Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN TỪ MỘT CUỘC GIAO LƯU - tác giả HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 303 - THÁNG 11 NĂM 2017

TÁC PHẨM VỀ ĐỀ TÀI CÔNG AN NHÂN DÂN







Tại buổi sinh hoạt chính trị tư tưởng thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” do Bộ Công an phát động, cán bộ quản giáo Trại Tạm giam thuộc Công an Đắk Lắk đã có cuộc giao lưu với anh chị em văn nghệ sỹ Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk.
Sau lời đề dẫn của Thượng tá Nguyễn Văn Đang – Phó giám thị Trại –  nhà báo, nhà văn Đinh Hữu Trường (nguyên Phó phòng PX 15 Ty Công an Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk khóa IV) đăng đàn giao lưu. Trong đợt đi thực tế sáng tác tháng sáu vừa qua, nhà văn đã có tác phẩm “Bản lĩnh và nhân văn” viết về lực lượng công an Đắk Lắk, nêu bật những hoạt động của một số phòng, ban, đơn vị… có thành tích xuất sắc thể hiện được bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ của người công an nhân dân. Có lẽ nhà văn nguyên là cán bộ của ngành Công an nên am hiểu về ngành, phân tích một cách sâu sắc khái niệm: bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ của người công an nhân dân. Nhà văn xúc động tâm sự: Tôi chuyển công tác khỏi ngành lâu rồi, nay mới trở lại thăm cơ quan cũ, gặp đồng nghiệp, vui lắm. Tôi vui vì những người cùng thời với tôi đang đảm nhiệm những chức vụ chủ chốt của ngành, còn các đồng chí mới đều được đào tạo, chính quy, sức khỏe tốt và rất nhiệt tình công tác, trang thiết bị phục vụ công việc hiện đại. Chuyện các đồng chí kể và chứng kiến công việc hàng ngày các đồng chí làm… đã thể hiện được bản lĩnh của người công an trước khó khăn của công việc nhưng xử lý cũng đậm tính nhân văn; thực thi công vụ một cách khoa học và nhân đạo đã tạo được niềm tin yêu của đông đảo quần chúng nhân dân, từ đó nhân dân giúp công an phá án.
Đã ngoài sáu mươi tuổi, tóc đã đổi màu quá nửa, nhưng nhà báo, nhà văn Đinh Hữu Trường vẫn còn rất say mê với công việc của ngành Công an mà suốt một thời trai trẻ mình từng gắn bó, trưởng thành; và giờ đây muốn trao lại kinh nghiệm cho lớp người đi sau. Anh ngừng lời, cả hội trường lặng đi một chút rồi mới bật lên tiếng vỗ tay rầm rầm.
Nhà thơ Hữu Chỉnh – nguyên Chủ tịch Hội khóa I&II, Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn Nghệ Đắc Lắc (tiền thân của Tạp chí Chư Yang Sin hôm nay) đọc liền một mạch hai bài thơ viết về Công an: “Gieo mầm” (đăng trên Tạp chí Chư Yang Sin số 299 tháng 7 năm 2017) và một bài vừa mới hoàn thành đêm hôm trước buổi giao lưu. Nhà thơ cho biết: Khi người công an bắt được nghi phạm sẽ vui mừng mới phải, nhưng ở đây các anh chị rất buồn, có người rơi nước mắt. Bản lĩnh của người công an đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ truy bắt được tội phạm để hoàn thành nhiệm vụ, mang lại sự bình yên cho xã hội. Nhưng có người đã khóc vì đối tượng bị bắt còn ở tuổi vị thành niên, vì thế tôi viết:
Bắt được đối tượng rồi, đáng lẽ phải vui
Sao anh lại khóc?
Nỗi buồn lặn vào tim
Rưng rưng lên mắt
Thương đối tượng vị thành niên
Vì hoàn cảnh gia đình, mà các cháu sa vào đường tội lỗi, buộc lòng phải bắt, đưa về giáo dục, cải tạo mong mai này trở thành công dân tốt. Khi các cháu hoàn lương, các đồng chí đã giúp đỡ các cháu có việc làm nuôi sống bản thân và có ích cho xã hội:
Thôi thì tạm đánh giày, bán báo…
Rồi vào lớp học tình thương
Anh lo cho em sách bút
Gieo mầm thiện lương!
Nhân văn chính là ở chỗ đó. Đến Trại Tạm giam nghe các đồng chí kể chuyện công việc hàng ngày khi phải đối diện với tử tù chờ thi hành án, thuyết phục họ sống có ích hơn trong những ngày tháng còn lại. Các sản phẩm tử tù làm ra bằng chính những hạt cơm phơi khô hay những túi ni lông kết lại đạt đến mức nghệ thuật, được trưng bày ở đây đã nói lên bản lĩnh của các đồng chí. Hay những là thư của tử tù gửi cho con mình ở tuổi vị thành niên trước khi đưa đi thi hành án, thấm đẫm nước mắt ăn năn hối cải vì lỗi lầm mình gây nên và gửi gắm niềm tin, hy vọng, mong các con sống tốt, sống có ích cho xã hội, không lầm lỗi để đánh mất chính mình như ba… Các đồng chí làm được như thế đã thể hiện rõ bản lĩnh của người thực thi công vụ, cảm hóa con người bằng chính trái tim nhân hậu, và qua đó khẳng định công việc đã và đang làm chỉ một mục tiêu rất nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Nhà thơ tuổi gần tám mươi, mái tóc bạc trắng như cước, nhưng người còn tráng kiện, nói rất truyền cảm, làm cho người nghe như bị thôi miên.
Nhà báo, nhà văn, nhạc sỹ Linh Nga Niê Kdam – nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk khóa III, bước lên sân khấu thay lời giới thiệu bằng cách thể hiện ca khúc của mình viết về Công an. Cả hội trường không nén được xúc động đã cùng đồng thanh hát họa theo. Thế mới biết âm nhạc có sức cuốn hút lòng người. Hát xong, nhạc sỹ Linh Nga mới trao đổi với mọi người về hoàn cảnh sáng tác bài hát. Chính niềm tin và lòng khâm phục các chiến sỹ công an đặc biệt là các đồng chí nữ đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, cả áp lực xã hội và gia đình, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bản lĩnh và nhân văn của người công an thể hiện như vậy đó. Mọi người có mặt trong buổi gặp mặt, giao lưu hôm đó chắc không thể ngờ người nhạc sỹ thể hiện ca khúc của mình một cách rất chuyên nghiệp, chinh phục người nghe, đã gần… bảy mươi tuổi.
Nhà văn Nguyễn Thị Bích Thiêm tâm sự: Khi chưa đến đây, trong suy nghĩ của tôi Trại Tạm giam chắc là nơi rất nghiêm khắc để giam giữ và giáo dục những người phạm tội. Người công an làm việc nơi đây chắc lạnh lùng lắm. Khi đến đây được tiếp xúc với các anh, các chị, qua chứng kiến việc các anh các chị làm và đặc biệt ấn tượng với những công việc của các cán bộ làm giám thị, quản giáo tôi mới biết mình nhầm. Hình ảnh những phạm nhân bị kết án tử hình vì tội lỗi gây ra đã mất hết lý trí, có người trở nên gần như điên loạn, chống phá mọi quy định, nội quy của Trại chỉ mong được chết sớm. Nhưng với tấm lòng nhiệt huyết của người giám thị, quản giáo, các anh vào trong buồng giam tâm sự với phạm nhân để đánh thức cái tâm, cái phần người lẩn khuất trong lốt thú cuồng dại… Từ đó giúp họ có những ngày tháng còn lại ăn năn hối cải; tuy có muộn, nhưng cũng có ích cho cuộc đời như những bức thư tử tù để lại. Điều đó không chỉ thể hiện bản lĩnh, nhân văn mà còn là vì nhân dân, vì những người đang sống mà hành động.
Nhà văn Mai Khoa Thâu, đề cập đến câu chuyện của một cảnh sát hình sự từ chối nhận hối lộ năm trăm triệu đồng của đương sự khi bị bắt và nói thẳng với đối tượng: Năm trăm triệu là một số tiền lớn, chắc chắn nhà anh không có mà phải nhờ vợ con đi vay mượn; tôi có thể lập thêm một biên bản anh đưa hối lộ, tội anh tăng thêm. Nếu anh biết hối hận thì phải thành thật khai báo, cộng tác với cơ quan điều tra để nhận được sự khoan hồng của pháp luật! Bản lĩnh là ở đây, các anh không bị đồng tiền khuất phục; nhưng cũng rất nhân văn, chỉ cho người định đưa hối lộ cái kết của hành vi phạm pháp không chỉ đối tượng phải chịu mà còn làm liên lụy đến gia đình. Khi được cảm hóa, nhận ra hành vi sai trái của mình, đối tượng tự giác thành khẩn khai báo để vụ án khép lại, đúng người, đúng tội, không bỏ sót tội phạm. Vợ con phạm nhân biết chuyện rất khâm phục cách xử sự có lý, có tình của người cảnh sát điều tra, từ đó sống tốt hơn, có cái nhìn thân thiện với công an – bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ chính là ở đó.
Đại úy Đinh Hải Lý – Đội phó đội Tham mưu, thay mặt cho cán bộ chiến sỹ Trại Tạm giam lên trao đổi suy nghĩ của mình về “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” cho rằng: Người Công an phải vững vàng lập trường giai cấp, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao – đó là bản lĩnh; xem đối trượng bị điều tra, giam giữ là con người nhất thời bị sa ngã – đó là nhân văn; trong xử lý công việc đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép, đúng với quy định của ngành – đấy là vì nhân dân phục vụ. Giải thích ngắn gọn, khúc chiết của Đại úy rất chuẩn mực theo phong cách của người sỹ quan tham mưu còn rất trẻ đã làm cả hội trường vỗ tay tán thưởng.
Phát biểu bế mạc buổi giao lưu, Đại tá Đoàn Quốc Thư – Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cảm ơn các văn nghệ sỹ tỉnh nhà đã có nhiều tác phẩm hưởng ứng Cuộc vận động, mong trong thời gian tới tiếp tục phối hợp với ngành có nhiều tác phẩm mới về lực lượng công an thực hiện tốt Cuộc vận động. Đối với cán bộ, chiến sỹ trong ngành, Đại tá Đoàn Quốc Thư nhấn mạnh: thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, mỗi cán bộ chiến sỹ phải biết vận dụng vào công việc, nhiệm vụ của mình một cách cụ thể, sáng tạo… Người Đại tá có khuôn mặt cương nghị, giọng nói ấm áp, truyền cảm làm tăng thêm sự rung động không những đối với văn nghệ sỹ mà các cán bộ chiến sỹ có mặt trong buổi giao lưu cũng rạng rỡ hẳn lên.
Buổi giao lưu đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người tham dự. Cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng công an nhân dân hiểu sâu sắc thêm về bản chất của Cuộc vận động để thực hiện một cách nghiêm túc trong công tác của mình. Văn nghệ sỹ có dịp hiểu thêm ý nghĩa của cuộc vận động từ đó có thêm tư liệu sáng tác, khắc họa thành công hình ảnh của người công an nhân dân thực hiện Cuộc vận động cũng chính là thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.
Mùa thu năm 2017

