Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

SỰ TÍCH LỄ CẦU MƯA truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - Tạp chí VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC số 11+12 năm 2018


Ông mặt trời thức giấc ló mặt lên từ cánh đồng lúa vàng rộ phía đông rộng mênh mông trải dài theo hai bên bờ Krông Bông(1). Người dân buôn Suốt lục tục dậy chuẩn bị ăn sáng để bắt tay vào một ngày mới. Như mọi ngày, bà H’Ri khoác chiếc gùi đựng đồ ăn, nước uống lên vai đến mở cửa chuồng, lùa đàn bò ra suối Đăk Tuar gặm cỏ. Khi đi qua vạt rừng dưới chân núi, bỗng nghe tiếng trẻ con khóc, bà H’Ri giật mình chạy lại thấy một chiếc gùi cũ dựng bên gốc le đang lúc lắc và phát ra tiếng khóc của trẻ con. Lại gần chút nữa thấy một đứa trẻ mới sinh, khuôn mặt khôi ngô được quấn quanh mình một tấm chăn sui nhỏ, đang khua tay chân rối rít; bồng lên biết là bé trai nên mừng lắm. Được ẵm, đứa bé vẫn khóc mãi không nín; chắc là đói đây, bà nghĩ vậy nên lấy quả bầu đựng nước chạy lại xin con bò đang nuôi con nhỏ một ít sữa mang lại bón cho thằng bé. Sau khi uống sữa xong, nó lăn ra ngủ, trên môi nở nụ cười rất tươi. Suốt ngày nhìn ngắm đứa trẻ không chán mắt, chiều lùa bò về bà H’Ri ẵm đứa bé lên nhà M’tao(2) thông báo nhặt được đứa trẻ trong rừng. M’tao cười bảo:
-         Chắc các Yang(3) thấy bà sống một mình côi cút nên tặng cho đứa con làm bạn đó. Bà nhặt được trong trong bụi le, ta ban cho nó cái tên Le và tặng bà một tấm vải về quấn cho nó.
Bà H’Ri mừng lắm cúi đầu lạy tạ M’tao rồi nhận quà tặng về nhà. Buôn Suốt phía nam và tây giáp dãy núi cao, được người xưa đặt tên là Chư Yang Sin – nghĩa theo tiếng Việt là “núi của thần cọp”. Núi cao lắm, đỉnh cao nhất của dãy núi thường ngủ cả ngày trong mây vào mùa mưa, còn mùa khô cũng ít khi thấy được. Từ buôn Suốt muốn leo lên đến đỉnh núi phải đi nửa con trăng mới tới. Trong rừng toàn cây to, thuộc loại gỗ quý không biết mọc từ bao đời, chen nhau lao vút lên trời; động vật có rất nhiều loài cùng nhau sinh sống hòa thuận nên đông đúc lắm. Người dân trong vùng khi nào có việc như: làm nhà, hay ma chay… mới vào rừng xin gỗ mang về, còn thì để cho rừng tự do phát triển. Nhà bà H’Ri ở cuối buôn, gần như tách biệt với các nhà khác, nghe a mí kể lại: đây là căn nhà hai gian được M’Tao sai người hầu làm giúp để amí(4) bà H’Ri sinh sống và an tâm chăn bò cho M’Tao. Mi bà H’Ri không ai biết quê quán ở đâu đi lạc đến buôn Suốt từ khi còn nhỏ, xin vào làm thuê cho M’Tao. M’Tao giao đàn bò mười hai con cho bà chăn dắt. Có lẽ do quá nghèo không có tiền bắt chồng nên năm gần bốn mươi tuổi tự nhiên lớn bụng rồi sinh ra bà H’Ri. Bà H’Ri hàng ngày theo a mí chăn đàn bò của M’Tao hơn 50 con, con nào cũng lông trơn, mông tròn nên được M’Tao thương ban cho gạo thịt đủ ăn quanh năm. Sau khi a mí qua đời, bà H’Ri nối nghiệp tiếp tục nghề chăn bò. Vì không có tài sản nhiều nên không thể bắt chồng, đành chấp nhận sống cho qua ngày; nào ngờ Yang thương ban cho người con, thế là tuổi già có người để nương tựa.
*
*     *
Chàng Le được bà H’Ri hàng ngày xin sữa của các bò mẹ cho uống nên chóng lớn lắm, chẳng mấy chốc trở thành chàng thiếu niên khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú. Hàng ngày thay a mí đưa bò lên chân núi thả rồi lấy dây rừng buộc vào cành le làm cung tập bắn. Năm được 15 mùa trăng chàng Le có thể bắn trúng con chim đang bay trên trời, hay con cá nhỏ đuổi nhau dưới nước. Ngày tròn 16 mùa trăng, kể từ khi được bà H’Ri nhặt, chàng Le lùa đàn bò đông đúc hơn trăm con ra cánh đồng lúa mới gặt ven dòng Krông Bông cho ăn, ngả mình nằm lên đống rơm còn thơm mùi lúa mới ngắm mây bay. Bỗng có tiếng kêu the thé như tiếng khóc vọng lại, chàng Le ngồi bật dậy nhìn quanh và phát hiện một con đại bàng lớn đang bay tới, dưới chân quắp một con khỉ lông vàng. Nhanh như chớp, chàng Le giương cung bắn ngay một phát, mũi tên lao vút lên cắm vào cánh đại bàng. Con đại bàng sà xuống dùng mỏ nhổ mũi tên ra và cất tiếng nói với chàng Le khi chàng vừa chạy đến: “Người sẽ phải hối hận mãi mãi khi cứu kẻ phản phúc này đấy”! Nói dứt lời, đại bàng vỗ cánh bay vào rừng xanh. Chàng Le nhặt con khỉ con chỉ còn thoi thóp thở, người bê bết máu mang về tắm rửa, đắp lá thuốc.
 Ngày tháng trôi qua, con khỉ hồi phục và lớn rất nhanh, trở thành người bạn thân cận của chàng Le. Ban ngày đi chăn bò, con khỉ đi theo hái lá, hoa quả cho chàng Le cùng ăn; tối về nó ngồi ăn cơm cùng chàng, chỉ khi đi ngủ nó mới leo lên xà nhà ngồi. Tình bạn keo sơn thật khó có từ nào diễn tả nổi giữa khỉ và người. Quanh năm, sáng lùa bò đi chăn, tối lùa bò về lo ăn uống rồi ngủ, chàng không có ai làm bè bạn ngoài con khỉ cả; lâu lâu khi nhà M’Tao có việc cần vài ba con bò làm thịt đãi bạn thì mới có người đến gặp rồi bắt bò. Thời gian cứ vậy đều đều trôi đi, chàng Le lấy thú vui hòa mình với cỏ cây hoa lá trên rừng làm niềm vui cho qua ngày.
Những tưởng cuộc sống cứ vậy trôi đi, nào ngờ…
Buổi trưa hôm ấy cũng giống như mọi ngày, chàng Le đến bên thác Đak Tuar cởi khố, trầm mình xuống dòng nước trong vắt, nhìn rõ từng hạt cát dưới lòng suối để vùng vẫy, nô đùa với đàn cá. Con khỉ đu người lên cây lao vào rừng xa đi tìm quả chín. Đang nằm ngửa cho mấy chú cá con thúc vào lưng “mát xa”, bổng nghe có tiếng người vọng đến:
-         Cảnh đẹp thế này sao chỉ có một người tắm thôi?
