Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

NGƯỜI GIÁM THỊ CÓ TRÁCH NHIỆM CAO, TÌNH THƯƠNG SÂU ky của TRẦN ĐÌNH HẰNG - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 324 THÁNG 8 NĂM 2019



Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”








Văn Ngọc Thi –khắc tinh của những tội phạm hình sự! Nhiều người biết vậy, nhưng đã mấy ai biết rằng trong con người ấy vẫn luôn tiềm ẩn một nghĩa cử nhân đạo cao đẹp, một bản tính nhân văn.
Qua sự điều động, luân chuyển công tác cán bộ đã đưa Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (TPCSHS), Trung tá Văn Ngọc Thi đến với cương vị Giám thị trại tạm giam Công an tỉnh.
Tại đây vị Giám thị này triển khai công vụ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất mực đạo lý, thắm đượm tình người.
Năm 2006, đơn vị này có hơn 20 phạm nhân được đặc xá, trong đó có một phạm nhân là cựu bí thư đảng ủy một xã thuộc đảng bộ huyện Đắk R’lấp bị kết án tù giam (khi Đắk Lắk chưa chia tách thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; xin ẩn danh xã và cựu bí thư này, mà gọi tắt là X, P).
P là đối tượng bị bắt sớm nhất và sau đó là cả băng (nếu không muốn nói là cả hệ thống chính trị X.), và do chính Văn Ngọc Thi nhận nhiệm vụ trực tiếp với trọng trách là “tướng ngoài mặt trận” từ Bí thư tỉnh ủy Y Luyện Niê Kdăm, khi ấy Thi đang là TPCSHS đã cùng Giám đốc Công an tỉnh thân hành đến trình bày, báo cáo trực tiếp với đồng chí Bí thư. 
Qua sự chỉ đạo của người lãnh đạo cao nhất tỉnh, một số cơ quan hành pháp tỉnh đã cử những cán bộ công tâm, có năng lực cùng tham gia với mục đích giúp Văn Ngọc Thi “cất mẻ vó” nhanh, gọn, chuẩn xác, không có vùng cấm và không để mất thời gian báo cáo, chờ ý kiến.
Gặp lại “người xưa”, nhớ lại khi triển khai thực hiện chuyên án này, Văn Ngọc Thi thấy nỗi xót xa vẫn còn hằn sâu trong ký ức. 
Khi ấy, Văn Ngọc Thi giận sôi người, như thể đang chất vấn: 
… Sao lại để xảy ra tình trạng cả “ê kíp” lộng hành như vậy được, hả anh P? Anh là lãnh đạo cao nhất ở X. cơ mà! Cả một mớ cán bộ ngang tàng phá phách, coi khinh dư luận, coi thường kỷ cương phép nước. Thậm chí đạo lý làm người các anh cũng không nghĩ đến. Dân bầu ra các anh, Đảng cử các anh ra là để làm việc cho dân, cho Đảng cho lợi ích giang sơn và dân tộc chứ! Sao các người lại tự phong cho mình quyền hành của một ông trời, muốn sao được vậy. Dưới sự điều hành của các người mà ở X. đã hiện hình một bộ máy kìm kẹp, hãm hại dân. Mô típ chế độ ấy đã bị xóa bỏ hơn hai thập kỷ nay rồi. Cả dân tộc này đã đem “tất cả tinh thần và nghị lực, tính mạng và của cải” mới có được thành công ấy cho cách mạng thì các người đã đều biết cả.  
Thế nhưng hầu hết người dân X. đã không có được “quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc”; các người đã tha hóa, biến chất, tự cho mình quyền sinh, quyền sát. 
Bao nhiêu năm nay, dân X. đã phải im hơi lặng tiếng, không dám mở miệng kêu ca chứ đừng nói đến việc tố giác bởi các người muốn phá nhà ai, muốn bắt nhốt, đánh đập và lấy tiền của bất cứ ai thì tất cả đều phải cúi đầu nhịn nhục mà cung phụng bộ máy ở X. như một băng đảng mafia lại dung nạp thêm những phần tử lưu manh, côn đồ; đã trùm lên đầu dân xã này một tấm màn đen tang tóc ai oán. Người dân chỉ biết tức tưởi ôm hận mà không thể tức nước vỡ bờ. 
... Chính các người đã rất biết: Cái mà kẻ thù luôn tìm cách lợi dụng sự bất bình của nhân dân đối với chế độ để xuyên tạc, nói xấu đồng thời khoét sâu vào mối đại đoàn kết dân tộc. Không hiếm những chính quyền “chúp bu” chỉ tồn tại được một thời gian ngắn vài ba tháng, thậm chí vài ba ngày đã bị lật đổ. Một trong những nguyên nhân chính yếu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân ấy là: Chính quyền đó không được lòng dân. 
Sự thoái hóa, biến chất của các người đã biến bộ máy ở X. thành cục ung nhọt. Nhất định cái ung nhọt ấy phải bị cắt bỏ.  
Đau lắm. Từ Bí thư tỉnh ủy, Giám đốc và đến cả anh em đây đều rất đau lòng, nhưng không thể nào khác được. 
