Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

CHUYỆN GHI Ở EA YIÊNG bút ký của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC 11+12 .2020

 


Đòan văn nghệ sỹ về Công an huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đi thực tế sáng tác được Đại úy Đoàn Ngọc Duẫn - Đội Trưởng Đội An ninh cho biết: Tà đạo Hà Mòn xâm nhập và bùng phát ở xã Ea Yiêng năm 2012, lôi kéo một số đối tượng là đàn ông, người dân tộc Xê Đăng theo đạo thiên chúa, cải đạo, bỏ nhà vào rừng tu luyện. Tình cảnh con mất cha, vợ mất chồng, đêm về vắng tiếng đàn ông trong các ngôi nhà làm buôn làng quạnh hưu.

Hà Mòn là tên một xã thuộc huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum, từ năm 1999 Hà Mòn còn được biết đến nhiều hơn với một "hiện tượng tôn giáo mới" ra đời ở đây mà người ta gọi là “tà đạo Hà Mòn”. "Tà đạo Hà Mòn" ra đời do bà Y Gyin, sinh năm 1942 dân tộc Ba na Rơngao là tín đồ Công giáo nhưng làm nghề thầy cúng, phao tin: vào 12 giờ khuya ngày 20 tháng 12 năm 1999 mình nhìn thấy “Đức mẹ Maria hiện hình” trên nóc nhà. Lợi dụng tình hình đó một số người dân tộc thiểu số theo Công giáo ở Hà Mòn thêu dệt, phao tin cho rằng bà Y Gyin được Đức mẹ nhập vào để sáng lập ra một tôn giáo mới và tuyên truyền nội dung như: Ai theo Đức mẹ thì mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xóa, kể cả nợ ngân hàng; ốm đau không chữa cũng khỏi bệnh; người đã theo đạo thì không được bỏ, nếu bỏ đạo gia đình sẽ ly tán...

Bọn phản động Fulro lợi dụng tà đạo Hà Mòn, thâm nhập vào các buôn của người đồng bào bản địa Tây Nguyên, kích động, lôi kéo người dân gia nhập, gây nên tình trạng bất ổn cho xã hội. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, bọn chúng đã đến một số buôn người dân tộc Xê Đăng, thuộc xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc vận động người dân cải đạo làm xáo trộn cuộc sống thanh bình của người dân nơi đây.

Để trả lại cuộc sống thanh bình cho người dân nơi đây, Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cùng lực lượng công an làm nòng cốt, không quản gian nan, vất vả, băng suối, trèo đèo đi vận động nhân dân sống chui lủi trong rừng trở về với cuộc sống bình thường. Sau nhiều ngày tuyên truyền, vận động, giải thích... chúng ta mới đưa được những người theo tà đạo lẩn trốn trong rừng trở về đoàn tụ với gia đình và vạch mặt những tên cầm đầu trước nhân dân.

Chuyện qua đã lâu, nhưng qua câu chuyện, tôi tò mò muốn biết những người theo “tà đạo Hà Mòn” vào rừng ngày ấy nay về tái hòa hợp cộng đồng có cuộc sống ra sao và cả những người vào rừng tìm người lẫn trốn đã làm thế nào để đưa họ về. Đề xuất và được Trung tá Nguyễn Thị Biên Hòa - Đội trưởng đội Tham mưu tổng hợp, Công an huyện Krông Pắc thu xếp đưa đoàn đến buôn Kon Wong, xã Ea Yiêng tìm hiểu thực tế.

Trời bất chợt đổ mưa ầm ầm, cây cối ngã nghiêng. Đường Quốc lộ 26 chạy qua trung tâm thị trấn Phước An nước chảy như suối vì thế cuộc hẹn đi lúc 14 giờ phải chậm lại gần một tiếng. Gần 15 giờ xe mới đến đón, đưa đi. Đại úy Nguyễn Đức Tú cán bộ Đội An ninh thông báo: “Đường xấu lắm, xã Ea Yiêng cách trung tâm huyện khoảng 25 km, các cô chú chuẩn bị tinh thần”.

Vừa đi hết địa phận thị trấn Phước An chúng tôi đã cảm nhận được con đường “xấu” cỡ nào. Trên mặt đường nhựa trước đây, bây giờ toàn những vũng nước lớn to như cái chiếu đôi, lái xe hình như đang biểu diễn... xiếc; hết qua phải lại qua trái tránh không lao xuống hố... Hai bên đường nhà cửa nối đuôi nhau chạy lùi lại phía sau. Nhà văn Bích Thiêm góp chuyện: “Đường hôm nay còn khó đi hơn đường hôm qua vào xã Vụ Bổn.” “Đúng đấy cô, đường này xe chở gạch, chở cát chạy nhiều nên nó mới vậy” - đồng chí lái xe trả lời.

Bất ngờ hai bên đường xuất hiện những cánh đồng lúa trải dài, rồi những lò gạch hình như xếp hàng hai bên đường, kéo dài đến hơn km, tôi nói: “Đất làm được gạch thế này chắc ngoài cây lúa ra, không trồng cây gì tốt cả”. “Đất trên đồi tốt lắm chú, có vùng còn trồng được cà phê, tiêu nữa đấy”; Đại úy Tú trả lời tôi rồi nói thêm: ở vùng này, chỗ nào trồng được cà phê, tiêu… thì dân có thể vươn lên làm giàu và hiện nay trên nền đất ấy người ta còn trồng xen sầu riêng, bơ... thu thêm tiền tỷ mỗi ha một năm.

Sau gần một tiếng đánh vật với con đường, chúng tôi cũng đến được trụ sở xã Ea Yiêng. Tiếp đoàn có ông chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và một người đàn ông đậm người, khuôn mặt chất phác, đúng mẫu người nông dân đồng bằng sông Hồng. Chủ tịch xã giới thiệu: “Anh Trần Văn Long, Trưởng Công an xã, vừa mới được Hội đồng nhân dân xã bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã”. Qua tâm sự anh Trần Văn Long cho biết: từ năm 2006 làm công an viên, được tổ chức tín nhiệm cử giữ chức Phó công an xã, rồi Trưởng Công an xã đến nay; anh tâm sự:

Từ cuối năm 2006, một số giáo dân người Xê Đăng sinh sống trên địa bàn xã, tụ tập nghe giảng “tà đạo Hà Mòn”, Công an xã đã báo cáo lên Công an huyện. Người dân thật thà, chất phác nên cả tin vào lời giảng “đạo” ngon ngọt của bọn xấu: theo tà đạo Hà Mòn thì “mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xóa, kể cả nợ ngân hàng; ốm đau không chữa cũng khỏi bệnh, chết được lên thiên đàng”. Thế là hàng trăm đàn ông bỏ nhà vào rừng tu luyện, làm xáo trộn cuộc sống thường ngày của người dân. Sự thâm độc của tà đạo Hà Mòn: chỉ vận động đàn ông - lực lượng chính lao động sản xuất vào sống trong rừng, cam chịu “hành xác” như Chúa Giê Su chịu cực hình đóng đinh vào cây thánh giá.

Trước tình hình ấy, Đảng, chính quyền, đoàn thể tổ chức thành từng đoàn xuống các hộ gia đình vận động họ vào rừng kêu gọi chồng, con trở về. Công an xã phối hợp với Phòng An ninh dân tộc, Công an tỉnh; Công an huyện vào rừng vận động. Trong những ngày tháng đó quả thật khó khăn vất vã không thể kể hết. Đại úy Nguyễn Đức Tú kể: Ta tổ chức thành từng đội có Công an, già làng, buôn trưởng vào rừng để vận động họ về. Nhưng núi cao, họ tổ chức canh gác, ta mới đi đến chân núi, ở trên triềng núi nhìn thấy đã chỉ điểm để chúng chạy đi hết, không sao tiếp cận được nên sau này ta phải tổ chức đi đêm; những chuyến đi ấy...

Gần ba giờ sáng, ngữa mặt nhìn lên mới thấy núi Cư Păm cao vút, có ba đỉnh kéo dài in mờ mờ lên bầu trời. Đội công tác do anh Trần Văn Long dẫn đường cùng với các đồng đội của mình lặng lẽ lên đường, điểm đến là bóng của một cây Kơ Nia nổi bật trên triền núi. Người đi sau cố gắng căng mắt nhìn người đi trước cho khỏi lạc. Rừng già, những cây cổ thụ chằng chịt giây leo làm người đi đêm như lạc vào rừng ma, thỉnh thoảng có người đâm đầu vào gốc cây, lại có người “vồ ếch” vì vướng dây; họ cứ mò mẫm như vậy tiến dần lên điểm đã định trên sườn núi. Đêm tạnh ráo còn đỡ, gặp hôm mưa, nước luồn qua cổ áo; nước chui qua tay áo, nước dội vào ống chân; giày, tất ướt sũng; người trước trượt, người sau ngã có khi chồng chéo lên nhau. Nhưng mọi người trong đoàn vẫn cố chịu đựng để đi vì biết trước mặt họ, những người dân lương thiện bị dụ dỗ vào sống trong rừng, chịu rét mướt, đói, khát… đang cần được nghe lời nói phải để thức tỉnh lương tâm trở về với gia đình.

Mỗi chuyến đi như thế thường phải một đêm một ngày nếu không gặp đối tượng thì quay về nghỉ một ngày để đêm mai đi tiếp. Cũng may, rừng nơi đây không có rắn độc nên suốt mấy tháng trời quân ta đi gần như in dấu giày khắp mọi nơi mà không ai bị rắn cắn. Nhưng trong rừng không có rắn lại có vô số muỗi độc, rất nhiều cán bộ chiến sỹ của ta bị sốt rét, đau ốm. Bản thân anh Trần Văn Long cũng bị sốt rét quật ngã; anh em phải cõng về, dứt cơn sốt lại xung phong đi tiếp vì... quen địa hình. Cứ như thế, ngày nối ngày, đêm nối đêm, các anh đợi đến khoảng năm giờ sáng hay mười sáu giờ chiều, những người theo tà đạo Hà Mòn tụ tập năm hoặc sáu người lại đọc kinh. Lần theo tiếng đọc kinh ấy, ta bí mật bao vây rồi giữ họ lại để khuyên nhủ, giải thích, động viên... bằng chính tình cảm chân thành, những người Công an đã giúp họ tỉnh ngộ, theo về đoàn tụ với gia đình. Trong những chuyến đi đêm như thế, có lần đang đi bất chợt nghe tiếng người rên bên một gốc chuối rừng. Khi mọi người lặng lẽ đến nơi, bật đèn lên đều không thể tin ở mắt mình: người đàn ông chỉ có một mảnh ni lông quấn quanh chân, toàn thân ướt sũng, nằm trên nền đất đang vật vã vì lên cơn sốt; mọi người phải thay nhau cõng về trạm y tế, cấp cứu kịp thời, thoát chết.

Anh Trần Văn Long dẫn tôi đến thăm nhà anh Lợi, người dân tộc Xê Đăng, buôn Kon Wong. Ngôi nhà cấp bốn lợp tôn, thưng ván được bao quanh bằng rào sắt, cổng sắt như bờ rào của một ngôi biệt thự trên phố. Anh Lợi khoảng hơn bốn mươi tuổi, trông dáng nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Nay đã có năm người con, đứa lớn mới học lớp mười, đứa bé hơn một tuổi. Anh Lợi cho biết: “Mình nghe người ta rủ rê vào rừng tu luyện để chết được lên thiên đàng sung sướng. Vào rừng cực lắm, nhưng đã theo rồi nên không dám về vì sợ Công an bắt. Sau này gặp Công an và cán bộ, nghe giải thích mình mới an tâm trở về. Nhờ Công an mà mình mới có ngày hôm nay đấy. Hết đói rồi, nhưng còn nghèo. Thu nhập mỗi năm được chừng hai tấn lúa, một tấn cà phê”. Tôi hỏi: “Sau khi về có bị Công an gây khó dễ không? Nhà nước có hỗ trợ gì không?” Anh Lợi trả lời: “Mình trốn vào rừng sáu tháng, sau được cán bộ đưa về, thỉnh thoảng các anh ấy đến thăm, động viên. Ngân hàng cho vay mười lăm triệu đồng để mua bò, giờ đã có bò con rồi đấy”. Nói đến đây, anh Lợi nở một nụ cười mãn nguyện. Nhà văn Bích Thiêm hỏi thêm: “Máy cày anh mua lâu chưa?” “Mình mới mua năm ngoái đó!”