Giật mình, chàng Le đứng lên nhìn về phía tiếng nói thấy một người con gái chắc tuổi chỉ trăng rằm, mình khoác tấm áo màu xanh da trời mềm mại, óng ánh dài tận gót chân khác hẳn người dân trong vùng. Chàng Le trố mắt nhìn không chớp, lưỡi như rụng đâu mất, cô gái nói tiếp:
-         Cảnh đẹp quá, em lại bị lạc đường đi từ sáng đến giờ mệt quá, có thể cho tắm cùng được không?
-         Suối rộng mà!
-         Cảm ơn chàng!
Cô gái đứng trên tảng đá hình vuông, phẳng như mặt sàn nhà, rộng chừng ba sải tay người lớn, nơi hàng ngày chàng Le để đồ, khi tắm xong lên ăn và nằm nghỉ trưa. Cô gái lạ từ từ cởi áo khoác ngoài, áo trong... để lộ ra một thân hình đẹp như tranh vẽ, tóc dài chấm gót chân, nhẹ nhàng lần từng bậc đá bước xuống nước. Nước ngập đến đâu, chiếc yeng được vén lên đến đấy, khi nước đến cổ chiếc yeng màu xanh óng ánh được kéo lên đầu ôm lấy bộ tóc đen mượt mà. Nước da trắng ngần của cô gái làm nước suối hình như cũng trong thêm. Một mùi hương thơm ngào ngạt lan tỏa trong không gian. Cô gái có đôi mắt lá răm đen láy, đôi môi đỏ tươi như hoa pơ lang buổi sáng làm đàn cá dưới suối quên cả bơi lội; từ từ tiến lại gần. Chàng Le hình như đã biến thành hòn đá, đôi mắt mở to, tay chân cứng ngắc, không thấy động đậy gì được nữa. Đặt đôi bàn tay mềm mại, trắng trẻo lên đôi vai chàng Le, cô gái lạ nở nụ cười rất tươi, nói nhỏ:
-         Để em kỳ lưng cho nhé.
-         Không được đâu, mình chưa biết nhau mà.
-         Trước chưa biết, còn giờ thì biết rồi đấy.
-         Nhưng mà…
-         Không nhưng mà gì hết, đứng im nhé.
Bàn tay của cô gái nhè nhẹ xoa lên tấm lưng trần suốt ngày phơi nắng của chàng Le, tạo nên một cảm giác thật dễ chịu. Hết kỳ lưng, cô gái lại vít đầu chàng Le xuống để vốc nước lên gội đầu. Chàng Le mắt nhắm lại, đầu cúi về phía trước để mặc cô gái tạt nước đến khi bị ngạt quá mới vung tay lên định ngăn cô gái thì… hai bàn tay chạm vào vật gì vừa mềm mại, vừa âm ấm; giật mình mở mắt ra thấy hai tay đều đang chạm vào nhũ hoa của cô gái, vội giật tay lại, giọng run run:
-         Xin… xin… lỗi!
-         Sao lại xin lỗi? Nhìn em đi, em có xấu đến mức để anh không dám nhìn không?
-         Không!
-         Nhìn em đi!
Chàng Le mở mắt thấy khuôn mặt người đẹp sát mặt mình, hơi thở thơm tho đang phả vào mặt mình và đôi mắt long lanh như muốn nói… Khi ấy trên trời xanh có một đám mây trắng tình cờ bay ngang qua, che mất mặt trời tạo nên một vùng râm mát; dưới suối chàng Le quên hết mọi chuyện trên đời, chỉ còn bản năng của thằng đàn ông tuổi mười chín lần đầu tiên trong đời được chạm vào da thịt người khác giới. Cả khu rừng các cây bất ngờ đồng loạt đâm bông, khoe sắc với trời đất; làn gió mát luồn lách qua các thung lũng mang hơi thơm của núi rừng ban phát khắp nơi, không gian tràn ngập một mùi thơm ngọt ngào lan tỏa.
Tảng đá như được Yang tạo sẵn dành riêng cho đôi trai gái, họ ngồi bên nhau, tay trong tay, nhìn ngắm nhau không chán mắt cho đến khi có tiếng kêu: khẹc khẹc… mới buông tay nhìn lên tán cây trên đầu. Con khỉ đứng trên cành cây vừa rung vừa kêu, nhe bộ răng vàng khè gớm giếc như đe dọa. Chàng Le nói:
-         Xuống đây tao giới thiệu với bạn mới nào.
-         Khẹc khẹc!
-         Xuống đi.
-         Khẹc khẹc!
Con khỉ kêu lên hai tiếng nữa rồi tung mình bay vào rừng sâu. Cô gái cười bảo:
-         Hình như nó không thích em?
-         Tại lần đầu gặp mà, nhà em ở đâu?
Cô gái ngồi tựa mình vào vai chàng Le thủ thỉ. Qua câu chuyện của nàng, chàng Le biết nàng tên H’Lan, nhà ở phía bên kia đỉnh núi, con của một M’Tao hùng mạnh; sáng nay đi vào rừng hái hoa bị lạc tới đây và vô tình gặp được nhau như duyên số Yang sắp đặt. Chẳng mấy chốc, trời ngả về chiều, đã đến lúc phải lùa bò về chuồng. Chàng Le bảo H’Lan về nhà mình ở tạm qua đêm. H’Lan nói:
-         Ta gặp nhau đây là duyên số rồi, hôm nay lùa bò về, chàng báo cho M’Tao biết từ mai không đi chăn bò nữa và trả luôn căn nhà cũ cho M’Tao.
-         Trả nhà rồi thì sống ở đâu?
-         Trên đầu nguồn suối Đăk Tuar có một cái hang đá, đủ cho đôi ta sống với nhau trọn đời. Chàng về nói với M’Tao rồi quay lại đây, em đợi!
Chàng Le lùa bò về chuồng xong lên nhà gặp M’Tao xin trả lại bò, không đi chăn nữa. M’Tao nghe chàng Le nói xong, giật mình như bị sét đánh ngang tai vội hỏi lại:
-         Không chăn bò thì mày đi đâu?
-         Có người bắt làm chồng rồi.
Nghe trả lời, M’Tao cười ngất, nước mắt giàn giụa; một lúc sau mới ngưng được rồi nói:
-         Yang có mắt nên mày có người bắt, tốt quá. Tao mừng cho mày một cái khố mới, một đôi vòng tay, một cái chăn nữa. Nếu khi nào muốn về lại đây chăn bò cho tao, tao đều mở cửa đón. Chúc hạnh phúc!
Chàng Le nhận quà, bỏ hết lên gùi, cúi đầu tạ M’Tao rồi cất bước như chạy về suối Đăk Tuar. Mặt trời khuất sau đỉnh núi, màn đêm ập về; bên dòng thác phun bọt trắng phau, H’Lan vẫn đứng đợi, hai người gặp nhau, họ nắm tay nhau lần bước lên đỉnh thác. Thật bất ngờ, phía sau một tảng đá to gần suối có một cửa hang như được bàn tay nghệ nhân khéo léo tạc nên; phía trong hang rộng và dài hơn cả nhà của M’Tao dưới buôn, đầy đủ các vật dùng như một gia đình giàu có. Trong hang vẫn sáng như ban ngày vì phía gần trần hang có đôi rít to bằng bắp chân người nằm ngủ, ánh sáng phát ra từ hai viên ngọc trong bụng chúng. Chàng Le ra cửa hang bê mấy khúc cây khô vào đốt lên sưởi ấm. Bên bếp lửa, chàng Le khoe với H’Lan những món đồ quý giá M’Tao tặng mừng hạnh phúc hai người. Chàng Le tự đeo cho mình một vòng và đeo vào cổ tay H’Lan một vòng rồi tựa vai nhau nhìn ngọn lửa hồng đang ngày một đỏ rực hơn.
