Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN BÍNH THÂN - tác giả HOÀI MINH





MÙA XUÂN ĐẤT NƯỚC
                                               Tản văn


Ngọn gió Xuân cứ thổi nôn nao cho tháng giêng rụng đầy màu nắng mới. Mai phương Nam, đào phương Bắc lung linh khoe sắc đón chúa Xuân về. Mọi người, mọi nhà nhộn nhịp hân hoan bên bếp lửa hồng rạo rực. Nồi bánh chưng, bánh tét dẻo thơm mùi nếp đặc sản quê hương. Trẻ thơ tung tăng tươi cười trong tà áo mới, nhận bao lì xì của ông bà, người thân thêm viên mãn niềm vui.
Mùa Xuân! Xanh mênh mông khoảng trời cao vút, trong veo. Từng đàn chim én xập xòe chao lượn. Cỏ cây ngủ vùi trong giấc đông se lạnh cũng trở mình uống giọt Xuân ngọt lịm. Tiếng đàn ai tình tang… buông rơi theo gió, nhịp tưng bừng rộn rã, miên man… Tình người cũng say sưa theo vần thơ, điệu hát. Giũ hết những tháng ngày vất vả bon chen, mở toang cánh cửa lòng mà nhận khoảnh khắc thiêng liêng đất trời, để lắng nghe niềm hạnh phúc yêu thương lan lan cùng nhịp thở.
Khắp muôn nơi đầy sắc hoa rực rỡ. Những phố phường phất phới cờ bay. Lúa trên đồng bát ngát tỏa hương. Vườn trái chín xum xuê vị ngọt, cho lòng ai thêm xao xuyến bên nhau.
Từng tiếng sóng vỗ bờ như khúc hát trào dâng. Người lính hải quân đón Xuân trên biển đảo. Ta vui Xuân nhưng vẫn không quên những chàng trai giữ yên bờ cõi. Tay súng bên mình vì biển đảo quê hương.
Tuổi trẻ thanh niên học làm theo gương Bác, khó khăn nào cũng biết vượt qua. Đất nước ngày thêm giàu, kinh tế mãi thăng hoa. Niềm quyết tâm chung sức chung tay từ lòng dân - ý Đảng, để mỗi Xuân về đất nước lại thêm vui.
Người nông dân hôm nay cũng biết ngồi trước màn hình vi tính, nắm bắt kịp thời những kiến thức vụ mùa... Nghèo khó đẩy lùi, nhà cửa khang trang. Diện mạo mới nông thôn đủ đầy điện, đường, trường, trạm… Mọi người yên ổn làm ăn, hăng say sản xuất.
Mùa Xuân về trên từng gương mặt thân quen. Bánh, mứt, trà, dưa… nôn nao đợi Tết. Hương tâm linh trên bàn thờ lãng đãng, mời gọi tổ tiên từ muôn nẻo sum vầy.
Đất Bắc, trời Nam cùng chung một niềm vui. Ai cày cấy, ai chen giữa phố phường… hãy về thôi, ngôi nhà Xuân đang đợi. Đào, mai đã nở nụ cười mãn nguyện. Cảm xúc lòng người hạnh phúc lâng lâng. Tết ở trong bức tranh người họa sĩ. Tết ngọt ngào từ trong tiếng hát. Và Tết làm thi nhân say những điệu vần…

Tết trong tôi là một mái gia đình ngày Xuân êm ấm. Hạnh phúc lắm khi được ăn những đòn bánh tét, bánh chưng do chính tay mẹ gói. Mùi nếp của quê, mùi lá chuối cũng quê, và cả tấm lòng của mẹ, để thêm vị ngọt ngào một mùa Xuân yêu thương!

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN - tác giả TRƯƠNG BI




 Nhà NCVHDG Trương Bi

CHÒI RẪY (PƯK)
CỦA ĐỒNG BÀO Ê ĐÊ



Xưa kia, đồng bào Êđê sống chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy. Trung bình mỗi gia đình có từ 5 đến 7 vạt rẫy. Những cái rẫy này, các chủ rẫy không canh tác một lúc, mà họ canh tác theo phương thức luân canh. Nghĩa là năm nay họ trồng trọt ở vạt rẫy này, thì mùa rẫy năm sau họ trồng ở vạt rẫy khác. Cứ thế, họ luân canh hết vạt rẫy này sang vạt rẫy nọ, cho đến 5-7 mùa rẫy sau họ mới quay lại canh tác trên vạt rẫy ban đầu. Rẫy của người Êđê thường cách nơi cư trú của buôn làng khoảng hơn vài cây số, do đó chủ rẫy phải làm chòi để ở lại chăm sóc cây trồng (lúa, bắp, hoa màu…) và bảo vệ nương rẫy không cho chim thú vào phá hoại, nhất là vào mùa lúa chín.
Chòi rẫy của đồng bào Êđê là một nhà sàn cao, diện tích trung bình khoảng 4x5 mét (có nơi diện tích nhỏ hơn 3x4 mét), sàn cao so với mặt đất từ 2-2,5 mét (để phòng chống thứ dữ và mưa lụt). Chòi được làm bằng các nguyên vật liệu sẵn có của núi rừng (như gỗ, tre, nứa, tranh, mây…). Nhìn chung chòi rẫy gần giống như một nhà dài thu nhỏ. Trong chòi có kho đựng lúa, có nơi nghỉ ngơi, có bếp lửa, có bầu đựng nước, vài ba ché rượu nhỏ, và các công cụ lao động (xà gạc, rìu, cào cỏ, cuốc, ống đựng lúa giống, cây chọc lỗ trỉa hạt…) cùng tên nỏ, giáo mác để hộ thân. Chòi rẫy của mỗi gia đình người Êđê thường cách nhau từ 500 đến 600 mét. Tuy cách nhau xa như vậy, nhưng trong những ngày phát rẫy, đốt rẫy, gieo hạt đến khi thu hoạch các chủ rẫy thường giúp nhau cùng làm. Đặc biệt, những khi gặp khó khăn, hoạn nạn (đau ốm, tai nạn, hoặc thú dữ về phá rẫy) họ đều quan tâm, giúp đỡ nhau một cách chân tình như người trong một nhà.
Vào những đêm rỗi rãi, những người giữ rẫy thường trụ tập đến chòi rẫy của nghệ nhân có tài kể khan (sử thi) để được nghe kể các sử thi quen thuộc của dân tộc mình, như: Đam San, Đam Ji, Sing Nhã… Không gian kể sử thi ở đây là trong chòi rẫy, nó không rộng bằng không gian nhà dài và người nghe kể cũng không nhiều như ở buôn làng, nhưng đây là một không gian yên tĩnh rất phù hợp cho người kể và người nghe sử thi. Chính trong không gian này, người kể càng hưng phấn để diễn xướng nội dung các bài khan. Người nghe thì không nhiều (khoảng trên dưới 10 người) nhưng lại say sưa thưởng thức lời khan, nên dễ nhập tâm để sau này kể lại cho con cháu nghe và có thể trở thành những nghệ nhân kể sử thi của buôn làng.
Đây là hình thức sinh hoạt hát kể sử thi gắn với cuộc sống lao động làm rẫy và gắn với  không gian núi rừng, nó giúp cho mọi người có thời gian thư giãn, để lao động đạt hiệu quả cao hơn, với ước vọng khỏe mạnh tài giỏi như chàng Đam San, Sing Nhã… để làm ra mọi của cải, vật chất cho gia đình và cộng đồng.
Trong những năm gần đây, với sự tác động của tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, nên hầu hết các buôn làng của người Êđê đã chuyển đổi phương thức sản xuất từ canh tác cây lúa rẫy sang canh tác cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao…) nên chòi rẫy không còn nữa. Mặt khác những nghệ nhân biết hát kể sử thi đã già yếu (nhiều người đã về với tổ tiên) mang theo kho báu sử thi về với thế giới của ông bà. người nghe cũng không mặn mà với sinh hoạt kể sử thi như trước nữa.
Nhìn chung, sự vắng bóng của chòi rẫy trong không gian văn hóa của người Êđê sẽ kéo theo sự mai một của sinh hoạt văn hóa hát kể sử thi tại không gian độc đáo này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho không gian hát kể sử thi của đồng bào Êđê nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang đứng trước nguy cơ mai một, cần có biện pháp bảo tồn trước mắt và lâu dài đối với loại hình văn hóa dân gian một đi không trở lại này. 





Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

CHƯ YANG SIN - TRANG VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

KAFKA VÀ CHỦ NGHĨA HIỆN SINH


Chỉ có thể thấu cảm được các vỉa tầng ý nghĩa trong trước tác của Kafka sau nhiều lần thẩm tách. Nếu các kết truyện, hoặc kết truyện bỏ ngỏ xem ra dễ hiểu, chúng sẽ khải lộ tức thời và không phải bằng thứ ngôn ngữ rõ ràng. Lí do là, các truyện thường gợi mở vô số ý nghĩa khả thể mà không có ý nghĩa cụ thể nào được xác thực. Kế đến, một lý do nữa, hệ quả từ quan điểm của Kafka mà nhà văn đã chia sẻ chia với rất nhiều cây bút trong thế kỉ 20 - rằng bản thân ông là một thực thể trong những khối xung lực tương tác vĩnh viễn, khuyết thiếu một hạt nhân ổn định; nếu ông đã tiệm cận gần với khách quan, nó chỉ có thể hiện thực hóa bằng cách mô tả thế giới ấy qua ngôn ngữ biểu tượng và từ nhiều góc nhìn khác nhau. Do thế, không thể tránh khỏi tình trạng bất khả tri kiến khi cố tiếp cận ông bằng cái nhìn toàn thể. Một thế giới như thế, trong đó không thể nói những gì được nói tới là không thể xảy ra đồng thời - và có phần hợp lý - là mâu thuẫn với một sự mỉa mai nhất định về nó - mỉa mai theo nghĩa mỗi quan điểm khả hữu đều trở nên tương đối. Mặc dù thế, phản ứng thường gặp là người ta coi chúng là một dạng bi kịch hơn là mỉa mai khi chứng kiến những người hùng của Kafka cố hàn gắn từng mảnh vỡ trong vũ trụ của họ.
Thế giới của Kafka về cơ bản là hỗn mang, và đó là lí do vì sao sẽ là bất khả khi rút tỉa một mã tôn giáo hay triết học cụ thể nào từ đó - ngay cả khi người ta thừa nhận sự hỗn mang và nghịch lý như tư duy lối hiện sinh. Chỉ có bản thân các sự kiện mới có thể biểu thị sự phi lý cơ bản của các sự vật. Coi các biểu tượng của Kafka mang những ý nghĩa "thực", nhầm lẫn thế giới quan của ông với một số "thuyết" nào đấy, hay giống lối viết ai đó chính là quy sáng tác của ông như là một nghiệm sinh vô nghĩa mà từ đó ông giải thoát chính mình thông qua nghệ thuật. Chủ nghĩa biểu hiện là một trong số các trào lưu văn chương thường được đề cập trong mối tương kết với Kafka, có lẽ xuất phát từ mốt văn chương ấy khớp với giai đoạn sáng tác sung sức của Kafka, từ 1912 đến khi rời bước trần ai 1924. Dĩ nhiên, Kafka có những nét đặc trưng cụ thể giống với các nhà theo trường phái biển hiện, chẳng hạn phê phán của ông về thế giới quan mù quáng đặt nặng công nghệ khoa học. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét những gì ông đã đánh giá về một số tay tổ biểu hiện luận hàng đầu thời ấy, nhà văn, đương nhiên không  liên can gì với phong trào này, ông nhiều lần thú nhận rằng tác phẩm của các nhà biểu hiện luận khiến ông buồn; có lần, trong loạt minh họa cho Kokoschka, một trong số những tên tuổi tiêu biểu cho phong trào biểu hiện luận, Kafka chia sẻ: "Tôi không hiểu gì sất. Với tôi, nó đơn thuần chứng tỏ trạng thái hỗn mang bên trong người nghệ sĩ.". Những gì ông phản đối lại các nhà biểu hiện luận là họ đã lên gân khi quá chú trọng vào cảm giác nhưng ít dụng công trong kĩ thuật. Trong khi Kafka có thể không phải là nhà văn kì công kiểu Flaubert, ông ngưỡng mộ nét văn tài này của các nhà văn khác. Về mặt nội dung, Kafka hoài nghi cực độ và thậm chí thù địch với khẩn khoản của các nhà văn theo trường phái biểu hiện về một "con người mới". Phương pháp đao to búa lớn mô phạm luân lý học này đẩy nhà văn ra xa.
Mối quan hệ của Kafka với chủ nghĩa hiện sinh phức tạp hơn nhiều, phần lớn là vì bản thân cái danh "tác giả hiện sinh" hầu như chẳng mang ý nghĩa gì. Dostoevsky, Nietzsche và Kierkegaard đều có một ý hướng hiện sinh nào đấy trong trước tác của mình, cũng như từ sau Thế chiến II, trong các tác phẩm của Camus, Sartre, Jaspers và Heidegger, thuật ngữ chủ nghĩa hiện sinh không ít thì nhiều cũng được thể hiện tương tự. Các cây viết đa dạng trên không có nhiều góc nhìn tương đồng về tôn giáo, triết học hay quan điểm chính trị, tuy thế, họ đều chia sẻ những chủ thuyết riêng thấy trong văn phẩm Kafka.
Kafka dĩ nhiên vẫn giữ niềm hứng thú và chìm đắm trong chủ đề chính của hiện sinh luận, ấy là khó khăn của một bên cam kết trách nhiệm, trong thế đối cực với một bên là thế nhân phi lý. Tuy thế, thiếu vắng những chỉ lối siêu hình học, con người mang vác gánh nặng phải hành xử theo luân lý trong một thế giới mà cái chết sẽ biến mọi thứ trở thành vô nghĩa. Con người cô đơn ấy buộc phải xác quyết những thành tố nào làm nên một hành động đạo đức mặc dù con người ấy chẳng bao giờ có thể thấy trước được những hậu quả từ các hành vi của mình. Kết quả là, anh ta đi đến nhận định rằng toàn bộ sự tự do lựa chọn của mình lại là một sự nguyền rủa. Phức cảm tội lỗi nơi các anh hùng hiện sinh, như nhân vật của Kafka, nằm ở thất bại trong việc lựa chọn và kiên định bản thân khi đối diện với quá nhiều khả năng - mà không có khả năng nào trong số đó xem ra chuẩn tắc hay đáng giá hơn các khả năng khác. Giống như Sisyphus của Camus, người hùng mang số mệnh đẩy tảng đá lên đỉnh núi để rồi chỉ còn biết nhìn nó lăn xuống phía bên kia sườn, họ thấy chính mình cũng đối diện với một số mệnh phải vật vã định chuẩn phẩm giá con người cho bản thân trong một thế giới phi lý. Tuy nhiên, khác với Sisyphus, những người hùng của Kafka vẫn còn trôi dạt giữa một khung cảnh dường như phi thực mà họ đã góp một tay kiến tạo. Ulrich trong Gã vô năng của Musil và Mersault trong Kẻ xa lạ của Camus — những người thực sự cùng thời với các người hùng của Kafka, trôi dạt trong một thế giới thiếu vắng mỏ neo siêu hình học và tổn thương từ những ma quái của sự phi lý và bị xa lánh. Và theo nghĩa này, họ là những người có chung dòng máu trong huyết quản thời hiện đại với nhân vật lưỡng lự nổi tiếng, Hamlet, nạn nhân của một sự tự ý thức quá mãnh việt và lương tri khắc khổ.
Sự phi lý mà Kafka mô tả trong những câu chuyện đầy ác mộng, đối với nhà văn, là yếu tính trong toàn bộ điều kiện sống của con người. Sự xô lệch hoàn toàn giữa "lẽ sống thiêng liêng" và quy luật đời sống con người, và việc Kafka không thể giải quyết được sự trái ngược ấy là gốc rễ của cảm thức bị ghẻ lạnh mà các nhân vật chính trong tác phẩm của ông gánh chịu. Bất kể các nhân vật của Kafka đã nỗ lực hòa nhập với thế giới ấy, họ đều bị bắt gặp trong vẻ vô vọng, không chỉ ở trong cái guồng máy bản thân họ đang xoay sở vận hành, mà còn giữa một mạng lưới các tai biến và sự cố, ngay cả những trường hợp nhẹ nhàng nhất cũng gây nên những hậu quả khủng khiếp nhất. Phi lý dẫn tới tình trạng bị xa lánh, và ở chừng mực nào đấy, Kafka đã chạm mặt với nỗi oan khiên cơ bản này, ở chủ đề hiện sinh nổi bật.
Các nhân vật chính của Kafka cô độc vì họ lạc lối giữa ý niệm về điều lành và sự dữ, những ngả đường họ không thể xác định, những mâu thuẫn họ không thể dung hòa. Thiếu một tham chiếu chung, bám víu vào chính cái viễn kiến giới hạn của họ về "lề luật", họ dừng lại để được lắng nghe, chứ chưa kể tới việc được thấu hiểu, bởi thế giới xung quanh họ. Họ bị cách ly về điểm mà những giao tế ý nghĩa hạ gục họ. Khi người anh hùng điển hình của Kafka chạm mặt với câu hỏi về căn tính của mình, chưa thể trả lời rốt ráo, Kafka không chỉ vạch ra những trở ngại của diễn đạt bằng lời; ông khẳng định người anh hùng của mình chôn chân giữa hai thế giới - giữa một thế giới đã biến mất nơi anh ấy từng thuộc về và thế giới hiện tại nơi anh ấy không dính dáng. Điều này nhất quán với thế giới của Kafka, vốn gồm những đối cực không rõ ràng mà là một chuỗi vô tận những khả năng có thể xuất hiện. Chúng chưa bao giờ là gì ngoài những biểu thức tạm thời, chưa bao giờ chỉ đơn thuần chuyển tải những gì chúng thực sự nên chuyển tải - chính những điều này làm nên đặc tính vụn vỡ, tạm thời trong những câu chuyện của Kafka. Khi Kafka nhận thức được những sự giới hạn hóa mà ngôn ngữ áp chế cũng như những điểm tới hạn của văn chương, ông là một nhà văn "hiện đại". Khi ông không phá bỏ các thành tố ngữ nghĩa, cú pháp, ngữ pháp của văn bản, ông vẫn là một nhà văn truyền thống. Kafka đã kìm lại trước những khao khát triệt hủy về hình thức ấy vì ông hứng thú với việc truy tầm đến kiệt cùng cái quá trình luận lý của con người, đến tận ngưỡng không thể thực hiện được nữa. Ông vẫn hàm ơn với hướng tiếp cận theo lối kinh nghiệm và trác tuyệt nhất, là khi ông mô tả các nhân vật chính của mình nỗ lực trong tuyệt vọng nhận chân thế giới này thông qua con đường "thông thường".
Vì họ không thể được lắng nghe, càng ít được thấu hiểu, các nhân vật chính của Kafka dấn thân vào những cuộc hành trình chưa từng ai hay biết. Người đọc có xu hướng cảm thấy mình cần được biết số mệnh của nhân vật chính và, do đó, phát hiện ra nó khá là dễ dàng để thấu cảm với anh ta. Vì thường trong truyện, nhân vật chính chẳng có ai trò chuyện cùng để than thở về định mệnh đang mang, anh ta có thiên hướng tự phản tư những vấn đề ấy ngày qua tháng lại. Kafka tìm thấy điểm chung về tính duy ngã luận này với các cây bút hiện sinh, mặc dù thuật ngữ của nhà hiện sinh thường là "tự nhận thức".
Kafka không xa lạ gì với văn phẩm của Kierkegaard và Dostoevsky, và đáng để (chúng ta) suy nghĩ về những sự tương đồng và dị biệt giữa quan điểm của các nhà văn tuần tự trên. Điểm tương đồng rõ rệt nhất giữa Kafka và Kierkegaard, mối quan hệ phức tạp của các nhà văn với hôn thê mình và những sự vỡ lở trước khi cưới, cũng làm nên sự khác biệt cơ bản giữa họ. Khi Kafka nói về cuộc sống đơn thân và sự hiện hữu của một người sống đời ẩn dật, ông coi đấy là tiêu cực. Kierkegaard, mặt khác, lại là người cổ võ cho lối sống đơn thân, người nhìn thấy một điều răn thiêng liêng trong sự khước từ của ông với nữ giới. Với Kafka, đời sống đơn thân là một biểu tượng của sự xa lánh từ hạnh phúc sẻ chia, và ông cho rằng lối sống ấy là hiện thân của chủ nghĩa cá nhân. Điều này khiến ông trở thành một nhà hiện sinh không đến đầu đến đũa.
Không giống Kierkegaard, người kiểm soát nỗi thống khổ của mình thông qua việc chủ tính "nhảy bổ vào niềm tin", lìa bỏ lại mọi phỏng dự trí óc, Kafka và những người hùng của ông chưa khi nào thành công trong việc chế ngự nỗi thống khổ cơ bản ấy; Kafka vẫn còn bị trói buộc bởi quyền năng của mình, cố tìm ra lý lẽ, cố gắng giải quyết mọi thứ theo lý tính và kinh nghiệm. Kafka không nhìn nhận cái vũ trụ siêu việt nhà văn tìm cách mô tả bằng những thuật ngữ bất khả thông tri và nhuốm màu nghịch lý; thay vào đó, ông sắp đặt để miêu tả nó đầy lý tính và, tất yếu, không trọn vẹn. Dường như nhà văn bị buộc phải giải thích những điều bản thân ông không thấu hiểu - cũng như thực sự được cho là thấu hiếu. Kafka không phải là mẫu người có thể định vị được hành vi của niềm tin. Cũng vậy, ông không phải là người vai u thịt bắp để mạo hiểu dấn thân hành động và theo "toàn thể tính của kinh nghiệm" như Camus, chẳng hạn, khi Camus chiến đấu trong Thế giới ngầm nước Pháp chống lại nỗi kinh hoàng Phát xít, Kafka chưa khi nào thực sự vượt ra ngoài việc chấp nhận thế giới này, theo nghĩa vẫn đứng bên lề các tôn giáo. Nhà văn có xu hướng chống lại thuyết thần bí siêu việt của Kierkegaard, mặc dù có thể là quá khe khắt khi cho rằng ông đã từ bỏ mọi niềm tin trong "bản chất không thể phá hủy" của vũ trụ, như ông gọi nó. Có lẽ, đây là những gì Kafka hàm ý khi ông nói "Người ta không thể nói là chúng ta đang thiếu niềm tin. Sự thật đơn giản, rằng trong chính niềm tin đó chúng ta sống, giá trị của nó là vô tận".
Trong trường hợp của Dostoevsky, nhà văn Nga song trùng với Kafkakhi mô tả ý thức tàn nhẫn và lương tâm khắc kỉ. Các nhân vật trong tác phẩm của Dostoevsky sống trong những căn phòng không tên và tồi tàn, chẳng hạn, những bức tường nơi cái chuồng của người nghệ sĩ đói khát, mê cung của những con vật, và chỗ ngả lưng của Gregor Samsa chẳng ra thể thống gì ngoài tình trạng chật chội, không thể xuy xuyển, và những bức tường ngục tù chung thân của lương tâm từng người. Bi kịch lớn nhất có thể nhận ra trong các truyện của Kafka luôn luôn là chuyện của ý thức và lương tâm. Kafka vượt lên Dostoevsky ở điểm này vì, khác với được trình hiện như một mối quan hệ tính kịch tính - giữa, chẳng hạn, Raskolnikov và Porfiry trong Tội ác và Hình phạt - trở thành lời độc thoại tuyệt vọng của một linh hồn trong văn phẩm Kafka.
Tóm lại, cơ sở triết học của Kafka là một hệ thống mở, nó là một trong những trải nghiệm của con người về thế giới và không giống lắm với thế giới quan cụ thể của một nhà tư tưởng. Các nhân vật chính của Kafka chạm mặt với một vị thần thế tục với những mặt hữu hình đều bí ẩn và vô danh. Mặc dù thế, bất kể phải tiếp tục đối mặt với sự phi lý bản chất từ những trải nghiệm bản thân, những người đàn ông này, tuy thế, không ngừng nghỉ nỗ lực giải mã chúng. Để kết thúc, Kafka sử dụng trang văn của mình như một mã của siêu việt, một ngôn ngữ của ẩn số. Một điều quan trọng để hiểu cái mã này là không phải chạy trốn khỏi hiện thực, nhưng chính xác là ngược lại - cái công cụ qua đó ông nỗ lực thấu hiểu thế giới trong dạng toàn thể - ngay cả không thể nói, trong chừng mực nào đó, ông, có lẽ đã thành công.