Nhìn căn nhà chưa khang trang, nhưng đầy đủ tiện nghi: ti vi, xe máy, máy cày... và khuôn mặt rạng rỡ của gia chủ, tôi thấy mừng cho anh Lợi nói riêng và người dân nơi đây nói chung; họ bị kẻ xấu lừa phỉnh theo tà đạo Hà Mòn, bỏ nhà cửa, vợ con trốn vào rừng “tu luyện” ăn đói mặc rách, chịu bao nhiêu khổ cực; khi tỉnh ngộ, quay về chí thú làm ăn, vợ chồng sum họp lại có thêm con, kinh tế tạm ổn. Giờ đây, họ biết ơn Đảng, biết ơn chính quyền và đặc biệt những người Công an đã cho họ trở lại làm người nên một lòng tin vào chế độ thực hiện tốt các quy định của nhà nước và địa phương.

Tạm biệt anh Lợi, chúng tôi đến thăm buôn Trưởng Phùng. Ông vừa đi làm về, khuôn mặt hồ hởi, trên môi nở nụ cười rất tươi, mời chúng tôi vào nhà, bật điện, bật quạt, pha trà mời khách. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về những người theo tà đạo trốn vào rừng ngày trước, buôn Trưởng nói: “Cái thời lũ đàn ông theo tà đạo Hà Mòn trốn vào rừng, mình cũng phải bỏ cả việc nhà, theo cán bộ, Công an vào rừng vận động chúng về. Gặp được bọn chúng, mình bảo: “Có nhà không ở lại vào rừng nhịn đói; ruộng rẫy không ai làm, vợ con lấy gì ăn. Tối chúng mày ngủ trong rừng có nhớ vợ ở nhà nằm một mình không?” Mình bảo chúng: “về nhà đi, Công an không bắt đâu. Công an thương chúng mày mới lặn lội ngày đêm vào rừng gọi chúng mày về đấy, về cho con vợ mày nó mừng, có người ôm nhau ngủ cho đỡ lạnh”. Tôi nói thế, chúng nó nghe ra, rủ nhau về gần hết rồi. Đến nay, cả buôn chỉ còn bốn đứa nữa mất tích, không biết sống chết ở đâu, không liên lạc được”.

Tạm biệt buôn Trưởng Phùng, chúng tôi quay về phố huyện Phước An. Đường trong buôn đã bê tông hóa, ngôi nhà rông cao vút đứng giữa buôn đã nhuốm màu thời gian. Mấy người già ngồi bên cửa sổ nhà rông nhìn xe chúng tôi chạy qua, ánh mắt không giấu được niềm vui; dưới sân lũ trẻ địu theo em trên lưng đang nô đùa, thấy xe chúng tôi chạy qua giơ tay vẫy vẫy.

Một mùa xuân tươi đẹp nữa lại đến, buôn Kon Wong thanh bình, đầm ấm dù vẫn còn hộ nghèo nhưng khác xa một thời lạnh giá vì vắng bóng đàn ông theo tà đạo Hà Mòn lẫn trốn trong rừng. Cuộc sống được như hôm nay là nhờ có công đóng góp không nhỏ của các đồng chí Công an, như các anh Đại úy Đoàn Ngọc Duẫn, Đại úy Nguyễn Đức Tú, hay Trưởng Công an xã Trần Văn Long và bao nhiêu đồng đội khác nữa, không sợ gian khổ, nguy hiểm đi vào rừng sâu núi thẳm giữa đêm hôm khuya khoắt, mưa gió để đưa dân về sum họp với gia đình; đập tan âm mưu phá hoại của bọn phản động Fulro; điều đó khẳng định bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ của người Công an nhân dân nơi đây.


Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

TÙ TRƯỞNG Y BLUM truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ NÂM NUNG SỐ XUÂN TÂN SỬU 2021

 


Dưới chân núi Cha có một khu rừng cọ, nhìn xa trông giống như những cây nấm khổng lồ. Cọ ở đây cao đến hơn chục sải tay người lớn, các cây cách đều nhau chừng hai sải tay như được người trồng. Lau lách, dây leo mọc xanh rì, chen nhau bám vào gốc cọ cao ngang đầu người. Mùa quả chín, lũ chim gầm gì(1) to như con gà mái mẹ, rủ nhau bay từng đàn hàng ngàn con về ăn quả; vừa ăn, chúng vừa tíu tít trò chuyện ồn ào như họp chợ. Không biết quả cọ chín ngon lành thế nào mà lũ khỉ lông vàng lớn như em bé ba tuổi, đuôi ngắn tý tẹo cũng kéo nhau cả bầy đến tranh phần với lũ chim. Chúng ôm cây leo lên thoăn thoắt rồi cứ thế nhảy từ cây này qua cây kia như làm xiếc để chọn quả chín.

          Bọn trẻ buôn Ea Kram cũng thích lùa trâu bò vào rừng cọ thả cho ăn, rồi xúm lại bày trò chơi, chờ đến chiều thổi tù và gọi về. Hôm nay cũng vậy, Y Blun cỡi kbao ana ju(2) dẫn đầu đám bạn lùa đàn trâu bò vào rừng cọ. A xâu(3) - quà của bà ngoại tặng Y Blun ngày tròn mười hai mùa rẫy(4), lông màu vàng như củ nghệ, lớn hơn bắp đùi một tý, lon ton chạy trước dẫn đường. Đến bìa rừng, lũ trâu bò tản ra, tìm vào các gốc cọ kiếm ăn. Bọn trẻ quây tròn lại chia làm bốn nhóm thi nhau dựng nhà dài. 

          Những tàu lá cọ khô, rụng xuống dài bằng sải tay, cuống lá đầy gai nhọn được lũ trẻ nhặt về. Con trai bẻ gai, xếp các cuống lá lại làm cột, kèo… bọn con gái kiếm thêm dây và cây nhỏ về lát sàn. Cuộc thi vào lúc hào hứng, khi các ngôi nhà dài xinh xinh thành hình thì…

          -Gâu, gâu, gâu…

          Tiếng a xâu bất ngờ vang lên trong rừng, lũ trẻ không ai bảo ai, bỏ luôn cuộc thi làm nhà, nhằm hướng tiếng chó sủa lao tới; kinh nghiệm đi rừng cho chúng biết chắc chắn có con thú nào đó bị a xâu phát hiện. Y Blun nhanh chân chạy trước, theo lối mòn trâu đi chỉ một đoạn đã thấy a xâu đang chúi mũi vào một cửa hang mới đào, mồm sủa, chân bới đất văng tung túe.

Ôm a xâu vào lòng, Y Blun reo lên:

          -Hang nhím, chúng mày đi xung quanh tìm xem có cửa hang nào nữa không?

          Lũ bạn tản ra xung quanh đống mối to như gian nhà, cao ngang đầu người. Bỗng Y Biêng reo lên:

          -Đây có một cửa.

          -Đây cũng có nữa nè.

          Y Hiên bằng tuổi với Y Blun, mặt dài, mắt hiếng cũng vui vẻ reo lên ở phía đối diện.

          Y Blun hai tay ôm a xâu không giám bỏ ra, miệng kêu to:

          -Xem phía bên trái có hang nào nữa không. Chúng mày bẻ lá nhét vào cửa hang cho nó không chạy ra ngoài được nhé.

          Lũ trẻ hăng hái làm việc, đống mối tuy lớn nhưng chỉ có cây con và dây nhỏ bao bọc nên chẳng mấy chốc bị vặt trụi, để lộ ra cửa hang đầu người chui lọt. Chờ che kín hai miệng hang, Y Blun mới buông a xâu ra. Như được lệnh, a xâu chui luôn vào trong hang, sủa ầm ĩ. Bọn trẻ vỗ tay hò reo, có đứa khoái chí còn đập tay xuống đất gần miệng hang kêu: bộp, bộp. Hình như biết có người cổ vũ, a xâu sủa hăng hơn rồi bỗng nhiên đổi giọng, từ: gâu, gâu, gâu… sang: g… àu,  g… àu,  g… àu. Y Biêng reo lên:

          -A xâu cắn nhau với nhím rồi; đó, đó, tiếng ấy là tiếng nhai đấy, trưa nay có thịt nhím ăn rồi.

          Mới hơn mười ba mùa rẫy một chút, nhưng Y Biêng cao hơn đám bạn nửa cái đầu, mắt xếch, tay dài như tay vượn, khi cười khoe bộ răng vàng khè; khoái chí nhảy tưng tưng. Cả đám trẻ vui vẻ hò hét to hơn.

          Bỗng a xâu đổi giọng, kêu: ẳng, ẳng ẳng… Y Hiên nói:

          -Ô, con nhím cắn a xâu bị thương rồi.

          -Nhím làm sao có thể cắn a xâu được, răng nó chỉ để ăn rễ cây thôi.

          Y Biêng không đồng ý, phản đối. H’Blak khuôn mặt tròn, tóc xanh đen, cong tự nhiên như sóng lượn mặt hồ chiều mùa khô, xỏa xuống ngang vai, nói:

          -Con nhím không cắn được a xâu, nhưng lông nó đâm vào thì đau lắm.

          -Làm sao cứu a xâu đây?

          Y Hiên lo lắng nói. Y Blun thoáng cau mày, đôi mắt ánh lên tia sáng, vầng trán cao hơi dô có thêm nếp nhăn như suy nghĩ hung lắm; trả lời:

          -Nếu a xâu bị đau nó sẽ chui ra thôi, không mắc trong hang đâu. Chắc con nhím này lớn, mới ở núi cao về có kinh nghiệm đánh nhau đấy.

          Y Blun vừa dứt lời, a xâu từ trong hang đi lùi ra; cái đuôi ra trước, đến mông, vai, cuối cùng là đầu rồi miệng. H’Blak kêu lên:

          -Ôi nó bị nhím đánh rồi, nhiều lông cắm vào mồm, vào vai quá.

          Y Blun ôm a xâu, từ từ rút từng chiếc lông nhím ra làm máu chảy ướt cả lông. Tuy bị đau, nhưng a xâu vẫn gầm gừ định lao vào hang nhím lần nữa. H’Blak không biết đi đâu hái được nắm lá, bỏ vào miệng nhai rồi nhả ra bàn tay đưa cho Y Blun, bảo:

          -Xát vào các chỗ lông nhím đâm vào, nó sẽ đỡ đau, hết chảy máu.

          Y Blun làm theo rồi nói:

          -Phải báo thù cho a xâu thôi.

          -Đúng rồi, ta chất củi ở cửa hang, châm lửa đốt; chắc chắn hắn sẽ bị nóng, bị khói mà chết ngạt.

          -Y Biêng chỉ được cái dài người, nhưng đầu lại nhỏ, tính như thế sao được. Hang ở sâu dưới đất, nóng sao xuống được dưới đó.

          -H’Blak nói có ý đúng đấy, hay ta đào từ cả ba cửa hang xuống bắt sống nó luôn.

          Nghe Y Hiên nói, cả đám trẻ cãi nhau om xòm, đứa đồng ý, đứa phản đối; không đứa nào chịu đứa nào. Y Blun bảo:

          -Thôi không cãi nhau nữa. Đống mối to như thế này ta lấy gì đào, đào mấy ngày mới đến chỗ con nhím? Tao có cách này: Y Hiên và Y San ra cửa hang đối diện, Y Biêng và Y Miết qua cửa hang bên trái, móc hết lá ra mở đường cho nhím chạy. Mỗi đứa chuẩn bị sẵn một khúc cây, đứng cách miệng hang một bước chân. Khi nào nhím chạy ra thì Y Hiên và Y Biêng đánh trước, Y San và Y Miết đánh sau. Nhớ là nhằm đầu nó mà đánh, nhưng chúng mày đừng đánh vào nhau nhé. Còn H’Blak và lũ con gái bẻ cây dài hơn sải tay, đầu cành để chùm lá rồi luồn xuống hang; thay nhau đẩy vào, kéo ra làm con nhím sợ sẽ bỏ chạy ra ngoài.