Thời gian vùn vụt trôi qua, hai người sáng ra dắt nhau vào rừng ngắm hoa, cây cảnh, trưa tắm suối, tối về ôm nhau ngủ. Đồ ăn hàng ngày lấy trong rừng già đầy đủ, lại được bàn tay nội trợ khéo léo của H’Lan, bữa ăn nào cũng như tiệc lớn; cuộc sống cứ như trong mơ của chàng Le. Từ tinh mơ, chim chóc đua nhau ca hát như mừng hạnh phúc hai người. Suối Đăk Tuar không dội ầm ầm như xưa mà trở nên hiền hòa, tiếng nước chảy như tiếng đàn, tao nên một khung cảnh thần tiên nơi hạ thế. Họ sống với nhau hạnh phúc lắm!

*
*     *
Một ngày trên cõi trời bằng một năm dưới hạ thế, vậy mà vợ Yang H’Jan(5) vắng nhà đã ba ngày không trở về. Yang H’Jan nhớ vợ, truy hỏi thuộc hạ và biết vợ mình mất tích ở Chư Yang Sin, liền xuống hạ giới đi tìm. Yang H’Jan cho gọi hết tất cả lũ thú rừng đang sinh sống ở Chư Yang Sin về truy xét; từ voi, tê giác, min… đến heo, nai, chim chóc đều một mực cúi đầu trả lời… không thấy. Yang H’Jan tức quá gầm lên:
-         Lũ thú vật các ngươi mù hết hả hay sao mà không nhìn thấy?
-         Thưa Yang, lũ chúng nó nói dối đấy, vợ Yang – nàng H’Lan hiện đang sống với chàng Le trong hang đá trên đầu nguồn suối Đăk Tuar ạ.
Tất cả lũ thú giật mình quay lại nhìn thấy con khỉ được chàng Le cứu ngày nào, giờ đang tố với Yang chuyện bí mật của ân nhân mình. Yang H’Jan gầm lên như con cọp bị trúng tên, phán:
-         Lũ thú chúng mày không nói thật, dám lừa dối, ta phạt tất cả từ nay trở đi không được nói tiếng người nữa.
Nói dứt lời, Yang H’Jan quát thuộc hạ đi bắt chàng Le và vợ về trời xét xử.
Trời mở phiên tòa đại án xét xử nàng H’Lan - vợ Yang H’Jan ngoại tình, phản bội chồng; một chuyện tày đình chưa bao giờ xảy ra trên cõi tiên. Yang H’Jan ngồi trên ngai vàng có hàng ngàn vệ sỹ gươm giáo sáng quắc đứng xung quanh; dưới sân nàng H’Lan và chàng Le bị trói như người trần gian gói bánh tét, được khênh vào đặt bên chiếc vạc dầu đang sôi sùng sục. Yang H’Jan nói:
-         Người đàn bà xấu xa kia còn gì để nói không?
-         Thưa Yang, lỗi này không phải tại chàng Le mà tại trái tim tôi mách bảo, lôi cuốn. Tôi bị Yang bắt về làm vợ, sống với Yang gần ngàn năm tuân theo nghĩa vụ của một người vợ, nhưng không có tình yêu thương, thù ghét, giận hờn… Nói đúng hơn là sự vô cảm, sống mà như đã chết cho đến khi gặp người con trai nơi hạ giới tôi mới hiểu tình yêu là gì, hạnh phúc là gì. Xin Yang mở lòng từ bi, chấp nhận cho tôi từ bỏ cuộc sống thần tiên để được làm vợ người chăn bò nơi hạ giới.
-         Không được, đã phản bội ta thì phải chết, chết một cách tàn khốc, đau khổ.
Yang H’Jan thét lên, đôi mắt trợn ngược như sắp bay ra ngoài. Chàng Le lên tiếng:
-         Thưa Yang, nếu phải chết xin Yang hãy trừng phạt một mình tôi thôi vì nàng H’Lan không có lỗi trong chuyện này.
-         Cả hai đứa phải chết, ném chúng vào vạc dầu.
Yang H’Jan quát. Bọn lính xúm lại cởi trói cho hai người kéo đến bên vạc dầu, chàng Le gạt tay bọn lính ra nắm lấy tay nàng H’Lan, hai người nhìn nhau nở một nụ cười toại nguyện rồi cùng nhảy vào vạc dầu. Yang H’Jan hộc lên, phun ra một ngụm máu, thét:
-         Ném xác chúng xuống hạ giới cho khuất mắt ta.
-         Thưa Yang, con người dưới hạ giới ngu dốt lắm, nếu ném xác hai người xuống, bọn chúng lại chôn chung một mộ đấy ạ.
Con khỉ được chàng Le cứu sống ngày nào, nay lại lên tiếng cảnh báo, Yang H’Jan bảo:
-         Ném xác người đàn bà xuống phía bắc, còn xác chàng Le xuống phía nam dãy Chư Yang Sin để chúng không bao giờ còn gặp được nhau nữa.
Tuân lời Yang H’Jan, xác nàng H’Lan bị vứt xuống phía bắc, khi vừa chạm đất, đất thụt xuống tạo thành dòng sông bắt nguồn từ phía đông chảy ngược về phía tây, người dân đặt tên là Krông Ana(6). Xác chàng Le rơi xuống phía nam, đất cũng sụt xuống tạo thành dòng sông chảy ngược, đổ nước về phía tây được đặt tên là Krông Nô(7); hai dòng sông gặp nhau mừng quá, chúng quấn với nhau thành một rồi lao tiếp về phía mặt trời lặn bên phía nước bạn xa xa, người trong vùng gọi dòng sông hòa hợp này là Serepôk.
Con khỉ của chàng Le lại kêu với Yang H’Jan:
-         Tôi có công lớn, xin Yang ban thưởng.
-         Mày nói phải lắm, ta thưởng công cho ngươi vì đã giúp ta tìm được đôi nhân tình phản bội này, từ nay cho mi về hạ giới ngồi canh mộ chúng cho ta.
Yang H’Jan nói dứt lời, phẩy tay một cái, con khỉ lộn cổ rơi xuống trần gian. Có lẽ vì vậy người dân khu vực xung quanh dãy Chư Yang Sin có tục lệ đẽo tượng con khỉ ngồi, hai tay ôm khuôn mặt buồn rầu đặt dưới chân mộ người mới chôn.
