Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

ĂN GIẤC MƠ - Truyện ngắn của TRẦN BĂNG KHUÊ - CHƯ YANG SIN SỐ 310 tháng 6 năm 2018




1. “Cha ăn giấc mơ của mẹ thật à?”. Tôi dự là sẽ nói với cha như thế khi ông khệ nệ bưng tô canh cá đầy nước từ dưới bếp lên đặt vào mâm. Hiếm khi cha tôi vào bếp. Chỉ vì hôm nay mẹ tôi bận phải nói chuyện với một linh hồn. Linh hồn của bà ngoại. Mẹ tôi chưa được gặp bao giờ. Những lúc như thế, cha thường dành phần vào bếp, nấu món canh cá mà cha thích. Và dĩ nhiên những người khác trong nhà cũng thích. Mẹ, chúng tôi, bà nội.
Bà nội thích ăn canh cá. Từ lâu lắm rồi. Thời ông nội ngày ngày ra biển kéo lưới về. Cha ngồi xuống mâm. Tô canh cá nóng hổi. Cha gắp con cá tươi ngon nhất ra cái đĩa trống dành riêng, rồi từ từ cầm đũa khẽ thịt cá thành từng miếng nhỏ, tách xương cho nội. Và quay sang hỏi mẹ về cuộc nói chuyện với linh hồn bà ngoại.
“Bà cần một chiếc gương”, mẹ thì thào nói. Cha nhìn tô canh cá đã vơi bớt phần xác, chỉ còn nước cùng vài cọng hành lá, rồi như lặp lại lời mẹ. “Một chiếc gương soi ư?”.
Tô canh cá của cha khác tô canh cá mẹ thường nấu. Bao giờ cũng nhiều màu sắc xanh đỏ quyện vào nhau, dù không rắc một chút ớt màu nào. Mẹ thường nấu canh cá kiểu khác, thi thoảng cha lẩm bẩm khi nhìn vào tô canh cá của mẹ, “nó cũng giống một chiếc gương soi nhỉ?”. Mẹ thẫn thờ, đưa mắt ra ngoài cửa chính, ngước nhìn về phía chiếc cổng sắt cao lớn trước nhà. Gần đó có một ban thờ vọng nhỏ dành cho đứa trẻ sa sẩy. Mẹ từng quả quyết nó là một thằng con trai. Cha và chị em tôi cũng muốn có một cậu con trai trong nhà.
Tôi cố và nốt những hạt cơm cuối trong chén cùng ít nước canh cá lõng bõng.
“Dường như cha đang ăn giấc mơ của mẹ”, tôi nghĩ ngợi mông lung.Mẹ chưa bao giờ nói chuyện với các linh hồn. Mẹ chỉ thường nằm mơ. Những giấc mơ về sự hiện diện của người thân đã mất. Mẹ từng nói với tôi như thế.
2. Tôi phát hiện ra, tôi cũng thường xuyên nằm mơ như mẹ. Nhưng, chắc chắn giấc mơ của tôi khác mẹ. Tôi luôn mơ thấy bóng tối. Mơ thấy mình bị rượt đuổi trên mọi con đường. Hoặc, thi thoảng tôi có vài kết nối từ quá khứ. Thời tôi còn trẻ, thời tôi mới biết yêu. Với những người đang sống, không phải kẻ chết. Họ đi qua tôi trong giấc mơ. Họ ăn giấc mơ của tôi, tôi dám chắc thế. Rồi, tôi tự bao biện thêm, “hẳn là tôi đang ăn giấc mơ của chính mình thì đúng hơn”.
Tôi có khá nhiều suy nghĩ kì quái. Giấc mơ của tôi thường không dính dáng gì đến cái chết. Chúng là sự sống hàng ngày, tôi đã trải nghiệm, đã rời bỏ từ quá khứ, hay đang hiện diện bên cạnh ngay lúc này. Dù sao, tôi biết, tôi vẫn đang tự gặm nhấm giấc mơ đời thực. Đó là sự khác biệt về những giấc mơ của tôi. Bởi tôi có mẹ, có cha, có bà nội, các em gái. Còn mẹ, thì không.
Tôi chợt nhớ, những lần tôi đi lạc trong giấc mơ về thời trẻ tuổi, có xen lẫn vài hoạt cảnh kì quặc. Tôi hoảng hốt khi không nhìn thấy cha khệ nệ bưng tô canh cá nóng hổi đặt xuống mâm cơm. Tôi không nghe thấy tiếng mẹ thì thào về cuộc đối thoại với linh hồn của bà ngoại đã mất. Tôi không nhìn thấy bà nội già móm mém lặng im thưởng thức bữa cơm, khẽ những miếng thịt cá tươi rói. Tôi cũng không nhìn thấy các em gái của tôi đang chành choẹ nhau trong bếp về việc ai sẽ rửa chén bát. Đó là thứ ảo ảnh thật khủng khiếp. Tôi muốn tỉnh thức. Tôi cố gắng tỉnh thức, để không phải gặm nhấm giấc mơ này.
3. Trưa mùa hè. Trời hầm hập nóng. Tôi mở hé mắt, thấy mẹ đang ngồi bên cạnh, phẩy phẩy chiếc quạt. Sau này, mẹ tôi, ít kể về giấc mơ đối thoại với linh hồn của bà ngoại hay một người thân nào đó đã mất. Tôi chợt nhớ tô canh cá của cha, tôi nghĩ về những giấc mơ của mẹ nhiều hơn. Tôi biết cha cũng thích canh cá mẹ nấu, nhưng hẳn là cha lại thích ăn giấc mơ hơn. Đã có lúc, tôi nghĩ mình cũng thích ăn những giấc mơ, như cha vậy.
Tôi lấy chồng. Rời khỏi căn nhà có nhiều giấc mơ. Tôi không còn muốn theo đuổi những thứ nằm trên ngọn cây nữa. Giấc mơ thời trẻ, thi thoảng chúng đầy ảo vọng. Chúng đẹp, và dễ vỡ như thuỷ tinh.
Tôi nhớ, mẹ từng kể về giấc mơ rất thực. Giấc mơ trưa mùa hè. Cha tôi có bà nội. Cha vẫn được tự tay nấu cho bà nội tô canh cá nóng hổi. Dù vậy, nhưng tôi biết, cha dường như đang đánh cược giấc mơ bình dị của mình. Cha ăn chúng. Cha biến chúng thành những con số. Cha chơi đùa với sự may rủi và nhận về một con số không tròn trĩnh.
Nhà tôi, giờ đã khác xưa nhiều. Không có sóng gió. Sự yên lặng mới đáng sợ làm sao. Mỗi lần, trời chiều chập tối, mẹ lại ngồi bên mâm cơm có tô canh cá nguội ngắt đợi cha về. Bà nội già móm mém vẫn chầm chậm vừa khẽ những miếng thịt cá mẹ gắp ra đĩa, vừa lẩm bẩm, “đi chi mà đi mãi rứa, hắn chỉ ăn giấc mơ thôi, không ăn canh cá à?”. Mấy đứa em gái của tôi không chành choẹ nhau việc rửa chén bát trong bếp nữa. Đó chỉ là một phần ký ức, tôi rời bỏ, như cha.
Cha vẫn không về, tôi biết.
Tuần trước mẹ gọi và kể cho tôi về việc mẹ nói chuyện với một linh hồn lạ khi vẫn còn tỉnh thức (không phải bà ngoại đã mất của tôi). Tôi hỏi, mẹ đã nói chuyện gì. Mẹ tôi, im lặng, rồi thì thào, “ai đó đang cần một chiếc gương soi trong tô canh cá”.




Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

THUỶ TIÊN - NGƯỜI ĐẸP CÔ ĐƠN GIỮA ĐẠI NGÀN - ghi chép của NGUYỄN DUY XUÂN - CHƯ YANG SIN SỐ 310 tháng 6 năm 2018





Một ngày đầu tháng Tư, tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ Đắk Lắk làm một chuyến du ngoạn thác Thuỷ Tiên ở Krông Năng. Khoảng thời gian này trong năm có thế nói là rất đẹp về thời tiết ở cao nguyên, rất lí tưởng cho những chuyến đi dã ngoại.
Sáng xuân hôm ấy, trời trong xanh không một gợn mây, chẳng còn những cơn gió gào thét như mấy hôm trước. Bỗng thấy tâm hồn lâng lâng một niềm vui khó tả. Càng thú vị hơn khi tham gia chuyến đi này còn có mấy cô văn nghệ sĩ Sài Gòn vừa chân ướt chân ráo từ nơi phồn hoa đô hội lên Tây Nguyên làm cuộc viễn du về miền đất lạ.
7 giờ 30 phút, chiếc xe khách hạng trung rời trung tâm thành phố, nhằm hướng Krông Năng xuất phát. Nắng sáng vàng tươi chiếu rọi vào ô cửa xe. Gió se se lạnh lùa qua khe cửa. Một cảm giác khoan khoái dễ chịu tràn ngập trong con người tôi. Bỗng dưng thấy cuộc đời thật đẹp và đáng yêu làm sao!
Từ thành phố Buôn Ma Thuột để đến được với thác Thuỷ Tiên, bạn phải vượt qua chặng đường gần 60 ki lô mét. Thác nằm ở địa bàn xã Ea Puk, huyện Krông Năng, cách trung tâm huyện khoảng 10 cây số về phía đông bắc.
Thuỷ Tiên, hiểu nôm na là nàng tiên nước. Tên gọi này xuất phát từ đặc điểm của dòng thác: Nước tuôn chảy mượt mà tựa suối tóc của cô gái chăng? Và vì thế, thác không chỉ đẹp về hình thể mà tạo hoá đã ban cho nó, thác còn ấn tượng bởi cái tên mĩ miều mà con người mến yêu trao tặng.
Nhưng Thuỷ Tiên còn có một tên khác, tuy đậm chất địa chất nhưng cũng rất gợi hình: Thác Ba Tầng.
*
Xe dừng lại mươi phút để du khách ngắm cảnh thị trấn Krông Năng. Hôm nay gặp lại, tôi sững sờ vì thấy vùng đất yêu thương này có nhiều thay đổi. Thời gian như gió thoảng qua. Hơn mười năm trước, xuống công tác ở vùng đất yêu đất quí này, thị trấn còn đơn sơ lắm. “Con đường xưa ngập nắng” giờ đã nhường chỗ cho đại lộ rộng thênh thang. Trung tâm thị trấn là một quảng trường mênh mông. Và cái cột cờ, có lẽ nó cũng chẳng hề kém chị kém em so với cột cờ nơi quảng trường thành phố Buôn Ma Thuột. Đứng cách xa hàng chục mét vẫn nghe tiếng phần phật của lá cờ Tổ quốc tung bay trong nắng sớm.
Rời phố huyện, xe đi giữa bạt ngàn cà phê, cao su. Những cánh rừng cao su còn non trẻ như vô tận đến chân trời. Đất vàng, đất bạc đang hứa hẹn một ngày mai tươi sáng.
Tâm hồn tôi miên man với bao suy tưởng để rồi như bừng tỉnh khi đập vào mắt mình là dòng chữ trên bảng chỉ dẫn đặt ở góc ngã ba đường: Khu du lịch thác Thuỷ Tiên, di tích danh thắng cấp quốc gia. Ồ, Thuỷ Tiên tầm cỡ quốc gia cơ đấy! Thế mới xứng với tầm vóc của một nàng tiên chứ! Du khách dường như cảm thấy phấn chấn hơn trước giây phút chạm mặt “người đẹp” của đại ngàn.
Khi tiếng máy của xe khách ngừng hẳn thì cũng là lúc âm thanh của mong đợi vọng về từ xa xa. Tiếng thác nước nghe rõ dần, nhè nhẹ, dìu dịu, rồi ầm ào sau khi bạn đã rời bước khỏi bậc thang dốc đứng cuối cùng để chính thức đặt chân lên thác. Xúc cảm chuyển dần từ hồi hộp (như gặp người yêu) đến reo vui, ngỡ ngàng trước vẻ khác thường của dòng thác.
Trong cụm 8 ngọn thác được công nhận là di sản danh thắng cấp quốc gia ở Đắk Lắk, tôi đã từng chiêm ngưỡng Đray Sáp, Đrai Nur, Đrai Dlông. Những ngọn thác ấy đều mang vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên huyền thoại. Nhưng Thuỷ Tiên thì rất khác, có lẽ vì nàng đẹp đã đành, chuyện này thì tôi không muốn ngợi ca thêm nữa, vì mình là người đi sau, lại chả đủ ngôn từ mĩ miều trước vẻ nghiêng nước nghiêng thành của “người đẹp” đại ngàn.