          Lũ trẻ vỗ tay hoan hô, tán đồng kế hoạch bắt nhím rồi tản ra đi làm. Khi tất cả đã chuẩn bị xong, Y Blun ra lệnh:

          - H’Blak làm đi. Bọn con gái lại đây vỗ tay, đập đất cho nó sợ. Còn mấy đứa bên kia im lặng, chú ý nhìn cửa hang đấy.

          Trò chơi của lũ trẻ bắt đầu:

          -A… hầy, a… hầy, a… hầy!

          Cùng với tiếng reo là tay, chân đập vào cửa hang, nơi H’Blak ngồi bệt xuống đất ra sức thọc cây vào hang khua khoắng. Bỗng nhiên Y Biêng hét lên:

          -Đánh!

          Bịch, bịch; hai tiếng động vang lên, tiếng Y Miết quát:

          -Sao mày đánh vào cây của tao?

          -Cái trước tao đánh trúng lưng nhím, cái thứ hai vung lên định đánh bồi thì đụng cây của mày cản tao chứ.

          -Nó có chết không?

          H’Blak ngừng tay hỏi với sang. Y Miết trả lời:

          -Nó chạy mất tiêu rồi.

          -Nó, nó, nó chạy chạy ra kìa, đánh đi, đánh đi.

          Y Hiên kêu líu cả giọng, lao lại định đánh thì đôi nhím đã chạy khuất sau gốc cọ. A xâu giật mạnh, thoát khỏi tay chủ, lao theo lũ nhím, miệng sủa lên inh ỏi: gâu, gâu, gâu…

          -Sao Y Hiên, Y San không đánh?

          Nghe H’Blak hỏi, cả hai cúi gằm mặt xuống, khuôn mặt nhìn thật tội. Y Blun bật cười, rồi bảo:

          -Hai đứa chúng mày thấy Y Biêng đánh nhím nên chạy qua đánh hôi bỏ cửa hang bên này cho con nhím còn lại trong hang chạy ra, thoát vào rừng phải không?

          -Đúng thế, mà nó chạy hai con luôn, con nào cũng to bự cả.

          -Tao dặn trước, hai đứa một cửa, đứa đánh trước, đứa đánh sau thế mà còn tranh phần, đánh cả vào nhau thì… giờ tính sao?

Y San cúi đầu nhìn xuống chân, trả lời như đang ngậm quả me trong miệng:

-Tao thấy hai đứa chúng nó đánh không được, nhím chạy đi nên chạy lại đánh giúp. Đâu biết trong hang còn tới hai con to như thế.

-Tại Y Biêng đánh vào cây của tao, chứ không tao đánh trúng đầu nhím rồi.

 Nghe Y San phụng phịu trả lời, cả bọn được dịp cười ngã nghiêng. Y Blun cười xong rồi nói:

-Hôm nay đánh cảnh cáo, vì nó giám bắn lông làm a xâu chảy máu; còn chúng ta không có dao hay mác mà sức lại yếu làm sao bắt được nó. Đúng vậy không.

          Cả bọn bật cười vui vẻ. Mấy đứa con trai tranh nhau tả lại con nhím mà mình vừa thấy: đầu nhỏ, mõm nhọn như mõm chuột; lông xù lên, dựng đứng như chông, nửa đen nửa trắng trông đẹp lắm. Nghe chúng tả cứ như lần đầu thấy nhím không bằng.

          A xâu đuổi theo nhím, lúc đầu nghe tiếng sủa còn rõ, sau nhỏ dần, nhỏ dần rồi im. Chắc con nhím đã chạy xa nên nó không đuổi nữa, đang trên đường quay lại – Y Blun nghĩ vậy. Cả bọn kéo nhau ra bìa rừng chuẩn bị ăn trưa. Lũ con gái đứa nào cũng có cái gùi nho nhỏ trên lưng. Trong gùi đựng đồ ăn được amí(5) chuẩn bị từ sáng và quả bầu khô đựng nước uống. Lũ con trai quen đi tay không, sáng ra đã gửi đồ ăn cho bạn gái gùi hộ.

          Trãi lá cọ xuống đất làm bàn, lấy đồ ăn trong gùi bày lên lá, H’Blak nói:

          -Hôm nay ta ăn mừng đám đàn ông giỏi, đuổi được nhím chạy khỏi hang vào rừng.

          Mấy đứa con trai nhìn nhau, hình như mặt có đỏ lên một chút.

          -Ă… ng, ẳ… ng, ẳ… ng…

          Bất ngờ tiếng con vàng đau đớn kêu lên, vọng ra từ trong rừng cọ nghe thảm thiết vô cùng. Lũ trâu bò hoảng hốt kéo nhau chạy về buôn như bị cọp đuổi, đuôi thẳng đứng giống ngọn lau khô. Y Blum kêu lên:

          -Có con gì bắt a xâu rồi, bọn con gái ở lại đây, lũ con trai theo tao.

          Nói dứt lời, Y Blum nhắm tiếng chó đang kêu lao đi, bốn đứa bạn trai huỳnh huỵch chạy theo. Lá lau, lách quất vào mặt rát bỏng; giây leo thỉnh thoảng vướng vào chân làm lũ trẻ có đứa ngã uỵch xuống đất rồi lại vội vã chồm lên, chạy về phía tiếng chó kêu như bị cắt tiết.

Chạy lại gần chỗ a xâu kêu, Y Blun không thể tin những gì mình đang thấy: Con trăn to như bắp đùi người lớn quấn kín mít a xâu vào giữa, chỉ còn thò một cái mõm ra ngoài. Kbao ana ju lao đến dùng sừng hất cả con trăn và a xâu lên cao. Con trăn rơi xuống đất, há miệng đỏ lòm, to hơn hai bàn tay xòe, cắn một cái lên sống mũi trâu. Trâu lắc mạnh đầu cho trăn văng ra, rồi lùi lại phía sau một chút; mắt đỏ rực như muốn bật ra ngoài. Đứng  nhìn một tý, nó lại lao vào, húc mạnh, hất cả trăn và a xâu lên cao.

          -Lại nắm đuôi trăn kéo mạnh ra cứu a xâu.

          Y Blun thét lên, chạy lại nắm đuôi con trăn giật mạnh. Cả năm đứa trẻ xúm lại cùng nắm đuôi trăn kéo, nhưng không ăn nhằm gì. Khi trăn uốn mình, quật đuôi làm cả bọn ngã lăn quay ra đất. Con trăn ngửng cổ cao hơn mặt đất cả mét, rít lên the thé, nghe chói tai; chiếc lưỡi dài thò ra, thụt vào như muốn nuốt cả người. Mấy đứa trẻ vừa lồm cồm bò dậy; kbao ana ju lại lao đến dùng sừng hất bổng con trăn lên cao rồi lùi lại phía sau. Con trăn rơi xuống đất, nhưng vẫn quấn chặt a xâu không chịu thả, cái miệng đỏ lòm, đầy răng nhọn há to, đưa qua, đưa lại như đe dọa đối thủ.

          Y Blun kêu lên:

          -Tao có cách trị nó rồi.

          Nói dứt lời, vơ luôn một tàu cọ mới rụng xuống, lao một cái thật mạng vào mồm con trăn đang há ra. Con trăn đớp ngay đầu tầu cọ đầy gai nhọn ngậm lại. Y Blun chạy đến nắm lá cọ giật mạnh. Chắc trăn bị đau, phải há mồm nhả tàu lá cọ ra làm Y Blun ngã ngồi xuống đất, mấy đứa bạn lao đến nắm tay kéo ra xa con trăn. Mồm trăn tóe máu, nó vội hạ đầu sát đất, từ từ bỏ a xâu ra, trường đi. Kbao ana ju tức giận lao đến, dùng đầu húc vào mình con trăn, đẩy đi một đoạn xa. Con trăn không quay đầu cắn trả như mọi lần mà cố trườn lại bên gốc cây cọ, leo lên.  

           Thật không thể tin nổi, con trăn không có tay, không có chân, thế mà leo lên cây cọ thẳng đứng, trơn trượt như có phép màu. Chỉ một lát sau nó đã nằm gọn trên ngọn cây cọ; đứng dưới đất nhìn lên thấy giống như được ai đó quấn vào ngọn cây một chiếc khăn choàng lớn dát vàng, óng ánh dưới ánh nắng mặt trời.

          A xâu rên ư ử rồi từ từ đứng dậy, dụi đầu vào chân Y Blun. Kbao ana ju cũng ngững đầu nhìn lên ngọn cây cọ, trên sống mũi vẫn còn dính hơn chục chiếc răng trăn cắn vào. Y Blun bước lại bên kbao ana ju, với tay vít sừng nó xuống, vỗ vỗ lên đầu rồi nhẹ nhàng gỡ từng chiếc răng trăn trắng hếu ra khỏi da, miệng thủ thỉ:

          -Mày giỏi lắm, can đảm lắm!

          Mấy đứa bạn đứng bên cạnh cũng nức nở khen kbao ana ju can đảm. Y Biêng nói:

          -Y Blun lùn, nhưng có cái đầu thông minh lại can đảm; từ nay bọn ta cho hắn làm Tù trưởng(6) nhé, đồng ý không.

          Mấy đứa cùng giơ hai tay lên trời, gào to: Đồng ý!

 

Hòa Khánh, tháng 12 năm 2020

  Chú thích tiếng Êđê:

1.    Chim gầm gì:

2.    Kbao ana ju: trâu cái tên ju;

3.    A xâu: con chó;

4.    Mười hai mùa rẫy:cách tính tuổi của người Ê đê, một mùa rẫy là một tuổi.

5.    Amí:má;

6.    Tù trưởng: là người đứng đầu hay thủ lĩnh của một bộ lạc; 


Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

THẾ GIỚI KỲ THÚ QUA ĐÔI MẮT TRẺ THƠ tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN SỐ 341+342 THÁNG 1&2 NĂM 2021

 


(Đọc tập truyện ngắn CHUYỆN NHẶT TRÊN THẢO NGUYÊN của HỒNG CHIẾN)


Hồng Chiến là một cây bút gắn bó với mảnh đất và con người Tây Nguyên từ thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay. Nguyên là một thầy giáo dạy học ở các trường vùng sâu, vùng xa huyện M’Drăk, huyện Ea Kar của tỉnh Đăk Lăk, anh có vốn sống và hiểu biết phong phú về thiên nhiên núi rừng, sông suối, đặc điểm của nhiều loại động thực vật cũng như phong tục, tập quán, đời sống, văn hoá của đồng bào dân tộc bản địa và những đặc điểm tâm lý lứa tuổi thiếu nhi - những em học sinh mà anh gắn bó suốt một thời trai trẻ.  Vì thế, sáng tác của Hồng Chiến chủ yếu là các tác phẩm viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi các dân tộc Tây Nguyên. Anh viết khá thành công với thể loại truyện, ký như: Chuyện kể người đi săn, Bí mật của rừng thiêng, Bí mật của H Loan, vv…Cảm nhận chung, truyện của Hồng Chiến gắn kết giữa đề tài thiếu nhi và không gian núi rừng, văn hoá Tây Nguyên, cốt truyện nhẹ nhàng, nội dung tác phẩm có giá trị nhận thức, giáo dục và ý nghĩa nhân văn khá sâu sắc.

Tập truyện Chuyện nhặt trên thảo nguyên (Nxb Văn hoá dân tộc, 2019) là sự tiếp nối mạch sáng tác về đề tài thiếu nhi Tây nguyên của nhà văn. Tác phẩm có quy mô như một tuyển tập, gồm 4 phần: Chuồn Chuồn Ớt tìm mẹ (truyện vừa), Rừng thiêng (truyện dài), Chuyện nhặt trên thảo nguyên (truyện vừa) và Con gà gô (tập truyện ngắn), trong mỗi phần lại có nhiều truyện nhỏ được đặt tiêu đề hoặc xếp theo thứ tự. Kết cấu hình thức được lạ hoá nhưng vẫn đảm bảo được tính thống nhất về đề tài, nội dung và cảm hứng chung của tác phẩm.

