Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

HÀ NỘI - HÙNG KHÍ THUỞ TIÊN RỒNG tác giả LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN số 326 tháng 10 năm 2019



Sổ tay Thơ:
THĂNG LONG SỬ THI
              (Trích)

...Ngàn năm cũ Chiếu dời đô người thảo
Chọn Thăng Long thế rồng cuộn hổ ngồi
Nơi thắng địa ta nhìn sông tựa núi
Đặt kinh đô cho con cháu muôn đời

Ngàn năm trước Hoàng thành vừa khởi dựng
Điện Càn Nguyên tọa trên đỉnh núi Nùng
Lý Thái Tổ thiết triều trong gió sớm
Tiếng chuông chùa Trấn Quốc đọng thành sương

Còn vang bóng suốt ngàn năm quật khởi
Bản tuyên ngôn trên chiến lũy sông Cầu
Lý Thường Kiệt ngâm bài thơ đuổi giặc
Núi sông này có chủ đã từ lâu

Thuở giặc đến Thăng Long thành chiến địa
Đông Bộ Đầu khói lửa ngút trời mây
Tiếng Sát Thát giục hùng binh xung trận
Hưng Đạo Vương truyền hịch giữa đêm dày

Thăng Long hỡi khi ba lần giặc đến
Hàm Tử Quan dậy sóng rửa máu thù
Đánh cho khiếp trống đồng rung bạc tóc
Bạch Đằng Giang cuồn cuộn đến bây giờ

Thuở Lê Lợi dấy binh đòi lại nước
Trúc Lam Sơn cũng nhọn hoắt tên đồng
Nhìn vó ngựa giặc tràn lên Ải Bắc
Núi non mình đâu cũng thấy Chi Lăng

Thăng Long gọi mùa hoa đào thắng trận
Tết Quang Trung hỏa hổ đốt Ngọc Hồi
Bầy voi chiến cùng mở đường xung trận
Vạn giặc thù tan tác phía hoa rơi

Đêm Hà Nội xẻ mình làm chiến lũy
Cả trung đoàn quyết tử giữ Thủ đô
Thắng giặc Pháp, các anh về trở lại
Một rừng cờ xòe năm phía cửa ô

Đêm một chạp dưới mưa bom rải thảm
Đất Rồng bay nổi lửa quét giặc thù
Hà Nội đánh pháo đài bay tan xác
Sóng sông Hồng lại cuộn đỏ trong thơ

Ngàn năm trước cha ông đi mở nước
Dựng Hoàng thành dựng hùng khí Thăng Long
Ngàn năm sau cháu con đi giữ nước
Vẫn còn nguyên hùng khí thuở Tiên Rồng.
                                                                        Nguyễn Việt Chiến
LỜI BÌNH:

HÀ NỘI - HÙNG KHÍ THUỞ TIÊN RỒNG

Trong thời gian gần đây, Nguyễn Việt Chiến nổi lên như một nhà thơ viết rất hay về các đề tài Tổ quốc - đất nước, biển đảo - người lính. Phần lớn thơ của tác giả không mới về vóc dáng câu thơ (thường là 7 chữ, 8 chữ...), nhưng giọng điệu lại hết sức cuốn hút và mê hoặc người đọc một cách mãnh liệt. Các bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển, Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra... mang giọng thơ hào sảng, chất ngất khí thế anh hùng của một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục trước ngoại xâm. Thăng Long sử thi là một bài thơ dài, mang dáng dấp của một tiểu trường ca. Tác phẩm ca ngợi mảnh đất Thăng Long - Hà Nội trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đoạn thơ tôi trích trên đây chỉ là phần tác giả tái hiện lại một hình ảnh Thăng Long - Hà Nội kể từ khi Lý Thái Tổ chọn đất đóng đô và dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình về Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Bằng giọng thơ hùng tráng và hào sảng, cảm xúc bung vỡ và dâng trào mãnh liệt, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã khiến người đọc vô cùng cảm động và tự hào về một Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, trải qua nhiều cuộc chiến chinh mà vẫn hiên ngang và vẹn nguyên hào khí thuở Tiên Rồng.
Thăng Long - Hà Nội trở thành mảnh đất với thế "rồng cuộn hổ ngồi" từ thuở Lý Thái Tổ chọn nơi hùng thiêng này để dựng nghiệp nhà Lý. Tái hiện lại khoảnh khắc lịch sử trang nghiêm và hào hùng với một sắc thái hoài cổ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã khiến người đọc bồi hồi xúc động. Thăng Long là "thắng địa", là kinh đô của muôn đời sau qua cái nhìn đầy chiến lược của vị vua anh minh Lý Công Uẩn:
Ngàn năm cũ Chiếu dời đô người thảo
Chọn Thăng Long thế rồng cuộn hổ ngồi
Nơi thắng địa ta nhìn sông tựa núi
Đặt kinh đô cho con cháu muôn đời
Từ đó đến nay, trải qua hàng ngàn năm đánh giặc giữ nước, Thăng Long - Hà Nội đã vang dội nhiều chiến công oanh liệt. Vào thế kỷ XI, quân dân ta đã chống lại quân xâm lược nhà Tống khi Lý Thường Kiệt đắp phòng tuyến sông Như Nguyệt và đọc vang bài thơ Thần bất tử. Bài thơ có sức lay động lạ thường, cổ vũ chiến sĩ tiến lên đuổi giặc, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc muôn đời:
Còn vang bóng suốt ngàn năm quật khởi
Bản tuyên ngôn trên chiến lũy sông Cầu
Lý Thường Kiệt ngâm bài thơ đuổi giặc
Núi sông này có chủ đã từ lâu
Tiếp nối chiến công hào hùng của người anh hùng Lý Thường Kiệt, mạch cảm xúc bài thơ dường như dâng cao hơn, càng về sau càng trào sôi cháy bỏng. Hình tượng thơ liên tục xuất hiện bất ngờ mà vẫn logic với lịch sử. Ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông là ba lần vang danh nước non Đại Việt. Trần Hưng Đạo - vị tướng tài ba xuất chúng đã ghi dấu ấn ba lần kháng chiến thắng lợi khiến cho kẻ thù bạc tóc, khiếp vía trước sức mạnh nước Nam. Tự hào với quá khứ oai hùng ấy, nhà thơ đã viết những câu thơ gan ruột, thấm thía, đầy cảm xúc tự hào:
Thăng Long hỡi khi ba lần giặc đến
Hàm Tử Quan dậy sóng rửa máu thù
Đánh cho khiếp trống đồng rung bạc tóc
Bạch Đằng Giang cuồn cuộn đến bây giờ
Đến thế kỷ XV, với chiến thắng Lam Sơn, Lê Lợi đã đánh tan giặc Minh và mở đầu cho triều đại nhà Lê rực rỡ. Cảm xúc thơ, hình tượng thơ, nhất là giọng điệu thơ đến đây tràn đầy khí thế, nhà thơ viết mà như nhập hồn vào chiến thắng cha ông để say mê, náo nức cùng niềm vui thắng lợi:
Thuở Lê Lợi dấy binh đòi lại nước
Trúc Lam Sơn cũng nhọn hoắt tên đồng
Nhìn vó ngựa giặc tràn lên Ải Bắc
Núi non mình đâu cũng thấy Chi Lăng
Thế kỷ XVIII, thêm một lần nữa khi vua Quang Trung đánh tan hai mươi vạn quân Thanh xâm lược vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789 mãi mãi đi vào bất tử. Đến đây, lấy từ điển tích cành đào Nguyễn Huệ gửi tặng công chúa Ngọc Hân vào dịp xuân về, Nguyễn Việt Chiến đã xây dựng một hình tượng thơ vừa trang trọng, lộng lẫy mang vẻ đẹp sử thi,  vừa mang nét đẹp tình yêu đôi lứa trong cuộc sống đời thường, nhất là cảm xúc rất lãng mạn về mối tình giữa Ngọc Hân công chúa và người anh hùng đất võ Tây Sơn:
Thăng Long gọi mùa hoa đào thắng trận
Tết Quang Trung hỏa hổ đốt Ngọc Hồi
Bầy voi chiến cùng mở đường xung trận
Vạn giặc thù tan tác phía hoa rơi
Khép lại những trang sử hào hùng đánh giặc giữ nước của các thế hệ cha ông ngày trước, nhà thơ chuyển tiếp mạch cảm xúc để viết về một Hà Nội hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp trong thời đại Hồ Chí Minh. Chất ngất tự hào về những ngày khói lửa chiến tranh khi thủ đô Hà Nội cầm chân kẻ địch, cả trung đoàn sẵn sàng "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh":
Đêm Hà Nội xẻ mình làm chiến lũy
Cả trung đoàn quyết tử giữ Thủ đô
Thắng giặc Pháp, các anh về trở lại
Một rừng cờ xòe năm phía cửa ô
Nối tiếp chiến công hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp làm "chấn động địa cầu", trận Điện Biên Phủ trên không giữa lòng Hà Nội được tác giả biểu đạt bằng những câu thơ hừng hực lửa cháy, khí thế ngợp trời và quyết liệt bằng một giọng thơ hào sảng, hình tượng thơ nhờ đó mang đậm vẻ đẹp bi tráng:
Đêm một chạp dưới mưa bom rải thảm
Đất Rồng bay nổi lửa quét giặc thù
Hà Nội đánh pháo đài bay tan xác
Sóng sông Hồng lại cuộn đỏ trong thơ
Khép lại bài thơ là một Thăng Long - Hà Nội trải qua ngàn năm chiến chinh mà vẫn hiên ngang lẫm liệt, nguyên vẹn hùng khí thuở nào. Các từ ngữ "ngàn năm trước", "ngàn năm sau", "dựng Hoàng thành", "dựng hùng khí"... một lần nữa nhấn mạnh sự nối tiếp muôn đời của các thế hệ cháu con với tiền nhân đi trước:
Ngàn năm trước cha ông đi mở nước
Dựng Hoàng thành, dựng hùng khí Thăng Long
Ngàn năm sau cháu con đi giữ nước
Vẫn còn nguyên hùng khí thuở Tiên Rồng.
Thăng Long sử thi được nhà thơ Nguyễn Việt Chiến viết nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và được trao giải thưởng trong cuộc thi thơ năm 2010. Bài thơ là khúc tráng ca đầy hào khí, ca ngợi hình tượng Thủ đô của non sông nước Việt. Với giọng điệu thiết tha mãnh liệt, cảm xúc chân thành, nhà thơ đã bộc lộ một tình yêu lớn lao với mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến - một Thủ đô hòa bình, thịnh vượng trong thời đại Hồ Chí Minh.
      


Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

BÌNH YÊN Ở “XÓM NGHĨA ĐỊA” bút ký dự thi của TRỌNG HÙNG - CHƯ YANG SIN số 326 tháng 10 năm 2019


 Tác phẩm đoạt giải Cuộc vận động viết bút ký văn học chủ đề 
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”




Tôi đến khu Liên gia 6, Tổ dân phố 2, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột vào một ngày cuối tháng 6. Khung cảnh nơi đây bình yên đến lạ, nó khác xa với những gì mà trước kia người ta thường nói về “Xóm nghĩa địa”. Con đường vào xóm mặc dù chưa được đổ bê tông nhưng đang được Đoàn thanh niên Công an thành phố cùng với đoàn viên, thanh niên và bà con Tổ dân phố dọn dẹp sạch sẽ quang đãng. Mấy đứa trẻ được nghỉ hè ở nhà rủ nhau chơi trốn tìm, reo hò vang cả một góc trời. Những cảnh tượng ấy rất đỗi bình thường, nhưng với người dân nơi đây, mới tháng trước, họ nghĩ chỉ có ở trong một giấc mơ.

Những tháng ngày buồn bã…
Tiếp tôi là ông Đoàn Văn Trị, một cán bộ công an nghỉ hưu, Tổ trưởng Tổ dân phố 2 - phường Thành Nhất cùng với vài người dân sống lâu năm ở đây. Chúng tôi ghé một quán nước bên đường. Rót ly nước trà mời khách, ông Trị chậm rãi kể: “Khu liên gia 6 thường được mọi người gọi là “Xóm nghĩa địa” vì trước đây khu vực này là nghĩa địa Phan Bội Châu. Khoảng hơn 20 năm về trước, nơi đây rất hoang vắng. Lúc đầu chỉ có một vài gia đình ở các tỉnh phía Nam, mà nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh, đến đây dựng nhà tạm để làm nghề đào, xây, lau dọn mồ mả. Có lẽ cuộc đời họ gặp nhiều nỗi buồn nên mới dạt về xóm này. Hình như họ có chút mặc cảm nghề nghiệp nên ít giao lưu với mọi người và cũng không ai để ý tới họ. Một người đến, hai người đến, rồi nhiều người rủ nhau đến. Trong số đó có nhiều người nghiện ma túy nên đã hình thành nên “Xóm nghĩa địa” từ khi nào không hay. Chỉ biết xóm càng ngày càng đông và càng ngày càng phức tạp. Từ khi thành phố di dời nghĩa địa Phan Bội Châu để xây dựng công viên cây xanh, nhiều người bị thất nghiệp và càng lún sâu vào con đường nghiện ngập. Họ buôn bán ma túy để lấy tiền hút chích. Tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy ở xóm ngày một nhiều hơn. Trong xóm có 17 gia đình thì có tới 13 gia đình có người nghiện và tham gia buôn bán ma túy. Số người phải đi tù vì buôn bán cái chết trắng cũng ngày một nhiều. Hàng ngày, có cả trăm con nghiện từ khắp nơi đến mua ma túy và chúng thường sử dụng ma túy ngay tại xóm này. Đầu xóm, cuối xóm, bơm kim tiêm vứt khắp nới. Những con nghiện phê thuốc ngồi vật vờ như những bóng ma, thậm chí đã có trường hợp xốc thuốc chết ở vệ đường. Cảnh tượng thật ghê rợn”
Tiếp lời ông Trị, một bác lớn tuổi trong xóm (xin phép được dấu tên) với vẻ e ngại kể thêm: “Có lần con tôi dẫn cháu đến chơi, thấy một thanh niên đang sử dụng xi lanh để chích ma túy ở trước cổng nhà nên đã nhắc nhở. Ấy vậy mà chỉ lát sau, có nhiều thanh niên trong xóm tụ tập cùng đám thanh niên khác, chúng chửi bới, hăm dọa khiến cả nhà hoảng sợ phải báo công an đến giải quyết. Ở cái xóm này, ngày cũng như đêm, khi nào cũng phải đóng cửa, khóa cổng im ỉm vì cứ hở ra cái gì là mất cái đó. Việc mua bán, sử dụng ma túy trước đây diễn ra cả ngày lẫn đêm, thời gian gần đây do công an làm quyết liệt nên chúng tập trung chủ yếu vào đêm khuya và tờ mờ sáng. Nếu không phải con nghiện, người lạ chắc ít ai dám lui tới xóm, nên cái tên “xóm nghĩa địa” có vẻ rất hợp với không khí ở nơi này”.
Cuộc sống đã đổi thay….
 Mấy hôm trước, có việc sang bên Công an Thành phố, tôi có gặp vài người bạn ở Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Thấy tôi quan tâm hỏi về kết quả phá án ma túy ở “xóm nghĩa địa”, ai nấy hồ hởi kể:  Trước tình hình hình buôn bán và sử dụng ma túy phức tạp ở “xóm nghĩa địa”, ngay khi mới về nhận vị trí Trưởng Công an Thành phố, Đại tá Nguyễn Văn Bôn đã chỉ đạo cho các đội nghiệp vụ xác lập chuyên án 291N. Những trinh sát và điều tra viên tinh nhuệ nhất của Công an Thành phố đã được lựa chọn cho chuyên án lần này. Các mũi trinh sát được tỏa đi khắp nơi để xác minh các đối tượng. Cũng trong đợt này, Công an Thành phố đã chỉ đạo cho công an các xã, phường tăng cường phát hiện, xử lý các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn. Và qua lời khai của các con nghiện đã xác định có nhiều con nghiện từng mua ma túy ở “xóm nghĩa địa”. Điều này càng thôi thúc Ban chuyên an phải nhanh chóng triệt xóa tụ điểm phức tạp trên để người dân có cuộc sống bình yên.
