Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

MA LAI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỐ: 600 NGÀY 25 THÁNG 6 NĂM 2020



Dựng xe vào chân cầu thang, Hồng cất tiếng gọi:

          -Y Thịnh ơi, có nhà không?

          Lạ, cửa vẫn mở mà sao gọi không ai trả lời. Sáng nay nghỉ học không lý do, giờ gọi không thưa hay bạn ấy ốm. Thôi thì đã đến thì phải lên nhà xem sao. Đầu nghĩ, chân bước lên cầu thang. Vào nhà thấy Y Thịnh ngồi bên bếp lửa ở phòng khách, mặt xị xuống như có điều gì đó buồn lắm, khác hẳn thường ngày vui vẻ, hoạt bát. Hồng bước đến bên cạnh, đặt tay lên vai bạn, hỏi:

          -Y Thịnh bị bệnh à?

          Vẫn không có tiếng đáp lại. Người bạn thân nhất lớp của Hồng hôm nay bị sao thế này. Hồng gặng hỏi:

          -Bạn bị sao vậy, có thể cho mình biết được không?

          Vẫn im lặng, Y Thịnh nhìn chăm chăm vào bếp lửa đã nguội lạnh từ lâu và hình như trong đôi mắt thông minh, có dòng nước đang từ từ tràn ra. Hồng lắc lắc vai bạn:

          -Nói đi nào, có chuyện gì mà không đi học. Cô giáo và các bạn trong lớp nhắc bạn nhiều lắm đấy. Ai cũng mong bạn đến lớp. Ami(1) đâu rồi?

          -Hu, hu, hu…

          Bất ngờ từ gian cuối ngôi nhà tiếng khóc của người phụ nữ bật ra, uất nghẹn, đau đớn. Hồng nhận ra tiếng của mẹ Y Thịnh. Người phụ nữ  mới hơn ba mươi tuổi, khỏe mạnh, có nét đẹp đặc trưng của người phụ nữ Êđê. Không may, chồng  mất sớm, cô ở vậy nuôi Y Thịnh không đi bắt chồng khác. Có lẽ cô thương con trai, không muốn san sẽ tình cảm của mình cho ai khác nữa. Đã hơn chục năm như vậy trôi qua, hai mẹ con cô sống trong sự đùm bọc của người trong buôn. Vậy mà hôm nay có chuyện gì mà cô phải khóc? Hồng chạy vội lại nơi phát ra tiếng khóc, thấy mẹ Y Thịnh ôm cây cột nhà, gục đầu vào đó, khóc nức nở.

          -Cô ơi, có chuyện gì đấy cô?

          -Hu, hu, hu…

          Tiếng khóc lại càng vang to hơn, hai bàn tay người phụ nữ ôm chặt lấy cây cột như muốn vật nó ra, bẻ gãy nó đi. Hồng ào đến ôm ngang hông người đàn bà, nước mắt cũng ứa ra, giọng ngèn ngẹn:

          -Cô ơi, đừng khóc nữa, có gì từ từ mà tính chứ khóc làm sao giải quyết được công việc ạ.

          -Ới Yang(2) ơi sao lại bắt tội tôi khổ thế này!

          -Cô ơi, có chuyện gì cho cháu biết với được không?

          -Hu, hu, hu… Thầy cúng nó nói cô là là… Ma Lai!

          -Trời!

          Hồng là người Kinh, lại mới theo bố mẹ vào đây nhập học chưa trọn một học kỳ, nhưng cũng biết được đôi nét về văn hóa, phong tục, tập quán của người Êđê. Trong số các tội mà bị người trong buôn trừng phạt thì tội làm Ma Lai bị xữ nặng nhất.

*

          Không biết từ bao giờ, người Ê đê có quan niệm, nếu trong buôn có chuyện xảy ra không bình thườn làm hại đến tài sản, hoa màu, tính mạng con người… đều do Ma Lai gây ra. Vậy là người ta đi tìm Ma Lai. Họ tin rằng con Ma Lai độc ác từ trong rừng của tổ tiên, ông bà(3) bay về nhập vào một người nào đó để làm hại buôn. Lúc này gia đình nào cũng sợ bị lão thầy cúng bảo mình là ma lai; thậm chí có gia đình bất hòa với nhau cũng nhân cơ hội vu cho người kia là Ma Lai.

          Ma Lai thích uống máu tươi của động vật và cả con người, vì thế mới xãy ra chuyện bị mất mùa, cây trồng, vật nuôi chết và con người ốm đau, chết chóc... Người bị xem là Ma Lai bị dân buôn xua đuổi, không giao tiếp; thậm chí có nơi còn bắt thiêu sống. Vì thế, khi bị người trong buôn buộc tội cho nhà nào có người là Ma Lai thì gia đình đó chỉ còn cách bỏ nhà tới buôn khác hoặc vào rừng sâu sinh sống.

          Hồng quay ra bước đến bên cạnh Y Thịnh, đập tay lên vai bạn, hỏi:

-         Ai mà độc miệng vu vạ cho nhà mình thế?

-         Lão thầy cúng đó.

-         Y Thịnh có biết vì sao lão ta nói vậy không?

- Nhà ami Thanh có đàn vịt xiêm mười ba con mới biết gọi bạn tình, bổng trong một đêm lăn ra chết hết. Thế là lão ta bảo trong buôn có con Ma Lai nên mới có hiện tượng ấy và đi tìm rồi nói với mọi người: con Ma Lai ấy là ami mình.

-Thế già làng, buôn trưởng cũng tin lão ta à?

-Ừ!

-Đừng sợ, để mình về báo với cô giáo chủ nhiệm, tìm cách giúp. “Cây ngay không sợ chết đứng”, chúng mình là học sinh lớp bảy rồi, sao lại tin những chuyện vớ vẫn đó được.

Y Thịnh lặng ngắt, mắt vẫn nhìn vào chiếc bếp tối om. Hồng bước xuống cầu thang, vớ lấy xe đạp, đạp về. Mọi ngày bọn trẻ trong buôn thấy Hồng đến thì chạy theo, xúm lại đẩy xe, miệng ríu rít gọi: amai(4) amai Hồng; còn hôm nay vừa nhìn thấy Hồng trong nhà Y Thịnh đi ra đã vội vã chạy lên cầu thang như có ma đuổi, rồi đóng sầm cửa lại. Mấy đứa nhỏ chạy không kịp, ôm cầu thang khóc thét lên như thấy quỷ.

 

*

 

Cô Thanh cùng với bốn thầy cô trong trường đến thăm nhà Y Thịnh ngay buổi chiều khi nghe Hồng về báo. Các cô ngồi nói chuyện với ami Y Thịnh, còn thầy Hiệu trưởng đi tìm buôn trưởng nói chuyện. Một lúc sau thầy Hiệu trưởng quay lại nói:

-Ông buôn trưởng khẳng định: buôn vẫn bình yên, không có chuyện gì xảy ra khác với bình thường. Ngày mai Y Thịnh đi học nhé; còn việc của chị, chị cứ làm bình thường như mọi ngày, có gì chúng tôi sẽ nhờ chính quyền can thiệp giúp.

