Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

LỜI NGUYỀN truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 339 THÁNG 11 NĂM 2020

 


Tiếng chiêng từ bãi tha ma của buôn bên cạnh lan tỏa trên mặt sông, vọng về nghe não nùng, bi ai. Ông Thạch phi xe máy đến khu vực người ta đang tổ chức làm lễ bỏ mả tìm hỏi tin con. Bọn trẻ nói cho ông biết, con trai ông đi cùng con gái già làng buôn Pao bơi thuyền ngược sông từ sáng mà chưa thấy về. Lòng nóng như có lửa đốt, ông Thạch chạy vội vào đám lễ tìm già làng – ama(1) H’Uyên. Thấy ông Thạch đến, già làng đang ngồi vít cần rượu giữa đám đông, mắt sáng lên, bảo:

- Bác sỹ đến à, vào đây đi.

- Mình không uống rượu đâu, già làng có biết H’Uyên mất tích chưa?

- Cái gì?

Dù đang ngà ngà say, khi nghe nhắc đến cô con út yêu quý như một báu vật Yang ban, già làng cũng giật mình trợn mắt lên, hỏi lại. Ông Thạch nhắc lại:

- Sáng nay nó đi ngược sông đến giờ vẫn chưa về.

- Ngược sông, lên rừng Yang(2)?

Miệng hỏi lại, nhưng mắt già làng trợn tròn, đứng bật lên nắm lấy vai ông bác sỹ, hỏi dồn:

- H’Uyên đi một mình hay còn ai đi cùng nữa không?

- Bọn trẻ bảo đi cùng con trai tôi và Y Nhớ.

- Nó đi ngược sông thật à?

- Bọn trẻ nói thế!

- Yang ơi!

Già làng đưa hai tay lên trời, kêu lên một tiếng nghẹn ngào rồi gục luôn xuống mặt đất như cây chuối bị chặt gốc. Không biết do ai báo, hay tại tiếng chiêng bỗng nhiên dừng lại mà người từ phía trước, phía sau ngôi mộ bước đến; người từ các lùm cây trong bãi tha ma kéo ra, đứng xung quanh ông bác sỹ và già làng từ lúc nào, đông kín.

Một người đàn bà mặc độc chiếc váy mới, mặt nhàu nhĩ, rẽ đám người bước vào, nắm tay già làng lắc lắc:

- Đi tìm H’Uyên đi, chắc nó bị lạc trong rừng Yang rồi.

- Rừng Yang, lạc trong rừng Yang… lời nguyền…

Già làng quỳ xuống, rồi ngửa mặt nhìn lên trời, hai tay giơ cao như muốn nói với trời cao sự bất lực của con người trước thánh thần. Người đàn bà vừa đến là amí(3) của H’Uyên, chồm lên nắm lấy hai tay già làng kéo xuống, miệng rên rỉ:

- Dậy, dậy, đứng lên đi tìm H’Uyên, mấy đứa chúng nó mới sống qua có mười ba mùa rẫy(4) thôi, Yang không hại nó đâu.

Lão thầy cúng mặt bôi đầy những vạch ngang màu đen, đỏ, trắng, vàng, trông như con quỷ dữ, say ngất ngưởng bước đến bên già làng nói:

- Lời nguyền của rừng Yang không thể trái được, ai vào đó sẽ bị trừng phạt.

Người phụ nữ nói như khóc:

- Đi, đi tìm bọn trẻ kẻo không kịp. Chắc chúng lạc trong rừng Yang thôi. Một ngày rồi, chúng ăn gì, uống gì để sống đây. Khổ!

Người phụ nữ nói chưa dứt câu, lão thầy cúng đã phán:

- Không vào đó được đâu, ai vào đó sẽ không bao giờ về nhà nữa; lời nguyền của Yang có trong khan(5) vậy đấy .

Nghe đến đây cả đám người đến mấy trăm người vội quỳ xuống, giơ hai tay lên trời vái lạy. Ông Thạch đứng bên cạnh túm tay già làng kéo đứng lên, bảo:

- Nhưng nếu chúng nó không vào rừng mà đi trên sông, bị lật thuyền bây giờ đang lang thang trên bờ sông tìm đường về thì sao? Chúng đói, khát, kiệt sức và thú dữ rình rập nữa đấy. Ông không đi thì tôi đi một mình vậy.

- Lời nguyền, Yang sẽ trừng phạt cả buôn ta; không ai được đi!

Lão thầy cúng đứng bên nói xong vung tay lên như múa, làm cả đám người lại quỳ xuống vái, lạy lão. Già làng đứng dậy nhìn lão thầy cúng, nhìn đám người xung quanh rồi nói với ông bác sĩ:

- Tao phải đi tìm lũ trẻ, không còn chúng nó thì ta sống để làm gì?

Già làng loạng chọang bước đi, hướng ra bến sông. Cánh đàn ông đang quỳ lạy nghe thấy thế cũng đứng bật cả dậy nhìn lão thầy cúng rồi nhìn theo ông Thạch, vẻ mặt ngơ ngác.

 Tin H’Uyên – con gái út già làng biến mất khi ngược sông lên rừng Yang lan nhanh hơn ngọn gió thổi, mạnh hơn bão lớn ập về; người ta bỏ đám cúng lễ bỏ mả, bỏ nghĩa địa nơi có nấm mộ đang được cúng tế để ra bến lấy thuyền đi tìm. Ai cũng biết, từ lâu, lâu lắm rồi, lâu như trong lời khan kể lại rằng thượng nguồn dòng sông trước buôn có khu rừng của Yang cấm con người đặt chân tới; thế mà con gái già làng lại cùng bạn Doan(6) tìm đến đó… lành ít, dữ nhiều. Có lẽ mọi người tin già làng nên dũng cảm bước qua lời nguyền lên thuyền, ngược sông tìm người. Nhiều phụ nữ đã không cầm được nước mắt khi nhìn đoàn thuyền của cánh đàn ông trong buôn hối hả bơi đi, lòng nghĩ đến kết cục xấu nhất.

Hơn ba chục chiếc thuyền, thuyền nào cũng chở bốn hoặc năm người bơi ngược dòng, mắt nhìn đăm đăm về phía trước, khuôn mặt đầy lo lắng. Màn đêm ập xuống rất nhanh, người ngồi trên mũi thuyền bật lửa đốt đuốc làm sáng rực cả khúc sông, giống một con rồng lửa chạy về phía đông.

***

Đẩy thuyền xuống nước, Vân ngồi phía mũi, H’Uyên ngồi giữa, Y Nhớ đẩy một cái thật mạnh cho thuyền lao ra sông rồi đu người nhảy lên.

- Cốp!

Con thuyền như húc vào hòn đá, dội ngược trở lại làm Y Nhớ vừa nhảy lên thuyền, đạp ngay vào người H’Uyên, ngã quay xuống thuyền. Vân ngồi mũi thuyền kêu lên:

- Cá sấu đấy!

Y Nhớ đứng dậy được thì con thuyền đã bị đẩy ngược trở lại, lên bờ đúng chỗ vừa đẩy thuyền ra. Mặt sông đen sì, không nhìn thấy con vật quái ác đâu cả. Y Nhớ nhảy xuống cát định đẩy thuyền ra sông lần nữa, H’Uyên bảo:

- Không ra được đâu, nó đợi ta ngoài ấy rồi.

Vân cũng nhảy xuống, góp ý:

- Trời tối lắm, không nhìn thấy nó đâu cả làm sao bắn được. Thôi đêm nay chúng ta phải ngủ lại đây, sáng mai hãy về cho an toàn. Nếu nó dám nổi lên, Y Nhớ bắn một phát trúng mắt thì xem như… xong.

- Ta kéo thuyền lên xa mặt nước một tý đề phòng đêm cá sấu bò lên tấn công.

H’Uyên đề nghị, cả ba làm theo, kéo thuyền cách mép nước đến ba chục bước chân. Vân nhìn mặt sông rồi quay nhìn khu rừng tối đen trước mặt lo lắng, nói:

- Đêm nay ta ngủ ở đây không củi lửa gì cả, lỡ hổ đến thì làm thế nào?

- Không sợ đâu, đêm nay ta ngủ ngồi trên thuyền. Y Nhớ ngồi canh, đề phòng cá sấu mò lên phía bờ sông. Vân ngồi giữa thuyền. H’Uyên ngồi phía đuôi thuyền nhìn vào rừng, canh hổ.

- Vân không đồng ý!

- Tại sao?

H’Uyên ngạc nhiên hỏi lại, Vân nói:

- H’Uyên - con gái ngồi giữa, để Vân ngồi đuôi thuyền phía rừng canh hổ cho.

- Thôi đừng tranh nhau nữa, chốc nữa Vân ngủ trước đi một lúc rồi thức dậy đổi cho H’Uyên ngủ, thay nhau cho đỡ mệt. Khi nào Vân buồn ngủ lại gọi H’Uyên dậy gác thay. Vậy được chưa?

Y Nhớ nói xong, cả ba cùng nắm chặt tay nhau. Gió lùa đến nô đùa với cành cây nghe ầm ầm như có đàn voi chạy qua. Xung quanh tối đen, bầu trời đầy sao nhỏ li ty, nhấp nháy, nhấp nháy như giễu cợt. Vân chợt nghĩ: đúng là rừng của Yang chất chứa bao nhiêu điều bí mật như đang thử thách lòng người, đành chấp nhận vậy. Thế là hôm nay trọn ngày theo bạn đi chơi, ngược sông vào rừng Yang bị lạc, đói, khát… nhưng cuối cùng cũng ra được đến sông, đúng ngay chỗ để thuyền. Những tưởng chỉ cần đẩy thuyền ra, leo lên ngồi là dòng nước đưa ba đứa về đến buôn trước khi trời tối. Không ngờ con cá sấu khổng lồ, chặn đường gây sự, cố tình húc để làm đắm thuyền nên mới dạt vào đây. Chiều nay bố đi họp về không thấy mình chắc lo lắm.

Thời gian cứ chầm chậm trôi qua. Gió lại ào đến, rừng đêm rền rĩ với những tiếng kêu của lá cây va vào nhau. Tiếng côn trùng kêu rả rích làm cho ba cái bụng chỉ còn nước sông trong đó réo lên ong óc. Cái lạnh bất chợt mò đến, H’Uyên ngồi bệt buống đất, dựa lưng vào thuyền nói:

- Bây giờ mà có tý lửa đốt lên cho ấm là sướng nhất.

- Nếu có lửa phải ra bờ sông bắt mấy con cá, nướng ăn cho ấm bụng.

Y Nhớ chép miệng góp lời, Vân cũng nói thêm:

- Tại con cá sấu ác nhơn húc nghiêng thuyền làm rơi gùi xuống sông chứ không bây giờ ta vẫn có lửa nướng thịt heo rừng ăn tạm rồi.

- H… ù… m!

Bỗng tiếng của con hổ ngay sát bìa rừng phía trước mặt vang lên, cả ba đứng bật dậy, nép sát lại với nhau. Trước mặt, hai bên chỉ có một màu đen đặc quánh. Sau lưng sóng vẫn vỗ bờ ì ọp, ì ọp! Vân tay nắm chặt cây lao, thì thầm:

- Phải quay ngang con thuyền song song với bờ sông, úp xuống; nếu cá sấu bò lên không tấn công bất ngờ phía sau được. Chúng ta ngồi tựa lưng vào thuyền, quay mặt vào rừng đề phòng con hổ mò ra.

- Vân nói đúng đấy, H’Uyên cầm lao để Y Nhớ với Vân quay thuyền.

Xoay được con thuyền độc mộc như ý muốn xong, Y Nhớ nói:

- Đưa cây lao cho Y Nhớ, vì Y Nhớ khỏe nhất. H’Uyên và Vân mỗi người cầm một mũi tên làm vũ khí, nếu con hổ đến Y Nhớ sẽ ra đâm nó trước.

- Như thế không ổn đâu.

- Sao Vân nói vậy?

Y Nhớ ngạc nhiên hỏi lại, Vân nói:

- Y Nhớ phải chuẩn bị cung tên, thấy hổ là bắn ngay, còn mình sẽ lao ra đâm vào mặt nó như thế mới có cơ hội thắng được.

- Không ngờ Vân hôm nay dũng cảm lên nhiều thế, lại nói đúng. Giờ Vân ngồi giữa cầm lao dựng đứng lên, Y Nhớ một bên, mình một bên sẽ không sao đâu.

- Tại sao lại dựng đứng mà không cầm ngang cho đễ đâm?

- Vân không biết à, con hổ mà vồ mồi bao giờ cũng nhảy lên cao mới lao xuống cắn con mồi. Thấy cây lao dựng đứng lên nó không dám vồ đâu.

Y Nhớ trả lời, H’Uyên nói thêm:

- Người già dạy thế mà.

- H… ù… m!

Tiếng hổ gầm nghe gần lắm, cả ba ngồi tựa lưng vào thuyền, mình sát vào nhau, mắt cố mở to nhìn vào bìa rừng, chờ đợi…

Bỗng H’Uyên nắm áo Y Nhớ giật giật, thì thào:

- Hình như nó đang đi đến phía trước mặt đấy, bắn đi.

- V… út!

- H… ừ… m!

 -Hừm!

Tiếng mũi tên xé gió lao đi, liền ngay theo đó là tiếng gầm của con hổ chỉ cách thuyền vài chục bước chân; tiếng thét của H’Uyên đáp lại tiếng hổ gầm. Vân nắm chặt áo Y Nhớ thì thào:

- Bắn trượt rồi thì phải.

- Ừ, mình cố tình bắn cho nó sợ thôi. Nếu bắn trúng, nó bị đau, liều lao đến thì ba đưa chúng mình sao đánh lại.

- Thông minh.

Vân hết sợ, buông tay khỏi áo bạn, khen; H’Uyên cũng đứng lên, nói:

 - Con hổ này sợ mất vía rồi, không dám quay lại đây nữa đâu.

 - Sao bạn biết?

- Con thú nào trong rừng không sợ người, nhất là khi nghe tiếng tên bay.

- Có thuyền đến kìa, chắc ama mình đi tìm đấy.

H’Uyên vui vẻ reo lên chỉ về phía tây, ánh lửa đỏ một góc trời. Cả ba lại nắm chặt tay nhau, tiếng cười lan tỏa lên mặt sông rồi cùng thi nhau gào lên:

- H… ú!

- H… ú!

- H… ú!

***

Đoàn thuyền như một con rồng lửa nối tiếp nhau bơi ngược sông. Những người cầm đuốc đứng nơi mũi thuyền giơ cao, thỉnh thoáng lại gào lên:

- H’Uyên ơ… i!

- Y Nhớ  ơ… i!

- Vân ơ… i!

Đêm về khuya, hai bên bờ sông là những cánh rừng đại ngàn huyền bí trải dài, nhại lại tiếng kêu nghe rờn rợn. Người đàn ông đứng mũi thuyền đi đầu kêu lên:

- Có tiếng hổ gầm phía trước mặt, nhanh tay lên nữa đi, chắc lũ trẻ ở đó rồi.

Già làng ngồi giữa thuyền ngửa mặt lên trời khấn vái cầu mong Yang rủ lòng thương. Mấy người ngồi trên thuyền bơi phía sau nhất loạt cùng hô ầm lên như để xua đuổi mãnh thú:

- H… ú! H… ú! H… ú!

- H… ú! H… ú! H… ú!

Vượt qua khúc quanh, bỗng ông Thạch kêu lên:

- Bọn trẻ, hình như có tiếng bọn trẻ phía trước.

- Vân ơ… i!

- Bố ơi, con ở đây.

- Nhanh lên, bọn trẻ trước mặt kia kìa.

Đoàn thuyền bơi ngược dòng mà lao vun vút rồi trườn luôn lên bãi cát, va vào nhau cốp, cốp, trước khi ngừng lại. Thuyền già làng cập bến trước, ba Vân nhảy lên bãi cát ôm chầm lấy con. Già làng loạng choạng bước lên sau, tay nắm lấy vai H’Uyên, mắt nhìn con gái không chớp, hỏi:

- Y Nhớ đâu rồi?

- Đây!

Tiếng Y Nhớ phía sau con thuyền vọng lại, mấy người vội giơ cao bó đuốc chạy đến. Y Nhớ đứng tựa vào thuyền quay lưng lại dòng sông; trên tay, cây cung lắp mũi tên dương lên, mắt vẫn hướng vào phía bìa rừng.

- Con làm gì thế?

Ama Y Nhớ thấy con đứng như chuẩn bị bắn thú, ngạc nhiên hỏi, Y Nhớ trả lời:

- C… on, con chỉ còn mũi tên cuối cùng này thôi ạ.

- Giờ thì không sao rồi, không việc gì phải sợ nữa, có lửa đây rồi.

- Ama!

Y Nhớ kêu lên một tiếng, rồi ôm chầm lấy ama. Cả đám đông quây quần lại, đốt một đống lửa to bên bờ sông để ba đứa trẻ ăn tối. Bọn chúng tranh nhau kể chuyện đã gặp hôm nay trong rừng Yang.

- Rừng trong ấy giống nhau lắm nên không nhớ nổi đâu là phía bắc, đâu là phía nam nên mới bị lạc.

- Vào rừng toàn cây to, không nhìn thấy mặt trời luôn.

- Đất trong rừng bằng như sân nhà mình ấy, chỗ nào cũng giống nhau.

Vân nói thêm:

- Trong rừng Yang có một gốc cây si to lắm, to đến mức phải ba chục già làng ôm chưa hết. Giữa gốc cây có một ngọn tháp giống tháp của người Chăm in trong sách ấy.

- Thật không?

Không biết ông thầy cúng ở đâu hiện ra, bỗng nhiên chen lại gần, giật tay H’Uyên hỏi.

- Vân nói đúng đấy, lại có cả bầy khỉ biết hái quả cây ném cho chúng con ăn nữa.

Nghe H’Uyên nói vậy, ông thầy cúng hỏi giật giọng:

- Còn nhớ đường vào đó không?

- Không ạ!

- Y Nhớ, có biết đường vào lại tháp không?

 -Con biết đường trở lại cái tháp ấy.

Vân bất ngờ lên tiếng, lão thầy cúng chân không giày dép, vội bước lên đống lửa, dẫm cả lên trên những cục than hồng, đến bên cạnh, hỏi:

- Làm sao biết còn nhớ được đường vào tháp?

- Cháu đi sau cùng, đi một đoạn cháu lại chặt vào thân cây một nhát làm dấu, nếu ông muốn vào, mai cháu dẫn đi.

Lão thầy cúng bỗng nhiên quỳ lên trên đám than hồng, rồi đưa hai tay lên trời:

- Yang ơi, lời nguyền, lời nguyền đã bị lũ trẻ này phá bỏ rồi. Ngọn tháp trong gốc cây ấy chính là tháp Yang Prong(7).

- Sao, trong rừng có tháp thật à?

Mọi người ồ lên, hỏi dồn. Lão thầy cúng không trả lời, giơ hai tay lên trời, ngửa mặt nhìn lên các vì sao nhỏ bé xa xăm, miệng không ngớt lầm rầm những câu cầu khấn không ai hiểu nổi. Một lúc sau lão mới đứng dậy nói với mọi người:

Ngày xưa, lâu lắm rồi, có một tộc người lạ chạy loạn tránh giặc từ phía mặt trời mọc lên đây sinh sống. Họ giỏi làm nghề trồng lúa, nuôi tằm, dệt vải nên cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Họ xây một ngọn tháp làm nơi thờ cúng. Không thờ Yang, không thờ cha mẹ, ông bà mà chỉ thờ bộ phận sinh dục của người đàn ông và người đàn bà. Ngày tháng trôi đi, không ai biết bao nhiêu mùa rẫy đã qua. Một ngày kia, tự nhiên lũ trẻ mới sinh ra không đứa nào sống được, bỏ đi theo Yang hết. Lũ người lớn chưa làm đã thấy mệt, tay không nhấc nổi cây lao, miệng không ăn nổi miếng thịt... Yang hiện về mách bảo lũ chúng: phải đi về phía mặt trời mọc, nơi tổ tiên xưa kia từng sống; đến bên con sông lớn không có bờ, nước mặn như muối, uống nước đó sẽ khỏi bệnh, trẻ con sinh ra mới sống được. Theo ý Yang, bọn chúng đốt hết nhà cửa rồi bỏ đi, duy nhất ngọn tháp để lại với lời nguyền: Kẻ nào bước vào khu rừng nơi có ngọn tháp sẽ không được trở về nhà nữa. Chỉ khi nào có một đôi nam nữ người Êđê đi cùng Doan đến được bên tháp rồi trở về bình an thì lời nguyên sẽ được hóa giải. Nay ba đứa trẻ này vào rừng Yang rồi trở về bình an đã ứng với lời nguyền đó rồi.

Ông thầy cúng vừa nói dứt lời, bỗng trong rừng vọng đến tiếng một con hổ gào lên như khóc:

-H… ù… m!

                                                   Nhà sáng tác Đại Lải, tháng 11 năm 2018


Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN! tác giả ĐOÀN VIẾT DOÃN - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ 339 THÁNG 11 NĂM 2020

 


 

 

“Một ngày trong chiến tranh bằng hai mươi năm lúc bình thường”, tôi đã đọc câu này trong một tác phẩm của một nhà văn Xô Viết vào năm đầu sáu mươi của thế kỷ hai mươi. Khi vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ, qua trận mạc người lính đối mặt với quân thù, trong bom đạn ác liệt, gian khổ hi sinh những thử thách cam go diễn ra từng giờ từng phút, tôi càng suy ngẫm câu ấy rất thấm thía, chí lý, phản ánh hiện thực không cường điệu, khuếch trương, thổi phồng, phóng đại tô màu đánh bóng…

“Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”, những ai đã qua Trường Sơn, ở Trường Sơn thời đánh Mỹ, càng thấu hiểu sức mạnh thần kỳ của những người lính chiến với khí thế hào hùng: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Hết thảy trên dưới đồng lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Bác Hồ, vào sức mạnh toàn dân, toàn quân đoàn kết đánh giặc với ý chí khát khao: “Không có gì quý hơn độc lập - tự do”, khẳng định thắng lợi về ta, quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”. Bằng trí thông minh và tinh thần quả cảm làm nên tất cả: “Trường Sơn xẻ dọc, dọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng”. Bấy giờ cường độ nội lực ở mỗi người đều huy động tối đa sức khỏe và trí tuệ liên tục ngày đêm không lúc nào ngơi, vì : “Miền Nam ơi! Hai mươi năm chưa đêm nào ngủ được, lửa chiến tranh còn bỏng đất quê mình”. 

Sốt rừng, đói rét thiếu thốn mọi bề nhưng người chiến sỹ đều khắc phục chịu đựng, đồng cam chia sẻ, sống chết có nhau, không nản chí sờn lòng. Có người bận quần đùi (xả lỏn) đi gùi gạo, tải đạn; đầu gối quần dài sờn đem xoay phía trước ra đằng sau; áo quần rách tự vá víu đùm túm mà dùng…

Ở chiến trường Đắk Lắk vô cùng khốc liệt đạn bom, quân thù càn quét triệt phá đủ đường, người chiến sỹ phải chịu đựng đói ăn, nhạt muối vì đường dây vận chuyển từ hậu phương vào thì xa. Mỗi chuyến đi hàng tháng ra binh trạm Nam Ea Drang B3, mỗi người cõng trung bình 30kg gạo về đến đơn vị thì đã gần hết, trên đường gặp máy bay oanh tạc, biệt kích phục, địch càn có phen chiến đấu đổ máu thương vong. Cán bộ kinh tế kinh tài, đội công tác móc nối cơ sở trong vùng địch để mua lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội và cơ quan dân chính Đảng, nhưng cũng không thể đáp ứng nhu cầu. Các đơn vị ở phía trước phải ăn độn khoai, sắn, bắp, gạo ưu tiên lúc chiến đấu, dành cho thương binh bệnh binh. Ngày ấy được bữa cơm no lấy làm sung sướng lắm. “Có ăn nhạt mới biết thương mèo”, có thời gian lính ta nhịn muối miệng nhớt lèo lèo y như nhá rau mồng tơi, người mệt mỏi bải hoải, chân tay rã rời, cho nên trong bài “Tình ca Tây Nguyên” có câu: “Hạt muối bao năm từng trông chờ mỏi mắt, anh gùi muối về trong cái chết gần kề…” Thương cảm biết bao đồng bào Khuê Ngọc Điền H9 (nay là huyện Krông Bông) thiếu muối dài ngày, lại bị sốt rét hành hạ xanh xao vàng vọt, thèm quá có người đổi một chỉ vàng lấy vài lon muối. Các đơn vị, cơ quan tổ chức đoàn người đi theo đường dây giao liên xuyên rừng, trèo đèo lội suối xuống Phú Yên hàng tháng cõng muối, có lần gặp địch càn, phục kích có người đã hy sinh. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ tại cửa khẩu Phú Yên đã chi viện cho Đắk Lắk nguồn thực phẩm, tình cảm thắm thiết ấy cho nên có câu ca đã thuộc lòng những người chiến sỹ cách mạng: “Sông Ba chảy xuống Đà Rằng/ Ai yêu Đắk Lắk cho bằng Phú Yên”.

Để bảo đảm nuôi quân chiến đấu, ngoài việc hậu cần của trên cung cấp, các đơn vị chăm lo tự túc lương thực, thực phẩm tại chỗ, tổ chức bộ phận làm rẫy tăng gia sản xuất, tỉa lúa, trồng khoai, sắn, bắp đậu… Nguồn rau xanh chủ yếu hái lượm ở rừng, ngoài nương rẫy, săn bắn muông thú cải thiện bữa ăn. Do thiếu đói phải tìm kiếm các thứ, đào củ mài, lấy trái sung, quả gắm, lính ta sưu tầm được các loại rau cứu người đỡ đói lòng xót ruột, nào măng nấm, lá bép, tai voi, khoai nưa, tàu bay, lá bứa, lá giang… Khoai môn (khoai dại), môn thục nấu nhừ cho lá chua, muối, mì chính anh em ăn ngon lành khen mát ruột rười rượi. Hèn chi truyện Trạng Quỳnh đem ninh mầm đá chiêu đãi chúa, ngài đói bụng xơi thứ gì cũng cứ tỳ tỳ khen ngon là phải. Hành quân vất vả nóng ruột vớ nắm lá giang nấu với cá suối, có món canh chua hấp dẫn kích thích vị giác húp vô miệng cảm thấy chua chua, ngòn ngọt đậm đà khoái khẩu tỉnh người. Không có cá thả vài viên dầu cá vào canh lá giang ăn cũng dễ ưa, quả cà đem giã dập với muối hạt, mì chính, sả, ớt, củ sum (hành tăm) có món cà sóc nhai giòn rau ráu, có vị cay đắng, ngọt thật là sướng miệng. Mùa mưa, sắn ra lá non, tuốt lấy luộc kỹ, vắt khô đem hầm với xương thú rừng heo, nai, mang… nêm gia vị ớt, sả, mì chính, muối ninh kiệt, có món ăn đặc biệt vừa béo, ngọt đậm, bùi bùi, cay cay rất thú vị.

“Củ khoai củ sắn thay cơm/ Khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng…” Các binh trạm, đường dây giao liên, đơn vị bộ đội đều phát rẫy trồng sắn, chỗ nào cũng có bạt ngàn là sắn. Sắn đã thủy chung với cách mạng thực sự là thượng hạng cứu bộ đội ta thời đánh Mỹ, cứu nước ở Tây Nguyên.

 “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù…”, rừng che chở đại quân ta, cho nguồn lương thực, thực phẩm đa dạng nuôi sống bộ đội những ngày chiến tranh gian khổ.

 “Miếng khi đói bằng gói khi no, của tuy tơ tóc nhưng sâu ngàn trùng”, cảm động xiết bao tấm lòng thơm thảo bao dung cưu mang của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk trong khó khăn gian khổ đã chắt chiu từng lon gạo, hạt muối, củ sắn, củ khoai, cọng rau, quả cà, trái bầu, bí… dành nuôi quân đánh giặc, giải phóng buôn làng. Chúng tôi những người chiến sỹ mãi mãi biết ơn tình yêu thương nghĩa trọng cao cả vô hạn ấy.

 “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm”, chiến tranh đã qua lâu rồi, những người lính chiến về với cuộc sống đời thường, nay đầu bạc răng long, mắt mờ chân chậm, sức khỏe xuống cấp bởi tuổi tác, sốt rét rừng, mang trong mình chất độc hóa học, vết thương nhức nhối dày vò.

Cựu chiến binh gặp nhau vẫn đằm thắm nghĩa tình đồng đội, tươi cười mừng vui mãn nguyện cảnh đất nước thái bình, hàn huyên ôn lại những năm tháng không quên một thời gian khổ hy sinh giãi bày niềm tâm sự chân tình: “Thuở đánh giặc, đang trai trẻ ăn khỏe như voi lại chả có mà ăn cho đủ, bây giờ có ăn thì không ăn được mấy”.