Từ Buôn Ma Thuột đến xã Ea Púk, nơi Thuỷ Tiên chọn làm cõi vĩnh hằng cho mình, chỉ non sáu chục cây số nhưng xe chúng tôi cũng chạy mất hơn hai tiếng đồng hồ. Tới nơi thì đã xế trưa. Đoàn tổ chức ăn nhẹ buổi trưa ngay bên thác. Cũng thịnh soạn ra phết. Có bánh chưng, giò chả, bánh mì và cả bia đem theo từ Buôn Ma Thuột nữa. Tuy “năng lực cán bộ” yếu kém nhưng tôi cũng “chiến” được một lon, bõ cái công mình vác thùng bia từ chỗ đậu xe, vượt 100 bậc dốc xuống suối.
Có điều này xin mách nhỏ với bạn: Uống bia giữa đại ngàn, lại bên một người đẹp như Thuỷ Tiên mới thú vị làm sao. Hương vị đặc biệt của bia chắt từ lòng đất Ban Mê hoà với nguyên khí trong lành và suối nguồn tươi mát của Thuỷ Tiên. Giữa cái ồn ã, xô bồ của cuộc sống hiện đại, có được phút giây thư thái, thả hồn về với thiên nhiên như thế, mới cảm nhận được cái linh thiêng của nơi cội nguồn sự sống.
Tôi dành thời gian ngắn ngủi của buổi trưa để mong khám phá được chút gì về Thuỷ Tiên, về cái sự “rất khác” của nàng mà tôi đã nói ở trên. Thuỷ Tiên không có cái hùng vĩ, hào sảng âm thanh của đại ngàn như bao dòng thác khác ta vẫn thường gặp. Thuỷ Tiên dịu dàng như một cô gái đẹp có giọng hát ngân nga. Đó là sự khác biệt rõ nhất mà du khách cảm nhận được ngay khi vừa đặt chân xuống thác. Nơi vĩnh hằng nàng chọn cho mình là một dải đá trầm tích, có cấu tạo phân lớp, thế nằm ngang như mặt nước (thể vỉa – sill). Đây là thế trầm tích ít gặp trong vận động kiến tạo địa chất hàng triệu triệu năm trước. Có lẽ vì thế mà Thuỷ Tiên còn có tên khác là Thác Ba Tầng. Nền thác nhìn chung là bằng phẳng, phân chia làm ba nấc rõ rệt. Lòng thác trải rộng với những phiến đá tựa như những tấm gạch nền khổng lồ chồng lớp lên nhau khiến cho Thuỷ Tiên có được cái ưu thế hơn những ngọn thác khác. Du khách trẻ già, ai cũng có thể tung tăng, hoà mình giữa lòng thác nước chỉ lấp xấp lút mắt cá chân chứ không phải đứng từ xa mà ngóng vọng như Đray Sáp, Đrai Nur hay Đrai Dlông.
Tôi lẩn thẩn đi dọc hai bên bờ thác, ngắm nhìn thật kĩ những mảnh đá như gạch vỡ rải đầy dưới chân. Tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng bởi những vỉa đá xếp thẳng băng dọc bên bờ. Ấn tượng nhất là cái vỉa đá chạy dài ở lưng chừng bờ thác, độ dày khoảng hai mươi phân, có những đoạn nhô ra khỏi vỉa, vuông thành sắc cạnh tựa như những lát bánh vừa cắt ra trong bữa đại tiệc của thiên nhiên. Tạo hoá quả là vi diệu. Con người dù rất tài giỏi đấy cũng chẳng thể bao giờ tạo được những kì quan vĩ đại như thế.
“Phải dò cho đến ngọn nguồn, lạch sông”. Tôi ngược theo dòng thác. Ở khúc đầu nguồn, thác hẹp dần, rồi lẫn vào đại ngàn đầy hoang sơ, bí ẩn.
Bên bờ trái bỗng xuất hiện một phiến đá tương đối phẳng, rộng chừng vài chục mét vuông, nằm nghiêng nghiêng cạnh một bậc thềm mà nếu toạ lạc ở chỗ khác chẳng ai nghĩ đó là sản phẩm của tạo hoá. Điều kì lạ là trên mặt phiến đá nổi lên những đường cắt ngang dọc, tựa như mảnh sân được lát ghép tinh vi bởi bàn tay điệu nghệ của một người thợ nào đó. Bất giác tôi nghĩ, bậc thềm này, sàn đá này phải chăng là nơi nàng Thuỷ Tiên thuở xa xưa từng lên đây ngồi hong tóc sau mỗi lần tắm gội? Ở Tây Nguyên, ngọn thác nào cũng gắn liền với một huyền thoại. Huyền thoại về tình yêu, sự thuỷ chung và lòng nhân ái. Thuỷ Tiên cũng không là ngoại lệ.
Thuở ấy có nàng H'Năng
Chẳng quản gian nan đi tìm chồng
Tìm miền đất hứa cho dân bản
Kiệt sức gục xuống lòng suối cạn
Thương tình, Giàng nổi trận mưa dông

