Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

KINH NGHIỆM ĐOÁN BIẾT THỜI TIẾT, BÃO LỤT TRONG DÂN GIAN, QUA MỘT SỐ CÂU THÀNH, TỤC NGỮ tác giả HỒ NGỌC ĐIỆP - CHƯ YANG SIN SỐ 339 tháng 11 năm 2020

 

Ảnh sưu tầm

 

Ngày nay, con người không những hiểu biết một cách kỹ lưỡng, tường tận các hiện tượng tự nhiên diễn ra chung quanh, hôm nay, ngày mai, ngày kia… mà còn khám phá ra những bí mật của thiên nhiên ngoài vũ trụ. Có được điều đó vì con người đã và đang trang bị cho mình không những bằng hiểu biết mà còn bằng những máy móc hiện đại tối tân của nền khoa học kỹ thuật tiên tiến không ngừng đổi thay, phát triển.

Khi con người không được như bằng hôm nay, thuở trước, bao lớp người cha ông chúng ta đã bằng nhiều cách để đoán biết thời tiết, nắng mưa, bão lụt qua những quan sát và tích lũy. Có khi được ghi lại bằng những thành ngữ, tục ngữ, có khi người ta truyền cho nhau bằng những lời dặn dò, đúc kết.

“Trời đang nắng ráo, chim sáo tắm là sắp mưa” là thành ngữ chỉ về hiện tượng sắp có mưa. Chim sáo tắm tức nó dùng mỏ nhúng nước rồi rửa vào lông của mình. Hiện tượng đó, báo hiệu sắp có mưa. Vì lúc này nhiệt độ cơ thể chim sáo lên cao, phản xạ thời tiết, chim sáo tắm để giải bớt nhiệt trong cơ thể. Sắp có mưa thì con ếch, con cóc bỗng dưng nhảy từ trong hang ra mà kêu vang “ộp ộp…”. Bởi vậy, dân gian có câu: “Ếch kêu ộp ộp, sắp lộp độp mưa sa”. Cũng là hiện tượng mưa nhiều, mưa ít. Mưa nhiều dẫn đến lụt lội, mưa ít là mưa dông. Về hiện tượng này, dân gian có câu: “Móng dài trời lụt, móng cụt trời mưa”. “Móng” ở đây tức cầu vồng 7 sắc in trên nền trời. Khoa học hiện đại giải thích rằng, cầu vồng 7 sắc là hiện tượng tán sắc ánh sáng khi nó chiếu qua một lăng kính. Lăng kính của thiên nhiên tức mưa đang rơi ở một chân trời. Ánh mặt trời chiếu vào đó đã bị tán sắc 7 màu in lên bầu trời. “Móng dài” là hiện tượng lăng kính mưa đang rơi nhiều tạo nên. “Móng cụt” tức lăng kính mưa nhỏ, gián đoạn. Trời mưa và lũ lụt cũng có thể đoán biết từ hiện tượng cầu vồng 7 sắc đầy lý thú này.

Bão, lụt sẽ xảy ra nay mai khi trời đang nắng to, không những ếch nhái nhảy ra kêu vang “ộp ộp” mà hàng đàn kiến đen, kiến đỏ ùn lên nối nhau sơ tán đến nơi ở khác cao ráo hơn. Có lẽ đó là hiện tượng tự vệ bẩm sinh khi lòng đất bị áp suất lớn, kiến bò ra khỏi tổ, di dời chỗ ở để tồn sinh. Không nên diệt kiến lúc này vì nó đang làm sứ giả báo tin thời tiết sắp thay đổi cho con người được biết.

Báo tin sắp có bão lớn sẽ đến, ở nhiều nước, nhất là các nước ở trên dưới đường xích đạo thường nhìn vào chim ó. Có nơi còn gọi nó là đại bàng. Các nhà văn thi gọi nó là “chim báo bão”. Quả vậy, sắp có bão lớn, chim đại bàng thường bay về núi, chui vào hang động để ẩn nấp. Mỗi lần chim ó, hay đại bàng bay vào núi, y như rằng, sau đó bão táp sẽ ập đến.

Có một loại cây báo bão mà người dân vùng cát thường biết đến, đó là xương rồng. Xương rồng có hàng trăm loại và chuyên sống ở những vùng đất khắc nghiệt gần sông, gần biển. Loại này chỉ ra hoa khi sắp có mưa sa, bão tố đến. “Xương rồng ra hoa, nhà nhà chống bão” là một thành ngữ mà người xưa đã đúc kết để truyền cho nhau một hiện tượng thiên nhiên xẩy ra quanh mình. Khi thấy xương rồng nở hoa là người dân biển không ra khơi xa mà chỉ đánh cá ven bờ để có thể nhanh chóng vào bờ khi thiên nhiên nổi gió.

Người làng biển còn đoán biết thời tiết xấu sẽ đến với mình khi nhìn vào con sứa. Sứa là loài vật không xương sống trong nước mặn. Khi trời yên, biển lặng, sứa nổi lên gần mặt nước để kiếm ăn. Nhưng khi nó chúc xuống, lặn sâu là báo hiệu sắp có bão. Về hiện tượng này các nhà khoa học đã giải thích, trời sắp có bão thì áp suất trên mặt nước biển cao, con sứa không chịu đựng được áp suất đó nên lặn sâu để tránh tác động của áp lực khí trời nhằm phù hợp với đặc điểm sinh lý của nó. “Sứa lặn sâu là rầu mặt biển”, đó là thành ngữ mà người dân chài đúc kết, truyền cho nhau về một kinh nghiệm đoán thời tiết. “Rầu mặt biển” trong thành ngữ trên là hình ảnh về bão tố sắp xẩy ra trên biển. Và mỗi lần sứa lặn sâu, người dân chài phải hoàn thành mẻ lưới đang đánh dở để đưa thuyền vào bến, ấn nấp vì sắp có bão tố ập đến.