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

DÒNG SÔNG LỚN SRÊPÔK - tác giả NGUYỄN HOÀNG THU - CHƯ YANG SIN SỐ: 303 - THÁNG 11 NĂM 2017






Tùy bút



Srêpôk, dòng sông lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được hợp thành bởi hai phụ lưu Krông Ana và Krông Knô đưa nước từ thượng nguồn dãy núi Chư Yang Sin có đỉnh cao 2.442 mét. Hai phụ lưu quan trọng này, Krông Knô xuôi dòng dọc theo phía Đông và Krông Ana dọc theo phía Tây chân núi lớn cùng mang tên Vườn quốc gia Chư Yang Sin, đến xã Quỳnh Ngọc huyện Krông Ana hợp lưu thành sông lớn Srêpôk; từ đó tiếp tục ngược dòng về phía Tây, chảy qua các huyện Chư Jut, Buôn Đôn trước khi chảy qua bên kia biên giới vào địa phận tỉnh Mondunkiri và Stung Teng của nước bạn Campuchia, trở thành phụ lưu đầy đặn hòa vào dòng sông lớn Mê Kông. Srêpôk dài 406 kilômet trên địa bàn Việt Nam và Campuchia, quanh năm tắm đẵm ruộng đồng vườn cây xanh, thêm thắt nguồn sống tốt tươi lành lặn, đã góp phần làm nên ý nghĩa đẹp đẽ lâu dài trong quan hệ hai nước anh em...
Nghĩ về dòng sông lớn Srêpôktrên địa bàn rừng rộng núi cao tỉnh Đắk Lắk, không thể nào quên hai phụ lưu Krông Knô và Krông Ana từng tháng ngày qua cùng đẩy đưa nguồn nước cho cuộc sống phát triển ở một tỉnh miền núi cao nguyên, hiện nay có đến hơn 45.000 hecta lúa nước chủ động đón nguồn nước vào ruộng đồng, cho cả hai vụ hè-thu và đông-xuân đều nhờ hệ thống thủy lợi từ những dòng sông. Có sông và có hồ, hồ tự nhiên và hồ nhân tạo, làm nên kỳ công phát triển cây công nghiệp cà phê Đắk Lắk với hơn 170.000 hecta từ vườn nhà đồng bào các dân tộc anh em cho đến các trang trại tư nhân cùng nông trường quốc doanh đó đây trong tỉnh... Hơn 20 năm trước, tôi đã có dịp đi thuyền trên sông Krông Ana, từ bến bờ thị trấn Buôn Trấp đến Eo Đờn vũng nước rộng đẹp thơ mộng sắc màu, rồi tiếp tục ngược dòng Krông Ana mùa nắng nước trong xanh, đến địa bàn huyện Lắk một đoạn sông dài, rẽ qua phải, thuyền đi vào mênh mông hồ Lắk rộng gần 600 hecta nằm êm đềm giữa bốn bề núi liền núi vây quanh kề cạnh thị trấn Liên Sơn của huyện Lắk cùng mang tên hồ. Gần đây, đầu năm này, thêm một lần tôi có dịp ngồi thuyền máy đi trên dòng Srêpôk, đoạn sông dài hơn 40 kilômet từ bến nước Bản Đôn - quê hương của những dũng sĩ người M'nông, Lào chuyên săn bắt thuần dưỡng voi rừng... đến tận cửa khẩu biên giới Việt Nam -Campuchia, gần đồn biên phòng Srêpôk tọa lạc bên sông. Dòng sông nào cũng đẹp giữa đôi bờ rừng cây xanh, đáng nhớ là vườn rẫy cà phê nhà dân đang vào mùa nở đầy màu hoa trắng...
Chiếc thuyền nhỏ rẽ nước giữa đôi bờ cây xanh, qua khỏi xã Krông Na thuộc huyện Buôn Đôn nổi tiếng du lịch với thác Bảy Nhánh tráng lệ kỳ vĩ trên dòng Srêpôk, với thú vui mới lạ ngồi trên lưng voi rong chơi quanh vườn cây bến nước buôn làng lội qua sông cạn, với chiếc cầu treo lắc lư đong đưa qua từng bước chân người từ bến sông đến bờ đảo xanh xanh bóng cây rừng nguyên sinh, và khách tham quan còn thỏa lòng nhìn ngắm ngôi nhà sàn Lào mái gỗ hơn trăm năm của vua voi Kunjunốp bên dòng nước trong rợp bóng cây dầu đồng cổ thụ vươn cao cành nhánh tươi xanh... Không lâu, chiếc thuyền lượn vòng qua hướng tây, bắt đầu xuôi theo dòng nước đưa tôi vào vùng lõi Vườn quốc gia Yook Đôn đầy cây già bóng cả với các loại cây họ dầu rừng khộp, đó đây chen lẫn cây gỗ quí giáng hương, căm xe, cà te và cẩm lai; đó đây còn có rừng trảng cỏ cho các loài chim công, chim trĩ bay nhảy và thanh thản bước chân loài voi rừng lui tới giữa vườn rừng quốc gia rộng nhất nước có diện tích 118.000 hecta. Ngồi trên sông giữa đôi bờ rừng cây xanh màu lá mới, không lâu, tôi được thuyền ghé vào bến nước Ea Đrăng Phôk thăm làng dân tộc bản địa M'nông ven sông có cây rừng tầng thấp tầng cao bạt ngàn cành lá, có nương rẫy lúa ngô, có vườn cây ăn quả và có cả những lô cà phê thơm hương đang nở rộ màu hoa trắng sau mùa vui thu hoạch quả đỏ...
Ngồi trên sông lớn Srêpôk khi thuyền sắp qua hết địa phận Việt Nam, tôi nhớ đến dòng Krông Ana từ thượng nguồn Chư Yang Sin với thác nước nhiều tầng trắng xóa bên triền núi cao. Làm sao quên được, lần đầu tiên hai mươi năm trước, chiếc thuyền nào đã đưa tôi đi trên sông... từ bến nước Buôn Trấp huyện Krông Ana, ngược dòng đến Eo Đờn giữa đôi bờ lồng lộng rừng cây xanh chen lẫn từng ngôi nhà dân với vườn cây cà phê, ruộng đồng lúa nước, nương rẫy chuối, bắp sum suê cành lá; tất cả xanh màu xanh sự sống sinh động tốt tươi... Huyện Krông Ana lấy tên sông Krông Ana, là vựa lúa lớn đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh đó là vườn cây nông trường cà phê đạt năng suất cao, cũng từ nguồn nước sông hào phóng ban cho... Từ mặt nước Eo Đờn rộng phẳng lặng trong xanh lấn sâu vào bờ, một thời xưa xa nổi tiếng có nhiều cá sấu sinh sống nơi này, chiếc thuyền đưa tôi đi tiếp ngược dòng đến địa bàn huyện Lắk, qua khỏi vòm cầu Giang Sơn, dòng sông lượn dài vòng cung về hướng đầu nguồn của huyện  Krông Bông, có thác Krông Kma rộng dài tỏa nước trắng xóa qua nhiều tầng đá bên triền núi lớn Chư Yang Sin, có căn cứ lớn của tỉnh Đắk Lắk qua hai thời kỳ kháng chiến đã qua...

Dòng sông lớn Srêpôk trên cao nguyên Đắk Lắk đầy sức sống hôm nay còn đem lại niềm vui thanh thản cho những ai yêu thiên nhiên sông nước thác ghềnh. Có đến 4 dòng thác lớn: Dray Sáp Thượng, Dray Sáp Hạ, Dray Nur và Trinh Nữ được hình thành, đẹp mơ màng kỳ vĩ nối tiếp nhau không xa trên sông Srêpôk khi chảy qua rừng sâu núi đá gập ghềnh. Những thác nước này, mấy mươi năm qua là điểm tham quan du lịch nổi tiếng, luôn được khách yêu thiên nhiên kỳ thú từ các nơi trong và ngoài nước tìm đến. Dòng sông lớn Srêpôk với nguồn nước đầy đặn thường xuyên, quanh năm còn đem lại nguồn điện hữu dụng lâu dài cho nhu cầu lao động vui sống của con người... từ những nhà máy thủy điện hoạt động bên sông, đêm ngày góp phần cung cấp dòng điện đến nơi nơi, từ đô thị rộn ràng đến vùng nông thôn gần xa yên lành... 

Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

MỘT NGƯỜI CHỒNG - tác giả NGUYỄN THỊ THU HỒNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 303 - THÁNG 11 NĂM 2017







Truyện ngắn
           

Vào một buổi sáng mùa thu nắng dịu nhẹ, tôi đang lúi húi sửa lại cái vòi nước bị hỏng để tưới mấy chậu hoa quanh nhà thì nghe có tiếng bước chân đang chậm rãi bước gần về phía mình. Theo quán tính, tôi quay mặt ra phía sau để xem người đang bước đến gần mình là ai. Ngay lúc đó tôi bắt gặp khuôn mặt hồng hào, mái tóc đã bạc trắng của một ông già. Có lẽ nếu bố tôi còn sống thì ông cũng trạc tuổi bố tôi. Trông ông già thật phúc hậu và lạ lẫm. Tôi chưa bao giờ gặp ông ở cái làng này.
Vừa nhìn thấy tôi, ông già cất tiếng hỏi khẽ khàng nhưng hơi gấp gáp:
- Cháu cho bác hỏi thăm, đây có phải là nhà bà Tú không?
Tôi trả lời ông chút ngỡ ngàng:
- Vâng, thưa Bác đây là nhà bà Tú. Bà Tú là mẹ cháu.
Ông cụ có vẻ ngạc nhiên, vui mừng và nghèn nghẹn trong cổ họng. Ông vỗ nhẹ vào vai tôi:
- Con bà Tú đây ư? Thật vui, thật sung sướng, sung sướng quá…!
Tôi mời ông vào nhà và khi nhìn thấy mẹ tôi, ông già ấy đã cất tiếng gọi mà không thể thành lời:
- Bà…bà … bà …Tú…!
Tôi nhìn thấy rõ sự bất ngờ, ngạc nhiên và xúc động với những nếp nhăn nheo trên khuôn mặt mẹ tôi lúc đó. Giọng bà nghẹn lại:
- Ông…ông … là ông Đặng phải không? Ông …Đặng!...
Họ nhìn thấy nhau mừng mừng, tủi tủi tâm sự, hàn huyên lại chuyện đời đã qua. Mẹ bảo tôi hãy ngồi nghe cùng vì đó là một câu chuyện dài rất dài, cách đây bốn mươi năm.
… Câu chuyện kể về một gia đình hai vợ chồng trẻ. Họ sống với nhau êm đềm, hạnh phúc. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân trong một nhà máy dệt. Mỗi người một quê. Họ đã gặp nhau tại đây, yêu nhau và lấy nhau giản dị và trong sáng như bao cặp đôi yêu nhau ngày ấy.
Anh chồng là một người đàn ông cao to, khỏe mạnh và rất có duyên. Còn chị vợ xinh đẹp, dịu hiền, nết na. Họ được coi là một đôi trai tài gái sắc của nhà máy. Hai vợ chồng họ yêu thương nhau nhiều lắm. Lúc nào cũng như hình với bóng, quấn quýt bên nhau như đôi sam.
Thời gian trôi đi… Chị vợ vẫn trẻ đẹp, tươi tắn như cô gái mới lớn. Anh chồng cũng không già hơn chút nào. Họ vẫn chưa có lấy một mụn con dù đã sống bên nhau hơn bảy năm.
Không ai biết lý do vì sao, chỉ biết anh chị vẫn đang sống hạnh phúc, quấn quýt như đôi sam. Tình yêu của họ vẫn nồng nàn như thuở ban đầu. Nhưng sau niềm hạnh phúc ấy cả hai người đều có nỗi âu lo, buồn bã dù không ai nói với ai.
Cho đến một đêm anh chồng uống rất nhiều rượu và trở về nhà say khướt. Khắp người toàn một mùi rượu nồng nặc. Anh bắt đầu nói huyên thuyên và trừng mắt nhìn vợ. Chị vợ sợ run lên khi nhìn vào ánh mắt ấy. Ánh mắt dữ dằn, hằn học, ánh mắt đầy thù hận nhìn xoáy sâu vào chị xa lạ và lạnh lùng.
Anh vốn không phải là người thích uống rượu. Anh chưa bao giờ say rượu kể từ khi là chồng chị. Tim chị nhói đau. Một cảm giác buồn não nề len lỏi vào lòng. Đó cũng là lần đầu tiên anh làm chị buồn. Sáng hôm sau, anh không tỏ thái độ gì, chỉ lẳng lặng đi làm như để trốn tránh.
Đêm ấy, anh lại uống rượu say, say lắm, còn say hơn cả đêm hôm trước. Anh lại trợn mắt lên nhìn thẳng vào mặt chị mà quát mắng. Chị không biết anh quát mắng, giận dữ với chị vì lý do gì nên chỉ biết chắp hai tay lại xin chồng tha thứ. Rồi anh gằn giọng quát lớn: “Cô có giỏi thì đẻ cho tôi một mụn con đi. Thiên hạ họ đẻ một lúc năm, ba đứa dễ như đi chợ, còn cô một đứa cũng không được. Tôi muốn có con. Đời tôi vô phúc... Tôi buồn lắm. Tôi chán đời lắm. Tôi muốn uống rượu. Tôi muốn say. Tôi hận cô”.
Rồi anh khóc. Chị cũng khóc. Chị khóc cho đời mình bất hạnh. Những lời nói sâu cay của anh như muốn đâm thẳng vào trái tim yếu mềm và tổn thương của chị. Nhưng chị không trách anh. Chị chỉ không ngờ được người chồng rất mực yêu thương mình lại thay đổi nhanh đến vậy. Giá như chị có một đứa con thì anh và chị đã có một hạnh phúc trọn vẹn, mĩ mãn. Chị khóc nấc lên những tiếng khóc nghẹn đắng trong lòng.
… Một đêm, hai đêm, ba đêm liền anh lại uống rượu say và cứ mỗi lần say anh lại làm chị phải khóc nhiều hơn. Rồi anh không về nhà nữa. Chị lo lắng, hốt hoảng tìm anh. Trên phân xưởng, người ta nói anh đã xin nghỉ làm một tuần nay. Còn một người bạn làm cùng tổ với chị vừa đi lên huyện về bảo nhìn thấy anh đi ra từ khu nhà trọ sau chợ huyện. Chị vội vã chạy lên tìm anh. Sau khi hỏi thăm mãi, bà chủ nhà trọ mới chỉ cho chị phòng anh đang thuê ở. Chị mừng tủi gõ cửa phòng chồng khẽ gọi tên anh.
Cánh cửa phòng được mở ra từ bàn tay một người phụ nữ trẻ. Chị sững sờ ngạc nhiên. Nhưng chị còn sững sờ và ngạc nhiên hơn khi thấy người phụ nữ đang mang cái bụng to vượt mặt. Chị ta đang có bầu. Bên trong, chồng chị đang vui vẻ chuẩn bị bữa cơm chiều. Chị chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình thì người chồng rất mực yêu thương chị lại thốt lên câu nói lạnh lùng:
- Sao cô biết tôi ở đây mà tìm? Cô cũng giỏi thật đấy.
Người phụ nữ đứng đỏng đảnh ở ngay cánh cửa phòng trọ vội chen vào một câu nói như dành cho chị:
- Làm sao mà giỏi bằng em được. Em ăn ở với anh được mấy ngày mà sắp sinh con cho anh. Còn người ta ăn ở với anh bao năm rồi …vẫn thế. Ai giỏi hơn ai nào?
Chị không nói được gì ôm mặt khóc òa như đứa trẻ. Chị chạy đến bên anh để chờ đợi một lời giải thích, một lời thanh minh, một lời vỗ về, an ủi của anh.
- Cô ấy nói đúng đấy. Tôi đã ăn ở với cô ấy mấy tháng nay rồi và cô ta đang mang thai đứa con của tôi. Tôi không muốn sống với cô nữa. Chúng ta hãy chia tay, giải thoát cho nhau thôi. Anh lạnh lùng nói.
Chị như người vừa bước ra khỏi cơn ác mộng. Chị không thể tin người chồng chị tuyệt đối tin tưởng và yêu thương lại phản bội và đối xử phũ phàng với chị như thế.
