Thứ Hai, 7 tháng 4, 2025

NGÀY GẶP LẠI truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - BÁO VĂN NGHỆ VIỆT NAM số ra ngày 18 tháng 3 năm 2025

 https://baovannghe.vn/ngay-gap-lai-truyen-ngan-cua-hong-chien-20397.html



- Thầy ơi, chốc nữa xe chạy qua buôn, em mời thầy cô và các bạn ghé nhà em uống nước rồi hãy về ạ.

-Nhà có gần đường không?

-Cách đường chưa đến trăm mét đâu ạ.

-Vậy thì được.

H’Phi, trại viên của Trại Bồi dưỡng sáng tác thơ văn “Hương rừng”. – Trại dành riêng cho các em là thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đi thực tế từ thành phố Nha Trang về. Đạt được mời làm Trưởng Trại hướng dẫn các em. Trại năm nay có hai mươi cây bút trẻ, H’Phi sinh viên năm thứ nhất khoa Sư phạm cũng được mời để tham tham gia quản lí trại viên.

Xe tách quốc lộ rẽ vào đường bê tông rồi dừng lại trước một quán lớn bên đường. Trại viên ùa xuống xe, H’Phi đi lại bên Đạt, nói:

-Mời thầy xuống thăm nhà em ạ.

-Em xuống trước đi.

Đạt vừa rời xe bước xuống sân, một người đàn bà từ trong nhà chạy ùa ra, kêu lên:

-Thầy, em chào thầy!

Đạt ngạc nhiên kêu lên:

-Liên!

Người đàn ông đứng bên cạnh cao khoảng mét tám, người to như lực sĩ, nắm chặt tay Đạt, giọng nghèn nghẹn:

-Thầy!

-Y Go, thế này là thế nào?

-Dạ. H’Phi là con gái đầu của vợ chồng em đó thầy. Mới đó đã mười chín năm rồi.

H’Phi tủm tỉm cười rồi nói:

-Thưa thầy, em dành cho thầy chút bất ngờ: đây là ba má em cũng là học trò cũ của thầy. Giới thiệu với ba má, thầy Hoàng Đạt hiện nay là Phó Tổng biên tập, người trực tiếp hướng dẫn chúng con ở Trại đợt này đấy ạ.

Nhìn vợ chồng Y Go, kỷ niệm cũ ùa về...

-Bốp!

-Tùm!

Đang căng mắt nhìn chiếc phao câu nhấp nháy trên mặt nước, tư thế chuẩn bị giật thì nghe như có tiếng ai bị đánh rơi xuống nước. Quay lại thấy Y Go lóp ngóp dưới suối, Đạt đứng bật dậy, buột miệng hét lên:

-Y Go!

-Đứng im.

Nòng súng lạnh ngắt thúc một cái rất mạnh vào lưng đau điếng cùng với tiếng nói lạnh lùng vang lên. Quá bất ngờ, Đạt chỉ còn biết đứng im, liếc mắt nhìn qua bên cạnh. Không biết nhóm người lạ đến bên từ lúc nào, hai thanh niên người bản địa, mặc quần áo rằn ri đã cũ, lưng và mông có vài miếng vá, tay lăm lăm súng AR15 chĩa vào Y Go. Y Go vừa lóp ngóp bò lên khỏi dòng suối, cả hai người lạ lao lại đánh tới tấp vào đầu, vào mặt, hất Y Go văng xuống suối, chìm nghỉm một lúc sau mới nhô lên được. Một tên đứng trên bờ quát:

-Lên đây!

Y Go không nói gì, từ từ leo lên hòn đá nơi hai người lạ đang lăm lăm súng như định bắn. Đứng chưa vững, một tên đã đấm thẳng vào mặt, máu mũi trào ra. Tên đứng bên cạnh cười nham nhở rồi khoác súng lên vai đưa một cây nứa to bằng cổ tay, dài khoảng mét rưỡi, một đầu chẻ làm sáu bảo Y Go:

-Hai tay cầm chặt vào.

Hắn cầm đầu cây nứa không chẻ, giật mạnh; Y Go hét lên một tiếng đau đớn, xòe hai bàn tay ra thấy nhiều đường vạch trắng tinh đang từ từ ứa máu. Máu từ hai bàn tay vọt ra, chảy thành dòng rơi trên mặt đá. Tên cầm súng cất tiếng cười man rợ, nói:

-Chào ngài Đội phó lực lượng 04!

Tên còn lại quăng cây nứa xuống suối, nói:

-Đây là món nợ mày phải trả cho những người anh em chúng tao đã ngã xuống dưới làn đạn của mày ở dốc Đá, trại bò ông Nguyễn Cao Kỳ, dốc Cổng Trời…

-Chúng mày giết bộ đội, công an rồi bắn vào buôn Đắk, đốt cháy mười ba nóc nhà dài làm hơn hai chục thầy cô và học sinh trường nội trú dính đạn. Chúng mày cài lựu đạn ở đồi Không Tên phía sau trạm Kiểm soát Quốc lộ 21 làm mười ba em học sinh trường nội trú cuốc đất tăng gia đổ gục. Đêm đêm chặn đường, đốt xe ô tô giết người ở dốc 69, cầu 70, chân đèo 519… thì sao?