Người dân chài hay bác tiều phu có kinh nghiệm đoán thời tiết qua quan sát rừng cây lau. Lau là một loại cây mọc ven đồi. Nếu khi nó phất cờ ra hoa là báo tin lành: Mùa bão tố đã chấm dứt. Vì vậy, khi thấy hoa lau nở phất cờ, người dân chài có thể cho thuyền đánh cá ra khơi xa và bác tiều phu vào rừng kiếm gỗ, tìm trầm khỏi có mưa lụt xảy ra. “Cây lau phất cờ tha hồ xuống biển” là thành ngữ mà người dân làng biển đã truyền cho nhau về một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú.

Cơn đại hồng thủy tháng 10/2020 vừa qua gây bao thiệt hại cho con người. Tuy nhiên có nơi, có người đã đoán biết điều đó sẽ xảy ra qua các hiện tượng thiên nhiên như kiến di dời chỗ ở, hoa xương rồng nở giữa trưa nắng.v.v… đã chuẩn bị ứng phó với thiên nhiên làm hạn chế sự tàn phá của nó.


Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

CỐI CHÀY THƠM CẢ NGHĨA TÌNH NƯỚC NON tác giả TẠ VĂN SỸ - CHƯ YANG SIN SỐ 339 tháng 11 năm 2020

 


                                                     

Cùng với nhiều thứ âm thanh thôn dã khác, tiếng giã gạo từng là nỗi nhớ khôn nguôi trong hồn người xa quê, xa xứ.

Cái âm thanh thậm thịch thậm thình đều đều nhẫn nại không chỉ là nỗi nhớ trong tâm tưởng của những người đã từng sống ở thôn quê, mà nó còn đã thành tên gọi một xóm cư dân người Việt cổ; ấy là xóm Thậm Thình, thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi Đất Tổ Vua Hùng. Tương truyền đây là nơi chuyên giã gạo để cung cấp về triều đình Hùng Vương. Từ âm thanh đặc trưng của sự va đập cối chày mà xóm có tên gọi nôm na gần gũi là “Thậm Thình”. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có bài thơ rất hay về địa danh này:

Đi qua xóm núi Thậm Thình

Bâng khuâng nhớ nước non mình ngàn năm

Vua Hùng một sáng đi săn

Trưa tròn bóng nắng dừng chân chốn này

Trăm cô gái tựa tiên sa

Múa chày đôi với chày ba rập rình

Đêm đêm tiếng thậm tiếng thình

Cối chày thơm cả nghĩa tình nước non…

Trước khic có máy xay xát như ngày nay, trên đất nước Việt Nam đâu đâu cũng có chày cối để bóc thóc (lúa) thành gạo. Ở miền xuôi giã gạo chỉ bằng sức người. Ở miền núi, ngoài sức người, bà con còn lợi dụng các dòng sông suối thiết lập những cối giã gạo nhờ sức nước làm giúp. Tuy nhiên, tiếng giã gạo nơi thôn bản làng xóm trải qua ngàn đời vẫn là cái âm thanh không thể nào quên.

Riêng ở khu vực Tây Nguyên, tiếng giã gạo của các bà, các cô, các chị, các em gái chỉ mới vừa vắng tiếng chừng độ vài mươi năm, khi máy xay xát được kéo về đến tận các bon (buôn), pơ-lei (làng). Sở dĩ chỉ nói các bà, các cô… là bởi tập quán ở Tây Nguyên phụ nữ là người lãnh phần giã gạo, nam giới tuyệt nhiên không được đụng tới; không như miền xuôi nam giới cũng tham gia giã gạo (nên mới có điệu hát giao duyên Hò giã gạo).

Ai có dịp ở đêm lại các buôn làng Tây Nguyên trước đây đều khó quên tiếng giã gạo thậm thình khắp đầu thôn cuối xóm. Thời điểm giã gạo tập trung nhất là vào buổi chiều tối và buổi sớm mai. Sau một ngày nương rẫy, chiều về, sau khi tắm táp ở giọt nước (mó nước) đầu làng, các bà các cô liền ra kho (xim) lúa gia đình khom người xuống giàn đàn klông-pút (luôn đặt sẵn ở đấy) vỗ một đoạn nhạc ngắn như một thông lệ, rồi lấy lúa vào gùi mang đến cối giã để kịp nấu cơm tối. Rồi thì tờ mờ sớm mai các bà các cô lại phải dậy cùng với tiếng gà gáy lần nhất, lần hai để giã tiếp kịp nấu sáng và giỡ theo lên nương rẫy bữa trưa.

Tiếng giã gạo buổi chiều tối thường lẫn vào nhiều tạp âm khác, như tiếng chó sủa, tiếng gà giành chuồng, tiếng mõ khua lốc cốc của trâu bò, tiếng người cười nói râm ran... nên ít gây ấn tượng. Ấn tượng nhất là tiếng giã gạo lúc tinh mơ. Trong lúc khách còn kín người trong chăn tránh cái rét ngọt ngào của gió núi sương rừng thì các bà các cô đã vần cối ra “nhà chồ” (đoạn dôi ra phía trước nhà sàn, nơi đặt cầu thang lên xuống) giã gạo. Tiếng giã gạo kéo theo tiếng gà gáy sang cứ sôi lên giữa không gian tĩnh mịch đại ngàn. Cái âm thanh âm trầm đều đều như đưa khách vào những suy tư miên man xa vắng...

 Cách giã gạo của phụ nữ Tây Nguyên có khác cách giã ở miền xuôi một tí. Dưới xuôi, người đứng giã gạo với tư thế chân trước chân sau. Khi lấy sức lấy đà để nện chày xuống lòng cối đầy thóc thì chân trước là chân trụ, chân sau thả lỏng; khi rút chày lên thì chân sau là chân trụ, chân trước thả lỏng. Khi mỏi thì thay tư thế của hai chân; và cứ thế giã cho đến khi gạo trắng. Phụ nữ Tây Nguyên khi giã gạo lại đứng dụm hai bàn chân khít nhau, khi nện chày xuống thì lưng cụp theo về phía trước và mông nhô đưa ra phái sau; khi rút chày lên thì hít hơi, thót bụng lại, ngực ưỡn ra trước để lấy đà và lấy sức giã chày xuống. Với tư thế này, người quan sát có cảm giác cách giã gạo của chị em phụ nữ Tây Nguyên có vẻ... “nhún nhảy, điệu đà” như một vũ điệu, đẹp mắt hơn, “nghệ thuật” hơn, nhưng có lẽ hơi bị tốn sức hơn so với cách giã ở miền xuôi!

