Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 285 - tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO




 Tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO

MẢNH VỠ
Truyện ngắn


Giếng nước của làng thì xa, trời vừa đổ cho một cơn giông, đường đi lại đầy sình lầy nhão nhoét. Nước sinh hoạt bình thường đã khổ, nay nhà đông thêm người, ngày phải đi lấy nước hai ba lần mới đủ, khiến tôi luôn trong trạng thái bực bội.
Tôi đẩy cái xe cải tiến với mớ xô và thùng đi trước, thằng Tâm xách cái xô theo sau, tôi nạt
- Ở nhà, tao không mượn! 
Thằng nhỏ cúi đầu, đi chậm lại. 
- Em phụ chị! 
Tôi lại trừng mắt. Thằng nhỏ lủi thủi quay lưng vô nhà. 
Tôi đẩy chiếc xe, tiếng xô va vào nhau đến phát bực. Mẹ không nói không rằng từ mười ngày nay, nhiều khi nghĩ, giá mà mẹ chửi mắng, mẹ tức giận hay đánh đập, nó không khiến tôi bực bội thế này, cảm thấy như mình muốn phát điên lên khi hai mẹ con thằng Tâm suốt ngày lục đục làm chuyện này chuyện kia trong nhà của tôi.
***
Mười ngày trước, người ta chở ba tôi về trên một chiếc xe cứu thương. Tôi thấy mẹ đứng cứng đờ nhìn ba mà không thể nhỏ một giọt nước mắt, bao nhiêu lý do được người này người kia thuật lại, nhưng hình như mẹ không nghe thấy gì hết, chỉ có tôi, căm hờn đứng nhìn ba tôi như một tội đồ, người đàn ông chẳng bao ngày đem về cho mẹ hạnh phúc.
“Anh ấy say với anh em công nhân, anh ấy về công trường, cầu thang công trường đang xây chưa có tay vịn … mà chẳng hiểu sao, anh ấy leo lên tận tầng sáu làm gì, khi mọi người đều nghỉ ngơi ở tầng một?”…
Người say thì làm gì có lý do, hơn hai mươi năm làm con của ông, tôi đã học được điều đó, ông về với những hằn học đòn roi lên người mẹ và tôi, chẳng lần nào có đủ lý do. Có đôi lúc trong đời, tôi từng nghĩ rằng, ước gì một ngày nào đó, tôi cũng có thể làm đau một người mà không cần lý do, nhưng cứ nhìn vào đôi mắt mẹ, tôi chẳng biết làm gì hết, tôi cảm thấy mình vỡ vụn hết những căm hờn mà mình đã có.
Trong khi mọi người lo đám tang, thì mẹ vẫn chỉ ngồi ở góc nhà, nhìn ra chỗ ba tôi nằm, ráo hoảnh, kiểu như ai đó đã bắt mất linh hồn của mẹ đi rồi.
Một chiếc xe khác lại dừng ở cổng, không phải xe cứu thương, hai mẹ con thằng Tâm bước xuống xe rồi riu ríu đi vô nhà. Chẳng ai quan tâm, vì ngày này khách khứa đông lắm. Nhưng khi đứng trước quan tài của ba tôi, cô ấy ngất xỉu, thì mọi thứ đã khác, trong nhà tôi, ngay giây phút đó, hình như chỉ còn có hai mẹ con họ là khách.
Lúc đó, khi nhìn mẹ, tôi chẳng nhìn thấy suy nghĩ gì khác ngoài cái mắt ráo hoảnh vốn có suốt từ khi người ta đưa ba về. Hình như mẹ đã biết trước điều đó, hình như tôi nghe văng vẳng trong ký ức mình, khi mẹ còn biết rơi nước mắt, rằng “khi nào anh chết, nó mới được về chịu tang, còn bây giờ, anh đi đi!”. Tôi không biết nữa, hơn mười năm trước, với tôi, cái câu ấy chẳng có ý nghĩa gì hết, cái câu ấy như lời giải thoát cho mẹ con tôi khỏi những bạo hành, tôi thấy mình tôn thờ mẹ mà không hiểu hết tất cả câu chuyện là gì.
Ba mẹ lấy nhau hai mươi hai năm, nhưng thằng Tâm mười ba tuổi, nghĩa là trong hai mươi hai năm đó, ba đã có trên mười ba năm sống lừa dối mẹ. Một phép tính rất tàn nhẫn với mẹ, với tôi, với cái gọi là tình yêu mà mẹ luôn tôn thờ. Thậm chí những trận đòn roi vô cớ khi ba say, mẹ cũng tôn thờ. Hơn hai mươi hai tuổi, tôi vẫn chưa hiểu nguyên do vì sao, người ta vẫn có thể sống, có thể yêu, có thể bảo vệ thậm chí tôn thờ sự lừa dối và bạo hành? Vì đâu mà hèn đến thế?
Năm mười tám tuổi, tôi yêu Vũ, đi cùng Vũ và bạn bè của anh, họ dắt nhau đến một quán thịt cầy, rượu bia rôm rả. Tôi ngồi nhìn Vũ cầm cây sả sống, cắn và nhai rệu rạo. Có cái gì đó lành lạnh chạy dọc sống lưng, cảm giác bàng hoàng, hoảng hốt như phát hiện ra cái sự thật gì đó kinh khủng lắm. Chia tay Vũ mà vẫn không thể nói ra được lý do, không lẽ bảo rằng, chia tay anh vì anh ăn được củ sả sống. Nhưng hơn ai hết, tôi thấy Vũ giống ba mình, cái vết xe đổ đó tôi không được phép dẫm lên, bởi tôi biết, tôi chẳng thể nào đủ sức câm nín hay cam chịu như mẹ.
***
Vì mẹ đã từng cho phép, khi nào ba chết thì mẹ con thằng Tâm được về chịu tang, nhưng chòm xóm không thôi thương hại và xót xa cho mẹ. Họ nói ra nói vào, thậm chí có người nói thẳng, sao không đuổi mẹ con nó đi đi, tang xong rồi, đợi gì nữa, nhìn mà không cảm thấy tức hay sao?
Mẹ thằng Tâm, chẳng xinh đẹp hơn mẹ tôi, cũng chẳng trẻ hơn mẹ tôi là mấy. Có vẻ như, ai trót yêu ba rồi, cũng sống cuộc đời lầm lũi cô đơn đến tàn phai nhan sắc như thế, ba có cái thứ quyền lực nào mà tôi, một đứa trẻ, không bao giờ hiểu hết. Bỗng tôi chợt thấy xót thương cho phận đàn bà quanh tôi, chẳng ai muốn thoát ra cái kiếp người đọa đày đó. Vì những đứa con như tôi, như thằng Tâm, mà buộc họ phải câm nín như chưa bao giờ mơ mộng đến cái gọi là hạnh phúc.