-Chúng tao đấu tranh cho người bản địa Tây Nguyên, đánh đuổi bọn Yoan (1) ra khỏi vùng đất của mình.

-Thế những em thiếu nhi người Êđê có tội tình gì mà chúng mày cũng thẳng tay bắn giết, bỏ thuốc độc vào thức ăn?

-Bốp! Bịch! Bịch.

Hai tên không trả lời mà vung tay, chân, đấm đá túi bụi vào người Y Go. Một giọng nói phụ nữ bất ngờ vọng đến:

-Trói nó lại.

Chúng trói Y Go “giật cánh khỉ”, hai tay vòng ra phía sau lưng. Tên đứng bên thúc mũi súng một cái thật mạnh vào hông Đạt, quát:

-Cỡi đồ dài ra.

Đạt làm như cái máy, cởi chiếc áo màu xanh dài tay cùng chiếc quần ka ki đã cũ đặt lên mặt đá. Tên đứng sau lưng không nói gì, bỏ súng vơ quần áo Đạt vừa cởi ra mặc vào rồi móc túi sau lôi ví mở ra xem, reo lên:

-Yang (2) ơi, thằng Yoan này có nanh cọp to lắm.

Cả ba tên xúm lại chuyền tay nhau xem chiếc nanh cọp tìm thấy trong bóp của Đạt. Giọng phụ nữ quen quen từ xa vọng đến:

-Chiếc nanh cọp này mày lấy ở đâu?

-Bạn gái tôi tặng.

-Bốp!

Một cái tát làm Đạt tối tăm mặt mũi, cùng với câu nói vang lên:

-Trả lời với bà Đại úy Quận trưởng thế à?

Tiếng người phụ nữ tiếp tục vọng đến:

-Của người yêu tặng?

-Đúng.

Tên đứng trước mặt lại vung tay lên định đấm, người đứng sau lưng nói:

-Thôi!

-Dạ!

-Chúng mày cột Y Go vào gốc cây kia, kiếm củi về thiêu sống nó để trả thù cho anh em chúng ta đã bị nó giết. Chào thầy giáo, thầy vẫn khỏe chứ?

Đạt từ từ quay mặt lại nhìn người đứng phía sau. Hắn cao gần mét bảy, đầu đội mũ sắt của lính Mĩ đã bong hết sơn, người mặc bộ quần áo lính dù, ngang hông đeo khẩu súng ngắn; hình như khuôn mặt trái xoan, mũi rọc dừa và đặc biệt… đôi mắt. Ôi, đôi mắt, lẽ nào lại là…, Đạt buột miệng kêu lên:

-H’Ni!

-Em đây!

Người lạ bỏ mũ sắt xuống, Đạt trố mắt ngạc nhiên, hồi ức trở về…

Năm 1979, trường nội trú có dấu hiệu không bình thường, thỉnh thoảng lại có một nhóm học sinh lớn bỏ học trốn vào rừng. Trước tình hình ấy, Đạt được điều về trường phụ trách lao động. Về trường chưa được hai tháng thì trường xảy ra chuyện: các em ngày ba bữa đến bếp tập thể ăn rồi lên lớp học bình thường nếu giáo viên miền Nam dạy; còn giáo viên miền Bắc đến thì đập bàn, reo hò ầm ĩ, không chịu học. Nhưng có điều lạ, Đạt cũng giáo viên quê xứ Thanh dạy môn văn, vào lớp nào học sinh cũng rất chăm chú nghe giảng.

Đã bốn ngày trôi qua, huyện cử nhiều đoàn xuống gặp gỡ giáo viên, học sinh tìm hiểu, động viên mà vẫn chưa khôi phục lại được trật tự. Anh chị em giáo viên miền Bắc vào dạy tại trường được Phòng Giáo dục rút về học chính trị hết. Buổi chiều chỉ còn mình Đạt ở lại khu nội trú. Khoảng mười sáu giờ H’Ni bưng xoong hàng ngày vẫn chia cơm cho học sinh lên phòng Đạt; trong xoong có bốn cái bánh bao to hơn bình thường vẫn làm chia cho học sinh và giáo viên ăn – ngày ấy, khẩu phần lương thực độn bảy mươi phần trăm nên bột mì, khoai lang, sắn… là đồ ăn chính. Ngồi đối diện, H’Ni lấy một cái bánh bẻ đôi, phía trong bánh có cả một miếng thịt heo lớn đưa cho Đạt phần có thịt, nói:

-Em mời thầy!

-Cảm ơn chị, tiêu chuẩn mỗi người có một cái sao mang cho tôi nhiều thế?

-Em già lắm à thầy?