Chị ốm vật vã suốt một tháng trời với những cơn mê sảng và nỗi sợ hãi kéo dài. Trong cơn mê sảng chị vẫn luôn nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng anh chồng lo lắng, săn sóc chị. Khuôn mặt anh rầu rĩ, ủ dột, buồn bã lắm. Nhưng khi tỉnh dậy chị mới biết đó chỉ là cơn mê. Người hàng xóm cho chị biết là không thấy bóng dáng chồng chị đâu dù chỉ một phút giây. Đúng là anh ta đã không còn tình nghĩa gì với chị nữa. Thế mà người ta đã nói rằng chị may mắn và có phúc lắm nên mới lấy được người chồng như anh. Hết thật rồi. Thật là đắng cay. Thật trơ tráo. Thật giả dối. Con người chung thủy, tốt tính đã sống với chị hơn bảy năm và mới đây thôi còn đầy tình yêu thương dành cho chị lại là kẻ phụ bạc như vậy sao?
Chị quyết định chia tay anh và trở về quê sinh sống với bố mẹ.
… Hơn bốn năm sau, chị lấy chồng. Đó là một người đàn ông hiền lành, chịu thương chịu khó trong làng. Vợ anh đã mất để lại cho anh ta một đứa con trai nhỏ dại. Chị thấy thương hoàn cảnh anh và nghĩ đến số phận buồn hiu của mình. Chị muốn làm mẹ của đứa trẻ kia. Nó sẽ là con chị và chị sẽ được làm một người mẹ. Chị sẽ chăm sóc và yêu thương nó như chính con ruột của mình.
Sau ba tháng làm vợ, chị bắt đầu thấy cơ thể mình khác lạ. Chị mệt mỏi và nôn mửa suốt. Chị không ăn uống được gì. Nhìn thấy cơm là chị lại buồn nôn. Chị gầy xanh xao. Chồng chị lo lắng nên đưa chị đến trạm y tế để khám. Họ bảo chị có thai. Chị đang bị nghén, đó là biểu hiện của giai đoạn đầu khi mang thai mà hầu như người phụ nữ nào cũng phải trải qua. Chị không thể tin được phép màu lại đến với mình. Chị vỡ òa trong niềm hạnh phúc và vui sướng. Thì ra chị vẫn có thể làm mẹ. Chị là một người phụ nữ bình thường. Chị bỗng nhớ đến người chồng cũ của mình. Anh ta cũng có con. Chị cũng có con. Vậy mà hơn bảy năm chung sống, chị và anh ta lại không có con để đến nỗi phải chia tay. Nhưng sự chia tay ấy không vô nghĩa vì nó mang lại may mắn, hạnh phúc cho cả hai người.
Mọi chuyện dường như đã đi vào dĩ vãng hay đã bị lãng quên nếu như không có một người làm cùng trong nhà máy về quê thăm chị.
-Tú ơi, chị thấy cô được thế này, chị mừng lắm. Cô đúng là ở hiền gặp lành. Cô có biết là sau khi cô về quê được một thời gian thì chú Đặng, chồng cô... À, chị quên… chồng cũ của cô cũng bỏ nhà máy mà đi đâu ấy. Cái người phụ nữ đang mang thai mà em gặp ở nhà trọ ấy, thực ra là cô em họ ở quê của chú Đặng. Nó bị thằng người yêu lừa cho có bầu, xấu hổ không dám ở quê sợ người ta cười chê nên mới tìm đến chú Đặng để cậy nhờ. Chú ấy xin cho nó vào làm công nhân xong cũng bỏ đi biệt tích luôn. Chị nghe nó kể rằng, “anh Đặng nhà em biết mình không có con nên mới tìm cách giải thoát cho chị Tú. Anh ấy đang không biết phải làm thế nào để chia tay vợ thì may quá gặp em tìm đến. Anh Đặng nhà em yêu chị Tú nhiều lắm. Chị có nhớ cái dạo chị Tú ốm suốt một tháng không. Đêm nào anh ấy cũng thức trắng để chăm sóc cho vợ. Đến khi chị ấy tỉnh dậy thì anh lại bỏ đi. Anh không muốn để chị Tú biết. Chị ấy mà biết thì anh lại không nỡ dứt áo ra đi. Khổ thân anh Đặng nhà em quá. Em lo không biết rồi anh ấy sẽ sống thế nào khi chẳng có gì…”. Thế đấy Tú ạ, thì ra chú Đặng đã cố tình làm cho tất cả mọi người hiểu nhầm về chú ấy, khổ thật.
Chị không còn nghe thấy gì nữa. Chị khóc từ lúc nào chẳng biết. Không gian lúc này chỉ có tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào. Những tiếng khóc và những giọt nước mắt được chảy ra từ trong tim chị. Một cảm giác đau đớn như ai đó đang muốn cấu xé chị đầy căm giận và cả yêu thương. Chị nhớ đến những đêm say rượu, nhớ đến ánh mắt trừng lên nhìn chị đầy hằn học và dữ dằn, nhớ đến những lời mắng nhiếc sâu cay, nhớ đến người phụ nữ và cái bụng bầu… Chị nhớ đến cả cái khuôn mặt lạnh lùng, trâng tráo, phản bội của chồng khi nói với chị rằng hãy để cho anh ta được sống với người phụ nữ kia.
Chị tức giận bản thân mình. Chị đã trách nhầm anh. Anh đã hi sinh cho chị. Chị đã không hiểu anh. Chị giận mình nhiều lắm. Nhưng chị đang có một gia đình. Một gia đình có vợ chồng và những đứa con. Chị phải có trách nhiệm với gia đình mình. Chị tự động viên mình hãy để quá khứ ngủ yên và sống hạnh phúc để sự hi sinh của anh có ý nghĩa. Trái tim chị vẫn luôn có chỗ dành cho anh.
… Bốn mươi năm mới gặp lại, họ có bao chuyện chưa nói hết. Ông già Đặng kể lại chuyện đời đã qua của mình cay đắng và buồn tủi lắm. Anh yêu vợ, thương vợ và muốn sống bên chị suốt cuộc đời. Nếu như không có một lần vô tình đến thăm người bạn nằm điều trị tại bệnh viện tỉnh. Cậu ấy bảo anh thử khám sức khỏe xem có vấn đề gì không, thế là anh biết mình không có khả năng làm bố.
Lòng anh nặng trĩu nỗi buồn. Anh thương mình thì ít mà thương vợ thì nhiều. Anh biết vợ anh yêu con trẻ lắm. Anh đã nhiều lần thấy ánh mắt khát khao của cô khi nhìn ngắm những đứa trẻ. Và anh quyết định rời xa cô để cô có được niềm hạnh phúc của người mẹ.
Cho đến ngày chị bỏ về quê thì anh cũng không ở lại nhà máy ấy. Anh tìm đến cuộc sống tự do, không phải lo toan, buồn phiền. Nhưng anh lại nhớ vợ. Đã có lúc không chịu được nỗi nhớ và sự cô đơn anh đã muốn tìm gặp chị để quay lại cuộc sống trước kia. Người ta cho anh biết có rất nhiều người đàn ông tử tế, đường hoàng đến hỏi chị làm vợ. Vậy nên anh đừng tìm gặp lại chị nữa, hãy để chị được sống bình dị như bao người phụ nữ khác.
Ngày chị lấy chồng cũng là ngày anh quyết tâm không nhớ đến chị nữa. Anh tìm đến một thành phố xa xôi và làm lái xe cho một công ty vận tải để được đi đây đó cho khoây khỏa. Tâm trí anh chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ. Qua những người bạn trong nghề anh được biết rõ về cuộc sống của chị. Đã có một vài người phụ nữ đi qua đời anh, họ muốn gắn bó với anh nhưng anh không muốn để họ có chung nỗi bất hạnh với mình…
Tôi đã lắng nghe chăm chú câu chuyện của mẹ tôi và bác Đặng. Tôi khóc. Tôi đã ôm bác giống như ôm bố tôi ngày còn sống và chỉ nói được rằng, “Cháu cảm ơn bác. Anh em cháu phải cảm ơn bác rất nhiều”.