                                               NHẬT VƯƠNG dịch từ Cliffsnotes


Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN BÍNH THÂN - 2016

PHẠM PHÚ BÌNH



ĐẢNG, BÁC HỒ VÀ MÙA XUÂN DÂN TỘC



Mùa xuân năm Canh Ngọ, ngày 03-02-1930, Bác Hồ chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Mùa xuân năm ấy cùng với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại, một mốc son chói lọi của cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu.
Từ mùa xuân năm ấy, đã 86 mùa xuân đi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thành tựu vĩ đại. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước gần 30 qua, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Với những thắng lợi đã giành được trong 86 năm qua, nước ta từ một nước thuộc địa, phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã xây dựng được những cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ cần thiết, tạo các tiền đề để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong suốt những năm tháng lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng và đạt được những thành tựu to lớn đó, Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Đảng luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, đoàn kết nhân dân thành một khối vững chắc, thống nhất để đánh giặc giữ nước và xây dựng nước nhà.
Bác Hồ kính yêu, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Thực tiễn 86 năm qua đã khẳng định: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam.
Đảng, Bác Hồ và mùa xuân luôn đồng hành cùng đất nước. Mùa xuân này Đảng ta thêm một tuổi, dịp này Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ XII của Đảng, đem đến tương lai mới cho cách mạng Việt Nam. 86 xuân qua, Đảng, Bác Hồ đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại. Mừng Đảng, đón Xuân, trong thời khắc giao thoa của đất trời, mỗi người Việt Nam đều biết ơn Đảng, tưởng nhớ công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nguyện một lòng một dạ theo Đảng, vững bước đi lên trên con đường Đảng, Bác Hồ đã chọn; làm cho Đảng ta mãi mãi xứng đáng là ngọn cờ tiên phong của giai cấp, của dân tộc, để mùa Xuân đất Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.



LƯU Ý: Tạp chí Chư Yang Sin số xuân Bính Thân – 2016, dày 120 trang, bạn nào có nhu cầu mua xin liên hệ qua số điện thoại: 1243 121 750 (gặp Ánh Nguyệt).






Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN BÍNH THÂN - 2016






LƯU Ý: Tạp chí Chư Yang Sin số xuân Bính Thân dày 120 trang, bạn nào có nhu cầu mua xin liên hệ qua số điện thoại: 124 3121 750  (gặp Ánh Nguyệt).

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 280 - tác giả NGUYỄN THỊ KHÁNH HẠ






VỀ QUAN ĐIỂM NGHỆ THUẬT
CỦA NHÀ VĂN NAM CAO
(Ngữ văn 11)



Trong số các nhà văn hiện thực phê phán ở Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì Nam Cao là người xây dựng cho mình quan điểm sáng tác khá toàn diện, đầy đủ. Hệ thống quan điểm ấy được nhà văn phát biểu rải rác trong các sáng tác của mình và quan trọng hơn, cả đời văn của Nam Cao, ông trung thành với con đường mình lựa chọn.
Bước vào nghề viết trong hoàn cảnh xã hội đang ở vào thời kỳ đen tối, Nam Cao sớm nhận ra rằng, văn chương lãng mạn thi vị hóa cuộc sống đen tối là cách trốn tránh hiện thực. Nam Cao gửi gắm quan niệm ấy qua suy nghĩ của nhân vật Điền trong truyện ngắn “Trăng sáng”: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Đặt trong văn cảnh: Nhân vật Điền, nhân một buổi ngồi ngắm trăng, mới phát hiện ra rằng, dưới ánh trăng, mọi vật trở nên đẹp đẽ hơn rất nhiều. Nhưng, là một nạn nhân của kiếp người đau khổ, vợ ốm, con đau, thiếu tiền, hết gạo… Điền hiểu rằng, trăng có thể làm đẹp mọi thứ, nhưng tận cùng bên trong cuộc sống, nhân loại vẫn còn rên xiết. Và cách diễn đạt của Điền như là lời tự nhủ với chính mình, chứ không hề có tính khẳng định áp đặt cho mọi trường hợp, cho mọi người viết: “Không phải là… Không nên là… Chỉ có thể là…”.
Nam Cao cũng không tán thành thứ văn chương mà như bấy giờ vẫn gọi là “văn chương tả chân”, chỉ miêu tả sơ sài vẻ ngoài xã hội qua các phong tục, tập quán địa phương. Khi Nam Cao bắt đầu sự nghiệp văn học, thì thứ văn chương tả chân của các tác giả với các bút danh như Thúy Rư, Như Nguyệt đã in đầy các mặt báo. Điều này, cho thấy, Nam Cao đã ngay từ đầu riết róng với nghề văn, riết róng với chính mình.
Theo Nam Cao, “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn” (Đời thừa). Như vậy, rõ ràng, Nam Cao đặt nội dung nhân đạo lên hàng đầu để đánh giá giá trị của một tác phẩm văn chương. Điều này, cũng dễ hiểu, và dễ đồng tình. Văn chương kim cổ đều thế cả, vì con người, vì lòng yêu thương mà tồn tại. Bạn đọc cũng dễ dàng nhận thấy, xuyên suốt trong các tác phẩm của Nam Cao, là sự trăn trở, đau đớn, xót xa của người viết trước nỗi khổ đau của con người. Những lão Hạc, Chí Phèo, Điền, Hộ… bước ra từ trang sách, manh theo niềm yêu thương vô hạn của ngòi bút nhà văn.
Nam Cao đặc biệt đề cao sự sáng tạo trong nghề văn. “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Đời thừa). Không thể chấp nhận thứ văn chương viết vội vàng vì danh tiếng hay tiền bạc, để rồi người đọc quên ngay sau khi đọc. Nam Cao phê phán gay gắt người khác, hay đang lên tiếng với chính trang viết của mình. Trong truyện ngắn Đời thừa, nhân vật văn sĩ Hộ đã phải đỏ mặt và tự mắng mình “khốn nạn” khi đọc lại những trang viết cẩu thả của mình: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Nhân vật trí thức nào của Nam Cao cũng mang sự trăn trở của chính tác giả về nghề nghiệp, về sự đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật. Với Nam Cao, một nhà văn nếu không sáng tạo, không đem đến chút gì mới lạ cho văn chương, thì chẳng qua là một “người thừa”.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Nam Cao quan niệm “Sống đã rồi hãy viết”, nghĩa là, trước hết phải hoàn thành trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, sau đó, mới nói đến trách nhiệm của nhà văn.
Nhìn chung, Nam Cao là một nhà văn nặng trách nhiệm với cuộc đời. Có một điều đáng lưu ý, hệ thống quan điểm nghệ thuật của nhà văn hầu hết được chuyển tải kèm với quá trình sáng tạo. Nghĩa là nhà văn cho nhân vật nói thay, lên tiếng hộ mình. Vậy nên, những phát biểu đó, được hiểu một cách uyển chuyển, không hề có tính áp đặt.
Nhìn lại đời sống văn chương lúc bấy giờ, ta thấy hai xu hướng chủ đạo là văn học lãng mạn và văn học hiện thực phê phán song song tồn tại và giữa hai “phe”, đã có luận chiến, tranh cãi để bảo vệ quan điểm của mình. Nam Cao không bút chiến, không diễn thuyết, mà lặng lẽ lên tiếng bằng tác phẩm. Truyện ngắn của ông là minh chứng cho tinh thần nhân đạo sâu sắc, cho sự tìm tòi khám phá tận ngõ ngách tâm hồn của đời sống, của nhân vật.
Gần đây, một số nhà phê bình có đề cập đến tính đúng, sai trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao. Theo tôi, quan điểm nghệ thuật là con đường, là phương hướng của nhà văn lựa chọn để đi, lựa chọn cho mình, chứ không thể bắt ép người khác. Ở trên, chúng ta đã nói sự diễn đạt uyển chuyển của Nam Cao, thông qua phát ngôn của nhân vật. Vậy nên, không thể nói quan niệm này sai hay quan niệm kia đúng một cách cứng nhắc mà phải nhìn nhận sáng tác của nhà văn dựa trên quan điểm của mình có đóng góp gì cho văn chương? Nếu vậy, thì chúng ta không còn phải nghi ngờ hay bàn cãi gì nữa. Nam Cao là một tác giả sừng sững trong lịch sử văn học Việt Nam bằng giá trị tác phẩm của mình. Ở mảng đề tài trí thức nghèo, hay nông dân nghèo, ông đều có những tác phẩm đỉnh cao, vượt trên những cây bút cùng thời, không chỉ ở nội dung nhân đạo mà còn ở phương diện cách tân nghệ thuật.
Con người Nam Cao vốn lặng lẽ, không ồn ào, thích khám phá nội tâm và đặc biệt là khả năng nhạy bén trong việc nắm bắt và diễn đạt tâm trạng nhân vật. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã có ngay truyện ngắn “Đôi mắt”, thể hiện một chiều kích trăn trở mới về quan hệ giữa con người với vận mệnh đất nước. Đáng tiếc, ngòi bút sắc sảo và bén nhọn ấy chưa kịp cống hiến các tác phẩm đầy hứa hẹn thì đã sớm hi sinh. Cái chết của nhà văn cũng là một biểu hiện sinh động cho quan điểm nghệ thuật của nhà văn, rằng, cuộc đời cũng như trang viết, phải luôn luôn hữu ích, cho nhân dân, cho Tổ quốc.



Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN

PHƯƠNG THU


TRĂN TRỞ BẢN MÔNG
Ghi chép


Ai từng đến thôn Giang Đông xã Ea Dar, huyện Krông Năng không khỏi chạnh lòng bởi đời sống, tập tục du cư và quan niệm sống “đến đâu hay đến” đó của người Mông vẫn đeo đẳng, níu kéo họ. Những người Mông di cư từ phía Bắc vào sinh sống tại khu vực rừng phòng hộ Ea Dar từ năm 1996, đã được địa phương quy hoạch cấp đất ở, đất sản xuất theo chủ trương của Chính phủ cho đồng bào ổn định cuộc sống. Tuy nhiên gần 100 căn nhà xây dựng theo chương trình 134 tại thôn Giang Đông Mới dành cho họ chỉ có rất ít hộ ở thường xuyên, số còn lại vẫn bám đất đầu nguồn. Thói quen sống tự nhiên đó đã kéo theo bao hệ lụy: Tảo hôn, đẻ nhiều, đói nghèo, thất học. Bởi thế 151  hộ người Mông ở thôn Giang Đông có tới gần 100%  hộ thuộc diện hộ nghèo…
Từ một dự án di dời dân thiếu khả thi:
Nơi cư trú của bà con người Mông thuộc thôn Giang Đông xã Ea Dar huyện Krông Năng còn được gọi với cái tên khác là “thôn Giang Đông Mới”. Sở dĩ có cái tên gọi như vậy, bởi vào năm 1996, rất nhiều đồng bào Mông ở Yên Bái, Sơn La di cư vào tiểu khu 342a thuộc khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Tam Giang khai phá đất sản xuất và lập nghiệp, lâu dần hình thành thôn Giang Đông. Năm 2002, Ban Quản lý rừng phòng hộ lập kế hoạch di dời dân ra khu đất mới thuộc tiểu khu 340 và vẫn lấy lại tên thôn Giang Đông, nhưng một số bà con người Mông vẫn còn ở lại tiểu khu 342a (thôn Giang Đông cũ). Cái tên thôn Giang Đông Mới ra đời từ đó.
Hiện nay thôn Giang Đông Mới có 100% dân tộc Mông sinh sống với những căn nhà được cấp từ chương trình 134 của Chính phủ và 0,5 ha đất cấp cho nhu cầu sản xuất, nhưng đất cằn cỗi đa số hộ dân sống trong cảnh đói nghèo. Mặc dù được động viên sống trên vùng đất mới nhưng bà con vẫn trở lại khu rừng phòng hộ (Giang Đông cũ) để tiếp tục canh tác. Nếu bạn ghé qua đây vào những ngày thường chỉ có người già và trẻ con… Trao đổi vấn đề trên với đồng chí Phạm Trung – Phó bí thư Đảng ủy xã, là người gắn bó với bà con người Mông từ khá lâu, anh cũng là người từng trăn trở với cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây, anh cho biết: dự án ruộng nước của Ban Quản lý rừng phòng hộ khi di dời dân không thực hiện được, đất đai nơi ở mới lại cằn cỗi, tỷ lệ sinh con thứ 3 khá nhiều, chính vì thế tỷ lệ đói nghèo ở đây đến 98%… Nên dù được chính quyền và Đảng ủy xã quan tâm nhưng vì miếng cơm manh áo, bà con vẫn thường xuyên đi canh tác xa… Đây cũng là một bài toán nan giải đối với đảng bộ và chính quyền địa phương.
Thật may, hôm tôi ghé lại thôn vào đúng ngày chủ nhật và cũng là  ngày nghỉ của đồng bào người Mông nơi đây, nên đại đa số bà con ở nhà. Tôi ghé vào một gia đình đang ăn cơm trưa khi đồng hồ đã điểm gần hai giờ chiều. Một nhóm trẻ con, đứa mặc quần nhưng không mặc áo, đứa mặc áo nhưng lại không mặc quần đang nhớn nhác đưa tay bốc cơm từ một cái xoong đen xì, đặt trên một tấm gỗ để giữa nền nhà chỉ có chén nước mắm và một ít rau tập tàng. Gặp tôi, bọn trẻ chỉ ngước đôi mắt lên nhìn một cách lạ lẫm rồi lại tiếp tục với bữa cơm dang dở. Đó là gia đình anh Sùng A Khay. Mới 39 tuổi mà nhìn anh hom hem như người gần 50 tuổi. Hiện gia đình anh có 7 khẩu ăn. Khi được di dời qua thôn Giang Đông Mới, anh được cấp 0,5 ha đất tại thôn để trồng mì. Thế nhưng cây mì lúc được, lúc mất nên vợ chồng anh vẫn trở lại thôn Giang Đông cũ để canh tác, mặc dù vẫn biết Ban quản lý rừng phòng hộ không cho phép. Dạo một vòng qua các ngôi nhà, tôi bắt gặp một người đàn ông khác đang ngồi vạch tóc bắt chấy cho một đứa trẻ (tôi đoán đó là con của anh). Một đứa trẻ khác đang ngồi bệt dưới nhà có lẽ mới hơn một tuổi, đôi chân khòng khoeo, da mặt tái xám, mũi thò lò. Tôi đưa tay tính bế bé dậy chợt phát hiện ra đáy quần đã ướt sũng. Hỏi ra mới biết mẹ bé đang bận lúi húi nấu gì đó dưới  bếp. Nơi góc nhà một mớ ngô chưa tách hạt đang nằm chỏng chơ dưới nền nhà. Tôi hỏi năm nay  thu hoạch được bao nhiêu? Anh lắc đầu nói chẳng đáng bao nhiêu. Thế thì làm sao sống? Anh vẫn hồn nhiên bắt chấy cho con và nói, thi thoảng vẫn nhận được gạo hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán của xã và của các đoàn từ thiện…
Tôi cố ý ghé qua một nhóm 3 người đàn ông đang ngồi uống rượu với một ít cá khô và một nhúm rau được nấu cũng trong một cái xoong đen xì. Không thể từ chối lời mời, tôi ghé miệng nhấp một ít rượu và gắp một ít rau nuốt vội với mục đích đỡ đắng miệng. Nhưng hỡi ơi tôi suýt chết sặc vì vị mặn chát từ món “rau kho”, nước mắt giàn dụa vì đắng và mặn nhưng lòng tôi lại thấy chát, thương quá cho người dân nơi đây. Cả một thôn với 151 hộ, 789 khẩu mà chỉ có một quán tạp hóa bán lèo tèo những thứ từ thời “cơ chế khó khăn” còn sót lại và một quán bán hàng ăn, được chế biến tất tần tật từ “thịt cầy”. Hỏi ra mới biết vì thịt cầy dễ nuôi, rẻ tiền, hợp với túi tiền bà con, nên chủ quán quyết định chế biến tất cả các món ăn từ món thịt cầy.
Phó mặc một thế hệ tương lai:
Túng quẫn, nhiều gia đình vì kế sinh nhai đã để mặc con em mình tự bươn bả tại trường học với một ít gạo và cá khô suốt một tuần lễ… Điều đó đồng nghĩa với việc bỏ bê một thế hệ tương lai; đồng thời sẽ làm cho tình trạng đói nghèo, lạc hậu tiếp tục kéo dài. Mặc dù ngay trên địa bàn UBND xã đã có một ngôi trường tiểu học khá khang trang với tên gọi Trường tiểu học xã Ea Dar do Ủy ban Nhân huyện Krông Năng xây dựng từ năm 2007. Trường có phòng ốc đẹp, cơ sở hạ tầng kiên cố với 441 học sinh, trong đó có 200 em dân tộc người Mông, chủ yếu là của thôn Giang Đông, còn lại là của các dân tộc khác. Theo ông Đinh Thế Hiển – Phó Hiệu trưởng trường “Các em người Mông ở đây đa phần là hiếu học, năm nào trẻ em người Mông vẫn dẫn đầu trong các thành tích học tập, thế nhưng vẫn còn đó cảnh các em vì điều kiện khó khăn, nhiều bữa trưa nhịn đói ở lại trường học…
Được biết hiện nay với đội ngũ giáo viên nhiệt tình, thương học trò hiếu học, nên vào các buổi chiều thứ 3, thứ 5 các thầy cô giáo ở đây tự nguyện dạy phụ đạo thêm cho các em mà không nhận bất cứ nguồn thù lao nào. Điều làm cho các thầy các cô trăn trở nhất hiện nay là vẫn còn đó sự đói ăn của một số trẻ em Mông khi đến trường.
Văn hoá trang phục theo bước chân di cư:
Nhọc nhằn, khó khăn là như thế nhưng điều đáng trân trọng ở đây là bà con người Mông vẫn giữ lại sắc phục của mình trong các sinh hoạt thường nhật. Dạo qua một vòng các gia đình đồng bào người Mông, tôi bắt gặp rất nhiều sắc màu hoa văn thổ cẩm khác nhau. Nhìn từ xa, thấp thoáng trong gió dưới các triền đồi, trên các cây sào, những chiếc váy Mông sặc sỡ phất phới. Xa xa ở một khoảng đất trống, các bé gái đang nhảy dây, váy áo dập dình như những cánh bướm. Tôi cứ cảm giác như mình đang lạc vào xứ sở Tây Bắc.
Có lẽ xuất phát từ nhu cầu thực tế trong cách ăn mặc, trang phục hàng ngày, nên ngoài những ngày thường bận rộn, các ngày nghỉ các cô gái Mông ở đây vẫn thêu thổ cẩm, dù không thường xuyên như chị em phụ nữ người Mông ở xã Ea Bar huyện Krông Bông. Bắt chuyện với một phụ nữ Mông trên 40 tuổi, chị Sùng Thị Xinh - một phụ nữ nói tiếng Kinh rất sõi, tôi được biết: Chị em người Mông mình ở đây vẫn nhớ những đường thêu lắm chứ, chỉ tại ngày thường bận làm rẫy trồng ngô nên không thêu được, chỉ có những ngày nhàn rỗi là ráng thêu lấy một vài cái để dành mặc trong dịp lễ tết”. Theo ông Sùng Vảng Lao, trưởng thôn Giang Đông là người có uy tín của thôn thì: “Tuy bà con người Mông xa quê đã lâu, nhưng vẫn luôn đau đáu bên mình nỗi nhớ quê và các sinh hoạt truyền thống, trong đó có nghề thêu thổ cẩm Mông, thường là sau vụ mùa, lúc giáp tết Nguyên đán là lúc nhàn rỗi các bà, các cô, các chị lại tìm vải thô để thêu”. Và ngay trong nhà ông, vợ ông cũng đang thêu dải váy mới cho mình. Bên cạnh chị, cô con gái trạc 15 tuổi cũng đang cặm cụi thêu thổ cẩm. Khi được hỏi tại sao các bà, các chị, các em không dành thời nhiều hơn để khôi phục nghề truyền thống, cũng là một cách kiếm thêm thu nhập, chị Sùng Thị Ca – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ea Dar cho chúng tôi biết: “Ở đây chị em nào cũng biết thêu thùa thổ cẩm, chỉ tại nghèo quá, không mua được nguyên liệu thô để về thêu thôi”. Qua tìm hiểu, tôi được biết để có những tấm vải thô để thêu thổ cẩm truyền thống, thông thường bà con phải đặt gửi mua mãi tận quê Yên Bái – Sơn La và thường mang tính tự phát nên chỉ đủ để may váy áo phục vụ cho những dịp sinh hoạt mang tính cộng đồng.
Trao đổi với ông Hà Mạnh Tưởng Phó Chủ tịch UBND xã Ea Dar, về việc phát huy nghề dệt thổ cẩm, ông cho biết “Trong thời gian tới, ngoài việc lập dự án ổn định dân cư, bố trí lại đất ở, đất sản xuất, sẽ khuyến khích bà con khôi phục nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trước tiên khuyến khích bà con tự phát, lâu dài sẽ tìm nguồn đầu tư hỗ trợ xây dựng dự án Hợp tác xã làng nghề để tạo công ăn việc làm cho bà con, giúp bà con từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống…
Mặc dù mới là dự định nhưng tôi cảm nhận được sự trăn trở của chính quyền và Đảng ủy xã nơi đây, giống như những người cha, người mẹ mong con cái mình sớm ổn định cuộc sống…