Hình ảnh giã gạo ấy được nhà thơ Hồng Chinh Hiền khi tham gi đánh Mỹ tại Mặt trận Tây Nguyên quan sát và khắc họa:

Phơi dưới trời dầu dãi tấm thân

Mưa chan nước hay nắng hừng tuôn lửa

Những lưng ong trùng triềng nghiêng ngửa

Cối gạo khuya tùm tụp tiếng chày

Bấm hai chân, vung vẫy hai tay... 

Theo tập quán phải cáng đáng một công việc thường ngày cực nhọc như thế nên có lúc những nàng “sơn nữ” Tây Nguyên chỉ biết than thầm:

Chúng em người con gái Xê-đăng

Khổ hơn mọi người con gái khác

Đêm quỳ xuống còng lưng giã bắp

Buôn ngủ say còn lửa bập bùng

Lửa thức cùng con gái Xê-đăng...

(Hồng Chinh Hiền)

Dẫu biết rằng “khổ hơn mọi người con gái khác” nhưng cũng phải… “chuyên cần”, bởi dường như chuyện giã gạo đã như là thước đo phẩm hạnh về sự đảm đang và ý tứ của người phụ nữ nơi đây, như “ví dụ” này:

Dâu về nhà, mẹ lẻn ra sân

Giấu một quả trứng gà trong họng cối

Sáng tinh mơ, mẹ chồng giục vội

- Ơ, Y Ben, giã nhanh gạo, giã nhanh!

Vội, cũng không quên được thói quen

Cô sờ cối, đưa trứng gà trả mẹ!

(Hồng Chinh Hiền)

Thật là một kiểu mẹ chồng thử ý nàng dâu quá... độc đáo!

Suốt thời đánh Mỹ, khắp núi rừng Tây Nguyên đâu đâu cũng râm ran, vang động tiếng giã gạo nuôi quân để “bộ đội ta ăn no đánh Mỹ”. Chuyện này thì cả nước đều biết và đều nhớ qua ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng:

Cắc cùm cum...

Bập bùng bên ánh lửa

Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khua

Giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa...

Cái hình tượng sáng màu lãng mạn cách mạng của một thời kỳ thơ ca Việt Nam ấy cũng được tác giả Thanh Kỳ thời đánh Mỹ tại mặt trận Tây Nguyên khắc họa qua bài thơ “Tiếng chày trên tuyến lửa”:

Nhớ đêm nào trăng in bên núi

Đường hành quân qua suối Kông Nông

Quần với Mỹ diệt từng hoả điểm

Nhớ tiếng chày khoan nhặt đêm sương

...

Gạo ra trận mang tiếng chày ra trận

Dưới làn mưa đại bác, bom xăng

Người con gái trên chiến hào bão lửa

Vung tay chày như tư thế xung phong...

Không khí và khí thế giã gạo nuôi quân ấy cũng được thượng tướng Đặng Vũ Hiệp - nguyên Phó Chỉnh ủy Mặt trận Tây Nguyên (B3) thời đánh Mỹ - viết lại trong hồi ký “Ký ức Tây Nguyên” của mình: “Một lần khác, chúng tôi được anh cán bộ kinh tế H67 (huyện Sa Thầy cũ, tỉnh Kon Tum - NV) dẫn đến chỗ đồng bào đang nộp thóc... Một cảnh tượng thật khó quên đối với tôi: cả làng giã gạo... Mọi người vừa giã vừa hát:

Trăng lên rồi

Đêm đẹp lắm

Lũ làng mừng giã gạo nuôi quân

Ơi, anh giải phóng, cái chân không mỏi

Lũ làng đây cái tay cũng không mỏi

Anh diệt nhiều thù, cối gạo càng trắng thơm...

Ngày nay tiếng giã gạo đã đi vào tiềm thức. Chắc rằng tiếng nổ ầm ào của những cỗ máy xay xát không bao giờ thay thế được vị trí âm thanh “thậm thình” đều đều nhẫn nại của cối chày trong tâm tưởng mọi người.

Thế cho nên, xin mượn trở lại câu thơ Nguyễn Bùi Vợi để khép niềm hồi ức:

Đêm đêm tiếng thậm tiếng thình

Cối chày thơm cả nghĩa tình nước non...


Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

TÌNH YÊU CỦA “NỤ CƯỜI THIÊN NỮ” tác giả NGÔ THỊ MINH - CHƯ YANG SIN SỐ 339 tháng 11 năm 2020

 



(Đọc “Nụ cười thiên nữ” của Bùi Minh Vũ, NXB Hội Nhà văn, 2020)

   

Gấp cuốn tiểu thuyết “Nụ cười thiên nữ”, người đọc chùn lại, xa xót. Hình như không còn là nụ cười nữa. Đằng sau đó là nước mắt, nước mắt ăn năn của một đời người khi làm điều ác!

Hành trang vào đời của chàng trai trẻ tên Thụ là một cuộc tình trong sáng, trinh nguyên với người bạn Th, học cùng lớp phổ thông. Bắt đầu mưu sinh bằng nghề bảo vệ cơ quan. Thời gian rảnh của chàng trai là đọc sách, rất nhiều sách. Tuy vậy, mọi thứ đã thay đổi khi Thụ học xong đại học ngành Quản lý công. Các nấc thang danh vọng nâng bước chân nhân vật chính với các chức vụ: phó trưởng phòng, trưởng phòng và cuối cũng là giám đốc. Theo đó, là các mối tình, các cuộc trao đổi tình và tiền! Như lời dẫn của tác giả, Thụ truy hoan qua nhiều cuộc tình có công thức: “Th+U+Thu+Thụ+Thụn+Thụng = Nụ cười thiên nữ”.

