Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

GHI CHÉP Ở BUÔN PUĂN A bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 173+174 tháng 1&2 năm 2007



Đường từ thành phố Buôn Ma Thuột về xã Ea Phê, huyện Krông Pak chỉ độ 38 km. UBND xã đóng gần đường quốc lộ 26A có khuôn viên tương đối rộng rải, thoáng mát, toạ lạc trên đó là căn nhà làm việc hai tầng được thiết kế khá đẹp. Tiếp tôi tại trụ sở, bà H’Ka Phó Chủ tịch Uûy ban nhân dân xã vồn vã bắt tay, mời nước. Thoáng nhìn bề ngoài, bà (phải gọi bằng chị mới đúng) tuổi ngoài bốn chục, có dáng giống như một cầu thủ bóng chuyền: to, cao, mạnh mẽ; có lẽ đây là người trực tính và quyết đoán. Sau khi xem giấy giới thiệu, chị H’Ka hỏi thăm sức khỏe Chị Linh Nga – Chủ tịch Hội VHNT và các anh chị trên văn phòng Hội vì lâu ngày chưa gặp. Biết tôi lần đầu đi công tác phong trào chị dặn dò khá chu đáo các công việc cần lưu ý khi về vận động quần chúng tại buôn. Ngoài cửa mấy người thập thò chờ đến lượt được tiếp. Chị mời tôi uống nước và đợi buôn trưởng đưa về. Qua trao đổi, tôi thấy có cảm tình với người nữ cán bộ địa phương tận tình, chu đáo và dễ gần, mà bề ngoài trông có vẻ như rất nghiêm khắc. Trước khi xuống đây công tác tôi cứ tưởng người phụ nữ Ê đê làm đội trưởng công tác nổi tiếng trong thời kỳ mới giải phóng là con người khô khan, sắt đá. Gặp và làm việc mới thấy chị là người rất chu đáo, cẩn thận trong công việc. Có những người cán bộ năng nổ như thế này không trách địa phương xây dưng và giữ được danh hiệu điển hình tiên tiến nhiều năm liên tục của xã Ea Phê. 
Uống chưa  xong ly nước đã có người đàn ông tuổi trên năm chục bước vào phòng. Chị H’Ka đứng dậy giới thiệu: Đây là anh Y Tó buôn trưởng buôn Puăn A, còn đây là anh Hồng Chiến ở chỗ Chị Linh Nga được cử về buôn ta công tác. Anh đưa về buôn bố trí chổ ở cho anh ấy nhé. Sau cái bắt tay thân mật tạm biệt chị phó chủ tịch, tôi đi theo ông Y Tó. Đường về buôn nếu tính từ quốc lộ 26A vào đến nhà buôn trưởng chỉ độ hơn một km, nhưng rất khó đi vì xe ô tô, máy cày chạy quá nhiều, mặt đường toàn “ổ trâu”. Căn nhà buôn trưởng gồm ba gian, mái lợp tôn, thưng ván xung quanh, nền láng xi măng bóng lộn. Giửa nhà kê bộ xa lông thẻ trang nhã, được chạm trổ tinh vi, góc nhà để chiếc ty vi màu 21 in hiệu Soni, màn hình phẳng màu đen. Buôn trưởng lấy phích pha trà, mùi trà Bắc Thái thơm ngào ngạt toả ra, chứng tỏ chủ nhà là người sành uống trà. Vừa trò chuyện, vừa quan sát xung quanh, tôi bị bất ngờ trước những gì được thấy.
 Theo như cách trang trí trong nhà và cả cách quy hoạch vườn, ao tôi đoán chắc kinh tế gia đình cũng phải khá lắm. Trước đây tôi chỉ nghe đến xã Ea Phê là một xã điển hình tiên tiến không chỉ của huyện, của tỉnh mà còn của cả nước; song vẫn không hình dung ra nó như thế nào. Nay được đêùn một buôn, quan sát xung quanh tôi giâït mình nhận ra nét rất quen của các làng quê miền Bắc. Những ngôi nhà được thiết kế vườn khá giống nhau: bên nhà là vườn cây ăn trái xen cà phê, xa hơn một chú là ruộng rau xanh mượt mà. Trước đây khi chưa về công tác tại toà soạn, tôi cũng thường la cà xuống các buôn người dân tộc bản địa sinh sống, họ có nét chung: sống rất đoàn kết. Những ngôi nhà sàn dài hàng chục gian được làm sát gần nhau, nhà này cách nhà kia chỉ độ ba bốn mét là cùng, cây cối được dọn sạch sẽ, quang đảng, đứng dưới gầm nhà sàn có thể quan sát được hêt toàn bộ các nhà trong buôn; còn ở đây thật khác, nét khác của buôn là nhà cửa được bao bọc xung quanh bằng những mảnh vườn tươi tốt. Nhà sàn xen lẫn nhà trệt xây theo kiểu Thái  thấp thoáng sau những vườn cây. Ngồi trao đổi công việc với buôn trưởng một lúc, tôi xin được đến nhà H’ Vêra, cô gái vừa học xong lớp 12 và có tham gia trại sáng tác văn học dành cho thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số hè vừa qua.
Ngôi nhà ngói hai gian, năm phòng xây theo kiểu Thái khá bắt mắt. Giữa phòng khách kê bộ xa lông nệm bọc gia, trong tủ kê sát tường là một giàn karaôkê hiện đại. Tiếp chúng tôi, người đàn ông trung niên đậm người, tuy không cao lắm nhưng trông có vẻ lanh lợi, hoạt bát, khuôn mặt cương nghị và đặc biệt có cặp mắt rất thông minh. Nghe ông buôn trưởng giới thiệu, chủ nhà siết tay tôi thật chặt và nói: Anh ở chỗ chị Linh Nga à! Chị ấy có khỏe không? Nhân dân mong chị về thăm lắm đấy. Quay ra cửa sổ anh gọi con gái vào pha nước. Cô con gái đậm người, rất giống bố bước vào cửa, tôi nhận ngay ra cô bé H’ Vêra. Có lẽ H’ Vêra cũng bất ngờ khi thấy tôi xuất hiện trong nhà mình, nên tròn mắt nhìn trước khi cất tiếng chào. Amí H’Vêra người hơi gầy rất giống cô gái người kinh, nếu không được giới thiệu trước ta có thể nhầm chị với một cô thôn nữ vùng quê miền trung, mang két bia Sai Gòn trắng đặt bên bộ xa lông và đặt đĩa thịt heo nướng lên bàn chị nói: Mấy khi anh về thăm, mời ba anh em lai rai cho vui.
Tôi thật bất ngờ trước cách cư xử của gia đình. Về một buôn người dân tộc Ê đê được chứng kiến vườn, nhà, tiện nghi sinh hoạt và cả phong cách sống như người thành thị,  không ngạc nhiên sao được. Cuộc sống mới mà Đảng và chính quyền  mang lại làm đổi thay vùng đất Tây Nguyên giàu đẹp này. Sự thay đổi ấy diễn ra trong từng ngôi nhà, từng con người, từng phong giao tiếp… Ba anh em vừa lai rai vừa tâm sự. Qua câu chuyện tôi biết anh chủ nhà tên Y Tâm, quê tận  thành phố Buôn Ma Thuột “bị” vợ bắt về đây. Cuộc sống khi hai người mới lấy nhau vô cùng cơ cực. Vùng đất trù phú ngày nay, xưa kia là những cánh rừng nối tiếp nhau chạy dài đến hết cả tầm mắt. Sau giải phóng lập Hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng cuộc sống mới, biến mảnh đất hoang vu thành mảnh đất thanh bình đầm ấm, cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Thật khó tin một hộ gia đình người dân tộc bản địa, không những đủ ăn, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt hiện đại phục vụ  gia đình, mà sáu đứa con đều được học hành tử tế. Cô gái đầu có cái tên rất đẹp H’ HaNa đang học năm thứ ba tại trường Đại học Đà Lạt, cô thứ hai - H, Vê Ra học xong lớp mười hai dứt khoát ở nhà ôn thêm năm nửa để thi vào Đại học, chứ nhất định không đi học trung cấp; cậu thứ ba - Y Za Nai học lớp mười một và cô thứ tư - H’Biểu học lớp mười tại trường nội trú Ama Trang Lơng của tỉnh, cô thứ năm - H’ Nhai học lớp chín và cậu út - Y Thiêu học lớp tám gần nhà. Như đoán được sự ngạc nhiên của tôi trước cuộc sống có phần sung túc của gia đình, Y Tâm cho biết thêm: Mình từng làm cán bộ công ty bông Dak Lak, vận động nhân dân trong vùng trồng bông, góp phần giúp nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập, phá thế độc canh trước đây chỉ trông chờ vào ba cây trồng chính là lúa, bắp và cà phê. Còn bây giờ cây nông nghiệp được trồng đa giạng, nhiều loại giống mới được nhân dân đưa vào trồng, có năng suất cao đã góp phần làm giàu cho người dân trong vùng. Do kinh tế phát triển, người dân giàu lên, nhu cầu mua sắm cũng tăng cao nên ngày nay nhiều hộ bung ra mở tiệm buôn bán, phục vụ nhu cầu bà con không chỉ ở trong buôn mà vươn ra cả các vùng lân cận. Điều trăn trở nhất ở đây là còn một số hộ được nhà nước cấp đất có sổ đỏ hẳn hoi mà vẫn không được giao đất vì có người lấn chiếm, hơn chục năm nay rồi, qua bao nhiêu lần họp vẫn không giải quyết dứt điểm, người dân tộc ở đây tin Đảng, tin chính quyền nhiều lắm, nhưng chờ mãi thế này cũng buồn.
Nghe tin có tôi đến, ông Ma La Ri, Bí thư chi bộ thôn cũng đến góp chuyện. Ma La Ri: to, cao cở 1,7 mét, trán hơi dô, tuổi chắc xấp xỉ 40, dáng khỏe mạnh như đô vật; nắm tay tôi thật chặt: Các anh về thăm buôn thế này là quý hóa quá. Anh biết đánh chiêng không? Không à. Tiếc nhỉ. Tôi phải thú thật mình chỉ biết viết văn xuôi còn âm nhạc dốt đặc. Anh Bí thư chi bộ có vẻ tiếc rẻ vì cứ tưởng ai ở Hội VHNT đều giỏi đánh chiêng cả. Anh muốn dạy cho lớp trẻ trong buôn khỏi quên cái âm nhạc cổ truyền của ông bà. Anh hồ hởi cho tôi biết thêm: Đập Krông Buk Hạ mà hoàn thành, nhân dân quanh vùng sẽ có nhiều ruộng lúa ba vụ, cà phê đủ nước tưới, chắc chắn năng suất sẽ cao. Đủ ăn, đủ mặc và sẽ giàu lên là cái chắc. Nhưng cái lo của lãnh đạo địa phương là bản sắc dân tộc phải được gìn giữ và phát triển. Cái gì cũng có gốc rễ, cội nguồn, con người mà không giữ được nét văn hóa cha ông để lại thì giàu có để làm gì. Tôi thấy tâm đắc với những suy nghĩ của các anh ở đây.
Trời về chiều, tôi rủ các anh đi dạo trên con đường chính giữa buôn, nhìn từng đoàn xe công nông nối nhau gầm rú chở bắp, chở cà phê vừa thu hoạch về, trên xe chất đầy các bao tải. Ngồi vắt vẻo giữa đống bao bì đó là những khuôn mặt rạng rở, miệng nở nụ cười tươi thắm khi chạy qua tôi. Theo chân ông buôn trưởng, tôi tới nhà ama Thin, nhà amí H’Nhai, nhà Y Vai… nhà nào vào thời điểm này cũng thấy để trước sân từng đống bắp cao như núi, mảnh sân trước nhà rải kín quả cà phê. Cảnh chiều ở một buôn gần như 100% là người dân tộc Ê đê đang hối hả trở về sau một ngày lao động, làm  lòng tôi cảm thấy vui vui vì biết đó là dấu hiệu của một vụ mùa bội thu. Giờ đây cuộc sống của của đa số người dân buôn Puăn A không những đủ ăn, có của để dành, xây dựng được những ngôi nhà khang trang, mà nhiều hộ còn trở  nên giàu có. Nhiều nhà không những sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình, mà còn mua được máy móc phục vụ sản xuất, tăng năng suất lao động. Anh  Y Tâm vui vẻ nói trao đổi thêm với tôi như rút ra kết luận: cái quan trọng nhất để nâng cao mức sống cho bà con dân tộc nơi đây là tạo điều kiện cho người dân làm giàu, chỉ cho người dân biết cách làm giàu; chứ không phải cầm tay dắt người ta theo đi làm giàu, cho người ta tiền để người ta giàu. Nói đâu xa, mấy hộ buôn mình nhận tiền đền bù đất bị quy hoạch làm hồ, không chịu mua đất khác canh tác lại mang tiền ăn nhậu hết nên nghèo, xã cấp đất khác lại chê xa không chịu nhận.
Câu nói của Y Tâm như một triết lý nhưng ngẫm ra lại đúng. Người dân được áp dụng khoa học vào sản xuất, xoá đi nền sản xuất tự cung, tự cấp từ bao đời nay ở đây để phát triển lên nền sản xuất hàng hoá. Cơ chế thị trường đã và đang trực tiếp tác động đến đời sống người dân nơi đây. Nhìn chung có cái được, cái mất; cái được lớn nhất đời sống đa số hộ được cải thiện và nâng cao, con em được học hành, đời sống dân trí được nâng cao; song bên cạnh đó cái mất cũng rất đáng quan tâm như nhiều thanh niên bây giờ chỉ thích uống rượu, hát kraôkê mà quên đi nhạc truyền thống dân tộc; thậm chí bây giờ cách đánh chiêng của dân tộc mình cũng không biết. Ông Y Tó, buôn Trưởng thở dài và nói thêm: anh về trên âùy đề nghị với lãnh đạo Hội cho người về dạy cho cánh thanh niên học đánh chiêng với, chiêng còn đấy nhưng bon trẻ quên hết rồi.
Nỗi trăn trở của buôn trưởng cũng đúng thôi, cồng chiêng của cha ông bao đời để lại được cả thế giới công nhận là “Văn hoá phi vật thể,” vậy mà người dân bản địa lại quên, không biết đến thì quả là có lỗi. Nhưng khôi phục lại như thế nào thì một mình buôn trưởng với Hội  VH-NT Dak Lak không thể làm nổi mà phải có sự đồng thuận của cả các cấp chính quyền cũng như cơ quan quản lý chuyên môn mà trực tiếp phải là Phòng VH-TT cấp huyện. Là người dân tộc Ê đê, có trong tay cả bộ chiêng quý giá mà không biết sử dụng hết thì đáng tiếc lắm thay. Thiết tưởng các cơ quan lãnh đạo văn hoá địa phương cần suy nghĩ nghiêm túc vấn đề này. Cái may cho phong trào ở đây, cán bộ địa phương còn muốn giữ lại truyền thống văn hoá dân tộc, còn trăn trở với bản sắc dân tộc đang ngày môït mai một mà tìm cách khôi phục lại. Với tấm lòng vì dân, vì phong trào như thế, tôi tin một ngày không xa các buôn người dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung và buôn Puăn A , xã Ea Phê, huyện Krông Pak nói riêng không chỉ nhà cửa khang trang, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình hiện đại, mà sẽ còn rộn rã tiếng chiêng trong những ngày lễ hội truyền thống.




Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ẤT MÙI - tác giả BÙI MINH VŨ





ĐỌC THƠ TRÊN TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN



Thơ luôn gắn bó với cuộc sống; thoát ly cuộc sống, thơ rời bỏ con người, xa lánh thế giới tinh thần và như thế, thơ còn có ý nghĩa gì với bạn đọc? Trên quan niệm ấy, tôi đã cố gắng đọc 301 bài thơ trên tạp chí Chư Yang Sin (phát hành năm 2014), với nhiều thể loại, trong đó lục bát có 90 bài, thơ mới: 109 bài, tự do: 66 bài, 4 chữ: 2 bài, 5 chữ: 16 bài, 6 chữ: 9 bài, 7 chữ: 11 bài, siêu thực: 3 bài, văn xuôi: 2 bài, tân hình thức: 0.
Trước hết, hãy xem biên độ cảm xúc và đối tượng thẩm mỹ được thể hiện có gì mới không, có bám vào hơi thở của cuộc sống, của những thay đổi trên khắp các buôn làng, của những suy tư, trăn trở để tự hoàn thiện trong tiến trình vươn lên hội nhập trong thế giới đa cực. Dễ bắt gặp nhất là cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào rộng khắp, thành hành động cách mạng diễn ra sâu rộng ở nhiều tầng lớp trong xã hội, từ đó Nguyễn Văn Chương khẳng định: Học đạo đức Bác Hồ phải học suốt đời/ Trong mỗi việc làm, trong từng suy nghĩ/ Chức trọng quyền cao càng học nhiều hơn thế/ Lơi phút giây là sa ngã, mất lòng tin/ Mỗi ngày đêm như có Bác đang nhìn/ Bác dõi theo từng bước đi con cháu (Chúng con học đạo đức Bác Hồ). Cảm hứng của nhà thơ vẫn theo dòng chảy của thơ truyền thống, thể hiện tình cảm cao quý, nhân bản, toàn vẹn về niềm tin không gì phá vỡ được: Dân tin Đảng - cội nguồn sức mạnh/ Đảng tin dân - vươn những tầm cao (Cảm xuân Giáp Ngọ - Hữu Chỉnh).
Trí tuệ của nhà thơ thể hiện ở sự nhạy cảm quan sát, lắng nghe và nhìn tỏ tường cuộc sống trong những dịch chuyển không ngừng. Chính điều này làm diện mạo thơ có sự nối tiếp, không đứt đoạn với mạch nguồn truyền thống. Dù cuộc sống có nhiều gam màu sáng tối, nhưng hình ảnh Tổ quốc vẫn là biểu tượng sáng chói và khi Tổ quốc cần: Triệu con tim cùng chung nhịp đập/ Viết ca khúc khải hoàn trên phiến đá ngàn năm (Viết về Tổ quốc tôi - Phạm Thị Ngọc Thanh). Đó chính là mạch nguồn cốt tử của thi ca, nó không bao giờ dừng lại mà luôn được thể hiện. Khi chủ quyền biển đảo bị đe dọa, mỗi công dân Việt Nam ngày đêm trăn trở muốn “ăn xương uống máu quân thù”: Nhìn tàu giặc/ Lòng ta nổi sóng/ Thấy giàn khoan kẻ cướp/ Máu cuộn trong tim…/ Ta - /Mỗi công dân đất Việt/ Lưng tựa Trường Sơn/ Mắt dõi biển Đông/ Nuôi dũng khí/ Triệu tấm lòng như một (Biển đảo ta ơi - Nguyễn Đức Khẩn). Biển đảo là một phần không thể tách rời của đất nước, là máu thịt của Tổ quốc muôn quý ngàn yêu, bởi thế những người lính ở đó luôn luôn kiên định một lòng trung kiên gìn giữ, dù biết rằng ở đất liền có những đứa con và người vợ đang trông mong: Em muốn dành gửi cho anh hàng ngàn nụ hôn theo gió/ Với cả tấm lòng của người vợ ngoan hiền luôn đau đáu nghĩ về anh. (Nỗi lòng vợ lính biển - Phạm Hữu Tình)
“Nghĩ về anh” cũng chính là nghĩ về đất nước, nghĩ về Trường Sa và mùa xuân: Trường Sa dào dạt xuân về/ Đảo xa gần lắm làng quê đất liền (Trường Sa dào dạt xuân về - Thai Sắc). “Đất liền” nơi cuộc sống diễn ra sôi động, thay đổi từng giờ, cái mới từng bước thay thế cái cũ, cái thiếu thốn, đói nghèo cũng thu hẹp dần cho những sung túc, an khang: Đói nghèo qua, giờ đến lúc làm giàu/ Hạt lúa, con bò trở thành thương hiệu/ Đất cát sỏi Ea Kar cũng làm nên kỳ diệu/ Để người bốn phương náo nức tìm về (Viết trên cánh đồng Ea Kar - Đặng Bá Tiến). Tìm về quê mới để lập nghiệp nhưng lòng vẫn nhớ nơi ra đi, nơi sinh ra, lớn lên từ gốc rạ, chân tre: Xin quỳ xuống lạy chào cánh đồng mẹ/ Ngần ấy năm con mới trở về làng/ Ngàn vạn lần cầu mong quê hương tha thứ/ Dù đi đâu/ Dù cách xa bao lâu/ Đau đáu phương trời/ Đinh ninh trong dạ/ Vóc hình con từ gốc rạ, chân tre (Cánh đồng mẹ - Sơn Thúy).
Có thể nói biên độ cảm xúc và đối tượng thẩm mỹ trong thơ in trên tạp chí Chư Yang Sin luôn luôn mở, đề tài không vì thế mà bó hẹp. Các chủ đề được lồng ghép nhau, không gò bó trong các chủ đề thời sự, báo chí, mà cái gì thuộc về đời sống, cũng là đối tượng thẩm mỹ, là nơi nhà thơ ghé mắt và để lại dấu ấn trong thơ. Hình ảnh người mẹ tưởng như “biết rồi nói mãi”, nhưng nói lại theo cách nhìn mới, vẫn hay: Chân trần vách núi liêu xiêu/ Nghiêng gùi mẹ cõng nắng chiều về sân (Mẹ ơi - Nguyễn Tiến lập).
Lại nữa, tôi nhớ Hegel từng có lần nói: “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài; thay vì thế, nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc”. Đó là điều các nhà thơ không những có ý thức thể hiện các hình tượng đang diễn ra, đang tồn tại mà còn cố hình dung ra cuộc sống và bằng tài năng của mỗi người, thi sĩ đã trình bày thế giới bên trong, thế giới tinh thần không bị cản ngăn và giới hạn. Ở lĩnh vực này, nhiều bài thơ với các mức độ khác nhau về những trăn trở, suy tư, tâm tình, bộc bạch về cái tồn tại trên bước đường hướng về cái ích, chân, thiện, mỹ. Đôi khi những câu thơ như buồn vụn vỡ, rã rời, khó hiểu, nhưng lại trữ tình, duyên dáng, thân thương bằng hình ảnh rực rỡ, choáng ngợp: Đừng viết những chán chường lên gương mặt đêm/ Sẽ rách nát như áo ngày trở lại (Mùa xuân, những câu thơ rời bất tận - Vũ Dy).
Viết về nỗi buồn, về giấc mơ, nhưng không tạo ra nỗi buồn, lại tạo ra nỗi trầm tư mênh mang với hình ảnh mới, lạ, đẹp và đáng yêu: Đêm qua/ Mơ thấy em đến đặt quả khắc nghiệt…/ Bước về/ Từ những tiếng chuông khô/ Những hơi thở nở hoa tịch mặc/ Giữa hoài nghi rụng xuống/ Tôi hóa rêu/ Trong thị giác em (Thị hiện - Trần Tịnh Yên). Nét đáng yêu là tự mình nhìn thấy mình, vạch trần chính mình trước sự đảo lộn, đổi thay tác động trực tiếp vào tâm hồn của thi sĩ: Thấy mình biến thiên khủng khiếp (Ảnh cũ - Vũ Dy). Có thể cái tôi trữ tình của nhà thơ được nhận diện như sự dấn thân bẽ bàng trong thời khắc khổ ải khốn cùng.
Cũng thật dễ thấy, bên cạnh sự hút dạng của hình ảnh, hoặc lu mờ, sáo mòn, lại thấy những hình ảnh mới, đẹp, xuất hiện ở nhiều bài thơ, ở các tác giả khác nhau, đôi khi cùng một tác giả, tạo nên một nét sinh động làm nên diện mạo thơ trên tạp chí Chư Yang Sin: Mặt hồ/ Và bầy le le bay đi/ Chỉ còn chiếc lá cuối xuân/ Đang hỏi gió/ Cách rơi chậm cho điệu valse lướt êm… (Điệu valse cho mùa hạ - Nguyễn Thánh Ngã).
Phan Thành Minh cũng có cách nói mới, ngôn ngữ ấn tượng: Ngọn lửa nhai củi giòn tan/ Nhà rông no tiếng cười sơn nữ (Mùa yêu).
Và Lê Vĩnh Tài, một thi sĩ tài hoa với Bài thơ, có cái gì long lanh như vết đốt… anh đã đưa người đọc đến tham quan những hình ảnh ẩn dụ, lạ, bất giác tỉnh ra, tiếp tục suy ngẫm, suy ngẫm về sắc màu của tiếng chuông màu trắng: Núi/ Rung chuông/ Như nhà thờ/ Gió lạnh/ Trên gian hàng phía xa/ Hội chợ giá rẻ/ Bán những tiếng chuông màu trắng… Hình ảnh gợi cảm này làm tôi nhớ  đến câu thơ của Phương Uy: Câu kinh trườn theo gió thoảng (Ngày khuất mặt). Tôi rất thích động từ “trườn” làm vị ngữ trong câu thơ này.
Một điều dễ nhận ra, thơ trên tạp chí ngày càng có những khởi sắc, bên cạnh những bài thơ thiên về thanh, vận, điệu, nhịp, thiên về cấu trúc truyền thống tuyến tính, nhiều bài thơ tự do xuất hiện với những cấu trúc đồng hiện, phân mảnh, lắp ghép cộng hưởng những yếu tố hư ảo, vô thức, siêu thực… Điều này làm cho thơ trên tạp chí Chư Yang Sin xích lại gần hơn với thơ đương đại.
Một điều cần phải đề cập đến là trên tạp chí Chư Yang Sin, ngoài mảng thơ chuyên nghiệp, còn có một mảng thơ được dư luận bạn đọc quan tâm, đó là thơ câu lạc bộ của các huyện và thị xã Buôn Hồ. Khi tạp chí công bố những bài thơ này, chắc chắn là đã tạo ra một sân chơi lớn cho những người yêu thơ, chơi thơ, rồi từng bước làm thơ. Đã là sân chơi, tất nhiên có luật chơi. Những người tham gia như những vận động viên, không thi đấu hết mình, chắc chắn sẽ bị sàng lọc (hoặc bị thay thế). Ở một mức độ nào đó, có nhiều bài thơ khá, hình ảnh đẹp, câu thơ như một “miếng ngon”: Mặt trời vén tấm chăn mùa đông phủ lá/ Khoảnh khắc chuyển giao bình minh vỡ òa (Hẹn ước mùa xuân - Nguyễn Trọng Lịch - Câu lạc bộ thơ Hoa đời). Giá như tạp chí Chư Yang Sin có phụ trang cho các câu lạc bộ thơ, chắc chắn sẽ khích lệ các tác giả tham gia nhiều hơn, sáng tác sung sức hơn, sàng lọc nhiều hơn và thơ hay cũng sẽ nhiều hơn.
Trên tạp chí Chư Yang Sin, trong năm 2014, có 301 bài thơ được công bố, là một số lượng tác phẩm khá lớn so với văn xuôi. Thơ được viết với nhiều thể loại, phản ánh những vấn đế cốt lõi của cuộc sống. Nhiều người làm thơ là giáo viên, bác sĩ, nhà kinh doanh, công chức, cán bộ hưu trí, lao động tự do, tuy mỗi người có một cách viết, cách nhìn cuộc đời riêng, chất lượng tác phẩm khác nhau, nhưng suy cho cùng, các tác giả đều có những trăn trở, suy ngẫm về những điều trông thấy, những đổi thay, kể cả những gay cấn đang đặt ra trước mắt và lâu dài. Điều đáng mừng là tạp chí đã góp phần phát hiện và giới thiệu những tác giả mới, tác giả trẻ, và tôn vinh thơ trong thế giới văn hóa đọc ngày càng xa rời những người vốn thờ ơ với sách vở.




Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ẤT MÙI - tác giả TRƯƠNG THÔNG TUẦN

Tiến sĩ TRƯƠNG THÔNG TUẦN
(hội viên Hội VHNT Dak Lak)




MỘT SỐ HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT
TRONG DÂN CA M’NÔNG



