Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 267 - tác giả THANH VÂN

Tác giả THANH VÂN



H’XÍU VÀ NHỮNG TÁC PHẨM ĐÁNG YÊU



Độc giả yêu mến tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin, chắc hẳn sẽ không xa lạ với những tác phẩm của tác giả trẻ H’Xíu Hmok – hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk. Bằng những tác phẩm của mình, tác giả đã tạo được một hiệu ứng riêng trong lòng bạn đọc bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn của ngôn ngữ dân tộc Kinh và dân tộc Êđê qua các tác phẩm: Người đợi bên hiên nhà dài, Tin tưởng nơi anh…
Dạo lướt trên những trang văn của tác giả trẻ này, ta có cảm giác như đang thưởng thức một đóa lan rừng với một vẻ đẹp sang trọng, lịch lãm và thuần khiết nhưng vẫn bám thật chặt vào cội nguồn, hút những tinh hoa của gốc rễ, để dưỡng nuôi cho đóa hoa sáng tạo càng trở nên tươi đẹp hơn. Với những tác phẩm mang âm hưởng Tây Nguyên tác giả đã tạo cho mình cách viết mang đặc điểm riêng về ngôn ngữ và văn phong, làm cho bức tranh của miền sơn cước trở nên lung linh hơn nhờ.
Tác giả H’Xíu Hmok đã gây ấn tượng cho người đọc bằng một chất men say được chưng cất từ tâm hồn của một nhà văn mang dòng máu Êđê nhưng lại được hấp thu trong môi trường mát lành của ngôn ngữ dân tộc Kinh. Tác giả đã khai thác thành công chất liệu cuộc sống, vốn văn hóa về Tây Nguyên để tạo nên những trang viết hấp dẫn đầy chất trữ tình: “Chiều nay, amí thấy trong lòng nặng trĩu. Đằng tây, mặt trời đang chầm chậm trở về sau rặng núi, đàn gà dưới sàn lục đục tìm về chuồng sau một ngày đi kiếm ăn, tiếng gà mẹ gọi đàn con vọng lại. Amí ngồi tựa vào cây cột bên hiên nhà dài, cảm thấy khó thở, khoảng trời trước mặt loang dần một màu tối trầm mặc. Bóng tối cứ lan ra mãi, lan mãi lấn chiếm khoảng không gian trước mặt khiến amí thấy nặng nề. Rồi bất chợt, ánh sáng từ đâu thắp lên sáng một vùng trời, ánh sáng ấy soi rõ bóng dáng người con trai đang tiến lại, khuôn mặt tươi cười, đôi mắt cũng tươi cười nhìn amí” (Người đợi bên hiên nhà dài). Đoạn văn trên chủ yếu là gợi chứ không tả, nhằm nói lên tâm trạng của một người mẹ nhớ con với nỗi lòng da diết thông qua hình ảnh gà mẹ gọi đàn con trong buổi hoàng hôn; qua đó còn nói lên sự chờ đợi người yêu trong vô vọng, hình ảnh người mẹ hiện ra như thực như mơ, mờ mờ ảo ảo trước giờ phút lâm chung.
Ở nhiều đoạn tác giả dùng chất văn của người Kinh nhưng không làm mất đi vẻ duyên dáng mộc mạc của các cảnh sắc Tây Nguyên. Cũng giống như việc sử dụng nhiều thanh âm trong một cây đàn chẳng những không làm lạc điệu mà trái lại còn làm cho âm thanh của nó vút lên vang vọng và lan tỏa hơn: Một ngày đẹp trời, nắng trải vàng trên các con đường vào buôn, H’My bước chân sáo với nụ cười tươi hớn hở, trên tay phất phơ tờ giấy màu trắng trắng in chữ gì đó. Cô thoăn thoắt bước đi trên con đường quen dẫn lối vào ngôi nhà dài của aduôn, ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ êm đềm những ngày thơ bé. H’My bước hai bước một lên cầu thang, aduôn đang ngồi lụi hụi bên bếp củi, miệng ngậm cái tẩu thuốc, vừa rít thuốc vừa chụm lửa. Dáng aduôn thu lại trở nên nhỏ bé trong không gian ngôi nhà dài sâu hun hút, ánh lửa vừa nhen sáng lấp lóe đo đỏ, tiếng lửa nổ lách tách bắn ra những đốm sáng nho nhỏ lơ lửng trong không gian (Người đợi bên hiên nhà dài). Hai bút pháp vừa kể vừa tả được kết hợp trong đoạn văn đã làm nổi bật tâm trạng của cô sơn nữ và những hình ảnh thân thiết của dân tộc Êđê trong căn nhà dài truyền thống. Thể hiện tình yêu, niềm tự hào tha thiết, sâu lắng của tác giả dành cho nguồn cội.
Với những câu văn giản dị mà vẫn đầy sức gợi sau đây người đọc có thể suy ngẫm để tái tạo cho mình miền cảm xúc riêng: “Mặt trời tà tà trôi về hướng tây, tỏa màu nắng vàng dìu dịu. Vài con bò thong thả bước đi trên con đường hướng vào buôn, đủng đỉnh vừa đi vừa ầm ọ gọi nhau. Có con bò nhà ai được đeo chuông ở cổ, tiếng chuông kêu leng keng theo từng nhịp bước. Trên đường ra bến nước, những trái bầu khô nhấp nhô nhịp nhàng theo bước đi của các amai amí” (Bộ đồ mới của Aduôn Đing). Cảm xúc thật trong trẻo, nhẹ nhõm, cho người đọc thấy một bức tranh khỏe khoắn, đầy sức sống và thật gần gũi. Đó là cách biểu đạt mang tính đặc trưng hai dân tộc hai nền văn hóa, góp phần làm nên sắc thái riêng cho những trang văn của tác giả.
Tác giả còn trẻ nhưng tác phẩm không bó buộc trong một chủ đề mà gồm nhiều mảng đề tài khác nhau. Điều đó cho thấy sự trải nghiệm và vốn sống của tác giả khá phong phú.
Là người dân tộc Êđê được sinh ra và lớn lên ở thành phố Buôn Ma Thuột, thông thạo cả hai thứ tiếng Kinh và Êđê nên hành văn của H’Xíu khá mượt mà, câu chữ được chọn lựa khá kỹ, đa số tác phẩm của H’Xíu đều lấy bối cảnh của buôn làng với những con người mộc mạc và dung dị sống hiền hòa đằm thắm nhưng rất mãnh liệt. Giá như H’Xíu dụng công hơn trong cách dựng chuyện, ít đi lối nói, lối nghĩ của người Kinh trong truyện của mình, thì chắc chắn truyện của H’Xíu sẽ còn hấp dẫn hơn..
Hy vọng với tuổi đời còn trẻ năng lực sáng tạo dồi dào trong thời gian tới, H’Xíu sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn nữa.