Dân làng thoát khỏi cơn đại hạn
Ơn người cứu nạn đã xả thân
Hồn thiêng hoá thành dòng suối mát
Nhớ nàng, gọi mãi Thác Thuỷ Tiên
(Huyền thoại Thuỷ Tiên – Nguyễn Duy Xuân)
*
Tạm biệt Thuỷ Tiên, chúng tôi về lại Ban Mê. Dọc đường, tâm trí tôi ngổn ngang bao suy tư. Lòng đầy tự hào về một vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Đắk Lắk là tỉnh có nhiều thác nhất trong cả nước. Nhiều thác đã nổi tiếng từ lâu nhưng lượng du khách đến khám phá, chiêm ngưỡng hãy còn khiêm tốn lắm. Thuỷ Tiên cũng nằm trong số đó. Dù nổi tiếng là một thác đẹp, độc đáo, được xếp hạng danh thắng cấp quốc gia nhưng Thuỷ Tiên vẫn còn “xa xôi”, không chỉ vì đường sá, cơ sở hạ tầng hạn chế mà còn vì cách làm du lịch của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Tại thác Thuỷ Tiên, dịch vụ, tiện ích đi kèm cũng rất “khiên tốn”, nếu không muốn nói là chưa có gì. Tuy lượng du khách tới thác chưa nhiều nhưng đã thấy không ít những bao nilon, chai nhựa, giấy báo… vứt dọc hai bên bờ thác, trên dòng nước chảy. Môi trường tự nhiên, vẻ nguyên sơ của dòng thác đang đứng trước nguy cơ bị huỷ hoại bởi chính con người đến Thuỷ Tiên với khát khao được trở về nơi hoang dã.
Rồi thì, du khách đến Thuỷ Tiên thì cũng chỉ để biết Thuỷ Tiên mà thôi. Trong khi đó Thuỷ Tiên nằm giữa khu rừng nguyên sinh Ea Púk, liền kề với Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Thèm lắm một sự nối kết để “nàng Thuỷ Tiên” không còn lẻ loi giữa đại ngàn mênh mông.
Và còn đó rất nhiều những ngọn thác đẹp khác trên địa bàn tỉnh nhà nói riêng và Tây Nguyên nói chung, đang “ngủ yên” nơi rừng thẳm.
Ai sẽ “đánh thức” tiềm năng vô giá ấy?
   Thuỷ Tiên – Ban Mê, Tháng Tư 2018



Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

TÊN ANH LÀ CÔNG AN bút ký của TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ 310 tháng 6 năm 2018

Tác phẩm dự thi viết bút ký chủ đề:
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”
Nhà văn Trương Nhất Vương

Đêm 24.4.2016, tại nhà nghỉ số 12 đường Ngô Gia Tự, Phường Tân An xảy ra một vụ bắt cóc con tin. Đối tượng Nguyễn Xuân Minh, trú tại huyện Lắk do mâu thuẫn gia đình đã sử dụng mìn tự chế khống chế vợ trong phòng. Nhận lệnh của lãnh đạo Công an tỉnh, thiếu tá Nguyễn Công An trực tiếp chỉ huy lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm phối hợp với các đơn vị chức năng đến xử lý vụ việc. Sau quá trình vận động thuyết phục, tên Minh đã chấp nhận thả vợ ra ngoài và đi ra theo. Cô vợ quá sợ hãi đã nhanh chân lẩn vào đám đông chạy mất. Đối tượng lồng lộn, la hét nếu ai dám cản đường sẽ cho nổ mìn và yêu cầu gặp lại vợ. Lực lượng giải cứu đã khéo léo trì hoãn kéo dài thời gian, tuy nhiên đến khoảng 22giờ 25 phút, khi yêu cầu gặp vợ không được, Minh mất kiểm soát ném quả mìn tự chế về phía đường Nguyễn Tất Thành. Mìn không nổ. Hắn lao theo lượm lại ném ngược về phía đồng chí An và lực lượng giải cứu nhưng không nổ. Đối tượng tiếp tục lượm và ném lần thứ 3 về phía đường Nguyễn Tất Thành. Mìn phát nổ làm chiếc xe tải đang lưu thông trên đường nổ lốp trước, cùng lúc quả mìn trong người đối tượng cũng phát nổ. Hậu quả tên Minh chết tại chỗ và 2 người khác bị thương trong đó có có Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đang có mặt tại hiện trường để chỉ đạo vụ việc.
Thiếu tá An và Đại uý Lê Minh Thức (Công an thành phố Buôn Ma Thuột) là hai cán bộ trực tiếp theo sát tên Minh ngay từ đầu kể lại: Rất may hai anh em đã được đồng chí Thắng chỉ đạo: “Phải tính toán kỹ, đảm bảo an toàn mới đánh bắt đối tượng, khi chưa biết chắc vật trong tay đối tượng là mìn thật hay giả, và tay kia chưa bỏ ra khỏi túi xách thì chưa thể quật ngã, khống chế đối tượng…”. Thức đi trước làm nhiệm vụ lôi kéo, gây sự chú ý về phía mình để An sẽ ra tay khi có cơ hội. Sự cẩn trọng và những tính toán chính xác đã không thừa, mìn nổ, hai anh đã phản xạ kịp thời và thoát chết trong gang tấc. Khi khám nghiệm hiện trường, trong người đối tượng vẫn còn một quả mìn tự chế chưa nổ… Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ án có thể trả giá bằng sinh mạng mà thiếu tá An tham gia.