Lòng tôi bộn rộn xốn xang mừng vui sau ngày thống nhất nước nhà, có nhiều đổi thay nhìn trời đất mà mát tâm can. Nhân dân bình yên, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện không ngừng. Điện thắp sáng, ti vi, cát sét… xe máy đủ loại nhiều kiểu dáng đẹp xinh, ô tô đời mới sình sịch nổ giòn bon bon trên các nẻo đường thênh thang bề thế. Người người vui tươi hớn hở, những tà áo trắng phơi phới của các em học sinh mặt tươi roi rói, nói cười ríu rít lũ lượt đến trường. Thành thị, nông thôn, nhà nhà mọc lên như nấm san sát khang trang, lô nhô, cao vót tươi ngời màu xanh, đỏ… D chúc của Bác Hồ: “Đến ngày thống nhất, ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đã thành hiện thực.

“Người đang sống nhớ người đã khuất”, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Bác Hồ, các đồng chí đồng bào đã trọn đời hi sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng và bảo vệ Tổ quốc để có hôm nay...!

 

 


Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

LUẬT TỤC truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM đăng ngày 23 tháng 11 năm 2020

 

Luật tục – Truyện ngắn của Hồng Chiến

64

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong giao tiếp với thần linh, ông thầy cúng oai lắm, lão đã nói ra mọi người phải nghe theo, kể cả tù trưởng, già làng… không ai được làm trái.


Nhà văn Hồng Chiến 

Buôn O nằm lọt thỏm giữa cánh rừng đại ngàn, bên cạnh dòng sông chảy ngược hùng vĩ bắt nguồn từ phía đông, đổ nước về phía tây. Ông Tù trưởng(1) đã hơn tám chục mùa rẫy, tay còn nhấc cung bắn được con chim cu cách xa trăm bước chân. Ngôi nhà dài nhà Tù trưởng, dài như một tiếng hú có năm chục hộ gia đình cùng chung sống. Đàn voi nhà hơn chục con thả trong rừng nhờ Yang(2) chăm sóc hộ, chỉ khi nào cần đến mới vào gọi về. Đàn bò, con đầu đàn đi qua buôn hai trăm nóc nhà vẫn còn có con trong chuồng chưa ra được. Nhà nào ở đây cũng nhiều trâu, bò, heo, gà… đếm không hết. Buôn định cư nơi đây lâu lắm rồi, vì đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu. Mỗi năm làm một vụ ăn quanh năm không hết, nếu thiếu thứ gì thì vào xin mẹ rừng.

Rừng vây quanh buôn O bằng phẳng như được san lấp làm sân, thỉnh thoảng mới có một con suối xuất hiện, mang nước ra sông. Thú trong rừng nhiều như của nhà nuôi thả trong ấy, mùa khô thèm thịt rừng, cánh đàn ông rủ nhau vào bắt mang về chia cho tất cả các bếp trong buôn.

Nhà Tù trưởng có đứa cháu gái, con đầu của cháu ngoại, không những xinh đẹp lại giỏi dệt vải, may vá, thêu thùa. Thanh niên trong vùng nhiều đứa ưng bụng lắm nhưng chưa ai làm đẹp lòng cô. Vào đầu mùa khô năm ấy, cô gái theo người giúp việc vào rừng chọn vỏ cây về dệt áo cưới cho người chồng tương lai.

Đoàn người xuôi theo dòng sông đi đã lâu mà không tìm được cây ưng ý nên cứ đi mãi, đi mãi. Đêm đến ngủ lại trong rừng, cô gái thấy một con sóc rất đẹp, màu vàng, to bằng con mèo lớn, đưa hai chân trước vuốt chiếc mũi đỏ, nói:

– Muốn có cây làm vải tốt phải đi về phía mặt trời lặn một đoạn nữa mới có.

– Làm sao sóc biết?

– Không những lấy được vỏ cây ưng ý mà còn tìm được người mặc áo cưới tương lai nữa đấy.

Nghe sóc nói vậy, cô gái mắc cỡ, vung tay xua đuổi sóc, vô tình đập vào hai người nằm bên cạnh. Cả ba giật mình tỉnh giấc, trời cũng sắp sáng. Cô nằm bên phải hỏi:

– Mơ bắt được chồng hay sao mà H’Miết khua tay múa chân giữ thế?

– Chắc là Yang ban cho H’Miết một người chồng rồi phải không?

Cô nằm bên trái tiếp lời, H’Miết chỉ cười, ngồi dậy chất thêm củi vào đống lửa, có những cục than to cháy đỏ rực. Đám người đi theo giật mình, thức dậy cùng chuẩn bị bữa ăn sáng trước khi đi tiếp.

*

Mặt trời lên, chiếu những tia nắng vàng lên cánh rừng già, cô gái thúc giục mọi người đi tiếp về hướng tây. Có người không ưng, bảo đi xa quá vào đất của người buôn lạ thì sao? Cô gái bảo cứ đi đi, sắp đến nơi rồi đấy.

Gần trưa đoàn người đến gần bờ sông định dừng lại nấu ăn thì…

– H… ư… m!

Tiếng gầm như tiếng sét vang lên, một con hổ trắng xuất hiện trước mặt. Nó chậm rãi bước từng bước một tiến lại gần. Cả đám người đi theo H’Miết hoảng hốt bỏ chạy. Hình như có ai đó níu chân, H’Miết không thể bước được, mắt trợn tròn, nhìn con hổ đến gần. Chắc chắn chết rồi, mình đã làm gì không đúng mà Yang sai hổ bắt mình… H’Miết nghĩ thế, hai đầu gối hình như bị mềm ra, không đỡ nỗi cả người nữa, ngã úp mặt xuống cỏ.

Bỗng có tiêng thét vang lên:

– H… ầy!

– T… o… ét!