Rời thôn Giang Đông về thành phố, bản Mông dần khuất sau những lùm cây, thế nhưng nỗi trăn trở, mong muốn của chính quyền, bà con xã Ea Dar nói chung và đồng bào người Mông ở thôn Giang Đông và các thầy cô giáo nơi đây nói riêng vẫn vấn vương trong đầu tôi. Tôi thật sự rất trân trọng những nét đẹp văn hóa rất riêng của trang phục còn giữ lại của bà con người Mông nơi đây, nhưng lại thấy thương quá những đứa trẻ bụng chưa đủ no khi đến trường, thương nỗi vất vả truân chuyên của bà con mình ở nơi đất khó… Hy vọng một ngày không xa, khi dự án đầu tư ổn định thôn Giang Đông Mới được triển khai, bà con đồng bào Mông thôn Giang Đông sẽ bớt khổ hơn và cảnh học sinh thiếu ăn đến trường sẽ trở thành kỷ niệm của một thời đã qua…

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 280 - VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

MÃN NGUYỆN



Đây là câu chuyện xảy ra bốn năm về trước. Tôi trải qua một mùa hè tại tầng hai của căn nhà người quen ở Mishima, Izu, viết một tiểu thuyết kiểu Romanesque.
Một buổi tối nọ vừa say khướt vừa lái xe đạp nên tôi đã bị thương. Lớp da trên đầu gối phải bị xé toạc ra. Vết thương tuy không sâu nhưng vì say rượu nên máu ra nhiều tôi vội vàng chạy đến chỗ bác sĩ. Vị bác sĩ làng ba mươi hai tuổi, người mập mạp cao lớn, dung mạo giống như Saigo Takamori. Ông ta cũng say mèm. Vì ông ta xuất hiện nơi phòng khám bệnh cũng say lảo đảo giống tôi nên tôi cũng thấy buồn cười. Vừa được băng bó vết thương tôi vừa khúc khích cười. Ngay lập tức bác sĩ cũng mỉm cười theo. Cuối cùng chịu không nổi hai chúng tôi cùng phá ra mà cười.
Từ đêm hôm đó, chúng tôi trở thành bạn bè. Vị bác sĩ thích triết học hơn là văn chương và tôi thì cũng thích như vậy nên những cuộc nói chuyện của chúng tôi rất say sưa. Thế giới quan của vị bác sĩ có thể nói là nguyên thủy nhị nguyên luận. Ông nhìn thế giới này trong trạng thái của sự hợp chiến giữa thiện và ác rất sáng sủa gọn gàng. Tôi thì trong nội tâm chỉ muốn tin và phụng sự vào vị thần duy nhất là tình yêu nhưng nghe về phân chia thiện ác thấy cũng sảng khoái lạ thường. Chẳng hạn một ví dụ của bác sĩ là khi tôi đến chơi nhà vào buổi tối, ngay lập tức bác sĩ lệnh cho người vợ mang bia ra liền để đãi tôi thì đó là thiện, còn người vợ vừa cười vừa đề nghị thay vì uống bia thì tối nay ta chơi bài bridge đi thì đúng là người ác. Tôi nghe mà gật gù tán thành. Người vợ dáng người nhỏ mặt tròn trịa nhưng trắng trẻo quý phái. Họ không có con nhưng có người em vợ là một cậu thiếu niên ngoan ngoãn học trường thương nghiệp Numazu ở trên tầng hai.
Tại nhà của vị bác sĩ có đặt khoảng năm loại báo khác nhau nên mỗi buổi sáng trên đường tản bộ tôi thường ghé vào khoảng nửa tiếng đến một tiếng để đọc. Tôi vào bằng lối cửa sau, ngồi nơi hành lang phòng khách vừa uống trà lúa mạch người vợ mang cho vừa dùng tay giữ chặt lấy tờ báo bị gió thổi mà đọc. Cách hành lang phòng khách chừng khoảng hai gian (3 mét) có một con suối nhỏ đầy nước chảy giữa đám cỏ xanh. Cậu thanh niên giao sữa mỗi sáng chạy xe đạp theo con đường men dòng suối đó đều cất tiếng chào hỏi tôi, một người lữ khách nơi thành phố này.
Đúng khoảng thời gian đó có một người phụ nữ trẻ đến lấy thuốc. Nàng đi guốc, mặc trang phục giản dị, là người cho ta cảm giác rất sạch sẽ thanh khiết. Nàng thường xuyên cười đùa với bác sĩ trong phòng khám. Đôi khi bác sĩ còn ra khỏi hành lang tiễn nàng nữa và nói lớn tiếng khích lệ: “Ráng chịu đựng thêm chút nữa đi nghe”.
Người vợ bác sĩ sau này đã kể cho tôi nguyên do. Nàng là vợ của một giáo viên tiểu học bị yếu phổi từ ba năm trước nhưng dạo gần đây có khá hơn. Vị bác sĩ gắng hết sức giải thích với người phụ nữ là vẫn còn cấm đoán vì đây là giai đoạn rất quan trọng trong việc hồi phục của người chồng. Nàng hết sức nghe lời. Nhưng đôi khi nhìn nàng thấy rất tội nghiệp. Mỗi lần như thế bác sĩ lại trong lòng từ bi nhưng vẻ ngoài nghiêm khắc mà khích lệ người phụ nữ kia hãy cố gắng chịu đựng thêm một thời gian nữa.
Một ngày cuối tháng tám tôi nhìn thấy một điều đẹp đẽ. Khi tôi đang đọc báo buổi sáng nơi hiên phòng khách vị bác sĩ như thường lệ thì người vợ bác sĩ đang ngồi quỳ gối bên tôi chợt thì thầm: “Nhìn nàng ta vui quá nhỉ?”
Tôi ngẩng mặt lên nhìn thấy ngay phía con đường trước mặt, dáng hình người phụ nữ sạch sẽ mặc quần áo giản dị đang đi như bay, tay xoay vòng vòng cây dù trắng.
“Từ sáng hôm nay, nàng đã không còn bị ngăn cấm nữa đấy”, người vợ bác sĩ tiếp tục thì thầm.
Ba năm ư, tôi nói và chợt cảm thấy xúc động dâng đầy lồng ngực. Đối với tôi, thời gian càng trôi qua tôi càng thấy dáng hình nàng lúc đó thật đẹp đẽ. Điều đó có lẽ là do người vợ bác sĩ tạo ra cũng nên.

HOÀNG LONG dịch



Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 280 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN


Nhà văn  NGUYỄN VĂN THIỆN


NHẦM LẪN

Truyện ngắn



Tôi vẫn tin rằng có ai đó đang đợi tôi ở cuối chân trời góc bể. Tôi đã đi rất nhiều nơi với mong ước âm thầm biết đâu rồi sẽ gặp. Nhưng rồi cuối cùng, tôi trở về đây, về với chỗ ngồi quen thuộc của mình. Từ ngày bạn bỏ ra đi, tôi đã rất buồn. Tôi tự thú nhận với mình nhiều lần như thế, cả trong mơ. Chỗ ngồi của bạn, ở bên cạnh tôi, có một người khác đến ngồi. Một gương mặt khác, một nụ cười khác, một giọng nói khác, một bàn tay khác, một tình yêu khác, nhưng sao tôi cứ nhầm lẫn hoài, đó vẫn chỉ là một người, vẫn là bạn mà thôi?
Tôi đã nhầm lẫn trong một thời gian dài tuổi trẻ. Nhầm lẫn cái nọ màu đỏ cái kia màu vàng, thứ nọ muôn năm thứ kia mãi mãi. Cuối cùng, tôi đã dứt khoát nhận ra, đau đớn nhận ra và mỉm cười ngạo nghễ bỏ đi.
Vậy sao bây giờ tôi lại tiếp tục nhầm lần được. Này nhé, chỗ bên cạnh tôi là chỗ ngồi của bạn, bạn vẫn thường ngồi...
Bạn đã xuất hiện bên cạnh tôi, như một cô bé học trò xinh xắn, rụt rè ngồi xuống, mở to mắt ngước nhìn xa xăm tìm câu hát mùa thu. Tôi tự tin không thèm để ý. Chỗ này tôi ngồi trước, ai cũng xác nhận thế rồi. Vậy nên tôi mải mê với câu chuyện của mình. Tôi cũng biết rằng, từ khi bạn đến, chỗ ngồi của chúng ta ấm lên, bàn tay ấm lên, câu chuyện cũng ấm dần lên...
Thế nhưng, cũng bất ngờ như khi đến, bạn ra đi vào ngày nào đó tôi không còn nhớ. Người thay thế bạn có một nụ cười khác, một màu tóc khác, nhưng tôi không nhận ra. Tôi cứ mãi huyên thuyên câu chuyện của chính mình, về những trò nghịch dại trên núi Chư Mang xa xăm hoang vắng!
Bạn đọc hẳn đã quá nhàm chán với những tình huống nhầm lẫn quen thuộc đến phát ớn trong các vở kịch, trong các tác phẩm văn chương. Tôi cũng thế. Chỉ có những tay viết bất tài mới lặp lại tình huống cũ rích này. Nhưng, đôi khi, đất trời cũng nổi hứng đặt bày oái oăm nhầm lẫn, cho vui...
Đến khi tôi bàng hoàng phát hiện ra người mới đến không phải là bạn thì mọi sự đã rồi. Tôi đứng trước lựa chọn đau đớn: Hoặc đứng dậy bước đi trước một người xa lạ, hoặc tiếp tục coi đây, người này, là bạn của tôi, là bạn của tôi!
Nếu đứng dậy ra về thì nắng đã xế chiều, thì lau lách đã đìu hiu, thì núi sông đã nhuốm màu quan tái. Nếu coi người vừa ngồi cạnh mình đây vẫn là bạn thì, khó khăn lắm! Mắt ấy, môi ấy, tiếng hát ấy, không phải, không đúng, không quen...
Màu mắt mới đến vừa có một đám mây giăng ngang mọng nước, tiếng cười lảnh lót như nàng tiên cá dưới sông Năng!
Biết làm sao được?
Người mới đến vẽ một trái tim lên bảng đen rồi nói, đó, trái tim đó! Tôi nói, không phải đâu!
Người mới đến vẽ một nụ cười lăn trên cỏ rồi nói, đó, nụ cười đó! Tôi lắc đầu quầy quậy. 
Người mới đến quẹt một giọt nước mắt vừa lăn, nức nở nói, đó, nước mắt đó!
Tôi đứng dậy định bước đi. Người mới đến khóc òa lên. Tôi ngoảnh lại, cả quyết nói, thôi được rồi, đừng khóc nữa, chiều rồi!
Như một tình yêu tuổi học trò, bạn nghĩ thế, phải không?
Tôi không dám chắc đâu. Sự nhầm lẫn đôi khi dẫn đến tình trạng ông nói gà bà nói vịt xảy ra thường xuyên. Cái mà tôi tưởng chừng vẫn thường xuyên hiện hữu thì hóa ra lại vắng mặt lâu rồi, hình ảnh tôi đang thấy bên cạnh mình thì lại không phải là điều tôi vẫn yêu thương và tưởng nhớ!
Có những ngày dài, tôi mang cảm giác rằng cả nhân loại đang dõi mắt nhìn tôi, thật đấy! Những người thân trong gia đình, bạn bè, cấp dưới cấp trên, các tầng bậc quản lý trùng trùng lớp lớp đều mở to mắt nhìn theo. Tôi thì vẫn ngồi đây, khom lưng như một cành cây đếm từng chiếc lá, đếm từng ký tự để vẽ ra câu chuyện muôn trùng. Nhưng tất cả đều không biết rằng, từ lâu tôi đã ra đi. Người ngồi đó không còn là tôi nữa! Có ai như tôi không, tha nhân ngay chính chỗ mình ngồi, vong thân ngay trong câu chuyện mình đang kể?
Mà không chỉ riêng mình tôi đâu. Hàng ngày, tôi vẫn ngồi đây, yên tâm với vị trí cũ, và vẽ, và viết. Bạn đã bỏ đi biền biệt lâu rồi, đến cả tiếng cười cũng bỏ xứ ra đi. Người mới đến không phải là bạn, còn tôi thì đích thực không phải là tôi, nhưng có sao đâu, mọi thứ rồi sẽ cứ ra đi, trùng trùng lớp lớp.
Cuối cùng, chỉ còn lại những bóng dáng nhạt nhòa của hình nhân ở lại. Chỗ tôi ngồi đây, là chỗ của tôi, chỗ bên cạnh là của bạn, không phải, của người mới đến. Bạn đã bỏ đi rồi, tôi cũng đã ra đi, rồi người mới đến, người mới đến cũng đã…
Nào, tiếp tục…



Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 280 - LÊ THÀNH VĂN

ĐỒNG ĐỘI TÔI TRÊN ĐẢO THUYỀN CHÀI


Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời
Đến một cái gai cũng không sống được
Sớm mở mắt gió lùa ngun ngút
Đêm trong lều như trôi trong mây…

Những con chim kỳ quái thấy hơi người
Mừng rỡ quá cánh bay như bão thổi
Chỉ tiếng cánh chim quanh lều nghe đã căng nhức óc
Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh…

Đảo vẫn chìm trong màu nước lam xanh
Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng
Tổ quốc ơi!
Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống
Bóng chúng tôi trùm khắp đảo thuyền chài…

                                                                        Đảo Thuyền Chài, 1978
                                                                                     Trần Đăng Khoa
LỜI BÌNH:

GIỌT MÁU THIÊNG DƯỚI NGẦU NGẦU BỌT SÓNG

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngoài Thơ tình của người lính biển nổi tiếng, anh còn sáng tác khá nhiều bài thơ về hình ảnh người lính, trong đó Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài là thi phẩm viết cách đây trên ba mươi năm, song đọc lại vẫn đầy hấp dẫn, nóng bỏng tình cảm của một người con nặng lòng với quê hương, đất nước. Bài thơ thực sự đã dựng lên một tượng đài bất khuất, một biểu tượng sáng ngời về hình ảnh người lính biển ngày đêm canh giữ đảo xa.
Đảo Thuyền Chài nằm trong quần đảo Trường Sa, chìm sâu dưới làn nước biển trong xanh. Chính cái hiện thực trần trụi, khắc nghiệt ấy đã giúp cho nhà thơ phát hiện được một chất thơ hết sức sống động, giàu biểu cảm. Dưới chân sàn của lều bạt là biển cả. Người lính phải căng bạt giữa nước giữa trời, cam chịu cuộc sống khổ cực hằng ngày để giữ đảo thân yêu:
Lều bạt chung chiêng giữa nước giữa trời
Đến một cái gai cũng không sống được
Cái cảnh sống giữa nước mà thiếu nước từ ngày này qua ngày khác, “họ nhà gai” vốn tài tình biến hóa để thích nghi với môi trường cũng phải vái chào không thể sống nổi, thiết tưởng không gì gian khổ hơn. Vậy mà trong cái nhìn của Trần Đăng Khoa vẫn đầy thi vị. Hình ảnh “lều bạt chung chiêng” cứ như đi dã ngoại cắm trại chứ không đến nỗi nào. Nói là nói vậy, thực tế thì người lính đảo vẫn chịu lắm nhọc nhằn. Ban ngày, nắng lóa hùa vào; ban đêm, lều bạt chao đảo, đứng ngồi không yên:
Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút
Đêm trong lều như trôi trong mây…
Quả vậy, thiên nhiên khắc nghiệt đến cùng cực, thậm chí vượt quá giới hạn của con người. Hai câu thơ vẽ nên cái bỏng rát của nắng trời và cái chòng chành giữa biển như trôi ở cõi không trọng lượng. Thanh trắc, thanh bằng phối hợp biến hóa, tài tình. Câu thơ "đêm trong lều như trôi trong mây" sử dụng toàn thanh bằng có cảm giác phiêu diêu, bồng ảo, gợi thức đến những câu thơ mà Quang Dũng viết về đoàn quân Tây Tiến một thời: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Chưa hết, trên mặt biển, trong lòng nước, các loài chim lạ, cá ác như lúc nào cũng muốn đe dọa người lính, sẵn sàng trút lên đầu các anh muôn nỗi tai ương:
Những con chim kỳ quái thấy hơi người
Mừng rỡ quá cánh bay như bão thổi
Chỉ tiếng cánh chim quanh lều nghe đã căng nhức óc
Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh…
Cánh chim mừng rỡ vì thấy hơi người nên đập cánh bay mạnh hơn. Cá mập sủi tăm lượn vòng quanh dưới chân sàn mong chờ ai sa sẩy mà đớp mồi cho thỏa cơn đói khát. Đọc khổ thơ, ta càng cảm thấy cái chết luôn rình rập các anh từng giờ, từng phút, chẳng kém gì cảnh đoàn binh Tây Tiến “không mọc tóc” hành quân giữa đại ngàn Trường Sơn năm xưa: “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người” (Tây Tiến - Quang Dũng). Nguy hiểm, gian khổ là vậy, song với ý chí sắt đá, lòng quyết tâm giữ gìn biển đảo thiêng liêng, những người lính trên đảo Thuyền Chài vẫn một lòng kiên trung trước “giọt máu thiêng” của Tổ quốc:
Đảo vẫn chìm trong màu nước lam xanh
Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng
Tổ quốc ơi!
Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống
Bóng chúng tôi trùm khắp đảo thuyền chài…
Nếu hai khổ thơ đầu nói lên cuộc sống gian khổ của người lính đảo, gợi cho chúng ta cảm nhận được sức sống dịu kỳ của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, thì khổ thơ thứ ba lại tạo cho người đọc nỗi xúc động nghẹn ngào. Nước non dẫu đang lặng im tiếng súng, nhưng kẻ thù vẫn luôn luôn dòm ngó, rình rập biển đảo thân thương, vì thế các anh phải luôn tỉnh táo, cảnh giác: “Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống”. Cái tình ý, cảm xúc của bài thơ vì thế có sức nặng, dồn nén ở câu thơ này.
Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài là bài thơ ca ngợi anh bộ đội Cụ Hồ nằm trong mạch cảm xúc chung viết về người lính của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Khép lại bài thơ, tâm hồn mỗi chúng ta vẫn nghe “chung chiêng giữa nước, giữa trời” về hình ảnh những con người quả cảm, sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho sự bình yên của Tổ quốc mến yêu.
     




Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 280 - GIỚI THIỆU HỘI VIÊN


Nhà văn LÊ HUY THÀNH

Bút danh: HUY ĐẠI MINH.
Năm sinh: 9-1959
Quê Yên Định - Thanh Hóa
- Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk
Nơi công tác: Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk
Tác phẩm
- Tiếng chim tre vét (Tập truyện, Nhà xuất bản QĐND - 2004).
- Mùa lá chín (Thơ, Nhà xuất bản QĐND - 2007, giải khuyến khích Chư Yang Sin lần thứ I).
- Nhớ jam hăt (Thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2010).
- Thọ lửa, bút ký, giải nhì (không có giải nhất), cuộc thi sáng tác, truyện, ký do Bộ đội Biên phòng Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức, 2008 - 2009.

- Tuần tra- ảnh, giải khuyến khích Triển lãm ảnh Thời sự - Nghệ thuật khu vực miền Trung- Tây Nguyên lần thứ nhất, năm 1987.
NHỮNG NGÀY SAU CHIẾN TRANH