Tháng 10 năm 2014

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 267 tháng 11 năm 2014 - tác giả NGUYỄN THANH HẢI



Tác giả NGUYỄN THANH HẢI



Dấu chân và con đường



Người đi dấu chân ở lại
Thời gian phủ trắng mái đầu
Chốn xa tháng ngày nhớ mãi
Con đường và dấu chân qua

Dẫu cho bao mùa nắng gió
Vẫn còn xanh cỏ tươi hoa
Người đi khi nào trở lại
Lối xưa tìm dấu chân mình.

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

GIỚI THIỆU CHUYANGSIN SỐ 267 - tác giả LÊ THÀNH VĂN

Tác giả LÊ THÀNH VĂN



Nhớ thầy

Ngày vui năm nay em không về thăm thầy
Bè bạn cũ cũng xa quê gần hết
Mỗi đứa một nơi, bộn bề công việc
Không biết bây giờ có nhớ đến thầy không?

Chữ nghĩa thầy cho có thể chẳng còn nguyên
Chúng em đánh rơi giữa dòng đời tất bật
Manh áo - miếng cơm - tình yêu - lẽ sống
Cứ oằn lên theo năm tháng rộng dài

Vẫn giữ riêng cho mình ấm áp một khoảng trời
Khoảng trời ấu thơ được gặp thầy mỗi buổi
Vai áo bạc màu tóc pha sương muối
Thầy vẫn ân cần dạy dỗ sớm hôm

Đêm nay ngồi thao thức giữa Cao Nguyên
Em lại miệt mài soạn từng trang giáo án
Chợt nhói lòng trước những điều sâu thẳm
Có được phút giây này em đã nhận từ đâu?

Biết đến bao giờ em trả hết ơn sâu!


Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 266 - tác giả ĐÀM LAN








Mưa thức



Đêm đã mộng sao mưa còn thức mãi
Nhỏ tong tong từng giọt xuống hiên buồn
Ly rượu đắng vơi đầy bên mắt cửa
Gió thì thầm một khúc nhớ bâng khuông

Sao đã lặn sao mưa còn ngơ ngác
Rơi lao đao vật vã giữa đêm chùng
Con dế ngủ co mình trong hốc cỏ
Chiếc lá gầy khép mặt phiến màu xanh

Cơn mưa dài trên lối nhỏ loanh quanh
Vày tha thẩn những giọt thầm rí rách
Cơn mưa qua đá sũng buồn tê lạnh
Suối bập bềnh con sóng giấc nửa khuya

Mưa vẫn thức suốt canh dài mơ mải
Phía trời xa le lói ánh mai rừng
Mưa tạ từ vì sao nhỏ rưng rưng
Mành trăng khuyết chập chờn sau kẽ lá.



Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

XỨNG DANH ANH HÙNG ghi chép của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ 267 THÁNG 11 NĂM 2014






Chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Công ty cà phê 719 Anh hùng thời kỳ đổi mới, chúng tôi về thăm Công ty. Xuôi theo quốc lộ 26 từ Buôn Ma Thuột về thành phố Nha Trang, đến km 47 rẽ phải độ 3km tới khu vực trụ sở Công ty. Một vùng đất tận cùng phía đông của huyện Krông Păc, vậy mà… thật ngạc nhiên ngoài cả trí tưởng tượng… trước mắt chúng tôi hiện ra một khung cảnh rất đẹp: Con đường rải thảm nhựa rộng hơn chục mét phẳng lì, trên vỉa hè giành cho người đi bộ được đổ bê tông, lát gạch hoa đã trồng các cây xanh cao trên chục mét, xếp hàng uy nghi hai bên đường chạy xa đến tít tắp. Những ngôi nhà xây kiên cố nổi bật lên trên nền xanh mượt mà của cà phê và cây ăn trái, cách nhau một khoảng  nhất định nhìn như những tòa biệt thự ở vùng nghỉ dưỡng của các nước Tây Âu.
Qua các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, khu hoa viên bất ngờ xuất hiện rộng đến 3 ha được quy hoạch rất đẹp mắt: Những con đường đổtông dọc ngang tạo nên những ô vuông được trồng cỏ xanh rì; trong khuôn viên có sân bóng chuyền, khu vườn tượng, khu hồ bơi và phía trong cùng chếch một chút về phía đông nam, một hội trường có sức chứa gần một ngàn chỗ ngồi, ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ vây quanh tạo nên một bức tranh tĩnh vật đẹp rạng rỡ. Vùng đất hoang vu xưa kia chỉ có rừng già ngự trị, qua bàn tay của những người chiến sĩ Trung đoàn 719, thuộc Sư đoàn 333, Quân khu V, đã chuyển mình như trong chuyện cổ tích để thành một thành phố hiện đại thu nhỏ. Lần đầu tiên đến đây, tôi không khỏi ngỡ ngàng và cảm phục con người đã làm nên kỳ tích ở vùng đất này.
Khuôn viên nhà làm việc của Công ty được thiết kế khá hoành tráng, bên cạnh ngôi nhà làm việc cao tầng còn có hòn non bộ, vườn hoa, cây cảnh… vây quanh trông rất đẹp. Ông Hoàng Sỹ Dũng - Giám đốc Công ty, người to, cao, nước da ngăm đen, khuôn mặt cương nghị vui vẻ đón tiếp chúng tôi như người bạn lâu ngày gặp lại. Sau khi thưởng thức li trà Thái Nguyên thơm phức, tôi đặt vấn đề để làm việc, ông vui vẻ nói:
- Công việc ta tính sau, giờ mời các anh đi với tôi!
Ông nói xong đứng dậy dẫn mọi người xuống cầu thang ra xe của Công ty đợi sẵn dưới sân. Cả đoàn chúng tôi rất ngạc nhiên vì chưa hiểu vị Giám đốc định đưa mình đi đâu. Anh lái xe hỏi:
- Đi đằng nào trước thủ trưởng?
- Mời các bác ra gốc đa.
Xe nhắm hướng đông chạy một đoạn rẽ qua phía bắc… Vẫn những con đường nhựa phẳng lỳ được thiết kế vuông góc với nhau và hai bên đường là những ngôi nhà xây kiên cố có vườn cây ăn qủa, cà phê và tiêu bao quanh… Qua khu dân cư đến rừng cà phê xanh mượt mà, trên các cành quả non xanh biếc chen nhau bám vào kẽ lá như ngầm giới thiệu một mùa bội thu sắp tới. Giám đốc Hoàng Sỹ Dũng cho mọi người biết: Tổng diện tích cà phê của Công ty năm 2013 là 323.3 ha, năng suất bình quân 10,9 tấn quả tươi/ha, tổng sản lượng: 3.524 tấn; ước tính sản lượng năm nay sẽ tăng hơn năm ngoái. Chính nhờ thiên nhiên ưu đãi về chất đất, nguồn nước làm nên sản lượng và chất lượng cà phê 719 nổi tiếng. Để có được những cánh rừng cà phê tươi tốt này, các anh bộ đội đầu tiên của Trung đoàn 719 – hầu hết là những người con xứ Nghệ đã vào đây khai hoang vừa dùng sức người vừa dùng sức máy để làm nên phép màu biến rừng hoang vu thành rừng cà phê phục vụ con người. Trong công cuộc chinh phục thiên nhiên ấy họ đã làm nên những câu chuyện cổ tích có thật trong đời, đó chính là cây đa mà ông đưa mọi người tới.