Kèm theo là tiếng rống của voi. Cây lao sáng loáng không biết từ đâu bay ra chắn ngay trước mặt hổ. Con hổ sợ quá, cụp đuôi quay mình chạy biến vào rừng. Tiếng cây rừng gãy đổ ầm ầm rồi một con voi lớn xuất hiện, trên cổ voi có một chàng trai cởi trần đóng khố thêu hoa văn rất đẹp, bước xuống đỡ cô gái, hỏi:

– Ở đâu đến?

– Từ đầu nguồn.

– Đến đây làm gì?

– Tìm vỏ cây dệt vải.

– Tên là gi?

– H’Miết.

Thấy H’Miết khuôn mặt như quả trứng chim phí, đôi mắt bồ câu, hàm răng trắng đều nhau như đúc từ một khuôn, nói nghe nhỏ nhẹ; chàng trai vui mừng, mời cô gái về buôn mình dùng cơm. Ama(3) chàng trai cũng là một tù trưởng giàu có, nhìn thấy cô gái con trai đưa về, trong bụng rất ngạc nhiên và ưng ý nên giữ lại. Ông sai người mổ trâu, mổ bò ăn mừng năm ngày, năm đêm rồi mới cho đưa cô gái trở về.

Chàng trai con tù trưởng cũng là người kén vợ, nhiều cô gái xinh đẹp, con các già làng, tù trưởng mang củi đến chất dưới gầm sàn(4), đều bị chàng từ chối, mang trả. Không ngờ trong đi săn lần này gặp được cô gái trong rừng nên mang lòng yêu mến. Hôm đưa cô gái ngược sông về buôn của mình, chàng tổ chức một đoàn thuyền mười ba chiếc, mỗi chiếc có bảy chàng trai khỏe mạnh, bơi ngược sông về phía mặt trời mọc.

Trong khi ấy, những người đi cùng cô gái về báo cho Tù trưởng tin dữ: Cháu gái đã bị hổ trắng ăn thịt. Cả buôn đẫm lệ, tiếng chiêng buồn thê lương vọng vào rừng già, xen trong tiếng gào khóc của đám phụ nữ. Tù trưởng quyết định làm lễ cúng cho cháu gái bảy ngày, bảy đêm rồi tổ chức một đoàn thợ săn đi tìm hổ báo thù.

Ngày cuối cùng của tang lễ, hai má tù trưởng hóp lại, mắt trũng sâu. Bọn đàn bà, con gái trong buôn đã cạn khô nước mắt. Tù trưởng ra lệnh đi gọi đàn voi của mình về. Ông thầy cúng làm lễ cúng Yang, bôi máu heo lên đầu từng con voi xin Yang phù hộ, lập công, giết được hổ trắng báo thù cho cháu Tù trưởng.

*

Đoàn thuyền ngược sông đến gần buôn, nghe tiếng chiêng buồn thảm lan tỏa trên mặt nước, cô gái nói:

– Buôn tao có người chết rồi.

– Vậy ta phải chèo nhanh lên.

Chàng trai ra lệnh, thuyền cập bến cũng vừa lúc Tù trưởng bước lên cổ voi, đưa chiếc sừng trâu rừng lên miệng định ra hiệu xuất phát. Cô gái bước xuống thuyền, vén váy chạy vội về buôn. Thật không thể tin được ở mắt mình, Tù trưởng cho voi quỳ xuống, chạy lại ôm lấy người cháu mà mình yêu quý nhất, người mà Tù trưởng đã chọn sẽ giao cho người chồng tương lai của nó thay mình cai quản vùng này.

Biết chuyện chàng trai đuổi hổ cứu cháu, tù trưởng vui lắm nên tổ chức ăn mừng bảy ngày, bảy đêm; mời người dân cả vùng về dự. Ăn mừng xong, đích thân cưỡi voi đến buôn xa hỏi chồng cho cháu. Đôi trẻ nên duyên vợ chồng.

Trai tài, gái sắc, họ sống với nhau rất hạnh phúc. H’Miết ngày ngày dệt vải, cơm nước cho chồng. Cutudi – tên chồng nàng, hàng ngày giúp Tù trưởng giải quyết công việc, được dân trong vùng kính trọng họ lắm. Mọi người tin rằng: chính Yang đã sắp xếp để H’Miết và Cutudi nên vợ nên chồng, dù nơi ở cách xa nhau nhiều lắm.

*

Đủ chín mùa trăng thêm mười ngày nữa, H’Miết trở dạ được ami đưa ra chòi rẫy để sinh – tục lệ không cho phụ nữ sinh con trong nhà. Ami dìu con gái lên chòi rồi vào rừng kiếm củ cây rừng – một loại củ chỉ có người phụ nữ Êđê biết để dùng cho phụ nữ khi sinh xong. Người nào ăn được củ ấy thì… sinh xong có thể ẳm luôn con ra suối tắm rửa, ngày hôm sau địu con lên rẫy đi làm bình thường.

Mặc dù đã được ami cho ăn củ nhưng H’Miết đau từ sáng đến chiều vẫn không sinh được, cơm không ăn, chỉ lang thang quanh quẩn ôm mấy cây cột vật vã. Cutudi lo lắm, chạy quanh rẫy để cầu xin Yang giúp đỡ mà vẫn không được. Chiều đến, Cutudi ngồi lên hòn đá trước chòi rẫy, bên cạnh dòng suối; ngửa mặt lên trời, cầu xin:

– Yang ở trên cao phù hộ cho vợ con sinh con gái; cả hai mẹ con khỏe mạnh thì phạt gì con cũng cam chịu!

H’Miết đau quằn quại mãi đến chiều, người mệt lả, gần như thiếp đi. Cửa chòi mờ mờ tối, tự nhiên bừng sáng lên, con sóc vàng bất ngờ xuất hiện ngay trước cửa chòi; hai tay để trước ngực, giương đôi mắt tròn vo nhìn H’Miết, ra vẻ buồn bả. Sóc ngồi nhìn người, người nhìn sóc một lúc lâu không nói gì.