Các người đã giả ngô, giả ngọng cố tình không biết tội trạng của mình mà lại cho rằng đã bịt được miệng người dân sở tại thì cũng là che mắt được tất cả. Bức bình phong hào nhoáng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; Chính quyền hiếu nghĩa với dân ở X. chính là cái vỏ bọc, là cái mo cau cuốn ngoài chùy sắt để các người thả sức hoành hành. Các người sẽ phải chịu luật đời nhân quả.
Dù bận bịu với hàng núi công việc mỗi ngày, nhưng với cặp mắt tinh tường và giác quan thứ 6 nhanh nhạy nên vị Giám thị thấy dưới mái đầu bạc thếch nhom nhem của P. là khuôn mặt già trước tuổi, héo hắt đến độ thất kinh.
Thông qua các cán bộ quản giáo, Giám thị biết: phạm nhân P. chỉ được thân nhân thăm duy nhất một lần ngay sau khi “mẻ vó được cất gọn”. Vậy là có uẩn khúc gì chăng? 
Để giúp các phạm nhân xóa đi mặc cảm “thân phận của một thằng tù” nên các cán bộ quản giáo đã cố gắng gần gũi với tất cả các phạm nhân. Hầu hết các phạm nhân thuộc diện tạm giam khi giãi bày tâm sự thường không cầm được những giọt nước mắt hối hận. Vậy mà với P. thì khác. Tuy là một phạm nhân rất chuyên tâm học tập và thực hiện tốt mọi nội quy của trại, nhưng “cạy miệng” cũng không nói một lời mà thay vào đó là hai hàng nước mắt lã chã. Vậy là có uẩn khúc gì rồi? Phải tìm cho ra cốt lõi của vấn đề. 
Văn Ngọc Thi rút thuốc ra khỏi vỏ bao, châm lửa, anh rít mạnh một hơi nhưng phải phả ra liền. Thi nghiện thuốc từ rất lâu, bởi những lần “đánh án” thâu đêm luồn rừng dưới mưa, những khi náu mình trong khe đá lạnh, lội sông dọc v.v. tuy vẫn chung thủy một loại thuốc mà sao bữa nay hút không thấy vô.
Xét thấy, nghe báo cáo cũng chỉ là “nghe một tai”. Tìm hiểu qua các thân nhân tại X. khi họ đến thăm người nhà, đối chiếu ý kiến của nhiều người, vị Giám thị thực sự xót xa khi biết gia cảnh P. 
Nhận được công văn có chữ ký của Giám thị Văn Ngọc Thi, ban công an X. không do dự, phúc đáp cặn kẽ, bởi họ biết: một khi Văn Ngọc Thi đã “gõ tới” thì không thể giấu giếm điều gì. Càng quanh co thì lại chứng tỏ “lạy ông tôi ở bụi này”.
Vậy là nguyên nhân chủ yếu dẫn gia đình P. tới thảm cảnh có thể biện dẫn như sau:
- Do sự nghi ngờ của các đối tượng khác cho rằng P. đã tố cáo chúng, nên bọn chúng nhẫn tâm trả thù (thực chất hoàn toàn không phải vậy).
- Không ít kẻ trút nỗi hận vô cớ vì cho rằng P. thiếu trách nhiệm nên để chồng, cha, con em họ sa đọa, phải lâm vòng lao lý.
- Do sự miệt thị, phỉ báng quá khích của dân.
Vung tay, đập mạnh xuống bàn đánh “rầm”, Thi nói như quát: 
- Sao lại tắc trách đến mức này?
Thi giật thột, trong phòng làm việc chỉ một mình chứ nào có ai đâu. 
Đúng là chỉ có một mình và trước mặt là bản phúc đáp của Ban Công an X., thế mà tưởng như Thi đang tỏ thái độ bất bình với người ngồi đối diện: “Khi chưa biết cặn kẽ về hoàn cảnh nhà P., tôi đã thấy trong dạ bất an. Khi nhận được phúc đáp từ các anh thì tôi càng thấy giận các anh ghê gớm”. 
Thi ngồi bất động trên ghế cả tiếng đồng hồ, đầu buốt nhói tưởng như bị tiếng kêu ai oán xót xa từ đâu đó xoáy vào làm cho nước mắt cứ trào ra. 
Lấy lại bình tâm, ngó đến phần cuối bản phúc đáp của Ban công an X. đang bị bóp dúm dó trong tay, Thi nặng nhọc phả một hơi một thở mạnh, rồi hạ giọng: “Đã nhận ra thiếu sót và có biện pháp khắc phục tức thời là các anh đã giám nhìn thẳng vào sự thật thì phải xắn tay làm liền đi. Đảng và nhân dân đều rất trông chờ điều ấy”. 
Như thường lệ, Giám thị đi kiểm tra các phân trại. Sau khi đưa ra những nhận xét sát thực và những lời góp ý với tính chất xây dựng làm cho ai nấy đều vui vẻ tiếp thu. Giám thị vỗ vai một phạm nhân, nói:
- Trại cần một người trông coi chăm sóc một số vật nuôi, có lẽ anh làm sẽ phù hợp.
Đó là việc chăm sóc mấy con chim và thú nuôi nhốt, một công việc tao nhã, một thú vui của tuổi già. Phạm nhân được chỉ định ấy chính là P. Ai cũng tưởng như đó chỉ là chuyện ngẫu nhiên, nhưng lại hoàn toàn có chủ ý.
...