Truyện vừa Chuồn Chuồn Ớt tìm mẹ là một thiên đồng thoại với các nhân vật là cỏ cây, hoa lá, côn trùng, chim muông, thú vật và cả các hiện tượng thiên nhiên như mây, mưa, gió, mặt trời… được nhân cách hoá một cách rộng rãi và khá sinh động. Truyện kể về hành trình tìm mẹ của Chuồn Chuồn Ớt từ một chú Bọ Ăn Mày ở xóm Bùn, trải qua bao gian nan, vất vả và nguy hiểm, qua nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhân vật ở nhiều không gian khác nhau để trưởng thành cho đến lúc trở thành Chuồn Chuồn Ớt và biết được về vòng đời sinh tử của giống loài. Qua cuộc hành trình ấy, cả thế giới sự vật kỳ thú được mở ra trước đôi mắt ngây thơ, hồn nhiên của Chuồn Chuồn Ớt. Đó là một xóm Bùn chật chội và đông đúc các loài cùng chung sống: Bà Hến, cô Ốc Nhồi, bà Ngao, đàn Cá Mương, cụ Cá Chép, lão cá Chuối, con Cá Trê, các anh em nhà Bọ Ăn Mày, chị Gió…Đó là không gian sân trường với Ông Mặt Trời, bà Mùa Hè, cô Mùa Thu, cô Gió, anh Mây, bác Phượng già, cô Phượng trẻ, họ hàng nhà Sẻ, Ve Sầu, hạt Sỏi… Ra khỏi mặt nước xóm Bùn, một không gian rộng mở, thoáng đãng hiện ra với hình ảnh “…ông mặt trời tròn như chiếc đĩa, bốc cháy dữ dội. Sau lưng ông mặt trời , bầu trời xanh lơ, hiền hoà, thân thiện hiện ra. Thỉnh thoảng những đám mây trắng bồng bềnh bơi qua” (truyện Bọ ăn mày). Chuồn Chuồn Ớt khám phá bao điều mới mẻ về thiên nhiên, cây cỏ, muông thú. Trước hết là hiểu về mùa hè khi sân trường vắng vẻ: “căn cứ theo đường đi của ông Mặt Trời mà người ta chia theo mùa: khi ông ta đi qua đầu chúng ta, tạo ra cái bóng tròn dưới chân, đấy là mùa hè” (truyện Thế nào là mùa hè). Tiếp đến là hình ảnh và mối quan hệ giữa mây và gió, đặc điểm hình dáng, màu sắc và hoạt động của nhiều loại côn trùng, động vật như chim Sẻ, Bướm Vàng, Ve Sầu, chú Kiến Vàng, mỗi loại đều có những hoạt động sống khác nhau, những tập tính khác nhau rất sống động và vui nhộn. Chuồn Chuồn Ớt dần hiểu được “ hoa phượng đi đâu” khi mùa thu đến và cây bàng rụng lá: “ Theo quy luật cuối mùa thu, đầu mùa đông, một số cây rụng hết lá để tránh rét; khi mùa xuân đến, khí trời ấm áp cây cối sẽ đâm chồi nảy lộc có thêm những chiếc lá mới như con người thay áo vậy” (truyện Vì sao bàng rụng lá?). Thế giới loài chim cũng thật phong phú, đẹp đẽ và vui nhộn: Hình ảnh những con chim chào mào, chim cu xanh, đàn sáo nâu rất đẹp đang ăn những quả đa chín và ríu rít bàn luận về câu chuyện “ Của để dành” của bác Phượng Già. Loài chim Ktia (chim Vẹt) với “cái mỏ rắn chắc như thép” đặc biệt lắm lời và “ giỏi ngoại ngữ nhất”, màu lông họ hàng nhà K’tia cùng khác nhau do sống những vùng khí hậu khác nhau “ lông màu trắng, màu vàng, màu đỏ và màu xanh biếc…Mỗi màu lông có vẻ đẹp riêng của nó” (truyện Người giỏi ngoại ngữ nhất). Mụ Diều Hâu dũng mãnh và rất tàn ác, chuyên săn bắt các loài chim nhỏ; loài chim Ông Đầu Bạc “trên đầu và bụng chim có lông màu trắng, điểm quanh cổ một chiếc khăn màu tím đen, lưng, cánh có đuôi màu xám” (truyện Xóm Bằng Lăng). Chim Đầu Rìu vô cùng dũng cảm, xả thân chiến đấu chống lại mụ Rắn để bảo vệ đàn con; chim Hồng Tước còn được gọi là Hoàng Tử với vẻ đẹp rực rỡ và quý phái; chim Chèo Bẻo “có bộ lông xanh đen, óng mượt, bay nhanh như gió nhưng rất khéo tay, xây nhà đẹp lắm” (truyện Con tắc kè cụt đuôi). Chim Bìm Bịp được gọi tên theo tiếng kêu, “ chuyên chui lủi trong các đám lá, bụi cây rậm rạp bắt rắn và lớp thú nhỏ như chuột, nhái…”. Họ hàng nhà ong đông đúc, hiện ra dưới đôi mắt của Chuồn Chuồn Ớt: Ong Muỗi – “ loài ong bé nhất ở Tây Nguyên”; Ong Mật – “ người chỉ to bằng hạt đỗ đen, ngực mặc chiếc áo màu cà phê nâu, bụng mang váy có bốn vòng nâu đậm”; Ong Vò Vẽ là một “ người lực lưỡng … toàn thân khoác bộ cánh màu vàng”; bà Ong Bầu - loài ong lớn nhất của núi rừng Tây nguyên “ khoác chiếc áo choàng đen như cục than” và không biết xây tổ, “ cứ thấy cây gỗ mục hay các cây tre, nứa chết là đục lỗ chui vào trong làm nhà để ở” (truyện Hoa lạ)… Những loài vật xuất hiện ngày càng đông đúc: Những chú Thạch Sùng, Tắc Kè, các loại Rắn và đủ loại chuồn chuồn: Chuồn Chuồn Ngô, Chuồn Chuồn Đá, Chuồn Chuồn Kim, Chuồn Chuồn Ớt, Chuồn Chuồn Nâu…với nhiều hình dáng và màu sức khác nhau…

Lần theo hành trình tìm mẹ của Chuồn Chuồn Ớt, các em thiếu nhi còn biết được những điều mới lạ về đặc điểm, tập tính riêng của sự vật như hình dáng, màu sắc của các loài động thực vật. Đó là quá trình sinh thành, phát triển của chuồn chuồn từ trứng chuồn chuồn đẻ ra trên mặt nước, trở thành ấu trùng rồi bọ ăn mày và sau đó, lên khỏi mặt nước trở thành chuồn chuồn bay liệng trên không trung;  cách làm tổ của các loài chim, cách săn mồi của cá chuối, cá trê, của loài rắn, tiếng kêu cho biết độ tuổi của tắc kè, sinh trưởng và tập bay của các loài chim; cách xây tổ, làm mật của các loại ong; cách loài sóc dùng hai chân trước bê hạt k’nia lên để ăn,vv… Nhờ đó, các em có thể phân biệt được các sự vật, các con vật, dù khi chúng có những điểm giống nhau như chuột và sóc, thạch sùng và tắc kè, gà rừng và chim ông đầu bạc…        

Qua hành trình ấy của Chuồn Chuồn Ớt, bạn đọc cũng hiểu được những hiện tượng tự nhiên diễn ra theo quy luật: Lá bàng rụng vào cuối mùa thu đầu mùa đông để đến mùa xuân lại đâm chồi nảy lộc; đời ve sầu ngắn ngủi khi mùa hè kết thúc, họ hàng nhà Kiến đưa xác ve sầu về tổ để “ chôn cất”. Các em thiếu nhi sẽ vỡ ra bao điều thú vị và còn rút ra được bài học nhận thức quý giá: “ Mọi việc thấy rồi phải suy nghĩ nữa mới phân biệt đúng sai, vội vàng nhận xét thường mắc sai lầm…” (truyện Mây và gió). Mối quan hệ của sự vật và ý nghĩa cuộc sống cũng được gợi ra một cách tự nhiên: “cô Bướm đang làm một việc rất có ích là giúp các bông hoa đơm trái… Nếu không có gió, ai mang mây, mang mưa đến cho mọi người có nước uống… Trong cuộc sống, mỗi người tự chọn cho mình một nghề để mưu sinh, đã là công việc được xã hội chấp nhận thì bao giờ cũng đáng quý cả” (truyện Trên cành phượng). Từ những đặc điểm của sự vật, những mối quan hệ của các nhân vật, các em cũng rút ra được ý nghĩa sâu sắc về tình bạn: “ Họ vừa mới quen nhau mà sẵn sáng cứu giúp nhau khi hoạn nạn, dù bản thân phải chấp nhận bao nhiêu vất vả, nguy hiểm. Tình bạn là vậy ư? Thật khó tin quá!” (truyện Gió ốm) và ý nghĩa của cuộc sống “ Trong cuộc sống, không ai dùng thời gian sống dài hay ngắn để đo sự cống hiến đâu, mà phải xem quãng đời đã sống, sống như thế nào, có ích gì cho những người xung quanh không; điều đó mới quý chứ” (truyện Hoa phượng đi đâu) hoặc tình cảm đối với thiên nhiên, niềm trắc ẩn của con người khi rừng bị tàn phá: “ Khi cành cây bị con người cưa, vợ chồng Chèo Bẻo bay vút ra khỏi tổ cuống quýt chao lượn xung quanh tán cây như muốn níu kéo, giữ cành cây lại” (truyện Con tắc kè cụt đuôi). Đó chính là những ý nghĩa giáo dục khá sâu sắc của tác phẩm.

Rừng thiêng là một truyện dài gồm mười truyện nối tiếp nhau theo hành trình  của H’Chi - một em thiếu nhi người Ê Đê, hơn một ngày đi tìm lá thuốc, một đêm phải ngủ lại một mình trong rừng, chứng kiến nhiều hiện tượng lạ lùng, nhiều tình huống oái ăm, gây cấn. Ở đây, tác giả đưa bạn đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, trải nghiệm nhiều điều mới mẻ về sự sống của muông thú ở rừng núi Tây Nguyên, về sinh hoạt đời sống và văn hoá của đồng bào dân tộc bản địa. Thật thú vị khi quan sát đàn khỉ, cứ hai con ngồi trên một “ hòn đá” di chuyển ra giữa sình để hái những nắm lá nhét đầy mồm rồi hòn đá lại đưa hai con khỉ vào bờ, nhường chỗ cho những “ hòn đá” khác tiến ra hái lá. Bất ngờ ở chỗ, những “ hòn đá biết đi đen bóng ấy” là những con rùa. Chuyện bầy khỉ “ con này bám vào chân con kia như người Kinh chơi trò kéo co” để cứu một con khỉ bị rắn tấn công rồi đắp lá thuốc để chữa lành vết thương cho nó (truyện Chuyện lạ bên sình). Người đọc còn được cảm nhận hình ảnh những con voi, những đàn voi trong đời sống hoang dã ở núi rừng Tây Nguyên cũng như khi đã được thuần phục, trở thành một thành viên của buôn làng Ê Đê: “ Xa xa bầy voi rừng dàn hàng ngang đang giơ những chiếc vòi mềm mại bẻ cành, hái lá bỏ vào miệng một cách khéo léo…Có con khéo léo dùng chiếc ngà trắng muốt của mình cắm xuống hất lên những tảng đất lớn, tạo thành một chiếc hố khá sâu trước khi đưa vò lôi lên một đoạn củ cây bỏ vào miệng. Những con voi khổng lồ giống như những chiếc ô tô tải dàn hàng ngang cùng tiến về phía trước” (truyện Voi rừng). Người Ê Đê chung sống với voi rất hoà bình, họ không ăn thịt voi và xem voi là bạn, là thành viên của cộng đồng, cũng được thưởng phạt nghiêm minh theo luật tục. Voi rất trung thành và thông minh, thường giúp người những công việc nặng nhọc. Đọc tác phẩm, chúng ta còn được biết thêm nhiều điều mới lạ về các loại thú rừng như trăn, rắn, kỳ đà, khỉ, voọc, gấu, hổ, báo, chồn, sói, gà rừng, heo rừng, cú mèo, cầy hương và cả loại chim ăn thịt, săn mồi vào ban đêm có tên gọi theo tiếng kêu của nó là thủ thỉ thù thì… Những đặc điểm hình dáng, màu sắc, cách săn mồi của các loài thú rừng, những cuộc chiến sinh tử của các loại thú rừng như heo và hổ, giữa chồn và “vợ chồng”gà rừng; chuyện chó sói săn mồi và ăn hết bộ lòng ( ruột) rồi mới ăn đến nội tạng của con mồi còn thịt thì nhiều khi bỏ lại, chẳng thèm ăn, vv… được tác giả miêu tả rất chi tiết và sống động trong những tình huống truyện cụ thể.