Mấy đêm nay, vừa chợp mắt được một tí thì ông Hoàng lại mơ thấy toàn những chuyện đẩu đâu. Lúc thì thấy một bà lão tóc trắng như hoa lau đang ngồi ngắm nhìn tấm hình đứa con trai của mình mà khóc lóc. Lúc thì thấy một người đàn ông dáng cao dong dỏng, cứ đi qua đi lại trước đầu giường mình nằm. Có lúc ông còn nghe rõ mồn một tiếng nói của ai đó như trách móc:
- Thời bình bây giờ. Các ông, ai nấy đều có nhà cao, cửa rộng cả. Sướng lắm, còn nhớ ai chi nữa?
Ông Hoàng giật mình. Người vã mồ hôi. Tim đập loạn xạ. Ai nhỉ? Ông mở mắt, ánh mắt ném ngược lên trần nhà trong đêm thăm thẳm. Sáng ra, ông Hoàng kể lại chuyện đó cho bà Hà, vợ ông nghe và nói:
- Ông chỉ được cái  dựng chuyện thôi.
- Thật mà! Tôi chưa bao giờ mơ thấy giấc mơ lạ như thế cả. Người đó còn nói rõ đến cả tên của tôi: Hoàng này! Mày có biết tớ là ai không? Mày có nhớ lần mày chia cho tớ miếng ổi rừng không?  Quên tớ rồi sao? Thế là tôi bừng tỉnh, vẫn nghe như tiếng bước chân còn đâu đây. Tôi không tin vào mình nữa bà nó ạ! Mà không biết có điềm gì, lành, dữ, liệu có xảy ra không?
- Trên đời này làm gì có ma, quỉ. Ông chỉ được lo hão thôi.
Ông Hoàng ngồi lặng im. Ông chia ổi rừng cho ai nhỉ? Chuyện này chỉ có khi còn ở lính, nhưng mà thời ấy đã lâu lắm rồi. Hay là đồng đội ông? Đồng đội ông thì tản mát hết. Người hy sinh, người về làm dân thường, già lão cả rồi, chẳng còn ai nữa! “Chiến tranh xa lâu rồi. Sao con không về với mẹ hả con?”. Câu nói của bà lão tóc bạc trong mơ lại vang lên. Không lẽ nào, đồng đội của mình ư? Ông cố nhớ lại. Chia nhau miếng ổi rừng. Ai nhỉ? Phút chậm chạp dần hiện về những hình ảnh về chiến trận. Ông buột miệng:
- Thằng Năm! Sao mình lại có thể quên nhanh thế vậy?
Lần lạc trong rừng mùa khô. Ngụm nước tiểu vàng khè của Năm đựng trong chiếc lá rừng đã cứu sống Hoàng. Trời ơi, sao mình lại có thể quên nhanh vậy được? Những ngày lạc trong rừng, hai người chia nhau quả ổi cầm hơi, Năm cứ nhường mãi, không nỡ cắn.
Rồi Năm hi sinh. Rồi giải phóng. Sau đó thì mọi chuyện rối tung cả lên. Cuộc sống cuốn mọi người về phía trước. Những đồng đội hi sinh nằm lại trên chiến trường xưa hoang lạnh! Trong số đó có Năm. Cả đêm hôm đó, ông Hoàng nằm không ngủ được. Có lẽ, phải vào Tây Nguyên một chuyến mới được! Bây giờ thì hãy còn tí sức khỏe, nhưng mai mốt chưa biết chừng đâu.
***
Hoàng dừng lại tr­­­­­­­ước cổng ngôi nhà dài ở gần cuối buôn. Bỗng một con cún đâu đó thính hơi ló đầu ra khỏi lô cà phê sủa roách roách. Nghe có tiếng chó sủa, người đàn ông có n­­­­­­­­­­ước da xám sạm, mái tóc húi cua, đôi mắt to và hơi sâu, cặp lông mày hơi xếch, nom dữ tướng.
- Xin lỗi! Đây có phải nhà bác Y Ngăm không ạ?
-  Ai mà lại hỏi Y Ngăm đấy?
Chủ nhà vừa nói vừa để ý tới người khách lạ, có một vết sẹo to như chiếc đũa bên má trái, kéo dài xuống gần đến mang cằm. Ông nói nh­­­­­ư reo lên:
- A..Mày…H..oàng..? Có phải  mày là Hoàng không?
- Phải! Mình là Hoàng đây mà.
- Trời ơi! Hoàng thật hả?
Người chủ nhà ôm chầm lấy Hoàng, tay vỗ vỗ vào vai người bạn chiến đấu năm xưa.
- Ôi! Lâu quá...Lâu quá rồi! Hoàng ơi! Thôi! Ta lên nhà đi.
- Sao Hoàng biết đ­­­­­ược nhà mình ở đây mà tìm chứ?
- Mình đến đây được là nhờ mấy ông ở cơ quan Quân sự tỉnh chỉ đường cho đấy!
Ama Khăm vừa nói, tay vừa rót ly cà phê mời Hoàng:
- Cà phê Buôn Ma Thuột ngon có tiếng đấy. Uống đi!
Rồi ché rượu cần ủ lâu ngày, nay mới cú dịp khui ra. Ama Khăm vui vẻ cột ché rượu ở giữa gian nhà đầu tiên trước khi bước vào gian sau. Khi mọi người trong gia đình đó ngồi đâu vào đó, ama Khăm cắm phập cây cần rượu chạm tới đáy ché rượu rồi trao cần rượu cho Hoàng. Vì Hoàng là người rất quí trọng cuộc vui đêm nay.
Đêm rượu cần kéo dài rồi cũng đến lúc tan. Mọi nguời phải chia tay nhau, ai về nhà nấy. Riêng chỉ có Hoàng là nghỉ lại. Đêm đó, Hoàng nằm không ngủ được. Hoàng nhắm mắt, hình dung về Năm. Lúc đó Năm mới chừng hai mốt, hai hai tuổi. Tính tình của Năm thì hay tếu táo. Ngày Năm mới về đơn vị, cả tổ đội hành quân vượt dòng suối Ea Na. Hôm đó bất ngờ dòng nước lũ từ phía đầu nguồn ập xuống. Năm đi sau cùng, ch­­­­­­ưa kịp lội vào bờ thì bị dòng n­­­­­ước cuốn trôi. May có kinh nghiệm bơi lội nên mới thoát chết. Hoàng và ama Khăm phải chạy dọc theo bờ suối, vấp ngã lên xuống toạc cả chân, mãi mới kéo được Năm lên bờ. Hơn bốn chục năm rồi sao mà vẫn nhớ thế. Tội cho thằng Năm quá! Trận ấy, cả tổ đội lội cắt cánh rừng cao su, tiến vào nội thị để thực hiện kế hoạch tập kích, đánh vào khách sạn Hoa Đào, nơi mà sỹ quan Mĩ, Ngụy thường tập trung hoan lạc ở đó. Khi đội hình của ta vừa lội tới bìa rừng thì đã nghe tiếng con chim lợn đứng trên lùm cây cao phía trái dóng lên một hồi, đến sợ. Năm than vãn:
- Đã là ba cái tết ở rừng rồi. Không biết bao giờ mới được trở về quê ăn tết đây. Bao giờ mới gặp lại người yêu chứ?
Hoàng nhắc mọi người im lặng. Quan sát thận trọng để chuẩn bị hành quân. Khi cả tổ đội vừa vượt qua con suối cạn, chớm tới góc cua của con đường tắt hướng vào nội thị, thì bất ngờ bị địch nổ súng. Đội hình của ta bị tan tác, mỗi người mỗi ngả. Hoàng bị thương vào đùi, đau nhức đến tận óc. Chạy về được phía bên kia con suối, Hoàng nép người vào một gốc cây to, miệng thở hổn hển:
- Chắc là cái thằng Sinh chỉ điểm rồi. Năm băng lại vết thương cho Hoàng và nói:
- Tớ cũng đoán thế. Có thể thằng Sinh bị bắt, nó đã khai báo với địch rồi! Nếu không, mấy chiếc L19 kia, bay trinh sát hoài vậy? Lại mấy chiếc cán gáo nữa, cứ quần đi quần lại, quần nát cả cánh rừng rồi mà vẫn chưa thôi?
Năm vừa nói dứt lời thì có tiếng loa chiêu hồi. Rõ ràng là tiếng thằng Sinh. Khi những chiếc cán gáo vừa rời khỏi khu vực này thì ở dưới mặt đất, lực lượng địch đã triển khai bao vây tạo thế gọng kìm và mở rộng ra hai phía cánh gà, bịt kín các lỗ hổng, không cho quân ta thoát. Suốt buổi sáng hôm đó, địch pháo kích cấp tập vào các mục tiêu của ta. Nhà cửa, kho tàng bị đạn pháo giặc thiêu cháy trụi. Năm vừa rửa vết thương cho Hoàng vừa nhận định:
- Sau trận càn này. Hẳn quân địch sẽ rút theo con đường độc đạo đó. Nếu ta mai phục có thể tiêu diệt đ­­­­ược nhiều sinh lực địch.
Hoàng nghĩ, đề xuất của Năm cũng hay, nh­­­ưng thực ra lúc này chưa phù hợp. Càng nghĩ về sự hy sinh mất mát của đồng đội trong trận bị giặc phục kích vừa rồi là quá lớn. Với Năm cũng vậy. Càng nghĩ về điều đó bao nhiêu thì Năm lại càng thương về thằng Khang bấy nhiờu. Mới hôm nào Khang kiếm đâu được một củ mì to như cổ tay. Khang nướng chín rồi bẻ chia cho Năm phần nhiều. Khang bảo: Cậu to con hơn tớ nên chia cho cậu phần nhiều. Thế mà cách đây có mây hôm thôi. Giờ đây Khang đã đi xa rồi! Nghĩ đến cái chết oan uổng của đồng đội. Tự dưng máu trong người Năm cứ sôi lên. Bỗng Năm vụt phắt dậy, xách khẩu B40 và mang theo cả mấy trái thủ pháo tự tạo bằng thuốc bom của đich, rồi lặng lẽ rời khỏi đơn vị.
Đêm sập xuống cánh rừng, khiến cho việc đi lại rất khó khăn. Năm men theo con suối cạn, vượt lên một bãi trống ngước mắt nhìn sao để cắt hướng tới vị trí mật phục. Trời càng vào khuya càng lạnh. Năm ngồi d­­ưới một hố bom sâu hoắm sát ven đường chờ cho tới sáng. Đã xế chiều rồi mà vẫn chưa thấy bọn địch trở về. Chả lẽ bọn chúng lại đổi hướng..? Năm vừa nhủ thầm vừa đ­­ưa tay vạch khóm lá ngành ngạnh đỏ tía để quan sát. Bỗng có tiếng động cơ ô- tô. Năm tập trung cao độ, mắt dõi về phía chiếc xe Jeép vừa dừng lại sát bìa rừng. Hẳn bọn địch đang thu quân trở về. Năm dán mắt dõi theo một tên giặc cao to, đi sau một tên khác là một tên có dáng người thấp đậm. Chính xác rồi. Nó là thằng Sinh. Cái thằng phản bội. Mà sao nó lại quái gở thế chứ?
Như có linh cảm gì đó, thằng cao to kia nhắc nhở toán lính:
