Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

SỐ 273&274 tác giả ĐÔNG YÊN




CHI HỘI MỸ THUẬT THÀNH TÍCH
BÊN NGOÀI THÀNH TÍCH


Nghe nói vào Hội Mỹ thuật Việt Nam/ Hội VHNT tỉnh là để cùng đồng nghiệp sáng tác, hoạt  động, học hỏi lẫn nhau, vào Hội là góp phần mình vào sự nghiệp văn học nghệ thuật của đất nước… Các họa sĩ, nhà điêu khắc rủ nhau vào, nghĩ vào Hội như hạt tìm đất nở hoa, thỏa mãn nguyện vọng cống hiến cho đời.
1.Thành tích trong Hội
Vào Hội rồi được theo Hội đi dự trại sáng tác, đi tham quan thực tế, đi triển lãm mỹ thuật khắp nước, dự hội họp bàn về mỹ thuật đất nước, thỉnh thoảng còn được lãnh đạo bắt tay, vỗ vai, ân cần trao đổi rằng mỹ thuật là quý lắm, nên làm ra thật nhiều tranh ảnh phục vụ nhân dân. Họa sĩ xúc động, thầm ước nguyện làm được như ông Tố Hữu bên thơ, như ông Phan Tứ bên văn, v.v... Thỉnh thoảng được gặp gỡ, ngồi họp cùng các họa sĩ đàn anh cứ sướng rêm rêm, nghĩ rằng rồi mình cũng trở thành họa sĩ của nhân dân… Vào Hội  rồi  là phấn đấu cật lực. Các họa sĩ Đắk Lắk đều đặn nhận giải thưởng to nhỏ trong cả nước, cầm hoa khôi nguyên qua các kỳ triển lãm đình đám. Nhiều họa sĩ đã đi những bước dài theo đúng nghĩa về sáng tạo và không gian hoạt động. Những cuộc triển lãm mỹ thuật “vạm vỡ” nhất như Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam tập hợp các họa sĩ “hầm hố” của cả nước đều có sự góp mặt của họa sĩ Đắk Lắk.
Bảng thống kê thành tích giải thưởng của họa sĩ Đắk Lắk dài thậm thượt theo những cuộc triển lãm, cuộc thi khắp nơi, hằng năm mà theo thông cáo báo chí thì cuộc nào cũng có ý nghĩa quan trọng cả.
Những thành tích mỹ thuật của Hội VHNT được xem như của một tỉnh. Hoạt động trong khuôn khổ của tổ chức Hội cũng bài bản, nghiêm chỉnh giống các cơ quan nhà nước. Hằng năm cũng có báo cáo hoạt động mà năm nào cũng hoan hỉ; cũng có khen thưởng năm nào cũng hoành tráng. Nhiều hội viên là phó thường dân, tham gia Hội lại lâng lâng cảm giác mình là người nhà nước. Tổ dân phố thấy mặt trên truyền hình cứ phục lăn, bảo lâu nay, xóm mình có cán bộ X nặn tượng, cán bộ Y vẽ tranh mà mình không biết. Chi hội Mỹ thuật cứ như là một tập hợp những tinh hoa của mỹ thuật Đắk Lắk. Những cống hiến ấy nhiều lần được khen thưởng, cũng ngang ngang như công nhận tập thể thi đua, nghe cứ sướng rân. Họa sĩ ôm vai nhau, lớp trước, lớp sau nhỏ to chia sẻ. Cảm động lắm.
Nhưng hoạt động ở Hội cũng ít thay đổi, chưa được xã hội chú ý. Họa sĩ ra sức vẽ để phục vụ nhân dân với tiền túi họa sĩ  bỏ ra làm tranh, tiền dân bỏ ra làm triển lãm nhiều kinh khủng. Vậy mà công chúng không đến xem tranh, các cơ quan chính quyền không mua tranh. Muốn “tham mưu” cho địa phương những ý hay về mỹ thuật cũng chẳng được. Thấy cảnh phố phường lòe loẹt, xây dựng dinh thự kệch kỡm, đập phá những kiến trúc yêu kiều, có lấy danh nghĩa phản biện của Hội mà can ngăn cũng chẳng ai nghe. Hội mà không theo được những lý tưởng cao cả như trên là nỗi buồn của họa sĩ. Phải làm sao cho mọi người biết đến Hội mình? phải đổi mới Hội mình! Nghe tha thiết,  ưu tư, lo như nhân viên lo công ty phá sản!
2. Thành tích ngoài Hội