Phiên họp của hội đồng xét duyệt đặc xá của Sở Công an không trải qua nhiều bàn thảo mà sớm đi đến kết luận với bản danh sách những phạm nhân được đề nghị đặc xá, nhưng riêng Văn Ngọc Thi vẫn một mực bảo lưu ý kiến: “Tôi đề nghị đưa phạm nhân P. vào danh sách được đặc xá lần này. Nếu bỏ qua đối tượng P. thì chính sách nhân đạo của chúng ta không tránh khỏi tính chiếu lệ, hình thức”.      
Tuy chứng lý có sức thuyết phục, nhưng đề xuất của Thi vẫn phải chờ ý kiến Hội đồng đặc xá tỉnh.
Cuối phần trình bày của mình trước phiên họp toàn thể Hội đồng, Văn Ngọc Thi nói:
- Nếu trước đây truy bắt bọn tội phạm, phải đối mặt với những tên côn đồ hung hãn, tên nào cũng có nhiều vũ khí nóng, với kỹ năng sử dụng súng đạn điêu luyện, sẵn sàng bắn giết, tôi không hề chùn bước vì luôn nhớ tới lời dạy của Bác Hồ “Việc gì có lợi cho dân thì ta phải hết sức làm”. 
Văn Ngọc Thi dừng lời, giơ bản phúc đáp của ban công an X. cùng phần giải trình của mình lên và tiếp:
- Còn hôm nay đề nghị đặc xá cho một phạm nhân cải tạo tốt, có hoàn cảnh đặc biệt mà các đại biểu ngồi đây đã nghe và một số người rơi nước mắt, cũng là tôi thực hiện lời Bác dạy.
Văn Ngọc Thi đưa mắt nhìn khắp lượt nghị trường, giọng trầm hẳn xuống:
- Thưa các vị! Trong số các vị ngồi đây, có ai đặt câu hỏi: vợ con P. có tội tình gì mà phải chịu thảm cảnh thê lương, tan đàn sẻ nghé không ạ? Có. Tôi tin là có khá nhiều. Các vị hãy hình dung: Sáng ngày 23 Tết, ngày Ông Táo về trời, ngay trong bếp lù lù một mớ “băng vệ sinh” đỏ lòm, thộc lên mùi ô uế. Sáng 30 Tết, chuẩn bị sắm mâm cúng tất niên, thả gầu xuống giếng, múc lên thì kín miệng gầu toàn là cứt. Thỉnh thoảng vào những đêm tối bất thường lại bị những hòn đá lớn cỡ chén ăn cơm, cỡ ấm pha trà dội cho một trận như mưa, cả nhà phải kéo nhau chạy ra ngoài, mức độ xập xệ tan hoang của căn nhà thê thảm chẳng khác nào cái chòi ngoài rẫy bị lốc xoáy.
Cả nghị trường lặng đi, một số người rút khăn chấm nước mắt, trong khi Văn Ngọc Thi vẫn tiếp tục:
- Chưa hết đâu ạ! Cây cối trồng tỉa nơi ruộng, rẫy, vườn tược thì tàn lụi do bị xịt lén thuốc diệt cỏ. 
Văn Ngọc Thi dừng lời, chậm rãi đưa tay vuốt ngực rồi quay sang hai người ngồi hai bên:
- Thưa anh! Thưa chị! Đau lòng hơn cả là trong cảnh nhà tan, cửa nát, đường mưu sinh bị triệt hại như thế nên con cái P. phải ly tán, thậm chí có đứa phải bỏ xứ đi ăn mày.
Thi đưa cặp mắt đỏ hoe nhìn khắp lượt nghị trường:
- Thưa cùng các vị! Tôi hoàn toàn không có họ hàng, không hề thân quen, không dây mơ rễ má gì với P. và trong hoàn cảnh ấy, nhà P. có gì lo lót để tôi xin đặc xá cho P. không thì các vị cứ việc phán xét. Phần tôi thì luôn đau đáu một nỗi niềm: cả khi bắt và xin đặc xá cho P. chỉ với động cơ duy nhất: “Vì cuộc sống bình yên” với lương tâm và trách nhiệm…
Ông Cao Đức khiêm chủ tọa phiên họp lên tiếng để đưa nghị trường trở lại trật tự bởi râm ran tiếng luận bàn:
 - Đề nghị anh Thi tạm dừng lời vì tất cả đều đã nghe và thấu hiểu. Xin các đại biểu cho biểu quyết.
Tuy vượt qua “vòng” biểu quyết, nhất trí cao của Hội đồng đặc xá tỉnh. Nhưng phạm nhân P. là trường hợp cá biệt, nên Văn Ngọc Thi lại trực tiếp giải trình trước Hội đồng đặc xá của Bộ công an. 
Tại đây Văn Ngọc Thi vẫn đưa ra những biện chứng như đã trình bày tại Hội đồng đặc xá tỉnh và nói thêm:
- Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi là người trực tiếp quản lý và giáo dục, phạm nhân. Còn P. có thuộc diện được đặc xá hay không là tùy thuộc quyết định của Hội đồng. 
Khuôn viên trại tạm giam sáng láng trong ánh nắng ban mai. Các loại hoa hai bên lối đi, trong các bồn, chậu hình như hôm nay thi nhau khoe sắc, tỏa hương. Hàng đàn Bồ câu nối cánh lượn kín một khoảng không gian sân trại rồi yên ả soi mình trên mặt nước hồ bơi.
Những ánh mắt nụ cười tươi vui chứa chan hạnh phúc. Những cái ôm hôn, bắt tay đón nhận và chia ly dào dạt nghĩa tình, rưng rưng, ngấn lệ. 
Sau khi nhận Quyết định đặc xá, thay trả đồ xong và chỉ ít phút nữa ra khỏi cổng trại là cuộc sống đời thường đang chào đón.
Ông P. là người duy nhất không có thân nhân đến đón về. Nhưng ngoài phần quà của trại tặng như tất cả những người được đặc xá thì ông còn được nhận quà tặng của cá nhân Giám thị, gồm: hai bộ quần áo dài, một đôi dép, tất cả đều mới toanh, cùng một phong bao lì xì. Không nhiều, tầm nửa tháng lương của một Trung tá công an, nhưng với ông P. sao mà lớn quá, ngoài sức tưởng tượng và ngoài tầm ước vọng của một con người đã lãnh án tù giam. Ông ôm khư khư món quà của người có tấm lòng đức độ trước ngực mà nước mắt cứ chảy thành hàng.
Ông P. cứ đi loanh quanh, dớn dác có ý tìm kiếm thì bất chợt có bàn tay vỗ nhẹ bên hông cùng giọng nói thân tình: 
- Anh Thi đang đợi bác ở ngoài cổng trại ạ!
Văn Ngọc Thi trong bộ đồ thường phục mỉm cười, vẫy tay, vỗ lên yên chiếc xe 67. Xe nổ máy, nhằm hướng bến xe liên tỉnh.
Thoáng chốc cũng đã hơn một thập kỷ, nhưng tới giờ này ông P. và gia đình ông vẫn chưa biết: chính TPCSHS Văn Ngọc Thi đã trực tiếp bắt ông bí mật đến nỗi cả X. không một ai hay biết và ba lần Giám thị Văn Ngọc Thi đã dồn hết tình cảm lương tâm thuyết phục cả ba hội đồng xét đặc xã để ông P được ra tù sớm.
... 
Xin được lấy lời nhận xét chân tình của nguyên Phó chủ tịch tỉnh Cao Đức Khiêm làm phần kết cho bài viết:
Mong tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi lúc, trên mọi lĩnh vực của cuộc sống muôn màu muôn vẻ này luôn làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu như các đồng chí công an đã và đang làm, thì “Cả dân tộc ta sẽ là một vườn hoa đẹp!". Tôi, bạn và tất thảy mọi người dân đều tự hào vì chúng ta có cả một đội ngũ Công an nhân dân luôn là những người “vì nước quên thân; vì dân phục vụ”, họ luôn xứng đáng với tên gọi bình dị, thân thương và cao quý ấy! Văn Ngọc Thi là một bông hoa đẹp trong vườn hoa tươi thắm “người tốt việc tốt của Công an tỉnh nhà”.



Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

MƯA NẮNG CAO NGUYÊN tản văn của PHONG DƯƠNG - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 324 THÁNG 8 NĂM 2019






Hơn hai mươi năm gắn bó, mưa nắng cao nguyên đã trở thành niềm thương sâu nặng nghĩa tình trong tôi. Vùng đất ấy đi vào lòng tôi như một bản nhạc mang âm hưởng phóng khoáng, hào hùng có thanh âm đêm đại ngàn vi vu gió, có tiếng róc rách suối reo mùa mưa về. Ai cũng có những khoảng nhớ riêng dành trong ngăn kéo kí ức mà thời gian dẫu có qua đi vẫn không phai mờ được. Với tôi, kí ức ấy có kỉ niệm dấu yêu đong đầy mưa nắng nơi quê hương cao nguyên đất đỏ.
Mùa nắng, cao nguyên khoác trên mình sắc vàng ươm màu mật ngọt. Những vườn điều đang vào vụ thu hoạch. Tùy nơi có nơi sớm nơi trễ nhưng cảm giác đi giữa vườn điều xanh mát, ngắm từng chùm từng chùm lúc lỉu trên ngọn cây như những con chim ngoan nằm im lìm trên tổ với tôi thật thú vị. Những vườn điều trải rộng từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác thấp thoáng bóng người đi thu hoạch. Không khí lao động tất bật, mùa điều cũng là mùa của những người làm thuê từ những tỉnh khác về quê tôi. Thường thì họ sẽ ở lại đến hết mùa mới về. Dưới tán điều rợp bóng, bao giọng Bắc – Trung – Nam, bao câu chuyện sẻ chia rôm rả dường như gắn kết mọi người lại với nhau hơn. Hạt điều đã trở thành đặc sản gây thương nhớ cho những ai đã từng đến quê tôi. Bây giờ, càng nhiều những người được lớn lên từ chính vùng đất đỏ vận dụng khoa học kĩ thuật và truyền thông để tạo dựng cho thương hiệu hạt điều quê hương mình. Cái nắng vàng ươm cũng tôn lên màu trắng những vạt cỏ tranh bung khắp sườn đồi. Những giản đơn, mộc mạc của cao nguyên dường như trở thành nỗi nhớ quay quắt lòng cho bao người xa quê như tôi. Không hiểu sao chỉ là những giản đơn bé nhỏ nhưng lại có sức sống mãnh liệt đến thế. Cỏ tranh cũng vậy, không có ai gieo trồng, không ai chăm sóc nhưng chúng cứ thế sinh sôi và phát triển. Tôi nhớ ngày mình còn nhỏ, cỏ tranh được mẹ và ba cắt về phơi khô rồi bện lại để lợp nóc nhà. Dưới cái nắng hanh hao của miền đất đỏ, cỏ tranh dần trở mình, thay sắc xanh tươi non bằng sắc vàng dịu. Mẹ chuốt mấy sợi nong bằng cây lồ ô rồi đan lại, ba đem lên lợp nhà. Mùa tranh nở hoa, bọn trẻ chúng tôi có đủ trò để chơi. Nào là đan thành những chiếc vòng tròn để đội trên đầu, chơi đánh trận bằng bông cỏ tranh. Tôi thì lãng mạn hơn ngồi bên sườn dốc, ngắt từng bông nhỏ thả trôi vào trong gió. Rễ tranh mẹ đào lên, đem về rửa sạch rồi nấu nước uống, vị ngọt nhẹ lại thanh mát cơ thể.
Nắng đó rồi mưa đó. Nắng hanh hao rồi mưa cũng về tầm tã. Những vạt đồi, nương rẫy như bừng tỉnh sau ngày nắng khát. Một màu xanh tươi non phủ khắp nương đồi. Những con đường hun hút bụi đỏ mùa nắng sẽ được thay bằng một màu đỏ sẫm hơn, có chỗ mặt đường trũng xuống đọng lại sóng sánh nước.Chuyện lũ nhỏ chúng tôi tối ngày chân tay lấm lem màu đất đỏ là rất đỗi bình thường. Bởi vậy mà mỗi lần trên chuyến xe ngược từ thành phố về nhà, cứ đến đoạn bắt đầu có màu đất đỏ hai bên đường là tôi biết đã đến quê hương. Không nhớ làm sao được khi mà từ ngày nhỏ, tôi đã chân trần chạy chơi trên những con đường đất đỏ quanh co, rượt sóc, bắt cào cào, tiếng cười tan vào muôn ngọn gió lãng du, phóng khoáng. Mùa mưa, lòng suối trơ sỏi đá sẽ được tiếp thêm nước, làn nước mát lành, trong veo uốn lượn giữa các quả đồi cao su, điều xanh tít tắp. Người đi lên rẫy một lúc, đất đỏ đã dính chặt một lớp dày dưới giày, dép, ủng,… Bây giờ đường sá đã mở rộng, khang trang hơn nhiều nên học sinh đi học cũng đã không còn vất vả như chúng tôi ngày trước. Mùa mưa, tôi da diết nhớ li cà phê ấm nồng của mẹ. Mảnh đất này đã trở thành bến đỗ bình yên cho cây cà phê tựa mình an trú. Cà phê bung hoa trắng xóa tháng chạp, tháng giêng rồi đong đủ nắng gió mà cựa mình, ươm trái. Ngày mưa dầm, khi cả nhà không đi rẫy, ba mẹ và tôi hay ngồi bên hàng hiên cùng nhau thưởng thức cà phê được rang xay từ chính những chùm quả chín trong vườn nhà. Không biết có phải bởi sự chút chăm của mẹ khi cân đo tỉ lệ bột cà phê và nước, ngâm tách cho ấm trước khi pha hay vì tình cảm gia đình mà những giọt cà phê luôn ngất ngây, mê đắm quá đỗi. Nhấp từng ngụm cà phê nâu sóng sánh, cảm giác từng giọt đắng len vào tận vị giác rồi dần dần chất ngọt tỏa ra, đọng lại dư vị đậm đà. Ngồi ngắm từng màn mưa rơi trắng xóa và nhấp tách cà phê thơm nồng cùng gia đình giữa cao nguyên luôn là nỗi nhớ siết chặt lòng tôi những đêm xa nhà, nghe mưa rơi giữa nơi đất khách.
Yêu sao những con đường chở nhớ về thương, chở mưa về gặp nắng ngập ngừng chiều cao nguyên lồng lộng gió. Bước chân thời gian chưa bao giờ dừng lại nên dẫu có da diết nhớ thương thì ta cũng bất khả để trở về những kí ức ngày xưa cũ. Nơi có bóng dáng mẹ cha ngày đêm vất vả trên lưng đồi, vạt áo nâu đôi chỗ thâm kim lấm tấm. Nhưng biết trân trọng quá khứ cũng là cách để ta sống tốt hơn trong hiện tại. Tôi thầm cảm ơn mảnh đất thân yêu đã làm nên kí ức đẹp đẽ cho những tháng ngày ấu thơ đong đầy kỉ niệm và sau này lớn lên đi làm ở phố thì quê hương cao nguyên vẫn luôn là khoảng trời thân thương, trìu mến.




Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

TRĂNG NON truyện ngắn của PHAN THÚY HẰNG - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 324 THÁNG 8 NĂM 2019






Dưới cái nắng như đổ lửa, Tí ngồi nép bên gốc cà phê, tay nó cầm lấy đầu ống nước điều khiển cho nước xối đều khắp bồn cây. Cái ống nước nhựa đen lấm lem bùn đất ngoằn ngoèo như con giun khổng lồ nằm dài trên mặt rẫy, miệng ống ngoan ngoãn nằm trong tay nó. Thằng bé vừa bước qua tuổi mười ba, chẳng biết do chưa kịp trổ mã hay nắng gió đã làm cho nó quắt lại, gầy tong teo và đen nhẻm.
