Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 288 - tác giả KHÔI NGUYÊN




 Nhà văn Khôi Nguyên bên thác Đrai Yông

ĐRAI YÔNG


Đrai Yông là tên một dòng thác nằm ở hướng Tây Bắc của thành phố Buôn Ma Thuột, nơi giáp ranh của 2 huyện. Nếu bờ bên này là xã Ea M’nang và bên kia là xã Ea M’Đroh của huyện Cư M’gar thì dòng chảy dưới chân thác đổ xuống xã Cuôr Knia của huyện Buôn Đôn.
Du khách phương xa đến với Đắk Lắk vẫn thường thắc mắc về các địa danh nơi đây sao hay gắn với từ “cư”, “krông”, “ea”... xin thưa, vì lẽ sinh tồn, người khai thiên lập địa bao giờ cũng chọn đất và nguồn nước. Theo tiếng Êđê “cư” (phát âm chuẩn phải là “chứ” – âm ngắn) có nghĩa là núi, “krông” có nghĩa là sông, “ea” có nghĩa là nước hoặc suối. Cũng như vậy, “đrai” có nghĩa là thác nước. Đrai Yông có nghĩa là Thác Yông. Còn tại sao lại gọi đây là thác Yông thì rất nhiều giả thiết. Có người cho rằng yông có nghĩa là cây đòn dông (cây xà dọc nóc nhà). Giả thiết này lại có nhiều cách lý giải. Mỗi nghệ nhân dân gian có một câu chuyện riêng về sự tích thác Yông. Người thì bảo tại đỉnh thác chạy dài như cây đòn dông trên nóc, các nhánh thác đổ như cây xà dọc của mái nhà...; người thì cho rằng ngày xưa, những nô lệ của người Lào gần đó, đêm nằm ngủ, ngó lên cây đòn dông, nghe tiếng thác đổ, nên nhớ nhà, đã bỏ trốn để về với quê hương và gia đình...; người thì bảo chui vào trong lòng thác, nhìn dòng thác đổ bên ngoài, qua các tầng tầng lớp lớp rễ cây, cứ tưởng mình đang ngồi trong nhà ngắm mưa rơi mà đỉnh thác là nóc nhà...
Nhưng dễ được chấp nhận và đồng thuận với lý giải rằng gọi là thác Yông do ở nơi này có con jik yông – lớp lưỡng cư, họ nhà ếch nhái – sống ở đây rất nhiều. Hình dáng giống như con ếch, thân ngắn, xanh sẫm nửa thân trở về đuôi. Jik yông cứ nằm phơi mình trên các bãi đá, khi chúng kêu nhiều thì báo hiệu mưa to, gió bão, động đất... sắp xảy ra. Chúng giúp con người nắm bắt những diễn biến của thiên nhiên sắp xảy ra.
Ở xã Ea M’nang, phần đông là người Quảng Nam đến sinh cơ lập nghiệp nên có người gọi Đrai Yông là Thác Ồ. Bởi tiếng thác đêm ngày cứ ào ào nhưng người xứ Quảng không phát âm được vần “ào”.
Tuy Đrai Yông chỉ cách Buôn Ma Thuột chưa đầy 30 km nhưng không dễ tìm nếu không có “thổ công” dẫn lối. Bản thân người viết bài này cũng đã từng “mua đường” theo vòng xoáy trôn ốc, hỏi người này rồi hỏi người kia không dưới chục lần.
Đường vào thác, mỗi lối lại có những vẻ đẹp khác nhau.
Nếu rẽ vào từ xã Cư Suê, sẽ bắt gặp những đoạn đường rợp mát bóng cây muồng đen xanh mướt từ gốc đến ngọn bởi người dân ở đây tận dụng thân cây thành trụ tiêu sống, những dây tiêu cứ thế bò theo thân và cành của cây chủ mà trổ lá, kết trái thi với màu xanh của lá cây chủ. Bất cứ du khách nào cũng ngỡ ngàng như thể đang được chui vào hang động xanh. Xanh bên phải, xanh bên trái, xanh ở trên đầu, xanh trước, xanh sau... Đang giữa trưa trong cái nắng của đại ngàn mà được nghỉ ngơi ở đây thì thật là sảng khoái.
Nếu rẽ từ thị trấn Ea Pôk, bạn sẽ gặp sự ngút ngàn của những rẫy cà phê. Gặp mùa hoa nở, hương hoa cà phê quyến rũ mê ly bởi sự dịu ngọt, rời xa cả ngàn cây số rồi mà hương hoa vẫn còn bởi quần áo, đầu tóc ta đã được ướp hương hoa ấy; cái màu hoa khiến ta ngẩn ngơ bởi sự tinh khôi, đã nhìn thấy nó rồi thì không thể nào quên nổi, cứ níu kéo người dưng phải quay về tìm lại. Nếu du khách đến vào mùa thu hoạch, cái màu tím đỏ trĩu cành của những chùm cà phê mọng vỏ, nghe tiếng rào rào của những trái cà phê rơi từ trên cao xuống bạt theo tay người tuốt, nghe tiếng râm ran của người lao động, được nhấm vị ngọt thơm của vỏ trái cà phê chín... sẽ cảm nhận được phần nào phong vị sống của con người nơi đây.
Nếu tìm đến thác theo lối rẽ từ thị trấn Quảng Phú, du khách sẽ được đi qua chân núi Cư M’gar – một núi mà huyện mang tên theo. Cũng có nhiều lý giải về tên của núi. Người thì cho rằng do núi này có nhiều sỏi đá, người thì cho rằng bởi xưa kia người M’nông Gar đi buôn bán qua thường nghỉ lại nơi đây, người thì kể sự tích rằng xưa kia có người đàn bà dám thách đấu với voi ở núi này (chị ta làm việc ngược với lẽ thường: sức mạnh là của đàn ông)... Nhưng nhiều người thiên về lý giải cái tên Cư M’gar là do núi này thay vì đỉnh núi phải cao thì nó lại trũng xuống như cái phễu (tiếng Êđê: m’gar = ngược) – vết tích của núi lửa hàng triệu năm để lại. Núi M’gar vẫn giữ nét hoang sơ với thảm thực vật và động vật nguyên sinh. Dưới chân Cư M’gar là những rẫy bắp, rẫy đậu hẹn mùa no ấm.
Dù đi theo lối nào, điểm đến vẫn là Đrai Yông. Nếu lạ, trước tiên phải hỏi đường đến xã Ea M’nang. Đến địa phận đó rồi, hỏi người dân địa phương đường vào Thác Một. Bởi Ea M’nang có 3 điểm thác. Do chưa là tụ điểm du lịch nên hỏi đường vào thác Đrai Yông hay Thác Ồ thì nhiều người ở đây cũng ngỡ ngàng. Nếu đi xe từ 12 chỗ ngồi trở xuống thì có thể đến tận đỉnh thác. Nếu đi xe quá 12 chỗ ngồi thì xe phải dừng ngoài đường để khách đi bộ khoảng 700 m. Đường vào thác cũng khá hấp dẫn bởi qua khu dân cư san sát là đến một cánh đồng với những thửa ruộng bậc thang có bờ là những viên đá mồ côi màu gan gà được be đắp uốn lượn theo địa hình, mỗi “bậc thang” rộng chừng vài chục mét (không hẹp như ruộng bậc thang ở các tỉnh miền núi phía Bắc). Ngay cả đường vào thác cũng chỉ được coi như một bờ ruộng nên nước vẫn tràn qua (yên tâm là không có sình lầy, xe đi không lún).
 Đỉnh thác là dòng Ea Tul hiền hòa chảy giữa thảo nguyên bao la với những đồng lúa, rẫy cà phê, vườn cây trái... Dòng Ea Tul như bao dòng khác của Tây Nguyên là chảy theo hướng từ đông sang tây (vì nằm ở phía tây của dãy Trường Sơn) rồi nhập vào dòng Srêpôk chảy đến Biển Hồ của Campuchia, theo Cửu Long giang làm cho đồng bằng Nam bộ thêm phù sa màu mỡ. Với chiều rộng gần 100 m ở điểm này, dòng Ea Tul giống như một đơn vị đặc công, tự chia thành 4 mũi chính để xuất kích. Để rồi 4 mũi tấn công băng mình lao từ độ cao chừng 15 đến 20 mét, hợp lưu vào nơi tập kết khoảng 2000 mét vuông, xong thì tiếp tục hành quân theo hướng đã định là Srêpôk – Biển Hồ - Cửu Long Giang – Biển Đông với mục đích phụng sự cho cuộc sống.
Đường từ đỉnh thác xuống chân thác len lỏi, quanh co trong rừng rậm tự nhiên, độ dốc vừa phải; những bậc đá không cao, không dài, vừa tầm với bước chân nên khá dễ lên xuống.
Từ đỉnh xuống chân thác chỉ mất chừng hơn chục phút là có thể ngắm những cột nước bạc dội từ trên cao xuống tạo nên âm thanh trầm hùng của núi rừng... Nếu đến vào buổi sáng, sẽ được ngắm mặt trời lên từ đỉnh thác nhưng không thấy được cầu vồng mọc dưới chân thác như lúc ban chiều, nhưng bù lại là sự sảng khoái cho một ngày mới đầy sáng tạo. Nếu đến buổi trưa, thì sẽ có cảm giác đang được hưởng thụ máy điều hòa nhiệt độ của thiên nhiên dù cho VTV báo rằng Buôn Ma Thuột đang ở thời điểm 32 đến 35 độ. Nếu đến buổi chiều, khói thác nghi ngút, may mắn sẽ thấy cầu vồng mọc từ chân thác, ai cũng muốn lưu lại ảnh của mình bởi bồng lai tiên cảnh. Hãy nán lại chờ vào chập tối để nghe jik yông kêu gọi bạn tình mà đoán xem ngày mai nắng hay mưa, thậm chí là bão tố và động đất...
Cũng dưới chân thác, do dòng nước đổ nên tạo ra hang hốc. Có hốc sâu cả chục mét, dài cả trăm mét, rễ cây theo hơi ẩm, theo dòng chảy, theo lẽ sinh tồn mà cứ thế rủ dài, xõa xuống như bức mành che... rất đặc trưng nơi đây.
Hòn đá Con Gà với một cây si bao bọc bằng bộ rễ hàng trăm năm tuổi đã trở thành nơi thề non hẹn bể của bao đôi lứa. Gốc si già nơi đỉnh thác còn tồn lưu bao chuyện tình của ai đã đến nơi đây. Mỗi vết khắc vào thân cây là một lời thề son sắt, mỗi vết mực viết bằng bút xóa trên các tảng đá là dấu tích của người đã đến với Đrai Yông. Mỗi đụn đá nằm giữa nơi bãi hợp lưu của thác hóa thành chứng nhân của ai đã tìm về với nó...
Chui vào hầm dưới lòng thác, thưởng thức làn khói hơi nước, ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, nghe thác cất lên tiếng hát của đại ngàn... khác nào đang ở nơi tiên cảnh.
Chỉ tiếc rằng, Đrai Yông đến nay vẫn như viên ngọc quý đang tiềm ẩn. Nhưng chắc một ngày nào đó, nó sẽ trở thành điểm thu hút du khách như bao dòng thác nổi tiếng khác ở Tây Nguyên.              






Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

CHUYỆN BÀ H’BLA Truyện ngắn HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 288




Ngày xửa ngày xưa, lâu lắm rồi, khi ấy buôn M’Lôk chỉ phải trồng hạt lúa, củ khoai làm lương thực còn thức ăn hàng ngày không bao giờ phải lo; nhà nào thích ăn cá ra suối bắt về, muốn ăn bao nhiêu cũng có vì cá nhiều gần bằng nước suối. Nhà nào muốn ăn thịt vào rừng bắt heo, nai, mang, nhím, cheo… mang về như ta bắt ở trong chuồng vậy. Người trong buôn không gia đình nào có ý nghĩ giành phần hơn cho mình mà xem mọi thứ là của chung, ai dùng bao nhiêu thì vào rừng lấy về vừa đủ dùng. Đàn ông ngoài việc lên rẫy, săn bắt thú về ăn còn thời gian rỗi đánh chiêng, đánh đàn và uống rượu. Phụ nữ chăm sóc con cái, lên rẫy trồng tỉa, thu hoạch và làm nội trợ, thời gian rỗi dệt vải, thêu thùa… Ngày ấy tiếng cười luôn đầy ắp các dãy nhà dài.
Nhà bà H’Bla được dựng đầu buôn M’Lốc. Kể cũng lạ, mọi người ở tuổi bốn mươi lăm như bà đều có con cháu đầy nhà, riêng bà thì không. Bà ở một mình, không bắt chồng vì không thích chứ không phải không có đủ lễ vật để trả nhà trai thách cưới; gia đình nhà bà giàu có vào loại nhất nhì trong vùng. Từ nhỏ bà chỉ thích chơi đùa với chim muông, ong bướm…, lớn lên một tý có thêm sở thích đi dạo trên các đỉnh núi ngắm trời mây non nước và tìm các loại lá cây chữa bệnh cho người làm phúc như bà ngoại đã về với Yang (1). Năm H’Bla đủ hai mươi mùa rẫy, người trong vùng rủ nhau chung sức dựng cho bà một ngôi nhà sàn dài mười sải tay ở đầu buôn M’Lốc.
***
Như mọi ngày, buổi sáng hôm ấy trời trong xanh, gió thổi thì thào bên tai như nâng bước chân để H’Bla bước nhanh lên đỉnh núi Cư Droak thuộc dãy Chư Yang Sin hùng vĩ. H’Bla phải đi sớm để tìm cây nấm vàng mọc trên vách đá gần thác nước về chữa bệnh cho người bị mọc mụt trong cổ họng; bệnh này chỉ có duy nhất loại thảo dược ấy mới trị được, không tìm được thì ba lần trăng tròn tính từ ngày bệnh phát cộng thêm chín ngày nữa, bệnh nhân sẽ đi theo Yang.
- H…u… u!
H’Bla leo gần lên đến đỉnh núi, bỗng nghe tiếng kêu như khóc của bầy khỉ vọng lại. Tò mò, H’Bla leo lên gần chút nữa thấy bầy khỉ hàng trăm con; con đứng, con ngồi lố nhố gần một hòn đá có cỏ tranh mọc vây quanh. Thấy H’Bla đi đến, lũ khỉ thét lên bỏ chạy tán loạn, lẫn luôn vào các cây cao như có phép tàng hình, bỏ lại trên hòn đá một con khỉ lớn. Con khỉ chắc phải nặng gần ba chục ký, dài gần một mét; nằm úp mặt xuống đá, lông nâu sẫm, phía mông có một mẩu đuôi ngắn tí tẹo như ngón tay, lưa thưa vài cái lông như đuôi heo. Thấy lạ, H’Bla bỏ gùi xuống, lại gần lật ngửa con khỉ lên… thoáng giật mình lùi lại. Con khỉ miệng cắn chặt cổ con rắn hổ mang to bằng bắp chân người lớn, máu tươi còn chảy thành vũng trên hòn đá. Con rắn cũng không vừa, tuy chết nhưng mồm vẫn gặm ngang một cánh tay con khỉ. Phía dưới hòn đá, nơi đám cỏ gianh bị quần nát còn một con khỉ nhỏ hơn, chắc chỉ khoảng năm sáu ký, mắt trợn ngược, mồm trào máu đen. Rút dao bên hông, H’Bla cạy miệng con khỉ nằm trên hòn đá, lôi con rắn ra, vạch mắt khỉ xem, thấy còn chút hy vọng nên nhảy vội khỏi hòn đá chạy vào mấy bụi cây gần đấy hái một nắm lá bỏ vào mồm nhai nát, nhả lá ra tay bóp lấy nước cho rơi vào mồm con khỉ. Dùng dao nhè nhẹ cạy mồm con rắn, lôi tay khỉ ra, lấy lá nhai vắt nước lúc nãy đắp vào vết rắn cắn. Con rắn dài hơn hai sải tay, mình vằn đen, vằn vàng đã chết hẳn từ lúc nào rồi.
Nhìn vết thương con khỉ, H’Bla hình dung ra cuộc chiến của hai con thú chắc là quyết liệt và nhanh chóng kết thúc. Con khỉ đầu đàn có thói quen buổi sáng thường ngày họp bầy, ngồi trên hòn đá bằng cao nhất trên đỉnh núi trước khi quyết định đưa đàn đi về phía nào kiếm ăn. Con rắn hổ mang sống gần đấy đã lâu năm để ý, tính kế ám hại bầy khỉ nên từ đêm đã đến núp trong đám cỏ gianh, bên cạnh hòn đá mà con khỉ đầu đàn thường ngồi. Con rắn tin vào sức mạnh và nọc độc của mình có thể tiêu diệt con mồi nhanh gọn, kiếm bữa ăn sáng. Một con khỉ nhỏ vô tình nhảy đến hòn đá trước, đúng tầm, con rắn lao lên tóm gọn. Trong lúc bầy khỉ hoảng loạn bỏ chạy, con khỉ đầu đàn đã lao đến cắn vào cổ con rắn. Con rắn cũng kịp bỏ con khỉ nhỏ, quay lại cắn trúng tay con khỉ lớn. Con rắn bị chết ngay, còn con khỉ đầu đàn bị ngấm nọc độc của rắn cũng xỉu luôn.
Khoảng năm phút sau khi thay miếng lá thuốc thứ hai, con khỉ từ từ mở mắt, nó đảo mắt nhìn trời, nhìn xung quanh rồi nhìn vào mắt H’Bla thoáng tỏ ra hoảng hốt. H’Bla mỉm cười vỗ nhẹ lên đầu nó như muốn bảo: nằm im. Con khỉ có khuôn mặt hình quả mận, da mặt đỏ như được sơn son, phía dưới cằm có chùm râu bạc dài đến nửa gang tay; miệng khá lớn có hai chiếc nanh to như ngón tay út thò hẳn ra ngoài trông rất ghê.
H’Bla lấy quả bầu đựng nước trong gùi rót cho nó một ngụm. Con khỉ nằm ngửa, uống nước không quen nên bị sặc, mình co dúm lại. Đỡ nó ngồi dậy, H’Bla bật cười, khẽ vỗ lên đầu nó bảo:
- Xin lỗi mày nhé, khỉ không uống thế này được thì thôi vậy. Mày hết đau rồi đấy, tao phải đi đây.
H’Bla đứng dậy, khoác gùi lên vai, định quay mình bước đi. Con khỉ thấy vậy hoảng hốt giơ bàn tay còn lành nắm lấy gấu yeng (2) kéo lại, đôi mắt nhìn như cầu khẩn.
- Gì nữa đây, giờ mày chạy theo bầy được rồi, để tao còn đi hái thuốc chứ!
H’Bla nói và khẽ vỗ vỗ lên đầu con khỉ. Đôi mắt khỉ nhìn như van lơn, cầu khẩn. Bỗng nó kêu lên một tiếng như nấc: Kh…o…c! Không biết vì sao cả lũ khỉ trên các ngọn cây, bên các hòn đá nhất loạt chạy cả lại vây quanh H’Bla. Thôi thì lớn bé, to nhỏ, đủ cả; có con trước ngực mang con nhỏ còn đang bú, có con cõng con nhỏ sau lưng; chúng ngồi thành nhiều vòng xung quanh, tất cả đều nhìn lên H’Bla như cầu xin. Nhìn lũ khỉ ngồi, H’Bla kêu lên:
- Ơ chúng mày làm gì thế này? Đứng hết lên, vào rừng kiếm ăn đi chứ, ngồi đây mà chết đói à? Đứng lên nào!
Cầm bàn tay lành của con khỉ bị thương kéo nó đứng lên, dắt nó bước theo đến bên gốc cây đa trước mặt, đặt hai tay khỉ vào gốc cây ra hiệu cho nó leo lên. Cả bầy khỉ lốc nhốc bò theo sau, rồi lại ngồi xuống như những bức tượng khỉ được tạc bằng gỗ dựng bên các nhà mồ. H’Bla phì cười với liên tưởng của mình rồi vỗ nhẹ vào lưng con khỉ bị thương, động viên:
- Mày đi được rồi, tay bị thương chỉ đau thôi, không chảy máu nữa đâu, đi đi, nhớ đừng đánh nhau với bọn rắn nữa nhé.
Từ đôi mắt tròn xanh xanh của con khỉ bị thương, hai dòng lệ trào ra, lăn xuống gò má, rơi xuống đám lông ngực màu xám bạc. Nó ôm cây đa mà mắt vẫn không rời H’Bla. H’Bla phải đập nhẹ vao lưng nó giục:
- Đi đi, ngoan nào!
- Kh…o…c!
Con khỉ bị thương kêu lên một tiếng nghẹn ngào rồi từ từ ôm lấy thân cây, leo lên. Cả lũ khỉ đang ngồi dưới đất, nghe tiếng kêu liền lốc nhốc cong đuôi nhảy tót lên cây, miệng kêu la ầm ĩ. Khi leo lên cây rồi chúng quay đầu nhìn xuống, con gãi bụng, con gãi nách, con tung mình đánh đu như biểu diễn xiếc… Riêng con khỉ bị thương, nó ngồi trầm ngâm nhìn theo ân nhân của mình đến khi khuất hẳn về phía bên kia sườn núi. 
***
Sau gần một ngày lang thang trong rừng, hết trèo đèo, lội suối, leo lên các tảng đá chênh vênh trên vách núi… khi trở về H’Bla cũng hái được một cây nấm tán màu vàng cam, thân màu trắng to bằng miệng ly uống rượu bỏ vào gùi. Có cây nấm làm vị chính, thêm tám loại thảo dược nữa, chắc chắn bệnh nhân được cứu sống. Loại nấm này trước đây chỉ nghe bà ngoại kể lại chứ ngoại cũng chưa thấy bao giờ, may mắn H’Bla lại là người trong dòng họ lần đầu tiên hái được. 
Sáng hôm sau, khi ông mặt trời vừa leo lên khỏi ngọn núi Mẹ Bồng Con ngắm thảo nguyên M’Drak, H’Bla ra lấy gùi để ở đầu sàn chuẩn bị lên rừng như mọi ngày thì sững lại, không tin ở mắt mình nữa; chiếc gùi tối hôm qua để không nơi đầu sàn giờ đây đầy ắp loại nấm quý hiếm mà hôm qua bà đi cả ngày chỉ hái được một cây. Thoáng cau mày rồi H’Bla bật cười vì đã đoán ra ai đã giúp mình, quay mặt nhìn lên cánh rừng trước mặt thấy bầy khỉ đang rối rít rung cây như một lời chào. Riêng con khỉ bị thương to nhất bầy ngồi suy tư trên cành cây gần nhà nhất vẫn chăm chú nhìn vào H’Bla như bị thôi miên.
Cũng từ ngày ấy, mỗi lần bà H’Bla muốn hái loại lá thuốc gì thì chỉ cần đặt lên gùi chiếc lá cần hái để đầu hồi nhà, ngày hôm sau sẽ có cả gùi đầy. Có đủ lá thuốc bà H’Bla chữa khỏi bệnh cho nhiều người trong vùng làm phúc, không bao giờ lấy công của ai dù chỉ là một đồng bạc, vì thế mọi người kính trọng xem bà như Yang.
Ngày bà tròn một trăm lẻ một tuổi, cả khu rừng bỗng trở nên hỗn loạn, tiếng gầm rú của muông thú, tiếng kêu gào của lũ khỉ và trên mái nhà dài của bà H’Bla có đôi chim công trắng bay về đậu trên hai đầu hồi nhà kêu lên những tiếng ai oán. Người trong buôn thấy lạ, rủ nhau kéo đến nhà bà H’Bla thì thấy bà đã nằm như ngủ trên giường, hồn đã theo Yang. Người trong buôn và dòng họ làm lễ chôn cất cho bà đúng nghi thức trang trọng nhất. Hàng vạn người trong vùng đã đến tiễn đưa bà về cõi linh thiêng. Sau ba ngày ba đêm làm ma chay, cúng tế, chôn cất bà xong chiều hôm trước, sáng hôm sau người nhà ra thăm mộ bà đã hoảng hốt chạy về buôn thông báo điều lạ… cả buôn kéo ra, nhiều người buôn xa kéo đến nhìn ngôi mộ bà H’Bla đều không cầm được nước mắt khi thấy trước ngôi mộ con khỉ đực to lớn đã chết từ lúc nảo lúc nào mà vẫn giữ nguyên tư thế ngồi ôm mặt nhìn về phía ngôi mộ; đôi chim công trắng đậu trên hai đầu nhà mồ đã chết, nhưng cánh vẫn xòe ra như muốn che chở cho ngôi mộ của bà H’Bla.
Người già bảo: lúc sống, tun (3) H’Bla chuyên làm điều thiện, dùng thuốc cứu người và muông thú nên mới có phúc như thế. Để tỏ lòng tôn trọng với hai con vật đã chết vì tình cảm chân thành, người trong buôn chôn cất chúng bên cạnh ngôi mộ của tun H’Bla và chọn ba người thợ khéo tay nhất vùng tạc tượng chúng dựng trước ngôi mộ của bà. Có lẽ vì thế mà một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên thường có tục lệ tạc tượng hình con khỉ ôm mặt, đôi chim công đứng canh trên các ngôi mộ người mới mất truyền đến ngày nay chăng!

