Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

LINH HỒN CỦA MẸ tác giả TỐNG NGỌC HÂN - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020





Mùa đông năm ấy tuyết lại rơi. Ký ức non nớt của đứa trẻ lên mười chỉ  mang máng, đấy là lần thứ hai trong đời nó thấy tuyết.
Hôm ấy nó dậy sớm như thường lệ, xuống bếp tìm cái lót dạ để đi học. Nó hỏi ông. Cháu nướng bánh cho cả ông nữa nhé! Ông nội, suốt những ngày đông giá lạnh ngồi bên chậu than hồng ấm. Ông và lửa ngủ lúc nào, nó không biết. Lửa và ông dậy lúc nào, nó cũng không rõ. Ông đưa bàn tay xù xì như vỏ cây sa mộc nắm lấy cổ chân nó, xiết mạnh và bảo. Thong thả, hai ông cháu cùng ăn rồi đi xem tuyết rơi. Nó mở to mắt rồi nhảy cẫng lên, hai tay xoa vào nhau, hấp tấp đẩy cánh cửa gỗ, bước ra sân. Không thấy gì cả, nó chạy vào nhìn ông nôn nóng. Ông điềm tĩnh giải thích. Tuyết sắp rơi rồi đấy. Cháu mau mặc thêm quần áo ấm. Hôm nay nhà trường cho tất cả học sinh nghỉ học. Nó chui tọt vào bếp, khép cửa lại nhìn ông tin tưởng. Ông nó luôn là một nhà khí tượng thực thụ. Nó định hỏi ông rằng đã bao nhiêu lần ông thấy tuyết rơi, rồi lại thôi. Nó mặc quần áo ấm lắm rồi ngồi yên trên giường chờ đợi. Lúc đó khoảng năm giờ sáng. Ông nội lấy thêm than bỏ vào chậu. Cái ông bơ nước để cạnh than, sôi sùng sục. Ông xiên hai cái bánh bao nhân thịt và chậm rãi nướng.
Miếng bánh cuối cùng còn bỏng nơi đầu lưỡi nó đã mở toang cửa, chạy ra sân. Chao ôi! Tuyết trắng đang bay rợp trời. Sân trắng, mái nhà trắng, cành lê cành đào, cả con đường nữa, tất cả đều trắng xóa. Vườn thuốc của ông, tuyết đang phủ lên, đang vùi lấp. Giá như tuyết có thể làm thuốc nhỉ? Nó chưa từng nhìn thấy vị thuốc nào của ông trắng như tuyết. Tuyết cứ từng chùm buông xuống, mềm mại đậu lên bất cứ vật gì trên đường nhảy dù của nó. Tuyết phủ lên cả hồi chuông cầu nguyện. Hình như, tiếng chuông trong trẻo hơn, ngân xa hơn, sáng nay!
Nó hòa vào dòng người nô nức trên thị trấn ngắm tuyết. Giống như các bạn, nó bốc tuyết để nghịch. Bạn nó nặn những quả trứng, những con vật ngộ nghĩnh, cả nàng công chúa nữa. Còn nó, say sưa tạc một khuôn mặt đàn bà. Đầu nương vào suy nghĩ rất lạ. Pho tượng bán thân ấy hao hao giống Đức Mẹ. Người ta kéo nhau ra công viên, lên núi, chứng kiến sự kiện vừa quen vừa lạ này. Nó quỳ trên tuyết, ngắm nghía pho tượng, bàn tay nó lạnh cóng. Nó ôm lấy kỳ công ấy đi về khoe với ông nội. Ông nội từ nhà thờ về đang đứng lặng trong vườn thuốc. Tuyết đã thôi rơi. Vườn thuốc của ông có nhiều loài thuốc quý lắm. Tam thất này, kim ngân, đỗ trọng và rất nhiều loài cây nó không biết tên. Hai ông cháu đứng giữa hai luống Atisô bị tuyết phủ kín, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ. Chợt ông nội hỏi. Cháu có thấy những dấu chân này không? Nó vội nhìn xuống. Trên nền tuyết trắng, dấu những bàn chân hao gầy in xuống đậm nét. Mười đầu ngón tay nó tím bầm, cứng đờ. Tuyết tan trên tay nó, làm máu nó lạnh đi. Nó rùng mình, buông tay cho những mảnh tuyết cuối cùng rơi xuống từ pho tượng người đàn bà.
Đêm ấy, nó lên cơn sốt cao, mê man. Nó luôn miệng gọi mẹ. Khuya, mùi dầu thông quen thuộc xộc vào căn nhà nhỏ của hai ông cháu vốn từ lâu rất yên tĩnh. Bố nó về. Bố nó làm gỗ tận trong rừng sâu ý. Người bố toàn nhựa cây. Bao giờ bố nó về, cũng để lại một số tiền rồi ra đi từ lúc sáng sớm. Nó chỉ biết thế. Lần này nó mệt quá, chẳng hỏi bố được chuyện gì cả. Với lại, nó chỉ nghĩ đến những vết chân ngoài vườn thuốc của ông nội kia thôi. Nó thiếp đi và mơ màng nghe tiếng ông kể chuyện.
Ngày nó chào đời, tuyết rơi nhiều và đất trời quay cuồng bão gió. Bố nó đưa được mẹ nó đến bệnh viện thì mẹ nó đã ngất đi. Nó đã mất mẹ ngay trong ngày chào đời như thế. Nó là đứa trẻ sinh non hai tháng nên bố và ông nội đã vất vả với nó lắm. Nó không có ông bà ngoại, không có các cậu dì. Nó cũng chưa từng nhìn thấy bà nội. Năm nó sáu tuổi, mùa đông, tuyết lại rơi, nẹ nó cũng về thăm nó. Lần ấy, nó cũng ốm. Ông nội chạm tay vào trán nó và ngừng kể. Nó bừng tỉnh. Nó thấy ông nội và bố im lặng như hai pho tượng. Và nó đang gối đầu lên lòng một người đàn bà. Còn nghi ngờ gì nữa. Mẹ nó đã trở về. Nó nghiêng người, đưa đôi cánh tay gầy guộc ôm lấy mẹ mà thổn thức. Mẹ nó cũng khóc. Nó chỉ muốn giữ mẹ ở lại.