Th, mối tình đầu đẹp, trinh trắng của Thụ cũng đã thay đổi. Nụ cười đầy quyến rũ, ma mị của nàng như vận vào cuộc đời giám đốc Thụ: “Em thành thật điều khiển cuộc đời tôi bằng màu sắc, đường nét, bố cục, đúng hơn là khoảng cách chừng năm trăm ki lô mét, cái cây trâm dài thòng cứ chọc vào tim tôi liên tục mạnh mẽ như cơn gió giật”. Thụ thú nhận: “Cuộc sống quanh tôi sao cứ thường xuyên lặp lại những hình bóng thân quen, cứ giống nhau, dù di chuyển nơi nào, ngồi với ai cũng thấy màu sắc ấy, nụ cười ấy”. Đúng vậy. Sau đó là những người con gái khác, đàn bà khác đi qua cuộc đời của Thụ: U, Thụn, Thụng. Người đàn ông ấy trượt dài theo những nụ cười thiên nữ! Tình đổi chác trong tác phẩm mang bản sắc dục vọng, bạc tiền. Thụ vun vít vật chất để tìm thú vui, đôi lúc người đàn ông muốn tìm lại chút dư âm của mối tình đầu nhưng hình như nụ cười thiên nữ ấy chỉ có trong mơ, đầy ma lực. “Trước mặt tôi,… hình như nụ cười em (Thu) là những mảnh ghép từ Th và H”. Chính vì chi tiết nghệ thuật này, tiểu thuyết “Nụ cười thiên nữ” đã vượt lên được cái cảm xúc trần tục của các quan hệ thân xác. Người đọc cảm nhận sự thương cảm, bẽ bàng của đời người!

“Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (Karl Marx). Nhân vật “tôi” trong tự truyện của tác giả Bùi Minh Vũ đang trong vòng xoáy của nhiều mối quan hệ đan xen. Từ niềm đam mê sách vở, học hành, Thụ trở thành người đàn ông thích bù khú trong các bữa tiệc, gái gú. Có chức, có tiền như những điều kiện để ông giám đốc Thụ quên đi người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, với công việc. Phải chăng đó chính là mặt trái của “Nụ cười thiên nữ”? Người đọc tự hỏi, có phải đây là hình ảnh đời thật của các vị quyền cao đức trọng ngoài đời kia không? Họ đang bước vào trang sách của Bùi Minh Vũ hay từ tác phẩm “Nụ cười thiên nữ” bước ra cuộc đời.

Vậy đó. “Ai thức thì thức, ai ngủ thì ngủ. Cuộc đời cứ thế mà trôi” (Shakespear). Trong vòng xoáy của xã hội kim tiền này, người dân lương thiện đang đứng ở đâu? Trong tiểu thuyết “Nụ cười thiên nữ” có đề cập đến họ. Đó là Du, người ơn của Thụ, nằm sóng xoài dưới bánh xe của giám đốc. Nhân vật “tôi” hờ hững nhìn và gọi nhân viên đến “giải quyết” để đi họp cho kịp giờ. Cái thiện nhân trong Thụ còn không? “Không, không, tôi tự nhủ, mình có tội, nhưng xin bạn tha thứ cho khoảnh khắc ấy”. Sự ăn năn, hối hận được xem như chút lương tâm còn lại của nhân vật.

Trong tác phẩm “Nụ cười thiên nữ”, tác giả xây dựng nhân vật chính là Thụ và sử dụng ngôi kể thứ nhất “tôi” như kể một cách chủ quan về cuộc sống của chính mình. Người đọc thấy thú vị như đang nghe và đang tham gia vào câu chuyện của Thụ. Theo Đỗ Đức Hiểu: “Thi pháp tiểu thuyết miêu tả các cấu trúc, các yếu tố hợp thành ngôn ngữ tiểu thuyết, chủ yếu là thời gian, không gian, nhân vật kể chuyện, biện luận, ngoại đề, độc thoại, mở đầu, kết thúc”. Bùi Minh Vũ đã lấy nhân vật chính Thụ làm trung tâm và bao quanh nhân vật này là các vai nữ khác: Th, U, Thụn, Thụng. Họ tồn tại đan xen với nhiều mối quan hệ tình ái khác nhau. Nhiều đoạn độc thoại nội tâm của Thụ tồn tại trong “Nụ cười thiên nữ” như một biện pháp nghệ thuật để tác giả gởi gắm tính đa diện của tính cách nhân vật: “Tôi không biết, mình có thể vượt qua những khoảnh khắc phải đối đầu với sự thật rằng: Thu, Thụn hay Thụng? Nụ cười giống nhau của em làm tôi khó phân biệt đâu là buồn đâu là vui, lúc nào sống, lúc nào chết?”

Cũng bằng biện pháp nghệ thuật độc thoại nội tâm, kết thúc tiểu thuyết, tác giả đã sử dụng các câu hỏi tự vấn của nhân vật “tôi”: “Tại sao tôi lại nằm vắt vẻo nơi này? Tôi dự định làm cái gì? Tôi muốn gặp ai? Thụng ở đâu? Cuộc sống thế này ư? (...) Nếu trả lời những câu hỏi này rõ ràng, nghĩa là cuộc đời quả là đáng sống.” Những câu hỏi lục vấn lương tâm của Thụ đã phản ánh cái thiện trong nhân vật vẫn còn, dù muộn màng. Tác giả đã mở đường sống cho nhân vật của mình. Và, giá trị nhân văn của “Nụ cười thiên nữ” còn đọng lại với hình ảnh này.

 

 


Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

VAI TRÒ CỦA NHÂN VẬT THỊ NỞ TRONG TRUYỆN NGẮN CHÍ PHÈO CỦA NAM CAO tác giả TRẦM THANH TUẤN - CHƯ YANG SIN SỐ 339 tháng 11 năm 2020

 


 

Thế giới nhân vật của Nam Cao không hiếm những nhân hình xấu xí, dị dạng méo mó nhưng tâm hồn họ lại trong sáng vô ngần. Họ là những mảnh vỡ bé mọn đáng thương của cuộc đời bị đẩy vào những cảnh huống éo le ngang trái. Trong ngần ấy những con người xấu xí ấy của thế giới nghệ thuật của Nam Cao thì thị Nở lại nổi bật hơn cả. Bởi có thể xem đây là một nhân hình xấu xí bậc nhất trong các tác phẩm của Nam Cao nói riêng cũng như trong văn học Việt Nam hiện đại Việt Nam nói chung.