-Chuyện này không ai giúp được đâu thầy giáo ạ.

-Chị đừng sợ, phải tin vào chính quyền nơi đây chứ.

-Dạ!

Các thầy cô chia tay ami Y Thịnh ra về. Vừa bước chân xuống khỏi cầu thang, hình như có một hiệu lệnh thần bí nào đó phát ra, nhà nào trong buôn cửa cũng  đóng chặt. Cả buôn vắng ngắt không còn thấy một bóng người nào lai vãng. Cô Thanh, chủ nhiệm lớp 7A quay qua nói với thầy Hiệu trưởng;

-Tình hình này thì khổ mẹ con Y Thịnh rồi.

-Sáng mai cô bảo các em trong lớp ở gần đây đến rủ Y Thịnh đi học, xem người trong buôn họ xữ thế nào.

- Sáng ngày mốt, chủ nhật, thầy cho lớp em lao động dọn về sinh đường vào buôn và phát cây xung quanh nhà Y Thịnh nữa nhé.

-Đúng rồi, nhà trường sẽ cho thêm hai lớp chín nữa đi cùng lớp với lớp 7A.

-Dạ!

Các thầy cô đạp xe về trên con đường lỗn ngỗn những tảng đá to như nắm tay, chiếc mũ. Dãy núi phía tây cao lên, ngiêng bóng từ từ tràn xuống, đuổi ánh nắng vàng chạy mãi về phía đông rồi khuất hẵn.

 

*

 

Sáng chủ nhật, ba lớp hơn một trăm học sinh cùng bốn thầy cô giáo kéo nhau đến buôn. Tất cả mọi người kéo lên nhà Y Thịnh uống nước một lúc rồi mới chia nhau vác dao, cuốc và chổi ra làm vệ sinh con đường chính giữa buôn.

Đám thanh niên hơn chục người, trên mình mặc mỗi chiếc khố, lưng cởi trần khoe nước da đen bóng, tay cầm xà gạc (5) bước ra từ nhà lão thầy cúng, chặn đám học sinh, nói:

-Chúng mày về đi, không được làm ở đây!

Bọn học sinh lau nhau ùa đến vây quanh, tranh nhau nói:

-Chúng em đi lao động đấy.

-Chúng em đi giúp dân dọn vệ sinh, sao lại phải về.

Một thanh niên trông mặt khá bặm trợn, mắt xếch, tay dứ dứ cây dao nói:

-Chúng mày từ nhà con Ma Lai ra nên không được ở đây.

Đa số các em học sinh là người Ê đê nên khi nghe nói đến Ma Lai, hoảng hốt kêu thét lên:

-Yang ơi!

Có em còn làm rơi luôn cả dụng cụ lao động cầm trên tay.

-Anh bảo nhà nào ở buôn mình là Ma Lai?

Không biết cô giáo Thanh đến từ lúc nào, cất tiếng hỏi; đám thanh niên đứng lặng ngắt, mắt ngó cô chằm chằm. Người thanh niên mắt lé nói:

-Buôn tao không cần cô giáo và bọn trẻ giúp đâu, về đi.

-Anh không có quyền nói thế, chúng tôi làm vệ sinh giúp buôn chứ không phải riêng nhà anh. Đây là việc tập thể, các anh nên ra làm cùng chúng tôi mới đúng chứ.

-Buôn tao có chuyện nên cấm người lạ đến.

-Anh mời già làng và buôn trưởng ra đây nói chuyện.

-Chúng nó còn bận công việc, không có thời gian nói chuyện với cô giáo. Cô giáo dẫn học trò về đi, không được đến buôn này nữa.

Nói dứt lời, anh ta giơ dao lên đầu như định chém cô giáo, bọn học trò có đứa khóc ré lên, có đứa lao lại ôm chặt lấy cô. Bỗng có tiếng reo lên:

-Thầy Hiệu trưởng đến, thầy Hiệu trưởng đến.

Nhóm thanh niên đang hung hăng, nghe tiếng reo, quay lại nhìn ra phía đầu buôn như thấy thiên thần, vội bỏ tay xuống, lũi luôn vào nhà lão thầy cúng. Thầy Hiệu trưởng đi trước, phía sau có thêm ba chú công an, đầu đội mũ, lưng đeo súng nhìn oai phong lắm. Tiếng thưa thầy, chào chú của đám học sinh ồn ã vang lên, thầy Hiệu trưởng mĩm cười gạt đầu rồi nói:

-Các em làm đi, cô Thanh vào nhà già làng cùng chúng tôi.

Đám học sinh vui vẻ hòa hét nhau, dọn dẹp, vui như mở hội. Các ngôi nhà trong buôn lúc đầu đóng cửa im ỉm, sau đó mở hé, rồi mở hẳn. Đám trẻ con lau nhau không nén được tò mò thò đầu qua cửa nhìn, lúc sau đi ra đầu sàn xem các anh chị học sinh vừa hát hò vừa chia nhau chặt cây, quét rác… Một lúc lâu sau thì không ai giữ được lũ trẻ trên sàn, chúng ùa xuống đất cùng làm với đám học sinh một cách say sưa, các thầy cô giáo nhìn chúng, nở nụ cười vui vẻ.

 

*

 

   Chiều hôm sau, dân toàn buôn kéo đến trước ngôi nhà dài của già làng họp. Lũ người già trông ánh mắt long lanh ra chiều ưng ý lắm. Lũ thanh niên có đứa miệng cười như hoa, có đứa mắt lấm lét nhìn xuống chân, không dám nhìn ai. Ngồi trên đầu sàn, ngoài già làng còn có ông Chủ tịch xã, ông buôn trưởng và ba chú Công an chính quy, trang phục màu xanh, có gắn bảng tên trên ngực áo.  Lão thầy cúng cũng được hai anh công an viên đi cùng, đưa tới bên chân cầu thang.

Ôi, cái oai phong của lão thầy cúng một thời bay đâu mất cả. Lão không dám ngữa mặt lên trời gọi Yang hăm dọa người trong buôn được nữa. Hình như chân lão có vấn đề nên mắt chỉ nhìn chân thôi. Người trong buôn lặng ngắt, không ai nói thêm điều gì. Mấy em bé được gùi trước bụng mẹ vẫn vô tư vừa sờ ty vừa bú trong khi mẹ chúng chăm chú nhìn lên phía già làng.