H’Ni hỏi lại, làm Đạt lúng túng không biết trả lời sao. H’Ni hơn Đạt hai tuổi, đã học hết bậc tiểu học dưới chế độ cũ – phụ nữ thời ấy ở xứ này học như vậy được xem là trí thức. Người cao, mảnh, khuôn trái xoan, hàm răng trắng như tranh vẽ trên kem đánh răng, mắt lá răm sắc sảo, chưa bắt ai làm chồng. Thành lập trường, cô được tuyển vào làm cấp dưỡng và giao quản lí mười hai người trong bộ phận nấu ăn. Đạt mới về, không biết có gì đặc biệt mà được ưu ái hơn, trong các bữa ăn thường được đích thân bếp trưởng bê cho. Thỉnh thoảng khi rỗi việc H’Ni lên nhờ Đạt kèm thêm môn văn. Thực lòng, Đạt cũng có cảm tình nên thỉnh thoảng đọc thơ, kể chuyện cho H’Ni nghe. Hàng ngày H’Ni gọi Đạt bằng thầy, Đạt gọi lại bằng chị, vậy mà hôm nay… câu hỏi khó không trả lời được nên đành cười trừ. H’Ni nói:

-Người Kinh có câu tục ngữ: một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy; vậy mà em được thầy dạy cả ôm chữ rồi, sao vẫn gọi là chị ạ. Em già quá hay không xứng là học trò của thầy?

-Thôi được, tôi sẽ gọi tên nhé.

-Đã nhận là học trò thì phải gọi là em chứ, thầy không thể gọi H’Ni một tiếng em được sao?

-Thôi được, từ nay sẽ nhận em H’Ni làm học trò.

-Em cảm ơn ạ. Nhân ngày quan trọng này, em tặng thầy vật này làm kỉ niệm.

H’Ni lấy trong túi áo ra chiếc răng nanh cọp đặt vào tay Đạt, nói nhỏ:

-Em cảm ơn anh đã nhận.

Nhìn ánh mắt H’Ni như có ngọn lửa trong ấy, Đạt thoáng đỏ mặt. Vừa lúc đó có cô học trò lớp chín chạy xộc vào phòng, thở không ra hơi, nói:

-Thầy ơi, công, công… an!

Đạt buông tay H’Ni, hỏi:

-Công an làm sao?

-Công an đến trường nhiều lắm, vây kín nhà bếp rồi ạ.

Nhìn H’Ni thấy cô tái mặt tỏ vẻ hoảng sợ, Đạt nói:

-Em ở đây với cô H’Ni để thầy xuống dưới ấy xem sao.

Đạt đi như chạy xuống đến khu nhà bếp đã thấy công an đưa cả mười hai cô cấp dưỡng của nhà trường lên hai chiếc xe bịt kín. Số bánh mì chuẩn bị bữa ăn chiều cũng bị khuân lên xe. Đạt chặn đầu xe hỏi:

-Đây là bữa ăn tối của thầy và trò trường chúng tôi, các anh lấy hết thì học trò nhịn đói à?

-Anh là ai?

Người đeo quân hàm Thiếu úy chắc chỉ huy bước đến hỏi.

-Tôi là giáo viên Phụ trách lao động của trường.

-Anh là thầy Đạt phải không?

-Chính tôi.

-Chúng tôi được báo toàn bộ số bánh này đã bị bỏ thuốc độc nên không thể ăn được. Bọn phản động định đầu độc học sinh để vu khống chế độ ta và phá trường. Bữa chiều nay của thầy và trò Trường Nội trú lãnh đạo huyện đã có phương án xử lí rồi, thầy yên tâm.

Xe công an rút đi, học sinh của trường ùa đến bên cạnh Đạt, đứa nắm áo, đứa nắm quần; mấy em lớn nói với nhau:

-Thầy mình oách thật, nạt cả một rừng công an luôn.

-Thầy vì học trò mà, gan thật.

Đạt bảo:

-Các em về phòng nghỉ đi, chờ thầy Hiệu trưởng về rồi tính.

Các em nghe lời, tản đi. Đạt về phòng mình thì không thấy H’Ni và cô học trò đâu cả. Trên giường Đạt nằm, váy và áo của H’Ni được gấp để cuối giường. Nhìn lên móc, thấy mất bộ đồ dài. Khi vụ án ở trường khép lại, Đạt mới biết H’Ni là Trung úy Fulro; mười một cô cấp dưỡng là quân của cô ấy.

-Thầy ơi, em xin lỗi thầy ạ.

Bất ngờ Y Go kêu lên, Đạt quay qua trả lời:

-Không phải lỗi của em.

-Nếu em không rủ thầy vào đây câu cá thì đâu xảy ra chuyện này.

Y Go nói với tôi xong quay qua nói với đám lính:

-Chúng mày có đánh, có giết thì nhằm tao đây nè. Thầy giáo vào đây cho con em chúng ta cái chữ, không có tội gì cả, tha cho thầy ấy đi.

Ba tên lại lao đến đấm đá Y Go túi bụi, máu mồm, máu mũi trào ra ướt đẫm chiếc áo may ô màu cháo lòng đã lũng vài chỗ. Một tên nói:

-Ốc không lo được thân ốc còn lo đèo thêm rêu, sắp chết đến nơi rồi còn xin cứu người khác.