Buổi sáng, nó dò dẫm ra vườn. Tuyết đã tan hết. Những luống cây thuốc tươi tỉnh, đang tự thu vén mình. Nó quay vào nhà, bố nó đã vào rừng, ông đã đến nhà thờ. Trên tường, chỉ còn hai bức ảnh ám khói. Chúa Giêsu và Đức Mẹ đồng trinh. Chậu than hồng đang ủ chiếc bánh bao nhân nấm hương trộn thịt băm thơm nức. Mẹ đâu rồi nhỉ? Nó ăn bánh một mình rồi đến lớp.
Qua hai giờ học, nó vẫn ngồi yên lặng nhìn lên bục giảng. Bạn bè nó chưa thôi xì xào vì chuyện tuyết rơi ngày hôm qua. Nhiều đứa ước tuyết rơi thêm để được nghỉ học. Nhớ đến cơn sốt đêm hôm trước, nó nói thầm với cậu bạn ngồi cạnh rằng, nó chỉ thích đêm nào cũng bị sốt, để linh hồn mẹ nó về thăm. Cậu bạn cười phá lên. Cô giáo gọi cả hai đứa đứng dậy. Nó ấp úng trình bày.
Cô giáo đã nói gì đó trước cả lớp. Tai nó ù đặc. Nó òa khóc, chạy về nhà, dựa lưng vào cửa bếp mà khóc nức nở. Ông dỗ dành nó. Nó hờn dỗi tức tưởi. Ông nói dối cháu, mẹ cháu chết từ lâu rồi. Làm gì có linh hồn mẹ cháu về thăm cháu. Người đàn bà gặp cháu trong những lần tuyết rơi ấy là vợ của bố. Bố và cô ấy chỉ về đây vào mùa đông, khi trên núi tuyết rơi dày quá không ở được thôi. Cô ấy, thậm chí còn ghét cháu, nên toàn giữ bố trong rừng, không cho bố về với cháu. Ông nội lắc đầu. Không phải thế. Mà sao người lớn lại nói với cháu như thế?
Suốt mùa đông ấy thằng bé im lìm như cây thông không có gió.Nó cứ nghĩ mong manh một điều. Nếu tuyết không còn rơi nữa, mẹ nó sẽ không về. Bây giờ, nó tin rằng linh hồn là có thật. Nó khắc khoải, ngây ngô chờ đợi, ngày qua ngày, tháng qua tháng. Thế rồi mùa xuân đã về. Mận, lê, đào và muôn hoa đua nở trong khu vườn đẹp như cổ tích của ông nó. Khi những cánh hoa rơi, nó nhớ đến tuyết, nhớ đến những dấu chân quen và con tim nó lại náo nức chờ đợi. Một buổi chiều được nghỉ học. Nó tha thẩn khắp khu vườn gom nhặt những cánh hoa rụng trắng muốt đầy hai vạt áo. Nó nhẹ nhàng rắc những cánh hoa ấy lên hai luống Atisô. Mặt trời khuất sau dải Phan Xi Păng hùng vĩ, công việc của nó hoàn tất. Trán nó rịn mồ hôi.
Nó dẫn ông nội ra vườn. Ông ngỡ ngàng trước hai luống Atisô phủ đầy những cánh hoa trắng như tuyết. Nó chan chứa hi vọng và hỏi ông. Đã bao giờ ông thấy tuyết rơi giữa mùa xuân chưa ông? Ông mỉm cười nhân từ. Chòm râu trắng rung nhẹ.
Đêm ấy, thao thức mãi, nó không ngủ. Khuya, cánh cửa hé mở mang theo làn ánh trăng sáng dịu. Nó nhắm mắt chờ đợi. Một bàn tay ấm áp đặt lên trán nó, vuốt tóc nó. Mở mắt ra, nó chỉ thấy ông nội. Nó òa lên nức nở. Mãi rồi nó lại thiếp đi. Trong giấc mơ. Nó vẫn thấy mẹ nó trở về. Sáng ra, nó chạy ra vườn Atisô. Lạ thay, vẫn là những dấu chân mẹ nó in trên những cánh hoa rắng muốt mỏng manh.

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

CÂY ĐÀN VIKRAM tác giả H’LINH NIÊ - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020




Cái tên thật lạ, chưa từng thấy xuất hiện trong danh mục nhạc cụ giao hưởng quốc tế hay nhạc cụ dân gian Việt Nam, ấy vậy mà nó đang hiện diện ở Buôn Ma Thuột.
Nguyễn Trường nhất định mời chúng tôi ghé nhà uống ly café trước khi lên đường đi Phú Yên dự Liên hoan văn hóa Chăm. Đi một vòng quanh phòng khách của anh chỉ toàn thấy chất đống những ống nứa và các loại nhạc cụ cũng bằng tre nứa. Nghề chính sau khi tốt nghiệp tại Viện Âm nhạc Quốc gia Huế là violon, hơn chục năm làm Trưởng phòng đào tạo trường Cao đẳng VHNT Đắk Lắk, nhưng cái nghiệp mà “chàng” say mê lại là chế tác nhạc cụ dân gian từ hàng chục năm nay, nên chẳng ngạc nhiên gì với những bộ đàn đing pah, ching kram, những vỏ trái bầu khô gió đưa chạm nhau kêu lốc cốc trong thềm nhà anh.
Nhưng đó cũng chưa phải việc chính. Lụi hụi dọn ra bộ loa và tăng âm, lấy trên tường xuống một nhạc cụ nho nhỏ, nhìn hình dạng chưa đoán được cái gì. Cắm sợi dây tăng âm vào, dùng một vĩ kéo cũng bằng tre, âm thanh phát ra là tiếng nứa. Đàn vikram là thế. Nghĩa là cây đàn violon bằng tre (tre tiếng Êđê là kram), sản phẩm từ sau ngày rời bỏ cái chức Trưởng phòng Đào tạo của Trường Cao đẳng VHNT tỉnh Đắk Lắk.
Gượng lại sau vài năm người bạn đời yêu thương ra đi về cõi vĩnh hằng, Nguyễn Trường quay trở lại với “nghề” mà ngày còn tuổi lao động anh ít chăm lo tới. Mất vài tháng, hàng chục đoạn tre nứa mới hình thành cái hình dạng như một cây đàn gong reng được mắc dây và thiết kế một chỗ để tì cằm này. Có thể coi đó là sự kết hợp nguyên lý cấu tạo của đàn violon, và đàn gong reng chăng? Rất đơn giản, chỉ gồm một đoạn tre nhỏ, mắc những sợi cật nứa mảnh. Còn chiếc vĩ kéo thì sao? Đàn violon, vĩ là lông đuôi ngựa, vậy vikram bằng gì? Cứ loay hoay vừa nghĩ vừa làm. Để hôm nay âm thanh trong trẻo ấy cất lên rụt rè khoe với bạn bè. Biết đâu lại chẳng có người bảo là “rỗi hơi”. Nhưng thứ âm thanh tuyệt đẹp phát ra từ cây đàn khiến Nguyễn Trường càng đam mê. Anh mạnh dạn đăng ký với Chi hội Văn nghệ dân gian của Hội VHNT Đắk Lắk, hy vọng được hỗ trợ sáng tạo, ước mong hoàn chỉnh cây đàn, cả từ hình dạng, bộ ngựa lên dây, lẫn vĩ kéo, nhất là được sự công nhận của giới chuyên môn.
