Những chiếc lá bàng vàng khè run rẩy, buông cành xoay tròn trước khi ném mình xuống mặt đất. Từng cột bụi đỏ ngàu xoáy tròn bò lên các ngọn cây hết đợt này đến đợt khác che lấp cả mặt trời tím bầm đang mệt mỏi rơi mình xuống ngọn núi Chư Bông phía tây.
Con đường đất đỏ lổm nhổm những hòn đá to như nắm tay, lặn ngụp trong lớp đất bột bị cày xới bởi xe máy cày, công nông đang oằn mình đón từng đoàn người mặt cúi gằm, chân bước thoăn thoắt, mặc cho những chiếc gùi no căng đè lên lưng, lên đầu. Mấy con chó lon ton chạy sau thè lưỡi đỏ lòm. Tất cả đều hối hả, vội vã chuẩn bị kết thúc một ngày sắp qua, đón màn đêm trở về.
Sân trường vắng lặng. Ông bảo vệ to như vị hộ pháp nặng nề vác chiếc bụng thừa mỡ giống ông địa người dân vẫn thờ nơi xó bếp đặt phíc nước lên bàn hỏi Gã.
– Chiều thứ bảy, thầy Hiệu phó không đi đâu à?
– Không!
Gã đáp cụt lủn, mắt nhìn đăm đăm ra sân trường nơi chỉ có gió và lá đang vật vã, quấn quýt với nhau trước khi giật mình rời nhau, bỏ lại đám lá cong keo, rách nát úp mặt vào đất. Gã biết phải đi đâu bây giờ! Ông Hiệu trưởng hết giờ làm việc, nhảy lên xe lao vào cột bụi, chạy về nhà; vì nơi xa xa vợ con đang đợi. Anh em giáo viên đồng nghiệp với Gã chưa kịp xây dựng gia đình, cũng chờ mong tan trường, nổ máy, rồ ga chạy như bị ma đuổi về thị trấn, nơi có đèn xanh, đèn đỏ nhấp nháy chào mời.
Còn Gã biết về đâu bây giờ? Quá nữa đời người, gần tròn ba chục năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đầy gió bụi, để rồi giờ đây chỉ còn lại một mình, trước không gian rộng lớn mà cô quạnh. Không! Đúng ra Gã cũng từng có một mái ấm gia đình, cũng từng có những buổi chiều thứ bảy hối hả đạp xe, lao mình qua những cột bụi đỏ ngàu về bên hai đứa con và người vợ đảm đang tháo vát. Gã cũng từng nếm mùi vị thơm tho của mỹ từ: Hạnh phúc! Bạn bè từng ganh tị với thành đạt của Gã; đem nhà Gã ra làm chuẩn mực để phấn đấu.
Vợ Gã, nói của đáng tội – trời không ban cho nhan sắc nhưng thông minh, sắc sảo trong cuộc sống. Vì thế, từ một cô giáo tiểu học đào tạo gấp gáp về gõ đầu trẻ trong chiến dịch xóa mù: “lấy số lượng làm chất lượng”, đã từ từ bước lên làm “đầy tớ nhân dân”, miệng thét ra lửa; để rồi những “ông chủ, bà chủ” dưới quyền mỗi lần được mời không bao giờ dám nhìn mặt, mà chỉ cúi đầu vâng, dạ. Nhờ vào bàn tay đảm đang ấy, ngôi nhà của vợ chồng Gã nằm giữa thị trấn không to lắm nhưng đầy đủ những thứ thiên hạ ao ước. Con Gã có hai đứa nối nhau vào đại học, ra trường các cơ quan giành nhau mời về làm việc. Với hoàn cảnh ấy, điều kiện sống ấy chắc chắn đức ông chồng trong ngôi nhà ấy phải hạnh phúc lắm mới phải chứ đâu lại lang thang vô định giữa chiều buồn thế này! Con người ta có số nên đến lúc đọan trường gặp toàn chuyện tai ương – lão nghĩ thế.
