Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

CHUYỆN LẠ BÊN SUỐI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ VĂN NGHỆ PHÚ YÊN số 243 tháng 4 năm 2021

 



Nhân lúc trong buôn có nhà tổ chức lễ bỏ mả(1), người lớn lo đánh chiêng và uống rượu đúng ba ngày ba đêm, lũ trẻ tự do rong chơi không ai để ý tới. Hai bạn học cùng lớp 8A, người dân tộc Êđê rủ Vân đi “khám phá” rừng Yang(2) – khu rừng mà người trong vùng không dám bước chân tới. Hai bạn rủ Vân vì Vân là học sinh người Kinh duy nhất trong lớp, học giỏi, không kiêu ngạo, hòa đồng với bạn bè. Vân nhận lời đi theo bạn vì ở nhà một mình, mẹ đi phép ra Bắc thăm ông bà, bố lên thành phố tập huấn một tuần nên không ai quản; thế là cả ba lấy thuyền ngược sông vào khám phá rừng Yang.

Sau gần một ngày lạc trong rừng, chưa tìm được đường ra sông; Y Nhớ không may bị trăn quấn, cắn vào chân, suýt chết; giờ đau không thể đi được nữa, trời về chiều nên cả ba quyết định ngủ lại qua đêm trên một khúc suối cạn toàn cát trắng.

Phía dưới chỗ chọn ngủ lại cách khoàng năm chục mét, vách đá dựng đứng tạo thành thác đá cao tới bốn mét, chính giữa suối có một vũng nước không lớn lắm, nhưng mùa khô ở trong rừng có nước là may rồi.

H’Uyên – cô lớp trưởng có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt thông minh, lúc nào cũng ra vẻ chỉ huy, xách gùi, vác xà gạc(3) đi xuống vũng nước rửa cá. Lúc chiều gặp vũng nước, cả ba bắt được hơn nửa xoong cá lóc đá, loại cá giống cá chuối nhưng con lớn nhất chỉ to hơn ngón tay cái, nhảy như ngóe. Vân đỡ Y Nhớ nằm xuống cát rồi đi theo giúp H’Uyên chuẩn bị bữa ăn tối. Thấy Vân cầm đinh ba đi xuống, H’Uyên vui vẻ bảo:

-Vân lấy xoong múc cho mình ít nước rửa cá.

-Xong ngay.

Vân cầm xoong đi lại vũng nước, cúi xuống định múc, H’Uyên vội kêu lên:

-Không lấy nước ở đó, múc trong hố kia kìa.

Theo tay H’Uyên chỉ, Vân bước lại bên chiếc hố mới được đào cách vũng nước khoảng hai bước chân, ngạc nhiên hỏi:

-H’Uyên mới đào hố này à?

-Ừ, nước ngoài vũng kia các loài thú lội xuống uống, rồi tắm nên bẩn lắm. Đào hố ra xa một chút chờ nước ngấm qua đất cát, lọc bớt chất bẩn đi, dùng đỡ lo bị đau bụng.

-Thông minh nhỉ.

-Thấy người lớn làm khi đi rừng, mình bắt chước thôi. Vân mang đinh ba xuống đây làm gì?

-Xem vũng nước có cá không, bắt thêm mấy con nướng ăn cho đã.

-Có biết bắt không đấy?

H’Uyên tay rửa mấy con cá lóc đá bắt khi đi đường, miệng hỏi; Vân không nói gì cầm đinh ba đi xăm quanh vũng nước, bất ngờ reo lên:

-Tóm được một con rồi!

-Con gì đấy?

-Từ từ sẽ biết.

Vân kéo lê cây đinh ba lên trên mặt cát. Một con cá trê đen thui chắc phải nặng đến cả ký bị mũi đinh cắm trúng đầu, đang cố gắng giãy giụa nhưng không thoát ra được. Đưa cá cho H’Uyên, Vân tự hào nói:

-Thấy tay nghề điêu luyện chưa, bắt thêm con nữa nhé.

-Tại con cá này xui mới bị Vân đâm trúng thôi.

H’Uyên mỉm cười trả lời như thách thức, Vân cự lại:

-A, xem thường nhau quá; hãy đợi đấy!

Nói xong, cầm cây đinh ba xăm tiếp; mới chọc đến lần thứ ba đã reo lên:

-Lại một con cá “xui” nữa nè H’Uyên!

Kéo con cá lên bờ, Vân cười tỏ vẻ đắc thắng. H’Uyên cũng vui vẻ chấp nhận:

-Biết Vân bắt cá giỏi rồi. Giờ bê dùm cá lóc đá lên bếp trước nhé.