Đã có nhiều những nhạc cụ dân gian từ rẫy nương ra đi, kiêu hãnh đứng chung trong các dàn nhạc dân tộc, đem âm thanh của núi rừng hòa cùng bè bạn khắp thế giới, như đàn t’rưng, đing pah, ky pah… Hay những chiếc kèn túi da của Niu Delan… nhưng từ nhạc cụ giao hưởng của quốc tế mà quay lại gần với nhạc cụ cổ truyền của Tây Nguyên, thì có lẽ mới chỉ có vikram là đầu tiên.
Chợt nhớ những cây đàn t’rưng, klong put, ting ning cải tiến của cố nhạc sỹ Thảo Giang, cây đàn đing pah của cố nhạc sỹ Y Sơn Niê, sáo vỗ của Vũ Lân… chẳng dễ dàng gì khi trở thành nhạc cụ “đứng” được trong dàn nhạc dân tộc khắp cả nước. Nên chặng đường Nguyễn Trường đi tiếp với cây đàn vikram chắc cũng còn phải trải qua nhiều công đoạn gian lao mới được chính thức công nhận. Bởi sau khi hoàn chỉnh, còn phải có tác phẩm phát huy hết được tính năng, âm vực…
Nhưng trước hết cứ chúc mừng Nguyễn Trường, vì thêm một nhạc cụ mới từ những cây tre, nứa, lồ ô giản dị, thân quen của núi rừng Tây Nguyên, cất lên những âm thanh trong trẻo góp mặt với bạn bè. Hy vọng rồi sẽ có một nhạc sỹ nào đó không chỉ trân trọng với cái sự “lao tâm khổ tứ” của Nguyễn Trường, mà còn tràn đầy cảm xúc sáng tạo, để cho vikram được thật sự định danh.

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

VỀ BẢN DỊCH THƠ BÀI VĂN THUNG MỄ THANH CỦA HỒ CHÍ MINH tác giả PHẠM QUỐC CA - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020


                                                       
                              

Nhật ký trong tù (nguyên tác Ngục trung nhật ký, 1942 - 1943) là một thi phẩm có giá trị đặc sắc của Hồ Chí Minh. Công việc dịch tác phẩm này đã thu hút một tập thể các nhà thơ, các học giả có uy tín về thơ cũng như về Hán học. Cho đến nay Viện Văn học đã có ba bản dịch thơ  Nhật ký trong tù (được gọi là các bản 1960, 1983 và 1990). Việc tiếp nhận với một diện lan toả rộng của công chúng độc giả và sự thuộc lòng nhiều bản dịch thơ cho thấy tài năng và tâm huyết của các dịch giả. Đúng như GS Nguyễn Huệ Chi đã nhận định: “Nếu so sánh với các tập thơ nổi tiếng cùng được dịch và công bố trong vòng mấy chục năm qua thì chỉ trừ bản dịch Đường thi [2]… không một bản dịch nào sánh được với “Nhật ký trong tù” về mặt này”[1; tr.266]. Và “nhiều bài thơ dịch đã thực sự trở thành những tác phẩm nghệ thuật xứng đáng với nguyên tác, dành được chỗ đứng trong tâm hồn và ký ức mọi người” [1; tr.243].
Mặc dù vậy cũng lại phải lưu ý một đặc điểm trong tâm lý của người đọc đại chúng là “đến với bản dịch thơ Nhật ký trong tù mà chẳng cần thông qua nguyên bản, chẳng có gì phải bận tâm rằng những vần thơ đó đã chuyển đạt trung thành hay chưa thật trung thành cho lắm với lời và chữ của Bác Hồ” [1, tr. 243]. Đọc kỹ các bản dịch thơ, đối chiếu với nguyên tác chữ Hán (và đơn giản là đối chiếu với bản dịch nghĩa) có thể thấy con đường đi đến một bản dịch trọn vẹn Nhật ký trong tù xứng với nguyên tác hãy còn khá xa.
Với những lý do như vậy, các bản dịch thơ Nhật ký trong tù phải trở thành đối tượng nghiên cứu không kém phần quan trọng. Khảo sát bản dịch trọn vẹn Nhật ký trong tù trong cuốn sách Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù [1] chúng tôi thấy các bản dịch thơ chưa thành công nằm trong các trường hợp:
-Xa với ý nguyên tác.
-Chuyển được ý của nguyên tác nhưng dùng từ chưa chính xác, vần điệu chưa hài hoà, nhuần nhị…
-Yếu về mọi mặt ( có thể nói là phải dịch lại).
Trong khuôn khổ một bài viết chúng tôi xin đi vào một bản dịch thơ xa với ý nguyên tác. Đó là bài Nghe tiếng giã gạo dịch thơ bài Văn thung mễ thanh trong Ngục trung nhật ký. Sở dĩ chúng tôi chọn bản dịch thơ này vì đó là một trong những bài có tính phổ cập rộng rãi và được rất nhiều người thuộc.
Phiên âm:
Mễ bị thung thì, hẩn thống khổ
Ký thung chi hậu, bạch như miên
Nhân sinh tại thế dã giá dạng
Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên.
Dịch nghĩa:

Gạo đang lúc giã rất đau đớn
Lúc giã xong rồi trắng tựa  bông
Người sống trên đời cũng như vậy
Gian nan là dịp rèn giũa mình thành ngọc.
Dịch thơ:

Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi  trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.
Văn Trực – Văn Phụng dịch
      Bài thơ nằm trong mạch cảm hứng tự khuyên mình của Ngục trung nhật ký khi tác giả bị giam cầm trong nhà tù Tưởng Giới Thạch với biết bao nỗi cực khổ. Cấu tứ của Văn thung mễ thanh khá cổ điển và quen thuộc. Đó là so sánh trên cơ sở tương đồng: Gạo đang lúc giã và con người bị giam cầm, đầy ải; gạo giã xong và phẩm chất con người qua cơn họan nạn. Tư tưởng của bài thơ được kết tinh trong câu cuối: Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên (Gian nan là dịp rèn giũa mình thành ngọc). Đây là một trong những bài thơ triết lý rất hay. Nó kết tinh không chỉ “đại trí’ mà cả “đại dũng” của người tù cộng sản Hồ Chí Minh.