Tôi bảo mẹ:
- Con người lừa dối đó, không đáng cho mẹ đau buồn, không đáng cho mẹ chịu tang, không đáng cho mẹ làm giỗ!
Mẹ cầm cây roi giắt sẵn ở cửa sổ, quất thẳng vào người tôi
- Ai dạy cho mày cái kiểu quật mồ quật mả mà chửi thế hả?
Tôi nín lặng, không khóc. Bây giờ thì đến lượt tôi không thể rơi nổi một giọt nước mắt nào, đau đớn đến cùng cực, đau đến không còn cơ quan nào trong cơ thể này không đau nữa, cứ như có từng vết dao xâu xé trong từng thớ thịt. Tôi giận mẹ, cái người đàn bà đáng thương đứng trước mặt tôi bây giờ, hình như chẳng còn là mẹ tôi nữa rồi.
***
Mẹ để người đàn bà cướp đi chồng mình sống chung một nhà, mẹ để họ ăn chung một mâm. Đó là vấn đề của mẹ.
Còn tôi, dù đẩy cái xe cải tiến ra tới giếng rồi, tôi cần phải múc đầy những xô nước kia để mang về nhà, nhưng không hiểu sao khi bám từng ngón chân xuống đất để đẩy xe ra tới đây, tôi ngồi xuống khóc. Đúng rồi, mắt tôi đâu phải là mắt của mẹ, tôi biết khóc cho cuộc đời của chính tôi, tôi khóc cho gia đình tôi, vì đâu ra thế này? Mấy bà mấy cô cũng ra giếng lấy nước, họ nhìn thấy tôi ngồi khóc, họ vỗ vai tôi
- Tội nghiệp con!
- Con phải đuổi con đàn bà giựt chồng người khác đó đi ra đường, cái thứ gì mà phải chứa chấp
- Con nghĩ sao hì hụi đẩy nước về nấu cho nó ăn, mẹ con mày có thần kinh không?
Mỗi người một câu, tai tôi gần như ù đi. Tôi đứng phắt dậy, đá mạnh vào xe, tiếng xô thùng kêu lên loảng choảng, tôi mặc kệ, bỏ đi về.
Tới cổng nhà, tôi thấy mẹ chẻ củi ngoài đầu hè, thằng Tâm và mẹ nó dọn rác ngoài sân, mớ rác bị nước mưa cuốn về, mắc vào những cành cây khô nằm vương vãi sau những ngày tang ba chưa kịp dọn dẹp. Chẳng ai nói với ai câu nào. Tôi không vào nhà, mà đi thẳng. Người đàn bà kịp ngẩng lên, vội vã gọi tên tôi “Thanh! Thanh!”, tôi chẳng quan tâm, mang tai ương, mang đau đớn vào nhà tôi, rồi tỏ ra là người tốt, là người biết quan tâm đến tôi sao?
Nhưng rời khỏi nhà, tôi biết đi đâu? Sao lại bị vứt ra đường khi mình có nhà?
Sau một hồi lang thang, tôi quay về nhà. Mẹ trợn mắt hỏi:
- Nước đâu? Mày đi lấy nước mà!
Tôi hằn học trả lời mẹ:
- Ai uống đi mà lấy!
Cái roi giắt trên cửa sổ lại được lấy xuống, tôi đứng trân nhìn mẹ.
- Mẹ à, mẹ chẳng còn là mẹ nữa rồi, nhà này, chẳng còn là nhà chúng ta nữa rồi!
Mẹ sững nhìn tôi, cây roi từ từ hạ xuống. Mẹ con thằng Tâm bên ngoài bước vô, vòng tay thưa với mẹ tôi
- Em xin chị, cho em ở đây tới khi mãn tang anh ấy, mãn tang xong, mẹ con em sẽ đi, chứ bây giờ, mẹ con em biết đi đâu?
Tôi thảng thốt:
- Sao lại mãn tang? Mười ngày mà đã khiến gia đình này điên đảo rồi, cô muốn ở đến hai năm hay sao?
- Con à, dì sẽ đi làm, sẽ phụ mẹ con lo cho gia đình, cho hai đứa con!
- Bà là ai mà nói lo cho tôi chứ? Là người phá nát gia đình của tôi kia mà! – Tôi hét lên tức tưởi.
Mẹ tôi nạt ngang:
- Đi lấy nước, con nít thì biết gì?
Tôi vùng vằng bỏ đi ra ngoài, mặc kệ mẹ tôi, mặc kệ cái lòng thương người vớ vẩn của mẹ. Tôi không tin người đàn bà đó, đã giật lấy ba ra khỏi mẹ tôi, giật lấy tình phụ tử mà đáng lẽ tôi phải được nhận, thì không lý nào tôi chấp nhận sống cùng nhà với mình.
***
Đêm, tôi ngồi ngoài hiên, đếm những ngôi sao một cách vô hồn vô nghĩa, thằng Tâm ra ngồi cạnh tôi
- Chị, em với mẹ sẽ đi! Chị đừng giận em nữa!
Tôi quay sang nhìn thằng Tâm, chợt chạnh lòng khi nhìn cái thân hình còi nhom, đen nhẻm của nó, phảng phất cặp mắt của ba tôi, cái mũi cái miệng cũng của ba tôi, nó cùng dòng máu với tôi đó, nhưng trong chuyện này, lỗi có phải của nó đâu?
Tôi chẳng biết mình phải nói gì trong cái phút yếu lòng đó, tôi không đủ bao dung để bảo thằng Tâm rằng, em cứ ở lại với chị, tôi cũng không còn đủ nhẫn tâm để bảo nó hãy đi đi, không đủ sức bặm môi trợn mắt với nó nữa. Rốt cuộc, tôi là loại người gì thế này?
***
Sáng hôm sau thức dậy, những thùng nước trong nhà đã đầy ắp, mớ xô chậu đầy ắp nước còn để trên chiếc xe cải tiến, mà hôm qua tôi còn đá nó lăn lóc ngoài giếng của làng kia mà!
Mẹ con thằng Tâm đã đi, không để lại gì, kể cả lời từ biệt tôi. Tôi nhìn lên bàn thờ ba, tấm di ảnh nhòe đi đàng sau những cây nhang còn nghi ngút khói. Mẹ vẫn lầm lũi với mớ công việc không đầu không cuối của mình. Tự hỏi rằng, liệu việc mẹ con thằng Tâm ra đi hay ở lại có quan trọng không, cái quan trọng là họ đã đến, để minh chứng cho một sự dối lừa mà không ai chối cãi được, để lại cho gia đình một sự đổ vỡ mà không có gì gắn lại cho lành.
Ngày mai, ra giếng nước, tôi lại đẩy những thùng nước khiêm tốn vừa sức mình như công việc hàng ngày phải làm như nhiều năm trước, liệu tôi có vui hơn?