Mường Thanh – Vinh, tháng 10 năm 2015




Chú thích:
(1) Yang: Thần linh – tiếng Êđê
(2) Yeng: Váy -  tiếng Êđê
(3) Tun: Người già -  tiếng Êđê.




Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 288 - tác giả LÂM HẠ





NGƯỜI ĐI TÌM BÓNG
Truyện ngắn



Chúng tôi là người. Tất nhiên là tôi biết, làng tôi biết, và nếu bạn nhìn vào tôi, bạn cũng nhận ra điều đó.
Nhưng, chúng tôi không có bóng, chuyện đó thì không hẳn ai nhìn vào cũng biết.
Đó là câu chuyện dài, thường được bắt đầu, được lưu truyền bằng câu kể  “ngày xửa ngày xưa”, từ một thời điểm nào đó xa tít tắp. Ngày ấy, những con người sơ khai lập nên làng tôi vẫn còn bóng, người và bóng là bạn, người trò chuyện cùng bóng, thương yêu những cái bóng như thương yêu đôi bàn chân mình. Nhưng rồi một ngày, những cái bóng ấy muốn trỗi dậy, muốn cắt điểm giao kết giữa tổ tiên chúng tôi và bóng của chính mình. Những cái bóng đưa ra lý do vì sao chúng đòi hỏi điều đó.
“Con người chỉ làm những điều họ muốn, chỉ thấy cần những thứ cho bản thân mà không quan tâm đến người khác. Đôi chân người đi đến nơi bóng họ không muốn đặt chân, đôi tay người làm những việc mà bóng thấy xấu hổ, đôi môi người nói những điều mà đôi tai bóng thậm chí không thể lắng nghe. Những cái bóng muốn sống cuộc sống như mình mơ ước, thanh bình và nhẹ nhàng, không phức tạp như con người.”
Sau những tháng ngày dài tranh luận, thương thuyết, cuối cùng tổ tiên chúng tôi cũng phải chấp nhận điều kiện của những cái bóng. Họ đặt ra một kết giới, một loại rào chắn vô hình được xây nên bởi những lời thề của cả hai bên. Họ thề rằng cả ngàn đời sau, con cháu của người và bóng không được tìm đến nhau. Họ chia giới phận, họ kết những sợi dây làm rào chắn. Ngàn năm, vạn năm, chúng trở thành một bức tường kiên cố rong rêu, chưa có người nào đặt chân đến vùng đất phía bên kia – phía bên những chiếc bóng của mình – để được gặp gỡ một phần cơ thể họ.
Tất nhiên, việc phân tách cũng phải có quy trình, không phải ai sinh ra cũng đều không có bóng, mà ngược lại. Bất- kể- đứa- trẻ- nào- sinh- ra- cũng- đều- có- bóng. Nên làng tôi có một tập tục cổ xưa, khi có một đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, mọi người trong làng sẽ đến chiêm ngưỡng sinh linh bé nhỏ như chiêm ngưỡng cái bản thể sơ khai của chính mình, tặng quà, chúc phúc cho đứa trẻ rồi đem nó ra giữa ánh sáng mặt trời, để được nhìn thấy bóng của đứa bé, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Sau đó, một kết giới được thực hiện phân tách chiếc bóng, cái bóng tự biết vị trí của mình, sẽ tìm về bên kia bức tường, và mãi mãi ở lại bên ấy cho đến khi đứa trẻ đó mất đi.
Cũng như bao đứa trẻ khác, tôi chưa bao giờ thấy bóng của mình. Tôi hình dung ra nó, có phải như một làn gió mùa xuân mang hương thơm của hoa cỏ? Bóng có như những cụm mây lững lờ trôi rồi bỗng chốc đổi màu hóa thành mưa? Từ ngày tôi biết mình không hoàn hảo, mình sống thiếu một điều gì đó thuộc về mình, tôi thường hay suy nghĩ về những cái bóng. Mẹ tôi kể, ngày mẹ đưa tôi ra tắm ánh mặt trời lần đầu tiên để thực hiện một kết giới với cái bóng của mình, tôi đã khóc rất to, còn cái bóng bé xíu của tôi co cụm thành một chấm nhỏ li ti trên nền đất. Mẹ rất buồn, mẹ không hiểu những giao ước của tổ tiên có ý nghĩa gì nhưng mẹ biết, cuộc sống không có bóng chắc hẳn sẽ mang nhiều nỗi buồn. Mẹ thì thầm với cha, hay chúng ta giấu cho con mình một cái bóng, giấu thật kỹ? Nhưng cha cương quyết, chúng ta không thể làm khác những gì tổ tiên đã lưu truyền, đó là vi phạm những kết giới, và cha bắt đầu tách chúng tôi, tôi- và- bóng.
Tôi không có bạn, những đứa trẻ không- có- bóng như tôi. Bạn tôi là những cụm hoa ven đồi, những mầm cây mới nhú, những chú chim chích chuyền cành hót lên những bài ca hân hoan trong nắng sớm. Tôi ganh tị với chúng, nhưng tôi cũng thầm mong được như chúng, vì sao ư? Vì chúng có bóng. Đúng, chúng chẳng bao giờ cô đơn cả. Chúng chơi đùa với cái bóng của mình, cùng đồng hành trên những hành trình dài di trú, cùng nhau lớn lên, già đi, khô cằn và tàn lụi. Những cái bóng ẩn nấp khi trời mưa và chạy ào ra phơi mình khi ánh mặt trời len lỏi tìm đến chúng. Tôi yêu chúng, những cái bóng dễ thương.
Vào một đêm buồn tẻ, tôi nhìn ra sân, bóng của cây tiêu huyền in trên vách với những chiếc là rung rinh như đang dự lễ hội khiêu vũ dưới ánh trăng màu mỡ gà. Tôi buồn bã hỏi mẹ vì sao chỉ có con người chúng ta mới không có bóng? Mẹ im lặng một hồi lâu, nén tiếng thở dài rồi thì thầm như sợ con thạch sùng trên trần nhà nghe thấy. Vì con người có nhiều thói xấu, nhiều vô kể, nhiều đến nỗi chính cái bóng của họ cũng không thể chấp nhận được. Mẹ cũng đã từng muốn làm cỏ cây, hoa lá, chứ chẳng muốn làm người.
Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng tự nhủ mình không được làm những việc xấu, không trêu chọc hàng xóm, không trộm cắp, không nói xấu bạn…và tối nào tôi cũng thì thầm với bóng cây tiêu huyền rằng ngày hôm đó tôi không làm việc gì xấu mà ngược lại, chỉ làm những việc tốt thôi. Và tôi cam đoan những điều tôi nói là sự thật, tôi chỉ nói sự thật, vì nói dối cũng là một việc xấu.
Vậy mà tôi vẫn chẳng có bóng. Thật không công bằng, nếu đúng như lời mẹ nói thì nếu tôi trở nên ngoan ngoãn, đáng yêu thì phải có bóng chứ? Tôi lang thang khắp vùng đồi, bây giờ đang là mùa xuân, cỏ hoa xanh tươi, nhưng tôi vẫn thấy tận sâu thẳm trong mình có một nỗi buồn không thể nói nên lời.
Trong một chuyến dạo chơi của mình, tôi đã thơ thẩn đi đến bên bờ tường giờ đã chuyển màu xám, bức tường ranh giới. Tôi lần mò, chạm tay vào những tàn tích đã chứa đựng nhiều bí mật lâu đời, những câu chuyện chưa được kể, những điều được gìn giữ cẩn thận. Tôi bắt đầu tò mò về thế giới bên kia, thế giới của những - chiếc - bóng, nơi cất giữ một phần cơ thể của chúng tôi. Tôi lấy tay, cào nhẹ vào bức tường, những hạt bụi đất bay vương vãi. Có tiếng động, rất khẽ, rồi to dần, và tôi nhận ra đó không hoàn toàn chỉ phát ra từ hành động của tôi.
Có ai đó - hay nói đúng hơn là bóng của ai đó - cũng đang ở phía bên kia, và hành động như tôi, thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Nhưng bức tường không đơn giản chỉ để một bản thể người và bóng phá vỡ. Chúng vẫn đứng im, sừng sững chia đôi thế giới. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng, con người thật nhỏ bé, và không phải chuyện gì con người cũng có thể can dự vào. Tôi bất lực, ngồi xuống thảm cỏ bật khóc nức nở. Dù sao thì tôi cũng chỉ là một đứa trẻ thôi mà? Một đứa trẻ cố gắng không phạm phải những lỗi lầm, đơn giản để được nhìn thấy bóng của mình. Tôi khóc to hơn, thét gào về phía bên kia bức tường, hi vọng nhỏ nhoi rằng bóng của tôi đang ở đâu đó, sẽ nhận ra, và chạy đến bên tôi.
Bóng chiều đã đổ xuống chân đồi, chỉ còn vài tia nắng yếu ớt còn vương lại trên ngọn cây. Tôi ủ rủ đứng dậy, lê bước về nhà và tự nhủ sẽ quên đi chuyện này, quên hẳn. Tôi thầm nghĩ, chắc ngày xưa, những người lớn – khi còn là một đứa trẻ như tôi – cũng đã hi vọng như vậy, và cũng có những hành động ngốc nghếch thế này. Nhưng cuối cùng, chẳng có ai làm được, họ vẫn sống với cuộc đời không hề có bóng. Tôi chỉ thắc mắc, sống cả đời như vậy thì có thú vị không?