Cái khó của thơ triết lý ở chỗ tư tưởng nhà thơ nêu lên phải là chân lý và chân lý ấy phải được thể hiện một cách có nghệ thuật. Ở hai câu đầu Hồ Chí Minh đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa: Gạo đang khi giã bao đau đớn và đối lập là hình ảnh gạo giã xong rồi trắng tựa bông. Từ đó Hồ Chí Minh liên tưởng dến tương quan giữa khổ nạn và việc rèn luyện phẩm chất con người. Đó là tương quan giữa khổ nạn và thành nhân chứ không phải là tương quan giữa khổ nạn và thành công như Văn Trực– Văn Phụng đã dịch: Gian nan rèn luỵên mới thành công. Câu thơ dịch này sai với ý nguyên tác.
 Vả lại câu Gian nan rèn luyện mới thành công không phải là chân lý. Trong bài thơ Cảm hoài Đặng Dung (?-1414) có câu Thời lai đồ điếu thành công dị (Gặp thời, anh đồ tể, kẻ đi câu cũng thành công dễ dàng). Ở bài Học dịch kỳ (II) trong Ngục trung nhật ký Hồ Chí Minh cũng đã viết:
Thác lộ song xa dã một dụng
Phùng thời nhất tốt khả thành công
(Lỡ bước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công).
Sự thành công ở đời không mấy khi dễ dàng nhưng cũng không nhất thiết cứ phải trải qua khốn nạn. Như đã phân tích, trong bài thơ Văn thung mễ thanh Hồ Chí Minh đã không triết lý về sự thành công mà triết lý về sự thành nhân: Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên (Khổ nạn là dịp rèn giũa mình thành ngọc).
Dịch văn học trước tiên phải trung thành với ý của nguyên tác. Ở bản dịch thơ Nghe tiếng giã gạo có lẽ do áp lực vần của chữ cuối câu thứ hai (bông) nên dịch giả đã lái ý câu thứ tư để có sự hiệp vần mà không nghĩ rằng ý câu thơ dịch quá xa so với nguyên tác.
Để trung thành với nguyên tác chúng tôi thấy không nên dịch chữ khốn nạn trong câu thứ tư thành gian nan vì hai từ này nghĩa rất xa nhau mà nên dịch là khổ nạn. Hai câu thơ đầu cũng đã được dịch  chưa thật sát. Mễ bị thung thì dịch thành gạo đem vào giã. Nên giữ cái ý gạo đang lúc giã gợi liên tưởng tinh tế: người tù đang lúc phải chịu sự hành hạ tinh thần và thể xác. Bên cạnh đó việc đặt hai từ gạo ở đầu hai câu thơ làm giảm sự tinh tế của nguyên tác.
Theo chúng tôi nên dịch lại bài Văn thung mễ thanh cho hoàn thiện mà trước hết là tránh sự sai lạc về ý thơ. Xin được đưa ra một phương án dịch bài thơ này như sau:
Gạo đang khi giã bao đau đớn
Lúc giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Khổ nạn mài thành ngọc sáng trong.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

VÀI NÉT VỀ GIÁ TRỊ VĂN HÓA M’NÔNG tác giả TRƯƠNG THÔNG TUẦN - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020

 




Là một cư dân của nền văn minh nông nghiệp nương rẫy, người M’nông đã sáng tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian rất phong phú đa dạng, từ cách ăn, mặc, ở đến phong tục tập quán theo vòng đời, vòng cây trồng và kho tàng nghệ thuật dân gian rất phong phú về trữ lượng và thể loại, là tín ngưỡng, tôn giáo, luật tục, văn học dân gian, âm nhạc dân gian, múa dân gian, lễ hội dân gian, kiến trúc và trang trí dân gian...
***
Về Tín ngưỡng, cũng như nhiều cư dân bản địa ở Tây Nguyên, dân tộc M’nông có trình độ phát triển xã hội mới dừng lại ở giai đoạn sơ khai, với tín ngưỡng đa thần. Trước đây, do sống trong cảnh núi rừng âm u, luôn bị thiên nhiên khắc nghiệt và thú dữ đe dọa, nên con người luôn cảm thấy mình nhỏ bé, yếu ớt trước vũ trụ bao la. Chung quanh họ mọi vật đều trở nên bí hiểm. Từ những ngọn núi im lìm, những thác nước đổ ào ào, cho đến những cây cổ thụ rậm rạp, và những đêm giông bão, những ngày nắng như thiêu như đốt… Tất cả tạo thành một lực lượng siêu nhiên huyền bí luôn rình rập, đe dọa con người và con người luôn bị ám bởi những vị thần đầy quyền uy, sẵn sàng giúp đỡ con người chống lại những hăm dọa của thiên nhiên. Đó là những vị phúc thần hay còn gọi là thần thiện. Ngoài ra, còn vô số những hung thần, ác quỷ, luôn rình rập ám hại con người. Con người thời đó đã cố gắng tìm hiểu, giải thích những hiện tượng xảy ra hàng ngày. Mỗi khi không giải thích được một hiện tượng trong vũ trụ như sấm sét, mưa gió… họ đều quay về tìm nguyên nhân ở những vị thần. Theo họ, mỗi hiện tượng trong vũ trụ đều do một vị thần tạo ra. Các vị thần cũng có tình cảm như con người, cũng yêu thương, hờn giận, buồn vui. Nếu được cúng nhiều lễ vật, thần linh sẽ vui vẻ, bênh vực giúp đỡ họ. Ngược lại, nếu làm trái ý hoặc không tôn trọng sẽ bị các thần bắt phạt. Người M’nông tin trong vũ trụ có ba tầng: Tầng ở trên trời là những đấng tối cao, uy quyền tuyệt đối mà họ gọi chung là Brah. Sau đó đến tầng trên mặt đất, nơi con người đang sinh sống với nhiều vị thần cai quản. Thứ ba là tầng dưới mặt đất, cũng có vô số các thần linh và ma quỷ, chúng có thể bay đi khắp mọi nơi và thường ở phía tối tăm, nơi mặt trời lặn. Nói chung, người M’nông quan niệm hệ thống các thần  linh, như sau: Loại thần thứ nhất là các thần tạo hóa là tổ tiên của loài người, câu chuyện bắt đầu từ hai người lấy nhau sinh ra được ba con, một người ở lại trên trời, hai người xuống dưới đất lấy nhau và sinh ra loài người. Thần nuôi con người có: Thần lúa, thần nhà, thần nước, thần núi, thần sông… Loại thần thứ hai gồm có: Thần thú vật hay thần ẩn giấu trong các sự vật và đồ dùng, như: Thần hổ, thần voi, thần cóc, thần cây đa, thần ghè, thần dao, thần ná, thần gùi…
Hệ thống tín ngưỡng ấy đã chi phối toàn bộ đời sống người M’nông qua hàng nghìn năm lịch sử. Tuy có những mặt tốt là tính cộng đồng cao, mọi người sống hòa thuận và đặc biệt là tín ngưỡng luôn chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa bản địa. Song, chính đó lại là nguyên nhân cơ bản làm hạn chế tư duy, nhất là tư duy trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày nay.