Tác phẩm còn hấp dẫn người đọc bởi nhiều giai thoại, nhiều sự tích liên quan đến đời sống, lao động và sinh hoạt văn hoá của người Tây Nguyên được nhà văn tái hiện trong nhiều truyện. Đó là nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng từ buổi đầu sơ khai bằng cách đào hố bẫy voi rồi đưa về thuần dưỡng đến khi phát triển thành nghề điêu luyện bằng cách dùng voi nhà để săn bắt voi rừng qua câu chuyện Y Khuyết cứu voi và được voi trả ơn để rồi Y Khuyết trở thành thuỷ tổ của nghề săn và thuần dưỡng voi (truyện Truyền nghề). Khi bắt voi rừng, người thợ săn quàng dây buộc vào chân trái của voi thắt lại, nếu quàng vào chân phải voi, người thợ săn phải tự mình xuống đất gỡ dây ra và thả voi theo đàn, không được bắt nữa. Chuyện con voi nổi điên giết chủ vì chủ đã vô tình ăn thịt voi cùng với những người Doan (người Kinh): “ Khi người chủ bước lại gần, nó giơ vòi ngửi khắp người rồi bỗng gầm lên quơ vòi quấn lấy ông chủ của mình tung bổng lên trời, cao đến hàng chục mét…”. Hội đồng già làng lập toà án xét xử và tuyên phạt: “ Hỡi Yang của núi rừng, sông nước. Hỡi Yang trên trời cao hãy về chứng kiến sự trừng phạt của buôn làng đối với kẻ phản chủ. Này voi, mày đã thuộc về chủ nhân mà lại đi giết chủ; tội ác ấy không thể dung tha, đáng phải tội chết”. Nhưng voi vì thương yêu đồng loại mới phạm tội nên Già làng tha cho tội chết mà chỉ bị đuổi ra khỏi buôn làng, con voi bị đuổi đã không vào rừng sống mà đến quỳ chết trước mộ chủ. Điều này giải thích vì sao người Ê Đê không ăn thịt voi (truyện Voi rừng). Đó là chuyện H’Chi vào rừng hái lá thuốc và kinh nghiệm chữa những căn bệnh hiểm nghèo bằng lá cây, rễ cây và sản vật khác của núi rừng Tây Nguyên bằng cách quan sát cách chữa bệnh, giải độc của động vật bằng lá cây, rễ cây rồi thử nghiệm, làm theo. Chuyện về các loại bẫy thú rất độc đáo, chuyện săn gà rừng và cách chế biến các món ăn rất độc đáo của người Ê Đê như nhộng muồng tẩm bột chiên vàng, nhộng muồng rang giòn, nhộng muồng xào khô nai, nhộng muồng xào măng tươi, dế xâu thành chuỗi rồi nướng than hồng. Chuyện người Ê Đê chia đều thịt rừng săn bắt được cho từng bếp chứ không chia theo nhân khẩu hay từng nhà như người Kinh vì người Ê Đê mỗi nhà có thể có đến hàng chục bếp chung dòng họ sống cùng nhau; vv…

Chuyện nhặt trên thảo nguyên là một truyện vừa gồm 14 truyện nhỏ, mỗi truyện như một truyện ngắn nhưng các truyện gắn kết liền mạch theo diễn biến cuộc đời của nhân vật chính - H’ Lê Na. Tác phẩm tiếp tục có nhiều khám khá, lý giải bằng hình tượng về những tập quán sinh hoạt, đời sống và luật tục của người Ê Đê trên cao nguyên Đắk Lắk từ chuyện cách lợp mái nhà bằng cỏ tranh rất đặc biệt và hình ảnh ngôi nhà dài của người Ê Đê, nhất là hai chiếc cầu thang lên sàn nhà mang dấu ấn của tín ngưỡng phồn thực độc đáo, đến chiếc k’pan có dáng dấp một con thuyền, gợi nhớ cội nguồn xa xưa của bộ tộc và hình ảnh bếp lửa là trung tâm của sinh hoạt gia đình. Chuyện vượt cạn của người phụ nữ ở bên suối, sinh nở xong thì ăn một loại củ cây rừng trông như củ riềng, ăn xong người khoẻ như bình thường, người mẹ và trẻ sơ sinh tắm rửa ngay ở dòng nước suối mà không hề sợ ốm đau.

Những phong tục, lễ hội tín ngưỡng văn hoá tâm linh của người dân tộc bản địa cũng được miêu tả khá sinh động như lễ cúng bến nước, lễ cúng Yang xin được dọn rẫy chuẩn bị đất gieo mùa mới, cúng xin Yang cho gieo hạt, cúng Yang mừng lúa mới, ý nghĩa và hình thức lễ cúng bỏ mả, vv… Sau lễ cúng là cảnh trai gái, người già, người trẻ cùng vít cần rượu chếnh choáng, nhảy múa theo tiếng chiêng và điệu Ay ray dặt dìu tha thiết. Những hội thi như thi “ Lên rẫy” nhằm tôn vinh người phụ nữ hay việc aduôn truyền nghề hái lá thuốc cứu người cho người kế nghiệp, vv… không chỉ được miêu tả sinh động mà mà còn có cả sự tích lâu đời của nó được gợi ra một cách hấp dẫn.

Phần thứ tư trong tập sách là chùm truyện ngắn Con gà gô, nối tiếp mạch tự sự về núi rừng và cuộc sống lao động của con người trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió cũng chứa đựng nhiều điều mới lạ, hấp dẫn. Chùm truyện ngắn này, đối tượng miêu tả được mở rộng, nhân vật chính không chỉ là thiếu nhi mà cả những người già, thợ săn, sĩ quan quân đội, thầy giáo và học sinh. Nổi bật ở phần này là những cuộc đi săn thú rừng, những kinh nghiệm xử lý các tình huống bất ngờ và nguy hiểm trong rừng, những tập tính và sự tinh khôn của các loài thú. Truyện Thầy YĐhăng kể về cuộc chiến ác liệt, đầy nguy hiểm của thầy Y Đhăng cùng sự giúp sức của nhiều người và chó săn với con heo một hung dữ. Kết quả là người và chó săn bị thương nặng, người phải nằm điều trị ở bệnh viện gần ba tháng trời còn con heo một bị giết chết. Cuộc săn con khỉ đầu đàn để đuổi bầy khỉ, bảo vệ nương rẫy cũng diễn ra vô cùng gây cấn giữa con người với sự tinh khôn, ma mãnh đầy bản năng sinh tồn của thú rừng (truyện Một lần đi săn). Một con heo rừng “ đã thành tinh”, đầy sức mạnh và sự tinh quái, nổi tiếng về sự phá phách và bất trị vả vùng Ea Ty, Ea bin, Ea Pal và cuộc săn đuổi bất thành của thợ săn. Người ta đã bày binh bố trận, giăng nhiều cạm bẫy, nhiều ổ mai phục với cả súng AK, như một trận đồ thiên la địa võng thế mà cũng bất lực, không giết được nó, chỉ đuổi được nó vào rừng sâu (truyện Săn heo rừng), vv…

Ngày nay, xét về tư tưởng sinh thái hay chủ trương bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, việc săn bắn thú rừng là điều không thể chấp nhận được và phải lên án. Tuy nhiên, đặt trong hoàn cảnh đất nước và Tây Nguyên những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi việc bảo vệ động vật hoang dã chưa thành vấn đề cấp bách, khi đời sống của người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn, khi thú rừng hoang dã còn đông đúc đầy núi rừng và thường kéo hàng đàn ra tàn phá nương rẫy, thì chuyện săn thú rừng để bảo vệ mùa màng hoặc cải thiện đời sống cũng là chuyện thường tình. Vả lại, trong tác phẩm, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng được gợi ra bằng những mẩu chuyện thú vị và xúc động. Chuyện H Chi cứu con voọc khỏi con trăn săn mồi và được cả đàn voọc trả ơn nhiều lần (truyện Quà tặng, Thử thách), chuyện Y Khiết cứu voi và được voi trả ơn, vv…Truyện  Yang phạt kể về Y Reo, một thanh niên dân tộc bản địa, vì tham tiền, đã dẫn những kẻ săn trộm đi giết con sơn dương chúa và bị trừng phạt, phải chịu kết cục bi thảm, qua đó, truyện cảnh báo con người rằng: Thiên nhiên sẽ trả thù sòng phẳng nếu con người tàn phá nó. Ở truyện Một lần đi săn, dù đã giết được con khỉ đầu đàn để xua đuổi bầy khỉ, bảo vệ hoa màu, nhưng khi nhìn thấy đàn khỉ vây quanh con khỉ đầu đàn bị bắn chết với những tiếng kêu thảm thiết, xúm lại đưa xác con khỉ đi, người thợ săn đã không dấu được nỗi buồn thương, day dứt với những giọt nước mắt: “ Tôi quay lại bảo Trung đoàn trưởng cùng về thì thấy hai giọt nước mắt long lanh trên khoé mắt. Im lặng một lúc, anh khẽ nói: “ Tại nó phá dữ quá nên đành…”. Nhìn con min con thơ ngộ, cô độc, đau đớn bên xác min mẹ vừa bị bắn chết bởi mũi tên tẩm thuốc độc, như đứa trẻ thơ ngồi bên xác mẹ, người thợ săn không khỏi động lòng trắc ẩn, thương xót và hối hận: “ Tôi hối hận vì mũi tên của mình, mũi tên ấy đã giết chết con mẹ và giết chết cả con con bằng sự cô độc, tang tóc. Chính tôi là kẻ gây nên cảnh đau xót này. Đôi mắt của con min con nhoà lệ, lệ nó chảy bằng máu đỏ bầm. Tiếng khóc của nó nức nở từ trái tim tan nát, tôi nghe như chính nỗi đau của mình”. Có lần, dù rất cần thực phẩm để cải thiện bữa ăn cho thầy trò trường nội trú trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng người thợ săn đã không thể nổ súng khi con min to lớn đã ở ngay trong tầm ngắm, chỉ vì đột ngột xuất hiện một chú bê con xinh xắn: “ Con min bước từng bước như đếm tiến lại gần chòi… Hàng lông mi của con bê vừa đen, vừa dài, cong vút trông thật quý phái. Mấy chiếc lông màu nâu phớt trắng xoã xuống móng chân màu thạch giống như người ta buộc lại để trang điểm…”. Hình ảnh mẹ con trâu rừng thật đẹp, thật đáng yêu, là loại thú quý hiếm có tên trong sách đỏ đã làm dấy lên những cảm xúc đẹp và hành động và đúng đắn, đầy chất nhân văn sinh thái ở người thợ săn - thầy giáo ấy.