Theo lời kể của Đại tá Bôn, lúc đó khoảng 3 giờ sáng, khi nghe anh em trinh sát báo tin về tình hình ở xóm nghĩa địa ngày càng phức tạp, số điểm bán ma túy trong xóm hiện tại rất nhiều, địa hình có nhiều ngóc ngách thông nhau sẽ gây khó khăn cho công tác bắt, khống chế, xử lý đối tượng, ông đã cho họp khẩn Ban chuyên án. Một kế hoạch tấn công chi tiết nhanh chóng được vạch ra. Công văn đề nghị phòng Cảnh sát Cơ động phối hợp cũng được chuyển đi ngay từ mờ sáng. Tất cả đã sẵn sàng cho một trận đánh lớn.
Đúng 1 giờ 30 phút chiều 12 tháng 6 năm 2019, khi cái nắng mùa hè đang còn gay gắt, Đại tá Nguyễn Văn Bôn, trực tiếp chỉ gần đạo 100 cán bộ chiến sỹ, chia thành 5 mũi đồng loạt tấn công vào sào huyệt của các tụ điểm ma túy trong “xóm nghĩa địa”.  Qua khám xét tại 5 nhà của các đối tượng nghi vấn, lực lượng Công an đã phát hiện nhiều thanh niên đang có hành vi mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy. Cũng tại đây, lực lượng công an phát hiện một số lượng lớn ma túy các loại đã được các đối tượng chia thành các gói nhỏ cất giấu ở khắp nơi: trong nhà, ngoài ngõ, hàng rào và cả trên mái nhà để bán lẻ cho các con nghiện. Khám xét nơi ở của các đối tượng còn phát hiện nhiều tài sản là điện thoại, máy tính Latop… mà các con nghiện đã trộm cắp được để đổi lấy ma túy. Tại thời điểm tấn công, Công an Thành phố đã tạm giữ 31 đối tượng cùng số lượng lớn tang vật để điều tra xác minh và xử lý.
Đại úy Bùi Xuân Bình - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (người trực tiếp tham gia chuyên án) kể lại cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm trong qua trình đấu tranh chuyên án. Theo anh thì “291N là một chuyên án rất khó khăn vì yêu cầu đặt ra là cùng một lúc phải triệt xóa nhiều tụ điểm trong một không gian hẹp với nhiều đối tượng hoạt động đơn tuyến. Trong số chúng, nhiều tên có mối quan hệ làng xóm, dòng họ với nhau. Địa hình của “xóm nghĩa địa” lại rất phức tạp, các ngõ ngách được bố trí thông từ nhà này sang nhà kia như một hang ổ khiến cho công tác trinh sát gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các đối tượng có tiền án, tiền sự về tội buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy nên thủ đoạn của chúng rất tinh vi. Chúng thường cắt cử người cảnh giới nên người lạ khó có thể lọt vào. Chúng cũng rất có kinh nghiệm trong nhận diện con nghiện để cung cấp ma túy nên lực lượng trinh sát gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các đối tượng. Để xác định được đúng các đối tượng, anh em trinh sát đã phải nhiều đêm ăn nằm trên đất nghĩa địa cũ, dưới trời mưa lạnh. Nhiều đồng chí bị muỗi đốt nên đã mắc bệnh sốt xuất huyết. Và ngay cả khi bắt được các đối tượng rồi thì việc đấu tranh lấy lời khai cũng không hề dễ dàng. Chúng khai nhỏ giọt, quanh co, chối tội hoặc đổ lỗi cho nhau. Nhưng bằng các biện pháp đấu tranh quyết liệt, tinh thông của anh em điều tra viên, chúng đã dần thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Đến hôm nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Buôn Ma Thuột đã có đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 26 bị cán để điều tra về tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, đồng thời ra quyết định xử lý hành chính 9 đối tượng và buộc đi cai nghiện 4 đối tượng.”.
Những vất vả của Ban chuyên án 291N cuối cùng đã được đền đáp. Những kẻ gieo rắc cái chết trắng đã phải trả giá cho tội các của mình. Hôm nay, Đoàn thanh niên Công an Thành phố phối hợp cùng với Đoàn thanh niên và bà con ở Tổ dân phố 2 cùng nhau phát quang bờ bụi, lượm nhặt bơm kim tiêm mà các con nghiện vứt lại khi trước. Vừa nhặt bơm kim tiêm ông Hùng (Liên gia trưởng Liên gia 6) hồ hởi: “Vui lắm cháu ạ, cái xóm tăm tối này từ nay đã được đổi thay, con cháu mình giờ được thoải mái vui chơi ngoài đường mà không còn lo sợ nữa. Cảm ơn công an nhiều lắm. Chú mong lực lượng công an làm quyết liệt không để cho các tụ điểm ma túy như ở đây tái phát, có vậy thì người dân mới yên ổn mà làm ăn được.” 
Tiếng cười nói, những âm thanh lao động rộn ràng hòa vào lời bài hát “chúng tôi là người chiến sỹ Công an Việt Nam, giữ thanh bình yên vui cuộc sống” vang lên từ chiếc loa di động đặt ở đầu ngõ càng làm cho không khí ở xóm nghĩa địa thêm vui tươi, rộn rã.
Tôi ra về trong tình cảm nồng ấm của người dân nơi đây, ngước mắt nhìn lên bầu trời cao xanh, lòng cảm thấy thật tự hào về hình ảnh những người đồng đội đang ngày đêm hi sinh thầm lặng để giữ bình yên, hạnh phúc cho cuộc sống nhân dân. Quả vậy, không có những chiến công thầm lặng, những gian lao vất vả, liệu rằng “Xóm nghĩa địa” có được niềm vui đến với mọi người?
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

THEO DÒNG THỜI GIAN bút ký dự thi của BÍCH THIÊM - CHƯ YANG SIN số 326 tháng 10 năm 2019




 Tác phẩm đoạt giải Cuộc vận động viết bút ký văn học chủ đề 
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”