Một năm ròng buôn Suốt không có một giọt mưa, cây cối xơ xác, ruộng đồng nứt nẻ, M’Tao nghĩ chắc buôn mình có gì đó sai trái với thần linh nên mời thầy cúng về lập đàn cúng tế xin Yang ban mưa. Cúng tế xong, đêm đến Yang H’Jan hiện về báo mộng cho M’Tao: “Vì chàng Le người của buôn cướp vợ Yang, nên Yang phạt buôn. Nay muốn được Yang ban mưa phải tạc hai bức tượng, một bức tượng đàn ông tượng trưng cho chàng Le, một bức tượng hình người phụ nữ tượng trưng cho vợ Yang. Sau khi cúng tế xong phải chẻ các bức tượng làm nhiều mảnh nhỏ, chất lửa đốt thành tro”.  M’Tao y lời, làm lễ vật như báo mộng cúng tế; lạ thay khi hai bức tượng được đốt cháy xong, trời nổ sấm chớp, rồi gió nổi lên, mưa ầm ầm kéo đến cuốn sạch đống tro trôi xuống Krông Bông. Nước Krông Bông chảy ngược về hướng tây đổ vào Krông Ana rồi chảy tiếp hòa chung với Krông Nô thành sông Serepok. Tro của hai bức tượng khi trôi ra sông hóa thành cá lăng đặc hữu của sông Serepôk. Loài cá lăng vùng này có hai cái râu dài hơn thân mình, chúng thường sống có đôi ở những nơi ghềnh thác hay vụng nước chảy xiết và hình như đang cố ngược dòng tìm về suối Đăk Tuar. Còn người dân vùng Krông Bông nếu năm nào bị hạn hán kéo dài đều làm lễ cúng tế Yang Mưa như M’Tao đã làm trước đây đều thấy linh nghiệm. Tục ấy vẫn còn duy trì đến tận ngày nay.
Mùa mưa năm 2015

Chú thích:
1.     Krông Bông: sông Quan Tài – tiếng Êđê
2.     M’tao: tù trưởng - tiếng Êđê
3.     Yang: thần linh – tiếng Êđê
4.     Ami: má  – tiếng Êđê
5.      Yang H’Jan: thần mưa – tiếng Êđê
6.     Krông Ana: sông Cái – tiếng Êđê
7.     Krông Nô: sông Đực  – tiếng Êđê

NHỮNG DÒNG SÔNG TÂY NGUYÊN Tùy bút NGUYỄN HOÀNG THU - CHƯ YANG SIN SỐ: 317+318 THÁNG 1&2 NĂM 2019

Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu

 
Những dòng sông Tây Nguyên từ bao ngàn năm trước đến nay luôn là thực thể sinh động chất chứa nguồn sống tốt tươi cho nhiều cộng đồng các dân tộc anh em ở vùng cao tỉnh Kon Tum, miền núi tỉnh Gia Lai, bình nguyên và cao nguyên tỉnh Đắk Lăk, rồi vùng đồi Đắk Nông cực Nam Trường Sơn của đất nước. Từ thượng nguồn núi thẳm quanh năm xanh màu của dãy núi Ngok Linh với đỉnh cao gần 2.600 mét thuộc địa bàn huyện Dăk Glei và Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum, các dòng sông Pô Kô, Đắk Tờ Kan và Đắk B'La từ hướng Đông chảy ngược về hướng Tây, tắm đẵm đất đai, ruộng đồng, vườn cây cho các huyện Ngok Hồi, Đắk Tô, thành phố Kon Tum trước khi hòa vào dòng sông lớn Sê San tại huyện Chư Păh của tỉnh Gia Lai... Từ nơi này, sông Sê San mở rộng hai bên bờ đầy bóng cây xanh bạt ngàn, thấp thoáng đó đây nương rẫy nhà sàn của người các dân tộc bản địa; dòng sông lại tiếp tục chảy ngược phía Tây, vòng dài đến vùng rừng biên giới huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum, đưa dòng nước từ thường nguồn cao hơn 2.500 mét của đỉnh Ngok Linh qua tận bên kia địa phận nước láng giềng Cămpuchia...
Tỉnh Gia Lai có sông Pa và sông Ayun, cùng xuôi dòng êm đềm về hướng Đông, trước khi đổ nước qua đồng bằng tỉnh Phú Yên, sông Ayun đã chung dòng hòa vào sông Pa tại huyện Krông Pa kề cạnh thị xã Ayun Pa mang tên hai dòng nước từ thượng nguồn rừng núi phía Tây của huyện Mang Yang và huyện Kbang. Dòng sông nào đến đâu cũng hình thành bến nước làng-rừng thân thiết, cộng hưởng trong cuộc sống chung đầy tình ý giữa người với thiên nhiên. Từ người Xê Đăng, Ca Dong, Giẻ Triêng... ở Kon Tum đến người J'Rai, Bahnar... ở Gia Lai, không ai quên ơn rừng cây xanh bến nước đầy đem lại sự sống tốt tươi lành lặn theo tháng ngày. Sông nước rừng cây với người là một, có tiếng nói, hơi thở và tình ý chung, hòa nhịp yêu thương trân trọng qua từng bước đi nhẹ nhàng không đụng vào cành lá xanh non, cùng tiếng cồng chiêng thiêng liêng gửi trao niềm tin đồng cảm đồng điệu với sông nước rừng cây...
Là người miền biển Nha Trang, sống ở Tây Nguyên gần 30 năm, tôi biết ơn sông nước rừng cây và con người của vùng đất này. Tôi biết ơn với lòng trân trọng và muốn sống sao cho xứng đáng với những gì tốt đẹp mình đã nhận được... Bên sông Ayun, tại làng Plei Bông xã Ayun huyện Mang Yang, tôi được gặp và trò chuyện cởi mở thân tình cùng già làng họa sĩ Xu Man tại nhà ông. Một khuôn mặt nhân hậu vì đời, đầy chất nghệ sĩ mà khiêm tốn; một họa sĩ người Bahnar kỳ tài với những bức tranh sơn dầu khắc họa hình ảnh sông nước núi rừng nên thơ óng ả và những khuôn mặt người đồng tộc đầy đặn tin yêu. Xu Man đã từng sống ở Hà Nội, năm 1976, tranh của ông đạt giải A toàn quốc của Hội Mỹ Thuật Việt Nam. Năm 2007, họa sĩ Xu Man qua đời tại quê nhà; cùng năm này, khi biết tin buồn, tôi và nhà văn Trung Trung Đỉnh đã đến thắp hương nơi ngôi mộ của ông bên dòng sông Ayun...
Cuối nguồn sông Ayun, trước khi hòa vào sông Pa, năm 1995, đã được hình thành công trình hồ đại thủy nông Ayun Hạ tại xã Chư A Thai, đem lại nguồn nước tưới dồi dào cho hơn 12.000 hecta ruộng lúa của huyện Ayun Pa và thành phố Pleiku... Tỉnh Gia Lai còn có dòng nước sông Pa trong xanh êm đềm vào mùa xuân đầy nắng và 6 tháng mùa mưa chuyển màu đỏ đất phù sa bazan bắt nguồn từ rừng núi Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, chảy xối xả qua thung lũng chân đồi, len lách kề cạnh từng làng người dân tộc bản địa Bahar với những ngôi nhà rông mái tranh hình lưỡi liềm cao đường bệ giữa nương rẫy vườn cây xanh bên bến nước rừng cây. Dòng sông dài hơn 300 kilômet, uốn lượn xuôi về phía Đông, qua các huyện Kbang, Kon Chro, Ayun Pa, Krông Pa và chảy qua địa bàn ruộng lúa nước các huyện tỉnh Phú Yên trước khi hòa dòng nước ngọt vào cửa biển Đà Rằng bên thành phố Tuy Hòa... Mỗi lần uống cà phê gần núi Nhạn - Tuy Hòa, ngồi nhìn cuối dòng sông Pa hòa vào biển rộng, tôi không thể không nghĩ đến thượng nguồn xa tại huyện Kbang, quê hương của anh hùng Đinh Núp người dân tộc Bahnar làng Stơr, xã Tơ Tung có dòng nước sông Pa chảy qua giữa đôi bờ rừng cây...; nơi này, tôi đã đôi lần uống rượu cùng, anh Hùng Đinh Núp một thời áo vải chân đất nổi dậy chống xâm lăng, và trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông tại quê nhà làng Stơr, xã Tơ Tung, từ Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lăk, tôi đã cùng những nhà văn từ Hà Nội đến thăm viếng thắp hương... 