- Chúng bay hãy cảnh giác đó. Cứ túm tụm lại. Coi chừng Việt cộng nó thịt cả nút. Tên chỉ huy kia vừa núi dứt lời, tức thì một tiếng B40 nổ xé tai...ba bốn tên gục ngay tại chỗ. Bọn địch bị tấn công bất ngờ, cả đám hoảng loạn, thần hồn nát thần tính. Năm nhìn rõ mồn một thằng chỉ huy bị thương, miệng kêu la ô ố. Hắn chửi thằng Sinh láo toét, là phản bội đ­ã đ­­­­ưa hắn vào rọ của Việt cộng. Đi phía sau tên chỉ huy là viên sỹ quan Mĩ, hắn nhìn thấy Sinh đang lồm cồm nhổm dậy định chạy. Sắc mặt viên sỹ quan Mĩ đỏ gay, hai con mắt của hắn xanh lè, bỗng chốc chuyển sang màu đỏ dại. Viên sỹ quan Mĩ kia nghi thằng Sinh đã phản bội. Lập tức, hắn rút khẩu côn. Xiết cò...viên thứ nhất trượt, viên thứ hai chính xác. Sinh lảo đảo rồi gục ngay tại chỗ. Lợi dụng lúc quân địch đang hoảng loạn, Năm nhanh chóng lao thẳng vào trong rừng. Bọn địch xốc lại tinh thần, dốc sức  đuổi theo hòng bắt sống bằng được Năm để trị tội. Nhưng Năm vẫn kiên quyết không để sa vào tay giặc. Năm chạy rất nhanh, nhanh hơn cả cơn lốc đại ngàn. Không hiểu sao, lúc này Năm cảm thấy mình lại có sức mạnh thần kỳ đến thế! Phăng phăng trên cỏ mà quên đi những ngọn le, tay gai cào cấu. Vừa ngoặt hết khúc đường cua, rẽ trái thì Năm bắt gặp một đám ng­­­­ười đang rồng rềnh nhảy múa theo tiếng chiêng phống phống. Năm giật mình chững lại. Nhìn thấy Năm, Ama Siêu nhận ra ngay người chiến sỹ đeo chiếc vòng tay quen thuộc. Ngày Năm chuyển địa điểm rời khỏi buôn lên núi, già làng ama Siêu đã tổ chức đêm rượu cần kết nghĩa tặng cho Năm một chiếc vòng đồng đó, để mỗi khi buồn, vui lại nhớ về buôn làng. Tình hình nguy kịch lắm rồi. Phía sau lưng Năm, quân địch đang hò hét, hướng về phía có đám ma. Trong những lúc gay go như thế này thì già ama Siêu luôn tỏ ra rất bình tĩnh. Già nghĩ ngay ra kế. Giá ra hiệu cho mọi người nhanh chóng lăn xuống hai đầu hố của hốc huyệt, mỗi đầu hố một hòn đá to nh­ư cái thùng gánh nước rồi hối thúc Năm nhảy xuống. Tức khắc chiếc quan tài nặng chịch kia cũng nhanh chóng được hạ xuống đè chận lên người Năm. Toán lính vội vàng, rầm rập khẩn trương từ phía rừng le lao tới bao vây, lùng sục, chúng kéo, lật mặt từng ng­­­­ười trong đám người đông để tìm kiếm Năm có thể trà trộn trong đó. Tìm một lúc lâu, bọn chúng không phát hiện thấy Năm, buộc phải lui trở về.
Chiều. Mặt trời đã đỏ đậm, già làng Ama Siêu vừa cúng ma cho ng­­­­ười chết vừa để kéo dài thời gian, chờ cho quân địch rút hết rồi mới cho ng­­­­ười nâng chiếc­ quan tài lên khỏi mặt đất cứu Năm. Cảm ơn đồng bào. Năm lại băng rừng lội suối tìm về đơn vị. Nhưng, vừa ra khỏi cánh rừng thì Năm đạp phải mìn của giặc cài lại. Người chiến sĩ quả cảm nằm lại trên mảnh đất Tây Nguyên kiên cường kia...
***
Y Khăm vừa mới bổ được vài chục nhát cuốc thì lưỡi cuốc vấp trúng phải một hòn đá xanh to bằng­­­­ nắm tay, toé lửa. Bất thình lình, một con rắn ma loang lổ trắng, đen vọt ra khỏi hang, khiến Y’Khăm giật nảy ng­­­­ười. Con rắn loằng ngoằng phóng thẳng lên bờ, lao xuống phía con suối cạn tr­­­­ước mặt. Đào sâu xuống thêm một lớp đất nữa thì Y’Khăm bắt gặp rễ của cây duối dại to bằng cổ tay xuyên ngang phần mộ. Y’Khăm vung con dao chặt đứt cái rễ cây, quẳng lên bờ. Cái gì thế này? Mảnh kim loại to bằng hai ngón tay ng­­­­­­­­­­ười lớn. Y’Khăm cẩn thận nhặt lên ngắm nghía kỹ rồi đưa cho Hoàng. Ông Hoàng lau chiếc kính, căng mắt đọc dòng chữ nhỏ xíu khắc trên mảnh kim loại và nhớ lại. Lần đó, cả tổ đội đi phục kích chống địch đi càn. Khi tắt qua khu rừng vắng trở về, Sinh nhặt được một mảnh kim loại của xác máy bay trực thăng Mĩ bị ta bắn hạ. Sinh mang về mài, dũa làm vật kỷ niệm và khắc tên người yêu lên đó. Đi đâu Sinh cũng mang theo. Hoàng cầm miếng kim loại đó trên tay rồi quay sang nói với Ama Khăm.
- Nhầm rồi ama Khăm à! Không phải là mộ của Năm!
- Không phải của Năm thì là mộ của ai vậy?
Giọng ông Hoàng buồn buồn rầu.
- Mộ của thằng...thằng Sinh!
Nghe nói đến thằng Sinh, ama Khăm tức đến lộn ruột. Ama Khăm cắm phập chiếc xẻng xuống đất. Ng­­­­ười cần tìm thì chẳng thấy. Ng­ười không cần tìm thì lại thấy! Thôi! Khỏi đào!
Biết là ama Khăm đang bực tức. Ông Hoàng kiềm chế.
- Thôi ama Khăm à! Đừng bực tức nữa. Đã đào rồi. Sao lại dừng thế? ở đời có ai muốn thế đâu! Dẫu sao đi nữa thì thằng Sinh cũng đã chết rồi. Người chết còn biết gì nữa đâu mà oán trách người ta.
Ama Khăm khẽ dựa cán cuốc vào ngực, mắt nhìn xuống phần mộ của Sinh.
- Thế đào nó lên rồi bỏ nó ở đây sao?
- Ama Khăm yên tâm đi. Tui sẽ có cách…
Ama Khăm lau những giọt mồ hôi trên trán rồi đào tiếp.
***
Suốt mấy ngày liền, ông Hoàng leo trèo, lội khắp dọc ngang cả mấy quả đồi. Gối đã mỏi nhừ mà tìm kiếm vẫn chưa thấy tung tích gì về phần mộ của Năm. Nhìn mặt mũi của ông Hoàng hốc hác, ama Khăm, nói:
- Thôi. Nghỉ đi anh Hoàng. Ngày mai ta tiếp tục đi tìm.
Vất vả lắm rồi cũng thành công. Tìm kiếm mãi rồi cũng thấy nơi an nghỉ của Năm. Hôm đó, mọi người trong buôn mừng vui kéo đến rất đông, họ đến chúc mừng sức khỏe và mừng cho Hoàng đã tìm đ­­­­ược mộ của đồng đội. Ama Khăm chủ động rút từ trong ché rượu cần ra một ly thủy tinh to chừng nửa lít. Hoàng nhìn ly nước cốt rượu cần vàng như mật ong, thơm ngon và ngọt lịm. Ama Khăm nói với Hoàng:
- Công việc đã ổn rồi! Đêm nay Hoàng phải uống rượu thật nhiệt tình nhé! Uống hết mình thì bà con trong buôn mới vui đó!
Hoàng nâng ly r­ượu cần mà lòng vui khôn tả. Hoàng vừa đặt chiếc ly xuống chiếu thì Y’Khăm ngồi bên bếp lửa nở nụ c­­­­ười hồn nhiên nói sang:
- Bác Hoàng ơi! Bác trở về quê đừng quên thằng Y’Khăm đào phải con rắn ma đó nhé!
- Cảm ơn Y’Khăm! Bác Hoàng không quên Y’Khăm và mọi người trong buôn Chư Jú đâu.
***
Chuyến xe khách Buôn Ma Thuột- Thái Bình chạy xuyên đêm, thấu sáng. Ngồi trên xe ông Hoàng dõi mắt qua ô cửa kính, hai bên đường nhà cửa mọc lên sat sát, rồi những cánh đồng lúa phì nhiêu của thời kỳ đổi mới ấm no và thanh bình cứ hiện lên như một thước phim mở ra. Chiếc xe càng tiến về phía trước bao nhiêu thì những hình ảnh mới lại được hiện ra, đẩy lùi những hình ảnh cũ dồn lại phía sau. Xe chạy tới mảnh đất xứ Nghệ thì trời bắt đầu hừng sáng. Mặt trời từ phía đông đang từ từ ngoi lên đỏ ối. Có lẽ bà Ngà, mẹ của Năm, giờ này đang nóng ruột lắm. Khi Hoàng vừa chớm chân đến đầu cổng thì mọi người từ trong sân nhà bà Ngà đã đổ ào ra đón Năm. Tiếp sau đó là những tiếng ồn ào hòa lẫn tiếng khóc om sòm của cả một khu xóm. Tiếng khóc khô như ngói vỡ. Điều ông Hoàng không ngờ là trong đám đông đến dự hôm đó có cả bà Bốn, mẹ của Sinh. Bà chống gậy đi từ xã bên qua, đứng trân trối giữa sân nhìn mọi người rồi chợt nấc nghẹn:
- Sinh..Sinh ơi! Thằng Năm nó đã trở về. Sao con không theo nó về với mẹ hả Sinh?
Mọi người đến dự buổi lễ truy điệu hôm đó, đứng chung quanh, ai nấy cũng đều xúc động. Ông Hoàng không dám nhìn vào gương mặt già nua đầy đau khổ ấy. Ông tr­­ưởng ban lễ tang bắt đầu đọc bài điếu, giọng ông lúc đầu còn trầm ấm và dõng dạc, nhưng càng đọc về sau giọng ông càng lạc đi.
***
Đư­a đ­ược hài cốt của Năm trở về quê, ông Hoàng cảm thấy lòng mình trở nên thanh thản. Nhưng sự thanh thản đó vẫn chưa thể nào nguôi. Cứ hễ mỗi khi ông vừa chợp mắt được tí thì ông lại thấy thằng Sinh xuất hiện. Ông Hoàng nhìn rõ dáng thằng Sinh thấp, đậm. Hắn để bộ ria mép chĩa dài tua tủa, đôi mắt của hắn mở to và hơi sâu, hắn khúm núm tiến lại gần van xin Hoàng tha lỗi cho nó. Hoàng vừa thương nơ, vừa bực mình.
- Mày là cái thằng hèn nhát. Lúc sống thì chẳng phân biệt để mà làm những điều tốt lành, giờ thì còn lỗi với lầm gì nữa!
Thấy Hoàng đang bực tức, Sinh bèn lủi thủi bỏ đi về phía nơi quả đồi đang vùi trong màn s­ương…
- Có chuyện gì mà ông trăn trở thế?
Ông Hoàng chậm rãi nói với vợ:
- Từ ngày ở Tây Nguyên trở về, đêm nào tôi cũng thấy thằng Sinh hiện về bà nó ạ! Nó khóc lóc, van xin tôi tha tội cho nó, và xin tôi dẫn đường cho nó về với mẹ nó. Khổ thật! Nếu để nó nằm lại trong đó, tôi thấy không yên tâm tí nào. Thôi thì bà để cho tôi vào đó một lần nữa đi, tôi sẽ đưa thằng Sinh về cho bà Bốn gặp lại nó, rồi bà Bốn có chết đi thì mình cũng an lòng, bà nó! Ông Hoàng vừa ngưng lời thì người vợ hỏi luôn.
- Nãy giờ tôi nghe ông nói thằng Sinh có tội, có lỗi gì thế hả ông?
Biết chẳng giấu diếm được, ông bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện cho người vợ nghe. Ông Hoàng vừa ngưng câu chuyện thì bà Hà tự dưng nổi nóng. Máu trong người bà bắt đầu sôi lên. Hai tai bà đỏ tía.
- Cái thằng, đã phản bội lại đồng đội, nó còn khai báo cho giặc giết hại đồng đội ông, vậy mà ông còn thương tiếc gì chứ? Không có tìm  tiếc chi cả.
- Ấy chết! Bà đừng nóng! Sao bà lại cáu gắt với tôi? Ở đời có ai muốn thế đâu. Vì chiến tranh cả thôi! Vì bọn giặc ngoại bang cả thôi! Nhưng dù sao trời cũng có mắt, trời đã bắt thằng Sinh phải trả giá rồi đó mà. Thật tội cho bà bà Bốn! Bà Bốn đã sát đất xa trời rồi. Tôi thà không biết thằng Sinh thì thôi. Giờ đã biết rồi, để nó nằm lại đó tôi không hề yên tâm đâu.
Nãy giờ bà Hà ngồi im lặng. Bà nghe người chồng nói có tình có lý, khiến bà nguôi mau cơn tức giận. Mái tóc của bà Bốn rối bù nh­­ư một mớ bòng bong đã chuyển sang màu trắng đục. Gương mặt của bà, thời gian đã vẽ chằng chịt những rãnh cày ngang, dọc. Dáng người gầy hom của bà khô đét dần đi. Nghĩ vậy. Tự dưng bà Hà cảm thấy mủi lòng. Bà Hà đ­­­ưa tay quệt những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Tội cho bà Bốn! Bà Bốn mà biết đ­­­ược chuyện thằng Sinh chạy theo giặc, hẳn bà ấy sẽ chết mất! Bà Hà nghĩ rồi quay sang hỏi chồng:
- Thế hôm nào ông đi? 
- Ngày mai bà nó ạ!