Tác giả Nguyễn Thị Bích Thiêm


Ea Súp, mảnh đất vùng biên của Đắk Lắk đón tôi bằng sự nồng nhiệt của nắng và của những công dân đang sinh sống và làm việc ở đó. Để khi chia tay rồi, những câu chuyện về đất và người vẫn còn ngân nga mãi trong tôi.
…Trụ sở Công an huyện Ea Súp một chiều tháng 3 năm 2001, ánh nắng xiên chéo qua khoảng sân lơ thơ cỏ dại có mấy cây dừa nhỏ đang cố sức bung lên chút màu xanh ít ỏi mà vẫn không làm dịu đi cái nóng của xứ sở. Trong phòng làm việc của Trưởng Công an huyện - Thượng tá Nguyễn Đức Dũng chỉ có ông và một chiến sỹ trẻ. Ông mân mê tờ giấy trên tay, vẻ mặt trầm tư. Chiến sỹ đứng trước ông - chừng 21 tuổi, nước da nâu, đang mở to đôi mắt nhìn ông với vẻ khẩn khoản. Ông đắn đo vì chiến sỹ Nguyễn Đức Hiếu - đang là chiến sỹ nghĩa vụ của đơn vị, xin đơn vị cho phép được dự thi đại học. Nhìn Hiếu, ông thấy thương lắm. Vốn là con nhà nông ở ngoài Kim Sơn, Ninh Bình, cậu vào ở cùng cô ruột, rồi năm 1998 được tham gia lực lượng công an nghĩa vụ. Năm 2001 ở Tây Nguyên có mấy vụ gây rối của cái gọi là “nhà nước Đề Gar” của Ksor Kớt, lực lượng công an, trong đó có Nguyễn Đức Hiếu và các đồng đội mình đã góp phần vào công cuộc dẹp yên các phần tử kích động. Suốt ba năm, chàng chiến sỹ trẻ vẫn âm thầm mượn sách vở các bạn đã từng thi đại học để tự ôn luyện. Hiếu tham gia sơ tuyển và đã đạt nên xin đơn vị cho dự thi đại học - ước mơ bao năm của cậu. Ông rất muốn chấp thuận, nhưng ngặt vì lúc này cán bộ chiến sỹ công an toàn huyện chỉ có chưa đầy 40 người. Trong khi huyện thì rộng và nhiều vấn đề phức tạp. Nay giải quyết cho Hiếu dự thi thì công việc sẽ nhiều lên, anh em khác liệu gánh nổi không? Như hiểu nỗi khó xử của ông, Hiếu năn nỉ: “Thôi, chú cứ cho cháu xuống nhìn thấy cổng trường đại học rồi cháu về cũng được. Với lại ba năm qua cháu luôn hoàn thành nhiệm vụ mà.” Thế là ông quyết định cho Hiếu được nghỉ hai ngày để đi thi đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai ngày sau, tại cổng điểm thi của Phân hiệu hai, Học viện An ninh, lẫn trong dòng thí sinh và phụ huynh đông đảo, có một thanh niên mặc bộ quân phục công an còn nguyên dấu bụi đỏ đường trường và chiếc ba lô bạc màu. Nhìn những thí sinh khác ăn bận bảnh bao, cặp túi thời trang và được người nhà chở bằng ô tô, xe máy đến, thí sinh Nguyễn Đức Hiếu không khỏi có chút tủi thân. Vốn quen tự lập, anh đã gạt qua phút yếu đuối ấy để bước vào phòng thi với quyết tâm cao nhất. Kết quả anh là một trong những chiến sỹ nghĩa vụ đầu tiên của huyện Ea Súp trở thành sinh viên của Phân hiệu hai, Học viện An ninh, tại Linh Trung, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Ea Súp năm 2006, mảnh đất nắng gió chang chang ấy đón chàng Trung úy Nguyễn Đức Hiếu trở lại công tác. Vẫn nước da đậm đà cùng ánh mắt hiền lành và nụ cười bẽn lẽn, anh được cấp trên điều động về làm trinh sát an ninh và lãnh đạo Công an huyện Ea Súp phân công anh phụ trách ba địa bàn: xã Ia Jlơi, Ia YaLốp, Ea Rốk. Đây là ba xã xa trung tâm, có địa bàn phức tạp. Buôn Bana ở Ia Jlơi là bà con dân tộc tại chỗ, nhận thức còn hạn chế. Buôn Mta xã Ea Rốk lại là địa bàn phức tạp về chính trị, tôn giáo. Trước mắt người chiến sỹ trẻ là những khó khăn, trở ngại chồng chất. Khó khăn đầu tiên chính là sự bất đồng ngôn ngữ. Hiếu bắt tay vào “tháo gỡ” bằng việc học tiếng Êđê. Anh nhờ các đồng đội dạy, rồi tìm sách tự học, tích cực giao tiếp với bà con. Việc tiếp theo là anh tham mưu với cấp ủy những kế sách để đảm bảo trật tự an toàn. Phương tiện đi lại chỉ là chiếc xe đạp cũ. Ngày nào anh cũng đạp xe lóc cóc trên con đường dài 18 đến 40 km trong địa bàn huyện, lúc đến nơi mái tóc bạc phơ, vì bụi đất. Người dân cũng không lạ gì khi trong mọi sinh hoạt cộng đồng của buôn làng như lễ bỏ mả, lễ cúng bến nước, cúng cơm mới, đám cưới… đều có anh tham gia. Đó cũng là cách để anh trau dồi vốn ngôn ngữ, và nắm bắt tình hình an ninh tốt hơn. Chính vì vậy, bà con rất quý mến ama Đức (gọi theo tên con trai đầu của anh), luôn thấy anh như người thân trong buôn làng. Đó là khoảng thời gian cuối năm 2009 đến 2010. Sau đó anh được cấp trên bổ nhiệm làm Phó trưởng Công an thị trấn và cảnh sát khu vực 5 buôn ở thị trấn Ea Súp. Về cơ bản Ea Súp là địa bàn ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn những phức tạp về chính trị. Do đồng bào theo chế độ mẫu hệ, có cả kết hôn với người dân Campuchia nên chuyện đi qua đi lại vùng biên cũng như chuyện săn bắn, bắt cá… cũng dễ có sự vi phạm an ninh biên giới. Dân cư phân bố thưa thớt cũng gây khó khăn cho việc quản lý nhân khẩu hộ khẩu. Điều may mắn là thời gian làm trinh sát, Hiếu đã thông thuộc địa bàn và thâm nhập thực tế nên giờ anh nắm vững tình hình của các buôn cùng các đối tượng cụ thể. Dựa vào kinh nghiệm và nhiệt huyết, lăn xả trong công việc, cùng sự giúp sức của già làng, trưởng bản có uy tín và bà con, anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tháng 9.2012, anh được bổ nhiệm làm Trưởng Công an thị trấn và được bầu vào BCH Đảng ủy, đại biểu HĐND, Bí thư Chi bộ Đảng thị trấn khi anh 32 tuổi - cái tuổi bắt đầu “nhi lập” theo quan niệm của người xưa. Anh đã tham mưu với Bí thư, Chủ tịch thị trấn đặt những hòm thư tố giác tội phạm. Qua đó điều tra, xác minh và có biện pháp đề phòng, xử lí các đối tượng tội phạm, những đối tượng nghiện hút kịp thời. Tháng 10.2016, đúng mười năm sau khi học xong đại học, Nguyễn Đức Hiếu được Giám đốc Công an tỉnh bổ nhiệm làm Phó trưởng Công an huyện, phụ trách mảng công tác hành chính và an ninh trật tự. Ở