Bác Đặng nói với tôi rằng bác và mẹ tôi là hai người bạn thân thiết. Bác hứa sẽ thường xuyên đến thăm mẹ tôi vào những buổi chiều khi chỉ còn những cơn gió thổi mát rượi vào lòng và đó là lúc mà mặt trời đang toả những ánh nắng dịu nhẹ. Họ sẽ cùng nhau đi dạo trên con đường làng yên ả và nhìn ngắm ánh hoàng hôn tắt dần. Vì khi đó hoàng hôn rất đẹp. 

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

BIẾN MẤT - tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO - CHƯ YANG SIN SỐ: 303 - THÁNG 11 NĂM 2017







Truyện ngắn



Thầy mất.
Tôi ngồi bên Hạ suốt ba ngày ba đêm liền, dù Hạ không rời khỏi chỗ ngồi của mình ở góc phòng, nhưng tôi cứ sợ chỉ cần tôi rời mắt khỏi Hạ, thì nó sẽ biến mất như nó vẫn luôn nói trước đó. Thỉnh thoảng tôi ôm lấy nó, an ủi:
- Thầy đi rồi! Thầy rời thế giới khổ đau này rồi, mừng cho thầy, Hạ à!
Nó chẳng trả lời tôi, nhưng sau những câu an ủi đó, tôi thấy nước mắt nó rơi xuống, rồi một lát sau lại ráo hoảnh. Dường như Hạ không còn khóc được nữa, nó cũng không đủ sức đứng lên để ra khỏi góc phòng. Hạ sợ mình ngã, vì không tìm thấy điểm tựa. Đôi khi, một góc tối lại trở nên vô cùng quan trọng.
Trong vòng một tháng trước, Hạ thỉnh thoảng gọi tôi, nói những câu không đầu không cuối, như có gì đó chán chường, như buông bỏ. Rồi Hạ lặp đi lặp lại câu hỏi, “liệu, tao biến mất khỏi thế giới này, được không?”. Cứ sau mỗi lần nó hỏi câu đó, tôi hét lên, “con điên!!!” trong điện thoại, vội vàng dập máy rồi lao đến ngồi bên nó, có lúc nó khóc, nhưng cũng có lúc nó bỗng cười như phát dại, “mày sợ tao chết đến vậy à?”. Tôi tức giận nhìn nó, nó chặc lưỡi, “ba tao chưa chết, tao chết sao được!”.
Thầy đông con, Hạ là con gái út của thầy, tôi chơi thân với Hạ từ khi nào không nhớ, những nét chữ đầu tiên của tôi cũng nhờ thầy dạy cho, nên tôi coi thầy cũng như ba mình. Với Hạ thì hơn vậy, thầy là tượng đài không thể nào sụp đổ và mất đi, bởi năm người anh trai của Hạ, lần lượt bòn rút tới tận cùng niềm tin và nỗi đau của những người còn lại trong gia đình. Hạ từng nghĩ rằng, nếu cha mất, ngôi nhà của Hạ sẽ biến mất, thậm chí cả Hạ, cũng biến mất như chưa hề tồn tại.
Trước năm 1975, thầy là người học cao nhất ở vùng đất này. Sau biến cố đó của đất nước, thầy được làm một ông giáo làng với đồng lương không đủ nuôi năm sáu miệng ăn. Khi Hạ ra đời, thầy quyết định nghỉ việc ở nhà nuôi heo và nấu rượu. Thời đó nấu rượu bị cấm, thầy phải đào hầm để giấu những thạp cơm ủ đang lên men. Đàn heo lớn nhanh như thổi nhờ hèm (thứ cơm rượu còn lại sau khi đã được chưng cất), nhờ đó mà thầy vực được kinh tế của gia đình, sáu anh em của Hạ đều được đến trường. Hạ là con gái duy nhất, lại con út, được thầy thương nhiều nhất, vì vậy, khi chơi thân với Hạ, thầy thương luôn cả tôi.
Người ta nói thầy không có phước hưởng, con đông, lại là con trai, nhưng lại sống càng về cuối đời càng cơ cực. Năm người anh trai của Hạ dù được đi học nhưng không lo học mà chỉ chơi bời lêu lổng theo đám bạn bụi đời không có tiền đi học. Thầy bất lực dùng đủ mọi cách răn đe mà không được, người ta chê ông giáo làng không dạy nổi con mình thì còn dạy ai.
Rồi sét đánh trong một chiều muộn, người ta nói người con trai lớn bị công an bắt vì tội giết người, thầy gắng gượng đứng dậy, xua tay “nó bị oan thôi, chắc chắn nó bị oan”. Năm lần bảy lượt thầy xin để được vô trại tạm giam gặp con nhưng đều bị từ chối.
Ngày ra tòa, thầy nhào tới cái vành móng ngựa, nói như van lơn, “nếu oan, con hãy nói là oan, nói sự thật, nghe con!”. Nhưng thầy đổ sụp dưới hàng ghế trong phiên tòa đó, mắt trợn trắng, chỉ ú ớ mà không thể nói được. Dù các bác sĩ đã đưa thầy về từ cõi chết, thì thầy cũng chỉ được sống với đôi tay và cái đầu lúc nhớ lúc quên, phần còn lại hoàn toàn bất động. Tai thầy vẫn còn văng vẳng lời khai của con mình, rằng nó giết người, giết một cách rất dã man, tai thầy vẫn còn nghe câu tòa tuyên án, “tử hình”. Từ đó, bốn đứa con trai còn lại cũng biến mất khỏi thầy, khỏi địa phương như chúng chưa từng tồn tại. Nhà chỉ còn thầy và Hạ. Thỉnh thoảng, tôi sang chơi nữa, thì nhà cũng chỉ có ba người. Lặng ngắt.
Suốt hơn mười năm thầy nằm một chỗ, Hạ đưa giường của thầy ra gần cửa sổ, buổi sáng, Hạ kéo rèm lên để thầy có chút nắng, trưa chiều thầy cũng có thể nhìn ra bên ngoài, nơi có những con chim bay qua, nơi có những áng mây lững lờ trôi. Hạ đem về cho thầy rất nhiều sách để thầy đọc, nhưng càng về những ngày cuối, thầy không đọc nữa, thầy hay nhìn ra bên ngoài, chỉ là nhìn một cách mơ hồ. Còn trong lòng Hạ thì cứ sục sôi với ý nghĩ thầy mà chết, Hạ cũng sẽ biến mất. Hạ không rõ lắm mình sẽ biến mất bằng cách nào, nhưng trong đầu Hạ hai chữ đó xuất hiện rất thường xuyên, giống như có một giọng nói nào đó nói vào tai Hạ. Tôi rùng mình nhìn thầy và Hạ, lòng chỉ thầm ước, “nếu thầy có đi, xin thầy, hãy bảo vệ Hạ!”.
Đưa thầy đi rồi, ngày thứ ba, tôi phải chạy đôn chạy đáo chợ búa làm cơm để cúng và mời bà con chòm xóm trong ngày “mở cửa mả”. Hạ vẫn ngồi trong bóng tối. Tôi cảm thấy mình quá sức khi cứ vừa lay hoay trong bếp vừa phải trông chừng Hạ. Nhưng bây giờ trong đầu tôi, hai từ “biến mất” nó còn vang lên lớn hơn cả những gì mà Hạ hay nói với tôi trước đó. Khi người thầu làm mộ của thầy vào nhà bảo là mộ đã hoàn thành, họ cần lấy tiền, thì Hạ đứng bật dậy từ trong góc tối mà Hạ đã ngồi suốt mấy ngày qua, tôi giật mình, trấn an nó, “tao biết tiền để đâu mà, để tao trả cho!”. Hạ chẳng nói gì đến tiền, Hạ đứng thẳng, nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi nghe da gà chạy dọc sống lưng, trong mắt nó, hình như có một hình ảnh của ai khác, “mày ở lại, nghen!”. Rồi chẳng đợi tôi kịp trả lời, nó đi vụt qua tôi, đi thẳng ra cửa. Tôi hoảng hốt níu tay nó lại, “Hạ, Hạ, không được, mày đợi đã!”... Nó dợm chân đứng lại. Tôi lắp bắp, “mày đứng đó, đợi, đợi tao, không được đi đâu, nghen!”.
Tôi đếm tiền trả cho thợ xây, rồi lay hoay trả lời người này người kia mắm muối bột ngọt để đâu, hay món nào dọn lên bàn nào, món nào dọn lên bàn thờ? Tôi nghe đầu mình ong lên, hoa hết cả mắt. Khách khứa đã đến khá đông đủ, tôi bỗng giật mình, Hạ, Hạ đâu?
Tôi hét thất thanh chạy nhanh ra cổng, ngó quanh, lớn tiếng gọi, “Hạ, Hạ!”. Tôi vừa gào vừa khóc, kêu mọi người đi tìm Hạ, cả nhà và khách mời bỗng nháo nhào lên, đổ ra khắp nơi tìm, dù có vài người hoài nghi và an ủi tôi “nó đi đâu đó thôi, nó lớn rồi, con lo làm gì?”. Chỉ có cổ họng tôi nghẹn đắng, Hạ biến mất thật rồi!
Bữa cơm trưa dọn lên chưa ai kịp ăn, chủ nhà biến mất đột ngột và khách thì chia nhau đi tìm. Tôi gần như hoảng loạn, tôi không biết mình nên tìm Hạ ở hướng nào. Đến khi tôi gần như tách hẳn khỏi đám đông ồn ào, tôi mới sực nhớ được một nơi Hạ có thể đến đó.
Hạ ngồi trước mộ thầy, hét lên rất to, “Ba à, nếu con không hét lên thì con chết mất, nếu con không biến mất khỏi trái đất này thì làm sao con giữ nổi cái bí mật khủng khiếp này cho hết cuộc đời, hả ba?”. Tôi lùi lại phía sau, ôm ngực ngồi xuống, chỉ sợ mình xuất hiện, Hạ sẽ lại nín lặng và trốn khỏi tôi. Hạ nằm dài, ôm ngôi mộ vừa xây của thầy, sơn và xi măng chưa kịp khô, dính đầy lên tóc, lên người Hạ. Nó khóc nấc: “Ba ơi, tha thứ cho anh hai! Anh hai không có lỗi, vì cứu ba mà anh hai mới làm vậy, ba ơi!”.
Tôi nghe như có một cú đập nào đó nện thẳng vào ngực mình, tại sao như vậy, anh ấy đã chết trên pháp trường một cách oan uổng hay sao? Tôi không chịu nổi nữa, vùng đừng dậy, chạy lại nắm hai vai của Hạ.
- Mày nói gì, nói gì hả Hạ? Tại sao?
Hạ thảng thốt nhìn tôi, nó hất tay tôi ra, vùng chạy. Nhưng đằng sau nó, bốn người anh trai còn lại của Hạ đang đứng thành một hàng ngang, đầu chít khăn tang.
- Em cứ nói đi, út à, nếu đó là điều em muốn nói! Ba cũng cần biết sự thật mà!
Năm anh em đốt nắm nhang, quỳ lạy trước mộ thầy. Từng lời kể như những nhát dao đâm thẳng vào ngực tôi. Cảm thấy rằng sức lực mình có giới hạn, không thể nào chịu đựng được nỗi đau đang phơi bày trước mắt.
Ba có biết, sao cái ngày anh hai bị bắt, má cũng đi luôn không? Cái người anh hai giết, thiệt ra là cả năm anh em cùng đánh chết ổng, chính là nhân tình của má. Nhưng ổng chỉ lợi dụng má để rình mò bắt quả tang ba nấu rượu, để lập công và để hại gia đình mình.
Nửa đêm ba soi đèn để đi kiểm tra từng thạp cơm rượu đang ủ, thì ổng trèo lên mái nhà, vạch mái tranh để rình. Anh hai đi chơi về bắt được, đã cùng mấy anh em còn lại lôi ra ngoài đồng vắng rồi đánh ổng. Nhưng anh hai lỡ tay, ảnh lỡ tay, ba ơi, ảnh không có cố ý giết người, nhưng mà nếu khai ở tòa lỡ tay, thì tòa sẽ hỏi còn ai tham gia nữa không, nên ảnh phải khai là ảnh cố ý. Ảnh đứng ra chịu tội một mình. Anh hai nói thà ảnh hi sinh làm một đứa con hư, vì dù sao ảnh cũng là con hư rồi, chớ để ba biết sự thật về má, về những gì ảnh đã làm vì ba, thì chắc ba không thể nào chịu đựng nổi.
Nhưng mà, tụi con sai, tụi con sai rồi, ba ơi!
Năm mái đầu trắng khăn tang ngồi trước mộ thầy suốt buổi chiều cho tới khi mặt trời tắt hẳn. Những nén nhang liên tục được thắp lên nhưng hình như không ai có ý định trở về nhà. Nhưng trong mắt Hạ, không còn hình ảnh u uất suốt những năm tháng qua nữa, tôi tin nó không muốn biến mất như nó đã từng.
Một cơn gió thổi qua, nắm nhang chụm lại cháy bùng thành ngọn lửa. Tôi ngồi ôm ngực mình, hỏi, “Thầy ơi, liệu thầy có tha thứ được sự nhẫn tâm của cuộc đời đổ lên thầy hay không? Cuối cùng thì, ai chịu trách nhiệm cho những đau thương này, hở thầy?”.


Buôn Hồ 10.2017 

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 303 - THÁNG 11 NĂM 2017 tác giả



NGƯỜI CUỐI CÙNG - tác giả PHẠM THỊ THUÝ QUỲNH - CHƯ YANG SIN SỐ 303 - THÁNG 11 NĂM 2017


  

Truyện ngắn

“Vào ngày nổi giận của chúa trời,
Cả thế gian sẽ biến thành tro bụi”
(Faust – Goethe)