Đọc Chuyện nhặt trên thảo nguyên, bạn đọc, đặc biệt là các em thiếu nhi sẽ được mở ra trước mắt cả một thế giới mới lạ và hấp dẫn, từ những sự vật bé nhỏ như chim muông, côn trùng, thảo mộc, sông suối của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, những hình ảnh, tập tính của nhiều loại thú rừng đến những hình ảnh con người, đời sống, sinh hoạt văn hoá, phong tục, lễ hội và ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc bản địa. Tác phẩm không chỉ cung cấp nhiều hiểu biết, khám phá mới có giá trị nhận thức mà còn bồi dưỡng cho các em những tình cảm trong sáng, tốt đẹp như tình bạn, tình cảm gia đình, thầy trò, ân nghĩa, thuỷ chung, tình yêu thiên nhiên, yêu thú rừng, yêu cuộc sống, ý thức đoàn kết và bảo vệ rừng.

Bao trùm trong tác phẩm là không gian cao nguyên Đắk Lắk với nhiều dịa danh, sông núi, buôn làng, mênh mông những cánh rừng biền biệt màu xanh, những rẫy ngô, vườn cà phê tươi tốt, đầy sức sống. Không gian ấy phù hợp với tính cách bình dị, phóng khoáng có phần giản đơn đến hoang sơ của con người Tây Nguyên những thập niên cuối của thế kỷ trước. Truyện của Hồng Chiến có kết cấu đơn giản, cốt truyện được xây dựng chủ yếu theo mạch thời gian tuyến tính, một vài truyện có xen lẫn thời gian tâm tưởng, hoài niệm của nhân vật. Tác giả thường kể ở ngôi thứ ba, tạo khoảng cách với nhân vật và ý nghĩa khách quan cho câu chuyện nhưng cũng có một số như truyện, tác giả hoá thân vào nhân vật để kể ở ngôi thứ nhất tạo nên sự đa dạng cho nghệ thuật tự sự như truyện: Đứa con người thợ săn, Yang phạt, Một lần đi săn. Những truyện như Yang phạt, Chuyện thầy YĐhăng, Cặp sừng kỷ niệm, Săn trâu rừng, vv…có tình huống truyện khá hấp dẫn, có sức lôi cuốn đối với người đọc, nhất là bạn đọc thiếu nhi; truyện Yang phạt xen thêm yếu tố huyền ảo, tạo nên vẻ đẹp lung linh, đa nghĩa. Tác giả đã thể hiện vốn hiểu biết vô cùng phong phú về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với sự quan sát tinh tế, nghệ thuật miêu tả sinh động, lối kể chuyện bình dị và khá hồn nhiên, câu văn ngắn gọn và chuẩn mực, phù hợp với đặc điểm nhận thức của lứa tuổi thiếu nhi. Hạn chế rõ nét của tác phẩm là xây dựng nhân vật còn đơn giản, diễn biến tâm lý chưa sâu, tính cách nhân vật chưa thật sinh động; việc sắp xếp các mục đề trong tác phẩm cũng chưa thật hợp lý và thống nhất: truyện Chuồn chuồn ớt tìm mẹChuyện nhặt trên thảo nguyên được sắp xếp theo thứ tự “ Chuyện thứ nhất” đến hết và đặt tên cho từng truyện nhưng ở Rừng thiêngCon gà gô thì chỉ đặt tên cho từng truyện, nên chăng, chỉ cần đặt tên cho từng truyện là đủ và dễ theo dõi hơn.

Nhìn chung, Chuyện nhặt trên thảo nguyên là một thành công của nhà văn Hồng Chiến, một đóng góp có ý nghĩa vào mảng văn học thiếu nhi các dân tộc miền núi Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Rất mong nhà văn có thêm nhiều tác phẩm mới, có giá trị đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thế hệ bạn đọc thiếu nhi Việt Nam.

 


Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ LANG BIAN SỐ XUÂN TÂN SỬU - 2021

 



Nhạc chào mừng chương trình phát thanh đón giao thừa của Đài Tiếng nói Việt Nam qua chiếc radio nhỏ vừa cất lên, An đứng dậy khui chai rượu chanh Hà Nội rót đầy hai ly:

-Mời anh ly rượu đầu xuân. Chúc anh sang năm mới mọi sự như ý, sớm tìm được người góp gạo nấu cơm chung!

-Cảm ơn em!

Hai anh em cạn ly, An rót thêm ly nữa rồi ly nữa... Men rượu chảy vào lòng vào giờ khắc thiêng liêng của đất trời chuyển giao năm cũ và năm mới, bỗng khơi dậy nỗi cô đơn đến tê tái trong tôi. Hơn bốn chục tuổi đầu, gần hai mươi năm tuổi nghề vẫn một thân, một mình bám chặt nhà công vụ, tôn thờ chủ nghĩa độc thân. Ba bữa ngày tết, bạn bè cùng trang lứa gia thất đề huề, còn riêng mình quê tận miền Bắc xa xôi không về được, nên đành… Bất ngờ An đặt tay lên tay tôi, giọng ấm áp lạ.

-Thôi, buồn làm gì anh, cái gì đã qua hãy để nó trôi qua. Năm mới tới sẽ mang theo nhiều điều tốt đẹp đến với anh thôi mà!

         


 Ô, cô Tổng phụ trách kém tôi đến mười ba tuổi lại tìm cách an ủi rồi. Tết này An không về nhà như mọi năm, mặc dù nhà cô cách trường có sáu chục cây số mà ở lại cùng tôi đón giao thừa. Bốn năm dạy học cùng một trường, tôi luôn luôn xem An như em gái của mình. Ngược lại lúc nào An cũng lo lắng cho tôi, giúp tôi mọi việc như đối với anh trai, và còn là “cố vấn” trong những mối tình không thành của tôi.

 - An ơi, cái số anh nó thế nào ấy. Hơn bốn chục tuổi đầu rồi mà vẫn chẳng được ai yêu. Hay tại anh chưa hiểu tình yêu là gì, phải thế không An?

        - Anh cố nghĩ lại xem!

 - Còn nghĩ gì nữa cơ chứ, sự thực nó thế mà?

 Tôi dốc cạn ly rượu như đổ hết nỗi buồn vào lòng. Những kỷ niệm nồng cháy một thời từ từ quay trở lại như một cuộn phim...

-An biết đấy, Lần đầu tiên anh gặp Nga, yêu cô ấy say đắm, cứ tưởng hai đứa sẽ nên vợ nên chồng, nào ngờ… Càng nghĩ lại càng thấy khổ tâm. Nếu hai đứa không về quê trước có lẽ lại hay hơn. Đằng này…

-Em biết rồi! Anh ăn đi khẻo nguội hết.

… Cả hai gia đình đều vui vẻ nhé. Nga bàn với anh hay ở lại quê tổ chức cưới luôn. Nhưng, em biết đấy, phép hè sắp hết, nếu tổ chức thì vào học chính trị sao đúng thời gian? Chuyện trăm năm việc gì phải vội vã, vào trường tổ chức đông bạn bè đồng nghiệp cũng vui chứ sao. Anh nói mãi Nga mới đồng ý lui ngày làm đám cưới, vào trả phép đúng quy định. Nào ngờ…

-Em biết rồi!

An cướp lời, giọng như đứt hơi:

- Anh ăn đi chứ, uống nhiều quá rồi đấy!

- Ừ thì ăn!

Tôi cầm chiếc đùi gà đưa lên miệng gậm một miếng rồi nói tiếp:

-Nhưng An này, tại sao anh nhường ghế cho ông già hơn bảy chục tuổi, chấp nhận đứng hai ngày hai đêm trên tàu mà Nga lại giận đến nỗi vào đến trường nhất quyết chia tay với anh ngay. Vì sao, vì sao vậy?

-Chị ấy bảo anh “hâm”, lấy anh sẽ khổ cả đời.

-Thế còn… Bình; sao Bình cũng bỏ anh?

An nhìn tôi với ánh mắt là lạ, rồi cười, cười như cố nén từ lâu lắm, làm tôi cũng phải cười theo mặc dù lòng xót như chà ớt.

-Ai bảo anh hẹn đi chơi với chị ấy lại bỏ chị ấy giữa đường?

-Khổ quá! Hôm đó hai đứa định lên thị xã chơi, ai ngờ đến dốc Năm Bảy gặp chiếc xe máy tông vào bà cụ rồi bỏ chạy. Anh phải đón ô tô đưa bà già ấy lên bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ bảo: chậm chút nữa thì không cứu nỗi. Anh nghĩ đời còn dài không đi hôm này thì đi hôm khác, chứ nếu không giúp người lúc hoạn nạn sẽ ân hận suốt đời.

        Anh lại cười. Tiếng cười trong trẻo như xua đi nỗi buồn đang dồn nén trong tôi.

-Chị Bình bảo anh là chàng “ấm đầu”, không hợp với chị ấy.

-Ừ, có lẽ vậy.

Ly rượu nữa lại được nâng lên nhưng dừng lại lúc chưa lên tới miệng. An khẽ nhắc:

-Uống ít thôi, anh ăn thử món thịt đông em làm xem có ngon không?

Tôi ăn một miếng thịt kèm cọng dưa cải muối, khen:

-Ngon, ngon thật! An này, em thấy Thanh xử với anh vậy có tệ không. Hai đứa đính hôn rồi, thế mà…

-Cũng tại anh cơ!

Tiếng An nghèn nghẹn như cố giữ cái gì đó trong cổ, mắt nhìn tôi đăm đăm như ánh mắt của người mẹ, người chị bao dung; không phải, hình như đây là ánh mắt cảm thông của một người em gái thì đúng hơn.

- Ai bảo anh dự giờ thao giảng của chị ấy lại nhận xét quá “cẩn thận”? Như thế còn chưa đủ, khi mọi người xếp loại giỏi, anh lại bảo giờ giảng không đạt yêu cầu.

-Ô hay, dạy thế nào phải xếp thế ấy chứ! Chẳng nhẽ thích ai, yêu ai thì nâng đỡ, xếp giỏi, xếp khá; bỏ qua cả quy định về chuyên môn hay sao? Anh không thể làm cái chuyện giả dối lương tâm đó được.

An nhếch miệng cười như mếu, bảo tôi:

-Tại anh thật quá. Giá anh khéo một chút, ai nói gì cũng cười, rồi nhẹ nhàng góp ý xa xa một chút có được không. Cuộc sống đời thường cũng có lúc mình phải chấp nhận những điều trái với quy định một tý chứ, chết ai. Đằng này anh cứ thẳng thừng vạch hết lỗi của chị ấy ra, còn người khác người ta nể cái ghế Hiệu trưởng của anh đang ngồi nên mới nhận xét tốt cho chị ấy, xếp chị ấy dạy giờ giỏi. Thế mà anh lại quyết định…

Đúng thật. Bây giờ thì tôi mới hiểu vì sao người ta bảo tôi mát, tôi hâm, tôi ấm đầu… và những người tôi yêu cứ lần lượt bỏ đi lấy chồng. A ha ha ha, ô hô, i hy… Tôi cười, cười như điên như dại mà mắt bỗng cay xè.

An đứng dậy đi ra phía sau, đặt hai tay lên vai, hơi thở hình như làm bay cả tóc trên đầu tôi, nói nhỏ:

-Anh say rồi!

-Không, anh không say đâu. An ơi, anh tìm ra rồi. Anh tìm ra nguyên nhân vì sao các cô ấy bỏ anh. Nguyên nhân gì hử? Đơn giản thôi, anh chưa biết yêu. Anh chưa hiểu tình yêu là gì cả. Anh không sống được như một số người đang sống; họ luôn luôn lựa chiều, bất chấp luật pháp miễn là vừa lòng nhau; có lẽ vì thế nên anh mất hết người yêu. À, còn em, vì sao em không lấy chồng? Mẹ cùng nghề dạy học, bố sỹ quan quân đội về hưu, em lại là con gái út cưng của gia đình có hai anh em. Anh thấy mấy cậu ở trường ta và trường bên đều rất quan tâm đến em. Bọn chúng đứa nào cũng khẳng định em là hoa hậu của ngành giáo dục huyện nhà; làm việc gì cũng chu đáo, tận tình, lại khéo tay... Tại sao em không nhận lời ai, cứ lãng tránh bọn nó như thế? Con gái kén quá là ế đấy. Hãy chấm lấy một người, yên bề gia thất để anh còn được uống rượu hồng chứ.