***
Có số thật không nhỉ? Hơn ba mươi năm về trước, Gã tình cờ về cộng tác “ba cùng” với người dân bản địa Tây Nguyên và tình cờ gặp ba cô giáo trẻ đồng hương vào cắm bản xóa mù. Việc của Gã làm chỉ mong mang lại bình yên cho cuộc sống cộng đồng, cảm hóa những người con buôn làng lầm lỗi bị dụ dỗ lôi kéo vào rừng trở về làm người dân lương thiện. Công việc còn giang dở, Gã đã bị hạ. Gã gục ngã không phải vì những viên đạn AR 15 găm vào ngực, cũng không phải bị mũi tên thuốc độc cắm vào người. Gã đổ chỉ vì một chén cơm trộn bột cây độc ăn phải. Cái thân xác to như hộ pháp của Gã đổ gục dưới chân cầu thang nhà sàn, nơi có ba cô giáo đồng hương ở nhờ. Không biết may hay không may, Gã được một cô giáo bị sốt rét ở nhà không đi dạy nhìn thấy, dìu ra quốc lộ đón xe đưa vào bệnh viện và thần chết lắc đầu trả gã về trần gian, vì Gã chưa hết kiếp lưu đày nơi trần thế.
Sau ba tháng lăn lóc ở bệnh viện chuyên ngành, Gã trở lại Tây Nguyên tuyên bố cưới vợ, cưới người cứu Gã làm cả cơ quan trợn tròn mắt tưởng đùa. Tính Gã là thế, đã quyết là làm cho được, bất chấp mọi lời can ngăn, khuyên bảo của bạn bè đồng nghiệp vẫn cắm đầu lao vào. Chưa đầy tháng sau, Gã ân hận biết mình nhầm nhưng nào có thể sửa sai được nữa.
Với khẩu súng Tổ quốc giao cho, Gã không ngại hòn tên mũi đạn lao vào công việc với mong muốn mang lại sự bình yên cho vùng đất mà mình đang sống. Bọn phản động không phải là hình nộm, càng không phải là tấm bia trên thao trường, đã năm lần bảy lượt tìm Gã thanh toán. Trong một lần bất ngờ chạm mặt, gã nhận hai viên AR15 vào người. Nhưng thần chết vẫn không chịu đón Gã.
Gần một năm lang thang qua các bệnh viện, cuối cùng gã dừng chân với một công việc mới: gõ đầu trẻ. Gia cảnh buồn, không dám san sẻ cùng ai, gã đành rót vào ngòi bút, ngập tràn trên giấy thành những vần thơ xoa dịu con tim tả tơi, rách nát. Gã làm thơ để tự an ủi mình, để giả thoát khỏi hiện tại và mơ ước vào tương lai, chứ đâu phải làm đăng báo.
Anh bạn cùng cơ quan ngày trước ghé nhà thăm khi gã đi vắng, vô tình đọc bài thơ để trên bàn, thấy hay hay mang về đăng trên tờ tin cơ quan. Thế là gã “nổi tiếng”, thành “nhà thơ”! Vợ Gã mừng quýnh, mang tờ tin in thơ Gã đi khoe khắp nơi và cuối cùng dừng lại trên bàn ông Chủ tịch huyện.
Ông Chủ tịch huyện người dân tộc bản địa, cả đời gắn bó với với mảnh đất nơi đây, đi xuyên suốt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mĩ; trên người mang đầy những vết sẹo do bom, đạn găm vào và có cả những vết cào của các loài ác thú; mắt tròng xoe khi nghe cô văn thư báo cáo: huyện ta có một nhà thơ mới xuất hiện! Quá nửa đời người ông chỉ biết có súng đạn, trận mạc; văn hóa mới xong chương trình cấp một bổ túc chứ nào có biết thơ phú là gì; nay nghe có “nhà thơ” thì quý lắm, kính trọng lắm nên ra quyết định điều ngay vợ “nhà thơ” về Phòng Giáo dục công tác, để nhà thơ yên tâm sáng tác. Thế là vợ Gã trở thành “đầy tớ của dân”!
Những tưởng số phận mỉm cười với Gã khi hai con ngày một khôn lớn, khoẻ mạnh, học giỏi và vợ Gã như diều no gió trên đường công danh. Gã vắt kiệt sức mình qua từng trang giáo án, từng tiết dạy để đón nhận ánh mắt kính trọng của đồng nghiệp, học trò, phụ huynh. Nhưng những ánh mắt ấy không xoa dịu được nỗi cô đơn mỗi khi phải bước chân về ngôi nhà của mình. Buồn, Gã lại tìm đến với thơ, gửi tâm sự vào thơ.