Y Go không kêu ca khi bị đánh đau, nhưng trong mắt như có ngọn lửa. Hôm qua gặp Đạt đi vào buôn tìm việc làm nên Y Go rủ thầy giáo cũ đi bắt cá suối về bán. Vợ Y Go người Kinh trước làm cấp dưỡng cho Đội công tác của huyện. Vì chuyện Y Go ghen, vác AK nã cả băng lên trời, giải tán đám thanh niên đến tán người mình yêu nên bị cơ quan buộc thôi việc, đuổi về buôn. Cô cấp dưỡng thương người con trai thẳng tính, thật thà nên bỏ việc theo về ở cùng, họ nên vợ thành chồng. Vợ sinh con gái đầu lòng, nhà không có gì ăn nên hàng ngày Y Go đạp xe vào rừng đầu nguồn sông Ba thả lưới bắt cá về đổi gạo nuôi vợ con. Trước đây vợ chồng Y Go có theo học bổ túc văn hóa Đạt dạy. Đạt dạy văn thường dành khoảng năm phút cuối khi sắp hết tiết kể chuyện về quê hương miền Bắc nên được học viên quý lắm. Nay thấy thầy bị đuổi việc, phải đi làm thuê kiếm sống nên rủ thầy đi đánh cá. Không ngờ ngay buổi đầu tiên đã thế này… Y Go thở hắt ra như con bò kéo xe quá tải ngược dốc.

H’Ni quay lại nói với đám lính:

-Vơ nhiều củi lại để nướng hắn cho chín.

Bọn lính được lệnh lẫn luôn vào rừng. Đạt nói:

-Bà Quận trưởng ốm đi nhiều quá.

-Cảm ơn anh. Anh cũng già và đen như người Êđê rồi.

-Cái số nó vậy mà.

-Em biết và luôn theo dõi về anh. Khi thấy anh về làm Hiệu trưởng trường to nhất huyện đã mừng; không ngờ lại bị bắt, ra tòa, rồi đuổi việc chỉ vì viết một bài báo nêu lên sự thật ở một trường.

-Quận Trưởng cũng biết chuyện của tôi?

-Dạ. Em cũng biết anh đã lấy vợ và có con, rồi…

-Li hôn?

-Em biết cả.

Đạt không thể tin một cô gái khát máu, đã ra lệnh thảm sát biết bao người vô tội ở huyện này lại có lúc cũng mủi lòng vì chuyện riêng của mình. H’Ni nhìn Đạt nói:

-Cứ cho là tại số đi nên buổi chiều hôm ấy được lệnh đầu độc giáo viên và học sinh rồi rút vào rừng em mới mang bánh lên phòng thầy nên không bị bắt.

-Hôm ấy em cũng định giết tôi?

-Không, bánh bẻ đôi, em ăn một nửa, anh ăn một nửa có sao đâu. Sợ anh đói lại xuống ăn với học trò nên em mới mang 4 cái lên cho anh ăn mà.

-Vậy à!

-Dạ.

-Váy và áo em để lại, anh bỏ vào ba lô, trốn vào rừng giặt, phơi khô rồi mang về gấp lại vẫn để dưới đáy hòm gỗ, chờ ngày trả lại cho chủ nó.

-Sao anh lại làm thế?

-Anh tin sẽ có ngày em trở về.

-Anh vào rừng với em nhé. Chúng em được lệnh di tản qua Thái Lan, sau đó rút qua Mĩ. Hôm nay là ngày cuối cùng em ở đây.

-Cảm ơn em, nhưng anh không thể đi được. Chúng ta có lý tưởng khác nhau, hơn nữa anh đang là người mang tội với chế độ mà anh quý mến, nuôi dưỡng anh trưởng thành. Anh đi sẽ không minh oan được cho mình. Và cả Y Go đây nữa, trước đây là kẻ thù của em, nhưng hiện nay hoàn cảnh cũng đáng thương lắm.

-Em biết, vợ chồng thất nghiệp, làm hợp tác xã không đủ sống nên phải đi bắt cá về cho vợ đổi gạo. Hắn đã truy lùng em khắp mọi ngóc ngách của núi rừng Chư Yang Sin(3). Một tay súng thiện xạ, một chỉ huy dũng cảm; xứng đáng là đối thủ của em.

-Em có thể cho Y Go một con đường sống không?

-Không. Bản án phải được thi hành.

-Chuyện đã qua, người ta đã từ giã vũ khí để về làm người bình thường rồi thì nên tha em ạ. Mạng con người quý lắm.

H’Ni đanh mặt lại, không nói gì thêm. Ba tên lính mang từ trong rừng ra toàn cây khô to như bắp chân chất xung quanh Y Go cao tới ngực; dưới chân còn có thêm ôm lá khô. Một tên cầm bó nứa được châm lửa cháy có ngọn hơ hơ trước mặt Y Go, hả hê nói:

- Cuối cùng chúng tao cũng bắt được mày.

H’Ni bước lại bên cạnh tên cầm đuốc bảo:

-Đưa đây.

Thấy H’Ni chuần bị châm lửa, Đạt hét lớn:

-Dừng lại đi H’Ni.

Một tên lao lại giơ thẳng chân đạp một cái rất mạnh, làm Đạt văng xuống suối, mồm quát:

-Đù...

-Đoàng, đoàng, đoàng...

Tên lính chưa nói hết câu, tiếng nổ chát chúa của đạn AK vang lên, cả H’Ni và ba tên đi cùng té ngửa, mắt trợn trừng như không tin những gì vừa xảy ra. Công an như từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất lao lên, ùa đến; người dập lửa, người cởi trói cho Y Go, người nhảy tùm xuống suối kéo Đạt lên bờ. Sau trận đánh đó Đạt được cử đi học, rồi chuyển ngành về thàng phố công tác. Mới đó đã hai chục năm trôi qua.

Mùa mưa năm 2022

Chú thích tiếng Êđê:

Yoan: người Kinh.

Yang: thần linh.

Chư Yang Sin: tên một ngọn núi cao ở Đắk Lắk.

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

GÓC KHUẤT CỦA RỪNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM 21/01/2025

 


Dừng xe gần chân cầu thang, H’Xoan bước xuống, kêu to:

-Ama amí(1) ơi con về rồi nè!

Căn nhà lợp cỏ gianh dài như nhiều lớp học nối lại, sàn cao hơn mặt đất chừng một sãi tay; sàn nhà được lát bằng những cây tre to đập dập, dàn ra, kêu lên từng tiếng như đếm bước chân người đi qua. Lũ trẻ choai choai từ các căn nhà sàn bên cạnh ùa ra; có đứa không kịp xuống cầu thang, nhãy phốc qua cửa sổ xuống mặt đất, chạy lại, mồm reo to:

-Amai(2) H’Xoan về rồi!

-Amai về rồi!

Lũ trẻ đứa nắm tay, đứa nắm áo như sợ H’Xoan biến đi mất, mồm thía lia đủ chuyện bằng những từ mà Sin không hiểu được. Hai người phụ nữ trong nhà bước ra đầu sàn. Người ra trước, mái tóc bạc trắng như cước không buộc, dài tận bắp chân; ánh nắng chiều chiếu vào tạo nên màu vàng óng ánh như tự phát ra tia sáng lung linh huyền ảo. Trên khuôn mặt hình trái xoan, da đã nhăn nheo nhưng không giấu được vẻ đẹp của đôi mắt hình như có một chút buồn ẩn sâu trong đó. Người phụ nữ đi sau, tuổi gần năm mươi, tóc xanh đen óng mượt, khuôn mặt trái xoan giống y người đi trước, răng trắng đều nhau; nở nụ cười đẹp như nụ hoa hồng buổi sáng.

H’Xoan reo lên:

-Con chào hai amí ạ! Các em bỏ tay ra cho chị lên sàn nào.

Nghe H’Xoan nói, bọn trẻ mới bỏ tay ra quay lại nhìn Sin. Lũ con trai xúm lại sờ chiếc xe máy Bonus lần đầu được thấy; miệng thì thào với nhau:

-Yoan(3) có xe đẹp thế!

-Cháu chào hai bác ạ!

Sin cúi đầu chào hai người phụ nữ đứng trên đầu sàn. Người tóc trắng nói:

-Cháu lên sàn đi!

Lũ trẻ ùa lên sàn, bọn con gái kéo H’Xoan vào nhà trước; lũ con trai kéo Sin theo sau. Trong phòng khách rộng tới ba gian, hai bên vách kê hai chiếc ghế làm bằng nguyên thân một cây gỗ dài gần hết ba gian nhà để người ngồi có thể dựa lưng vào vách. Ở gian giữa chủ nhà đắp một chiếc bếp bằng đất hình vuông, mỗi chiều rộng khoảng một mét, cao nửa gang tay; trên bếp được chất củi, lửa cháy sáng rực. Sin chưa biết phải ngồi ở đâu đã thấy người trong buôn kéo đến đầy nhà: già, trẻ, nam, nữ nói chuyện như… chim hót. 

H’Xoan nói gì đó với hai người phụ nữ bằng tiếng địa phương rồi quay lại bước đến bên Sin, nói:

-Xin giới thiệu với mọi người: đây là Tiến sĩ Nguyên Văn Sin, dạy ở Trường đại học nơi con học ạ.

Mọi người vỗ tay ầm ầm, ra chiều thích thú. Chờ một phút để mọi người im lặng, H’Xoan nói tiếp:

-Xin mời mọi người ngồi xuống; H’Lan và H’Linh lấy bánh kẹo và thuốc lá ra mời mọi người giúp chị nào.

Người phụ nữ tóc bạc ngồi bên bếp lửa nhìn mọi người một lượt, rồi nói:

-Hôm nay H’Xoan về lại có cả thầy giáo đi cùng, ama(4) H’Xoan cột ché rượu mời mọi người cùng vui nào.

Người đàn ông đứng tuổi lẵng lặng bước xuống cầu thang, một lúc sau vác ché rượu lên. Một người đàn ông khác mang đến năm chiếc cần làm bằng tre to như ngón tay út, dài gần sãi tay bước lại cắm vào miệng ché. Cánh thanh niên mang năm cái can hai chục lít đựng đầy nước đến để bên cạnh. Xong công việc chuẩn bị, một ông già đóng khố, mặc áo trắng có in hoa văn màu đỏ, tua đỏ, bước lại gần người phụ nữ tóc trắng, cúi xuông trịnh trọng nói một tràng tiếng thổ ngữ. Sin ngạc nhiên hỏi H’Xoan:

-Ông ta nói gì thế?

-Ông thầy cúng của buôn mời Già làng lên vít cần uống rượu đầu tiên đón khách quý ấy mà.

-Má em là Già làng?

Không nén được sự ngạc nhiên, Sin kêu lên nho nhỏ; H’Xoan mắt vẫn chăm chăm nhìn amí, thì thào đáp lại:

-Dạ?

Sin chưa kịp nói thêm đã nghe ông thầy cúng gọi:

-Mời nai(5) lên vít cần rượu. 