Nguyễn Công An, sinh năm 1977 là em út trong một gia đình nông dân nghèo có bảy anh em ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Năm 1983, cả gia đình An cùng nhiều nông dân khác vào làm công nhân nông trường ở khu kinh tế mới Ea Đa (Đắk Lắk). Cuộc sống lam lũ vất vả đã hun đúc để cậu bé An sớm ý thức học hành và học khá giỏi, nhưng đường học tập và đến với ngành công an của anh cũng lắm gian nan. Năm 1997 sau khi tốt nghiệp trung học, An đậu khoa báo chí Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng cha của An người từng là dân công hoả tuyến phục vụ nhiều năm tại chiến trường Trung Lào, khuyên con nên đăng ký tham gia phục vụ trong lực lượng CAND. Nghe lời cha, An gác lại giấc mơ đại học và đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Do nhanh nhẹn, hoạt bát, giỏi võ thuật và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao nên sau 3 năm, An được biên chế tại Phòng cảnh sát cơ động và làm việc tại đội cảnh khuyển với nhiệm vụ huấn luyện chó nghiệp vụ. Nick, tên chú chó mà An huấn luyện sau này được đánh giá là con chó thông minh bậc nhất. Nick đã góp một phần trong việc giải tán đám đông ở cuộc biểu tình, bạo loạn năm 2004 trên địa bàn tỉnh. Để khắc chế, bắt Nick phục tùng mệnh lệnh và lập được nhiều chiến công, đòi hỏi chủ nhân của nó cũng phải mạnh mẽ và can trường. Ngoài việc kiên trì, nhẫn nại, mồ hôi công sức đã có cả máu của An đã phải đổ xuống trong quá trình huấn luyện. Ngón tay kế út bàn tay phải của An bị cong quẹo mãi không bao giờ trở lại hình dáng ban đầu vì con Nick quá mạnh mẽ, quá ham tấn công nên giật xích khiến chủ nhân bị gãy ngón tay. Một lần khác, An đứng trên tường cao nhứ vật thể yêu cầu Nick cướp vật thể đó. Nó tung người lên cao đớp vật thể mạnh đến nỗi rọ mõm của nó thúc thẳng vào miệng khổ chủ khiến An chỉ còn biết đưa tay hứng máu và một chiếc răng cửa đã mãi mãi ra đi…
Tạm xa con Nick mạnh mẽ, trở lại hai sự kiện biểu tình, bạo loạn trên địa bàn Tây Nguyên vào năm 2001 và 2004 do Ksơ Kơr cầm đầu tổ chức phản động FULRO lưu vong, câu kết với các tổ chức phản động FULRO trong nước, tìm cách lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân hòng thành lập cái gọi là “Nhà nước Đêga độc lập”. Nguyễn Công An đã có mặt hầu hết ở các điểm nóng nhất. Cụ thể, tháng 2 năm 2001, anh được cấp trên điều động xuống tăng cường tại huyện Ea H’leo (một trong những điểm nóng xảy ra biểu tình, bạo loạn đầu tiên tại Tây Nguyên). Sau nhiều ngày bám trụ địa bàn, An đã cùng đồng đội giải quyết được điểm nóng tại huyện Ea H’leo. Anh tiếp tục được điều động về Buôn Ma Thuột và hai huyện Ea Sup, Cư Mgar... Tại các điểm nóng này, An đã cùng đồng đội phối hợp với lực lượng an ninh và công an các huyện bắt hàng trăm đối tượng cầm đầu, cốt cán để đấu tranh, khai thác làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch.
Điển hình là cuộc tập kích bất ngờ bắt gọn đối tượng Y Noen Kpá là đối tượng đặc biệt nguy hiểm trong chuyên án của ta. Ông Nguyễn Văn Huỳnh, nguyên Đội phó đội an ninh Ea Súp tham gia trận đánh kể lại: 1giờ sáng, tại buôn Ea Sup B, trong cái lạnh buốt giá của núi rừng, An cùng với đồng chí Phạm Ngọc Hải, đột nhập từ cửa sau nhà sàn, hai đồng chí đột nhập từ cửa trước, quân số còn lại bao vây quanh nhà. Theo trinh sát báo cáo thì trong nhà chỉ có hai vợ chồng, nhưng khi phá cửa vào, ngoài vợ chồng đối tượng còn có năm thanh niên ở trong nhà làm nhiệm vụ bảo vệ. Chúng chống cự, đánh trả quyết liệt. An và tổ công tác đã tả xung hữu đột khống chế được Y Noen. Trong quá trình đưa đối tượng ra xe, An đã bị một tên to cao quật cây gỗ có đinh nhọn vào ống chân. Vết thương bị nhiễm trùng khiến An phải nằm viện điều trị gần 2 tháng.
Năm 2004, biểu tình, bạo loạn tái diễn trên địa bàn Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk, lần này qui mô, mức độ và số lượng người tham gia đông đảo hơn ở các huyện: Ea Sup, Ea H’leo, Cư Mgar, Cư Kuin, Buôn Ma Thuột… Ngã tư Lê Thị Hồng Gấm – Phan Chu Trinh, là điểm chốt hết sức phức tạp do chốt cố định của Công an huyện Cư Mgar và Cảnh sát cơ động E20 đã bị vỡ. Với số lượng hàng ngàn người và hàng trăm xe công nông các loại, nhiều gia đình gần như di chuyển hết cả nhà, đồ đạc, tư trang…. Khoảng 8giờ 15 phút đoàn người biểu tình đến điểm chốt bị lực lượng của ta chặn lại. Họ chống đối manh động, liều lĩnh. Các đối tượng quá khích đập phá nhà dân, dùng gạch, đá, hung khí tấn công lực lượng công an nhưng An và đồng đội vẫn cương quyết giữ chốt. Đến khoảng 11giờ khi các đối tượng cầm đầu càng lúc càng manh động hơn, lệnh của giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo đơn vị của An phải vượt hàng rào bùng nhùng đánh mở đường. Lập tức An và các chiến sĩ đã tiên phong chiến đấu, mặc dù bị chống đối quyết liệt nhưng với tinh thần dũng cảm, kiên quyết chiến đấu đến khoảng 12giờ 30 phút thì lực lượng của ta đã khống chế hoàn toàn các đối tượng cầm đầu. Trong trận này mặc dù bị các đối tượng tấn công gây thương tích ở lưng nhưng An vẫn bám sát đội hình, chủ động tấn công khống chế hàng trăm đối tượng cầm đầu cốt cán chuyển giao cho cơ quan An ninh điều tra xử lý.