Con đường rải nhựa đến cách gốc cây đa khoảng 20 mét được tách làm hai nhánh vòng qua hai phía đông - tây như hai cánh tay ôm gốc cây vào giữa. Cây đa rất lớn, gốc phải đến năm người lớn ôm mới kín, ngoài ra có nhiều rễ mọc từ trên cao xuống cắm vào lòng đất, mỗi cái rễ ấy to khoảng nửa vòng ôm tạo nên những hình thù rất lạ. Lạ hơn nữa, các cành cây trên cao có đường kính độ 0,5 mét đan vào nhau tạo thành những góc vuông, dính liền vào nhau như được đúc từ một khuôn… Theo lời ông Giám đốc, sở dĩ cây đa đứng giữa đường thế này là vì khi ủi đường đến đây, cứ máy nào vào húc cây không chết máy cũng đứt xích một cách lạ lùng; có lẽ do gốc cây to quá. Lãnh đạo đơn vị thấy thế mới quyết định làm đường tránh qua hai bên, giữ lại cây đa cổ thụ và giờ đây trở thành biểu tượng cho thế hệ đi sau chiêm ngưỡng. Cây đa lớn, thuộc loại hiếm có ở Đắk Lắk, vươn mình lên trời cao tỏa bóng mát cả một đoạn đường, làm chỗ dừng chân lý tưởng cho khách bộ hành, nghỉ tránh nắng. Mùa khô những đêm trăng thanh gió mát dưới tán đa là nơi sinh hoạt của lớp trẻ… và đối với những người dân nơi đây cây đa còn là biểu tượng của quê hương mới; dù có đi xa đến đâu thì hình ảnh của cây như một lời nhắc nhủ, tự hào nhớ về vùng đất thân yêu…
Rời cây đa, chúng tôi lên đường đi tiếp. Qua khu cà phê, trước mắt chúng tôi hiện ra cánh đồng lúa nước rộng gần 900 ha trải dài tít tắp. Những dãy núi của Vườn quốc gia Chư Yang Sin ở phía nam, dãy núi Chư Pa ở phía đông mờ mờ trong mây, tạo nên một khung cảnh nổi bật của cánh đồng lúa đã đỏ đuôi, sắp vào vụ thu hoạch; các bông lúa dài hơn cả gang tay, xếp lên nhau đều chằn chặn, trông như một bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Điều lạ, cánh động rộng mênh mông này rất phẳng, giống như mặt một sân bóng đá khổng lồ. Hệ thống mương và các cống tưới tiêu làm bằng bê tông kiên cố chạy song song với những con đường lớn chia cắt cánh đồng thành từng ô lớn.
Mọi người đang mải mê ngắm cánh đồng, một ông trung niên chạy chiếc xe máy đời mới của hãng Honda từ ngoài cánh đồng về thấy chúng tôi dừng lại chào. Ông cho biết vừa đi kiểm tra ruộng lúa của gia đình về; công việc làm nông ở đây cơ bản bằng máy móc cả, từ làm đất, sạ lúa đến thu hoạch được cơ giới hóa hoàn toàn; hiện nay chỉ còn một số việc thủ công, máy móc chưa làm được như điều tiết lượng nước ở trong các thửa ruộng sao cho phù hợp với từng chu kỳ phát triển của cây lúa. Gia đình ông thu hoạch ổn định mỗi năm cũng được vài trăm triệu đồng, đủ nuôi các con ăn học dưới thành phố và dư thừa chút đỉnh! Hình như nhìn thấy khuôn mặt ngạc nhiên của mọi người, ông Hoàng Sỹ Dũng cười nói:
- Cánh đồng lúa các bác đang xem giá một ký lúa thành phẩm đắt gấp hai lần lúa bình thường vì đây là lúa giống, thu hoạch xong có xe đến nhận chuyển đi khắp cả nước đấy. Năm 2013 Công ty gieo 1.415 ha, năng suất bình quân đạt 7.5 tấn/ha; tổng sản lượng đạt 10.612 tấn.