Nếu so với Chí Phèo thì lai lịch của thị Nở có phần rõ ràng hơn nhưng cũng chỉ là những nét nhòe mờ. Thị Nở sống với bà cô già không có chồng, nghề nghiệp của thị cũng không ổn định "sống bằng những nghề lặt vặt ở làng". Chính vì thế mà thị Nở cũng góp mặt mình vào đám người cùng đinh trong làng Vũ Đại "thị lại rất nghèo". Không chỉ dừng lại ở cái nghèo, thân thế thị Nở được nhà văn bồi thêm "Và thị lại là dòng giống của một nhà có mả hủi: cái này khiến không một chàng trai nào phải phân vân. Người ta tránh thị như tránh một con vật rất tởm". Chính những điều đó khiến cho thị Nở "Ngoài ba mươi tuổi, thị vẫn chưa có chồng". Phải chăng chính cái vỏ bọc ấy mà chỉ duy nhất ở làng Vũ Đại thị tỏ ra không sợ hãi Chí Phèo, cái con quỷ dữ của làng Vũ Đại "Có lẽ chính vì thế mà thị Nở không sợ cái thằng mà cả làng sợ" bởi như thị  nghĩ "Người ta không ai sợ kẻ khác phạm đến cái xấu, cái nghèo, cái ngẩn ngơ của mình, mà thị lại chỉ có ba cái ấy"? Chí Phèo sống cô độc giữa làng Vũ Đại trong sự ghê sợ xa lánh của tất cả mọi người, trong những thành kiến nặng nề của xã hội. Chí tức tối đau khổ không ai biết, Chí chửi bới kêu làng chẳng ai nghe, chỉ có thị Nở là người duy nhất tiếp xúc được với Chí và hiểu được Chí phần nào. Chính thị Nở là người duy nhất phát hiện ra rằng có lúc Chí cũng "hiền như đất ấy", rằng tính Chí cũng rộng rãi, dễ dãi. Chả thế mà có lần thị Nở xin rượu để bóp chân Chí bảo: "ở xó nhà ấy muốn rót bao nhiêu thì rót". Chính thị Nở cũng đã có lần tự hỏi: "sao người ta chê hắn thế?"

1. Thị Nở, tình người trong lốt “con vật người"

Nam Cao mô tả thị Nở trong cái nhìn định kiến của dân làng Vũ Đại, cái xã hội nông thôn thu nhỏ. Cái xã hội ấy đã định kiến với cái ác đã đành đằng này cái xã hội ấy còn tuyệt giao với những mảnh đời bất hạnh vì cái xấu. Nam Cao mô tả "dung nhan" của thị Nở "Một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn. Cái mặt của thị đích thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng, trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi: có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra. Đã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm, cũng may quết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách. Đã thế những cái răng rất to lại chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu.”

Với chân dung thị Nở được đặc tả như trên, việc tiếp cận nhân vật này diễn ra theo hai hướng. Nhiều người đã quy kết Nam Cao là "tự nhiên chủ nghĩa", là mạt sát con người và cả quyết đây là điểm yếu của tác phẩm. Bên cạnh đó lại có một số ý kiến "chiêu tuyết" cho nhà văn khi cho rằng việc miêu tả thị Nở như thế không ngoài mục đích tạo nên "đôi lứa xứng đôi" góp phần gia tăng giá trị hiện thực của tác phẩm. Có lẽ vì thế tuy không là một nhân vật chính nhưng thị Nở đã từ trang văn Nam Cao đi vào đời sống, vào ngôn ngữ. Nhiều nhà nghiên cứu cố công tìm kiếm dấu ấn của văn chương phương Tây trong việc khắc họa hình tượng nhân vật thị Nở. Điều đó cho thấy sức hút của nhân vật. Chúng tôi muốn trình bày thêm cách hiểu của mình về nhân vật thị Nở ngõ hầu bổ sung thêm một vài điều.

Có thể nói để tạo tác nên chân dung xấu xí "vô tiền khoáng hậu" của thị Nở, Nam Cao đã gom nhặt chất liệu từ chính kho tàng ca dao hài hước. Chắc hẳn không ai không nhớ bài ca dao nổi tiếng: Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần …

Hay bài ca dao

Lỗ mũi mười tám gánh lông

Chồng yêu chồng bảo: “tơ hồng trời cho”

Đêm nằm thì ngáy o o

Chồng yêu chồng bảo: “ngáy cho vui nhà”

Đi chợ thì hay ăn quà

Chồng yêu chồng bảo: “về nhà đỡ cơm”

Trên đầu những rác cùng rơm

Chồng yêu chồng bảo: “hoa thơm rắc đầu”

Chúng tôi đặc biệt chú ý đến bài ca dao thứ hai bởi có nhiều điểm tương đồng với nhân vật thị Nở và Chí Phèo. Khi con người ta yêu chân thật thì tất cả những khuyết điểm của người mình yêu đều trở nên "duyên". Chính Chí Phèo đã thừa nhận điều ấy khi đang trong trạng thái "say" thị Nở:

Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn rồi lại toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Hắn thấy vừa vui vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn. Cũng có thể như thế lắm.

[…]

Hắn thấy tự nhiên nhẹ người. Hắn bảo thị:

( Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?

Thị không đáp, nhưng cái mũi đỏ của thị như càng banh ra. Hắn thấy thế cũng không có gì là xấu. Bằng một cái giọng nói và một vẻ mặt rất phong tình theo ý hắn, hắn bảo thị:

– Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.

Thị lườm hắn. Một người thật xấu khi yêu cũng lườm. Hắn thích chí, khanh khách cười. Lúc tỉnh táo, hắn cười nghe thật hiền. Thị Nở lấy làm bằng lòng lắm. Bây giờ thì mấy bát cháo ý chừng đã ngấm. Hắn thấy lòng rất vui.