Một ngày đầu năm, trong cái se lạnh và gió mùa đông bắc thổi thốc từng cơn, tôi đến Phòng cảnh sát cơ động toạ lạc ở 239 Hà Huy Tập nơi thiếu tá An công tác. Anh đang chỉ huy luyện tập thực binh, mục tiêu giả định là giải phóng con tin bị bọn khủng bố khống chế trên tầng 3 của một toà nhà. Các chiến sĩ cơ động tiếp cận mục tiêu bằng thang người, bằng sào đẩy, đu dây… Trên mái của các toà nhà bên cạnh thấp thoáng bóng các chiến sĩ vừa di chuyển vừa nổ súng lôi kéo hoả lực của “bọn khủng bố” về phía mình. Những loạt súng sử dụng đạn mã tử (đạn phục vụ trong huấn luyện chiến đấu) vang rền khiến tôi nổi gai ốc, cứ nghĩ mình đang lạc bước vào giữa một trận đánh ác liệt.
Tiếp tôi là Đại tá Hồ Bắc, trưởng phòng, ông oai vệ trong bộ quân phục sĩ quan nhưng lại rất niềm nở, gần gũi. Với một chất giọng sang sảng khá đặc biệt, từng câu từng chữ được truyền đạt một cách rõ ràng, dứt khoát và át cả tiếng súng đang nổ giòn giã. Ông cho biết: Diễn tập thực binh là công việc thường xuyên để rèn luyện phối hợp tác chiến giữa các binh chủng nâng cao khả năng chiến đấu. Phòng có 5 bộ phận trực thuộc, thì Tiểu đoàn cảnh sát cơ động là tiểu đoàn chủ lực, tiêu biểu của đơn vị. Trong đó Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Công An là cá nhân xuất sắc đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương chiến sỹ vẻ vang các hạng: nhất, nhì, ba;  Bộ Công an tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Anh trực tiếp đi đầu, xử lý các điểm nóng, bắt các các đối tượng nguy hiểm có vũ khí. Gần đây nhất là vụ giải cứu con tin tại số nhà 172 đường Nguyễn Văn Linh, Phường Tân An. Đối tượng Nguyễn Ngọc Phương đã dùng dao khống chế cháu Y Giang Knul, 14 tuổi, cố thủ trong phòng hơn 6 giờ. Đồng chí An trực tiếp chỉ huy 6 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường. Sau 15 phút triển khai thuyết phục, khi đối tượng sơ hở An cùng đồng đội lao vào tước hung khí, bắt gọn đối tượng và giải cứu cháu bé an toàn.
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn thì công tác tình nguyện hướng về cơ sở, xây dựng mối đoàn kết quân dân, kết hợp phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Phong trào hiến máu tình nguyện luôn được cấp uỷ, Ban chỉ huy tiểu đoàn trong đó thiếu tá Nguyễn Công An với cương vị tiểu đoàn trưởng luôn chú trọng. Từ năm 2013 đến 2017, đơn vị của An triển khai được 15 đợt hành quân dã ngoại, lao động giúp dân tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ tham gia, nạo vét kênh mương thuỷ lợi, sữa chữa, làm mới đường liên buôn, liên thôn, làm cầu, nhà mẫu giáo, tu sửa nhà cộng đồng, trường học… Chỉ riêng năm 2017, tổ chức hành quân dã ngoại, lao động giúp dân, tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn 100.000.000 đồng; phối hợp với các nhà tài trợ, nhà hảo tâm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thăm tặng hơn 2540 suất quà, 52 bao quần áo (tổng giá trị trên 616.000.000 đồng) cho các hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các địa bàn: huyện M’Drăk, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Păc, Tp. Buôn Ma Thuột... Già làng Ma Rô Tơ, buôn Hằng Năm (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) khi được hỏi về những chiến sĩ Cảnh sát cơ động, về thiếu tá Nguyễn Công An, những người đã cùng ăn, cùng ở giúp bà con nhiều đợt, nhất là sau cơn bão số 12 cuối năm 2017 đã dành cho các anh những lời nhận xét hết sức tốt đẹp: Mình coi tất cả như con cháu trong nhà, khi tụi nó đến ở giúp bà con thì vui lắm, khi xong việc tụi nó phải về công tác thì buồn thì nhớ nhiều lắm… Buôn có chuyện gì khó khăn cần giúp đỡ, mình gọi ngay cho cán bộ An, mình có số điện thoại của nó mà.
Đi dân nhớ, ở dân thương… thật sự là hình ảnh vô cùng đẹp đẽ mà thiếu tá Nguyễn Công An và đơn vị của mình đã để lại trong lòng nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Động lực để anh chiến đấu, hy sinh trong hơn 20 mươi năm qua còn có một yếu tố thầm kín mà không phải ai cũng được biết: Người cha yêu quý của anh trước phút lâm chung đã kể cho gia đình nghe câu chuyện. Ông rất thương thằng con trai út của mình và mong ước nó sẽ trở thành một chiến sĩ công an nên khi An vừa mở mắt chào đời, ông đặt tên anh là: Công An.
        Buôn Ma Thuột 2.2.2018


Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

NHƯ CÁNH CHIM KHÔNG MỎI bút ký của NGUYỄN LIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ 310 tháng 6 năm 2018


Tác phẩm dự thi viết bút ký chủ đề:
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”






Gặp nhau như một định mệnh duyên phận, họ sánh vai chiến đấu gìn giữ đất nước cũng như  bảo vệ sự bình yên của cuộc sống, dù thời chiến hay thời bình biết bao khó khăn thách thức đặt ra, họ như cánh chim không mỏi đem hạnh phúc đến cho muôn nhà, đó là vợ chồng anh Cầm Bá Mao và chị H’Tếch, nguyên cán bộ thuộc lực lượng công an tỉnh Đắk Lắk.
Thời chống Mỹ:
Chàng trai người dân tộc Thái Cầm Bá Mao, thuộc đơn vị chủ lực từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên, anh luôn tự hào mình được sinh ra từ vùng đất có đỉnh Pù Mé âm vang “lời thề Lũng Nhai” của Nghĩa quân Lam Sơn một thuở, mang trong người hào khí của mảnh đất anh hùng đến với vùng đất Tây Nguyên kiên cường, ai dè số phận đã gắn bó mãi mãi cuộc đời anh với chị - H’Tếch, dân tộc Êđê, cán bộ an ninh miền Nam hoạt động tại quận Buôn Hồ quê hương chị. Năm 1972, giữa lúc chiến trường Tây Nguyên ác liệt thiếu thốn đủ bề “Một lạng gạo chia cho ba bữa…/ Tây Nguyên một lần ai đến đó/ sẽ suốt đời mắc nợ nhớ thương nhau…”, anh chị gặp nhau; vừa kịp trao nhau niềm tin thì mỗi người có một nhiệm vụ của mình.
Chị nhận lệnh cùng tổ an ninh đột nhập ấp chiến lược tại khu vực Pơng Drang tiêu diệt ác ôn, do trinh sát để lại dấu vết, địch phát hiện phục kích, chưa kịp tới hàng rào ấp chiến lược thì dính mìn nổ. Không ai hy sinh, nhưng tất cả đều bị thương, chị H’Tếch bị thương nặng nhất, mảnh mìn cắm vào chân tay, có một mảnh xuyên vào bụng làm lủng ruột. Cuộc tiêu diệt ác ôn không thành, tất cả tổ phải chuyển ra rừng điều trị. Trạm phẫu thuật thời chiến thiếu thốn không có thuốc gây mê, chị cắn răng chịu đựng cho quân y mổ bụng nối ruột. Trở về đơn vị chân đi còn cà nhắc thì chị nhận được giấy gọi ra miền Bắc đào tạo chuyên môn.
Anh tham gia chiến đấu cùng đơn vị trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, có lẽ để lại dấu ấn hơn cả là cuộc truy kích địch trên đường số Bảy từ Cheo Reo, Phú Bổn xuống đến đồng bằng Phú Yên; một cuộc truy kích hiếm có trong lịch sử chiến tranh, bộ đội ta vừa trải qua năm tháng thiếu thốn ở Tây Nguyên, quần áo giày dép không được bổ sung, chân đất té tua rớm máu vẫn chạy truy kích địch. Phía địch, đội quân trang bị hiện đại từ đầu đến chân hoảng loạn bỏ lại xe pháo súng ống nằm ngổn ngang dọc đường, có tên bỏ lại cả vợ con chỉ mong thoát thân. Cả anh và chị đều trải qua những năm tháng thiếu thốn, ác liệt, thấu hiểu cái giá phải trả để có cuộc sống hoà bình. Chàng trai Thái hoàn thành nhiệm vụ, cùng đơn vị trở lại hậu cứ Buôn Hồ, cô gái Êđê xong khoá đào tạo tại miền Bắc trở về quê hương, họ cùng nhau “thực hiện lời thề” về chung sống một nhà với dự định sinh ra những đứa con mang dòng máu hai sắc tộc, nuôi dưỡng dạy dỗ chúng thành những chàng trai có sức vóc của chàng Đam San huyền thoại, những cô gái duyên dáng căng tròn sức sống của núi rừng Pù Né mang truyền thống vùng đất của người anh hùng Lê Lợi, chúng sẽ noi gương cha mẹ góp phần gìn giữ và xây dựng vùng đất Tây Nguyên, quê hương mà chàng trai người Thái Cầm Bá Mao nguyện gắn bó.
Những năm đầu sau khi thống nhất đất nước:
Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất thì anh và chị cũng hoà hợp một nhà. Khi đó chị cũng vừa cầm tờ quyết định của Bộ Công an về nhận công tác tại công an tỉnh Đắk Lắk. Đất nước vui hưởng hoà bình chưa bao lâu, cuộc sống hạnh phúc gia đình còn dang dở dự định, chiến tranh biên giới Tây Nam kêu gọi, anh lại lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc trong khi chị đang mang thai đứa con đầu lòng. Sinh con trong hoàn cảnh xa chồng, trong khi lực lượng Fulro từ bên kia biên giới xâm nhập lôi kéo đồng bào ta, khắp các buôn làng nổi lên như những đợt sóng ngầm, người dân chưa hiểu về cách mạng dễ nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, chị lại nhận nhiệm vụ trấn an tinh thần đồng bào, chị phải gửi con cho một gia đình đối tượng Fulro trông nom, cử một đồng chí chiến sĩ công an canh chừng, chị đi tuyên truyền vận động bà con mình đừng tin nghe theo lời dụ dỗ của bọn phản động mà làm hại nước hại dân. Thương yêu chồng đã chọn mảnh đất Tây Nguyên của chị gắn bó nên H’Tếch không theo phong tục của dân tộc mình mà đặt tên con mang theo họ của chồng: Cầm Thị Thu Hà. Mỗi khi nằm bên con, lòng H’Tếch thấp thỏm lo âu, chị luôn giật mình bởi tiếng súng nổ đâu đó trong giấc ngủ. Không ngủ được, chị bật dậy tìm việc làm, dọn dẹp xong ngồi trước sàn nhà chị nhẩm lại bài thơ: Bài ca chim Chơ rao của nhà thơ Thu Bồn mà anh hay đọc cho chị nghe, anh ví von cánh chim đó là anh đang làm sứ mệnh đem mùa xuân, hạnh phúc đến muôn nhà: Đêm tháng bảy trời sao yên tĩnh/ Tiếng lá rơi gõ nhẹ trước hiên thềm/ Mỗi trận gió lùa vào song sắt/ Có tiếng thở dài người lính gác đêm…