Phía Nam Tây Nguyên rộng lớn của đất nước là bình nguyên và cao nguyên tỉnh Đắk Lắk, có dãy núi lớn Chư Yang Sin với đỉnh cao hơn 2.400 mét; từ nơi này đã tích tụ nguồn nước hai dòng sông Cái - Krông Ana và sông Đực - Krông Knô, một bên Đông một bên Tây chảy giữa rừng núi ruộng đồng nương rẫy vườn cây kề cạnh buôn làng người dân tộc bản địa M'Nông và Êđê, đến xã Quỳnh Ngọc huyện Krông Ana, hai con sông này hợp lưu thành dòng sông lớn Sêrêpôk dài hơn 400 kilômet, là phụ lưu quan trọng của sông Mê Kông khi ngược về phía Tây, đưa dòng nước qua địa phận Cămpuchia... Trước khi hợp lưu cùng sông Krông Knô, Krông Ana đã làm nên tuyệt tác hồ Lăk: đưa dòng nước vào giữa bốn bề núi non xanh vây quanh, hình thành mặt hồ rộng 600 hecta kề cạnh thị trấn Liên Sơn bên chân núi lớn Chư Yang Sin. Không xa hồ Lăk thơ mộng êm đềm, ngày ngày đón khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm thú cảnh quan sông hồ bên bến nước buôn làng dân tộc M'Nông R'Lăm gần gũi khu du lịch văn hóa sinh thái, có đàn voi nhà sớm chiều đón đưa và đêm đêm thưởng thức âm nhạc cồng chiêng vang vọng thanh thoát quanh ngọn lửa củi lấp lánh bên bờ nước hồ đầy...
Sông Sêrêpôk theo dòng chảy gập ghềnh giữa đôi bờ rừng cây núi đá nhấp nhô còn hình thành nên thác Gia Long, thác Dray Nur, thác Dray Sáp và thác Bảy Nhánh... góp phần lớn tô điểm cảnh sắc du lịch Đắk Lắk thơ mộng hữu tình bên cạnh xứ sở của đàn voi nhà nổi tiếng Buôn Đôn; nơi đây, dòng Sêrêpôk tiếp tục chảy vào vùng lõi Vườn quốc gia Yook Đôn trước khi qua Cămpuchia...
Thêm một dòng sông lớn mang tên Đồng Nai Thượng trên vùng đồi mênh mông tỉnh Đắk Nông, cực Nam Tây Nguyên, có ngọn nguồn từ dãy núi Tà Đùng với đỉnh cao 1.980 mét tọa lạc bề thế trên địa bàn xã Đắk Đam huyện Đắk Glong. Dòng sông này nối đôi bờ địa hình hai tỉnh Đắk Nông và Lâm đồng, trải dài từ huyện Lâm Hà đến Nam Cát Tiên bên tả ngạn và thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk R'Lấp bên hữu ngạn, rồi tiếp tục xuôi dòng qua tỉnh Đồng Nai, nơi cuối nguồn... Ruộng đồng lúa, vườn cây xanh, nương rẫy hoa màu hai bên dòng sông lớn từ dãy núi cao Tà Đùng, khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh vùng đồi Đắk Nông, cùng với những dòng sông Tây Nguyên từ bao đời qua đã đem lại sự sống tốt tươi cho hàng triệu người trên vùng đất rộng và quan trọng của đất nước, còn tốt đẹp đến lâu dài…



Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

ĐẶC SẢN truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - Tạp chí Nam Nung số: 150, Xuân Kỷ Hợi 2019



Khu nhà hàng – giải trí của công ty Ngàn Sao toạ lạc trên một khu đất khá rộng rãi thoáng mát. Riêng nhà hàng phục vụ “thượng đế” được bố trí xung quanh một chiếc hồ nhân tạo khá lớn để có thể vừa lai rai, vừa câu cá thư giãn. Mặt nước hồ trong xanh lăn tăn gợn sóng, thỉnh thoảng lại nổi lên những cái đầu cá đớp bóng như mời gọi quý khách thử tài. Trên bờ ao, cây ăn quả như mít, nhãn, mận, chôm chôm... trồng xen kẽ với dừa, phượng tạo bóng mát che cho những căn nhà hàng dựng sát nhau. Ông Phó chủ tịch tỉnh, tuổi độ gần năm chục, khuôn mặt vuông chữ điền, tóc đã muối tiêu, vừa đi, vừa nói với người bên cạnh:
- Chẳng mấy khi thủ trưởng đến thăm, mời thủ trưởng thưởng thức đặc sản vùng đất quê em xem có khác với thành phố lớn không.
Chiếc quán hình lục giác xinh xinh dựng ngay trên mặt ao, được kê một bộ bàn ăn làm bằng gỗ trắc khá đẹp. Cô nhân viên tuổi chừng mười tám đôi mươi tươi cười chào khách và đưa thực đơn xin mời chọn món. Ông Phó chủ tịch bảo cô nhân viên phục vụ:
-Hôm nay có Nghệ sĩ nhiếp ảnh về thăm và sáng tác, nhà hàng có món đặc sản gì không?
- Dạ thưa chú, hôm nay đồ rừng có: heo rừng, nhím, chồn, kỳ đà, cá sấu vịt trời hầm hạt sen; Thủy sản có cá lăng sông Sêrêpốc, cá thác lác hồ Lắk, cá chình Krông Bông...
-Mời thủ trưởng chọn!
-Tiền chủ hậu khách, thôi cậu chọn đi, đất có thổ công mà.
-Mấy chục năm rồi, thủ trưởng vẫn thế, không thay đổi gì cả. Ông quay sang cô nhân viên nhà hàng – Em cho chả cá thác lác hồ Lắk, cá lăng Sêrêpốc nướng mọi, heo rừng xào đọt mây, nhím hấp sả và cá chình Krông Bông om cà đắng.
-Dạ!
-Nhiều thế ăn sao hết, bỏ hai món sau đi.
-Thủ trưởng dùng cho biết ạ, vùng này đã đưa các loại thú rừng về nuôi, phát triể tốt lắm ạ - quay qua cô nhân viên nhà hàng: Em cho chả cá thác lác hồ Lắk, cá lăng Sêrêpốc nướng mọi lên trước nhé.
-Dạ!
*
**
Ông Phó chủ tịch rót bia mời khách. Ông nghệ sĩ có khuôn mặt khắc khổ, chồng chéo những nếp nhăn do tuổi già và có lẽ cả do chiến tranh, nước da hao hao như người dân bản địa Tây Nguyên. Nhìn qua khó có ai tin nổi những năm chiến tranh ông từng là một sĩ quan bộ binh nổi tiếng với những chiến công hiển hách; Còn ông Chủ tịch Huyện bấy giờ nguyên là cần vụ cho ông trong những ngày cuối cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Ngày ấy bữa ăn có thêm đĩa rau tàu bay hay nắm lá giang thay canh chua cũng quý lắm rồi, hôm nào có được nắm rau má đã là đại tiệc. Ông nghệ sĩ quê trồng “sâm rau má” có lúc cao hứng nói với anh em trong đơn vị: “Cái anh rau má bổ hơn sâm Triều Tiên nhiều lắm, không tin à; các cậu cứ kiểm nghiệm xem, hôm nào bữa ăn có thêm nó hầu như  khoẻ hơn hẳn. Mai đây hoà bình rồi, mình sẽ về quê xây dựng hẳn một nhà máy rau má đóng hộp xuất khẩu cho cả thế giới biết”.