cương vị này, tuy còn trẻ tuổi, nhưng anh vẫn luôn được các đồng chí Trưởng Công an huyện như Nguyễn Đức Dũng, Phạm Văn Sơn, Cao Tiến Phu tin tưởng để cùng bàn bạc về các công tác của đơn vị. Nhờ có sự am hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, các đối tượng và sức bật của tuổi trẻ, nhiệt tình công tác mà anh đã xử lí gọn gàng khối công việc lớn đó. Anh cũng là người đã có bản phương án bảo vệ đập Ia Jlơi, được cấp trên và chính quyền đánh giá cao. Tháng 12.2017, khi sắp bước vào tuổi 40, anh được Giám đốc Công an tỉnh bổ nhiệm làm Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong việc tạm giam tạm giữ, tái hoà nhập cộng đồng xã hội, đồng thời trực tiếp quản lý 4/10 đội nghiệp vụ. Khát khao cháy bỏng từ thời là cậu bé con một gia đình nghèo ở vùng quê Kim Sơn: trở thành một chiến sỹ công an nay đã thành hiện thực. Những khó khăn thử thách khi thực hiện nhiệm vụ không làm nhụt chí mà anh càng quyết tâm đương đầu và vượt qua bằng nhiệt huyết sục sôi và bản lĩnh tuổi trẻ. Sự tín nhiệm quan tâm của cấp trên, sự ủng hộ của gia đình, đồng đội và nhân dân càng giúp khả năng của người Phó trưởng Công an huyện được tiếp thêm sức mạnh. Có một vấn đề nan giải với Ea Súp và các huyện biên giới là số đông đồng bào phía Bắc di cư tự do vào, gây khó cho việc quản lý tạm trú tạm vắng. Anh tham mưu cấp trên và trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc thực hiện “3 không 3 nên”(không trễ hẹn, không gây phiền hà xách nhiễu, không để nhân dân đi lại nhiều lần, nên hòa nhã ân cần với nhân dân, nên xin lỗi nhân dân khi sai, nên cảm ơn khi được nhân dân góp ý) trong toàn cơ quan để quản lý hành chính tốt hơn. Để giải quyết việc có nhiều tôn giáo cùng tồn tại, có những tôn giáo hoạt động lén lút, lôi kéo tranh giành tín đồ v.v. trong khi lực lượng còn mỏng, anh và chiến sỹ gặp gỡ những trưởng nhóm các giáo phái để vận động họ nên thực hành “tu tại gia”, từ đó giải quyết tình trạng tụ tập đông người trái phép. Vấn nạn nóng của địa bàn là tình trạng tranh chấp đất đai. Những người dân di cư từ phía Bắc vào trước sự mông mênh của đất đai đã bắt tay vào dọn đất (đôi khi còn “dọn” rừng) để bắt đầu cuộc sống ở miền đất mới. Các công ty, các chủ doanh nghiệp cũng đổ công sức tiền của vào vùng đất được quy hoạch cấp phép. Xưa nay điền thổ vẫn là những vấn đề có thể gây ra bạo lực đổ máu. Nên hiển nhiên có sự tranh chấp nóng bỏng quyết liệt giữa các công ty và người dân. Đã có xô xát, thậm chí đổ máu. Người Phó trưởng công an huyện thấu hiểu và xót xa khi phải chứng kiến thực trạng đó. Anh cùng tập thể lãnh đạo Công an huyện bàn bạc tìm ra những biện pháp xử lý, giải quyết tình trạng này. Các văn bản chỉ đạo kịp thời được công bố, quán triệt trong toàn cơ quan và trong nhân dân, rồi các anh cũng tổ chức các ngày thứ bảy, chủ nhật cho cán bộ chiến sỹ vào từng buôn hay các gia đình neo đơn để làm chứng minh nhân dân, và giúp thủ tục nhập khẩu cho người dân; phối hợp công an và cấp ủy các xã để nắm bắt và ngăn chặn kịp thời các diễn biến xảy ra. Bản thân anh còn trực tiếp tham gia cùng anh em giải quyết một số vụ vi phạm pháp luật. Tháng 4.2019 có nhóm hơn 20 đối tượng côn đồ từ Hải Phòng vào để ép giá dưa hấu của bà con. Những người nông dân lam lũ, hiền lành bị các đối tượng xăm trổ đầy người ra lệnh phải bán dưa cho chúng với giá rẻ mạt. Đích thân Nguyễn Đức Hiếu cùng các chiến sỹ đã đến những nhà mà nhóm côn đồ đang ở. Các anh cho kiểm tra hành chính, thu mã tấu, dao rựa…về công an xã. Rồi áp dụng luật di trú, kê khai lí lịch... Sự có mặt kịp thời và bản lĩnh vững vàng cứng rắn của các anh cùng công an địa phương đã chặn được sự nhũng nhiễu và đập tan sự hung hãn ngang ngược của các đối tượng côn đồ, đem lại sự bình yên cho bà con xã Ea Rvê cũng như các xã khác chỉ trong hai tuần. Nhờ kinh nghiệm của một người cán bộ trưởng thành từ cơ sở nên anh thường khéo léo xử lý, hỏi han tham khảo ý kiến khi giao nhiệm vụ cho các cán bộ có tuổi đời và kinh nghiệm dày dặn hơn mình, đồng thời quan tâm và chia sẻ kịp thời với các chiến sỹ trong đơn vị mỗi khi anh em ốm đau hay gia đình có công việc quan trọng. Anh hiểu những kiến thức học được trong trường đại học khi ra thực tế lại rất phong phú nên cần có sự áp dụng linh hoạt, và sự học là không bao giờ đủ, nên anh đã đăng ký và học xong lớp cao cấp chính trị trong khoảng thời gian 2017-2019, để phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
Hơn hai mươi năm đã qua, chàng trai Nguyễn Đức Hiếu ngày nào bây giờ đã là thiếu tá Nguyễn Đức Hiếu - Phó trưởng Công an huyện Ea Súp, người chủ một gia đình hạnh phúc với sự yêu thương, tạo điều kiện quan tâm giúp nhau làm tốt việc nhà, việc xã hội của người vợ - chị Vũ Thị Bích Thuận - cán bộ Huyện ủy huyện Ea Súp cùng hai con ngoan ngoãn, chăm học… Vẫn nụ cười bẽn lẽn, và ánh mắt hiền hòa khi nhìn ra khoảng sân cơ quan đầy nắng, anh nói: “Ở đây vẫn còn có những khó khăn mà chúng tôi cần cố gắng mới giải quyết dứt điểm được, như việc tranh chấp đất đai, việc thu giữ vũ khí tự chế của bà con… Nhưng nhất định sẽ xử lý tốt để đem lại cuộc sống yên bình cho bà conï”. Tôi tin vào điều anh nói, như những gì anh và các bạn mình đã làm được trong những năm qua.
Chia tay Ea Súp, chia tay anh cùng các cán bộ chiến sỹ công an, trong hành trang kí ức những cảm xúc mến thương, khâm phục và biết ơn của tôi dành cho cuộc đời, lại có thêm sắc áo xanh cùng nụ cười và ánh mắt của Nguyễn Đức Hiếu cùng các bạn mình trên mảnh đất khắc nghiệt nhưng đầy tình người này.



Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

TƯỞNG TƯỢNG truyện ngắn của NGUYỄN VĂN THIỆN - CHƯ YANG SIN SỐ: 326 THÁNG 10 NĂM 2019

 





Tôi đặt Đất nước vào lòng bàn tay rồi từ từ nắm chặt lại, như cách những người đang yêu nắm lấy tay nhau. Cả một mớ hỗn độn đang vẫy vùng trong đó. Tiếng guốc khua, tiếng ao hồ gợn sóng, tiếng ru con, tiếng thổn thức của trái tim, tiếng hát nho nhỏ và tiếng cười mơ hồ. Tôi nắm chặt hơn chút nữa, tiếng dao kiếm va chạm, tiếng động cơ, tiếng tim đập mạnh, tiếng cười đùa, tiếng rên rỉ kêu than… Tôi bóp chặt tay, tiếng ré, tiếng gào, tiếng thét như sập cầu như lật xe, như cháy nhà cháy chợ. Bị kích động bởi những âm thanh mạnh, tôi nghiến răng bóp chặt. Âm thanh từ bàn tay phát ra như sấm sét, kinh thiên động địa.
Tôi mở tay ra, nhẹ nhàng như một cậu bé với bàn tay đang giam giữ một con dế nhỏ, và ghé mắt nhìn vào. Những hình ảnh chồng chéo như một bãi chiến trường. Một người mẹ gục đầu bên giường bệnh của con, cháu bé nằm co như một dấu hỏi màu trắng, lâu lâu, dấu hỏi lại ho và quằn quại. Bên cạnh là một hàm răng trắng nhởn đang nhe ra cười của một cậu thanh niên mặc áo xanh. Giữa đất, một ngư dân mặt đen như đít chảo với dải băng thấm máu quấn trên đầu. Trên tay ông ta là một lá buồm hoặc lá cờ đã bị rách. Một cụ già còng lưng gùi một đống củi lặng lẽ bước đi. Trên đường, một chiếc xe cháy trụi, đen thui. Một nhóm người mặt mũi hốc hác tối tăm đang đứng vây quanh, chỉ trỏ…
Tôi xòe hết mười ngón tay. Những vạt đất rụng rơi lả tả. Đất sỏi vàng Móng Cái, đất đỏ bazan Tây Nguyên, đất phù sa Cà Mau. Những dòng sông trôi tuột xuống dọc kẽ tay. Sông Kỳ Cùng, sông Ba, sông Hậu. Những vạt rừng rơi xuống kẽ tay. Rừng lim Tây bắc, rừng bằng lăng Tây Nguyên, rừng tràm Tây Nam bộ. Mẹ nói bên tai: Nắm tay lại đi con, không thì sẽ không còn gì… Cha nói nhỏ bên tai: Nắm tay lại đi con, không thì sẽ không còn gì… Nhưng tôi không dám. Nắm tay lại, tôi bị những âm thanh cuồng nộ kích động. Mà xòe tay ra, lại trôi tuột những hình ảnh thân thương…
Không đủ sức gọi tên những điều mình nhìn thấy, tôi ngồi lại bên bàn vẽ những nét nguệch ngoạc lên giấy, trong bóng đêm. Tôi vẽ con voi, xong những nét cuối cùng, con voi chậm rãi bước ra khỏi phòng. Tôi vẽ con chim, xong những nét cuối cùng, con chim lặng lẽ bay ra khỏi phòng. Tôi vẽ tượng gỗ, xong những nét cuối cùng, tượng gỗ cũng đi ra khỏi phòng. Tôi định vẽ một ông vua, nhưng không dám! Tôi sợ những ông vua trước sau rồi cũng sẽ bỏ ra đi. Cuối cùng, tôi vẫn một mình. Tôi vẽ tôi, xong những nét cuối cùng, tôi cũng đứng dậy bỏ đi. Có lẽ nào, ngay cả tôi cũng đã bỏ tôi đi? Tôi đã gây ra lỗi gì, hay chỉ vì đã trót muốn nghe những âm thanh thật, nhìn những hình ảnh thật của cuộc sống này? Tôi buông bút, gọi theo mình, giọng khản đặc: “Đừng bỏ lại, tôi, ơi…”
Những thân yêu tin cậy đã bỏ đi hết rồi. Còn mỗi tôi trong căn phòng hoang vắng. Bàn tay tôi thõng xuống, không nắm không mở, như tay người chết. Những đường chỉ tay đứt nối một cách rối ren,loạn xạ. Này thì voi hoang, này thì chim trời, này thì tượng gỗ, này thì vua chúa, này thì là tôi, này thì chia ly, này thì tan rã… Tôi muốn gặp họ, để hỏi một câu, chỉ một câu thôi: “Vì sao lại…?” Có lẽ phải nửa đêm, hoặc là thời gian không còn trôi nữa. Bóng trăng cũng đặc lại trong sương. Tôi mở cửa phòng nhìn ra, kinh ngạc thấy những bức tranh của tôi đứng xếp hàng ngoài đó, lặng lẽ, u buồn.
Voi nói bằng ánh mắt ngân ngấn nước: “Chúng tôi đã bị xua đuổi…”
Chim nói bằng ánh nhìn cong vút: “Chúng tôi đã bị truy sát…”
Tượng gỗ nói bằng thớ thịt não nề: “Chúng tôi bị cưỡng bức…”
Tôi nói bằng lưỡi cong như chiếc muỗng: “Chúng tôi đã bị lừa dối…”
Tất cả đồng thanh cất tiếng, kể lể, than vãn.
Tôi hỏi: “Ai, ai đã xua đuổi, ai đã truy sát, ai đã cưỡng bức, ai đã dối lừa?”
Tất cả đồng thanh: “Vua!”
Nhưng, tôi đã kịp vẽ vua đâu, tôi chưa vẽ vua bao giờ mà? Tất cả lại đồng thanh: “Vẫn có vua!” Tôi hỏi: “Ở đâu?” Họ trả lời: “Trong bóng đêm của khu vườn!” Giọng nói của họ toát lên vẻ sợ hãi. Họ run rẩy trong sương, run rẩy dưới trăng. Không lẽ nào, ở đây lại có vua, trong khi tôi chưa vẽ vua bao giờ? Tôi đẩy cửa bước ra ngoài, tôi phải tìm thật kỹ xem, biết đâu điều này lại là sự thật. Tôi căng mắt ra nhìn vì khu vườn khá rộng và tối. Nhìn vào trong hốc cây, trong bụi cỏ, dưới tán lá, trong thùng đựng nước, cả trong chuồng gà, chuồng thỏ. Không thấy. Tìm lần nữa, vẫn không thấy. Bực mình, tôi gọi to: “Vua ơi, vua ở đâu?” Tiếng của tôi vỡ ra như sỏi, tan trong sương đêm. Bọn voi, chim và tượng gỗ sau một hồi khóc than kể lể đã đứng ngủ ngay trước cửa, như bị thôi miên. Nhìn mà thương lạ! Những hình hài hiền lành ấy, chúng đã bao giờ làm hại ai chưa?
Tôi chắc chắn, giả sử bây giờ tìm được vua đang nấp đâu đó trong khu vườn này, tôi sẽ đặt vua vào hai bàn tay và bóp chặt. Từ trong đó, sẽ vọng ra nhưng âm thanh dặt dìu đài các yến tiệc hay tiếng thì thầm của những thủ đoạn mưu toan? Sẽ là tiếng vàng sắt chen nhau hay tiếng gối chăn đau buốt? Tiếng hùng cường cứng cỏi hay tiếng đê hèn thỏa hiệp thì thào đổi chác, bán mua?
Rồi tôi sẽ xòe mười ngón tay ra xem cái gì sẽ rơi lả tả. Những ngự chuẩn ngự phê dồn dựng hùng cường hay những bảo kiếm nát tan, long bào hắc ám? Là sừng sững ngai vàng hay gỗ đá vỡ ra như cám? Hay chỉ là một dòng chữ cổ xưa không còn ai đọc được?
Tôi không biết, bởi tôi chưa từng vẽ vua bao giờ.
Tôi cũng chưa từng gặp vua bao giờ.
Vì vậy, tôi lại đặt Đất nước vào lòng bàn tay rồi từ từ nắm chặt lại…

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

KHÓC MỘT LẦN THÔI truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN - CHƯ YANG SIN SỐ: 326 THÁNG 10 NĂM 2019