Tuy không mô tả trực tiếp nhưng  ta có thể hình dung ra những con người của làng Vũ Đại ấy luôn có một cái nhìn ác cảm. Họ không chấp nhận một con người xấu xa như thị Nở sống trong xã hội của mình "người ta tránh thị như một con vật rất tởm". Điệp ngữ "Đã thế…" lặp đi lặp lại như điệp khúc tàn nhẫn quăng vào phận đời bất hạnh thị Nở. Những con người ở làng Vũ Đại là hình ảnh của lối mòn lưu cữu, của tệ định kiến và thành kiến xã hội đã tồn tại dai dẳng mấy nghìn năm.

Thị Nở xấu, nghèo lại dở hơi, lại là con nhà có mả hủi! Tất cả những thứ ấy đã biến thị Nở thành một thứ phế thải, vô giá trị. Nhưng ở cái con người vô giá trị ấy có một thứ tài sản vô giá: Tình người. Tình người của thị Nở có thể nói biểu hiện sống động nhất thông qua chi tiết bát cháo hành. Việc thị Nở chăm sóc cho Chí Phèo khi bị cảm ở ngoài vườn thực ra chỉ là cử chỉ của một lòng tốt bình thường của một con người dành cho một con người. Thị nghĩ: "Thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi là hôm nay nhọc đừ. Phải cho hắn ăn tí gì mới được. Đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành, ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà… Thế là vừa sáng thị đã chạy đi tìm gạo. Hành thì nhà thị may lại còn. Thị nấu bỏ vào cái rổ, mang ra cho Chí Phèo". Nhưng trong cái thế giới ngày càng vô tình, tha hóa của làng Vũ Đại. Đây lại là lòng tốt hiếm hoi duy nhất mà Chí được hưởng kể từ ngày về làng. Vì thế mà nó quý giá, nó mới làm cảm động Chí Phèo sâu xa đến thế. Kề bát cháo hành lên miệng hắn đã khóc. Nam Cao đã miêu tả bằng những lời văn bề ngoài bình thường mà bên trong đầy cảm thương xót xa: "Thằng này rất ngạc nhiên, hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt". May mà Chí Phèo vẫn còn những giọt nước mắt ấy nếu không còn khả năng khóc thì chắc Chí Phèo không còn khả năng lương thiện. Nghĩa là lương tri đã chết hẳn rồi trong con người Chí. Nam Cao tin vào nước mắt con người, "Nước mắt có khả năng thanh lọc tâm hồn". Với Nam Cao, nước mắt là biểu hiện của tình người. Sự thức tỉnh các nhân vật của Nam Cao, đều cùng với nước mắt và cùng với nước mắt. Sống trong xã hội làng Vũ Đại khô héo tình người, giọt nước mắt trong Chí Phèo tưởng đã khô hạn tiêu tan hóa ra chưa hẳn. Nó chỉ bị vùi lắp trong sâu thẳm lòng Chí, nó vẫn còn chảy len lỏi âm thầm và trong suốt. vậy tình người đã thức tỉnh đã hồi sinh tính người trong Chí Phèo. Vừa chạm đến tình người thì cái lốt quỷ dữ của Chí Phèo dường như trút bỏ. Con người lương thiện đã hiện nguyên chân tướng.

Thêm nhân vật thị Nở, Nam Cao đã làm cho tính cách của nhân vật phát lộ đầy đủ hơn tạo ra một tình huống mới cho sự phát triển của tính cách Chí Phèo. Cuộc đời của Chí Phèo tưởng chừng như chết mòn trong sự ruồng bỏ của đồng loại, trong tối tăm và tội lỗi như thế nhưng vào một đêm trăng, "Trăng tỏa trên sông và sông gợn biết bao nhiêu gợn vàng". Trong lúc say khướt, Chí Phèo đã gặp thị Nở, một người đàn bà xấu xí ngẩn ngơ. Chính cuộc gặp gỡ với người đàn bà khốn khổ này đã tạo nên các bước ngoặt đầy bất ngờ trong tính cách của Chí Phèo. Bản chất “người” bên trong Chí Phèo được đánh thức. Nếu dừng lại để quan sát một cách kĩ lưỡng chúng ta sẽ thấy, sự thức tỉnh của Chí Phèo là một sự bừng thức toàn diện và tuyệt đối. Điều thị Nở trả lại cho Chí Phèo, trước hết là những cảm quan rất người. Giác quan của Chí Phèo vốn đã bị tê liệt "chưa bao giờ Chí Phèo nhận thấy như thế vì chưa bao giờ hắn hết say" thì nay các giác quan đều đã được đánh thức. Về thính giác, lần đầu tiên Chí Phèo nghe được những âm thanh của cuộc sống "tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười của người đi chợ, anh thuyền chài gõ mái chèo". Về thị giác, Chí thấy được cả sự rực rỡ và sự lờ mờ của ánh sáng "Khi Chí Phèo mở mắt thì trời đã sáng lâu. Mặt trời chắc đã cao và nắng bên ngoài chắc đã rực rỡ… trong căn lều ẩm thấp vẫn chỉ hơi lờ mờ". Về vị giác, Chí cảm nhận được sự đắng miệng và ngon miệng "Hắn thấy miệng đắng", "Hắn húp một húp cháo và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng ăn cháo rất ngon". Về khứu giác, Chí ngửi ra mùi hương của cháo "Trời ơi! Cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm". Về xúc giác "Hắn hơi rùng mình".

Sau cảm giác là đến tình cảm, thị Nở trả lại cho Chí Phèo những tình cảm rất người. Tất cả các phương diện khác nhau của tình cảm con người như: ái, ố, hỉ, nộ, ai, lạc ở Chí Phèo đều được đánh thức. Về tình yêu, Chí rất thỏa mãn với tình yêu với thị Nở "Hắn thấy lòng hắn thành trẻ con, hắn muốn làm nũng với thị như mẹ". Về nỗi tủi nhục, Chí nhớ đến việc bà Ba bắt bóp chân để gợi dục tình "Hắn thấy nhục chứ yêu thương gì". Về nỗi buồn, Chí có nỗi buồn thật sâu sắc "Chao ôi buồn", "Hắn ôm mặt khóc rưng rức". Về niềm vui, Chí "cười ngất", "cười rồi lại ăn", Hắn thấy "mắt hình như ươn ướt".