Về tôn giáo, đạo Công giáo vào nước ta từ năm 1553 do các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp truyền vào, nhưng không phát triển được. Mãi đến khoảng giữa thế kỷ thứ XIX mới cắm rễ sâu vào đời sống người dân Việt. Từ khi vào Việt Nam, đạo Thiên chúa đã phát triển không ngừng và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống một bộ phận dân cư ở nước ta. Đạo Tin lành có mặt ở Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ XX do Hội liên hiệp Phúc Âm truyền giáo, thuộc tổ chức Tin lành của Mỹ truyền vào, nhưng không phát triển được. Mãi đến năm 1954 khi đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam nó mới có điều kiện phát triển. Đến nay đạo Công giáo và Tin lành đã phát triển khá mạnh, nhất là vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Hiện nay, một thực trạng đang xảy ra trong đời sống các dân tộc bản địa là đạo Tin lành phát triển rất nhanh chóng. Người dân tộc theo đạo vì các nguyên nhân khác nhau: Hoặc tìm chỗ dựa về tinh thần hoặc vì lí do vật chất. Nhìn chung, đến nay đồng bào đều có tình cảm, niềm tin tôn giáo, có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo bình thường. Thời gian gần đây các địa phương rất quan tâm đến công tác tôn giáo. Các cấp chính quyền và mặt trận đã giải quyết những nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của tín đồ. Bà con đã tin tưởng, tuân thủ chính sách, pháp luật với tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”.
Về tiềm năng của văn học dân gian M’nông, trước hết được thể hiện bằng ngôn ngữ tộc người. Đó là các thể loại thần thoại, truyền thuyết, truyện kể, ca dao, tục ngữ, lời nói vần… đặc biệt có kho sử thi đồ sộ người M’nông gọi là Ot ndrông. Kho tàng văn học dân gian của người M’nông có các hình thức thể hiện sau đây:
- Văn vần (h’pring), gồm có: Sử thi (ot ndrông), nao m’pring (ca dao, dân ca),  phat ktuôi (luật tục), yao (gia phả),  ngơi brah (hát cúng  thần),  nao hôl (tục ngữ, thành ngữ)…
- Văn xuôi (n’ơn) là các hình thức như truyện cổ tích, thần thoại, truyện cười… gần tương tự như đươm (văn xuôi) của người Êđê.
- Sử thi Tây Nguyên nói chung và sử thi M’nông nói riêng được hình thành trên cơ sở của một xã hội nguyên thủy, có tính nguyên hợp và cộng đồng cao. Dân tộc M’nông gọi sử thi là ot ndrông. Theo họ, ot có nghĩa đen là “kéo dài”; nghĩa bóng là “hát”, hát mãi không hết. Còn “ndrông” có nghĩa là những câu chuyện xa xưa. Như vậy ot ndrông là hình thức hát kể các câu chuyện xa xưa của dân tộc.
Đối với dân tộc M’nông, sử thi là một thể loại văn học tự sự đồ sộ nhất. Sử thi là tác phẩm văn học, nghệ thuật tổng hợp. Nó thu hút hầu hết các giá trị vốn có của dân tộc, như thơ ca, truyền thuyết, thần thoại, âm nhạc, diễn xướng… và lấy các nhân vật anh hùng làm trung tâm cho cốt truyện. Hình thức diễn xướng của sử thi bằng nghệ thuật tổng hợp, tạo nên sự hào hùng, kỳ vĩ của các nhân vật trong truyện. Đó là đặc điểm thẩm mỹ thuộc bản chất của sử thi. Đặc điểm này bắt nguồn từ tâm hồn, tư tưởng của cộng đồng, luôn hướng về các thần linh (Brah) mà các nhà nghiên cứu thường gọi là “một hiện thực huyền ảo”. Trước đây, đêm đêm quanh ngọn lửa bập bùng hay dưới mái nhà ấm cúng, các gìa làng thường kể cho con cháu nghe về quá khứ bi thương mà hào hùng của dân tộc. Giá trị nghệ thuật của sử thi M’nông được các nhà nghiên cứu văn học ví nó cao vời vợi như đỉnh núi Chư Pông, trong suốt như dòng nước sông Ba và tỏa hương thơm ngào ngạt như mùa hoa êpang nở trắng khắp núi rừng Tây Nguyên.
Nội dung cơ bản của Sử thi M’nông thường đề cập đến sự hình thành của vũ trụ, con người và xã hội. Có những sử thi nói về con người đi khai thiên lập địa, hoặc người anh hùng văn hóa. Có khi lại nói về chiến tranh và người anh hùng chiến trận. Có bản lại ca ngợi cuộc sống trù phú và hạnh phúc của cộng đồng do một người con dũng cảm gây dựng nên. Ngôn ngữ của sử thi rất gần với lời nói hàng ngày và mang đậm tính chất của thơ ca. Phương pháp sử dụng tục ngữ và thành ngữ được vận dụng một cách sáng tạo. Các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng rất tài tình, như so sánh, tương phản, mô phỏng, ngoa dụ… thường được kết hợp với nhau trong quá trình khắc họa tính cách của nhân vật và sự việc.