H’Xoan nắm tay kéo Sin bước lại bên ché rượu. Già làng đứng dậy cầm cần rượu đưa cho Sin; mọi người xung quanh nhìn hai người cười ồ cả lên. Lũ trẻ đứa vỗ tay, đứa gõ xuống sàn nhà ầm ầm. H’Xoan ngạc nhiên nhìn mọi người rồi quay lại nhìn Sin và… cũng bật cười thành tiếng; đôi má ửng hồng, đôi mắt như có ngọn lửa, lúng liếng, nói nhỏ với Sin:

-Em xin lỗi, mãi vui với mọi người quên không nhắc thầy bỏ mũ ra ạ.

Sin cũng bật cười vì đến lúc này mới biết mình vẫn đội mũ bảo hiểm như cái nồi cơm điện trên đầu. H’Xoan tháo khóa, Sin nhấc mũ ra khỏi đầu. Vừa bỏ mũ xuống, bỗng Già làng tái mặt, kêu lên một tiếng kêu tắc nghẹn:

-Thanh!

Cùng với tiếng kêu, Già làng lao đến, ôm chầm lấy Sin, gục đầu vào ngực, nức nở khóc. Tất cả những người có mặt trong căn nhà chứng kiến sự việc như lặng đi, mắt tròn xoe, không tin những gì mình vừa nghe và đang thấy. 

H’Xoan đứng như pho tượng nhà mồ, một lúc sau bước lại ôm lấy amí, giọng nghèn nghẹn:

-Amí ơi, đây là nai Sin, không phải tên Thanh đâu. Ama nai ấy cũng tên là Thanh đấy ạ.

Già làng đẩy Sin ra, đôi mắt nhòe lệ ngắm nhìn khuôn mặt vuông chữ điền, đôi lông mày như con sâu róm bò trên ấy và đô mắt to luôn nhìn thẳng vào người đối diện… những hình ảnh ấy sau bao nhiêu năm rồi vẫn như in vào đầu, nhầm sao được. 

Sin nghèn nghẹn nói:

-Cháu là Sin con của bố Thanh ạ!

-Ừ, bao năm rồi, Yoan đã quên tôi!

Già làng nói từng tiếng tắc nghẹn, hai tay buông thõng xuống; không có Sin và H’Xoan đỡ chắc đã ngã xuống sàn. Sin hỏi:

-Già làng có phải là H’Nhi không?

-Sao thầy biết tên amí?

H’Xoan ngạc nhiên thốt lên. Già làng đứng bật dậy, hai tay năm lấy vai Sin òa khóc; kỷ niệm ùa về...

***

Gần trưa, H’Nhi men theo bờ suối bước đi; bỗng nghe tiếng chó sói gầm gừ vọng đến nên bước vội đến xem. Trên miệng hố bom mới đào xuống hôm qua, một bầy hơn chục con sói, con đứng, con ngồi đều hướng mắt nhìn xuống hố bom nên không biết có người đến. Bước thêm mấy bước, H’Nhi vô tình dẫm vào một cành cây khô rơi trên mặt đất tạo nên tiếng động làm bầy sói quay lại nhìn; thấy người liền cụp đuôi chạy biến vào rừng. Dưới hố bom hơn chục con kỳ đà; con lớn bụng to như đầu người, con nhỏ cũng bằng bắp chân người lớn đang vây quanh một cục đất tròn chính giữa hố bom. Thấy lạ, khi nhìn kỹ thì hình như đó là một cái đầu người. Ngạc nhiên, H’Nhi bước đến gần hơn, nhìn kỹ, giật mình thấy cục đất tròn chính giữa hố bom có đôi mắt đen giống người. Đúng rồi, một đầu lâu người. H’Nhị sợ quá ngồi bệt xuống đất, tuột luôn xuống miệng hố bom. Bỗng nghe tiếng từ đầu lâu thì thào vọng đến:

-Đ… ừng đ... ừng x… uống, ng… uy h…iểm.

Ô, cái đầu lâu biết nói, hay đúng hơn có người bị chôn sống ở đây. Phải cứu người mới được. Bùn đất đỏ ba zan đặc quánh như hồ đổ bê tông giữ chặt người rồi, mình mà bước xuống chắc cũng bị chôn luôn. Làm sao đây? Phải chặt cây lớn gác qua hai bên miệng hố bom rồi mới kéo người lên được. Nghĩ là làm, đặt gùi xuống, vác dao chặt hai cây to như bắp đùi để gần sát đầu người, H’Nhi đi ra, ngồi xuống, moi đất móc tay phải người bị lấp lôi lên. Bùn đặc quá, mồ hôi chảy dài từ trán xuống mặt rồi xuống vú, nhỏ từng hạt lên chiếc đầu, làm trôi đi lớp bùn phía trên, để lộ ra mái tóc đen bóng.

Cố lắm mới lôi được cánh tay phải người ấy lên khỏi mặt bùn, bám vào cây để sát người. Mặt trời đã lên đỉnh đầu, đám bùn hình như đặc thêm lại, người thanh niên thều thào:

-N… ước!