Mặt khác, ông X nặn tượng, ông Y vẽ tranh không phải là cán bộ. Thường ngày, các ông kiếm sống bằng  làm thiết kế mỹ thuật, dạy mỹ thuật, hoặc bán tranh. Không thực sự chủ động nhưng các họa sĩ và nhà điêu khắc đã trực tiếp hoặc gián tiếp làn thay đổi không gian sống, thay đổi bộ mặt thẩm mỹ của  địa phương. Trên cánh đồng mênh mông của mỹ thuật ứng dụng, các họa sĩ cày sâu, cuốc bẫm không ngơi nghỉ. Họ cật lực làm việc để kiếm sống, đáp ứng nhu cầu xã hội cần sự sáng tạo, đổi mới về thẩm mỹ, nên họ cũng góp phần nâng tầm cái nhìn thẩm mỹ của cộng đồng lên, từng bước. Tâm huyết và tài năng nghề nghiệp đã giúp họ thành công.
Một số họa sĩ  đi dạy mỹ thuật ở các trường phổ thông, các nhà văn hóa. Công việc  nhọc nhằn này phải luôn cần cảm hứng từ trái tim nghệ sĩ – thứ này không đưa vào kế hoạch được. Sản phẩm của họ là thế hệ mới có thị hiếu thẩm mỹ tốt hơn lớp trước – thứ này cũng không thể  kể lể trong các văn bản. Nhưng chúng ta có thể cảm nhận qua sự thay đổi về thẩm mỹ những năm gần đây từ sự thanh lịch của không gian sống, sự bay bổng của nhịp sống hàng ngày, từ vẻ đẹp của từng ngôi nhà, thời trang lớp trẻ đến… bó hoa bên ngôi mộ người vừa quá cố… Chúng ta có thể cảm nhận một thế hệ 9X, 10X có thẩm mỹ tốt, hội nhập với thế giới văn minh đang hình thành.
Đóng góp của các họa sĩ cho đời sống thẩm mỹ của địa phương là to lớn, nhưng lại không nằm trong báo cáo thành tích của cơ quan nào. Bù lại, dân chúng ghi nhận họa sĩ này vẽ thật chất lượng, họa sĩ kia trang trí nội thất bắt mắt lắm; đánh giá rõ ràng, đo lường cụ thể bằng số đơn hàng, bằng xấp tiền dày mỏng. Mặt khác, khi gây ra những thảm họa thẩm mỹ, quá lắm, họa sĩ cũng chỉ nhăn nhó giải thích rằng… rằng việc rồi cũng qua vì không có cơ quan nào ngó ngàng, kiểm điểm.
Có họa sĩ chẳng nhớ đến triển lãm, giải thưởng, vào Hội, ra Hội. Vì hoàn cảnh gia đình, vì chuyên môn, nhiều hội viên phải hoạt động vượt ra ngoài địa bàn tỉnh. Nhưng vì lòng yêu nghề, vẽ để cùng chơi với họa sĩ, chơi với anh em  mà vẫn  ngơ ngác trước sự “ hướng tới” cuộc triển lãm này, những đề tài đang “hot” ở cuộc thi nọ; hậu quả là có tranh hay, có tranh dở, có tranh cực đẹp mà không biết vẽ cho… ai khen và làm sao khen cho đúng. Có đồng nghiệp bảo sao phí, sao gàn, thậm chí sao ngu thế ? Đủ cả, chẳng biết thế nào là đúng. Chỉ biết, đồng nghiệp rất thích mấy kẻ này. Cả bọn hùa nhau bắt vào hội kẻo tội. Mấy bận “giúp đỡ” mà  “đối tượng” không làm nổi cái hồ sơ vào Hội, lâu ngày quên mất, cứ tưởng là hội viên rồi, hoặc có còn là hội viên không? Chơi với nhau không phân biệt trừ… lúc đi họp. Người nơi khác, có khi biết đến Đắk Lắk qua mấy anh chị này, khen vẽ đẹp, mua tranh, tượng của họ. Không quan tâm họ có là hội viên hay không.
3. Sáng tác, hoạt động mỹ thuật của Chi hội Mỹ thuật Đắk Lắk xem thế không chỉ gói gọn trong báo cáo hàng năm của Hội. Nó phong phú, sinh động lắm, tương ứng với sự phát triển của địa phương. Hoạt động mỹ thuật như vậy là lành mạnh, gắn liền với đời sống một cách tự nhiên. Hoạt động trong Hội, ngoài Hội đều vì chuyên môn, vì tình đồng nghiệp. Gặp nhau, dù ở hội họp hay giữa đường, là tay bắt mặt mừng, là hỏi chuyện đang làm gì? vẽ gì?… Những cuộc báo cáo thành tích ngang hông như thế thường  trung thực, có kèm theo nụ cười hạnh phúc, có kèm theo trào nước mắt chua cay.


1 nhận xét:

  1. Trong ấy đã Đại hội các chi hội xong chưa bác Chiến?

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI