Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

CẢM NHẬN BÀI THƠ TÂY TIẾN CỦA QUANG DŨNG tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN SỐ: 321 tháng 5 năm 2019



Thơ kháng chiến chống Pháp có nhiều bài hay, độc đáo và đầy sức hấp dẫn, một trong số đó phải kể đến là bài Tây Tiến của Quang Dũng (Ngữ văn 12, tập I). Bài thơ đã dựng lên một tượng đài bi tráng về người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp với hiện thực chiến đấu đầy gian khổ hy sinh và vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hùng, hào hoa.
1. Hình ảnh không gian chiến trường qua nỗi nhớ
Bài thơ mở đầu bằng một nỗi nhớ, khắc sâu vào lòng người đọc hình ảnh  không gian chiến trường Tây Bắc. Dòng sông Mã gắn liền với kỷ niệm chiến đấu của đoàn quân được gọi tên như điểm mở đầu của nỗi nhớ. Nỗi nhớ làm sống dậy hình tượng và hình tượng làm cho nỗi nhớ như có hình, có khối: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”. “ Nhớ chơi vơi” là một cách dùng từ mới lạ, chúng ta chỉ bắt gặp trong ca dao: “Ra về nhớ bạn chơi vơi/ Nhớ chiếu bạn trải nhớ nơi bạn nằm”. Đó là nỗi nhớ khó hình dung nhưng lại trải rộng, đầy ắp và giàu sức ám ảnh lòng người. Từ láy “chơi vơi” hiệp vần với tiếng “ơi” ở câu đầu tạo ra sức vang vọng, lan tỏa của cảm xúc từ cõi lòng tác giả, dội vào sông núi và đồng vọng trong tâm hồn người đọc.
Cả đoạn thơ đầu, 14 câu đều dành cho kỷ niệm về rừng núi, một vùng bát ngát miền Tây, biên giới Việt - Lào. Trước mắt người đọc hiện lên hình ảnh một không gian chiến trường hiểm trở, khó khăn, hoang sơ và có phần man dại. Những chi tiết của thiên nhiên như “sương”, “ dốc”, “ mây”, “ mưa” đều được tô đậm với ấn tượng mạnh nhất: sương dày đến mức “lấp” cả đoàn quân; dốc thì “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, đã “ngàn thước lên” lại “ngàn thước xuống”; cồn mây thì heo hút và cao đến mức “súng ngửi trời”; mưa đến mức, người chiến sĩ hành quân nhìn bản làng xa xa, thấy những ngôi nhà chìm trong mưa như những con thuyền bồng bềnh giữa biển khơi xa: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ với nhịp điệu liên tục của những từ láy vần trắc: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” gợi chiều cao tận cùng, đầy khó khăn, hiểm trở của con đường hành quân, đọc lên nghe rợn ngợp cả người:
                                                “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
                                                 Heo hút cồn mây súng ngửi trời”
Người đọc còn ấn tượng bởi cách thể hiện tô đậm, nhấn mạnh ấy kết hợp với những từ chỉ địa danh xa lạ: Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, Pha Luông càng gợi lên sự hoang sơ của núi rừng Tây Bắc, thêm vào đó là màu sắc huyền bí của tiếng cọp gầm, thác thét: “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”. Câu thơ với hai vế đối nhau đầy nhịp điệu gợi lên âm vang của rừng thẳm, địa danh “Mường Hịch” đặt đúng chỗ gợi bước chân nặng nề, rình rập của mãnh thú. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ rất độc đáo, những câu thơ gấp khúc, bẻ đôi có giá trị tạo hình sắc sảo: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”; hình ảnh “súng ngửi trời” miêu tả chiều cao của con đường vừa thể hiện được tính cách lạc quan, hóm hỉnh của người lính.
Trong thiên nhiên hiểm trở, đầy khó khăn ấy, Tây Tiến là một cuộc hành quân nhiều thử thách và hy sinh: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời!”. Người lính nằm xuống trong tư thế của người chiến sĩ trên con đường hành quân chiến đấu. Ý thơ dẫu buồn mà không bi đát vì đã phản ánh được hiện thực những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ và cách nói “bỏ quên đời” thể hiện được chất ngang tàng, kiêu hùng của người lính Tây Tiến.
Tác giả còn sử dụng thành công phép tương phản: bên cạnh những câu thơ nhiều vần trắc, gân guốc như con đường hành quân hiểm trở là những câu thơ vần bằng với âm điệu nhẹ nhàng và hình ảnh tươi mát: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Kết cấu tương phản đó đã làm cho bức tranh Tây Tiến dù khó khăn hiểm trở mà vẫn hùng vĩ nên thơ và đằm thắm tình người. “Một miền Tây nhòe mờ của tranh lụa cũng là một miền Tây góc cạnh, gân guốc của điêu khắc” (Chu Văn Sơn).
2. Vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hoa của người lính.
Kỳ lạ thay, giữa không gian chiến trường khốc liệt ấy, chúng ta vẫn bắt gặp tâm hồn lãng mạn, yêu đời của những người lính trong cảm xúc thăng hoa của nhà thơ. Người lính Tây Tiến phần lớn xuất thân là những học sinh, sinh viên Hà thành nên họ mang tâm hồn lạc quan, chất trẻ trung và lãng mạn cũng là điều dễ hiểu. Bốn câu đầu đoạn hai là hình ảnh một đêm sinh hoạt văn nghệ lửa trại trên những chặng đường hành quân chiến đấu nhưng qua tâm hồn lãng mạn của người lính, nó đã trở thành đêm “hội đuốc hoa”. Ánh sáng bỗng “bừng lên” từ những ngọn đuốc làm cho cảnh vật, con người tỏa sáng, lung linh, huyền ảo.Tiếng gọi “kìa em” gợi tiếng reo vui, ngỡ ngàng của người lính khi phát hiện vẻ đẹp bất ngờ: “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Đó là hình ảnh những cô gái Tây Bắc trong những bộ trang phục truyền thống, dáng điệu “e ấp” của những bông hoa rừng đang múa hát trong tiếng nhạc, tiếng khèn “man điệu”. Tất cả hòa trong màu sắc và âm thanh của đêm hội, hòa trong nét nhạc chơi vơi của một câu thơ có đến sáu thanh bằng liền nhau: “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”.
Bốn câu tiếp theo, tác giả chuyển đột ngột sang một cảnh sông nước Tây Bắc khó khăn mà đầy chất thơ:
                                           “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
                                              Có thấy hồn lau nẻo bên bờ
                                              Có nhớ dáng người trên độc mộc
                                              Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Nhịp thơ chùng xuống, lắng sâu vào kỷ niệm. Từ “ấy” hiệp vần với từ “thấy”, từ “bờ” hiệp vần với từ “nhớ” tạo nên những vần lưng như những nốt nhấn giữa câu thơ, kết hợp với hiện tượng điệp cú pháp tạo ra chất nhạc phong phú. Câu thơ với những lời tự vấn: “có thấy”, “có nhớ” như một điệp khúc gắn với những hình ảnh Tây Bắc: chiều sương trên cao nguyên Châu Mộc, “hồn lau”, “nẻo bến bờ”, “dáng người trên độc mộc”, “dòng nước lũ”, “hoa đong đưa”. Đó là những nét chấm phá đầy gợi cảm, cảnh vật, con người như được bao phủ trong màn sương huyền ảo của nỗi nhớ, da diết trong cái hồn của ngàn lau. Âm điệu của đoạn thơ trầm bổng, lâng lâng như ru hồn người vào cõi mộng. Chất thơ, chất nhạc, chất họa toát ra từ những vần thơ giản dị mà đầy sáng tạo của Quang Dũng.
3. Chân dung đoàn binh Tây Tiến:
Trở lên đã nói đến vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn của người lính chiến đấu trên một chiến trường hiểm trở, đầy khó khăn thử thách nhưng hình ảnh người lính Tây Tiến thể hiện tập trung ở đoạn thư thứ ba:                                                                           “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
                                                Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Có nhiều cách hiểu khác nhau về hình ảnh “đoàn binh không mọc tóc” và “quân xanh màu lá”. Đó là hình ảnh người lính thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp nhiều khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật. Những cơn sốt rét rừng làm họ rụng hết tóc và da xanh như màu lá. Đó cũng là hình ảnh kỳ lạ, độc đáo mang màu sắc lãng mạn theo kiểu “khách chinh phu”, “người tráng sĩ” ngày xưa. Theo tôi, cách hiểu thứ hai này hợp lý hơn vì thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, các nhà thơ thường dùng bút pháp lãng mạn, ảnh hưởng của Thơ mới (1932 – 1945), bài thơ này cũng không ngoại lệ. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì hình ảnh anh bộ đội ở đây cũng gợi lên hình tượng độc đáo, mới mẻ, lạ lẫm, hấp dẫn mà vẫn chân thực. Hai câu thơ tiếp theo trước đây đã từng bị phê phán là “buồn rớt”, “mộng rớt” tiểu tư sản nhưng đọc kỹ lại, ta thấy nó đã thể hiện đậm nét sự hài hòa giữa chí lớn và tình riêng của người chiến sĩ:
                                               “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
                                                 Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Chí lớn của người chiến sĩ thể hiện ở đôi mắt quyết tử nhìn ra chiến trường với “mộng” giết giặc lập công, tình riêng e ấp trong giấc mơ lãng mạn: mơ về Hà Nội quê hương với dáng đẹp thiếu nữ. Đọc câu thơ này tôi chợt nhớ đến câu thơ trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi: “Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”. Quả thật, thơ kháng chiến chống Pháp đã có những câu thơ lung linh vẻ đẹp lãng mạn, tài hoa.
Quang Dũng là người viết sớm và viết đậm về những gian khổ hy sinh của người lính:
                                               “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
                                                 Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
                                                 Áo bào thay chiếu anh về đất
                                                 Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Câu thơ đầu thật buồn vì cả bảy tiếng đều chứa đựng lượng thông tin lớn về sự mất mát, hy sinh: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Trước mắt người đọc hiện lên hình ảnh đau thương của biết bao nấm mồ tử sĩ rải rác cả một vùng biên cương xa xôi của Tổ quốc. Nhưng những hình ảnh đau thương đó đã được nhà thơ nâng đỡ bằng đôi cánh lý tưởng và cảm hứng lãng mạn: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Câu thơ đã nâng lên thành âm điệu bi tráng vì tác giả đã làm nổi bật động cơ chiến đấu tự nguyện quên mình của người chiến sĩ. Từ “áo bào” lấy từ văn học cổ (chiến bào) nhưng được dùng rất sáng tạo, vừa phản ánh được hiện thực khó khăn thiếu thốn vừa tạo được vẻ đẹp trang nghiêm, cổ kính, hào hùng của người tráng sĩ giữa sa trường. Cụm từ “về đất” là lối nói giảm, thể hiện thái độ nhẹ nhõm, ngạo nghễ của người lính khi đi vào cái chết.
Khổ thơ này thật giàu âm điệu, đọc lên nghe trầm hùng vang vọng đầy cảm xúc nhưng rất khó diễn tả và lý giải. Tác giả đã dùng nhiều từ Hán - Việt: “biên cương”, “viễn xứ”, “độc hành” để tạo nên âm điệu trang nghiêm, thành kính. Chữ “gầm” trong câu thơ kết hợp với những từ Hán - Việt ấy tạo nên âm hưởng bi hùng cho khúc chiêu hồn tử sĩ. Trước mắt người đọc hiện lên hình ảnh đau thương, oanh liệt, hào hùng: người chiến sĩ chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, anh ngã xuống trong lòng đất mẹ, đất mẹ dang tay đón anh và sông núi tấu lên khúc nhạc trầm hùng để tiễn đưa anh: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Hai câu thơ cuối nếu kết hợp với hai câu đầu bài thơ sẽ tạo thành một kết cấu tương ứng như một bài tứ tuyệt, một lần nữa khẳng định và khắc sâu tình cảm gắn bó máu thịt với kỷ niệm Tây Tiến:
                                               “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
                                                 Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”
4. Vài nét về nghệ thuật đặc sắc
Quang Dũng đã vận dụng thể thơ rất phù hợp với nội dung hiện thực và cảm hứng được thể hiện, đó là thơ bảy chữ thể hành của thơ Cổ phong, một thể thơ có từ trước thơ Đường với đặc điểm là rất tự do, phóng khoáng về vần điệu, nhờ vậy bài thơ có nhịp điệu lên bổng xuống trầm với những câu thơ nhiều vần trắc và những câu thơ nhiều vần bằng. Nếu bút pháp hiện thực thường tập trung tô đậm cái chung, cái đồng nhất, cái giống nhau thì bút pháp lãng mạn thường tô đậm cái độc đáo, khác biệt, phi thường, ở đây, bút pháp lãng mạn thể hiện rõ nét ở việc tô đậm những ấn tượng độc đáo của thiên nhiên, tô đậm hình ảnh đoàn quân cũng như tâm hồn lãng mạn, hào hoa của người lính và sử dụng thủ pháp tương phản. Âm hưởng bi tráng bao trùm cả bài thơ kết hợp được cảm xúc đau thương và hào hùng. Ngôn ngữ thơ đầy sáng tạo, giàu sức gợi hình, gợi cảm và giàu nhịp điệu.
Tóm lại, Tây Tiến là một thành công xuất sắc của Quang Dũng và của thơ ca kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954. Bài thơ đã làm nổi bật hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đầu kháng chiến với hiện thực chiến đấu đầy gian khổ hy sinh và vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hùng, hào hoa. Tây Tiến xứng đáng là một đài kỷ niệm bằng thơ về con người Việt Nam trong một thời kỳ đầy gian lao mà anh dũng.

Logo giới thiêu, PB, NC

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

MỘT CÂU CHUYỆN KHÔNG BUỒN truyện ngắn của QUỲNH NHI - CHƯ YANG SIN SỐ: 321 tháng 5 năm 2019




Gấu Mèo thông báo cậu sắp ly hôn. Từ ngày Gấu Mèo cưới, tôi chưa gặp lại cậu, chắc gần một năm. Một phần vì tôi không muốn có nhiều liên hệ quá với cậu ấy, vì tôi muốn cái quãng đời cũ của chúng tôi sẽ được xóa bôi đi, bởi hạnh phúc của cậu. Vậy mà chiều nay, bên góc quán hẹp nơi ngã ba đường, chúng tôi ngồi trong thinh lặng, nghe nhạc réo rắt. Cô bé nhân viên chạy lăng xăng, cười thân thiện khi tôi gọi món. Gấu Mèo chúi mũi vào ly sữa chua, tôi búng tay hát theo giai điệu, khe khẽ thôi, để không phá vỡ cái khoảng lặng cậu tạo ra. "Vợ tớ bỏ đi rồi"."Lý do?"."Cô ấy chê tớ"."Chuyện gì?".
Gấu Mèo hiền, hiền hơn mức cần thiết ở một gã trai đã lập gia đình. Tôi đã nhắc cậu, lấy vợ thì nên dữ dằn tí, dù là giả vờ thôi cũng được. Vậy mà cậu vẫn hiền, và lành đến khù khờ. "Cô ấy bảo tớ yếu sinh lý".Tôi sặc ngụm nước đang nuốt nửa chừng, bịt miệng. Nước bắn tung tóe ra bàn. Tôi biết, chuyện này thật khó nói, nhất là với đàn ông. Cũng chẳng hiểu sao Gấu Mèo thật thà thế, hay vì chúng tôi chẳng có gì để che giấu với nhau? "Chỉ vì thế mà đòi ly hôn ấy hả?". "Chắc vì cuộc sống của chúng tớ nhạt quá". Khi người ta không chịu đựng nổi nhau nữa, thì có hàng ngàn lý do để rời xa. Và người ta sẽ phải lấy một lý do thiết thực, cụ thể nhất để đặt lên bàn cân cho một cuộc hôn nhân. Chẳng thể nào nói đơn giản rằng "Tôi chán cuộc hôn nhân này rồi", cho dù đó mới chính là lý do xác đáng nhất. "Tớ là người kỳ thị ly hôn. Nhưng không thể ở với nhau nữa, đành chịu".
Tôi sợ ly hôn, thực sự. Vì cuộc hôn nhân của ba mẹ tôi, vì nỗi bất hạnh của đứa trẻ như tôi phải chịu đựng, bằng cả tuổi thơ mình. Thế nên tôi không phải kiểu người hay an ủi những lời hoa mỹ hay khuyên bảo này nọ, có lẽ vì thế mà chiều nay, nơi góc quán này, Gấu Mèo đủ can đảm nói rõ ra với tôi câu chuyện buồn của cậu. Tại sao, cuộc đời chúng tôi lại khúc khuỷu đến đau thương thế này?
Gấu Mèo là bạn của tôi từ ngày phổ thông, nhưng không thân lắm. Lớp học thêm hơn chục đứa con gái, chỉ mỗi cậu là nam giới, toàn bị trêu mà cậu vẫn cười. Học đại học, chẳng hiểu duyên trời run rủi thế nào hai đứa lại chọn cái thành phố xa ngái, lạnh ngắt mà buồn hiu hắt để trải qua quãng đời sinh viên. Cuối tuần, tôi bắt xe buýt lên thăm cậu, tám chuyện tầm phào. Và cũng chẳng hiểu sao tôi và anh trai cậu lại yêu nhau. Rồi anh ấy tự vẫn. Mọi chuyện với chúng tôi tối mù.
Cái tuổi hai mươi đó, cái sự mất mát cô đơn đó, chúng tôi đã chia sẻ với nhau. Gấu Mèo đã ôm tôi, lau nước mắt cho tôi ngày tôi gào thét bên mộ anh ấy. Vậy thôi, mà thành thân. Cũng mười năm qua rồi kể từ tháng năm đó, tôi luôn muốn quên, và chắc Gấu Mèo cũng chẳng muốn nhớ. "Chắc là kết thúc thôi".
Ừ, không còn yêu nhau nữa, thì chia phôi thôi. Cũng là chuyện thường tình. Vậy mà sao trong tôi vẫn thấy xon xót, ở đâu đó nơi lồng ngực. Chiều buông dài, nắng hắt hiu. Cô bé phục vụ rón rén lại bên, khen tôi hát hay, còn thông báo cuối tuần có nhạc acoustic chị ghé quán tham gia nhé. Tôi cười cười, cảm ơn cô bé, rời quán trong cơn buồn lây sang từ cậu ấy. Gấu Mèo chỉnh lại cặp kính dày, nhìn trời dần tối. Nhìn dáng cậu từ sau lưng, sao mà cô đơn đến tuyệt vọng. Cuối tuần, tôi hẹn Chim đến quán. Chẳng phải để hát, mà để nghe người lạ hát. Chúng tôi ngồi ngay góc bàn tôi đã ngồi với Gấu Mèo. Trong ánh đèm tù mù, tôi hỏi Chim mà không nhìn cậu. "Này, đàn ông bị chê yếu sinh lý thì sẽ thế nào?". Tôi biết Chim ngạc nhiên lắm, nhưng rồi cũng trả lời tôi. "Thất bại thảm hại". Tôi rùng mình. Trăng non lên nghiêng nghiêng phía bên kia thành phố, thấp thoáng sau những tòa nhà cao tầng. Tôi tự hỏi, trong những khối bê tông đặc quánh đó, con người ta đang làm gì với nhau? Hạnh phúc, đau khổ, sẻ chia, giận dữ hay chịu đựng nhau cho qua ngày đoạn tháng? Tôi xin lỗi Chim vì đã hỏi những chuyện này, tế nhị, và không phù hợp với cậu chút nào. Một chàng trai hai mươi, chưa yêu ai, và cũng chưa hề trải qua những chuyện ái ân nồng nàn say đắm. Chỉ là, tôi chẳng biết nói với ai, về những hoang mang mình đang cất giữ.
Nhưng có lẽ tôi đã nhầm, khi tôi nhìn Chim như đứa em trai bé nhỏ, như một con chim non chưa rời tổ. Chim chững chạc và trưởng thành hơn tuổi của cậu, rất nhiều.
Có khi nào, tôi tự cho mình cái quyền rằng tôi đang bảo bọc Chim chăng?
Chim bước lên bục, hát bài hát buồn mà tôi chẳng biết tên. Nhìn Chim phiêu diêu theo điệu nhạc dưới ánh đèn vàng, tôi cứ ngỡ mình được trở về những tháng ngày đó, những tháng năm mười chín đôi mươi đẹp như trăng ngà. Chim cười, nụ cười của người khách lãng du bước nhón chân khe khẽ qua cuộc đời vương nhiều khổ lụy.
Bước chân ra khỏi quán, tôi nhắn cho Gấu Mèo một cái tin nhắn, chẳng phải an ủi cũng chẳng để sẻ chia. Chỉ kể tôi đang ngồi với một cậu bạn, cậu trai trẻ, hôm nào rỗi rãi thì gặp nhau, tôi sẽ giới thiệu hai người.
Chẳng hiểu cơn cớ vì đâu, tôi muốn Gấu Mèo gặp Chim, để làm gì, chẳng để làm gì cả. Mối duyên nợ giữa người và người trên cõi đời này làm gì có sự lý giải, chỉ là tôi biết, nếu Gấu Mèo mà lấy bớt được chút năng lượng từ Chim, cậu sẽ thôi buồn về cuộc hôn nhân của mình.
Sẽ còn lâu lắm Chim mới chạm đến ngưỡng tuổi của tôi và Gấu Mèo, nhưng cái cảm giác được lây lan từ cậu trai dễ thương đó, dễ khiến con người ta an lòng.
“Nếu gặp Gấu Mèo, cậu đừng nói cậu ấy đã thất bại nhé”.
Chim cười, nụ cười đẹp như một đóa quỳnh đêm trăng.
“Ly hôn không có gì đáng để buồn cả”.
“Ừ, thì là chuyện không buồn”.
Hai cái bóng bước đi trong thinh lặng, gió đêm xào xạc đám lá vàng khô lao xao một góc phố. Ừ thì, đời sống vốn dĩ đã buồn, còn chuyện gì buồn hơn chuyện của cuộc đời cơ chứ.


Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

MẤY ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT QUA TẬP THƠ LÁ CHIÊM BAO CỦA ĐẶNG BÁ TIẾN tác giả LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ: 321 tháng 5 năm 2019






Nhà thơ Đặng Bá Tiến là tác giả của một số tập thơ và trường ca được bạn đọc chú ý những năm gần đây: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017). Vốn xuất thân từ một nhà báo nên thơ anh giàu chất thời sự, ôm chứa nhiều cảnh đời và cuộc sống bộn bề với biết bao suy tư, trăn trở. Đặc biệt, trong lần xuất bản tập thơ tình yêu Lá chiêm bao (2019), độc giả còn nhận ra những giá trị nghệ thuật đặc sắc, khẳng định cá tính sáng tạo, góp phần mang lại thành công nhất định cho tập thơ này.
Lâu nay, các mô típ mang tính biểu tượng trong thơ tình yêu Việt Nam từ ca dao đến thơ hiện đại thật đa dạng và phong phú. Trong ca dao, ta bắt gặp các biểu tượng thuyền - bến, mận - đào, trúc - mai...; đến thơ hiện đại, các biểu tượng trên vừa tiếp tục được kế thừa, đồng thời được các nhà thơ sáng tạo thêm như hoa khuê các - bướm giang hồ, biển - bờ, thuyền - biển của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh... đã bồi đắp thêm những giá trị nghệ thuật cho nền thơ dân tộc. Đọc Lá chiêm bao của Đặng Bá Tiến, tôi bỗng nhận ra hình tượng cỏ xanh đã ám ảnh xuyên suốt tập thơ như một biểu tượng nghệ thuật đặc sắc. Có cỏ xanh đợi chờ, thương nhớ. Có cỏ xanh hoài niệm, khát khao. Có cỏ xanh thủy chung bền chặt. Có cỏ xanh hiến dâng, thánh thiện. Có cỏ xanh xót xa, tiếc nuối... Cỏ xanh thăm thẳm qua nhiều chiều không gian, thời gian. Cỏ là giường chiếu, cỏ là nệm tình, cỏ là nỗi đợi chờ êm ái... Có thể nói rằng, xuyên suốt tập thơ, hình tượng cỏ xanh bạt ngàn, thăm thẳm đã làm nên vẻ đẹp và chuyên chở cảm xúc về tình yêu của nhà thơ đến với trái tim người đọc. Trong Lá chiêm bao, cỏ không đơn thuần chỉ là không gian của thiên nhiên, trời đất, nơi tình yêu  hẹn hò. Cỏ có khi hiện lên như một người tình kiều diễm, biết khao khát, đợi chờ; biết nhớ nhung, hoài niệm. Cỏ hóa thân vào cảm xúc của thi nhân, giăng mắc tràn đầy trong ký ức. Hãy lắng nghe cỏ bồi hồi, run rẩy, đắm say: "tháng này/ mùa thu năm ấy/ trăng nhuộm vàng sông Đáy ngừng trôi/ gió hồi hộp/ cỏ xanh run rẩy/ khi lần đầu hai đứa chạm môi..." (Nhớ). Cỏ hiện về qua tâm thức hoài niệm, xuyến xao: "Giá như ngày ấy ông trời/ dẫn hai người tới hai nơi cách trùng/ thì đâu có chuyện tao phùng/ để rồi nhớ mãi một vùng cỏ non" (Giá như). Cỏ đợi chờ, thủy chung qua thời gian để rồi nơi vườn thu xưa cũ, trăng triệu năm còn yêu tha thiết và cỏ cũng đan thanh chờ mãi một cuộc tình: "này em/ trăng và vườn thu như đã kết hôn nhau/ ánh trăng vàng và lá vàng đang xôn xao quấn quýt/ trăng triệu năm vẫn còn yêu tha thiết/ em thấy không/ thảm cỏ biếc đang chờ..." (Vườn thu). Cỏ ám ảnh hồn thi nhân ngày sáng ánh mặt trời hay đêm về mơ mộng, cỏ khát thèm từ thuở đôi mươi hay đã qua trải nghiệm trường đời: "Tuổi 20 trên vạt cỏ êm/ muốn uống cả trời sao thiếu nữ/ anh lên rừng xuống bể/ mãi khát thèm đại dương..." (Nỗi khát sa mạc). Hòa nhập nỗi lòng thi nhân, cỏ xanh đôi khi cũng biết xót xa, tiếc nuối và mơ tưởng những gì chưa trọn vẹn trong tình yêu: "Bây giờ cỏ đã rối bời/ sương đêm đã cóng những lời cầu mong" (Nỗi niềm); "Thì tự ru mình/ võng cỏ đung đưa/ trái tim hỡi đừng buồn ai lỡ hẹn" (Dỗ trái tim). Do đó, tôi có thể khẳng định rằng, trong tập thơ Lá chiêm bao với hơn 90 bài thơ tình này, nhà thơ Đặng Bá Tiến đã giúp người đọc có được một cảm thức thẩm mỹ khá toàn diện về hình tượng cỏ xanh. Có lẽ ít có thi nhân nào lại chắp đôi cánh cho lá cỏ hiền lành, đơn sơ một dung mạo tinh thần đủ đầy, nhiều trạng thái cảm xúc và đáng yêu nhường ấy. Có bao nhiêu cung bậc tình yêu thì biểu tượng cỏ xanh trong tập thơ Lá chiêm bao cũng hát ca, nhớ thương, đợi chờ ... ngân nga chừng ấy cung điệu. Nhờ đó, biểu tượng cỏ xanh đã góp phần hoàn thiện vẻ đẹp tâm hồn và diện mạo tình yêu trong thơ Đặng Bá Tiến.
Ngoài biểu tượng cỏ xanh như một thông điệp đầy ám ảnh và chuyên chở nhiều cung bậc cảm xúc trong tình yêu, tập thơ Lá chiêm bao còn cho ta bắt gặp hình tượng căn phòng xuất hiện với một tần số khá cao. Căn phòng, cánh cửa, then cài, vách tường... như những mảng không gian ngưng đọng để nơi đó nhà thơ bộc lộ cảm xúc nhớ thương, đợi chờ, buồn đau, mất mát trong tình yêu. Người con gái có mái tóc dài, đẹp chỉ một lần lướt qua trong đời, nhưng Đặng Bá Tiến ám ảnh trong nỗi đợi chờ mòn mỏi. Từ đó, ngọn gió đất trời như cũng có màu từ mái tóc em bay. Trong căn phòng cô lẻ, một tâm hồn vẫn khát khao gặp lại hình bóng cố nhân: "Năm qua/ rồi lại tiếp qua năm/ chiếc ghế vắng trong phòng vẫn đợi/ mỗi chiều tím anh lại ngồi nhặt sỏi/ ném xuống hồ cho nước bớt đơn côi" (Ngọn gió có màu). Trong bài thơ Chiếc khăn khá dài như một niềm tâm sự thầm kín, nhà thơ nhiều lần tự chất vấn chính mình về chiếc khăn người con gái bỏ lại trong căn phòng rồi ra đi mãi mãi. Hình tượng thơ giống mô típ "quên áo" trong ca dao, song lại ám ảnh người đọc, khơi dậy nhiều cảm xúc qua hình tượng "căn phòng vò võ thân trai": "Em quên/ hay cố tình để lại/ chiếc khăn len thoang thoảng hương nhài/ tôi cài then mong mùi hương ở mãi/ trong căn phòng vò võ thân trai" (Chiếc khăn). Căn phòng trở thành một ám ảnh của thi nhân, có lẽ ở đó có biết bao kỷ niệm, biết bao dồn nén nhớ thương. Với Đặng Bá Tiến, căn phòng không đồng lõa với ái ân, với tình yêu xác thịt; căn phòng chính là nơi kỷ niệm tràn về, là sự hoài tưởng xa xôi một giấc mộng tình yêu đã ngàn trùng xa cách. Căn phòng là nơi anh thả con thuyền ký ức ngược thời gian để tìm đến dĩ vãng êm đềm, hạnh phúc thuở xa xưa: "Ở đây mai vừa hé nụ vàng/ ngoài ấy đào hẳn vừa môi thắm?/ anh lại ngồi bên song yên lặng/ thả con thuyền ký ức ngược thời gian" (Ký ức). Xót xa hơn, có nhiều khi nhà thơ lặng lẽ một mình, nói với bóng mình trên vách, trong tay ly rượu tràn trề mà không thể cười, không thể khóc, không thể say: "Nghĩ đời mình... ngày đã cuối chiều/ chỉ bầu bạn với bóng mình trên vách/ rượu một ly không thể cười không thể khóc/ không thể say nên không thể vơi buồn" (Một chút chiều xuân).
Bên cạnh các biểu tượng mang đậm tính thi pháp, ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng trong Lá chiêm bao được diễn đạt khá trực cảm, chân mộc thông qua một cảm xúc mãnh liệt từ điệu hồn tác giả. Trong tình yêu, những cung bậc cảm xúc được nhà thơ bung tỏa chân thành, không quá cầu kỳ, cách điệu. Mong ngóng được sớm gặp người tình, Đặng Bá Tiến cứ muốn "hô mưa gọi gió", thể hiện khát vọng cá nhân tha thiết, muốn tước đoạt cả quyền năng vô biên của tạo hóa. Mặt trời là của anh mà vầng trăng cũng là "của riêng ta đấy". Chính cách thể hiện mới mẻ ấy đã mang đến cho thơ anh một vóc dáng riêng về mặt cảm xúc là cực mạnh, cực điểm: "Anh rung ngày cho mặt trời chóng rụng/ cho vầng trăng sớm ngự đỉnh trời/ trăng của muôn người và của riêng ta đấy/ giờ hẹn hò đã tới em ơi !" (Trăng). Thơ tình yêu Xuân Diệu có cái khao khát vô biên và tuyệt đích ấy, song có lẽ vẫn nhẹ nhàng hơn: "Ta muốn tắt nắng đi/ Cho màu đừng nhạt mất/ Ta muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi" (Vội vàng). Xuân Diệu "muốn" còn Đặng Bá Tiến hành động thật, "rung ngày" thật. Nhiều động từ được nhà thơ dùng nghe thật lạ, thật khác người. Anh "hốt chiều', anh "nhuộm hồn trong màu tím nhớ", cầu mong được nằm trong võng gió êm đềm mà lắng nghe hơi thở của người tình, mơ ước được em một lần máy mắt để lòng mình ấm buổi chia phôi. Cả một trời thực và mộng cứ đan cài, tan hòa vào nhau không sao phân định: "Anh hốt chiều vào túi hoàng hôn/ rồi nhuộm hồn trong màu tím nhớ/ Trời thương cảm ru anh trong võng gió/ nơi mây về em có máy mắt không ?" (Hơi thở một người). Viết về nỗi nhớ trong tình yêu, Đặng Bá Tiến có những cách biểu đạt thật ấn tượng: "Tôi uống ngập cả hồn tôi như lũ/ để trẫm mình trong rượu nhớ nhung/ ấy là khi hồn tôi thoát xác/ bay tìm em quấn quýt tao phùng" (Thoát xác). Dù có lúc trực cảm, mạnh mẽ khi diễn đạt những yêu thương, nhớ nhung, mất mát trong tình yêu, song thơ tình Đặng Bá Tiến vẫn có những gam màu ngôn ngữ dễ thương, yêu ái và giàu sắc thái biểu cảm qua một số hình tượng thơ thật đẹp và lãng mạn. Hãy nghe anh so sánh tháng giêng và em đồng hành như một nỗi khát khao vẫy gọi ngàn đời: "Tháng Giêng là gái chưa chồng/ em như cây cải trổ ngồng rực hoa !" (Tháng Giêng). Hãy nghe anh say đắm và "bồng bềnh theo cảm xúc" trong một "Đêm Lào Cai" lãng đãng, nồng nàn: "Lào Cai/ rượu thơm tràn ngực ai/ mắt trẫm mình trong mắt/ Em như là mùa gặt/ ta chờ từ mạ non..." (Đêm Lào Cai). Bài thơ Một lần trên cỏ hay và độc sáng khiến người đọc khó quên nhờ cách diễn đạt thật ấn tượng qua các phép tu từ ẩn dụ, nhân hóa và sự thăng hoa của cảm xúc nằm ở hai câu thơ cuối bài mà tôi gọi đó là "vết xước hoa" từ "gót hoa" của giai nhân kiều diễm: "ta nằm mong được dẫm qua/ một lần đau bởi gót hoa cũng đành" (Một lần trên cỏ). Một chữ "sầu" trong bài Giá như đã làm cho sông Cầu như một sinh thể biết yêu thương, hờn giận. Sông Cầu hóa thành con sông của niềm tương tư, sầu muộn và cả nỗi xót xa ngàn đời của đôi lứa yêu nhau. Nhà thơ Đặng Bá Tiến vô tình đã "đổ sầu" cho con sông thi ca nhạc họa ấy đeo đẳng kiếp sống của một nhân tình hoài niệm, nhớ thương: "Giá như ngày ấy sông Cầu/ không xanh đến mức đổ sầu cho ai" (Giá như). Ngoài một số biện pháp tu từ nghệ thuật giàu sáng tạo về mặt ngôn ngữ, cách biểu đạt ấn tượng thăng hoa từ cảm xúc của hồn thơ tác giả, người đọc còn bắt gặp một số bài thơ có cấu tứ mới mẻ, nhờ đó mà ta khó quên và cứ mãi đằm sâu trong ký ức, dù chỉ đọc một vài lần. Có thể kể ra đây một số thi phẩm tiêu biểu như Trăng, Mưa héo, Một lần trên cỏ, Ghen với chuồn kim, Gót hồng, Khi anh yêu, Trái tim điên, Chùm thơ không đề (Bài số 10), Đêm Lào Cai, Giá như..., Hơi thở em hồi hộp đến bây giờ, Chiếc khăn, Mắc nợ... Tóm lại, trên bình diện ngôn ngữ nghệ thuật, thơ viết về đề tài tình yêu của Đặng Bá Tiến, ngoài nét thô mộc và trực cảm của một nỗi lòng tha thiết và đắm say, cách biểu đạt giàu tính hình tượng thông qua ngôn ngữ và những kiểu biểu đạt mới mẻ bằng chính điệu hồn thăng hoa từ cảm xúc đã góp phần làm nên những thành công nhất định cho tập thơ Lá chiêm bao của tác giả.
Tìm hiểu, nghiên cứu những nét đặc sắc về nghệ thuật trong tập thơ Lá chiêm bao của nhà thơ Đặng Bá Tiến vẫn còn nhiều góc khuất, khía cạnh khác nữa. Với tư cách là người viết yêu mến thơ anh, khao khát được khám phá thơ tình yêu của một tác giả vốn khá thành công ở các đề tài thế sự nóng bỏng, gai góc trong cuộc sống đương đại, vì vậy tôi chỉ mới phác họa một vài cảm nhận hết sức khái quát trên bình diện nghệ thuật. Phần "trầm tích", phần chìm của tác phẩm từ nội dung tư tưởng đến các giá trị nghệ thuật, độc giả sẽ tiếp tục đồng hành khai mở và phát hiện thêm. Thơ tình yêu, cứ đọc mà mê, cứ đọc mà say, cứ đọc mà nhớ... Với tập Lá chiêm bao của nhà thơ Đặng Bá Tiến, điều đó hẳn đúng lắm thay!







Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

BUÔN KRAM ĐÊM ẤY! bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 321 tháng 5 năm 2019

Tác phẩm đoạt giả B Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” lần II năm 2019

Thượng tá Nguyễn Ngọc Lâm





Ngày nay, những người lần đầu tiên lên Tây Nguyên khi nhìn thấy những ngôi nhà dài của người Êđê không khỏi ngạc nhiên và phải thốt lên lời trầm trồ thán phục. Các ngôi nhà dài ấy đều có chung một kiểu thiết kế: sàn nhà cao hơn mặt đất chừng hơn một mét, hai đầu hồi nhà đòn nóc dài hơn sàn nên nhìn qua ta có thể nhầm đó là những con thuyền lớn đang đua nhau vượt trên đại dương.
Trong ngôi nhà dài, gia chủ thường dành từ ba gian trở lên về phía cầu thang chính để làm phòng khách, còn lại là phòng ngủ của gia chủ và các con cháu về phía dòng họ mẹ. Mỗi cô con hoặc cháu gái cưới chồng về được nối thêm một gian vào ngôi nhà chung để ở, vì thế có ngôi nhà dài rất nhiều gian có ba bốn thế hệ cùng chung sống. Trong phòng khách, ở gian giữa đặt một cái bếp hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng năm gang tay, đắp đất cao hơn sàn nhà độ một ngón tay, khi nào cũng đỏ lửa. Khách đến hay bạn bè con cháu khi có việc quây quần quanh bếp lửa trò chuyện, trao đổi; còn sau bữa cơm chiều thường tụ tập lại trò chuyện, nghe kể khan…
Cuộc sống thanh bình ấy của nhiều buôn người Êđê, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk trong những năm 1980 đã không còn bởi sự hoạt động phá hoại của bọn phản động Fulro. Chúng giết người, cướp lương thực và lôi kéo thanh niên vào rừng gây nên cảnh: cha mất con, vợ mất chồng, người trong buôn nghi kị lẫn nhau… Trước tình hình ấy, Công an huyện được tăng cường về các buôn kết hợp cùng lực lượng 04 và du kích truy quét Fulro và phát động nhân dân kêu gọi những người lầm đường, lạc lối trở về tái hòa nhập cộng đồng, mong mang lại bình yên cho nhân dân địa phương.
Đêm Tây Nguyên đang mùa khô, từng cơn gió lồng lộn, gào thét tràn qua rừng già tạo nên tiếng động như có bầy voi điên ầm ầm lao tới, trước khi cái lạnh buốt ùa đến lướt trên da thịt từng người. Tổ Công tác được điều động về buôn có sáu người, do đồng chí Trần Toán làm Tổ trưởng, chọn nhà ama Y Linh, buôn Kram, xã Ea Ktur ở nhờ vì gia đình có một người con trai đã trốn vào rừng theo Fulro. Cách Đội công tác chọn gia đình có con theo Fulro để ở cũng ngầm khẳng định với người dân, chế độ ta không thành kiến với gia đình họ, luôn xem mọi gia đình như nhau, dù con cái họ đã đi theo bọn phản động.
Đúng 19 giờ, mấy anh em quây quần quanh bếp lửa nhà dài hội ý, đồng chí Trần Thành được phân công đi tuần cùng với anh em du kích ca đầu, cười toét miệng, khoe hết cả hai hàm răng ám khói thuốc lên nói: “Cho em bắn một phát cho đỡ thèm nhé”, nói xong vớ cây điếu cày dựng bên cột nhà, gần bếp châm lửa hút. Tiếng chiếc điếu kêu lên: r… é… t, ngân dài, rồi phun ra một làn khói xanh, trước khi ôm khẩu AK bước xuống cầu thang.
Trần Thành vừa bước khuất vào màn đêm, Lê Bảy chạy lại cầm ống điếu cày đến bên gốc cột có treo ngọn đèn hoa kỳ, mở bóng, dùng tay trỏ quyệt nhọ rồi bôi lên miệng ống điếu. Nguyễn Ngọc Lâm ngồi phía đối diện vội kêu lên: “Làm gì vậy?”. Lê Bảy vui vẻ nói: “Cả tổ mình chỉ có Trần Thành nghiện thuốc lào, tặng hắn bộ râu cho đẹp”, mấy người ngồi quanh bếp cười ngả nghiêng.
-Có chuyện gì mà vui thế?
Bất chợt có tiếng nói từ đầu cầu thang vọng vào, rồi một người tầm thước bước vào, cả nhóm đang ngồi quanh bếp lửa vội đứng bật dậy, khoác súng AK lên lưng reo lên: “Anh, anh xuống ạ”! Lê Thi – Trưởng Công an huyện Krông Ana bất ngờ xuất hiện, làm mọi người vui vẻ hẳn lên. Lê Thi vui vẻ chào lại anh em rồi kéo khúc gỗ bên bếp lửa ngồi xuống, với tay cầm cây điếu cày dựng bên gốc cột bỏ thuốc vào nỏ, châm lửa… Thấy vậy Nguyễn Ngọc Lâm ngồi phía đối diện hoảng hốt kêu lên: “A… nh!” nhằm ngăn lại nhưng không kịp. Lê Thi châm lửa kéo một hơi dài, tiếng chiếc điếu kêu: r… é… t, vang lên như tiếng cười.
Hi hi, ha ha… mấy anh em ngồi bên bếp lửa nhìn Trưởng huyện Công an không nhịn được cười nên bật lên thành tiếng làm Lê Thi cũng không khỏi ngạc nhiên nhìn mọi người xung quanh nên nhìn thẳng vào Phạm Huỳnh, hỏi: “Cậu cười gì thế”? Phạm Huỳnh lúng túng: “Dạ, không có gì đâu anh”! “Ơ, mình hỏi tại sao các cậu cứ nhìn mình mà cười”? Cả nhóm lặng ngắt, không ai còn dám cười nữa, Trần Toán cố nhịn cười, mồm méo như mếu, đứng lên đi lấy gương mang lại; Lê Thi soi gương cũng phải bật cười thành tiếng khi thấy một vòng nhọ đen sì quanh miệng. Trả gương lại cho Trần Toán, Lê Thi nghiêm mặt hỏi: “Ai bày ra trò này”? Nguyễn Ngọc Lâm ấp úng trả lời: “Anh em trong đội thấy Trần Thành hay hút thuốc lào nên đùa một chút không ngờ anh đến ạ”. “Các cậu là Công an xuống đây ở với dân để đánh địch sao lại đi bày trò trẻ con thế này, anh nào làm”? Tất cả mọi người thấy lãnh đạo nóng nên ngồi lặng ngắt. Lê Thi lại hỏi: “Lê Bảy, phải không?” “Dạ, không phải em ạ”. “Không phải Lê Bảy, ai làm thì đi lấy xà bông lại đây”!
Đúng lúc đó Trần Thành lao lên cầu thang, chạy lại bên Lê Thi, ghé tai nói nhỏ. Lê Thi đứng bật dậy: “Các đồng chí, chuẩn bị xuất phát”!        Mọi người đứng bật dậy bước lại giá khoác thêm túi đạn vào người. Lê Thi bước đến bên Ngọc Lâm chỉnh lại ba băng đạn đeo trước ngực, ba băng đạn đeo sau lưng cho đúng quy định; nhắc mọi người xoa thuốc DEP chống vắt vào tay, chân… xem vết kem đánh răng xoa vào vành tai bên phải mỗi người đã đủ lớn chưa để người đi sau nhận biết được trong đêm tối, rồi nói: “Cơ sở ta báo có một toán Fulro vừa đi qua khu dinh điền cũ về phía Ea Bhôk, ta bí mật bám theo, tiêu diệt gọn nhóm này lấy lại niềm tin cho nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với anh em lực lượng 04 và du kích, tuyệt đối chấp hành đúng quy định, giữ vững cự ly đội hình và thật bình tĩnh khi xử lý tình huống. Chúc các đồng chí chiến thắng. Xuất phát”!
Sáu anh em bước xuống cầu thanh đã thấy lực lượng 04 đợi sẵn. Tất cả đi theo đội hình hàng dọc, âm thầm rời buôn, mỗi người cách nhau một mét. Trời xanh cao vòi vọi chỉ thấy những vì sao nhỏ bé lấp lánh xa xăm. Thỉnh thoảng một cơn gió ùa tới mang cái cái hơi thở lạnh buốt của rừng đêm.
Mọi người từ từ xuyên đêm tiến lên, khẩu súng AK trước ngực sẵn sàng nhả đạn khi phát hiện được kẻ thù. Đội trưởng Trần Toán, người có nhiều kinh nghiệm truy quét Fulro đi phía sau lực lượng 04, Ngọc Lâm được bố trí đi ngay phía sau Đội trưởng. Rời Trường An ninh tại thành phố Đà Nẵng, Ngọc Lâm – người con quê hương Quảng Ngãi về nhận công tác tại tỉnh Đắk Lắk chưa lâu và đây là lần đầu tiên tham gia truy quét Fulro, hình như cũng hơi hồi hộp. 
Vượt qua con suối, nước ngấm vào giày lạnh buốt như kim châm; rồi leo dốc xuyên rừng già. Trời tối đen, người đi sau chỉ nhận ra người đi trước nhờ vết sáng bên vành tai phải bôi kem đánh răng Hynôt có chất dạ quang. Cả đoàn lặng lẽ bước đi không để vang lên dù một tiếng động nhỏ nhất, mắt mở to hết cỡ quan sát. Lên núi, mọi người đi chậm lại, lực lượng 04 đi trước dò đường; các anh ấy là những người dân bản địa, thông thuộc địa hình và có biệt tài đi rừng; đi một đoạn lại nằm xuống áp tai vào đất để kiểm tra xem phía trước có người đi không; mắt nhìn xuyên qua màn đêm để lần tìm dấu vết bọn chúng để lại trên đường. Đi một đoạn lại dừng để trinh sát đi trước dò đường, đảm bảo an toàn cho đội hình hành quân phía sau. Mỗi lần dừng lại, đám muỗi không ngừng lao vào mặt, vào tai tranh nhau đốt như ong vỡ tổ. Nhưng khủng khiếp nhất là lũ vắt, những con vắt nhỏ bé như que tăm, bám vào áo quần rồi leo lên tận cổ, vành tai mới cắn; khi thấy ngứa, giơ tay gãi thì chúng đã to như chiếc đũa, trơn tuột rơi ra…
Bọn phản động Fulro đã gây biết bao nhiêu tội ác với người dân Tây Nguyên nói chung và người dân huyện Krông Ana nói riêng. Đêm 02.7.1982, bọn chúng tập kích vào buôn Ea Kur A giết chết hai vợ chồng giáo viên – những người mang cái chữ đến cho người dân nơi đây. Nhìn những vết đạn xé nát thân thể hai vợ chồng nhà giáo, nhiều người không cầm được nước mắt, trong số đó có Công an trẻ Nguyễn Ngọc Lâm; anh thầm hứa với mình: tội ác phải bị pháp luật trừng trị có thế mới mang lại bình yên cho nhân dân. Đau xót hơn, ngay trưa hôm sau khi tìm thấy thi thể của đồng chí Phó trưởng Công an xã Ea Kur bị Fulro tập kích, bắt mang ra suối hành quyết. Bọn thú đội lốt người chẻ cây nứa làm sáu, bắt đồng chí ấy cầm rồi tuốt, làm nát hết cả hai bàn tay; vót cây nhọn đâm nát cả thi thể… Sự tàn bạo của Fulro không chỉ nghe qua sách vở mà được tận mắt chứng kiến đã thôi thúc những người có lương tâm nói chung và các đồng chí trong ngành Công an nói riêng kiên quyết truy lùng, quyết sạch bọn chúng để mang lại bình yên cho cuộc sống.
Nguyễn Ngọc Lâm biết mình đang phải đối chọi với khó khăn, thách thức của thiên nhiên khắc nghiệt, của rừng đêm để hoàn thành nhiệm vụ. Không diệt cái ác sẽ không có chỗ cho cái tốt phát triển. Nhiệm vụ của người Công an rất vẻ vang, vinh dự: phòng ngừa, ngăn chặn cái xấu và khi cần tiêu diệt cái ác để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân. Thực thi công vụ thì khó khăn, gian khổ mấy cũng phải cố gắng hoàn thành; không tiếc xương máu của mình khi đã tình nguyện đứng vào hàng ngũ Công an nhân dân.
Gần sáng, mọi người đã thấm mệt, từ đầu hàng truyền xuống: Phía trước có địch. Đồng chí chỉ huy lực lượng 04 bò xuống trao đổi với Trần Toán: “Địch cách ta khoảng 50 mét trên triền núi phía trước mặt, bọn chúng vừa dừng lại nghỉ”. “Ta chia ba mũi tấn công như kế hoạch, lấy tiếng súng bên các đồng chí làm hiệu lệnh” – Trần Toán thì thào trả lời. Ngay lúc ấy, một tia sáng lóe lên, tiếng bọn Fulro vọng đến, rồi một tên xách xoong, cầm đèn pin đi thẳng xuống đội hình của ta. Đồng chí chỉ huy lực lượng 04 xin nổ súng vì sợ lộ. Trần Toán nhận định: Tên này xuống suối lấy nước lên nấu ăn, lúc này bọn chúng đang cảnh giác cao độ, đánh chưa chắc thắng hoàn toàn mà bên ta có thể bị thương vong. Để nó lấy nước lên nấu ăn, chờ lúc chúng lơ là ta nổ súng mới tiêu diệt gọn được.
Thời gian khoảng hai mươi phút sao mà dài đến thế, quân ta bí mật bò lên, áp sát, nòng súng hướng thẳng vào đám địch trước mặt. Lòng hồi hộp, trái tim đập như trống làng, Nguyễn Ngọc Lâm thầm nghĩ: Đây, những con thú đội lốt người đã xả súng bắn, giết cả hai vợ chồng nhà giáo lương thiện, hết lòng yêu thương học sinh và nhân dân trong vùng. Đây, kẻ thù xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tàn phá bao nhiêu gia đình người dân bản địa và chính chúng đã dùng những hành động dã man như thời trung cổ sát hại đồng chí Phó Công an xã… lòng căm thù trào lên nòng súng.
Sự kiên trì bám địch cuối cùng cũng đến đúng thời cơ, khi cả đám bỏ súng chúi đầu vào xoong cơm vừa đặt xuống đất. Mệnh lệnh phát ra: Bắn! “Pằng, pằng...”, tiếng AK điểm xạ mở màn trận đánh, kẻ địch bị bất ngờ, chồm lên để lấy súng nhằm chống trả nhưng đã muộn. Trận đánh nhanh, gọn kết thúc; toàn bộ nhóm Fulro bị xóa sổ. Tội ác đã bị trừng phạt.
Nguyễn Ngọc Lâm, người Công an trẻ năm xưa tham gia trận đánh đó, nay là Thượng tá – Phó trưởng Công an huyện Krông Ana ngồi trước mặt tôi, tóc đã bạc, khuôn mặt tròn có thêm nhiều nếp nhăn; đôi mắt thông minh, sắc sảo, nói thêm: “Sau trận đánh, chúng ta về họp dân, phát động quần chúng tố giác tội phạm. Nhiều gia đình có con theo Fulro chạy vào rừng hiểu ra đã vận động chúng quay về đầu thú, trong đó có cả con ông chủ nhà mà đội chúng tôi ở trước lúc xuất phát đánh địch. Một thời gian sau nữa, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng cơ sở chúng ta đã quét sạch bọn Fulro lẩn trốn trong rừng, bóc gỡ các cơ sở chúng cài cắm, mang đến cuộc sống thanh bình cho người dân nơi đây yên tâm lao động, sản xuất”.
Hôm nay, đa số người dân huyện Krông Ana đã có cuộc sống hạnh phúc, đang tìm cách nâng cao năng suất cây trồng, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nhiều hộ dân người bản địa thoát khỏi cảnh đói nghèo; nhà nào cũng được dùng điện lưới Quốc gia, có ti vi, xe máy… nhà khá giả sắm thêm ô tô, máy cày và nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại khác. Đạt được điều ấy có công rất lớn của những người Công an nhân dân nơi đây đã thể hiện: bản lĩnh, nhân văn vì nhân dân phục vụ khi thực thi nhiệm vụ của mình.
                                                                                    Tháng 4 năm 2019