Chỗ giáp gianh giữa đất của người Mông và người Tày là một rừng tre gai khá dày. Không biết ai đã trồng, chưa bao giờ Vin hỏi người già câu ấy. Vin không bao giờ tò mò những chuyện của quá khứ. Vin chỉ biết, hôm nay ông trưởng họ giao cho Vin dẫn bọn con trai lên đây chặt tre về làm nhà cho chú Khế thì Vin lên thôi. Cái nhà cho người đã khuất tuy không cần cầu kỳ quá nhưng cũng phải che mưa che gió vài tháng chứ. 
Cả bọn chặt đủ số tre cần thiết thì từ phía lối mòn đi xuyên rừng, một tràng xì xồ phát ra. Tất nhiên là Vin hiểu tiếng Mông rồi. Người Tày mà ở gần người Mông thì cũng tự biết tiếng Mông thôi mà. Như những đứa trẻ chơi chung một sân thì đầu đứa nào cũng có chấy. Vin còn biết cả chút lý lối của người Mông, chứ không phải ngu đến nỗi im lặng mà dắt nhau về như những thằng ăn trộm. Nhưng rõ ràng là bọn bên kia thiếu bụng. Người chết xin mấy cây tre làm nhà mà nó còn kể lể. Rằng ông cụ nó, bà cụ nó trồng rừng tre này chứ không phải người Tày trồng. Vin dẫn cả bọn tiến đến giáp đám người kia. Vin bập dựa lên gốc một cây tre có biểu hiện sắp chết già nhưng cong, gióng không đều, lom khom vặn vẹo đứng dựa vào bụi. Vin lý luận. Tao hỏi chúng mày nhá. Tre già thì mọc tre con, đất già đất có mọc đất con không? Nếu bọn tao không chặt tre hằng năm thì bây giờ măng của chúng mày mọc tới giữa bản tao rồi. Chúng mày giữ tre không cho bọn tao chặt nghĩa là chúng mày có ý định chiếm đất đấy. Chúng mày chiếm được cứ chiếm thôi. Nói xong, Vin gọi bọn kia kéo năm cây tre đẹp óng ả đi về.
Mấy thằng bên kia nói với theo. Cái lý thằng Tày này không nghe được. Vin hiểu. Chúng nó sẽ chuẩn bị chuyện để nói với Vin vào dịp khác. Chúng không dễ bỏ qua đâu. Còn nói chuyện bằng dao, gậy hay nắm đấm hay bằng cái lỗ đổ cơm rượu thì còn phụ thuộc vào khả năng của Vin và tình hình lúc ấy. Vin mặc kệ. Chuyện ấy tính sau.
Theo vận động của nhà nước, người Tày giờ cũng ít con rồi. Cũng theo hương ước văn minh, không để người chết trong nhà quá ba ngày mới chôn. Tuy nhiên, cái chuyện ăn uống say sưa thì vẫn không thay đổi mấy. Cỗ đám ma chú Khế to lắm. Gần trăm mâm rải kín hai ngày. Cái nhà mồ của chú trông khá nổi bật so với những cái nhà khác đã quá cũ và đổ sập xuống đợi ngày tan vào mưa nắng. Xong rượu nhưng chưa xong việc, Vin cũng cứ về nhà làm một giấc thật đã. 
Tỉnh giấc lúc trời đã bừng sáng. Bước ra hiên, gặp ngay thằng gió nam, thấy lòng dạ cũng hiu hiu dễ chịu. Thấy bà nội bảo gió nam thì biết, chứ Vin nào có biết gió nào với gió nào. Mái lá cọ lợp dài trùm gần hết hiên nhà sàn, ai biết gió từ hướng nào chui vào. Chỉ biết mát là gió nam thôi.
Tiếng bố Vin giục. Mày không sang đám nữa à! Vin gãi đầu gãi tai. Hoặc sang nhà đám thu dọn phông bạt, bàn ghế đem trả cho các nhà. Hoặc ngồi đây nghe ông bố lẩm bẩm tra cứu sách vở về tai tật con người có liên quan chi đó đến ngày tháng năm sinh.
Mà tại sao không ra quán ngồi cho thoáng nhỉ. Bàn ghế không trả nay thì mai. Mọt đã đục hết ngay đâu mà sợ. Vin lấy lược chải tóc và thay quần áo cho tử tế rồi chỉ hai nhảy là hết cái cầu thang. Tết xong, người ta chán rượu, quán vắng tanh. Chị chủ quán bùm khăn kín đầu, hở hai con mắt dài dại như bà đẻ. Chị lắc đầu bảo trời vẫn rét, chưa có bia hơi. Tiếc cái công đi bộ cả đoạn dài ra đây, Vin làm chai bia con hổ uống tạm. Vừa được một ực thì đã thấy một đám người mặc áo chàm đứng trước mặt. Thằng dao quắm, đứa gậy, đứa búa, đứa thì hòn đá lăm lăm. Thằng đứng trên cùng gọi một cách xấc xược. Thằng kia, ra đây tao nói chuyện. Vin thong thả uống hết chai bia, cài cúc áo lại ngay ngắn rồi đứng dậy bước ra, cách mấy thằng người Mông chừng một mét thì đứng lại. Tao có một cái mồm thôi, nên tao cũng chỉ nói chuyện được với một cái mồm. Bọn kia xì xào với nhau một phút thì đẩy một thằng thấp bé nhưng già mặt nhất hội lên phía trước. Thằng kia sục tay vào cái đầu bù xù như tổ bìm bịp cào sồn sột mấy cái rồi lên tiếng. Hôm nay, bọn tao đến nói với mày hai việc. Việc thứ nhất, mày phải xin lỗi vì đã tự ý đi chặt tre mà không hỏi ai. Thứ hai là việc con Lan. Mày không được đến rủ nó đi chơi nữa. Con Lan sắp lấy thằng Dính này rồi, nhà nó nhận tiền cưới rồi. Vừa nói nó vừa chỉ tay sang một thằng con trai trạc hai mươi khá là cao lớn. Nó cao hơn Vin cả nửa gang tay đấy. Vin nhìn quanh, cả bảy thằng đều mắt một mí. Cả bảy thằng đều có vũ khí và đều sẵn tinh thần dạy dỗ cho Vin một bài miễn phí. Thì ra, mấy cây tre chỉ là cái cớ. Vấn đề là bọn nó sợ Vin đến tán Lan. Vin đành xuống nước. Chú tao chết, hồn còn chưa về nhà dặn dò vợ con chúng mày đã nhắc chuyện mấy cây tre làm nhà mồ. Vậy, tao xin thay mặt người đã chết để xin lỗi chúng mày. Còn chuyện Lan. Tao chưa biết Lan định lấy thằng Dính. Nếu biết, tao cũng cũng không đến nữa. Chúng mày nghĩ, vùng này hết gái đẹp rồi à? Liếc đôi dép rách thằng Dính đang đi và cái áo chàm bạc phếch nó đang mặc, Vin quả quyết. Tao hứa. Hứa không gặp gỡ nó nữa…
Vin nằm suốt ba ngày trên đệm. Nước mắt chảy đầy hố tai. Đau đớn và cay cú. Thế ra Lan đã có người dạm hỏi. Gái Mông là thế. Yêu cứ yêu, thích cứ thích. Nhưng lấy ai thì phần lớn là do người lớn quyết định. Khóc xong ba ngày là thôi. Đây là lần thứ ba Vin đau tình và khóc tình như thế. Cả mấy lần, Vin đều thích phải những người không thể làm chủ đời mình. Thì phải chịu thôi! Vì nhà Vin cũng rất nghèo, không thể chạy đua với lòng tham của con người đang khoác lên người cái áo phong tục rất dày. Tục thách cưới của người Mông vùng này có từ rất lâu đời. Cái lý của người Mông đơn giản là mày có bỏ ra cả gia sản để cưới con tao về thì mày mới đối đãi tử tế với con tao, mới không chà đạp, không ruồng rẫy. Thế là đua nhau, có đám vừa giỏi vừa xinh, nhà trai phải bỏ ra cả trăm triệu tiền lễ đưa sang nhà gái. Bao năm tháng qua đi, cái tục vẫn ở đó. Bao nhiêu đôi trai gái yêu nhau không lấy được nhau vì người con trai quá nghèo, muốn vay tiền cưới vợ mà không ai cho vay. Bao nhiêu đôi vợ chồng tan vỡ vì lấy nhau không có tình yêu. Bao nhiêu đôi khi trước yêu nhau thế mà khi cưới về thì đánh chửi nhau vì nợ nần chồng chất từ đám cưới. Thế rồi sinh ra tảo hôn, sinh ra hôn nhân cận huyết, sinh ra bắt vợ, kéo vợ và không ít người con gái chết vì bị ép buộc lấy người mình không yêu. Cũng không ít người phụ nữ tìm đến lá ngón chỉ vì cuộc chung sống bất hạnh…