   Buôn Hồ tháng 4. 2016





Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

GIỚI THIỆU VÀI NÉT VỀ CÁC ẤN PHẨM VĂN NGHỆ ĐẮK LẮK NĂM QUA của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 285 THÁNG 5 NĂM 2016






Ngày 22.4.2016 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức Ngày Hội sách Việt Nam tại Thư viện tỉnh Đắk Lắk. Đây là cuộc hội ngộ giữa những người viết sách với các nhà xuất bản, kinh doanh và bạn đọc. Đông đảo anh chị em văn nghệ sỹ Đắk Lắk – những người sáng tác, sưu tầm, biên dịch… Xin được nhìn lại một năm công bố tác phẩm và phát hành sách của Hội VHNT Đắk Lắk.
Năm 2015 do tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái, có tác động tiêu cực trực tiếp đến nền kinh tế nước nhà, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của anh chị em văn nghệ sỹ; nhưng với lòng đam mê nghệ thuật ý chí kiên định của người chiến sỹ đi tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng, anh chị em văn nghệ sỹ Đắk Lắk đã vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống đời thường miệt mài lao động để cho ra mắt độc giả nhiều tập sách có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Chỉ tính từ tháng 5 năm 2015 đến tháng 3 năm 2016 hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk đã cho ra mắt hơn chục đầu sách. Về thơ có: 100 bài thơ sen – của Tiến Thảo, Mưa xuống sân đời – của Nguyễn Đức Khẩn, Tổ Quốc là con đường bố con mình đang đi – của Nguyễn Duy Xuân, Một giọt hương – của Phan Hồng, Sáng mắt học trò – của Đoàn Huy Hà, Lão Ngư Kỳ Tân – của Bùi Minh Vũ. Tiểu thuyết có Nước mắt màu xanh thẫm của Nguyễn Văn Thiện. Tuyển tập thơ, văn, họa và nhiếp ảnh Bốn cây Kơ Nia – của bốn nữ tác giả người dân tộc thiểu số: H’Linh Niê, Niê Thanh Mai, Trần Hồng Lâm và Siu H’Kết; Nhánh cỏ dưới gót chân Đam San (Tuyển tập thơ và truyện ngắn) của bốn tác giả nữ người dân tộc bản địa: H’Siêu Byă, H’Xíu Hmok, H’Phi La Niê và H’Wê Ra Niê. Tại gió mà nhớ – ký của H’Linh Niê; đặc biệt Nguyễn Anh Đào trong vòng chưa tròn một năm đã được hai nhà xuất bản lớn là nhà xuất bản Lao Động và nhà xuất bản Văn học in hai tập truyện ngắn: “Tiếng đàn khuyết” và “Đom đóm lập lòe”… Nghiên cứu phê bình có: Thánh thơ Cao Bá Quát (2 tập) – LLPB của Vũ Bình Lục.
Nhân dịp Đại hội VI, Hội VHNT Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015 – 2020, đã cho xuất bản một số tuyển tập Văn - Thơ Đắk Lắk 2010-2014, Nhạc Đắk Lắk 2010-2014, Mỹ thuật – Nhiếp ảnh Đắk Lắk 2010-2014… để lại dấu ấn tốt đẹp với bạn đọc.
Năm 2015 được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Đắk Lắk, giải thưởng Văn học nghệ thuật Chư Yang Sin lần thứ hai được trao cho 47 tác phẩm, công trình nghệ thuật. Đây là giải thưởng cao quý của tỉnh nhà được trao 5 năm một lần, ghi nhận và vinh danh những đóng góp to lớn của anh chị em văn nghệ sỹ vào sự phát triển văn hóa tỉnh nhà. Và vui hơn khi được Hội đồng giám khảo – những GS, TS, Nhà văn, Họa sỹ… hàng đầu của cả nươc về tham gia thẩm định, đều có chung nhận xét: Giải thưởng Chư Yang Sin lần thứ hai chất lượng tương đương với giải thưởng của nhiều tỉnh, thành phố lớn! Ban giám khảo đánh giá như vậy vì tất cả các tác phẩm đoạt giải cao lần này đều đã đoạt giải cao của các chuyên ngành ở trung ương như: trường ca Rừng cổ tích của nhà thơ Đặng Bá Tiến – đoạt Giải A cuộc thi viết về đề tài công nhân do Tổng liên đoàn Lao động Việt nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (2010-2015); Ngày linh hương nở sáng tập thơ của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; Từ sông Krông Bông tiểu thuyết của nhà văn Trúc Hoài đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn Quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam…
Nhìn chung các tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết hay các tuyển tập được công bố trong thời gian vừa qua hội tụ được những tác phẩm tiêu biểu, đánh dấu một chặng đường lao động nghệ thuật của các anh chị em hội viên. Nhiều tác phẩm đã đoạt giải của các hội chuyên ngành trung ương và địa phương. Thành công ấy của các tác giả là hội viên Hội VHNT Đắk Lắk là nhờ có sự giúp đỡ của Đảng và chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho anh chị em thâm nhập thực tế, hòa mình vào công cuộc đổi mới của Đảng, góp phần làm nên một diện mạo mới trên quê hương Đắk Lắk. Và một yếu tố hết sức quan trọng đóng góp vào thành công của các tác giả đó là họ được sống và làm việc trên mảnh đất Đắk Lắk, có nền văn hóa đặc sắc, độc đáo, ẩn chứa nhiều điều huyền bí đã thôi thúc các cây bút đam mê khám phá và gặt hái được những thành công rực rỡ.
Tạp chí Chư Yang Sin, cơ quan ngôn luận của Hội VHNT Đắk Lắk vẫn đều đặn xuất bản hàng tháng, giới thiệu với bạn đọc những sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật được bạn đọc đánh giá là một trong những tạp chí chất lượng cao của cả nước. Ngoài các chuyên mục chính như: thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, văn học nước ngoài, sưu tầm văn hóa dân gian, tranh, ảnh nghệ thuật… hai năm gần đây có thêm trang chuyên đề: Sổ tay người yêu thơ, Văn học trong nhà trường… nhằm cung cấp những kiến thức văn học hỗ trợ cho bạn đọc là giáo viên, học sinh và sinh viên tham khảo để dạy và học tốt môn văn.



Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 285 - tháng 5 năm 2016

KỶ NIỆM VỀ NHỮNG LẦN ĐƯỢC GẶP BÁC
Hồi ký



 Tác giả TRIỆU MIỆN
1- LẦN ĐẦU GẶP BÁC.
Tháng 1 năm 1953, Liên khu V cho tôi đi dự Hội nghị Tổng kết Du kích chiến tranh và học các nghị quyết mới của Đảng ở Chiến khu Việt Bắc. Nguyện vọng nung nấu  tôi từ ngày theo cách mạng là được gặp Bác Hồ có thể thành sự thực.
Trước khi vào hội nghị, chúng tôi được dẫn đến một thung lũng không rộng lắm, nhưng phong cảnh rất đẹp. Dòng suối Nà Nưa từ đỉnh núi chảy xuống. Nước rất trong len lỏi qua những viên đá nhỏ lóng lánh dưới ánh mặt trời. Hai bên suối là những nhà sàn xinh xắn. Khu nhà chúng tôi đến ở khá đẹp, có đến 4, 5 căn nhà: Một bếp, một nhà ăn, một nhà khách và một nhà của cán bộ công nhân viên phục vụ. Khu nhà chúng tôi nghỉ chung quanh đều là cây to, cao, xen lẫn các cụm nứa, vầu cây thẳng tắp. Giường ngủ có đệm phủ lên. Loại giường này chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ được đặt lưng nằm.
Buổi tối có chiếu phim. Anh em chúng tôi háo hức tập trung đông đủ chờ xem phim. Bỗng nhiên, Bác Hồ đến rất đột ngột, anh em chúng tôi không biết làm sao được, tất cả đứng lên ùa vây quanh Bác và không ai cầm được nước mắt, miệng cứ luôn nói: “Bác! Bác! …”. Mặc dù trời tối nhưng vẫn nhìn tỏ mặt Người. Bác hồng hào, nhanh nhẹn. Bác hỏi: “Các chú có khỏe không?”. Mọi người thầm thì nói với Bác như nói với người Cha hiền từ: “Chúng cháu rất khỏe ạ!”. Bác vui vẻ khen ngợi: “Đồng bào miền Trung, đồng bào Nam bộ rất anh hùng, đồng bào miền xuôi, đồng bào miền ngược đoàn kết đánh giặc tốt. Bác chưa vào được miền Nam, nhưng Bác luôn theo dõi tình hình đấu tranh của đồng bào miền Nam từng giờ. Các chú ra dự hội nghị này sẽ tiếp thu quán triệt tốt nghị quyết mới của Trung ương về làm tốt hơn…”
Lần đầu gặp Bác bất ngờ, xúc động quá, tôi không nói được một lời nào, đứng gần Bác tôi chỉ nói được một câu: “Cháu là người dân tộc Êđê – Đắk Lắk!”. Bác vỗ vai tôi rồi hỏi: “Chú có biết anh Y Ngông Niê Kdăm không?”. Tôi thưa: “ Cháu biết ạ! Anh Y Ngông là người cùng quê”. Bác nói với tôi: “À, thế thì tốt quá”. Bác quay hướng về tất cả mọi người, Bác nói: “Bác còn bận việc, các chú xem phim, nghỉ ngơi cho khỏe, bước vào học tập cho tốt”. Bác bắt tay từng người một. Sau đó Bác bước đi nhanh nhẹn cùng người bảo vệ lẫn vào trong đêm. Bác đi rồi, mọi người ngơ ngác… Ai cũng thấy xúc động, nghẹn ngào.
Thế là tôi đã được gặp Bác, trong suy nghĩ của tôi: “Người thật giản dị, nếu mọi người đều gánh vác công việc và hoàn thành tốt thì Bác  bớt lo nhiều!”
Buổi sáng khai mạc Hội nghị Tổng kết Du kích chiến tranh, chiều tối chúng tôi tập trung tại hội trường. Lại một lần bất ngờ, Bác đột nhiên đến thăm Hội nghị. Bác vào không ai biết. Khi nhìn thấy Bác, cả hội trường đứng dây  hô: “Bác Hồ! Bác Hồ!...”. Trong bộ quần áo bà ba bạc màu, Bác như người Cha về cùng các con chứ không phải một cán bộ cao nhất của Đảng, của nước, của toàn dân tộc. Bác giơ tay vẫy vẫy, tươi cười, vui vẻ nói: “Bí mật! Mời các chú, các cô ngồi xuống”. Thế là cả hội trường mọi người ngồi xuống im phăng phắc chờ đón lưu giữ từng lời của Người. Mọi người đều hướng lên nhìn Bác lòng đầy xúc động, ai cũng được nhìn rõ Bác. Các anh trong Đoàn Chủ tịch giới thiệu Bác đến thăm và nói chuyện với hội nghị. Dù vừa mới gặp Bác chiều hôm qua, nhưng lần này tôi vẫn xúc động không kém lần đầu tiên được nhìn thấy Bác, lần nay tôi ngắm kỹ hơn và ngẫm nghĩ sâu trong lòng mình: “Ama (cha) mình đấy. Người còn hơn cả ama, amí (mẹ) mình nữa. Mình nguyện làm mọi việc xứng với tấm lòng của Người đối với dân tộc chúng tôi.”
Bác nói chuyện ngắn, gọn, dễ hiểu về ý nghĩa quan trọng của chiến tranh du kích. Tôi không nhớ hết, nhưng những lời dặn dò của Bác thì tôi không bao giờ quên: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc”, “Du kích là cách đánh giặc mà dân tộc bị áp bức chống đế quốc. Biết đánh du kích thế nào cũng thắng lợi”. Những lời dặn chí tình chí nghĩa thấm sâu vào lòng mỗi đại biểu. Bác vừa nói dứt câu: “Chúc các đồng chí mạnh khỏe, chúc hội nghị thành công tốt đẹp!”. Cả hội trường đứng lên vỗ tay thì đã không thấy Bác đâu nữa. Bác thoắt hiện, thoắt biến, Bác để lại cho mỗi người những ấn tượng vô cùng sâu sắc, không thể nào quên được.
2- ĂN CƠM CÙNG BÁC.
Tôi lại được tham dự một Hội nghị do Trung ương mở. Do tính chất đặc biệt quan trọng, Bác Hồ và Bác Tôn tuy tuổi cao nhưng vẫn thường xuyên đến động viên, gợi ý, chỉ dẫn những điều cần thiết, tuy chỉ vài câu nhưng đó là cả một chiến lược cách mạng đứng lên làm chủ ruộng đất, làm chủ sứ mệnh lịch sử, đẩy tốc độ kháng chiến đến thắng lợi. Hai Bác rất vui tính, hòa nhã, gần gũi như cha con, mỗi lần họp tập trung là Bác Hồ lại đứng lên bắt nhịp bài hát “Kết đoàn”. Thấy Bác vui, Bác đã xóa đi mối quan hệ cấp trên cấp dưới mà chỉ còn mối tình cha con, tình đồng chí, anh em bắt đầu nói đùa, đồng chí Tạ Quang Bửu vui quá, buột miệng hỏi Bác: “Thưa Bác, sao Bác không lấy vợ?” Bác cười và nói: “Các chú ở đây có một số cũng hoàn cảnh vậy, để lo công việc chung trước đã”. Mọi người vui cười ồ lên, không khí thật đầm ấm, vui vẻ.
Gần cuối Hội nghị, tôi và một anh người dân tộc Thái được vinh dự ăn cơm cùng với Bác Hồ. Bác hỏi tôi: “Thường ngày chú ăn một bữa bao nhiêu bát?”. Tôi trả lời: “Thưa Bác, cháu ăn nhiều lắm ạ! Thông thường là bốn bát.” Bác cười và nói: “Chú ăn thế là có sức khỏe tốt, Bác mừng. Thôi hai chú cứ tiếp tục cùng ăn nhé, Bác đủ rồi!”. Chúng tôi hôm ấy ăn rất ngon miệng và vô cùng sung sướng.
3- BÁC PHÊ BÌNH ĐƠN VỊ.
Cuối tháng 5 năm 1957 trên cho biết Bác Hồ sẽ vào thăm đơn vi Tây Nguyên, ngày giờ có điện báo sau. Ban Chỉ huy chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Lo nhất là công tác an ninh, phòng gian bảo đảm an toàn tuyệt đối là một việc rất khó. Lần đầu Bác về thăm quê nhà từ khi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Chúng tôi đề ra nhiều phương án, diễn tập bộ đội, đề cao công tác bảo vệ chính trị và an toàn khu vực, luyện tập đội ngũ để đón Bác. Địa điểm đơn vị đón Bác trên một gò đồi rộng, phong cảnh đẹp, trên lễ đài Bác có thể quan sát được toàn bộ địa bàn huyện Nam Đàn, phong cảnh huyện nhà đổi mới.
Đúng 8 giờ, có đoàn xe từ Vinh lên, cả hai Sư đoàn 324 và Trung đoàn 120 đội ngũ chỉnh tề chờ đón Bác.  Xe dừng lại trên trục đường 7, Bác cùng đoàn xuống xe và đi bộ thẳng vào nơi đón tiếp. Đơn vị đón Bác rất giản dị, người chỉ huy chỉ hô bồng súng chào. Một số trong Ban Chỉ huy ra đón và mời Bác lên lễ đài. Khi đi qua đội danh dự, Bác đến bắt tay các cán bộ địa phương.
Đơn vị đọc lời chào mừng và báo cáo kết quả hoạt động của hai đơn vị. Bác tỏ lời khen ngợi, Bác nói ngắn gọn về tình hình nhiệm vụ cụ thể của đơn vị.
Bác nói xong, thay mặt đơn vị, tôi mang cặp ngà voi (anh em mới săn được, chiếc ngà voi không lớn lắm) và nói: “Thưa Bác! Đơn vị xin biếu Bác một cặp ngà voi mới săn được.” Bác ngập ngừng và nói: “ Bác nhận để sau này Bác sẽ tặng bè bạn 5 châu. Nhưng không nên hiểu Bác sẽ vui mừng nhận món quà này đấy!” Mọi người vui vẻ vỗ tay vang cả khu rừng.
Bác tổng kết lại đơn vị chúng tôi có 4 ưu, 3 khuyết và 5 dặn dò. Trong khuyết điểm, Bác chỉ rõ: “Việc bắn voi là một khuyết điểm lớn, voi là thứ quý và hiếm của đất nước, cần phải bảo vệ”.
Bác về rồi, để lại cho mọi người những tình cảm thân thiết và sâu nặng, thắm đượm tình cha con. Những điều Bác căn dặn không bao giờ tôi có thể quên, nhất là lời phê bình của Bác về chiếc ngà voi. Thật là một bài học lớn đối với người dân Tây Nguyên, với chúng tôi đã quen đi săn thú rừng, lấy đó là niềm vui và tự hào về “chiến công” của mình. Thật thấm thía, đến mãi sau này với tư cách là Chủ tịch tỉnh tôi vẫn ân hận là khuyết điểm đó tôi cũng chưa  sửa chữa được.
4- BÀI HỌC NGHIÊM TÚC VÀ GIẢN DỊ
Một lần nữa tôi lại được vinh dự gặp Bác, đó là tôi được đi dự Đại hội Đảng toàn quốc  lần thứ III. Mặc dù bận trăm công ngàn việc chuẩn bị cho Đại hội, nhưng Bác Hồ và Bác Tôn xuống từng đoàn thăm hỏi sức khỏe và ăn uống ngủ, nghỉ. Lúc giải lao Bác cũng rất mệt vì các đoàn đều muốn chụp ảnh lưu niệm với Bác. Bác vẫn tươi cười chụp chung với từng đoàn. Bác phải làm việc nhiều nên người Bác rất gầy và ho, Bộ Chính trị bàn Bác nên bỏ thuốc lá. Bác chấp hành ngay. Lúc thảo luận chung, Bác chủ trì cuộc họp, mọi người ai cũng thấy hình như Bác buồn ngủ do thiếu thuốc lá. Bộ Chính trị lại bàn cho Bác hút thuốc lại. Bác không nói, Bác cười và mọi người cùng cười, sau đó Bác đứng lên nói: “Các chú thấy những cái gì học được của Bác cứ học, ngược lại cái gì không nên học thì Bác khuyên không nên học!” Chúng tôi hiểu ý Bác, cả hội trường cười ầm lên. Tôi cũng cười và rất cảm động. Bác tôn trọng và chấp hành ý kiến của tập thể một cách nghiêm túc, tôi thấy Bác sao mà gần gũi thế, thân thiết hơn tình cảm cha con. Khi làm việc thì nghiêm túc, sâu sát, khi nghỉ giải lao thì chan hòa thoải mái.
Bộ Chính trị quy định khi vào Đại hội chính thức “Mỗi đại biểu phải mặc nam thì đồng phục, đi giầy đen, thắt cà vạt; nữ thì mặc áo dài…” Tôi cuống quá vội đi mua đôi giầy đen và chiếc cà vạt. Bác nghe vậy, Bác hỏi ai là người đề xuất việc này và Bác đề nghị: “Không nên làm như vậy, cứ ăn mặc bình thường nhưng phải chỉnh tề, không sao cả.” Vào đại hội chính thức, mọi người mặc gọn gàng, chỉnh tề như Bác nói. Tôi hiểu đây là một Đại hội lịch sử quyết định đến vận mệnh đất nước ta sau này.