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

CUỘC CHIẾN KHÔNG KHÓI SÚNG bút ký của TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT - CHƯ YANG SIN SỐ: 321 tháng 5 năm 2019


Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”





  
Chiều xuống chậm như kéo lưới, ráng chiều đỏ ối một vùng trời. Những sợi nắng nhàn nhạt chới với giữa tầng không. Chị V.Y.D thở dài, đôi mắt hoang hoải thả dòng suy tư của mình miết trôi vào ký ức với bao nỗi thăng trầm.
Bao ẩn ức như được tuôn theo dòng nước mắt. Mười chín tuổi, chị tìm được bến đỗ bình yên bên người chồng chịu thương chịu khó tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Những tưởng niềm vui luôn được chắp cánh trong ngôi nhà nhỏ khi đứa con gái đầu lòng chào đời, hai vợ chồng vui mừng đặt tên cho con là N.N.D.A. Nhưng ông trời giỏi trêu ngươi, cái kiếp đàn bà sao lắm nỗi truân chuyên, chồng chị ra đi trong một cơn bạo bệnh. Sau những ngày chồng mất, chị như người đắm đò, chới với giữa mênh mông sông nước. Đang lúc chênh vênh giữa cuộc đời, người đàn ông Nguyễn Công Tuấn Bằng đã đến và sưởi ấm trái tim chị bằng những lời hứa hẹn ngọt ngào về một tương lai rực sáng. Chị tan mềm trong những lời hứa bọc đường và tin rằng từ nay mẹ con chị có chỗ dựa vững chắc. Chị bồng con theo Bằng về Huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum để xây dựng hạnh phúc. Cứ nghĩ rằng, hạnh phúc sẽ được nối dài mãi mãi khi hai người có chung một đứa con gái. Nhưng niềm vui của chị “ngắn chẳng tày gang”,  hạnh phúc của chị như một lâu đài bằng cát, mỏng manh dễ đổ khi Bằng hiện nguyên hình là một tên cờ bạc, thường xuyên đánh đập chửi bới vợ con. Không thể cam chịu mãi cảnh đọa đày, chị đành ôm hai đứa con quay về nhà mẹ tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk. Chị về nhưng luôn mang một sự sợ hãi trong lòng, sợ Bằng sẽ không buông tha cho mẹ con chị. Sự sợ hãi đó đã đến, chiều ngày 14.12.2017, khi đang miệt mài hái cà phê, chị dừng tay bởi tiếng chuông điện thoại dồn dập trong túi áo. Chị nghe đầu dây bên kia tiếng của người đàn ông đã từng đầu gối tay ấp với mình mà cứ ngỡ là tiếng sét giáng vô tai: “Tao đã bắt con bé D.A. Mày muốn gặp lại nó, sáng mai qua thành phố Plei Ku đưa cho tao một trăm triệu đồng. Nếu  mày báo công an thì sẽ không còn cơ hội gặp lại nó nữa. Mày nghe rõ chưa?”. Chị như người bị trúng cơn gió độc, mọi vật xung quanh chao đảo quay cuồng, cảm giác như đang rơi xuống vực thẳm.
Hoàng hôn buông tím thẫm trên thị trấn vùng cao, gió bấc tràn về ồ ạt, bủa vây tất cả. Trước trụ sở Công an huyện Krông Búk rừng thông vẫn hiên ngang đón từng cơn gió lạnh. Trong phòng họp, Thượng tá Nguyễn Văn Vy – Phó trưởng Công an huyện và các đồng chí phụ trách công tác điều tra họp bàn để lên phương án giải cứu cháu N.N.D.A. Cử Tổ Công tác gồm Thượng úy Hoàng Bá Hùng, Thiếu úy Y Ngưu Ayun và Thiếu úy Nguyễn Hữu Quân sang Gia Lai giải cứu cháu D.A. Kết thúc cuộc họp, Thượng tá Nguyễn Văn Vy nắm chặt tay 3 chiến sĩ của Tổ Công tác căn dặn: “Các đồng chí cố gắng chạy đua với thời gian để đưa cháu D.A trở về an toàn càng sớm càng tốt”.
Tổ Công tác cùng chị V.Y.D lên đường đến Gia Lai. Xe lao vút vào con đường hun hút gió. Hai bên đường, nhà nhà đã lên đèn, mọi người quây quần bên bữa cơm gia đình. Trong thời gian mọi người được sống trong sự yên bình và đầm ấm ấy thì với các anh, những người đã quen gió sương, gian khổ luôn phải rong ruổi trên mọi nẻo đường, nhiều lắm những bữa cơm cha mẹ đợi con, vợ đợi chồng, con đợi bố. Nhưng vượt lên tất cả, với trách nhiệm của người chiến sĩ công an là phục vụ nhân dân, các anh âm thầm, lặng lẽ để hoàn thành trọng trách của mình, đó là đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Và cũng thật may mắn khi các anh đều có được sự thấu hiểu của người bạn đời, sự cảm thông của gia đình.
Đêm càng về khuya càng lạnh nhưng trong lòng của các chiến sĩ như đang có lửa. Đầu các anh căng như dây đàn với bao suy tính, bao tình huống đặt ra trong việc giải cứu cháu bé. Bên cạnh, tiếng chị D nấc nghẹn, tiếng khóc xé lòng lẫn trong gió buốt. Nhìn người mẹ như hóa điên vì lo lắng cho con, trái tim của các chiến sĩ như mềm nhũn, cổ họng nghẹn đắng. Là những người đã làm cha, các anh có thể cảm nhận được sự thiêng liêng của tình mẫu tử cũng như thấu hiểu được nỗi đau khi người mẹ sợ mất đi đứa con bé nhỏ.
- Chúng tôi hiểu được tâm trạng của chị lúc này, nỗi lo của chị cũng là nỗi lo của chúng tôi. Mong chị bình tĩnh để còn phối hợp với chúng tôi khi ông Bằng gọi điện tới. Nếu để mất bình tĩnh, chỉ cần một sơ hở nhỏ trong lúc nói chuyện với ông ta cũng sẽ làm nguy hại đến con gái. Chị hãy tin tưởng vào chúng tôi, rồi cháu sẽ trở về an toàn.
Dù đang vật vã từng phút vì lo cho sự an nguy của con gái nhưng với sự quan tâm và chia sẻ của các chiến sĩ, chị phần nào vơi đi nỗi sợ hãi.  Chị cảm nhận được sự lo lắng không riêng gì chị mang, trong lòng các chiến sĩ cũng đang trĩu nặng lắm. Nhưng các anh đã biến nỗi lo thành hành động, dùng khối óc và trái tim để giúp chị ứng phó với các cuộc gọi đầy chất “giang hồ” của kẻ tống tiền, giúp chị khéo léo vỗ về đối tượng, tránh làm cho hắn bị kích động. Chị hiểu rằng, đây là một cuộc chiến không khói súng nhưng rất căng thẳng, các chiến sĩ phải cân não để giúp chị đấu trí với đối tượng, không có các anh hướng dẫn thì một người đàn bà “chân chất” như chị không thể ứng phó được với một người lọc lõi như tên Bằng.