1.
Ban đêm, những ngôi sao bắt đầu hiện mình bao bọc lấy vầng trăng tròn vành vạnh, nếu như tôi nhớ không nhầm thì hôm nay đã là ngày thứ hai mươi mốt kể từ thảm hoạ ấy. Tiết trời lạnh lẽo đến cùng cực. Gió buốt lộng tận óc. Chùm khói bay ngược lên, tạo thành cột thẳng đứng tuồng như bất động giữa đống lửa đỏ.
Tôi, Phương, Kiên và Lan ngồi sát vào với nhau. Giới thiệu thêm, chúng tôi là bạn học cùng trường, một điểm chung nữa, ấy là cha mẹ chúng tôi đều đã mất sau “cơn bão”. Dầu trước đây chẳng hề nói với nhau một câu, song hiện tại, với hai điểm này thôi, chúng tôi đã trở thành bạn kề vai sát cánh. Phải, nói đúng hơn là chúng tôi chẳng còn ai để bấu víu vào nữa. Nhóm tôi là nhóm cuối cùng rời khỏi thành phố, dân cư đều bỏ đi, tiền bạc giờ chẳng còn nghĩa lí gì.
Không khí lúc nào cũng sực nồng mùi khói, mùi bụi. Khô khốc. Sắc nhọn. Và trống rỗng. Mùi của cái chết. Mùi của bất lực. Mùi của địa ngục.
Trong một đêm, âm thanh cuồng nộ gào thét quật đến, luồng khí đỏ chẳng biết tự phương nào dẫn đường quét tràn, lật ngược hành tinh, nhào trộn quả cầu xanh như một thứ đồ chơi của tạo hoá.
Chỉ còn đất đá, chỉ còn nước mênh mông và những cơn gió hoang hoải thổi trống lòng người. Thành phố lác đác vài âm thanh thảng thốt, rồi tiếp đó là một chuỗi những tiếng gào thét điên loạn. Một vài người tìm nhau bên dưới các tấm bê tông dày, một vài người còn sống, một vài người đã chết. Những tảng đất đồi tràn xuống lòng đường, nhão nhoét, bục rữa như bùn. Vậy đấy, ngay cả một con giun cũng biến mất, đám muỗi đầm lầy to như ong bò vẽ đêm ngày rình người và động vật đến để hút máu nay cũng chẳng còn nữa. Cây cỏ xác xơ.
Và lặng im.
Và đứt gãy.
Và sụp đổ.
Rặt màu đỏ là tàn dư của “cơn bão”, màu đất vàng ệch, màu hoang hoải chẳng còn tươi mới. Và từ đây, điểm nhìn của mọi người dầu có phóng ra xa cách mấy cũng chỉ thấy những trống rỗng, những vạch kẻ mà ai cũng cho là đường chân trời không đích đến.
Ngày nào cũng có người rời khỏi quê hương để đi tìm, tìm lại thế giới trước đây, họ cho rằng ở bên kia đường chân trời là ốc đảo, là những cánh rừng nguyên sinh thẫm xanh, là sự tươi mát, là hoa cỏ ngát hương và nền văn minh vẫn đang tồn tại. Như cuộc hành hương, chúng tôi bắt đầu xuất phát trên cùng một điểm với hai bàn tay trắng.
Chẳng còn nhớ được chuyện gì đã xảy ra, chỉ biết khi tỉnh lại cũng là lúc ánh mặt trời đã xói thẳng vào mắt. Điện thoại, máy tính xách tay, ipad, máy chiếu 3D, tất cả các đồ dùng thuộc về thời hiện đại, thuộc về năng lượng đều cạn nguồn từ lâu. Hiện tại tôi chỉ có thể đoán định thời gian bằng việc xác định bóng của cây bút chì mang theo.
Cắm nó xuống đất, nhìn bóng đổ, có lẽ đã vào khoảng 11 giờ trưa. Vẫn cơn đói. Quả vậy, giá như con người ta không ăn cũng có thể sống được thì tốt biết mấy, giá như quanh đây có một cây cỏ, một ngọn rau xanh hay một con giun thôi cũng được. Nghe nói rằng trong chiến trường, giun quế là nguồn bổ sung đạm hữu ích. Tôi nghĩ tới đây và bật cười. Gỉ mắt đóng két khiến đôi con ngươi hơi đau. Tôi đánh thức những người khác.
Một ngày mới. Cách đây một tháng, nó là câu nói để khích lệ tinh thần, giờ như lời phán xử cất nhắc xem ai là kẻ lên đoạn đầu đài.
- Mấy giờ rồi? – Lan hỏi.
- Cũng khoảng mười một giờ hơn rồi, mau đi thôi, đến được nguồn nước càng sớm càng tốt – Tôi đáp.
Phương thở dài:
- Chúng ta sẽ phải đi tới bao giờ?
- Bao giờ thấy được chỗ có thể sống được – Kiên đáp – Phải gắng mà tìm ra.
Thảy im lặng.
Chúng tôi biết cơ hội thoát khỏi tình cảnh thảm thương này là hy hữu. Chúng tôi biết rằng thần chết đang đứng đợi mình không xa với lưỡi hái trên tay và một nụ cười nhạo báng: “Ai rồi cũng phải chết, sớm hay muộn cũng thế.” Và rằng trên cao kia, thần linh đang đứng chúc tụng nhau, ăn mừng với nhau vì đã sắp thoát khỏi được nơi mà mình chán ngán – Trần thế.
Tôi đã quên mất không kể với các bạn rằng chúng tôi đang đi tìm những mầm cây. Trong hoàn cảnh hiện tại, hẳn bạn – người đang theo dõi câu chuyện nhỏ này – đang nhạo rằng chúng tôi đang viển vông. Nhưng biết làm sao được đây? Chỉ còn một tia sáng cuối cùng đó thôi. Bởi ít nhất trong sách có ghi rõ rằng: “niềm tin được thần linh bảo hộ”, mê tín ư? Hay tự huyễn hoặc bản thân?
 Tiếng cười muôn đời đã bật ra đầy cay đắng, giờ đây tôi cũng muốn cười vào mũi chính mình. Đã là thế kỷ thứ XXII, con người vẫn tin vào các câu chuyện thần kỳ. Chí ít, giữa bốn bề hoang vu, còn hy vọng là còn tiếp tục sống.
2.
Gió khô thốc từng đợt đất cuộn lên, tràn hết vào mắt mũi khiến ai nấy phải cúi thấp đầu xuống mà đi, chẳng tránh khỏi các cơn ho sặc sụa mùi bụi. Một dãy núi đá xiên thẳng lên nền trời vàng ệch, dưới chân chỉ có các bụi cỏ chết khô, rệu rã. Kiên chạy đến đó, vạch giữa chúng hòng tìm ra những cây cỏ còn sống.
Sau Kiên, cuối cùng cả nhóm chúng tôi cũng lao tới đào tìm, cho dù đám cỏ đã cháy hết song củ cỏ gấu ăn được, nếu may mắn, chúng sẽ trở thành nguồn thực phẩm cung cấp dinh dưỡng cần thiết. Men dần theo chân núi, không khí mát mẻ hơn một chút. Trời không phụ người, chúng tôi đã bới được kha khá các chuỗi củ to cỡ ngón tay cái.
- Hôm nay là một ngày may mắn – Kiên cạo lớp vỏ đầy đất và cho cả nhân củ gấu vào miệng nhai rau ráu.
Càng lúc chúng tôi càng tìm được những củ lớn hơn, có củ đã lớn cỡ quả trứng chim cút. Nhưng thay vì vui mừng, chúng tôi lại thấy có phần gờn gợn. Chẳng ai bảo ai, thảy đều chia nhau ra xem xét xung quanh đó. Rồi, theo gió, một thứ mùi quen thuộc gai người xộc đến – thối khẳn. Thứ mùi khiến người ta buồn nôn đến cùng cực lẳng lặng xâm nhập vào khứu giác luồn đi khắp cơ thể và đánh một đòn làm đầu óc tê liệt. Phương và Lan đưa tay bịt mũi, lùi về phía sau.
- Mùi xác chết – Kiên nói.
- Chắc là xác động vật – Tôi chen vào.
- Hy vọng là vậy, Lan và Phương ở lại đây, tớ và Hiếu đi xem thế nào.
Tôi gật đầu. Hiềm một nỗi hai chân cứ cứng đờ như bị muôn vàn cánh tay bám lấy, chẳng thể cử động. Kiên sốt ruột, choàng tay kéo tôi đi. Chân tướng, bây giờ, nó lại là thứ khiến tôi sợ hãi. “Hy vọng là xác động vật” – Tôi thầm nghĩ.
Mùi hôi thối ngày một bốc nồng, cuối cùng Kiên và tôi tìm thấy nguồn cơn nằm ở phía sau tảng đá lớn nọ. Cả hai chầm chậm bước đến. Tôi thấy phía trước trắng xoá, rồi nhắm chặt mắt lại. Thế nhưng nỗi tò mò lại chiến thắng, tôi không thể nào thôi quan sát. Và, những ngón tay dập nát đập vào mắt, những ngón tay đã rữa nát đến độ xương cốt lòi ra trắng hếu và nhung nhúc giòi. Một đứa trẻ, đó là xác của một đứa trẻ độ mười bốn, mười lăm tuổi.
Kiên nhũn người, phủ phục xuống. Tôi cũng chẳng còn sức lực để mà mở lời nữa. Chúng tôi tựa vào nhau, bên cạnh thi thể đứa trẻ. Đâu sẽ là kết cục của chúng tôi? Chẳng rõ bao lâu trôi qua, Kiên đứng lên và đi đào một cái hố nông choèn. Tôi cởi chiếc áo khoác ngoài, quấn đứa trẻ vào đó. Bất chợt, trong túi áo của người chết rơi ra một mẩu giấy. Tôi nhặt lên, suy nghĩ một lát, rốt cuộc cũng cất vào trong túi.
Bữa tối, Lan dốc nốt lon thịt hộp cuối cùng của mình, loay hoay mở nắp. Việc cây cối, động vật suýt bị tuyệt diệt khiến chúng tôi mất cân bằng dinh dưỡng, một loạt những bệnh vặt khó chịu kéo nhau phát triển, đẩy lùi sức đề kháng của cơ thể nên trông ai cũng bủng beo, gầy guộc.
- Cậu ăn đi – Bỗng nhiên, Lan đưa miếng thịt đã được làm nóng cho tôi, cười và nói – Miếng cuối cùng, miếng liêm sỉ đấy.