Mình đoảng thật, người ta chắc khát lắm rồi, sao không lấy nước cho uống nhỉ; nghĩ vậy H’Nhi lên lấy quả bầu khô đựng nước để trong gùi, kê vào miệng cho người bị nạn uống. Chắc anh ta khát lắm, uống ừng ực. Uống nước xong, H’Nhi hỏi:

-Giơ tay kia lên được không?

-Không, nó dính chặt vào bùn rồi.

-Để tôi giúp.

H’Nhi lại ngồi xuống moi tiếp cánh tay phải, sau rồi phải nằm bò xuống hai thân cây để moi bùn, kéo tay; hì hục đến nửa buổi chiều mới lôi được tay trái đặt lên cây.

-Đu người lên được không?

-Bùn bám chắc lắm, không cựa người nổi.

Ngồi nhìn hố bom, nhìn ra xung quanh, chợt H’Nh reo lên: 

-A, mình có cách rồi, đợi nhé.

H’Nhi lên bờ, vác dao chặt mấy cây nứa to bằng cổ chân, chẻ đôi, gõ cho rơi mắt phía trong rồi nối các cây nứa lại, dẫn nước suối từ phía trên chảy thẳng vào cổ người lạ. Có nước, bùn loãng ra, H’Nhi nằm xuống mấy khúc cây, ra sức móc bùn xung quanh người lạ cho nước tràn xuống, miệng nói:

-Cố gắng cựa mình xem nào!

-Cô lấy cây thọc xuống bên cạnh tôi, bùn dưới ấy mới tan được.

Làm theo lời người lạ, một lúc sau, H’Nhi lôi được người lạ lên khỏi hố bùn, trên lưng vẫn có chiếc ba lô và khẩu súng AK báng gấp. Trời sụp tối, H’Nhi đưa người lạ xuống suối tắm giặt rồi dẫn vào một chiếc hang đá gần bờ suối, đốt lửa để người lạ sưởi ấm và hong đồ.

***

Đêm xuống, thỉnh thoảng lại có những tiếng pháo từ dưới buôn bắn lên núi nổ ầm ầm. Bọn lính Ngụy sợ quân Giải phóng nên bắn hú họa vậy thôi. Trong hang đá, người lạ nói mình tên Thanh; cảm ơn H’Nhi đã cứu. Thanh kể: trên đường hành quân vào phía trong, không may bị sốt phải nằm lại mấy ngày. Khi đỡ, theo giao liên đuổi theo đơn vị. Trên đường đi không may bị thám báo phục kích, đồng chí giao liên ở lại chặn địch cho anh rút. Đêm tối, đường rừng, không may bị rơi xuống hố bom này và bị chôn sống luôn. 

H’Nhi nghe Thanh kể xong, nói: 

-Trong buôn nhiều ốm quá, thuốc người Mĩ cho uống không khỏi nên mình đi tìm lá rừng về chữa bệnh cho dân. Không ngờ lại gặp nhau nơi đây như Yang định.

Thanh ngạc nhiên hỏi:

-H’Nhi là thầy thuốc à?

Không biết do ngọn lửa hay do ánh mắt của Thanh mà cặp má trên khuôn mặt trái xoan H’Nhi đỏ lên, cặp mắt tròn đen láy như có ngọn lửa trong ấy ngước lên nhìn rồi mới trả lời:

-Mình được bà ngoại chỉ cho biết các loại lá, hoa, củ rễ... Dùng làm thuốc trị bệnh cứu người chứ không phải thầy thuốc như người Kinh đâu.

-Biết dùng lá cây chữa bệnh cho người là thầy thuốc rồi. H’Nhi giỏi thiệt.

Đứng dậy, bước đến bên Thanh ngồi xuống, H’Nhi nói tiếp:

-Mình đã định không bắt chồng, sống để tìm các loại lá cây trị bệnh cứu người. Nay như được Yang(6) sắp đặt, dẫn Thanh đến để gặp nhau. Mình ưng lắm, Thanh có đồng ý làm chồng mình không?

Quay lại nắm lấy tay H’Nhi, bốn mắt nhìn nhau, Thanh hỏi:

-H’Nhi chưa có chồng à?

-Người phụ nữ vùng này có tục lệ: khi chưa bắt chồng thì không mặc áo để khoe với Yang, đất trời và mọi người xung quanh đôi nhủ hoa mà Yang ban cho để làm thiên chức người mẹ tương lai. Khi có chồng rồi thì nhủ hoa đã có chủ nên người phụ nữ mặc áo che lại để cất riêng cho chồng và con. Theo Thanh thì H’Nhi đã có chồng chưa?

-Chưa biết mặc áo nghĩa là chưa có chồng.

-H’Nhi mười tám tuổi rồi đấy, con gái của Già làng buôn Dak. Nhà chỉ có hai chị em, mình là chị.

***

Trưa hôm sau, hai người mới bịn rịn chia tay nhau, sau lời hứa của Thanh: đất nước thống nhất, anh còn sống sẽ về tìm em; xây tổ ấm hạnh phúc trên vùng đất yêu quý này! Thanh đi rồi, H’Nhi nhìn theo mãi mới lê bước trở về buôn.