Với rau má, ông cũng làm được nhiều món ăn đặc sản: ngoài món rau sống, canh, luộc quen thuộc, còn có món xa lát: bóp rau má với mấy viên Vitamin C,  món nộm: trộn rau má với thịt hộp... món nào ăn cũng ngon đến tận bây giờ.
Chiến tranh qua đi, người lính cầm súng chợt phát hiện ra mình còn có thể chộp được những khoảnh khắc đáng nhớ để lưu lại cho muôn đời sau. Thế là ông trở thành thợ chụp ảnh, rồi được phong Nghệ sĩ từ lúc nào không nhớ nữa. Sở Văn hoá – Thông tin nơi ông chuyển về công tác, ai cũng quý tính thẳng thắn, bộc trực và hơi tếu của ông.
Nhưng được cái này lại mất cái khác, có lẽ đó là quy luật của tạo hoá vậy! Đời tư của ông là cả một chuỗi ngày buồn. Chiến tranh qua đi, ông trở về thì người vợ cưới “cấp tốc”, trước ngày đi B ba hôm, đã theo tay lái xe ô tô tải bỏ đi biệt tích từ lâu. Họ hàng bảo phải tìm về trừng trị. Ông nói: Tại chiến tranh, người phụ nữ đợi ông ba năm đã là quý lắm rồi. Chính mình mới có lỗi đã để người ta trơ trọi một mình khi tuổi đời còn son trẻ, cô ấy đi như vậy là phải!
Mấy năm sau có cô gái cùng cơ quan kém ông đến gần hai chục tuổi, từ chối những chàng trai trẻ để đến với ông, vì lòng ngưỡng mộ và muốn bù đắp cho ông những mất mát do chiến tranh gây ra. Nào ngờ hơn một năm sau ngày cưới, cô vợ sinh cho ông một đứa bé dị tật chỉ sống được hai ngày vì ông đã nhiễm chất độc dioxin trong chiến tranh. Sợ làm khổ người ta trong quãng đời còn lại, ông xin nghỉ hưu và để lại tờ đơn xin ly hôn, rồi vác máy rong ruổi trên các nẻo đường đất nước nhằm giới thiệu cho mọi người thấy những nét đẹp, thơ mộng của Việt Nam qua góc nhìn của mình.
*
**
-Thủ trưởng thử xem món heo rừng này có khá không?
Ông Phó chủ tịch gắp một miếng thịt lớn bỏ vào chén, mời; Người nghệ sĩ chưa kịp cầm đũa đã thấy một người đàn ông đứng tuổi, mặc bộ com lê bước vào. Ông Phó chủ tịch giới thiệu người mới tới là chủ nhân của khu nhà hàng sang trọng này - Giám đốc công ty Ngàn Sao. Giám đốc bắt tay khắp lượt mọi người, miệng luôn nói:
-Quý hoá quá! Quý hoá quá! Mấy khi các thủ trưởng ghé tệ quán của em thế này. Cho phép em mời một ly ạ.
Tiếng ly chạm nhau kêu leng keng, mấy thứ đặc sản được mang ra xếp đầy bàn. Bên ly bia, chuyện chiến tranh, chuyện cuộc sống đời thường, chuyện làm ăn thời kinh tế thị trường nổ như bắp rang. Hăng máu, ông nghệ sỹ nói:
- Theo mình cách kinh doanh nhà hàng – du lịch – khách sạn của các vị chưa hiệu quả lắm. Vì sao ư? Vì chưa đánh đúng thị hiếu của “thượng đế”. Người nhiều tiền đi chơi là muốn thưởng thức:  lạ - ngon - phù hợp thị hiếu, giá cả hợp lí. Ví như thực đơn hiện nay trên các vùng ta đây phục vụ khách du lịch có mốt đồ rừng, nhiều nhà hàng dùng heo bản địa thay thế, thậm chí cả heo nọc bị loại ra cũng là đặc sản... Làm như vậy lần sau ai còn dám đến nữa. Nói thật các ông đừng giận, ở thành phố các món Tây, Tàu do những người có tay nghề cao làm ra người ta ăn mãi rồi, giờ muốn tìm món lạ hơn, khác hơn nên mới đi cả ngàn cây số đến đây thưởng thức. Thử hỏi các món cơm lam các vị bán cho du khách ăn hàng ngày làm bằng công nghệ cơm nấu chín bằng nồi cơm điện rồi nhồi vào ống, đốt sơ qua ngoài vỏ, cho đó là đặc sản ư! Vùng núi cao nơi nào chẳng có. Các món ăn mang đậm nét văn hoá địa phương đã có trong thực đơn nhà hàng chưa? Các ông từng ăn cơm của người dân nơi đây ngày xưa chưa? Cơm nấu bằng gạo lúa rẫy, cơm chín, hạt cơm khô đều từ trên xuống dưới đít nồi; Khi ăn người xới cơm phải cắt nguyên miếng từ trên xuống dưới, chạm tận đáy nồi, không bị vỡ, đặt gọn vào chén. Cơm trong nồi còn lại, vẫn nguyên sự liên kết, trừ miếng đã lấy đi. Đó là nét đặc trưng riêng khác biệt với các dân vùng khác. Chén cơm thể hiện nét văn hoá ẩm thực của cả một phong tục, tập quán đẹp, sao các ông không khai thác. Các ông đã ăn con nhộng trên cây muồng đen trồng trên các lô cà phê chưa? Người Ê đê thường tổ chức đi bắt về rang ăn, ngon lắm. Hay món ve sầu đã thử chưa? Chưa à, thế thì uổng quá! Đang mùa hè, ve kêu đầy trời mà không biết thưởng thức thì phí. Mình chiêu đãi các cậu nhé. Phiền Giám đốc cho mượn một cái rổ nhỏ, một cây cần câu; Xin một lít rượu trắng đổ vào chậu, một lon đậu phụng đã rang, một bếp ga mi ni, một cái chảo và một lít dầu mang ra đây.
  Ông nghệ sĩ rút trong túi ra một chiếc lọ nhỏ bằng ngón chân cái, màu trắng đục giơ lên:
- Còn đây là tên lửa dùng để hạ phi cơ!
Ông nghệ sĩ nói dứt lời đứng dậy cầm một chiếc cần câu nhúng đầu cần có buộc sợi cước vào lọ nhỏ, rồi đi đến bên cây nhãn trồng cạnh bờ ao, đưa cần lên ngọn cây nhẹ nhàng kéo xuống những chú ve sầu đang say sưa hát. Ông nghệ sĩ quả là người khéo tay, mỗi lần đưa cần câu lên chí ít cũng được một đến hai con ve. Ông Giám đốc làm theo chỉ dẫn của ông nghệ sĩ: ngắt cánh, vặt chân, bẻ hai vây cứng bên hông, bỏ vào chậu rượu trắng, chờ ve uống no rượu khoảng một phút vớt ra rổ.
 Bình thường ta chỉ nghe ve kêu râm ran nhưng mấy ai biết loài ve thường rủ nhau đậu vào một vài loài cây ưa thích như: Nhãn, vải, phượng, mít và đặc biệt là cây gỗ trắc. Hôm nay mới được tận mắt thấy ve đậu trên cây nhãn nhiều đến thế. Xung quanh thân cho đến tận cành cao tít trên ngọn, ve đậu nối đuôi nhau thành hàng, con này đậu ngay sát đít con kia, nhiều con không còn chỗ đậu phải trèo cả lên lưng nhau, đóng thành từng cặp. Ngày thường nào ai để ý đến chúng.