-Tuân lệnh!

Những con cá lóc đá nhỏ như ngón tay, được rửa sạch, xếp vào thân cây le chẻ đôi, buộc lại. Vân hai tay cầm hai nắm que tre lớn mang đến bên đống lửa, đặt lên mấy cái lá cây dầu to hơn hai bàn tay xòe, H’Uyên mang trong rừng về lúc chiều rồi định quay xuống lấy cây đinh ba. Y Nhớ bảo:

-Hôm nay Vân làm thêm cả việc của mình nữa nhé.

-Yên tâm đi, Vân hôm nay khác Vân hôm qua rồi, không phải lo đâu.

Nói xong Vân vừa chạy, vừa nhảy qua mấy hòn đá xuống bên vũng nước, giúp H’Uyên mang tiếp cá lên nướng. H’Uyên làm thịt cá xong, rửa tay, chùi xoong định múc nước mang lên đun để uống. Vân bước lại nói:

-Để Vân bê xoong cho.

Miệng nói, tay giật chiếc xoong trên tay H’Uyên, không ngờ cái giật hơi mạnh làm đít xoong đập luôn vào cán cây đinh ba cắm bên cạnh nghe đến b… o… ong một cái. Tiếng kêu không lớn lắm, nhưng dưới lòng suối nên ngân lên như tiếng chiêng, vọng vào rừng.

-H…ù… m!

Tiếng gầm của con hổ bất ngờ vang lên, xé tan cảnh chiều tà, sát ngay cạnh hố nước. Vân giật mình cũng thét lên: “H… u… ầy!” rồi buông xoong ra, với tay giật luôn cây đinh ba giơ lên chuẩn bị nghênh chiến. H’Uyên thấy vậy buột miệng khen:

-Con hổ này chắc yếu bóng vía, gầm to vậy nhưng khi nhìn thấy Vân cầm cây đinh ba hùng dũng thế kia đã bỏ chạy mất rồi.

-Thật hả, cả ngày lạc trong khu rừng này, gặp hổ nhiều lần quá nên không còn thấy sợ nữa!

-Thú trong rừng loài nào cũng sợ người cả. Con trăn to như thế, quấn được Y Nhớ rồi mà vẫn phải bỏ chạy vì một ngọn lửa bé tý tẹo đốt vào bụng nó đấy thôi. 

H’Uyên đeo gùi, bê xoong nước đi trước; Vân cầm cây đinh ba và xà gạc đi sau, leo qua mấy hòn đá dựng đứng chắn lối, lên bếp lửa. Y Nhớ nghe tiếng hổ gầm cũng vội vàng ngồi bật dậy vớ cây lao dựng đứng lên, nhìn xuôi xuống lòng suối, khuôn mặt thoáng lo âu. Thấy hai bạn lên, mừng quá, hỏi:

-Lại gặp hổ à?

-Có thấy hổ đâu, chỉ nghe nó gầm sát bên cạnh thôi.

Vân trả lời. H’Uyên lấy ba hòn đá để bên đống than, đặt xoong lên xong xuôi mới nói:

-Chắc con hổ đi ra tìm nước uống bị Vân để xoong đụng vào cán đinh ba làm nó giật mình, gào lên rồi bỏ chạy luôn.

-Con hổ này chắc khát quá sao đi ra sớm vậy nhỉ?

Vân thắc mắc nói với hai bạn, Y Nhớ cười:

-Cũng có thể nó đói đang trên đường ra hố nước rình mồi, nghe tiếng xoong nên sợ hãi kêu lên rồi bỏ chạy cũng nên. Vân có sợ không?

-Vân tiến bộ nhiều lắm, không những không sợ mà còn định dùng đinh ba đánh nhau với hổ nữa đó.

H’Uyên trả lời, đôi mắt không giấu được nét vui làm Y Nhớ cũng vui lây, buột miệng khen:

-Vậy là Vân thành người Tây Nguyên thật rồi.

Vân cười trừ, đôi má của cậu bé mười ba tuổi ửng hồng. Màn đêm từ từ buông xuống, cảnh vật mờ dần rồi chìm vào bóng tối. Vân giúp H’Uyên nướng hai con cá trê xuyên cây qua miệng, đặt trên than hồng; mỡ cá nhỏ xuống thỉnh thoảng kêu lên thành tiếng “xèo”, mùi thơm ngào ngạt bay lên làm cái bụng đói réo ào ào. H’Uyên nhanh tay lật qua, lật lại hai hàng cá lóc đá gác lên hai hòn đá; da cá từ màu đen chuyển dần thành màu vàng, trông thật ngon mắt.