Già làng sống đã nhiều mùa rẫy, tóc bạc, lưng còng, trên mình mặc chiếc áo thổ cầm của người dân tộc Êđê màu đen có viền đỏ, đứng dậy bước ra đầu sàn nhìn mọi người rồi thong thả nói:

-Nghe tao nói đây, mấy ngày qua buôn ta có bầy vịt xim chết làm loang ra cái tin trong buôn có Ma Lai. Từ tin xấu đó người ta nghi ngờ lẫn nhau rồi quy kết cho ami Thịnh là Ma Lai. Dân buôn ta đối xữ không công bằng với mẹ con Y Thịnh như mấy ngày qua là không đúng; lỗi này do Y Kit – thấy cúng của buôn ta nói ra. Buôn ta tin hắn, tin hắn, vậy mà…

Giọng già làng ngẹn lại như đau buồn lắm, phải một lúc sau lại mới nói tiếp được:

-Ta thay mặt mọi người trong buôn cảm ơn thầy cô giáo nhà trường, cảm ơn ba em học sinh nữ của trường đã giúp mọi người biết sự thật. Y Kít, mày xấu như con thú hoang, biết lỗi chưa? Lên đây nói cho mọi người biết vì sao lại giá họa cho ami Y Thịnh như thế.

Y Kít nặng nhọc bước lên cầu thang, rồi quay mặt ra phía mọi người, tay vịn vào đầu cầu thang. Già làng nhắc:

-Cái bụng mày xấu, cái lưỡi mày ác độc, làm hại người; giờ thì phải nói cho mọi người biết sự thật đi.

Y Kít cúi gằm mặt xuống, chắc trong đầu hắn đang nghĩ lại chuyện xảy ra chiều hôm qua…

Gần trưa, đám học trò cùng cô giáo dọn vệ sinh xong kéo nhau về trường. Đứng trong nhà, lão nhìn rõ Y Thịnh được cô giáo cho ngồi sau xe chở đi. Buôn trở lại yên tĩnh, trẻ con ăn cơm rồi ngủ; người lớn ở trong nhà không đi ra ngoài làm gì giữa cái nóng gay gắt. Thời cơ đến, lão nhảy qua cửa sổ mò qua nhà ami Y Thịnh. Ami Y Thịnh ngồi tựa lưng vào vách nhà, mãi mê dệt vải, hình như không biết có lão đã leo lên cầu thang, đi vào nhà. Người phụ nữ một con có khuôn mặt như ánh trăng rằm từ lâu đã hút hồn lão. Lão muốn được về ở trong ngôi nhà này từ lâu rồi, nhưng chưa có cách gì, nay thì…

-         Mi Y Thịnh không thấy tao đến à?

-         Mày đến có việc gì?

-         Tao đã nói rồi, cái bụng tao thương mày mà, mày cho tao về đây ở nhé.

-         Tao là con Ma Lai mà mày còn dám đến đây à?

-         Tại mày từ chối bắt tao làm chồng thì mới vậy. Bây giờ mày cho tao làm chồng thì người trong buôn không ai bảo mày là Ma Lai nữa đâu.

-         Không được, tao còn là Ma Lai thì không thể bắt ai làm chồng được cả.

-         Dân buôn này ngu lắm, tao nói gì chúng cũng nghe. Cho tao làm chồng mày nhé.

Nói dứt lời, lão bước đến cuối xuống định hôn ami Y Thịnh thì…

Trong gian nhà làm phòng ngủ của ami Y Thịnh bỗng vang lên tiếng chiêng, tiếng người hò hét:

-         Thầy cúng giết người, thầy cúng giết người…

Lão sợ quá, co cẳng chạy ra ngoài, nhảy xuống cầu thang. Người trong các nhà dài đang chìm vào giấc ngủ trưa bỗng bị tiếng chiêng, tiếng người đánh thức dậy, chạy vội ra đầu sàn và vô tình chứng kiến cảnh lão đang hoảng hốt  chạy ra từ nhà ami Y Thịnh…

Lão cay cú vì bị đưa ra kiểm điểm trước dân. Lão hận vì thấp mưu, thua con  bé người Doan(6) tên Hồng cùng với mấy đứa bạn nó học cùng lớp với Y Thịnh núp sẵn trong nhà làm hỏng chuyện lớn của lão. Nhưng từ sâu trong đầu lão, lão phải thầm thừa nhận lũ trẻ tinh quái quá, giỏi quá; còn lão…!

 

Nhà sáng tác Vũng Tàu, 3/11/2019

 

 

  1.  Chú thích:
  2. 1.     Ami: mẹ  – tiếng Êđê;
  3. 2.     Yang: thần linh – tiếng Êđê;
  4. 3.     Rừng của tổ tiên, ông bà: nơi ở của người chết – cách nói của người Êđê;
  5. 4.     Amai: chị - tiếng Êđê;
  6. 5.     Xà gạc: con dao đi rẫy của người Êđê;
  7. 6.     Doan: người Kinh – tiếng Êđê;

 


Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

NGƯỜI GIỮ LỬA BUÔN TAI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 334 THÁNG 6 NĂM 2020


 

Một chiếc mẹt không lớn lắm được đan bằng nan tre đực dùng đã lâu, các nan chuyển qua màu vàng, trông rất đẹp mắt. Ami(1) Y Thịnh nhất định bắt hai cô gái ở lại ăn cơm chiều xong mới được về. Người Êđê mời thật bụng, không ở lại là giận luôn. Cả ba người bạn sau gần một ngày lên rừng khám phá, bụng đói meo, ngồi quanh chiếc mẹt. Ami lần lượt mang đồ ăn ra: Một xoong cà đắng nấu với nai khô; bốn miếng thịt heo hong khói; một nồi cá suối nấu với quả rừng; bốn xiên thịt nai nướng. Mỗi món ăn được múc vào một chén ăn cơm cho riêng từng người, không ai ăn chung với ai.

Lần đầu tiên Hồng được ăn cơm với một gia đình người Êđê, thấy gì cũng lạ: trong mâm có bốn món ăn thì phải có đủ mười sáu cái chén cho bốn người, giống như chia phần vậy. Riêng xoong cơm được ăn chung. Ami Y Thịnh dùng muỗng gỗ, xắn một miếng cơm từ trên miệng xuống tới tận đáy xoong, rồi khéo kéo đưa lên, đặt gọn vào chén; ai cũng được chia như thế. Nhìn mâm cơm đầy chén mà chỉ có bốn người ăn, Hồng ngơ ngác, không hiểu ra làm sao, tròn mắt nhìn H’Liêm. Như hiểu ý bạn, H’Liêm mỉm cười nói:

- Phong tục của người Êđê tiếp khách quý đấy, trong bữa ăn có bao nhiêu món thì mỗi người được chia bấy nhiêu chén, không ai ăn chung chén với ai. Trong xoong còn, ai ăn hết trước sẽ được múc thêm. Nồi cơm đã xới phải có hạt gạo từ trên miệng xuống tới đáy, không có hạt cơm dính đáy nồi để người ăn sau biết cơm người ăn trước dành lại cho mình, không phải cơm ăn thừa.

- Người Kinh ăn cơm cứ gắp thức ăn bỏ vào chén người khác, mất vệ sinh lắm. Món người ta không muốn ăn cũng gắp bỏ vào, sợ luôn.

Y Thịnh góp chuyện; ami nở nụ cười độ lượng, nói:

- Tập quán mỗi miền, mỗi dân tộc có chút khác nhau mà, các con ăn đi.