Nhân dịp sinh nhật Bác, thông qua những thông tin đại chúng, tôi muốn tâm sự với bạn đọc tấm lòng của Bác Hồ đối với tôi nói riêng, với các dân tộc Tây Nguyên nói chung, không thể nào nói hết được lòng cao cả và thân thương của Bác.
                 TRIỆU MIỆN ghi chép

Theo lời kể của Thiếu tướng Y Blok Êban


Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 284 - tác giả NGUYỄN VĂN RÈN




                          
TỔ QUỐC – CON ĐƯỜNG
(Đọc tập thơ Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi
của Nguyễn Duy Xuân)


Mấy năm gần đây, nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Duy Xuân viết đều, viết nhiều, có nhiều thơ đăng báo và có bài được phổ nhạc. Năm 2013, tập thơ đầu tay của anh Giọt nắng Cao nguyên được xuất bản và giới thiệu rộng rãi với công chúng. Tiếp nối mạch sáng tạo của mình, sáng ngày 13.3.2016, Nguyễn Duy Xuân đã chính thức ra mắt với bạn đọc tập thơ Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi, (NXB Hội Nhà văn 2016).
Tập thơ có một cấu trúc khá độc đáo, đó là hình tượng Tổ quốc với cách nhìn khái quát ở hai bài đầu (Việt Nam – Tổ quốc anh hùngTổ quốc) đến những cảm xúc cụ thể hơn ở các bài tiếp theo như: Buổi chào cờ đặc biệt, Có thể nào quênCảm xúc ngày chiến thắng, cuối cùng là những xúc động và ghi nhận của tác giả về quê hương đất nước với những vùng đất cụ thể, những thời điểm cụ thể và những con người thân thương đã gắn bó trong cuộc sống.                                        
Nhan đề của tập thơ được lấy từ một câu trong bài Tổ quốc, đó là “Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi”. “Con đường … đang đi” là hành trình đời sống hiện tại. Như vậy, tác giả đã gắn cảm hứng lịch sử về Tổ quốc với cảm hứng đời thường, đời sống hiện tại của đất nước, của mỗi người chúng ta. Tác giả đã bình dị hóa quan niệm về Tổ quốc. Tổ quốc không còn là một khái niệm trừu tượng, khô cứng mà đã trở thành hình ảnh cụ thể, sinh động. Tổ quốc chính là cuộc đời bố con mình đang sống, chúng ta đang sống, là hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay:
“Biển Đông đang cuồn cuộn sóng
Dập dờn một lũ sài lang
Ngang nhiên xâm chiếm biển đảo
Lòng con cháy lửa căm hờn”.
Ở bài Việt Nam – Tổ quốc anh hùng, tác giả đã gợi lên lịch sử chiến thắng hào hùng chống bọn xâm lược phương Bắc với niềm tự hào tha thiết. Anh không đối lập truyền thống với hiện tại mà mà gắn liền truyền thống với tình hình thời sự của đất nước để chỉ ra một chân lý của lịch sử:
“Ôi đất nước mấy ngàn năm lịch sử
Luôn đối mặt với láng giềng say mộng bá vương
Những bài học của cha ông xưa chúng vẫn chưa tỉnh ngộ”
Từ đó, tác giả khẳng định niềm tin vào chiến thắng của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay:
“Và Điện Biên Phủ - Hoàng Sa dâng trào bão tố
Nhấn chìm mọi lũ xâm lăng”.
Bài thơ Buổi chào cờ đặc biệt tiếp tục mạch cảm xúc về Tổ quốc trong một hoàn cảnh cụ thể. Ba khổ thơ, mỗi khổ xen vào một câu trong bài Quốc ca Việt Nam. Truyền thống anh hùng cách mạng lại được gắn với tình hình Biển Đông hiện nay, với Hoàng Sa, Trường Sa, nơi mà Trung Quốc đang ngày đêm xâm lấn:
“Ngoài xa khơi biển đảo quê hương
Tàu giặc nghênh ngang
Đường vinh quang xây xác quân thù
Chúng em tự hào
Hát vang bài ca Đất Nước”
Tác giả cũng không quên gợi lại nỗi đau và niềm căm hận về cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc của bọn bành trướng Bắc Kinh trong bài Có thể nào quên?:
“Ngày Mười bảy tháng Hai năm Bảy chín
Hàng vạn đồng bào ngã xuống
Máu chiến sĩ - máu nhân dân
Hòa trong lòng đất
Xanh thắm rừng biên giới hôm nay”
Bài thơ còn thể hiện một nỗi niềm, nỗi băn khoăn day dứt “lòng dạ rối bời” bởi sự thật bi hùng của lịch sử chỉ mới 35 năm, sao thế hệ hôm nay lại có thể lãng quên? Tính thời sự của bài thơ chính là ở điểm này.
Tổ quốc trên hành trình khám phá của tác giả còn biểu hiện ở những không gian cụ thể, những địa danh mà tác giả đã gắn bó hoặc đi qua với những kỉ niệm. Tập thơ có đến 25 bài ghi lại những cảm nhận và xúc động của tác giả về những vùng đất trên quê hương đất nước. Có thể gọi đó là những “kí ức vụn” (Nguyễn Quang Lập) hay những “nhật kí thơ” về những vùng quê như các bài: Qua Đèo Ngang, Đêm ở biển, Cầu Hàm Rồng, Thị trấn Krông Nô, Em - Krông Năng, Đray Sáp, Cát bụi Bình Dương, Với Huế, Ban Mê - ngày ấy, Đắk Nông ngày trở lại...
Trong tâm hồn tác giả, hình ảnh miền Trung cứ trở đi trở lại với niềm thương nỗi nhớ. Miền Trung là đất nước, miền Trung là quê hương anh nhưng cái chính là phần đất nước ấy thường quằn đau trong thiên tai, trong mưa lũ, làm anh lo lắng, trăn trở, thao thức không nguôi. Tứ thơ ấy cứ ám ảnh trong nhiều bài thơ: Miền Trung, Miền Trung lại mưa lũ, Thương nhớ miền Trung, Mưa Tuyên Hóa, Xin đừng bão nữa miền Trung. Anh đã viết những câu thơ xúc động:
“Xót xa đất mẹ miền Trung
Thiên tai dồn dập đau lòng biết bao!

Người dân khốn khổ lao đao
Oằn mình chống đỡ lũ vào lụt ra
Trắng trời ngập nước bao la
Khe Mơ vỡ đập, quê nhà tang thương”
                                                            (Miền Trung)
Tập thơ còn có nhiều bài viết về người thân, viết cho người thân và những kỉ niệm nhớ thương trong cuộc đời. Đó là kỉ niệm về người mẹ tảo tần, nhân hậu:
“Ôi! Ngày xưa ấy đã xa rồi!
Chỉ còn kỉ niệm ở trong tôi
Tóc mẹ giờ đây phơ phơ bạc
Chiều bên ngõ vắng, ngóng xa xôi”
                                                            (Mẹ tôi)
Đó là tình yêu thương, chăm sóc, vỗ về, buồn vui đối với những đứa con yêu, cháu yêu (Con yêu, Sinh nhật con gái, Cu Tí, Sunny), là tình cảm đối với người vợ hiền  chung thủy:
“Chim bay về núi, tối rồi
Anh ra ngoài ngõ, anh ngồi đợi em.

Anh ngồi đợi đến trăng lên
Vẫn chưa thấy bóng hình em cuối làng.

Trăng lên cuối đỉnh sương giăng
Anh ngồi im lặng ngóng em cuối trời!”
                                                                        (Đợi)
Tập thơ còn là miền kí ức về cuộc đời, về quê hương đất nước với những biến chuyển thăng trầm của lịch sử (Kí ức, Một thời sinh viên, Ban Mê ngày ấy) hay những cảm xúc bất chợt của tác giả trước những biểu hiện của thiên nhiên và đời sống (Trường em, Buổi sáng trên cánh đồng, Khuya, Hương cốm, Thiên  nhiên kì diệu…).
Nguyễn Duy Xuân có sở trường với thể thơ lục bát có lẽ vì nó hợp với nhịp điệu tâm hồn anh: Dung dị, trầm lắng và mộc mạc, chân thành. Trong tập thơ có hơn một nửa số bài được viết theo thể lục bát (42 bài) và những bài thơ hay cũng là thơ lục bát như các bài: Kí ức, Ba mươi năm ấy - bây giờ, Áo tơi của mẹ bây giờ… còn đây!, Đợi, Xin đừng bão nữa miền Trung… Anh đã viết những câu thơ gợi được xúc động trong lòng người:
“Làng quê lam lũ đói nghèo
Mà nong khẩu hiệu vẫn treo đầy đường:
Quyết tâm xây dựng quê hương…
Quyết tâm… - Ôi nghĩ mà thương dân mình
Cả đời mơ ước quẩn quanh
Cơm no, áo ấm, chăn lành mà thôi”
                                                                        (Kí ức)
Ai đã qua thời sinh viên khó quên trong đời đều có thể đồng cảm với nhà thơ về những năm tháng khó khăn, thiếu thốn, thậm chí đói khát nhưng cũng đầy kỉ niệm vui buồn:
“Nhớ về cái thuở sinh viên
Đói ăn, đói mặc, đói tiền mà vui.
Bánh mì hai nửa bẻ đôi
Chia nhau lát sắn củ khoai đỡ lòng”
                                                (Một thời sinh viên)
Trước đây, chiếc áo tơi gắn với người dân xứ Nghệ và miền Trung suốt cuộc đời vì ở đây thiên nhiên quá khắc nghiệt:
“Hôm nay về lại, không ngờ
Áo tơi của mẹ bây giờ… còn đây!
Dáng xưa vẫn nét hao gầy
Chằm từng lá cọ ai may khéo là”
Hình ảnh chiếc áo tơi ám ảnh trong tâm hồn tác giả vì nó cũng là kỉ niệm về người mẹ nghèo lam lũ, về quê hương với bao nỗi nhớ thương khắc khoải:
“Đất cằn sỏi đá quê tôi
Nắng mưa gió bão một thời sẻ chia
Ai như dáng mẹ đang về
Áo tơi đội nắng đường quê thuở nào”
                                                (Áo tơi của mẹ bây giờ…còn đây)           
Nhìn chung, đọc tập thơ, chúng ta cảm nhận được một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, dễ rung động trước những sự kiện, những biến động của đời sống, của đất nước. Đó là một tấm lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên thiết tha, trong sáng. Âm hưởng chung của tập thơ là niềm vui, niềm lạc quan yêu đời dù cuộc sống còn nhiều khó khăn và đất nước còn đứng trước những thử thách cam go.
Thơ Nguyễn Duy Xuân không ồn ào, không lên giọng sử thi mà chân thực, giản dị và sâu lắng. Tác giả cũng không sáng tạo được những tứ thơ thật đặc sắc, độc đáo với cảm xúc thật mãnh liệt, nồng cháy có sức ám ảnh người đọc mà phần nhiều là những tứ thơ nhỏ, vụn. Ngôn ngữ và hình ảnh thơ giản dị, chân thật, trong sáng và thường đơn nghĩa, ít có những ẩn dụ độc đáo, những hình ảnh biểu tượng, siêu thực tạo ra những liên tưởng đa chiều, thường thấy trong thơ hiện đại và hậu hiện đại. Thể thơ cũng nghiêng về truyền thống mà thiếu sự cách tân khi tác giả chủ yếu sử dụng thể thơ tự do và thơ lục bát.
Sẽ còn nhiều chuyện để bàn về giá trị của tập thơ nhưng có thể nói Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi là một thành công đáng ghi nhận của Nguyễn Duy Xuân đóng góp vào nền thơ ca đương đại. Chúng ta chào đón sự ra đời của tập thơ và mong tác giả sẽ có nhiều sáng tác đặc sắc hơn nữa trong thời gian tới.





Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 284 - tác giả TRẦN THỊ NGỌC




CÁCH DÙNG TỪ NGỮ ĐẶC SẮC TRONG TẢ NỖI NHỚ CỦA KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH
(Trích đoạn: Kiều ở lầu Ngưng Bích - Ngữ văn 9 - Tập I)


Nguyễn Du- đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị trong đó không thể không kể tới kiệt tác Truyện Kiều. Mặc dù dựa trên cốt truyện có sẵn của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc)- nhưng Nguyễn Du có sự sáng tạo rất lớn về thể loại cũng như nét văn hóa và ngôn ngữ dân tộc. Có thể nói Truyện Kiều là kết tinh tinh hoa ngôn ngữ văn học dân tộc. Điều đó quả không sai. Nhưng với tôi, ấn tượng nhất là cách dùng từ ngữ đặc sắc trong việc miêu tả nỗi nhớ của Thúy Kiều trong trích đoạn: Kiều ở lầu Ngưng Bích (Ngữ văn 9 – tập I). Nhờ cách dùng từ độc đáo mà ta hiểu rõ hơn tài năng của đại thi hào Nguyễn Du cũng như phẩm chất cao đẹp của Kiều để nhân vật này sống mãi trong tâm trí bạn đọc.
Trích đoạn nằm ở đầu phần Hai của Truyện Kiều có tên gọi: Gia biến và lưu lạc.
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Lầu Ngưng Bích nằm trên bờ biển Lâm Tri (Truy) - một vị trí chơ vơ, vắng vẻ - đây là ngôi lầu màu xanh nơi Tú Bà giam lỏng Kiều “khóa xuân” nhằm thực hiện ý đồ đen tối của mụ và nó cũng mở đầu cho chuỗi mười lăm năm lưu lạc của cô.
  Trong ngôi lầu ấy, suốt ngày đêm một mình một bóng. Sáng nàng làm bạn với mây trời, khuya làm bạn với ngọn đèn hiu hắt. Cảnh xung quanh lầu đẹp nhưng “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nên nàng như muốn kéo dãy núi phía xa, vầng trăng trên cao lại gần để vơi bớt cô đơn...
Nguyễn Du thật tinh tế, tài tình, khi cho Thúy Kiều đặt nỗi nhớ người yêu trên nỗi nhớ cha mẹ. Cùng là miêu tả nỗi nhớ nhưng  khác nhau. Nhớ người yêu:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
“Tưởng”  dùng thật độc, thật hợp. “Tưởng” là nhớ lại, hình dung, tưởng tượng cảnh “dưới nguyệt chén đồng”. Nàng nhớ chén rượu đính ước với chàng Kim trong cái đêm trăng sáng vằng vặc trên trời cao và cùng thề nguyền: “Trăm năm tạc một chữ đồng”. Đây không phải là lần đầu nàng nghĩ đến người yêu. Trên đường cùng Mã Giám Sinh về Lâm Tri nàng cũng nhớ chàng nhưng nỗi nhớ khi đó không cụ thể, rõ ràng như lần này:
Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
Sau đêm thề nguyền đính ước đó Kim Trọng phải về Liêu Dương hộ tang chú còn Kiều vì chữ hiếu phải bán mình chuộc cha. Ở nơi xa xôi này nàng tưởng tượng Kim Trọng ngày đêm trông ngóng tin mình và hi vọng có ngày gặp lại mà đau xé tâm can: Tin sương luống những rày trông mai chờ. Nhưng giờ thì mọi hi vọng đã bị dập tắt. Nàng bơ vơ nơi chân trời góc bể, chàng mòn mỏi ngày đêm ngóng tin. Một nghịch cảnh trớ trêu cho mối tình đầu!
Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
“Tấm son” là tấm lòng thủy chung, son sắt của nàng với chàng Kim còn vẹn nguyên dù nàng có thế nào, có ở đâu đi chăng nữa. Còn chữ “gột rửa” dùng thật đắt. Đã có nhiều cách hiểu khác nhau về từ này. Nhà thơ Trinh Đường chê  hai chữ “gột rửa” vì cho rằng hai chữ này chỉ hành động loại trừ vết bẩn chứ không thể dùng để gạt bỏ nỗi nhớ người yêu sâu đậm trong lòng Kiều được! Giáo sư Trương Bửu lại nêu cách hiểu khác: Thúy Kiều nghĩ không biết bao giờ mới “gột rửa” được vết nhơ bẩn mà Mã Giám Sinh đã gây ra cho tấm lòng son sắt của mình. Còn nhà thơ Vương Trọng hiểu ý câu này nói: tấm lòng son sắt của Thúy Kiều với Kim Trọng vẫn đậm đà không có cách gì làm phai nhạt được. Động từ “gột rửa” chẳng qua chỉ là biện pháp thực hiện một cách mạnh tay nhưng không hiệu quả thôi. Tôi đồng ý với cách hiểu của nhà thơ Vương Trọng vì nó phù hợp với qui luật tâm lí nhân vật và diễn biến câu chuyện.
Sau nỗi nhớ người yêu là nỗi nhớ cha mẹ. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhiều lần để Thúy Kiều nhớ cha mẹ và lần nào nỗi nhớ cũng cảm động, sâu sắc. Lần này không ngoại lệ:
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Từ “xót” được dùng thật độc đáo. “Xót” là xót xa, là thương nhớ. Kiều xót xa, day dứt vì không làm tròn bổn phận, đạo hiếu với bậc sinh thành dưỡng dục: Làm con trước phải đền ơn sinh thành. Ở đây, để miêu tả nỗi nhớ cha mẹ Nguyễn Du vẫn dùng thủ pháp quen thuộc mà hiệu quả trong truyện Kiều là ước lệ, điển cố, điển tích: “Sân Lai, gốc tử, quạt nồng ấp lạnh” cho ta hiểu thêm phẩm chất cao đẹp của cô…
Như vậy, trong  trích đoạn  Kiều ở lầu Ngưng Bích bằng ngôn ngữ độc thoại nội tâm, cách dùng từ ngữ độc đáo tả nỗi nhớ với hai đối tượng cùng là người thân – nhưng không công thức, rập khuôn – càng chứng tỏ tài năng miêu tả tâm lí nhân vật thật tinh tế của tác giả: với người yêu thì Kiều nhớ kỉ niệm tình yêu, nỗi đau, tiếc vì tình yêu tan vỡ; với cha mẹ thì nàng nhớ thương, xót xa vì bổn phận, trách nhiệm đạo hiếu chưa tròn. Trong tình cảnh đáng thương, nỗi nhớ của Kiều đi liền với tình thương – một biểu hiện của chữ hiếu, đức hi sinh, lòng vị tha, chung thủy rất đáng ca ngợi của Thúy Kiều. Nguyễn Du quả xứng danh là ngòi bút thiên tài, ngôi sao sáng chói trên văn đàn Việt Nam mọi thời đại.


Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 284 - VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Patrick Waddington là một nhà báo người Anh của Ban Quốc tế đài CBC (Canada) trong những năm 1940 và là một nhà văn tự do. Ông nổi tiếng trong giới văn chương Canada và là chồng của nữ nhà thơ, nhà văn viết truyện ngắn và dịch giả nổi tiếng người Canada của thế kỉ XX - Miriam Waddington. Từ việc sống dưới cái bóng văn chương của vợ mình, ông đột nhiên trở nên nổi tiếng nhờ vào truyện ngắn “Phố thất lạc” viết vào năm 1954.




PHỐ THẤT LẠC



Marc Girodin đã làm việc cho bộ phận văn thư của Ban công nghệ Tòa thị chính lâu tới mức thành phố đã trải ra trong đầu anh như một tấm bản đồ, đầy những cái tên và địa điểm, những con phố giao nhau không dẫn tới đâu hết, những ngõ cụt và đường hẻm quanh co.
Trong toàn Montreal không một ai có được sự am hiểu như thế; một tá cảnh sát và tài xế tắc-xi hợp lại với nhau cũng không sánh được anh. Nói thế không có nghĩa là anh thực sự biết những con phố mà mình có thể kể tên ra như một loạt những câu thần chú vì anh đâu có đi nhiều. Anh chỉ đơn thuần biết là chúng có tồn tại, chúng ở đâu, và mối quan hệ giữa vị trí của chúng mà thôi.
Nhưng thế cũng đủ giúp anh trở thành chuyên gia. Anh hiểu rõ mấy cái tủ đựng tài liệu lưu trữ chứa mọi chi tiết về mọi con đường từ Abbott tới Zotique ngược xuôi trong bảng chú dẫn. Đám người quyền quý, kĩ sư, thanh tra đường ống dẫn nước chính và những người đại loại như thế, tất cả đều đến chỗ anh khi muốn có gấp thông tin chi tiết nào đó. Họ có thể coi thường một nhân viên văn thư cấp thấp như anh nhưng họ đều cần anh.
Dù phòng làm việc của Marc thiếu hẳn hứng thú làm việc nhưng anh vẫn thích nó hơn căn phòng của mình trên phố Oven nhiều (con phố này chạy từ bắc xuống nam từ Đông Sherbrooke tới St. Catherine), nơi hàng xóm của anh ồn ào và thỉnh thoảng bạo lực nữa, còn bà chủ nhà của anh vẫn kiên định như vậy. Anh từng một lần cố giải thích ý nghĩa sự hiện hữu của mình cho một người cùng thuê nhà tên Louis nghe nhưng không thành công mấy. Louis có khuynh hướng nhạo báng khi anh ta hiểu được đại ý vấn đề.
“Vậy là phố Craig nối đuôi Bleury còn Bleury dẫn tới công viên, ai quan tâm chứ? Sao lại phấn khích vậy?”
“Tôi sẽ chỉ anh” Marc nói. “Nói tôi xem, đầu tiên, anh ở đâu?”
“Anh điên à? Ở đây phố Oven chứ còn đâu nữa?”
“Làm sao anh biết?”
“Làm sao tôi biết à? Tôi đang ở đây không phải sao? Tôi trả tiền thuê nhà không phải sao? Tôi nhận thư ở đây không phải sao?”
Marc kiên nhẫn lắc đầu.
“Không cái nào là bằng chứng hết” anh nói. “Anh sống ở đây trên phố Oven vì trong tủ tài liệu của tôi ở tòa thị chính nói thế. Bưu điện gửi thư cho anh vì bảng chú dẫn của tôi bắt họ làm vậy. Nếu bảng chú dẫn của tôi không nói thế thì anh sẽ không tồn tại và phố Oven cũng không. Bạn ạ, đó là thành tựu của bộ máy quan liêu đấy.”
Louis chán ghét bỏ đi. “Cố mà nói chuyện đó với bà chủ đi” anh ta lầm bầm.
Thế là Marc tiếp tục sự nghiệp tầm thường của mình, sinh nhật thứ 40 của anh đến rồi đi không có gì đáng chú ý, ngày nối ngày trôi qua trong yên bình. Một con phố được đặt tên lại, một cái khác xây lên, cái thứ ba được mở rộng; tất cả đều cẩn thận đi vào hồ sơ lưu trữ.
Và rồi có chuyện xảy ra khiến anh vô cùng ngạc nhiên, choáng váng và làm cho thế giới những cái tủ đựng hồ sơ run rẩy đến tận mấy cái chân bằng thép của chúng
Một buổi chiều tháng tám, lúc mở một ngăn kéo ra hết cỡ anh cảm thấy có gì đó vương vướng. Xem xét sâu hơn vào trong, anh tìm ra một bảng chú dẫn kẹt ở đằng sau giữa ngăn trên và ngăn dưới. Anh rút nó ra và thấy rằng đó là một bảng chú dẫn cũ bẩn và bị rách nhưng vẫn đọc được rõ ràng. Nó được gán tên RUE DE LA BOUTEILLE VERTE hay còn gọi là đường CHAI XANH.
Marc nhìn nó chằm chằm kinh ngạc. Anh chưa bao giờ nghe tới địa điểm hay thứ gì có cái tên kì cục tương tự như vậy hết. Chắc chắn nó đã được đổi tên theo kiểu khác để phù hợp với xu hướng hiện đại. Anh kiểm tra những chi tiết trong ghi chép và tự tin xáo mớ hồ sơ tên đường gốc lên. Nó không có ở đó. Anh tìm thêm một lần nữa, cẩn thận và lâu hơn, qua mấy cái tủ. Không có gì hết. Hoàn toàn không có gì.
Một lần nữa anh kiểm tra bảng chú dẫn. Không có sai sót nào hết. Ngày cuối cùng kiểm tra con phố theo thường lệ chính xác là cách đây 15 năm, 5 tháng và 4 ngày.
Sự thật khủng khiếp bất thình lình xuất hiện trong Marc khiến anh thả rơi mảnh giấy trong kinh hoàng, sau đó anh lại sợ hãi vồ lấy nó.
Đó là một con đường bị thất lạc, bị quên lãng. Hơn 15 năm rồi nó tồn tại trong lòng Montreal, cách Tòa thị chính không tới một dặm mà không ai hay biết. Nó chỉ khuất khỏi tầm mắt như một hòn đá trong nước.
Trong tim mình, đôi khi Marc đã mơ về một khả năng như thế. Có quá nhiều nơi ít người biết đến, những con hẻm và đường phố đan bện lẫn lộn vào nhau rắc rối như một mê cung Ai Cập. Nhưng tất nhiên chuyện đó không thể xảy ra, không có chuyện đó với tài liệu rõ ràng trong tay được. Chỉ có thể là đã từng xảy ra thôi. Và nó là thuốc nổ. Nó sẽ thổi bay văn phòng lên tận mây xanh.
Marc ngờ ngợ nhớ lại trong kinh ngạc, có lúc sau khi anh mới bắt đầu đi làm, bộ phận của anh được chuyển tới tầng khác. Những hồ sơ kiểu cũ bị bỏ đi và tất cả các bản ghi chú được làm mới. Chắc hẳn chính là lần đó mà đường Chai Xanh bị kẹt giữa ngăn trên và ngăn dưới.
Anh bỏ mảnh giấy vào túi và về nhà suy nghĩ. Tối hôm đó anh ngủ lơ mơ và thấy những hình dáng kì quái lướt qua trong mơ. Trong số đó có một bức chân dung khổng lồ sếp của anh nổi cơn tam bành và bắt anh chui vào một cái tủ hồ sơ nóng đỏ.
Hôm sau anh quyết làm một việc. Lấy lí do bị bệnh, anh nghỉ buổi chiều và háo hức đi tìm con phố.
Dù anh biết rõ vị trí nhưng vẫn đi qua đó hai lần và phải trở lại đường cũ. Bối rối, anh nhắm mắt lại tra cứu tấm bản đồ không thể sai sót của trí nhớ mình và đi thẳng tới lối vào. Nó hẹp tới mức anh có thể dang tay chạm hai bức tường hai bên. Cách vỉa hè khoảng một mét là một cấu trúc bằng gỗ cao và vững chắc đã hư hỏng nhiều vì mưa gió với một cánh cửa cài then giản dị ở chính giữa. Anh mở nó ra bước vào trong. Đường Chai Xanh nằm trước mắt anh.