Về lời nói vần (nao m’pring) của dân tộc M’nông là một thể loại văn học dân gian có nhiều nội dung và hình thức biểu hiện giống như tục ngữ, thành ngữ, ca dao. Lời nói vần M’nông là những thể loại rất giàu chất trữ tình. Đó là những câu nói có hình ảnh, nhịp điệu, có vần điệu… thường dẫn ra trong cuộc sống hàng ngày. Chủ đề của lời nói vần thường thiên về miêu tả con người, các loài vật, đồ vật, kinh nghiệm sản xuất, tín ngưỡng và những quy luật của thời tiết, như chọn đất, gieo trồng, quan hệ cộng đồng và tình yêu hôn nhân… Nó còn được dùng trong các nghi lễ và những điệu hát khấn thần. Chính nhờ hình thức lời nói vần mà dân tộc M’nông đã dựng nên những pho sử thi rất hoành tráng, có dung lượng dài đến hàng ngàn câu. Người ta sử dụng một số phương thức đặc biệt của ngôn ngữ, tạo nên các lối nói mang tính nghệ thuật của dân tộc như: Sử dụng cách đối chữ, đối nghĩa, các hình thức tạo vần, các hình thức ví von, so sánh, các hình ảnh ẩn dụ…
Truyện cổ tích của người M’nông là những chuyện do nhân dân sáng tạo ra, xoay quanh những con người, thần linh, sự vật, sự việc trong cuộc sống hàng ngày, nhưng được cách điệu hóa. Truyện cổ tích M’nông có thể chia thành 2 loại cơ bản: Cổ tích thần kỳ và cổ tích thế tục, ngoài ra còn một số truyện đề cập đến những khía cạnh khác của đời sống…
Tất cả những đặc điểm nói trên của văn học dân gian M’nông được bắt nguồn từ một nền nông nghiệp nương rẫy, một xã hội tiền giai cấp. Ở đó không có mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn đối kháng mà chỉ có tinh thần hòa hợp cộng đồng dân tộc. Nói cách khác, xã hội nói trên là cơ sở ban đầu cho sự ra đời của văn học dân gian và những đặc điểm cơ bản về nội dung, hình thức nghệ thuật của nó. Văn học dân gian hình thành cơ bản trên cơ sở lời nói vần, một hình thức đặc biệt trong ngôn ngữ của tộc người M’nông.
Về dân ca, dân tộc M’nông cũng sáng tạo nên một kho tàng dân ca phong phú và đa dạng, không thua kém các dân tộc lớn ở Tây Nguyên. Những bài dân ca M’nông còn lưu lại đến ngày nay, nhiều bài đã ra đời từ buổi sơ khai của lịch sử hình thành và phát triển tộc người. Những bài ca ấy được lưu truyền qua sàng lọc tự nhiên và có sức sống lâu bền trong nhân dân, mặc dù trong suốt tiến trình lịch sử người M’nông chưa có chữ để lưu giữ vào thư tịch, mà phương pháp chủ yếu là truyền miệng trong dân gian và hình thức cha truyền con nối.
Dân ca dân tộc M’nông cũng có đủ các thể loại như: Dân ca tín ngưỡng (hát khấn thần- Bưh Brah), dân ca lao động, dân ca phong tục tập quán, sinh hoạt…
Các hình thức hát cũng thể hiện sự phong phú, đa dạng các đề tài như cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của con người M’nông giữa thiên nhiên hùng vĩ, như: Hát đơn, hát đối đáp (mprơ tâm pât), hát múa, hát ru (mprơ n’hir kon), hát kể (mprơ  n’koch), hát khóc (mprơ nhim), hát đồng dao (nao mưi kon xe), hát đợi chờ (mprơ).
Về âm nhạc dân gian của người M’nông luôn gắn bó chặt chẽ đến từng giai đoạn của cuộc sống con người, đến vòng đời người, vòng cây trồng mùa vụ. Trải qua hàng ngàn năm vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, chiến đấu chống kẻ thù để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc, người M’nông đã sáng tạo ra một kho tàng âm nhạc dân gian (cả nhạc hát lẫn nhạc đàn) vô cùng phong phú về chủng loại và số lượng.
Về nhạc khí, dân tộc M’nông đã sáng tạo nên một kho tàng nhạc khí rất phong phú và đa dạng, thuộc nhiều loại, nhiều bộ, nhiều họ, nhiều nhóm và được chế tác bằng rất nhiều chất liệu khác nhau. Đầu tiên là những những nhạc khí được chế tác từ chất liệu của thiên nhiên ngay tại buôn làng, nương rẫy. Rừng là nơi người M’nông khai thác để phục vụ cả đời sống vật chất và tinh thần. Khi cuộc sống con người gần như hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, người M’nông chỉ biết lấy những thứ sẵn có trong thiên nhiên như đá, tre, nứa, gỗ, lồ ô, dây rừng, vỏ bầu… để làm nhạc khí. Ví dụ như đàn đá, khèn m’buắt, sáo rlét, n’hom, đing gơr, gông rêng… hoàn toàn bằng chất liệu của núi rừng. Dần dần nhờ sáng tạo trong lao động để sinh tồn và phát triển, người M’nông đã biết kế thừa những thành quả lao động của các dân tộc khác, biết kết hợp với các chất liệu khác (kim loại) để chế tác ra các loại nhạc khí hoàn chỉnh hơn. Có khi qua con đường trao đổi, buôn bán, họ du nhập các loại nhạc khí của các dân tộc khác, rồi điều chỉnh hoặc cải tiến cho nó trở thành nhạc khí của dân tộc mình. Chẳng hạn như goong, ching là do du nhập từ nơi khác đến. Người M’nông và các dân tộc Tây Nguyên chưa có kỹ nghệ đúc được goong, ching. Nhạc khí do chính dân tộc M’nông chế tác có các bộ, các họ và các nhóm sau: Nhạc khí tự thân vang, nhạc khí thổi hơi, nhạc khí dây, nhạc khí màng rung. Mỗi loại nhạc khí là một công trình khám phá và chinh phục thiên nhiên, là sự sáng tạo thăng hoa của con người M’nông trong lịch sử. Đó là một dân tộc anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, xây dựng, bảo vệ quê hương và cũng thật tuyệt vời trong sáng tạo nghệ thuật dân gian, truyền thống. Người M’nông dựa vào rừng để sinh sống và cũng khai thác các chất liệu từ rừng để chế tác ra các loại nhạc khí phục vụ chính mình. Trong đời sống dân tộc M’nông hiện còn bảo lưu một số  loại nhạc khí sau đây: Nhóm nhạc khí tự thân vang: Đàn đá (goong lú), đinh dơr (6 ống nứa), guốc (đàn môi); nhóm nhạc khí thổi hơi: Rlét (sáo có ống đụng nước), m’buắt (khèn bầu 6 ống), nung (tù và sừng trâu), n’hom (sáo thổi dọc); Nhóm nhạc khí dây: Goong rêng (đàn tre); nhóm nhạc khí màng rung: Gâr (trống); nhạc khí chế tác hoàn toàn bằng kim loại, gồm có: Bộ goong pel lơ (gồm 3 cồng có núm, loại nhỏ), bộ bossed goong (gồm 4 cồng có núm, loại lớn), bộ goong rung (gồm 5 cồng có núm, loại lớn, bộ ching  đồng la (gồm 6 chiêng bằng).