Xếp một dãy cá lóc đá nướng chín lên lá cây, H’Uyên nói:

-Y Nhớ có lại gần đống lửa được không?

-Để mình thử.

Y Nhớ chống cây lao xuống cát làm điểm tựa rồi đứng dậy, từ từ bước lại bên đống lửa, trả lời:

-H’Uyên tài thật, nhờ nắm lá rừng đắp lúc nảy giờ đỡ đau nhiều rồi.

Chỉ cho bạn ngồi xuống hòn đá cạnh đống lửa, H’Uyên lấy một con cá lóc đá vừa nướng chín đưa cho Y Nhớ, bảo:

-Y Nhớ ăn đi.

-Ừ, ngon quá.

Vân một tay trở cá trê trên bếp, một tay cầm con cá lóc đá đưa lên miệng cắn ngang. H’Uyên nhìn thấy, trêu:

-Ối, Vân tham ăn quá, xương con cá này cứng lắm; cắn dọc thân, ăn thịt thôi, còn xương phải bỏ đi.

-Ơ, Vân tưởng ăn cả xương luôn.

Nghe Vân nói, hai bạn bật cười.

*

**

 

Cá trê nướng chín được đặt trên chiếc lá dầu to, bên cạnh để lõi của cây móc được cắt dài như ngón tay, chẻ nhỏ. Lấy một chiếc lá lốt lớn, đặt một lát cây móc vào giữa lá, thêm một miếng thịt cá trê trắng, cuộn lại chấm muối giã với quả é rừng, đặt vào tay Y Nhớ, H’Uyên bảo:

-Ăn thử xem có ngon không nào!

-Nhìn đã thấy ngon rồi, để Vân thử một miếng.

Miệng nói, tay với lấy một tầu lá lốt định bốc lát cây móc đặt vào, không ngờ bị H’Uyên nhanh tay giữ lại.

-Từ từ, chưa đến lượt. Khi nãy ăn cá lóc đá cắn ngang cả xương chắc no rồi thì cần gì ăn cá trê nữa.

-Ô, Y Nhớ được ăn mà bắt Vân nhịn a, không công bằng rồi.

-Ăn cũng phải biết cách mới ngon, Vân đã ăn món cây móc lần nào chưa?

-Lần đầu tiên trong đời được nghe nói thì làm gì có mà ăn.

-Vậy phải xếp hàng chờ đợị.

Vừa nói, H’Uyên vừa lấy một chiếc lá lốt lớn, bỏ hai miếng cây móc vào rồi thêm một miếng cá trê to, cuốn tròn lại đặt vào tay Vân, bảo:

-Chấm ít muối thôi không cay nhé. Quả é rừng này to hơn bình thường, chắc cũng cay hơn nhiều lắm đấy.

-Yên tâm đi, mình ăn cay tốt mà.

Nói là làm, Vân chấm mạnh miếng cá vào chén muối rồi bỏ vào miệng nhai ngấu ngiến, miệng không ngớt khen:

-Ng… on, ng… on, ng… on!

Y Nhớ nhìn Vân ăn, bỗng bật cười thành tiếng; H’Uyên cũng không nhịn được cười khi thấy nước mắt Vân trào ra.

-Yang ạ, đã bảo chấm ít thôi mà.

-Ngon, ngon lắm, nhưng mà hơi… cay cay một tý.

-Vân cầm lấy, ăn ngay cho đỡ nóng miệng.

H’Uyên đưa cả một đoạn lõi cây móc cho Vân, Vân vội nhai ngấu nghiến; vừa nhai vừa khen:

-Cây này ngọt quá, đi trời nắng chỉ cần một miếng thôi khỏi cần nước.

-Vân vẫn chưa quên được cơn khát ban ngày à?

Y Nhớ hỏi, Vân vừa nhai vừa trả lời:

-Quên thế nào được, gần trọn ngày không có một hạt nước vào miệng; chỉ nghĩ đến thôi đã thấy sợ rồi!

-Ăn đi nào, Y Nhớ phải ăn nhiều cho hết đau chân. Cây này còn có chất giải độc tốt lắm đấy.

-Ơ, H’Uyên không ăn à?

-Thấy hai người ăn mình no rồi.

-Không, H’Uyên phải ăn đi mai lấy sức còn bơi thuyền về nhà. Giờ đến lượt mình trổ tài phục vụ hai bạn. Đưa lá cho mình.