Những cảm quan của con người trỗi dậy kéo theo đó là chính là tư duy và ý thức xã hội. Chính "bát cháo hành của thị Nở làm hắn suy nghĩ rất nhiều", Chí Phèo suy nghĩ nghĩa là đang tư duy. Quả thật những hoài niệm về quá khứ, những xót xa cho thực tại và tương lai chính là những điều mà từ lâu Chí đã vứt vào những cơn say triền miên. Bản tính cộng đồng - xã hội là phẩm chất quan trọng thứ hai sau tư duy của con người ở Chí Phèo, phẩm chất này được hồi sinh. Chí Phèo rất sợ cô độc "tỉnh dậy, hắn thấy hắn già mà vẫn cô độc", "cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét", "hắn muốn hòa nhập với mọi người". Ngoài ra, một loạt phẩm chất khác về tính người trong con người Chí Phèo đều hoạt động trỗi dậy. Về mơ ước, Chí mong muốn tình yêu được mãi mãi bền lâu: "Hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải …". Về hạnh phúc, Chí rất thỏa mãn với tình yêu của mình: "Cứ thế này thì thích nhỉ". Về đạo đức, Chí khát khao lương thiện "Hắn thèm lương thiện". Và cần nói thêm một điều, trong suy nghĩ của Chí Phèo, thị Nở sẽ là nhịp cầu bắc qua con sông dài dằng dặc của những định kiến đã vây bủa ốc đảo cô đơn cuộc đời hắn: "thị sẽ mở đường cho hắn"

Như trên đã nói, thị Nở đã đánh thức lương tri của Chí Phèo, nhưng ta cũng nên nhìn nhận một điều, chính Chí Phèo là người đã đánh thức bản năng xã hội trong con người dở hơi thị Nở mà cái quan trọng là tình yêu, lòng nhân ái, sự bao dung và thiên chức của người phụ nữ. Sau lần "ăn nằm" với Chí tức là sau cái hành động tạo hóa đầy mầu nhiệm này, thị Nở đã hoàn toàn chìm đắm trong cơn đam mê tột cùng của bản năng thiên tạo "Tiếng “vợ chồng” thấy ngưỡng ngượng mà thinh thích. Đó vẫn là điều mong muốn âm thầm của con người khốn nạn ấy chăng? Hay là sự khoái lạc của xác thịt đã làm nổi dậy những tính tình mà thị chưa bao giờ biết?"

Thị đã quên hết thảy mọi ràng buộc của đời sống thường nhật, quên bà cô, quên bặt những định kiến tầng tầng lớp lớp của cái xã hội làng Vũ Đại quay lưng với Chí, thì chỉ duy nhất một mình thị đến với Chí một cách hồn nhiên hết mực. Thị Nở bỗng trở thành một người đàn bà có duyên, cũng biết "lườm", biết "e lệ", biết "thẹn thùng", theo kiểu cách riêng của Thị. Nghe hai tiếng "vợ chồng" thị thấy ngường "ngượng mà thích thích". Nam Cao đã nhận ra cái điều "mong muốn âm thầm" của người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn và bị người đời "tránh như tránh một con vật rất tởm".

Đã hơn một lần, Nam Cao viết về những mối tình của những kẻ bị xã hội miệt thị, lăng nhục độc ác: Lang Rận – mụ Lợi, Đức – Nhi, Chí Phèo – thị Nở… Tuy vẫn giữ giọng văn khách quan hài hước, nhà văn dứt khoát đứng ra làm luật sư cãi trắng án cho những con người bất hạnh, bị mọi người hất hủi đó, nhất là khi họ bị ném vào tình thế nhục nhã, trở thành cái đích cho những mũi tên chế giễu độc ác của người đời đầy thành kiến. Ông đã đanh thép bênh vực quyền được yêu của họ và khẳng định tính chính đáng của những mối tình như thế. Có gì là không chính đáng nếu như những con người trong khi họ bị cả xã hội xua đuổi đã đến với nhau và tìm thấy ở nhau sự giao cảm, chia sẻ nỗi lòng? Và nếu tình yêu chân chính là tình yêu làm nhân đạo hóa con người, nâng cao sự sống thì đã có mấy tình yêu có tác dụng nhân đạo hóa kì diệu, cảm động như mối tình thị Nở - Chí Phèo? Chẳng phải tình yêu thương tuy đơn giản, có phần thô lỗ của người đàn bà xấu xí ấy đã gợi dậy linh hồn người trong con quỷ dữ Chí Phèo, đưa hắn từ cõi địa ngục trở về con người đó sao? Chẳng phải một sự hòa giải thần bí nào mà chỉ là tình yêu rất mực trần tục, nhưng là tình yêu thương đích thực, lành mạnh khỏe khoắn.

Nhưng thật đau đớn khi mà cái tình người tình yêu của thị Nở dành cho Chí Phèo đã bị cái định kiến của bà cô giết chết một cách phũ phàng. Thị Nở là người duy nhất đã tách ra khỏi làng Vũ Đại để đi về Chí Phèo nhưng rồi thị Nở cũng lại chạy về phía làng Vũ Đại. Tình người mong manh đã bị định kiến thôn tính. Nỗ lực cuối cùng của Chí Phèo nhằm níu giữ thị Nở lại phía mình đã bị gạt phắt một cách vô tình, phũ phàng "Hắn đuổi theo thị nắm lấy tay. Thị gạt ra lại giúi thêm một cái". Cũng chính vì thế mà thị Nở đã làm cho Chí Phèo ý thức được xã hội đã không cho Chí hưởng một thứ hạnh phúc rất đỗi đơn sơ với một người đàn bà mà nhan sắc thì không thể xấu hơn được nữa. Xã hội đã cướp vĩnh viễn quyền làm người của Chí.  