- Dạ, cháu mời cô!

Hồng cầm đũa, mời rồi ăn thử món cà đắng. Đúng như tên gọi: đắng, cay và chua chua nữa; cả ba hương vị ấy như muốn đốt luôn đầu lưỡi, nhưng mùi thơm của thịt, vị ngọt là lạ của quả cà buộc người ta phải nhai, nuốt; mặc cho nước mắt trào ra. Nhìn bạn ăn, Y Thịnh không nhịn được, phải lấy tay bịt miệng cho khỏi sặc. H’Liêm dùng tay vỗ vỗ vào lưng Hồng, động viên:

- Miếng đầu có cảm giác khó chịu như vậy, nhưng đến miếng thứ hai, thứ ba mới cảm nhận hết cái ngon của món canh cà đắng của người Êđê, ăn vài lần là nghiện luôn đó.

- Ngon, ngon nhưng mà… cay quá!

- Tập ăn cay cho quen để không bị ngã nước.

Ami Y Thịnh lại cười, nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt trái xoan, môi đỏ như được bôi son và… hàm răng, sao mà trắng, đều đến thế - Hồng ngồi nhìn quên luôn cả ăn. Ami bảo:

- Hồng ăn đi chứ?

- Dạ, cô ơi chú vì sao mà mất ạ?

Đôi mắt lá răm thường ngày đẹp là vậy, nghe câu hỏi của Hồng, bỗng như có đám mây đen bay qua, khuôn mặt tối lại.

- Chuyện đã qua lâu rồi, ngày đó Y Thịnh chưa tròn mùa rẫy…

***

Buôn Tua Srah bên dòng sông Krông Ana(2) có chàng trai mồ côi tên Y Duk rất giỏi săn bắn, bắt cá, nhưng vì không ai biết dòng họ của anh ta nên không ai bắt làm chồng. Còn buôn Tai – nép mình dưới chân dãy Chư Yang Sin(3) cũng có một người phụ nữ lưu lạc, không biết vì sao lại mang đứa con đỏ hỏn đến xin ở lại. Người phụ nữ xinh đẹp mới ngoài hai mươi tuổi, giỏi nghề dệt vải nên được mọi người yêu mến dựng cho chiếc nhà nhỏ cuối buôn làm nơi trú ngụ. Hai mẹ con họ sống hòa thuận với buôn, cung cấp cho người trong vùng váy, áo đẹp vì thế cuộc sống cũng không đến nỗi nào. Người mẹ cứ ở vậy nuôi đứa con gái được mười bảy mùa rẫy thì từ giã mọi người theo về rừng tổ tiên ông bà (4). Cô gái đến tuổi trưởng thành, nhưng nhà nghèo không có chiêng, ché, voi, trâu, bò… nên không dám bắt ai về làm chồng.

Sau ngày mẹ mất, một hôm đang ngồi bên bếp lửa, thấy ami về bảo đi hái vỏ cây về làm sợi dệt vải. Hai mẹ con đi theo con sóc vàng rất đẹp dẫn đường, ngược dòng Serepok một đoạn dài, qua một ngọn thác, không may cô gái trượt chân, lăn xuống dòng nước. Bất ngờ có chàng trai bắt cá gần đó trông thấy, lao ra cứu đưa lên bờ. Nhìn chàng trai trên người có mỗi chiếc khố rách, người mẹ hỏi:

- Người ở buôn nào?

- Buôn Tua Sar.

- Tên là gì?

- Y Duk!

- Ama ami còn khỏe không?

- Theo Yang cả rồi.

- Giờ sống với ai?

- Một mình.

- Con gái ta cũng chưa bắt chồng, ngươi đồng ý làm chồng nó không?

- Tôi con mồ côi, xấu lắm.

- Con gái ta cũng vậy, nó nghèo nhưng có trái tim nhân hậu, về làm chồng nó nhé.

Chàng trai gật đầu, cô gái thẹn thùng núp sau lưng ami. Ami rút chiếc vòng trên cổ tay mình trao cho cô gái và bảo:

- Đây là chàng trai tốt, con trao vòng cho nó đi.

Cô gái cầm chiếc vòng bước lại gần, tay run run đeo vòng cho chàng trai. Hai người nắm tay nhau, nhìn nhau như đã quen thân từ lâu rồi. Một cơn gió ào tới, phả hơi lạnh vào mặt, cô gái quay lại không thấy ami đâu mới thét lên: “Ami!”. Tay đập xuống sàn đau điếng, lúc đó cô gái mới biết mình mơ, ngồi dậy nhìn qua khe cửa thấy trời đã tờ mờ sáng.

Hôm sau, cô gái chuẩn bị đồ ăn bỏ vào gùi rồi ngược dòng sông Serepok như trong giấc mơ. Cô đi mãi, đi mãi đến một dòng thác lớn, nước réo ầm ầm, định leo lên hòn đá ngồi nghỉ. Không may, hòn đá nhiều rêu, trơn quá; cô gái ngã lăn xuống sông bị nước cuốn đi. Đang chới với giữa dòng nước, sắp chìm thì được một chàng trai lao ra, kéo vào bờ. Chàng trai trách:

- Đi phải nhìn cẩn thận chứ, ai lại leo lên hòn đá đầy rêu như thế!

Cô gái mở mắt, rồi ngồi dậy nhìn chàng trai chằm chằm chằm. Chàng trai nói:

- Sao nhìn tao như thế?

- Mày… mày… mày ở buôn Tua Sar phải không?

- Ừ!

- Y Duk!

- Ơ, sao mày lại biết tên tao?

- Tao đi tìm mày để bắt về làm chồng đấy!

- Tao con mồ côi xấu lắm.

- Tao cũng con gái mồ côi như mày, sống ở buôn Tai, nghèo lắm nhưng có trái tim người vợ. Mày ưng về làm chồng tao không?

- Cảm ơn Yang đã cho người đến hỏi làm chồng, tao bằng lòng.

Cô gái trao vòng cho Y Duk, họ vui lắm, nắm tay nhau cùng về buôn Tua Sar báo với già làng. Nghe chuyện của hai người, già làng vui lắm, nói với mọi người: Đây là ý Yang! Sai người buộc rượu, mổ bò, mừng Y Duk có người bắt làm chồng. Ba ngày sau đôi bạn trẻ đưa nhau về buôn Tai sinh sống.