Nói là làm, Vân bắt chước H’Uyên gói từng miếng thịt và cá kẹp thêm miếng cây móc vào lá lốt rồi cuộn lại đưa cho hai bạn. Bỏ vào miệng cắn một miếng cá Vân đưa, H’Uyên không giấu được niềm vui, nói:

-Không ngờ Vân cũng khéo tay thật đấy.

-Có tiến bộ!

Y Nhớ cũng buột miệng khen bạn. Vân đỏ mặt khi được hai bạn khen, khiêm tốn nói:

-Cô giáo chẳng từng dạy: “đi đoạn đàng, học một sàng khôn”; nay đi với hai người khôn những cả ngày thì mình cũng phải học hỏi được ít nhiều chứ.

Cả ba cười òa, tiếng cười trong trẻo vọng vào màn đêm xuyên dưới tán rừng tạo nên tiếng reo vui.

*

**

Cá lóc đá nhiều như vậy, lại thêm hai con cá trê to là thế, cuối cùng cũng được “thanh toán” xong. H’Uyên vơ hết lá cây, xương cá, đồ ăn thừa bỏ vào đống lửa đốt, khói bay lên mù mịt. Vân ngạc nhiên hỏi:

-Sao lại ném hết vào bếp đốt đi thế?

-Để lại cho lũ kiến kéo đến ăn à!

Y Nhớ trả lời, H’Uyên giải thích thêm:

-Mấy thứ xương xẩu này tanh nên lũ côn trùng nghe mùi sẽ kéo đến, gây phiền phức cho chúng ta khi ngủ. Đốt đi, bọn chúng sẽ không đến nữa.

-Đây cũng là kinh nghiệm đi rừng à?

-Ừ, tất cả đều là của người đi trước dạy người đi sau thôi mà. Y Nhớ ở đây, Vân đi với H’Uyên rửa chén và lấy thêm nước về đun, đổ vào bầu mai đi đường còn uống.

Nghe H’Uyên nói, Vân ngạc nhiên hỏi lại;

-Đi giờ á, bụng no quá rồi mà trời lại tối om thế này, leo lên đá lỡ té vỡ đầu mất.

-H’Uyên chuẩn bị bó đuốc kia kìa, châm lửa lên là thấy đường đi thôi mà.

-Ơ, H’Uyên tài thế, chuẩn bị từ lúc nào mà mình không biết.

-Đi thôi!

Vân cầm bó đuốc sáng rực đi trước, H’Uyên cầm xoong và chiếc chén đi sau. Đến gần vũng nước, Vân reo lên:

-Ôi, đẹp quá H’Uyên ơi!

-Gì thế?

-Cua núi, chúng mới đẹp làm sao, giống một rừng hoa quá, lại xem này.

Dưới ánh sáng lung linh của ngọn đuốc, bầy cua núi sặc sỡ với hai màu đỏ tươi như ớt chín và màu vàng cam đang bò lổn nhổn xung quanh vũng nước. Chẳng biết ban ngày chúng ở đâu mà đêm ra nhiều thế, cứ như đi dạ hội ấy. H’Uyên đặt chén xuống cát, khẽ rón rén đi lại mép nước bắt một con cua màu đỏ to như con cua đồng lớn vật ngửa ra xem, bật cười nói:

-Con đỏ là cua đực, chắc con màu vàng là cua cái.

-H’Uyên bắt con màu vàng xem nào, chưa hẳn vậy đâu.

Một con cua màu vàng được H’Uyên cầm lên, hai chiếc còng to như hai cái càng của con bọ cạp lớn nhá nhá định cắn. Xem xong, H’Uyên cười đắc thắng:

-Thế nào, chịu thua chưa?

-H’Uyên giỏi thật.

-Vân nhìn kìa.

H’Uyên nói như reo, chỉ tay xuống mặt nước. Vân nhìn theo tay bạn và giật mình khi nhận ra cá, có rất nhiều cá trê, con nào cũng to như hai con bị bắt lúc chiều, chúng xếp thành từng hàng, bơi sát nhau, nối đuôi nhau, nhìn như chúng… nhiều hơn cả nước. Vân như đỏ mặt nghĩ đến chuyện lúc chiều nói khi bắt cá; may mà H’Uyên không nhắc lại.

Tiếng chim ăn đêm và bản tình ca của lũ côn trùng bên bờ suối bất ngờ cất lên, hòa vào nhau như cùng hòa tấu nghe thật vui tai.

 

 Mùa mưa năm 2020

Chú thích tiếng Êđê:

 

1.    Lễ bỏ mả: Lễ cúng để vĩnh biệt người quá cố, không nhắc tới nữa;

2.    Yang: thần linh;

3.    Xà gạc: một loại dao dùng phát rẫy và đi rừng của người Êđê;