Trời nắng hạn lâu ngày nên nước tuôn ra tới đâu ngấm ngay vào đất tới đó. Phải ba bốn phút nước mới đọng chừng nửa hố. Tí đặt miệng ống sang hố bên cạnh rồi ngồi đợi. Mực nước trong hố hạ dần, mấy cái lá khô dập dềnh. Tí dán mắt vào đám lá khô đó, hồi hộp. Dưới lớp lá vài con dế mèn đen nhánh ngoi lên. Tí vồ lấy, rất nhanh và khéo léo bỏ ngay vào cái chai nước suối cu cậu để sẵn bên cạnh. Chỉ một lát trong chai đã đầy nhóc dế, thằng bé cầm chai lên ngắm nghía rồi lại lắc lắc, nó vội vàng đếm thành quả, ba con, bốn con, năm con, nhưng số dế cứ trườn đè lên nhau, đến đi đếm lại vẫn chẳng biết chính xác là bao nhiêu con. “Đợt này thằng Bi sẽ thua chắc, trong bọn dế này kiểu gì chẳng tìm được con dế cụ xứng đáng làm ứng cử viên vô địch!” – Suy nghĩ về trận đấu dế vài ngày tới làm Tí hí hửng lắm.  
- Tí! Đi về!
Tiếng gọi của Trà làm Tí giật bắn mình.
- Chị hai, từ từ đã, còn sớm mà!
- Chị nói Tí đi tưới khoảng nửa tiếng rồi lên chòi mà, sao không nghe lời chị! Đi lên đi, chị cắt nước rồi!
Đúng là nước đã được ngắt, Tí mải bắt dế mà không để ý gốc cây bên cạnh. Trà đứng cách Tí vài bước chân, tay chống nạnh đợi thằng bé thu dọn chiến trường. Tí cầm cái chai, xòe bàn tay còn lại đầy bùn, mặt phụng phịu:
- Chị hai coi nè, em còn chưa kịp rửa tay!
Hai chị em bước nhanh lên phía nhà. Gọi là nhà thôi nhưng đó chỉ là một căn chòi nhỏ thưng ván xung quanh. Tí chạy ù đến thùng nước bên cạnh giếng, múc nước rửa tay chân. Nó nhìn quanh một lượt, đặt chai dế xuống cạnh thùng nước rồi gặng hỏi chị:
- Em tưởng lão Nam lại đến!
Trà chẳng trả lời. Tí tiếp: “Lão ta không đến sao chị phải gọi em về vội vội vàng vàng thế!  Dế còn quá trời mà chưa kịp bắt”.
- Không, hôm nay anh ta không đến, rửa chân tay nhanh lên rồi vô nhà ăn cơm, chiều coi nhà cho Hai để Hai đem đồ vô cho má.
Nghe nhắc tới má, Tí chột dạ. Nó lủi thủi bước vô nhà. Đã mấy tháng nay nó không gặp má. Má nó đi mua nhôm nhựa, lấy trộm của chủ nhà cái điện thoại rồi bị bắt ngay tại nhà đó. Có lẽ sự nghèo túng đã khiến má nó sinh ra hành động ngớ ngẩn như vậy, chứ má nó chưa từng trộm cắp cái gì của ai bao giờ. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất má nó làm điều xấu hổ kể từ khi nó hiểu chuyện. Ba đã bỏ mẹ con nó từ khi nó mới ra đời, má vất vả sớm hôm buôn bán nhôm nhựa nuôi chị em nó, nên nó hiểu má đã phải khổ như thế nào. Má hiền lành, lam lũ và ít nói. Sau biến cố đó, đối diện với vòng lao lí đã khiến má nó xấu hổ, ân hận, suy sụp nhiều, thậm chí còn định tự tử. Hai chị em nó phải tỏ ra cứng cỏi, bản lĩnh lắm mới động viên được má yên tâm chấp hành án xong rồi sớm về với chị em nó.
- Ăn lẹ đi! Sao như bị đơ vậy! – Trà vỗ vào vai cậu em trai đang ngồi thẫn thờ.
- Hay là chiều nay Hai cho em theo vô thăm má với!
- Không được đâu, Tí phải ở nhà canh đồ chớ, máy bơm với cuộn nước mà thu gom đem đi gửi phiền lắm. Ráng bám rẫy tưới mấy ngày cho hết đợt mình dọn dẹp luôn – Trà thở dài – Còn cuộn ống bên bờ suối nữa, đám cà phê phía bên đó tưới xong rồi, cuộn ống với cái máy bơm lẽ ra phải gom lại đem trả cho chú Tư từ hôm trước nhưng mà với sức của chị em mình tính gom hết cũng mệt lắm, để chị đi thăm má về rồi gọi chú Tư nhờ chú qua phụ chị em mình gom luôn.
Tí luôn nghe lời Trà. Tí đã luôn nuôi suy nghĩ rằng ở tuổi ngoài đôi mươi lẽ ra Trà đã chồng con như bao cô gái khác rồi, nhưng vì gia đình, vì Tí mà chị nó còn phải nặng lo chuyện cơm áo, không yêu đương gì. Tí ăn vội bát cơm rồi bước nhanh ra thềm. Nó chạm mặt Nam. Tí lùi lại một bước, im lặng. Nam nhanh miệng:
- Chị Hai em đâu Tí!