Nó hoàn toàn có thật, và cũng làm người ta yên lòng nữa. Cả hai bên vỉa hè rải sỏi đều có ba ngôi nhà nhỏ, tất cả là sáu, mỗi cái đều có một khu vườn nhỏ xíu trước mặt nhà, cách nhau bởi hàng cọc rào sắt kiểu đã biến mất ngoại trừ ở những miền cổ xưa nhất. Các ngôi nhà nhìn cực kì gọn gàng, được giữ gìn kĩ lưỡng và mớ sỏi xem ra gần đây mới được tưới nước và quét tước. Những bức tường gạch không có cửa sổ của mấy cái kho chứa đồ xưa cũ bao quanh sáu ngôi nhà và hợp lại ở cuối con phố.
Mới thoáng nhìn, Marc đã nhận ra làm sao nó lại có được cái tên khác thường như vậy rồi. Trông nó giống hệt hình dáng một cái chai.
Với mặt trời chiếu sáng trên những tảng đá, những mảnh vườn, và bầu trời xanh trên đầu, con phố tạo cho anh cảm giác tạm thời về sự sung túc và thanh bình. Nó thật quyến rũ, một cảnh lấy từ một bức tranh cách đây 50 năm.
Một người phụ nữ mà Marc đoán khoảng 60 tuổi đang tưới hoa hồng trong khu vườn của ngôi nhà đầu tiên phía bên phải anh. Bà ấy nhìn anh bất động và nước trong chiếc bình chảy xuống đất không ai để ý hết. Anh lấy mũ xuống và giới thiệu, “Tôi đến từ Ban công nghệ thành phố thưa bà.”
Người phụ nữ tĩnh trí lại và bỏ bình tưới xuống.
“Vậy là cuối cùng anh cũng tìm ra” bà ấy nói.
Khi nghe những lời này, niềm tin mới được tái sinh của Marc rằng cho rằng rốt cuộc thì anh đã gây nên một sai lầm vô hại và kì cục một cách thiếu suy nghĩ.
“Hãy cho tôi biết đi” anh nói yếu ớt.
Đó là một câu chuyện lạ lùng. Trong nhiều năm trời, bà ấy nói, người thuê nhà ở đường Chai Xanh đã sống thân thiết bên nhau và với chủ nhà, người cũng sống trong một trong những ngôi nhà nhỏ. Người chủ trở nên gắn bó với họ tới mức trong một hành động đầy thiện chí, ông ấy đã nhượng lại cơ ngơi của mình cùng với một khoản tiền nhỏ khi ông mất.
“Chúng tôi đã nộp thuế” người phụ nữ nói “lập ra vô số mẫu đơn và lâu lâu lại trả lời những câu hỏi của nhiều viên chức về đất đai của chúng tôi. Thế rồi một khoảng thời gian sau chúng tôi chẳng nhận được thông cáo nào hết, thế nên chúng tôi không nộp thuế nữa. Không một ai làm phiền chúng tôi. Phải mất một thời gian lâu sau chúng tôi mới hiểu rằng bằng cách này hay cách khác người ta đã quên mất chúng tôi rồi.”
Marc gật đầu. Tất nhiên, nếu đường Chai Xanh đã lọt ra ngoài tầm hiểu biết của Tòa thị chính thì sẽ không có thanh tra nào đi đến đó hết, không cán bộ điều tra dân số, không người thu thuế. Mọi thứ sẽ trôi qua trong vui vẻ hướng đến nơi nào khác bởi cái tủ hồ sơ không thể sai lầm.
“Sau đó Michael Flanagan sống ở số 4” bà ấy tiếp tục, “người đàn ông thú vị nhất, anh phải gặp ông ấy đấy – ông Flanagan gọi chúng tôi lại và nói rằng nếu có điều kì diệu xảy ra thì chúng tôi nên đồng lõa với nó. Ông ấy chính là người xây cái cửa ở lối vào để ngăn khách qua đường hay viên chức có thể ghé qua. Chúng tôi từng khóa nó nhưng đã lâu rồi không có ai đến thế nên giờ chúng tôi không lo nữa.”
“À, có nhiều thứ lặt vặt chúng tôi phải làm như tới bưu điện lấy thư và không bao giờ nhận được hàng giao tận cửa. Giờ thì gần như chúng tôi chỉ ra thế giới bên ngoài khi cần mua đồ ăn và quần áo thôi.”
“Suốt từ đó tới giờ nơi này có thay đổi chút nào không?” Marc hỏi.
“Có đấy, hai người bạn qua đời, và phòng của họ không ai ở một thời gian. Sau đó Jean Desselin – anh ấy sống ở phòng số 6 và thỉnh thoảng đi vào thành phố - quay lại với ông Plonsky, một người tị nạn. Ông Plonsky lúc đó rất mệt mỏi với những chuyến đi của mình và vui mừng chuyển đến với chúng tôi. Cô Hunter phòng số 3 mang về nhà một người rất tốt – một người họ hàng xa, tôi nghĩ vậy. Họ khá là hiểu tình cảnh này.”
“Còn bà thì sao?” Marc hỏi.
“Tên tôi là Sara Trusdale, và tôi đã sống ở đây hơn 20 năm. Tôi hi vọng mình cũng sẽ ra đi ở đây.”
Bà ấy dịu dàng cười với anh, trong một lát hình như đã quên mất rằng anh mang trong túi một quả lựu đạn có thể thổi bay thế giới nhỏ của họ tan tành.
Có vẻ ai trong số họ cũng đều có rắc rối, mất mát và thất bại của riêng mình trước khi tìm thấy mình ở chốn nương thân này, đường Chai Xanh này. Đối với Marc, với ý thức về sự tồn tại không tốt đẹp của riêng anh, điều đó nghe có vẻ mê hoặc. Anh ngập ngừng sờ mảnh giấy trong túi.
“Ông Plonsky và ông Flanagan thích nhau lắm” bà Trusdale tiếp tục. “Cả hai bọn họ đều từng là người hay đi và họ thích nói về những thứ mình từng thấy. Cô Hunter chơi dương cầm và thường biểu diễn cho chúng tôi nghe. Rồi có ông Hazard và ông Desselin rất thích cờ vua và ủ rượu trong tầng hầm. Còn tôi thì có hoa lá và sách. Tất cả chúng tôi đều sống rất thú vị.”
Marc và bà Trusdale ngồi trên bậc cầu thang trước nhà bà một lúc lâu trong yên lặng. Màu xanh của bầu trời tối lại, mặt trời biến mất đằng sau bức tường kho chứa hàng phía bên trái.
“Anh làm tôi nhớ tới thằng cháu tôi” bà Trustdale đột ngột nói. “Nó là một thằng bé đáng mến. Tôi rất đau khổ khi nó mất trong dịch cúm sau chiến tranh. Tôi là người cuối cùng trong gia đình mà.”
Marc không tài nào nhớ lại được có bao giờ người ta lại nói chuyện với anh với thiện chí giản dị đến thế. Trái tim anh ấm áp lên vì người phụ nữ lớn tuổi này. Anh mơ hồ cảm thấy như sắp có được một khám phá tinh thần vĩ đại. Anh lấy mảnh giấy trong túi ra.
“Hôm qua tôi tìm thấy thứ này trong tủ hồ sơ” anh nói. “Chưa người nào khác biết về nó hết. Nếu nó mà lộ ra thì hẳn sẽ có một vụ lùm xùm lớn, và tất cả mọi người ở đây sẽ không ngừng gặp rắc rối nữa. Nhà báo, nhân viên thu thuế…”
Anh lại nghĩ về bà chủ nhà của mình, những người hàng xóm thù địch, căn phòng thách thức mọi việc sửa sang của mình. “Tôi tự hỏi” anh chậm rãi nói “Tôi là một viên chức mẫn cán, và không biết…”
“Ồ được chứ” bà ấy nhoài người tới một cách hăng hái “anh có thể dọn đến ở tầng trên nhà tôi. Chỗ tôi ở rộng quá không biết làm gì với nó nữa. Tôi đảm bảo nó sẽ hợp với anh. Anh phải đến coi nó liền đi.”
Tâm trí Marc Girodin, nhân viên văn thư, đã quyết chí. Với một biểu hiện từ bỏ, anh xé toạc mảnh giấy và thả chúng vào bình tưới. Về phần anh, đường Chai Xanh sẽ vẫn thất lạc mãi mãi.

TRƯƠNG THỊ MAI HƯƠNG dịch

  Nguồn: fiction.eserver.org