***

Y Duk có sức khỏe hơn người nên mỗi chuyến đi rừng mang được nhiều vỏ cây về nhà cho vợ dệt vải, cuộc sống khấm khá, nhà đã có gà, có heo thành bầy. Vui hơn, nhà có đứa con trai chào đời. Y Duk vui lắm, khi lấy đủ vỏ cây cho vợ dệt vải thì vào rừng phát cây làm rẫy, trồng lúa, bắp, chuối…

Cuộc sống hạnh phúc của buôn Tai bỗng nhiên bị tai họa ập xuống. Không biết ở đâu, một con trăn khổng lồ xuất hiện. Từ đó thú trong rừng gần chạy hết qua rừng xa; người dân không còn gì để săn bắn, kiếm ăn. Hết thú, con trăn mò xuống bắt trâu, bò, heo… để ăn. Trai tráng của buôn Tai và cả mấy buôn lân cận tập trung lại quyết diệt trừ thú dữ. Nhưng, da của con trăn cứng như sắt, chặt chém không đứt; bắn tên, đâm giáo đều không lủng. Lúc tức giận, cái đuôi trăn có thể quất ngã cả chục người, cây to như đầu người cũng bị gãy luôn. Dân trong vùng lo sợ lắm: ngày không dám lên rẫy, đêm về ngủ không dám đốt lửa. Lão thầy cúng của buôn còn nói: Yang(5) giận nên trừng phạt, phải cúng xin chuyển buôn thôi.

Thấy mọi người sợ hãi, muốn bỏ buôn đi nơi khác ở, Y Duk đến gặp già làng xin đi giết trăn. Già làng hỏi:

- Mày có cách gì giết được trăn của Yang?

- Cho tôi một con trâu lớn, đưa vào rừng để trăn ăn; ăn xong nó sẽ ngủ một tuần mới thức dậy. Chờ nó ngủ say dùng dao nhọn đâm lủng mắt, nó đui không biết đường đi thì chết đói thôi.

- Ai dám lại gần trăn mà đâm mắt nó?

- Tôi.

- Y Duk giỏi lắm, để gọi trai làng đến giúp.

Hôm sau già làng chọn con trâu đực lớn nhất bầy nhà mình, dùng dây da voi buộc qua cổ trâu giao cho Y Duk và mười thanh niên khỏe mạnh nhất, can đảm nhất buôn đưa vào rừng. Dắt trâu lên lưng chừng núi, buộc vào một gốc cây gỗ hương to năm người ôm không hết. Y Duk leo lên ngọn cây ngồi đợi, còn đám thanh niên vội vã trở về buôn. Từ thung lũng phía tây dãy núi, con trăn ngửi thấy mùi thịt nên trườn đến tóm gọn con trâu, quấn chết rồi nuốt. Ngồi trên cành cây chứng kiến cảnh con trăn quấn con trâu đến chết rồi bắt đầu nuốt. Mắc chiếc dây da voi, nó phải gồng mình lên kéo làm cây cũng lung lay muốn đổ, nước miếng trong mồm trăn trào ra như đổ nước, hôi thối nồng nặc. Một lúc lâu sau dây đứt, con trâu có cái bụng to hai vòng tay người ôm không hết, cuối cùng cũng lọt thỏm vào miệng con trăn. Nuốt xong con trâu, trăn ngáp ngáp rồi nằm im. Đợi đến xế chiều, biết chắc trăn đã ngủ say, Y Duk mới bám dây tụt xuống đến ngang mắt trăn, đứng trên mũi nó; nó vẫn ngủ. Y Duk vung tay dùng hết sức lực cắm cây đinh ba vào mắt phải con vật. Con trăn đau đớn, quần quại làm Y Duk bắn lên cao rồi rơi xuống đúng vào cái miệng đang há ra của nó trôi dần vào bụng. Y Duk rút con dao nhọn đeo bên mình, đâm mạnh vào cổ họng con trăn. Trăn đau đớn cố nuốt Y Duk vào bụng, nhưng càng nuốt, thì lưỡi dao cành rạch toác cuống họng của trăn. Chắc đau quá, nó uằn mình làm Y Duk bắn ra ngoài, con trâu cũng bị nôn ra luôn.

Nghe tiếng con trăn quật cây cối gãy đỗ ầm ầm, dân trong buôn nổi trống, chiêng ầm ĩ như có giặc. Màn đêm buông xuống một lúc, thì chỉ còn nghe tiếng thì thào của gió. Vợ Y Duk gùi con ra sau lưng, đốt một bó đuốc thật to chạy đi tìm chồng. Dân trong buôn thấy vậy mới gọi nhau đốt đuốc chạy theo, khi qua con suối đầu buôn, mọi người người thấy một mùi tanh nồng nặc bay lên, dòng suối trong xanh nay đã thành đỏ lòm, toàn máu. Cả triền đồi nơi con trăn ăn con trâu, cây cối bị gãy, đổ tan hoang. Con trăn thân to đến hơn người ôm không hết quấn chặt cây gỗ hương bật tung gốc, ngả ngiêng. Cách miệng con trăn không xa, xác con trâu đực được bao phủ một lớp chất nhờn mắc kẹt vào một tảng đá.

Dân trong vùng ùn ùn kéo đến, cả quả đồi đuốc đốt sáng rực, vây quanh người phụ nữ lưng địu con, tay ôm chặt xác chồng ngồi như hóa đá. Già làng buôn Tai bước đến bên cạnh, cuối xuống đặt tay lên trán người chết rồi giơ hay tay lên trời:

- Cảm ơn Yang đã giúp đỡ. Cảm ơn Y Duk, người giữ lửa cho buôn Tai chúng tôi thoát kiếp nạn này!

Cánh thanh niên đưa xác Y Duk về làm lễ cúng đúng một tuần. Già làng mời những người tạc tượng nhà mồ giỏi nhất đến dựng tượng quanh ngôi mộ để tỏ lòng kính trọng.

***

Kể xong chuyện, hai hàng nước mắt ami Y Thịnh chảy dài trên má. Hồng và H’Liêm bỏ đũa từ lúc nào, tay nắm chặt tay ami, nước mắt lưng tròng. Qua phút xúc động, ami Y Thịnh nói:

- Các con ăn đi, đồ ăn nguội hết rồi.

- Cô!

Hồng nghẹn ngào thốt lên. Hình như ami mỉm cười, mặt tươi tỉnh trở lại:

- Mấy đứa bảo nhau học cho giỏi nhé. Chủ nhật đến đây cô dạy cho dệt vải.

Hai đứa không cùng hẹn mà “dạ” như hô đồng thanh. Ngoài đầu sàn, bóng núi xiên xiên đổ dài. Từ lưng chừng núi sau buôn, bầy vooc đi tìm chỗ ngủ, cất tiếng hú ngân dài như báo hiệu màn đêm sắp buông xuống.