- Anh hỏi làm chi! Chị tui đi phố rồi không có ở nhà!
Nam bước thẳng vào nhà. Trà hơi lúng túng, cô gái trẻ nhìn Tí rồi lại nhìn Nam.
- Anh đến đây làm chi vậy!
- Nghe nói chiều nay em lên thăm má, anh đến đề nghị được chở em đi, đi xe ôm chi cho phiền và tốn kém!
Trà quay mặt đi chẳng nói gì. Nam tiếp tục thuyết phục Trà. Tí chạy vào nhà ngồi cạnh Trà, thỉnh thoảng cậu bé lại sẵng giọng: “Chị tui đã không thích, sao anh nói nhiều vậy, anh đi về đi”. Phải đến lần thứ ba Tí phản ứng như thế, Nam mới đành đứng lên ra về.
Nam ra khỏi nhà, Tí kéo tay chị: “Chị hai yên tâm, lúc nào gã đó đến em cũng sẽ ở cạnh chị, bảo vệ chị! Gã đó không làm được gì chị đâu!”.
Trà lí nhí: “Cũng chẳng cần căng thẳng vậy đâu, anh ta thích chị nên cố tán tỉnh thôi mà, chị không thích nhưng cũng không hẳn ghét. Nhìn anh ta cũng tử tế, chắc không đến nỗi làm gì hại đến chị!”.
Tí quả quyết: “Không được! Bọn thanh niên giờ đểu lắm, chị đừng có chủ quan!”. Trà phì cười trước thái độ của cậu em. Trước mắt cô gái trẻ là thằng bé mới mười ba tuổi đang cố gồng mình trong tâm thế của một người đàn ông trụ cột để bảo vệ gia đình, bảo vệ chị gái. Học hết lớp năm nó nhất định không đi học nữa, một phần vì nhà khó khăn quá, một phần vì nó bảo học hành không hợp nên chữ nghĩa không nạp được. Mẹ con Trà khuyên nhủ đôi lần nhưng không thuyết phục được nó đi học trở lại nên thôi mặc kệ nó quyết định. Tí theo phụ quán sửa xe đầu xóm, vừa phụ vừa học nghề. Cũng từ cái tiệm xe máy đó mà Tí đã quen và chơi thân với thằng cu Bi, con trai ông chủ quán và biết sơ sơ về Nam, anh chàng ở xóm khác thỉnh thoảng qua chỗ tiệm sửa xe chơi. Nam vài lần nhìn thấy Trà ghé qua tiệm xe, hỏi han Tí vài câu rồi đi, cô gái trẻ xinh xắn đã lọt vào tầm mắt và hút hồn chàng thanh niên công tử xóm bên.
Thực ra Tí không ưa Nam lắm, bởi theo nó, Nam kiểu cách và “ra vẻ”. Thế nào là “ra vẻ” thì Tí lại không giải thích cặn kẽ được. Tí kể với Trà, Nam thường mặc đồ đẹp, lịch sự quá mức, tóc thì bồng bềnh quá mức, đi xe xịn quá mức ra ngồi hàng giờ ở tiệm xe chỉ để khoe về chỗ này đẹp chỗ kia đẹp, nhà này sang nhà kia sang, cô này xinh cô kia xinh. Tí nhận định, anh chàng này vô công rồi nghề, nhiều chuyện và thích thể hiện sự hiểu biết, quan hệ rộng và cái sự giàu có của mình. Đương nhiên Tí phải ủng hộ chị nó đề phòng trước một đối tượng mà nó chưa thể tin tưởng được. Có lần Nam mang qua chỗ Tí một gói đồ nhỏ, Nam nhờ Tí gửi cho Trà, theo Nam nói thì đó là cái váy Nam mua cho Trà nhưng sợ Trà không nhận. Tí kiên quyết không nhận, lại còn được thể thằng cu Bi cứ ôm bụng cười sằng sặc vì nó cho rằng Nam đang tán tỉnh Tí chứ tán tỉnh gì Trà. Có ai đi tán tỉnh một cô gái mà tuần nào cũng bỏ ra hàng giờ ra ngồi nói chuyện vu vơ tào lao với thằng em trai cô ta dù sự nhận lại chỉ là cái đằng hắng hoặc đáp lời xã giao hờ hững? Có lúc, Tí nghĩ biết đâu anh chàng Nam này chưa hẳn là kẻ xấu nhỉ, nếu chị nó đồng ý làm bạn gái của anh ta thì sao nhỉ! Nhưng rồi Tí lại rất nhanh sau đó quay về với thực tại, không thể được! Nhà Tí nghèo quá! Chị em nó không có bố, mẹ lại đi tù. Trong khi Nam lại giàu có và chắc là anh ta được gia đình quan tâm chiều chuộng lắm, nhà anh ta làm sao mà ủng hộ cho anh ta quen với Trà được. Nghĩ tới đó, Tí lại vững vàng, kiên quyết hơn với cái nhận định ban đầu. Chắc chắn rồi, Nam là kẻ “ra vẻ”, Nam không không thể có ý tốt với Trà được, Tí là em trai nên phải xác định đứng ra bảo vệ chị nó khỏi một mối nguy dù mơ hồ. Khi điều đó mặc định trong tâm trí của Tí, nó sẽ rất lạnh lùng khi gặp Nam, thậm chí tỏ ra khó chịu. Nó với thằng Bi sẽ chúm đầu vào hò hét cổ vũ cho màn đấu dế nảy lửa để Nam trở thành người thừa mà tự rời đi.