Trong dân ca M’Nông, nghệ nhân dân gian thường sử dụng rất nhiều hình ảnh để diễn đạt nội dung, đã có nhiều hình ảnh trở thành hình tượng nghệ thuật độc đáo. Đó là những hình tượng phần lớn có thực hoặc do tưởng tượng nhưng tất cả đều quen thuộc đối với cộng đồng. Trong bài viết này, xin được đề cập đến hình tượng nghệ thuật trong dân ca M’Nông thuộc các nhóm: hình tượng về thiên nhiên, hình tượng về con người; hình tượng về thần linh.
1. Hình tượng về thiên nhiên
Trong thiên nhiên có muôn vàn hình ảnh đẹp, sinh động và được nghệ nhân lựa chọn để miêu tả trong dân ca.
Nếu hoa sen, hoa ngâu, con ong gắn liền với vẻ đẹp của những cô gái người Kinh thì trong dân ca M’Nông: Con gái Bu fri đẹp trắng như hoa mpang/ Con gái Bu Dang đẹp trắng như hoa rlê/ Con gái Bu Su đẹp trắng như hoa dưa/ Nhiều gái đẹp như đọt cây nứt chồi.
Hoặc để diễn tả vẻ đẹp đang độ xuân thì trẻ trung mạnh mẽ của cô gái M’Nông đang lớn: Cặp vú lú như bắp chuối luăt/ Đầu bới gọn cài đuôi chim rừng.
Cũng có lúc khiêm nhường, người phụ nữ tự nhận mình không đẹp, thậm chí là xấu, đã dùng những hình ảnh để ví von so sánh: Em người đen như con chim rach ai ngó/ Em người xẹp bụng như con ong ai nhìn/ Em chân tay dài như con cào cào/ Thân của em vú trơn với ngực/ Em bụng xẹp như con kỳ nhông.
Dù ở thái độ ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ hay ngược lại, đó đều là những hình ảnh đặc trưng, tiêu biểu của mảnh đất Tây Nguyên.
Ở Tây Nguyên, con người luôn gắn bó, hòa nhập với thiên nhiên. Trong đó, trăng cũng là đối tượng gần gũi thân thiết với con người. Trăng trong tình yêu lứa đôi mang những vẻ đẹp nhiều cung bậc với sự lung linh, huyền ảo: Con gái có một người xinh đẹp/ Giống bông hoa pa – đê/ Giống mặt trăng vừa mọc/ Giống như trăng lưỡi liềm mồng một/ Trăng mồng hai ra tựa con dao/ Trăng nhú qua đồi ra cái gương soi…/ Không thể nào quên được nhớ/ Không thể nào bỏ được thương…
Trong dân ca M’Nông, hình tượng con trâu xuất hiện với tần suất khá đậm đặc. Chẳng hạn, vẻ đẹp nhanh nhẹn, khỏe mạnh của bé trai đang lớn được tác giả dân gian miêu tả: Bước xuống thang em tôi chém chân trâu/ Em tôi lanh lẹ như con trâu/ Em tôi hung hăng như thần sét/ Em tôi khoẻ mạnh như con trâu rừng.
      Hình ảnh con trâu được người con gái M’Nông sử dụng để đo thời gian xa cách nhớ thương người yêu: Xa cách nay đã lâu lắm rồi/ ...Từ trăng khuyết nay đã thành trăng tròn/ Lúa mới trổ nay đã mục ra/ Rẫy mới phát nay đã mục ra/ Con trâu tơ đã thành con trâu già.
Một chàng trai M’Nông được các cô gái lựa chọn phải như trâu rdăm bang (một giống trâu tốt): Em yêu anh, yêu nhiều như hạt giống được ở trong bầu/ Em yêu anh như hạt muốn được gieo xuống đất/ Em yêu anh để sang năm em được lấy giống/ Em muốn gieo anh giống lúa Brăch/ Em muốn gặt anh giống lúa Lu/ Em muốn chăn anh trâu rdăm bang.          
Con trâu còn là lễ vật có giá trị lớn để chàng trai si tình làm sính lễ cưới người con gái mình yêu: Trâu của tôi, trâu béo to, lạc trong núi trong rừng/ Bốn đêm rồi, tôi đi kiếm đi lùng/ Và tôi gặp cô gái làng Pa - rốt/ Tôi sẽ cưới nàng, nếu tìm được con trâu/ Của bắt vợ thì nhiều, nhưng của tôi nghèo quá!/ Giàng! Giàng hỡi! Nghe không lời tôi gọi/ Trâu của tôi, trâu béo to, lạc trong núi trong rừng.
Con trâu là người bạn thân thiết của con người. Lễ hội đâm trâu là một lễ hội linh thiêng của người M’Nông nói riêng và dân tộc Tây Nguyên nói chung. Nhưng trở thành vật hiến tế trong lễ hội thì tác giả dân gian không nén được tình cảm của mình, tâm sự, kể lể và vỡ òa tiếng khóc thương thảm thiết cho chú trâu tốt số ấy: Trâu ta ơi ta thương tiếc trâu lắm!/ Cây cọc nêu họ đã chôn rồi/ Họ đã cột dây vào cổ trâu rồi/ Khách lễ hội đã đến đầy nhà rồi/ Trâu hãy ăn lá lách lần cuối/ Trâu  hãy ăn lá cỏ lần cuối/ Trâu hãy ăn lá bông vải lần cuối/ Trâu hãy ăn lá rừng lần cuối/ Tiếng trâu khóc còn vang đâu đó…
Trâu và người gắn bó mật thiết là vậy cho nên trong dân ca M’Nông rất nhiều những công việc, sinh hoạt hàng ngày được phản ánh liên quan đến trâu. Chẳng hạn chăn trâu là công việc thường ngày và của nhiều thế hệ: Em tôi đi vào rừng hái rau mang về/ Em tôi đi chăn trâu chặt đọt mây mang về/ Em tôi đi ra đá sỏi moi trứng kỳ nhông/ Em tôi đi làm cỏ mang rau quả về/ Em tôi đi chăn trâu mang quả xoài về.
Hay việc dỗ em: Em nín đi đừng khóc em ơi/ Bố của em đang đi chăn trâu
Hoặc làm cơ sở để rủ rê mời mọc cho việc tỏ tình: Đi thả trâu cùng anh em nhé/ Đi thả trâu đực cùng anh em nhé/ Thả trâu tắm dưới ao sình/ Đi tới bãi cỏ thật rộng/ Đi tới bãi thật là bằng phẳng/ Đi tới đất sét mọc toàn là tre gai/ Bãi một bên anh chăn đàn dê/ Bãi một bên anh chăn đàn trâu/ Bãi đầu suối anh chăn đàn bò/ Bãi cuối suối anh chăn đàn cừu trắng/ Đi tới chòi nhỏ anh làm sẵn/ Anh đưa em lên chòi rách nhỏ/ Anh ru em ngủ tại đây...
Nói đến voi Tây Nguyên, chúng ta thường nhớ ngay đến bài hát Chú voi  con ở bản Đôn của nhạc sĩ Phạm Tuyên nhưng rất ít người biết rằng lời bài hát được phỏng dịch từ một bài dân ca M’Nông. Đó là bài Kon rverh bon Đon (Con voi Buôn Đôn). Hình ảnh chú voi con ngộ nghĩnh, dễ thương, khỏe ăn, chóng lớn chính là khát vọng của những người dân của xứ sở sử thi mong muốn và đặt niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai của con cháu sau này.
Người M’Nông nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung luôn kính trọng, ngợi ca những thợ săn tài giỏi và những bậc thầy dạy dân săn voi rừng: Ta mời hồn những chàng đi săn thuở trước/ Chàng Bơ Nang, thợ săn giỏi đã mất/ Chàng Rơ Giao, thợ săn tài đã khuất/ Những tay thợ săn kỳ cựu nhất xưa kia/ Những bậc thầy dạy lũ đi săn/ Những bậc thầy dạy dân săn voi rừng/ Chớ để chúng tôi về làng tay không!     
Nhiều chàng trai M’Nông thường khao khát trở thành thợ săn voi tài giỏi nhất vùng. Bởi săn bắt, thuần hóa được nhiều voi sẽ đem lại sự giàu có, quyền uy và sức mạnh: Giờ đây, tôi những cầu mong/ Sao cho thành thợ giỏi trong giỏi ngoài/ Bắt được voi nghìn voi trăm/ Như những chàng thợ săn thuở trước/ Như những bậc săn tài thuở xưa/ Như Chàng Bơ Nang, thợ săn giỏi đã mất/ Như Chàng Rơ Giao, thợ săn tài đã khuất/ Như những chàng Mơ Yang, Mơ Tang thuở trước.
Tiếng chim cu rừng hót vang mọi lúc, mọi nơi; không kể sáng sớm, giữa trưa, gần tối hay đêm khuya; không kể trên nương, trên rẫy hay khắp núi rừng. Hình ảnh và âm thanh của chim cu hót chính là biểu tượng của những chàng trai M’Nông hiền lành, chất phác, cần cù siêng năng với công việc rẫy nương và đời sống tâm hồn cũng không kém phần lãng mạn: Chim cu hót no ăn lúa sớm/ Chim cu hót no ăn lúa non/ Chim cu hót no ăn lúa tỉa/ Chim cu hót sáng sớm cầu nắng/ Chim cu hót gần tối cầu mưa/ Chim cu hót giữa trưa ru tình/ Chim cu hót nhắc nhở người yêu…