 

        Nhà sáng tác Vũng Tàu, tháng 11 năm 2019

 

 

Chú thích:

Ami: mẹ - tiếng Êđê;

Krông Ana: sông Vợ - tiếng Êđê;

Chư Yang Sin: núi thần cọp – tiếng Êđê;

Rừng tổ tiên: nơi ở của người đã chết – tiếng Êđê;

Yang: thần linh – tiếng Êđê;


Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

CỒNG CHIÊNG - XUẤT XỨ VÀ THỜI GIAN RA ĐỜI tác giả BÙI VĂN TRINH - CHƯ YANG SIN SỐ 333 THÁNG 5 NĂM 2020


“Cồng chiêng” là dùng để chỉ dàn nhạc thuộc bộ gõ gồm nhiều chiếc chiêng. Không phải dùng để chỉ từng cá thể chiếc chiêng. Trong thực tế, tùy theo từng vùng miền, từng dân tộc khác nhau mà người ta gọi “chiêng” bằng nhiều tên khác nhau. Người Êđê, M’nông, Ba Na gọi chiêng là “chinh” hay “ching”, người Mường gọi các loại chiêng nhỏ là “cồng”, loại có kích cỡ trung bình - đường kính khoảng từ 50 đến 65cm là “chiêng”, loại từ 70cm đến 100cm - có từ 2 đến 3 núm là “dàm” (dám)...

Tùy tên gọi của các dân tộc khác nhau, nhưng căn cứ vào hình dáng bên ngoài và âm thanh phát ra khi cùng ta gõ vào, đa số chúng đều đồng âm và có hình dạng đồng dạng như nhau (trừ một số chiêng bằng không có núm), do đó các nhạc cụ này được gọi chung bằng tiếng Việt (Kinh) là chiêng (loại có núm gọi là chiêng núm, loại không có núm gọi là chiêng bằng). Về kích cỡ cũng có nhiều loại khác nhau, loại nhỏ có đường kính khoảng 18 cm, loại lớn đường kính có khi đến một mét và có đến 3 núm (mỗi núm gõ vào chúng sẽ phát ra một âm thanh khác nhau). Cồng chiêng được đúc bằng đồng, để lâu sẽ ngả thành màu đen, chỗ thường gõ vào cho phát ra âm thanh sẽ lộ ra màu đồng thau (hợp kim đồng) vàng bóng. Với loại chiêng quý - chỗ núm chiêng được làm bằng hợp kim đồng pha vàng, khi sử dụng một thời gian, núm chiêng ngoài màu vàng bóng ra còn có nhiều tia ánh lên như tia mặt trời trông rất đẹp.

Qua khảo sát nhiều vùng miền, chúng ta thấy rằng, không chỉ các dân tộc ở Tây Nguyên như Êđê, M’nông, Ba Na, Sê Đăng, Mạ… hay các dân tộc như Mường, Thái, Tày ở các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ, Hà Nội... mới có cồng chiêng mà một số các dân tộc khác ở các nước châu Á như Trung Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Campuchia, Malayxia... cũng sử dụng cồng chiêng. Nhưng sử dụng cồng chiêng để làm nghi lễ hoặc nhạc cụ phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày, đạt đến độ trở thành bản sắc văn hóa và văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu vào tâm hồn, từ đó trở thành một phần máu thịt của con người thì chỉ có ở Việt nam chúng ta mà thôi. Điển hình cho điều đó là chúng ta đã có Văn hóa Cồng chiêng Mường ở Thanh hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội... Đặc biệt là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được cả thế giới biết đến.

Ở những miền đất ấy, khi có một em bé chào đời là lập tức có tiếng chiêng ngân lên như báo cho buôn gần buôn xa và núi rừng cỏ cây biết để chung vui cùng cha mẹ, ông bà và họ hàng của bé. Khi bé dược làm lễ “Thổi tai” hay được “Cúng vía đặt tên”, tiếng chiêng ngân lên báo cho buôn gần, bản xa và cả núi rừng, thần linh biết từ nay đã chính thức có thêm một con người có tên, có tuổi sống giữa cộng đồng. Ngày tháng trôi đi, đứa trẻ lớn lên thành chàng trai, cô gái, ngày dựng vợ gả chồng, trong niềm vui háo hức của cha mẹ, họ hàng, làng xóm, tiếng cồng chiêng lại tấu lên khúc nhạc rộn rã mừng hạnh phúc, giục mầm xanh mau chóng sinh sôi. Anh trí thức Êđê, Ba Na, M’nông tài giỏi, học cao đỗ đạt, ông Lang cun Mường được thăng quan tiến chức, anh sĩ quan người Thái được thăng cấp hàm... ngày liên hoan, các giàn chiêng núm chiêng bằng, cồng năm cồng bảy rồi cồng giàn lại tấu lên những khúc nhạc rộn ràng ngân xa bảy núi chín khe, báo cho buôn gần, bản xa biết để chung vui, chung niềm tự hào rằng quê mình có người tài giỏi đã làm rạng danh cho buôn làng. Ở vùng Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn Tây, Phú Thọ... trong những ngày vui xuân đón Tết, từng đoàn trai gái Mường lại theo các nghệ nhân đi hát sắc bùa đến hát chúc Tết các gia đình trong bản trong mường, làm cho không khí ngày xuân đã xuân rồi lại thêm xuân hơn nữa.

Trong cộng đồng người Mường, khi có người “trăm tuổi về già/ hóa tiên hóa rồng/ về chầu ông chầu tổ”, tức thì từng hồi cồng trống tấu lên từng nhịp vang vang cho “thấu thiên đình” và cũng là để báo cho anh em, họ hàng làng xóm gần xa biết hãy mau mau tập trung đến nhà có người vừa  quá cố để cùng nhau “tu phúc tu hiếu” theo cái lẽ của người Mường - và cả dân tộc Việt - đó là “Lúc sống là người một nhà/ khi chết làm ma cả làng”. Đêm ấy trong buổi tang lễ, tiếng trống lại tấu lên từng hồi… thùng… thùng… bôông... bôông... nghe như mây trôi nước chảy, tiễn đưa vong hồn người quá cố đi về cõi vĩnh hằng. Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng vậy, trong lễ bỏ mả thiếu thứ gì thì thiếu nhưng nhất thiết không thể thiếu được giàn cồng chiêng, bởi vì tiếng chiêng sẽ là khúc nhạc linh thiêng tiễn đưa linh hồn người quá cố đến với một cuộc đời khác theo quan niệm “sự tận cùng của cái này lại là sự khởi đầu cho cái khác sinh ra”.

