Bà cụ nói với tôi hay nói với chính mình không biết, rồi đứng lên chào mọi người bước lên mặt đê. Trời đã hết mưa, một cơn gió lạnh ào đến làm mấy ngọn đèn trong quán lắc lư, chao đảo; chỉ chớp mắt không còn thấy bóng bà lão đâu nữa. Mặt sông Lô vẫn bình thản lăn tăn gợn sóng, nhấp nhô ánh đèn.

 

Mùa đông năm 2016