Bỗng trên đầu sàn xuất hiện con báo đen, to hơn con chó sói; nhe răng nhọn hoắt, nhằm con sóc vàng lao tới. H’Miết sợ quá, hét lên: “A… a”! Ngay lập tức, một chớp lửa từ trời cao giáng xuống kèm theo một tiếng nổ inh tai vọng đến, cô con gái H’Miết cất tiếng khóc chào đời. Ngồi dậy cắt rốn, rồi bế con ra suối tắm để khoe với chồng, cô con gái xinh đẹp vừa được Yang ban tặng. Bước đến bờ suối, H’Miết chết lặng nhìn thấy Cutudi cháy đen, gục chết trên hòn đá bên bờ suối.

Buôn O đốt đuốc sáng rực theo atun(4) H’Miết lên rẫy đón cháu mới chào đời và nhân thể tìm hiểu xem Yang đánh cái gì mà tiếng kêu to khủng khiếp đến thế. Lên đến gần chòi canh rẫy, nghe tiếng khóc của trẻ con, mọi người vui mừng, giục nhau chạy đến. Đến bên bến nước, trông thấy cảnh đau lòng: H’Miết nằm gục bên hòn đá, một tay ôm chồng, một tay ôm con.

Tin dữ bay về buôn, tiếng trống, tiếng chiêng gõ vào rừng già âm điệu buồn thê lương. Người ta làm lễ cúng Yang, cúng người cha trẻ Cutudi tài hoa sớm về rừng tổ tiên, ông bà(5). Lão thầy cúng mặc áo đỏ có riềm màu đen, nhảy múa quanh bàn thờ rồi phán: Con bé mới sinh ra đã có tội làm chết ama mình nên phải chôn nó theo ama. Yang nói vậy. Tục lệ quy định như thế!

Lễ cúng thực hiện theo nghi lễ chín ngày đêm. Đến đêm thứ tám, chờ mọi người mỏi mệt, ngủ say; H’Miết ôm con trốn vào rừng sâu, ngược dòng sông lớn. H’Miết ngày đi, đêm mệt leo lên cây ôm con ngủ. Không biết bao nhiêu ngày đã qua, không biết phải ăn bao nhiêu quả rừng, lá rừng để sống mới tới được buôn lớn dưới chân một dãy núi cao, xin ở lại làm nghề dệt vải kiếm sống. Người trong buôn thương tình dựng cho căn nhà cuối buôn để ở.

*

Y Thịnh ngừng lời rồi với tay lật mấy con cá nướng trên đống than đỏ rực. Hồng ngồi bên cạnh lắng nghe như nuốt từng lời của bạn. Đến khi thấy Y Thịnh trở cá mới giật mình kêu lên:

– Cháy hết cá rồi!

– Tại Y Thịnh kể khan(6) hay quá mà.

H’Liêm nói như thanh minh vì để cá cháy, Y Thịnh trả lời:

– Không phải kể khan đâu mà ami mình kể chuyện atun đấy. Năm học lớp năm bị mấy đứa bạn chế giễu ami(7) không có cội nguồn; ức quá về hỏi ami, ami kể lại như thế.

– Sao bà Y Thịnh nuôi con lớn rồi lại không quay lại buôn O?

Hồng băn khoăn hỏi, H’Liêm trả lời:

– Không trở lại được đâu, vì đã phạm luật tục rồi, về để bị thiêu chết à?

Hồng băn khoăn, hỏi tiếp:

– Tù trưởng không bảo vệ được con cháu mình?

– Không được đâu, ai bị phạt thế nào đều do Yang quyết định thông qua lão thầy cúng.

H’Liêm trả lời; Hồng không chịu, nói tiếp:

– Thầy cúng to hơn ông Tù trưởng à?

– Trong giao tiếp với thần linh, ông thầy cúng oai lắm, lão đã nói ra mọi người phải nghe theo, kể cả Tù trưởng, già làng… không ai được làm trái.

Y Thịnh trả lời bạn, mắt nhìn lên triền núi phía trước mặt như tìm kiếm vật gì trên đó. Bất chợt H’Liêm nói:

– Chuyện con sóc vàng, nghe lạ quá.

– Ừ, mình cũng nghĩ như vậy, chắc là có bí ẩn gì đó mà chưa ai khám phá ra được.

Y Thịnh trả lời, H’Liêm đứng dậy chạy đi chặt hai tàu lá chuối rừng trải lên hòn đá, gọi:

– Mang cá lên đây ta liên hoan nào.

– Thời gian trôi nhanh quá, thế mà đã trưa rồi.

Hồng bê cá, Y Thịnh xách gùi lại bên hòn đá. Ba người bạn bẻ cá chấm muối ớt mang ở nhà đi, ăn với rau rừng nghe mùi vị thơm ngon cứ như tự trôi vào bụng.

Buổi sáng Chủ Nhật qua nhanh quá, ba bạn học cùng lớp 9A, rủ nhau vào rừng trổ tài câu cá suối, được nghe Y Thịnh kể lại chuyện của atun ami(9) mình làm ai cũng bùi ngùi thương cảm, xen lẫn khâm phục những người phụ nữ can đảm, dám bất chấp tất cả để bảo vệ hạnh phúc của mình.

H.C

 

Chú thích:

  1. Tù trưởng: người đứng đầu bộ lạc;
  2. Yang: thần linh – tiếng Êđê;
  3. Mang củi đến chất dưới sàn: ngõ lời cầu hôn của người phụ nữ với người mình yêu – phong tục người Êđê;
  4. Atun: người già – tiếng Êđê;
  5. Rừng tổ tiên: nơi ở của người chết – quan niệm của người Êđê;
  6. Khan: truyện cổ truyền miệng của người Êđê;
  7. Ami: mẹ – tiếng Êđê;
  8. Ama ami: bố mẹ – tiếng Êđê;
  9. Atun ami: bà ngoại – tiếng Êđê;
https://vanchuongphuongnam.vn/luat-tuc-truyen-ngan-cua-hong-chien.html