Mới đấy, đã trăm ngày tình cũ, Vin lang thang suốt buổi sáng để thăm lại những kỷ niệm. Cũng cần nói với những nơi hai đứa từng đến, từng yêu thương vài lời sau cùng chứ. Nói rằng Vin sẽ không bao giờ cùng Lan trở lại nơi này nữa. Cỏ cây, lá hoa, dòng suối, tảng đá, khe nước…đừng có đợi và xin xóa đi bóng dáng hai người. Như thế để mỗi lần đi qua, Vin không phải ngại ngùng. Trên đường về, đến đúng lối rẽ đi bản Láng của người Mông Hoa thì Vin gặp mẹ Lan đi chợ về. Con ngựa đi tấp tểnh phía sau vì cái chân bị sưng vù. Ngựa bị đau móng sưng chân là bình thường. Đàn bà đi chợ xa một mình không có chồng con đi cùng cũng là bình thường. Vin, giờ đây cũng cố để bình thường khi gặp nhau thôi. Nhưng cái lưng người đàn bà chưa đầy bốn mươi còng rạp xuống vì bao gạo quá nặng khiến Vin không thể dửng dưng bước qua. Bao gạo ấy đáng ra là của con ngựa, nhưng nó đau chân, nhìn ánh mắt rầu rĩ của nó, Vin biết nó đau lắm. Đau thì ráng chịu thôi. Ai bảo mày làm ngựa. Vin cất tiếng chào người đàn bà đang cõng nặng. Nhận ra tiếng người quen, người đàn bà vội quay nhìn, ngẩng đầu, dựa thồ gạo vào vách núi, hồ hởi. Vin đấy à, có khỏe không, lâu không thấy đến chơi. Cô gả con gái cho người khác rồi còn mồi chài tôi để làm gì. Tôi không thể giúp cô đẩy cái giá của con gái cô lên cao đến nỗi cả họ nhà thằng Dính phải méo mặt đâu. Nghĩ thế nhưng Vin không nói. Vin kêu bận bịu và hỏi cho có chuyện. Thế chồng cô đâu? Người đàn bà lau tay vào gấu váy rồi mới vén mai tóc lẩn vào trong chiếc khăn len đã quá cũ và nhầu nhĩ. Ối dà, nó bận uống rượu, bận say không đi chợ đâu. Cho nó ra chợ thì nó cũng chỉ say thôi, không giúp gì mà. Vin đành họa theo. Ừ. Say thì biết làm sao. Nhưng uống nhiều quá cũng không tốt đâu. Người đàn bà nói như thể thanh minh với Vin. Nó uống hết con dê cái nhà nước cho rồi. Nó cũng uống xong một nửa con Lan rồi. Nhà người ta cho bao nhiêu tiền cưới nó uống hết bấy nhiêu. Nó còn đang định uống cả con ngựa què này đấy. Qua tháng sau là con Lan đủ tuổi đi cán bộ đăng ký cấp giấy hôn nhân rồi, mà tiền làm cỗ thì hết. Còn hai đứa con gái, rồi cũng trôi vào mồm nó hết thôi. Vin giục. Cô về đi chả muộn, trưa rồi. Người đàn bà quàng hai cái quai thồ bằng da ngựa lên lưng, hai cây cọc thồ bằng gỗ chắc bóng tì vào hai vai, bao gạo được cẩu lên một cách chậm chạp và chính xác. Vin nhẩm tính, từ giờ về đến bản Láng cũng cả giờ. Cô để cháu cõng đỡ một đoạn. Đằng nào cháu cũng vào trong ấy có việc. Nói thế thôi chứ Vin chả có việc gì trong ấy cả. Người đàn bà mừng quá vội vàng nhường cái thồ cho đứa người yêu cũ của con gái. Hai người lũi cũi đi không nói gì cả. Lâu không cõng nặng Vin thấy ê ẩm cả người nhưng đã trót hảo hán thì phải hảo hán cho xong chứ. Đường thì xấu, dốc thì cao. Về gần đến cổng nhà Lan thì Vin trả lại bao gạo. Mẹ Lan lôi lả mời Vin vào uống nước. Vin nhất định không vào. Đã khóc nhau rồi. Khóc là để quên chuyện cũ, khóc một lần thôi và không ai khóc lại cả. Vừa ra đến đường, một bóng áo chàm nhảy xổ ra túm ngực áo Vin. Tại sao mày dám nuốt lời? Kèm theo câu hỏi là quả đấm thẳng vào giữa mặt. Máu mũi Vin ộc ra. Vin đưa tay chùi máu rồi cởi cái áo đang mặc ra, vứt xuống vệ cỏ. Mày tưởng, chỉ có mày muốn đánh nhau thôi à? Hai thằng lao vào nhau nát nhừ đám cỏ xuân, mặt mũi bầm dập hết cả thì ông bố của Lan ở đâu về. Dáng đi khật khưỡng, điệu bộ say mèm. Chúng mày ở đâu đến đánh nhau ở cổng nhà ông thế? Nhận ra thằng con rể tương lai là Dính, ông vung chai cổ vũ. Giỏi quá! Con rể giỏi quá! Đánh chết nó đi. Thằng Dính vội vàng buông tình địch ra, chỉnh chang lại áo quần rồi ghé vai dìu ông bố vợ tương lai vào nhà. Việc này quan trọng hơn đánh nhau mà. Vin hối hận. Tại sao mình lại đánh nhau với một thằng tốt bụng như nó thế nhỉ? Nếu là Vin, Vin có dám vay tiền ngân hàng về để cưới con gái của một ông nát rượu vô dụng đến thế không? Xem ra, cái thích không bằng cái yêu ở chỗ này. Vin và Lan thích nhau. Còn Dính lại yêu Lan và muốn lấy Lan làm vợ.
Tiếng mẹ Vin cằn nhằn ngoài máng nước. Lại đi đánh nhau về đấy. Vào mà xem. Vin dỏng tai. Mẹ đang bảo ai vào xem mình nhỉ? Vin nhìn qua liếp, là đôi mắt một mí trông quen quen. Vin vờ nhắm mắt lại. Tiếng bước chân đi vào. Tiếng người ngồi xuống sàn. Rồi cảm giác bàn tay con gái đang chạm vào gan bàn chân. Anh Vin còn đau không? Vin mở mắt. Hóa ra cái Lý, em gái Lan. Chị em gái mà khác nhau quá. Chị dáng cao, trắng nõn. Em thấp lùn ngăm đen. Chỉ có giọng nói và đôi mắt là một thôi. Mà đôi mắt ấy… thì Vin rất thích soi bóng mình vào đấy. Lý ngượng nghịu. Sao anh cứ nhìn em? Anh dậy bôi thuốc vào đi, anh Dính gửi đấy. Ờ! Em có thằng anh rể tương lai tốt thật đấy. Đánh người xong lại mang thuốc cho xức. Vin hững hờ cầm lấy lọ thuốc, nheo mắt nhìn Lý. Lý bối rối chào về. Nó cũng mười tám rồi thì phải. Vin vừa bôi thuốc vừa nhăn nhó sờ lên những chỗ sưng trên khuôn mặt và cánh tay. Tiếng mẹ Vin ở chân cầu thang tiễn khách. Cháu đi cẩn thận nhé. Trời tối lắm đấy.
Đã tối rồi sao? Sao nhanh thế nhỉ? Vin bật dậy, vớ cái áo, vừa khoác vào người vừa nhảy xuống cầu thang. Chạy ra cổng, bắt kịp cái dáng nhỏ bé của con Lý đang soi đèn dò dẫm bước đi. Để anh đưa về. Trời tối nguy hiểm lắm, đường rừng đầy rắn rết, chưa kể...Vin kịp dừng lại vì chợt nhớ đến lần đầu tiên quen Lan, cũng ở đoạn đường vắng khuya khoắt khi Lan đi bệnh viện nuôi mẹ về bị hai thằng trộm gỗ giở trò. Hôm ấy, không có Vin thì Lan chả biết sẽ thế nào. Con Lý sau chút lưỡng lự thì đưa cây đèn pin cho Vin. Dù đi không, chả cõng thồ gì nặng như lúc trưa, đường thì dài, nhưng hai đứa cũng không nói với nhau câu nào.
Về đến bãi cỏ nát, chỗ Vin đánh nhau với Dính hồi trưa, Vin trả đèn pin cho Lý. Lý hỏi. Sao anh Vin cười? Giọng Vin chất chưởng pha chút cay đắng. Thế em muốn anh khóc à? Anh chỉ khóc một lần thôi. Lý cúi đầu, ấp úng. Anh đừng giận chị Lan, đừng giận bố mẹ em. Mọi thứ rồi sẽ thay đổi, như bãi cỏ này rồi sẽ xanh trở lại...Vin cắt ngang. Không. Anh cố chấp lắm, nhất định phải giận một ai đó thì anh mới thấy người dễ chịu. Ly ngước nhìn Vin, lém lỉnh. Nếu thế…anh Vin cứ giận cái đứa vừa bắt anh đưa về đi!