Ngoài hình tượng những con trâu, chú voi, con chim cu nói trên, trong dân ca M’Nông còn xuất hiện khá nhiều hình tượng các con vật khác, các nghệ nhân gửi gắm nhiều điều thông qua các loài động vật, trong đó có sự đưa ra những bài học kinh nghiệm của cuộc sống: Qua rừng lại gặp nhiều con beo/ Qua rừng lại gặp nhiều con hổ/ Qua rừng lại gặp nhiều con cọp/ Qua rừng lại gặp nhiều con tê giác/ Con hổ cắn người giơ cưa dài/ Con cọp cắn người giơ gươm dài/ Con ong đốt người giơ bó đuốc/ Con tôm cắn người giơ rổ đơm/ Con đỉa rừng lạ to bằng lưỡi dao/ Con ruồi muỗi to bằng cái gùi/ Con chim con ó to bằng gùi rách/ Con cóc to nằm một vạt đất/ Con vắt bám người đừng có kêu/ Con rắn cắn người đừng kêu đau.
2. Hình tượng về con người
Tìm hiểu hình tượng về con người trong dân ca M’Nông, ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ đối với người nghe, người đọc đó chính là hình tượng người phụ nữ. Theo quan niệm của người M’Nông, người phụ nữ lí tưởng phải là người vừa xinh đẹp, vừa có tài thêu dệt hơn người, đảm đang trong công việc gia đình và nương rẫy. Do đó, trong dân ca M’Nông có rất nhiều câu, nhiều bài miêu tả vẻ đẹp, đức độ và tài năng của người phụ nữ.
Vẻ đẹp của người con gái được nghệ nhân miêu tả: Con gái có một người/ Giống bông hoa pa đê/ Giống mặt trăng vừa mọc/ Giống như trăng lưỡi liềm mồng một/ Trăng mồng hai ra tựa con dao/ Trăng nhú qua đồi ra cái gương soi…/ Không thể nào quên được nhớ/ Không thể nào bỏ được thương…/ Con gái có một người/ Giống như hoa đa vai/ Giống như quả dưa vừa mọc/ Giống như trái dưa leo/ Giống như con cá linh/ Con cá linh giữa dòng Kơ Lốt/ Con cá hơ mốt giữa dòng suối Chi Reng/ Con cá hàm leng suối người qua lại. 
Với vẻ đẹp như vậy, mẹ của cô gái không thể nào yên tâm cho sự an toàn của con mình, do đó tìm mọi cách bảo vệ: Con gái có một người/ Không ra khỏi xóm/ Con gái mẹ một đứa/ Không cho ra khỏi thôn/ Cất kỹ bỏ trong hòm/ Gói dành cho vào giấy/ Không cho nó bị cháy/ Không cho nó bị nhơ.
Không những xinh đẹp, người phụ nữ M’Nông còn rất khéo léo, giỏi giang trong công việc gia đình, làm nương làm rẫy, chăm sóc con cái. Khi lên rẫy, phụ nữ vừa phải làm việc vừa tay dắt, lưng cõng đứa con bé bỏng, đáng yêu: Rẫy trên đồi em còn mẹ cõng trên lưng/ Rẫy trên bờ suối em còn mẹ dắt tay.
Trong một bài hát ru em, hình ảnh của người mẹ hiện lên với bao vất vả lo toan nhiều công việc: Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang đi bửa củi/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang đi xúc cá/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang đi giã lúa/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang giã lúa nếp/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang ngồi tiếp khách/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang hái rau biâp/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Mẹ của em đang đi kiếm cây chuối.
Hoặc trong một bài hát ru con khác: Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ giã lúa/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ sàng gạo/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ bẻ măng/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ kiếm củi/ …Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ dọn rẫy/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ đào củ khoai.
Để trở thành một phụ nữ giỏi giang trong công việc nội trợ, các cô gái phải được những người bà người mẹ dạy dỗ chu đáo từ nhỏ, được chỉ bảo từng công việc: Con gái lớn phải tập giã lúa/ Con gái lớn lên phải tập bửa củi/ Con gái lớn lên phải tập nấu cơm/ Con gái lớn lên phải học tiếp đãi khách/ Khách chưa đến cơm đã bắc lên bếp/ Khách bước vào cửa phải mời ăn liền.
Đặc biệt trong nữ công gia chánh, người phụ nữ M’Nông không những phải biết mà hơn nữa phải chăm chỉ, giỏi giang, khéo léo trong việc kéo sợi, dệt vải để làm ra những hoa văn, chiếc khố hoa, kéo đường chỉ phải bằng người ta, dệt hoa văn phải đủ trăm đường: Con gái lớn lên phải học dệt vải/ Con gái lớn lên phải tập kéo chỉ/ Con gái lớn lên phải học xỏ vỏ cây/ Con gái lớn lên phải học nhuộm màu...
Giỏi giang trong công việc, người phụ nữ M’Nông còn rất chín chắn, tế nhị trong chuyện tình cảm, tình yêu đôi lứa. Đây là tâm sự và cũng là lời từ chối khéo léo, tế nhị mà cô gái dùng để làm phép thử khi đứng trước lời tỏ tình của chàng trai: Anh đã hỏi, em xin nói thật/ Từ xưa đến nay anh vẫn còn đây/ Anh hỏi thật hay nói đùa khinh em/ Anh hỏi thật hay nói đùa ngạo em/ ...Em quen với anh sợ yêu anh, anh chê/ Em gần với anh sợ yêu anh, anh cười/ Dao có rồi anh lại đi kiếm sắt/ Cơm có rồi anh lại đi kiếm lúa/ Cá có rồi anh còn đi kiếm rổ….
Có lúc người con gái M’Nông cũng rất chủ động và mạnh dạn bộc lộ tình yêu của mình với chàng trai rất cụ thể và không kém phần lãng mạn: Em yêu anh/ Em thấy anh như một quả thơm/ Em biết anh như đóa hoa dền/ Ước gì được hôn lên trán anh/ Ước gì chúng ta được ngủ chung!
Và kể cả khi tình yêu dang dở, hôn nhân tan vỡ, người phụ nữ M’Nông vẫn không hề bi quan mà vẫn sống rất tích cực, bộc lộ mạnh mẽ khát khao hạnh phúc tình yêu đôi lứa. Hãy nghe tâm sự của một người mẹ trẻ trong lời ru con: Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ gặp người yêu/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ hôn trai/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ uống rượu/ Con ngủ đi, con ngủ đi/ Cho mẹ cười duyên.
Nếu như người phụ nữ tượng trưng cho vẻ xinh đẹp, duyên dáng, khéo léo thì các chàng trai trong dân ca M’Nông tượng trưng cho sức mạnh, uy danh trong cộng đồng. Người anh hùng là hình tượng nghệ thuật tiêu biểu nhất mà sử thi Tây Nguyên đã tập trung ca ngợi. Nếu như người Êđê tự hào về anh hùng của dân tộc mình là Đăm Săn thì người M’Nông cũng rất tự hào về Lênh. Tuy nhiên trong dân ca M’Nông, những chàng trai xuất hiện không phải như những người anh hùng, những thủ lĩnh linh hồn của bộ tộc mà là những con người đời thường với những công việc hàng ngày và tâm tư tình cảm mộc mạc, gần gũi chân thực như chính con người của họ.
Nếu người phụ nữ M’Nông lí tưởng phải là người vừa xinh đẹp, vừa có tài thêu dệt hơn người, đảm đang trong công việc gia đình và nương rẫy thì người đàn ông con trai lý tưởng phải là người mạnh mẽ, hiểu biết và giỏi giang nhiều việc. Để trở thành một chàng trai giỏi giang, các chàng trai phải được những người cha, người ông huấn luyện chu đáo ngay từ nhỏ, được chỉ bảo từng công việc, được dạy cách ăn nói, nuôi con, kiếm vợ...: Con trai lớn lên dạy nó đan gùi/ Dạy nó làm ná, dạy nó ăn nói/ Dạy nó đan nia, dạy nó rèn dao/ Dạy nó rèn xà gạc, dạy nó rèn rìu/ Dạy nó làm rẫy, dạy nó kiếm ăn/ Dạy nó nuôi vợ, dạy nó nuôi con/ Tập đan gùi bằng tre lóng dài/ Tập làm bẫy bằng tre lóng ngắn/ Tập tát nước bằng vỏ mây tre/ Dạy kiếm vợ bằng cái váy dệt/ Dạy kết bạn bằng chăn con trâu/ Dạy về đất đai, dạy đọc gia phả.
Và khi trưởng thành, lúc được làm cha, đàn ông M’Nông cũng phải làm lụng vất vả trăm công nghìn việc, từ việc nương rẫy cho đến việc nhà, mớm cơm cho con: Em nín đi đừng khóc em ơi/ Bố của em đang đi kiếm cây làm ná/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Bố của em đang đi kiếm lúa/ Em nín đi đừng khóc em ơi/ Bố của em đang đi bắt con voi...