Cồng chiêng gắn bó với con người là thế, vậy cồng chiêng được ra đời vào thời kỳ nào? Trên hoa văn trống đồng của thời kỳ Văn hóa Đông Sơn chúng ta không thấy hình ảnh người đánh chiêng - một số người xem đã lầm lẫn hình ảnh người đánh trống và người thủy binh bắn cung thành người đánh chiêng nhưng nếu xem cho kỹ thì không phải. Lần giở những trang sử đã nhuốm bụi thời gian chúng ta thấy năm 39 sau công nguyên, nước ta lúc bấy giờ nằm dưới ách đô hộ của nhà Đông Hán, vua Quang Vũ (nhà Hán) sai Tô Định sang làm Thái thú đất Giao Chỉ (nước Âu Lạc của ta bị nhà Hán đổi thành quận Giao Chỉ từ năm 111 trước Công nguyên). Thái thú Tô Định vô cùng tàn bạo tham lam, do đó gánh nặng thuế khóa luôn đè lên vai người dân Giao Chỉ. Chưa hết, Tô Định còn bắt dân ta vào rừng bẫy thú quý, xuống biển mò ngọc trai, đồi mồi nạp cho y. Khắp Giao Chỉ quằn quại trong cảnh lầm than khổ ải. Bấy giờ có con trai Lạc tướng Chu Diên là Thi Sách kết hôn với Trưng Trắc là con gái Lạc tướng Mê Linh. Bên ngoài là cuộc hôn nhân giữa con trai con gái của hai nhà Lạc tướng, nhưng bên trong là sự liên kết giữa hai vùng đất lớn để chuẩn bị khởi nghĩa chống giặc. Biết được ý định đó, Tô Định liền đem đại binh đột ngột kéo về Chu Diên bắt giết Thi Sách, hòng đánh phủ đầu, phá tan cuộc khởi nghĩa. Tin dữ từ Chu Diên đưa tới khiến Trưng Trắc vô cùng đau đớn và lòng giận quân giặc bốc lên ngùn ngụt. Bà cùng với em là Trưng Nhị ra lệnh “…Nổi trống đồng họp binh quyết trả thù cho chồng và giành lại giang sơn họ Hùng, rửa nhục cho nước. Nghe tiếng trống đồng thiêng liêng nổi lên giục giã, “ba hồi chín tiếng một” dân Mê Linh cầm cung nỏ, khiên mộc giáo lao, gươm đồng hai lưỡi cầm tay cuồn cuộn đổ về “nhà làng”. Trên bành voi, hai nữ chủ tướng mặc áo giáp vàng tóc cài trâm bạc rực rỡ, tay cầm gươm dài nhọn hoắt…”. Đọc đoạn sử ký trên, chúng ta không khỏi thắc mắc, tại sao trong cuộc khởi nghĩa chỉ có tiếng trống đồng mà không có tiếng cồng? Một viên tiểu tướng của Tô Định thời đó, sau khi chạy thoát về Trung Quốc đã có bài thơ, trong đó có câu: “Giao Chỉ vang lên tiếng trống đồng/ quân tướng Bắc phương đầu tóc bạc…” (ý nói lo sợ đến bạc tóc). Đành rằng đó là hiệu lệnh họp quân, nhưng kể cả sau này khi “…Một trận quyết chiến tối sầm cả trời đất giữa hai mươi vạn quân của Phục Ba Mã Viện (nhà Hán) với dân binh các làng chạ do Trưng Vương thống lĩnh diễn ra ở Lãng Bạc (từ Đông Triều - Quảng Ninh đến Yên Phong - Bắc Ninh ngày nay). Tiếng trống đồng vang lên giục giã, như có khí thiêng sông núi dồn phát trong mình, quân Hai Bà bắn tên rồi dũng mãnh xông vào quân giặc mà đâm mà chém. Nhưng Mã Viện là tên tướng già thiện chiến, hắn cho quân đóng trên các triền cao để chiếm lợi thế, hơn nữa quân của Mã Viện là quân chinh chiến nhà nghề nên thiện chiến hơn các dân binh của ta, hơn nữa chúng lại được trang bị toàn gươm sắt giáo dài tối tân hơn dân binh của ta rất nhiều. Thấy đánh ở Lãng Bạc lầy lội bị bất lợi, Trưng Vương ra lệnh khua trống đồng thu quân lui về Cấm Khê (Thạch Thất-Quốc Oai-Hà Tây ngày nay) để tiếp tục chống giặc…” Đọc đến đây ta có thể nghĩ rằng ở thời Hai Bà Trưng, cồng chiêng chưa được ra đời. Song về cuộc khởi nghĩa của Triệu Thị Trinh, sử cũ gọi Bà là “Triệu Ẩu”, lại viết: “Bà là người con gái có sức khỏe và võ nghệ cao cường, tài nghệ thu phục được cả bạch tượng (voi trắng). Trong hội thi võ, bà ngồi trên mình ngựa phi nước đại, chưa hết một hồi cồng hiệu đã bắn được ba phát tên và cả ba đã trúng vào giữa bia cách xa một trăm bước chân…”. Năm 19 tuổi bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt hợp nghĩa quân,lập căn cứ Phú Điền (Hậu Lộc - Thanh hóa) để chống giặc Đông Ngô (năm 248). Bà dùng cồng làm hiệu lệnh luyện quân tập võ. Sử cũ chép: “Bà dóng lên ba tiếng cồng, quân sĩ múa giáo đồng lao tới, gươm đồng vung lên, đường gươm mũi giáo kín kẽ y như hùm beo…”. Cho tới ngày nay, vùng dân gian Thanh Hóa còn lưu truyền bài ca: “Ru con con ngủ cho lành/ để mẹ gánh nước rửa bành ông voi/ muốn coi lên núi mà coi/ coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng…” hoặc câu: “Lệnh ông không bằng cồng bà/ lệnh ông để trong nhà/ cồng bà đưa lên núi”. Câu này ngoài ý nói Bà Triệu có uy tín với quân sĩ hơn anh trai của bà là ông Triệu Quốc Đạt, còn có thêm một nghĩa khác là ông Triệu Quốc Đạt dùng trống đồng làm hiệu lệnh, vì trống to, nặng nên phải để ở nhà, Bà Triệu dùng cồng làm hiệu lệnh vì nhỏ nhẹ, gọn gàng nên cơ động hơn, do vậy mà bà đưa được cồng vào núi, nơi luyện tập quân sĩ. Mỗi lần xung trận, Bà Triệu mình mặc áo giáp vàng, chân đi guốc ngà, cưỡi voi đi đầu oai phong lẫm liệt. Tiếng cồng lệnh vang lên, quân của bà ào ào xông tới, quân Ngô kinh hồn bạt vía đến nỗi lũ tướng giặc phải thốt lên rằng: “hoành qua  đương  hổ dị, đối địch Vương Bà nan” (múa giáo đánh hổ dễ, đối địch Vua Bà rất nguy nan). Một viên quan nhà Ngô đã từng sống ở nước ta thời bấy giờ cũng đã viết: “Ở Giao Châu, mỗi khi lâm trận, quân sĩ mới nghe tiếng cồng đã run sợ hồn bay phách lạc, không còn nhuệ khí đánh trận nữa, nên vừa gặp quân Man (ý nói quân Bà Triệu) quân nhà đã bỏ chạy loạn cả lên…”. Sử sách nhà Ngô thời ấy cũng chép rằng: “Toàn thể Giao Châu chấn động, quân sĩ (nhà Ngô) mới nghe tiếng cồng đã hoảng sợ, quan Thứ sử bỏ trốn mất tích…” Từ các dữ liệu lịch sử trên, cho phép chúng ta có thể suy luận rằng: Vào khoảng cuối thế kỷ thứ 2 đầu thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, cồng chiêng mới được sử dụng.