Có được hạnh phúc anh chị đã phải trải qua không ít thử thách, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, tiếng súng trên biên giới phía Bắc nổ, anh lại theo đơn vị nhận lệnh điều động ra miền Bắc vội vã, không cho anh kịp nhìn mặt đứa con gái. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người lính, anh cầm tờ quyết định phục viên ghi địa chỉ quê hương huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá nơi anh nhập ngũ. Về quê với gia đình họ hàng, lòng anh luôn thổn thức hướng về vợ con đang trông ngóng từng ngày nơi cao nguyên đất đỏ bazan. Bố mẹ, anh em gom góp kinh phí cho anh trở vào Tây Nguyên. Vậy là từ ngày đứa con gái đầu lòng sinh ra anh chưa biết mặt, hết chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam đến biên giới phía Bắc thấm thoắt thời gian trôi qua sáu năm. Quãng thời gian anh lo bảo vệ tuyến phên giậu Tổ quốc, ở nhà chị lo làm nhiệm vụ chiến đấu với lực lượng Fulro, bảo đảm an ninh cho cuộc sống quê hương cũng gian khỗ khó khăn không kém gì anh đi đánh đuổi quân xâm lược ngoài biên cương. Chị gửi con nhỏ đi khắp các buôn làng đồng bào mình để tuyên truyền. Địa bàn chị hoạt động lúc đó bao gồm cả khu vực huyện Krông Năng bây giờ, kéo vào đến địa phận huyện Cư M’gar, địa phận Ea Suop, vượt rừng núi, lội suối không có phương tiện nào khác ngoài đôi chân. Những vùng lực lượng Fulro xâm nhập lôi kéo thường những địa bàn vùng sâu vùng xa đồng bào còn thiếu thông tin về cách mạng như xa Ea Hồ, xã Cư Né, Ja Wằm… Có lần chị đang vào một gia đình có đối tượng theo Fulro vận động tuyên truyền thì bị lực lượng fulro phục kích bắn như vãi đạn vào nhà. Anh Trần Chương sau này là Trưởng công an huyện Krông Buk thấy đạn bắn rát quá, hỏi tổ trưởng:
-  Bây giờ làm sao chị?
- Chú ôm súng nằm ép xuống sàn chờ đợi, đứng dậy là chết.
Cuối cùng tổ an ninh của chị cũng bình an. Biết là nguy hiểm vậy, nhưng chị nghĩ Fulro cũng là đồng bào mình, do họ thiếu hiểu biết dễ nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, mình phải kiên trì tuyên truyền vận động để họ hiểu cùng đồng tâm bảo vệ xây dựng buôn làng. Với suy nghĩ vậy nên dù đôi chân vượt qua chặng đường đồi núi hiểm nguy, bầu vú căng sữa nhức nhối trong khi con ở nhà đói khóc, chị vẫn vượt lên nỗi nhọc nhằn gian nan để làm nhiệm vụ.
Anh Cầm Bá Mao cầm tờ quyết định hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về đưa cho chị, chị báo cáo với tổ chức để anh được đứng vào ngành công an cùng chị tiếp tục chiến đấu bảo vệ sự bình yên cuộc sống. Trong lúc đất nước mới thống nhất đang xây dựng kiến tạo, chính quyền non trẻ đứng trước sự đe doạ của thế lực thù địch, cần được bảo vệ, vậy là anh Cẩm Bá Mao được đứng vào hàng ngũ công an sát cánh cùng chị làm nhiệm vụ giữ gìn sự bình yên cuộc sống.
Đất nước thời bình:
Đất nước chiến tranh cả nước lo đánh giặc, sau chiến tranh kinh tế đất nước kiệt quệ, toàn Đảng, toàn dân lại lo chống giặc đói. Trải qua năm tháng xa cách và chờ đợi, gian khổ, ác liệt chống thù trong giặc ngoài, gia đình anh được xum họp thực sự. Bé Cầm Thị Thu Hà tròn sáu tuổi thì chị sinh đứa con trai thứ hai. Chị vui mừng vì sinh con lần này có anh bên cạnh. Anh bàn với chị, mình đã thiệt thòi sinh ra trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh không được học hành để có kiến thức hiểu biết hơn, phải cho các con ăn học sau này có kiến thức mà đóng góp xây dựng, bảo về đất nước quê hương. Từng chứng kiến cảnh thiếu thốn đói khổ trong chiến tranh, anh chị mua thêm rẫy ra sức lao động tích luỹ thêm để cuộc sống đủ đầy có điều kiện chăm lo cho con cái, gia đình anh chị được đánh giá là gia đình cách mạng mẫu mực trong thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước, gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình. Được chị H’Pin Mlô, chủ tịch xã Pơng Drang giới thiệu, tôi đến thăm gia đình anh chị, giờ đây đã là hai ông bà gần 70 tuổi. Theo Khổng Tử thì đó là cái tuổi Lục thập nhi nhĩ thuận, có nghĩa con người ta tới 60 tuổi thì mới đạt tới mức độ hoàn hảo về mặt trí – hành, kiến – văn, và kinh nghiệm về cuộc sống. Hai ông bà giờ đây giờ đây đã có thể tự hào về sự cống hiến của mình và cảm thấy mãn nguyện về cuộc sống hiện tại. Bà H’Tếch tâm tình: So với xã hội thì chúng tôi đâu dám sánh, thời buổi kinh tế thị trường nhiều người giàu có, nhưng cái tình nghĩa con người không bằng thời khó khăn. Gia đình tôi từng trải qua chiến tranh thiếu thốn nên được như bây giờ tôi cảm thấy mình hạnh phúc lắm rồi.
Cô con gái đầu Cẩm Thị Thu Hà mong ước trở thành cô giáo dạy chữ cho con em đồng bào mình có kiến thức hiểu biết hoà nhập với xã hội; cô đã thực hiện được đúng ước mơ, hiện cô đang làm giáo viên dạy trường phổ thông dân tộc nội trú của huyện. Anh con trai thứ hai Cầm Việt Hùng theo truyền thống gia đình trở thành sĩ quan đứng trong lực lượng công an đang công tác tại huyện, anh con trai út cũng trong lực lượng công an nhưng đã ra đi trong một tai nạn. Để chủ động cuộc sống và góp phần cùng con cái, ông bà vẫn không nghỉ ngơi, niềm hạnh phúc của hai ông bà là được lao động bằng đôi bàn tay của chính mình, hàng ngày hai ông bà thay nhau chăm sóc 3,5 héc ta điều, hơn 2 sào cà phê góp phần nâng cao đời sống cho gia đình và trông coi, đưa đón 5 đứa cháu nội ngoại đến trường. Một điều hạnh phúc nữa theo bà thì gia đình ông bà sống trong tình yêu thương quý trọng của buôn làng, kể cả những gia đình trước đây từng có đối tượng theo Fulro bị lực lượng an ninh của bà truy quét cũng không hề oán trách. Có nhiều người khó khăn về mặt kinh tế được ông bà giúp đỡ không những tạo công ăn việc làm, thậm chí có lúc hỗ trợ lương thực, kinh phí để họ sản xuất ổn định đời sống, họ gọi bà là mẹ, là bà ngoại.., ông nói vui với bà: Đó là cánh chim Chơ Rao lấy lại bay tới đâu đem mùa xuân đến đó. Đúng là cánh chim núi Pù Mé đã chọn rừng Tây Nguyên xây tổ, giờ đây tổ ấm nở ra những con chim mang hai dòng máu đang nối tiếp truyền thống cha mẹ góp phần bảo vệ sự bình yên cuộc sống và xây dựng quê hương.