Tính cách của người đàn ông M’Nông được biểu hiện trong công cuộc chinh phục thiên nhiên. Một phương diện biểu đạt về tính cách, vẻ đẹp mạnh mẽ của con trai M’Nông đó là tài năng, khát vọng trở thành thợ săn và chinh phục voi rừng giỏi nhất. Họ luôn cầu mong được sự trợ giúp của thần linh, của những linh hồn thợ săn tài giỏi đã khuất để họ trở thành thợ giỏi trong giỏi ngoài, bắt được voi nghìn voi trăm như những chàng thợ săn thuở trước.
Vẻ đẹp mạnh mẽ của chàng trai M’Nông còn được nghệ nhân so sánh với nhiều hình ảnh phong phú và đa dạng khác: lanh lẹ như con trâu, hung hăng như thần sét, khoẻ mạnh như con trâu rừng, hét to như kèn tù và, làm ra của cải...
Trong tình yêu và hôn nhân, tính cách các chàng trai M’Nông được bộc lộ rất tự nhiên và chân thực. Bất cứ mối tình nào, cho dù bền chặt, dài lâu hay vội vàng, ngắn ngủi, cho dù lãng mạn, mơ màng như một đêm trăng rằm hay thuần túy chỉ thiên về thực tế, cho dù xảy ra ở độ tuổi thiếu niên khi người ta còn dại khờ vụng dại mới hăm hở bước vào đời hay là diễn ra lúc già nua “gần đất xa trời” thì cũng đều phải có lúc ban đầu khi hai đối tượng trước kia còn xa lạ không quen biết nhau giờ có cơ hội làm quen.
Khi tỏ tình, loài chim thì cất tiếng hót lảnh lót, phô trương bộ cánh đẹp mời gọi nhau; loài cá thì bơi lội nhởn nhơ, vẩy đuôi vờn nhau âu yếm; loài cọp thì gầm gừ, vươn móng vuốt, chụp bắt nhau như sắp tử chiến. Còn đối với chàng trai M’Nông, cuộc gặp gỡ hẹn hò với người con gái thường là trên nương rẫy hoặc trong buổi chăn trâu. Cách tỏ tình của họ cũng bộc lộ đặc trưng cuộc sống và những thế mạnh của mình. Có thể là lời mời mọc dịu dàng, hoặc bằng giọng hát ngọt ngào, hoặc tài thổi kèn mbuôt để tỏ tình, thuyết phục cô gái chấp nhận tình yêu của mình: Đi thả trâu cùng anh em nhé/ Đi thả trâu đực cùng anh em nhé/ ...Đi tới chòi nhỏ anh làm sẵn/ Anh đưa em lên chòi rách nhỏ/ Anh ru em ngủ tại đây/ Cặp tình nhân ngủ trưa/ Anh thổi kèn mbuôt duk/ Anh thổi kèn mbuôt dung/ Anh thổi kèn mbuôt kông/ Anh thổi rung cả cổ họng/ Anh thổi vào kêu em ở lại/ Anh thổi vào kêu người yêu.
Sức mạnh tình yêu đã vượt lên cả qui luật tự nhiên của con người, thường khi ngủ là lúc mà người ta quên đi tất cả. Nhưng, với chàng trai M’Nông vì nỗi nhớ người yêu quá lớn, quá mạnh mẽ, luôn thường trực trong lòng, nên ngay cả trong giấc ngủ, giấc mơ về người yêu vẫn được thể hiện bằng những hành động rất riêng, rất cụ thể: Đêm đi ngủ nằm mơ rất lâu/ ...Mơ ôm người yêu ôm nhầm bầu nước/ Mơ ôm người yêu ôm nhầm bầu cháo/ …Khi ngủ say không nhớ gì cả/ Mơ thấy người yêu rất là lâu/ …Ước gì người yêu mãi bên cạnh/ Ước gì làm vợ với tôi.
Và khi đã thành vợ thành chồng, chàng trai sống rất có trách nhiệm và tràn ngập tình yêu thương với người bạn trăm năm: Sống bên nàng không dám giận hờn/ Sống với nàng không nỡ tát tay/ Sống với nàng lòng luôn trung thành/ Nàng có mang không nỡ phá thai/ Tối nằm ngủ không nỡ xoay lưng/ Nói chuyện với nàng không khi nào chán.
Nếu trong sử thi hình tượng nhân vật anh hùng là hình mẫu lý tưởng của cộng đồng thì trong dân ca M’Nông hình tượng con người thường là những chàng trai, cô gái bình dị. Qua họ, tác giả dân gian muốn phản ánh những phẩm chất tốt đẹp, những tâm tưởng, khát vọng rất đời thường của người M’Nông trong cuộc sống. Chính vì vậy, dân ca M’Nông là những tác phẩm trữ tình giàu giá trị hiện thực.
  3. Hình tượng về các vị thần
Hình tượng thần linh thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm văn học dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đặc biệt là trong các sử thi.
Trong dân ca M’Nông, hình tượng các vị thần thường xuất hiện ở những bài hát khấn thần. Thần linh ở đây cũng có những điểm tương đồng như sử thi, nhưng cũng có rất nhiều điểm khác biệt.
Thần linh là biểu hiện sinh động của đời sống tín ngưỡng cổ truyền của người M’Nông. Người M’Nông quan niệm về thần đa dạng và ngự trị ở mọi chốn, mọi nơi nên còn gọi là quan niệm đa thần hoặc quan niệm vạn vật hữu linh. Do đó trong các bài hát khấn thường xuất hiện việc điểm danh rất nhiều vị thần: Tôi gọi bà thần, tôi kêu ông thần/ Thần Rừng, thần Núi/ Thần Suối, thần Sông/ Thần Ông, thần Bà/ Thần Cha, thần Mẹ... Hay: Hỡi thần Nguếch/ Hỡi thần Ngoal/ Hỡi thần Núi, thần Suối, thần Rừng... Và có cả: Các thần không biết mặt biết tên.
Con người và thần linh có quan hệ mật thiết với nhau. Theo quan niệm của họ, thưở ban đầu tầng trời và tầng đất rất gần nhau, con người có thể đi lên trời, chỉ cần bắc cầu thang là lên được tầng trời và có thể rủ nhiều người đi lên trời. Thần linh cũng có những tính cách, công việc giống con người: Thần Bing ngồi dệt vải trước cửa nhà/ Thần Jông ngồi dệt vải trước cửa nhà...
Thần trong dân ca M’Nông có cả nam nữ, ông bà, cha mẹ, thiện và ác. Thần thiện tìm cách giúp đỡ con người còn thần ác thì chuyên tìm cách ám hại con người. Con người thường cúng lạy và cầu khấn cả hai loại thần này nhằm cầu mong sự giúp đỡ và loại trừ xui quảy.
Chẳng hạn trong bài Ôp Brah (Làm cúng cầu khấn thần), người ta dâng cúng gà, heo để cầu mong thần ban cho sức khỏe, của cải và chiến thắng: Con gà nhỏ to bằng quả byăp/ Con gà nhỏ to bằng quả blân/ Con heo nhỏ to bằng con sóc/ …Cầu thần đá tên là Nsung/ Cầu thần đá tên là Nsong/ Cầu thần đá tên là Kong và Yang/ Cầu hòn đá nở tên là Dôt và Dôi/ Hôm nay tôi cầu khấn các thần/ Hôm nay tôi cầu khấn thần rừng/ Hôm nay tôi cầu khấn thần cây to/ Hôm nay tôi cầu khấn các thần/ Đừng cho tôi mang nợ nần nhiều/ Đừng cho tôi đau ốm nhiều/ Hôm nay tôi cầu đi đánh nhau cho thắng/ Hôm nay tôi cầu dành trâu cho thắng/ Hôm nay tôi cầu hốt lúa giống cho được/ Đánh thắng về tôi mừng ché rượu/ Đi đánh về trâu to tôi chém/ Rượu một chai để thêm ché rượu.
Cuộc sống của người M’Nông luôn gắn liền với công việc nương rẫy. Do vậy họ khấn thần để cầu mong có được những vụ mùa thuận lợi, lúa ngô chật rẫy, chật bồ: Tôi gọi bà thần, tôi kêu ông thần/ Thần Rừng, thần Núi/ Thần Suối, thần Sông/ Thần Ông, thần Bà/ Thần Cha, thần Mẹ/ Các thần không biết mặt biết tên/ Hãy đến ăn heo, uống rượu/ Mong các thần/ Cho tôi làm rẫy/ Lúa tốt, ngô nhiều/ Lúa chật bồ/ Ngô chật rẫy!
Đặc biệt đối với nghề săn voi, trước khi lên đường, đoàn đi săn đều tế lễ khấn thần để cầu mong thần phù hộ bắt được những con voi lành lặn, khỏe mạnh: Hỡi thần Nguếch/ Hỡi thần Ngoal/ Hỡi thần Núi, thần Suối, thần Rừng/ Mời các thần hãy cùng nghe đây:/ Đất nước các thần trông coi/ Được thấy dấu vết con voi/ Ở nơi bến nước có uống/ Ở nơi bãi phẳng có nằm…/ Mời về đây, dự lễ các thần/ Mời về đây, uống rượu cần chung ché/ Các người hãy trông nom con voi đi lẻ/ Sao cho chân nó khỏe, chân nó mạnh/ Sao cho cây rừng phải tránh, phải né/ Sao cho đừng vướng dây mẹ, dây con/ Sao cho vuông tròn, chẳng sầy tí xíu.
Tóm lại, hình tượng thần linh trong dân ca M’Nông là hình tượng do con người tưởng tượng ra, gắn liền với đời sống tín ngưỡng cổ truyền của cộng đồng. Qua đó, các tác giả dân gian đã gửi gắm ước mơ của mình, họ mong muốn trong cuộc sống sẽ luôn có những lực lượng siêu nhiên giúp đỡ mình thực hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên cũng như đạt nhiều kết quả tốt đẹp trong công việc và cuộc sống xã hội. Đó cũng chính là ý nghĩa của hình tượng thần linh trong các bài dân ca M’Nông.


Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

CUỐI NĂM NHÌN LẠI tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ẤT MÙI 2015









Một mùa Xuân nữa lại đến với chúng ta với biết bao dự định tốt đẹp. Bởi năm tới là một năm đặc biệt: Có nhiều ngày lễ trọng đại, cũng là năm bản lề mở ra một trang mới cho sự phát triển đất nước, khởi đầu bằng đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII.
Tạp chí Chư Yang Sin - cơ quan ngôn luận của Hội VHNT Đắk Lắk, trong năm 2014 đã bắt kịp với xu thế chung của dòng chảy văn nghệ cả nước, kịp thời định hướng dư luận xã hội hướng tới những điều tốt đẹp, nhân bản, thông qua các tác phẩm đăng tải trên Tạp chí, góp phần tích cực thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cơ quan văn nghệ địa phương  trong năm mới 2015, chúng ta hãy cùng nhìn lại năm 2014 để thấy rõ hơn những ưu, khuyết của mình.
Bước vào năm 2014, Tạp chí Chư Yang Sin vẫn còn khó khăn chồng chất. Mặc dù từ đầu nhiệm kỳ (2010 - 2015) BCH Hội đã ra nghị quyết về kiện toàn công tác tổ chức, nhưng ba năm trôi qua vẫn chưa thực hiện được: chức danh Tổng biên tập không được bổ nhiệm; con dấu không, tài khoản không, vì thế chưa có đủ tư cách pháp nhân để giao dịch, tất cả phải thông qua pháp nhân của cơ quan Hội. Nhà văn Lê Khôi Nguyên - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội là Đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh, công việc đã nhiều còn gánh luôn cả chức Q.Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin, nên “đã bận càng thêm bịu”. Biên chế nhân sự của Tòa sọan chỉ có hai, hợp đồng thêm một và một lãnh đạo chuyên trách, tổng cộng chỉ có bốn người, phải đảm nhiệm toàn bộ công việc của một cơ quan báo chí (đã được lãnh đạo tỉnh quy hoạch là một trong 4 cơ quan báo chí chính thức của tỉnh nhà, gồm Báo Dak Lak, Đài Phát thanh - Truyền hình, Tạp chí Khoa học & Kỹ thuật Đắk Lắk và Tạp chí Chư Yang Sin). Nhân sự thiếu, cơ sở vật chất cũng thiếu trầm trọng, toàn bộ Tòa soạn làm việc chung trong một căn phòng trên lầu hai, chiều rộng 3,8m; chiều dài hơn 10 mét.
Bức xúc với khó khăn của Tạp chí, trong buổi gặp mặt đầu Xuân 2014, một vị lãnh đạo Hội, đã đăng đàn “ôn nghèo, kể khổ” với lãnh đạo Tỉnh. Nhiều người có mặt hôm đó đã không bằng lòng, vì cho rằng: Đầu xuân năm mới chỉ nên nói chuyện vui, chúc tụng nhau thôi. Sau phát biểu của lãnh đạo Hội, ông Hoàng Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh đã hứa sẽ giải quyết những bức xúc lãnh đạo Hội. Tháng 3.2014, Tạp chí nhận được tin vui: UBND tỉnh đồng ý cấp kinh phí năm 2014 cho Tạp chí 500 triệu đồng - hơn gấp đôi những năm trước đây (nhưng chỉ mới bằng ½ của nhiều tỉnh bạn). Với nguồn kinh phí này, Tạp chí đã đủ trang trải nhu cầu tối thiểu nhằm duy trì xuất bản tháng/kỳ/500 bản để phát cho hội viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh và một số ngành cấp huyện. Nhuận bút trả cho cộng tác viên có được nâng lên, nhưng cũng chỉ ở mức “có hơn không”. Dù vậy Tạp chí cũng đã bắt đầu thu hút được cộng tác viên ngày càng đông, mỗi ngày đã nhận được hàng trăm tác phẩm từ mọi miền Tổ quốc gửi về.
  Khó khăn là thế, nhưng với quyết tâm cao của lãnh đạo Hội, lãnh đạo Tạp chí và toàn thể anh chị em cán bộ nhân viên, tất cả đều chung tay chia sẻ công việc, làm thêm ngoài giờ, nhằm giúp Tạp chí Chư Yang Sin “đến hẹn lại lên” vào ngày 20 hàng tháng. Sau mỗi số xuất bản, Q.Tổng biên tập Lê Khôi Nguyên lại triệu tập toàn bộ cơ quan ngồi lại với nhau xem xét tỉ mỉ  hình thức, nội dung, lắng nghe ý kiến phản hồi của bạn đọc; từ đó rút kinh nghiệm để khắc phục những thiếu sót. Nhờ vậy chất lượng Tạp chí ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn nghệ của đông đảo bạn đọc.
Tháng ba, trong buổi giao ban định kỳ hàng tháng của Tạp chí, nhà thơ Đặng Bá Tiến, Phó tổng biên tập đặt vấn đề: Qua đi thực tế ở cơ sở trong tỉnh, thấy có rất nhiều CLB Thơ đang sinh hoạt, họ mong muốn Tạp chí chúng ta là “bà đỡ” để các CLB Thơ có thêm sân chơi và liên kết với nhau, tạo thành một phong trào lành mạnh, có ý nghĩa, nhất là đối với những người cao tuổi, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Từ đề xuất đó, Q.Tổng biên tập đã tổ chức cuộc gặp mặt toàn thể lãnh đạo các CLB Thơ trên địa bàn tỉnh với lãnh đạo Tạp chí. Hơn 10 CLB Thơ ở các huyện đã đến dự, trong đó có các CLB đã hoạt động khá lâu, như CLB Thơ huyện Cư Kuin, CLB Thơ xã Ea Ô, CLB Thơ xã Ea Pal, CLB Thơ liên xã Cư Huê - Ea Kmut (huyện Ea Kar); CLB Thơ xã Phú Xuân (huyện Krông Năng); CLB Thơ Hoa Đời (huyện Krông Ana)… Trong buổi gặp mặt, các đại biểu có nhiều ý kiến hay đóng góp với Ban biên tập và cũng tại cuộc gặp mặt này, lần đầu tiên các CLB Thơ trong tỉnh biết đến nhau, cùng hứa hẹn tổ chức các buổi giao lưu, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm và cổ vũ phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Sau cuộc gặp với các CLB Thơ trên địa bàn tỉnh nhà, Tạp chí Chư Yang Sin từ số 260 (4.2014) đã mở thêm chuyên mục: Trang thơ Câu lạc bộ, do nhà thơ Đặng Bá Tiến - Phó tổng biên tập trực tiếp phụ trách. Mở thêm chuyên mục, dĩ nhiên những người làm Tạp chí lại bận bịu thêm. Anh  chị em động viên nhau làm việc cả ngày nghỉ, thậm chí cả đêm để hoàn thành công việc được giao, đảm bảo Tạp chí ra đúng kế hoạch. Người ngoài cuộc không thể biết, có những ngày đêm nhân viên vi tính Y Kuan Ny Niê dù bị bệnh vẫn cố gắng lên cơ quan làm việc. Hay họa sỹ An Quốc Bình - Thư ký Tòa soạn, đêm đêm túc trực bên giường bệnh của thân mẫu (bị tai nạn giao thông, nằm trong bệnh viện tỉnh), vẫn ôm máy vi tính xách tay tranh thủ làm việc cho kịp tiến độ. Vất vả khó khăn là vậy, nhưng tất cả mọi người đều vui vẻ, tự giác hoàn thành công việc của mình. Nhờ vậy, trong năm 2014 Tạp chí Chư Yang Sin xuất bản đủ 12 kỳ với hơn sáu ngàn bản, một con số khiêm tốn về số lượng, nhưng đã đóng góp lớn vào đời sống văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh nhà.
Điều trăn trở nhất của lãnh đạo Tạp chí là các chi bộ Đảng và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh hiện nay vẫn chưa được đọc Tạp chí Chư Yang Sin. Làm cách nào để đưa được Tạp chí đến với cơ sở, ít nhất là thư viện, đảng ủy, chính quyền cấp xã? Chưa được Tạp chí đến với cơ sở là lãng phí một nguồn lực quan trọng để thực hiện Nghị quyết 33/NQ-TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đây là điều trong năm 2015 mong được lãnh đạo tỉnh quan tâm.
Năm 2015 ngoài việc duy trì các chuyên mục hiện có, Tạp chí có thêm các chuyên mục mới như Sổ tay người yêu thơ, Đắk Lắk mến yêu… tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung và hình thức trên cơ sở bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh nhà. 2015 cũng là năm kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam; 60 năm thành lập lực lượng vũ trang Đắk Lắk, Tạp chí hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm về đề tài này, nhằm khẳng định công lao to lớn của các thế hệ đi trước và những người đang công tác hiện nay trong các lực lượng kể trên, góp phần bảo vệ sự bình yên cho đất nước, hạnh phúc của nhân dân.