Tôi đi thơ thẩn, chạy đến chỗ tia nắng còn sót lại để tìm bóng của cành cây nào đấy, tôi nghịch với nó, tự an ủi nỗi thất vọng đang lớn dần trong mình. Bóng cây hôm nay thật lạ, lại làm theo những hành động của tôi, chiếc lá sao to đến thế? Hình thì lại kỳ quái, lá cây mọc tay sao, đủ năm ngón bé tẹo đây này, yên nào, nó co cụm, uốn éo, đúng y như những hành động của tôi, khoan đã…lẽ nào? Tôi đưa chân ra, cởi đôi giày có một lỗ thủng được mẹ vá lại khéo léo, năm ngón chân, ngón út bé tí xíu kìa. Thật không thể tin được, tôi bàng hoàng quay lại nhìn ánh sáng cuối cùng đã tắt lịm. Trên đường về, tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Đêm không trăng, chỉ có những ánh sao lấp lánh, những ánh sao quá xa để có thể soi bóng bất cứ thứ gì trên mặt đất. Tôi nằm im trong căn phòng tối, để chắc chắn rằng giờ này cả nhà đã ngủ say. Tôi ngồi dậy, nhẹ nhàng cố gắng không gây ra tiếng động. Tôi lén lấy cây đèn bàn đặt lên giường và trùm chăn lại, bật đèn. Bóng của tôi bắt đầu nhảy múa, thì thầm kể cho tôi nghe những câu chuyện về thế giới của những - chiếc - bóng. Thế giới ấy chỉ là những ảo ảnh lờ mờ, luôn luôn hi vọng cái bản thể người của mình đến tìm, nhưng hàng ngàn năm nay, chưa có cái bóng nào được quay về với con người thật của mình cả. Tại sao ư? Vì đến khi nhắm mắt xuôi tay, con người chỉ giữ lại trong lòng những hận thù, toan tính thì kết giới sẽ chẳng thể nào được hóa giải. Chỉ có duy nhất cái bóng của tôi vẫn luôn hi vọng và tin tưởng rằng một ngày nào đó sẽ được trở về.
Nhưng có một điều thật kỳ lạ, từ ngày tôi có bóng, mọi người lại càng xa lánh tôi. Tôi trở thành một con người kỳ dị, một người lại chẳng giống ai trong làng. Tôi buồn bã, lang thang một mình trên những triền đồi ngập nắng nhưng chẳng thể xua tan băng giá trong lòng. Cái bóng an ủi tôi, và rồi chúng tôi quyết định sẽ đi về phía bên kia bức tường và kể cho những cái bóng nghe về thế giới con người, những người suốt đời không - hề - có - bóng. Những cuộc đời lặng câm, tuyệt vọng, chất chứa trong lòng sự thù hận ghen tuông, những bản năng sinh tồn yếu đuối.
Đêm nay, tôi nằm giữa những cái bóng, bóng của cha, mẹ, bạn bè, anh chị em…chúng im lặng và thầm cầu nguyện. Chúng hi vọng rằng tôi, người duy nhất tìm được bóng mình, người luôn giữ trong lòng những gì tinh khiết nhất của trái tim con người sẽ có thể giúp hàn gắn hai thế giới người và bóng, để loài người không còn cô đơn nữa. Nhưng tôi biết điều đó chẳng dễ dàng gì, những định kiến đã được hình thành hàng ngàn năm, điều tốt đẹp đã bị xóa nhòa theo thời gian để cái ác ngự trị quá lâu như những tảng đá kiên cố chắn lối con người nhìn thấy ánh sáng chân lý thì phải mất bao nhiêu thời gian để tìm lại?
Một con đường gian nan, nhưng với tư cách Người duy nhất tìm lại được cái bóng của mình, tôi sẽ dành cả cuộc đời mình để giúp những cái bóng tìm lại cuộc đời của chúng, cũng như để loài người tìm lại được nguồn khởi sinh của chính mình. Bởi khởi sinh một con người, luôn là những nụ hoa tốt lành.








Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 288 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN


NGÀN LẦN SỐ 7

Truyện ngắn



Ta hát một lần bảy bài hát xếp chồng lên nhau, mình có nghe thấy không, nếu nghe thấy thì có tin không? Bây giờ ta hát bài hát của sương đêm xa vắng ngôi sao thiên thần bé nhỏ. Xếp chồng ngay bên trên là lời ca về biển cả xa xăm gấm hoa đưa tiễn bên trời. Trên chút nữa là giai điệu ngọt ngào về bầy linh miêu trên núi Chư Mang, trên nữa là âm thanh cuồng loạn của lửa than trong ngực đá đêm dài tù ngục. Hát mãi thôi, cho hết những hoang vu miệt mài câu chữ dấu thanh ký tự mệt nhoài! 
Ta kể một lúc bảy câu chuyện xếp chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp, mình có nghe thấy không, nếu có nghe thấy thì có tin không? Đầu tiên là chuyện của chính đời ta nhớn nhác ngược xuôi nhẹ dạ yêu thương ngút ngàn căm hờn rủa xả. Xếp ngay bên trên là chuyện về thế gian đông đúc trâu ngựa lợn gà hối hả gạo cơm ăn thịt lẫn nhau. Bên trên nữa là chuyện về bầy thú hoang nửa đêm tỉnh giấc làm người, dẫn dắt nhân quần đi theo vòng tròn quanh miệng vực. Trên nữa là câu chuyện về một trái tim tuổi trẻ yêu thương bằng nhịp đập long lanh không hề hứa hẹn, có thể dễ dàng vỡ tan bất cứ lúc nào, như một giọt sương treo trước cửa mùa hè...
Ta đọc một lúc bảy bài thơ xếp chồng lên nhau như lá rừng mùa thu, mình có nghe thấy không, nếu nghe thấy thì có tin không? Trên cùng là bài thơ học trò phượng nở ve kêu trời xanh nắng đỏ. Tiếp đến là bài thơ mệt mỏi trần gian gồng gánh chia phôi. Dưới nữa là bài thơ về cuộc chiến tranh ngàn năm chưa kết thúc. Dưới sâu là bài thơ tù ngục bàn chân buông thõng dưới bùn. Càng xuống dưới sâu thì thơ càng trầm đục, giọng khàn như lão tám mươi ho bằng giọng ho ký ức. Bài thơ nằm dưới cùng dĩ nhiên nhiều khi khó thở vì tức ngực, vì phải đội trên mình lớp lớp những đan xen chồng chéo buồn vui!
Ta gom bảy cơn mưa về một chỗ quanh núi Chư Mang, xếp chồng nhau như sóng biển ngày tận thế, mình có nhìn thấy không, nếu nhìn thấy thì có tin không? Cơn mưa dưới cùng tuổi quần đùi áo vá chăn trâu, trộm sắn trộm khoai chùi đất vừa nhai vừa nuốt vừa vuốt mắt vì mưa quá to. Cơn mưa xếp trên lạnh buốt đường về một mình xa ngái, nghe nước ngấm vào thịt da mà thương tim mình nhỏ dại, đi đường nào cũng chỉ gặp cô đơn. Xếp ngay bên trên là những trận mưa nguồn lở đất lở cát cuốn trôi cổ thụ. Trên nữa là cơn mưa chạm mặt tình cờ trên chặng đường dâu bể tìm vui, trắng xóa bốn bên núi đồi hoang, lạnh, may mà, trong bàn tay còn nóng ấm một bàn tay.
Mình đã bao giờ thấy đá nở hoa chưa? Trên núi Chư Mang quả thực nhiều chuyện lạ lùng kỳ ảo. Vào những đêm mưa mát rượi lòng núi, trên những tảng đá lưng trần hàng triệu năm tuổi tác, bỗng đâu hé nụ bung mầm rồi rạng rỡ đơm hoa. Ta xếp bảy quả núi chồng lên nhau rồi vun rồi tưới, rồi làm gió làm mưa rồi kể chuyện rồi ngâm thơ, như một hiệp sĩ nửa mùa coi khinh những lề thói nhân gian dối gian rối rắm. Rồi chờ cho đến nửa đêm, khi những ngôi sao bên trời thắp lửa, đá sẽ bắt đầu nở bung hoa, thơm ngào ngạt cả một vùng sơn khê trùng điệp.
Đêm qua, ta mơ một lúc bảy giấc mơ xếp chồng lên nhau, mình có tin được không? Trên cùng là giấc mơ màu xanh có sóng biển dạt dào của ngày nào đó xa xôi không nhớ nữa. Tiếp đó là giấc mơ tuyết trắng mênh mông, người con gái nào đó không rõ mặt tay cầm bông hoa trắng lặng lẽ bước đi không một lần ngoái lại. Dưới nữa là giấc mơ màu đỏ cờ hoa quanh năm lòe loẹt trước hiên nhà loang lổ máu và hoa. Càng xuống sâu giấc mơ càng nát vụn ra không còn nhìn rõ hình hài. Ở dưới cùng là giấc mơ màu đen chảy tràn trề từ nửa đêm về sáng, chảy đến đâu ướt đầm đìa đến đó, lạnh lẽo vô biên.
Mình mới đến Chư Mang, nên có thể mình chưa biết được. Ta đã đi qua bảy ngả đường đời lộn tới lộn lui chồng chéo đan xen ma trận mê hồn. Ngả trên cùng sỏi đá hoang vu đếm từng bước trưa hè cháy khét. Ngả bên cạnh chen chúc bàn chân giẫm đạp bon chen. Ngả xếp dưới nữa là bùn đen máu đỏ trộn lẫn với nước mưa hoặc là nước mắt. Ngả nào cũng toàn là mỏi mệt, chỉ thèm một phút dừng lại, chân nọ gác lên chân kia nhìn viễn xứ mây trời.
Chiều nay, ta lại lẩn thẩn ngồi xếp lại, này nhé, ta xếp bảy bài hát lên trên bảy câu chuyện, bảy bài thơ xếp trên bảy cơn mưa, bảy con đường xếp dưới bảy giấc mơ, tất cả xếp chồng lên bảy ngọn núi cao xứ Chư Mang kỳ ảo. Ví dụ như không phải là số 7 mà nhân với 1.000, tức bảy ngàn giấc mơ trên bảy ngàn đỉnh núi, bảy ngàn bài hát bảy ngàn câu thơ bảy ngàn ngân nga như là thương nhớ… Như thế đã đủ nhiều chưa, đủ yêu thương chưa, đủ mệt nhoài chưa?
Bắt đầu lại nhé, ta xếp bảy ngàn yêu thương trên bảy ngàn xa ngái, bảy ngàn mây núi bảy ngàn vì sao…


Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

CHIẾC MAI CUA tản văn VIỆT NGA - CHƯ YANG SIN SỐ: 288 THÁNG 8 NĂM 2016


                 


Đi liên hoan tiệc tùng, tất cả mọi người đều thắc mắc tại sao ngồi vào mâm có món hải sản cua ghẹ là tôi lại tránh. Không những tránh ăn mà còn tránh nhìn nữa. Tránh ăn thì cũng nhiều người rồi. Thời hiện đại, thật lắm bệnh tật đòi hỏi con người ta phải kiêng khem đủ thứ. Nhưng tránh nhìn thì nghĩa là sao? Nghĩa là mỗi khi nhìn thấy mai cua trên mâm, tự dưng tôi cứ ứa nước mắt, không thể nào tiếp tục cầm đũa, cầm bát nổi nữa.
Tất cả gắn với con bạn hồi đi mẫu giáo và tuổi thơ cơ cực của cả hai. Ba mươi năm có lẻ rồi mà như mới hôm qua…
Con bạn ấy tên là cái Tấm. Không biết bố mẹ nó đặt tên con là nghĩ đến cô Tấm ở trong chuyện cổ tích hay tại nhà nó nghèo quá, quanh đời ăn gạo tấm, thứ đầu gạo vụn, gẫy bán rẻ hơn gạo nguyên lành. Mà gạo tấm lại phải độn với đủ thứ quanh năm. Cao cấp  nhất là độn khoai. Còn lại là rau muống, rau má, thậm chí là củ chuối già.
Nhà Tấm nghèo và đông con như nhiều gia đình khác ở trong làng. Tấm là con út, trước nó có đến 7 anh chị. Tấm bằng tuổi tôi, lại chung một ngõ nên tôi với nó chơi thân lắm. Thân đến nỗi có gì ăn được cũng để phần nhau. Trẻ con nhà quê lúc nào cũng đói, lúc nào cũng thèm ăn nên việc phần nhau một miếng ăn là điều vĩ đại vì nhau. Những món ăn mà nó để dành để dè cho tôi chỉ là nửa củ khoai nướng vội bằng bếp rạ, phía vỏ ngoài cháy đen như than nhưng trong lõi vẫn còn sống, ăn vào vừa đen nhẻm mồm miệng, vừa sậm sà sậm sật. Là một mảnh bánh đa nướng bé tí bằng bàn tay mà mẹ nó giấu giếm mua ngoài chợ mang về cho con (có lần bố nó biết mẹ nó bớt tiền đong gạo để mua bánh đa, bố nó tát mẹ nó chảy cả máu mồm). Một đàn con có 8 đứa mà chỉ có một cái bánh đa nướng nên phần của Tấm chỉ con con thế thôi. Nhưng nó chỉ dám nhấm một tí xung quanh, rồi để phần chờ tôi đi học mẫu giáo cùng ăn. Có hôm chẳng có gì ăn được, nó dấm dúi bốc trộm một tí muối vừng, nắm trong lòng tay, đợi tôi ra đầu ngõ mới xòe tay. Dúm muối vừng mặn chát giữa lòng tay ướt nhẹp. Hai đứa cứ mút đầu ngón tay, chấm xuống muối vừng rồi lại cho lên miệng mút. Mặn rụt lưỡi mà thấy ngon như cao lương mỹ vị trên đời. Ra lớp mẫu giáo khát nước quá, tôi với nó rủ nhau chạy xuống cầu ao phía cổng vào lớp, mắt trước mắt sau không thấy cô giáo ở quanh đấy là thi nhau vốc nước ao uống ngon lành. Có lần uống xong, cái Tấm còn la lên: tao vừa uống phải một con tép mày ơi! Tôi  bắt nó há miệng xem, nhưng con tép thì đã theo nước ao chui xuống dạ dày nó tự bao giờ.
Nhưng món ăn vặt mà tôi với cái Tấm “tâm đắc” nhất lại chính  là món cua luộc. Không phải cua bể, mà là cua ao. Bờ ao nhà nó dày đặc bè rau muống lẫn với bèo tây. Mỗi sáng mẹ nó thường mang cái rổ xuống ao, xúc xúc trong đám rễ bèo tây và rau muống, nhấc lên, thể nào trong rổ cũng có vài con tép, con cua hay con cá thòng bong, cá mại cờ đang cuống cuồng tìm cách thoát thân. Chục lần chao như thế, mẹ nó đã có nguyên liệu để nấu canh rau muống. Không riêng gì nhà cái Tấm, hầu như nhà nào trong làng tôi cũng kiếm thức ăn theo cách đó cả. Hoặc là chao xúc ở ao nhà, hoặc vác rổ, vác dậm ra đầm, ra sông, ra đồng… Những con cá, con cua, con tép xúc về, nếu nhiều thì kho lên, ít thì đổ cả vào nồi nước, đun sôi, cho nắm muối, thả rau muống bè vào. Thế là thành thức ăn để đưa cơm. Nhà cái Tấm đông người, anh chị em nó phải chia nhau từng con cua trong nồi canh (cua để nguyên con, chỉ thả vào nồi nấu cho chín, khi nào có nhiều cua mới giã ra lọc lấy nước nấu canh). Cái Tấm không ăn con cua của nó ngay mà thường để dành. Khi đi học với tôi nó mới lôi ra, cẩn thận xé đôi con cua. Lúc thì nó ăn phần mai, tôi ăn phần thân. Lúc nó ăn phần thân, tôi phần mai. Mai cua cứng, chỉ có thể mút mút chút nước và chút gạch cua. Thế mà thấy ngon không thể tả. Có lần tôi mút nhiệt tình quá, phần gai cứng ở mai cua cào rách cả môi.
Hôm ấy, chẳng hiểu sao tôi và cái Tấm rủ nhau đi học sớm hơn thường lệ. Đến lớp mẫu  giáo rồi mà chưa thấy cô giáo, cũng chẳng có bạn nào. Hai đứa tha thẩn rủ nhau ra phía bờ ao để đào củ gấu. Củ gấu của cây cỏ gấu, bé xíu như cọng rơm, đen sì. Cỏ gấu mọc cơ man là nhiều khắp mảnh sân đất của lớp mẫu giáo, nhưng ở ven bờ ao, đất ẩm hơn, cỏ gấu tốt hơn và củ cũng to hơn. Đất bờ ao lại mềm, dễ đào. Lũ trẻ chúng tôi thường kiên nhẫn lấy que, đào củ gấu, rồi lấy móng tay cạo cạo sơ qua lớp vỏ đen bên ngoài, cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Chẳng biết đứa nào phát minh ra việc củ gấu có thể ăn được, nhưng sự thực thì nó không ngon lành gì, mùi hăng hăng mà vị thì hơi chan chát. Thế nhưng bọn trẻ con tứ mùa đói kém chúng tôi cứ miệt mài đào và ăn suốt. Đang đào củ gấu, chợt tôi thấy cái Tấm vứt cái que, reo: có con cua to chưa kìa! Theo tay nó chỉ, tôi thấy không phải một mà những hai con cua càng đang cắp nhau, bám vào cây bèo tây bập bềnh ven bờ ao. Cái Tấm hí hửng men xuống ao để bắt hai con cua. Chưa gì nó đã chia: mày một con, tao một con, tối về cho vào nồi canh nhá! Tôi chỉ kịp thấy cái Tấm khom người, với tay ra phía hai con cua… Mọi chuyện sau đó diễn ra quá nhanh. Chỉ biết khi tôi cố chạy ra đường, bủn rủn và hoảng loạn gào lên được một câu: cái Tấm ngã xuống ao, thì nó cũng đã chìm nghỉm.
Cái Tấm mãi mãi năm tuổi rưỡi. Mãi mãi là đứa bạn thân nhất lớp mẫu giáo lớn của tôi. Mỗi thanh minh về nghĩa địa làng thắp hương cho nó, nước mắt tôi vẫn chan chan như hôm túm vạt áo bà, bước thấp bước cao đi theo chiếc quan tài tí tẹo mà ông Sùng rỗ làng tôi vác trên vai, đi ra cánh đồng Mả Mộc. Mỗi lần nhìn thấy những chiếc mai cua, cổ họng tôi vẫn nghẹn đắng lại, xót xa…