*
Trăng mười ba chưa tròn nhưng đã sáng đẹp sau lớp mây mỏng. Tí ngồi canh nước tưới tiếp cho mấy hố cà phê còn lại. Tiếng nước xối xuống gốc cây, tiếng gáy của lũ dế gọi bạn tình, lại còn tiếng bìm bịp khiến không gian xung quanh nó thật ồn ào. Tí ngước lên nhìn ánh trăng, nó phát hiện ra mặt trăng trôi trong mây chẳng khác gì con thuyền đang băng qua biển. Nó chưa được đến biển, nhưng hình ảnh thuyền băng trên biển đâu phải là hình ảnh gì quá xa lạ, trên ti vi, trên sách báo đầy những hình ảnh đó. Nhưng được ngồi trên cái thuyền đó hẳn sẽ thú vị lắm, nó ngắm ánh trăng rồi tự mỉm cười.
- Tí ơi Tí!
Tí ngạc nhiên đứng hẳn dậy bởi tiếng gọi của Bi. Ánh đèn pin từ xa đang tới gần. Tí thấy Bi vừa chạy vừa gọi.
- Sao thế! Mày ra đây làm gì!
- Qua nhà tao đá dế đi! Tao mới kiếm được một con to lắm!
Tí ngồi hẳn xuống chuyển ống nước sang hố cây bên cạnh, giọng xìu xìu:
- Thôi, tao đợi chị Hai về. Chị đi từ trưa mà giờ chưa thấy về.
- Ủa, tao thấy chị Trà về từ chiều, chị có đi qua chỗ tao mà. Mày chưa gặp sao!
- Chưa! Lúc nãy mày qua nhà tao có gặp chị Hai tao không?
- Không thấy, nhưng chiều tao thấy chị Trà đi xe thồ qua quán, anh Nam thấy chị Trà đi qua nên chạy theo á!
Câu nói của Bi làm Tí thấy sốt ruột, nó đứng lên rồi lại ngồi xuống. Suy nghĩ vài phút, nó kéo tay Bi chạy về nhà. Nhà đã sáng điện nhưng vắng tanh. Tí chạy xộc vào nhà rồi tìm mấy chỗ quanh nhà, vừa chạy vừa gọi chị Hai nó, nhưng chẳng ai đáp lại, chỉ có nó đang đứng ngồi không yên và thằng bạn đang chờ nó để cùng đi chơi với lũ dế. Bỗng nhiên trong đầu nó hiện ra đủ thứ tình huống rùng rợn! Chị Hai nó bị Nam bắt cóc rồi chẳng! Chị hai nó bị Nam giở trò đồi bại rồi chăng! Chị Hai nó...
Tí quay mặt sang nhìn Bi, khuôn mặt tội nghiệp của nó như đang có ý cầu khẩn sự hỗ trợ của đứa bạn thân. Bi dường như không mấy lo lắng như Tí, bởi nó không hoàn toàn tin khả năng Trà có thể bị Nam làm hại. Chợt nhớ sực ra điều gì, Bi chỉ nói vội “theo tao” rồi kéo tay Tí cùng đi. Hai đứa chạy xuống chân đồi, ở đó có con suối nhỏ chảy qua chân đám rẫy cà phê của nhà người ta mà vài hôm trước chị em Tí đã nhận tưới thuê. Vừa đi Bi vừa giải thích “có khi chị Trà của mày ở đó á!”. Tí chưa tin lắm nhưng vẫn cứ đi theo. Chưa xuống tới bờ suối, Tí đã nghe thấy tiếng chị Hai nó cười, tiếng cười trong trẻo. Chị Hai nó và một thanh niên đang kéo ống nước để gom lại, việc mà sáng nay chị bảo sẽ gọi nhờ chú Tư qua phụ giúp. Ánh trăng đủ sáng để Tí nhận ra thanh niên đó là Nam. Hai người vừa làm việc hăng say vừa cười đùa vui vẻ thế kia, là sao nhỉ! Nó thoáng bối rối, định chạy tới hỏi cho ra lẽ nhưng Bi giữ lại:
- Mày điên à! Mày định xuống đó phá đám à!
- Nhưng mà, lỡ có chuyện gì! – Tí lo lắng.
Bi quả quyết:
- Mày tin tao đi, anh Nam không có xấu như mày nghĩ đâu!
Bi phì cười khi nhìn vẻ mặt ngơ ngác của Tí, cậu bé tiếp tục: “Thực ra chị Trà cũng ưng ưng anh Nam rồi á, chỉ có mày khờ quá không biết thôi, chị còn ngại nên không nói với mày á! Thôi theo tao mày để chị Trà tự quyết định đi, giờ về đá dế với tao!
Bi khoác vai Tí kéo đi chẳng để nó nói thêm điều gì, rồi cứ thế hai đứa trẻ đi ngược lên đỉnh đồi, bóng chúng trải dài dưới ánh trăng.