Việc Công ty Giống cây trồng Trung ương chọn cánh đồng của Công ty cà phê 719 liên kết sản xuất lúa giống từ năm 2011 là một thành công lớn ở đây; đánh dấu một mốc son quan trọng từ sản xuất lúa “thịt” giá trị thấp, sang sản xuất, lúa giống có giá trị và chất lượng cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động. Hình ảnh người nông dân đi làm đồng phi xe máy đến tận nơi, căn cứ theo lịch đo nước rồi điều tiết cho phù hợp, xong lên xe trở về nhà; trước đây tôi chỉ nghe nói bên Nhật Bản và gần đây nước  Israel có công nghệ sản xuất lúa nước hiện đại như vậy; không ngờ giờ đây, tại vùng xa xôi ở Tây Nguyên này cũng đã có. Khi công nghệ sản xuất hiện đại, năng suất được nâng cao, sức lao động giảm, giá thành lại tăng, thu nhập ổn định, nên người lao động càng gắn bó với Công ty cũng là lẽ đương nhiên. Công nhân Công ty đã có thế hệ thứ ba, những người ông, người cha khai khẩn vùng đất hoang vu thành cánh đồng lúa tươi tốt, lớp con cháu tiếp theo được học hành bài bản, mang khoa học kỹ thuật về áp dụng để nâng cao năng suất cây trồng làm cho làng quê ngày một trù phú hơn lên, cuộc sống ngày một đổi mới tốt đẹp.
Xe tiếp tục đưa chúng tôi đi một vòng qua các cánh đồng lúa của Công ty, nơi nào xe qua cũng chỉ thấy lúa bạt ngàn như tấm thảm khổng lồ trải dài đến tận chân trời. Điều kiện thiên nhiên ưu đãi, công nhân cần cù có kiến thức khoa học cao và nhân tố quyết định là những người lãnh đạo Công ty năng động, sáng tạo trong công việc… với truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ đi làm kinh tế đã tạo nên những cánh đồng rộng lớn, thành vựa lúa khổng lồ trên cao nguyên. Hôm nay những người thuộc thế hệ đi sau được giao trọng trách gánh vác công việc nặng nề này, các anh các chị không những hoàn thành mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năng suất không ngừng được nâng cao, chất lượng cũng tốt hơn và điều đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo giai đoạn 2010 - 2015 của Công ty đã tìm ra một hướng đi cho cánh đồng kiểu mẫu nơi là sản xuất lúa giống. Hạt lúa của Công ty cà phê 719 hôm nay không chỉ đơn thuần là lương thực, mà nó còn vươn lên thành một thương hiệu lúa giống góp phần quyết định nâng cao sản lượng và chất lượng, gieo mầm cho sự phát triển cây lúa ở nhiều vùng miền của Tổ quốc; tôn vinh cho hạt lúa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Sau khi tận mắt chứng kiến cánh đồng lúa của Công ty cà phê 719, thấy các hộ gia đình công nhân ở đây có cuộc sống sung túc và một thế hệ công nhân còn rất trẻ được trang bị đầy đủ kiến thức khoa học từ các trường đại học danh tiếng trở lại quê nhà góp phần làm giàu đẹp thêm cho quê hương, tôi thật sự cảm phục. Thành công ở Công ty cà phê 719 Anh hùng sau 40 năm hình thành và phát triển có sự đóng góp mang tính quyết định của các vị lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2010 – 2015 như: Bí thư – Giám đốc Hoàng Sỹ Dũng, Phó bí thư – Phó giám đốc Nguyễn Huy Bá, Phó giám đốc Nguyễn Duy Tuấn, Phó giám đốc Nguyễn Quang Vinh… Những người luôn thấm nhuần lời dạy của Bác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Sự đoàn kết trong lãnh đạo trên tinh thần đồng chí, đồng đội, kết hợp với tinh thần dân chủ trong Đảng và chính quyền từ cơ quan đến cơ sở, tạo nên sức bật mới giúp Công ty cà phê 719 giữ vững danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới và đang có những bước phát triển vượt bậc. Với những kết quả đạt được như hôm nay cán bộ và công nhân của Công ty cà phê 719 thật xứng danh Anh hùng!