Nam Cao còn đau đớn cho thấy một khi người ta được nếm trải chút ít hương vị làm người thì cái xúc cảm người sẽ không thể mất vì thế khi bị thị Nở từ chối, Chí Phèo sẽ tỉnh ngộ ra và sự thật Chí đã muốn trở thành người lương thiện nhưng Chí sẽ không thể trở thành người lương thiện được nữa rồi. Đấy là một mối mâu thuẫn bi thảm tột cùng mà cách giải quyết chỉ có thể là cái chết.     

2. Thị Nở và các nhân vật nữ khác trong tác phẩm "Chí Phèo"

Bà cô thị Nở tuy xuất hiện ít và do đó bà chỉ có một vài lời. Nhưng lời của bà vẫn được Nam Cao xây dựng mang màu sắc riêng, rất đặc trưng cho con người bà. Bà ngăn cản tình duyên của thị Nở: thị Nở về hỏi ý kiến bà. Bà thấy nhục vì cháu bà lại đốn mạt đến đi lấy một thằng chỉ biết rạch mặt và ăn vạ, bà gào lên như con mẹ dại. Xỉa xói vào mặt đứa cháu gái đã ba mươi tuổi mà chưa có ai đến dạm hỏi. Bà không hiểu rằng bà cũng thuộc vào cái hạng người "bị bỏ rơi", nghèo cực… Nhưng mà bà lại vẫn vô tình. Bà không thể hiểu được cái thứ yêu của thị Nở và giá trị của nó bà chỉ biết căn cứ vào địa vị, sắc đẹp, đồng tiền để cho phép yêu hay không yêu.

Bà đắc ý khi biết Chí Phèo chết: "…đã nhịn bằng này tuổi thì nhịn hẳn, ai lại đi lấy thằng Chí Phèo". Ngôn ngữ ấy chứa đựng những uất ức, chua xót về thân phận của mình lại kèm theo ít nhiều tâm lí ghen tức. Nhưng hơn hết đằng sau lời của bà, ta nghe âm vang tiếng nói định kiến của dân làng Vũ Đại. Bà nói ít nhưng lời của bà lại tác động mạnh: đẩy Chí Phèo đến chỗ bế tắc thật sự.

Nếu như thị Nở là người đã từng bước dắt Chí Phèo về cõi người, thoát khỏi cái nhà lao của cái sự phi nhân tính. Thì bà cô của thị lại là người đóng sập cánh cửa của lối về ấy bằng cái lòng nhỏ nhen, vô cảm. Nếu thị Nở lấy tình người ươm mầm cho tình yêu thì bà cô lại lấy những tiêu chuẩn bề ngoài mà định giá. Nếu thị Nở là biểu hiện của tình người duy nhất đối với Chí Phèo thì bà cô lại là biểu hiện của sự vô tình đang bao trùm của xã hội làng Vũ Đại. Tựu trung lại: thì sự đối lập giữa thị Nở và bà cô của thị đó là một bên hữu tình còn một bên là vô tình.

Còn đối với nhân vật bà ba vợ của Bá Kiến, tuy không mô tả kĩ nhưng ta có thể hình dung là bà ba không xấu "người bà phốp pháp má bà hây hây" nhưng đây lại là "con quỷ cái" (trong cái ý nghĩ của Chí Phèo). Bà ba là người biểu hiện của sự dâm dật, suy đồi. Cái bà cần ở anh canh điền là sức trẻ mà ông Lí đã dần vơi cạn để thỏa cái thú vui xác thịt của bà ta. Qua việc xây dựng nhân vật này Nam Cao đã tạo một điểm nhấn, tạo sự phát triển cho tình huống truyện. Đồng thời, qua đó Nam Cao đã phơi bày sự thối nát, dâm đãng của bọn cường hào ác bá.

Nếu như thị Nở là người đã cứu Chí Phèo ra khỏi hố đen của sự tha hóa, thì chính bà ba lại là người thẳng tay dìm Chí xuống vũng bùn nhơ nhớp của tội lỗi và Chí phải trả bằng chính cái chết của mình.

Ở đây, việc Nam Cao xây dựng hai người đàn bà mà Chí đã tiếp xúc trong cuộc đời để làm nổi bật sự mâu thuẫn của hai nhân vật này. Thị Nở xấu – bà ba đẹp. Thị Nở dở hơi – bà ba khôn ngoan, ranh mãnh, thị Nở nghèo – bà Ba giàu. Thị Nở có tình thương người còn bà ba thì không. Như vậy cái xấu xa về nhân hình nhưng cái lộng lẫy về nhân tính của thị Nở đã gieo vào lòng độc giả những xúc cảm chân thành. Ngược lại bà ba với một tâm địa xấu xa được đậy che bằng cái vẻ đẹp giả tạo thì lại gây cho người đọc sự ghê tởm và khinh ghét.

Nói tóm lại, không phải ngẫu nhiên, Nam Cao mô tả Chí Phèo có quan hệ với hai người đàn bà. Với bà ba hẳn là xinh vào hạng nhất của làng Vũ Đại. Chí không hưởng được một chút tình yêu nào, hành vi của bà ba gọi Chí Phèo lên bóp chân về thực chất là hành vi bóc lột – bóc lột cái phần trai trẻ của Chí Phèo. Chí Phèo chỉ được xem như là một thứ nô lệ. Còn với thị Nở - người đàn bà xấu nhất làng Vũ Đại, Chí Phèo được hưởng tình người. Tình người mộc mạc đơn sơ chỉ còn sót lại duy nhất ở thị Nở. 

ù

Phải chăng vì sự độc đáo của nhân vật thị Nở mà người đàn bà xấu xí ấy đã bước từ trang văn Nam Cao để có một cuộc sống riêng bên ngoài tác phẩm?

Nhìn xa cứ tưởng Thúy Kiều

Nhìn gần mới biết người yêu Chí Phèo

Cùng với Chí Phèo, Bá Kiến, thị Nở sẽ là nhân vật neo thật sâu trong lòng độc giả với những ấn tượng sâu sắc. Điều này minh chứng cho tài năng cũng như trái tim nhân đạo thiết tha của nhà văn Nam Cao.