Tôi biết cô đang nói đùa, bật cười:
- Đã chết đói đến nơi mà lại còn cần đến liêm sỉ hay sao?
Kiên thêm củi, nheo mắt hỏi:
- Nếu chúng ta đi tìm ông trời để hỏi cho ra nhẽ thì sao?
Phương đáp:
- Nếu trời có tồn tại thì hẳn chuyện này sẽ không xảy ra.
- Chuyện này xảy ra vì trời tồn tại – Kiên bần thần. Phải nói thêm rằng, ở trường cậu chàng là một thanh niên tài giỏi, có đủ khả năng vào thẳng trường đại học nổi danh nhất nước mà chẳng cần phải thông qua kỳ thi tuyển đầu vào khắt khe. Tuy nhiên, đôi khi có lẽ vì số sách nghiên cứu đã nhồi vào đầu cậu ta quá nhiều lí thuyết mà những lời nói đôi khi có phần viển vông, và hơi điên cuồng.
- Đẹp quá – Lan chợt thì thầm.
Tôi ngạc nhiên ngẩng lên, cô đang chăm chắm quan sát dòng ngân hà trên cao. Mất đi thành phố, mất đi ánh đèn điện, những vì tinh tú mới có cơ hội để toả sáng một lần nữa.
- Cậu biết không, người ta bảo rằng mỗi một vì sao trên kia đều tiên đoán trước vận mệnh của chúng ta.
Tôi “ồ” lên một tiếng, Lan khẽ chớp mắt:
- Nếu như chúng cũng bị quét đi thì liệu chúng ta còn có thể tồn tại không?
Kiên lắc đầu:
- Con người sẽ trở thành loại động vật đáng thương nhất toàn vũ trụ.
Đến lúc này, tôi mới sực nhớ ra mảnh giấy mà đứa trẻ mang theo. Bèn giở nó ra xem, thì ra đó là một tấm bản đồ. Trên những đường kẻ ngang dọc có điểm chấm được đồ đi đồ lại bằng mực đỏ, bên cạnh ghi tên “Suối Ngọc”.
- Kiên! – Tôi thảng thốt gọi.
- Sao thế? – Kiên ngạc nhiên đứng lên, trông thấy tấm bản đồ trên tay tôi, cậu nhíu mày – Cậu kiếm cái này ở đâu ra?
- Lúc quấn thi thể… - Tôi đáp, và chỉ vào chấm đỏ - Ở đây có một con suối, chắc nó muốn tới đó nhưng kiệt sức.
- Ngày mai – Phương lên tiếng – Chúng ta sẽ tới con suối, nước ngọt sắp hết, và biết đâu còn tìm được những người khác nữa.
Kiên gượng cười, ngẩng đầu lên nhìn bầu trời thăm thẳm:
- Ngày mai…
3.
Chúng tôi dậy rất sớm, khi mặt trời còn chưa ló dạng, y theo tấm bản đồ mà đi.
Đi một quãng, chúng tôi đến được con suối Ngọc mà bản đồ đã vẽ. Nước hơi đục song giờ thì chẳng ai còn quan tâm nữa. Vục những đôi môi nứt nẻ tươm máu xuống, chúng tôi uống nước như những con thú hoang. Kiên cười thoả mãn đánh khà một tiếng:
- Ngon hơn trà Lạc Vân.
Đấy là tay tiểu tư sản đúng nghĩa. Tôi phì cười trước câu nói của cậu ta, với danh từ xuất hiện từ hai thế kỷ trước. Lan đi men dọc theo dòng suối, cúi xuống nhặt những viên sỏi trơn nhẵn, cạo các mảng rêu bám trên đó, trữ vào một chiếc lon sắt. Chợt, cô khẽ reo lên một tiếng. Tôi ngạc nhiên chạy sang. Lan há hốc miệng, cổ họng cứng đờ không phát ra tiếng. Tôi nhìn theo hướng ngón tay cô và hốt nhiên hai tai như ù đi, chung quanh chỉ còn tiếng gió reo lướt qua hàng cây thẫm.
Một mầm cây với hai chiếc lá non mới nứt bé như đầu đũa đang bị kẹt dưới hòn đá mấp mé bờ suối. Trái tim tôi cơ hồ có tiếng nứt nhẹ, toàn bộ cơ thể đổ về phía trước, tôi chẳng thể kìm lại được mà lao xộc lên. Nước bắn tung toé vào mắt vào môi, tôi phủ phục, khẽ nâng hòn đá lên. Bây giờ, Lan mới hoàn hồn, cô nhanh chóng bước theo. Ngạc nhiên, cả Kiên và Phương cũng chạy tới.
Chúng tôi cả cười. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là hạnh phúc. Mầm cây - Nàng Tiên Ước - toả sáng giữa bầu trời ảm đạm.
- Phải đánh nó vào một chậu đất, để đây sợ nó chết mất.
- Mà tớ cũng không yên tâm.
- Phải, Kiên, kiếm một cái cốc nhựa, đục vài lỗ bên dưới đáy rồi tìm đất đi, đất phải tơi.
- Biết rồi, biết rồi, để tớ đi kiếm đồ.
Sau lúc ngạc nhiên là lúc nhốn nháo. Chúng tôi vây quanh mầm cây, sốt sắng như đứng trước một đứa bé mới chào đời. Nếu nuôi thành công được cái cây này, biết đâu chúng tôi có thể “gọi” rừng trở lại. Tôi thèm được nhìn ngắm cảnh những chiếc lá thu rụng thành thảm mỗi sáng, thèm được nếm vị lá sấu mỗi khi đến mùa xanh mỡ của thủ đô. Và, hơn hết, tôi thèm màu xanh. Những rực lửa, đen tối, xám xịt trong mắt chúng tôi đã gần như đủ thiêu rụi cả thế gian, nếu không được kìm hãm lại thì thực chẳng biết sẽ còn xảy ra chuyện gì nữa.
Mất nửa giờ đồng hồ để Kiên và Phương làm xong một ngôi nhà mới cho mầm cây. Tôi sợ tay chân mình vụng về đành để Lan đánh nó lên. Chỉ công việc nhỏ nhoi này cũng tiêu tốn của chúng tôi khá nhiều thời gian. Mặt trời chếch bóng. Mỗi người đều cố gắng bỏ hết những đồ có thể đựng được để múc nước, vì chẳng biết rằng sẽ mất bao lâu để thấy nguồn nước ngọt tiếp theo. Nhưng lần này, chúng tôi vui. Phương cất giọng hát khe khẽ, bài hát được sáng tác từ thế kỷ trước:
“Em đứng trên cánh đồng,
Em thấy em giống như trăm nghìn cơn sóng lay giữa đồng…”(*)
Mầm cây được Lan ôm một cách cẩn thận, cô liên tục cúi xuống ngắm nhìn nó, âu yếm như thể đấy là con của chính mình:
- Rồi nó sẽ lớn lên, trở thành một cái cây thực thụ, nhỉ?
Không khí ảm đạm tiêu biến, tôi gật đầu tiếp lời:
- Và hạt giống của nó sẽ phát tán khắp thành phố, khắp mảnh đất này, chỗ chúng ta đang ngồi. Rừng sẽ trở lại.
Phương nhoài người ngắm nghía mầm non:
- Nếu có rừng thì chúng mình hãy mở một buổi dã ngoại nho nhỏ.
- Sao lại chỉ một buổi, chúng mình hãy làm những ngôi nhà trên cây. Mình sẽ mở cả một phòng đọc sách trên đó, giống như trong những câu chuyện cổ mà thư viện lưu trữ - Kiên chau mày lắc đầu nói.
Phương bật cười, tôi bật cười, Lan bật cười, cuối cùng Kiên cũng bật cười theo. Chúng tôi cứ vậy cười với nhau, cười cho đến khi ruột gan co rút, cười cho đến khi nước mắt cứ thế chảy tràn, cười cho đến khi hơi thở nghẹn cứng lại.
Đêm đó, tôi đã nằm mơ, một giấc mơ thật dài, rằng mầm cây đã lớn chỉ sau một đêm với những tán lá dày dặn và tiếng chim hót vui tai đánh thức ngày mới. Chúng tôi ngồi ở trên những chạc cây cao vượt qua tầng mây và ngắm nhìn bình minh mặt trời mọc nơi biển xa. Dưới gốc cây, những đứa trẻ đang chơi trò trốn tìm. Gió hiu hiu mát rượi ruổi dọc theo làn tóc mai. Mùi cỏ thơm dâng ngập vòm không trộn lẫn vị the the của bạc hà khiến lòng người tròn đầy, viên mãn.
Tôi yêu những vòm xanh.
Con người nên yêu những vòm xanh.
Hiện thực cát đá trở lại khi ánh nắng chói chang xói vào mắt. Tiếng suối róc rách chảy bên tai khiến lòng người dịu xuống. Tôi trở mình ngồi dậy, vốc nước rửa mặt. Phản chiếu tôi là bóng dáng của một kẻ mất nhân dạng, khuôn mặt méo mó với đôi gò má nhô cao lên. Môi nứt nẻ, da vàng ệch và đôi mắt vằn đỏ những tia máu, thâm quầng. Tôi quay đầu lại nhìn những người khác, chưa đầy một tháng, tất cả chỉ còn là những bộ da thô tháp với các mấu xương lồi nhọn ra ngoài. Chúng tôi có thể tiếp tục bước nữa hay không?
Lan đang rưới nước cho mầm cây, nó đã cao hơn hôm qua một chút. Và điều này khiến cho niềm hy vọng ngày một lớn hơn.
- Trông hơi giống một cây trẩu nhỉ? – Kiên cúi xuống quan sát.
- Có ai còn viên thuốc hạ sốt nào không? – Chợt, Phương hỏi.
Lan ngẩng đầu lên:
- Sao thế?
Rồi lại cúi xuống ngắm mầm cây. Kiên vụt đứng dậy rờ tay lên trán Phương, chau mày:
- Sốt rồi. Để tớ tìm xem còn viên thuốc nào không. Nhưng trước tiên, cậu phải ăn đã.
Lan cười:
- Chúng ta đã không còn gì để ăn nữa rồi…
Bây giờ tôi mới nhận ra điều bất thường, nụ cười của người bạn nọ ngờ nghệch đến lạ, và dửng dưng, dường như sinh mạng của tất thảy đều không quan trọng bằng cái cây mà cô đang âu yếm. Tình trạng của Phương ngày càng kém đi, cô đã chẳng thể đứng vững được nữa. Kiên thôi không hỏi Lan, cậu cắt chiếc áo sơ mi của mình ra, dấp nước đắp lên trán và đỡ cô nằm xuống.