Âm nhạc đã gắn bó với người M’nông trong suốt tiến trình lịch sử. Xưa kia, tiếng goong, ching đã trở thành tín hiệu số một trong cuộc sống cộng đồng. Người M’nông dùng tiếng goong, ching thay cho ngôn ngữ của con người để giao tiếp với thế giới siêu nhiên. Tiếng goong, ching còn tham gia với con người vào công việc gieo trồng của các lễ nghi nông nghiệp, như lễ phát rẫy, lễ làm cỏ, lễ tuốt lúa, lễ mừng lúa mới… Ngoài ra goong, ching còn có mặt trong các lễ nghi khác của cộng đồng, như lễ cúng voi, lễ săn voi, lễ cắt ngà voi, lễ mừng nhà mới… Goong, ching đã “ăn, ở”với con người đời đời, kiếp kiếp, thể hiện đầy đủ tâm tư, tình cảm và khát vọng của cả cộng đồng dân tộc.
Nghệ thuật kiến trúc và trang trí dân gian: Các hình thức kiến trúc dân gian, nghệ thuật tạo hình truyền thống, hoa văn trang trí trên nền vải, trên đồ đan lát bằng tre, nứa… Nó là loại văn hóa vật thể, có mặt ở hầu hết trong các lĩnh vực đời sống của người M’nông. Có thể nói kiến trúc và trang trí dân gian luôn gắn bó mật thiết với đời sống người M’nông. Nghệ thuật kiến trúc và trang trí dân gian M’nông, gồm có: Cấu trúc bon (làng), kiến trúc nhà trệt,  kiến trúc nhà sàn, trang trí dân gian trên nền vải và trang phục, trang trí hoa văn trên đồ gia dụng, trang trí hoa văn trong kiến trúc và tín ngưỡng.
Cũng như các loại hình văn hóa dân gian khác, nghệ thuật trang trí dân gian của người M’nông đều có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Từ nhà cửa, cầu thang ngôi nhà đến các vật dụng sinh hoạt hằng ngày, trên cán dao, cán búa, trên nỏ, ná, cung tên, trên đồ đan lát như gùi, sọt… Đặc biệt là tạo ra văn hóa trên nền vải rất phong phú và giàu hình tượng. Từ chất liệu sợi bông người phụ nữ M’nông thể hiện được nhiều kiểu hoa văn trang trí tỉ mỉ, tinh tế, sắc sảo, có sức biểu cảm cao. Dân tộc M’nông có 9 loại đồ dùng bằng vải cho cá nhân: Váy nữ, khố nam, áo ngắn tay và dài tay của nam, áo ngắn tay và dài tay của nữ, khăn đội đầu của nữ (to bàn), khăn chít đầu của nam, mền đắp, tấm choàng, địu (địu con đi đường).
Hoa văn trang trí của người M’nông mang tính hiện thực sâu sắc vì nó phản ảnh một phần của thiên nhiên và sinh hoạt xã hội. Nghệ thuật thêu dệt của người phụ nữ M’nông đã thể hiện tình yêu của con người đối với thiên nhiên và cuộc sống lao động của họ.
Nghệ thuật múa dân gian của người M’nông có từ khởi nguyên của dân tộc M’nông. Nó rất phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu, sinh hoạt cộng đồng cùng những tín ngưỡng, phong tục, tập quán… Cuộc sống càng phát triển thì múa dân gian M’nông càng phong phú và được thể hiện sâu sắc nhất trong các lễ hội.
Ngoài ra, từ khi có những cuộc giao lưu tiếp xúc với các tộc người láng giềng (Khmer, Êđê, Raglai, K’ho, Mạ…) và cư dân mới đến, các nhóm người M’nông tiếp nhận, rồi biến đổi, bổ sung thêm những tư thế động tác múa phù hợp với thẩm mỹ của tộc người mình. Nội dung và hình thức múa dân gian M’nông gồm có múa lao động và chiến đấu: Tổ hợp múa có nguồn gốc từ các thao tác hái, lượm; tổ hợp múa từ các thao tác tuốt lúa; tổ hợp múa từ các thao tác đan, dệt; múa chọc lỗ và tỉa hạt; múa giã gạo và sàng gạo; múa nạo cỏ, cuốc cỏ; múa xúc cá; múa chà gạc, rìu, rựa; múa bắn ná; múa phóng, đâm lao; múa đi săn, chống trả và tấn công kẻ thù; múa mô phỏng chim muông, dã thú (điệu múa chim chìa vôi, điệu múa con khỉ...); múa dân gian các lễ thức của tín ngưỡng; múa từ các lễ thức của thầy cúng; tổ hợp múa xin phép, cầu khấn, tạ ơn; tổ hợp múa ngăn chặn, xua đuổi tà ma; múa dân gian sinh hoạt, vui chơi; tổ hợp múa diễn tấu nhạc khí goong, ching; tổ hợp múa diễn tấu khèn m’boắt; động tác múa gõ ống lồ ô; động tác múa mang gùi; động tác múa lắc vai, lắc tay, chân; động tác múa đôi nam nữ; các loại động tác múa hẩy mông...
Nghi lễ dân gian tương đồng với các dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên, dân tộc M’nông cũng có một hệ thống nghi lễ gắn bó với từng giai đoạn của cuộc sống con người, vòng đời người, vòng cây trồng. Trong kho tàng văn hóa dân gian M’nông, nghi lễ dân gian chiếm vị trí trung tâm, bao trùm lên toàn bộ đời sống cộng đồng. Bao quanh con người và cộng đồng là các nghi lễ dân gian, mà ở đó, theo quan niệm của đồng bào, có các đấng thần linh tối cao có khả năng mang lại hạnh phúc cho con người. Vì thế, con người gửi gắm vào đó tất cả niềm tin, hy vọng và những hoài bão lớn lao nhất. Mục đích tối thượng của nghi lễ là khấn cầu các thần linh, mong được các thần che chở, giúp đỡ bản thân, gia đình và cộng đồng vượt qua khó khăn, đạt được những điều mà con người mong muốn. Đây chính là dịp các thành viên trong cộng đồng hiểu nhau, gắn bó với nhau hơn, cùng đoàn kết vượt qua mọi thử thách gian nan.