Có lẽ đó là định mệnh chăng, khi “ai đó” chép thơ gã gửi đăng báo tỉnh, đề rõ tên Gã. Báo phát hành người khen thơ hay, người kêu lên ủy mị quá, thiếu chất chiếu đấu; thậm chí có người còn cho rằng đây là bài thơ có “vấn đề”. Họp, họp và họp! Người ta lại lôi Gã đi họp để nghe phê bình, đấu tố vì bài thơ có tính chất phản động, chống chế độ… thế là Gã bị kỹ luật.
Một buổi chiều, lại là buổi chiều như một định mệnh, vợ Gã nặng nề bước vào nhà đặt lên bàn làm việc của Gã tờ đơn xin li hôn, chấm dứt hai sáu năm chung sống. Gã kí và chưa tròn tháng sau tòa trao cho gã quyết định li hôn. Gã gầm lên, bẻ bút ném ra sân, thề với đất trời sẽ không bao giờ viết lách gì nữa rồi xách chiếc va li đựng mấy bộ đồ cùng những tập giấy thấm đẫm mồ hôi qua bao năm tháng về khu nhà công vu, bỏ lại sau lưng tất cả những gì cho là phù phiếm.
Bạn bè đứa chửi, đứa la, bảo Gã: Ngu! Điên! Gã chỉ cười, còn được dạy học đã là tốt lắm rồi! Gã chỉ cần có học trò, có đồng nghiệp để được chỉ cho người ta thấy cái hay, cái đẹp, cái cao thượng qua từng con chữ trong sách giáo khoa; thế là toại nguyện!
***
Hoàng hôn tím sẫm, đường chân trời chỉ còn một cụm mây hồng mờ ảo xa xăm. Gã nhìn mãi, nhìn mãi vào đường viền chân trời đang mờ dần. Vài ngôi sao lạc lỏng vừa xuất hiện trên nền trời xanh thẳm. Mải nhìn trời, gã khỗng thấy đứa bé gái da đen nhẻm, tóc xoắn tít, gập người cõng chiếc gùi to quá khổ bước vào khoanh tay trước ngực.
– Thưa thầy!
Gã giật mình ngước nhìn cô học trò bé nhỏ, đầu tóc mặt mũi dính đầy bụi, miệng cười tươi khoe hàm răng trắng đều như bắp nếp đủ nước, thỏ thẻ:
– Amí(1) bảo mang cho thầy mấy quả ăn Tết ạ!
Nói dứt lời, cô bé đặt gùi xuống, lấy ra một chùm ổi vàng rộm, thơm lừng; chục quả bắp vừa bẻ, bẹ còn xanh rờn và một quả thơm to đùng đặt lên bàn.
– Về nói với ama(2), amí thầy cảm ơn nhé!
– Dạ!
Cô bé gập mình, khoanh tay chào trước khi nhấc gùi đứng dậy đi ra cửa, bước về phía mặt trời lặn. Ánh mặt trời cuối ngày bất chợt chui khỏi đám mây trên đỉnh núi, lóe lên, buông xuống những giọt vàng phủ lên vai, lên tóc cô học trò làm rực lên những ánh sáng lung linh huyền ảo. Gã sửng sốt nhìn theo rồi vội vã vào bàn cầm bút, hối hả viết, viết như sợ ai tranh mất phần.
Viết! Phải chăng đó là cái nghiệp gã đã mang nên trọn đời gánh chịu, dù nó có phủ phàng, tàn nhẫn đến đâu đi nữa. Viết, đó là lẽ sống hay nói đúng hơn đó là những khoảng khắc gã chộp được về thân phận con người, mảnh đời, xã hội… ngày một tốt đẹp hơn lên trong cuộc sống, buộc gã phải bắt lấy, giữ lại bằng tác phẩm của mình và quên mất… lời thề bẻ bút vứt đi hôm trước!
Mùa đông năm 2005
Chú thích tiếng Êđê:
1. Amí: má;
2. Ama: ba;