Vừa băng qua con suối đầu buôn, lính Ngụy ập đến; bọn chúng dùng đủ thứ để đánh đập H’Nhi đến ngất xỉu rồi kéo lê về buôn. Trước toàn thể dân buôn, bọn lính buộc tội H’Nhi đi tiếp tế cho quân Giải phóng nên ở qua đêm trong rừng, trái với quy định của chính quyền. H’Nhi bảo: tao bị rơi xuống hố bom của người Mĩ ném trong rừng, bùn giữ chân mãi mới thoát ra được. Không tin tao dẫn vào đó xem. Bọn chúng không tin, tiếp tục tra khảo buộc H’Nhi khai ra trong buôn còn ai là đồng bọn. Chúng đánh H’Nhi chết đi, sống lại mấy lần không moi thêm được tin tức gì. Chiều đến, tưởng cô đã chết mới cho dân buôn mang đi chôn; không ngờ H’Nhi sống lại nhưng một chân mang tật cả đời.

Sau này Già làng mất, người dân trong buôn nhất trí bầu H’Nhi thay thế. Nhưng năm tháng qua đi, nước nhà thống nhất; mái tóc chuyển dần qua màu trắng, H’Nhi vẫn không thấy Thanh quay lại như đã hứa nên nghĩ anh ấy đã nằm lại đâu đó trong cuộc chiến. Bao nhiêu yêu thương dồn hết cho ba cô con gái người em. Bà yêu nhất H’Xoan, cô con gái đầu xinh đẹp giống má, thông minh nên bắt phải học, học thật giỏi để làm bác sĩ cứu giúp người đau ốm. Bọn thiếu nữ cùng lứa ở buôn nhiều đứa đã bắt chồng, làm mẹ.

***

Ngày Sin rời nhà lên đường nhập học, ông Thanh nắm tay con nói: con biết vì sao ta đặt con tên Sin không? Sin theo tiếng Êđê là con cọp. Trong chiến tranh ác liệt, bố được một người con gái Êđê tên là H’Nhi, ở buôn Dak ở dưới chân dãy Chư Yang Sin(7) cứu sống và hẹn nhau hòa bình sẽ tìm về sống cùng nhau. Trong trận chiến Xuân Lộc, bố bị thương; mù mắt, lại mất một chân nên đành lỡ hẹn. May mà được cô hộ lý là mẹ con bây giờ thương, bất chấp tất cả để nên duyên vợ chồng mới có con hôm nay. Con phải cố học cho giỏi, khi thành bác sĩ rồi có dịp về vùng đất ấy thay bố tạ lỗi với người ta.

Sin đang học năm thứ hai thì bố mất. Thương bố, thương mẹ, Sin tập trung vào học tập. Tốt nghiệp Đại học được nhà trường giữ lại làm việc, Sin lại cắm đầu nghiên cứu để giảng dạy tốt hơn, chưa nghĩ đến chuyện vợ con, dù rất nhiều nữ đồng nghiệp, sinh viên các khóa quý mến.

 Như duyên số trời định, Sin gặp H’Xoan - Phó bí thư Đoàn trường, học giỏi, người Êđê; thầy trò mến nhau. Nhớ lời dặn của bố ngày ấy, nên Sin quyết định theo H’Xoan về thăm quê cô sinh viên đang học năm cuối cùng, khám phá vùng đất linh thiêng đại ngàn Tây Nguyên. Không ngờ, chuyến đi như một định mệnh để Sin gặp lại cố nhân của bố. 

***

-Tùng binh linh, tùng binh linh, tùng binh linh…  

Dàn chiêng của buôn cùng lúc tấu bài: “chúc sức khỏe”, tiếng chiêng trầm bổng ngân nga, bay vút lên trời xanh, vang vọng vào rừng già.

-Ò ó o!

Tiếng con gà trống dưới gầm sàn cất lên báo hiệu đã quá nữa đêm, người trong buôn mới lục tục kéo nhau về nhà. Chờ khách về hết, H’Xoan mới xách xô đựng quần áo của hai người đi tắm. Ánh đèn pin soi sáng con suối rộng khoảng ba sãi tay, nước trong vắt nhìn thấy cả những hạt cát trắng tinh dưới đáy suối.

-Quê em không có nước máy, bồn tắm như ở thành phố; thầy chịu khó tắm suối nhé.

-Nh… ưng!

-Không nhưng gì cả, thầy cứ xem như đi tắm biển thôi mà.

Giúp Sin bỏ đồ dài rồi kéo xuống suối. Nước ngập đến ngực, chiếc Váy của H’Xoan cũng được vấn lên đầu, che cho mái tóc khỏi ướt. H’Xoan nắm hai tay Sin, hỏi:

-Thầy thấy tắm suối quê em thế nào?

-Đặc biệt quá!

-Thích không ạ?

-Thích!

-Cho em hỏi một câu nhé!

-Em nói đi!

-Anh có đồng ý làm chồng em không?

Một cơn gió ập đến, xô lá cây rừng bên bờ suối nhảy cỡn lên, ném ánh sáng mờ mờ xuống mặt nước. Dưới suối hình như lũ cá cũng vui mừng tíu tít bên nhau, kêu lên ục ục...

Mùa mưa năm 2022

 Chú thích tiếng Ê đê:

1. Ama amí: ba má.

2. Amai: chi.

3. Yoan: người Kinh.

4. Ama: ba.

5. Nai: thầy giáo.

6. Yang: thần linh.

7. Chư Yang Sin: núi Thần Cọp.