Dân tộc M’nông có các hệ thống lễ nghi sau: Lễ nghi theo vòng đời người, lễ nghi theo vòng cây trồng và các nghi lễ khác của cộng đồng và gia đình.
Đề cập đến vòng đời người, từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay, các loại nghi lễ vẫn luôn theo sát con người. Thậm chí khi chết nằm dưới mộ, các nghi lễ vẫn rộn rã, tưng bừng. Chỉ đến sau khi làm lễ bỏ mả cho người chết thì người đời mới thực sự lãng quên người đã mất. Quy tụ chung quanh các nghi lễ là các loại hình văn nghệ dân gian. Chúng ta có thể thấy ở đây sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật trang trí hoa văn, phương pháp tạo hình truyền thống, với các màu sắc, đường nét sống động của nghệ thuật tạo hình M’nông. Bên cạnh đó là nghệ thuật múa với những vòng xoay ngược chiều kim đồng hồ, uyển chuyển, trữ tình và tinh tế, lắng đọng. Văn học dân gian với những bài cúng, khấn có nội dung cầu xin các thần phù hộ, giúp đỡ con người. Đặc biệt là vai trò của âm nhạc goong, ching với lối đánh hòa âm, đối vị độc đáo và tiết tấu vui nhộn, dập dìu triền miên không ngớt.
Lễ vật cho các lễ hội thường là trâu, bò, heo, gà, cơm, rượu… Cũng như các dân tộc Tây Nguyên khác, người M’nông không quan niệm “con trâu là đầu cơ nghiệp” như người Kinh ở vùng đồng bằng. Tất cả trâu, bò và các loại gia súc khác nuôi được chỉ làm vật hiến sinh để cúng thần. Lúa gạo gieo, trồng vất vả quanh năm phần lớn để phục vụ cho mục đích làm nghi lễ cúng thần.
Đề cập đến các lễ nghi nông nghiệp, chung quanh vòng cây trồng, người M’nông luôn quan niệm đó là những việc trọng đại, có thể mang đến mùa màng bội thu, con người sống no đủ. Vì vậy người M’nông rất coi trọng các giai đoạn của quy trình sản xuất, luôn có các lễ nghi tương ứng với từng giai đoạn của công việc và thời gian phát triển của cây trồng  như một chu kỳ  khép kín.
Lễ vật cúng trong các lễ nghi nông nghiệp thường là heo, gà, cơm, rượu hoặc một số sản phẩm khác tùy theo mức độ kinh tế của mỗi gia đình. Các lễ nghi khác của cộng đồng và gia đình M’nông, như lễ đâm trâu, lễ cúng bến nước, lễ ăn mừng nhà mới… cũng đều gắn liền với những quan niệm về sản xuất nông nghiệp nương rẫy, về thế giới thần linh, về hồn ma… Nhìn chung các nghi lễ của dân tộc M’nông đều có các hình thức giống nhau, hướng tới những đấng siêu nhiên để mong được giúp đỡ, chở che cho con người  sống no đủ, yên vui.
Luật tục M’nông (phat ktuôi) hay còn gọi là tập quán pháp là một trong những hình thức quản lý xã hội của buôn làng cổ truyền. Nó bao gồm một số phong tục tập quán được quy định rất chặt chẽ, nhằm duy trì, củng cố các mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, giữa con người với đấng thần linh. Người M’nông cho rằng: Luật tục là những lời thiêng liêng nhất của tổ tiên, ông bà truyền lại để giáo dục con cái.
Xã hội truyền thống M’nông vận hành theo luật tục. Luật tục M’nông là những quy định được “cố định hóa” và lưu truyền trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nội dung của luật tục chứa đựng các quan hệ về kinh tế, xã hội, phong tục tập quán, nghi lễ của cộng đồng… Nó còn quy định rõ những điều cấm kỵ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý bằng các hình thức “phạt” rất cụ thể. Người “cầm cân, nẩy mực” trong các vụ vi phạm luật tục thường là chủ bon, già làng và những người này thường nắm vững luật tục để đứng ra phân xử các tranh chấp trong bon. Nội dung cơ bản của luật tục M’nông tập trung vào các đối tượng sau:  Luật tục về phong tục tập quán và tín ngưỡng, luật tục về hôn nhân và gia đình, luật tục về xâm phạm cơ thể con người, luật tục về tranh chấp tài sản, luật tục về một số điều khác.
Ngoài những nội dung nói trên, luật tục M’nông còn có  đặc điểm về hình thức thể hiện dưới dạng văn vần (nao pring), với cấu trúc các câu 3 chữ, 4 chữ, có khi 6 chữ.  Dù ở bất cứ dạng nào nhưng  khi đọc lên nghe có vần điệu như thơ. Đặc biệt, sau khi xử xong, dù tội nặng đến mức bị giết hay phải đền voi hoặc lỗi nhẹ chỉ bị cảnh cáo, khuyên nhủ… thì sau đó đều có lễ vật để cúng thần và uống rượu hòa giải. Sự chứng giám của các thần linh là vô cùng quan trọng, vì theo họ chỉ có các thần linh mới có thể hòa giải và đi đến xóa bỏ được mọi hận thù, tránh dẫn đến những xung đột tiếp về sau.
***
Văn hóa của tộc người M’nông là một kho tàng Folklore gồm nhiều loại hình, cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Nó có giá trị đặc biệt, không chỉ trong đời sống hiện tồn của đồng bào mà còn có giá trị về lịch sử, dân tộc học, mỹ học, nghệ thuật,… Tính giá trị còn biểu hiện ở sự đa dạng, phong phú của nội dung, phản ánh nhiều mặt của xã hội trong suốt tiến trình lịch sử. Kho tàng văn hóa dân gian M’nông tuy bình dị nhưng sâu sắc và vô cùng nhân bản. Nó luôn hướng về những điều thiện, về những ước mơ bình thường như thiên nhiên và cuộc sống con người miền sơn cước. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc, những sáng tạo văn hóa luôn luôn được sàng lọc và đào thải. Những gì còn lại đến ngày nay chắc chắn đã được thời gian thẩm định nên nó có sức sống lâu bền, sống mãi và gắn bó mật thiết với nhân dân.