Bình minh đã ló dạng, chuẩn bị bước sang ngày mới nhưng Bằng vẫn chưa quyết định địa điểm để "giao dịch". Suốt đêm quay cuồng làm theo "lệnh" của tên tội phạm, các chiến sĩ và chị D mệt rã rời. Thêm một cuộc gọi đầy chất giang hồ khi Bằng đổi ý không “giao dịch” ở Gia Lai nữa: “Mày đón taxi sang Kon Tum ngay. Nhớ đưa tiền đủ, thiếu thì tao sẽ chặt tay, xẻo tai con bé. Nếu phát hiện ra có ai đi cùng mày thì đừng bảo tao là kẻ độc ác, khi ấy có hối hận cũng không kịp nữa”. Chị thấy rối bời, nức nở trong tiếng khóc, đầu dây bên kia tên Bằng gằn lên từng tiếng: “Khóc cái gì, bí mật đưa tiền cho tao thì tao trả con cho”. Các chiến sĩ đã chuẩn bị câu trả lời được ghi trên giấy cho chị: “Anh đừng làm liều, tiền nong tôi đã chuẩn bị đủ. Nhưng tôi là đàn bà sang đây chỉ có một mình lại mang theo số tiền lớn, tôi lo lắm, lỡ gặp cướp thì nguy. Anh nhanh cho biết địa điểm để tôi giao tiền”. Đầu dây bên kia, khi nghe chị D nói “lỡ gặp cướp”, hắn cũng lo lắng, nếu số tiền kia chẳng may bị cướp thì bao công sức của hắn cũng mất hết, giọng hắn chùng xuống: “Cẩn thận nha, khoảng một giờ nữa thôi, mày sẽ được gặp con”.
Trên đường đến Kon Tum, hắn bắt chị D đổi taxi liên tục, mỗi lần đổi phải để hắn nghe tiếng tổng đài của hãng. Đến thành phố Kon Tum, hắn hẹn địa điểm “giao dịch” tại đập tràn thuộc xã Đắk Ui, huyện Đắk Hà. Sau khi trao đổi, Công an huyện Đắk Hà cho biết, nơi vào đập tràn ấy chỉ có một lối mòn đi vào, rất hiểm trở. Đứng trong đập tràn có thể quan sát được mọi động tĩnh từ phía ngoài, khó khăn trong việc bố trí lực lượng giải cứu cháu bé. Theo sự hướng dẫn của các chiến sĩ trong Tổ Công tác, chị D. thuyết phục Bằng chọn địa điểm khác nhưng hắn nhất quyết không chịu. Các chiến sĩ ra hiệu, Chị D liền chuyển điện thoại để hắn nói chuyện trực tiếp với tài xế. Hắn dụ tài xế, chở chị D vào nơi hắn yêu cầu, hắn sẽ trả gấp đôi tiền. Nhưng tài xế nhất định không chịu đi, vì đường vào xã Đắk Ui rất nhiều ổ voi lại vắng vẻ, lỡ hư xe dọc đường thì không biết tìm nơi sửa ở đâu. Sau một lúc không thuyết phục được tài xế, hắn đồng ý địa điểm “giao dịch” gần cây xăng Thanh Phương thuộc xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà. Thế trận bao vây đã được triển khai quanh khu vực, ở các mũi phục kích gần chị D, Tổ Công tác đã ém sẵn. Từng phút trôi qua, mắt chị D rơm rớm và đỏ hoe trông đợi chiếc xe chở con gái mình đến. Một chiếc ô tô trắng lượn qua lượn lại mấy vòng. Thấy chị D ôm túi đen đứng một mình, xung quanh không có ai, chiếc xe màu trắng dừng lại, cánh cửa kính được kéo ra. Không gian xung quanh như chững lại, tim chị D đập thình thịch, chân tay bủn rủn. Chị nói ngắt quãng: “Con... tu...i đâu?”. “Nó ở trong này, tiền đâu?”. “Cho tui... thấy... con rồi tui đưa… tiền”. Cửa kính phụ của xe mở ra. Bé D.A hét lên: “Mẹ ơi! Cứu con”. Mặc dù đã được các chiến sĩ công an dặn kỹ là để cháu bé xuống xe rồi mới đưa túi màu đen. Nhưng khi thấy con gái, chị Duyên như quên hết, vội vàng cầm túi đưa cho Bằng và kéo cháu D. A xuống xe theo cửa kính phụ. Khi bé D.A chưa ra khỏi xe, Bằng phát hiện túi màu đen chỉ toàn là giấy, Bằng lồng lên như một con thú dữ. Hắn vớ lấy con dao tự chế truy sát chị D. Nhanh như cắt, Thượng úy Hoàng Bá Hùng phục kích gần nhất lao đến để bảo vệ mẹ con chị D. Cơn khát máu đã biến Bằng thành con thú dữ thực sự, hắn đâm liên tiếp vào anh, vừa tránh vừa tìm cách khống chế tên Bằng, nhưng tay không khó đánh lại với kẻ cầm hung khí. Anh bị hắn đâm ba nhát vào cánh tay phải, đứt động mạch cánh tay phải, máu chảy lênh láng. Bị thương nhưng anh vẫn cố ngăn cản đối tượng khi hắn vẫn quyết đâm chết chị D. Cùng lúc ấy, Thiếu úy Y Ngưu Ayun và Thiếu úy Nguyễn Hữu Quân nhanh chóng lao đến bắt giữ tên Bằng. Sau khi bắt giữ được tên Bằng, Thiếu úy Y Ngưu Ayun và Thiếu úy Nguyễn Hữu Quân mới biết mình cũng bị thương vì thấy đau nhoi nhói ở tay. Người chiến sỹ trẻ Hoàng Bá Hùng quỵ xuống vì mất máu quá nhiều. Trước khi ngã xuống, anh vẫn cố nhìn bé D.A, miệng thì thào: “Cháu bé đã an toàn, xong việc rồi các đồng chí à”, nói rồi, anh ngã xuống trong vòng tay đồng đội. Tiếng xe gầm rú nhanh chóng đưa ba chiến sĩ trong Tổ Công tác đến bệnh viện cấp cứu. Thiếu úy Y Ngưu Ayun và Thiếu úy Nguyễn Hữu Quân bị thương phần mềm. Thượng úy Hoàng Bá Hùng bị thương tật vĩnh viễn 22%. Hiện anh đang làm thủ tục đề nghị Bộ Công an cấp giấy chứng nhận thương binh hạng A.
Vụ án xảy ra hơn một năm nhưng trong lòng chị V.Y.D vẫn còn nguyên sự cảm phục với các chiến sĩ công an dũng cảm vì nước quên thân, vì dân phục vụ, dám dấn thân, không ngần ngại trước hiểm nguy, quyết tâm bảo vệ tính mạng cho mẹ con chị. Hành động cao đẹp đó đã khắc sâu thêm hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng quần chúng, dám hy sinh bảo vệ bình yên cho cuộc sống.