Buôn Ma Thuột Xuân 2015

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ẤT MÙI - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

Nhà văn NGUYỄN VĂN THIỆN
(hội viên Hội VHNT Dak Lak)



NHỮNG TIẾNG NÓI CỦA RỪNG
TRÊN CHƯ YANG SIN


Một năm nữa đi qua, nhìn lại những bước đi, lắng nghe từng giọng nói, đến giờ phút này, có thể khẳng định, thanh âm chủ đạo nhất của truyện ngắn trên Tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin năm vừa qua chính là những tiếng nói của rừng!
Những năm trước, luôn luôn ở trong tình trạng thiếu truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn hay cho mỗi số tạp chí, người làm công tác biên tập phải thưởng xuyên gọi điện thoại xin bài vở. Năm nay, mọi thứ đã khác, Chư Yang Sin đã có nhiều tác giả và tác phẩm tìm đến, trong số đó, nhiều gương mặt vốn đã quen thuộc trong những năm trước, bây giờ trưởng thành, chững chạc cất tiếng nói. Đa số, là những gương mặt trẻ, từ 25 đến 30 tuổi, phong cách và đầy triển vọng, là hội viên của Hội VHNT Đắk Lắk. Chỉ nói riêng về mảng truyện ngắn, thì trong năm qua, là một năm thành công của những cây viết trẻ!
Nguyễn Anh Đào từ Buôn Hồ vẫn đều đặn gửi đến độc giả những câu chuyện đẫm chất đời thường mà nhiều day dứt, trăn trở. Những câu chuyện, nhiều khi, chính ta đã gặp đâu đó, mà không kịp để ý, phân tích, so sánh. Đương nhiên, nhà văn không chỉ dừng lại ở việc kể chuyện. Đằng sau đó là một bài học nhân sinh mà tác giả muốn trao đổi với người đọc. Vay - Trả, hay Trước sân tòa án là những truyện ngắn gửi gắm nhiều tâm sự. Tuy nhiên, người đọc vẫn chờ đợi nhiều ở tác giả trẻ này những thể nghiệm mới về câu chữ, về kết cấu truyện ngắn, về sự tung tẩy bất ngờ của trí tưởng tượng. Viết văn là một trò chơi đầy cảm xúc, ai đó đã từng nói vậy!
H’Xíu Hmôk trưởng thành hơn trong chính những đề tài quen thuộc: Sự trăn trở của buôn làng Êđê trong cơn lốc hội nhập. Nhân vật trong truyện không có gì đặc biệt, cốt truyện cũng không có gì đặc biệt, nhưng điều hấp dẫn trong truyện ngắn H’Xíu chính là sự đằm thắm của tình cảm dành cho quê hương. Hy vọng, sang năm mới, ở một độ tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống, H’Xíu lại dành thời gian để thủ thỉ với bạn đọc về buôn làng mình, như dòng suối, như gió ngàn, kể chuyện về thảo nguyên mênh mông.
Người tạo ấn tượng đặc biệt nhất cho bạn đọc văn xuôi Chư Yang Sin chính là H’Siêu Byă. Cô gái ra đi từ dưới chân núi Chư Prông, đang học ở Sài Gòn, bất ngờ một ngày nào đó, cất lên tiếng hát của thảo nguyên, làm mê đắm lòng người. “Cha mài dao, vót tre dưới sàn. Sàn nhà thấp, lưng khom khom. Tóc dài rũ rượi xõa trắng vai. (...) Bóng cha đổ dài theo chiều nắng, gầy và buồn. Con heo ngứa chà mình xàn xạt lên cây cột nhà, ủi ủi dưới đất đòi ăn, rúc dưới chân cha nhai cây chuối rau ráu. Cha đứng loạng choạng, bước chân lên cầu thang không vững. Mây thả mưa hoa li ti phủ khắp mái nhà, lên lưng con heo, lên tán lá chuối, long lanh màu nước suối trong veo. Tao Wao nói: “Cha nhớ chị, nhóm bếp mãi chẳng lên lửa”. (...) Linh hồn khóc không ra nước mắt chỉ nghe tiếng rên hừ hự. Con mèo đen như nghe thấy, nó trèo ngược lên cột nhà chạy trốn. Ngôi nhà bụi quá, mạng nhện kéo bên này bên kia. Cha nằm nghiêng đầu đặt trên cánh tay phải, tiếng thở nhẹ hơn tiếng dế, nhìn rất thương” (Tao Wao mùa Ninh Nông, số tháng 12). Nghe tiếng cây rừng reo, thác nước đổ, điệu khan nức nở, nhưng không bắt chước được đâu. Truyện ngắn của H’Siêu tràn ngập những hình ảnh và âm thanh của núi, không chỉ bởi trí tưởng tượng không giới hạn, sự hồn nhiên trong trẻo, mà còn bởi khả năng sử dụng ngôn ngữ đặc biệt của tác giả, một người Êđê kể chuyện. Không tin ư? Bạn hãy thử viết như H’Siêu xem? Khó lắm!
Trong năm qua, bạn đọc cũng nhiều lần được nghe những âm thanh mới mẻ, một giọng kể chuyện nhẹ nhàng, đằm thắm của một cây viết trẻ, một hội viên mới gia nhập Hội VHNT tỉnh nhà: Lâm Hạ. Tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Lâm Hạ đã chinh phục bạn đọc bằng giọng văn chững chạc. Ấp trứng (Chư Yang Sin số tháng 12) là một truyện ngắn lạ và hay, một lối tìm tòi thú vị có khả năng dẫn dụ người đọc vào thế giới của sự tưởng tượng không giới hạn. Một lối viết khó, đòi hỏi lao động nghiêm túc và khả năng liên tưởng trùng điệp. Sang năm mới, hy vọng chúng ta còn được nghe những âm thanh kỳ lạ, hấp dẫn từ núi Chư H’Lâm huyền thoại.
Có một cô gái mang trong mình dòng máu mẫu hệ, xa núi, xa rừng nên lúc nào cũng khắc khoải nhớ thương và phập phồng mong ngóng. Đó là Trần Hương Giang, tác giả thường xuyên xuất hiện trên tạp chí trong năm qua. Truyện ngắn và tạp bút của Giang là một âm thanh khó lẫn lộn giữa muôn ngàn tiếng nói tiếng cười và cả tiếng khóc của thảo nguyên. Chững chạc, đằm thắm mà không hề điệu đàng làm dáng. “Em nhớ con suối reo giữa trưa nắng, theo cha theo mẹ lên rẫy lên nương, lên đồi cao vời vợi đón cơn mưa mùa hè đổ xuống mát rượi, ủ từng mầm cây xanh ngắt, ủ từng cụm nấm mối đang đợi ngày bung xòe, vươn vai hít thở khí trời, dưới từng lớp đất đỏ bazan nồng nàn như phủ lớp màu mỡ của quê mình.
Có điều gì đó không hẳn chỉ là tiếng thác đổ trong em. Quặn thắt như ngày xưa, mỗi lần ngậm ngùi rời khỏi núi đồi, rời khỏi căn nhà đầy ắp nụ cười và nước mắt, rời khỏi những hàng cây hai bên đường đang dần dần khuất mặt cả tuổi thơ, cả thuở ngây ngô cháy khát ước mơ tung cánh chim trời. Ai bảo đi xa, tìm kiếm những điều lạ lẫm là vui, là ngập tràn màu hồng tô đỏ rạng ngời? Ai bảo một tiếng chim rừng giữa chốn này, không khắc khoải đến khôn nguôi từng phút giây cách biệt?” (Tạp bút Có điều gì đó rung reo, Chư Yang Sin số tháng 8).
Thảo nguyên là thế đấy, ở gần thì yêu thương, ở xa thì ngút ngàn nỗi nhớ! Năm cũ đã qua đi, một mùa xuân mới đang về. Người biên tập vốn cũng không còn trẻ nữa, xin được đứng nép mình đâu đó, dưới bóng cây ven rừng, mà vui mừng lắng nghe giàn đồng ca trẻ trung, tràn trề sức sống cất lên tiếng nói của thế hệ mình. Xin gửi lời chúc tốt lành đến tất cả mọi người, chúc những cây bút truyện ngắn sang năm mới nhiều sáng tạo, chúc bạn đọc dồi dào sức khỏe, để còn lắng nghe, dõi theo những âm thanh quyến rũ của núi rừng!



Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ẤT MÙI - tác giả ĐOÀN HUY HÀ





Nhớ anh Phùng Quán


Xuân về, tôi nhớ Anh
nhà thơ từng
“cá trộm, văn chui, rượu chiụ”
một thời bên “chòi ngắm sóng” Hồ Tây…

như cây xương rồng mọc lên từ cát lửa
khí phách thi nhân
thấm trong xương tủy:
“Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu!”*

Tôi nhớ Anh
đọc thơ Đỗ Phủ
ngọn đèn dầu lúc mờ lúc tỏ
“Lặng im mà gầm thét
Câu câu đều đẫm huyết
Mỗi chữ đều như
Róc từ xương thịt… cuộc đời!”*

Ngày xuân thắp nén tâm nhang
nhớ Anh 21 năm vào cõi vĩnh hằng
nhưng Anh mãi là
“Anh Bộ đội Cụ Hồ”
Mãi là nhà thơ chiến sĩ!

20.1.2014


* Thơ Phùng Quán

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ÂT MÙI - VĂN THANH



Hoa trạng nguyên

Nó là lá
không phải là hoa
trời đất sinh ra
đã mang màu đỏ

học hành gì đâu
mà đậu đỗ
sao lắm người
phong nó
Trạng Nguyên.


Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ XUÂN ẤT MÙI - tác giả THU HƯƠNG

Nhà văn - Nhà báo THU HƯƠNG
(hội viên Hội VHNT Dak Lak)



LỄ CÚNG SỨC KHỎE CHO VOI
CỦA NGƯỜI M’NÔNG RLĂM TẠI HUYỆN LẮK



Có một nghi lễ đã tồn tại lâu đời trong cộng đồng người dân tộc M’Nông R’Lăm ở huyện Lắk thể hiện tình cảm và mối quan hệ giữa con người với con vật, giữa con người với vạn vật trong tự nhiên, đó là lễ cúng sức khỏe cho voi.
Tại Đắk Lắk, có 2 địa phương hiện nay vẫn còn lưu giữ được một số voi nhà đó là huyện Buôn Đôn và huyện Lắk. Liên quan đến voi, có rất nhiều lễ cúng như cúng trước khi đi săn, cúng sau khi đi săn về, làm lễ đặt tên cho voi, làm đám cưới voi, khóc voi… Trong đó, có một nghi lễ mang tính chất thường xuyên đó là nghi lễ cúng sức khỏe cho voi. Chúng tôi đã có may mắn được chứng kiến lễ cúng sức khỏe cho voi tại gia đình Yo Luyết, buôn Jun, huyện Lắk. Gia đình Yo Luyết có một con voi tên là: Na Ban. Khi Yo Luyết tổ chức cúng sức khỏe cho voi Na Ban thì có nghĩa là các con voi trong buôn đều được cúng. Yo Luyết rất phấn khởi khi có người quan tâm đến tập tục truyền thống của gia đình và buôn làng, ông cho biết: “Để cúng sức khỏe cho voi người M’Nông chúng tôi thường tổ chức trong 3 ngày bao gồm cúng rước ông bà về; cúng cho chủ voi và cúng cho voi. Việc cúng cho voi ngoài việc cảm ơn thần linh phù hộ còn cảm ơn voi đã giúp đỡ con người. Vì đối với con voi này, không chỉ có chủ voi dùng mà cả làng đều dùng nên dịp này cả làng đều tạ ơn cho voi”.
Nghi lễ cúng sức khỏe cho voi không nhất thiết phải là một ngày cố định trong năm mà có thể linh động vào bất cứ ngày nào trong năm để thuận tiện cho gia chủ. Vào ngày thứ nhất họ cúng cổng buôn và mời ông bà đã khuất về dự lễ. Nghi lễ này có ý nghĩa: Tỏ lòng biết ơn những người đã khuất, mời các linh hồn về chứng giám nghi lễ. Từ sáng sớm, các thành viên trong gia đình và những người trong buôn đến giúp đã tề tựu để lo mỗi người một việc. Lễ vật cho phần cúng này là 1 con heo và 2 ché rượu. Đầu tiên, người ta sẽ tiến hành giết heo để chuẩn bị đồ cúng. Sau khi các ché rượu đã được buộc vào cột lễ sẵn sàng cho lễ cúng thì lúc này cồng chiêng nổi lên, báo hiệu cho dân làng biết về buổi lễ này. Trong lúc cồng chiêng đang đánh thì thầy cúng và người phụ cúng rót rượu vào đầy một ống tre và một sừng trâu. Bà chủ nhà thì cầm cần rượu, thầy cúng và người phụ cúng sẽ đi xung quanh buôn, tưới rượu vào những gốc cây to, đọc lời cúng mời các linh hồn đã khuất về dự lễ. Sau đó, thầy cúng trở về nhà chủ voi là Yo Luyết để làm lễ cúng tổ tiên.
Trong lễ cúng này, thầy cúng còn dùng huyết heo để bôi lên các ché rượu sẽ được cúng, bôi lên cây cột ché rượu, bôi lên các chiêng trong dàn chiêng, trong gian bếp và ở 2 đầu hồi nhà. Đối với người Tây Nguyên có máu huyết là có hồn vì vậy nghi thức này có ý nghĩa là gọi hồn về.
Khi lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ gồm có một con heo đã luộc có đầu, mình, đuôi, có một bầu nước, xôi, rượu cần, cháo và các loại thịt như thịt băm nhỏ, nội tạng heo, thịt trộn huyết. Tất cả đã sẵn sàng, thầy cúng tiến hành làm lễ mời ông bà về hưởng và chứng giám cho con cháu trong lễ cúng sức khỏe cho voi, lời cúng tổ tiên có đoạn: “Hỡi thần cai quản linh hồn đã khuất/ Cai quản linh hồn ông bà chú bác/ Cơm mang cho ăn, nước đem cho uống/ Ở trong hang giữ con cháu yên lành/ Đây ché rượu bô, con heo thiến dâng lên cho các thần/ Cho linh hồn ông bà chú bác đã khuất”.
Sau khi cúng xong, thầy cúng làm nghi thức mời linh hồn đã khuất vào nhà hút thuốc, uống rượu. Sau đó, lần lượt mời các ông bà, chú bác, chủ nhà, khách đến dự cùng cầm cần rượu để tỏ lòng quý mến. Lúc này, mọi người sẽ cùng nhau nghe đánh cồng chiêng và uống rượu cần cho đến hết ngày.
Sang ngày thứ hai, nhà Yo Luyết lại rộn ràng để tổ chức nghi thức cúng sức khỏe cho chủ voi. Chủ voi là 2 vợ chồng Yo Luyết, năm nay đã gần 80 tuổi. Nhà Yo Luyết sở hữu con voi này từ năm 1962. Lễ vật được chuẩn bị gồm 4 ché rượu. Trong đó, 3 ché rượu cúng cho 3 vị thần, ché rượu thứ nhất cúng Yang Teh là vị thần cai quản đất đai, nương rẫy, phù hộ cho chủ voi trong canh tác nương rẫy để đất đai màu mỡ, hoa màu tốt tươi. Ché rượu thứ hai là cúng cho Yang Bri có nghĩa là ông Trời, là vị thần tối cao của các vị thần, giúp cho mưa thuận gió hòa, bảo vệ mùa màng và sức khỏe con người, sức khỏe các loài vật. Ché rượu thứ 3 cúng cho Yang Găp Uôn là vị thần cai quản dân làng và của cải, vật nuôi, phù hộ cho con người và con vật luôn gần gũi, trung thành với nhau, không phản chủ, không phá hoại mùa màng. Ché thứ tư cúng cho chủ voi cùng gia đình. Ý nghĩa của lễ cúng này là để cho thần linh phù hộ cuộc sống cho người và bảo vệ mùa màng, cai quản của cải, vật nuôi, cầu mong cho chủ voi có sức khỏe để nuôi dưỡng đàn voi khỏe mạnh, trung thành với con người. Thành phần dự có các chủ voi trong buôn và mọi người trong gia đình. Lời cúng gọi các vị thần có đoạn: “Hỡi thần cai quản, thần phù hộ/ Người cha sinh ra, người mẹ nuôi nấng/ Đàn ong cho nhiều mật, cây ra nhiều quả/ Tôi gọi thần sung, cây đa/ Thần cai quản muôn thú, Thần sinh ra con người/ Sinh con trai, con gái/ Sinh con trai biết xử phạt, sinh con gái biết đẻ con/ Mai này làm cho dân làng vui vầy/ Biết bắt chước người cha chú đi trước/ Làm theo ông bà ngày xưa,…”
Nghi thức cúng xong, thầy cúng mời chủ nhà uống trước, đến vợ và con cái trong nhà, sau đó mời mọi người đến dự uống để cùng chia vui chúc mừng chủ voi và gia đình.
Sang ngày thứ 3 là lễ cúng sức khỏe cho voi. Lễ vật chuẩn bị cũng 1 con heo cùng với 4 ché rượu cần, 3 ché cúng cho 3 vị thần là Yang Teh, Yang Bri và Yang Găp Uôn, ché thứ 4 là cúng cho voi. Trong các lễ vật, người ta còn đặt những tấm vải thổ cẩm, áo truyền thống với ý nghĩa xem voi cũng như con người. Khác với các lễ cúng hôm trước, cúng cho voi người ta thắp đèn cầy lên ché rượu. Nghi thức được thực hiện trước hiên nhà chủ voi. Khi lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ. Voi của chủ nhà và 6 con voi khác ở trong buôn được các chủ voi và nài voi tập hợp trước hiên nhà Yo Luyết để được tham gia lễ cúng sức khỏe.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, cồng chiêng nổi lên báo hiệu buổi lễ sắp sửa bắt đầu. Người ta phát cho nài voi mỗi người một cây đèn cầy, thầy cúng cúng tới con voi nào thì đèn cầy ở trên cây khèo của con đó cũng được thắp lên. Trước khi cúng, thầy cúng rải gạo lên mình voi, bôi huyết lên đầu voi. Điều này có ý nghĩa: Thể hiện sự trung thành, gắn bó giữa voi và người, để các thần linh ngăn cản và chỉ bảo đàn voi không phá hoại mùa màng, hoa màu của con người làm ra. Voi của chủ nhà luôn được cúng trước rồi lần lượt đến các voi khác. Khi cúng, thầy cúng vừa tưới huyết lên đầu voi vừa đọc lời cúng, lời cúng có đoạn: “Cầu mong các thần làm cho con voi khỏe, kéo cây gỗ, ăn lá rừng/ Kéo cây làm xà dọc xà ngang, làm cột nhà to chắc/ Nếu con trai người ta nhắc trong chòi/ Nếu con gái người ta nhắc trong nhà/ Nhắc mỏi miệng, mỏi cằm/ Cho thần quản buôn nghe/ Nhắc cho ông bà xưa nghe/ Cùng hút chung một ống điếu/ Uống rượu chung một cần/ Để có sức kéo cây về làm xà, cây cột nhà/ Để nhà cao bằng núi, cho nhà dài bằng sông”.
Trong lễ cúng này, các nài voi cũng được cúng sức khỏe. Đến con voi nào được cúng thì nài voi cũng được ban rượu, thịt và thực hiện nghi lễ nhận vòng đồng, có nghĩa là cam kết thương yêu voi như người bạn, chăm sóc cho voi luôn khỏe mạnh, không phá phách để giúp đỡ mọi người. Sau khi nghi thức cúng sức khỏe cho voi hoàn tất thì chủ nhà voi tổ chức lễ cúng mời tất cả chủ voi, nài voi và tất cả khách đến dự một buổi tiệc ăn mừng, mọi người chúc nhau những điều tốt lành cho đến tan buổi tiệc. Yo Luyết cho biết thêm: “Lễ cúng sức khỏe cho voi là một nghi lễ truyền thống có từ lâu và hình thức thực hiện từ trước cho đến nay không thay đổi. Đối với gia đình thì thực hiện 2 năm 1 lần lễ cúng này. Các chủ voi ở buôn đều tổ chức nên voi trong buôn hầu như năm nào cũng được cúng sức khỏe cả. Trong lễ cúng này, chi phí do chủ voi chịu, còn các chủ voi khác và dân làng có lòng hảo tâm thì đóng góp thêm”.
Mỗi con voi ở buôn Jun đều có một cái tên thân thương như con người, như Na Ban, Na Túc, Thông Răng, Na Plu, Na Văn, Bak Nang… Lễ cúng sức khỏe cho voi cũng là dịp để con người tạ ơn, nhắc nhở con người luôn luôn biết yêu quý và trân trọng voi, con vật luôn trung thành và phục vụ cho con người. Đây cũng là dịp để buôn làng được sống trong không khí lễ hội truyền thống, được nghe tiếng chiêng, uống rượu cần, càng gắn bó đoàn kết với nhau hơn.