                                                                  Buôn Ma Thuột, tháng 10 năm 2014


Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 266 - tác giả THI LAN

Nhà thơ ĐẶNG BÁ TIẾN



THAO THỨC NỖI RỪNG
(Đọc trường ca Rừng cổ tích của Đặng Bá Tiến,
NXB Hội Nhà văn – 2012)
                             
“Cánh rừng còn hôm qua/ Hôm nay thành đất trắng”… Đọc trường ca Rừng cổ tích của nhà thơ Đặng Bá Tiến thấy sao mà rấm rứt. Cái rấm rứt của người công nhân gắn bó với rừng, yêu rừng như yêu cơ thể của mình vậy. Càng yêu vẻ đẹp huyền bí của rừng, ơn rừng che chở trong những năm chiến đấu, hiểu giá trị thực tiễn của rừng với con người, nhà thơ càng xót xa trước cảnh rừng đang bị tàn phá khốc liệt. Mang cái tôi công dân đầy trách nhiệm, cộng với một tâm hồn thi sĩ nhạy cảm, ông đã viết nên tập trường ca dài hơi mà sâu lắng, đậm sắc thái Tây Nguyên. Đây là tập trường ca thao thức nỗi rừng - thao thức nỗi đời có giá trị nhân sinh sâu sắc.
Với mười khúc: Vùng kỷ niệm, Trở lại, Đam mê, Tình yêu, Nỗi đau, Đêm Bản Đôn, Giữ rừng, Hồi sinh, Hồi tưởng, Vĩ Thanh, tác giả đã khái quát cuộc đời mình trong cuộc đời cây, cuộc đời rừng. Rừng đã sẻ chia với con người buồn, vui, sướng, khổ, tức là rừng cũng có thân phận, có biến cố, có linh thiêng… Bởi thế mối quan hệ con người với rừng là mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ và vững bền. Tác giả dường như đã hóa thân vào rừng  Tây Nguyên để “thấu tận nguồn cơn”,  để sẻ chia và kiếm tìm sự đồng cảm, để cùng nhau vừa bảo vệ rừng, trồng rừng, vừa lên tiếng cảnh tỉnh những kẻ phá hoại rừng. Mặc dù viết về vấn đề thời sự nóng hổi (vốn lại là một nhà báo), nhưng chất trữ tình trong trường ca rất đậm đà. Đó là thế mạnh khiến cho Trường ca trở nên gần gũi và giàu sức thuyết phục.
Có một Rừng cổ tích đẹp như mơ, đẹp như thơ mà đã từng rất thực ở đời, đã cùng anh trong những đêm hành quân “chợp mắt trong hương rừng/ trong tiếng suối ru/ trong bàn tay vuốt ve của lá”. Lá rừng được nhà thơ ví “như trái tim”, “như bàn tay xòe ra đợi người yêu dấu”. Lá và người bầu bạn sớm khuya: “Lá xòe ô chở che/ … lá lót dạ cho anh/ Lá làm nệm làm giường/… Lá là bức tranh trời đất tác thành”. Lá mộng mơ, cùng anh “ngắm những cô gái M’nông, Êđê đùa nhau bên bến tắm/ ngắm đàn voi đủng đỉnh hút nước phun mưa như thủy tinh long lanh trong nắng/ nghe tiếng tù và dìu dặt gọi trăng lên”. Ngợp hồn, mê hồn quá! Thiên nhiên ban tặng cho Tây Nguyên vẻ đẹp thật quyến rũ. Dẫu chưa một lần được tận hưởng cái thi vị cũng khát khao một lần được vào Rừng cổ tích, thong dong, say sưa giữa đại ngàn để lắng hồn mình trong tiếng lá, tiếng tù và… Mới hiểu tại sao anh dẫu có hành quân đi xa mà “tâm trí tình yêu ở lại/ Với cánh rừng bạt ngàn/ dòng sông thác trắng, hùng vĩ, mộng mơ/ Với những amí, ama cái bụng đầy khan, ốt n’rông và chuyện buồn vui xứ sở”. Bởi cái đẹp ấm tình đó đã thôi thúc lòng anh “sống chết với đất này”. Khúc Trở lại chính là sự trở về của người lính thắng trận từ Bình Phước, Đồng Nai… tìm lại Bản Đôn - Tây Nguyên đất xưa từng gắn bó những ngày trận mạc, với “buôn làng anh đã khắc vào tim”. Anh mang theo cả “nỗi nhớ quê… làng Chùa nơi chôn rau cắt rốn”, nỗi nhớ mẹ “cồn lên như ghềnh như thác”, cả “người hậu phương” không biết “đã lấy chồng?”. Như một duyên nợ, như tiền định, anh “ở lại với mảnh đất này” với những “Đam mê”.