*
**
Thực khách đến quán khá đông và tỏ ra tò mò khi thấy ông già gần bảy chục tuổi, dáng người vạm vỡ đang nhanh nhẹn bắt những con ve sầu mà đám trẻ con thường bắt để chơi, đưa cho ông Giám đốc. Bên cạnh họ vị Phó chủ tịch tỉnh cũng đang tò mò đứng nhìn nên nhiều người bỏ nhậu chạy ra xem. Không biết người ta xem bắt ve hay cố tình ra đó để được chào ông Phó chủ tịch mà cả khu vườn ồn ào như chợ vỡ. Khoảng chục phút sau chiếc rổ đựng ve đã gần đầy, ông Nghệ sĩ dừng tay trở lại bàn nhậu hướng dẫn cho mấy cô nhân viên nhà hàng cách ngắt đít ve, nhét hạt đậu phụng vào rồi bỏ lên chảo dầu đang sôi sùng sục. Một lát vớt ra đĩa, con ve vàng rụm, mình phổng phao, thơm lừng. Lấy lá đinh lăng, lá sung, rau răm, rau mùi quấn quanh con ve, ông nghệ sĩ chấm với bồ tạt bỏ vào miêng nhai ngon lành, miệng tấm tắc khen:
     -Ngon lắm, các cậu thử xem.
Mấy người nhìn nhau rồi cũng bắt chước làm theo, tập ăn và chợt bật lên tiếng reo: ngon!
Đám người tò mò vây quanh bàn nhậu nhìn mấy người như nhìn một vật thể lạ ngoài hành tinh bỗng nhiên xuất hiện, họ tròn mắt nhìn người ta ăn con ve sầu, con bọ hung thần của những gia đình trồng ca phê ở Tây Nguyên. Gọi nó là hung thần vì trứng ve chui xuống gốc cây cà phê nở thành ấu trùng bám vào rễ hút chất dinh dưởng làm cà phê giảm năng suất; Người dân nơi đây vẫn chưa tìm ra cách diệt hữu hiệu.
     -Lộc bất tận hưởng, xin mời mọi người nếm thử.
Ông nghệ sĩ đứng dậy mời những người đang đứng vây quanh thưởng thức và nói thêm:
- Đây là món ăn rất bổ và quý, trước đây người Việt ta đã biết lấy xác ve làm thuốc chữa bệnh, nay ta sống ở nơi có nhiều ve thế này mà không biết sử dụng thì phí quá.
Được khách của Phó chủ tịch tỉnh mời, mấy người mạnh dạn nếm thử và ai cũng khen ngon. Ông Giám đốc vội ghé tai ông nghệ sĩ hỏi nhỏ:
-Thủ trưởng nhượng lại cho em lọ thuốc bắt ve được không ạ!
-Đắt lắm đấy, cậu có dám mua không?
-Da, miễn là thủ trưởng có để lại hay không thôi ạ, giá cả không đặt thành vấn đề.
-Cậu cầm lấy đưa cho mấy cậu nhân viên bắt thêm đi.
-Dạ!
Ông Giám đốc hớn hở rảo bước lên nhà gọi người, thực khách nhao nhao đặt món đặc sản mới. Nhân viên và cả thực khách tranh nhau lấy cần câu bắt giúp. Mấy cô nhân viên nhà hàng nhanh nhẹn ra giá: ai muốn dùng cần câu bắt ve phải trả ba chục ngàn. Một loáng số cần câu của nhà hàng hết sạch. Các đôi nam nữ tranh nhau bắt ve, tiếng cười thỉnh thoảng lại ré lên làm lay động cả không gian.
*
**
 Trên bàn tiệc chỉ còn lại ba con ve, ông Phó chủ tịch gắp con to nhất bỏ vào chén của ông nghệ sĩ. con nhỏ bỏ vào chén mình.
-Mời thủ trưởng!
-Cậu biết món ve sầu con nào là ngon nhất không? Những con to, bụng thường rỗng vì đã đẻ hết trứng rồi, còn các con nhỏ hơn, thân tròn chính là con đực, thịt nhiều hơn và ăn cũng giòn hơn. Thử xem.
-Đúng ạ!
-Xin các thủ trưởng đặt cho món đặc sản này một cái tên.
Ông Giám đốc không biết quay lại từ lúc nào bổng lên tiếng đề nghị.
- Các cậu tìm cho nó một cái tên làm sao để thực khách tò mò, mới nghe đã muốn thưởng thức.
-Vậy theo em nên đặt nó là món  Nghệ sĩ vì con ve vốn được xem là ca sĩ của mùa hè và hôm nay lại được chính thủ trưởng hướng dẫn cho cách chế biến, nên đặt tên này làm kỷ niệm luôn ạ.
-Tuyệt quá!
Ông Giám đốc reo lên và ghé tai ông nghệ sĩ hỏi nhỏ:
-Cho em gửi tiền bản quyền công nghệ món đặc sản này.
     -Ông định trả cho mình bao nhiêu?
     -Em gửi thủ trưởng năm chục triệu được không? Còn chất bắt ve đó là hoá chất gì?
     -Đùa cậu thôi, tiền bạc gì, mình tặng cậu công thức hoá chất bắt ve nhé; Đó là hợp chất NHUAMIKO, có rất nhiều ở vùng ta đấy.
     - Dạ thủ trưởng nhắc lại để em ghi.
- Không nghe được à! Nhu – a – mi – kô!
- Đây là nguyên tố hoá học mới hay sao mà nghe lạ quá, cách điều chế như thế nào?
 - Nhu – a – mi – kô tiếng gọi tắt, phiên qua nghĩa tiếng Việt đầy đủ là: NHỰA MÍT KHÔ, hiểu chưa! Lấy mủ cây mít phơi nắng độ một tiếng đồng hồ là dùng được thôi. Ngày nhỏ bọn tớ vẫn bắt chuồn chuồn bằng nhựa mít như vậy đấy mà.
Mọi người ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

DẤU VẾT CỦA GIẤC MƠ truyện ngắn NGUYỄN VĂN THIỆN - CHƯ YANG SIN SỐ: 317+318 THÁNG 1&2 NĂM 2019




Dạo này, những giấc mơ thường đến rồi đi, không để lại dấu vết. Buổi sáng thức dậy, chỉ còn nhớ mang máng hình như đêm qua có lang thang, hình như đêm qua có đánh đổi, đêm qua có vật vã đớn đau...nhưng không nhớ rõ ở đâu với ai và vì sao nữa.
Mọi thứ bây giờ trở nên mù mờ nhạt nhẽo không hình không dáng không mùi vị không hương sắc, kể cả giấc mơ. Từng vệt chổi thời gian quét từ ngày sang đêm từ đêm sang ngày nối tiếp. Có khi cũng cố ngồi cố nhớ cố ghi khắc lại những mộng mị song trùng nhưng rồi không thể. Đành chặc lưỡi nhìn trời bằng mắt chim mắt bướm: Ờ, thì có mơ gì có thấy gì có đi đến đâu rồi cuối cùng cũng chỉ quay về chỗ mình ngồi với đàn kiến dập dìu trẩy hội dưới chân.
Dạo này, những giấc mơ thường đến rồi đi, không hề để lại dấu vết.