Đôi bàn tay nhỏ nhắn của An đặt trên vai tôi bỗng run lên theo tiếng nói nghẹn ngào, đứt quảng:

-Em, em đã chấm một người rồi, nhất định em sẽ lấy người ấy làm chồng!

-Ai vậy?

Tôi ngạc nhiên đứng bật dậy, hỏi thêm:

-Sao em kín thế, nói ngay xem là ai nào, để anh còn mừng chứ!

An hai tay nắm gấu áo, cúi đầu nhìn xuống chân, lưỡng lự như không muốn nói. Tôi giục:

-Em nói đi chứ. Nói xem ai có được diễm phúc ấy nào?

An ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt tôi rồi đưa hai tay nắm lấy hai tay tôi thật chặt; mặt đanh lại, nhưng giọng lại run run, trả lời:

-Người đó là… là… anh!

 An nói dứt lời, buông tay tôi lao vụt ra cửa. Qua phút bàng hoàng, tôi cũng vội lao ra theo em và thầm reo lên: Tôi đã tìm thấy rồi, tình yêu đích thực của tôi. Ngoài sân tiếng pháo đón giao thừa ầm ầm nổ, reo vang khắp nơi. Quanh tôi chỉ thấy ánh chớp và tiếng nổ rộn ràng, báo hiệu mùa Xuân đã về!


Thứ Tư, 3 tháng 2, 2021

CON TRÂU CÁI MÀU ĐEN truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 341+342 THÁNG 1&2 NĂM 2021

 


Buôn Pa nằm dưới chân một dãy núi cao chót vót, mùa mưa đỉnh núi luôn ngủ trong mây. Mùa khô, ông mặt trời leo lên khỏi ngọn núi phía đông một đoạn dài, núi với mây còn vấn vít chưa chịu chia tay. Trên núi, cây sống từ bao nhiêu năm rồi không ai biết, nhưng gốc nhỏ cũng một người ôm không hết. Nước suối mùa khô ồ ạt chảy về trong veo, nhìn rõ cả những chú cá suối to như ngón tay út ở sâu dưới nước cả sải tay.

Buổi sáng, đám trẻ lau nhau trên chục mùa rẫy(1) chưa phải đi học, rủ nhau lùa trâu bò ra chân núi. Trong buôn hơn năm chục nóc nhà, nhà nào cũng có bò; nhà ít thì bốn, năm con; nhà nhiều vài chục con. Bò đi thành hàng dài, túc tắc bước  theo con đầu đàn.

Mọi hôm, Y San thường chễm chệ trên lưng trâu dẫn đầu “đoàn quân trâu, bò” đến thung lũng, bên các dòng suối để chúng gặm cỏ, ăn lá cây rừng; nhưng hôm nay lại phải đi sau cùng vì kbao ana yu(2) mới sinh em bé được ba ngày. Trâu con da đen bóng, lông hoe hoe vàng chạy theo mẹ từng đoạn ngắn; khi chạy qua trái, lúc lại rẽ qua phải như muốn tìm hiểu cảnh vật trên đường đi đầy mới lạ, hấp dẫn.

Cả buôn, sáu nhà có trâu. Trâu nuôi chỉ dùng để cúng trong các lễ trọng đại như: lễ bỏ mã(3), nhà có a tâo(4)… giá trị của trâu bằng nhiều con bò cộng lại. Nhà nào muốn có trâu nuôi phải đổi bò và thêm cả chiêng, ché mới có. Nhà Y San có hơn chục con bò, nhưng trâu mới có một con, nó là niềm kiêu hãnh cho đám trẻ chăn trâu, bò.  

Kbao ana yu không phải con trâu bình thường, nó đã lập được chiến công đến ama, amí Y San(5) cũng phải tấm tắc khen, thưởng hẳn mỗi bửa một xoong cơm lớn có thêm muối mấy ngày liền. Chuyện là thế này…

*

**

Hôm ấy, khi mặt trời sắp xuống núi đi ngủ. Đám trẻ sau một buổi rượt đuổi chơi trò trốn tìm, mệt lả ngồi nghỉ, chuẩn bị lùa trâu, bò về nhà.

-H… ù… m!

Tiếng gầm của hổ vang lên, vọng vào núi, núi nhái lại làm đám con gái ngã dúi dụi; có đứa bật khóc, ướt luôn cả yen(6) lúc nào không biết. Lũ trâu bò chạy ầm ầm về buôn, đuôi dựng đứng như cây lau trổ bông; đám trẻ phải núp vào gốc cây, tránh đường cho chúng.

Lạ, con hổ hình như chưa bắt được mồi nên thỉnh thoảng lại gầm lên:

-H… ù… m!

Không ai bảo ai, lũ trẻ nối nhau leo lên cây quan sát. Y San nhanh nhất leo lên cao và không tin ở mắt mình: con hổ to bằng con bò lớn, hai chân giữ đầu con bê đã ngã dưới đất, mắt nhìn kbao ana yu. Kbao ana yu hai chân trước cào cào đất rồi bất ngờ lao thẳng vào con hổ. Hổ gào lên nhảy tránh qua bên, may mà hổ tránh kịp chứ không hai cái sừng nhọn hoắt, dài hơn hai gang tay như búp măng, chắc chắn đâm lủng ngực nó. Hổ đi vòng tròn xung quanh con trâu và con bê vừa lồm cồm đứng dậy. Hình như con bê sợ quá, đứng dậy được một tý đã cong đuôi chạy trốn. Con hổ chỉ chờ có thế, nó gầm lên một tiếng thật to; nhảy lên cao, bổ xuống đúng người con bê làm nó ngã lăn quay. Con trâu cúi đầu, chìa hai chiếc sừng ra phía trước lao vào hổ. Con hổ phải bỏ con bê nhảy tránh qua bên, không quên giơ chân cào một cái vào trâu trước khi chạy ra xa. Nó đi vòng tròn xung quanh con trâu.

Bọn trẻ lúc đầu im lặng chứng kiến, sau rồi không kìm được vui sướng, buột miệng reo lên mỗi khi con trâu lao vào con hổ. Lần đầu tiên trong đời cả đám được chứng kiến trâu đánh hổ để bảo vệ con bê thật hứng thú. Không biết mẹ con bê đã chạy đi đâu mất.

Cuộc chiến cứ vậy kéo dài, không biết đến khi nào mới kết thúc. May, cánh đàn ông trong buôn nghe tiếng hổ gầm, vác lao, nỏ, xà gạc; có người cầm theo: chiêng, nắp xoong… kéo nhau rầm rập chạy ra; vừa chạy vừa hò hét, vừa gõ như có nhà bị cháy. Có lẽ nghe tiếng người, tiếng gõ chiêng, nắp xoong… tới gần, con hổ đi vòng tròn rộng hơn rồi biến mất sau gốc cây rừng.

Người lớn chạy đến, mồ hôi nhễ nhại, có người mặt tái xanh; còn bọn trẻ lại tươi cười hớn hở tụt xuống đất, tranh nhau kể lại cuộc đấu của trâu và hổ. Y San chạy trước dẫn đường đến bãi đất trống, thấy kbao ana yu vẫn đứng im, đầu ngẩng cao như chuẩn bị đánh nhau; con bê nằm phía trước không đứng lên được nữa. Trên cổ kbao ana yu có nhiều vết cào của hổ, máu chảy thành dòng. Ama Y San bước lại gần, vỗ vỗ vào mông trâu như an ủi; đám người trong buôn kéo đến mỗi lúc một đông; mí H’Bliắk chạy lại ôm con bê, vuốt ve nó và nói lời cảm ơn kbao ana yu đã bảo vệ con bê nhà bà.

Sau chiến công của kbao ana yu, Y San được đám bạn tôn làm Mtao(7). Hơn chục đứa trẻ cả trai lẫn gái, nhiều đứa còn sống nhiều mùa rẫy hơn Y San cũng phải chấp nhận. Ngày đầu làm M’tao được các bạn nữ quấn một vòng hoa phong lan lớn đội lên đầu, công kênh ngồi lên gốc cây gỗ hương ai đó đã chặt mang về làm nhà lâu ngày chỉ còn lại phần lõi đen bóng. Đám bạn đứng trước mặt hơi cúi đầu đồng thanh hô to:

-Bọn tao kính chào Mtao!

-Tốt!

-Xin Mtao cho chúng tao công việc.

Y San đưa tay lên đầu gãi gãi mái tóc hoe hoe vàng, cong tít, thầm nghĩ: “Làm Mtao cũng rắc rối nhiều đây, phải bày cách gì cho bọn bạn vui mới đươc”; rồi nói:

-Lũ con gái đi kiếm củi, củi phải to bằng cổ tay trở lên, không được lấy cây nhỏ hơn, đặt chỗ bụi cỏ úa kia rồi nổi lửa. Y Hiên, Y Thanh, Y Hiếu ở lại đây, số con trai còn lại vào rừng kiếm hoa quả mang về cúng Yang(8). Nhất trí không?

-Nhất trí!

Lũ trẻ đồng thanh hô lên, nhanh chóng tản vào rừng. Y Hiên thấy các bạn đi cả, mới hỏi:

-Bọn tao ở lại đây làm gì?

-Theo tao ra suối bắt cá về nướng ăn.

Cả bọn ra đến bờ suối, Y San phân công:

-Y Hiên đi xuôi xuống phía dưới suối, tìm hái lấy một nắm quả sung chín mang lại đây; Y Thanh, Y Hiếu và tao chặt nứa làm lao bắt cá.

Nghe phân công làm việc, Y Hiên ngạc nhiên nói:

-Sao bảo tao đi xuôi mà không đi ngược suối tìm quả sung?

-Mày sống nhiều mùa rẫy hơn tao mà cái đầu bé thế, phía trên này một đoạn xa không có cây sung đâu vì nếu có thì tao không đưa chúng mày đến. Vì sao á: nếu có cây sung phía trên thì lũ cá lúc nào cũng có quả ăn, no bụng, ta làm sao dụ chúng ra được, hiểu chưa? Phía dưới kia kìa có một cây đấy, đi đi.

-Ô, mày xứng đáng làm Mtao, nói nghe phải lắm.

Y Hiên reo lên rồi nhảy phóc qua hòn đá xuôi theo suối. Ba đứa còn lại đi tới bụi nứa, chọn những cây to bằng ngón tay út, màu vàng sẫm, chặt đúng ba cây, dài gần sải tay, vót nhọn một đầu làm lao.

Y Hiên lấy lá môn bọc một chùm quả sung chín đỏ mang về, Y San phân công:

-Y Hiên lại chỗ hòn đá kia ngồi, bóp từng quả sung ra cho tan vào nước, từ từ thôi nhé, còn ba đứa chúng mình đứng hàng dọc trên bãi cát này, con cá nào ra ăn là đâm.

Y Hiên nghe nói thế, ngạc nhiên hỏi lại:

-Sao tao lại phải ngồi hòn đá này mà không lên cao lên phía trên một tý?

-Ô, từ chỗ mày ngồi tới chỗ bọn tao là bãi cát, đâm cá có trúng hay trượt cũng không hư lao. Đi cao hơn toàn đá, thì đâm chỉ một lần là hư mất lao rồi.

-Đúng quá!

Y Thanh và Y Hiếu cùng reo lên tỏ ý khâm phục. Ba đứa tranh nhau trổ tài, chỉ một chốc đã được một mớ cá suối, gói đầy lên ba tầu lá môn. Cả bọn kéo nhau lại đống lửa, cùng lũ bạn chẻ cây nứa xanh ra thành từng mảnh nhỏ, xiên qua miệng cá hơ lên than hồng, nướng.

Bữa “tiệc” mừng Mtao mới ngoài cá nướng còn có quả và các loại lá rừng ăn với nhau hình như chưa có bữa nào ăn ngon đến thế. Ăn xong bọn chúng nhìn nhau rồi lăn ra cười vì… mặt đứa nào cũng nhọ nhem.