“Đam mê” là khúc trọng tâm của trường ca viết về anh - người trồng rừng mê mải nghe được cả tiếng “đất thở”, tiếng “đất đai đang hoài thai sinh nở” ước “được thành lá xanh/ được thành nụ hoa/ được hóa mùa màng/ hóa những rừng cây”. Cơ thể anh hòa vào cây lá đến mức “ngỡ như từng tế bào cơ thể anh cũng run rẩy bật chồi”. Anh nghe thấy hồn cốt  non sông, hình hài đất nước trong đại ngàn. Và ngược lại đại ngàn lại là “hồn thiêng muôn đời chảy dọc những lời khan/ là mạch nguồn tỏa sáng lời chiêng”. Bởi sự kỳ tài đó hay ân huệ của thiên nhiên giành cho anh mà anh trở thành trung tâm của đại ngàn, thành niềm tin của dân làng. Sức mạnh của anh, ý chí của anh, trái tim của anh vừa gần gũi, vừa hoang dã, lại vừa mang màu sắc huyền ảo cổ tích: “Anh thành cây Kơ nia để dân làng trú mát niềm tin/ thành ánh nắng hong khô những nỗi buồn ẩm ướt/ Thành chim t’lang, chim ch’rao mang nhiều giọng hót/ đem niềm vui đến khắp buôn làng”. Anh đam mê những lời khan, chuyện Đam san, Xinh Nhã, tiếng tù và… nhưng say nhất  là “mê việc lâm trường”. Anh trở thành “đứa con chung của buôn làng”, đứa con luôn đau đáu với rừng xanh. Tình yêu cũng từ đây “đơm hoa kết trái”. Khúc Tình yêu của chàng trai xứ Nghệ và cô gái Êđê là một bản nhạc rừng say đắm.
Chất trữ tình đậm đặc trong khúc ca này. Tình yêu của đôi trai gái gắn với cây rừng, con suối, muông thú, lá hoa… Tình yêu của họ xe duyên từ câu ví dặm ân tình với điệu ay ray tha thiết, mộng mơ. Cô gái Êđê mê chàng trai xứ Nghệ “hiền lành, cần mẫn” và  “lòng cô như có sóng sông La”, “mà trái tim cô dạt dào câu ví dặm”. Còn chàng trai thì mãnh liệt vô cùng: “Ta muốn rước về ở chung một buồng tim/ ta muốn đưa về ở chung một bếp”. Tình yêu của họ cảm động rừng xanh, sức lao động của họ tưới tắm cho rừng xanh nên “rừng cây lên xanh/ có tình anh đêm đêm tưới trăng vàng cho cây xum xuê long lanh sắc lá/ có tình em mỗi ban mai rải ánh nắng hồng cho cây mơn mởn chồi non”. Có tình yêu rừng, có tình em chan chứa, anh lao động không biết mệt đến “hõm mắt mòn chân”, “đến tím tái thịt da bởi muỗi mòng sên vắt”, nhưng niềm vui vỡ òa hạnh phúc trên tay là thành quả ngọt lành: “Thân gỗ mỗi ngày phổng phao như lòng anh chờ đợi”. Họ vui hơn, hả hê hơn trong những đêm hội với men rượu ủ nếp nương ngất ngây men rượu, men tình: “Nhịp xoang quay/ tay ấp bàn tay/ mắt liếc đong đưa/ gọi bước chân say/ bỏ hội vui chung, ra bờ cây tình tự…”. Bản tình ca đại ngàn tưởng cứ thế ru ca cùng tình yêu đôi lứa… ngờ đâu nỗi đau ập đến “anh chợt nhói lòng khi thấy rừng rung lên nghiêng ngả/ nghiêng ngả đại ngàn/ đảo điên cổ thụ/ nhựa cây tuôn tràn như máu ứa luênh loang…”.
Chương Nỗi đau chính là tâm tư nỗi lòng của anh muốn giải bày, muốn lên tiếng để giữ lấy đại ngàn quý giá biết bao: “Anh đau đớn cầm tay những người anh em vừa tới/ nóng tay mình dòng máu râm ran/ người anh em cùng chung bài hát kết đoàn/ người anh em cùng chiến hào đánh Mỹ/ những người anh em những người đồng chí/ …trái tim anh đau/ nhưng lời anh tha thiết: “…hãy thương lấy cánh rừng”. Cái tôi của một công nhân cất lời khảng khái: “Rừng cho ta tránh bão bùng/ cho ta qua nắng lửa/ rừng là hồn thiêng ngàn năm xứ sở/ không có rừng/ người sẽ sống bơ vơ/ không có rừng/ trái đất sẽ ngẩn ngơ/ trái đất sẽ điên khùng nổi loạn/ không có rừng/ sẽ chết cả lời chiêng trên suối cạn/ sẽ mỏi mòn, tàn úa sử thi… Một loạt các tính từ bơ vơ, ngẩn ngơ, mỏi mòn, tàn úa… để chỉ sự nguy hại của tàn phá rừng làm rẫy, lập làng thiếu quy hoạch. Những người kéo nhau từ nhiều phương tới, họ chỉ thấy cái vui trước mắt mà bỏ cái lợi lâu dài. Từ sự khảng khái đến những lời như ứa máu: “chúng ta mưu sinh/ nhưng đừng lột da mình/ đau đớn lắm”. Lời anh chẳng ai tỏ. Nỗi xót xa hiện ra trước mắt: “tiếng rìu, tiếng cưa/ tiếng cú quạ mất nhà/ tiếng hổ báo thét gào chạy trốn/ tiếng cây đổ ào ào như bão cuốn/ anh đau đớn ngỡ mình vừa bị chém ngang lưng!”