Ngày nhỏ, có những buổi sáng, dậy muộn, cha mẹ đi ra đồng hết, ta vội vàng chạy ùa ra đầu ngõ nhìn ngược nhìn xuôi tìm kiếm. Chỉ có nắng rơi trên ngọn tre xào xạc, chỉ có gió múa trên ngọn cỏ xào xạc. Người thân đi vắng hết rồi! Miệng ta méo xệch gọi cha gọi mẹ...
Bây giờ, khi đã đi gần hết chiều dọc chiều ngang của mênh mông kiếp người, ta lại nhiều khi tất tả ngó ngược ngó xuôi tìm kiếm một giấc mơ vừa ghé thăm nhưng không hề để lại dấu vết, như tìm kiếm người thân. Có lúc cồn cào ruột gan ta định rũ hết các đống gối chăn luộm thuộm ra hòng tìm cho bằng được, nhưng rồi lại thôi.
Có gì đâu mà, những giấc mơ thì đêm nào chẳng có, mà giấc mơ đến rồi đi, đâu phải tại mình?
Một làn gió đến rồi đi, mùa xuân đến rồi đi, tình yêu đến rồi đi, cũng có tại mình đâu?
Ta vẽ ra câu chuyện về núi Chư Mang rồi chìm vào trong đấy. Ta vẽ ra hoa lá mùa xuân rồi chìm vào trong đấy. Ta vẽ ra tình yêu rồi cũng chìm vào trong đấy. Rồi đến lúc ta quên mất rằng tất cả mọi thứ đều do tay mình vẽ ra thôi, mình vẽ ra mình ngắm rồi mình cười mình khóc mình tin đó là sự thật.
Não ta bây giờ trùng trùng lớp lớp xếp lên nhau những dãy tế bào chứa đầy mộng ảo, chứa đầy những khúc xạ đớn đau.
Nhưng biết làm sao bây giờ?
Như đứa trẻ mồ côi mất mẹ, ta luôn vẽ ra hình ảnh thân thương rồi hét gọi ngàn lần biết đâu có ngày ứng nghiệm.
Sáng nay có tiếng chim lảnh lót trên mái nhà, không biết thực hay mơ!
Những giấc mơ thì không để lại dấu vết, còn những hình ảnh thực thì cứ ngỡ là mơ. Ta giờ như chiếc lá trên dòng nước, càng ngày càng lọt thỏm vào giữa mênh mông của thế giới tưởng tượng. Nhiều khi ta lẩn thẩn gọi trong chiều, này, bé yêu ơi, cho ta mượn bàn tay một tí! Nhiều khi ta lẩn thẩn gọi trong đêm, này, Thượng đế, cho ta mượn vầng trăng một tí. Để làm gì ư? Thì con đò giữa mênh mông trời nước, cần một bãi cát để làm gì? Đáp lại lời ta, chỉ có gió ngàn xoay tít giữa trời cao, chỉ có những giấc mơ không hề để lại dấu vết và trùng trùng lớp lớp bức tranh hiện thực giống như mơ. Tiếng ai văng vẳng trong chiều muộn, cứ đi rồi sẽ đến, cứ gõ rồi cửa sẽ mở! Nếu thế thì ta sẽ gõ đến ngàn lần và đi suốt đêm dài ngày rộng, đi hết ngày nắng đêm mưa, gọi tên bốn mùa và liên hồi gõ cửa.
Nhưng rõ ràng giọng nói vừa cất lên lại chợt tan biến, không biết thực hay mơ!
Mùa xuân đang đến…
Mùa xuân đang đến, như một con rắn màu xanh, vừa bò vừa vỡ vụn ra hàng ngàn mảnh thủy tinh lấp lánh hẹn hò ngũ sắc.
Ta ngồi ngắm mùa xuân bằng đôi mắt rạn vỡ nghe âm thanh mùa xuân bằng đôi tai rạn vỡ và hít thở khí trời mùa xuân bằng cánh mũi phập phồng rạn vỡ. Tại vì thế giới này chưa bao giờ là gắn kết, chưa bao giờ là một khối. Vậy nên ta mới mất công ngồi hàn gắn lại mọi vụn vỡ trên đời. Ta gắn môi hồng lại gần bếp lửa, gắn váy áo dập dìu gần với trời xanh, gắn sợi lông mi lại gần nắng ấm, gắn chòm mây trắng lại gần câu thơ…
Xong rồi, ta sẽ ngồi chờ, như một gã đi săn, chờ con rắn màu xanh với hàng ngàn mảnh thủy tinh hẹn hò lấp lánh bò về. Ta chờ mãi, vẫn chưa thấy tăm hơi rắn xanh với lại hoa vàng thủy tinh lấp lánh. Chỉ thấy những cơn gió điên cuồng đan kín hoang vu, chỉ thấy mây trời cuồn cuộn hành hương dọc bên trời lặng lẽ.
Bên bếp lửa, môi hồng giờ ngủ quên. Bên trời xanh, váy áo dập dìu thanh minh vạn năm xưa cũ. Bên nắng ấm, sợi lông mi lóng lánh, hình như đang say. Bên mây trắng, câu thơ lưu lạc chưa về.
Gã thợ săn ngồi nép mình lặng lẽ giữa thảo nguyên rồi ngủ quên lúc nào không biết.
Biết đến bao giờ...
Bạn hỏi ta, viết cái gì mà mây trắng với rắn xanh luộm thuộm không có đầu đuôi vụn vỡ? Ta có biết đâu, ta vẽ cho mình một bức tranh mùa xuân vẹn tròn ấp áp, có môi hồng bên bếp lửa, có nắng ấm dưới trời xanh, có sợi lông mi ngọt ngào dưới bầu trời đầy mây trắng. Một bức tranh mùa xuân mà ta chưa bao giờ có được trong đời. Bởi ngay từ lúc mới sinh ra, thế giới này đã là trăm ngàn mảnh vụn. Ta ngồi viết, ta ngồi vẽ, ta tí mẩn công phu ngồi hàn gắn lại, lẩn thẩn, miệt mài, như là… à mà thôi không so sánh nữa.
Về điều này, chỉ có mình hiểu ta thôi!
Không lẽ cứ ngồi đợi mãi, lỡ mùa xuân lỡ hẹn không về, thì sao? Làm gì để cho nhanh qua những tháng ngày hun hút? Ta từng vung tay xé mấy trăm tờ lịch một lần, nhưng rồi thời gian cũng chẳng chạy nhanh hơn được. Nếu thời gian là một con ngựa kéo xe, ta sẽ vung roi vun vút, đằng này… Ta bèn ngồi hoán đổi mọi thứ cho nhau, cái nọ sang chỗ cái kia, như một gã trọc phú chơi ngông ngồi đảo qua đảo lại đống của cải khổng lồ cho nhanh hết thời gian.
Ta đổi môi hồng vào chỗ trời xanh, rồi đổi lông mi vào bên bếp lửa, đổi váy áo thênh thang vào chỗ núi đồi, đổi mây trắng vào vòm cây lá rụng, đổi con đò sang chỗ núi Chư Mang, đổi sông Năng về nơi mây trắng… Xong rồi, mệt rồi, giờ thì ngồi vá lại những tháng ngày mệt mỏi làm người. Xong rồi, mệt rồi, giờ thì ngồi vỗ tay hát giữa trời bé yêu ơi tháng ngày đi xa ngựa người ơi cái ngày nặng nhọc xanh rêu ơi cái ngày rỉ máu vì sao ơi cái ngày mệt lả bướm ong ơi cái ngày óc cong khô…
Hát mãi thôi, gọi mãi thôi.