- Chắc sẽ hơi cồn ruột một chút – Kiên bóc lấy một viên thuốc, nâng đầu Phương lên và giúp cô uống.
Cơn sốt lên tới ba mươi chín độ nhanh chóng kéo Phương vào giấc ngủ, mất nước, đôi môi cô khô nứt và da tái xám dần đi. Chúng tôi chẳng thể tiếp tục hành trình nếu như Phương không khoẻ lại. Vậy là, để cô ở lại với Kiên, tôi đi loanh quanh kiếm tìm vận may. Con suối chảy về phía đông, tôi men theo hướng đó mà bước. Không rõ đi mất bao lâu, chợt xuất hiện một vụng nước xanh biêng biếc, đã lâu lắm rồi, tôi chẳng còn nhìn thấy màu xanh như vậy nữa. Lần tìm những bình nước mang theo, tôi đổ hết nước bẩn, vội vục đầy nước mới vào. Rồi, nhìn quanh, không thấy ai, tôi nhảy xuống khoảng xanh, trầm hẳn mình xuống đó. Nước trong vắt thấu đáy, bên trên là luồng sáng nhờ nhờ.
Suối Ngọc, quả như tên gọi của nó. Ngụp lặn cho thoả thuê, cho gột trôi hết cát bụi và những bóng ma thân thuộc quanh mình. Đương lúc đó, chợt có một đàn cá con ruổi ngang qua tầm mắt. Tôi giật thót, nước tràn vào phổi đẩy cơn sặc sụa và toàn thân nổi lên mặt nước để tìm không khí. Tôi như phát điên, toan chạy về báo cho mọi người biết. Hiềm một nỗi, chân tôi bỗng chững lại. Tôi bắt đầu suy nghĩ về số cá đó. Số cá hiếm hoi chỉ đủ cho một người mà thôi. Tôi trở lại bên vụng nước, những con cá bạc ngon lành bơi qua trước mắt như trêu ngươi. Tóm chặt một con, tôi vuốt dọc mình để loại bỏ ruột cá, và bỏ vào miệng. Ngấu nghiến tới từng thớ thịt, từng chiếc xương mềm, từng cái vây tí hon, có lẽ cả đời tôi, đây là bữa ăn ngon nhất.
Buổi tối, tôi trở lại nơi nghỉ chân. Kiên vẫn ngồi nguyên ở vị trí cũ, Phương gác lên đùi cậu, mắt nhắm hờ. Trông anh bạn trẻ ấy phờ phạc mệt mỏi, nhưng vì mới chỉ nhịn một bữa nên cậu vẫn chịu đựng được. Còn Lan, dưới ánh trăng, vẫn nụ cười quỷ dị dành cho mầm cây nọ, cô lại làm tôi rùng mình sợ hãi. Tôi rón rén bước lại gần Kiên, mở miệng:
- Kiên này.
- Sao thế? – Cậu ngẩng đầu, thều thào hỏi tôi, có vẻ cậu không biết tôi đã rời đi.
“Mình thấy ở bên kia có cá…” – Tôi mấp máy môi, nhưng chẳng từ nào được thoát ra cả.
- Phương sao rồi? – Cuối cùng, câu hỏi ngu ngốc này bật ra.
Kiên đưa tay rờ lên trán Phương một lúc, rồi hoảng loạn rờ vào cổ cô, toàn thân chợt run lẩy bẩy. Tôi nhíu mày ngồi xuống. Kiên thẫn thờ:
- Cô ấy lạnh quá.
Tôi cả sợ, vội vàng đưa tay kiểm tra hơi thở của bạn mình.
Trống rỗng.
Hư vô.
Kiên không cho tôi mang xác Phương đi.
Và lần này, đến lượt tôi xỉ vả chính mình. Nếu như tôi quay trở lại sớm hơn, với số cá đó, với nguồn nước sạch đó, có lẽ Phương sẽ không chết, có lẽ mọi người ở đây sẽ khoẻ mạnh lại. Lan đã thuộc về thế giới khác, cô chỉ biết đến cái cây của mình. Chúng tôi, mỗi người ích kỷ theo một cách khác nhau.
Buổi sáng, tôi không tìm thấy Kiên, và cả Phương nữa. Lan dường như biến thành tượng đá, lặng lẽ tưới cây. Cái cây lớn nhanh như thổi. Ngày thứ ba bên cạnh suối Ngọc mà cứ như tôi đã sống ở đây ba năm trời. Sự biến mất của Kiên làm tôi sợ hãi, không lẽ cậu ấy đã tra ra được nguồn thức ăn bí mật của tôi hay sao. Không, tôi không nên ích kỷ như vậy. Tôi đã gián tiếp hại chết một mạng người, nếu như Kiên tìm thấy được nguồn cá đó thì cũng đầu có hề hấn gì, cậu được sống, tôi cũng bớt ăn năn. Nhưng tôi không thể trực tiếp nói ra điều này.
Bóng tôi dưới nước đã chẳng còn hình dáng, mỗi lần chuẩn bị hiện ra rõ ràng thì ngay lập tức lại nhoè đi. Gương mặt biến dạng chuyển thành hình ảnh của con quỷ xuất hiện trong các giấc mơ.
Tôi đi tìm Kiên. Qua con suối, ruổi đến tận bờ đá bên kia, xung quanh im ắng. Giống như bạn bị nhốt vào một căn phòng kín với bốn bức tường và không gì cả - âm thanh hay đồ đạc. Bạn ở đó, một mình, tai ù lên.
- Kiên ơi! – Tôi chụm tay, bụm miệng gọi lớn.
Ngôn từ bay đi, không có nơi vọng đập lập tức mất hút vào không gian. Sự im lặng khiến người ta phát điên. Sự im lặng chết chóc. Kiên sẽ chẳng trở lại. Rệu rã, tôi phủ phục, ngồi thu lu. Chẳng còn ai trở lại, Kiên hay Phương. Giờ đây, tôi sực nhớ ra mình còn một người bạn, người thân duy nhất trên thế giới này. Phải rồi, chỉ khi bảo vệ để Lan sống sót thì tôi mới gột sạch tội lỗi.
4.
Phải mất khá nhiều thời gian tôi mới có thể vực Lan đến bên vụng nước trong phía đông. Cô ôm chặt chậu cây, cảnh giác như đứa trẻ sợ bị cướp mất đồ chơi mà mình yêu quý. Cái cây – lớn lên một cách nhanh chóng, nhanh chóng đến bất thường – như thể hút cạn sinh mệnh của người nuôi dưỡng mình. Tôi chau mày, lòng lờ mờ nhận thấy nó là điềm xấu. Ngay từ khi bắt đầu phát hiện ra nó, lời nguyền đã bắt đầu yểm lên tất cả đám người chúng tôi. Dù sao thì nó cũng là kỳ vật duy nhất còn sinh sống ở mảnh đất này. Không, còn lũ cá. Tôi giật mình. Tất cả sự sống ở đây đều mang theo lời nguyền ác nghiệt.
Tuồng như thần linh chẳng thể chịu đựng được con người được nữa nên sai phái sứ giả đi tiêu diệt họ. Tôi bật cười vì suy nghĩ của mình, đỡ Lan ngồi xuống bờ suối, múc cho cô một bình nước sạch. Lan trân trân nhìn bình nước, cầm lấy, nhưng cô không uống. Vục cả bàn tay đầy đất vàng ệch vào trong đó, cô rưới nước cho cây. Tôi không thể chịu được tình cảnh này nữa, giằng lấy nó. Nhưng Lan, giống như luôn đề phòng, bàn tay ôm cứng chậu cây như gọng kìm, quắc mắt lườm tôi một cái. Thấy tôi không chịu buông, cô vươn cổ cắn vào bả vai tôi một cái. Và đứng dậy, cô dần lùi về phía sau.
- Đưa nó cho tớ, Lan! Cậu đang tự giết mình đấy.
Lan đặt chậu cây xuống, cô xông về phía tôi như một con thú hoang. Khuôn mặt chỉ còn xương với đôi hốc mắt lồi to nhô ra làm tôi hơi rợn người. Không biết tránh vào đâu, tôi để mặc cho Lan xô ngã mình. Đá găm vào lưng đau điếng, tôi tỉnh ra, trở người quật cô xuống. Chỉ có làm chủ tình thế thì hoạ may mới có thể trấn an cô ấy lại. Lan gầm ghè trong cổ họng. Tôi nhanh tay vớ lấy một bình nước hất mạnh vào mặt cô, chỉ là tất cả đã quá muộn, không biết lấy sức mạnh từ đâu, Lan gồng người vần tôi xuống. Cô nhặt hòn đá bên cạnh, giơ cao lên, trong mắt vằn đầy tia máu, biểu hiện của người đã mất lí trí hoàn toàn.
Nhìn vật trên cao giáng xuống, tôi hoảng hồn, lấy hết sức bình sinh xô mạnh. Lan ngã bổ chửng ra đất. Song nhanh chóng, cô lại đứng dậy, chầm chậm đi về phía tôi. Tôi vội lăn về phía bờ suối để tránh khỏi tầm với của cô. Và, cơ hồ chỉ chờ có thế, Lan nhào lên ôm chầm lấy tôi, như con thú hoang, cô lại cắn sâu vào vết thương trên vai khi nãy. Máu trào ra, cơn buốt lộng óc dồn xuống và nổ tung. Hai người quần thảo nhau cho đến khi mặt đất thấm máu, máu của tôi. Và rồi, “ùm” một tiếng, chúng tôi cùng nhau rơi xuống vụng nước sâu.
Chới với.
Trước mắt tối sầm.
Lan bám cứng lấy tôi không buông, nước bắt đầu tràn vào miệng cô gây ra những cơn sặc sụa. Tôi gượng nín thở. Cô ấy điên rồi, thực sự điên rồi. Chúng ta biết làm sao với những kẻ điên đây?
Máu vẫn hoà chảy trong nước. Đám cá ác của thần linh sai phái dường như hả hê lắm, bơi lừ lừ chung quanh, và thậm chí, tôi còn nghe thấy tiếng cười khanh khách của chúng. Không còn cơ hội nào. Mất máu quá nhiều khiến tôi kiệt sức. Tôi muốn ngủ, được ngủ một giấc miên viễn. Trước khi nhắm mắt, tôi chợt có một ảo giác, ảo giác về cái cây nọ:
Nó lớn nhanh như thổi, các rễ găm chặt vào lòng đất, tán vươn qua tầng mây chỉ sau một đêm và thần linh bật cười hả hê, đặt lên chạc cây một gia đình vượn, ngắm nhìn chúng chuyền cành xuống mặt đất. Khai sinh và huỷ diệt.