. Đau đớn hơn là sự phá hoại của lâm tặc: “trăm phương mò tới/ chúng ngấu nghiến ăn rừng trong bóng tối/ ăn rừng giữa bạch nhật, thanh thiên/ chúng nuốt cả cây gỗ dài như sợi bún…/ chúng bán mua cả rừng gỗ giản đơn/ bằng những dự án đỏ lòm con dấu/ và bầm tím những mưu đồ ẩn náu/ chúng nháy mắt nhau là rừng đổ ào ào/ những cánh rừng đẫm máu thương đau”. Nỗi đau của anh trước những sinh linh của rừng khiến người ta ứa lệ: “Anh chứng kiến sự mất rừng như mất đi những người thân thiết nhất/ đêm ngủ giật mình thấy những vòng trắng trong mơ/ những vòng trắng đung đưa/ trên những gốc cây cụt đầu ứa đầy nhựa đỏ/ những vòng trắng quấn trên đầu người sau cơn bão tố/ sau những trận lũ rừng/ người, thú bập bềnh trôi”. Anh lên án cách bảo vệ rừng mang tính hình thức “chúng tôi đang quyết liệt bảo vệ rừng”, nhưng điều trái mắt vẫn diễn ra “rừng trước mũi cung/ yến, oanh dần tắt tiếng… chỉ còn khét nồng mùi khói/ cháy lòng anh”. Anh là con của rừng nên đau nỗi đau mất mẹ: “Là người yêu từng chiếc lá mầm cây/ đêm anh khóc ướt đầm cả gối/ đêm anh lang thang dọc theo con suối/ con suối mùa khô mảnh trăng cũng khô giòn/ đâu còn nữa những mát lành, róc rách/ đâu còn nữa bờ hoa khoe sắc/ đâu còn nữa bóng nai lồng bóng nước/ anh cúi đầu ngồi như mỏm đá mồ côi”. Khúc VI: Đêm Bản Đôn tiếp tục của nỗi đau mất rừng: Đêm bản Đôn/ có một người không còn nước mắt/ và mái đầu tóc bạc như lau”. Phải là cả một sự dấn thân với rừng mới có được sự thổn thức đến thế. Lời thơ quyết liệt mà nghẹn ngào, day dứt. Với Đêm Bản Đôn anh đã ném vào đời một câu hỏi lớn: “Lẽ nào đành bất lực/ buông tay?. Người lính trong tâm thế của con người đấu tranh vì chính nghĩa: “ta bất lực là vong ơn bội nghĩa/ ta buông tay/ là quên máu bạn ta đã tưới đầm chiến địa/ để giữ từng tấc đất mầm cây/ ta buông tay/ là đầu hàng lâm tặc/ là đại ngàn này/ mặc chúng phanh thây”. Anh kêu gọi đồng đội thời đánh Mỹ, bây giờ dù là người quyền chức hay dân cày hãy chung tay vào “cuộc chiến này để bảo vệ rừng xanh/ bảo vệ ngọn gió lành/ bảo vệ nguồn nước mát/ bảo vệ lời ru câu hát/ tiếng T’rưng vang vọng ngàn đời”. Khúc Giữ rừng là ý chí của anh: Dũng cảm, gan dạ, chịu mọi gian khổ để vạch trần xảo trá, vạch mặt kẻ tham lam bằng chứng cứ trong “băng tiếng, băng hình” khiến “những kẻ bao che phải lấm lét cúi đầu/ những kẻ vô cảm với rừng xanh/ cũng động lòng trắc ẩn” và cùng chung tay “vây bắt lũ quỷ rừng từ trăm hướng ngàn phương”. Khúc vui “Hồi sinh” đã thỏa lòng khao khát của anh. Dẫu không phải ngày một ngày hai rừng hồi sinh trở lại: “Sau cơn mưa/ hơi đất lại rụt rè/ tỏa nhẹ/ vấn vương trong ban mai tinh khiết”. Đến cả tiếng chiêng tác giả thể hiện trong khúc “Vĩ thanh” cũng có linh hồn, cười, hát, reo ngân dài xa lắc… mang cả lòng người hớn hở vút tận trời xanh.
“Nửa trái tim anh vẫn thao thức nỗi rừng” - Tình yêu và cả sự hy sinh thầm lặng, đánh đổi cả tuổi thanh xuân, hạnh phúc lứa đôi để sống chết với rừng. Vợ chồng người gác rừng lặng lẽ gác cả bình yên cho buôn làng, giữ cả màu xanh cho cây lá, nay anh vẫn giữ rừng bằng trái tim, ý chí: “vẫn cầm canh/ giữ cho rừng bình yên mãi mãi…”
Nhịp thơ nhanh, điệu thơ khắc khoải, ngôn ngữ đa nghĩa, hình tượng đã kéo người đọc vào mạch thơ không dứt. Có gì ám ảnh đến lạ! Có gì đau đáu đến lạ! Nhà thơ Đặng Bá Tiến đã truyền sang ta khúc vui, khúc buồn, khúc mờ, khúc tỏ… nhưng khúc nào cũng chất chứa nỗi niềm thao thức về rừng. Mười khúc với những cung bậc trữ tình khác nhau tác giả đã sẻ chia, giải bày nhiều khát vọng, đồng thời cảnh tỉnh và tố cáo những kẻ hại rừng rất thực tế trong cuộc sống đã và đang diễn ra.


Trường ca Rừng cổ tích chính là nỗi quê – nỗi rừng của tác giả về  Tây Nguyên hôm nay, nhưng đã chạm tới cái tâm tư chung của mọi miền, mọi người. Sức lan tỏa của trường ca phải chăng chính là từ sự thao thức nỗi rừng hội tụ trong con người Đặng Bá Tiến - một người công dân đồng thời cũng là nhà báo, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh có cái tôi nhân hậu nhưng “sắc nhọn giác quan” và yêu tha thiết cuộc đời này.