7.2016

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 287- tác giả TRƯƠNG HỒNG PHÚC





HÁT KHÓC TRONG TANG LỄ CỦA NGƯỜI VIỆT




Hát khóc trong tang lễ là một loại hình nghệ thuật hết sức độc đáo của dân gian được thể hiện trong sinh hoạt văn hóa tang lễ. Hát khóc chính là nét đẹp trong truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt Nam, nó thể hiện ý thức về tình yêu thương, giáo dục con người; đồng thời đó là phương tiện để truyền tải những tâm tư, nguyện vọng, ước muốn của người còn sống dành cho người đã khuất hoặc ngược lại.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, loại hình hát khóc vẫn còn được duy trì trong nghi lễ của tang lễ.
Khái niệm “hát khóc”
Hát khóc là một hình thức khóc có xen lẫn cả lời kể lể lẫn tiếng khóc nhằm thể hiện sự thương tiếc, bi ai của người sống đối với người đã khuất.
Hát khóc trong tang lễ đã trở thành một trong những đối tượng nghiên cứu của những nhà folklore. Vì vậy nghệ thuật này đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm. Trong công trình “Phong tục tang lễ”, nhà nghiên cứu Phạm Minh Thảo cho rằng: “Nhạc hiếu trong tang lễ là các điệu làn khốc làn thảm, làn ai, già nam, v.v… nhằm chia buồn, kể lể sư xót xa thương tiếc, nói hộ nỗi niềm tình cảm của người đến viếng và tạo nên không khí trang nghiêm (…) Xưa, phường nhạc hiếu thường có những bài riêng, thay lời con khóc cha mẹ, vợ khóc chồng, cháu khóc ông bà, anh chị em khóc nhau… Dân gian có câu “sống dầu đèn, chết kèn trống” là nghĩa như vậy. Xét về một khía cạnh nào đó, đây là một việc làm có văn hóa, một hình thức để tưởng niệm”.
Hay trong công trình “Việt Nam phong tục”, học giả Phan Kế Bính cũng đã nhận định: “Thổi kèn giải: Trong những đêm ma còn quàn ở nhà, có nhà mỗi tối mời phường bát âm gảy đàn thổi sáo và có phường tang nhạc thổi kèn đánh trống. Con cháu, mỗi người thổi một câu khóc ông bà cha mẹ, rồi thưởng tiền cho bọn ấy. Nhà nào không có kèn giải thì không vui”.
Như vậy, từ những nhận định này của các nhà nghiên cứu chúng tôi đưa ra khái niệm hát khóc trong tang lễ của người Việt là: “Hát khóc chính là một hình thức khóc, trong đó có đan xen giữa lời ai oán, kể lể bi thiết cùng với âm thanh não nùng của dàn nhạc bát âm để làm bật lên sự thương tiếc, bi ai của người còn sống đối với người đã chết”.
Mục đích hát khóc
Thứ nhất, hát khóc là cách để bày tỏ sự thương tiếc của người còn lại đối với người ra đi. Điều này có thể thấy rõ trong đoạn khóc sau:
“Công cha nghĩa mẹ cù lao
Trong công đức ấy biết bao nhiêu là
Than ôi (vai người mất) vội về già
Từ nay khuất bóng đường xa bụi trần
Con nay thương nhớ muôn phần
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau”
Qua lời khóc trên, người nghe có thể cảm nhận được lời thương tiếc của người con dành cho cha hoặc mẹ. Đồng thời đoạn khóc trên còn cho chúng ta cảm nhận được sự luyến tiếc, xót xa, thậm chí đó còn là sự bối rối và lời chia ly trong nỗi đau thương tột cùng. Hay trong bài khóc Vắng mẹ cũng vậy:
“Dung mạo một mai vắng vẻ, bão xô cây, nghĩ lại ngậm ngùi thay. Âm dương đôi ngả xa vời, mây phủ núi, trông càng đau đớn nhẽ! Sương bay chớp nhoáng, bạch vân nghi ngút, cõi phù sinh. Con mất mẹ rồi, mẹ ơi!” Người nghe có thể thấu hiểu được tâm trạng của người con có hiếu, xót thương, đau đớn vì mất mẹ, người con ấy đã mượn lời hát khóc để tỏ bày nỗi lòng của mình.
Thứ hai, hát khóc là bức thông điệp về cuộc đời, gia cảnh của cả người chết và người sống. Điều này được thể hiện trong các bài khóc kể công.
Bài khóc Đời cha có một đoạn như sau: “Cha đà yên nghỉ bên bờ đê, gốc nhãn. Bỏ đàn con thơ, cui cút tháng ngày. Mới hôm qua còn thấy cha bệ vệ, oai phong, dang tay lớn che chở đàn con nhỏ. Việc đồng ruộng cha giành làm lớn, để mẹ con ở nhà với đám con. Mới năm ngoái trời còn hạn, khô héo, một mình cha toan gánh nước đưa phân. Con thơ dại nhìn cha gầy than khóc, đói bát cơm tinh, cỗ thịt ngon lành. Ôi cha ơi! (số người con) miệng ăn nheo nhóc, thân cha lăn, góc bể chân trời. Mong con lớn đủ đầy cùng trang lứa, vượt sức trời cha nuôi lớn chúng con. Vậy mà nay còn đâu cha hỡi, ôi con đau, con lỗi lớn với đời”. Nghe lời khóc kể chúng ta biết hoàn cảnh của một gia đình nông thôn, chuyên việc đồng áng, nhà đông con, nhưng chỉ một mình cha lo việc kiếm tiền. Người cha này không quản nại mưa nắng gió sương, khổ cực để nuôi con.
Thứ ba, hát khóc là cách để thể hiện ước mơ, khát vọng và triết lí sống của dân gian. Ví như đoạn khóc sau cho người nghe cảm nhận được ước muốn của người ở lại:
“Một là ước mẹ hóa sanh
Hai là con ước được thân làm người
Ước thứ ba nguyện cha cười thanh thoát
Để hồn kia giải thoát kiếp hồi luân
Con nguyện ước cho cha mẹ tiền kiếp
Được hậu sanh cũng chàng thiếp ngàn năm...”
Đó là lời nguyện ước của người con mong muốn cho thân sinh phụ mẫu của mình được vãng sanh về miền cực lạc và cầu cho cha mẹ được hóa kiếp làm người, mãi mãi bên nhau theo quan niệm luân hồi của dân gian người Việt.
Như vậy, hát khóc chính là phương tiện để con người thể hiện những ước mơ, khát vọng của mình về sự bất tử, không hề có sự chia ly, xa cách. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua hát khóc và các nghi lễ thực hiện cho người quá cố trong tang lễ. Đây chính là sản phẩm được sáng tạo ra từ quan niệm sống bất biến, vĩnh cửu của người Việt nhằm phục vụ cho tinh thần của con người nói riêng và cộng đồng nói chung.
Trong bất kỳ một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian nào cũng đều có đối tượng, vai trò, ý nghĩa. Hát khóc trong tang lễ của người Việt cũng vậy, loại hình nghệ thuật dân gian này có đầy đủ những đặc trưng riêng về đối tượng, vai trò, ý nghĩa.
Đối tượng của hát khóc
Đối tượng của hát khóc được chia làm 2 nhóm như sau:
Đối tượng thứ nhất là người thân của người quá cố (gia đình, họ hàng, bạn bè, những người hàng xóm…). Với đối tượng này họ khóc một cách rất tự nhiên, khóc bằng tâm tư, khóc bằng tình cảm, bằng sự đớn đau, thương xót khi mất người thân, hòa điệu vào xen trong tiếng khóc vừa xót xa, cay đắng vừa hướng về một tương lai tốt đẹp hơn cho người mất. Ví như lời khóc của cháu cho dì của mình:
“Dì ơi, có rét không dì?
Tiết hạ tháng 7, dì đi sao đành
Cháu nay chiếu đất trời mành
Điềm lành chưa đến dữ thời báo ngay
Nay thấy dì mà lay chẳng dậy
Lòng cháu đau xiết mấy xót xa
Cha mẹ cháu ra đi từ trước
Ngược thời gian về đón dì đi
Nợ nần đời cái chi chi
Mà sao cháu khổ như ri thế này?”
Đối tượng hát khóc thứ hai là các nghệ nhân của đoàn kèn giải. Những thành viên này vừa đóng vai trò thay con cháu của người mất, đồng thời họ còn là tác giả sáng tác ra những bài hát khóc phục vụ cho đám tang. Nhiệm vụ của họ là khóc thay lời của người thân trong gia đình (thay vai) hoặc những người đến phúng viếng. Mục đích hát khóc của họ vừa thể hiện tình cảm thực dành cho người mất, vừa thể hiện tài năng nghệ thuật dân gian của mình, đây còn là cơ hội hiếm hoi để những thành viên này cải thiện đời sống kinh thế khó khăn của gia đình. Đối tượng này thường được nhận biết qua câu kết của bài hát khóc như: “Tấm lòng thương tiếc nhờ kèn khóc than”  hay “Nhờ kèn lâm khốc khóc than (vai người mất) mấy lời”.
Chức năng của hát khóc trong tang lễ của người Việt
Xét ở góc độ tâm linh của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, quan niệm rằng: con người gồm 2 phần thể xác và linh hồn. Tuy nhiên, khi chết đi phần xác sẽ không tồn tại, chỉ còn lại phần linh hồn mà thôi, khi đó linh hồn con người sẽ tiếp tục duy trì sự sống ở thế giới khác (thế giới tâm linh). Và người sống chỉ có thể giao cảm với người chết bằng đời sống tâm linh thông qua hát khóc, qua việc thực hiện nghi lễ cho người quá cố; nhìn nhận trên góc độ này thì lời hát khóc có những chức năng sau:
Thứ nhất, đó là phương tiện để thể hiện tình cảm: hát khóc như một sợi dây kết nối giữa sống – chết, âm – dương, những người còn sống bày tỏ tình cảm của mình đối với người đã mất thông qua tiếng khóc than ai oán, ngậm ngùi, qua đó làm cho cảm xúc của con người tăng lên. Cách khác, hát khóc chính là sự cường điệu hóa tình cảm, làm tăng tiến mức độ xót xa, bi thương của mình. Mỗi lời hát khóc là một lời tri ân hoặc giãi bày cảm xúc của con người với nhau. Từ đây tình cảm con người ngày càng bền chặt, gắn bó hơn nữa.
Thứ hai, hát khóc chính là phương tiện để giáo dục, răn đe con cháu và những người còn sống. Mỗi bài khóc là một bài học, bài học về sự yêu thương con người, về cách đối nhân xử thế, bài học về chữ hiếu chữ tình… Đó là bài học về lẽ sống, lẽ phải, về quy luật nhân quả, phải yêu thương nhau ngay từ khi còn sống, phải sống đúng đạo làm người để khi mất đi không còn phải hối tiếc. Hát khóc còn góp phần hình thành nhân cách cho con người. Chỉ khi biết những điều còn khuyết của mình thì người ta mới có thể sửa chữa theo hướng tốt hơn. Hát khóc có thể để kể công nhưng cũng có thể để phê phán những thói hư tật xấu trong đời sống hằng ngày. Qua đó người sống có thể cảm nhận được và có thể sửa đổi bản thân, nhân cách, cách nghĩ, cách cảm… sao cho phù hợp với đạo làm người.
Thứ ba, hát khóc thể hiện tài năng, sự sáng tạo nghệ thuật của dân gian. Không có một tác giả nào sáng tạo ra loại hình nghệ thuật này, mà đó là kết quả lao động nghệ thuật của rất nhiều người, từ những lời nói tiếc thương, người ta đã vận dụng trí óc kết hợp phần lời ấy với âm nhạc dân gian của kèn, nhị, sáo, đàn tranh, đàn bầu… để cho ra đời những bản lâm khốc, nam ai… như ru lòng người. Đó là sự kết hợp hết sức bình dị nhưng vô cùng tinh tế và nghệ thuật. Người nghệ nhân không ai nhận bản thân mình là tác giả của những bài hát khóc mà họ chỉ kí danh là theo nguồn dân gian. Hát khóc chính là sự kết tinh giữa âm hưởng của dân ca truyền thống và lời kể lể than khóc tự nhiên của con người, đồng thời đó còn là sự kết nối giữa yếu tố tâm linh và hiện thực để tạo nên một loại hình văn hóa dân gian độc đáo.
Như vậy, Hát khóc trong tang lễ của người Việt không phải chỉ là những câu khóc kể đơn thuần, mà bên trong nó còn ẩn chứa những giá trị đặc sắc về tinh thần và văn hóa dân tộc.


Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

TRỞ LẠI ĐẮK TUAR bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 287 THÁNG 8 NĂM 2016




Suối Đắk Tuôr


Vượt qua quãng đường gần 30 km từ thị trấn Krông Kma, huyện Krông Bông đến địa phận xã Cư Pui, xe vòng qua hai khúc cua cheo leo bên vực suối rồi dừng lại trước một khoảng đất trống rộng hơn trăm mét vuông, cây cỏ dại mọc um tùm ôm lấy mấy gốc cây cổ thụ. Ông Châu Phan, Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Bông nói với đoàn:
-          Đến sân của Tỉnh ủy ngày xưa rồi đấy, mời các bác xuống.
Mọi người xuống xe, ngước mắt nhìn lên, mũ đội trên đầu rơi xuống đất mới thấy đỉnh núi cao bao bọc bốn phía. Sườn núi phía đông bắc nhiều nương lúa chín vàng xen lẫn những vạt khoai mì, vạt bắp khoe màu xanh sẫm. Mấy ngọn núi phía nam và tây vẫn còn những đám mây trắng vương vấn chưa chịu tan, mặc dù đã gần 10 giờ trưa. Ba phía rừng còn lại cùng một màu xanh thẩm thỉnh thoảng điểm những thân cây cổ thụ trắng bạc vươn cao vượt hẳn lên so với các tán cây xung quanh. Xa xa tiếng nước chảy róc rách nghe như một bản nhạc rừng chào đón du khách. Ông Lê Minh Phòng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Bông, nói:
-          Nơi chúng ta đang đứng là sân của Tỉnh ủy Đắk Lắk, chiến khu thời chiến tranh chống Mĩ. Phía bắc giáp với cây cổ thụ cao kia là nơi làm việc của Văn phòng, khoảng trống nhiều kia là hội trường Tỉnh ủy. Khi giặc càn vào, cả cơ quan rút vào hang đá Đăk Tuôr. Từ đây đến suối Đăk Tuôr gần một km, qua suối đi tiếp khoảng hơn một tiếng sẽ lên đến hang đá Đăk Tuôr.
Cốc, cốc, cốc… Tiếng chim gõ kiến khám bệnh cho cây vang lên đột ngột như điểm thêm cho khung cảnh hoang vu của một vùng đất chiến khu xưa. Năm mươi năm trước vào ngày 9 tháng 5 năm 1965 chiến khu H9 – huyện Krông Bông ngày nay được hoàn toàn giải phóng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của tỉnh Đăk Lắk nói riêng và cả vùng Nam Tây Nguyên nói chung. Vùng đất thuộc buôn Tuôr, xã Cư Pui này được chọn làm nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo đầu não tỉnh Đăk Lắk. Kể từ ngày ấy, căn cứ kháng chiến buôn Tuôr trở thành thủ phủ cách mạng của tỉnh Đắk Lắk, góp phần quyết định đến thành công trong công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, giải phóng dân dân tộc của cả một vùng rộng lớn phía Nam Tây Nguyên. 
Nhà văn Trúc Hoài, hơn bảy mươi tuổi, tóc đã bạc trắng chỉ tay lên ngọn núi phía đông bắc, nơi có những đám lúa chín vàng như bám vào nhau leo lên các đỉnh dốc, bảo: “Ngày trước ta có đặt một tổ trực chiến trên ấy vừa để cảnh giới vừa bắn máy bay địch tập kích đổ bộ đường không; nhiều trận đánh ác liệt khiến cho bọn Mĩ - Ngụy mất vía, tổn thất nặng nề; làm sụp đổ ý đồ tập kích bí mật của chúng”. Nhà văn – nhà giáo, nguyên là học sinh thiếu sinh quân miền Nam trước đây ra Bắc tập kết, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm I Hà Nội, tình nguyện trở về miền Nam chiến đấu, viết báo và dạy học trong những ngày chiến tranh ác liệt, gian khổ. Sau ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, nhà giáo Nguyễn Trúc được giao giữ những chức vụ quan trọng trong ngành giáo dục như: Phó Ty giáo dục Đắk Lắk, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh… Hôm nay trở lại chiến trường xưa, nhà giáo - nhà báo - nhà văn Trúc Hoài hình như tâm trạng không vui, có gì đó đượm buồn trên khuôn mặt già khắc khổ đã vương dấu ấn của thời gian. Có thể ông nhìn cảnh cũ nhớ lại các đồng chí của mình đã ngã xuống mảnh đất này năm xưa để góp phần bảo vệ vững chắc căn cứ cách mạng, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở hậu cần cho cả vùng phía nam tỉnh Đắk Lắk. Sự hy sinh anh dũng của đồng đội đã làm kẻ thù khiếp sợ và là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đấu tranh của nhân dân địa phương vững tin vào Đảng, vững tin vào công cuộc kháng chiến “gian lao mà anh dũng” của dân tộc ta nhất định đi đến thắng lợi cuối cùng. Vùng đất này đây, trong suốt mười năm được giải phóng đã phải gồng mình chống lại hàng trăm trận càn quét của kẻ thù hơn hẳn ta về quân số và phương tiện chiến tranh; nhưng tất cả các trận tấn công ấy của kẻ thù đều có chung một kết cục thảm bại, ôm đầu dính máu bỏ chạy khỏi mảnh đất kiên cường này.
Hình ảnh người anh hùng Y Ơn Niê không may sa vào tay giặc, kẻ thù dùng mọi cực hình tra tấn khủng khiếp nhất đến dụ dỗ, mua chuộc hòng khuất phục ý chí cách mạng của người thanh niên dân tộc Êđê. Anh còn rất trẻ, vừa thấy mặt người con gái đầu lòng mới sinh, kết quả của tình yêu với cô vợ trẻ cùng buôn. Buổi sáng cuối cùng chúng đưa anh về buôn Tuar, lùa dân dân đến nghe anh nói. Bọn Mĩ bảo Y Ơn Niê nói với dân trong buôn: không đi theo cách mạng, dẫn đường cho chúng vào hang Đắk Tuar bắt cán bộ, chúng sẽ trọng thưởng. Trước họng súng kẻ thù lăm lăm nhả đạn, người con anh hùng của núi rừng Chư Yang Sin dõng dạc nói với đồng bào của mình: “Mĩ Ngụy là người xấu, chúng là lũ cướp nước và bán nước, đừng nghe lời chúng. Mọi người hãy đoàn kết bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng, không chỉ đường cho bọn giặc vào căn cứ cách mạng!” Quân thù hèn hạ đã hành quyết anh trước mặt nhân dân trong buôn. Kẻ thù muốn lấy cái chết của anh khuất phục mọi người. Sự tàn bạo của kẻ thù không làm cho nhân dân buôn Tuôr khiếp sợ mà ngược lại còn làm cho mọi người đồng lòng đi theo cách mạng, thổi bùng ngọn lửa căm thù đối với bọn xâm lược; tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ bảo vệ vững chắc khu căn cứ cách mạng. Ghi nhận công lao của người chiến sĩ dũng cảm, ngày 29 tháng 01 năm 1996 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Lê Đức Anh đã ký quyết định Truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Liệt sĩ Y Ơn Niê.
Chiến tranh đã qua đi gần tròn bốn mươi năm, những nhà tranh vách nứa trong khu căn cứ ngày ấy không còn, giờ đây chỉ có cỏ cây xanh mượt mà phủ lên nền đất cũ. Có khác chăng, con đường mòn luồn dưới các ngọn tre nứa ngày xưa để quân ta rút lui lên hang đá Đắk Tuôr khi giặc càn đến, nay đã được thay bằng con đường bê tông quang đãng. Đất nước đổi mới, cảnh vật nơi đây cũng có phần khác xưa, thời gian đang xóa nhòa dấu tích một thời… làm người lính trở lại chiến trường xưa hình như vẫn bâng khuâng, trăn trở.
            Ông Lê Minh Phòng rẽ đám cây dại mọc um tùm chỉ cho tôi gốc cây cổ thụ - dấu ấn ngày xưa nền nhà làm việc của đồng chí Huỳnh Văn Cần – nguyên Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk. Nhìn vóc dáng khỏe mạnh của ông Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy, năng nổ và rất thuộc địa bàn khu căn cứ; qua lời giới thiệu của ông, tôi có cảm tưởng ông đã ở đây từ bốn mươi năm trước. Cán bộ huyện thế hệ hôm nay có kiến thức khoa học, được trang bị lý luận vững vàng, có tâm huyết với công việc và không quên truyền thống của các bậc cha anh đi trước, chắc chắn sẽ cùng với tập thể lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương tìm ra con đường đi phù hợp để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cho vùng đất anh hùng này, tôi tin như thế!
*
*    *
            Rời khu căn cứ Tỉnh ủy, đi bộ chừng hơn một ki lô mét nữa đến suối Đắk Tuôr. Nước suối trong vắt, nhìn rõ từng hạt cát trắng tinh nằm sâu dưới dòng nước có từng bầy cá nhỏ lưng đen, bụng trắng tung tăng bơi lội. Chúng tôi bỏ giày dép, ùa xuống suối; đang giữa trưa mùa khô mà nước mát lạnh như bỏ đá. Con đập xây bằng xi măng cao hơn một mét so với mặt nước suối nối đôi bờ làm dòng suối phình to lên, chiều ngang có lẽ rộng đến hai chục mét. Hai bên suối, các cây đại thụ nối nhau soi bóng. Nhìn lên phía thượng nguồn, có ba bậc thác không cao lắm, tạo thành ba bậc thang, nước chảy tung bọt trắng xóa làm nên một bức tranh tuyệt đẹp.
            Đang mải đắm mình với dòng suối mát, nơi trước đây cán bộ ta thường ra ngồi làm việc, tránh càn và cũng là phòng tuyến vòng trong bảo vệ hang đá Đắk Tuôr, bỗng hai anh cán bộ Kiểm lâm xuất hiện; các anh hỏi thăm đoàn và vui vẻ trao đổi với các văn nghệ sỹ đang háo hức tìm hiểu chiến khu xưa. Qua các anh – những người giữ rừng thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cho biết: hiện nay khu vực chúng ta đang đứng được bảo vệ khá tốt, nhân dân có ý thức bảo vệ rừng. Nhạc sỹ Sỹ Hùng - nguyên là bộ đội binh chủng Đặc công chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, tuổi đã hơn bảy mươi nhưng còn khỏe lắm; ông đi nhiều viết khỏe, có nhiều bài hát được giải thưởng cao trong thời gian gần đây, nghe xong gật gù bảo: “Tốt, dân chiến khu vẫn giữ vững truyền thống cách mạng đáng học tập lắm. Nhìn quang cảnh nơi đây là biết rồi”!
            Trên lưng chùng núi, tiếng một con voọc gọi bầy ngân dài vọng xuống. Nhà văn Trúc Hoài bảo: phía trên ấy là hang đá Đắk Tuôr đấy. Mọi người ngửa mặt nhìn lên triền núi chỉ thấy rừng xanh thẩm một màu huyền bí. Vui chuyện, ông Châu Phan kể lại truyền thuyết về hang đá Đắk Tuôr cho mọi người nghe: Ngày xưa, lâu lắm rồi con gái yang Trời xuống hạ giới dạo chơi, khi đi qua đây thấy một chàng trai Êđê đang tắm trên dòng suối, nảy ý trêu chọc, liền biến thành một thiếu nữ xinh đẹp tới làm quen. Không ngờ chuyện đùa hóa thật, họ gặp nhau, yêu nhau say đắm. Con gái yang mới quyết định ở lại trần thế và dùng pháp thuật xây dựng hang đá Đắk Tuôr để hai người sống với nhau. Họ quấn quít bên nhau nên quên luôn cả việc về báo cho yang Trời. Yang Trời mất con, sai người đi tìm, khi biết chuyện, nổi giận lôi đình sai quân bắt chàng trai và con gái về trời trị tội. Trước mặt yang Trời và các vị thần linh khác, con gái yang xin được từ bỏ mọi thứ trên cõi thần tiên để xuống hạ giới chung sống với người mình yêu. Yang Trời giận lắm, ra lệnh trừng phạt hai người bằng cách biến họ thành hai con rít to bằng bắp chân người lớn bỏ vào hang đá Đắk Tuôr. Có điều lạ, hai con rít to khủng khiếp ấy sống trong bóng tối thân mình phát sáng như hai ngọn đèn; chúng chỉ quanh quẩn trong hang không bao giờ ra ngoài, hình như sợ ánh sáng mặt trời. Người trong vùng nếu có trắc trở về tình duyên tìm đến trước cửa hang cầu xin, nếu thấy rít bò ra thì khi về nhà đều được như ý.
Tiếng lành đồn xa, sau này có người lạ ở dưới xuôi tìm lên thuê người trong buôn dẫn đường vào hang tìm rít. Dân buôn từ chối không ai muốn dẫn chúng đi dù được hứa trả nhiều tiền vì sợ yang phạt. Mãi sau này Y Ve, một chàng trai trong buôn lười làm, ham uống rượu, sống hơn ba chục mùa rẫy không ai bắt làm chồng; nghe lời người lạ dụ: nếu dẫn lên hang đá sẽ cho nhiều tiền để bắt vợ Joăn (người Kinh) nên nhận lời dẫn đường. Y Ve dẫn người lạ lên trước cửa hang cầu khấn, hai con rít từ trong hang bò ra như mọi lần; chỉ chờ có vậy, ba người lạ liền ập đến bắt bỏ vào gùi, lấy rổ đậy lại mang đi. Khi về đến dòng suối Đắk Tuôr, chúng bảo nhau dìm gùi xuống nước để giết chết hai con rít. Một lúc sau khi mở gùi ra, xác hai con rít tan theo dòng nước để lại hai viên ngọc màu hồng to như quả trứng gà, sáng rực rỡ. Hai đứa đứng gần nhanh tay mỗi đứa giật một viên, đứa thứ ba không có liền rút dao đâm bạn để giành ngọc. Cuộc hỗn chiến xảy ra, máu chảy đỏ cả dòng suối. Y Ve thấy ba người đâm chém nhau, sợ quá bỏ chạy về buôn gọi người lên can ngăn. Khi người trong buôn lên đến nơi thấy ba cái xác đang cố bóp cổ lẫn nhau chìm dưới làn nước, còn hai hòn ngọc biến mất. Kể từ đó hang đá không còn con rít ngọc nữa.
            Nhạc sỹ Sỹ Hùng nghe kể xong gật gù phán:
-                      Hay! Nơi có huyền thoại tuyệt vời như thế này mà chưa khai thác làm du lịch được thì tiếc quá.
Ngồi dựa vào gốc cây to đến hơn một người ôm quay mặt ngắm dòng suối, nhà văn Trúc Hoài vẫn đăm chiêu hình như đang cố hình dung lại những tháng ngày gắn bó với dòng suối, những trận đánh ác liệt ngăn quân thù tại đây năm xưa… thở dài, nói:
- Bao nhiêu năm rồi nơi đây vẫn như xưa!
Anh cán bộ Kiểm lâm đứng bên cạnh góp lời:
-Thỉnh thoảng vẫn có các cô chú lão thành cách mạng vào thăm; những ngày đẹp trời nắng ráo các bạn thanh niên nơi khác cũng kéo nhau vào đây chơi đấy ạ!
Mọi người cười ồ lên vui vẻ.