*

**

Tối, ngồi bên bếp lửa Y San xin ama lấy sừng trâu làm cho mình một cái tù và. Ama ngạc nhiên hỏi lại:

-Dùng tù và làm gì?

-Con được bọn chúng tôn làm Mtao nên phải có cái gì đó làm hiệu lệnh chứ.

-Thế thì được.

Sáng hôm sau, cơm nước xong, Y San leo lên lưng trâu, đưa tù và lên thổi một hơi dài; tiếng kêu rất to, bay qua các nóc nhà dài, vọng vào tận chân núi làm người lớn, trẻ con chạy vội ra đầu sàn đứng nhìn. Bọn trẻ ồ lên thích thú trước hình ảnh đẹp của vị Mtao, chúng vội vàng xua trâu, bò đi theo.

Lên đến bãi cỏ đã định trước, Y San ra lệnh dừng lại thả trâu bò vào rừng kiếm ăn, còn lũ bạn tụ tập bên Mtao chuẩn bị trò chơi mới. Mấy đứa bạn trai thấy tù và thích quá, xin thổi thử. Y San bảo lũ bạn:

-Chúng mày về xin ama làm cho mỗi đứa một cái. Tù và hôm nay cho thổi thoải mái, nhưng bắt đầu từ ngày mai chỉ được thổi buổi sáng để cùng nhau thả trâu bò đi ăn cỏ, buổi chiều thổi tù và gọi trâu bò về. Thời gian còn lại không ai được thổi nữa, nghe chưa.

Cả bọn nhất trí. Kể từ ngày có tù và, lũ trâu bò cũng ngoan hẳn lên, cứ nghe theo tín hiệu tự tập trung đi, về; lũ trẻ thỏa thích chơi đùa, không phải lo đi tìm chúng mỗi khi chiều tới.

Nhưng rồi mọi chuyện không phải lúc nào cũng như ý. Chiều hôm ấy, Y San cùng các bạn đưa tù và lên thổi, lũ trâu bò lốc nhốc kéo nhau lại vây quanh bọn trẻ không chịu về. Đếm đi, đếm lại vẫn thiếu mất con trâu của Mtao. Cả bọn ra sức thổi tù và đến lúc mặt trời xuống núi đi ngủ cũng không thấy kbao ana yu đâu cả. Mtao thất thểu lùa lũ bò về nhà.

Đến chân cầu thang, Mtao ôm mặt khóc hu hu. Amí trong nhà nghe tiếng khóc vội chạy ra, hỏi:

-Sao thế?

-Mất kbao ana yu rồi.

-Mất lúc nào?

-Con không biết, nhưng chiều nay gọi mãi không thấy nó về nữa.

Ama từ trong nhà hỏi vọng ra:

-Hôm nay chăn chúng ở đâu?

-Dạ, ở bên suối Đắk Đoa ạ.

-Lạ nhỉ?

-Sáng nay kbao ana yu lạ lắm ạ. Mấy con trâu đực lại gần bị nó lao vào húc luôn, làm lũ chúng chạy tán loạn.

-Thôi lên sàn đi, mọi việc do Yang quyết định, không sao đâu.

-Nhưng mà nó không về nữa…

-Ama đã bảo không sao là không sao chứ đứng đó làm gì. Lên sàn đi.

Amí nói như giận. Y San bước vội lên sàn thay đồ. Bữa cơm chiều ăn muộn hơn mọi ngày mà Y San không thấy đói, cơm không muốn ăn, nước mắt cứ chực trào ra. Amí bảo:

-Ăn cơm đi, không phải lo mất trâu đâu.

-Nhưng lỡ có con hùm ngày trước đến bắt nó ăn thịt thì sao ạ?

-Trước nó nhỏ mà đánh cho hùm tơi tả; nay lớn hơn nhiều rồi, lũ hùm lo mà tránh cho xa chứ bắt làm sao được.

-Thế sao nó không về nhà nữa?

-Chắc là vào rừng chơi thôi mà. Ăn đi con.

Ama nhắc Y San ăn cơm. Mất con trâu cả đống của to như thế, về nhà ama, amí không ai la câu nào lại còn an ủi mình nữa. Lạ thật.

*

**

Sáng hôm sau, Y San ra đầu sàn thổi một hơi dài tù và; lũ bạn trai trong các nhà sàn khác cùng đua nhau thổi đáp lại. Trâu, bò được thả, tranh nhau bước ra đường giữa buôn rồi đứng khựng lại; mấy con trâu đực lao vào nhau cà khịa, không chịu đi trước.

Nhìn lũ trâu bò, Y San bất giác thở dài rồi xua đàn bò nhà mình đi trước để lũ bò trong buôn đi theo đến bãi chăn hôm qua, hy vọng thấy con kbao ana yu trở về. Mọi hôm, lũ trẻ thả trâu, bò xong là hò hét nhau, bày trò chơi; hôm nay cả bọn kéo nhau ngồi bên gốc cây hương, mặt buồn xo.

Y Hiên người cao lêu đêu, trán hơi dô về phía trước rụt rè nói:

-Chắc kbao ana yu bị hổ ăn thịt mất rồi.

-Hồi trước còn nhỏ nó đã đánh hổ cứu con bê; nay to lớn như thế, hổ sao dám đụng đến.

Y Thanh phản đối, Y Hiếu bảo:

-Không bị hổ ăn thịt thì chắc có con trăn ăn nó rồi.

-Trăn mà ăn được con trâu to đùng như thế thì… có mà trăn Yang. Đúng là ngốc.

Y Hiên trả lời, Y Thanh góp chuyện:

-Hay là Yang bắt?

-Đúng rồi, chỉ có Yang mới bắt được nó biến mất một cách khó hiểu như thế.

Y Hiên đồng tình với bạn làm Y Hiếu bật cười:

-Chúng mày nghĩ lạ, Yang chỉ bắt cho nó chết thôi chứ có mang nó đi được đâu. Tao nghĩ có ai bắt trộm cũng nên?

Bọn con gái ồn ào cả lên, tỏ vẻ đồng tình. Y San vẫn ngồi im như hạt bắp, không nói gì. H’Bliắk, mặt tròn, mắt như mắt chim bồ câu, sinh trước Y San một mùa rẫy, nói:

-Có thể đúng vậy, chúng ta phải cảnh giác không hôm nay mất thêm trâu, bò nữa đấy.

Cả bọn nhớn nhác nhìn ra xung quanh như phát hiện có kẻ trộm đang đứng gần đâu đó phía sau. Y San đứng đậy, nói:

-Tất cả nói đều không đúng. Hổ không bắt được trâu mà trăn càng không thể nuốt được trâu to như thế. Còn bắt trộm thì chúng bắt bằng cách nào khi ba mặt buôn mình có núi cao vây quanh, chỉ một con đường duy nhất đi qua buôn. Từ lâu rồi trong buôn làm gì có nhà ai mất đồ mà bảo có kẻ trộm.

-Không có ai bắt thì làm sao con trâu biến mất?

H’Biắk tỏ vẻ không đồng ý, hỏi lại. Y San chưa kịp đáp thì…

R… ầ… m, r… ầ… m, r… ầ… m.

Lũ trâu bò bất ngờ cong đuôi hốt hoảng chạy về buôn. Mấy đứa con gái vội đứng lên, định chạy theo giữ chúng lại. Y San quát:

-Đứng lại, leo lên cây nhanh lên.

Cả bọn bám vào dây, cuống quýt leo lên cây, nhìn ra xung quanh. Y Hiên nói:

-Ô, lạ quá, lạ quá… trâu, bò đực bỏ chạy như bị hổ đuổi; còn lũ cái thì vẫn bình thản gặm cỏ, ăn lá kìa.

Hơn chục đứa trẻ bám xung quanh cây nhìn và đều tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự việc kỳ lạ xảy ra; chuyện chưa thấy bao giờ. Y San không nói, nhưng trong đầu cũng có hàng chục câu hỏi trước việc đang xảy ra: con gì làm lũ trâu, bò đực hoảng sợ đến mức phải chạy về buôn trốn mà lũ trâu bò cái vẫn thản nhiên ăn? Hay con vật bắt trâu nhà mình hôm qua quay lại? Nhưng nếu nó bắt trâu nhà mình thì lũ trâu, bò cái cũng phải sợ chứ… Bỗng Y Thanh reo lên:

-Kbao ana yu, kbao ana yu kia kìa; nó đang từ dưới suối lên đấy.

-Đúng nó rồi, xuống đón nó thôi.

 H’Biắk thích quá, reo lên, tay nắm rễ cây định tụt xuống. Y San kêu lên:

-Ngồi im, không được xuống. Chắc có chuyện gì đó bất thường nên trâu bò đực mới trốn chứ; để xem đã.

Lũ con gái đang định tụt xuống vội rối rít leo lên cao hơn để quan sát xung quanh. Con trâu nhà Y San bị mất hôm qua, giờ trở về, da đen bóng như mới được tắm ở chỗ nào đó. Nó khoan thai ngẩng cao đầu, bước từng bước một lại gần bầy trâu cái đang gặm cỏ. Lũ trâu cái cũng ngừng ăn ngửng đầu lên nhìn như chào đón thủ lĩnh đi xa trở về. Y Hiếu bất ngờ reo lên:

-Ô, có con gì to đùng đi phía sau kbao ana yu kìa; ôi nó to quá, to như voi ấy.

Một con vật lạ, to gấp ba lần con kbao ana yu, lừ lừ xuất hiện. Con vật lạ, đầu có sừng như sừng trâu, nhưng cái đầu to khủng khiếp; mình lông đen, chân lông trắng, trông giống chân bò. Lũ trâu, bò cái nhà nhìn con vật lạ, nhìn kbao ana yu, chào nhau rồi cuối xuống gặm cỏ như không có gì xảy ra. Kbao ana yu dừng lại, chờ con vật lạ đến bên cạnh; ngẩng đầu, dụi vào cổ nó ra vẻ thân thiện lắm.

Lũ trẻ tròn mắt nhìn không hiểu chuyện gì đang xảy ra trước mặt, bất chợt Y San reo lên:

-A, tao biết rồi, tao biết rồi!

Nghe tiếng reo của Y San, con vật lạ quay đầu chạy như bị ma đuổi, cây cối dưới suối gãy, đổ ầm ầm như voi chạy. Bọn trẻ không hiểu điều gì xảy ra. Tụt xuống đất, H’Biắk hỏi:

-Mày biết cái gì mà reo to thế?

-Tao biết vì sao kbao ana yu trở về làm lũ trâu bò đực chạy trốn như hổ đuổi rồi.

Cả đám trẻ nhao nhao lên hỏi. Chờ một lúc, để bớt ồn, Y San mới nói tiếp:

-Kbao ana yu vào rừng tìm bạn trai dẫn về; lũ trâu, bò đực sợ bạn trai của nó nên bỏ chạy hết; chỉ có lũ trâu, bò cái không sợ và hình như còn muốn làm quen mới tỏ ra thân thiện với nhau.

-Nhưng sao mới nghe Y San hô một tiếng mà nó chạy như bị hổ đuổi vậy?

Y Thanh thắc mắc hỏi, Y San trả lời:

-Có gì đâu, chắc con này là trâu trong rừng già, chưa từng gặp người bao giờ, nay nghe tiếng người nên sợ, bỏ chạy thôi. Nhà mình vậy là sắp có thêm trâu em bé rồi, thích quá.

Lũ trẻ đồng thanh reo lên:

-Đúng quá, đúng quá. Chúc mừng Mtao!

 

Cuối mùa mưa năm 2020

      

 Chú thích tiếng Êđê:

 

1.    Chục mùa rẫy: cách tính tuổi của người Ê đê, mỗi mùa rẫy là một tuổi;

2.    Kbao ana yu: con trâu cái tên Yu;

3.    Lễ bỏ mả: lễ tuyên bố đoạn tuyệt giữa người sống và người chết;

4.    Atao: chỉ người đã chết;

5.    Ama amí:bố mẹ;

6.    Yen:váy

7.    Mtao:tù trưởng, người giàu có trong buôn được mọi người kính trọng;

8.    Yang: thần linh;