Vậy cồng chiêng có xuất xứ từ đâu? Một lần nữa chúng ta lại giở những trang thư tịch cổ và thấy rằng nền văn minh Hoàng Hà bước sang thời kỳ đồ sắt sớm hơn nền văn minh lúa nước sông Hồng, sông Mã. Tuy ở thời Hùng Vương, đất Âu Lạc đã có công cụ, vũ khí bằng sắt (truyền thuyết roi sắt, ngựa sắt trong truyện Thánh  Gióng là một ví dụ), nước ta đã có sắt nhưng chưa nhiều và đa số sắt ở nước ta thời ấy là do các thương nhân Trung Quốc đưa sang, do đó sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng, Mã Viện đã cho dựng cột đồng có dòng chữ: “Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt” (cột đồng đổ, Giao Chỉ bị diệt vong). Mặt khác các triều đình phương Bắc cấm lái buôn không được đưa sắt sang Giao Chỉ để bán. Không chịu khuất phục, các nghệ nhân con Hồng cháu Lạc đã sáng tạo để pha chế kim khí bằng đồng sẵn có của mình để chế tác ra các công cụ, vũ khí đồng tốt không kém gì đồ sắt của Trung Quốc. Đặc biệt là các nhạc cụ bằng đồng của ta như chuông, trống đồng, cồng chiêng của nước ta đúc ra đẹp và khi đánh lên có tiếng ngân vang xa và trong trẻo, hoặc trầm ấm hơn các nhạc cụ đồng của Trung Quốc rất nhiều. Sử cũ chép rằng: Tháng Hai năm Giáp tý (544) Lý Bí lên ngôi xưng là Lý Nam Đế (Tiền Lý) đặt tên nước là Vạn Xuân, vua cho xây một ngôi chùa lớn ở phường Vân Hòa (Yên Phụ ngày nay), lấy tên là Chùa Khai Quốc. Trong chùa có một quả chuông tuy không lớn lắm nhưng khi dóng lên, tiếng chuông vừa ngân nga trong trẻo lại vừa ấm đậm bao dung như lòng Phật, hơn hẳn “đại chung” (chuông lớn) trong các đại tự của Trung Quốc. Vua nhà Lương đã nhiều lần cho người đóng giả lái buôn sang tìm cách lấy cắp bí mật về kỹ thuật pha chế đồng (hợp kim đồng bạc, vàng để đúc thành đồng điếu) của nước ta mà không tài chi lấy được. Không chỉ có thế, các sử cũ còn ghi chép các sự kiện suốt từ thế kỷ thứ 6 cho đến thời kỳ Đinh - Lê, Trung Quốc luôn cho người sang nước ta dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc, lấy trộm bí mật kỹ thuật pha chế và đúc đồng của nước ta nhưng vẫn không thành công. Tuy nhiên so với các nước khác trong khu vực (trừ nước ta) kỹ thuật đúc đồng của Trung Quốc vẫn hơn hẳn các nước khác, kể cả Ấn Độ và Thái Lan. Đến thế kỷ thứ 14, kỹ thuật pháo binh ra đời và đạt đến điểm cao của khoa học quân sự thời bấy giờ về vũ khí thuốc nổ. Tuy Trung Quốc là nước có kỹ thuật cao về tìm và chế ra thuốc súng nhưng kỹ thuật đúc đồng làm nòng đại bác của Trung Quốc lại kém hơn kỹ thuật của nước ta, do đó súng “thần cơ” do Hồ Nguyên Trừng nước ta chế tạo có tầm bắn xa và sức công phá mạnh hơn hỏa pháo của quân Minh rất nhiều. Ngày nay, để tìm hiểu kỹ thuật đúc đồng, nhằm khẳng định xuất xứ của cồng chiêng, chúng ta hãy làm một chuyến du lịch đến các vùng của đồng bào có sử dụng cồng chiêng ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Cămpuchia và cả vùng Tây Nguyên của Việt Nam, trực tiếp thử nghiệm “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” vào những chiếc chiêng nhỏ chiêng to ở những nơi đó, ta sẽ được nghe đa số cồng chiêng ở những nơi đó khi đánh lên chúng phát ra cường độ âm thanh không cao, thanh sắc không trong, không ấm, đặc biệt là không có độ ngân, nếu hỏi ta sẽ được bà con người Choang hay Thái Hoa -Trung Quốc - đó là chiêng đúc do học được kỹ thuật của người Hán hoặc mua lại chiêng của người Hán hoặc người Hoa mà có. Ở Tây Nguyên ta sẽ được những người già cho biết: Người Tây Nguyên không đúc ra được chiêng mà phải mua của người Kinh ở Huế, Đà Nẵng hoặc Phú Yên mang lên bán, tuy vậy chiêng của người Kinh ở miền Trung khi đánh lên, tiếng không được trong và không ngân cao là mấy. Muốn có chiêng quý, màu đen đẹp, khi đánh lên tiếng chiêng trong và ấm, tiếng ngân dài và vang xa, phải mua ở Lào (do đó những chiếc chiêng quý mới có tên là Ching Lao). Đến nước Lào ta sẽ được bà con các bộ tộc Lào cho biết, họ cũng không tự đúc được ra chiêng, mà họ phải mua của người Kinh (Cân Keo) hoặc của người Mường (Cân Mọi) ở Việt Nam mang sang đổi hàng hoặc bán. Trở về miền Bắc Việt Nam, đến đất Mường, xách lên tay chiếc chiêng năm, chiêng bảy hoặc những chiếc Dàm có ba núm (lưu ý là chiêng ba núm ở đất Mường hiện nay còn lại rất ít, chỉ có ở vùng Hòa Bình mới còn). Khi chúng ta đánh những chiếc chiêng - bất kể là to hay nhỏ - ta sẽ được nghe tiếng chiêng ở xứ Mường, xứ Thái miền Bắc Việt Nam có tiếng ngân cao, trong trẻo nhưng ấm áp và vang xa. Đặc biệt ở những vùng này có những chiếc chiêng năm (tiếng Mường gọi là côồng răm) khi ta dùng tay xoa vào núm chiêng chừng 5 đến 7 phút, lấy tay ra tự nhiên chiêng phát ra tiếng kêu vo vo rất êm tai - điều đặc biệt này chỉ có chiêng ở xứ này mới có. Nhưng khi hỏi chiêng do đâu mà có, sẽ được các cụ già người Mường cho biết rằng: “…Người Mường không biết rèn sắt, không biết đúc chiêng, muốn có chiêng phải mua của người Kinh ở Phủ Thiệu (Thiệu Hóa - Thanh Hóa) hay phải ra mãi Đông Cổ Kẻ Chợ mới mua được…”. Đến đây thì chúng ta đã rõ và từ đó cho phép chúng ta có thể suy luận ra rằng: Cồng chiêng có nguồn gốc xuất xứ từ các làng nghề đúc đồng cổ truyền ở vùng châu thổ sông Hồng và sông Mã Việt Nam và cồng chiêng có thể được ra đời vào khoảng đầu thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, từ đó cồng chiêng và kỹ thuật đúc cồng chiêng mới lan tỏa đi các miền đất khác.