*
*     *
            Trời sang chiều, chúng tôi rời suối Đắk Tuôr trở về vì không đủ thời gian lên thăm hang đá, đành hẹn một dịp khác. Khi đi qua mảnh đất trước đây là nơi ở của cơ quan Tỉnh ủy, nhà văn Trúc Hoài không nén được xúc động thở dài. Chắc ông trăn trở về một khu di tích có giá trị lịch sử của địa phương chưa được tôn tạo, khai thác đúng mức. Giá như nơi đây chúng ta phục dựng lại toàn bộ di tích này vừa làm điểm tham quan, du lịch vừa là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau thì quý biết bao. Các đồng chí trước đây ở chiến khu này còn lại chẳng mấy người, nếu chúng ta không tranh thủ thời gian phục dựng và xin ý kiến góp ý của các vị lão thành ấy thì sẽ có lỗi với hậu thế và làm mất đi một nguồn thu lớn về “cụm công nghiệp không khói” này. Nếu khai thác tua du lịch: Khu căn cứ cách mạng Tỉnh ủy – suối Đắk Tuôr – hang đá Đắk Tuôr và tiến tới tua thám hiểm đỉnh núi Chư Yang Sin – Núi của Thần cọp từ hướng đông, chắc chắn sẽ có thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, giúp những người dân vùng căn cứ cách mạng khi xưa có thêm thu nhập.
            Về thị trấn Krông Kma, huyện Krông Bông, tôi mang ý tưởng này trao đổi với ông Phạm Đình Tấn, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện; ông cho biết: các anh trong ban lãnh đạo cũng đã bàn về dự định quy hoạch như vậy rồi, nhưng điều quan trọng nhất là kinh phí. Huyện miền núi khó khăn của tỉnh không có nguồn kinh phí đầu tư, trông chờ tỉnh mà tỉnh cũng khó khăn nên đành phải đợi thôi! Lại bài toán nan giải kinh phí. Một khu di tích quan trọng như thế đáng để được tỉnh quan tâm đầu tư, quy hoạch, xây dựng đề án phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử kết hợp du lịch, phát triễn kinh tế. Nhà nước chưa có vốn đầu tư tại sao ta không mạnh dạn kêu gọi các doanh nghiệp góp vốn cùng khai thác...
            Tạm biệt Đắk Tuôr, tạm biệt Chư Pui vùng căn cứ cách mạng anh hùng của tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi trở về Buôn Ma Thuột trên con đường còn nhiều “ổ gà”, “ổ trâu”, gập ghềnh sỏi đá. Hai bên đường cây cối xanh tươi, nhìn xuống bãi bồi ven sông chảy song song với đường huyện lộ, bắp đang độ đâm bông xanh đến ngỡ ngàng. Xa xa từng đàn cò trắng chao lượn trên cánh đồng lúa vừa thu hoạch xong như giới thiệu một vùng quê thanh bình. Cuộc sống của người dân nơi đây đã hết đói nhưng vẫn còn nhiều hộ nghèo. Họ nghèo không phải vì thiếu đất canh tác như các nơi khác mà nghèo vì khí hậu khắc nghiệt, đất đai trên các vùng nương rẫy đã khô cằn, cần phải tìm ra một hướng đi phát triển: cây, con… cho phù hợp. Mười năm chiến tranh ác liệt tàn phá, người dân căn cứ kiên cường bám trụ nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, bảo vệ vùng giải phóng; nay đất nước hòa bình hơn bốn mươi năm, dân còn nghèo đó là lỗi của chúng ta - những người cán bộ đang gánh trọng trách hôm nay. Tôi hy vọng một ngày không xa lại được trở lại Đắk Tuôr thăm khu du lịch sinh thái, khu di tích lịch sử đã được tôn tạo và khai thác; được chứng kiến cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân khu căn cứ cách mạng vươn lên làm giàu.